Cũng không có giáp, vì tôi có lật, viết giáp, ưa sửa, không khi nào bằng lòng câu mình viết ra, và phải viết bằng máy đánh chữ, sợ tốn sợ hao, cho nên câu nào đánh máy lỡ, tạm tạm ưng ưag, miễn nghe được hiểu được thì được rồi, tôi nào có ý định làm văn? Thú thật, giáp ở trong đầu. Đã sống một đời dài, nay thuật lại, thì chỉ cần có hồ sơ sắp đặt trước theo thứ tự, rồi ngồi vào máy gõ lóc cóc cho đỡ sầu, mặc cho nó tuôn... Cũng có lúc gò lại cho nó dễ nghe, thì khi ấy cũng cần có giáp, nhưng như đã nói, viết kẹt cánh gà, viết trên tiệm hút từ lúc nhỏ, nay giấy má còn, đẽo gọi sửa lại sơ sơ là được rồi. Vì vậy, tôi rất quý trọng hồ sơ xếp có ngăn nắp và rất sợ xét nhà. Xin cô bác thương tình. Có nhiều đoạn, lại là câu chuyện kể rồi trong Bách Khoa thời đại, Tin Sớm, Chọn lọc nó đã cũ xì, thì tôi o lại cho mới mới đôi chút, vậy thôi. Hơn nửa đời hư, thai nghén từ những năm thi rớt, những năm vợ bỏ, tôi lại hiểu lầm thi chưa đậu là tại văn mình kém, nên hoá ra chua chát. Âu cũng là một "thiên bạc mệnh", nếu có "não nhân" thì cũng là ngoài ý muốn.Kết luận nầy tạm, vì còn chờ đậy nắp quan, nó mới là thiệt thọ. Chừng ấy ai đọc điếu văn sẽ viết dùm.Có bạn, thương, hỏi tôi sao không viết luôn đến năm nay 1978?Xin thưa, một vì buồn chán, hai vì từ ngày hết nợ, thôi làm mọi nhà nước, tôi tưởng, hết lên voi xuống chó, ngày nào như ngày nấy, chờ cơm, đưa võng, viết ai mà hòng coi. Nên không viết và tốp nơi năm Mậu Thân 1968. Tốp năm 1968, tạm gọi “Hơn nửa đời hư" thì được. Viết nữa, “Hư trọn đời” hay sao? Đọc hết tập “Hơn nửa đời hư” nầy, các bạn sẽ thấy đời của tôi, bé mọn mặc dầu, cũng có lúc quay tít như con vụ ó. Ai từng chơi vụ ó, mới hiểu câu nầy, tôi muốn nói gì.Lựa cho mình được một nhánh duỗi khá trộng, cắt một khúc, đẽo con vụ ó. Phải gỗ duối mới được. Gỗ khác, nhẹ thì vụ mau nứt mau hư, gỗ nặng thì cứng khó làm, vụ quay chậm, kêu nhỏ. Thân nó lớn bằng trái măng cụt. Phải dày công khoét một lỗ tròn nơi bông vụ, cỡ đầu ngón tay út, rồi lòn đồ nghề theo miệng lỗ, móc ruột cho khá khá, ruột bộng càng lớn chứa gió nhiều vụ kêu càng to Xong rồi tra dưới chưn vụ một khúc đinh sắt chột cỡ tám ly, đóng lút một đầu đinh vô con vụ, phải khéo tay lấy dùi sắt xoi lỗ trước rồi mới tra đinh vào thật vững chắc, coi chừng từ chút, đóng quá sâu phạm tới ruột thì công phu lỡ làng. Xong con vụ rồi để đó, lo đánh bằng tim đèn, một sợi dây dài cỡ một thước ngoài, dây nhợ cũng tạm được nhưng chơi không bền, sẵn dây sẵn vụ còn phái bọc quấn dây, ngoèo một đầu vào thân vụ rồi vấn dây chung quanh nó, không biết ngoèo thì dây vướng, vấn lỏng thì dây tuột, vấn quá chặt thì vụ vấp, trục trặc; học được thành nghề quấn vụ rồi còn học cách phóng con vụ cho thật mạnh, thật đều tay gần y như thợ chải thả lưới, đâu đó thuần thục rồi tay mặt nấm một đầu dây, dang không cánh tay vụt một cái thật khoan thai, con vụ bỗng nhiên tuôn tròn thoát khỏi sợi dây, nhảy xuống đất quay tít mù. Khi ấy hơi gió lọt vào lỗ gây ra một luồng không khí mạnh, phát ra một tiếng "O" đổi lần nghe “Ó”, rồi vụ đứng một chỗ cứ tuần tự kêu "O! O" thật là khoái nhĩ! Biết đánh thì vụ kêu ngon lành, không biết đánh, thì vụ văng vào ống nhổ thì bị đòn to. Gặp cục sạn thì vụ mất thăng bằng, gặp lỗ sâu thì sụp, gặp chỗ lồi thì đảo, phải sân gạch thật sạch, thật láng bóng như nền nhà cũ của Ba tôi thuở trước, thì vụ mới quay êm và phát ra tiếng "Ó" êm ái, đến khó tánh như Ba tôi cũng phải chịu.Ôi! Biết đời nào mới trả lại thú chơi vụ ó! Và tôi đã tiêu đầu lạc ngạch, cháy đầu bể trán, vì số tôi là số con vụ ó!Không cho tôi làm vụ ó thì có lẽ kiếp trước của tôi là kiếp trâu. Con trâu về già không cày nổi nữa, gọi trâu lao canh, chủ cho ra rìa, không đưa ra lò sát sanh, đã là tốt phước Trâu vô tích sự, đứng trên bờ mẫu ăn cỏ xanh lại còn ăn lén lúa vàng, bỗng bầy chuột tai hại xoi ngạch khoét lỗ, bờ mẫu Diệm đổ, trâu đứng ngu ngơ, tiếc không còn gì để cụng để mài sừng."Trong bụng lem nhem ba lá sách,Ngoài cằm lém đem một chòm râu.Thơ là thơ cổ tả con trâu, nhưng giá thử ngày sau tạc bìa để mộ chí cho lão Vương già, lão nằm dưới đó, cũng không cằn nhằn, vì đúng là chân dung lão.Bốn vách hư, gọi tứ đổ tường, tôi đều có va đầu vào, nhưng may sao chưa bể;Tửu, nay không còn whisky chánh hiệu ăng-lê nên không uống nữa. Cũng như không tìm đâu ra chuốt số 79, nên bỏ thú ngậm điếu cối. Chớ trước kia, vốn là con sâu rượu, nhưng uống đủ hai công-xom-ma-ti-ông, thì ngừng; tuy chừa thuốc hút, nhưng để dành ống điếu làm sưu tập phẩm.Sắc, đã bị họ cạo đầu khô không biết mấy lần, chỉ được một cái là từ ngày biết, xét mình vô tài cán, tự rút lui không cho cạo nữa. Tài cũng đánh chơi ít ván, khi nào ngộ trận có mỹ nhân. Thín cẩu biết thua; bài con chim, biết chung tiền. Qua môn tứ sắc, họ mời cũng chịu miệng vậy, ba tay hội đủ còn chờ mình, nhưng năm đồng một lên, là năm đồng xu chớ không phải năm đồng bạc (năm 1960, đã là lớn), các cô chê đánh như vậy đau lưng, nên đãi cháo gà rồi tha cho về.Khí, là khai đăng, nằm nói chuyện với chị Phù Dung. Nói oan cho chị, tôi làm nhân tình với chị đã nhiều năm, nhưng vì trót hứa cùng Ba tôi, mà không giữ vẹn lời hứa, như vậy mới hư, tôi kéo hai điếu là chạy tét, chị làm sao bất tôi ghiền được. Năm khi mười hoạ, vài tháng sau, tôi lại kéo hai điếu nữa. Nhân tình như tôi không khăng khít cũng không lơ là. Như vậy mà bền. Bây giờ tôi còn giữ tật tắm sớm và tắm khi đi chơi đêm về. Đó là để phi tang tôi đã nằm với chị. Tôi có câu nầy làm căn bản;"Nhớ ai như nhớ ả phiên,Thuốc ngon hai điếu, muốn ghiền còn lâu'.Chị làm sao bắt tôi được!Trong đời của tôi, hễ cái gì tạm bợ thì được, thì bền; đi thi để kiếm cơm độ nhựt thì được, làm quản thủ "lại' ăn lương công nhựt thì bền; ngót mười bảy năm ở viện bảo tàng chớ phải chơi, từ 1947 đến 1964. Thi lên ngạch cao, có đồng lương khá, thì bảy lần rớt đủ bảy; không học được thi phép đức thánh Trần. Cưới vợ làm hôn thú, thất công linh, tốn tiền cha mẹ không ít, hao nước mắt thầm không kể. Chín tháng ly dị người đầu. Mười chín năm cùng người nhì đồng hè xin ly dị. Giận quyết trả thù hết thảy đàn bà. Đụng người thứ ba, không lập hôn thú nữa. Hai người kia làm khổ cho mình mà mình chớ hề dám động, nay họ vẫn sống phê phê trong nhung lụa. Người thứ ba, đã khóc với mình bao nhiêu nước mắt. Tại mình muốn làm đau làm khổ trở lại cho đàn bà phen nầy phải chịu; có vay có trả. Xét ra, không nên nói chuyện trả thù với đàn bà, không lý tiểu tâm như họ. Năm ôi, anh là con chim bị đạn, không muốn nhập bầy. Em cũng nên xét mà bỏ qua cho anh. Đừng làm khổ nhau nữa, hãy quên đi cho nó bớt. Đời của tôi, cái gì cũng cũ xì, vá víu, tạm bợ; chằm có, vá có, khíu cũng có: nhà, mua xác nhà cũ, sửa chữa lại, ở đến nay, ấy là chằm. Vợ thì chắp nối, mà ăn đời ở kiếp, ai ai cũng biết. Vá víu đó chớ gì? Còn về sách và đồ cổ, gẫm lại hoá tức cười; khíu bìa sách, vá đĩa xưa. Một khi nói, phải cho tôi nói hết. Đồ cổ xem lại, hết sức chung tình với tôi. Gặp cái nào biết là giả, tôi có quyền đập bỏ. Một lần đập một lần học khôn. Mua tháng nầy một cái đĩa mồ côi. Vài ba tháng sau, năm khi mười hoạ, gặp mua cái chén lẻ bộ, lần hồi bỗng hoá ra đủ bộ; dầm, bàn, tông, tột. Dầm; đĩa nhỏ; bàn; đĩa lớn; tống; chén lớn để dầm trà, lốt hay quân; chén để uống là, duyên may không hẹn, nghệ thuật chơi đồ cổ là nghệ thuật vá víu, đó anh Lộc Đình. Chầy ngày chầy tháng đồ cổ đồ xưa tụ tập đầy nhà. Từ một nhà lương thiện, sợ ở tù như đàn bà sợ mắc thằng Bố, bỗng hoá ra nhà oa trứ số dách, từ Nam chí Bắc ai cũng biết danh. Cũng may, cho đến nay, không ai làm khó dễ. Thật tình mà nói, vật cổ lâu năm, làm sao có hoá đơn. Có nhiều món, xưa từ đời ông Nhạc ỉa cứt su, hỏi giấy tờ là kiếm chuyện. Cho đến nay, đồ cổ vẫn xem là vật lưu động, như tờ giấy bạc không khác. Trừ phi bạc cấp của gian, chớ thuở nay có lệ đồ cổ về tay ai thì người ấy làm chủ. Pháp có câu "Possession vaut titre" (Vật về ai, nấy làm chủ) - đến lượt sách, chuyến nầy tôi giận thiệt. Những cuốn nào ưng bụng, toàn là sách sưu tập đắt tiền, cưng như cưng trứng, hứng nhượng hoa, đùng một cái, sách bị liệt vào loại giữ trong nhà có tội. Thôi thì gạt nước mắt, ký cô thác tử, còn có nước đem gởi nó cho người ta cất giữ, mấy lúc canh khuya nhớ sách muốn có để đọc chơi vài trang, thì sách nó ở xa mấy cây số ngàn, cầm bằng "liều con như trong tháng đứt nôi”. Còn lại mấy cuốn hợp lệ cho phép để “trong nhà", xem đi xem lại, đó là sách toán, sách dạy nấu ăn, thôi thì hãy theo Chệc ve chai, ở đây chi chướng mắt. Còn lại những cuốn kia: ôm về từ Paris từ năm 1963; cắp ca cắp cùm giấu kỹ. Toàn là sách in ở Hà Nội, xuất bản do nhà Khoa học, Sử học, Văn hoá ngoài ấy. Xưa chúng là quý, là hiếm có, là quốc cấm. Giữ được mới là tài. Nay chúng bây thuộc loại hợp lệ, ai ai cũng có, tao giữ bây làm chi? Một ngày nào túng tiền, tao sẽ gả chúng bây cho Chệc ve chai, rồi tao sẽ khóc, vì không có sách làm sao tao sống? Đã nói, tao là thằng không làm hôn thú với người vợ chung tình, và từ lúc nếm nhiều tân khổ, tao ghét những gì hợp lệ.Để tạm kết luận, số của tôi là số, vợ không hôn thú, sách trữ là sách gian mua từ chợ trời, và đồ cổ đồ xưa của tôi chơi là đồ oa trữ giậu. Và tôi chỉ biết làm tội cho cha mẹ. Bây giờ nhớ lại hồi tâm thương ông nhạc gia ở Lịch Trà. Tội nghiệp vì ông làm hương hào có phận sự rao án toà và án ly dị với vợ đầu tiên, có khi nào cha rao án con bị người ta xé hôn thú mà cha vui lòng. Con đã làm khổ, một ngày cũng nghĩa, xin Ba thứ lỗi, ngày nay Ba đã mất, con chỉ xin lỗi nới mấy trang nầy.Câu văn của tôi cũng vá víu, nhưng mình khái tệ mình không hay, tôi xin nhường độc giả phê phán lấy. Cặp trạng bài cổ thi con trâu", tôi mượn để tả chân dung của tôi cũng như hai câu thơ cổ nầy, nói về cây vông tôi cũng mượn nốt để hỏi lấy tôi;Uổng sanh trong thế mấy thu đông,Cao lớn làm chi vông hỡi vông"Ấy tâm sự và sở trường của tôi: tôi cũng không giấu. Tôi là thằng giỏi mượn.Nếu hỏi về thuật trường sinh, tại sao sống dai, thì đây là mấy câu góp sách cũ, đã in trong tập "Chuyện cười cổ nhân", chương 19, nay chép lại;Chuyện Ký Viên dạy rằng; có ba ông cố lão gặp nhau truyền rằng;- Ông thứ nhất "Thật nội cơ thô xú" (trong nhà vợ thô xấu);- Ông thứ hai "Vãn phạn giảm sổ khẩu" (cơm chiều bới và miếng);- Ông thứ ba "Dạ ngoã bất phúc thú" (đêm nằm không úp đầu). Ông Ký Viên nối ba câu lại mà rằng: "Chỉ tai tam tẩu ngôn, Sở dĩ thọ trường cứu". (Ý chỉ thay lời ba già, chỗ do sống lâu xa).Chính tại người đời nay chụp giựt và đọc quá mau, chớ đọc kỹ sẽ thấy muốn hưởng tuổi xa, chỉ cần tiết ẩm thực, diệt sắc dục, là hai lời khuyên nầy rất hợp với lời Tiền Kiên ca rằng;"Thượng sĩ dị phòng" (Ké thượng sĩ riêng phòng"Trung sĩ dị bị" (Ké trung sĩ riêng mền)"Phục dược bách loã" (Uống thuốc trăm viên)"Bất như độc ngoạ” (Chẳng bằng nằm riêng).Tối nằm không úp mặt, và tối nằm riêng phòng, bí quyết trường sinh là đó.Tôi có một tật lớn là muốn việc gì thì muốn lấy được, tỉ dụ như thi huyện, một vài lần rớt thì thôi, nhưng tôi lại cố thi mãi và muốn đậu rồi sẽ bỏ. Ngờ đâu số tiền định, phải cho tôi tin có số mạng, nếu tôi thi đỗ thì ngày nay rất khác, tôi đâu có được như vầy, nhưng lúc đó tôi đang trong giấc mê đồ, trong ý muốn đậu cho vợ mình không chê, chỉ có vậy thôi, mà mất biết bao nhiêu năm. Ở các chương trên, tôi còn nhắc lại tích Diệp Sinh trong Liêu trai (bản dịch Nguyễn Khắc Hiếu, Tân Dân Hà Nội xuất bản, trang 62). Diệp Sinh, nửa đời luân lạc, thi mãi không đậu, sau vâng lời một ông quan đỡ đầu, theo ông nầy về dinh, kềm dạy cho con ông ấy thi đậu và thành tài, khi ấy Diệp Sinh cũng đậu cùng một khoa với học trò mình, và nhơn đi phó nhậm, con ông quan đưa Diệp Sinh trở về cố trang thì vợ Diệp Sinh khóc lạy rằng vì nghèo nên quan cữu của chồng chưa chôn, nay xin hồn ma đừng về khuấy phá. Nghe đến đó bỗng thấy Diệp Sinh sụm xuống, chỉ còn áo mão một đống còn người đâu không thấy. Bây giờ mới rõ lại, lúc ông quan sai người mời Diệp Sinh theo về kinh thì Diệp Sinh đang đau nặng, và chỉ cái hồn xuất ra theo người mới, còn cái xác trơ bỏ lại cho vợ gói ghém tẩn liệm. Cho hay cái tinh anh của một người bất đắc chí nó mạnh dường thế. Không phải tôi ham chi chức huyện, vợ tôi sẵn tiền, tôi lại ghét làm lớn, phải chiều ý quan thầy làm nhiều điều dở, nhưng chuyện Diệp Sinh, tôi lúc ấy tin như có thật, và tưởng chừng mình là Diệp Sinh tái sanh.Quả tôi là một thằng hư, mải than trời trách đất, và không biết an phận tuỳ duyên cũng không biết tuỳ thời. Tôi là thằng không biết điều. Đích thị là thằng hư.Xin hỏi trong mấy chục anh thi đậu năm xưa, nay có anh nào được như mình chăng? Sức bực một ông lên như diều, làm tới phó Tổng thống, mà nay sự nghiệp để lại còn gì? Chẳng những hư, tôi quả là đui.Nhưng sự đời nói không hết, hãy chờ hối sau phân giải.Nực cười, khi bé, ước mong đủ chuyện, thì có câu "vãn lộ tao phùng".Lên lão, thì có câu "Sấu địa sanh hoa vãn"Số tôi có chữ "sấu" và có chữ "vãn", cũng là của trời cho.Ồ, toàn là câu sáo, nhớ giỏi, ghép lại thành câu và làm tàng.Dạ, đúng là đời tôi vậy.Vân Đường phủ, ngày Ngọ tháng Ngọ năm Ngọ 20 tháng 5 âm lịch (25-6-1978).Vương Hồng Sển (77 tuổi).(Xem lại tháng 5 năm 1992).