Ron Dawson, gọi giật ngược Sao Mai dù cô đã bước vào thang máy, rồi đâm bổ theo cô. Thang máy khá đông người nhưng anh ta vẫn oang oang nói với cô bằng thứ tiếng Việt tồi không thể tả. - Tôi với cô nhận cái hợp đồng quảng cáo áo cưới ở ảnh viện Thiên Thai nhé? Rất... đẹp mắt. - Xin lỗi Ron. Tôi đã nhận hợp đồng Cây Bèo rồi. - Cây Bèo có gì mỹ thuật đâu. Lại là hợp đồng ít tiền. Ron cằn nhằn theo cô về tận phòng làm việc. Sao Mai vẫn lắc đầu. Chẳng phải cô không thích làm việc chung với Ron, anh ta vẫn là sinh viên ngành Đông Phương học, đang học tại đại học nhân văn, hợp đồng làm việc cho công ty quảng cáo để kiếm tiền. Anh ta rất sôi nổi, nhiệt tình, năng động với bất cứ công việc nào đẻ ra tiền. Còn cô chỉ làm hợp đồng nào mình thích, hoặc ngắn ngày và tuyệt đối không đi xa. Đó là yêu cầu khi được nhận việc với lý do con nhỏ. May mà công ty quảng cáo này mới thành lập nên dễ dàng chấp nhận và cô làm việc nửa tháng rồi. Mặc Ron đứng tiu nghỉu, Sao Mai nhấc điện thoại gọi lên phòng giám đốc: - Dạ tôi đã hoàn thành phần thiết kế mỹ thuật, có thể trình giám đốc xem bây giờ không ạ. -... - Dạ vâng, tôi lên ngay. Cô chụp vội kẹp giấy, cười lớn với Ron, rồi chạy ù. Ron bứt tóc, ngẩn ra. "Làm sao cô ấy xong nhanh vậy kìa?" Bảo, cùng tổ thiết kế mỹ thuật bước vào, nghe Ron lẩm lẩm, vỗ bộp vào vai anh ta nói: - Này! Cậu si con bé à? Nói không rõ, nhưng nghe và hiểu rõ kể cả những từ tiếng lóng, Ron ngượng nghịu đáp: - Sao Mai... dễ yêu lắm. Bảo cười phá: - Thế mày nói với cô ta chưa? Này, Sao Mai có đứa con gái rồi đó, không phải gái tơ đâu. Ron trố mắt: - Con gái? Sao Mai có chồng rồi à? - Không có chồng, nhưng có con. Ai cấm? Bảo rùn vai ngồi vào bàn vi tính: - Mới 24 tuổi mà con gần năm tuổi rồi, mày có ngại làm ba ghẻ không? Ron đáp không do dự: - Không ngại, tôi thích trẻ con. Mắt chăm chú vào mành hình vi tính, Bảo gật đầu: - Tao phục mày đấy. Vậy tấn công đi, tao ủng hộ cho. Ron ngập ngừng: - Anh Bảo... không còn... thích Sao Mai à? Vẫn thoăn thoắt tay trêm phím, Bảo thản nhiên nói: - Thích chứ, nhưng là đồng nghiệp nên không thể qua đường rồi bỏ, đành dừng lại ở quan hệ bạn bè. - Tôi không hiểu. Bảo dừng tay, ngẩng lên nghĩ ngợi rồi nói: - Tao không muốn làm ba ghẻ. Tao là người đàng hoàng nên biết giới hạn dừng. - À, tôi hiểu - Ron gật gù, hớn hở - Này anh làm chung hợp đồng áo cưới Thiên Thai nhé! Bảo sáng mắt. Hợp đồng này bộn tiền, ngoài lương tháng, người ký được hợp đồng có khoản tiền phần trăm hoa hồng. Bảo vuột mất nó vì bà chủ áo cưới, ảnh viện chỉ thích mác người nước ngoài. Đúng là ngu chưa từng thấy. Nhưng Bảo vốn rõ ràng minh bạch. - Mày có điều kiện gì không? - Không có, hai cái đầu tốt hơn một cái mà. Bảo vẫn nghi ngờ, xoáy mắt nhìn vào Ron. - Không dính tới Sao Mai chứ? Ron cười toe, quơ tay: - Không, tôi thích tự mình chinh phục. Tại phòng giám đốc, Sao Mai giới thiệu xong phần thiết kế mỹ thuật trên đĩa CD. Hình ảnh từng cụm hoa bèo trải màu tím dịu bát ngát trên màu xanh lá trôi chậm theo dòng nước, rồi nhanh dần, xoay tròn tuôn ra những bàn ghế, xách tay khiến bốn người ngồi xem thú vị. Người đàn bà ngồi kế Sao Mai, nhây nhây điếu thuốc trên môi, nhìn qua cô, nói: - Này! Cô học cả nghề làm đạo diễn của tôi nữa à? Cô đỏ mặt, ngượng nghịu đáp: - Dạ không, em thấy các hình thiết kế hơi.... buồn, nên muốn khi trình với giám đốc nó sinh động hơn. Người đàn bà nheo mắt nhìn cô rồi quay sang người thanh niên mặc vest nói: - Hoàng này! Chị nghĩ tốt đấy, mai quay được rồi, từ giờ tới chiều, tổ quay phim chỉ còn lọc lại các cảnh và hội ý với các diễn viên minh họa. Nhổm lên khỏi ghế, Hoàng nhìn Sao Mai: - Cô làm tốt lắm, sau hợp đồng này tôi sẽ xem lại việc trả lương chính thức. Sao Mai mừng quýnh, rối rít: - Cảm ơn giám đốc, cảm ơn chị Tịnh. Cô đi như bay ra khỏi cửa, cả tổ làm phim và giám đốc nhìn theo lắc đầu, bật cười khi nghe tiếng hát cô văng vẳng: "Mẹ bảo bé hay cười, mẹ bảo bé thật xinh xinh... " Hoàng chép miệng: - Tôi không nghĩ cô ta là bà mẹ 24 tuổi. Xoa bụng vẻ no, cô bước vào trong, véo von chào người đàn ông mập ú đau đáu cặp mắt nhìn cô, bằng vẻ hồn nhiên tươi tắn. - Thưa ông chủ, tôi đến rồi. Hôm nay giao hàng tận đâu ạ. Gã chủ giao cô đống phiếu giao hàng, cô đi sâu vào căn nhà xưởng với tiếng máy chạy ầm ầm, vượt qua hàng mấy chục công nhân đứng máy, vào phòng tắm thay bộ đồ lao động trở ra. Chụp mũ lưỡi trai lên đầu, bịt khẩu trang, đeo kính râm che nắng và bụi, Sao Mai thốc lên chiếc xe ba gác chất đấy những bịch ni lông từng bao lớn với dòng chữ người nhận viết bên ngoài. Cô đạp cho máy nổ, thành thạo lái xe chạy vù ra khu chợ giao hàng. Từng chỗ đến, cô vác từng bao hàng giao khách, đưa giấy ký nhận, luôn tươi cười nói cảm ơn, hết sạch lại chạy xe về hãng chất đầy xe chở đi. Đúng một giờ chiều cô giao được hai xe hàng, vội về giao xe, tắm rửa, thay lại bộ đồ công sở, phóng xe đi làm. Chạy ngang nhà mẫu giáo 30.4, cô sung sướng nghĩ thầm: "Chỉ mấy tháng nữa thôi Thảo Nguyên được vào học rồi, mình từ giờ tới đó phải cố gắng kiếm thêm nhiều tiền mới được ". Phòng thiết kế chỉ còn mỗi cô, Ron cùng Bảo đi khảo sát chi tiết ở ảnh viện. Ngồi vào máy, cô rà soát mọi chi tiết hợp đồng quảng cáo Cây Bèo cẩn thận, chợt có ý nghĩ: "Cây Bèo qua mấy ngàn năm vô dụng, giờ bắt đầu thành loại hàng mỹ phẩm phục vụ tiêu dùng trong nội thật với giá trị cao. Sao Mai mình nhất định phải hơn loài bèo trôi nổi". Xong việc đâu đấy, cô đứng lên tắt vi tính, đi qua phòng tiếp thị hỏi nhận việc mới, tổ trưởng tiếp thị là Nhân, một anh chàng năng nổ, thấy cô, nói liền: - Mới mua được hai tin, một ở thằng Pepsi muốn làm quảng cáo loại nước mới. Một ở siêu thị 3/2, là gian hàng trái cây cao cấp với dịch vụ giao tận nhà, phục vụ theo mọi yêu cầu. - Giao hợp đồng trái cây cho Mai đi. Nhân nhăn nhó: - Đã ký được đâu, mới mua tin thôi mà. Giờ tôi đi chào họ đi. Cô rảnh không? - Để Mai báo với giám đốc đã. Cô gọi cho Hoàng, anh nghe xong nói đồng ý rồi buông máy. Lạ là sau đó anh không tập trung được, liền đứng lên, hé rèm cửa nhìn xuống dưới. Dăm phút sau thấy Sao Mai ngồi sau xe Nhân chạy ra cổng. Hoàng đến ngồi ở ghế salon, ngả đầu ra sau nhắm mắt. Hoàng nhận cô vào thử việc hoàn toàn vì nụ cười của cô, Sao Mai không biết điều ấy. Cô nộp cho anh tấm bằng tốt nghiệp đại học kinh tế, ngành Makerting, học đến sáu năm mới ra trường nhưng lại ghi trong đơn xin việc rằng đã có học một năm về đồ họa mỹ thuật và rất muốn làm về thiết kế mỹ thuật quảng cáo. Khi anh phỏng vấn, cô nở nụ cười tươi tắn trước mỗi câu trả lời, khi anh nói khó có hy vọng nhận cô vào làm, cô vẫn tươi cười nhã nhặn nói cảm ơn và xin lại hồ sơ. Thế rồi chẳng hiểu sao anh nói cho cô thử việc một tháng, còn cô để cảm ơn sự chiếu cố của anh có hứa: "Tôi sẽ làm bất cứ công việc nào của công ty nếu còn thời gian rảnh". Nhưng ngay ngày đầu đi làm, cô lại gõ cửa phòng làm việc của anh đưa ra yêu cầu: " Vì có con nhỏ nên mọi hợp đồng đi xa và quay ngoại cảnh dài ngày, tôi không thể làm." Cô đã làm cả công ty sửng sốt, còn cô vẫn tươi thắm nụ cười mở to mắt đợi anh trả lời. Là ai nhỉ? Chính Nhân gài cô: - Nếu vậy, cô phải làm thêm phòng tiếp thị, ai lại ăn lương đủ mà làm chỉ một nửa? Cô đồng ý liền: - Được, cả thiết kế, tiếp thị. Thế là anh không có cơ hội đuổi việc cô, và qua hơn nửa tháng, anh lại thấy mình may mắn. Hoàng nhếch môi cười khổ một mình. May mắn hay khổ đời đây? Quái quỷ cái nụ cười của con bé, tại sao nó "dại dột" ở tuổi ấy nhỉ? Hoàng ơi Hoàng! Mày mơ tưởng gì hả? Gái một con có mòn thứ gì cũng không mở được cửa vào nhà mày đâu. Hoàng uể oải đưa tay nhấc điện thoại sau mấy hồi reo: - Alô. - Em đây! - Vĩnh Hoa! - Anh nhổm lên, vui mừng nói như reo - Em rảnh rồi à? Cô gái cười khúc khích ở đầu dây: - Bận thêm thì có, nhưng bây giờ đến hết ngày hôm nay không muốn làm gì. - Mười bảy giờ anh đón em. - Hoặc bây giờ, hoặc để dịp khác - Giọng cô vẫn ngọt ngào, kiêu hãnh, với chút giễu cợt - Bỏ thói nguyên tắc của anh khi em cần, được chứ? - Thôi được, anh đến ngay. Đặt máy xuống, Hoàng đi nhanh vào phòng trong, nơi anh thường nghỉ lại trưa, ở đấy có đầy đủ tiện nghi. Anh tắm vội, thay bộ cánh đi chơi, ù xuống lầu, huýt sáo một đoạn nhạc vui, không hề thấy Sao Mai cắm cúi bên Nhân ở tổ tiếp thị. Hoàng lái xe rời công ty, khiến đám nhân viên nhìn theo ngạc nhiên. Anh chàng Nhân nói: - Nhà xếp có chuyện chắc. Úa rồi! Sao Mai cau mày: - Sao lại nói chuyện xui xẻo vậy? - Vì xếp chẳng bao giờ về trước nhân viên cả, trừ phi có sự cố. Sao Mai phẩy tay: - Anh có nói quá không? Ổng muốn đi lúc nào ai cấm? Cũng có thể đi liên hệ khách hàng. Nhân và đám nhân viên đồng loạt lắc đầu: - Cô không biết đâu, đi liên hệ khách hàng, ổng không bao giờ đi một mình. - Kỳ dzậy? - Sao Mai bĩu môi. - Vì ổng không biết nhậu - Nhân cười khà - Cậu ấm độc tử nhà Ngô Sĩ được giáo dục rất khuôn phép. Một ngày đều có thời gian biểu từng giờ và sống lành mạnh lắm. Sao Mai nhìn đồng hồ: - Vậy xếp mình quá ngon lành còn gì - Cô nói với Nhân - Mai về đây, anh Nhân cứ ghé qua chỗ trái cây lần nữa xem, phải gặp trực tiếp xếp của họ mới chắc được. - Em cùng đi chứ? - Không, ngày mai đi quay Cây Bèo. Đúng 16h30, Sao Mai rời công ty, phóng xe ù về nhà. Cô dừng ngay nhà sách đầu đường, mua cho con hộp bút chì màu và tập hình vẽ. Tạt qua chợ nhỏ gần đó, mua thức ăn rồi cho xe đến thẳng căn nhà rộng khang trang có treo tấm bảng "Giữ trẻ". - Thảo Nguyên! - Cô gọi lớn. Thảo Nguyên chạy ra mừng quíu, theo sau nó là người phụ nữ trạc bốn mươi, khỏe mạnh, sạch sẽ. - Chào cô Tư về con. Thảo Nguyên rối rít chào, chạy ra đưa tay để mẹ đỡ lên xe, mặt tươi hơn hớn. Cô Tư khen: - Hôm nay Thảo Nguyên ngủ đến ba giờ mới dậy, ăn hết chén súp không đổ tí nào. Rất ngoan đó Mai. - Con rất ngoan, mẹ thưởng ông... - Không được nói bậy - Sao Mai chận ngang. Cô Tư cười phá: - Em xấu hổ làm gì. Cả xóm ai cũng biết Thảo Nguyên thích mua một ông ba - Cô Tư lại cười, ngắm Sao Mai nói - Em giờ tốt rồi, công ăn chuyện làm không hết, ra chốn mần ăn thiếu gì người để ý. Coi tìm một chỗ nương tựa, chớ còn trẻ quá mà. Sao Mai đỏ rần mặt, xua tay: - Tội em quá chị Tư. Em về đây. Cô chạy xe đến tận cùng con hẻm, vào căn nhà bé tẹo như cái hộp diêm nhưng rất sạch sẽ gọn gàng. Một bà già từ nhà đối diện đi ra, hỏi: - Hai mẹ con về rồi à? Sớm à nghen. - Dạ, nhờ con đi xe máy, bà Bảy. Thảo Nguyên! Chào ngoại Bảy rồi đi tắm rửa. Con bé líu lo với bà Bảy một lúc rồi mới vào nhà, tự tìm quần áo đi tắm. Nó tự tắm một mình, vùng vẫy trong phòng tắm để mẹ nấu cơm. Ghim bếp điện bắt cơm xong, Sao Mai làm đồ ăn, cho nồi canh lên bếp rồi vào tắm lại cho con, lát trở ra, ngồi lên bàn nhỏ kê góc nhà, đưa đồ vẽ nói: - Con tô màu Nai con đi, ngồi yên để má dọn cơm. Có bút là Thảo Nguyên mê mải, Sao Mai phải rứt con ra đặt vào mâm cơm. Hai mẹ con ăn xong, dọn dẹp đã sáu giờ chiều. Bấy giờ Sao Mai mới rê chân đến giường, kéo riđô, nói với con: - Má nằm nghỉ chút còn đi làm, Thảo Nguyên ngoan nhé. - Má có nhức mỏi không để Thảo Nguyên đấm bóp. - Có đấy! - Cô rã rời nói, miệng vẫn cười với con, tay vặn đồng hồ để chuông 6h45. Chỉ cần nhắm mắt nghỉ ngơi nửa giờ. Thảo Nguyên lăng xăng leo lên giường ngồi bên mẹ, đôi tay bé tí bóp bóp xoa xoa coi bộ rành rẽ lên chân, tay Sao Mai. Cô mỉm cười vui sướng líu ríu mắt nói: - Con ngồi canh má ngủ đừng đi đâu nghen. - Con biết mà. Bỏ đi, ông bắt cóc sẽ bắt má đi bán, ai nuôi con. Bà Bảy lững thững đi ra, nhìn cảnh tượng trên lắc đầu. Tội nghiệp hai mẹ con, mới đó đã bốn năm tha phương, lạc loài tới đây. - Ngoại Bảy! - Thảo Nguyên vẫn hì hục bóp chân mẹ, mắt tròn xoe như hai hột nhãn, nhìn bà toét miệng cười khoe - Thảo Nguyên bóp chân cho má hết nhức mỏi. Bà Bảy gật đầu: - Ờ, đủ rồi, xuống đây với ngoại. Thảo Nguyên xem ra mỏi tay lắm, được lời, mừng rỡ tuột xuống giường, đến nằm lăn, bò lê dưới nền, cạnh bà Bảy, ríu ríu hát. Bà Bảy đủng đỉnh nhai trầu, kéo khăn lau mép, chợt Thảo Nguyên ngừng hát nói: - Ngoại Bảy ơi! Má con giờ nhiều tiền lắm nghen. - Sao con biết? - Má con kể gì mà làm ba, bốn chỗ, được nhiều triệu đó. Vậy mua ông ba được chưa? Bà Bảy vuốt mép trầu, cằn nhằn: - Cái chị Sáu này tính cà rỡn hổng bỏ, làm con nhỏ cứ dị òm, còn cháu chắc lại thơ ngây. Vuốt tay lên tóc Thảo Nguyên, bà Bảy dặn: - Con đòi mua ba hoài, má mày buồn đa. Đừng có nghe lời bà Sáu. - Nhưng ba oai lắm ngoại Bảy, thằng Tý sún, con Búp em đều có ba bồng đi chơi bảnh lắm. - Vậy má bây hổng bồng bây đi chơi hoài đó sao? Thảo Nguyên ngẫm nghĩ rồi buồn thiu nói: - Con cũng thích có ba hà, giống như cái bác hồi sáng, thơm phức nghen, bồng con rồi cho con uống sữa héng, rồi cho con vẽ nữa, nhà đẹp ghê luôn. Bà Bảy ngẩn ra, con bé thích có ba rõ mười mươi rồi, cả xóm ai không biết? Thế nhưng chẳng phải ai cũng được nó thích làm ba. Bằng chứng, bọn nó chịu cho bồng, con nít có thiên tính, ai thương nó thật lòng nó biết, bọn trai kia chỉ mê bóng sắc Sao Mai. - Bác đó là ai? - Con hổng biết. Bác có nhà vẽ ảnh... quên, vẽ tranh to lắm. Má quét dọn, còn bác bồng con lên lầu. Rồi bác ngủ mất tiêu, má bắt con về chỗ cô Tư. Ra vậy! Người chủ chắc hổng ngó tới con nhỏ lao công rồi, chỉ là có lòng nhân hậu với trẻ thơ. Bà Bảy ngồi thêm một chập, nghe đồng hồ reo, thấy Sao Mai lồm cồm bò dậy, đủng đỉnh nói: - Coi rửa mặt mày cho tỉnh táo rồi đi. Chừng này bây về? - Dạ khoảng chín giờ, nếu trễ, bà Bảy cho Thảo Nguyên ngủ dùm con, rồi đóng cửa. - Được rồi, bây cứ đi. Thảo Nguyên quen rồi chuyện mẹ đi làm tối, gởi nó cho bà Bảy, thâm tâm nó còn thích thú vì cứ như thần thoại vậy, nửa đêm mở mắt, bỗng dưng có má ôm nó trong lòng. Nó mè nheo: - Nếu về sớm má mua chè thưng nghen. Tất tả thay áo quần, Sao Mai vẫn ừ với con. Như thường lệ, cô búi tóc gọn gàng, ghim chặt bằng chiếc trâm nhựa, mặc bộ bà ba lụa sáng, ra xe chạy đến trạm xá phường. Người nhà các sản phụ, thấy cô tươi cười đưa từng bịch đồ. Cô gom hết, đem vào nhà giặt, phân loại của mẹ, của bé, cho vào thau lớn thau nhỏ, xả nước, giũ chất dơ, ngâm xà bông rồi giặt xả sạch, cho lại vào túi từng người một, đem trả. Người nhà sản phụ thường rộng rãi, ngoài tiền giặt cố định còn cho thêm dăm ba nghìn, rồi đường, sữa, trứng, trái cây nếu sắp về nhà. Ai cũng thương mến cô ở tính cẩn thận, sạch sẽ lại hiền hậu, biết quan tâm mọi người, đặc biệt tài ru trẻ con nín khóc. Xong đâu đó, khi trạm xá thưa người, cô bắt đầu dọn lau nhà, đến chín giờ là sạch bóng từ trong ra ngoài. Cô bác sĩ trạm trưởng đêm nay trực gọi vào thân tình hỏi: - Thảo Nguyên nó khỏe không em? - Dạ khỏe, sắp cho đi mẫu giáo rồi ạ - Cô cười thật tươi. Cô bác sĩ ngậm ngùi thương cảm cầm tay Sao Mai vỗ vỗ nói: - Thương em quá Mai ạ. Và giờ thì mừng cho em, quá mừng. Nuốt ực cảm giác nghẹn ngào dấy lên bất chợt, Sao Mai đáp nhỏ: - Cảm ơn chị. em được chị giúp đỡ nhiều - không muốn chìm vào nỗi đau quá khứ, cô nhìn đồng hồ nói - Em về kẻo Thảo Nguyên trông. Cô bác sĩ gật đầu, lấy ở bàn chiếc phong bì trao cho Sao Mai, nói: - Tiền lương nửa tháng của em đây. À này Sao Mai! Giờ em ra trường rồi, có việc làm rồi, chuyện dọn dẹp ở đây... - Không có gì thay đổi đâu chị. Nếu chị thương em... - Cô cho tiền vào túi tư lự nói - Bây giờ còn trẻ, còn sức khỏe, em phải làm kiếm tiền để dành lo cho tương lai Thảo Nguyên. - Chị hiểu! - Người bác sĩ ôm lấy Sao Mai, giấu xúc động tràn ra khóe mắt - Trời có mắt em à, sẽ có một ngày em sung sướng, hạnh phúc. - Vâng, em tin chị ạ. - Cô lại mỉm cười. Đoạn đường này về nhà xa nhất, nhưng cô lại thấy gần vì quen đi đường tắt, hơn nữa lại đi bằng xe máy. Thế nhưng khi cô về tới, Thảo Nguyên đã ngủ, còn bà Bảy đang ngồi thong thả nhai trầu trước hiên nhà. Quá quen thuộc với cảnh này, cô hỏi: - Bà Bảy! Chú út lại chưa về sao? - Ừ, nhưng dù nó về sớm bà cũng chưa ngủ được - Nhổ bã trầu vào ống, bà cười móm mém nói tiếp - Người già ngủ ít để suy ngẫm sự đời. Kìa, bây vô ngủ đi, làm quần quật cả ngày rồi. - Dạ, con cảm ơn bà Bảy. Cho xe vào nhà, khóa chặt cửa. Lúc ở trạm xá đã tắm rồi nên cô chỉ thay đồ rồi lăn vào giường, ôm con hôn trơ trất, và rất nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Đêm ấy, cô có giấc mơ đẹp lạ lùng, cô thấy hai mẹ con đi trên thảm cỏ hoa, giữa những bức tranh lộng lẫy, theo tiếng gọi ai đó xa vời: "Hãy đến với anh, anh chờ em bao năm rồi". Một ngày làm việc của Sao Mai kết thúc như vậy đó.