29.Bùi Giáng

    
ùi Giáng là một hiện tượng. Hiện tượng Bùi Giáng không phải là hiện tượng thi ca hay tư tưởng mà là hiện tượng về sự phá hủy.
Không là thi ca vì Bùi Giáng rất ít khi làm thơ mà chỉ bỡn cợt nó, chế giễu nó. Không là tư tưởng vì Bùi Giáng không có cái nhìn nhất quán về kiếp người từ đó chọn cho mình một thái độ sống. Thái độ hiện tại của ông không phải là thái độ sống mà là thái độ phá hủy cuộc sống. Ông muốn tìm về cái bản thể nhưng lại làm rối loạn cái bản thể ấy và tưởng lầm đó là cái bản thể.
Thực ra cái bản thể của tự nhiên vốn tĩnh lặng, trầm mặc và không lời. Cũng giống như Lão Tử nói: ”Ðạo khả Ðạo phi thường Ðạo, Danh khả Danh phi thường Danh“. Hoặc như Khổng Tử nói: ”Dư vô dục ngôn, thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, bách vật sinh yên”.
Cũng có thể hiểu Bùi Giáng như thế này: Ông coi đời là hữu hạn, là phi lý, là chốn lưu đày, là cõi phù du, là cái mớ bòng bong vớ vẩn và ông đã chọn cho mình một cách sống cũng rối bòng bong, vớ vẩn. Nếu các nhà văn hiện sinh từng nói: ”Tôi phản kháng, vậy tôi hiện hữu“ thì có lẽ Bùi Giáng muốn nói: ”Tôi phá hủy, vậy tôi hiện hữu.”
Từ dạo thấu thị cái vớ vẩn của cõi ta bà, ông đã cột trái tim mình trên chùm bong bóng bay, thả lửng lơ trong cõi mộng mị, mê muội, rối ren, xóa nhòa lý trí, đồng hóa ý nghĩa lồng lộng và đầy bi kịch của phận người với mớ bòng bong hỗn mang. Bùi Giáng ý thức nỗi phi lý của phận người nhưng không cười khẩy nó hay âm thầm gặm nhấm nó như Sartre, như Stéfan Zweig, như Thôi Hiệu, Lý Bạch… không có sự tĩnh tại của Hermann Hess trong ”Câu chuyện dòng sông“ không có nụ cười mỉm thanh thoát của một thiền sư, hay sự dửng dưng của Meursault mà cứ chúi mũi vào tồn lưu (existence) rồi lăn lộn khóc cười giữa phố. Ông phá hủy thơ ông, phá hủy đời ông. Và ông phá hủy chính ý nghĩa của sự phá hủy đó.
Có thể có người cho ông là vĩ đại, nhưng dù vĩ đại hay không thì ông cũng phải là một cái gì đó: hoặc là nhà thơ, hoặc là nhà hiền triết. Thực tế ông bỡn cợt thơ và ”quấy rối tình dục“ tư tưởng của ông. Toàn bộ suy nghĩ của ông chỉ là sự tập hợp của những khát vọng vụn vặt về tình ái và lẽ tử sinh. Tất cả xách động ông xuống đường múa may vung vít. Tại hạ không chê bai sự si tình của ông vì tại hạ cũng là kẻ tình si rất mực, nhưng nếu Bùi Giáng tiên sinh đã mê gái thì xin hãy đưa nương tử của mình thành tín ngưỡng, suốt đời thờ phụng, cung kính, lễ bái bốn mùa. Bùi Giáng đã từng làm những vần thơ rụng tim người đẹp, ngất ngư nhân loại như sau:
Ngày mở mắt ngó trời xanh xa thế
Ở đây là màu đất cỏ xuân non
Hè nắng xót mà Thu Ðông buồn thế
Với tình yêu em giữ mất hay còn?
Trong khóe mắt em ngậm ngùi ngày đó
Lúc xa nhau về đối diện trăng tà
Màu nước chảy vô ngần không giải tỏ
Gió biên thùy về Bích Ngạn chiêu hoa.
Thế thì tại sao tiên sinh lại gieo vần dễ dãi như thế này:
Gặp nàng, nàng ở Già Lam,
Gặp cô, cô ở Lê Quang Ðịnh đường
Nhà thuốc tây, gái du dương
Bốn tám hai (482) hẻm tôi thường vào ra.
(Trích ”Gặp chư cô nương”)
hoặc:
Ông Bác hôm nay có vẻ vui
Bởi vì ông thấy thục nữ cười
Ðầy đủ hai môi thật tươi thắm
Hai hàm răng ngọc sáng ngời ngời
(Trích Ông Bác Bùi)
Còn nếu tiên sinh đã ngộ thì xin đừng lan man, ba phải, lai rai, đừng khen chê theo kiểu lấy lòng.
Trong tập Thi Ca Tư Tưởng ông đã khen những gì đáng khen nhưng ông lại không chê những gì đáng chê. Một đoạn ông viết về Tuệ Sỹ như thế này:
“Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia không hề bao giờ có vướng lụy lại còn mang một nguồn thơ phi phàm. Một bài thơ ‘không đề’ của ông đủ khiến ta khiếp vía, mất ăn mất ngủ”.
Ðôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.
Mới nghe bốn câu tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ”.
Bốn câu đó không chỉ làm Bùi tiên sinh rúng động mà tại hạ cũng bàng hoàng.
Nhưng trong tác phẩm Thi Ca Tư Tưởng Bùi Giáng giới thiệu cả trăm nhà thơ đủ mọi quốc tịch, từ Xuân Diệu đến René Crayssac, từ Tagore đến Ngân Giang nữ sĩ, Vân Ðài nữ sĩ rồi Nguyễn Du, Shakespeare, Heidegger, một cô bé tên Phạm Thị Lan nào đó (Thi Ca Tư Tưởng trang 73 – NXB Ca Dao 1969) và cả… Thượng đế. Hễ ai dính dáng tới ái tình, tới chuyện tử sinh là ông khen, bất chấp hay dở, cũ mới, lớn bé, bất chấp người đó là ông A bà B nào mà ông tình cờ nhặt được trong cơn nổi hứng. Ðủ thấy Thi Ca Tư Tưởng là một kiểu phê bình nhận định ngẫu hứng vừa sâu sắc vừa ba phải tào lao đến cỡ nào.
Tuy nhiên khi viết văn xuôi về giới quần thoa nương tử thì Bùi Giáng mới thật sự bộc lộ hết sự uyên thâm bát ngát trong triết lý mê gái thượng thừa của mình. Trong bài ”Mẫu Thân Phùng Khánh“ có những đoạn rực rỡ như vầy:
“Nhiều người hỏi tôi có quả thật Phùng Khánh đã có đẻ tôi ra đời chăng. Bà đẻ tôi ra lúc nào?
Sự thật là Phùng Khánh chẳng hề có đẻ ra tôi một phen nào cả. Tôi nay bốn mươi bốn tuổi đầu. Phùng Khánh chỉ mới hai mươi sáu tuổi. Làm sao một thiếu nữ hai mươi sáu tuổi lại có thể đẻ ra một ông cụ luống tuổi bốn mươi bốn, bốn mươi lăm? Nếu muốn đẻ ra được tôi thì ít nhất Phùng Khánh cũng phải lớn hơn tôi một vài tuổi mới được. Chẳng thể nào kẻ nhỏ tuổi lại đẻ ra một người lớn tuổi. Như vậy là trái đạo trời, đạo trời không cho phép một người mang nặng đẻ đau lúc người ấy chưa ra đời.
Thế thì bởi đâu Phùng Khánh lại là mẫu thân của tôi? Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Tôi là con người, vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh thì chẳng ra tôi chẳng phải con người? Chẳng ra tôi là con vật…”
Hiển nhiên Bùi tiên sinh không chỉ mê Phùng Khánh mà còn mê cả tam cung lục viện, từ Brigitte Bardot, Marilyn Monroe đến Thúy Kiều, hay ni cô Trí Hải…
Bùi Giáng là chàng si tình số một trên cõi đời này và vì mê gái mà chàng thi sĩ tài hoa kia sẵn sàng phá hủy thi ca của mình, phá hủy thân xác của mình.
Và chính điều đó – chứ không phải thi ca, tư tưởng hay sự uyên bác – đã làm cho ông vĩ đại.
(trích Ðặc Tuyển Thời Văn số 19)