- 28 -
Sát thủ,
gái điếm và đĩ đực

    
ôi gọi:
-Này Dã Nhân! Thầy hãy lắng nghe:
Những ngọn núi đứng im ngàn năm
Đã chết vì buồn thảm
Mặt trăng vật vờ trên không
Nhàm chán những vòng quay ảm đạm
°
Mặt đất chằn chịt dấu chân
Bị dày xéo bởi ngàn năm binh lửa
Những cơn hồng thủy và bão trời
Lột da mặt đất
°
Những bầy đàn người
Với chày đá và xương thú rừng
Với tên tẩm thuốc độc
Săn đuổi nhau trong rừng
Đập đầu trước cửa hang
Giành nhau một ngọn lửa
°
Giữa đàn người lầm than
Tuyệt vọng trên chiến địa
Nổi lên những cánh tay bốc lửa
Hạng Vũ, Bạch Khởi, Tần Thủy Hoàng
Vơ vét những thây người
Xây đắp cơ đồ muôn thuở.
°
Những cuộc thập tự chinh thời Trung cổ.
Trận cuồng phong trên yên ngựa
“Giết tất cả những ai cao trên thắt lưng”
Vứt xác người ra thảo nguyên mênh mông
Chiếm đoạt gia súc và đàn bà
Lùa vào cái miệng đầy máu
của Thành Cát Tư Hãn.
-Thầy hãy bình luận đi.
-Ta đang buồn ngủ.
-Tại sao?
-Vì ngươi chỉ nói được một nửa. Sao không thấy Hitler, Mao Trạch Đông, Napoléon, Pôl Pốt, Staline, Truman, Nixon, Bush? Chúng nó cũng là những sát thủ.
-Tôi để dành cho thầy.
-Ta mệt mỏi. Ta ỉa vào chúng nó, mặc dù bọn sử gia viết sách dạy lũ con nít rằng những thằng chó chết ấy là anh hùng.
-Thế thầy phủ nhận anh hùng sao?
-Không phủ nhận. Vì vẫn có anh hùng. Đó là những người chết ngoài mặt trận.
-Nhưng Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo… chẳng phải anh hùng sao?
-Khi đánh ngoại xâm thì họ là anh hùng, nhưng khi dành lại đất nước thì họ là những ông chủ. Họ coi đất nước là chiến lợi phẩm, dân tộc là bọn gia nô, đàn bà con gái là những món đồ chơi xác thịt. Chẳng lẽ phải gọi họ là anh hùng sao?
-Nhưng cũng có những minh quân, những nhà lãnh đạo yêu dân như con. Chẳng hạn như Nghiêu, Thuấn, như vua Vũ bên Tàu, như Gandhi bên Ấn Độ, như Nelson Mandela…
-Ngươi không nhớ Trang Tử nói gì về Nghiêu, Thuấn sao? Ở chương thứ 7 của Tạp Thiên ngài đã mượn lời Đạo Chích để mắng Khổng Tử: Thời Thần Nông, dân chúng sống thanh thản, người và thiên nhiên, người và cầm thú hòa thuận nhau, không ai hại ai, không ai tranh giành ai. Nhưng tới thời Hoàng Đế rồi Nghiêu, Thuấn, đặt ra quan chức, mưu cầu lợi lộc, gây ra chiến tranh, tan thương khắp nơi. Kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, nước lớn hiếp nước nhỏ. Đủ thấy bọn vua chúa, quan lại có ra gì, chỉ toàn một bọn gây loạn mà thôi. Vậy mà ông lại muốn ta chạy theo bắt chước cái bọn trâu ngựa ấy sao? Bấy lâu nay ông đã dùng xảo ngôn và hành vi giả dối để mê hoặc bọn vua chúa trong thiên hạ để cầu danh cầu lợi, mong được vinh hoa phú quý. Đó chẳng phải là hành vi trộm cướp sao? Tại sao thiên hạ không gọi ông là “kẻ cướp” mà lại gọi ta là Đạo Chích?
Xưa nay, để nói về một thời đại thanh bình người ta thường đem Nghiêu, Thuấn ra so sánh, nhưng đọc Nam Hoa Kinh ta thấy thời ấy cũng đầy những bọn sâu bọ. Còn Gandhi, ông ta là một anh hùng chứ. Vì ông ta đã chết cho nhân dân mà trên mình chỉ có một cái khố bằng vải thô.
-Vậy anh hùng là gì?
-Kẻ nào đem lại hạnh phúc cho quần chúng, kẻ ấy là anh hùng. Ta muốn nói tới những nghệ sĩ tài năng, những nhà khoa học, những nhà phát minh, những giáo sư bác sĩ, những nhà kinh tế…
-Các chính khách không có tên trong danh sách của thầy sao?
-Hầu hết là bọn ăn chặn, bọn trộm cướp và bọn nói dối. Mặt của chúng rất dày. Sao gọi là anh hùng được.
-Nhưng thưa thầy, nếu không có chính quyền thì…
-Trước đây ta đã từng dạy ngươi những thứ đó. Ngươi quên rồi sao? Tự cổ chí kim, từ đông sang tây…lúc nào chính quyền cũng vừa là bạn của dân, vừa là kẻ thù của dân.
Là bạn dân vì họ tổ chức xã hội, xây dựng bệnh viện trường học, đường sá… Là bạn dân vì họ trấn áp tội phạm (mặc dù họ là tội phạm đầu sỏ!). Không có chính quyền, xã hội sẽ loạn.
Nhưng chính quyền cũng là kẻ thù của nhân dân vì chúng ăn chặn tiền của nhân dân từ những công trình, chúng cấu kết với bọn tài phiệt trong và ngoài nước chiếm đoạt tài nguyên quốc gia, chúng bóc lột sức lao động của công nhân, nông dân, trí thức…chúng sống đời vương giả trên sự nghèo đói lầm than của quần chúng, chúng gây chiến tranh làm hàng triệu người chết, gây tang tóc cho nhiều dân tộc, nhiều thế hệ chỉ vì tham vọng cá nhân, vì quyền lợi đảng phái, và có khi chỉ vì một người đàn bà.
Chúng là người bạn bất đắc dĩ của nhân dân nhưng chúng là kẻ thù truyền kiếp của mọi dân tộc. Chúng ăn những bữa tiệc thịnh soạn và chúng chia cho dân những vụn bánh mì.
Vì thế ta muốn khuyên lớp trẻ: Các bạn đang sống trong một thời đại lừa đảo, giả dối, độc ác và rỗng tuếch. Phải tỉnh táo. Phải hiểu rằng những thứ như công lý, nhân quyền, độc lập, dân chủ, tự do, bình đẳng, truyền thống, dân tộc…toàn là đồ giả, toàn là mớ bầy nhầy được bơm silicôn cho phồng lên và trét đầy son phấn. Chúng nó tiếp thị những từ hoa mỹ đó để trang điểm cho chế độ của chúng nó. Thực tế trên mặt đất này không hề có những thứ đó đâu. Đừng tin. Hãy khạc nhổ vào chúng, ỉa vào chúng, đạp chúng dưới gót giày và hất vào lỗ cống.
Bọn cầm quyền thực tế là lũ đĩ đực, là lũ gái điếm chuyên nghiệp. Còn những gái điếm đang hành nghề trên đường phố, trong khách sạn, trong các ổ mại dâm chỉ là đám dân nghèo bất đắt dĩ, những kẻ bất hạnh bị xô vào hoàn cảnh. Họ ỉa vào những thứ hoa mỹ ấy, họ chỉ cần cơm, áo. Và thuốc để chữa bệnh giang mai, bệnh lậu, bệnh AIDS…
Tôi hỏi Dã Nhân:
-Nhưng liệu lớp trẻ chúng có nghe thầy không? Dường như chúng không quan tâm đến những điều mà tôi và thầy hằng bức xúc. Chúng đang cuồng lên vì điện thoại di động, đang say mê giới tính, đang chụp giựt ái tình, chúng mặc xác tham nhũng, mặc xác chiến tranh, mặc xác khủng bố, mặc xác nhân quyền…ai làm gì mặc kệ, chúng chỉ biết ôm nhau trong công viên, trong vũ trường, trong toa-lét.. còn những công nhân viên chức thì chỉ nghĩ đến đồng lương, đến cái ghế của mình. Họ không biết, không nghe, không thấy.
Kể cả những anh thợ hồ, những phu xích lô, những gái điếm, những trẻ bụi đời, những người thất nghiệp… cũng dửng dưng với tất cả. Họ cúi mặt sống. Họ im lặng nằm co trong ổ chuột của mình. Họ âm thầm nhai miếng cơm chan mồ hôi nước mắt và chẳng bao giờ nghĩ: tại sao? phải làm gì?
Dã Nhân cười ha hả:
-Thì đó chính là sự đầu hàng tập thể mà ta từng nói với ngươi. Đó chính là cách họ “sống chung với lũ”, sống chung với trộm cướp.
-Vậy thì chúng ta viết cuốn sách này để làm gì?
-Để bảo họ đừng đầu hàng. Để bảo họ tố cáo. Và đó là cách duy nhất để nhân dân có thể xác lập cái “nhân quyền” của mình. Nhân quyền không phải là thứ được ghi trong hiến pháp, cũng không phải là thứ mà nhân dân phải xếp hàng để chờ ban phát. Nhân dân phải tự khẳng định nhân quyền của mình bằng sự tố cáo, vạch mặt, bóc trần những dối trá, đập vỡ những huyền thoại. Đó là thứ NHÂN QUYỀN duy nhất có thật trên cõi đời này.