Chương 4

Đúng 4 giờ 30 sáng, Dương thức giấc, nghĩa là anh thức sớm hơn một tiếng, theo thường lệ. Rời giường, anh bước ra sân thượng khởi động bài thể dục, tập tạ, sau đó đi bài Thái cực quyền.
Tắm rửa xong, anh uống ly sữa tươi không đường. Một thoáng ngẫm nghĩ, anh thay âu phục chỉnh tề, đi xuống xưởng vẽ. Anh nghĩ sẽ gặp Kiên ở đó, thế nhưng chỉ mỗi mình Sao Mai đang đứng trên thang nhôm lau cửa chớp hát nho nhỏ: "Bác gà trống mới gáy, ông mặt trời chưa dậy, mà trên vườn hoa em đã thấy chị bay... Bé ngoan của chị ơi, hôm nay..."
Đứng dựa tường khoanh tay, vẫn với vẻ lạnh lùng muôn thuở, Dương lặng lẽ đứng nhìn Sao Mai làm việc, có vẻ như quen với công việc lắm rồi, cô trong bộ đồ lao động vẫn nhanh nhẹn gọn gàng, đôi tay trong găng cao su vẫn linh hoạt trên từng lằn gương sáng bóng.
- Sạch rồi! - Cô reo lên, ngúc ngoắc mái đầu với búi tóc to sau gáy ngắm nghía công trình mình, rồi nhanh nhẹn leo xuống thang.
- Cẩn thận đấy! - Dương buột miệng và anh khiến cô giật nẩy mình suýt té. Anh bước vội tới, cô vừa kịp vịn thang đứng vững và nhìn thấy anh. Cô có vẻ bối rối lo sợ, gượng cười, lễ phép nói:
- Chào giám đốc, ông dậy... sớm...
Dương nhìn thẳng cô, nói ngắn gọn:
- Làm xong lên gặp tôi.
Anh quay đi, thoáng thấy rèm mi dài mong manh rũ xuống, chợt nhói lên cảm giác mình ác độc. Mắt anh hiện lên bờ môi cô thoáng run, hơi bĩu ra như trẻ thơ hờn dỗi, bờ môi hồng thắm không son và cánh mũi thanh tú phập phồng. Anh thấy khó thở.
Đứng ở lan can, anh lại nghe văng vẳng tiếng trẻ thơ: "Bác thơm quá héng! Má cũng thơm mà hổng giống bác". Anh nhắm mắt trong giận dữ, lo sợ mơ hồ vẫn lảng vảng ý nghĩ về một mùi hương.
- Thưa ông giám đốc - Cô nhìn anh bằng đôi mắt trong veo thơ trẻ, với chút lo lắng - Ông có làm sao không?
Ra anh đã đứng như thế hơn giờ đồng hồ, xuất thần, ngơ ngẩn. Anh liếc vội đồng hồ, lấy lại vẻ thản nhiên, lạnh nhạt nói:
- Mời cô vào đây!
Đợi cô ngồi xuống đối diện, anh hỏi:
- Chí ít, tôi phải biết về công nhân dưới quyền mình. Cô có gì muốn nói không?
Mắt cô ánh lên vẻ mừng rỡ, đáp ngay:
- Dạ, vậy là ông không đuổi tôi, dạ rất cảm ơn giám đốc. Dạ, phần lý lịch tôi có ghi rõ ràng. Dạ, tôi có hộ khẩu thành phố, có nhà, địa chỉ hẳn hòi.
- Còn những điều khác, cô không nói rõ được à?
Sao Mai ngẩn ra, nhìn ông giám đốc nghi hoặc: Điều gì nhỉ?
Ánh mắt cô khiến Dương... đổ bực, gắt lên:
- Sao? Mặt tôi dính lọ à? Sao cứ trố lên nhìn chằm chằm vậy?
- Dạ, tôi đang nghĩ - Cô cắn môi rồi nói - Đời tư tôi không liên quan gì đến chuyện làm lao công quét dọn ạ.
Dương nhếch môi cười mà không ra cười:
- Nhưng... tôi vừa có ý định... mời cô giúp dùm... ở đây... Sao? Cô không ưng có thêm tiền à?
Đôi mắt trong veo lại ánh lên vẻ mừng rồi ngần ngại:
- Dạ tôi e không còn thời gian - Chẳng hiểu sao cô nói một hơi - Bảy giờ tôi phải về cho Thảo Nguyên ăn, rồi gởi nhà trẻ, rồi đi làm...
- Vào lúc tám giờ mới là công việc chính thức của cô đúng không? Cô làm gì vậy? Ở đâu?
Có gì phải giấu nhỉ? Thoáng kiêu hãnh hiện lên mắt cô lẫn niềm xúc động vì cảm giác được quan tâm chia sẻ:
- Dạ, tôi làm ở một công ty quảng cáo tư nhân, ngành tiếp thị và thiết kế mỹ thuật.
Không định ngạc nhiên nhưng Dương đã phải ngạc nhiên, anh vụt nhớ buổi nghe hai mẹ con nói chuyện ở siêu thị, mang máng hiểu. "Từ bi giờ phải đi xin việc làm", nghĩa là cô vừa tốt nghiệp một bằng cấp nào đó. "Với một đứa bé nhỏ trên tay ư?" Anh tự hỏi nhìn cô:
- Ra cô có nghề nghiệp chính, cô học...
- Tôi học mỹ thuật mới một năm đành bỏ, về học ngành marketing ở đại học kinh tế.
Dương im lặng không hỏi gì nữa. Sao Mai liếc đồng hồ, e dè hỏi:
- Dọn dẹp ở đây vì không phải lau sàn nhà nên thường rồi việc sớm, nếu ông cần... giúp, tôi làm dùm chẳng cần công cán đâu ạ.
- Thế thì thôi vậy - Dương lạnh nhạt đứng lên - Chào cô.
Bối rối nhưng cô đành chào, chạy vội xuống lầu. "Trễ rồi, con nhóc tha hồ quậy phá đây. Ôi..." Nhưng trên đoạn đường về nhà, cô không khỏi nghĩ đến gã giám đốc lạnh lùng kia. Gã làm sao thế nhỉ? Gã không đuổi cô, rõ ràng rồi. Còn muốn nhờ cô làm cho gã. Hừ! Cái nhà bằng lỗ mũi, dọn một loáng là xong, cần gì lấy thêm tiền, thế nhưng gã lại ỡm ờ khó hiểu, mặt trông khó ưa...
Lúc ấy, Dương, đã xuống phòng làm việc, chỉnh tề trong bộ vest mùa hè khá trẻ trung màu khói nhạt. Kiên cũng đã xuống, sơ mi, cà vạt hoa, dáng vẻ khắc khổ nghiêm nghị, thấy anh nói liền:
- Tôi hẹn cô luật sư tám giờ tại nhà hàng Maxim, cổ đồng ý.
Dương chăm chú nhìn vào màn hình vi tính, bấm chuột mở chương trình, và thản nhiên nói:
- Cậu đi một mình đi. Nếu cô ta thỏa thuận, cậu toàn quyền ký hợp đồng.
Kiên bối rối vân vê mãi cái tay áo rỗng. Dương thở hắt, gắt:
- Kiên! Phải tự tin lên, cậu tài giỏi, thông minh, mất một cánh tay có là gì? Biết bao nhiêu người mất nhiều hơn thế, vẫn tàn mà không phế.
Kiên nhìn xuống, lòng chua chát nghĩ: "Anh nói thế vì anh vẹn toàn, anh thử là tôi, đang nguyên lành bỗng mất một cánh tay xem".
- Hay vì tôi khiến cậu thấy mình bị che khuất? - Dương vụt hỏi.
Kiên giật mình:
- Sao giám đốc hỏi vậy?
- Vì tôi sắp ra Trung, tôi muốn nhân cơ hội này để anh lèo lái công ty, chứng tỏ bản lãnh, khả năng cho mọi người thấy.
- Anh lại đi? - Kiên lo lắng.
- Phải ngày mai tôi đi, chẳng biết khi nào về, có gì anh tự giải quyết và liên lạc.
Dương nhấn chuông, Ngọc yểu điệu, thướt tha trong bộ áo dài màu ngọc bước vào, ngọt ngào nói:
- May mà em tới sớm, có gì không anh?
Hất gương mặt và ánh mắt lạnh như băng, Dương cộc lốc:
- Đặt vé máy bay Đà Nẵng sáng mai bảy giờ.
- Dạ, một hay...
- Một vé. Cảm ơn cô.
Đồng nghĩa với "Mời cô ra ngoài cho", Kiên thoáng nghĩ và biết tới giờ phải đi. Rồi cái cô Hồ Vĩnh Hoa này, nếu đồng ý làm việc, sẽ phải tức điên lên vì sự lạnh lùng đến khó ưa của xếp.
- Xếp, tôi đi nghe.
- Bảo ông Toại đưa đi. Hôm nay tôi không ra ngoài.
Đúng vậy, ký xong mọi giấy tờ, Dương đi qua xưởng vẽ, dặn thư ký ghi hết mọi cuộc điện, đợi Kiên về giao anh giải quyết.
Ở xưởng vẽ, ngoài phòng đồ họa, hàng loạt nhân viên căng mắt nhìn màn hình, đông đảo và yên tĩnh lạ kỳ, thì phòng vẽ riêng của Dương chỉ một phông vẽ trống trơn ở giá. Tấm phác thảo đồ sộ đã được hạ xuống, xếp nhỏ cho vào túi ni lông, nhưng chiếm cả góc phòng.
Chẳng buồn thay quần áo, Dương ngồi trước giá, nhìn sững vào màu trắng của nền vải, khá lâu mở hộp sơn, hòa màu trên nắp sơn loang lổ, nhấc cọ vung tay...
Khi Dương vẽ, thời gian không còn tồn tại trong anh, cả đói khát, cả ánh sáng lẫn bóng tối... Anh dừng tay khi đôi mắt bị lóe bởi ánh điện bật bất thần. Kiên nhăn nhó gắt:
- Anh lạ thật, tối đen còn vẽ.
Dương ném cọ, kéo tấm vải phủ lên giá vẽ, rã rời nói:
- Xuyên qua đêm tối là ánh sáng.
Anh nhìn lại mình, sơn màu loang lổ trên bộ vest, bất giác nói khi Kiên tiến lại gần:
- Cậu gọi thứ gì ăn dùm tôi sau một giờ nữa.
- Được rồi, anh đi tắm đi.
Dương bước đi rồi ngoảnh lại hỏi:
- Xong rồi chứ?
Kiên gật đầu, mặt tươi lên, Dương nheo mắt nói khi rời đi:
- Thấy tự tin chưa? Hồ Vĩnh Hoa mà không từ chối là thắng đậm rồi. Cô ta... ha ha... nghe đồn ngoài tài danh còn rất đẹp.
Đợi Dương đi khuất, Kiên đến giá vẽ định giở lên xem Dương vẽ gì nhưng rồi rụt lại. Dù chỉ bức tranh nhưng nó thuộc về chốn riêng tư trong tâm hồn Dương, chắc rằng quan trọng, vì Dương đắm chìm trong nó suốt một ngày, bỏ bê mọi công việc.
Nhưng nhìn Dương thì không có gì khác lạ cả, họ ăn tối với nhau, Dương bàn mọi việc với Kiên đâu ra đấy, kể cả chuyện chuyến tàu Bạch Dương về sẽ chở gì. Sau đó nói tạm biệt Kiên, bảo anh sáng mai không cần tiễn.
Kiên về rồi, Dương xuống dưới garage lấy xe chạy tà tà quanh thành phố, nhác thấy một vóc dáng quen quen lúi húi bên chiếc xe bên cạnh góc đường. Dương lướt xe qua, liếc vào gương chiếu hậu và rồi bực tức tới bùng binh vòng xe lại, mở mạnh cửa bước xuống.
Người kia giật mình ngước lên, ngẩn ra khi thấy anh, vội chào nói:
- Giám đốc ạ! - Chính là Sao Mai đang trên đường đi làm.
- Cô đang làm gì vậy?
- Dạ, bỗng dưng... nó tắt máy.
Dương nhún vai:
- Thế cô biết sửa à?
- Dạ không... - Cô lúng túng - Chắc tại... bugi dơ... tôi định chùi.
- Được chưa? - Anh hỏi như giễu cợt.
Mặt cô nóng lên, lắc đầu:
- Dạ, chưa được.
- Vậy còn không biết tới chỗ sửa xe?
- Dạ... dạ...
Thấy cô cứ ngẩn ra, Dương lạnh lùng hỏi:
- Cô định đứng tới nửa đêm bỏ con bé một mình ở nhà sao?
- Dạ không - Cô hấp tấp ngồi xuống cho bọc đồ nghề vào xe rồi dắt đi. Dương giằng lấy, nhìn quanh rồi dắt vòng qua bùng binh tới tận bên kia đường mới giao xe cho cô, nói:
- Đi thẳng tới chỗ sửa, tôi lấy xe đến ngay.
Cô tới nơi, Dương cũng vừa tới. Người thợ thử xe rồi nói:
- Lâu đấy, bầu xăng còn dơ quá phải xúc thôi, hư mấy cái nữa...
Cô bồn chồn nhìn đồng hồ, nhìn ra đường quanh quẩn.
- Cô muốn về thì tôi đưa về, bảo họ mai giao xe tận nhà.
- Dạ không, tôi tới lấy ngay tối nay được mà - Cô dáo dác tìm một chiếc xe ôm - Vì khi về cũng qua đường này.
Nhìn lại thấy mắt Dương thật soi mói, khó chịu, cô buột miệng:
- Tôi phải đi làm, trễ nửa giờ rồi.
Cô nín bặt, vẫy tay, lao ra đường và... bị giữ cứng bởi bàn tay cứng như thép của Dương. Chiếc xe ôm đang rà tới lại chạy đi, Dương nói không hở môi:
- Lên xe đi!
Anh gần như lôi tuột cô vào xe,, đóng sập cửa, nổ máy, gắt:
- Đi đến đâu?
Cô ngỡ ngàng với chút tức giận rồi lại bối rối:
- Đến... trạm xá... X...
Chiếc xe lao đi như lằn chớp, anh nhìn chằm cô qua gương chiếu hậu, hỏi:
- Cô làm gì ở trạm xá đó vậy? Trạm xá này của huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương đúng không?
Cô cắn môi gật đầu:
- Vâng, hơi xa, nhưng... lương bổng khá, chỉ cần chịu khó một chút.
Giọng Dương lạ lùng:
- Cô cần tiền lắm à? Làm đến hai nơi vẫn không đủ sống?
Cô im lặng một chút rồi đáp nhỏ:
- Con tôi sắp đi học, tóm lại là tôi cần tích lũy phòng xa, giờ còn sức, tôi cố gắng làm ông ạ.
- Thế... con bé bỏ cho ai?
- Gởi cho bà Bảy, bà ngoại anh Kiên, bà thương nó lắm.
Dương buông thõng. Ra thế! Rồi nhấn ga. Chiếc xe lại lao đi, chỉ phút chốc đã đến nơi. Đó là một trạm xá bề thế có cả khoảng sân gạch rộng, rực ánh đèn, nhiều tiếng cười nói, lẫn tiếng khóc trẻ sơ sinh. Dương mở cửa xe, Sao Mai bước xuống, cúi chào nói:
- Cám ơn giám đốc - Rồi lật đật chạy vào trong.
Dương quay đầu xe ra tới cổng, vụt lùi lại, tắt máy, bước xuống.
Đi tới cửa sổ ghé mắt nhìn vào, Sao Mai đang đón từng bọc đồ dơ, lớn có, nhỏ có, ném vào xe đẩy, mặt tươi cười, miệng chào hỏi không ngớt. Dương thấy khó thở, anh đưa tay mở nút cổ áo, nhưng áo anh đã mở phanh hai cúc, anh xoa tay lên cổ, lùi bước ra ngoài. anh lên xe, ngồi ngả đầu ra thành ghế... Chờ đợi mà không hiểu vì sao chờ đợi...
Sân trạm xá thưa dần xe, rồi chẳng còn chiếc nào. Tiếng nói cười cũng im bặt chỉ nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc nhỏ xíu. Bóng dáng Sao Mai lúi húi bên dãy hành lang trạm xá, cô đang lau nhà. Cuối cùng cô cũng trở ra, mắt lại nhìn dáo dác tìm xe ôm. Dương ngồi nhìn cô đến mấy phút, đợi cô vẫy được xe ôm mới bước xuống, nói cộc lốc:
- Lên xe đi!
Lần này thì cô hoảng thật sự khi thấy ông giám đốc lù lù, cứ ngẩn ra, tròn xoe mắt, môi hé mở, một lúc mới thốt được nên lời:
- Ông... giám đốc chờ tôi làm gì? Ôi!
- Tôi vừa đi ngang, sực nhớ cô ở đây nên ghé thử. Mời cô nhanh dùm.
Nhìn gương mặt ông giám đốc lạnh như tiền, kín bưng, Sao Mai đâm ớn. Cô leo lên xe, bối rối vặn vẹo đôi tay, thỉnh thoảng liếc trộm ổng, bụng vái trời cho mau đến chỗ sửa xe.
Ông giám đốc câm như thóc khiến cô thấy khó chịu tìm lời nói:
- Thật... cảm ơn ông quá! Không ngờ xe mới mua lại hư, tôi sẽ sửa cho tốt mới được.
Dương im lìm, cô lại nói:
- Thật ra, thời gian rảnh ngồi đây chẳng làm gì phí lắm. Làm ở đây khoảng hai giờ một ngày, tháng cũng được đến 600 ngàn.
Tốc độ xe chậm lại, cô không biết, cứ huyên thuyên nói:
- Ăn ở có chỗ, có nơi rồi, nhưng tôi phải lo cho tương lai và sức khỏe của Thảo Nguyên, rủi nó đau ốm? Thời bây giờ môi trường ô nhiễm, bệnh lại đủ thứ, tôi lo lắm. Rồi cho nó học đại học, rồi đi du học... Trời! Tôi xem thấy thứ nào cũng tốn.
Chiếc xe dừng lại. Dương nhìn cô kỳ lạ:
- Ra thế! Cô không nghĩ tái hôn để...
- Tôi không lấy chồng đâu - Cô cướp lời anh, mặt nóng bừng - Tôi không thể để Thảo Nguyên thiếu tình thương của tôi.
- Thương chồng và thương con khác nhau đấy, thưa cô,
- Không, tôi chỉ muốn dành cả cuộc đời tôi cho nó - Mắt cô loáng ướt, vội ngoảnh đi và kêu lên - Kìa, sao ông không chạy xe?
Chiếc xe lại lướt đi, nhanh như lằn chớp, dừng khựng chỗ sửa xe. Người sửa xe thấy cô bước xuống liền giao chìa khóa và giấy tính tiền. Thấy con số, cô kêu lên:
- Sao nhiều vậy? Tới 150 ngàn?
Anh sửa xe phân trần:
- Phụ tùng cũ quá phải thay thôi cô.
Cô buồn hiu, trả tiền, dắt xe ra lầm bầm:
- Xe ơi! Đừng hư nữa nghe. Tháng này tao không mua được giày là tại mày.
Ngang qua Dương, cô cúi chào, buồn hiu, lí nhí nói cảm ơn rồi nổ máy xe chạy luôn một mạch. Dương nhìn theo lắc đầu, chậm rãi ngồi vào xe. Đêm nay với anh sẽ rất dài đây.
Nhìn Thảo Nguyên ôm gối leo lên giường, bà Bảy ngạc nhiên hỏi Sao Mai:
- Bữa nay con nhỏ mắc chứng gì giờ này đòi đi ngủ?
Sao Mai lắc đầu cười:
- Lúc nãy anh Kiên có ghé, nó đòi lên chỗ ảnh chơi, ảnh đồng ý nhưng biểu nó đi ngủ sớm.
Bà Bảy vuốt mép trầu, thong dong hỏi:
- Sao nói ông giám đốc hổng cho con nít vô xưởng?
- Dạ ổng đi Trung rồi, hơn nữa mai là chủ nhật, luôn tiện con đi làm thứ hai khỏi đi.
- Mà người ta cấm con nít cũng phải, ở đó có tới ba cái cái kho xưởng, con nít tới đó lỡ gặp tai nạn...
- Dạ Thảo Nguyên lên chỗ anh Kiên thôi. Ảnh ở một mình chỗ đó rộng rãi lắm.
- Vậy hả? - Ngẫm nghĩ một chập bà Bảy hỏi - Lâu nay đi làm, con thấy thằng Kiên ổn chưa? Có bị ông giám đốc rầy la gì không? - Rồi bà tặc lưỡi, nói cảm thán - Từ hồi bị tai nạn, nó cứ như chết rồi, bà thấy mà ngỡ nó muốn "theo" má nó chứ.
- Anh Kiên giỏi lắm bà Bảy, còn ông giám đốc lại biết nhìn người. Mấy hôm nay á nghen, xếp đi rồi, ảnh một mình điều khiển công ty "ngon lành" lắm.
- Sao con biết? - Bụng bà Bảy thấy mừng.
- Thì cô luật sư mới khen ảnh vậy mà. Rồi cái anh gì đi tàu biển viễn dương nữa.
- Thằng Sĩ bạn chí cốt của nó đó. Nó mất cánh tay cũng tại thằng này.
Chuyện một năm rưỡi trước rồi, Sao Mai nghe bà Bảy kể đến thuộc làu, nhưng lúc nào cô cũng sẵn lòng nghe bà Bảy kể lại dù đến 1001 lần rồi.
- Hồi đó con tàu Bạch Dương nhà thằng Sĩ bị chìm ngoài hải phận quốc tế, cha nó, mẹ nó đều chết luôn theo con tàu, nó điên dại cứ đi quậy phá, ai dè chọc trúng bọn gì...
- Băng nhóm tội phạm.
- Ờ, mấy thằng đó đâu coi luật pháp ra gì, chúng bắt thằng Sĩ đem tới bến tàu, đòi đâm đòi chém. Thằng Kiên lúc ấy đang chở con người yêu nó đi chơi, trời xui rủi gì chạy ngang, nghe tiếng thằng Sĩ la, bỏ cả xe lẫn bạn gái đâm bổ tới, vừa lúc thằng khốn kia vung gậy... Cha trời! Thằng Kiên lăn xả vô cứu bạn, đứt nghiến cánh tay...
- Giá bọn kia không lên xe bỏ chạy, cánh tay của anh Kiên nát bét, thì chắc các bác sĩ đã nối lại được cánh tay rồi.
Bà Bảy thở ra buồn bã:
- Rồi tụi nó cũng vô tù hết, tội thằng Kiên mất tay mất cả tiền đồ tương lai, thêm con kia bỏ nó đi lấy người khác.
- Mai à!
- Dạ, bà Bảy - Cô đang xếp lại tủ quần áo, ngẩng lên.
- Nghe ông giám đốc thằng Kiên khó lắm, nhưng bà biết ổng tài giỏi lại tốt.
"Ổng có lợi quá trời, gì không tốt? Tiền bỏ ra chẳng bao lăm, có trong tay một phương tiện vận tải khổng lồ, lại có thêm tay trợ lý tài giỏi cho dù mất cánh tay." Nghĩ bụng nhưng cô vẫn gật đầu khen dồi:
- Dạ phải, nên bà Bảy đừng lo gì cho anh Kiên hết, cả anh Sĩ gì đó, nghe nói làm thuyền trưởng rất giỏi.
- Bà có lo gì, chẳng qua, nó mồ côi mẹ sớm, cha không có. Hồi đó bà giận mẹ nó dại dột, đánh tiếng đuổi đi vì nhục nhã gia phong. Nghèo lắm con, nhưng phải trọng danh dự.
Sao Mai cho áo quần vào tủ, thong thả quay lại ngồi bên bà Bảy, nói giọng hàm ơn:
- Có phải vì vậy mà bà Bảy hết lòng cưu mang con? Bốn năm trời, bà không đoái thương, mẹ con cháu chắc lang thang bụi bờ. - Cô thở phào, tươi cười cao giọng - Giờ thì ổn rồi, con nói anh Kiên là tuy không về với bà Bảy nhưng ảnh hết giận bà, lá rụng về cội mà. Ảnh cũng hết thất tình cô người yêu bạc bẽo, lại có tiền hơn cả chú Hai.
Nhìn Sao Mai vô tư, bà Bảy thấy khó mở lời. Xem ra con nhỏ không chút tự ti về hoàn cảnh mình, càng không biết thằng Kiên thầm để ý nó. Mà cái thằng cũng lạ, hồi nào giờ im như thóc, bỗng dưng bữa nay nằng nặc nhờ bà ngoại... ướm hỏi. Thật ra bà thương Sao Mai là vì chạnh nghĩ con gái mình ngày xưa từng... lỡ dại như cô, tha phương một mình, bụng mang dạ chửa, mới lấy lại cái "Chuồng chim" từ hai đứa sinh viên đang ở cho cô thuê tới giờ. Rồi càng ở, bà càng thương con nhỏ. Tài, sắc, đức hạnh đủ cả, chỉ tiếc... khôn ba năm dại một giờ. Bà thường nhìn cô nghĩ vậy.
Sao Mai vươn vai che miệng ngáp dài:
- Cha, bữa nay được ngủ thẳng cẳng, bà Bảy à.
Bả Bảy đứng lên:
- Vậy thì ngủ đi. Mai mấy giờ mới đi?
-oOo-
Hai mẹ con buổi sáng đó tới Mỹ nghệ Lê Gia đã trưa trờ trưa trật. Thảo Nguyên bị mẹ không cho vô xưởng vẽ bèn theo Kiên lên... học vẽ trên máy vi tính ở phòng anh. Sao Mai dọn dẹp đâu vào đó, lau chùi xong, đi lên gọi con về. Thảo Nguyên đang mê tơi những hình vẽ hiện ra ở màn hình. "Chèn ơi! "Cây viết" gì kỳ cục lại vẽ được đủ màu", bị mẹ bắt về, nó mếu máo ôm Kiên... giở trò:
- Hông! Con ở chơi với chú Kiên hà.
Sao Mai nghiêm mặt:
- Hôm qua hai má con mình lên kế hoạch rồi, phải đi chợ nấu cơm. Ăn xong, con phải ngủ trưa, má giặt đồ, ủi đồ, lau nhà. Sao đó hai má con đi coi múa rối, sở thú...
- Hông thích múa rối, sở thú nữa, thích... chú Kiên hà - Con bé ôm chặt lấy Kiên, dẩu môi vòi vĩnh.
Bình thường Thảo Nguyên rất ngoan, còn Sao Mai rất nghiêm nghị khi dạy dỗ con. Thấy con "hư", cô đổ bực quát:
- Thảo Nguyên!
Kiên thấy cô tức giận, lật đật can thiệp:
- Cho anh xin. Vầy đi! Hai mẹ con thỏa thuận. Sao Mai giúp dùm anh bên nhà ông giám đốc, ổng đi mấy ngày rồi, chắc sắp về. Còn Thảo Nguyên chơi với chú một chút, mẹ xong phải về. Chợ thì khỏi đi, ăn dùm anh mớ đồ để hoài trong tủ lạnh.
Sao Mai đành thua khi thấy mắt con tròn xoe đau đáu nhìn mình. Cô quay đi, cằn nhằn: "Lần cuối đấy, anh chiều mãi nó hư."
Cầm chìa khóa Kiên đưa, cô đi qua nhà ông giám đốc. Đầu tiên cô tưới cây ở sân thượng, quét dọn, sau mới vào trong. Thật ra trong nhà sạch bóng, chỉ lau dọn sơ, mới một thoáng đã làm xong. Sao Mai đi quanh... tìm việc để làm. Thấy cánh cửa phòng trong chỉ khép hờ, cô bước vào, bất giác đỏ mặt trước thế giới đàn ông riêng biệt và bề bộn. Trời ơi! Giường gối nhàu nát, quần áo lung tung, cả... đồ lót vứt bừa bãi. Cô muốn chạy ra nhưng cứ chôn chân tại chỗ, rồi chậm rãi nhặt tất cả cho vào sọt nhựa để trong phòng. Cô chẳng khó khăn gì tìm ra chỗ để drap, nệm bèn lấy thay tất, kéo phẳng phiu rồi xách giỏ đi vào buồng tắm. Một bộ đồ tây, một bộ vest, drap, khăn lông, và...
Cô để nguyên đồ lót ở giỏ, lấy bộ đồ vest để ra ngoài, còn mọi cái, cô đưa vô máy giặt. Cô đánh tẩy bộ vest khá vất cả vì dính đầy sơn màu, sau đó cho vào túi nilon. Máy giặt vắt sơ đồ xong, cô đem phơi, rồi quay vô nhà xem xét một lần nữa mới khóa cửa xách túi đồ qua nhà Kiên. Anh hỏi:
- Cô làm gì lâu thế?
Cô buột miệng:
- Ông giám đốc anh... bê bối cẩu thả quá, tôi phải dọn cho xong - Cô đưa túi đồ lên nói - Luôn tiện qua chỗ giặt ủi bỏ bộ đồ vest cho ổng.
Kiên nhìn cô dò xét, bất giác anh thấy ở cô vẻ bẽn lẽn khó tả, nhưng rồi Sao Mai hét con về, sau khi tỉnh bơ vét gần hết đồ nguội trong tủ lạnh, nào patê, xúc xích, chả giò, lạp xưởng... Cô còn nói:
- Đây là... trừ công dọn nhà cho giám đốc anh.
Lần này Thảo Nguyên phải về thôi. Kiên bế con bé ra tận cổng đặt vào xe. Anh bảo vệ nheo mắt với Kiên, anh tảng lờ. Hai mẹ con Sao Mai đi rồi, Kiên trở lên văn phòng. Anh cần soạn thảo mọi thứ cô luật sư ấy cần, dĩ nhiên chỉ những điều liên quan đến phần trách nhiệm của cô ta.
Kiên mở hộc tủ ngầm lấy chiếc đĩa độc nhất cho vào máy, vừa lúc chiếc điện thoại di động anh phát tín hiệu. Là tin nhắn của Dương "Đón tôi lúc 13h30. Chào."
Khi ấy Dương đang ở ngay văn phòng luật sư Hào, được khóa trái cửa, máy lạnh mở 27 độ, cả hai đang tì tì mấy lon bia Heineken, áo phanh cúc ngực, ngã người lên ghế salon bọc nệm. Hào ngà hơi men nói:
- Thật ra đâu cần anh ra đây, trừ khi muốn thăm kho báu.
Dương nhếch cười ngánh thằng em:
- Này! Có thật cậu không có cảm giác gì với kho báu của tôi không?
- Và cũng chẳng hiểu tại sao anh có dự định kỳ cục ấy. Mở một viện bảo tàng tư nhân lớn nhất châu Á, anh đúng là mơ.
- Nhưng mẹ ủng hộ đấy!
Hào cười phá:
- Mẹ biết cái quái gì trừ mấy ông tướng tứ sắc.
Có lẽ vậy. Dương thầm nghĩ về người mẹ nuôi cũng là mẹ của Hào. Bà lúc nào cũng tán đồng mọi ý kiến của anh, chỉ vì anh rộng rãi hơn Hào, luôn ném tiền vào tài khoản của bà, cho bà tha hồ... đánh tứ sắc cả ngày này qua năm nọ.
Biết làm sao được, nếu không có bà, làm gì có Lê Triều Dương hôm nay? Hồi ấy, trước cái chết khủng khiếp của cha mẹ, Dương gần như điên dại, thành phố lúc bấy giờ loạn và hỗn độn, lại đầy nguy hiểm bởi bọn tội phạm, bọn xấu. Anh em Dương cứ ngồi ôm xác cha mẹ. Chính mẹ Hào và hai anh Hào là Hiệp, Hòa, đã chôn xác ba mẹ anh, đưa anh em anh đi theo họ, trốn bom đạn, lần về Nam. Trên đường đi dù no đói, mẹ Hào rất công bằng với năm đứa và rất cẩn thận may cho mỗi đưa một túi đựng tiền đeo ở cổ, cho đều tiền vào năm túi, riêng túi anh em Dương còn có thêm mớ giấy tờ nhà cửa, giấy tờ tài khoản ngân hàng. Bà dặn dò với năm thằng: "Rủi lạc nhau, có tiền cầm hơi mà tìm đường về nhà. Nhớ đó, mẹ đợi yên là về". Nhưng chỉ bà và Hào về được quê nhà, sau đó là Hiệp về, Hòa mất tích tới giờ, còn anh em Dương lưu lạc trên một chiếc tàu theo dòng người di tản.
Hiệp sau đó đi bộ đội, hy sinh ở Campuchia, còn mỗi Hào, nên khi Dương về tìm, đã xem mẹ Hào như mẹ mình. Bà rất tốt, mỗi tật xấu là mê tứ sắc đến cha Hào bỏ luôn từ thuở Hào lên bốn, nhưng cũng chính bà đốc thúc Hào xin lại được ngôi biệt thự của cha mẹ Dương từ chính quyền thành phố. Trong biệt thự có hầm chưa một ai phát hiện, nơi ấy giấu toàn bộ tác phẩm của cha mẹ Dương và kho đồ cổ.
- Anh nghĩ gì thừ ra vậy?
Dương nói trớ:
- Nhớ hồi học chung với Hòa, Hiệp... Lúc ấy cậu còn nhỏ xíu.
Nói xong, Dương hối hận ngay.
Hào buồn bã, cười nhạt nốc một hơi cạn lon bia, ca thán:
- Bà già mình, mỗi lúc buồn nhớ anh Hiệp, anh Hòa là ngồi sòng luôn mấy ngày. Chán thế!
Dương lắc đầu:
- Mẹ già rồi, cứ để bà vui.
Hào ấm ức:
- Này! Cậu có phải mới lên ba đâu. Chuyện hơn ba mươi năm rồi, và mẹ chẳng đã nuôi cậu ăn học thành tài, không để thiếu thốn. Còn ba cậu, nói thẳng là chẳng ra gì, đàn ông vô trách nhiệm.
Hào quên khuấy mọi chuyện, tò mò nhìn anh. Xe ra, ngoài hai bà mẹ, anh không chịu nổi đàn bà. Hào mở lon bia khác.
- Giá anh tốt với cô Trang chỉ một chút so với mẹ, cô ấy không đến nỗi bỏ đi cao nguyên với một trời nước mắt.
Dương nhếch môi khinh bạc, chẳng buồn mở miệng. Mười tám năm rồi, nào ai hiểu nỗi đau nhất đời anh chính vì đàn bà.
- Này! Mừng cậu thu mua hoàn tất đống "củi bánh tét".
Cả hai bộp ly bia vào nhau rồi lại uống. Hào gật gù:
- Cứ lần lượt lên xe tải khi có lệnh giao ở đâu. anh có thể áng chừng thời gian.
- Không được, điều ấy thuộc về các nghệ nhân. Dĩ nhiên không quá ba tháng từ khi nhận đơn đặt hàng.
Hào nhổm lên bước qua bàn làm việc, xem lại sơ đồ Mỹ Nghệ Lê Gia, bất giác lắc đầu:
- Tôi sợ anh luôn. hỏi thật nghe, bên Mỹ anh có một Mỹ Nghệ Lê Gia nữa à?
- Đừng tò mò.
- Thôi được, vụ gốc cây là hợp đồng nước ngoài à?
-...
- Thôi được, một câu cuối, anh Triều Hải giờ ở đâu?
Lon bia trên tay Dương bay vèo vào tường dội lên tiếng khô khốc, bia chảy lai láng ra sàn, còn Dương đứng lên choàng áo, lạnh lùng ra cửa:
- Khỏi tiễn, tôi đi taxi ra sân bay. Chào!
Hào ngẩn ngơ nhìn Dương đi khuất, in trong mắt anh là gương mặt nhăn nhúm như ghê tởm, như đau khổ của Dương.
Dương đi Đà Lạt ba ngày, sau đó về vùi đầu với cả một nhà các tác phẩm dự thi. Những tác phẩm qua vòng sơ khảo được chụp ảnh, dán ký hiệu rồi đưa vào xưởng niêm phong. Anh gặp cô luật sư cố vấn ngay trưa hôm ấy, khi từ xưởng điêu khắc bước ra với bộ dạng nghệ sĩ ngang phè uể oải, thay vì là ông giám đốc bảnh trai lạnh lùng.
- Chào luật sư Hồ! - Anh hơi nghiêng đầu nhìn lướt ra sau cô. Kiên dấn bước nói nhanh:
- Cô luật sư muốn chào giám đốc dù tôi nói ông đang bận.
Đưa tay vuốt ngược mái tóc và làm ngơ trước cái nhìn soi mói đầy kiêu hãnh của cô luật sư, Dương hất mặt:
- Vậy mời! Tôi cũng đang mệt nhoài với đống gỗ đấy.
Vĩnh Hoa hơi khó chịu và tỏ ra kẻ cả, lịch thiệp:
- Tôi có thể chờ ông trong nửa giờ.
Dương so vai:
- Sao? Trong bộ đồ này, tôi không thể trò chuyện với luật sư của mình sao?
Vĩnh Hoa đỏ mặt trước lối nói thẳng tuột không tế nhị của Dương, cô quay đi:
- Nếu ông chưa chuẩn bị gặp tôi, ta có thể hẹn dịp khác.
"Quá tự tin, kiêu hãnh. Cả sắc đẹp và tài năng cô ta, cho phép như thế. Mình biết." Dương cười nửa miệng ra hiệu cho Kiên rồi đi thẳng về nhà. Kiên vội bám theo Vĩnh Hoa, bụng than trời: "Sao mới gặp nhau đã xẹt lửa rồi?"
Đến lúc ngả mình xuống giường, Dương mới thoáng nghĩ về cô luật sư của anh, bỗng nhếch môi khinh bạc: "Cho cô ta tức đến ói máu vài ngày". Tầm mắt anh vụt phát hiện bộ vest treo ở tủ gương. Anh nhổm lên, đẩy cửa, kéo bộ độ ra nhìn. "Đúng bộ đồ dính sơn màu mình định vứt, sao sạch như mới vậy?". Anh nghĩ đến Sao Mai, hôm đó về nhà rồi đi ngay, nhưng anh kịp thấy đồ giặt xếp gọn gàng, cây cối được tưới, giường nệm thay drap mới phẳng phiu và... đồ lót trong giỏ ở buồng tắm... Anh đã nóng ran cả mặt, nực cười cho mình bởi anh là người ngăn nắp, chỉnh chu từ kẽ tóc đường tơ, lai để cô thấy mình là kẻ cẩu thả, bê bối tận giường. "Chắc cô đã tốn không ít công sức với bộ đồ." Vuốt tay lên làn vải được ủi thẳng nếp, anh thoáng thấy Sao Mai nhìn thẳng anh bẽn lẽn nhưng đầy vẻ chê trách qua ánh mắt đen tròn, chợt cười vu vơ. "Cô ta cứ như một con... nghé tơ háu thắng vậy, còn thì giờ đâu để... sắm... ba cho nhóc Thảo Nguyên nhỉ?" Anh cười một mình khi tận đáy lòng thấy xót xa cho người ta, nhưng rồi ý nghĩ đen tối lại hiện ra. "Nếu để kiếm tiền dễ dàng hơn, cô ta cũng dám bán... tất tật lắm chứ. Cũng như mọi con đàn bà khác thôi."
Hình ảnh tốt đẹp của Sao Mai bị anh bôi đen lập tức. Nhẹ nhõm với ý định sẽ trả cho cô một số tiền, Dương nhấn điện thoại gọi Kiên:
- Luật sư Hồ đi chưa?
- Rồi ạ! Có gì không?
- Mình đi ăn trưa đi. Tôi muốn an món Tàu, cậu chọn chỗ.
- Có quán bình dân mà ngon lắm, đủ món, duy phiền là nó nằm trong chợ Kim Biên ấy, tôi với thằng Sĩ thường ăn đó.
- Vậy được rồi, thay bộ cánh bụi bờ thôi chứ gì?
- Vâng.
Dĩ nhiên hai xếp cho Toại tài xế về, đèo nhau trên chiếc Dream II đầy bụi của Kiên và dĩ nhiên là Dương chở. Để vô tới cái quán ăn cũng đã trần ai khoai củ, đường vào chợ nào xe tải, nào taxi, nào xe ba gác, nào xe máy chở hàng đậu khắp đường, phải đi chậm như rùa, tới nơi toát cả mồ hôi. Kiên giục Dương:
- Lên tầng trên xếp, tôi điện đặt chỗ rồi.
Yên vị rồi, Dương mới thấy không tiếc công đi. Quán ăn nằm trong chợ nhưng bàn ghế sạch bóng, sang trọng, người phục vụ cũng sạch sẽ, gọn gàng, nhanh nhẹn, hiện ra ngay với bảng thực đơn và giấy ghi.
Kiên dành đi chợ kêu liền mấy món, mươi phút sau đã thấy đồ ăn đưa lên bốc khói tỏa mùi thơm lừng. Dương nếm thử, khen ngon ngay, ăn ngấu nghiến. Anh chợt trố mắt nhìn xuống đường, nuốt vội thức ăn, chỉ Kiên:
- Kiên! Phải Sao Mai không?
Kiên khựng đũa bước ra lan can, Dương bước theo, đăm mắt vào cái bóng dáng nhỏ nhắn mảnh mai đang vác một bao hàng lớn trên vai, đầu óc Dương chợt trống rỗng choáng váng.
Kiên không hơn gì. Anh chết lặng nhìn Sao Mai quần quật với cả chiếc xe ba gác đầu hàng đến gần hết sạch rồi lên xe, đạp nổ máy chạy đi. Dương vụt gầm lên:
- Cô ta làm cái quái quỷ gì vậy hả? Trời đất!
Kiên vuốt mặt, thẫn thờ quay về bàn:
- Biết sao được, cô ấy muốn có tiền để sau này lo cho Thảo Nguyên.
- Nhưng có cần cày bất kể vậy không? Cô ta có thể tìm công việc nhẹ nhàng mà - Dương gắt cứ y như Sao Mai đang đứng trước mặt.
Kiên không để ý, lòng anh đang quá xót xa cho Sao Mai, rồi trở nên tức giận, gắp thức ăn lia lịa cho vào miệng, anh lầm lì:
- Mặc xác cô ta, ham tiền quá tự tìm đường chết thì cứ việc.
Thế nhưng cả hai ăn lơ là cứ như nhai cát, rốt cuộc đứng lên ra về. Xe chạy tới Hải Thượng Lãn Ông, họ lại thấy Sao Mai mặt kín khẩu trang, mũ kín tóc, chạy chiếc xe ba gác đầy bao nilon lút tới mặt, phóng về phía chợ...
Tối đó, Kiên về nhà ngoại, lờ tịt cái lườm nguýt dài của mợ Hai và lời mời đi nhậu của cậu Út, Kiên bế Thảo Nguyên rủ bà Bảy qua nhà Sao Mai chuyện trò. Con bé rất nhạy cảm, biết ai yêu nó thật lòng, nên tha hồ ngả ngớn trong lòng Kiên, đòi đủ thứ. Kiên hứa tất tật nó mới chịu lên giường ngủ, bây giờ mới hỏi bà ngoại:
- Ngoại à! Sao Mai cổ có nói gì chuyện đi làm không ạ?
- Từ sáng tới tối, lúc nào nó chẳng đi làm.
- Cô ấy... ngoại có hỏi chuyện con nhờ không?
Bà Bảy nhả cốt trầu thong thả nói:
- Ngoại biết ý nó không nghĩ tới mày nên không hỏi.
Kiên trầm ngâm, mân mê ống tay áo, bà Bảy rầy:
- Không phải vì con bị... vậy đâu. Tại nó không nghĩ tới thôi.
- Cổ nói với ngoại vậy sao?
- Ừ, nó nói chỉ sống vì con.
- Cổ... lại đi làm hả ngoại?
- Ừ, làm trên trạm xá gì đó ở Dĩ An, chín mười giờ đêm mới về. Cha! Nghe nói có tiền lắm, tháng rồi góp xe, còn gửi ngân hàng đâu tới hơn một triệu. Tháng này, nghe nói nhiều hơn vì chỗ con lương gấp đôi chỗ nọ.
Kiên nhịn hết nổi, nói như dằn dỗi:
- Làm để chết ấy à, thiệt ngu quá!
Bà Bảy phật ý, rầy:
- Nó còn trẻ, phải gắng sức làm kiếm tiền dành dụm cho mai sau là đúng. Sao con trù ẻo nó? Thêm nữa, một tay con dại, tứ cố vô thân, nếu không có tiền, gặp cảnh tai bay vạ gởi, biết cậy nhờ ai?
Kiên nín thinh, một chập rầu rĩ:
- Cổ ốm yếu như vậy, làm đêm, làm ngày không nói, ai đời còn chạy xe ba gác, vác hàng mỗi lần bốn, năm chục kí-lô giao khắp chợ.
Bà Bảy giật mình hỏi:
- Nặng dữ vậy sao con? Trời đất!
- Ngoại khuyên cổ dùm con - Kiên nói như năn nỉ.
- Trông nó dịu hiền vậy đó, mà bướng bỉnh lắm, đã quyết thời làm, không ai cản được. Trừ phi...
- Trừ phi gì ngoại?
- Nó có việc làm khác, lương cao hơn, việc nhẹ hơn.
Kiên cắn môi:
- Để con tính coi ngoại.
- Anh tính gì vậy?
Cô hiện ra, tươi cười làm bà Bảy giật mình rầy yêu:
- Cái con! Làm bà giật mình, sao về im ru vậy?
- Dạ tới gần nhà con tắt máy xe, sợ Thảo Nguyên thức giấc.
Cô ngồi xuống bên hai bà cháu, đẩy rộng cánh cửa, cô nhìn Kiên trìu mến hỏi:
- Lại bị Thảo Nguyên quậy phải không? Tôi đã nói anh đừng chìu nó quá!
- Thì cứ để nó chìu cả đời luôn, mất mát gì con? - Bà lấp lửng.
Sao Mai cười. Từ sau tai nạn mất cánh tay, được bà Bảy lo lắng, chăm sóc, Kiên mới chịu nhìn lại bà ngoại, về lại xóm cũ, nơi mẹ anh bị từ bỏ đuổi đi. Cả nhà xem như huề nhau, đã ba mươi năm còn gì? Nhưng tình thân khá lạt lẽo, trừ bà Bảy. Hai bà cháu thường ngồi trò chuyện ở đây hơn ở nhà, nên Kiên với cô trước lạ sau quen rồi trở nên thân. Thảo Nguyên dĩ nhiên thích Kiên vì được anh bồng ẵm, nuông chìu. Rồi anh bỏ chỗ làm cũ vì thấy họ chê anh, làm mất hình tượng công ty. Rồi Sĩ giới thiệu chỗ làm mới, nghe nói gần nửa năm rồi, Kiên vẫn chưa thoát ra khỏi mặc cảm, dù anh giỏi. Hôm anh giới thiệu đưa cô vào làm, vẫn chưa tự tin mấy, trước ông giám đốc lạnh lùng kia.
Cô thoáng nhìn đồng hồ rồi hỏi Kiên:
- Khuya rồi mà anh còn ở đây, bộ có chuyện hả?
Kiên lúng túng:
- Không... tại... mải trò chuyện với bà ngoại...
Bà Bảy khẽ lắc đầu, nghĩ bụng: "Nó nhát quá, đàn ông con trai mà vậy, sao con nhỏ chịu được?" Bà phủi quần đứng lên:
- Về để nó ngủ, mai còn đi làm.
Sao Mai tiễn hai bà cháu ra cửa, che tay lên miệng ngáp, nhìn Kiên cười. Anh lên xe đi mất, cô mới đẩy xe vào nhà, khóa cửa.
Lúc thiu thiu, còn nghĩ " Ông Kiên hôm nay hơi lạ...".
Sáng sớm, cô mở mắt đã thấy Thảo Nguyên thức, ngằm nhìn cô bằng vẻ náo nức. Cô la lên:
- Sao con không ngủ?
Con bé khoe:
- Tại hồi hôm chú Kiên cho con ngủ sớm, còn hứa cho con mai theo má đi làm.
- Không được - Sao Mai tất tả dọn giường, gắt - Hôm trước ông giám đốc mắng má, con nghe rồi đó.
Cô đi đánh răng, rửa mặt, Thảo Nguyên cũng đánh răng rửa mặt. Cô thay đồ xong, nó đã mang giày ra đứng ở cửa, Sao Mai la:
- Không đi được.
- Chú Kiên nói được, chú biểu con lên nhà chú vẽ.
Sao Mai kêu trời. Cô chải tóc, búi lên, cài trâm, khoác thêm áo lao động, dắt xe ra. Thảo Nguyên bám theo cười toe toét. Mới bốn giờ rưỡi sáng mà con nhỏ tỉnh như sáo, mắt sáng trưng. Sao Mai trối trời, bụng giận Kiên quá, nghiến ngầm: "Được rồi, vậy ráng mà giữ nó". Cô xốc con lên xe, đe:
- Lần này thôi nghen, còn lần sau là ăn roi.
- Dạ.
Xe chạy tới cổng Mỹ nghệ Lê Gia mất 15 phút, anh bảo vệ mở rộng cửa cho hai mẹ con vào. Cô xốc Thảo Nguyên đi lên nhà Kiên và... hết hồn thấy Dương đang đi xuống.
Thảo Nguyên reo:
- Ôi bác thơm thơm!
Sao Mai bịt miệng con, mặt đỏ rần, luýnh quýnh nói:
- Dạ tôi không dám đem nó xuống xưởng đâu ạ, nó đòi lên chơi chỗ anh Kiên.
Dương chẳng buồn quan tâm cô nói gì, anh đưa tay, Thảo Nguyên lập tức nhoài mình qua ôm lấy anh, ríu rít:
- Ôi, bác thơm thơm! Hôm đó bác ngủ mất tiêu, Thảo Nguyên bị má bắt về nhà, tới giờ còn nhớ bác...
- Nhớ bác rồi sao? - Dương kéo mũi nó - Rồi đi luôn không ghé lại thăm bác gì cả.
Sao Mai thộn mặt đứng nhìn, không thể mở miệng. Thảo Nguyên tố mẹ tì tì:
- Đâu có, Thảo Nguyên cứ đòi đi thăm bác thơm thơm, để vẽ hình tặng bác, nhưng má nói bác không thích con nít.
Anh lừ mắt nhìn cô:
- Không được nói dối con nít.
Sao Mai đến muốn chui xuống đất, nhìn con van lơn. Thảo Nguyên làm sao biết cứ vòng tay bá cổ Dương, tha hồ hài tội mẹ:
- Mới bữa nọ, Thảo Nguyên kể má nghe bác rất thơm, nhưng thơm hổng giống má, mà Thảo Nguyên thích bác thơm hơn, vậy là má giận lẫy, đánh vô đít con một cái, bắt con hứa hổng được nhắc đến bác thơm.
Dương giấu nụ cười không thể nói sau mái tóc Thảo Nguyên, nhìn Sao Mai khổ sở kiểu đáng kiếp, rồi bồng con bé đi trở lên lầu, nói vọng lại:
- Cô cứ đi làm đi, để nó cho tôi.
Sao Mai thất thểu xuống lầu, giận con phát khóc. Trời ơi! Sao trên đời có đứa bé như nó nhỉ? Suốt ngày nọ tháng kia, hễ thấy... đàn ông nào được mắt là nó... mê, đòi mẹ "mua" về làm... ba. Có dễ đến... năm "ông ba" được nó chấm rồi, nhưng hễ có "ông ba" này là nó lơ "ông ba" trước. Ôi, nhưng lần này thì khác, từ khi gặp gã giám đốc khó ưa này, thì ngày nào nó cũng nhắc "bác thơm" và tịt không còn ý định tìm mua một ông ba nữa. Hôm trước, nó nói thích bác thơm nhất trong những ông ba mà nó từng chấm. Vậy là cô tức quá, phát vào mông nó rõ đau. Ôi, con ơi! Con đừng "dại dột" nói bậy bạ gì nghe, nếu không má chỉ còn đường... bỏ việc thôi.
Nhưng bất kể lời cầu xin của Sao Mai, khi cô cắm cúi lau dọn nhà xưởng, thì trên lầu, trong vòng tay Dương, con bé ríu rít kể tất tật mọi chuyện mà nó nhớ được, về nó, về mẹ, về bác thơm nó luôn nhớ từ lần gặp đầu tiên.
- Hôm nay bác thơm không? - Dương buồn cười hỏi nó, khi giữa câu chuyện đang kể, nó ngừng lại, chúi mũi vào cổ anh hít hít rồi "thơm" lên má anh.
- Thơm lắm - Con bé cười toe, đáp.
Rồi sực nhớ nó hỏi:
- Bác Thơm ơi! Tại sao má cấm con không được thương bác?
- Má không nói lý do à? - Anh nheo mắt hỏi lại.
Nó thở dài, chống tay lên cằm như người lớn, nói:
- Má nói hổng đúng đâu.
- Má nói sao, kể bác nghe - Anh xốc nó vào phòng ngủ, ném nó xuống nệm rồi lăn theo ôm lấy nó.
Con bé lần đầu tiên thấy một chỗ ngủ đẹp mà êm như vậy, nó thích quá, cười như nắc nẻ, quậy tưng bừng đến thở hào hển, rồi nói:
- Giàu sướng hén bác thơm. Nhưng má nói người giàu xấu lắm. Má biểu con quên bác thơm đi, vì bác giàu lắm, sẽ không cho con được hạnh phúc gì đó...
Dương đặt con bé lên bụng mình, cho nó nhún nhảy:
- Má nói gì nữa không?
- Má nói nhiều lắm, con hổng nhớ.
Thảo Nguyên đột nhiên buồn thiu, nhoài mình xuống nệm nói nhỏ:
- Má nhất định hổng chịu mua ba cho con, má nói con có mình má là đủ rồi.
Dương ngồi lên tựa thành giường, ôm Thảo Nguyên vào lòng vụt nhớ hình bóng Khả Tú năm xưa. Ngày ấy, anh hai mươi tuổi, cũng đã làm cha như Sao Mai làm mẹ.
Dương dấu tiếng thở dài, vuốt tóc Thảo Nguyên, hỏi:
- Con thích chơi gì không?
- Con thích vẽ như má. Má vẽ đẹp ơi là đẹp.
Dương hơi bất ngờ. Thì giờ đâu cô ta vẽ nữa. Anh gạt mọi ý nghĩ, bế Thảo Nguyên rời phòng ngủ, ra sân thượng, đặt con bé xuống ghế, nói, khi mở tất tật công tắc đèn.
- Bác bày con vẽ, con thích không?
- Dạ thích - Con bé tròn xoe mắt, thích mê khi bác thơm mở tấm vải phủ lên cái giá to đùng, căng vào đó tấm bìa giấy trắng tinh rồi đưa chiếc cọ, nói:
- Trước tiên bác phải xem con thích vẽ gì - Anh quơ tay một vòng - Con thích thì cứ vẽ, thích màu gì cứ tô.
Suốt cả giờ hai bác cháu quậy tùm lum lên giá vẽ đến không thấy Kiên đứng nhìn rồi lặng lẽ đi tìm Sao Mai. Khi cô lên đến, hai bác cháu đang ngồi bệt dưới sàn trong phòng khách, quanh họ cả chục tấm hình chụp tranh vẽ và có cả "bức tranh" của Thảo Nguyên hôm trước.
Con bé vừa ngồm ngoàm gì trong miệng, trên tay Dương có ly sữa đặt ống hút, ở bàn là đĩa bánh sandwich vơi một góc. Dương đưa ly sữa, Thảo Nguyên bập vào ống hút, hút một hơi rồi nói:
- Giờ con thích ăn sandwich nhân mứt thơm.
- Được - Anh vụt nhìn ngoái lại, thấy cô đang chôn chân ở cửa, liền nói - Cô vào đi, đợi mời sao?
Cô khổ sở nói:
- Tôi phải đưa nó về cho kịp đi làm.
Anh lạnh nhạt nói:
- Cô còn nửa giờ mà. Tôi thay cô cho nó ăn sáng rồi, đúng không?
Con bé nhìn mẹ rồi nhìn bác thơm vẻ nghi ngờ. Nó rất thích bác, còn mẹ không thích. Mà sao bác yêu nó thế, lại dữ ghê với mẹ vậy kìa?
Dương chỉ vào buồng tắm đã hé cửa nói với con bé:
- Con vào, tự rửa mặt đánh răng đi. Bác để sẵn ca nước trong thau ấy. Làm được không?
- Dạ được.
Còn lại hai người, Dương lạnh nhạt vào đề:
- Thứ nhất, cảm ơn cô đã dọn dẹp dùm, thứ hai, trả tiền lại cho cô giặt dùm bộ vest dính sơn. Thứ ba, tại sao cô sỉ nhục tôi?
Cô hết hồn, kêu lên:
- Tôi không có.
Ánh mắt anh bén ngót đến cô phải nhìn xuống tay:
- Cô có, cô đầu độc con bé nói tôi xấu xa vì tôi giàu...
Trời ơi! Vậy là nó méc sạch rồi. Mặt cô tái xanh rồi đỏ nhừ, ước gì được chui biến xuống đất.
Anh nhìn cô chăm chú, giọng cất lên vô cảm:
- Thôi được, xem như chuyện trẻ con, tôi bỏ qua. Nhưng cô phải trả lời tôi. Tôi giàu phải là cái tội không? Tôi xấu xa chỗ nào? Sao, không trả lời được chứ gì?
Cô vụt ngẩng lên:
- Tôi chỉ không muốn Thảo Nguyên với tâm hồn trẻ thơ bị thất vọng điều mơ ước đầu tiên trong đời.
- Sao cô biết nó bị thất vọng?
Cô mở to mắt, sảng hồn ngó anh. Dương tỉnh bơ đổi đề tài:
- Tôi thích nó lắm, sẽ dành thời gian cho nó. Cô chuẩn bị tinh thần đi.
- Là... là... sao kia? - Cô đổ cà lăm.
- Nó sẽ nói với cô, bác cháu tôi nhất trí rồi. Cô mà ngăn cản thì... tôi đuổi việc cô đấy. Này! Phải tỉnh táo mà suy nghĩ cho kỹ, chẳng chỗ nào làm lương cao mà nhẹ nhàng như chỗ tôi đâu. Còn nữa, công việc buổi trưa quá nặng, không hợp với cô, tôi sẽ giới thiệu chỗ làm mới, chờ vài ngày đi.
Thảo Nguyên chạy ra, tới trước Dương xòe tay khoe:
- Sạch mà thơm lắm rồi bác.
Anh áp tay nó lên má mình, gật gù khen:
- Con giỏi lắm, giờ về với má cho bác làm việc - Anh nheo mắt.
- Dạ.
Con bé cũng hớn hở nheo mắt, cười toe.
Hai mẹ con đi xuống lầu, anh hỏi vọng theo:
- Nhớ hẹn gì với bác không Thảo Nguyên?
- Con nhớ - Nó hét to - Bác thơm nhớ lấy xe bự đón con nghen.
Ngay khi khuất tầm mắt Dương, Sao mai hấp tấp hỏi con:
- Con hẹn gì với bác ấy, xe bự nào?
Thảo Nguyên cười toe toét khoe:
- Bác nói từ nay hổng cần dậy sớm theo má tới thăm bác, con phải ngủ nhiều để mỗi chủ nhật đi chơi với bác.
Sao Mai gần như muốn xỉu:
- Chủ nhật con đi chơi với má mà.
Con bé dẩu môi thơm lên má cái chụt, khoe tiếp:
- Bác thơm nói đem xe bự chở con đi. Má thích thì cho cả má đi. Bác còn nói cho con đi học vẽ, bác còn nói...
- Nói gì? - Sao Mai ra đến chỗ để xe, đặt nó lên yên hỏi:
Nó bậm môi nhìn mẹ rồi lắc đầu nói:
- Bác thơm nói đó là bí mật, hổng được kể má nghe.
Cho dù Sao mai dỗ nó, con bé cũng nín khe không chịu nói. Suốt ngày hôm ấy, cô đi làm mà bụng dạ như có lửa hơ. Cô biết mình không thể bỏ chỗ làm đúng như Dương nói. Cô cũng biết, hai hôm nữa là chủ nhật.