- 3 -
Những ánh lửa đốt đồng

    
háng 9 năm 1967 tôi rời Huế vào Sài Gòn, hoạt động trong phong trào sinh viên Khu Sài Gòn-Gia Định. Và căn cứ địa cách mạng đầu tiên tôi đến là Cần Giuộc.
Cần Giuộc đón người đồng chí nhỏ của mình bằng gió tràn trề tuôn chảy từ mặt đất, lướt nhanh trên sóng lúa, xô giạt về phía chân trời bất tận.
Cần Giuộc khác với đồng quê miền Trung vì nó đầy chân trời. Và đầy gió. Một thế giới không có núi, không có rừng, không có biển, nhưng vây quanh tôi là sa mạc lúa xanh và cỏ.
Tôi thì đứng lặng mà gió thì cứ trào lên từ những lỗ chân lông của đất, từ những gốc rạ, những kẻ nứt ẩn giấu bên dưới lá cỏ thấp.
Buổi chiều đó tôi thấy như mình đang trở về quê nhà dù trạm đầu tiên của vùng căn cứ này chỉ là một túp lều tranh xơ xác. Nhưng tôi đã đứng ngây dại bên khung cửa xiêu vẹo ấy nhìn gió lùa trên mái tranh mà rưng rưng nước mắt.
Tôi đã không có món quà nào cho Cần Giuộc nhưng Cần Giuộc đã trao cho tôi niềm xúc động thần thánh của một tình yêu cách mạng đầu đời.
Khi bóng tối trùm xuống túp lều nhỏ thì tôi mới bước vào trong ánh đèn dầu long lanh như một giọt nước đặt giữa tấm ván thô. Cùng ăn cơm với tôi là một người đàn bà gầy yếu trạc ngoài năm mươi. Bà nói:
-Ăn xong cậu nghỉ một lát, đến khuya sẽ có người dẫn đi.
Tôi ăn rau luộc và một chút cá kho mặn. Người đàn bà thì lặng lẽ, chậm chạp và nhẹ tênh.
-Lần sau vô cứ cậu đừng mang giày Ba-ta trắng. Người ta sẽ biết cậu là dân thành thị.
Người đàn bà bưng mâm ra sau nhà. Tôi muốn bước ra ngoài đêm lần nữa nhưng bà bảo tôi đi nghỉ.
Tôi nằm nghe gió. Vẫn rộn ràng như đàn chim thiên di. Vẫn như ngàn cánh nhỏ xao động quanh chiếc lều tranh rách nát. Cứ thế, gió rù rì suốt đêm như đàn trẻ nhỏ.
Tôi đã ngủ trong tiếng thì thầm bất tận ấy.
°
Tiếng gọi phát ra từ dưới hầm trú pháo.
Không biết dì Tư đi đâu mà không trả lời. Hầm trú sâu và rất kiên cố với mái hình chữ A làm bằng những thân cây to, đắp đất lên trên. Tôi nằm cách miệng hầm chừng bốn năm mét và hoàn toàn không ngờ lại có người dưới đó.
-Cô Tư ơi!
Không ai trả lời. Tôi ngồi dậy. Và cầm cái đèn dầu, lần mò xuống hầm.
Một người đàn ông mặc bà ba đen đang lần theo vách hầm tiến lại phía các bực cấp. Dường như ông đang bị thương khá nặng. Tôi ghé vai vào nách ông, dìu ông đi. Nhưng vì ông to con quá nên tôi loạng choạng. Chúng tôi bước từng bước lên những bực cấp bằng đất sét ẩm ướt và lên được mặt đất. Lúc ấy trăng khuya đã lên, mờ ảo như sương đục. Tôi phải rất khó khăn khi đỡ ông ngồi xuống cầu cá tra. Vết thương của ông ở hông bên trái.
-Cậu vô nhà đi.
Nhưng tôi không dám bỏ ông ngồi một mình trên cái nhà vệ sinh ọp ẹp đó. Tôi ngồi đối diện để giữ hai vai ông.
Dưới ánh trăng mờ đục, tôi nhận ra một khuôn mặt vuông vức, mày rậm, râu mọc tua tủa như Lý Quỳ ở Lương Sơn Bạc.
Gió đã lặng. Hình như những cánh đồng đang nằm im, đợi sương xuống.
Chúng tôi trở vô nhà nhưng dì Tư vẫn chưa về. Người đàn ông muốn nằm trên ván một lát.
Rồi dì Tư bước vô, bà nói:
-Không thấy giao liên ra, tui phải đi tìm. Đồng chí xuống trăng-sê đi.
Tôi cùng dì đỡ người thương binh xuống hầm.
Lát sau giao liên tới. Và dẫn tôi đi.
Đi được nửa tiếng, bỗng thấy lửa cháy rần rần trước mặt.
-Gì vậy?
-Đốt đồng.
Với tôi, đó không phải là một đám cháy mà là một bức tranh huy hoàng, giăng ngang chân trời. Trong đêm đen thầm lặng yên ngủ bỗng bừng lên một bình minh lạ thường, một bình minh của thế giới khác, rực rỡ, giàu có và lộng lẫy.
Lửa trải dài như một rừng hoa đỏ thắm, long lanh trong bóng tối dày đặc của đất đen, của những cây chồi đen và đường chân trời đen.
Đó là sự bừng tỉnh của đất, mới mẻ, hùng tráng như một thế lực tiềm ẩn ngàn đời đang phát tiết tinh hoa. Lửa bùng cháy ngây ngất và say đắm như thế giới mà cô Lọ Lem tìm đến lúc đêm khuya.
Tôi thảng thốt nhìn, ngạc nhiên vì vẻ đẹp của lửa trong đêm tối. Tôi đã từng bị mê hoặc bởi những bếp lửa nhỏ trong những buổi sáng lạnh lẽo mưa phùn ở miền Trung hay trên một đồi trà ở cao nguyên. Lửa ở đó thân mật như người bạn tình, như con thú nhỏ quấn quýt…nhưng không ở đâu lửa lại có vẻ đẹp hoang dã, sang trọng, mạnh mẽ, vừa lãng mạn, vừa dữ dội như lửa đốt đồng trong đêm hôm ấy.
Ngọn lửa đó vừa khai sinh một thế giới khác, một ý niệm không gian và thời gian khác, tách biệt hẳn cái không gian ba chiều quen thuộc và buồn tẻ mà ta đang sống. Đó là ngọn lửa thần bí của thiên đường mà suốt đời có lẽ tôi chỉ một lần được gặp.
Cần Giuộc đã đón tuổi thanh xuân tôi bằng gió và lửa cháy.
Đó là mối tình đầu rực rỡ.
°
Ngoài ra tôi không có mối tình nào khác. Tình yêu ơi! Sao mà phù phiếm và bạc bẽo vậy? Một lô đàn bà con gái từ trí thức cho đến biết đọc biết viết, từ nữ tu sĩ cho đến gái lầu xanh. Từ mười chín cho đến năm mươi ngoài. Những con số ấy không là gì cả. Chúng tồn tại bên ngoài tình yêu. Mà hình như cũng chẳng có tình yêu. Chẳng có Thúy Kiều hay Juliette, chẳng có sinh tử tương hứa.
Nhân vật của Kim Dung yêu đủ kiểu hay ho. Nhân vật trong tiểu thuyết của tôi yêu cũng rất liều mạng. Nhưng đời tôi thì không có mối tình nào cho ra hồn. Những quý cô, quý bà của tôi bây giờ đều có gia đình vì thế trong cuốn hồi ký này tôi không tiện nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng “nhá máy“ một chút, chớp tắt vài dòng, lập lòe vài giây gọi là khơi dậy chút hoài cảm như kiểu Đỗ Mục, sau mười năm, chợt tỉnh giấc mộng Dương Châu, thấy đời mình chẳng còn gì ngoài một tiếng bạc tình ở chốn lầu xanh.
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.
Về sau này tôi có quen một cô gái mười chín tuổi. Cô ta cho tôi tất cả nhưng cũng gần như là không cho gì. Mới bước qua tuổi vị thành niên, học vấn vừa xong bậc tiểu học, ngây thơ, nhí nhảnh. Đùa giỡn như con nít, vậy mà nói:
-Thà mình phụ người ta chớ đừng bao giờ để người ta phụ mình.
Tôi hỏi:
-Em có biết Tào Tháo là ai không?
-Là ai?
-Ông ta có câu nói rất nổi tiếng.
-Câu gì?
-Đó là câu mà em vừa nói.
-Nhưng đó là câu nói của em mà. Em suy nghĩ như vậy.
Dường như tất cả đàn bà con gái đều suy nghĩ như vậy. Còn tôi, trong tình yêu, tôi luôn nghĩ ngược lại nên khổ trọc đầu. Già rồi mà vẫn thất tình, vẫn dại gái. Nhưng thưa quý ông, đối với đàn bà con gái mà mình khôn quá thì chán lắm. Mất vui. Bị đàn bà họ lừa mới đã đời. Đáng kiếp. Thấm thía. Giống như ăn xoài thật chua chấm với muối ớt thật cay. Giống như ăn wasabi của Nhật Bổn. Buốt thấu não, nước mắt ràn rụa. Mà sướng.
Hồi còn trẻ tôi nghĩ tình yêu là tất cả nhưng bây giờ thì nó tụt hạng rồi. Bởi vì thực ra nó không có trên cõi đời. Tình yêu chỉ là những hoa văn của tình dục.
Dù có làm thơ, viết văn, vẽ tranh, sáng tác nhạc thì cũng chỉ là trang trí cho tình dục. Thất tình, bị lừa hay là phụ bạc cũng đều nằm trong phạm trù trang trí ấy. Giống như nêm gia vị. Cho thêm một chút cay một chút đắng, một chút chua chát…