aniel và tôi đi Vienna vào những ngày cuối năm, khi tuyết rơi trắng xóa khắp miền Tây nước Áo nhưng ở thủ đô không có một giọt tuyết nào, chỉ có gió thổi lùa vào sáu, bảy lớp áo đủ làm lạnh run cầm cập. Bạn trai tôi (°) Daniel là người Áo nhưng học ở Thụy Sỹ. Lần cuối cùng anh đến Vienna cũng đã cách đây mấy năm, còn tôi chưa từng đến đây lần nào. Vầy nên sau bữa ăn sáng kiểu Viennese với cà phê nóng hổi, bánh mì và thịt nguội ở nhà Thomas – chú ruột của anh, chúng tôi lấy lại sức sau hơn bảy tiếng đồng hồ trên xe lửa và háo hức muốn đi thăm thành phố ngay. Cuốn Rough guide trong phần giới thiệu về Vienna đã viết: “Những du khách lần đầu đến Vienna đều vẽ sẵn trong đầu hình ảnh một nơi lãng mạn với những hoài cổ Habsburg và âm hưởng nhạc”. Thật vâỵ, khi chú Thomas chở hai đứa tôi đi vòng quanh thành phố, qua những công trình kiến trúc kiểu Baroque từ thế kỉ 18 đẹp như mơ bên những cây mùa đông trụi lá, tôi thốt lên: “Trời, giống như đang xem chương trình vòng quanh thế giới trên TV vậy”. Daniel cười: “Chừng nào tới TP.HCM chắc tôi cũng nói vậy”, còn ở đây cảnh có gì đẹp đâu? Đúng là người ta chỉ quý những gì mình không có. Ở Ringstrasse, nơi tập trung hầu hết những địa danh nổi tiếng của thành phố, tôi đặc biệt thích lâu đài Hoàng gia (Hofburg), một khu phức hợp tượng trưng cho văn hóa và di sản Vienna được xây từ năm 1275 với 19 sân, 18 cánh rộng mênh mông. Gia đình hoàng gia Áo đã ở đây suốt sáu thế kỷ: từ thời Rudolf đệ nhất năm 1279 đến Charles đệ nhất năm 1918. Những cỗ xe ngựa chở khách du lịch đi vòng quanh thành phố nằm chờ ở đây, gợi nhớ đến những bộ phim về châu Âu thời xa xưa. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler về Vienna và tuyên bố “mối liên hệ giữa nước Áo và nước Đức phát xít” tại Hofburg. (Hitler là người gốc Áo nhưng bạn chớ dại dột đề cập chuyện ấy với người địa phương vì người Áo rất xấu hổ về điều này. Vả lại Áo là quê hương của rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới khác để nhắc đến như nhà phân tâm học Sigmund Freud hay các thiên tài âm nhạc Mozart, Strauss, Beethoven…). Mùa hè, những quán cà phê còn kê bàn ghế ra ngoài đường – đúng kiểu cà phê al fresco châu Âu, nhưng với cái lạnh 2 độ C có lẽ không ai thích ngồi uống cà phê ngoài phố. Ở khu phố đi bộ Karntnerstrasse với những nghệ sĩ lang thang chơi guitar, violon và kèn trumpet, tôi bật cười khi bắt gặp một quán bar tên Loos (trong tiếng lóng của người Anh, loo có nghĩa là toilet). Sau tôi mới biết đây là một quán bar nổi tiếng được kiến trúc sư người Mỹ Adolf Loos, một trong những nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật mới (Art-Nouveau), vẽ kiểu vào năm 1980. Khu phố đi bộ Kohlamrkt – có nghĩa là chợ Than vì ở đây trước là nơi bán than (cách đặt tên khác nào phố Hàng Than của 36 phố phường Hà Nội) – chẳng hề đen đúa như tên gọi, ngược lại những con đường ở đây sạch sẽ và sang trọng hơn đâu hết! Ở cuối Kohlmart là quảng trường Michaelerplatz, nơi có tòa nhà Looshaus xây dựng vào năm 1911 cũng của KTS Adolf Loos, bây giờ là trụ sở ngân hàng. Cựu hoàng đế Áo Frank Joseph rất ghét tòa nhà này và gọi những cửa sổ ở đây là “cửa sổ không có lông mày” (vì những cửa sổ kiểu Loos không có những hình chạm khắc trang trí bên ngoài như những kiến trúc Vienna khác). Dân địa phương cũng không mấy ưa công trình kiến trúc mới Haas Haus do KTS Hans Hollein thiết kế, được khai trương năm 1990, còn sách du lịch Lonely Planet gọi đây là tòa nhà “hiện đại một cách không biết xấu hổ” (unashamedly modern), một phần cũng vì nó được xây đối diện nhà thớ Thánh Stephansdom (Stephansdom), một nơi có ý nghĩa với Vienna tương tự như tháp Effel ở Paris vậy. Phía đông Stephansdom là những con hẻm còn giữ lại dấu ấn nguyên thuỷ của thành phố, đặc biệt tòa nhà số 8 đường Raubensteingasse là nơi Mozart qua đời khi đang sáng tác bản Lễ cầu hồn (Requiem). Vienna là cái nôi âm nhạc cổ điển, xuất xứ của điệu Valse dìu dặt, và người dân ở đây rất tự hào với những dấu ấn âm nhạc như tòa nhà Opera nổi tiếng thế giới, bộ sưu tập nhạc cụ cổ, nhà hát lớn… Bên cạnh đó còn có những ngôi nhà nơi các thiên tài âm nhạc như Beethoven, Haydn, Mozart, Schubert… sống và sáng tác những bản nhạc bất hủ, trong đó không thể không nhắc tới Johan Strauss với khúc luân vũ bất tử An der schonen, blauen Donau, được biết đến ở Việt Nam với cái tên Dòng sông xanh. Tôi đến sông Danube (sông Donau theo tiếng địa phương) vào buổi trưa ngày cuối năm 2004. Gió thổi hắt từ nước sông lạnh buốt và con sông mùa đông không xanh màu da trời như trong bài hát. Sông Danube dài 2.840km uốn lượn qua nhiều nước châu Âu, nhưng với bản nhạc của Strauss, trong trí nhớ nhiều người đó là con sông xanh của thủ đô nước Áo mà thôi. Đêm cuối năm, chúng tôi đi dạo từ Spiegelgasse, khu phố yên tĩnh treo đầy đèn hình sao và bông tuyết về lại Stephansplatz. Hàng trăm ngàn người dân Vienna và khách du lịch chen chúc tại đây xem pháo hoa bắn lên nền trời những đường lượn rực rỡ mừng năm mới. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ phải lên chuyến bay đầu tiên từ Vienna từ Vienna về London vào sáng sớm ngày đầu năm 2005. Những hình ảnh pháo hoa vào lúc nửa đêm, những ngôi nhà cổ, thánh đường uy nghiêm, xe ngựa, sông Danube và những hoài cổ Habsurg sẽ còn theo tôi cho đến khi tôi quay lại nơi đây lần nữa. (°): Bây giờ đã thành “bạn trai cũ của tôi”