Nguyên tác tiếng Anh "Tass is Authorised to Announce".
Phần 43
XLA-VIN

“Đã sáu mươi giờ trôi qua, - vừa nằm trên chiếc gường hẹp ở một phòng giam tối, anh vừa ngẫm nghĩ: Nghĩa là độ mười hai giờ nữa, cách này hoặc cách khác, chúng sẽ đưa mình lên hỏi cung. Chúng không thể giữ mình lâu hơn, dù sao đây cũng là vụ ồn ào.
Anh khẽ cử động mấy ngón tay - tạm thời chúng vẫn chưa bị tê cứng, dù chiếc còng tay khá nhỏ, chặt, như cắm sâu vào da.
“Glép đã lấn sâu rồi - Xla-vin thong thả nghĩ - mà định liều chơi trội những hai lần với Dô-tốp, khi hắn nhét vào nhà anh chiếc máy điện đài và tờ mật mã, và với mình, khi gắn mình với cái chết của Lô-ren-xơ. Nhưng không lẽ Pôn Đích đồng loã với hắn? Có thể, có thể lắm. Hắn là một tay nát rượu, mà những kẻ nát rượu thường hay không phân biệt được ranh giới giữa cái cao cả và cái thấp hèn. Trong việc này, chỉ có thiên tài mới đứng vững nổi, mà Pôn lại không phải là thiên tài. Hay chúng sử dụng anh ta để đánh lạc hướng? Thôi, kệ, chỉ mong sao trót lọt cả ở Mát-xcơ-va, lúc ấy mọi việc sẽ đâu vào đấy hết, và chúng sẽ phải chịu hậu quả của kẻ gieo gió gặt bão. Lô-ren-xơ thì Glép đã khử rồi. Hắn muốn giành mọi vòng nguyệt quế về mình. Rồi sau đó, thì bỏ mặc Đu-bốp. Hắn quả là một tay điệp viên nhà nghề táo tợn, làm việc đâu ra đấy và rất hăng, nhưng lộ liễu quá, và lấn tới quá. Y như kiểu quảng cáo tư bản vậy, làm lấy được, không nể ai! Dù sao cũng vẫn có tác dụng. Họ vẫn cứ quen tồn tại như thế hàng trăm năm rồi kia mà. Không biết họ sẽ nói gì với mình? Tất nhiên phải có đề nghị gì đây? Muốn mình làm việc cho họ chăng? Ngây thơ quá! Tìm chứng cớ về vụ giết Lô-ren-xơ. Làm gì có? Mình đã lên tới cửa phòng? Đúng! Mình gõ cửa? Đúng! Nhưng làm gì có dấu tay của mình ở nắm đấm cửa, hoặc ở đâu khác nữa? Hoặc một tang vật gì?
°

*

Chúng không gọi anh lên hỏi cung mà tướng Xtau tự tới buồng giam.
- Thưa ông Xla-vin, buổi nói chuyện của chúng ta hôm nay sẽ mang tính chất nghề nghiệp thuần tuý.
- Tôi phải hiểu lời ông như thế nào?
- Nghĩa là ông, hơn bất cứ người nào khác, thừa hiểu rằng ván bài đã thất bại.
- Cụ thể ai thất bại?
- Các ông.
- Ông biết không, tôi sẽ không nói chuyện với ông đâu. Tôi chỉ giải thích mọi điều với ông khi có mặt lãnh sự của tôi.
- Và ông tin rằng ông hành động đúng?
- Vâng.
- Thôi được, ngài lãnh sự đang ngồi chờ ở phòng đợi. Nào, ta đi. Tôi xin hỏi ông lần cuối cùng - ông không có ý định nhờ tôi giúp đỡ gì à? Tôi bảo đảm sẽ thực hiện tất cả mọi yêu cầu của ông, bởi vì bạn bè của tôi xem ông là một người rất nghiêm túc, mà những người như thế đáng được kính trọng, đúng thế không?
- Đúng vậy. Ta đi thôi.
Hành lang nhà tù được chiếu sáng đến nỗi sau hai tuần bị giam trong một buồng giam mờ tối, đôi mắt của anh loá lên, khó chịu.
- Việc ông bị bắt sẽ đặt một dấu chấm hết trên con đường công danh của ông, Xtau nói - chắc ông cũng biết điều đó.
- Tại sao? Nhà tù cũng là một nơi không đến nỗi quá tồi cho một người làm nghề sáng tác. Sau này, khi được tự do, sẽ có cái để mà nghiền ngẫm.
- Ông Xla-vin, con đường công danh của ông, với tư cách là một điệp viên đã kết thúc. Chúng tôi biết cơ quan an ninh của các ông sẽ đối xử với những người đã bị chúng tôi bắt rồi tha như thế nào.
- Thế thì theo ông, họ bị đối xử như thế nào?
- Tôi rất khâm phục cách cư xử của ông, vì vậy mà một lần nữa, tôi đề nghị ông không gặp ngài lãnh sự, mà gặp một người nào đó trong số bạn bè thông minh và tài năng của ông.
- Họ sẽ trả cho tôi bao nhiêu?
- Xin lỗi?
- Tôi sẽ được nhận bao nhiêu tiền, sau khi tuyên bố những gì họ muốn?
- Trước hết, ông còn chưa biết cụ thể họ muốn ông nói gì. Các bằng chứng rất nghiêm trọng, thưa ông Xla-vin? Vì vậy, ông im lặng sẽ có lợi cho chúng tôi hơn. Ông hiểu chứ? Ông càng im lặng, chúng tôi càng dễ thực hiện những gì chúng tôi định thực hiện. Đưa ông ra khỏi trò này là một việc rất khó. Ông sẽ phải trả giá bằng cách xoá hẳn trí nhớ của ông đấy, thưa ông Xla-vin! Và lúc ấy người ta sẽ đưa ông đi khỏi nơi đây và trao cho ông, như ông vừa nói, đúng bằng số tiền người ta đền ơn cho một người đã giúp đỡ người khác một việc quan trọng.
- Ước chừng bao nhiêu? Mười vạn?
- Tôi có thể chuyển những lời này của ông như một điều kiện ông đặt ra, được không?
- Thưa ông Xtau, thậm chí nếu ông đã ghi những lời này của tôi, thì cũng xin ông đừng vội nói lại với họ như là điều kiện của tôi, ông có thể bị nguy đấy?
- Nghĩa là thế nào?
- Tôi chỉ nói được những gì tôi có thể nói.
Trong phòng đợi không chỉ có một mình lãnh sự Liên Xô, mà ngoài ông ra còn có đại diện của Viện công tố và một quan chức của Bộ ngoại giao Luy-xbua.
- Chào anh, Vi-ta-li Vxê-vô-lô-đô-vích - Lãnh sự nói - Chúng tôi đã gửi kháng nghị phản đối việc bắt giữ anh một cách trái phép. Bộ ngoại giao nước sở tại cho chúng ta gặp nhau, nhưng với sự có mặt của đại diện Viện công tố của họ. Anh có thể nói gì về những việc đã xảy ra?
- Tạm thời tôi chưa có gì cần nói cả.
- Thế nghĩa là thế nào? - Ông lãnh sự ngạc nhiên hỏi.
“Đừng vội, anh đừng vội, - Xla-vin thầm bảo ông ta - Hãy cứ giận tôi đi. Nhưng đừng nghĩ thế này thế nọ vội. Anh hãy cố nhớ những lời tôi nói, lúc ấy việc của chúng ta mới thành được”
- Tôi không đồng ý với việc bắt giữ tôi - Xla-vin chậm rãi đáp.
- Một số tờ báo ở đây, nhất là tờ “Tin điện” có đăng một loạt bài về việc cảnh sát hiện có đủ chứng cớ kết tội ông tham gia một nhóm tình báo Xô-viết nào đó. Ông có thể nói gì về việc này?
- Thì cứ để họ chứng minh điều ấy đã.
Công tố viên nhìn quan chức Bộ ngoại giao, lấy thuốc ra hút, duỗi thẳng chân, rồi hỏi:
- Ông có tuyên bố phản đối việc bắt giữ ông?
- Không ai cho tôi xem lệnh bắt tôi. Chỉ có lệnh tạm giữ. Theo tôi, hai việc này khác nhau. Các ông có chứng cớ, nhân chứng không? Hay có thể, với tư cách là nhân chứng, các ông đã hỏi cung Pôn Đích, công dân Hoa Kỳ? Hay Giôn-Glép?
- Chúng tôi không đi sâu phân tích vụ của ông - công tố viên ngắt lời anh - Ông bị buộc tội vì phạm pháp luật của nước chúng tôi, hoạt động gián điệp và nhiều tội khác. Như thế là đủ.
- Phải xem là đủ cái gì! tôi không thật hiểu là qua vụ này, cảnh sát các ông muốn gì. Theo tôi, việc làm của họ, trong trường hợp này, không phù hợp với lợi ích của các cơ quan khác trong chính phủ - Bộ ngoại giao chẳng hạn.
- Chúng ta đang đi xa đề tài - công tố viên lại ngắt lời - ngài lãnh sự của ông muốn gặp ông, và các ông đã được gặp nhau. Ông không bị đánh đập, người ta đã đối xử với ông một cách nhân đạo chứ?
- Nếu không kể xiềng xích - Ông lãnh sự nói xen vào.
- Đó chỉ là chiếc khoá tay - Xtau chữa lại.
- Theo tôi, có lẽ hôm nay chúng ta sẽ dừng lại ở đây - Công tố viên nói - Lời buộc tội đối với ông sẽ được công bố trong vòng năm ngày tới.
“Phải sớm hơn - Xla-vin nghĩ bụng - Tại sao chúng lại gác lại năm ngày nữa? Nếu chúng muốn gây một vụ lớn, chúng phải buộc tội mình càng sớm càng tốt, để đuổi người Nga về nước. Các ngài muốn gì đây, thưa các ngài? Hay trong chính phủ có một người nào đó muốn chờ đến lúc Ô-ga-nô hành động?”
- Thưa ông công tố viên - Xla-vin nói, đứng dậy khỏi chiếc ghế nhỏ được đính chặt vào giữa phòng đợi - khi nào thì tôi được trao cho ông các bằng chứng của tôi? Tôi có đủ các bằng chứng và chúng hiện đang được giữ ở một nơi an toàn. Các bằng chứng của tôi sẽ làm thay đổi tính chất của tất cả những việc này. Mọi cái cần phải được đưa đến tận cùng, thưa ông, thậm chí cả sự vu khống cũng vậy. Thế mà các ngài cố vấn nước ngoài và bạn bè của ông còn bỏ qua nhiều việc chưa làm quá. Và, bởi lẽ vụ của tôi liên quan mật thiết với vụ của Dô-tốp, tôi muốn tất cả vấn đề phải được xét dưới dạng toàn cục, từ nhiều phía, chứ bây giờ ông không thấy là mọi cái có vẻ gán ép, thẳng đuột thế thôi. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói thêm với ông…
“Cứ mặc chúng chạy cuồng lên - Xla-vin nghĩ bụng, khi cánh cửa buồng giam được khép chặt sau lưng anh - tha hồ chúng ngồi mà suy nghĩ về những lời kia của mình, chúng ta sẽ có thêm được thời gian. Tha hồ Bộ ngoại giao của chúng lo nghĩ, vì muốn hay không, chúng cũng phải tuyên bố cái quyết định mà Glép đã chuẩn bị cho chúng. Không phải ai cũng muốn làm khỉ để thò tay nhặt hạt dẻ từ lò lửa ra. Thế, cứ thế! May mà sứ quán đòi được một cuộc gặp gỡ thế này. Tất cả sẽ được quyết định ở Mát-xcơ-va, mong sao chong chóng lên một tí…”
°

*

Buổi chiều, tờ “Tin điện” có đăng một bài báo với nội dung như sau: “Chúng ta sẽ còn phải chịu đựng các hoạt động tình báo mang tính chất toàn cục của người Nga bao lần nữa? Đến bao giờ các điệp viên của Nga mới thôi rình rập người kỹ sư bị thương Dô-tốp? Tại sao tới bây giờ báo chí vẫn chưa cho đăng công khái các chi tiết cụ thể của vụ Xla-vin, người được xem là một trong những kẻ tổ chức ám hại thương gia Mỹ Lô-ren-xơ? Ai sẽ trải lời tất cả những câu hỏi này? Tại sao chính phủ không tuyên bố thẳng, hoàn toàn không úp mở, hoặc phải tôn trọng tuyệt đối luật pháp nước ta hoặc Krem-li phải triệu hồi về nước các nhân viên của mình. Chúng tôi không muốn chưa chấp những người coi thường chủ quyền nước khác”
Buổi tối Pôn Đích đã phát biểu qua vô tuyến truyền hình. Mặt anh ta nhợt nhạt, giọng ngắt quãng:
- Tôi vừa mới biết tin về lời buộc tội nhảm nhí nhằm chống lại ông Vi-ta-li Xla-vin.
Tôi muốn mọi người biết rõ một sự thật là chính tôi là người yêu cầu ông Xla-vin tới gặp Lô-ren-xơ. Chính tôi là người gọi dây nói cho Lô-ren-xơ. Và cũng chính tôi là người phải đi với ông ấy tới đó, khi ông Lô-ren-xơ đã chết.
Một cậu bồi đã gọi tôi lại máy tê-lê-típ - cậu bồi này tôi khó có thể tìm thấy ở đâu bây giờ - và người trực máy trao cho tôi một bức điện từ đại sứ quán gửi đến: “Đại sứ cần gặp ông gấp, có việc rất quan trọng”
Tôi liền phóng đến đại sứ quán. Nhưng té ra đại sứ chẳng hệ cho gọi tôi, và tất nhiên, cũng chẳng có việc gì quan trọng cả.
Tôi xin khẳng định rằng Xla-vin không hề dính líu đến những gì người ta đã buộc tội ông ta.
Tôi không tán thành quan điểm chính trị của ông Xla-vin, và tôi luôn luôn là đối thủ của ông ta - dùng chữ luôn luôn, tôi muốn nói đến những năm sau chiến tranh gần đây, chứ năm 1945, chúng tôi là bạn chiến đấu với nhau - nhưng tôi muốn, dù có những mâu thuẫn như vậy, giữa chúng tôi, mọi cái phải sòng phẳng, công bằng, không thể khác. Tôi, Pôn Đích, phóng viên Hoa Kỳ, tuyên bố rõ như thế, và tôi bao giờ cũng sẵn sàng nhắc lại những điều trên, dù có phải lấy lương tâm ra thề.
Sáng sớm hôm sau, Glép bước vào phòng Pôn Đích:
- Pôn, đừng có điên lên như vậy - Glép nói, thậm chí không chào - Trong khi bắn nhau, hai thanh niên từ Na-gô-ni-a đến đã bị chết. Chúng là điệp viên của Xla-vin, đang tìm cách mang các tài liệu mật cho hắn. Về các chi tiết cụ thể, tạm thời tôi chưa biết, nhưng hình như chúng định báo cáo lại với hắn về những tài liệu lấy được ở Lô-ren-xơ. Anh cứ nói lên những gì thích nói, tự do ngôn luận và mọi cái tương tự, vân vân, nhưng phải dẫn chứng và thề thốt ra đây làm gì?