Chương IX
Tìm về căn cơ thời gian

1. Bài thơ Vương Đạo
Phương pháp tìm về căn-cơ thời gian được thiên Hồng phạm ghi vào một bài thơ gọi là "Vương đạo", vì dạng tự chữ Vương vẽ lại khung Hồng-phạm cũng ba ngang một dọc, cho nên bài thơ Vương đạo cũng chính là bài thơ của Hồng-phạm, một bài thơ có tầm rộng mênh mông như vũ-trụ vì có chí hòa: l'harmonie universelle mà cũng là chí trung: trở lại lòng cho tới chỗ cùng kỳ cực, gọi là "hoàng cực" nghĩa là không thể Trung cách cùng cực được hơn nữa. Một bài thơ như vậy vừa có tính cách tâm-linh, vừa có tính cách vũ trụ mà "Triết Vương" "le philosophe roi" thể hiện sự vận-hành giữa"hai tầng ngoại nội chi đạo" trong tòa nhà Minh Đường theo thứ tự 4 mùa như sau:
1. Giáp Ất là Quí Xuân: thì bận phẩm phục cờ xí đều xanh (mộc) ngự ở cung Thanh Dương phía đông.
2. Bính Đinh là Quí Hạ: phẩm phục cờ xí đỏ, ngự cung Minh đường phía Nam (Hỏa).
Mậu Kỷ là Tứ quí: sau ngày chí thì bận phẩm phục, cờ xí vàng, ngự trung cung thái thất (Thổ).
3. Canh Tân là Quí Thu: phẩm phục cờ xí trắng, ngự cung Tổng chương, phía Tây (Kim).
4. Nhân Quí là Quí Đông: phẩm phục cờ xí đen, ngự cung Huyền Đường phía Bắc (Thủy).
(Lễ ký, Nguyệt lệnh Couvreur tr. 330-340. Và xrm Thái Thất triệt 2 chương VII ở dưới.)
Thể chế quân-chủ đã lỗi thời, nhưng tinh-thần áp dụng cho con người vẫn còn: vì mỗi người phải cố đạt được mức nhân-hoàng và thông minh tới mức Triết, cho nên hai chữ °° "Triết Vương" là cùng đích của Kinh Thư, cũng như Kinh Thư được gói vào Hồng Phạm, vẫn còn có giá trị với ý-nghĩa là thánh-triết, tức là Triết-gia thượng thặng: philosophe par excellence, với khẩu hiệu "Kinh đức bỉnh triết" °° = đi thẳng tới suối nguồn của bầu linh lực (đức: energy) là nắm vững Minh Triết. Hoặc có thể đặt ngược lại cũng được như sau "chỉ dùng triết mới đạt được nguồn linh lực".
Đó gọi là Vương đạo được tóm vào bài thơ có 8 câu, chia ra được ba phần như sau:
I.- "Vô thiên vô bí: Tuân vương chi nghĩa
II.- "Vô hữu tác hảo: Tuân vương chi đạo
Vô hữu tác ố: Tuân vương chi lộ
Vô biên vô đẳng: Vương đạo đãng đãng
Vô đẳng vô biên: Vương đạo bình bình
Vô phản vô trắc: Vương đạo chính trực
III.- "Qui kỳ hữu cực
Hội kỳ hữu cực"

*

"Đừng thiên đừng lệch: hãy theo Vương nghĩa
Yêu chớ theo cách thiên vị, hãy theo đạo Vương
Ghét đừng theo cách thiên vị, Hãy theo Vương lộ.
Đừng ra góc hay đẳng phái hẹp hòi, vì Vương đạo thênh thang.
Đừng theo đẳng phái chật hẹp, vì Vương đạo bình bình.
Chớ hề phản trắc, vì Vương đạo chính trực.
Hãy trở lại với mình thì sẽ có cực (tức là có... tiêu chuẩn: critère, để làm nơi y cứ hoặc cũng có nghĩa là Đạo, hay Hoàng cực.)
Hội lại với mình tức thống nhất quanh mình thì cũng được như vậy".
Đó là đại ý bài thơ, bây giờ phải tìm hiểu từng câu.
Phần I
"Vô thiên vô bị tuân Vương chi nghĩa". Đây là nền tảng: là tránh sự thiên lệch để đi lên đợt nghĩa. Thiên lệnh thì phải cậy dựa vào vật này, sự kiện kia, không còn đứng tự lập, mà chưa "vô thiên vô ỷ": không thiên vạy, không cậy dựa thì làm sao trở thành đại nhân, để xứng đáng đi trên con đường Vương giả (Vương đạo), il n'y a de grand que ce qui repose sur soi" chỉ có gì tự lập mới có cao cả. Vì vậy luôn luôn nhắc nhở chớ có thiên lệch. Do đó câu sau tiếp liền; "tuân vương chi nghĩa" "Nghĩa giả nghi dã". Nghĩa là thích nghi với tiết điệu uyên nguyên thuộc đợt tâm linh tức tùy thời mà thi hành Vương đạo. Chính yếu tố tâm-linh đó phải đứng trên ngã thì mới ra Nghĩa °° và mới thêm chất hòa hoãn thấm nhuần cho những dị-biệt đối kháng, không thể không có trong xã hội loài người, cho nên những xã hội thiếu chất tâm-linh thì còn trật lại có chữ ngã kép bởi hai cái mác °° (qua) quay lưng lại với nhau, kiểu cá nhân thì đứng vững bền lâu sao được. Thiếu nghĩa là thiếu Hòa thời. Hòa Thời là Nghĩa Thời vậy.
Phần II
Đừng yêu ghét vì những lý do nhân-vi tạo-tác, lấy thí dụ ở những văn minh đã sụp đổ là vì một số người đặc ân dựa trên những lý do hoàn toàn nhân-vi tạo-tác như dòng máu quí tộc hay là sự giàu sang, để rồi đàn áp bóc lột những người khác dầu tài đức bởi vì tài đức là cái gì không vật chất không cụ thể như giòng máu, hay sang giầu, nên vẫn bị coi thường không cho hưởng quyền lợi. Tất cả những văn minh như vậy đều đã sụp đổ. Do đó bảo phải theo Vương đạo, Vương lộ. Lộ hay Đạo cũng một ý... Câu 4 nói đừng ra biên ra cạnh là những cái nhỏ hẹp không được thênh thang bằng trung cung là nơi thái-công vô tư. Thánh nhân không được có lòng riêng tây cốt để lấy lòng thiên hạlàm lòng mình, để dung thông khắp thiên hạ, bao bọc khắp nhân-trần.
Quẻ Lý nói: Đi theo Đạo thì được bình thản Lý đạo thản thản °°
Luận ngữ nói: quân tử luôn luôn an lạc thư thái, tiểu nhân thì trường kỳ buồn bực: "quân tử thản đãng đãng tiểu nhân trường thích thích" L.N. VII 36. °°
Câu năm nói: "Vương đạo bình bình" Hai chữ bình bình cùng kiểu nói "sinh sinh" "tồn tồn" chỉ mức tuyệt độ. Đây nói về một sự an bình tuyệt độ do một thứ quân bình siêu việt, cũng gọi là quân thiên °° (équilibre céleste) vượt lên trên mọi đối kháng, nên luôn luôn chính trực. Chính là trung, trực là thẳng, không tà vạy không đi lối vĩ quanh co, nhưng noi theo đường Kinh là con đường Vương đạo. Cũng tự đạo trời này mà rút ra hệ luận bình sản để cho hết mọi người được hưởng nhờ tài sản trong nước.
Tóm lại con đường đó không đi ra 4 góc (tứ cá) nghĩa là không để lòng bị tù túng trong ý-hệ hay thành kiến, sự kiện này nọ kia khác, vì biết rằng hễ cái gì đã hiện lên hình, thì rồi sẽ biến: đã có thành thịnh thì rồi có suy hủy, không một tình-trạng nào trường tồn, không một biểu lộ của công thức nào, chân lý nào tuyệt đối, cho nên không cần cứ phải kiểu này hay lối kia, nhưng "ngã vô khả bất vô khả": không kiểu này thì sẽ kiểu khác, vì tất cả là biến dịch, đổi thay, khỏi bận tâm vào những cái biến thiên ở ngoài chu vi thường là mâu thuẫn trái ngược, nên phải chạy theo hết mọi vật: khi không đặng thì sầu thảm gọi là "trường thích thích". Vì thế thánh nhân để lòng an trú nơi trung tâm gọi là "an thổ" đặng có thể "đôn hồ nhân" mà vì "nhân giả bất ưu" L.N.IX 27 °° nên luôn luôn sống an nhiên tự tại (thãn đãng đãng). Đó là hậu của cái học triết lý nhân sinh chân thực mà trong bài này kêu là Vương Đạo: la voie royale, đã được biểu thị ngay trong khung Hồng Phạm. Ta hãy vẽ lại hình ấy để dễ nhìn ngắm.
Hình trên là nhà Minh Đường loại 9 căn tức là 5 căn chính thêm 4 căn phụ gọi là cá °° Lý tưởng phải là "thập tự nhai", nghĩa là phải đi qua trung cung. Vì bản chất thập-tự-nhai là từ trung tâm đi ra 4 cách đều nhau, để có thể dung thông khắp hết, nói khác là đạt Minh triết (Sagesse principielle). Vì Minh triết là gì nếu không là lưu tâm đến tất cả và giữa những đối lập-thể thiết lập được mố cầu thông cảm. Điều đó chỉ có thể đạt khi đi qua số 5. Thế mà dù khởi đi từ dưới lên trên hay từ Đông sang Tây thì cũng phải đi qua hàng giữa thì mới gặp 5 là thập-tự-nhai.
Từ dưới lên trên là 1' 5' 9
Từ Đông qua tây là 3' 5' 7
Ngoại giả 4 trường hợp khác đều không đi qua 5 như ta thấy:
Từ dưới đi lên bên Tả là 8' 3 ' 4
bên Hữu: 6' 7' 2
Từ Đông sang tây thì trên là 4 '9' 2
Dưới: 8'1 '6
Tất cả đều một biên, hai cá nhưng thiếu số 5 của Hoàng-Cực nên không vẽ lên được thập-tự-nhai; chỉ còn lại những thập tự thiên lệch, như thế là "vắng mặt" không hiện-diện với vũ-trụ được biểu thị ở Trung Cung, nên không thể giàn hòa hai mảnh đối-kháng = thị phi, để an nghỉ chỗ Quân Thiên (équilibre céleste) vượt lên trên thị phi. Trang Tử nói: "Hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên Quân". Nói đơn sơ là đặt quan trọng vào Tâm vào Đạo, mà lướt nhẹ trên phải trái vốn thuộc bình-diện đối kháng mâu-thuẫn, để vươn đến bình diện Thái-Hòa.
Thế nhưng những người khoái hình-thức câu nệ danh-lý, từ ngữ, luật pháp xác định lại đưa ra 4 căn cá-biệt của tư ý tư dục tư ngã để làm nhỏ cái lớn, hoặc tệ hơn làm tắc chỗ Thông Hội, ngăn trở cuộc họp mặt của "tứ hội điền", tức ngăn cản 4 hành trở lại Hoàng đình của nhà Hậu-Thổ. Thế là đánh mất tâm-linh hoặc gọi vắn tắt là thần theo câu của Thiệu Khang Tiết: "Trệ vu nhất phương, tắc bất năng biến hóa, phi thần dã": Đọng lại một góc nào đó như kiểu các thứ duy, thì hết khả năng biến-hóa, như thế thì không còn phải là thần nữa.
Nên cũng không được hưởng nền an lạc thanh thoát của Vương Đạo. Vì thế mà đến câu cuối cùng kết tinh lại trong câu 8 chữ mà ta cần suy ngẫm thực kỹ lưỡng.
Phần III
"Qui kỳ hữu cực
Hội kỳ hữu cực"
Muốn đạt tới cái chí-cực trong sự an-nhiên tự- tại thư-thái thanh-thoát như đã tả ở phần hai, coi như hậu quả của Vương-Đạo, thì phải trở lại với mình: phải "qui kỳ" thì mới có "cực" tức là có sự trọn hảo cao độ gọi là Hoàng cực perfection royale. Mà khi đã có qui kỳ "hữu cực" như nội-hàm, thì vạn vật sẽ họp qui tụ lại quanh đón "hội kỳ hữu cực" như ngoại hàm, y như có chí trung thì mới chí hòa sẽ được bàn ở dưới. Cái qui kỳ mà đã chí cực thì cái hội cũng bao là cùng cực tức là với đất với trời "thánh nhân dữ thiên địa hợp kỳ đức", và do đó hàng ngang cũng hợp với tha nhân khắp hết. Tứ hải giai huynh đệ, hiểu là không thể bao quát hơn được, không thể đi xa hơn bất cứ chiều ngang hay dọc và vì vậy đó là sự hoàn hảo cao độ nhất gọi là "Hoàng cực" perfection royale.
Đây là một nét đặc trưng của Việt nho tìm tiêu chuẩn ngay nơi-mình (qui kỳ) cũng như tìm trọn hảo ngay trong công việc mình làm (hội kỳ) như câu "Đạo = vật chí cực". Đạo là tìm ngay trong công việc được làm đến chỗ cùng cực.
Đó là nét đặc trưng vì những nền đức lý dựa vào thiên hay địa đều tìm tiêu chuẩn ở ngoài mình, cũng như sự trọn hảo của việc tìm ở đối tượng mà không ở con người. Riêng Việt Nho là tìm sự hoàn bị ngay trong tác động (hội kỳ hiểu là mọi việc qui tụ về mình) cũng như tiêu chuẩn là tìm nơi mình (qui kỳ) tin chắc rằng như vậy sẽ gây được sự trọn hảo cao nhất như việc trời đất giao thoa (gọi là Ngũ hoàng cực).
Hai câu "qui kỳ hữu cực
Hội kỳ hữu cực"
làm chúng ta liên tưởng đến câu nói của Teihard de Chardin "tout ce qui monte converge" mà có người dịch rất hay bằng ba chữ "Đăng giả hội" hoặc "Thăng giả hội". Nếu theo thuật ngữ đó mà đúc hai câu kết của bài Vương đạo thì chúng ta sẽ có câu "qui giả hội" = hễ ai biết qui hướng vào nội tâm thì sẽ thống nhất được tất cả " tout ce qui s'approfondit converge". Câu qui giả hội xét về văn chương có lẽ không hay bằng câu "Đăng giả hội",vì chữ đăng nghe bong hơn chữ qui. Nhưng về nội-dung triết, thì câu "Qui giả hội" tinh mật hơn, phong phú hơn ở chỗ chỉ ra hướng tiến. Vì khi nói Đăng thì còn man mác tứ phương, chứ nói qui kỳ thì hiểu ngay là đi về nội tâm, rất hợp để đặt nổi khía cạnh cơ-thể, sống-động của vũ-trụ: "vũ-trụ tiện thị ngô tâm", nếu vậy " qui kì" trở lại lòng mình là hiện diện với vũ-trụ, đó chính là trở về với nguồn sống sáng tạo để gieo ra, gây dựng ra cảnh hòa lạc an vui.
Đây là một phương pháp "qui tâm" nên chúng ta cần tìm hiểu thấu triệt. Để được thế chúng ta sẽ phân-tích vòng thái-cực, vì nó là phương pháp cụ-thể nhất để giúp ta hiểu được các tầng lớp của câu chí trung khi đi vào nội tâm, khi " qui kỳ hữu cực", để rồi nhờ đó hiểu được chữ "chí hoà" trên đường đi ra "hội kỳ hữu cực". Vậy trước hết chúng ta tìm hiểu vòng thái-cực.
2. Vòng thái-cực
Vòng tròn là một biểu-hiện trọn hảo nhất trong các biểu-hiện nên nó là di-sản của Truyền-Thống nhân loại và có thể gặp ở bất cứ nền văn-minh nào. Tây-phương nói "Deus est circulus": "Thiên chúa là vòng tròn". Nói thế là cực-tả giá trị cao quí của biểu-tượng vòng tròn. Không hiểu về sau tại sao tiêu trầm, cho mãi đến Pascal mới đưa lại trong câu nói thời danh "Thiên chúa là một bầu tròn mà trung tâm ở khắp nơi, còn chu vi thì không ở đâu cả" "Dieu est une sphère dont le centre est partout et la circonference nulle part" và từ đấy ta lại năng được nghe đến cái tròn.
Bachelard đã thu nhập các yếu tố đó vào bài la Phénomélogie du Rond trong quyển La Poétique de l'Espace (208) thì kể ra được ba câu đáng chú ý. Trước hết là câu của K.Jaspers: "Tout être semble en soi rond": sự vật xem ra là tròn. Câu thứ hai của họa sĩ Van Gogh: "La vie est probablement ronde": "đời sống chắc là tròn".
Đáng chú ý hơn cả là đoạn văn của Michelet: "L'oiseau presque tout sphérique est certainement le sommet sublime et divin de concentration vivante. On ne peut voir ni imaginer même un plus haut degré d'unité. Excès de concentration qui fait la grande force personnelle de l'oiseau, mais qui implique son extrême individuatité, son isolement, sa faiblesse sociale": "con chim hầu như tròn, chắc là chóp đỉnh siêu tuyệt và thần-linh của sự tập trung sống-động. Người ta không thể thấy hoặc không thể mường-tượng ra được một mức độ thống-nhất cao hơn. Sự tập trung thái quá làm nên sức mạnh riêng của con chim, nhưng một trật cũng bao hàm cả cá tính, sự lẻ loi và do đó sự yếu đuối về mặt xã hội".
Đây là một câu suy-luận đầy kinh-nghiệm triết-lý: chính sự tập trung giồn hết sinh-lực vào một điểm làm nên sự thống-nhất đặc-sắc, nhưng đồng thời làm cho con người cố gắng tập trung kia như xa lìa xã-hội. Sự tập trung cùng cực đó là dấu hiệu của thiên tài, của những nhà phát minh, những người dẫn đưa nhân-loại trên đường tiến-hóa. Nhờ họ biết tập trung nên có tầm mắt rất xa, thấy được những cái người ta không nhìn nổi nên cho là mây gió, vì thực ra cũng có rất nhiều những hạng mây gió,vu vơ như lẫn vào đám triết-gia, nên triết hay bị thiên hạ coi thường và do đó thiên tài hay bị cô lập, lép vế trong lúc sinh tiền. Vì thế mà bảo câu nói của Michelet tả rất trúng cái trạng huống của mấy triết gia chân thực.
Câu đó cùng với câu trên của Van Gogh trỏ cho ta thấy lý do tại sao triết-học lý-niệm quên mất cái vòng tròn, tại sao đến nay khám phá trở lại thì ngập ngừng không dám quả quyết, cứ phải dùng những chữ xem ra, chắc là, hầu như. Thưa lý do nằm trong chữ sống của Van Gogh và chữ tập trung của Michelet. Phải có sống mạnh mới nhận ra sự tròn của đời sống. Vì sống là qui tụ, sống là thống nhất. Càng sống mạnh càng thống-nhất nhiều. Sống viên mãn thì tập trung đến cực độ và vòng cũng trở nên tròn xoe, nên cảm thấy tròn, xem thấy tròn mọi chỗ.
Đó là hình ảnh của sự vật mà ngày nay khoa học cũng đang nhìn ra. To lớn bao la như thái-dương-hệ hay cả Tinh cầu người ta đều thấy là tròn. Khoa thiên-văn cho ta biết đó là những vòng xoáy ốc bao la. Trở xuống bé nhỏ như hạt nguyên-tử, khoa-học cũng cho ta hay là électron xoay tròn quanh proton. Vật cực to cũng như cực nhỏ đều tròn, nhưng không do giác-quan thường nghiệm mà do khoa học cùng những dụng cụ đại bội thục mạnh mới nhận ra. Các vật bao quanh ta không thấy xuất hiện rõ hẳn dưới hình-thức tròn hoặc là có nhưng ít và không hoàn toàn tròn. Vậy nên ta phải bắt chước khoa học dùng một khí-cụ riêng mới nhìn ra mọi vật đều tròn.
Khí cụ đó không phải là con mắt mà là Tâm Tư. Nếu chỉ trói mình vào những kiến-văn thường-nghiệm, thì không thấy tròn đâu cả, mà chỉ thấy muôn vàn dị-biệt, cho nên không lạ chi sự để quên mất vòng tròn là vì không có triết-lý sống. Nếu ta sống thật sung mãn, thì nhất quyết sẽ thấy đời là tròn, và không cứ con chim, nhưng hết mọi sự vật đều tròn cả. Vì nếu không tròn nghĩa là qui tụ chung cái tính của nó thì vật không thể sống là do sức thống-nhất qui tụ và vì vũ-trụ là cái gì thống nhất có tổ chức, có qui hướng vào một điểm trung tâm. (Univers là hướng vào một) thì nhất định phải tròn, nghĩa là phải sống, và phải là triết-lý cơ-thể. Vì chỉ có cái sống của cơ thể mới đạt nền thống nhất thâm sâu nhất. Vì lý do đó mà triết-lý nhân-sinh là nền triết-lý vốn chuyên lo sống mạnh không thể để cho thất lạc vòng tròn, nhưng đã tô điểm để trở thành nét đặc trưng không thể lẫn với những vòng tròn gặp thấy trong các nền văn-hóa khác. Ở đây nó mang tên là vòng Thái cực mà ta cần phải vẽ lại hình để trước mắt hầu làm điểm tựa cho những suy tư.

*

Hình đó thoạt coi tưởng là phiền tạp, kỳ thực chỉ thành nên do hai yếu tố: một là vòng tròn dùng để chỉ Trụ, hai là nét ngang để chỉ Vũ. Nét ngang có cái cao cái thấp thì vòng tròn cũng thêm lên có to có nhỏ để đủ bao bọc mọi cái ngang từ rất to đến rất nhỏ. Có ý nói sự vật tuy phồn đa dị-biệt về hình-thể coi như muôn vàn xa cách nhưng sự thật thì trong ngoài chỉ là một. Hình chất cũng là tinh-thần cũng là vật-chất. "Hình tức là thần, thần tức là hình". Không khác nhau về bản tính nên gọi là Đại Đồng, nhưng có khác nhau về số độ nên gọi là tiểu dị. Tiểu-dị gấp lên đến đâu, mở rộng ra đến mấy, thì vòng đồng tâm lại mở thêm để bao bọc lại và như vậy từ trong nhân trong nõn ra đến ngoài cùng có 7 vòng bao bọc.
Lấy số-độ mà nói thì ta thấy bảy vòng trong thái cực là 7 mức độ đi vào thời-gian của Nhất Thể. Càng mở rộng ra xa thì càng bớt sáng, càng trở nên dày đặc. Tất cả có 7 vòng là biểu thị cho 7 đợt tiến-hóa của vũ-trụ, nên đó lại là lược-đồ vẽ lại quá trình nhập-thế nghĩa là Nhất-Thể đi vào thời-gian tức cũng là trở thành đa tạp. Quá-trình đó ta có thể nhờ khoa-học mà minh họa để thấy rõ hơn. Bên ngoài là muôn vàn sự vật, nhưng càng phân tách thì càng giản-lược một số tố-chất nhỏ dần như bảng 93 tố chất, rồi đi nữa xuyên qua nguyên-tử thì chỉ còn hai làn khí-năng của âm-điện-tử và dương-điện-tử mà trong lược-đồ-thái-cực-đồ có thể tương đương với vòng 5, 6 của tứ tượng và âm dương, tức là biểu-thị vòng trong tuân theo luật Đồng-Thời của Vũ-trụ với rất nhiều tự-do. Ngược với vòng ngoài từ 1 đến 3,4 là Dụng là hiện tượng chịu sự chi phối của luật Đồng-nhất mâu thuẫn, hạn định nên thiết-yếu (déterminisme et nécessité).
Riêng về con người, vòng Thái-cực biểu-thị bảy vòng tâm-thức. Những tâm-thức còn ở ngoài thì Vũ choán Trụ, nên chỉ thấy có đường thẳng hoặc vuông bánh chưng, thiếu nơi thông-hội, nhưng khi vào đến cùng thì sẽ gặp thái-cực tròn đầy viên-mãn. Tức gặp gỡ cái gì u linh huyền nhiệm (rencontre avec le mystère). Lý tưởng của đạo làm người là sống thế nào để thấy được cái tròn, và cố trở nên tròn đầy viên mãn. Để giúp đạt đích đó nên triết lý việt nho mới đưa ra nguyên-lý có Chí Trung thì mới "Chí Hòa" cũng gọi là "Thái Hòa".
3. Chí – Trung
Ở triệt trên khi ngắm vòng Thái-cực chúng ta đã nhận thấy ở vòng ngoài những yếu tố Vũ (vuông) nổi vượt xa hơn yếu-tố Trụ (tròn). Vòng 1 ngoài cùng trụ hầu như bị lấn át. Nếu áp dụng vào sự vật thì gọi đó là những vật vô-tri vô-giác. Nói thế là theo tiếng thường nghiệm thôi, sự thực thì nó có tri có giác được biểu thị bằng vòng tròn nhưng chỉ xuất hiện trong một cung (của 61 cung) nên quá nhỏ không thể phô bày đường cong (tròn) ra được, mà chỉ còn nằm lẫn vào hai nét ngang to dài đóng khung hai bên tả hữu.
Nếu áp dụng vào người thì đây là đợt của bản-năng chưa đạt tầm-ý thức, chưa thức tỉnh được tinh thần. Khi đi vào nữa đến độ 2 thì đường vòng (trụ) sẽ mở rộng lên gấp 2,3,4,5.... nên càng vào trong thì vòng tròn càng mở rộng tức là càng nhận thức ra chiều kích vũ trụ trong con người, nghĩa là càng vào con người càng thấy mình lớn lao thêm. Ở đợt 1 chỉ bao được một cung. Đến đợt 2 bao được hai cung, lên 3,4,5 thì thêm 4,8,16 cung. Do đó mà bảo phải có Trung thì có nghĩa là phải đi vào. Càng đi vào bao nhiêu, càng trở nên đơn giản bấy nhiêu và tầm bao quát mở rộng thêm ra bấy nhiêu theo nguyên-lý nội hàm cung nhỏ thì ngoại hàm càng to. Nhận xét trong thực tế một tâm hồn càng trở nên đơn thuần càng mở rộng yêu thương. Thế mà mục tiêu là bao quát khắp hết 6 cõi, vậy nên nói Trung chưa đủ, phải nói Chí-Trung: trung đến độ cùng cực có thể, mới mong đạt chí-hòa là bao quát trọn vẹn mọi vật vào trong vũ trụ tức là vào 1 toàn thể có thống nhất lớp lang sống động. Bao lâu chưa đạt chí-trung thì cũng không có chí-hòa: không thể bao khắp sáu cõi, mà chỉ bao được phần nào to nhỏ tùy độ trung, thí dụ nếu dừng lại ở đợt tứ tượng thì chỉ bao được người cùng đạo, cùng sắc da mà không đạt tứ hải nói theo tiếng ngoại tại thì mới bao được 900 hoặc là một hành trong số 4 hành: được kim mất mộc, được thủy mất hỏa, nhưng không bao quát khắp hết 4 hành. Được cái này mất cái khác: được Tâm mất Vật, được thành công mất thành nhân, không thể có Thái-Hòa mà chỉ tới độ Đồng-Nhất.
Đồng nhất là giản-lược tất cả mọi khía cạnh phong phú (vì dị biệt) vào một chiều kích duy nhất được truy nhận. Người duy-vật giản-lược tinh-thần vào vật-chất cho tinh-thần là bèo bọt épiphénomen của hạ tầng kinh tế. Duy tâm cho vật-chất là bóng hình của tinh thần. Cả hai đều dừng lại ở đồng nhất nên thường có bạo lực khi thì lộ liễu lúc thì trá hình. Đó là điều tất nhiên của Đồng Nhất. Vì chưa vào tới phạm vi Tinh Thể, nên mới có vũ chưa có trụ. Thứ trụ để gây nên Đồng-Nhất chỉ là thứ trụ giả, là phổ biến trừu tượng mà không là phổ-biến chân-thật. Mà bởi phổ-biến trừu-tượng thuộc lý-trí là cơ-năng dùng vào cõi hiện-tượng im-lìm (inertial) nên không đủ sức làm mối quán thông cho Thái Hòa. Vì Hòa chỉ có thực sự là khi nào hai bên đều được coi trọng: trong cũng như ngoài, nội cũng như ngoại, không bên nào lấn bên nào, nhưng mỗi bên ở đúng vào vị-trí và được coi là thực bằng nhau. Thế mới là Thái-Hòa, thế mới là " Thiên Địa vị yên, vạn vật dục yên". (Trung Dung). Trời đất mỗi thứ ở vào địa vị của mình thì vạn vật bác tạp đều được tốt tươi thịnh đạt.
Người đạt đạo thái-hòa thì giả-thiết phải đi tới chí-trung để nhìn rõ cả trong ngoài đều là do Nhất-Thể: âm cũng như dương, tâm cũng như vật, thiên cũng như địa, đều là khía cạnh của Tính-Thể, nên phải chấp nhận như nhau và phải điều-lý để cho "vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại" °° = vạn vật cùng sinh sống mà không làm hại nhau.
Nếu chứ chí-trung thì ví được như người trèo núi khi còn đang trèo chỉ thấy những gì bên cạnh mình trên một triền bên này, chưa nhìn ta thực-tại ở triền bên kia, nên chưa thể có tổng-hợp để gây nên hòa. Mà hễ đã không hòa thì kể là chưa chí-trung đủ để nhận ra Tính-thể ẩn nơi tha thể, tha vật cho nên không thấy đâu là nền móng giá-trị mới đem giản-lược bên kia vào bên này: tâm vào vật hoặc vật vào tâm.
Như thế về mặt siêu-hình làm giảm giá ngay Tính-thể bằng cách đánh mất tuyệt-đối tính của nó, vì bao lâu chưa nhìn thấy những vật thể hòa sinh với Tính thể là bấy lâu còn để vật đó bên ngoài Tính-Thể. Việc đó hạn chế tuyệt-đối-tính, hay là vô-cùng-tính của Tính-thể: Tính-thể có tận cùng ở chỗ tha vật khởi đầu có. Mà chỗ nào tha-vật có thì Tính-thể không cùng có ở đó được, cho nên vật-thể trở thành mốc giới đóng khung Tính-thể. Như vậy Tính-thể bị hạ xuống cùng hàng với vật thể và chịu sự giới hạn lẫn cho nhau. Nếu như chí-trung thì sẽ đạt bình-diện siêu-việt thực sự để bao dung tất cả mọi vật thể mọi đối-lập thể, và chủ-tri với khách-thể (sujet objet) trở thành một: vì trí lúc đó không còn là tri bị ràng buộc trong bốn căn-do cá-biệt của hiện-tượng nữa, nhưng thoát lên hẳn để "cách vật" để vật-hóa nghĩa là mặc lấy Đạo và thấy Tính-Thể hiện ra như tại tiền, không còn chút giới hạn của cá-biệt-hóa vấn vương che đậy. Cho nên "trí tri tại cách vật": tức cái chu-tri tinh-dòng đã hòa-hợp với Khách-thể, và nhìn nhận ra Nhất Thể vừa là Nhất Thể vừa là Đa Thể (un et multiple). Đại thì đồng mà tiểu thì dị. Tâm-linh và vật-chất không còn là hai thế-giới kình chống nhau mà chỉ là Thực-Thể duy-nhất xuất hiện dưới muôn vẻ đa-tạp cho những trình-độ tâm-thức khác nhau: càng vào trong thì càng thấy thiêng-liêng hợp Nhất: càng ở ngoài càng thấy cá-biệt đa dạng. Và nếu ra quá thì chỉ còn thấy có đa biệt đối kháng.
Từ đấy có còn gọi là "tinh-thần hay vật-chất" thì cái tên không thay đổi được thực-chất nữa. Thế mà dấu hiệu rõ rệt nhất chỉ-thị tình trạng quá vụ ngoại là nâng sự phân-biệt bỉ thử lên trình-độ bản-thể, lên trình-độ triết-lý, vậy là hỏng. Đành rằng thị phi, bỉ thử phải được truy nhận, vì nếu không truy nhận thì làm sao Nhất-thể được Đa-dạng-tính và như vậy trở thành huyền-không, u-tịch kiểu duy trụ thiếu vũ. Tuy nhiên chỉ nên nhìn nhận là có bỉ thử, cũng như có thủy hỏa, có kim mộc, nhưng trung tâm trọng-lực thì phải để ở hành Thổ, chứ không ở 4 hành chu vi cho nên không được nâng bỉ thử lên triết-lý tức là không được tuyệt-đối-hóa không được coi như là bản thể tuyệt đối riêng biệt mà chỉ là một trong muôn vàn đối cực của cái Một, cái Nhất Thể vô biên. Bao lâu chưa thấy được vậy là tỏ ra còn mang một não-trạng chưa đạt chí-trung; chưa trút bỏ được giới mộc hạn hẹp, nên chưa đủ khả năng đi xuyên qua những dấu cá-biệt để nhìn ra Nhất-Thể. Khi nhìn ra được sẽ thấy Nhất-Thể ở mọi đợt, xuất lộ một cách liên-tục từ trong ra ngoài: đợt trong chứa hai ngoài, hai ngoài chứa bốn đợt ngoài nữa và càng đi xa thì Nhất-Thể càng bị ẩn khuất sâu thêm nhưng khi đã tinh luyện tâm-hồn khỏi "7 tầng sắt bao quanh" thì sẽ nhận ra được Nhất-Thể. Muôn vật khác nhau nhưng khác ở độ số, ở tiểu dị. Kim khí biểu-thị Nhất-Thể bị che sâu 4 đợt (4+5:9). Mộc chôn sâu 3 đợt (3+5:8). Hỏa chôn sâu 2 đợt. Thủy một đợt. Nhưng biết xuyên qua các đợt 4, 3, 2, 1 đều nhận ra Toàn Thể biểu thị bằng số 5 ẩn trong Kim, Mộc, Hỏa, Thủy biểu-thị bằng những số 9. 8. 7. 6. Hoặc nói theo vòng Thái-cực thì thường nhân chỉ nhìn thấy có vòng ngoài cùng của 64 quẻ vuông vức, mỗi vật là một quẻ riêng rẽ không liên hệ chi với nhau cả. Ngược lại hiền-triết nhìn xuyên qua các vòng thấu tới âm dương Thái cực, nên thấy sự sự vật vật đều liên hệ như từ một bọc trứng sơ nguyên lan tỏa ra, cho nên hiểu thấu được rằng "nhân nhân vật vật các hữu Thái cực" °°. Bề ngoài thì là vạn vật dị biệt phồn đa, nhưng kỳ trung là Nhất Thể, cho nên đa mà nhất, nhất mà đa: un-multiple xoắn xuýt ăn ngoàm vào nhau.
Lấy ngoại vật mà nói còn thế, phương chi là về người: tứ hải giai huynh đệ: cùng là thập-tự-nhai nằm trong tay "vạn vật chi mẫu". Đông, Tây, Kim, Cổ, Kinh Thượng đều mang sẵn trong mình cái tính, cái mệnh, cũng chính là Nhất-Thể của Vũ-trụ, của vạn vật, hễ gắng đi vào nội tâm đến mức độ tiếp cận với Thường-Hằng thì sẽ gặp được chốn Hội-Thông bốn bể một nhà: Mẹ Âu-cơ đẻ đến một trăm đứa con đi nữa cũng chứa tất cả trong một bọc trứng tròn xoe, cho nên vẫn có thể Chí-Hòa mà không chi choét và dầu cho thêm vạn triệu cũng có thái-hòa miễn là trung với mẹ Âu-cơ nghĩa là trung-tín với tinh-thần tâm-linh tiêu biểu bằng cái trứng và vòng thái-cực của Việt-nho, tiêu biểu bằng chữ đẻ ra từ bào thai, cùng một bầu khí thiêng liêng đất nước mà Triết-lý có sứ mạng phải làm sống lại, cổ động cho mối chí-hòa là hậu quả của bài học chí-trung vậy.
4. Chí trung, con đường dẫn đến liên chủ thể
Tuy nhiên trước khi bước sang chí-hòa, cần phải giải đáp vài thắc mắc. Trước hết một đàng khoa thiên-văn đã đánh cho tan tành những triết thuyết xây trên vũ-trụ quan lấy lái đất làm trung-tâm (géocentrisme) trong đó người là rốn (anthropocentrisme) sao còn hô chí-trung. Đằng khác về mặt tâm-lý hô chí-trung có phải xua con người ta vào thuyết duy-ngã-độc-tôn, xua vào những căn bệnh độc-thoại (solipsisme) chỉ biết có mình như Narcisse. Làm như thế có là đi ngược lại trào-lưu-thông-cảm hay là liên-chủ-thể: intersubjectivité đang được cỗ võ khắp đó đây chăng?
Thưa bấy nhiêu chủ-thuyết trên đã bị đả kích là phải. Lý do là tại bám sát lấy hạ-trí, bám lấy cá nhân, là căn do đưa tới ích kỷ ngược hẳn với "Chí Trung" đặt ở bình-diện-tâm-linh, có tới được mới gập chỗ hội-thông chân-thực với mọi người. Nói khác không phải cứ muốn chí-hòa là nhào đại vô vòng hoạt động khi chưa nhận ra hướng tiến. Làm thế chỉ tỏ ra có họ máu hàng dọc với miêu-duệ Công-Công chạy miết vòng ngoài mà không tìm ra lối vào Trung-Cung. Đó chính là hình ảnh những thuyết lấy con người là trung-tâm vũ-trụ vì con người đó hoàn toàn là tiểu-ngã, nằm ở vòng ngoài hiện-tượng. Ngược lại nếu là con người Nội-ngã tâm-linh thì câu nói "Ngô tâm tiện thị vũ trụ" là đúng nhất. Thực ra chẳng cứ gì con người mới là trung-tâm-vũ-trụ, nhưng hết thảy mọi vật đều là trung-tâm tức là dạng vẻ của Nhất-Thể, khác chăng là các vật còn ở độ tâm-thức thấp nên chưa nhận ra được mà thôi. Chính vì mọi vật đều là trung-tâm nên Pascal nhắc lại câu: "Thiên-chúa là cái vòng tròn mà trung điểm ở khắp nơi, còn chu vi không ở đâu cả".Có người cho câu đó là nói ngược. Lẽ ra phải nói: "Chu vi ở khắp nơi, còn trung-tâm không ở đâu cả".
Thực ra câu nói đó là của Truyền-Thống tâm-linh nên diễn tả một chân-lý cực sâu xa, nhưng khi đặt vào miệng Pascal thì câu nói trở thành hàm hồ có thể xoay chiều nào cũng được. Nếu đứng ở triết-học lý-niệm thì Pascal lẫn lộn thật; vì ai cũng chỉ thấy sự phồn đa mà không thấy trung-tâm đâu cả. Nhưng nếu nói theo tâm-linh thì câu đó đúng: nghĩa là muôn vật đều có trụ, có thái-cực trong mình, hết thảy sự vật đều là hiện tượng của Nhất Thể, nên vật nào cũmg cảm thấy mình là trung tâm. Xem ngoài thì nói thế là vô-lý: Trung-tâm chi mà ở cùng khắp nhưng với người có chí thành tức cũng đạt chí-trung, thì sẽ nhận ra vạn vật không phải là phức-thể tạp-đa nhưng là Nhất-Thể. Thể đó ở con người thì sáng láng hơn, ở súc vật thì tiềm ẩn sâu, ở vật vô-tri-vô-giác thì ẩn sâu hơn nữa. Do đó con người dầu bé mọn hèn hạ đến đâu cũng thấy mình là trung-tâm của cái vũ-trụ tư riêng của mình, có chân trời vây bọc chung quanh rất đều đặn để cho mình xem thấy mình là trung-tâm, là rốn bầu trời cũng như bầu đất. Cái mối cảm thức đó nếu đi theo lối vũ bên ngoài sẽ thành cá-nhân ích-kỷ. Nhưng nếu đi theo lối trụ tâm-linh nội-ngã để mà cố gắng chí-trung sẽ thấy đấy là đường dẫn đến huynh đệ phổ-biến tức cũng là tìm ra mối chí-hòa vậy.
5. Chí Hòa
Nhưng hỏi có cách nào để phân biệt đâu là chí-trung chân-thực, hay chỉ là chủ-quan? Đó là câu hỏi rất quan trọng, vì nếu không tìm ra được tiêu-chuẩn kiểm soát chí trung thì sẽ dễ bị lừa gạt vì không có gì khách quan là điểm tựa. May thay điểm tựa đã có rồi, và nó là hàm ngụ ngay trong nguyên lý tức là chữ Hòa. Hòa là kết quả có thể kiểm soát bên ngoài nên dùng được để đo độ Trung. Vậy hòa là gì? Thưa với cá-nhân thì hòa đem lại an lạc trong tâm-hồn còn với xã-hội thì hòa là gây nên mối thuận-hòa-dung-thông. Nếu dung thông người cùng nước là nhỏ, dung thông "tứ hải giai huynh đệ" là hòa lớn. Vậy hòa là lối nói gọn hơn nguyên-lý: "nội hàm càng nhỏ ngoại hàm càng lớn: plus la compréhension est petite, plus l'extension est grande". Thí dụ nội hàm là ngựa thì nó gồm hết mọi ngựa trong thế-giới. Nhưng nếu ta thêm vào ngựa trắng thì nội hàm to lên thêm một độ nghĩa là từ bỏ các ngựa đen, vàng, đỏ... Nếu ta thêm vào nội-hàm một yếu-tố nữa thí dụ ngựa-trắng-đực thì ngoại hàm lại gảy ra các ngựa cái... Tại sao cá-biệt-thể chỉ có một chính vì nội-hàm của nó rất lớn với 7 dấu cá-biệt (notes individuantes). Chữ bảy là có ý nghĩa rất nhiều.
Nguyên lý trên có thể nói theo Trung-Dung "có vào tận cùng thâm tâm mới tỏa lan ra cùng 6 cõi: "thối tàng ư mật, tắc dị lục hạp" nếu không vào đến chỗ ẩn mật thâm sâu thì không đi hết được sáu cõi, nhưng sẽ tùy độ nông hay sâu mà đi được 1. 2. 3 cõi càng quyện vào mình thì khả năng suy luận cách trực thị (nhìn xa những tương quan còn ẩn-tàng chưa ai thấy) càng biến hóa càng phát quang huy, càng lan tỏa mạnh. Do đó càng thêm qui tụ: ý-thức gia tăng, càng thêm nhân cách; vì nhân cách tuỳ vào sự thống nhất, càng thống nhất thì càng có nhân cách trung thực cao độ, ngôn hành đi đôi còn khi ít thống nhất thì có nhiều mâu thuẫn, lúc thế này, khi thế khác, đó là tại thiếu chí trung nên yếu đuối không lan tỏa. Vì thế Granet đã cólý do để dịch chữ Trung Dung là la puissance rayonnante de l'harmonie centrate. Xem thế thì Hòa gắn liền với Trung và lớn mạnh hay sa sút theo nhịp tiến của Trung và vì Trung Dung là mức hoàn thiện lý-tưởng, nên chúng ta có thể dùng Hòa làm thước đo mức độ Trung Dung, tức cũng là mức độ hoàn bị: trong mọi lãnh vực, y như trong các tổ-hợp xã-hội từ gia-đình lên đến quốc-gia rồi quốc-tế. Đâu có sự bất hòa, li tán thì ở đó có sự sa sút hoặc liệt nhược của Trung. Biết như thế bây giờ chúng ta thử kiểm lại mức độ trung-dung của các nền triết học bằng cách xem độ Hòa hợp của chúng.
6. Mức độ Hòa bên triết Tây
Hãy đặt lên triết-sử một cái nhìn cao quát để đo lường mức độ hòa xuyên qua 20 thế kỷ lịch-sử triết-học lý-niệm chúng ta sẽ thấy mở hoác ra một vết thương nhiều khi máu me lai láng, vết thương đó gọi là Korismos (tiếng Hy-Lạp có nghĩa là Cassure) mà ta quen chỉ thị bằng danh-từ nhị-nguyên = dualisme. Theo Nietzsche thì đó là vết thương do Planton phân-đôi vũ-trụ ra làm lý giới và trần giới. Nietzsche có lý mà cho sự phân ly đó là lầm lỡ chí-mạng đè nặng lên nền triết-học như một lời rủa xả độc địa "une erreur fatale qui pèse sur la Philosophie occidentale comme une malédiction" (Naissance de la philosophie).
Vì từ đấy hai nữa đó như hai thế lực kình chống nhau và gây nên biết bao cuộc tranh đấu ý-hệ với những dạng-thức khác nhau, nhưng tựu trung thì một bên là duy-tâm của Platon, mà hình thái nặng nhất là tuyệt đối nghi ngờ sự hữu của vạn vật kiểu Pyrrhus hoặc chủ trương coi sự hữu chẳng qua chỉ là biểu-thị của nhận-thức (esse est percipi) của Berkeley, hoặc những thuyết duy-tâm đề cao chủ-tri (sujet pensant) kiểu những triết học từ Descartes qua Kant cho đến Hegel. Quật ngược lại là bên duy-thực của Aristote: Réalisme trải qua duy vật thường nghiệm của thế kỷ 17, 18 rồi qua duy kiện positivisme kiểu Auguste Comte dẫn tới duy-vật "khoa học" của nhóm Mác-sít hiện đại. Tất cả chưa bao quát được toàn diện, chưa đạt Chí Hòa.
Nói kiểu khác: Triết-học Tây Âu cho tới nay đại loại có thể quy ra được 4 hình thái là duy-vật với các hình-thái đối-tượng-hóa ý-niệm cũng gọi là khách-thể-hóa (objectivation), bên kia là duy-linh với các sắc-thái tôn-dương chủ-tri (subjectivisme). Trở đi trở lại cũng trong vòng 4 loại ấy nên Saint Beuve đã gọi đó là trò chơi tứ cá "jouer aux quatre coins". Thuyết nào khi mới ra đời cũng rùm bem nhưng cuối cùng người ta thấy lại ứ trệ vào một trong 4 góc trên. Hegel đưa ra biện-chứng để dung-thông tất cả các mâu-thuẫn, cuối cùng trật ra Hegel cũng duy-tâm kiểu Parnémide. Panémide xưa kia chủ trương vạn vật đều im-lìm nên gây ra sự phản ứng của Héraclite cho rằng vạn vật đều biến-dịch, thì Hegel Nhất-nguyên im-lìm (hay là biện-chứng giừng nghỉ cũng thế) sẽ làm nảy ra Marx như vậy. Không sao thoát được cái gọng kìm nhị-nguyên cặp kè chân các nhà triết-học-gia, bắt họ phải chia ra hai bên để mà đối kháng (chứ không đối đãi). Hai bên chống đối nhau hết ở hai bên trời Tây qua bao thế-kỷ cho đến nay thì tràn sang bên Viễn-Đông, và từ đấy đêm đêm nghe tiếng súng đủ cỡ, ngày được chứng kiến những giòng nước mắt của mẹ, của vợ, của con...lai láng tuôn trào để tìm trong đống tử thi mong gặp lại hình hài tan nát của người thân yêu. Ai giết họ? Thưa là đồng-bào họ. Tại sao giết anh em đồng-bào? Thưa vì có những người ăn phải đũa nhị-nguyên thúc đẩy.
Đành rằng gây nên tang tóc đó còn có cả những động lực khác thuộc chính-trị, kinh tế... nhưng đấy mới là căn do gần, còn nằm ẩn sâu bên trong chính là tại triết-học đã không thiết lập nổi cuộc thái-hòa thực sự mà ra. Cho nên cuộc chém giết đã diễn ra trên nước Việt Nam từ hơn 20 năm nay có tính-chất ý-hệ. Mặc dầu những người thừa hành không ý-thức không đủ trình độ để ý-thức, nhưng tựu trung là vâng theo chỉ thị của những người chỉ biết có nhị-nguyên. Đó là những nền triết-lý đi ngược với tinh-thần-dân tộc luôn luôn chủ trương thái-hòa từ trong bản-chất. Chẳng may vì chúng ta thất trận nên mới ý-thức, rồi trong lúc hoảng hốt đã vội rước triết-lý nhị nguyên về nước khi chưa đủ an tĩnh để nhận ra đó là một sự rủa xả độc địa (malédiction). Không độc địa sao được khi người ta rủa nhau không những bằng lý lẽ thóa-mạ nhưng còn bằng súng đạn dao buá. "Làm văn-hóa mà lầm thì giết muôn thế-hệ" có phải là một lời nó hư tự đâu? có mổ bụng, chặt đầu,... hẳn hoi đấy chứ?
Lỗi tại bên nào? Tại hai hay cả 4 cũng là thế, đều chỉ khư khư ôm lấy cái lý của mình. Đứng ở Đông-phương mà bình luận thì không ông nào vô-lý hết, chỉ có điều là các ông bám riết lấy cái lý riêng cho nên không nhìn ra được cái lý chung: như Tuân tử nói: "Tế vu nhất khúc nhi ám vu địa lý": vì bám riết vào một khúc cá-biệt thì làm thế nào mà tìm ra được cái lý Phổ-biến, cái Thường-Hằng chân thực nằm ẩn ở trung cung nơi thổ vô địa. Còn ngoài bốn góc cá-biệt chỉ toàn là lý biên chấp, tuy có gọi tên là phổ-biến nhưng là loại phổ-biến trừu-tượng (universel abstrait) là cái cũng độc hữu, cũng thiên-lệch y như những cái tư riêng vậy. Cho nên không sao thiết lập nổi Thái-Hòa, cùng lắm chỉ đạt tới đồng-nhất, một thứ đánh-đồng lại từ bên ngoài nên phải duy-trì bằng võ-lực dưới mọi trạng-thức từ tinh-vi tới thô-đại, công an, rửa óc, trại giam... Những thứ đó nói lên sự nghèo nàn nội-tại, hay là mức độ kềnh cơi của nội hàm.
7. Mức độ Hòa bên triết Việt Nho
Trở lại Viễn-Đông ta thấy bách gia chư tử tiến hơn được một bước trong câu tuyên bố "ngoài thì là lý nhưng trong là tình". Nghĩa là không khư khư bám riết lấy lý sự nữa, vì bên trong còn có tình người, như vậy là mở đường vào đời sống lưỡng thê của "tình lý tương tham". Tuy nhiên cũng chưa hẳn đi tới độ "tình thâm nhi văn minh": đi đến cùng cực của tình thì văn mới minh, nghĩa là mới thấy lóe sáng lên chỗ giao hợp của trời và đất là nền móng của thái-hòa. Trời Đất người hòa trong Nhất-Thể. Chính vì bách gia chư tử chưa đến được đỉnh chót đó nên còn vướng trong nhị-nguyên ở đợt nhẹ nhất nên mới chỉ có bỉ báng đối phương nhưng chưa đi đến chỗ tiêu diệt đối-phương. Mặc dầu hoặc ít hoặc nhiều còn chia hai hoặc nhất bên trọng nhất bên khinh, còn cho đời là ảo mộng là huyễn tướng (nhớ lại doxa của Platon).
Có lẽ ở các bậc thầy thì mấy lời kia chỉ có ý huấn đức nhằm bứng môn sinh ra khỏi sự đâm rễ vào thế tục thô đại, nên bảo đời là phù ảnh là mây trôi. Và đó là điều có thể hiểu được. Cái phiền là về sau một số môn-đệ coi những lời ấy như chủ-trương triết-lý có nền gốc siêu-hình đàng hoàng để rồi từ đấy xây lên những luận-điệu thiên-lệch làm bằng hư-tưởng, nên không bao bọc hết cõi nhân-sinh, không nhận ra được giá-trị thế-giới hiện-tượng, còn chế diễu những người xử thế và y như thể chính mình không ở trong cõi hiện-tượng, nên có những lời làm cho người ta hiểu y như trong vũ-trụ có những vật-thể thiếu căn-bản-hữu-thể (desmoindres êtres dépourvus de valeur ontologique) nghĩa là có những vật thể trôi lững lờ bên ngoài cõi Đạo, bên ngoài Nhất-thể: đọc lên tưởng như Tính-Thể rời bỏ vật đó rồi, nên có thể coi thường coi khinh. Hiểu như thế là chưa đi đến đỉnh chót vót chí trung để có thể coi ngoại nội như nhau, nên chưa đạt độ cân-bằng đủ để cảm-nghiệm Chí Hòa. Cảm được sẽ nói như Trinh-minh-Đạo: "Bên ngoài Đạo không có vật nào, cũng như bên ngoài vật không có Đạo":Đạo chi ngoại vô vật, vật chi ngoại vô Đạo. Bất cứ vật nào từ bé nhỏ như hạt cát, cọng cỏ, phân rác đều có Tính-Thể làm nền móng, đều là nơi đầy đủ vũ-trụ. Chỉ khi đạt trạng thái đó mới chí trung, trạng thức của Thánh của Thần như Kinh Dịch nói: "Biết được cơ thì đáng là Thần": "tri Cơ kỳ thần hồ" Hệ từ tr.5. Cơ đây hiểu là cái Động của Nhất Thể biết được thì như Thần.
Đó là trạng-thái mà ý-thức không lưu với Tiềm Thức: Hữu Vô thông đạt. Tâm hồn đến được đó cũng là thành-nhân, thành thân. Hệ từ nói: "Thánh nhân cùng Kinh Dịch để đi vào nội tâm cực thâm sâu là cốt để đạt đến cái cơ tức là cái mới đầu tế vi của sự động, cố đi vào đến nơi sâu thẳm đó thì mới nghe thấu cái chí thiên hạ (những khát vọng thâm sâu thuộc-tính bản-nhiên) có đạt được cái Cơ mới có thể làm thành sự việc cho thiên-hạ (như tế thế an bang). Có trở thành thần mới không vội mà lại mau, như không đi mà lại đến" = Thánh nhơn chi sở dĩ cực thâm nhi nghiên cơ dã. Duy thâm dã, cố năng thông thiên hạ chi chí.
Duy cơ dã, cố năng thành thiên hạ chi vụ
Duy thần dã, cố bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí." Hệ Từ thượng.

*

Đoạn văn trên đây rất quan trọng và tả được sát thực cái phút uy-nghi lúc Thời-Không đúc kết, hoặc cũng gọi là chí-trung thì mới có chí-hòa: chí trung nên thánh nên thần, chí hòa nên thành thiên hạ chi vụ.
8. Những phút bay bổng
Thời-gian là nguyên ủy cho tiến-trình cá-biệt-hóa, chính nó là vải dệt nên những phồn đa dị-biệt phơi trải ra trước mắt chúng ta, khiến ta chỉ có thấy cái phức-thể, phồn-đa, tạp-loạn mà không nhìn ra được Tiềm-Thể ẩn trong. Vì thế người Ấn-độ thích gọi cách ví von thời-gian hay thế-giới hiện-tượng là tấm màn ảo-hóa: le voile de maya. Và sứ mạng của con người, cách riêng của triết-gia là phải tìm cách xé rách được lượt màn đó để tìm ra bổn gốc của loài người, để làm giềng mối cho cuộc nhân sinh, để thông được đạo hóa-dục cho thiên-hạ. Nếu không là bậc chí-thành thì ai mà làm được như thế. Vì có phải dựa bên tả bên hữu mà làm được đâu, phải tự mình hết, phải trở lại nội tâm và đi tìm cho đến chí trung mới đạt, nghĩa là mới có được đức nhân đầy hoạt lực; phải có trí sâu thẳm như nguồn mạch; và phải có đức độ như trời để thấu tới mọi vật. Nếu quả thật không thông minh thành trí thấu tới đức trời, thì ai mà biết được như thế. Ai mà cỡi lên cật vũ-trụ cho hai chân thòng xuống hai hông âm và dương, trời với đất, vật và tâm để điều-lý hai luồng sinh-lực vốn dĩ nghịch hành, để thiết lập nền móng thái-hòa, nếu không phải là hiền-triết tiên-tổ đã khai sáng ra nền văn-hóa cho các dân tộc Viễn-Đông. Thế là vấn-đề thời-gian không-gian được giải quyết cách thỏa đáng bằng con đường Vương-Đạo "qui giả hội" mà khi đạt đến độ hội-thông sẽ ban cho con người những phút linh-thiêng siêu-thoát, lòng như được tham-dự vào cõi trường-tồn, mắt như được ngắm sự-vật hiện lên như muôn hoa, chân như không phải xuyên qua những ý-niệm nhỏ bé của không thời-gian rời rạc, nên ngay cả những sự vật thường nhật cũng xuất hiện dưới làn ánh sáng huy hoàng của một "trời mới đất mới", xua đuổi tất cả những ràng buộc tạo bởi những chờ mong, tin-tưởng thường-nghiệm do những thành kiến lưu truyền. Tất cả mọi biến-cố, sự-kiện, ý-kiến đều hiện ra dưới khía cạnh tương-đối biến-dịch không đáng mấy chú tâm. Đột nhiên thấy tâm hồn tràn-ngập những trào am-lạc thanh thoát: "như hiểu thấu được sự vật"... Qua những phút thần tiên đó, tuy rất ngắn ngủi nhưng lưu âm vang lâu bền lại trong tâm-hồn lúc ấy mới hiểu Nhất cũng cần như Đa, Đa cũng cần như Nhất, lúc đó mới nhận ra con đường Chí-Trung chính là lối dẫn tới chí-hòa hữu hiệu hơn hết. Những nền triết lý còn gây cho người học những tâm trạng xao xuyến hoang mang chán nản là tỏ ra chưa đạt chí Trung. Hoặc những nền triết tuy luôn luôn nói vô nhị, nói đến nhất thể nhưng không động chi tới những hàng rào ngăn cách con người thành giai cấp, đẳng cấp, và vẫn để cho tài sản chất chứa vào một số người, còn đại đa chúng đói khổ thì cũng tỏ ra chưa đạt Thái Hòa, nên "chí trung" hay " đồng nhất" của họ cũng chỉ là thứ đồng nhất lý trí không âm vang vào thể chế xã-hội, cũng như cho cá nhân không gây nên được một bầu khí an vui hoà lạc, thì như là chưa đạt chí Trung. Nếu chí Trung ắt có chí Hòa. Chí Hòa là dấu hiệu kiểm tra được để đo lường độ chí Trung bất khả ước lượng, (đọc thêm bài Hoàng cực trong Vũ-trụ nhân linh).
Tóm lại cả chương mà nói thì như thế này: Việt Nho chủ trương vạn vật phát xuất tự Thái-cực và vòng-thái-cực đã được vẽ ra như những vòng qui tâm. Ngày nay ta thấy khoa-học tối tân khám phá ra vạn vật từ thiên cầu bao la đến hạt nguyên-tử tế-vi tất cả đều quay theo vòng tròn qui tâm. Ta cũng thấy huấn giáo của giòng Truyền Thống tâm-linh đều dạy Thượng-Đế là một bầu tròn, là Trung-tâm của vạn sự vạn vật. Vậy ta kết luận rằng muốn gặp Thượng-đế thì phải qui tâm và khi tập trung cả nghị lực cùng tột thì liền gặp được chốn hội-thông của Tam-Tài: Đất-Trời-Người cho nên cũng bao trùm được muôn vật trong cảnh Thái-Hòa nên Chí-Trung là tiêu chuẩn cho mọi việc và đó là nét đặc trưng ở chỗ tìm sự toàn vẹn (Hoàng cực) ngay trong sự việc: Đạo vật chí cực.
Đó là con đường Vương Đạo "qui giả hội": "hợp ngoại nội chi đạo". Nội tu thân: duy tinh duy nhất để trung đạt tới Dung, ngoại: tề gia, trị quốc cho tới cõi bình thiên-hạ. Đó là cái học gồm nội thánh ngoại vương siêu tuyệt, cái học an bang tế thế vậy.