Ông không sao ngủ được, cũng không dám uống thuốc ngủ, vì tình hình bây giờ rất căng thẳng, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra những tình huống phức tạp. Cứ thế, ông ngồi xoay mình luôn trên chiếc ghế đi-văng trong phòng làm việc cho đến rạng sáng. Bốn giờ, ông đứng dậy, bước ra phố. Xung quanh thật yên tĩnh. Ông chợt nhớ đến Xla-vin, nhớ đến cuộc nói chuyện giữa hai người về sự yên tĩnh. Hiện giờ Xlavin đang ngồi trong tù - cũng là một sự yên tĩnh! Còn ông thì đang bước dạo trên thành phố thân yêu của mình - một thành phố ông yêu đến đau trong lồng ngực - mà không thể làm được gì để cứu bạn ra khỏi tù. Bọn CIA sẽ không đi tới "cầu" vì chúng không thấy dấu hiệu báo trước trên địa điểm "Trẻ con" bí ẩn kia. "Trẻ con" là gì nhỉ? Nó ở đâu? Côn-xtan-ti-nốp đi theo phố Lu-bi-an-ca tới đường vòng. Ánh cầu vồng phản chiếu trên làn nước ôtô vừa tưới lên mặt đường nhựa. Cảm thấy những giọt nước li ti đang bám trên mặt, ông bước từ lề phố xuống đường, rồi nhắm mắt lại. Một chiếc xe tưới nước nữa đang lại gần, Côn-xtan-ti-nốp khẽ rùng mình, thu người - những sợi nước nhỏ, mát lạnh bắn vào người ông như khi tắm vòi hương sen. - Đồng chí! - Có người nào đấy gọi ông. Côn-xtan-ti-nốp mở mắt. Bên kia đường, một chiếc "Vôn-ga" cảnh sát đang đỗ. Một anh Trung Uý ló ra khỏi xe, lau mặt bằng chiếc khăn mui-soa rộng rồi lắc đầu, nói: - Đồng chí không được đứng giữa phố như thế. Lại còn nhắm mắt nữa... Cứ như là trẻ con không bằng! Trẻ con thì còn có thể tha thứ được, vì chúng chưa biết đọc dấu hiệu đi đường, còn đồng chí? Côn-xtan-ti- nốp vội bước lên hè phố: - Xin lỗi các đồng chí. - Ô-tô mà chẹt phải thì ai có lỗi? Côn-xtan-ti-nốp nhắc lại: - Xin lỗi... Và đúng lúc này ông nhận thấy một dấu hiệu đi đường đính trên cột điện: một cậu bé và một cô bé dắt tay nhau chạy qua phố "Trẻ con" - Côn-xtan-ti-nốp nghĩ bụng - dấu hiệu này gọi là "Trẻ con"? Nhưng ở đâu? Côn-xtan-ti-nốp trở về cơ quan, gọi xe đi suốt ba tuyến đường nơi Ôn-ga đã chỉ cho ông xem những chỗ Đu-bốp thường dừng lại. Ông nhẩm đếm, đúng tấm bảng dấu có chữ "Trẻ con". Biết lấy sáp bôi màu bôi vạch lên cột nào bây giờ! mà ngang hay dọc? - Quay lại! Nhanh nhanh lên! - Côn-xtan-ti-nốp nói với người tài xế rồi nhấc ống nghe máy điện thoại, quay số gọi Cô-nô-va-lốp. Qua giọng nói, ông biết Cô-nô-va-lốp cũng không ngủ - Cần phải lấy ngay từ kho lưu trữ những tấm ảnh do Đại uý Grê-sa-ép chụp. Cô-lô-va-nốp khẽ ho, vẻ ngạc nhiên, chắc không hiểu Côn-xtan-ti-nốp muốn nói gì - Anh có nhớ hai năm trước anh trách Grê-sa-ép quá cẩn thận, ngờ vực hay không? - Thì sau đó tôi vẫn tiếp tục trách anh ta về điều đó - Cô-nô-va-lốp đáp- về cả việc anh ta quá tốt bụng nữa. Xin đồng chí cho biết cụ thể đồng chí muốn nói gì ạ? - Lúc ấy anh ta dò theo dấu Gra-gơ và Uyn-xơn... vì họ chụp nhiều ảnh lắm. Họ là khách đi ngang qua Mat-xcơ-va, từ Tô-ki-ô. Cả hai đều là nhân viên của phòng kế hoạch chiến lược CIA, không lẽ đã quên rồi à? ... Khi quay lại, Côn-xtan-ti-nốp thấy những tấm ảnh ông cần trên bàn. Ông bày chúng lên mặt chiếc bàn rộng dùng để họp thành từng hàng đều đặn rồi ông bắt đầu, một cách chậm chạp, thận trọng như một tay chơi bài tú-lơ-khơ, nhẩm đọc các tên: Hồng trường, Trường đại học tổng hợp, khách sạn "Nước Nga", GUM, quảng trường "Ma-gie-nơ" Sau đó ông lại cho vào cặp cả hai mươi chiếc ảnh rồi nhìn Cô-nô-va-lốp, hỏi: - Grê-sa-ép là một anh chàng thật giỏi, đúng thế không? Anh ta đã chụp lại - đúng như nguyên bản - tất cả hồ sơ, kế hoạch và các bức ảnh các vị khách kia có. Giỏi thật. Nghĩa là chúng đã chuẩn bị kế hoạch bí mật với Đu-bốp từ hai năm trước - nói rồi Côn-xtan-ti-nốp dí ngón tay vào những tấm ảnh khi chiếc cầu vượt qua sông Mát-xcơ-va, khi thì những toà tháp cổ trông rất rõ nét với hình một đồng chí công an đứng cạnh, người được chú thích là "thường ra về vào lúc 20.30". Có bức ảnh chụp tượng đài ở vườn hoa Thắng Lợi mà Đu-bốp trước đấy vẫn thường đến, đúng nơi xe của Lun-xơ đã chạy qua. Và cuối cùng là bức ảnh với tấm biển chỉ đường được phóng to, in hai chữ "Trẻ con" và hình hai đứa bé dắt tay nhau, chạy. Côn-xtan-ti-nốp lật tấm ảnh và nhẩm đọc: - Phố Crúp-xkai-a, chỗ rẽ, bên cạnh biển chỉ đường. À, đây là địa điểm "Trẻ con" của chúng đây: chọn khá lắm - chính phố Crúp-xkai-a dẫn đến toà đại dứ Mỹ ở đại lộ Lê-nin. Ông với tay nhấc ống nói, quay số gọi Prô-xcu-rin: - Anh có muốn đi dạo với tôi một chốc bằng ô-tô không? °