Chương 30
Hố

    
áng hôm sau tôi thức dậy và toàn bộ sự việc trong rừng dường như chỉ là một giấc mơ. Nhưng nó không thể là một giấc mơ. Cây đàn cũ kỹ nằm trên bàn kia, bé nhỏ và cuộn tròn như một sinh vật nhỏ bị thương. Mọi thứ đều thật: cánh quạt được đẩy bởi sức gió thổi từ lòng đất sâu, viên quản lý trẻ với khuôn mặt bất hạnh và bộ sưu tập nhạc cụ.
Trong đầu tôi còn văng vẳng một âm thanh dị biệt lạ lùng. Tựa như có gì đó liên tục thúc vào trong sọ. Một vật mỏng mảnh không ngừng chọc và lách vào. Nhưng đầu tôi không đau, thậm chí còn tỉnh táo hiếm thấy trừ tiếng động phi thực ấy.
Vẫn nằm trên giường, tôi ngó quanh trong phòng nhưng không phát hiện điều gì thay đổi, hoàn toàn không. Trần nhà, bốn bức tường, sàn gỗ mòn vẹt, tấm màn che cửa sổ - tất thảy vẫn như mọi hôm. Chiếc phong cầm nằm trên bàn. Măng tô và khăn quàng treo trên tường. Găng tay nhét trong túi măng tô.
Tôi lần lượt duỗi tay duỗi chân. Lành lặn cả. Mắt cũng chẳng đau. Tất cả đều bình thường.
Mặc dù vậy, tiếng động mỏng manh vẫn ngọ nguậy trong đầu tôi một cách ngoan cố và không theo quy luật nào cả. Nó từ đâu ra vậy? Tôi dỏng tai lắng nghe nhưng không xác định được nó tới từ hướng nào. Có lẽ tiếng động này sinh ra ngay trong đầu tôi.
Tôi thận trọng đứng dậy và nhìn ra cửa sổ. Rốt cuộc tôi cũng nhận ra nguồn gốc: đó là tiếng xẻng sục vào nền đất đóng băng. Trên bãi đất ngay dưới cửa sổ phòng tôi, ba ông già đang đào một hố lớn. Không khí lạnh lẽo khiến tiếng xẻng chọc xuống đất nghe khác đi và làm nhiễu thính giác của tôi.
Đồng hồ chỉ gần mười giờ. Tôi chưa bao giờ ngủ dậy muộn như vậy! Tại sao ông đại tá không đánh thức tôi? Cho đến nay, đúng chín giờ hàng ngày là ông đứng trước cửa với chiếc khay đánh thức tôi dậy cùng ăn sáng. Ngoại lệ duy nhất là lần tôi bị sốt.
Tôi đợi đến mười rưỡi, nhưng ông đại tá không xuất hiện. Tôi vào bếp lấy bánh mì và đồ uống rồi quay về phòng ăn sáng một mình. Nhưng không thấy ngon miệng – hình như sau một thời gian tôi đã quen ăn sáng cùng người khác. Tôi chỉ ăn hết nửa chỗ bánh mì, cất phần còn lại cho bầy thú. Sau đó tôi quấn măng tô quanh người, ngồi trên giường đợi lò sưởi làm ấm căn phòng lên đôi chút.
Tiết trời ấm áp khó tin của hôm qua đã biến mất sau một đêm, không khí trong phòng lạnh cắt da cắt thịt như mỗi sáng sớm. Bên ngoài tuy không có gió mạnh nhưng phong cảnh hoàn toàn đã là mùa đông. Từ dãy núi phía bắc cho đến khu rừng rậm phía nam, mây tuyết nặng trĩu che phủ bầu trời.
Bốn ông già vẫn đào cái hố trên bãi đất ngay dưới cửa sổ phòng tôi.
Bốn ông?
Lúc nãy khi nhìn ra ngoài, rõ ràng tôi chỉ thấy ba. Ba ông già đào đất bằng xẻng. Nhưng bây giờ họ là bốn người. Chắc là có thêm một người nhập bọn. Cũng không có gì là lạ. Ở khu công chức nhan nhản người già. Bốn ông đứng bốn góc và đào dưới chân mình. Thỉnh thoảng gió luồn xuống dưới áo khoác thổi tung lên, nhưng các ông già có vẻ không đếm xỉa đến cái lạnh. Họ vẫn chọc xắn đất không mệt mỏi, má đỏ au. Thậm chí một ông nóng quá phải cởi áo khoác ra. Nó treo trên cành cây như da rắn lột và phấp phới trong gió.
Trong phòng đã đủ ấm. Tôi ra bàn ngồi, nâng chiếc phong cầm lên, từ từ kéo dãn hộp gió ra rồi lại đẩy vào. Giờ đây ngồi trong phòng riêng và có đủ yên tĩnh ngắm nghía tôi mới thấy nó tinh xảo nhiều hơn so với ấn tượng ban đầu trong rừng. Nút bấm và hộp gió tuy đã bạc màu nhưng lớp sơn phủ trên vỏ gỗ không bị tróc chỗ nào, và những đường vân trang trí tuyệt đẹp màu diệp lục vẽ trên đó chưa hề bị sây sát. Có thể coi đó là một tác phẩm nghệ thuật chính cống. Như tôi đoán trước, hộp gió cứng quèo và khó đóng mở, nhưng không ảnh hưởng lắm khi chơi. Rõ ràng nó đã nằm vạ vật một thời gian dài và không có tay ai chạm vào. Người nào đã chơi nó ngày xưa? Nó trôi dạt ra sao trước khi đến đây? Tôi không thể mường tượng ra. Một câu đố hiểm hóc.
Không chỉ vì các họa tiết trang trí mà tôi đâm ra nghi ngờ công dụng của cây đàn. Nó quá bé. Ép lại, nó đút vừa khít vào túi áo măng tô. Tuy vậy tác dụng âm nhạc và biểu diễn của nó không vì thế mà bị ảnh hưởng đôi chút nào. Chiếc phong cầm đáp ứng mọi yêu cầu đối với một chiếc phong cầm.
Tôi kéo đẩy vài lần cho đến khi nhớ được các đặc điểm của hộp gió. Sau đó tôi lần lượt thử bấm các nút bên phải và đồng thời ấn các nút trầm bên phần đệm. Tôi lướt qua các nốt một lượt, sau đó lắng nghe tiếng động ngoài trời.
Tôi vẫn nghe thấy tiếng các ông già đào hố. Tiếng chọc và xúc của bốn cái xẻng như một nhịp điệu chuệch choạc và phi lý vẳng đến tận phòng tôi một cách rõ rệt đến khó tin. Thỉnh thoảng gió lay cửa sổ bần bật. Ngoài kia tôi thấy sườn đồi lác đác đọng vài mảng tuyết. Tôi không rõ các ông ấy có nghe tiếng phong cầm không. Có lẽ không. Tiếng đàn rất khẽ, và ngược chiều gió thổi.
Đã lâu lắm rồi kể từ khi tôi chơi phong cầm lần cuối, đó là một chiếc ắc cooc đê ông hiện đại có phím. Do vậy mất khá nhiều thời gian và nỗ lực tôi mới quen được cấu trúc kiểu cổ và cách sắp xếp các nút bấm. Vì phải bố trí tất cả các nút bấm trên một diện tích nhỏ nhất nên chúng khá nhỏ và nằm sắt sạt vào nhau. Có thể dùng cho một đứa trẻ hay phụ nữ thì được, nhưng đối với một người đàn ông trưởng thành như tôi thì nhấn được các nút này là cả một nghệ thuật. Thêm vào đó phải tìm được một nhịp phù hợp để kéo và đẩy hộp gió một cách hiệu quả.
Mặc dù thế, sau một đến hai tiếng tôi đã tìm được các nút cần thiết vào đúng thời điểm cần thiết và chơi được mấy hợp âm chính xác. Nhưng tôi không thể nhớ ra một giai điệu nào. Tôi nhấn nút này nút nọ và cố tạo ra một giai điệu, nhưng kết quả chỉ là một hàng dài các âm thanh vô nghĩa và không đem lại cho tôi ý tưởng nào. Thỉnh thoảng một hàng âm thanh đưa tôi lại rất gần mong đợi: tôi nghĩ, ngay bây giờ, ngay bây giờ tôi sẽ nhớ ra, nhưng tất cả lại vuột khỏi tay tôi và tan biến vào không khí.
Tôi có cảm giác lờ mờ rằng tiếng xẻng của mấy ông già cũng là một trong những lý do khiến tôi không tìm ra giai điệu. Dĩ nhiên không phải là lý do duy nhất, nhưng tiếng chọc và xúc làm tôi rối trí và phá hỏng mọi cố gắng tập trung tư tưởng. Lúc trước chỉ thiếu chút nữa là tôi tin rằng mấy ông già ngồi trong đầu tôi và đào hố trong đó, vì tiếng động phát ra từ công việc của họ làm tôi chói tai. Họ đào mãi không thôi, và cái hố trong đầu tôi cũng ngày một lớn hơn.
Gần trưa thì gió nổi lên mạnh hơn, và tuyết bắt đầu lác đác len vào. Những bông tuyết trắng tuy nhỏ nhưng cứng như đá, chúng va cành cạch vào cửa kính và rơi loạn xạ lên bậu cửa sổ, để rồi sau chốc lát lại bị gió cuốn đi mất. Chúng vẫn chưa nằm lại đó, nhưng chẳng mấy chốc sẽ chồng chất lên nhau, ngày càng nhiều bông tuyết ẩm hơn. Lần nào cũng thế, theo đúng trình tự ấy. Và cuối cùng mặt đất sẽ choàng một chiếc áo trắng tuyết: tuyết đóng băng luôn là lời báo trước cho một trận tuyết rơi dày.
Có vẻ như mấy ông già ngoài kia không đếm xỉa gì lắm đến thời tiết; họ vẫn đào tiếp, tựa như đã biết trước có tuyết rơi. Không ai trong họ ngước lên trời, không ai thả xẻng xuống, không ai nói một lời. Thậm chí chiếc áo khoác vẫn vắt trên cành và bị gió đánh phần phật.
Bây giờ bên ngoài có sáu ông già. Trong hai người mới đến, một người đem chiếc cuốc và người kia có xe cút kít. Người cầm cuốc đứng dưới hố và phá vỡ nền đất cứng, người có xe cút kít trút số đất dồn thành đống bên thành hố lên xe và đẩy ra đổ ở bờ dốc. Ngay cả tiếng gió hú điên cuồng cũng không át nổi tiếng cuốc xẻng.
Tôi chấm dứt cuộc vật lộn với âm nhạc, đặt đàn lên bàn và ra cửa sổ quan sát các ông già làm việc một lúc. Họ không có người chỉ huy thì phải, tất cả làm việc bình đẳng cạnh nhau, không ai ra chỉ thị hay mệnh lệnh. Ông cầm cuốc đập vụn nền đất cứng rất gọn gàng và hiệu quả, bốn người xúc đất khỏi hố, còn người có xe cút kít im lặng đẩy đi đổ ở bờ dốc. Nhưng khi ngắm cái hố thì tôi sinh ra ngờ vực. Để chứa rác thì nó to quá mức cần thiết, vả lại khi tuyết sắp rơi mạnh thì tuyệt đối không có ý nghĩa gì. Chắc nó phải có một mục đích nào khác. Tuy nhiên tuyết vẫn sẽ rơi vào và sáng mai hố sẽ bị lấp đầy tuyết. Mấy ông già cũng nhìn thấy mây, và họ phải ý thức được điều đó chứ! Giờ thì tuyết đã tới chân rặng núi phía Bắc, cả khối đá hùng vĩ biến mất sau một bức tường tuyết và sương mù.
Tôi suy đi nghĩ lại vấn đề này song không thể nhận ra ý nghĩa công việc của mấy ông già. Rốt cuộc tôi kệ họ, quay về ngồi trước lò sưởi và nhìn đăm đăm vào than hồng. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ nhớ ra một bài hát nào nữa, có hay không có nhạc cụ cũng như vậy. Người ta có thể xếp các nốt nhạc cạnh nhau, bao lâu tùy thích – không có giai điệu thì chúng chỉ làm một dãy âm thanh không hơn không kém. Và chiếc phong cầm trên bàn đã và sẽ chỉ là một đồ vật xinh xắn. Đột nhiên tôi thấu hiểu ý câu nói của viên quản lý nhà máy điện: “Người ta không cần chơi nhạc cụ, đơn giản là chúng rất đẹp, để chiêm ngưỡng.”
Tôi nhắm mắt và lắng nghe tiếng những bông tuyết gõ vào cửa sổ.
Đến giờ ăn trưa thì mấy ông già cũng thôi đào và biến vào nhà. Cuốc xẻng họ vứt lại trên nền đất.
Tôi ngồi trên ghế trước cửa sổ và ngó xuống cái hố cô đơn. Có tiếng gõ cửa, ông đại tá ở phòng bên bước vào. Như mọi khi, ông khoác chiếc măng tô dày và đội mũ làm việc, lưỡi trai kéo sụp dưới mắt. Cả mũ lẫn măng tô vương đầy tuyết.
“Tôi đoán là đến tối chúng ta sẽ ngập trong tuyết”, ông nói. “Tôi lấy đồ ăn trưa nhé?”
“Vâng, cảm ơn”, tôi nói.
Sau mười phút ông quay về với một cái nồi và đặt nó lên bếp. Sau đó, như một động vật giáp xác lột vỏ, ông cực kỳ tỉ mẩn trút bỏ mũ, măng tô và găng tay. Rồi ông lấy ngón tay vuốt lại mái tóc xơ xác, ngồi xuống ghế và thở dài. “Xin lỗi, tôi không đến ăn sáng được”, ông nói. “Sớm nay lắm việc quá, chẳng có thì giờ ăn nữa.”
“Ông vừa đào hố phải không?”
“Hố? À, cậu nói đến cái hố ấy à? Đó không phải là việc của tôi. Không phải là tôi không thích, nhưng…”, ông đại tá nói và cười ngập ngừng. “Không, tôi có công việc trong thành phố.”
Thức ăn đã nóng. Ông chia ra hai đĩa và đặt lên bàn. Xúp rau với mì. Ông xúc một thìa đầy, thổi và khoái trá đút vào miệng.
“Cái hố ngoài kia để làm gì?’, tôi hỏi ông đại tá.
“Chẳng để làm gì cả”, ông vừa nói vừa đưa thìa tiếp theo lên mồm. “Họ đào hố để mà đào. Xét như vậy thì đó là cái hố sạch nhất.”
“Tôi không hiểu.”
“Cực đơn giản: họ muốn đào hố, vậy thì họ đào hố. Không có lý do nào khác.”
Tôi cắn bánh mì và suy ngẫm thế nào là cái hố sạch nhất.
“Họ thỉnh thoảng lại đào một hố, thế thôi”, ông già nói. “Về nguyên tắc không khác gì với việc chơi cờ của tôi. Không có nghĩa gì, và không có mục đích gì. Nhưng không sao. Không ai cần lý do, vì không ai muốn đạt được mục đích gì cả. Tất cả chúng ta ở đây nói đúng ra là đang đào những cái hố vì chính nó, mỗi người một cách riêng. Hành động không cần cứu cánh, nỗ lực không cần tiến bộ, những bước đi không cần đích – có tuyệt vời không nào? Không ai thiệt gì, và không ai làm người khác thiệt. Không ai vượt lên, và không ai bị vượt. Không chiến thắng, nhưng cũng không thất bại.”
“Dần dần tôi hiểu ý ông.”
Ông sĩ quan già gật đầu lia lịa, quay lại với món xúp rau và ăn nốt thìa cuối cùng.
“Có thể cậu không hiểu vài thứ ở thành phố này. Nhưng chúng tôi thấy đúng. Đúng đắn, yên lành và trong sáng. Rồi một lúc nào đấy cậu sẽ hiểu ra – ít nhất thì tôi mong như vậy. Tôi từng là lính lâu năm, và tôi không hối hận. Đó là một cuộc sống tốt. Đôi khi hôm nay tôi còn nhớ lại mùi thuốc súng và máu, ánh lấp lánh của lưỡi lê, hồi kèn gọi xung trận. Nhưng những thứ thúc đẩy chúng tôi ra chiến trường ngày đó – đại loại như danh dự, yêu nước, hiếu chiến hay căm thù – thì tôi chỉ còn nhớ lơ mơ. Có lẽ bây giờ cậu đang sợ đánh mất tâm hồn mình. Ngày xưa tôi cũng từng sợ. Người ta không việc gì phải xấu hổ.” Đến đây ông đại tá ngừng lời và đăm đăm nhìn ra xa một lúc như cố tìm câu chữ thích hợp. “Nhưng có một điều cậu luôn phải suy nghĩ: nếu cậu chia tay với tâm hồn thì sẽ nhận được sự bình an. Một sự bình an sâu sắc như cậu chưa bao giờ được tận hưởng trong đời.”
Tôi im lặng gật đầu.
“À, khi vào thành phố tôi nghe nói về bóng cậu”, ông đại tá nói trong khi quẹt đĩa bằng bánh mì. “Nghe nói càng ngày nó càng ốm. Ăn gì cũng nôn ra hết ngay. Ba hôm nay nó không ra khỏi giường dưới tầng hầm rồi. Có lẽ nó không còn nhiều thời gian nữa đâu. Bất cứ khi nào có điều kiện thì cậu hãy đến thăm nó. Tôi tin là nó nhất định muốn gặp cậu một lần nữa.”
“Tất nhiên tôi sẽ gặp nó”, tôi nói. “Nhưng liệu ông gác cổng có cho phép không?”
“Bóng cậu đã một chân dưới mộ. Trong tình huống đó người ta có quyền được gặp bóng mình. Có hẳn quy định về chuyện đó. Thành phố coi cái chết của bóng là một sự kiện trọng đại, ý kiến của ông gác cổng không quan trọng, ông ta không được phép phản đối. Và cũng chẳng có lý do gì mà phản đối.”
“Vậy tôi sẽ lên đường ngay”, tôi nói sau một lát chờ đợi.
“Tốt. Tôi biết là cậu sẽ làm thế”, người lính già nói. Ông tiến đến bên tôi và vỗ vai. “Đi luôn bây giờ thì hơn, kẻo tối đến tuyết sẽ rơi dày. Muốn nói gì thì nói, bóng là cái ở gần người ta nhất. Hãy ở bên nó giờ phút cuối cùng để sau này cậu không có gì phải tự trách mình. Hãy giúp nó ra đi bình yên. Không đơn giản, nhưng đó là việc tốt nhất cho cậu.”
“Vâng, tôi biết”, tôi vừa nói vừa mặc măng tôi và quấn khăn kín cổ.