3 - Dần...

Không khí gia đình trầm xuống, ẩn chứa sóng ngầm sau khi anh Chung đột nhiên mất tích một thời gian. Phương biết dì Thái và cha giận nhau nhưng không rõ nguyên cớ. Một buổi trưa cả nhà đang ăn cơm, cha xô cửa bước vào. Cạnh ông là anh Chung, đầu bị cạo trọc trắng hếu.
- Bà thấy đẹp mặt chưa?
- Con ơi là con - Dì Thái buông đũa khóc.
- Cái xã hội mà cha chú mày đã vào sinh ra tử tạo nên không có chút giá trị nào so với ma lực của đồng tiền xanh bên kia đại dương sao? Mày là hạt giống lép của mùa màng bội thu này. Kể từ nay đừng bao giờ gọi tao là cha nữa. Việc tao bảo lãnh mày ra khỏi chốn lao tù là thiện chí cuối cùng của tao.
Bất ngờ không kém sự trở về, anh Chung tình nguyện đăng lính. Dân Sài Gòn bắt đầu nơm nớp âu lo nghe tiếng đại bác vọng tới từ biên giới Tây Nam. Gương mặt cha dãn ra như vừa trút đi gánh nặng rất lớn. Ánh mắt dì Thái chùng xuống hơn bao giờ hết. Dì biết con cái đã trưởng thành, đã ra khỏi bàn tay chăm bẵm của dì. Ngày lên đường Chung yêu cầu không ai được theo anh ra phường đưa tiễn. Anh xoa đầu Phương, giọng nói tình cảm:
- Lại chiến tranh nhóc à. Hy vọng thế hệ của chú không phải khoác lên người nghiệp chướng binh đao. Trong chiến tranh kẻ thắng người thua là phụ, mất mát nơi con người và sự thụt lùi của xã hội là chính.
Loáng cái Khơ me đỏ bị quét đến tận bên trong biên giới Thái Lan. Xã hội hừng hực ngữ nghĩa mới, nào là diệt chủng, bành trướng và "đôi mắt mang hình viên đạn!". Báo chí ngoài mục đích tuyên truyền đã tôi luyện thêm khả năng chửi rủa. Chửi tất tần tật những thứ của kẻ thù. Không hiểu sao Phương cứ láng máng, không thể quên một bài xã luận chơi chữ có kèm tranh minh họa về chiếc "Tiểu bình" vỡ tung ra vì cố gắng nhồi nhét "Bốn hiện đại hoá".
- Chửi vậy là thường, sớm muộn sẽ tự ngượng mồm. Người Tàu dễ dàng dịch chữ "bá quyền" và "bành trướng" của ta một cách văn hoa là "Từ thuở mang gươm đi mở cõi" - Thầy giáo dạy văn của Phương hỏi thêm - Cả lớp biết tại sao Nguyễn Trãi viết Bình Ngô chứ không phải Bình Minh Đại cáo không?
Chẳng đợi học trò suy nghĩ thầy tự trả lời luôn:
- Này nhé, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương người đất Ngô. Chửi thâm nho nhất là réo tên tông tộc người ta mà bêu.
Anh Dũng ra trường, cưới vợ và đi làm giữa thời buổi bo bo, mì sợi. Có thêm chị dâu nhưng Phương vẫn thấy ngôi nhà chẳng hề bớt lạnh. Chị Linh vợ anh là xã viên hợp tác xã dệt thảm len. Tính chị bặt thiệp và anh Dũng ít nói nên gia đình thiếu hẳn tiếng cười. Ngoài giờ đi học, nếu không tập đàn hoặc ôn bài, Phương lang thang khắp phòng trong, sân ngoài. Hơn năm năm không bảo dưỡng, căn nhà đang xuống cấp trông thấy. Các bồn hoa bên cửa sổ xác xơ, loang đầy cỏ dại. Mảnh sân rộng thu hẹp dần với những luống rau tươi, thậm chí có lúc còn được ngăn lại làm chuồng heo hoặc đào vét trữ nước nuôi cá trê phi. Vài nơi lớp vôi cũ lộ ra làm bức tường có vẻ sáng sủa hơn. Nhiều khi Phương ngồi cả giờ đồng hồ ngắm các hình thù ngẫu nhiên trên vách một cách say mê. Tâm trạng khác nhau qui định trí tưởng tượng không đồng nhất trên cùng một thể thức. Đường cong ngẫu nhiên khi là bóng mẹ hiền, lúc là chiếc áo choàng đen phù thủy. Có thể đây là chìa khóa lý giải sự định hình tâm lý của Phương sau này. Nỗi cô độc từ bé khiến tinh chất ngây thơ của cậu không bao giờ mất đi hoặc biến chuyển phù hợp với hoàn cảnh. Trải qua càng nhiều khúc quanh, Phương lại khao khát một chân trời ổn định, bình lặng mang dáng vẻ cầu toàn. Hoặc trái ngược hẳn, đó là nỗi hoài nghi dẳng dai. Càng hướng tới những giá trị tuyệt đối, Phương càng dễ tổn thương. Cậu bị ám ảnh bởi nhiều chân lý rạch ròi, minh bạch chỉ có trong truyện cổ tích.
Kinh tế sa sút thảm hại, dì Thái bắt buộc phải lén cha nhận những thùng hàng chị Dung gởi về mới mong cả nhà đủ cơm ăn, áo mặc. Nỗi lo dì dành hết cho anh Chung ngoài mặt trận. Để gác qua phiền muộn, dì dồn nhiều thời gian của mình cho Phương. Một sáng Phương đang trả bài bên chiếc Dương cầm, tiếng chuông gọi cửa bỗng dồn dập.
- Má ơi con đã về! - Anh Chung nghẹn lời.
- Trời đất! Con có thương tích gì không? Dì Thái vội vàng cởi chiếc áo sơ mi của anh Chung và gục mặt vào mấy vết sẹo ngang dọc còn hồng màu da non.
- Số con cao lắm má à. Con cần má giúp đỡ.
- Lại xảy ra chuyện gì sao con?
- Má cho con xin năm cây vàng. Con muốn ra đi.
- Trời ơi… Ba con mà biết thì…
- Do đó con cần đi liền. Con không thể bỏ xác tại những cánh rừng nhiệt đới bên kia biên giới. Nhiệm vụ con đã hoàn thành. Con không có cơ hội sống sót trong tương lai. Những bẫy mìn, những trận phục kích triền miên. Con vừa thoát chết trong gang tấc. Để hỗ trợ quân bản xứ, trung đoàn trưởng xếp tân binh người ta sau đội hình tiến công. Bọn nó đồng ngôn ngữ nên đã liên lạc vô tuyến và cùng nổ súng. Con là một trong tám kẻ trở về được hậu cứ, thương tích đầy người.Má ơi, cái quí nhất con có lúc này là sinh mạng chính mình. Hơn ai hết má biết con chưa bao giờ đạo đức giả. Con đâu biết mình sẽ làm được gì nay mai, nhưng má hãy tin con không chấp nhận kiếp sống thừa. Con sẽ tạ lỗi với ba sau. Con chẳng nỡ oán ghét ba đâu má à.
Dì Thái biết anh Chung đã dứt khoát. Dì đưa anh hai chiếc nhẫn kim cương và dặn Phương giữ kín việc anh vừa ghé qua nhà. Chung khóc. Anh ôm chặt mẹ mình và cả Phương vào lòng:
- Tổ quốc bắt đầu từ ruột thịt. Con nhớ ba má và anh em nhiều lắm. Rồi con cố tìm chị Dung. Ba má ở lại mạnh giỏi. Hãy luôn làm vui lòng ba và mọi người Phương nhé.
Chung vượt biển trót lọt trong khi cha cứ ngỡ anh mất tích, bỏ xác !!!3705_5.htm!!! Đã xem 51920 lần.


Nguồn: VN Thư Quán - Thư viện Online
Được bạn: TSAH đưa lên
vào ngày: 3 tháng 8 năm 2004