Đám lưu dân chịu thiệt thòi ít nhiều nhưng vẫn vui. Bằng cớ là họ không nổi lọan. Họ vui, có lẽ vì một lý do khác hiển nhiên, nhưng thầm kín hơn. Quân sĩ của Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch và bọn thân thuộc của Mạc cửu gồm đa số là đàn ông! Họ cần lập gia đình sanh con nối dõi tông đường và do đó, họ phải cưới đàn bà Việt Nam làm vợ. Đàn bà Việt Nam bấy giờ có lẽ hơi ít nên được ông chồng Trung Hoa ưu đãi. Đàn bà Việt Nam lãnh phần nấu nướng thức ăn, làm bánh trái và dạy dỗ đàn con.. hai dòng máu. Một dịp để cải cách kỹ thuật nấu bếp. Trong sự chung đụng nầy, bao nhiêu phong tục Việt Nam và Trung Hoa cọ sát và dung hòa nhau. Lại có thêm nhiều danh từ Triều Châu được Việt hóa. Lễ Thanh Minh, lễ cúng Giới tử Thôi, và Khuất Nguyên đượm vẻ long trọng. Ngoài ra, còn tục lệ thắp đèn trời. Số người lưu dân Việt Nam được tiếp xúc trực tiếp thường với người Trung Hoa lúc mua bán, cụ thể hơn, họ tiếp xúc với những nông dân Triều Châu, hoặc Hải Nam và Quảng Đông. Họ chịu khá nhiều ảnh hưởng về phong tục của nông dân miền Nam Trung Hoa (trong khi đó, người Việt ở Bắc Phần hiểu văn hóa Trung Hoa theo đường lối thượng tầng qua Tứ Thi, Ngũ Kinh). Ảnh hưởng của Thiên Địa Hội lan tràn vì bọn di thần nhà minh vẫn nuôi giấc mộng bài Mãn. Và đạo Phật được truyền bá tiếp do các nhà sư từ Quảng Đông đến. Đứng về danh nghĩa chánh trị, tất cả bọn di thần nhà Minh và đám lưu dân Việt Nam đều sống dưới quyền bảo hộ của chúa Nguyễn. Trong lúc chúa Nguyễn bận rộn vì chiến tranh với chúa Trịnh, vùng đồng bằng với số lưu dân anh hùng 9dịa phương và số người lai căng, dễ trở thành một khu vực tự trị vì dầu muốn dầu không, bọn di thần vẫn mang nặng mưu đồ lập tiểu quốc. May thay, cuộc Nam Bắc phân tranh chấm dứt. Năm 1698, Minh Vương Nguyễn phúc Chu nảy ra một sáng kiến thần tình. Ngài phái một vị quan kinh lược tòan tài vào Nam: Ông Nguyễn Hữu Cảnh. Ông nầy lãnh trách nhiệm đặt cơ sở hành chánh ở miền Nam biên thùy, chánh thức xem vùng Đồng Nai và Sài Gòn là hai huyện đầu tiên của nước Việt Nam: huyện Phước Long và huyện Tân Bình. Sử chép rõ: Ông Nguyễn Hữu Cảnh mộ thêm một số lưu dân Việt Nam, từ Quảng Bình trở vào, đem định cư vào hai huyện đầu tiên nầy, để tăng dân số và để tăng chất lượng văn hóa. Dầu gì đi nữa, số lưu dân đến sau đi theo ông Nguyễn Hữu Cảnh, cũng là những người Việt “thuần túy” so với số người đã định cư từ trước. Dân Sài Gòn và dân Biên Hòa tự nhận là “Dân hai huyện” – một danh hiệu sang trọng chứng nhận họ không phải là dân lai căng. Đó là việc chỉnh đốn chính trị và văn hóa ở vùng sông Đồng Nai. Còn vùng đồng bằng sông Cửu Long, với sông Tiền, sông Hậu và vùng mũi Cà Mau? Làm sao giải quyết được? Vùng ấy ở nơi xa xôi nhưng có tương lai kinh tế gần như vô tận với lúa gạo và cá mắm. Năm sau, ở đất Cao Miên có cuộc làm phản. Chính ông Nguyễn Hữu Cảnh được lãnh trách nhiệm kéo quân đến tận Nam Vang. Ông thắng trận nhưng khi trở về, cánh quân ấy mệt mỏi, rút lui theo con đường Châu Đốc xuống An Giang, qua Vĩnh Kim (Định Tường). Tại đây, ông Nguyễn Hữu Cảnh mang bịnh mà chết. Linh cữu của ông được đưa về Biên hòa, đình trú tại đó. Thử nhìn trên bản đồ, chúng ta thấy rõ: cánh quân ấy vượt qua con đường xuyến suốt đồng bằng sông Cửu Long, từ sông Hậu giang qua Tiền Giang đến sông Đồng Nai. Ông Nguyễn Hữu Cảnh đã cho đình binh (trú quân) tại tả ngạn sông Hậu, trước khi qua sông Tiền Giang, trút hơi thở cuối cùng (năm 1700). Bao nhiêu thương binh, bịnh binh và quân sĩ đã được dịp giải ngũ – hoặc đào ngũ – theo lộ trình ấy. Ông Nguyễn Hữu Cảnh đã mang bịnh vì khí hậu ở vùng đất xa lạ (và có lẽ vì mang thương tích nhưng các sử gia đã che giấu). Số quân sĩ của Nguyễn Hữu Cảnh là những người Việt Nam ‘thuần túy” mang từ miền Trung vào. Họ bắt đầu châm rễ tại những vùng mà bọn di thần nhà Minh chưa khai thác đến. Và họ cũng tự xưng là dân hai huyện. Vai trò văn hóa, chính trị của họ rất quan trọng, trong những thế hệ sau. Họ sẳn sàng hưởng ứng việc chúa Nguyễn thành lập những dinh, những tỉnh mới (Định Tường, An Giang, Hà Tiên) và dưới mắt đám lưu dân đã bị lai căng, đây là những người “dinh” sang trọng, giữ đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam. Suốt con đường lui quân của ông Nguyễn Hữu Cảnh, người dân Việt Nam ‘thuần túy”, đã lập những đền kỷ niệm. Nguyễn Hữu Cảnh là vị thần được thờ phượng nhiều nơi nhứt, khắp miền Nam: đình thờ ở Châu Đốc (Hậu Giang), đình thờ ở An Giang (nơi gọi là lòng ông Chưởng – chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh) và tại đây có đến bốn đình thờ (tại các làng An Thạnh Trung, Long Kiến, Long điền, Kiến An, quan trọng nhứt là Dinh Quan Lớn) đình thờ ở Định Tường (Tiền Giang), đình thờ ở Biên Hòa (đồng Nai). Tại đình Minh Hương Gia Thạnh (Chợ Lớn) có bài vị thờ Nguyễn hữu Cảnh. Và ở Nam Vang, ông vẫn được Việt kiều thờ kính. Người Việt “hai huyện” sống rãi rác khắp đồng bằng sông Cửu Long, nhờ cuộc hành quân của ông Nguyễn hữu Cảnh. Do đó, chúng ta thấy miền Nam tuy mang tiếng là lai căng nhưng vẫn giữ được gốc, từ khỏang năm 1700, tức là hơn 150 năm trước khi người Pháp đến. Hòan cảnh ấy đã tạo cho người Việt Nam vài cá tính, từ xưa. Bàn về cá tính ấy là việc hơi trễ. Có lẽ chúng ta không nói được tiếng nào mới lạ vì Đại Nam Nhứt Thông Chí (soạn thảo từ đời Tự Đức) đã đề cập khá rõ ràng. Xin nêu vài chi tiết đặc biệt ở Lục tỉnh theo bản dịch của Nguyên Tạo. Tỉnh Biên Hòa: Nhân dân siêng việc cày ruộng, dệt cửi, nghề thợ và nghề buôn tùy theo địa thế phát triển làm ăn, ưa sự múa hát, sùng thương đạo Phật... Tỉnh Gia Định: Bách công kỹ nghệ thô sơ, những đồ dùng tuy vụng mà bền chắc, hay dùng đồ ngọai hóa. Tục chuộng khí tiết, khinh tài trọng nghĩa, sĩ phu ham đọc sách cốt yếu cho hiểu rõ nghĩa lý mà lại vụng nghề văn từ. Tỉnh Định Tường: đất đai rộng, người hào hiệp, ưa đãi khách, không kể tốn phí... Như con gái ở vùng Mỹ tho thì hay sửa sọan trang sức đi coi hát xướng... Tỉnh Vĩnh Long: Đất đai rộng, thức ăn nhiều, ít cần xúc tích dành để. Nhiều người biết lội bơi, thiện nghệ đánh cọp và câu cá xấu. Tỉnh An Giang: Cầu đảo thì chuộng hát xướng, hoàn nguyện việc gì thì hay thắp thiên đăng (thắp đèn trời). Tỉnh Hà Tiên: Tính người mau lẹ, nữ công tinh xảo, con gái trang sức sơ đạm, bới tóc thả thòng ra sau. Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) làm bánh ú có sừng để cúng tổ tiên, tiết Thanh Minh con trai con gái đi tảo mộ ông bà gọi là đạp thanh, tết Trung Thu mời bạn hữu chung hưởng trung thu (cổ lệ Trung Hoa). Về văn chương miền Nam lúc người Pháp mới đến, chúng tôi xin chọn hai bài thơ sau đây, trích trong Quốc Âm Thi Hiệp tuyển xuất bản năm 1903 tại Sài Gòn, lời lẽ thô sơ những khá tiêu biểu, nghe ngồ ngộ theo vần ME, hơi khác với Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Thơ Rạch ông Me: Bấy lây mới biết rạch ông Me. Lúp xúp bần con, chuối với tre Một thức nước trời, xem léo déo Trăm chìu doi vịnh chống gio gie Rừng Nghiên đốn củi, tiều ngơ búa Ruộng Thuấn lùa trâu, mục kết bè. Thử tắc xanh vàng khoe chớn chở Ruộng đồng gió chướng thổi ve ve... Thơ Vịnh Cây Me, bốn câu đầu vô danh, bốn câu sau của ông cai tổng Chiểu: Xưa mọc ngòai ranh với xó hè Nay trồng giữa chợ rạng danh me Trái đem nấu ngọt mùi chua lét Cây chuốc làm roi, thịt nhão nhè Ít kiểng chen vào cho đậm đám So tài gẫm lại chẳng nhằm phe Cột rường tuy dụng không nên mặt Quan lộ cũng nhờ sức hắn che.