1. Minh chứng sự đúc kết không thời bằng Từ Bài đầu nói rằng thời gian và không gian trong triết học Đông phương đã đúc kết, nhưng đó mới là một câu khẳng định chưa được chứng minh và xác định nên vừa chưa hiểu đúc kết cách nào mà còn dễ bị tiếng là "thấy người sang bắt quàng làm họ". Thấy sự dồn đúc Không thời của Einstein ăn tiền, nên tuyên bố đại là triết Đông cũng có sự dồn đúc như thế. Để tránh tiếng trên cần phải minh biện một cách xác thực. Hơn nữa, sự minh chứng này còn giúp chúng ta nhận thức ra tầm quan trọng của vũ trụ quan triết Đông. Vì tất cả cái tinh túy của nó nằm trong việc dồn đúc này, cho nên chúng ta sẽ còn gặp nó rất nhiều lần dưới những hình thái khác nhau qua ngũ hành, hồng phạm, lịch pháp.
Chương trên đã tạm đủ cho chúng ta thấy cái khó khăn của bài toán đố là bắt đúc lại một khối hai yếu tố vốn nghịch hành nhau rõ rệt như sáng với tối, nước với lửa, trời tròn đất vuông, thế mà phải điều lý sao cho ổn thỏa cả hai. Cái khó ở chỗ đó, hễ nắm được then chốt là tìm ra đáp số cho mọi vấn đề nhiêu khê khác, như hòa hợp tự do với sự cần thiết, thái công với tư riêng, tinh thần với vật chất; sao cho tình với lý tương tham. Do đó có rất nhiều lối đúc kết với những hậu quả khác nhau gây nên tầm quan trọng thật là sâu rộng vào đời sống con người cá nhân cũng như đoàn thể. Đến độ đã có thể nói sau Einstein người ta không thể suy tư như trước Einstein nữa. Và do đó, dần dần người ta cũng không thể "ở đời" như trước nữa. Vì suy tư là bánh lái con thuyền đời sống, lái đã xoay thì đời sống làm sao theo mãi chiều cũ. Vậy bây giờ trở lại với triết Nho và chúng ta hỏi: có thật triết Nho đã đúc không gian thời gian lại với nhau chăng? Và chúng ta thưa là có thật và đã tự lâu lắm rồi. Tất nhiên không phải trên bình diện khoa học ngoại cứ theo lý trí kiểu Einstein, nhưng là trên bình diện nội cứ Tâm linh, do đó trong phạm vi triết lý thì hậu quả quan trọng hơn.
Điều cần phải xét là có thực chăng Nho triết đã đúc kết hai yếu tố Không-Thời lại một, dù chỉ là nội cứ trên bình diện tâm linh? Thực ra chữ đúc kết cũng là dùng ép theo thời. Còn chính ra phải gọi là Hòa thời, Việt thời nghĩa là đã ra khỏi thời gian nhỏ hẹp, nên còn cao hơn quan niệm của Einstein hay các lý thuyết tương đối khác như sẽ bàn sau. Dầu vậy ta cũng cứ tạm gọi là sự dồn đúc cho dễ nói và chúng ta sẽ minh giải qua Từ, Tượng, Số, Chế.
Và trước hết là chứng minh bằng Từ, và lúc ấy sự dồn đúc gọi là vũ trụ. Hai yếu tố này đã đúc kết quá kỹ, khiến cho con cháu không ngờ tới nữa. Vì thế để nhận thức lại điều đó, chúng ta cần ôn lại mấy định nghĩa của hai chữ Vũ trụ.
Theo Hoài Nam Tử thì
"Tự cổ đi tới kim gọi là Trụ "Bốn phương trên dưới gọi là Vũ". "Vãng cổ lai kim vị chi Trụ "Tứ phương thượng hạ vị chi Vũ" *
Còn theo Trang Tử thì
"Có thực sự nhưng không định hạn vào chỗ nào gọi là Vũ "Có dài (durée) mà không khởi đầu, không cuối thì gọi là Trụ Cho nên:
Vũ có nghĩa là không gian
Trụ có nghĩa thời gian, cùng với định nghĩa của Hoài Nam Tử như nhau vậy.
"Hữu Thực nhi vô hồ xứ giả, Vũ dã. Hữu Trường nhi vô bổn phiêu giả, Trụ dã," Cái dĩ: Vũ vi không gian chi nghĩa, Trụ vi thời gian chi nghĩa, Dữ nam Tử thuyết đồng." *
(từ nguyên theo Nam Hoa XXIII, canh tang sở).
Dương Hùng nói:
"Đóng khắp trong vòng trời gọi là Vũ. "Mở khắp cả vũ gọi là Trụ". (Kim b.50) Tức là hai yếu tố ngược nhau: đóng là Vũ, mở là Trụ.
La Hồng Sơn có một câu nhấn mạnh vào sự đúc kết Vũ và Trụ như sau:
"Trên dưới bốn phương, đi từ cổ tới kim, hợp thành một khối, cho nên mới bảo là: không ở chỗ nào, nhưng không nơi nào là không ở". Thượng hạ tứ phương, vãng cổ lai kim, hồn thành nhất phiến, sở vi vô tại, nhi vô bất tại (Đại cương 256). °°
La Hồng Sơn xem ra cũng đồng ý với tác giả tự điển Từ nguyên trong việc cho hai câu của Hoài Nam Tử và Trang Tử như nhau. Nhưng nếu xem kỹ lại chúng ta thấy câu của Hoài Nam Tử có tính cách bình dân thường nghiệm hơn, nên có cổ, có kim về thời, có trên, có dưới về Vũ. Tuy nhiên cũng còn cao hơn quan niệm Vũ trụ tách rời nhau, vì ở đây đã có sự đúc kết. Đến câu của Trang Tử thì chúng ta thấy tính chất siêu việt rõ rệt hẳn nhờ hai mệnh đề "Vô hồ xứ giả' (không ở nơi nào) và "Vô bổ phiêu giả" (không đầu không cuối, vô thuỷ vô chung). Câu này rõ rệt là nói về thời tính với đại Không gian, như sẽ bàn về sau. Ở đây, ta chỉ cần ghi nhận sự đúc kết Thời Không đều được thừa nhận bởi hai tác giả xưa (Hoài Nam Tử và Trang Tử) cũng như hai tác giả cận kim (tác giả tự điển Từ Nguyên cũng như La Hồng Sơn). Sự thừa nhận hầu như phi ý thức tỏ ra không ai đặt vấn đề chối cãi cả. Tiện đây xin ghi nhận: đôi khi trong khóa giảng sẽ nói Vũ như không gian và Trụ như thời gian, thì là hiểu theo nghĩa thông thường của bài này.
Đó là đại để ý nghĩa hai chữ Vũ Trụ, nói lên tính cách đúc lại thành một khăng khít, hai yếu tố vốn dị biệt, đối kháng là Vũ tán ra, tỏa lan, còn Trụ là dồn lại, qui tụ lại. Tuy đi hai chiều trái ngược mà vẫn dồn lại được, cái đặc trưng của Triết Nho nằm ở chỗ đó. Bây giờ chúng ta xét tới lý chứng qua tượng hình.
2. Tượng hình của thời gian Sau định nghĩa thời không là Vũ trụ thì nói đến tượng hình trở thành dung dị hơn, vì hình đó không chi khác hơn là hai hình vuông, tròn vậy. Vuông tròn lại chính là Âm Dương đã được bước thêm một bước nữa. Nếu ở đợt âm dương là một hai thì còn quá đơn sơ, nên phải tiến thêm một bước nữa thành ra ba bốn mới đủ khía cạnh để thiện hình, dù chỉ mập mờ. Do đó, sau âm dương đến tứ tượng. Tứ tượng là tiếng trừu tượng để chỉ bốn mùa, bốn phương, biểu thị cho bốn khía cạnh cần thiết cho bất cứ vật nào để hiện ra trước là tượng, rồi sau là hình. Hễ đã thành hình thì trước tiên phải có góc, có biên dù chỉ là thấp thoáng. Vì thế, trong Nho Triết, tứ tượng là yếu tố sơ khởi trên quá trình cá biệt hóa (individualisation). Tiến trình đó bắt đầu từ tứ tượng: vuông bốn góc tức là Vũ; còn Trụ là tròn đầy viên mãn không đầu không cuối. "Vô bổn phiêu giả" nên biểu lộ bằng vuông tròn. Nếu vũ trụ đã đúc lại một thì tròn vuông cũng lồng lên nhau, làm thành hình kép: tròn ngoài vuông trong. Với Tây phương, cái vòng tròn có chất vuông là điều không thể quan niệm được, vì suy tư theo đối đáp mâu thuẫn: đã tròn thì thôi vuông, đã vuông thì đồng thời hết tròn.
Với Việt nho, quan niệm theo nguyên lý Hòa diễn tả bằng công thức "Âm trung hữu dương, dương trung hữu âm căn" thì vòng tròn lại có bốn góc đã thành sự thực và truyền bá đến đại chúng bằng câu nôm na "mẹ tròn con vuông", một lối bình dân hóa câu "âm trung chi dương vậy". Nói khác, trên đường cá thể hóa ý niệm, đã tiến thêm một bước nữa có mẹ tròn hay là trời tròn (thiên viên) mà cũng có con vuông (tứ địa) mới biến ra hình thể, "tại địa mới thành hình được". Cái tượng (tại thiên thành tượng) mới có thể vẽ vời hình dung. Và từ đấy Tứ tượng rất trừu tượng (như nguyên, hanh, lợi, trinh; hoặc thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương) mới trở nên tứ tượng cụ thể trong các thứ vuông tròn của bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông được dồn làm một với bốn hướng: Đông, Nam, Tây, Bắc và bốn hành: Mộc, Hỏa, Kim, Thủy và in hình đó vào các vật dụng như:
Đền tế Thiên nền vuông, mái tròn.
Xe vua thùng vuông, mái tròn.
Bánh chưng vuông, bánh dầy tròn…
3. Thời gian đúc một diễn bằng số Đã có từ có tượng, bây giờ nói đến số cũng là việc tương dối giản dị: tròn là ba (tam thiên) hay thiên viên. Còn Phương là bốn góc: tứ địa. Đây không phải là số để đếm, đo góc của toán học hay là chỉ thực tại huyền bí như các thuật số gia, hoặc như Pythagore chủ trương, nhưng là số biểu tượng của trống mái, của đất trời, của âm dương: "các số lúc đầu chỉ một âm một dương mà thôi. Tượng của dương là tròn. Tròn thì đường kính một phần, chu vi ba phần (số Pi). Tượng của âm vuông thì đường kính một phần tư (1-4) (Thiệu Ung, Kinh Dịch, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 16).
Từ đã dồn một thành vũ trụ, Tượng đã trở thành mẹ tròn con vuông, thì số cũng dồn 3 với 4 thành 7 và con số 7 trở nên huyền niệm. Kinh Dịch nói phất phơ: "thất nhật đắc" (sau bảy ngày sẽ đắc đạo), và trong quẻ Phục, Tượng viết: "phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục"… Cái đạo lý của sự trở về là đến lượt thứ bảy sẽ tới tự do lai xuất (tức nguyên tính của mình). Những tích khác như Phật ngồi gốc bồ đề (7x7=49 ngày), đi bảy bước… Nagarjuna đi quanh tháp bảy ngày cửa tự nhiên mở ra và được Phật trao truyền Kinh Kim Cương v.v… đều là biểu tượng nói về những đợt tiến hoá mà sự tựu thành viên mãn xảy ra ở đợt thứ bảy.
Lục tượng Sơn nói: "Thất trùng thiết thành, tư tâm dã. Tư tâm sở cách, tuy tư phi chính" °° "Bảy tầng bao quanh bằng sắt là chỉ tâm tư vậy. Nếu tâm đã bị ngăn cách thì có suy tư cũng không đi vào lộ chính được". Ông có ý nói cái linh thức bị bảy tầng tư dục bao phủ thì không sao thấy được đạo (Kim b. 187). Còn rất nhiều câu hoặc sự tích, ở đây chỉ kể sơ cho biết. Có lẽ tuần bảy ngày xuất phát do tuần trăng. Vì tháng trăng có 28 ngày (4x7=28). Nhưng không rõ từ đâu xuất hiện, chỉ biết rằng: bên Viễn Đông đã có từ lâu đời, người ta tìm ra dấu vết ít nhất từ thế kỉ 27 trước dương lịch, trong cách chia vòng trời làm 4 cung, mỗi cung có 7 độ như nêu rõ trong bảng "nhị thập bát tú" mà lối xếp đặt thành 4 cung, mỗi cung có 7 sao xếp theo từng bộ 2, 3, 2 cộng lại là 7 sao, rồi lại đến bộ hai ba hai khác… Ngày xưa, tuần 7 ngày không rõ rệt và phổ cập như nay do thể chế ngày chủ nhật, nhưng gốc tích đã có từ truyền thống rất xa xưa. Dân Sémite trước theo tuần 8 ngày, cũng như Roma mới nhận tuần 7 ngày từ năm 45 trước Dương lịch (lúc sửa lịch Julien) rồi truyền bá ra vùng Địa Trung Hải. Hy lạp trước theo tuần 10 ngày (xem Grandeur et décadence de de la civilisation S.B, Gloug, Payot, Paris, 1954, p.131).
Tóm lại, thể chế tuần 7 ngày, thuộc Truyền Thống nhân loại, phát sinh tự lúc nào không rõ nhưng hầu chắc là từ Đông Nam truyền đi theo đường của nhị thập bát tú, hoặc của Yoga từ Đông Nam qua Ấn độ, rồi đến Ả Rập truyền qua Cận Đông, sau cùng đến Âu Châu và trở thành thể chế phổ quát đến độ quên hẳn lò đúc 3 với 4 thành 7, nên cũng quên luôn ý nghĩa huyền niệm của nó: "ngày thứ bảy Chúa nghỉ". Nghỉ là an vi, tức là cách hành động để đắc đạo. Nhưng chúng ta đã mất ý thức điều này, vì số của triết nho không phải để đo khối chất, đếm số lượng nhưng để biểu thị phẩm tính nên nó rất uyển chuyển, lưu linh. Nếu 3 chỉ thiên, 4 chỉ địa, thì 1, 5, 7, 9 cũng đều chỉ thiên và 2, 4, 6 cũng đều chỉ địa, vì thiên với địa ở đây hiểu theo đợt căn cơ là âm dương chẵn lẻ hoặc cơ ngẫu. Vì chỗ biểu tượng uyển chuyển đó nên nó mặc rất nhiều hình thức và khi tới những số lớn thì biến dạng bằng nhân lên hoặc cộng thêm: do đó, người ngoài cuộc sẽ không tìm ra ý nghĩa, chẳng hạn hai số thập can và thập nhị chi là 10 và 12 đều là số chẵn cả thì số lẻ ở đâu? Nhưng với người học thì biết: số căn bản chỉ có tới 9 là tận cùng nên thêm 1 và 3 hoặc đem 10 và 12 qui cho mẫu số chung (2) để tìm ra số gốc: thì được số 5 và 6, số 5 chỉ trời, số 6 chỉ đất. Số trời là thiên can (giáp, Ất, bính, đinh… ) số đất là địa chi (tí, sửu, dần, mão… ) can là gậy cắm đứng dọc cũng như kinh trong thành ngữ kinh tuyến (độ dọc). Còn chi là cành cũng như chữ vĩ tuyến (độ ngang). Đó là vài ví dụ căn bản về số. Bây giờ chúng ta tiến vào loại lý chứng thứ tư là thể chế.
4. Thời qua thể chế Nguyệt lệnh Đây là nét đặc sắc nhất của triết lý nhân sinh, một thứ triết lý được thiết lập ra để mà sống: để sống sao cho ra cái sống Người, nên những ý tưởng căn bản được hiện thực vào các thể chế xã hội cốt cho những tư tưởng đâm rễ sâu vào "cõi người ta" để truyền thông nguồn sinh lực và hướng dẫn mỗi hành vi cử chỉ bao gồm cả nội thánh lẫn ngoại vương. Nội thánh lấy tu thân làm gốc cho nếp sống riêng tư, còn ngoại vương là xóa bỏ triết lý, như nhà nghệ sĩ khi đạt mức cao thì "dấu được nghệ thuật" (art c'est cacher l'art). Hiền triết khi đạt đạo cũng dấu "minh triết vào nếp sống của xã hội" nên từ đó đã thiết lập ra nhiều thể chế, nhờ đó đời sống được thấm nhuần triết lý: chẳng hạn từ việc cao trọng bậc nhất như lễ tế thiên, cho đến các việc thường ngày ăn vận (giầy vuông, mũ tròn) cũng vâng theo luật vũ trụ đó. Ở đây chỉ có ý nói cách riêng đến nguyệt lệnh là một thể chế biểu lộ nguyện vọng "thuận thiên": lo lắng sao cho mỗi tháng, mỗi ngày của nhà Minh đường là lấy không gian thời gian uyên nguyên làm mô dạng phải theo trong đời sống lý tưởng để không có việc làm nào đi trật thiên ý: tháng nào phải tế một thần riêng, ăn một thức hợp mùa theo cách dọn nấu ám hợp, mặc quần áo nào, bài ca khởi đầu bằng cung chi… Sau đây là bản đã tước bớt, để dễ có một ý niệm đại khái (Xem bản đầy đủ ở Kinh Lễ IV, 57, Couvreur).
BẢNG NGUYỆT LỆNH Ngũ hành: Thủy Hỏa Mộc Kim Thổ
Thời tiết: Đông Hạ Xuân Thu Tứ quý
Ngũ phương: Bắc Nam Đông Tây Trung ương
Ngũ tạng: Thận Tâm Can Phế Tỳ
Tác dụng: Thị giác Thính giác Cử chỉ Ngôn ngữ Tư duy
Ngũ sắc: Đen Đỏ Xanh Trắng Vàng
Ngũ vị: Mặn Đắng Chua Cay Ngọt
Ngũ cung: Vũ Chủy Giốc Thương Cung
5 số: 6 7 8 9 5
Thiên can: Nhâm Quý Bính Đinh Giáp Ất Canh Thân Mậu Kỷ
Đây là một thể chế đã có từ lâu lắm, có lẽ xuất hiện đồng thời với lược đồ ngũ hành và Hồng Phạm, nên còn mang nhiều yếu tố ma thuật mà thời cổ xưa đặt ra để gò bó đời sống của ông vua. Nhưng vì qua nhiều phiền toái nên chóng bị nhãng bỏ và đánh mất ẩn ý sâu xa, chỉ còn lại có cái vỏ kềnh cơi. Thay vì bám lấy dị dụng tiểu tiết để chứng minh sự lố bịch của người xưa, chúng ta nên xem đến thể đồng, tức là tác dụng dồn không thời gian lại một mới là điểu quan trọng. Còn việc áp dụng vào đời sống hằng ngày là chuyện bì phu, phiến diện rất dễ sai lầm. Điều quan trọng nằm trong cái cơ cấu tiên thiên căn để (structure principielle) mà khi biểu thị ra bằng lược đồ thì chính là thập tự nhai kép nét lên,
Thay vì + thành ra °° hoặc °°
nhưng tựu trung cũng chỉ là thập tự nhai, nhưng nhờ sự kép nét nên có thể cụ thể hóa đến cùng cực. Nhờ vậy thời gian, không gian không còn trừu tượng y như nhau, bằng lượng số, nhưng được hình hiện lên với phương hướng, sắc mùi, thanh âm, có hương vị đi kèm nên dễ thấm nhập vào đời sống. Do lẽ đó mà Ngô Kinh Hùng (John Woo) ví dương lịch như cây mùa Đông đã trút hết lá với hoa, còn lịch Đông phương như cây có hoa, có quả, có tứ quí với các ngày hội hè đình đám. Vì đó mà cái tết Đông phương mang một khuôn mặt trọng đại vượt xa cái tết Tây, thì truy căn ra chính là do sự dồn đúc không thời vậy.
Bởi thế cần chúng ta phải tìm hiểu cái ý thâm sâu gói ghém trong bảng Nguyệt lệnh.
5. Nền minh triết của Nguyệt lệnh Nền minh triết đó nằm trong hai chữ "Nhân chủ" những là con người đem cái sơ nguyên tượng của thập tự nhai để đóng khuôn muôn loài. Do đấy thập tự nhai trở thành cơ cấu tiên thiên của vạn vật. Vạn vật ở đợt hình thành ra cá vật thì có vô số, nhưng ở đợt sơ tượng cũng qui ra được tứ linh, tức là vũ trụ biểu thị bằng 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông lồng lên 4 hướng: Đông, Nam, Tây, Bắc với 4 sắc: Xanh, Đỏ, Trắng, Đen với các mùi vị âm thanh, số lượng thích ứng… như trong bảng nguyệt lệnh đã phân chia rành rẽ. Tưởng không đâu nói lên rõ ràng hơn sự đúc kết không thời bằng bảng nguyệt lệnh với những hệ quả sâu đậm vào quan niệm về vũ trụ và nhân sinh rất ơn ích cho con người.
Hệ quả quan trọng đầu tiên là con người làm "chủ nhân ông" của vũ trụ, ngự ở trung cung, nghĩa là ở chung một cung với Hoàng thiên, Hậu thổ. Vì đó nên Tuân tử gọi con người là Vua trời "Thiên quân" °° và bởi thế cũng mặc áo màu vàng là màu dành cho vua, vua thật chứ không phải vua bù nhìn có Chúa gian thời lấn áp. Vì thế chính vua ra lệnh, không phải ra một lần, nhưng ban hành hàng tháng nên gọi là Nguyệt lệnh và truyền ra không phải cho một dân số nào đó, nhưng là cho cả vũ trụ. Vũ trụ cụ thể hóa bằng Mùa, bằng Hướng, bằng Sắc, bằng Vị… đều răm rắp tuân lệnh, không trừ bất cứ một vật nào dù chống đối nhau như nước với lửa. Tại sao lại như thế? Thưa đó là vì con người là Vua nhưng không độc tài, nhưng là đa tài, hay nói cho chân xác hơn là Tam tài. Và Tam tài chia việc để đồng lao cộng tác: Thiên sinh, Địa dưỡng, nhân hòa.
Sứ mệnh của Nhân là Hòa. Thiên cao, Địa hậu mà con người hòa hợp nổi nên gọi là thái hòa. Do đó cái Vũ trụ của Nhân chủ không có tính cách cơ khí như các quan niệm không thời với bầu khí đặc sệt của chống đối, đấu tranh, tiêu diệt, triệt tam… đầy nhóc "hủy thể của hủy thể" trong biện chứng Hegel, còn đây là vũ trụ của nhân chủ trong không khí Dịch hóa tức là triết lý cơ thể với các nguyên lý bổ túc, hỗ tương hòa hợp như trong một cơ thể: bên ngoài thì rõ ràng trái ngược như tay phải với tay trái, nhưng không là phải trái để chống phá nhau mà để hòa hợp cộng tác. Do đó khi động đến một thời điểm thí dụ là xuân, tức cũng là chạm đến phương đông, màu xanh, vị chua, cung giốc, số 8… rồi lan về tới Thổ trung cung, tức là "Vũ trụ chi tâm" nên truyền âm vang ra tứ phía. Bởi đó mới nói đến thiên địa vạn vật nhất thể, tức là một lối nhìn sự vật sống động trong quá trình biến hóa xoắn xuýt lấy nhau. Khác hẳn lối nhìn cơ khí tĩnh chỉ: vạn vật không có liên hệ nào với nhau hết.
Chúng ta hãy vẽ lại Nguyệt lệnh theo kiểu Hà đồ sẽ dễ nhận ra điều đó:
Theo bảng trên ta thấy đó là một Trung cung có 4 cánh gian Thời mỗi khi ra gian thời thì lại trở vào Thời tính ở trung cung. Thời tính là vô thời có sức phá vỡ sự liên tục của gian Thời không để nó kết xích đặng nô lệ hóa con người nhưng lâu lâu con người lại vượt ra khỏi gian Thời để nhìn bao trùm cả toàn cảnh. Đấy là nét đặc trưng của Việt nho không gặp thấy trong các Trung tâm thiên văn học cổ xưa: không có bên Chaldée hay Egypte hoặc Ấn Độ. Như ông Saussure nhận xét (S369). Nhờ sự vượt lên trên đó giúp con người nắm được quyền làm chủ bắt Thiên địa vạn vật đều tuân theo tiết nhịp của cái tâm mình, cho nên cái đập của tâm mình mới gọi được là "Thiên địa chi tâm" hoặc "Vũ trụ chi tâm". Vũ trụ như thế gọi là Vũ trụ cơ thể vì có tiết điệu "nhất động nhất tĩnh" như một trái tim bóp nở. Bởi thế Lục tượng sơn là một Việt Nho mới nói. "Ngô tâm tiện thị vũ trụ". Xin đừng coi đó là một câu văn chương sáo ngữ, nói lên để tự quan trọng hóa mình; nhưng cần phải hiểu những hệ quả của nó, tức là với quan niệm này, con người coi muôn vật đều bắt rễ nguồn nơi mình "vạn vật giai bị ư ngã" như thế có nghĩa ta lớn vật nhỏ, nên ta mới chứa nổi chúng. Nếu con người đã lớn hơn sự vật thì con người cần sai sử sự vật, bắt sự vật phụng sự mình, nếu để mình bị vật sai sử là tiểu nhân (Đại nhân sử vật, tiểu nhân sử sự vật - Tuân Tử).
Quan niệm người sai sử vật là hệ luận của quan niệm Nhân chủ mà hậu quả lớn hơn hết là tâm trạng vui sống và tổ chức cuộc đời có sinh thú tao nhã. Sinh thú nói đây phải hiểu tự thấp lên cao, từ sinh lý đến tâm thức. Vì "vũ trụ tiện thị ngô tâm" nên nếu điều hợp được tâm tình tức là vũ trụ có hướng. Đời sống cũng vì đấy mà có hướng, là cái gây nên cảnh vui sống. Đó là nét đặc trưng nhất trong nền văn minh Việt nho. Đặc trưng và sâu đậm đến nỗi tuy là miền bị cái nghèo dày vò nhất mà cũng không phá nổi cái "lạc thú ở đời". Tất nhiên đây nói về vũ trụ quan truyền thống của tiên tổ chúng ta. Còn hiện nay thì người Viễn Đông đang bị xâm chiếm bởi những ý hệ coi đời là vô nghĩa, đầy phi lý… làm bằng khắc khoải lo Âu, tâm thần bất an, cám cảnh với cái sống thừa mứa không nơi trú ngụ, không chốn hướng về… Những cảm nghĩ về đời sống đen tối kiểu đó, những quan niệm về con người ti tiện nhỏ nhen đó dù mang tên bất cứ ý hệ nào thì đều bắt nguồn từ quan niệm không gian thời gian đứng độc lập bên ngoài sự vật, kể cả con người. Lẽ tất nhiên vì bị chứa đựng nên con người trở thành bé nhỏ hơn không thời và bị không thời đóng cũi. Và như thế là bị khuôn đúc theo mô dạng (forme) của sự vật, hoặc nói như nhóm "cơ cấu luận" ngày nay thì "không phải tôi nói, nhưng là sự vật nói qua tôi" (je ne parle pas, je suis parlé). Nói khác đi tôi là bồi cho sự vật bởi vì khi dùng óc điện tử thí dụ để suy nghĩ thay cho con người thì con người chỉ còn việc thu nhặt tài liệu, làm các thống kê đưa nạp cho máy và ngồi chờ kết luận. Lý luận máy kiểu đó có thể hay cho việc làm cơ khí xây nhà lập xưởng buôn, nhưng đem áp dụng cho tình người là đẩy xa thêm đà nô lệ, làm sâu đậm thêm thảm trạng con người bị vong thân.
Vì thế chúng ta cần tìm hiểu vị trí chân thực của cơ cấu thời gian Mã Đồ với hy vọng làm phục hoạt lại sức tác dụng tâm linh của nó. Cơ cấu này chúng ta sẽ mệnh danh là Hòa Thời, theo nghĩa Hòa là vừa lên vừa xuống "thướng há vô thường, duy biến khả thích". Hệ từ hạ, tiết VIII. Sở dĩ dám mong mỏi như vậy là vì song song với đà xuống dốc của con người trong quá trình tha hóa, lại đang có những dấu báo hiệu cho sự đi lên của tâm linh và thú vị hơn cả là điều đó lại đang xẩy ra ngay trong lòng các khoa học. Có thể nói nơi đây yếu tố tâm linh đang lấn chân sang phần đất của vật chất. Nói khác tâm linh mở rộng theo đà tăng trưởng của sự nhận thức con người về ý niệm thời gian như chúng ta sẽ học thêm trong chương sau.