Chương 32

    
hán chường và tuyệt vọng, không thèm đi nhờ xe nữa, xe pháo làm gì khi thời gian phía trước là thênh thênh, tôi cứ lững thững một mình làm cuộc hành trình xuống... đáy vực như một lữ khách ngu ngơ, lại như một kẻ hát rong đi lần tìm những khúc dân ca cổ đang bị vùi lấp.
Vậy là xong. Xong vàng, xong đá, xong cả thói bán buôn, giờ phải làm gì đây hở thằng Hùng Ka rô? Chả lẽ lại tìm về các bến sông để làm cái thằng bảo kê hay dồn tiền dựng một quán chè chén bán cho khách qua đường, hay... không, tôi không thể trở lại ba cái vu chặn xe trấn cướp, trèo tường mở két thiên hạ được nửa rổi, đã quá ngán và quá ngại rồi. Ngại chứ không sợ. Cái thằng tôi từ bé chưa biết sợ là gì nhưng mỗi lần hễ cứ động nghĩ đến chuyện ấy là khuôn mặt khổ sở cùng cái xe cưu mang của thằng Thư lại chặn tôi lại. Hình ảnh nó đã trở thành tâm linh, thành nỗi day dứt triền miên trong tôi. Vậy thì tôi phải làm gì, phải làm gì hả Thư, thằng em thông minh, chí tình chí nghĩa luôn biết đưa ra được những phát kiến xác đáng cho ông anh? Phải làm gì?
Đi đến giữa đường, nhác thấy những thân hình đang còng lưng oằn người mang vác đủ các thứ đồ đoàn, gạo mắm... đi lên như những con ngựa thồ, hồng hộc, mồ hôi mồ kê, tía tai mặt đỏ, cái đầu đang u ám của tôi bỗng bật loé một tia chớp: Tại sao đoạn đường này lại không có một chiếc xe ôm, những chiếc xe ôm nhỉ? Nếu có, nó sẽ giành thế độc quyền chuyên chở mà thiên hạ ai cũng cần, giá nào cũng trả dẫu nghèo đến đâu, giống như mình hôm nào.
Nghĩ vậy, vừa xuống đến phố một cái là tôi đi lùng sục tìm mua một chiếc xe Minskhơ ngay, chỉ là Minsk thôi, tất cả các loại xe khác đều không leo nổi. Hỏi một nhà, hai nhà, ba nhà... đều nhận được những cú lắc đầu vô cảm. Hỏi một ông xe ôm đang ngồi ngủ gật như tượng Lão Khổ ở đầu ngõ, dúi thêm vào tay ông ta chục ngàn, thế là tôi đã có giao liên dẫn trúng mục tiêu. Xe ôm ở bất cứ đâu cũng là một mạng lưới tình báo nhân dân rất có tác dụng. Hỏi đường hỏi chợ ư? Có ngay. Hỏi xóm hỏi ngõ ư? Có ngay. Và cả hỏi đĩ điếm, hỏi điếm Massage, hỏi có chỗ nào mát mẻ giải buồn giải cấn chút không? Cũng có ngay, vẫn chỉ là mười ngàn, giá chung, bất di bất dịch.
Ba tiếng sau tôi đã có trong tay một chiếc Minsk khá bắt mắt: màu mận chín, còn được bảy mươi phần trăm, khung chắc, máy khoẻ, lốp chưa mòn nhẵn, giá dễ chịu, chưa tới ba triệu trong khi mua mới phải là sáu triệu tức ba cây vàng. Chiếc xe đã đắp chiếu nằm trong nhà gần cả năm nay vì chủ nhân của nó trước đây cũng đã thử dùng nó chạy xe ôm lên bãi nhưng bị tai nạn nên từ đó bỏ luôn. Đó chinh là lý do chiếc xe được giật giá xuống một nửa. Tôi nói lúc này chưa đủ tiền, mà không đủ thật, sẽ xin trả góp trong vòng sáu tháng hoặc sớm hơn. Chủ xe gật đầu:
"Chú cứ lấy đi, đằng nào tôi cũng không dùng đến nhưng nhớ là đi đường đó phải hết sức thận trọng, ở vùng này chưa ai đi nổi đâu."
 Yên tâm đi đồng chí, tôi đã thử rồi, chưa ai làm nổi mà tôi làm mới mong móc được tiền thiên hạ chứ. Tôi định nói nhưng rồi chỉ im lặng dắt xe ra, sau khi biếu thêm ông xe ôm chục ngàn nữa. Thoáng chắc lép, giá hôm ấy đừng sĩ, mà sĩ với đàn bà thì sĩ suốt đời, cứ lấy mẹ nó cái tám triệu đi thì lúc này đâu có phải trả góp với chả trả phần, rách việc! Mình lấy cái của mình chứ lấy của ai mà nhục.
°
Đoạn đời chạy xe ôm, cái đoạn đời mà một thằng như tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới, bắt đầu.
Bắt đầu một cách hài hước. Hàng chục năm nay, từ khi có bãi đá, dân tình ở đây chưa hề nhìn thấy có một chiếc xe ôm nào dám leo lên đoạn đường mà người ta hay gọi là khúc cua tử thần này cho nên đến lúc xuất hiện chiếc xe của tôi với tấm biển các tông đề nguệch ngoạc:
 “Xe lên bãi. Giả rẻ. Đảm bảo an toàn" gắn trước ghi đông thì mọi người cười rũ cho rằng tôi đùa. Thậm chí xe đi đến đâu là trẻ con chạy theo đến đó hò hét như chạy theo thằng điên. Đúng là chỉ có điên hay chán đời hoặc chơi ngông mới dám leo đường này. Nhưng tôi cứ phớt tỉnh, có lúc còn đùa lại để rồi với vị khách đầu tiên là một ông bố đi tìm con được chở miễn phí lên xuống an toàn thì mọi người mới ớ ra. Từ ớ đến tò mò, từ tò mò đi thử xem đến tin là ngốn mất nửa tháng. Sau cái nửa tháng gây men khốn khổ đó tôi bắt đầu có khách. Lúc trước thì thưa sau cứ đông dần.
Theo đúng thủ thuật kinh doanh mà tôi đã học mót được là thời gian đầu phải chịu hoà hoặc lỗ rồi mới nhích dần lên. Nhưng đó là quy luật của một công ty, một doanh nghiệp, còn tôi, xe ôm, tôi vận dụng thời gian đầu lấy thấp thôi, chỉ bảy, tám chục ngàn một lượt lên, lượt xuống chỉ năm chục ngàn, quá mềm, chỉ nhích hơn tiền đổ xăng tiền hao mòn một chút nhưng để bù lại tôi quyết định tăng vòng tăng chuyến, người khác cùng lắm chỉ lên xuống được một lần là đứt hơi, còn tôi, tôi chơi luôn hai lần, cái đó gọi là lãi số lượng hay gọi nôm là lấy cần cù bù thông minh hoặc lấy liều mạng bù nhút nhát cũng được.
Ngay từ những ngày đầu ra quân khách đã gọi tơi tới, thậm chí khách còn đăng ký từ tối hôm trước. Đường khó đến mấy rồi đi riết cũng quen, quen từng khúc cua, từng chỗ xóc, từng đoạn ổ trâu ổ voi, từng bọng nước, bìa vực... Hôm thứ nhất khi lên phải mất hai tiếng rưỡi, hôm thứ hai ít hơn và đến những ngày sau đó, trung bình chỉ còn một tiếng bốn nhăm phút. Tiền bắt đầu chảy vào. Một ngày trung bình nhét túi trên dưới hai trăm, một tuần trên dưới một triệu, một tháng trên dưới... sột soạt. Trong đầu trong túi tôi giờ đây đã âm vang tiếng sột soạt rất chi là trữ tình thắm thiết đó. Chưa hơn hẳn các nghề khác tôi đã trải nhưng bù lại là đều, rất đều, như nghề xăng dầu bởi dù mưa hay nắng, dù cuộc sống có lên hay xuống thì con người bao giờ cũng không thể thiếu được xăng dầu, thiếu được cái chuyện đi xuống đi lên. Vấn đề còn lại là sức khoẻ mà chuyện này thì ơn trời, tôi lại hơi bị khoẻ quá dẫu rằng có buổi tối trở về nhà trọ chân tay mình mẩy cũng rời ra không muốn cất nhắc nữa.
Bắt chước cái hãng Càphê gì đó đang nổi tiếng như cồn bởi biết cách miễn phí để nhử khách rồi khi khách đã quen mới từ từ tăng giá, lúc ấy tăng thế nào khách cũng không bỏ vì đã trót nghiện mất rồi, khi tôi đã có thương hiệu, có đẳng cấp, đã có biệt danh Hảo hớn xe ôm, đã được khách tin khách nghiện rồi tôi cũng bắt đầu tăng giá, tăng giá theo cơ chế lổng, tức là ngày bình thường lấy một trăm đi lên, bảy chục đi xuống; ngày mưa, ngày lễ tăng thêm mười phần trăm, giống y chang cái anh khách sạn vào mùa du lịch bây giờ, vậy mà vẫn rất đông khách. Đông đến nỗi không phải là xe tranh khách mà là khách tranh xe. Tôi như một cô gái đẹp trong cả cái cô đào toàn đàn ông nên dù đỏng đảnh, xấu nết thế nào vẫn cao giá. Và yếu tố chính để tạo nên cái giá đó chính là tôi đang ngồi trên thế độc quyền không có kẻ cạnh tranh bởi chả ai dại gì đi phá thế độc quyền quá khó chịu ấy để lao đầu xuống vực.
Như thế, không phải là sáu mà chỉ chưa đầy ba tháng sau tôi đã trả hết tiền chiếc xe. Từ đó làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Thế rồi vào một buổi sáng trời quang mây tạnh, ngước nhìn lên đỉnh núi mây bay, trong chiều sâu tâm hồn tăm tối của tôi bỗng lại thức dậy cái khát vọng thủ lĩnh tưởng đã ngủ im sau mọi nhọc nhằn. Tại sao mình không đứng ra lập một đội xe ôm, đúng, lập hẳn một đội xe rồi huấn luyện rồi đầu tư cho họ có khả năng vượt đèo như mình nhỉ? Khi ấy, cái thằng tôi khỏi phải lăn lóc như chó đạp lửa nửa mà chỉ ngồi điều hành chỉ đạo rồi thu tô. Tại sao không?
Đã nghĩ là làm, cái tật tôi nó vậy, tối hôm sau tôi đi tìm cái tay xe ôm đã nhận viên đá đỏ tôi cho hôm nào. Tôi thuyết phục, nó ngật ngừ, lại thuyết phục nữa, vẫn ngần ngừ, cuối cùng tôi công bố khoản tiền thặng dư, là nói theo cách nói của các nhà kinh tế Mác xít, mỗi tháng tôi có được ra, thế là mọi sự ngật ngừ tan biến, nó nhận lời. Thì ra, trong mọi cuộc thương thuyết lớn nhỏ, hèn mọn hay sang trọng, cấp vi mô hay ở cấp vĩ mô, sức mạnh vật chất, sức mạnh của đồng tiền, của cái âm thanh sột soạt bao giờ cũng chiếm địa vị thượng phong.
Tối hôm sau, qua nó, tôi bắt rễ thêm một tay xe ôm khác nữa. Thằng này đang gặp cảnh túng thiếu nợ nần nên nhận ngay. Túng thiếu gì? Sau này tôi mới biết nó là con nợ của những canh bạc đang tòi ra khắp các ngóc ngách của cái phố núi đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều các tệ nạn này. Ở đâu có vàng bạc thét gào thì dứt khoát ở đó tệ nạn sẽ lên ngôi, lẽ thường là vậy, quy luật cuộc sống cũng là vậy. Và tôi, tôi cũng đang trên lộ trình hội nhập vào đội quân tệ nạn ấy mà tôi sẽ nói về sau, còn bây giờ, chỉ sau ba ngày tôi đã tập họp được dưới trướng mình một đội hình xe ôm đủ bằng một tiểu đội mười hai người hầu hết là mạnh khoẻ, chịu chơi. Mười hai chiến sĩ tôi chia thành ba tổ, mỗi tổ sẽ trấn giữ một cửa khẩu theo ba con đường dẫn lên bãi. Nhưng trước hết tôi bỏ ra ba ngày để anh em tập luyện thuần thục ngay trên địa hình thực tế mà tôi chính là giáo viên huấn luyện. Kinh doanh ăn ở chữ tín, chỉ cần một xe bị tai nạn thôi là sẽ tức khắc ảnh hưởng đến toàn đội ngay. Cho nên việc huấn luyện được đặt ra một cách nghiêm ngặt, không châm chước. Ngày đầu có hai người ngã, ngày thứ hai có ba người định bỏ cuộc, đến ngày thứ ba mọi sự đã trở nên thông thoáng, kẻ ngã đã khỏi đau, người định bỏ đã vào cuộc trở lại. Tất cả đã sẵn sàng.
Và không ngờ cái ý định đó cộng với động tác chuẩn bị kỹ lưỡng đã phát huy tác dụng ngoài mong đợi. Buổi sáng tiễn anh em ra đi, dặn dò, giao việc dăm câu, buổi chiều ngồi chờ anh em trở về lục tục đến nộp tiền. Công việc đã được khoán gọn, đồng tiền đã có định mức, anh em nào làm hơn, được khách trả hơn hoàn toàn có quyền được hưởng. Thành thử không khí lên lắm, việc ai nấy làm, tiền ai nấy hưởng, không ganh đua, không trí trá, không ăn chặn, tiền bạc được công khai dân chủ hàng tuần với quy chế, cứ gọi vậy cho oai, tiền mỗi người kiếm được tôi chỉ thu một phần ba để làm quỹ dự phòng, để ngoại giao này nọ, ai ốm đau, ai cần nghỉ vì việc riêng gia đình vẫn được hưởng năm mươi phần trăm lương, ai có đám tang, ai làm đám cưới sẽ có tiền phúng tiền mừng chu tất, tối tối xong việc gặp nhau làm chén rượu cười vang ấm cúng như gia đình.
Danh tiếng của đội xe ôm mà tôi tạm đặt tên “Lá dăm núi”, cái tên lấy từ đôi mắt của cô gái đã ám ảnh tôi ấy bắt đầu nổi lên. Anh em trong đội đi đến đâu cũng được người ta xi xào chỉ trỏ: Quân ông Thư, lính ông Thư đó. Thậm chí có một vị cán bộ địa phương vào hàng chủ chốt gì đó còn vỗ vai tôi cái bốp mà rằng, các cậu đã làm thay đổi diện mạo thị trấn, khá lắm, cố lên nhưng... Tôi hiểu chữ nhưng ấy nên ngay tối hôm sau tôi đã cho người tìm đến nhà riêng nhét tận tav vị đó một chiếc phong bì khá đậm. Gớm, các cậu chỉ vẽ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được mấy đồng bạc rách mà lại còn... lần sau thì thôi nhé! Tất nhiên lần sau tôi phải tìm đến người khác rồi người khác nữa, mỗi lần như thế không nhiều nhưng phải có để chứng minh rằng mình rất biết tôn ti trật tự, rất hiểu câu phép vua thua lệ làng nhất lại là thứ làng đặc biệt như cái làng dưới chân núi đá đỏ này.
°
Một buổi sáng oi bức, tôi trần như nhộng đang ngồi kiểm toán... Chết mất thôi, dạo này không hiểu sao tôi lại sính dùng những mỹ từ to tát mà người ta chỉ có thể dùng trong những đại công ty, vâng, đúng ra tôi đang ngồi tính toán lại chi thu trong tháng thì có tiếng gõ cửa. Nghĩ rằng lại có một vị nào đó có nhã ý đến “hỏi thăm”, tôi cau có đứng dậy. Nhưng cửa vừa mở, cùng với mùi mỹ phẩm cao cấp tràn vào là khuôn mặt cô ta. Thoắt lúng túng:
 Liên...
 Liên Digan, cám ơn anh vẫn còn nhớ cái tên con đàn bà này.
 Xin lỗi, để tôi...
 Thôi khỏi, anh cứ thế này mới là anh hơn, một Hùng Ka rô đáng sợ và cả đáng... yêu.
Sắp sửa đấy, tôi nghĩ, và cứ mặc quần áo vào.
 Tôi tưởng Liên đang trông coi cửa hàng tranh đá quý ở Huế?
 Thì khi đi khi ở. Nếu không thế thì làm sao biết được người hùng Na Rì bây giờ lại trở thành một người hùng... xe ôm.
Hai tiếng xe ôm được cái miệng ngon như một miếng sôcola kéo dài ra, nhấn nháo. Tự nhiên khó chịu:
 Cô thấy thế là rẻ tiền à?
 Không, em chỉ thấy lạ về khả năng có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh cũng như năng khiếu kinh doanh của anh.
 Tôi không kinh doanh mà là đang lao động.
 Em hiểu chứ. Nhưng em đến đây không phải để bàn luận với anh về những chuyện đó.
 Đưa thiếp mời cưới?
 Chưa.
 Chưa hay không?
 Anh vẫn thích trần trụi như trước.
 Vì tôi nghĩ một người sẵn sàng giết chết người tình để có được tự do như thằng Khánh có lần nói về cô lại có thể dễ dàng chấp nhận sự ràng buộc cả đời với một thằng có máu lạnh.
 Anh cũng nhận thấy điều đó à?
 Không phải chỉ nhận mà chút nữa còn là một nạn nhân. Thằng Khánh giờ sao rồi? Lâu lắm không nhận được tin gì của nó.
 Bạn bè các anh thế đấy, tệ thật!
 Cái gì?
 Chết rồi. Chết vì sốc thuốc. Mới qua giỗ đầu. Khi chết, anh ấy chẳng có một ai thân thiết ở bên, kể cả em. Chết một mình, thui thủi.
Tôi im lặng. Đã đoán trước được số phận tất nhiên của nó, một thằng nghiện thâm căn nhưng nghe tin này vẫn chạnh buồn. Có hai đứa bạn tuổi thơ, một đã theo chồng đi tận phương trời nào, một chết âm thầm, tức tưởi. Số kiếp con người cũng chỉ phù vân đến vậy thôi ư?...
 Em hỏi đây: anh vẫn có ý định tiếp tục theo đuổi nghề xe ôm?
Tiếng nói của Liên kéo tôi về thực tại.
 Nếu không có nghề gì khác.
 Em định phát triển thêm một phòng tranh đá quý ở Nha Trang. Thời mở cửa, thiên hạ bắt đầu có mốt chơi cái loại tranh này.
 Và bà chủ muốn tôi đứng ra quản lý cái phòng tranh ấy?
 Đó là lý do em đến đây.
 Ý của em hay là của cả đức ông chồng sắp cưới.
 Bọn em thôi nhau rồi.
 Nghe lạ đấy. Lý do?
 Như anh vừa nói.
 Hắn chịu?
 Anh quên em là Liên Carmen, Liên Digan rồi à? Yêu như lửa nhưng nếu cần sẽ là nước.
 Tư do hay là chết. Chúc mừng!
 Anh vẫn độc ác và đáng sợ.
 Có vẻ như cô đã kiếm được một đại gia có máu mặt khác bảo trợ đằng sau?
 Không cần biết. Anh có nhận không? Đừng lo về thu nhập, em thế nào anh sẽ thế đó, cùng làm ăn, cùng chịu hên xui.
 Tôi từ chối.
Im lặng. Cô ta rút thuốc ra hút, ngửa mặt hé miệng nhả ra từng làn khói dài. Lát sau, nét mặt chuyển sang lạnh lẽo:
 Để kiếm một người như thế, em chỉ hô một tiếng là có hàng trăm nhưng em thích cái tính khí trung thực, bạo liệt của anh. Đã dính vào đá, dù là tranh đá cũng có nhiều chuyện phức tạp cần xử lý.
 Chứ không phải vì một lý do nào khác?
 Ví dụ?
 Để bên cạnh luôn có một lái xe kiêm vệ sĩ kiêm... cái này mới quan trọng này, kiêm người tình.
 Ngay điều đó cũng chỉ cần hô một tiếng.
 Vậy thì thưa bà chủ, bà chủ tranh đá quý, bà không có việc gì ở đây nửa.
 Còn.
 Lên giường?
Một tiếng cười vang:
 Lâu lâu nghe lại cái giọng nói trần truồng này cũng thấy hay. o kê nhưng không phải ở đây, lúc này. Mà sao anh không chọn chỗ nào cho sáng sủa, sành sạch một tý. Tối nay em chờ anh ở khách sạn Phố Núi cuối thị trấn. Thế nhé, chào!
Cô ta ra nhanh như muốn ra khỏi một vùng tư tưởng không sạch. Tôi ngồi lại, đần mặt. Thế đấy, một con bé đào vàng lam lũ nhưng nhờ biết tận dụng vốn tự có mà một bước lên bà để rồi lại quay lại nhìn xuống ngay cả  
những kẻ đã cùng lam lũ với mình. Trông coi cửa hàng à? Tranh đá quý à? Đá quý hay của quý, vẫn còn thèm cái của quý của mình? Ô hô, nhà không sáng không sạch nhưng cái của kia vẫn sạch vẫn sáng đấy chứ. Còn lâu nhé! Rửng mỡ, thèm thì nói mẹ ra là thèm cho nhanh mà lại còn trung thực với bạo liệt nọ kia, nghe tanh lắm!
Và nói của đáng tội, hồi nãy ngồi trước ả, ngồi ngay cạnh ả, thịt da ngổn ngộn, đùi vế căng tròn, khe ngực lồ lộ, thơm phức, chính tôi cũng bắt thèm ngược lại, đáng lẽ tôi sẽ dằn ngửa ả ra ngay tại đây, trên chiếc giường đầy máu muỗi này, sẽ dạy cho ả biết giá trị đàn ông đâu phải là đại gia, là ông chủ, là phòng ốc tân kỳ mà toàn bộ giá trị là cái của nợ nằm dưới háng kia cơ. Nhưng chính cái chun mũi của ả chắc là do bộ quần áo cả tuần không thay của tôi đang vắt ở đầu giường đã làm cơn thèm của tôi tụt lại. Tụt luôn cả lời mời rất hấp dẫn kia nữa. Không, cô gái hoang dã ơi, tôi dù cuộc sống có bí bách thế nào thì vẫn không thể đâm đầu làm cái thằng chuyên đi ăn sái kẻ khác mãi được. Chào nhé! Không có Phố Núi, Phố Biển gì đầu nhé!
Để củng cố thêm cho cái quyết định mà người này sẽ cho là giàu tính tự trọng người khác lại cho gàn dở, ngu dốt của mình và cũng để giải toả khỏi cái mùi vị của da thịt con đàn bà vẫn dấp dính ở đầu mũi kia, tôi mặc quần áo, khoá cửa, gọi một chiếc xe ôm bảo chở đến cái động quen thuộc. Tại đây giá vừa mềm, các em lại rắn da rắn thịt, toàn sơn nữ, tiếng Kinh chưa sõi nhưng công nghệ làm tình lại siêu thặng, chỉ mất mươi phút, xong là xong, khỏi vướng bận nghĩa tình, khỏi dằn hắt nọ kia mà lại có ý nghĩa phân phối lại của cải cho xã hội. Nhân văn nhân đạo quá đi chứ. Ô hô!