Ở Bến Tre, người ta thường nhắc đến nhà của các đại điền chủ như Hương Liêm (Huỳnh Ngọc Khiêm), Phủ Kiểng (Nguyễn Duy Hình) và Phó Hoài tức Hội đồng Hoài. Nhà của ông Hương Liêm cất kiểu xưa, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đồ sộ, kiến trúc gần giống ngôi đình, có 4 mái. Nhà có 4 cây cột bằng căm xe, lên nước bóng ngời, một người ôm không xuể... Xuyến, trình, kèo và ngay cả nóc nhà đều chạm trổ tinh vi. Trong nhà, bàn tủ, trường kỷ, ghế ngồi đều chạm khắc theo điển tích xưa, cẩn xà cù. Tuổi ngôi nhà Hương Liêm nay suýt soát 100 năm. Các thợ chạm rước từ miền Trung. Theo các cụ ở Mỏ Cày kể lại, khi khỏi công làm nhà, ăn bưởi cúng khai trương, rồi liệng hột ra trước sân. Làm xong nhà, cây bưởi cũng bắt đầu có trái (khoảng 5 năm). Tuy sống trong cảnh giàu sang, nhưng ai cũng nghĩ đến ngày chết. Họ cũng bỏ ra một số tiền lớn để xây nhà mồ dành riêng cho mình. Những chỗ đất ấy, được các thầy địa lý chọn lựa rất kỹ, hy vọng con cháu đời đời hưởng giàu sang phú quý. Gia đình ông Hương Liêm xây nhà mồ bằng đá xanh Biên Hoà, diện tích rộng 3000m2. Gia đình Phủ Kiểng xây nhà mồ bằng đá cẩm thạch mua từ núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng. Ở làng Thạnh Thói, quận Mỏ Cày, có ngôi mộ của ông Hàm Vàng (Nguyễn Tắc Vạn) cũng quy mô tương tợ. Xung quanh ngôi mộ có tường thành, có cổng sắt. Ngay chính giữa là mộ hai vợ chồng. Các mộ phía sau là hàng con, rồi cháu, chắt. Trong nhà mồ có mấy chục bức tượng đắp nổi, trong đó có tượng của chính ông, lớn bằng người thật, được tạc từ lúc ông còn sinh tiền.Nhà của ông chủ Trần Đắc Lý, con bà Hương Chanh, được cụ Vương Hồng Sển kể lại như sau: “Nhà chủ Lý, một ngôi nhà có 3 căn, lẫm lúa, cội núi dăng dăng. Lý là tay hào hiệp, coi tiền như đất. Không đẹp mà khoái lạc nhứt là cơ ngơi của Trần Kế Vĩnh (em chủ Lý), người đời thường gọi “Cậu Hai Vênh”. Nhà ở là một nhà lâu của ông bà để lại, luỵ thấp xưa mà kiên cố. Vách tường dài 3 lớp gạch (tường ba mươi), bọc thêm bên trong một lớp hàng rào sắt 3 phân tròn, không sợ giặc cướp. Nhà cất nối dài cho gia nhân...Nhà văn Phạm Quỳnh vào Nam Kỳ, du lịch một tháng. Ông ngồi tàu chạy trên sông Cửu Long quan sát hai bên bờ sông: “Thường trông hai bên bờ, có những nhà ngói, nền cao, cửa kiểng, cửa chớp, hàng rào sắt chạy dài, thềm xây ngay trên mặt nước, ngoài đặt cái cầu nhỏ, dẫn ra nhà thuỷ tạ con. Lại thấy vài ba cái thuyền máy (ca-nô) để chung quanh. Hỏi ra thời là nhà của thầy Cai tổng, cụ điền chủ này, hay ông Hội đồng nọ... toàn là những mặt phú hào trong xứ. Coi những cơ ngơi đó thì đủ biệt các bậc chủ nhân giàu có là dường nào. Có nơi xây trên bờ sông, dài mấy trăm thước, trông những nhà, những vườn, những lầu những gác nhấp nhô như những thành nhỏ... mà toàn là dinh cơ của một người”.Ngày nay, đi ghe dưới sông ở Tam Bình, Vọng Liêm, hay sông Long Hồ, người ta cũng còn thấy những nhà mát kiểu xưa, cất kiểu lương đình, thuỷ tạ của các đại điền chủ như nhắc nhở thời vàng son thuở trước. Nhận xét về cho Sa Đéc năm 1918, Phạm Quỳnh viết:Trong các phố ta (khu bản xứ) thì thường trông thấy những nếp nhà nho nhỏ xinh xinh, có thềm mà không có lầu, nửa Tây nửa ta, tịch mịch, êm đềm, coi có cái vẻ phong phú tắm: chắc là nhà của quan phủ, huyện của thầy cai tổng, hay của cụ điền chủ hay ông hội đồng nào”.