Chương III
Vị trí Việt thời trước các khoa học vi thể

Để dễ nhận ra vị trí Hòa thời cũng là Việt thời chúng ta cần vẽ ra một lược đồ như sau:
1. Biệt thời
Ở giai đoạn đầu này thời gian được quan niệm rất nhỏ bé như bị nuốt trôi mất vào không gian, tức thời gian chỉ được coi là một vật thể giữa bao vật thể khác. Chúng ta sẽ kêu là Biệt thời vì được quan niệm đứng biệt lập bên ngoài các vật. Đó sẽ là nền móng cho quan niệm cá nhân chủ nghĩa coi mọi người cũng như vạn vật đều là biệt cách, đánh mất chữ tương nên không còn chi móc nối lại thành cơ thể. Đó là giai đoạn mà không gian lấn át thời gian. Thời gian đã bị không gian hóa "le temps a été spatialisé". Một khi đã bị không gian hóa thì cũng mất liên hệ với vạn vật, và từ lúc ấy thời gian cũng chỉ là một vật thể trong các vật thể đứng ngoài con người và không còn là yếu tố cấu tạo nên con người, cấu tạo nên vạn vật. Sự vật không liên hệ với thời gian thì trở nên tĩnh chỉ bất biến như không gian. Đó là quan niệm thời gian của triết học cổ điển từ Platon đến Kant. Để phân biệt chúng ta có thể đặt nổi yếu tố không gian bằng gọi là gian thời, cũng có lúc sẽ gọi là thế thời khi nó liên hệ tới lối sống theo gian thời, tức là hoàn toàn theo lượng số đếm đo, không kể chi đến phẩm tính tâm linh, nhưng được các triết gia duy lý ưa thích, vì nó thuận lợi cho việc thiết định các quy luật khách quan có thể công thức hóa dễ dàng. Và đó là lý do tại sao biệt thời lại ngự trị được lâu như vậy.
2. Tổng thời
Đến Kant mới khám phá ra sự sai lầm của quan niệm trên. Với ông không gian cũng như thời gian chỉ còn là hình thức của cảm giác. Thời gian là hình thức tự nội, không gian là hình thức tự ngoại. Tất cả vạn vật, biến cố, sự kiện đều đến với ta qua hai hình thức đó, gọi là hiện tượng. Với quan niệm như trên Kant đã trả lại cho chủ tri quyền lực nào đó trên thời gian, khiến cho thời gian phần nào mất đi tính chất tuyệt đối trước và trở nên tương đối, vì đã đặt thời gian trên không gian tức đã nhấn đến khía cạnh sinh động biến chuyển. Sở dĩ gọi quan niệm của Kant là Tổng thời là vì tính chất bao quát của nó, tức Kant biết đặt trọng tâm mọi thắc mắc siêu hình vào vấn đề then chốt là thời gian, bởi chưng không một cái gì, hay hiện tượng nào mà lại không thể bao hàm trong nó. Tuy nhiên Kant chưa đi đủ sâu nên quan niệm của ông không vượt được phạm vi lý trí, nên vẫn mang nặng tính cách khách quan. Vẫn coi vật thể như đối tượng tách rời khỏi chủ tri, và Kant chỉ còn khám phá ra những điều kiện nào làm cho đối tượng có thể tri thức được, mở đường biến triết học thành tri thức luận. Đó là một điểm tai hại, nên người sau đã cố gắng sửa chữa lại.
Husserl vì đã nhận thức được thời gian không thể là cái gì khách quan mà nó chỉ là hiện tượng của ý thức. Đó là thời gian nội khởi của dòng ý thức. Mà ý thức chỉ là một dòng lưu linh của những cái đã sống (Vécus = Erlebnis). Bergson đã nêu ra một giải đáp tương tự căn cứ trên dòng tồn tục (durée) của ý thức, nói theo tiếng thời gian thì đó là những hiện giờ nối tiếp nhau: Từ những hiện giờ này tiếp đến những hiện giờ khác. Mà vì những hiện giờ này là trạng thái của ý thức (états de conscience) nên có tính chất sống động với những cường độ khác nhau, chứ không còn đồng đều kiểu thời gian khách quan có thể đo đếm được nữa. Hai hiện tượng trên giống nhau ở chỗ chống đối thời gian đồng đều khách quan, Husserl bằng thời gian hiện tượng luận của ý thức tiên nghiệm (sau giản lược ý thức thơ ngây), Bergson bằng thời gian tồn tục của ý thức, nhưng cả hai đều gặp khó khăn này là làm thế nào để hợp nhất những cái hiện giờ đa tạp vào một ngã khi ngã đó cũng được quan niệm như một chuỗi những cái đã sống, luôn luôn biến chuyển. Câu vấn nạn trên cũng lại đặt ra cho Bergson chỉ thay ngã bằng ý thức; Nếu ý thức thiết yếu là sự liên tiếp và sự đa tạp thì làm thế nào ý thức có thể lại tự nhận thức rằng chính mình là lưu linh, là đa tạp. Mà nếu đã nhận ra được thì ý thức không còn là dòng lưu chảy mà phải là cái chi khác. (Xem Lê Tôn Nghiêm. Căn nguyên tư tưởng, trang 403).
Như vậy ta thấy cả Husserl cũng như Bergson chưa thoát khỏi tổng thời Kant, nên còn phải chờ những thử thách khác với liên thời và siêu thời.
3. Liên thời
Giai đoạn ba mở ra với Einstein phá đổ tuyệt đối tính của quan niệm thời gian đi trước bằng thuyết Không thời liên kết, và chúng ta sẽ gọi là Liên thời. Liên thời không đánh đổ các quan niệm thời gian trước bằng phá hủy nhưng bằng phủ nhận tính cách tuyệt đối của chúng, và bằng bao hàm lấy chúng như những phần nhỏ.
Liên thời của Einstein cũng giống tổng thời của Kant về phương diện toàn thể, nhưng khác nhau ở chỗ của Kant trừu tượng (totalité abstraite), còn của Einstein nằm trong địa hạt khoa học vật lý, các phương trình toán và những cuộc thực nghiệm, cũng như những khám phá được báo tin hằng chục năm trước. Sự nghiệp của Einstein không ở trong việc gây thêm ý thức về thời gian cho bằng ở chỗ mở phương trời cho các cuộc chứng minh có tính cách khoa học, nhờ đó Tương đối thuyết trở nên gạch nối quý giá để cho khoa học đi sang bến tâm linh cũng như tâm linh đi sang bến khoa học. Điều đó làm tăng trưởng rất nhiều ý thức về mối liên kết như giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa không gian và thời gian, tức là mở đường cho vật thể, xác thân nối với tâm thức. Nói khác đi nó đã xoá mờ rất nhiều những mối dị biệt để đặt nổi mối liên kết, và nếu nói theo ngữ thuật triết Nho thì liên kết đã đạt tới giai đoạn khí thái cực và mở mố sang phía lý thái cực giáp giới tâm linh. Nói thế có nghĩa là liên thời của Einstein đến đây là hết, và nếu muốn sang thì phải "bắc cầu kiều" huyền niệm như chính Einstein thường nói tới. Chứ tương đối thuyết bất lực trong việc đưa sang "bờ bên kia" dẫu với những lý thuyết qui nhất (doctorines unitaires) cũng thế.
Qui nhất thuyết là tương đối thuyết nối dài do chính Einstein đặt nền móng và được các khoa học gia khác nối tiếp để giải quyết vấn nạn đặt ra cho tương đối thuyết do khoa lượng tử. Khoa này chủ trương rằng những hòn "gạch" xây nên thiên cầu là những vi thể (corpuscules) mà trước nhất họ cho là nguyên tử, rồi về sau lại cho là électron, proton, neutron rồi sau đến một chuỗi các thứ méson và cuối cùng lại nhận ra mỗi vi thể có một âm vi thể (antiparticule), tất cả đều là biệt cách (discontinu) ngược với chủ trương vạn vật có tính cách liên tục kiểu làn sóng Einstein. Sự mâu thuẫn này thực ra đã có từ lâu đời làm cho các nhà khoa học không biết phải chọn bên nào. Biệt cách hay liên tục (discontinu continu).
Năm 1833, ông Faraday đã chứng minh được vi thể của điện khí bằng tìm ra được âm điện tử (électron) và như thế là thuyết "biệt cách" thắng lợi, nhất là thuyết nguyên tử chủ trương biệt cách lúc đó cũng đang phát triển mạnh nên chủ trương "biệt cách" càng thắng thế.
Nhưng đến năm 1865, ông Marxwell lại chứng minh được tính chất làn sóng (ondulatoire: tức là liên tục) bằng hiện thực sự đúc kết thuyết quang học với từ trường và điện khí. Khoa học điện tử xuất hiện từ đấy và sau được những công trình thí nghiệm của ông Hertz đưa đến bước khải hoàn. Thêm vào đó năm 1905, chính Einstein cũng đã giải nghĩa thuyết lượng hóa ánh sáng kết thành do những hạt gọi là phổ quang. Thế mà thuyết tương đối chủ trương là liên tục, nên gây hỗn độn. Mức hỗn độn càng gia tăng thêm khi năm 1920 ông Louis de Broglie nhận ra chính những vi thể có tính chất làn sóng. Y niệm này được hai ông Schroedinger và Heisenberg quảng diễn thêm. Thế là các nhà khoa học không biết y cứ vào đâu. Nhiều người theo đề nghị ông Bhor đưa ra thuyết "bổ túc": sự vật vừa có tính cách liên tục như làn sóng, vùa có tính chất cách biệt như hạt nhân với luận lý cái nhiên (probabiliste). Nhưng nếu chấp nhận luận lý cái nhiên thì lại không thể diễn tả quĩ đạo các âm điện tử vì nếu biết được đích xác vận tốc của nó trong một lúc nhất định thì lại không thể xác định được vị trí của nó trong lúc đó, và ngược lại. Đấy là điều đã làm bận tâm các nhà bác học khoa học. Mấy tháng trước khi qua đời, Einstein đã hé nhìn thấy sự khó khăn xoay quanh cái điểm toán học không có khối lượng. Ông nhận ra cần thêm vào khoa học một điểm vật lý với những chiều kích tối thiểu mà lý trí con người không thể xuống thấp hơn nữa. Nói khác khả năng tối hậu phân biệt của con người (pouvoir séparateur) sẽ là bề dài tối sơ lối một ngàn tỉ phần milimét, viết tắt là lo - longgeur élémentaire. Công thức lo này sẽ giúp vào sự kiến tạo ra Qui nhất thuyết để giải quyết khó khăn giữa biệt cách và liên tục bằng đưa ra phân biệt giữa sở tri và thực tại (distinction entre le connu et le réel). Sở dĩ sự vật xuất hiện như cách biệt nhau là do giác quan chỉ thâu nhận được có một khía cạnh của sự vật. Rồi lý trí dùng những dữ kiện đó để kiến tạo ra Mô dạng thực tại, nên cũng thấy sự vật cách biệt nhau. Nhưng đó chưa phải là thực tại tự thân, là cái còn tiềm ẩn đối với giác quan, và cái đó có tính cách liên tục. Nếu đem thực tại ví với biển cả thì những làn sóng nhô nhấp là những khía cạnh sự vật lần lần làm biến đổi ảnh hình cụ thể về vũ trụ theo đà khám phá ra chúng, nhưng đại dương vẫn là một toàn thể liên tục. Đó là lối giải gỡ khó khăn giữa biệt cách và liên tục. Kể ra cũng là một bước tiến đến sát cạnh thực tại và đặt cho nó một tên. Tuy nhiên, thực tại bàn tới ở đây cũng là biểu tượng chưa phải thực tại tự thân; vì liên thời của Einstein mới do lý trí ý thức đạt được, chưa phải là do tâm linh nên chưa có hàng dọc tâm linh, mới là không thời ý, có tính khách quan, chưa là không thời tâm được quan niệm như một Ai, như một chủ thể, một đại ngã tâm linh. Điều đó không do lỗi của Einstein và chính ông đã tìm lối thoát vượt bằng tôn giáo, bằng huyền nhiệm. Vậy là do những giới mốc mà trí thức khoa học không thể nào vượt qua được nữa.
Những bằng số: c, h, lo… là những biên giới của lý trí (Himalaya: một hột năng lượng chứa trong một hột ánh sáng được công thức hóa do Planck) và cũng là những hằng số tối hậu không thể giản lược hơn được nữa (constantes irréductibles).
Đó là những tiêu biểu của sự biệt cách và cũng là những mốc giới của trí thức con người chứ không phải của thực thể. Bảo triết Đông thiếu hằng số là chưa nhận ra rằng nó đã lên đến đợt 4 hoặc 5, là đợt đã vượt những giới mốc của trí thức mà khoa học kêu là hằng số. Nền triết học nào còn có hằng số thì chưa phải là triết lý đạt thân, vì còn nói tới số, là còn trong vòng đếm, đo, hiện tượng ở đợt 3 trở xuống. Triết học chân thực không nên có hằng số nhưng phải có Hằng tâm. Từ lái đất lên đến vân hà gần nhất là Andromèdre, ánh sáng phải đi hết hai triệu năm. Với hằng số triết ta biết không có vật nào đi mau hơn ánh sáng tức gần 300 000 cây số một giây. Nhưng khi nói đến sao Andromèdre hay những vân hà xa hơn gấp bội, trí ta liền đạt tới tức thì. Tuy nhiên đó mới là cách mường tượng nên trừu tượng; còn với hằng tâm, thì chỉ bằng một trực thị (uno intuitu) toàn thể thân tâm với hết mọi cơ năng trong người: ý, tình, chí đều tham dự vào dòng sống viên mãn, như câu nói của Boetius: "chiếm trọn vẹn được sự sống trong một trật, cách hoàn hảo và trọn vẹn" (tota vitae simul et perfecta possessio, Boèce) hay nói như Lục cửu Uyên "Ngô tâm tiện thị vũ trụ" cũng thế. Ở đợt ba ta mới có hằng số với ngôn ngữ hình học biểu tượng, phải từ đợt 4, 5 trở lên mới có hằng tâm, với linh tượng và ngôn ngữ hòa nhạc, hoặc vô ngôn.
4. Siêu thời
Là giai đoạn siêu thoát "ra khỏi" không gian thời gian, nên cũng sẽ gọi là phi thời (Zeitlose) hợp với hào 4 quẻ Càn: "hoặc dược tại uyên" = nhảy vào uyên mặc, hay nói như Lão Tử là "chí hư cực, thủ tĩnh đốc", chú trọng đến thái hư, đến tĩnh đốc cùng cực, như không còn biết đến thời gian trôi chảy nữa, người nay gọi là đào ngũ thời gian (déserter le temps). Phi thời thường được Tây phương chỉ thị bằng chữ Eternity Đông phương cũng nói Thường Hằng. Miên trường vĩnh cửu và hay biểu tượng bằng hành Thổ, được coi như nguồn vô biên của mọi khả thể, luôn luôn tiếp tế sinh lực cho muôn vật và cũng là chốn muôn vật trở về để an nghỉ sau khi đã đánh một vòng thời gian thành, thịnh, suy, hủy.
5. Hòa thời
Hợp với hào 5 "phi long tại thiên, đại nhân tạo dã" Rồng bay trên trời, đại nhân sáng tạo, (hào 5 quẻ Kiền). Hòa thời khác với Siêu thời ở chỗ chú trọng đến cả tĩnh cả động, cả lên cả xuống: "nhất động nhất tĩnh, nhất hạp nhất tịch, nó bao hàm cả Gian Thời lẫn Siêu thời. đây là những từ ngữ đời nay, xưa kia chỉ một Chữ Thời là đủ, vì nó rất uyển chuyển linh động có trong gian thời mà như không, nên có thể nói vừa trong gian Thời mà cũng như ở ngoài. Nó gặp Siêu Thời ở chỗ siêu thoát như ra khỏi thời gian bé nhỏ để nói một thứ ngôn ngữ thứ ba có tính cách giàn hòa giữa liên tục và gián cách. Cả hai đều dùng lối trực giác bằng tâm, nên đều có hàng dọc tâm linh ăn thấu tận thân tâm con người đạt đến linh tượng để rồi nhập dòng sống "sinh sinh bất tức", để "Kiến tính và Thành tính tồn tồn đạo nghĩa chi môn". Cho nên sự nối kết không còn hạn cục lại ở vũ trụ khách quan, nhưng bao trùm cả tâm hồn thân xác nên có thể huy động hết mọi năng lực tinh thần. Đó là mấy điểm chung cho cả Siêu thời lẫn Hòa thời. Đến khi áp dụng thì Siêu thời chú trọng "độc thiện kỳ thân", vấn đề xã hội không phải không chú trọng tới, nhưng chỉ cách gián tiếp: nếu tu thân đắc đạo thì ân huệ tự nhiên tràn ra lân nhân. Hòa thời thì coi tu thân là "bước vào". Phản thân nhi Thành, thành Tánh, thành Thánh; đó là bước "nội thánh"; còn đi ra gọi là bước ngoại vương hầu cho vạn quốc hàm ninh (hào 5, quẻ Kiền).
Hiểu như thế, Hoà thời sẽ trở nên nòng cốt để hướng dẫn cuộc sống con người hiện đang lâm bệnh tán loạn tâm thần.
Khi khoa phân tâm muốn đo sức mạnh của một người thì thường căn cứ theo khả năng định hướng của con bệnh, thí dụ trước những câu hỏi: hiện chúng ta đang ở đâu? vào lúc nào?… nếu bệnh nhân thưa được liền thì tỏ ra là không phải là bệnh. Trái lại khi thưa chậm là có bệnh, còn nếu không thưa được gì cả là bệnh nặng. Tuy nhiên đó mới là lối đo bệnh cân não, chứ như muốn ước lượng sức vóc hay bệnh tật của một nền văn minh thì khó hơn. Tuy vậy ta vẫn có thể dùng cơ cấu thời gian của mỗi nền văn minh làm chỗ chẩn mạch: nếu ta không thấy trong đó có nguyên lý để thống nhất hòa hợp mọi hoạt động con người: từ chính trị, kinh tế, đến học vấn, nghệ thuật… mà ngược lại trước sau chỉ là một nền triết học tan nát được chỗ này thiếu chỗ kia, làm cho người sống trong bầu văn minh đó không tìm ra được hướng đi, không thấy ý nghĩa cuộc đời, đến phải chán ngấy lo Âu, xao xuyến… thì ta hiểu cơ cấu đó lâm bệnh trầm trọng: vì khi một yếu tố nào trong con người lý, tình, chí bị khước từ, khi một số xu hướng thâm sâu trong con người bị gạt ra, phải sống lần mò vì thiếu ánh sáng triết lý chỉ đường, thì truy cùng cho tới căn do là tại luồng sáng của nền triết lý đó chưa đủ mạnh để soi thấu đến khắp các ngõ ngách, nên còn có những chỗ tối tăm. Ngược lại nền triết lý nào chấp nhận toàn triệt cuộc sống bao hàm cả ngoại vũ tức mọi hiện tượng, mọi biến cố, mà cũng đạt tới nội trụ tâm linh, nên có thể nói là hợp ngoại nội, hòa hàng ngang ý thức với hàng dọc siêu thức cũng như coi thiên địa vạn vật là nhất thể, thì nền triết lý đó rất mạnh khỏe sung sức, không những có thể Siêu mà còn Việt nghĩa là đủ sức lên mà cũng còn đủ sức xuống. Bởi thế ngày nào chúng ta nhận thức lại được nội dung trung thực của Hoà thời, thì lúc đó sẽ xảy ra hiện tượng mà cụ Nguyên Du mong ước và tiên đoán trong câu thơ:
"Sương tuyết tiêu Thời Hợp hóa long".
Thời hợp là thời hòa.
Mà Thời Hòa mới chính là Thời Việt
Phụ trương
Bàn truyện chữ Thời với báo Bách Khoa
Trong Bách Khoa số xuân Tân Hợi (15-1-71) tác giả bài "Thời gian trôi qua dưới mắt người Việt" nói rằng: "ta có thể phác họa thời gian vòng tròn của dân tộc theo đồ biểu như sau đây": sau đó tác giả đưa ra ba vòng tròn lồng lên nhau:
Vòng ngoài cùng của bốn mùa
Vòng giữa của bốn tuần trăng
Vòng trong cùng của ngày đêm. Đưa ra ba vòng ấy tác giả có ý chứng minh thời gian của Việt Nam là tròn. Tác giả viết " thời gian đi vòng tròn là thời gian của thiên nhiên. Trời đất đi hết một vòng lại trở về chỗ bắt đầu. Cái vòng tròn ấy khép kín, bao bọc nếp sinh hoạt của vũ trụ và vạn vật… và con người cùng chim muông cầm thú cũng sống theo nhịp thời gian đi vòng tròn như thế". Ở dưới tác giả thêm chú thích như sau: "giáo sư Kim Định tác giả Chữ Thời" cho rằng thời gian trong quan niệm Đông Phương không phải là thời gian đường thẳng hay thời gian vòng tròn mà là lồng cả hai vào một cơ cấu duy nhất có vỏ thẳng (hay vuông cũng là một loại) và ruột tròn là trung tâm. Tuy không đồng ý nhưng chúng tôi cũng xin ghi lại ý kiến độc đáo này".
Vì tác giả đã nhắc đến tên, nên chúng tôi xin trả lời như sau:
1- Trước hết tại sao tác giả không đồng ý với chúng tôi được là vì tác giả còn đang nói theo bình diện thường nhiệm tự nhiên, thấy sao nói vậy. Cho nên mới viết "con người cùng chim muông cầm thú cũng sống theo nhịp thời gian vòng tròn như thế". Viết vậy rất đúng, nhưng sai ở chỗ đề là thời gian trôi qua dưới mắt người Việt và thời gian vòng tròn là của dân tộc. Tất nhiên phần lớn dân tộc Việt chỉ nhìn thời gian vòng tròn như tác giả viết, nghĩa là sống như vậy, nhưng ngoài sống thì còn cảm nghĩ và suy tư mới thành một nền triết đầy đủ (bao gồm cả pensée lẫn sentie và Vécue). Tuy trong trăm ngàn người vị tất đã có được một người đạt cả ba chiều kích trên, nhưng khi muốn tìm hiểu văn hóa của một dân tộc thì không phải tìm ở đại chúng mà ở những phần tử ưu tú nhất: một Khổng cho Tàu, một Descartes cho Pháp, một Goethe cho Đức… sở dĩ không thể căn cứ vào đám đông vì đó là những người sống "như chim muông cầm thú", vì họ chưa bước nào đợt văn hóa ít ra là văn hóa được tham dự cách tích cực. Họ mới ở đợt thời gian sinh lý và khoa học, chưa đạt đợt văn hóa gồm thời gian tâm lý và triết lý. Vì không xét điều đó nên vô tình đã viết những câu thóa mạ dân tộc khi xếp cùng loại "chim muông cầm thú".
Văn hóa khác với thiên nhiên ở cái chỗ con người thêm vào, uốn nắn, tu sửa (chữ culture bởi cultiver). Cây hoa mọc lên là tự nhiên. Khi có người vun tưới uốn cho ra hình nọ kia, vậy là văn hóa. Khi con người nhìn trời đất ngày đêm cách thụ động thì mới có thời gian thiên nhiên, cái đó chưa là văn hóa; chỉ có văn hóa tự lúc con người can thiệp vào. Mỗi dân can thiệp một cách khác nhau vô kể, nhưng ta có thể qui ra hai điểm một là bỏ lơ điểm này, đặt nặng điểm kia. Các điểm bị bỏ lơ hay được đặt nặng khác nhau tùy dân. Điểm thứ hai là đem các điểm đó xếp thành hệ thống. Lúc ấy sự sắp xếp đem đến một mối dị biệt đa phương mới: y như lối cắm hoa, có cả hàng trăm lối cắm, thì lối đặt tư tưởng thành hệ thống cũng là một lối cắm hoa.
Đó là hai điểm làm nên nét đặc trưng văn hóa. Và chính vì thế mới có nhiều loại văn hóa khác nhau. Và khi muốn tìm nét đặc trưng của một nền văn hóa nào thì phải tìm ra nét đặc trưng đó.
Còn một điểm cần chú ý nữa là khi muốn nghiên cứu nét đặc trưng đó cách thấu triết thì phải đào tận đợt cơ cấu ở tầng tiềm thức. Tức là sâu xa nhất, nền tảng nhất nghĩa là nó nằm ngầm trong mọi vấn đề khác, và đó phải là quan niệm Chữ thời vì người ta không thể nghĩ ra cái chi mà nó không nằm trong không thời gian. Đó là điều tác giả đã không thấy nên đã ngừng lại ở đợt mắt (thời gian trôi qua dưới mắt người Việt) mà không đi sâu vào tình và tâm để đạt đợt cơ cấu. Thứ đến vì không nhận thức đước tính chất nền tảng của quan niệm chữ thời, nên không thấy mối liên hệ nằm ngầm giữa chữ Thời và các quan niệm khác. Nếu thấy thì sẽ nhận ra rằng các quan niệm khác bị đổ khuôn theo quan niệm chữ thời nên cũng có một tính chất như thời nghĩa là nếu chữ thời một chiều hay hai chiều thì các quan niệm khác cũng một chiều hay hai chiều. Do đó muốn biết người Việt Nam (hiểu là những phần tử ưu tú) quan niệm thế nào về chữ thời thì chỉ việc khảo sát một số quan niệm quan trọng khác sẽ nhận ra. Đó là đường lối bắt buộc vì thời gian là cái chi không thể biết trực chỉ nên phải tìm hiểu xuyên qua những ngành ngọn như thói tục, định chế, nghi tiết, tin tưởng, ngôn ngữ, động ứng… Vì đây là những yếu tố đã xuất lộ, nhưng nền móng tiềm ẩn của nó lại là quan niệm thời gian. Muốn biết quan niệm thời gian của một dân thì tìm hiểu quan niệm về những cái đã biểu lộ vừa nhắc trên, mới có thể hiểu được cái tàng ẩn. Đó là từ hậu quả truy đến căn nguyên.
Sự việc được làm cho ra dễ như thế rồi. Bây giờ chúng ta trở lại nghiên cứu về quan niệm chữ thời của Việt Nam và lúc ấy chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra là nó không một chiều (vòng tròn) nhưng là hai chiều (cả tròn lẫn vuông). Tức Việt Nam có một nền văn hóa lưỡng nhất tính, nói theo Heidegger là có nét gấp đôi trong tất cả những gì quan trọng:
- như vật tổ là tiên với rồng
- như liên hệ nam nữ là bố với cái đại vương.
- Như tổ chức chính trị là làng với nước và nhà với nước.
- Đối ứng là tình với lý tương tham… Có thể kể ra vô số cặp đôi khác trong quan niệm Việt Nam.
- Và như thế quan niệm thời gian cũng lại mang đậm tính chất lưỡng hành: vũ với trụ hoặc thời với gian. Trong đó vũ vuông trụ tròn, thời tròn chỉ biến động, gian vuông chỉ cái gì hiện hình trải dài ra như không gian.
Những quan niệm này tuy bàn dân có dùng hằng ngày nhưng không biết đến, nó chỉ xuất phát do một số tiên hiền triết gia… nhưng phải kể là của dân tộc và chúng ta vui mừng nhận ra đó là nét đặc trưng của Việt Nho. Đặc trưng vì rất ít có dân đạt đợt lưỡng-nhất-tính như vậy. Sau đây xin tóm rất vắn đường đi chung của các nền văn hóa. Chúng ta đã biết rằng sống theo thời gian vòng tròn thì là theo tự nhiên như chim muông, vì thế mà bước đầu của văn hóa phải là cố gắng "thoát" được cái vòng tròn đó. Nhưng thoát vòng tròn có ba bảy lối mà nếu đi không đúng thì sẽ rơi vào một thứ vòng tròn trừu tượng nghĩa là tĩnh chỉ, nên đánh mất thời gian và từ lúc đó quan niệm thời gian chỉ còn có một chiều. Vậy mà hầu hết văn hóa loài người đã rơi vào chỗ một chiều đó. Chỉ xin kể hai thí dụ về Âu tây và Ấn độ. Với Âu tây thì đó là con đường của triết học Platon chuyên ngắm nhìn lý giới bất biến, bỏ rơi sự biến dịch. Đó cũng là con đường của triết học Ấn độ với con rắn cắn đuôi. Bởi vậy cả hai đều coi thời gian là ảo hóa (maya hay là doxa) nên cần phải lánh xa. Vì thế quan niệm này không âm hưởng vào đời sống sinh lý xã hội loài người. Bởi thế mà xã hội loài người phải sống tạm bợ với thời gian vòng tròn như chim muông. Nói kiểu khác là sống theo lương tri với quan niệm thời gian hàng ngang, bất khả phục hồi. Như thế là thiếu lưỡng-nhất-tính, chỉ có một chiều, muốn gọi nó là ngang hay dọc, vuông hay tròn cũng được. Tên gọi không mấy quan trọng. Quan trọng là phải biết nó thiếu nét gấp đôi và do đó gây nên cuộc khủng hoảng tận nền móng như ta thấy hiện nay trong hết mọi địa hạt. Muốn hòa giải nổi cơn khủng hoảng này thì vấn đề then chốt là vấn đề chữ Thời. Bất cứ nền triết lý hay tôn giáo nào cũng thế: bao lâu chưa giải quyết xong vấn đề thời gian thì những cải thiện khác chỉ là vá víu bì phu.
Chính vì thế mà chúng tôi đã đặt nền Việt Nho trên "Chữ Thời". Với nó chúng ta không những đặt một nền tảng sâu thẳm mà còn đạt đến độ nền móng của những vấn đề rắc rối trong văn hóa hiện đại như tương đối thuyết hay cơ cấu luận… Chính vì vậy mà có phần khó nên rất nhiều người đọc mà không hiểu, rồi không đồng ý để cứ tiếp tục theo thời gian vòng tròn. Ngày xưa thì thế nào cũng được nhưng nay đã đổi thời, một thời mà bất cứ ở môn nào cũng phải cố đi tới nền, tới cơ cấu. Và chính vì sự cố gắng này nên mới có cuộc khủng hoảng hiện đại vì hầu hết văn hóa tới nay mới chỉ là sống theo vòng tròn hay ngược lại, đều là bì phu, nên khi đi vào nền thì tất cả đều lung lay. Vì nhận ra đó là thứ nền một chiều, không thể đứng vững. Và do đó phải đặt lại nền móng tức cũng là đặt lại vấn đề Chữ Thời. Đó là ý hướng của chúng tôi khi viết Chữ thời. Nhưng vì viết theo thể khóa giảng (theo diễn tiến của đà phát kiến) nên chưa được đầy đủ. Tuy vậy sách cũng đã hết lâu. Hôm nay nhờ vào việc tái bản chúng tôi đã xếp đặt lại và thêm ít chương căn bản nữa. Chúng tôi thiết nghĩ tất cả những ai muốn nghiên cứu về văn hóa dân tộc (việt văn, văn minh, luật pháp… ) mà muốn đi vào sâu xa đều phải một phen đặt lại tự nền tức tự vấn đề thời gian ở cả 4 nấc nhất là hai nấc cuối cùng (tâm lý và triết lý) mới trông có cái nhìn kỹ lưỡng khúc chiết về nền văn hóa dân tộc. Có như thế mới trông góp phần vào việc củng cố cho một nền văn hóa đã đạt quan niệm bình quân nhất về thời gian.