Dịch giả: Sông Kiên &Lê thị Duyên
Chương 3
CROSSBOW

     hính phủ Anh phân tích ngay thành quả của cuộc tấn công. Kết luận của họ khá lạc quan, Thống chế Sir Charles Portal, Tham mưu trưởng Không quân đã ước lượng rằng: công việc đang thực hiện ở Peenemunde sẽ bị đình trệ ít nhất 6 tháng. Đó cũng là quan điểm của những vị chỉ huy Đồng Minh, cho mãi đến khi cuộc chiến tranh chấm dứt.
Ở Peenemunde, tướng Dornberger cũng có cuộc kiểm tra về phần ông. Dưới mắt của một người đầy kinh nghiệm như ông, cuộc tấn công bất thần này quả là một đòn rất nặng. Sau khi nhìn những con đường đầy gạch vụn, những dãy nhà cháy đen trống trải, những đống sườn nhà gãy ngổn ngang, ông ghi nhận: “ Cái chết ở đây tạo nên một sự thu hoạch phong phú”. Nhưng có điều công việc không đến nỗi bị chậm chễ tới 6 tháng, thoáng nhìn, ông phỏng chừng phải mất 6 tuần mới bắt kịp công việc. Von Braun cũng không mệnh hệ nào và chính ông đã bảo toàn được tất cả những đồ án trọng yếu. Một vài nơi quan trọng chưa hề bị hư hại như giản thử, máy thổi, phòng đo. Dornberger viêt: “ Trái với cảm nhận ban đầu, thật là lạ lùng, những tổn thất về vật chất rất nhẹ”.
Chỉ có khu cư xá của 4000 chuyên viên và gia đình thì hoàn toàn đổ nát, còn chăng là một đống gạch vụn mà thôi.
Tuy nhiên, không phải Dornberger đánh giá thấp cuộc không kích. Ông biết rằng còn nhiều liên lụy nữa: tuy người Anh không biết chính xác những việc làm ở Peenemunde, nhưng họ đã hiểu một cách đầy đủ để quyết định phá hủy căn cứ, nhưng một khi chưa đạt được mục tiêu của họ, thì họ còn trở lại oanh tạc nữa.
Vì vậy, Chính phủ đã quyết định không chế tạo hỏa tiễn ở Peenemunde nữa. Các xưởng ráp dây chuyền được di chuyển vào trong núi Harz ở miền Trung nước Đức. Máy thổi siêu thành thì dời về Kochel, trong rặng Alpes. Từ đó về sau, những cuộc phóng hỏa tiễn và cơ sở huấn luyện chuyên viên về hỏa pháo đều đặt ở miền Nam Ba Lan. Đó là vị trí nằm ngoài tầm hoạt động của Phóng pháo cơ địch. Một vài cuộc trắc nghiệm cần thiết sẽ được tiến hành ở Peenemunde. Văn phòng nghiên cứu cũng còn điều hành ở đây. Chỉ có khu gia cư là bỏ hoang luôn, các chuyên viên thì ở rải rác khắp đảo Usedom. Người ta chỉ sửa chữa lại những dãy nhà cần thiết, và những hoạt động chỉ được thực hiện vào ban ngày để tránh khám phá của các phi cơ trinh sát địch và tất cả đều phải ngụy trang. Người ta phải làm sao để cho quân Anh tưởng rằng Peenemunde đã bị tiêu diệt. Sự dàn cảnh này khéo léo đến nỗi suốt 9 tháng liều không hề có một cuộc đột kích nào xảy ra ở Peenemunde.
Nhưng chương trình của Dornberger không phải là dự án duy nhất đang thực hiện bên bờ Baltique. Sở tình báo Anh đã không biết được sự thật về Peenemunde mãi cho đến ngày J và chỉ khi chiến tranh chấm dứt, màn bí mật bao trùm Peenemunde mới được vén lên. Ducan Sandys đã không lầm khi quả quyết rằng đó là căn cứ đầu não để chế tạo những vũ khí mới. Nhưng ở đây không phải chỉ có một mà đến hai trung tâm tự trị khác nhau đang hoạt động.
Ở phía tây Peenemunde, cách căn cứ do Dornberger điều khiển 5 cây số là căn cứ do cơ quan Luftwaffe chỉ huy. Ở đấy người ta chuyên nghiên cứu về những máy bay phản lực, có hoặc không người lái. Loại Me-163 và vài loại tương tự tối tấn hơn các phi cơ Đồng Minh hiện đang có. Tuy nhiên, thành thật mà nói chúng không phải loại vũ khí bí mật. Loại Fi-103 của không quân cũng không phải là loại vũ khí bí mật nốt. Đó chỉ là loại máy bay nhỏ, không người lái, sẽ đi vào lịch sử với cái tên bom bay V1. Căn cứ của loại Fi-103 cũng hoàn toàn thoát khỏi sức tàn phá của cuộc đột kích ngày 17 tháng 8.
Phần đất còn lại của Peenemunde thì do cơ sở thí nghiệm của quân đội chiếm. Ở đó Von Braun và Dornberger đang nghiên cứu một loại vũ khí khác hẳn và phức tạp hơn, loại V2. Đó là hỏa tiễn không cánh, có tầm hoạt động xa. Cơ quan tình báo Anh sẽ mệnh danh nó là “ Big – ben”, còn quần chúng thì biết nó với tên V2. Loại V2 không liên quan gì tới loại V1 cả. Nếu có chăng thì chỉ là: nó nằm ở vị trí thứ 2, trên cùng bảng danh sách các vergentugswaffen( Vũ khí phục thù của Hitler). Hitler mơ rằng danh sách này sẽ dài ra mãi. Chính Goebbels. Tổng trưởng tuyên truyền của ông đã bày đặt ra những danh từ ấy.
Chiếc V1 của Luftwaffe không gì khác hơn là chiếc phi lôi tinh xảo có gắn cánh. Chiếc V2 của quân đội, trái lại thật sự là chiếc phi đạn điều khiển đầu tiên. Là một vũ khí vô tiền khoáng hậu, một vũ khí kinh hoàng.
Trái với chiếc V1, V2 là một vũ khí siêu thanh, khi được phóng đi, nó tiến về mục tiêu một cách im lặng, vô hình và không hề có một sự “ trình diễn” nào cả.
Một cuộc cạnh tranh kịch liệt và nông nổi xảy ra giữa Luftwaffe( Không quân Đức) và Quân đội, đằng nào cũng tán dương công trình của mình về vũ khí bí mật. Reichsmarschall Goering, vị tư lệnh tối cao Không quân đòi quyền ưu tiên cho loại V1, viện lẽ nó có tầm hoạt động gần bằng V2, nó cũng có thể mang một khối thuốc nổ  có sức mạnh tương đương V2 bởi vì máy móc của nó rất giản dị. Vả lại mức sản xuất hàng loạt của nó rất rẻ, chỉ bằng 1/10 sự tốn kém của V2. Quan điểm của Goering không hề đả động đến những ưu điểm của V2, tuy nhiên lý luận của ông rất vững
Ngày 26 tháng 5 năm 1943, một “ Ủy ban oanh tạc tầm xa” đã mở phiên họp ở Peenemunde để chọn V1 hoặc V2. Vì vật liệu ngày càng khan hiếm, không đủ chuyên viên đặc biệt, nên nếu chiếc này được hưởng quyền ưu tiên thì chiếc kia phải bị loại. Đây là một ngày đầy hồi hộp của Dornberger, nếu không được chọn thì tất cả chương trình của ông có thể bị tiêu ma lập tức. Nhưng khi trình diễn những thí nghiệm so sánh thì chiếc V1 lại bị trở ngại kỹ thuật. Còn chiếc V2 được phóng đi 2 lần đều được thành công mỹ mãn. Ủy ban quyết định là sản xuất hàng loạt cả 2 loại và nếu có thể thì cùng sử dụng cả 2.
Sở tình báo Anh ko biết gì về những chi tiết trên cho mãi đến mùa thu năm 1943. Nhưng họ cũng hiểu lờ mờ về sự thực hiện của những vũ khí loại V nên cho rằng một cuộc chạy đua, một trận chiến âm thầm bắt đầu. Cuộc tương tranh này còn là điều bí mật đối với quần chúng Anh. Đối với người Nga, người Pháp đang đuổi giặc Đức bằng những vũ khí cổ điển, đối với những viên hoa tiêu ngày ngày đã dội hàng ngàn quả bom lên trên thành phố, lên trên những trung tâm kỹ nghệ của Đức. Chỉ một nhóm người lãnh đạo mới biết nước Đức đang có những loại vũ khí mới, vũ khí của ác mộng. Nếu người Đức tiến tới chỗ sử dụng được những loại vũ khí này một cách đại quy mô thì cuộc chiến đã hoàn toàn biến đổi.
Ducan Sandys đã đoán trúng và được cuộc. Ông giữ chức giám sát về loại hỏa tiễn, nhưng trách nhiệm của ông lại chuyển về lực lượng Không quân(R.A.F) với quyền ưu tiên tuyệt đối.Bây giờ chính những phi công phụ trách việc thu nhập tin tức và tìm những biện pháp đề kháng cần thiết.
Không ai biết đích xác tính chất của sự đe dọa. Có phải đó là một cuộc oanh kích với những hỏa tiễn hay những quả bom bay?hay cả hai?Mức độ chính xác của những phi đạn này ra sao?Cường độ hủy diệt của chúng đến đâu?Bao giờ chúng được sử dụng?với số lượng bao nhiêu? Peenemunde đã bị oanh tạc rồi, vậy có thể nào xác định được vị trí, rồi triệt hạ các cơ sở phóng hỏa tiễn trước ngày J được không? Nếu không, người ta có cách nào để bảo vệ nước Anh và dân chúng thoát khỏi loại vũ khí bí mật này?
Ngày 25 tháng 9 năm 1943, Dr Jones, chỉ huy trưởng ngành tin tức khoa học của quân đội, đang cố gắng trả lời vài vấn đề trong bản báo cáo gửi thủ tướng Winston Churchill:
“ Đã thu nhặt được nhiều tin tức, căn cứ vào những báo cáo cá nhân thường xuyên là mơ hồ, chúng ta có thể đúc kết lại một hình ảnh khá phù hợp để giải thích rằng: Ở Peenemunde, người Đức đã theo đuổi một cuộc nghiên cứu tiến bộ về loại hỏa tiễn có tầm xa. Dĩ nhiên những cuộc thí nghiệm này đã gặp nhiều khó khăn, ngăn trở việc sản xuất. Mặc dầu Hitler đã thúc bách sự hoàn tất và sử dụng hỏa tiễn càng sớm càng tốt, nhưng phải đợi vài tháng nữa mới thực hiện được.
Một tháng sau, ngày 25 tháng 10 năm 1943, Thủ tướng Churchill bày tỏ lo lắng với Tổng thống Roosevelt:
“ Tôi phải thông báo với ngài rằng: trong 6 tháng qua, những dữ kiện do các nguồn tin tới tấp gửi về đều quy định là: Người Đức đang chuẩn bị tấn công Anh Quốc, đặc biệt là Luân Đôn với hỏa tiễn có tầm hoạt động thật xa, mà người ta đoán nặng khoảng 60 tấn. Đó là lý do chúng tôi đã oanh tạc Peenemunde, trung tâm thí nghiệm trọng yếu…
Những nhà bác học đều tham dự vào việc tìm hiểu coi việc chế tạo hỏa tiễn như vậy có thể thực hiện được không. Riêng cá nhân tôi, tôi tin rằng việc ấy có thật. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với người của các ngài…. và chúng ta cùng làm tất cả những gì có thể làm. Ủy ban chuyên viên theo dõi vấn đề này tin rằng một cuộc tấn công tàn khốc, dù quá sớm và ngắn ngủi sẽ xảy ra vào trung tuần tháng 11. Một cuộc đột kích chính thức sẽ phải diễn ra vào năm tới (1944)…”
Ông Thủ tướng càng lo sợ hơn nữa khi nhận được nguồn tin của các điệp viên Anh hoạt động trên đất Pháp và của các trận kháng chiến Pháp. Họ cho rằng, mặc dù Peenemunde bị oanh kích dữ dội, những kiến trúc kì lạ vẫn tiếp tục xây cất ở Pas de Calais ( đất Pháp). Đó là những “ công trình thuộc loại không thể cắt nghĩa” mà trước đây những tấm không ảnh đã phát giác ra được.
Chúng gồm có 2 loại. Loại “ Large sites” là một công trình kiến trúc dị thường, phần lớn nằm sâu dưới đất, tường Bê tông cốt thép dày 9 thước, loại “ski sites” nhỏ hơn, thấp và dài giống hình những chiếc ski ( guốc dài để trượt tuyết) khổng lồ nằm lật ngửa. Bên cạnh mỗi loại đều dựng 3 dãy nhà hình chữ nhật, nóc bằng, dài chín thước, ngang ba thước rưỡi. Chúng giống như hình một chiếc thang nằm nghiêng chĩa thẳng vào Luân Đôn. “ Large sites” và “ski sites” đều là những xạ trường: điều này ngày nay thiệt là rành rành. Sau, tướng Lewis Lebreton của Không lực Mỹ đã ghi vào nhật ký: “ Chúng được ngụy trang rất khéo, khó mà nhận ra. Chúng tôi phải cố hết sức để giữ bí mật tuyệt đối về tất cả những tin tức liên quan đến những mục tiêu này hầu đừng gây kinh hoàng cho dân chúng. Chính Thủ tướng đã đích thân ra lệnh, chỉ dùng chữ “ mục tiêu quân sự” trong báo chí để chỉ mục tiêu trên, với mục đích giữ điều bí mật kia lại”
Winston Churchill giao cho Sir Stafford Crips, Tổng trưởng Bộ Phát triển Hàng không, việc nghiên cứu tường tận vũ khí bí mật và đề nghị một giải pháp. Ngày 17 tháng 11 năm 1943, Sir Stafford Crips đệ trình Thủ tướng những đúc kết:
“ Theo quan điểm thuần thực nghiệm, thì dường như các ước lượng theo thứ tự như sau:
1- Những quả bom bay lớn
2- Một phi cơ không người lái
3- Những hỏa tiễn nhỏ tầm xa
4- Những hỏa tiễn tầm xa
Trận đột kích của lực lượng R.A.F trên Peenemunde có một giá trị thật lớn, nó đã làm đình trệ những cuộc thí nghiệm vũ khí tấn công có tầm cỡ.
Phải nhìn nhận người Đức đang tận lực hoàn thành những phi đạn tầm xa và những kiến trúc mới không thể cắt nghĩa ở phía Bắc nước Pháp. Đó là những sự vật đáng nghi ngờ, trừ trường hợp chúng ta có thể quy định cho chúng những công dụng khác. Trong những điều kiện này, tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm tất cả những gì để chuẩn bị một cách lý hậu quả cuộc tấn công bất thần. Dù không có gì cho phép chúng ta tiên đoán nó sẽ thực hiện khá sớm vào năm tới (1944)…”
Churchill tìm thấy trong bản báo cáo này còn vài điều tối nghĩa.
Khi xem xét những tấm không ảnh chụp ở Peenemunde vào ngày 28 tháng 11 năm 1943. Constance Babington Smith đã phát giác ra “ Bốn vật nhỏ hình chữ thập được đặt phía trong những đường ray nằm nghiêng, thật vậy một chiếc máy bay nhỏ nhỏ đang ở vị trí phóng đi”. Những hoài nghi biến mất dần: “ Những đường ray nghiêng ở Peenemunde phù hợp với những “Ski sites”  của Pas de Calais. Ấy là những giàn phóng hướng về Anh Quốc, dùng để bắn đi chiếc bom bay V1. Những dãy nhà giống hình chiếc Ski là những kho tồn trữ. Hình như cuộc tấn công mở đầu bằng máy bay ro bots (không người lái), vì cho tới bấy giờ người ta chưa khám phá một cách đích xác những giàn phóng hỏa tiễn tầm xa. Có thể những “ Large sites” được xây cất để dùng cho mục đích đó. Dù sao thì cũng mới có tám “ Large sites” trong khi giữa tháng chạp đã có đến 69 “Ski sites”  theo sự quan sát từ trên không.
Từ tháng 4, đã có kế hoạch Sandys chống lại những vũ khí bí mật Đức Quốc. Nhưng mãi đến tháng chạp, kế hoạch này mới chính thức được phát động với bí danh Crossbow. Đây là ám hiệu dùng để chỉ những hoạt động của liên quân Anh – Mỹ chống lại chương trình của người Đức về vũ khí tầm xa trong mọi giai đoạn, như lúc mới ở trung tâm nghiên cứu, lúc thí nghiệm, lắp ráp các bộ phận lại, lúc xây dựng sàn bắn, lúc di chuyển, lúc hoàn thành và lúc được bắn đi, họ cũng chống lại hỏa tiễn đang bay nữa, một khi nó được phóng lên. Một ủy ban kế hoạch Crossbow được thành lập để đương đầu với vấn đề này. Nhiệm vụ của Ủy ban được coi là rất nghiêm trọng, quan trọng đến nỗi chính Thủ tướng đảm trách việc chủ tọa.
Từ khi những “ căn cứ phóng” bị phi cơ trinh sát và lực lượng kháng chiến pháp nhận ra thì những “ Large sites” và “Ski sites”  bị dội bom dữ dội, khi thì do phóng pháo cơ của lực lượng R.A.F ( của Anh), khi thì do Không lực Mỹ (phi đoàn 8 và 9). Đoàn người được lệnh oanh tạc nước Pháp lấy làm ngạc nhiên lắm vì nhiệm vụ của họ là bắn phá nước Đức, nhưng người ta trả lời với họ: đó là những “căn cứ quân sự đặc biệt”. Người ta lo tổ chức việc phòng thủ miền Nam nước Anh bằng hàng rào khí cầu, những đại bác phòng không có gắn radar và những phi cơ săn giặc. Hebert Morrison, Tổng trưởng An ninh lãnh thổ, lại một lần nữa đối diện với vấn đề cấp bách. Chuẩn bị di tản tức tốc 1 triệu dân Luân Đôn. Bộ tham mưu Anh – Mỹ dưới quyền điều khiển của tướng Morgan đã chuẩn bị xong xuôi kế hoạch Overlord ( tức là xâm nhập đất Pháp), bây giờ lại bị đặt trước một viễn ảnh khá phiền phức nữa.
Khoảng tháng 12 năm 1943, bất cứ một người tỉnh trí nào cũng không thể nghĩ đến việc quân Đức có thể chiến thắng. Hai lực lượng Đồng Minh đang đổ bộ từng bước lên bán đảo Ý. Còn người Nga luôn luôn phải đương đầu với lực lượng bộ binh hùng hậu của Đức, cũng đang tận diệt địch quân. Sắp đến lúc phải siết địch theo thế gọng kìm.Gọng thứ 2 sẽ là mặt trận Normandie. Nhưng Morgan nghĩ rằng, làm thế nào để thực hiện kế hoạch Overlord, nếu bất thình lình những hải cảng, những điểm tập trung quân ở miền nam nước Anh bị oanh tạc nặng nề vào mùa xuân?
Các cuộc không kích, nằm trong khuôn khổ Crossbow, càng ngày thâu được nhiều thắng lợi. Hơn 4000 tấn bom đã được trút xuống mục tiêu ở phía Bắc nước pháp vào tháng 3 năm 1944.Nhưng các kiến trúc kỳ lạ ở đó vừa bị tiêu hủy, lại được tái thiết ngay.  Cơ quan tình báo Đồng Minh thật không biết địch quân đã xoay xở thế nào.Họ chỉ còn lặp lại những lời đồn đãi khác nhau. Nào là người Đức sắp phóng đi những thùng chứa khổng lồ đựng hơi độc để hủy diệt toàn dân Anh Quốc, nào là họ sắp oanh tạc Luân Đôn bằng những ống nghiệm vĩ đại đầy chất tử thần, gọi là “ Mort Rouge”, nào là những kiến trúc kì dị dọc theo bờ biển Pháp là những nhà máy sinh hàn, chúng sẽ nhả những cụm mây đá lên Anh quốc để làm tê liệt những phóng pháo cơ ở dưới đất, nào là người Đức có những phóng pháo cơ phóng từ Bá Linh đến Nữu Ước. Ít lâu sau, những lời đồn đãi kia hiện nguyên hình chỉ là những điều tưởng tượng. Trừ lời đồn đãi sau cùng về hỏa tiễn phóng từ Bá Linh đến Nữu Ước, vì “ người ta đang nghiên cứu ở Peenemunde một phi đạn liên lục địa, đó là hỏa tiễn A9, tuy nhiên vào cuối năm 1943, nó mới chỉ hiện lên trên bản đồ hình.
Cái không khí đầy giả tưởng và đầy những sự kiện nguy ngập dường như chưa đủ khả năng làm điên đầu những vị chỉ huy Đồng Minh. Một điều bí mật khác lại quấy rầy họ nữa. Họ đã nắm được những tin tức sơ khởi về sự tiến bộ của hỏa tiễn và bom bay, nhưng họ không rõ tất cả những gì mà người Đức thu hoạch được trên lĩnh vực nghiên cứu nguyên tử. Lĩnh vực mà phe Đồng Minh đã tiến khá xa, từ lúc đầu. Tướng Leslie Groves, giám đốc kế hoạch Manhattan(nghiên cứu bom A), tin rằng sắp đến giờ chọc thủng màn bí mật. Ông tổ chức các đoàn nghiên cứu khoa học, trong kế hoạch Alsos, rồi gửi họ sang Ý trước, kế đến là sang những nước còn lại ở Âu châu theo chân quân đội giải phóng(của Đồng Minh)
Trái với thái độ của quần chúng, những nhà bác học ý thức rất rõ ràng về hiểm họa do khoa học hạch tâm của người Đức gây ra. Tưởng tượng một phi đạn tầm xa thuộc loại mới, được gắn thêm đầu đạn nguyên tử, là một cái gì làm mất ngủ tất cả những người Anh đã được biết ít nhiều về tin tức trên. Sự khủng bố cũng không chừa cả những người Mỹ: Ông Samuel Goudsmit, giáo sư vật lý trường Northwestern University, chịu trách nhiệm về khoa học của kế hoạch Alsos, cho biết một số chuyên viên của kế hoạch Manhattan ở đại học Chicago đã lo sợ đến nỗi bắt đầu cho gia đình họ di tản về quê. Ông còn trở lại vấn đề: “ các dụng cụ khoa học đã được bố trí quanh Chicago đã dò chất phóng xạ trong trường hợp quân Đức tấn công”.
Sẽ có việc đình hoãn từ 6 tháng đến 1 năm, trước khi kế hoạch Alsos tiến tới Pháp và Đức, để quyết định coi nỗi lo sợ về bom nguyên tử Đức có đủ căn cứ hay không. Còn loại vũ khí có tầm sát hại rộng lớn thì hiển nhiên là có thật rồi. Sự đe dọa của nó rất rõ ràng, nên những vị chỉ huy Đồng Minh luôn luôn bị ám ảnh, mặc dầu họ đã đoạt hết chiến thắng này đến chiến thắng khác.
Winston Churchill  hiểu rằng ông cần phải biết hỏa tiễn hay bom  bay có thể tác động gì trong tương lai gần đây vì những đợt không kích theo kế hoạch Crossbow không đủ. Vì vậy,  Sở tình báo mới chủ định một công tác gián điệp rất khó khăn. Đó là việc tìm hiểu lý lịch của một trong những nhà bác học ở Peenemunde, bắt cóc và thuyết phục người ấy nói ra tất cả những gì người ấy đã biết trước mặt những đại diện Bộ không quân. Nếu việc này không thực hiện được, thì mục tiêu tối thiểu là chiếm cho được một trong những vũ khí bí mật, tìm cách đưa nó về Anh để phân tích.
Lần này, cơ quan tình báo ưu tú nhất thế giới, cơ quan đã từng có được nhiều “nguồn tin” trong cơ quan Abwehr( cơ quan tình báo quân sự) và ngay cả trong lòng Bộ tổng tham mưu Đức, đã phải chào thua. Việc bố trí An ninh của bọn S.S tại Peenemunde rất chặt chẽ, nên tất cả nỗ lực của họ đều trở nên vô hiệu. Cơ quan tình báo Anh không xác định được chỗ ở, không bắt cóc được một nhà khoa học hay chiếm đoạt được bất cứ một vũ khí mới mẻ nào. Vẻ im lìm bên ngoài của Peenemunde đã khiến cho những người lạc quan nghĩ rằng cuộc đột kích tháng 8 vừa qua đã làm tê liệt hoàn toàn các công trình bí mật. Mãi cho đến gần lễ giáng sinh, một tia sáng mờ nhạt mới xuất hiện trong đêm trường vô vọng.
Trong phân bộ tình báo Cracovie của lực lượng bí mật Ba Lan đã bí mật chuyển về Luân Đôn một nguồn tin ngắn sốt dẻo: những biện pháp an ninh đã được tăng cường tại trung tâm huấn luyện S.S ở Blizna Putskow, cách thủ đô Varsovie 270km. Tất cả dân Ba Lan cư trú trong vùng đều bị trục xuất. Họ đã đặt một đường sắt chạy tới trung tâm và thiết lập một phi trường, nhiều nhà kho, một cơ xưởng. Tất cả đều được ngụy trang và cao xạ phòng không (D.C.A) bảo vệ.
Việc khuếch trương một hoạt động đặc biệt ở một vị trí đất đai tầm thường làm lực lượng kháng chiến Ba Lan chú ý. Họ tiếp tục theo dõi những gì xảy ra ở Blizna Putskow và loan tin đều đặn về Luân Đôn. Cơ quan tình báo đã lưu ý Churchill về một cuộc tấn công vào tháng 1 năm 1944 có thể bằng hỏa tiễn. Tháng giêng đã trôi qua một cách bình thường. Cho đến đầu tháng 3 khi những kế hoạch xâm nhập Normandi sắp hoàn tất, thì một bản phúc trình của người Ba Lan, đã làm cho Bộ tham mưu của Sở tình báo phải một phen xúc động mãnh liệt: một dân kháng chiến có bí danh là “ Makary” đã bạo gan trườn đến đường ray của căn cứ huấn luyện S.S với quan phục tác chiến, gác chung quanh, “ một vật được phủ kín, trông giống như một trái thủy lôi quái dị”.

 

Sở tình báo Anh tức khắc nghi rằng “ trái thủy lôi quái dị” kia chính là một hỏa tiễn và Blizna chính là một xạ trường mới. Nhưng những điều nghi ngờ này chỉ được xác nhận trước ngày J một tháng thôi. Căn cứ Blizna nhờ ở xa nên thoát được tầm hoạt động của phóng pháo cơ hạng nặng và của những phi cơ trinh sát. Nó cũng tránh được sự tò mò của lực lượng kháng chiến nhờ có bọn lính tuần S.S Nên Dornberger, Von Braun và những kỹ sư của họ, trong suốt mùa đông 1943-1944 đã làm việc miệt mài cho vũ khí A4( Tổng trưởng Bộ tuyên truyền đã đặt tên nó là V2, sau này quân Đồng Minh gọi nó là “Big – ben”; những người chế tạo ra nó thì chỉ gọi nó là A4). Mặc dù Sở tình báo Anh chưa kịp khám phá ra, nhưng công việc ở Blizna cũng bị đình trệ vì chạm phải những vấn đề ghê gớm.. Những vấn đề này đã chặn đứng A4 đang ở trên đường thực hiện.
Một trong những vấn đề trở ngại trên là tai nạn của Von Braun, tai nạn nguy hiểm có thể giết chết người trong phòng thí nghiệm. Ở phòng thí nghiệm Blizna vào khoảng tháng 4 năm 1944, Von Braun đang đứng sau một hầm núp thô sơ bằng gạch dùng để quan sát. Cách ông 300 thước là hỏa tiễn sẵn sàng để phóng đi. Lệnh khai hỏa đã ban, hỏa tiễn vừa cất lên được vài thước thì nổ bùng ra giữa đám khói màu cam. Von Braun nhảy xuống đất, vùi mặt dưới tuyết nằm chịu trận dưới cơn mưa, miểng, lửa.
Dornberger chạy ngay lại hỏi thăm Von Braun và kiểm điểm lại với một thái độ mệt mỏi pha lẫn chán nản. Vô số lý do có thể là nguồn gốc cho cuộc thất bại này. Hơn nữa thất bại này chỉ là một trong trăm ngàn thất bại khác. Từ khi trung tâm thí nghiệm di chuyển về Ba Lan thì bao nhiêu là buồn phiền cứ chồng chất mãi lên. Dornberger ghi nhận: “ những cuộc thí nghiệm cứ tiếp tục thất bại, hết cái này đến cái khác và chúng tôi đứng trước những vấn đề hầu như nan  giải”.
Theo chỉ thị của vị chỉ huy, Von Braun lại đi Peenemunde khám phá cho ra lý do của những cuộc thất bại, tại sao khi thí nghiệm ở Peenemunde trên bờ Baltique thì hoàn toàn thành công, nhưng khi làm ở Ba Lan thì chỉ thành công 20%.? Sauk hi Von Braun đi rồi thì Dornberger vội lên xe của ông để đi dự một phiên họp mới. Không được chậm trễ vì có vài nhân vật quan trọng đến viếng trung tâm Blizna để nhìn thấy tận mắt nơi thực hiện A4, hỏa tiễn đang được quyền ưu tiên tuyệt đối.
Thật khó mà giải thích với những vị quan sát “ tài tử” này  ngọn nguồn của phần lớn những thất bại. Tại sao vài hỏa tiễn lại nổ tung lên khi vừa được phóng ra? Hay tại sao chúng lại vỡ toang ra ngay lúc chúng sắp tới được mục tiêu? Không mấy người hiểu được rằng A4 là một công cụ khoa học phức tạp. Thực hiện nó trong thời bình, giữa sự lặng im của một viện nghiên cứu đã là việc khó, huống hồ gì lại thực hiện trong những điều kiện bất lợi hiện tại. Và, tức khắc Dornberger biết ngay nguyên do của thất bại: họ không đủ thì giờ. Người Nga đang tiến đến Smolenks và Kiev. Chừng 2 tháng nữa họ có thể chọc thủng những phòng tuyến đó và xuất hiện ở ngay tầm súng đại bác của Blizna: vài nguồn tin đã quả quyết, lực lượng liên quân Anh – Mỹ sắp vượt qua biển Manche vào mùa xuân hay mùa hè gì đó. Về sau, Dornberger có nói: “ Chính quyền đã quấy rầy chúng tôi, chúng tôi đã phải làm việc ngày đêm, nhưng những người của Tổng hành dinh, người nào cũng vậy, khi ra về đều làm cái bộ mặt dài đến một thước. Tôi cảm thấy quá mệt mỏi để trấn an họ”. Tuy nhiên, Dornberger tin rằng những khó khăn về kỹ thuật có thể giải quyết kịp thời,  với điều kiện những người của bàn giấy hãy để yên công việc cho những người đã phó thác cả đời vào công cuộc nghiên cứu hỏa tiến, tự điều chỉnh lấy. Còn họ, họ chỉ là tượng trưng của sự tranh giành bè phái, những bè phái đang sinh sôi nảy nở “nhiều như nấm sau mưa”.
Một trong những người đang tìm cách chen vào việc của Dornberger là Dr, Hans Kammler, người đã gây cho Dornberger nhiều nỗi buồn phiền nhất. Ông ta là một S.S Brigadefuhrer (tương đương với cấp bậc thiếu tướng), giữ chức vụ Giám đốc phân bộ “ kiến trúc” của văn phòng Trung ương lực lượng S.S. Ông ta được giao cho công việc thì sát tất cả các công việc xây cất trong khuôn khổ chương trình thực hiện A4, vào khoảng tháng 9 năm 1943. Chính Himmler đã đề cử ông ta vào vai trò này, trong khi đáng lý ra nó thuộc thẩm quyền của quân đội, và bây giờ thì lực lượng S.S bằng một cửa nhỏ, đã len lỏi vào địa hạt thuộc văn phòng xạ thuật của quân đội, Tướng Dornberger nghi ngờ rằng những người S.S này sẽ không giới hạn tham vọng của họ trong phạm vi kiến trúc mà thôi. Không bao lâu, những nghi  ngờ của ông được xác nhận ngay.

 

Sau cuộc thí nghiệm thất bại, theo lệnh của Dornberger, Von Braun quay về Peenemunde, tự lái chiếc phi cơ Messerschmit 108 Typhon của ông ta. Thật là một cuộc du ngoạn không hào hứng chút nào. Máy bay chòng chành, dao động không ngừng, mắt khó nhìn mọi vật bên ngoài vì bầu trời đầy tuyết và sương giá. Bẩu trời đen kịt khi Von Braun về tới văn phòng của ông. Đã ba giờ khuya, ông nhờ cô thư ký pha cho ông café và bánh sandwiches mềm, rồi triệu tập tất cả những trưởng toán để họp từ bây giờ cho đến sáng. Sau một phút do dự, cô thư ký đưa cho Von Braun một bức điện mà cô nhận cách đấy 2h
Bức điện do Himmler gửi: ông yêu cầu vị giám đốc kỹ thuật của quân đội đến gặp ông tại bộ tham mưu của ông. Von Braun ngạc nhiên và bối rối. Cho mãi đến bây giờ ông luôn luôn tìm cách đứng ngoài cuộc xung đội giữa Quân đội và lực lượng S.S và Đảng ( Quốc Xã). Dù sao, ông vẫn hiểu rõ dẫu Himmler nói là “ước mong” nhưng thật ra ông ta đã ra lệnh. Thế là Von Braun phải gác lại tất cả những việc khẩn cấp phải làm của ông để đến gặp Himmler.
Reichsfuhrer S.S Himmler là Tổng trưởng nội vụ, là Tổng tư lệnh quân đội trừ bị, là chúa trùm cơ quan mật vụ (Gestapo) và tất cả lực lượng cảnh sát Đức, là người có quyền lực nhất của Đức, sau Hitler. Ông ta vừa dẹp bỏ văn phòng Trung ương ở Bá Linh ( Prinz Albrecht Strasses) để thiết lập bộ chỉ huy chiến dịch ở Hochwald ở Đông Phổ, để theo dõi mặt trận ở Miền Đông. Thế là khuya hôm trước vừa đến Peenemunde, sáng hôm sau Von Braun phải đi ngay Hochwald. Ông ta vẫn thắc mắc không hiểu tại sao Himmler muốn nói chuyện với ông. Lực lượng S.S chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh ở Peenemunde và Blizna, nhưng họ không có liên hệ gì với trương trình hỏa tiễn, không kể hành động bổ nhiệm Kammler vừa rồi.
Sau này Von Braun thú thật rằng, ông ta khá xúc động khi bước chân vào văn phòng của Himmler Reichsfuhrer S.S ngồi trước cái bàn mộc mạc bằng cây, đang chùi kiếng bằng chiếc khắn tay nhà binh.Tuy nhiên viên kỹ sư này thấy lòng mình bình tĩnh một cách lạ thường khi đối diện với con người có vẻ như “ một ông giáo làng” vậy. Thật khó mà tin những câu chuyện thiên hạ đã kể cho ông nghe về con người này. Nhìn Himmler, ông không cảm thấy sợ sệt hay hãi hùng một chút nào cả. Tuy nhiên, Von Braun hơi ngại ngùng khi vị này nhã nhặn mời ông ngồi và đàm luận. Một câu chuyện mà về sau, Von Braun có nhiều lý do để nhớ lại.
- Tôi rất sung sướng được gặp ông, Dr Von Braun. Rất tiếc đã làm trễ nải công việc của ông. Tôi không vời ông đến đây nếu không phải là vấn đề khẩn cấp. Tôi nghe nói ông gặp nhiều trở ngại về hỏa tiễn A4.
- Thưa ngài, không có gì đáng kể, chỉ vì chúng tôi có ít thì giờ.
- Đó chính là vấn đề, thì giờ ở đây rất đáng kể. Chắc ông cũng biết chiếc A4 bây giờ không còn là trò chơi nữa và tất cả công dân Đức đều nóng lòng chờ đợi thứ khí giới kì diệu này. Về phần ông, nếu tôi nhớ không nhầm thì cái chế độ bàn giấy đã làm phiền ông lắm. Tại sao ông không đến với chúng tôi? Chắc ông cũng biết không có nhân vật nào thân cận để thuyết phục Fuhrer hơn tôi. Tôi hứa sẽ giúp đỡ ông một cách hữu hiệu hơn những gì bọn võ biền đã cho ông. Hiện nay Fuhrer không còn tín nhiệm quân đội nữa.
- Tôi không hề mong ước gì hơn được làm việc dưới quyền tướng Dornberger, thưa ngài. Những chậm chễ ngày nay không phải vì chế độ bàn giấy mà vì những khó khăn kỹ thuật. Có thể coi A4 như một đóa hoa nhỏ bé muốn cho nó nở, phải có ánh sáng mặt trời, phải có một số lượng phân bón vừa đủ và phải có một người làm vườn khéo léo. Chắc ngài không định dùng một vòi lớn đựng phân lỏng để tưới vào nó. Như vậy chỉ làm héo đóa hoa nhỏ của chúng ta mà thôi!
Von Braun cảm thấy an tâm khi nhìn Himmler cười. Nụ cười phảng phất vị chua cay, nhưng ông không thốt một lời khẩn khoản. Hai người lại tiếp tục đàm luận nhạt nhẽo vài phút nữa, rồi Himmler chào vị khách, không tỏ vẻ gì thù hằn, mà bằng một thái độ “ lịch sự kiểu cách”.
Von Braun trở về Peenemunde và vùi đầu vào những vấn đề kỹ thuật. Dần dần những lý do tại sao các hỏa tiễn lại phát nổ khi  vừa mới khai hỏa được giải thích rõ và các phúc trình ở Blizna bắt đầu làm phấn khởi tinh thần ông hơn.
Ngày chủ nhật đầu tháng 9 năm 1944, Von Braun cảm thấy cần được nghỉ xả hơi vì đã quá mệt mỏi trong công việc lao tâm tổn trí, nên mới đến dự một buổi tiếp tân ở Zinnowitz, nơi thanh lịch nhất đảo Usedom. Đã có đông người tụ họp ở đó: những vị sĩ quan, vài người dân chính và rất nhiều viên kỹ sư của trung tâm thí nghiệm quân đội. Braun uống một chút rượu, chơi dương cầm rồi cùng họp bọn với 2 cộng sự viên: Klaus Riedel và Helmut Grottrup. Cả ba bắt đầu bàn luận về đời sống của dân ở Peenemunde, sau khi từ dịch ( hay mãn nhiệm) họ sẽ làm gì? Can quan chấm dứt, họ sẽ dùng hỏa tiễn để chinh phục không gian. Von Braun cũng vừa nhận được tin của gia đình. Cha mẹ ông đã tản cư về quê nhà thuộc Haute Silesie để tránh nạn oanh tạc rùng rợn ở Bá Linh. “ Cuộc chiến càng ngày càng bất lợi trong khi hỏa tiễn đã thực hiện được nhiều tiến bộ”. Von Braun tuyên bố như vậy. Ông ta lại còn dám phát biểu ý kiến: “ Dù sao tất cả đều là anh em”. Không có bọn S.S xung quanh và cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Himmler cũng vụt thoát ra khỏi trí nhớ của ông.

 

Ngày 15 tháng 3 năm 1944, tướng Dornberger đang nằm trên giường. Ông đang ở trong ngôi nhà mới của ông ở Schwedt, trên bờ sông Oder, cách Peenemunde 60km về phía nam. Ông không ngủ được. Ông nằm triền miên trong những ý nghĩ đen tối, đen như màn đêm giá buốt đang phủ vây ông.
Von Braun và những trưởng toán công tác làm ông bối rối. Họ chủ trương rằng những hầm trú ẩn bằng bê tông cố định là phương tiện duy nhất để thực hiện nhanh chóng hỏa tiễn A4. Hỏa tiễn sẽ được di chuyển trên những toa xe đến xạ trường vài phút trước khi được phóng đi. Hitler cũng có vẻ thích dùng đến những hầm công sự phòng thủ vĩ đại này. Nhưng Dornberger đã không dối lòng khi nghĩ rằng: bây giờ quân Đồng Minh đã chế ngự cả không gian. Họ đã hủy diệt phần lớn những xạ trường xây dựng ở miền Bắc nước Pháp. Họ sẽ dò ra và nghiền nát những “ căn cứ phóng” cố định trước khi bê tông có thời gian để khô cứng lại.
Hình như chỉ có một mình Dornberger chủ trương dùng xạ trường di động: A4 đặt trên một mặt bằng, chuyển đến địa điểm đã định, được khai hỏa bởi những toán cơ giới đặc biệt thành lập. Những người này sẽ biến mất trước khi phi cơ địch định được vị trí tấn công. Dù sao những điều trên không phải là mối suy tư duy nhất đã khiến Dornberger mất ngủ.
Hans Kammler đã hăng say lăn mình trong công vụ mới. Phụ trách kiến trúc trong khuôn khổ chương trình A4 rất hợp với kinh nghiệm nghề nghiệp của ông ta, vì ông ta từng điều khiển biết bao nhiêu trại tập trung. Ông được đưa vào những trại đó để sung dụng 20.000 tù nhân ở Mittel Werke, một nhà máy ngầm dưới đất trong quần sơn Harz. Nhà máy này đang sản xuất hàng tháng gần 300 hỏa tiễn. Dĩ nhiên là hầu hết các hỏa tiễn đó đều chế tạo không đúng cách, không còn cái nào có thể dùng được, trừ cái công dụng đề cao cá nhân, Kammler sản xuất được hỏa tiễn!
Tuy nhiên, sự thật rõ ràng ông ta không hề bám vào đó. Người ta thấy ông ta xuất đầu lộ diện ở Blizna mà không cần tự báo trước. Không cần được mời tham dự vào các cuộc thí nghiệm. Ông ta trò chuyện thân mật với các sĩ quan và các kỹ sư không thuộc quyền điều khiển của ông ta. Ông ta lại hay “ chống báng người này người kia”, đó là điều làm Dornberger bất mãn nhất. Có một lần Kammler đã làm Dornberger nổi cơn thịnh nộ khi hắn nói Von Braun là người “ quá trẻ, quá ẫu trĩ, quá ngạo mạn và quá vênh váo để được làm giám đốc kỹ thuật”.
Đối với Dornberger điều này chứng tỏ lực lượng S.S đang chuẩn bị loại bỏ quân đội và chặn đứng chương trình thực hiện A4. Là một kiến trúc sư trong đời sống dân chính, Kammler hầu như không biết tí gì về hỏa tiễn. Đó cũng là trường hợp của tất cả những nhân viên văn phòng xạ thuật S.S.
Thình lình chuông điện thoại reo vang. Vừa nghe tiếng chuông, trong một thoáng, Dornberger cảm thấy bằng lòng vô cùng vì nó sẽ giúp ông cắt được dòng tư tưởng. Nhưng ông chợt sửng sốt khi nghe nói chính Tổng hành dinh của Hitler gọi ông. Họ ra lệnh cho ông phải đến Berchtesgaden ngay, không được trì hoãn để họp với thống chế Keitel, vị chỉ huy O.K.W., Tổng tham mưu trưởng Quân lực.
Tám giờ sáng, Dornberger ra đi. Ông lái xe chạy trên những con đường đóng băng, vì cơn bão tuyết vừa lướt qua. Ông băng ngang thành phố Munich đổ nát còn bốc khói vì trận oanh tạc đêm qua và đến Berchtesgaden khi trời vừa sụp tối. Trong phòng khách sạn, ông gọi điện thoại cho tướng Buhle, Tham mưu trưởng Lục quân. Vị này đến gặp ông ngay để thông báo với ông là Wernher Von Braun và hai kỹ sư Klaus Riedel, Helmut Grottrup đều bị Gestapo bắt. Họ bị kết tội phá hoại chương trình A4 và đang bị giải về lao xá của lực lượng S.S. ở Stettin.
Sau này Dornberger có ghi: “ Tôi không tin ở lỗ tai tôi. Von Braun, người phụ tá đắc lực của tôi, người đã hợp tác chặt chẽ với tôi từ mười năm qua, người mà tôi đã hiểu rõ hơn bất kì ai, người đã dâng hiến đời mình, ngày đêm làm việc không biết mệt cho A4, lại bị tù vì phá hoại A4! Thật là khó tin. Con Riedel, người đã có công thiết lập tất cả nền móng dưới đất với sự nhiệt thành bền bỉ, người rất am tường những mệnh lệnh quân sự, người được coi như một trong những kỹ sư tận tụy nhất của tôi, lại bị bắt về tội phá hoại! Sau hết là Grottrup, vị phụ tá của Dr. Steinhoff đã chịu trách nhiệm về hệ thống hướng dẫn và kiểm soát, cũng bị kết tội phá hoại! Thật là một trò hề rẻ tiền!”
Dornberger muốn điều tra coi với lý do nào người ta đã bắt họ. Nhưng tướng Buhle chỉ đáp với ông rằng: chính thống chế Keitel sẽ cho ông biết vào sáng mai. Ông đã thức trắng đêm để chờ trời sáng. 9h ông đã trình diện Keitel. Vị này tuyên bố: tội trạng của các cộng sự viên của ông rất nặng. Chính đầu óc của họ là đầu dây mối nhợ tất cả. Dornberger kêu lên rằng: Ông xin đảm bảo họ trên chính sinh mạng của ông. Vị Tổng tham mưu trưởng gay gắt đáp:
- Ông có biết các “ bạn đồng nghiệp thân cận của ông” tuyên bố công khai ở Zinnowizt rằng không bao giờ họ có ý tạo chiếc hỏa tiễn thành một loại vũ khí chiến lược, rằng họ không làm cho sự phát triển vũ khí này mà chỉ hành động dưới sự kềm tỏa của ông, hầu có được một số vốn để thực hiện các cuộc thí nghiệm riêng cho chính họ, và chứng nghiệm lại các lý thuyết của họ? Rằng, ngay từ khi bắt đầu, mục tiêu duy nhất của họ là cuộc du hành trong không gian?
Dornberger bẻ lại:
- Dù vậy, tôi vẫn xin chịu trách nhiệm về họ. Ngay chính tôi cũng thường lặp đi lặp lại, khi việc chứng minh được thực hiện ở Peenemunde là A4 chỉ là bước đầu trong kỷ nguyên tân kỹ thuật học mà thôi. Đó là kỷ nguyên của hỏa tiễn. Bao nhiêu lần rồi tôi đã không nói rằng lịch sử của loại người đã đi đên một khúc quanh sao? Chúng tôi mở đường cho các cuộc thám hiểm không gian. Chúng tôi đã chứng tỏ việc thám hiểm này sẽ thực hiện được. Nếu mấy người kia là những kẻ phá hoại vì đã cùng chủ trương như tôi, thì tôi cũng phải bị bắt như họ.
Keitel trả lời:
- Phá hoại, phủ hoại nằm trong sự kiện cái tư tưởng thầm kín của họ hướng về các cuộc du hành trong không gian. Vì vậy nên họ đã không đem tất cả cố gắng và khả năng để biến A4 thành một vũ khí chiến tranh.
Lời buộc tội xuất phát từ đâu? Keitel không biết tí nào về điều này. Dornberger nói tiếp:
- Việc bắt bớ trên là tai biến cho toàn bộ chương trình. Nhất là người ta đã dự liệu các hỏa tiễn phải được sử dụng ngay, trong khi chúng tôi hãy còn chưa điều chỉnh được những khó khăn. Đây thật là một hiểu lầm tai hại, hay là một sự lầm lạc lớn lao.
Keitel nhún vai:
- Tôi không làm gì được. Có Himmler đàng sau! Thật vậy, Reichsfuhrer S.S đã quyết định theo kiểu riêng ai không bắt chước được.
 Dornberger đã khẩn khoản với con người được coi là đại diện quyền lực của quân đội. bên bộ tham mưu của Fuhrer để vận động các cộng sự viên của ông ta được thả ra:
- Thưa Thống chế, tôi chính thức lên tiếng với Ngài rằng nếu các việc bắt bớ kia vẫn được duy trì thì nó sẽ gây khó khăn cho việc hoàn tất những công trình hiện tại và lam chậm chễ việc thực hiện hỏa tiễn..
Để giữ vững chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực của mình, Keitel đã có một nguyên tắc để hành động. Ấy là né tránh tất cả những cuộc xung đột với S.S và không đệ trình những vấn đề bất lợi với Fuhrer. Vì vậy ông bảo với Dornberger, hãy tự chứng minh là mình hữu lý. Ông nói:
- Tôi không thể thả họ ra nếu không có sự đồng ý của Himmler. Không nên để họ nghi ngờ, dù là một tí thôi, rằng tôi kém nhiệt thành hơn họ và bọn mật vụ trong loại công việc này. Ông cũng hiểu là tôi đang ở tình trạng thế nào rồi. Người ta đang canh chừng tôi. Người ta chỉ chờ tôi lộ một chút sơ hở mà thôi. Nếu tôi phải ra đi, giới sĩ quan sẽ mất liên lạc với Fuhrer, mất cơ hội cuối cùng để gây vài ảnh hưởng. Bây giờ, chỉ còn lại công việc của bọn an ninh và Himmler.
Biết rằng Keitel sẽ không làm được việc gì, Dornberger quyết định một sáng kiến mà vào năm 1944 ít ai dám tình nguyện làm: ông yêu cầu Keitel sắp xếp cho ông được hội kiến với Himmler. Thống chế điện thoại về Bá Linh. Lát sau, ông nhận được trả lời của người tùy viên của Himmler: Reichsfuhrer S.S từ chối gặp Dornberger. Tuy nhiên, Dornberger có thể biện hộ với tướng S.S là Kaltenbrunner, chỉ huy trưởng ngành An ninh.
Trước khi tiễn Dornberger ra về, Keitel đã yêu cầu vị khách hãy coi buổi nói chuyện hôm nay như một cuộc tâm tình thân mật mà thôi. Giận run người, Dornberger bước ra về.

 

Đến tháng 3 năm 1944 các Cơ quan Tình báo Anh cũng chưa thể cung cấp cho Thủ tướng Churchill và Ủy ban Crossbow các điều xác nhận về hỏa tiễn có tầm hoạt động xa của Đức. Và không có một tin tức nào cho phép tiên đoán là sẽ đến bao giờ hỏa tiễn mới được sử dụng. Chỉ sau cuộc chiến, người ta mới biết rằng, trong giờ quyết định đưa hỏa tiễn đến xạ trường, thì viên giám đốc kỹ thuật ( Von Braun) của Trung tâm thí nghiệm quân đội ở Peenemunde lại không có mặt để điều hành cho A4.
Ngày 13 tháng 3 năm 1944, lúc 3h sáng, 3 nhân viên mật vụ (Gestapo) đã đến gõ cửa ngôi biệt thự bằng gỗ mà Von Braun dùng làm nơi trú ngụ ở Peenemunde. Họ yêu cầu ông sửa soạn và theo họ về Sở cảnh sát ở Stettin. Vị kỹ sư phản đổi mãnh liệt: chắc chắn đây là một sự lầm lẫn…Lịch sự nhưng quả quyết, những người lính này không cần lời cãi lý: họ đã được lệnh và không thể lầm lẫn được, họ phải đưa ông về Stettin, với lý do là để bảo vệ cho ông.
Trong thời gian lưu ngục, Von Braun không bị đe dọa, cũng không hề bị ngược đãi.Nhưng người ta không giải thích cho ông về việc “ bảo vệ” này. Ông nói: tôi đã trải qua 2 tuần lễ hay ho, trong ngục thất S.S ở Stettin, không giới quyền nào cho tôi được giải thích tối thiểu về việc bắt giữ tôi.
Cuối cùng, một ngày nọ, những người lính cảnh vệ tới tìm ông trong nhà giam tối lạnh, và dẫn đến một gian phòng nhỏ, mà ông cứ là phòng luận tội của tòa án. Nhưng ở đây không có quan tòa, không có luật sư, không có cả công chúng. Các quan tòa - nếu đấy là các vị quan tòa – mặc, không phải áo dài của Pháp quan, mà là đồng phục S.S. Các người này kết tội Von Braun đã nói rằng ông không có ý định tạo hỏa tiễn A4 thành một thứ vũ khí, rằng ông chỉ nghĩ đến cuộc du hành trong không gian, rằng ông phàn nàn việc sử dụng hỏa tiễn vào mục đích quân sự. Von Braun nói: “ Đấy là một thái độ trí thức khá phổ biến ở Peenemunde. Thế nên nếu họ không có bằng cớ phạm tội nào khác đổ lên tôi, thì tôi đã yên lặng một cách tương đối. Nhưng đằng này họ đã đi quá xa: họ cho rằng tôi có chiếc phi cơ, sẵn sàng để mang tôi đến Anh quốc với số tài liệu quan trọng về hỏa tiễn. Đây là yếu tố chính để buộc tội mà tôi gặp khó khăn để chứng tỏ sự  sai lạc của lời cáo buộc vì tôi có thói quen tự lái chiếc phi cơ vận tải của Chính phủ, dùng để xê dịch trong xứ”.
Trong bản án này, chỉ có một cái gì không đúng sự thật, mà Von Braun, vị kỹ sư quen làm việc trong những điều kiện cụ thể cảm thấy sợ hãi và bối rối. Nếu bọn S.S thật sự quyết tình muốn hạ ông bởi các lý do mà ông quên khuấy đi, thì ông sẽ chứng tỏ sự vô tội của ông như thế nào?
Sau đó là một tình cờ lạ lùng hơn hết trong sự trùng hợp của cuộc xét xử này: Tướng Dornberger bước vào phòng, tiến vào viên chức S.S đang chủ tọa phiên xử và trình lên hắn ta “ một hồ sơ có vẻ chính thức”. Khi vừa đọc qua tài liệu, thì lệnh phóng thích tôi được ban ra và tôi cùng về với Dornberger.
Việc phóng thích bất ngờ này là kết quả 2 tuần cố gắng của Dornberger. Trước hết ông đến văn phòng S.S ở Bá Linh (nơi đây người ta báo cho ông biết có một hồ sơ dày cộp, đầy ắp những bằng cớ, liên quan đến cả chính ông nữa). Sau đó ông đến Sở phản gián của quân đội để rồi đem lại được sự tự do cho Von Braun, Riedel và Grottrup. Dornberger can thiệp: “ Tôi xin thề mà khai rằng, các tội nhân rất cần thiết cho sự thực hiện chương trình A4, và họ phải được tự do trong 3 tháng…”.
Nhưng, việc thắng lợi của Dornberger không có nghĩa là bọn S.S từ bỏ các mục tiêu của họ. Vào thời kỳ này, Himmler(chúa trùm S.S) không đủ mạnh để loại bỏ trọn vẹn quân đội ra khỏi chương trình A4. Nhưng cơ hội sẽ đến, khi nào họ có thể hành động được. Vào tháng 3 năm 1944, có phải luôn luôn là Himmler bị bắt buộc phải trông cậy vào các thủ thuật mà ông quen dùng và thường được thành công. Sau khi Von Braun đã từ chối sự khuyến dụ của bọn S.S, Himmler đã chuẩn bị một hồ sơ, giáng lên đầu vị  Giám đốc kỹ thuật của Trung tâm Peenemunde, hầu chứng minh rằng, Von Braun đã tính sai trong quyết định từ chối.
Nhưng, thật rõ ràng là khó tìm cách buộc tội một con người như Von Braun: bản chất trong sạch của ông đã là tất cả chứng cứ. Hơn nữa trong quá khứ ông không dính dáng gì đến chính trị. Các tên mật thám nhà nghề của Gestapo được gửi tới Peenemunde đã hoài công, cho đến một ngày có một viên chức, một nữ nha sĩ nghe được những lời mỉa mai của vị kỹ sư ở Zinnowitz. Trích nguyên văn của lời này, nghe như lời của một kẻ phản nghịch – việc ra hầu của Von Braun trước tòa án S.S không phải chuyện để xác định điều vô tội hay phạm tội của ông: mục đích của họ là để thị uy Von Braun, hầu làm cho ông chấp nhận đem tài năng mình phục vụ cho S.S. Cuộc mưu toan đã thất bại, nhất là nhờ có sự can thiệp tích cực của Dornberger. Nhưng sự kiện trên đã đem lại 3 hậu quả tai hại như sau: tạo một bầu không khí sợ hãi cho những người dân chính đang phục vụ chương trình A4, gây oán hận của Von Braun với bọn Quốc Xã và tất cả các người mật vụ, và sau hết làm chậm trễ việc đem hỏa tiễn A4 lên xạ trường thí nghiệm.
Sở tình báo Anh, hiển nhiên không hay biết gì về các ganh đua rối loạn và phức tạp đã bủa giăng quanh khí giới bí mật của Đức.Họ chỉ biết qua các phúc trình đều đặn của lực lượng kháng chiến Ba Lan là người Đức rất chuyên chú vào các cuộc thí nghiệm ở miền Nam Ba Lan khi các phúc trình này được chuyển từ Blizna về Benson, căn cứ của đơn vị nghiên cứu tài liệu không ảnh cách Blizna 1500km thì nơi này lại ở ngoài tầm hoạt động của phi cơ trình sát. Nhưng, vào tháng 4, không có trường hợp nào hơn là: Sở Tình báo Nga ( P.R.U) đã đặt cơ sở ở San Severo, Ý Đại Lợi. Và các điều kiện thời tiết cũng khá thuận lợi.
Ngày 5 tháng 4 năm 1944 – Von Braun đã trở về với chức vụ của ông – có một chiếc Mosquito cất cánh từ San Severo và chụp hình các vùng khả nghi ở Blizna: các bức ảnh không khám phá được gì ngoài một khoảng rừng thưa rộng lớn và một chỗ che kín dày đặc. Ngày 5 tháng 5, tin tức mới và bức ảnh chụp cũng tương tự như trước nhưng trong lần này, các nhà chuyên môn về giải thích không ảnh khám phá có một sự bất thường: một vật và chỉ một vật thôi. Đấy là chiếc hỏa tiễn, không ngụy trang ở nơi nào cả giống như các hỏa tiễn ở Peenemunde. Bây giờ đã cận đến ngày J, các vị chỉ huy Đồng Minh mới có được bằng chứng là người Đức vẫn tiếp tục phát triển vũ khí bí mật của họ. Trong suốt tháng 5, các giàn phóng được xem như của hỏa tiễn và bom bay bị tấn công dữ dội trong khuôn khổ của kế hoạch Crossbow, mà vị thống chế không quân, Sir Roderic Hill có thể nói rằng phần lớn các giàn phóng trên “ đã bị vô hiệu hóa”. Nhưng ít nhất cũng có một việc đáng ngại: mặc dầu tất cả những cố gắng của các hoa tiêu trinh sát, tât cả những hy sinh và mạng sống của lực lượng kháng chiến Pháp và Ba Lan để cung cấp cho người Anh các tin tức về tân vũ khí và các căn cứ phóng hỏa tiễn, “ chưa có một người nào, trong hàng ngũ Đồng Minh, dù ở cấp bậc nào biết rõ được ( đến cuối mùa xuân năm 1944) việc mà các vũ khí mới của Đức có khả năng làm được”. Không một người nào hết, kể cả con người chịu trách nhiệm nặng nề khi ra lệnh cho các lực lượng kết hợp vượt biển Manche qua tấn công quân Đức: Dwight Eisenhower.