Chuyện xảy ra đã lâu nhưng nỗi ám ảnh khủng khiếp cứ đeo đẳng bám theo tôi mãi. Đã gần bốn mươi năm trôi qua, từ lúc tôi còn là thằng bé đầu để chỏm ở đợ nhà bá hộ họ Lê để trừ nợ, đến nay tôi đã đến ngũ tuần, con cháu đầy đàn nhưng ký ức năm nào vẫn còn tươi rắm rói cứ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Hôm nay trong lúc trà dư tửu hậu. Chủ xị đề nghị mỗi người kể một câu chuyện đáng nhớ nhất trong đời. Đến phiên mình, tôi xin kể chuyện kỳ lạ này. Tôi cam đoan không phóng đại, không thêm mắm muối gia vị để tăng thêm kịch tính. Các bạn tin cũng được mà không tin cũng chả sao, điều quan trọng là tôi đã nói lên sự thật, một sự thật kinh hoàng mà tôi nguyền sống để bụng, chết mang theo. Tôi có một thỉnh cầu, trong lúc tôi kể, mọi người phải tuyệt đối im lặng, mọi thắc mắc xin gác lại hồi sau phân giải. Này, anh bạn rót cho tôi một cốc. Đầy vào. Chà, rượu ngon gặp bạn hiền uống bao giờ mới say. Bây giờ, tôi xin bắt đầu vào chuyện.. ..Năm ấy, tôi mười một tuổi. Do hạn hán mất mùa không đủ lúa nộp tô, cha tôi bất đắc dĩ phải để tôi ở đợ nhà bá hộ Lê trong hai năm trừ nợ. Gia đình bá hộ Lê xuất thân từ dòng dõi khoa bảng. Ông nội từng làm quan hưởng hàm tứ phẩm triều đình nhà Nguyễn. Cha từng làm tri huyện Kim Sơn. Đến đời ông tuy lụn bại chữ nghĩa thánh hiền, song tài sản, đất đai thì nhiều vô kể, hầu hết người làng Đông Xuân đều canh tác trên ruộng đất nhà bá hộ Lê. Bá hộ Lê lập gia đình năm mười sáu tuổi. Vợ ông tên Ngoan, cũng xuất thân trong gia đình danh giá chẳng kém, nhan sắc tuyệt trần, đoan trang hiền thục. Cuộc hôn nhân xem như môn đăng hộ đối. Đôi vợ chồng trẻ chung sống với nhau rất tâm đầu ý hợp, hương lửa mặn nồng, tuy nhiên có một điều đáng buồn, mãi sau gần mười năm ăn ở họ vẫn chưa có con. Trong tứ đại bất hiếu, không sinh con nối dõi tông đường là tội nặng nhất. Nàng Ngoan vừa buồn vừa lo, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, lúc nào cũng mặt ủ mày châu, rồi thì thở ngắn than dài. Không khí trong gia trang nặng nề u ám. Đám gia nhân nô bộc sợ vạ lây, chỉ biết cắm cúi vào công việc, chẳng dám trao đổi với nhau dù chỉ một lời, thậm chí ngứa cổ cũng chẳng dám ho. Luật lệ ngày trước rất vốn hà khắc; phụ nữ lấy chồng sau ba năm mà không sinh con sẽ bị xuất. Đàng này đã gần mười năm dài đăng đẳng còn gì. Mẹ bá hộ Lê đã nhiều lần có ý định đuổi con dâu ra khỏi nhà vì tội không biết đẻ. Nhưng ông bá hộ vốn rất yêu vợ, hết lời van xin. Nể tình con trai, và cũng vì tiếc một nàng con dâu tài sắc vẹn toàn, người mẹ thôi ý định nhưng buộc con trai phải lấy vợ hai. Có vẻ, đây là lối thoát duy nhất vẹn vẽ đôi bên. Tất nhiên chẳng người phụ nữ nào muốn chồng mình có thêm người đàn bà khác, nàng Ngoan cũng không ngoại lệ. Từ lúc hay tin dữ, nàng chỉ biết khóc và khóc. Tiếng khóc không bật thành tiếng. Nước mắt chảy ngược vào bên trong. - Tôi thật sự không muốn lấy vợ lẽ. Nhưng lời mẹ dạy tôi không dám cải. Với lại nhà họ Lê cần một đứa con nối dõi tông đường. Tôi không muốn là kẻ đại nghịch bất hiếu. Hãy thông cảm cho tôi. Đoạn người chồng nắm chặt tay vợ: - Cho dù có thế nào đi nữa, tình yêu của tôi đối với em không bao giờ phai nhạt. Tôi chỉ yêu một người duy nhất mà thôi. Mẹ bá hộ Lê gọi con dâu đến, bảo: - Mẹ thương con dâu như con đẻ. Vạn bất đắc dĩ, mẹ phải làm cái việc chẳng đặng đừng này. Con hãy gắng làm tròn phận sự, đừng để mẹ phải thất vọng. Dù sao con cũng là chính thất. - Thưa mẹ, lỗi là ở do con. Con còn được ở lại đây để sớm hôm phụng dưỡng mẹ, chăm sóc chồng, quán xuyến việc nhà đã là phúc phận. Chuyện lấy vợ lẽ cho chồng, con sẽ tự lo liệu. Đích thân nàng Ngoan đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Vợ hai là con một tá điền canh tác trên đất nhà bá hộ Lê, nhan sắc mặn mòi, thắt đáy lưng ong nhìn thoáng qua rõ là mắn đẻ. Mẹ bá hộ Lê, nhìn con dâu mới mà ưng tấc dạ. Nàng dâu thứ tên Phi. Phi có tính hay lam hay làm, siêng năng chịu khó, lại biết kính trên nhường dưới nên nhà chồng càng yêu. Thời gian đầu bá hộ Lê còn năng lui tới với vợ cả nhưng từ khi hay tin Phi cấn thai thì hầu như quên bẵng. Nhiều đêm, nàng Ngoan ngồi thẫn thờ bên bậu cửa vò võ chờ chồng. Nước mắt giọt ngắn giọt dài. Ớt nào mà ớt chẳng cay, nàng Ngoan cũng không ngoại lệ. Cái ghen của nàng nén vào bên trong. Băng tuyết từ những dãy núi cao tan chảy thành dòng, thành suối, thành sông cuồn cuộn như con thủy quái húc thẳng vào con đê lý trí và con đê mỏng mảnh ấy sắp vỡ ra rồi. Sự việc có lẽ sẽ không trở nên tồi tệ vì dù sao nàng Ngoan cũng là người xuất thân từ truyền thống Nho gia, từng đọc sách thánh hiền, biết phân biệt điều hay lẽ phải. Hiểu rõ phận mình, từ đầu nàng đã chịu, dốc lòng quán xuyến công việc nhà chồng, xem đó, là niềm vui còn lại. Nhưng khổ nỗi, nàng Phi được chồng cưng yêu ngày càng trở nên quá quắt, thậm chí còn tỏ thái độ khinh thường vợ cả ra mặt. Nhân bữa cơm họp mặt, Phi còn nói bóng gió nếu sinh đặng con trai, nàng không chấp nhận vị trí hèn mọn. Vị trí chính thất phải thuộc về nàng. Vì ghen, vì sợ mất vị trí mong manh danh gia vọng tộc, nàng Ngoan ngày đêm đau buồn, lo nghĩ quẩn mà đổ bệnh. Chứng tâm bệnh không thầy thuốc nào chữa khỏi. Nàng nằm liệt giường cả tháng mà chồng đến thăm hỏi chỉ có một lần. Lời hứa ngày xưa bay đi theo gió. Lúc ấy, nàng lại nghe tin dữ, vợ lẽ mang thai quý tử. Vợ lẽ sinh con đích tử, dù muốn dù không, nàng phải sớm thăm tối viếng, tỏ thái độ ân cần giả tạo với tình địch, kẻ đã cướp mất chồng mình. Nhìn thấy đứa trẻ trai nối dõi tông đường khóc loe ngoe trong tã lót, ruột gan nàng đau quặn thắt. Đêm ấy, nàng khóc như mưa. Dấu chân giẫm nát mảnh vườn đẫm sương. Sau một đêm thức trắng, nàng, người đàn bà đức hạnh vẹn toàn, đã nghĩ ra cách trả thù tàn bạo nhất, độc ác nhất trong lịch sử tội ác loài người. Đứa trẻ được hai mươi ngày tuổi đáng yêu như Thiên thần. Như thường lệ, sáng hôm ấy nàng đến thăm hai mẹ con vợ lẽ. Đứa trẻ đang ngủ say trong tấm chăn mỏng. - Em có đủ sữa cho con bú không? Người vợ lẽ gật đầu. Nàng Ngoan nói: - Để chị mua giò lợn hầm đu đủ mang đến cho em. Đấy là thức ăn giàu sữa. Hai người trò chuyện nhát gừng. Thừa lúc vợ lẽ không để ý, nàng Ngoan lấy chiếc kim khâu thủ sẵn trong tay áo đâm xuyên qua cái thóp phập phồng. Đứa trẻ chết ngay sau đó, các thầy thuốc không sao tìm được nguyên nhân. Tất nhiên mọi tội lỗi đều trút xuống đầu người vợ lẽ. Tuy nhiên tội ác của nàng Ngoan đã bị con hầu phát hiện. Lẽ ra, mọi việc mãi mãi vùi lấp trong nấm mồ quá khứ nếu như không xảy ra chuyện; con hầu này phạm tội ăn cắp bị người vợ lẽ bắt quả tang. Để đoái công chuộc tội, nó phun ra tất tật. Tin dữ lan nhanh như cơn đại hồng thủy. Mẹ bá hộ Lê sai người quật mộ và chẳng khó khăn tìm thấy trong hộp sọ đứa con nối dõi một chiếc kim khâu. Bà mẹ chồng sai người trói nàng vào thân cây và đánh cho đến chết, bỏ ngoài tai lời can gián của mọi người. Sau khi vợ cả mất, bá hộ Lê cảm thấy ân hận. Đau đớn khôn nguôi. Nghĩa tử là nghĩa tận, chung sống với nhau một ngày cũng là đạo tào khang, vả lại, xảy ra chuyện đau chuyện này, ông cũng có phần trách nhiệm. - Bọn bây hãy đem xác nó vất vào rừng làm mồi cho muôn thú! Bá hộ Lê quỳ sụp xuống chân mẹ. Nước mắt lã chã: - Dù sao con với Ngoan đã hơn mười năm chung sống. Cô ấy đã dốc lòng phụng sự nhà ta. Xin mẹ hãy cho nàng ấy được mồ yên mả đẹp. Ngại tiếng đời thị phi và cũng nể lời con trai, bà mẹ khắt khe miễn cưỡng đồng ý. Bá hộ Lê sai người lấy loại gỗ tất nhất đóng quan tài. Thân thể nàng Ngoan nát nhừ. Máu đỏ bầm thớ gỗ. Vài tháng sau mẹ bá hộ Lê từ trần do tuổi già sức yếu. Nàng Phi nghiễm nhiên trở thành chính thất. Bá hộ Lê bị ám ảnh bởi các chết vợ cả, buồn rầu, chểnh mảng việc chiếu chăn, chính vì thế, mãi sau nhiều năm vẫn chưa có con nối dõi tông đường. Sau ba năm, đến kỳ bốc mộ. Khi lật nắp quan tài, mọi người bỗng ồ lên kinh ngạc; thi thể nàng Ngoan hầu như còn nguyên vẹn. Bá hộ Lê càng chạnh thấy đau lòng. Ông cho hỏa táng rồi xây mộ phần trên ngọn đồi cao, sớm thăm tối viếng. Nói về nàng Phi. Thấy gỗ quan tài còn tốt, nàng sai thợ đẽo thành đôi guốc gỗ vừa vặn chân mình. Quai guốc được làm bằng loại da quý tốt thêu hoa sặc sỡ. Nàng rất vừa ý. Nhân buổi dạo chơi, nàng bèn đi thử. Nhưng lạ chưa, vừa xỏ chân vào đôi quai đã thít chặt lấy bàn chân như cánh tay của quỷ, đau đớn không sao kể siết. Nàng Phi quýnh quáng, gào khóc thê thảm nhưng không cách nào cởi ra được. Những miếng da bỗng trở nên cứng như thép nghiền nát đầu các ngón chân. Trong khi đám gia nhân đang nháo nhác như đàn ong vỡ tổ, tìm cách giải thoát nàng Phi, bỗng từ đâu phát ra chuỗi cười rùng rợn, kèm theo là vô số lời khóc than kể lể về thân phận người đàn bà bị cướp mất chồng. Giọng nói của nàng Ngoan! Kể từ lúc ấy, đôi guốc ma ám bám chặt vào người nàng Phi như một bộ phận trên cơ thể không cách chi cởi bỏ ra được. Nàng Phi nhiều lần mời thầy pháp đến yểm bùa trừ ma nhưng đều thất bại. Đám gia nô sợ quá bỏ đi gần hết. Bình thường đôi guốc có vẻ vô hại nhưng mỗi khi bá hộ Lê chạm đến người vợ, lập tức nàng Phi cảm thấy đau buốt dưới gan bàn chân như có hàng vạn mũi kim đâm vào. Rồi thì những âm thanh ma quái rùng rợn lại trỗi lên rợn cả người. Kết thúc thời gian ở đợ nhà bà hộ Lê, tôi theo gia đình đến nơi khác tìm kế sinh nhai. Thời gian thắm thoát thoi đưa. Cha mẹ tôi lần lượt qua đời. Tôi đã có gia đình riêng. Và bằng lòng với hạnh phúc đang có. Tôi đem chuyện này lể lại cho vợ nhưng cô ấy không tin bảo tôi khéo vẽ vời bịa đặt. Một lần, tôi mang lợn ra chợ bán, tình cờ gặp lại nàng Phi. Nàng thay đổi nhiều quá, suýt nữa tôi không nhận ra. Qua trò chuyện, tôi mới biết, nàng Phi đã rời nhà bá hộ Lê về sống với cha mẹ ruột sau khi tôi rời nhà khoảng một tháng. Bá hộ Lê vẫn sống một mình trong gia trang lạnh lẽo ghê người. Chẳng người phụ nữ nào dám lấy ông làm chồng. - Còn đôi guốc? – Tôi vừa nói, vừa nhìn xuống đôi guốc gỗ xinh xắn dưới chân. Nàng Phi thở dài, mỗi ngày ba lượt đôi guốc gỗ lại hóa thành hàng vạn mũi kim đâm xuyên da thịt, kèm theo là những lời khóc than kể lể không thôi. - Có lẽ, tôi sẽ lánh thân nơi cửa Phật mới hy vọng thoát khỏi nạn tai này. Chúng tôi chia tay nhau. Và bặt tin luôn từ đó. Tôi đã kể xong toàn bộ câu chuyện kỳ lạ này. Bây giờ đến lượt người khác.