Cuộc bạo động của ông “Đạo Tưởng”

Cuộc bạo động của ông “Đạo Tưởng” ở Tân Châu năm 1939
Đông bào lục tỉnh chắc còn nhớ vụ án đẫm máu xảy ra tại Tân Châu vào năm 1939? Vụ án “Ông Đạo Tưởng” là một trong ba biến cố lớn bùng nổ ở Nam Kỳ giữa hai cuộc thế chiến, làm chấn động cả Trung Bắc và kiều bào ở Miên, Lào nữa. Vụ án “Ông Đạo Tưởng” có pha màu sắc chính trị lẫn tôn giáo, phát sinh trong một hoàn cảnh đặc biệt, nước Pháp sắp lâm chiến bên Âu Châu. Vì lẽ đó, nhà cầm quyền Pháp lo ngại những cuộc khởi nghĩa giành độc lập tại các thuộc địa Đông Dương.
Hồi những thập niên đầu của thế kỷ 20, Nam Kỳ xảy ra ba vụ án lớn:
- Vụ án Đồng Nọc Nạn ở Phong Thạnh, Giá Rai, Bạc Liêu năm 1928.
- Vụ án Ông Chủ Chọt ở Phước Long năm 1929.
- Vụ án Ông Đạo Tưởng ở Tân Châu năm 1939.
Bài “Vụ án Đồng Nọc Nạn”, chúng tôi đã viết lại trong sách Nam Kỳ lục tỉnh, tập I. “Vụ án Chủ Chọt” chúng tôi kể lại trong bài “Trên Bờ Kinh Xàng Phụng Hiệp Cà Mau”.
Nhìn chung, tính chất mỗi vụ án có những tình tiết khác biệt: Vụ án Đồng Nọc Nạn và vụ án ông Chủ Chọt xuất phát từ chỗ quyền tư hữu về ruộng đất bị xâm phạm, do chính sách bất công về ruộng đất của chế độ thuộc địa. Chế độ ấy làm nảy sinh nhiều khủng hoảng mà cao điểm là cả hai vụ án đều xảy ra đẫm máu. Còn vụ án ông Đạo Tưởng mang màu sắc tôn giáo pha lẫn chính trị. Nó giống vụ “Phan Xích Long Hoàng Đế khởi nghĩa năm 1913” và vụ “Phá khám cứu Đại ca năm 1916” mà chúng tôi đã có viết lại trong sách Nam Kỳ lục tỉnh, do Văn hoá xuất bản. Tất cả các vụ án nói trên có một điểm giống nhau: Nhằm vào người Pháp và chống lại chế độ cai trị vừa bóc lột vừa bất công.
Tại sao cùng trên một đất nước, mà ở Nam Kỳ lại xảy ra những hiện tượng độc đáo còn những nơi khác thì không? Có phải do tính chất địa phương của người Miền Nam? Ở đây chúng tôi không phân tích, phê phán, so sánh từng vụ án, mà chỉ làm công việc của người kể chuyện. Lượm lặt, sưu tầm, hỏi thăm, gom góp lại chút ít tài liệu để làm sống lại một thời đã qua, như một sự đóng góp nhỏ mọn vào cái gia tài văn hoá của Miền Nam trong cái di sản chung của đất nước. Các tài liệu thu thập từ mọi phía, phần lớn là những lời truyền miệng, có tính chất chủ quan, cho nên mức độ chính xác cần phải xét lại, hay đợi thời gian thử thách.
Người Pháp qua Việt nam đem theo cả một nền văn hoá Tây phương xâm nhập, làm biến đổi nếp sống, hoàn cảnh xã hội, phong tục văn hoá của Nam Kỳ. Một lớp nhà giàu mới xuất hiện nhờ hữu sản hoá ruộng đất thu lúa ruộng, chớ không phải do công sức, sáng kiến làm nên sự nghiệp. Thực dân ưu đãi, dung túng, binh vực người giàu để ức hiếp người nghèo, nông dân... cho dễ cai trị.
Các nhà xã hội học nhìn vấn đề có vẻ tinh tế hơn. Sự xâm nhập của chế độ tư bản đã làm đảo lộn hoàn toàn truyền thống cũ và sự chiếm đóng của Pháp, do đó, cũng phải có trách nhiệm chia xẻ toàn bộ sự khủng hoảng đó. Cuộc bạo động của ông Đạo Tưởng còn mang đậm dấu ấn “Thiên địa hội”, du nhập vào Việt nam chừng hai thế kỷ qua. Sự phân bố yếu tố “Thiên địa hội” trên khung cảnh địa lý Nam Kỳ rất có tác dụng. Nó thâm nhập vào mọi con người có đầu óc lãnh đạo, có tư tưởng chống Pháp... Nói một cách thực tế, bùa phép của “Thiên địa hội” giúp hoạn tâm súng đạn, gươm giáo không làm hại được! Từ chỗ mê tín như vậy, họ tự phụ, muốn làm việc lớn. Các vụ án ông Chủ Chọt, ông Đạo Tưởng... đều có màu sắc Thiên địa hội và bùa ngải Miên, vì nơi đây là đất cũ của họ.
Bùa phép đã đem lại cho họ niềm tin mãnh liệt: xua đuổi ma quỷ trừ bịnh, và cho phép họ có uy quyền tiếp xúc với thần linh, tiếp xúc với cõi vô hình... Từ đó, xuất hiện vài người có tinh thần lệch lạc, còn dính líu đến cuộc sống thực tế, có đời sống khác lạ, nếu không gọi đó là... điên khùng. Trong hoàn cảnh đó, vùng Long Xuyên, Châu Đốc hồi đầu thế kỷ này, có nhiều ông đạo chưa gặp thời, bằng lòng với những kết quả khiêm nhượng của mình. Trường hợp “Ông Đạo Tưởng” là người gặp thời, có khả năng lập hợp đông người gọi là “tín đồ”, để lập ra một tôn giáo mới: “Đạo Tưởng”.
Tuy mỗi vụ bạo động đều nhằm vào chế độ “đánh Tây, giết Tây” thậm chí, tuyên bố đánh đuổi người Pháp về nước để giành độc lập như vụ án ông Đạo Tưởng, nhưng các cuộc bạo động ấy, không hề được coi là những cuộc “khỏi nghĩa”. Nó cũng không mang tính chất như các cuộc khởi nghĩa chống Pháp hồi cuối thế kỷ 19. Những nhân vật chánh trong các vụ bạo động, đều xuất thân từ giai cấp bình dân, trình độ văn hoá kém, có chút ít gia sản hoặc không, không được sĩ phu lãnh đạo hay ủng hộ. Những người Pháp lạc quan đánh giá các vụ bạo động ấy rất thấp, thậm chí họ gọi những cuộc bạo động ấy là “điên, say máu ngà” của những dân tộc bán khai vào mùa nóng nực. Chúng ta phải nhận rằng hầu hết những người bạo động đều thuộc lớp thấp kém trong xã hội. Họ muốn vươn lên, nhưng xã hội bất công cứ dìm họ xuống tận cùng nấc thang xã hội. Tức nước vỡ bờ. Những bất công xã hội dồn dập, những áp bức bóc lột khiến họ thêm căm thù chế độ thực dân...
Hồi còn ở quê nhà, chúng tôi có dịp lên xuống núi Sam, Châu Đốc, Tân Châu nhiều lần. Những dân đó, chúng tôi hoặc đi đám giỗ, đám cưới, hoặc những ngày vía bà Chúa Xứ núi Sam “Thánh Mẫu Nương Nương” (một dạng của nữ thần Si-va bên Ấn Độ) Trong những buổi tiệc tùng thức khuya ấy, tôi được hầu chuyện cùng các vị cao niên ở địa phương. Bên chén rượu hoặc chung trà, các cụ vuốt chòm râu bạc, hứng thú kể chuyện ngày xưa. Có người mơ màng như ngậm ngùi, thương cảm cho số phận của nhân vật chánh.
Ngoài những chuyện thời sự như “kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ”, “Nhựt đảo chánh 9-3-1945” tôi thường được nghe họ nhắc đến một vụ bạo động có tính cách địa phương: Đó là vụ án “Ông Đạo Tưởng”, mà người ở đây kính cẩn gọi ông ta bằng “Thầy”.
Bài viết này được chuẩn bị từ lâu, khi tôi còn ở trong trại tỵ nạn Mã Lai (1984). Lúc ấy, dân tỵ nạn thật sướng: Hàng ngày ăn cơm cao uỷ, rồi chờ tin tức... đi định cư. Thì giờ nhàn rỗi, tôi lân la thăm những người lớn tuổi để học thêm chuyện đời. Rất may, tôi có quen hai người quê ở Tân Châu và Châu Giang, Châu Đốc. Có người quả quyết rằng được cha mẹ, anh em kể lại rất rành về cuộc bạo động của ông Đạo Tưởng.
Năm 1961, tôi có quen với ông cựu Đốc phủ sứ hồi hưu Võ Văn Nhiều, người kế nhiệm ông chủ quận Tân Châu (Nguyễn Văn Lễ). Ông Lễ trực tiếp đàn áp vụ bạo động của ông Đạo Tưởng, theo lịnh của ông chủ tỉnh Châu Đốc Ménage. Ông Nhiều là phụ huynh học sinh, vì có hai người con trai - con người thứ thất - đang học với tôi. Ngoài ra, ông Nhiều còn là thông gia với bà nhạc của tôi. Tôi được ông mời tới nhà nhiều lần, để hỏi thăm tình trạng học vấn của các con. Lúc ấy ông Võ Văn Nhiều đang ở trong một căn phố lầu, trước dãy nhà lầu 3 từng, dùng làm “Long Hồ Tư Thục” của ông Đốc Lê Minh Ký. Sau khi thôi ngồi ghế chủ quận Tân Châu, ông Nhiều đổi qua quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá, rồi qua Hà Tiên. Dĩ nhiên trong các cuộc nói chuyện ấy, tôi chỉ còn nhớ lại những chi tiết chánh mà thôi, vì thời điểm đã quá lâu (trên 35 năm).
Một nhân chứng khác là nhà văn An Khê Nguyễn Bính Thinh. Lúc cụ còn sống, cụ thỉnh thoảng có viết thư trả lời những điều tôi thắc mắc, kính xin cụ chỉ bảo. Cụ có kể khá rành về cuộc bạo động của ông Đạo Tưởng, mà chúng tôi sử dụng lài liệu làm cho vấn đề sáng tỏ thêm.
Trước kia, cũng như nhiều người lớn tuổi ở Nam Kỳ nghe nhắc tới ông Đạo Tưởng thì hiểu theo nghĩa đen của nó: “Ông Đạo Tưởng thích ngồi tham thiền một mình, tưởng tượng những chuyện viển vông”. Chính ông Nguyễn Văn Hầu, người Chợ Mới Long Xuyên, giáo sư Đại học Cần Thơ cũng hiểu ý nghĩa “đạo tưởng” là một người trầm ngâm, suy nghĩ chuyện viển vông. (Nửa tháng trong vùng Thất Sơn). Không hiểu có phải do hoàn cảnh phát sinh hay không mà nửa thế kỷ trước, vùng Thất Sơn, Châu Đốc, Long Xuyên... có rất nhiều ông đạo? Chỉ khác thường một chút được gọi là “Ông đạo”. Mỗi ông đạo từ tìm cho mình một lối sống riêng: người ở chùa, kẻ cất am, người đi lang thang trị bịnh bằng nước lã, có người ngụ lại gia... như ông đạo Nam, ông đạo Gò Mối, ông đạo Chó, ông đạo Câm, ông đạo ớt...
Học giả Nguyễn Hiến Lê, người sống nhiều năm ở Long Xuyên, Hồng Ngự có nhận xét như sau:, Không một tổng nào trong 5, 10 năm mà không nảy ra một ông đạo. Hơi khác đời một chút như cao quá, thấp quá, mập quá, gầy quá, hay có hành vi lạ lùng... tức thành ông đạo rồi. Chẳng hạn có ông đạo Cao, cao trên 2 mét, đi tới đâu trẻ con cũng bu lại ngó. Có ông đạo Nằm, nằm suốt ngày, suốt năm ăn uống cũng nằm, tiếp khách cũng nằm. Có ông đạo Câm, ông không câm thật đâu mà không bao giờ mở miệng nói. Cha mẹ hỏi trả lời, ai trêu tức làm thinh. Lại có ông đạo đi rất chậm, khoan thai từng bước một và cứ đúng 3 bước lại ngừng lại một chút, nhưng có lần bị chủ quận sai lính quật, đạo ta chạy te te và mất chức “đạo” từ đó!”
Trường hợp ông Đạo Tưởng ở Tân Châu thì nhiều người hiểu theo ý nghĩa khác. Theo cụ An Khê “Đạo Tưởng là một hệ phái của Bửu Sơn Kỳ Hương. Đạo này cũng dạy ăn ở hiền lành, đạo đức và tin phần hồn nhiều hơn. Đạo Tưởng có độ 10.000 tín đồ (?) tập trung ở Tân Châu, Châu Đốc, vùng Thân Sơn, núi Tưởng... Và cả ngoài đảo Phú Quốc nữa”.
Trước đây tôi cũng có đọc một bài báo đăng trên tuần báo Tuổi Trẻ nói về ông Đạo Tưởng, do một nhà văn cộng sản viết. Dưới cái nhìn của cộng sản, cuộc bạo động của ông Đạo Tưởng và tín đồ cũng là “đấu tranh giai cấp”, kèm theo lòng căm thù, chống thực dân Pháp. Tổng hợp các tài liệu vừa kể, chúng tôi cố tìm hiểu cuộc bạo động “đúng như nó đã xảy ra” với mọi khía cạnh tốt xấu của nó. Mục đích của chúng tôi chỉ làm sống lại một sự kiện đã qua, được nhiều người biết, bàn tán lâu dài, để mua vui độc giả vài giây phút nhàn rỗi.

Truyện Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ Nam Kỳ đất lành chim đậu Các cự phú ở làng Đại Điền, Mỏ Cày, Bến tre Các nhà giàu xưa ở Sóc Trăng Nhà ở Cách đặt tên, cưới gả: Cách cưới vợ, gả chồng cho con: Ăn uống, giải trí (cờ bạc, đá gà, uống rượu, thuốc phiện... Các thú vui: đá gà, cờ bạc, thuốc phiện, rượu... Các thú vui: đá gà, cờ bạc, thuốc phiện, rượu... Thuốc phiện Gò công, nơi phát tích các dòng họ quý tộc Huỳnh Công Tấn và “cậu hai Miêng”: Cây đắng sanh trái ngọt? Cậu Hai Miêng (1858- 1899) Mấy thiên tai lớn ở Gò Công Tháng năm “chết nhộn” Giặc “cào cào” (1905) Nạn “Bạch Đồng” 1915 Gò Công: đất khởi nghiệp các dòng học quý tộc Gò Công: quê vợ của hoàng đế Bảo Đại. Vài nhân vật cận đại tiêu biểu của Gò Công Ông Phủ Lê Quang Liêm (1881-1945) Luật sư Vương Quang Nhường, rể vua Thành Thái Các giai thoại, sự tích ở Gò Công Thành “Xăng Đá” và tỉnh lỵ Gò Công Đi lính cho Tây Hội kín Thiên địa hội Gò Công: Một nhà nho cấp tiến: Các cự phú ở Nam Kỳ Bùi Quang Chiêu Trương Văn Bền: nhà kỹ nghệ không bằng cấp kỹ sư Ông cai tổng Lê Quang Hiến ở Cao Lãnh: Diệp Văn Kỳ La Thành Nghệ Lai lịch một dòng họ có truyền thống y dược Giàu có là một trọng tội với cộng sản Cuộc bạo động của ông “Đạo Tưởng” “Đạo Tưởng” ông là ai? Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Chu Trinh Phan Chu Trinh và Nguyễn Tất Thành Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Chu Trinh (4-4-1926) Phụ Lục