38.Lục tài tử Cam Ranh

    
iới văn nghệ giang hồ gọi họ là: “Lục tài tử Cam Ranh”. Trong sáu người thì có bốn cô gái trẻ và hai chàng trung niên thi sĩ. Bút danh của họ cũng giản dị: Trần Anh, Vĩnh Phúc, Lam Hạnh, Thúy Liên, Thanh Tuyền và Mai Trâm.
Người tôi gặp đầu tiên là Vĩnh Phúc. Thực ra tôi đã gặp anh một lần ở Sàigòn trong một quán cà phê vỉa hè. Lúc ấy anh ít nói, có vẻ giấu mình. Tôi chỉ biết Vĩnh Phúc là một nhà thơ gốc Huế và sinh sống tại Cam Ranh. Hôm nay anh “bụi đời” hơn. Anh đi bộ giữa trưa nắng, tóc dài phất phơ, phong trần. Anh dẫn tôi vào “cửa hàng” của anh, một căn nhà nhỏ, một máy photocopy, hai máy vi tính, một đàn keyboard và một cây guitar cổ điển.
Những người khách đến để sao chụp giấy tờ, để nhờ nhập liệu các hợp đồng, các văn bản… chắc không ai biết anh là nhà thơ, là nhạc sĩ. Và đó không là những danh xưng sáo rỗng, những tên gọi mang tính hiếu hỉ.
Buổi chiều hai anh em chơi đàn với nhau trong khi chờ Lam Hạnh. Anh chơi keyboard còn tôi ôm cây guitar. Chúng tôi chơi nhạc Phạm Duy, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, Văn Phụng, Văn Cao… vài bản nhạc Nga và một ít cổ điển. Vĩnh Phúc sử dụng keyboard như một cây piano, anh đệm đàn đầy ngẫu hứng. Tôi chơi solo. Hai anh em đuổi bắt nhau.
Rồi Lam Hạnh đến. Chào anh. Giống hệt con gái tôi. Hai mươi lăm tuổi, mới học hết cấp ba, mà sao sử dụng ngôn ngữ thi ca tài tình đến vậy? Một khuôn mặt tròn dễ lẫn lộn với bất cứ cô gái Cam Ranh nào khác, sao có thể là tác giả của những bài thơ dữ dội mà chúng ta vẫn thường gặp trên website DA MÀU?
TRÊN NHỮNG Ô CỬA PHÂN MẢNH
Tôi thấy tôi trong bóng con ngựa chứng tóc xù mang tên Ly
Nhà bỏ, đi hoang
Phi vào cái quầng sáng chớp lóa vàng tím
Xập xình vũ trường đêm saxo man dại
Lưng trần đẫm mồ hôi, chân hồng bít tất
Ngầy ngật hoang tưởng trong khói cần sa
Bầm môi nâu ly rum cay xé
Tôi thấy tôi trong hình cô sinh viên tình mất
Thả mình bóng tối ngày thứ bảy
Từng trải đàn bà
Sáng mai ra ngực trần chào gã đàn ông đêm qua
Lạ lẫm, hỏi tên
Tôi thấy tôi tốc váy tóc gió loạn cuồng trên xa lộ
Mây rất xa mà tử thần thật gần, chầm chậm
Hoang mang mộ huyệt
Và nghi hoặc đốt cháy tôi đỏ phỏng mặt trời
Tôi thấy tôi trên những ô cửa kính 8x
Phân mảnh.
Những bài thơ của cô gái trẻ này làm chúng ta ngạc nhiên vì mỗi dòng chữ là một con đường dẫn ta đến cảm xúc mới, bí ẩn, xa lạ và táo bạo.
-Tại sao vậy? Tôi hỏi.
-Đó là sự bùng nổ thầm lặng.
Nếu không đọc thơ của em, tôi không thể hiểu câu trả lời ấy.
°
Buổi tối chúng tôi ngồi nhậu với nhau trong một quán lá trên mặt ao lộng gió. Có thêm Trần Anh. Bỗng nhiên Mai Trâm đến. Tôi sẽ phải nói gì về em ngoài những dòng ngẫu hứng này?
MAI TRÂM
Em bước vào làm bóng tối hỗn loạn
Xô đẩy tan tác
Đêm rách nát sau tiếng nổ lớn của gót hài
Những ánh đèn tự chọc vào mắt mình
Đứt bóng
°
Trăng rớt xuống sân, vỡ như gương soi
Máu nguyệt động chảy đen trần gian
Em đến thay cho vầng trăng thanh bình
Lấp lánh mắt môi
Lấp lánh răng như tinh tú.
°
Mày vòng nguyệt
Nguyệt đen trên sao
Nguyệt dẫn dụ vào trong chiêm bao
Cúi mặt soi bóng sáng trên lông thỏ trắng
Ánh sáng run rẩy từ vầng trán
Mai Trâm
°
Mai Trâm một mâm ngọc trai
Nảy mầm hồn nhiên trong không gian tỳ bà
Một đêm cô đơn say, giang tẩm nguyệt
“Túy bất thành hoan thảm tương biệt” (°)
Tiếng cười hoang mang trên mặt thời gian
°
Em ném ta vào biển kinh ngạc
Vì thấy sao đầy trên sóng say khước
Vì thấy mắt đầy giữa đêm lạc đường
Xiêu đổ trong gió vô ảnh.
(thơ Đào Hiếu tặng MT)
Trưa hôm sau uống cà phê với Thúy Liên cùng Lam Hạnh và Vĩnh Phúc. Sân vườn. Nhạc không lời. Tán lá và bóng nằng. Thật vui vì hai người đàn ông và hai cô gái trẻ không nói chuyện thi ca mà chỉ nói về những chòm lông. Cười ngặt nghẽo. Chỉ có Lam Hạnh là im lặng. Tôi hỏi:
-Sao hiền khô vậy?
-Em không hiền đâu. Em dữ lắm đó.
Thúy Liên ngửa mặt cười:
-Lam Hạnh là xử nữ.
-Sao thơ của em dữ dội quá vậy?
Lam Hạnh đáng yêu như con gái tôi. Nhưng tâm hồn Lam Hạnh đáng nể như “sư phụ” tôi. Hôm qua tôi thức rất khuya để viết mấy dòng về cô bé đất Cam Ranh này:
LAM HẠNH
Cát biển ngủ trong nhiều ngàn năm
Không nghe tiếng sóng
Không nghe gió trườn qua núi đá
Ném lời thề tuyệt vọng ngoài khơi xa
°
Bị sóng cưỡng hiếp triền miên, cát ngất xỉu
Gió hú gọi suốt đêm không tỉnh lại
Nắng liếm láp trên những hạt ù lì
Chai cứng trầm tích vĩnh cửu
Cát chết bị phơi trong tàn phế mặt đất
°
Trong cổ tích có cô bé 25 tuổi
Bước rụt rè một sáng sớm mộng mị
Bị dẫn dụ bởi giấc mơ khùng đêm qua
Thăm dò cát bằng bàn chân lạnh của mình
Đánh thức cát bằng giới tính nữ
Đánh thức cát bằng hớ hênh
°
Cát ngoe nguẩy
Lốm đốm mọc những mầm đá sắc nhọn
Nhú lên nhanh những xúc tu hoang đường
Tràn lan trên mặt đất nức nở
Cát bừng tỉnh hoan lạc vô độ
Hút hết nước của biển, hút hết gió của núi
°
Cô gái đi một mình trong bình minh
Cát uốn lượn, ngoan và hùng mạnh
Cát rùng mình khi bàn chân em chạm
Quằn quại thở gấp và rên rỉ
Cát mềm như nhũ hoa đầy sữa mặn chát
Kêu lên khúc prélude biến ảo
Những ngón chân hồn nhiên kích thích sa thạch
Cát chết một tỉ năm còn biết hổn hển
Còn biết tiết dịch bàng hoàng đầm đìa mặt biển
Tràn ngập sữa tươi Lam Hạnh
Không đường
°
Cá chết trong biển kỳ lạ
Cá sợ hãi màu trắng, mọc cánh bay lên trời
Loài người khát, lao xuống biển
Ngụp lặn trong ảo giác trắng
Đầy tinh dầu hoa sữa
(thơ Đào Hiếu tặng LH)
Tôi không có bài thơ nào tặng Thúy Liên vì cô nương ấy đã có chồng rồi (sợ bị đánh ghen chạy trối chết!). Nhưng thơ Thuý Liên thì đơn độc. Một tâm hồn đã chín, cảm xúc đã chín.
Em đắp bóng tối lên mình
mùa hạ khỏa thân
giấu mặt sau những ngọn tóc lơ lửng sáng
màu kêu vang
sắc kêu vang
bí ẩn anh kiếm tìm mê mệt
xé toang những cửa hẹp hạnh phúc
°
Em choàng lên vòng cổ những thanh âm
tiếng đàn trăng chảy đi từng giọt
giọt giọt gầy
dán lên nỗi nhớ ngu ngơ thiếu nữ
phủ đầy mụ mị em
Thanh Tuyền có dáng vẻ của một dòng suối nhỏ róc rách.
Khi những tờ lịch cuối cùng thinh lặng rơi bên thềm cũ. Mùa đông bưng mặt khóc ngất cố níu giữ vào đâu đó. Sùi sụt những cơn giông xám xịt ẩn ức bóng tối. Những bán mua thương lượng rẽ vào ngõ hẹp. Đợi chờ ngầy ngật những cơn say. Những người tình cõng trên lưng kỷ niệm nát nhàu. Thả đáy vực mơ hồ nghi hoặc
Vĩnh Phúc nói:
-Thanh Tuyền sắp đến.
Lúc ấy Phúc và Lam Hạnh đang ngồi trước computer. Hai người phải làm cái công việc thường ngày của một lao động bình thường vì sinh kế. Đó là điều đáng tiếc. Tại sao những người có tài như họ lại không được dành cho những công việc thích hợp hơn? Tôi ngồi sau lưng hai người. Tôi không nói chuyện vì họ đang tập trung vào công việc. Nhưng tôi chơi đàn. Tôi muốn bạn tôi làm việc trên nền nhạc nhẹ. Tôi muốn tiếp sức cho bạn, phục vụ cho bạn. Tôi muốn làm một điều gì đó cho bạn.
Tôi chơi nhạc nhẹ. Giải tỏa stress. Giải tỏa những bề bộn cuộc sống. Một đôi lúc Lam Hạnh ngừng tay hát theo tiếng đàn.
Rồi Thanh Tuyền đến. Xinh xắn, khép nép. Thanh Tuyền là cô giáo dạy nhạc. Tôi hỏi:
-Em chơi nhạc cụ gì vậy?
-Em chơi keyboard.
Nhưng không phải lúc. Tôi cất đàn. Bảy giờ, chúng tôi ra quán lẩu dê. Trần Anh đến. Trong lục tài tử Cam Ranh ông là cây cổ thụ. Tóc dài, muối tiêu, phong thái kiêu bạc. Thơ ông cũng kiêu bạc. Ông là thầy dạy tiếng Anh nhưng lại làm việc cho một công ty hải sản. Tửu nhập ngôn xuất. Nhưng hôm nay ông ít nói dù ông cụng ly với tôi hết nửa lít “ngọc dương tửu”.
Vĩnh Phúc uống rượu ít nhưng mê gái hơi nhiều. Nghe điện thoại réo liên tục, mới biết anh thuộc hàng cao thủ. Thật dễ hiểu. Anh đã cho tôi nghe cả mấy album ca khúc của anh. Có những bài thật rúng động. Độc thân, chơi keyboard và guitar đều giỏi. Đó là “cảnh giới” nhiều người mơ ước.
Cần gì giàu sang. Vì thi ca và âm nhạc là của cải trời cho. Anh có quá nhiều. Nếu hào sảng thì chia cho anh em một ít, để dành xài.
Sàigòn, ngày 16.01.2009
_(°)Tỳ bà hành – Bạch Cư Dị

Truyện TẠP VĂN tuyển tập 1.Nữ giới quyến rũ vì đâu? 2.Kẻ địch trong nhà bếp 3.Phá rừng và trồng rừng 4.Những kiểu ăn xin trên thế giới 5.Người đàn bà trên đồi cỏ 6.Mặc áo cho hoa 7.Quyến rũ bằng hương thơm 8.Phiếm luận về GIÀY 9.Màu sắc của thời trang 10.Những biến tấu của chiếc áo dài 11.Ðàn ông làm điệu 12.Biện hộ cho vòng số Bốn 13.Bạn có dám tỏ tình như thế không? 14.Hạnh phúc trong một chiếc lá 15.Sợ vợ 16.Nỗi khổ của người hai vợ 17.Huyền thoại về người chồng bản lãnh 18.Hỏi thế gian: tình là vật gì? 19.Vinh quang của người sợ vợ 20.Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây lấy vợ Nhật 21.Gài độ nhậu 22.Hứa lèo 23.Tôi đi chợ 24.Xâu chìa khóa 25.Cặp song tấu ghi-ta huyền thoại 26.Chuyện phiếm về con trâu 27.Cuộc vượt biên ngắn ngủi 28.Lang thang trong mùa đông 29.Bùi Giáng 30.Văn Cao 31.Nguyễn Thúy Hằng từ miền đất xa lạ 32.Con gái của rừng 33.Chuyện nhảm nhí 34.Ngôn ngữ trong văn học và nghệ thuật 35.Chiều thứ tư của ngôn ngữ 36.Phim Mỹ đủ thứ chuyện 37.Ðông và Tây 38.Lục tài tử Cam Ranh 39.Trung Quốc đỏ và đen 21.Gài độ nhậu 22.Hứa lèo 23.Tôi đi chợ 24.Xâu chìa khóa 25.Cặp song tấu ghi-ta huyền thoại 26.Chuyện phiếm về con trâu 27.Cuộc vượt biên ngắn ngủi 28.Lang thang trong mùa đông 29.Bùi Giáng 30.Văn Cao 31.Nguyễn Thúy Hằng từ miền đất xa lạ 32.Con gái của rừng 33.Chuyện nhảm nhí 34.Ngôn ngữ trong văn học và nghệ thuật 35.Chiều thứ tư của ngôn ngữ 36.Phim Mỹ đủ thứ chuyện 37.Ðông và Tây 38.Lục tài tử Cam Ranh 39.Trung Quốc đỏ và đen 40.Dư âm của hoài niệm rời 41.Cưỡi ngựa xem Hoa…Kỳ 42. ĐÀO HIẾU quê một cục Tự trào 44.Những BỘNG HỒNG MUỘN Thay lời bạt