May thay vài ngày sau tình hình khá lên nhiều. Thành phố tuyên bố là một pháo đài và người chỉ huy được chỉ định, ông ta phát ra lời kêu gọi dân chúng ở đâu nguyên đấy và sẵn sàng bảo vệ Warsaw. Cuộc phản công của quân đội Ba Lan được tổ chức ở bờ bên kia, chỗ ngoặt của dòng sông, trong lúc đó chúng tôi phải ghìm lực lượng chủ chốt của quân thù ở Warsaw cho đến khi người mình đến tiếp viện. Tình hình quanh Warsaw cũng đang khá lên, pháo binh Đức đã ngừng pháo kích vào thành phố. Mặt khác, những cuộc oanh kích của kẻ thù đang đến gần. Hiện giờ không có báo động phòng không nữa, chúng đã làm tê liệt thành phố và những thứ chuẩn bị để phòng thủ đã quá lâu. Hầu như giờ phút nào cũng có những chiếc máy bay ném bom màu trắng bạc xuất hiện tít trên cao, in trên nền trời mùa thu xanh ngắt, xanh đến lạ thường, và chúng tôi nhìn thấy các cuộn khói màu trắng của các khẩu pháo phòng không bắn lên. Lúc đó chúng tôi phải chạy vội xuống hầm trú ẩn. Bây giờ không phải là trò đùa, cả thành phố là mục tiêu ném bom. Sàn và các bức tường của hầm trú ẩn rung lên, và nếu bom rơi trúng toà nhà mà bạn đang nấp phía dưới, có nghĩa là cầm chắc cái chết, chẳng khác viên đạn là trò chơi chết người của bàn cò quay Nga. Xe cứu thương thường xuyên chạy khắp thành phố, và lúc chạy thường kéo theo các taxi, có khi cả xe ngựa chở người chết và người bị thương nhặt trong đống đổ nát. Tinh thần dân chúng rất cao và nhiệt tình cứ lớn lên từng ngày. Chúng tôi không còn dựa vào sự may mắn và tự phát của từng người như trong ngày 7 tháng Chín nữa. Lúc này chúng tôi là một đội quân có chỉ huy và quân trang, quân dụng. Chúng tôi có mục đích rõ ràng - tự vệ - và hoặc thành công hay thất bại, đều phụ thuộc vào bản thân chúng tôi. Chúng tôi chỉ sử dụng sức mạnh của chính mình. Tổng chỉ huy kêu gọi dân chúng đào hào chung quanh thành phố để chống xe tăng của Đức. Tất cả chúng tôi đều tình nguyện đi đào, chỉ có mẹ tôi ở nhà buổi sáng trông nom nhà cửa và nấu ăn cho chúng tôi. Chúng tôi đào suốt theo sườn đồi ở ngoại ô thành phố. Một khu biệt thự duyên dáng đứng phía sau chúng tôi, và công viên thành phố đầy cây to ở phía trước. Công việc này thật sự dễ chịu nếu không có những trận ném bom nhằm vào chúng tôi. Chúng không đặt biệt chính xác, và rơi cách xa, nhưng lúc nghe tiếng bom rít qua khi chúng tôi đang đào hào thì chẳng dễ chịu tí gì, khi biết một trong những quả bom đó có thể rơi vào chúng tôi. Hôm đầu tiên, một ông già Do Thái mặc caftan [1], đội yarmulka [2] đào đất cạnh tôi. Ông đào hăng hái, hất từng xẻng đất như thể đó là kẻ thù, mie6.n sùi bọt, bộ mặt xanh tái ròng ròng mồ hôi, toàn thân ông lão run lên, các bắp thịt teo lại. Ông lão nghiến răng lúc làm việc, như ngọn gió lốc của chiếc caftan đen và chòm râu dê. Công việc lao động nặng nhọc bền bỉ vượt xa khả năng bình thường của ông, làm mất cả những kết quả nhỏ bé. Mũi xẻng của ông lão khó mà xuyên qua được lớp bùn đặr quánh, những hòn đất khô màu vàng ông bật lên lại rơi vào lòng hào trước khi ông già tội nghiệp rán sức vượt bậc để vung xẻng hất bùn ra ngoài hào. Có nhiều lúc ông lão dựa lưng vào thành hào ho sù sụ. Tái nhợt như người chết, ông lão hớp từng ngụm rượu bạc hà cho các bà già làm. Họ đã quá già không thể đào hào được nhưng muốn làm việc gì có ích. Cụ làm việc quá sức đấy – tôi nói với ông lão trong lúc nghỉ - Cụ không nên đào đất khi không được khoẻ. – Cảm thấy thương ông già, tôi cố thuyết phục ông nghỉ việc, rõ ràng ông lão chẳng thích hợp với công việc này – Với lại chẳng có ai đòi hỏi cụ phải làm việc này. Ông già liếc nhìn tôi trong lúc vẫn thở nặng nhọc, rồi ngước đầu nhìn bầu trời êm ả, xanh như ngọc bích vẫn lởn vởn các cụm mây trắng nho nhỏ do các mảnh đạn trái phá nổ tung, một vẻ vui sướng vô ngần xuất hiện trong mắt ông, dường như ông lão nhìn thấy Yahweh trên thiên đường với tất cả sự đường bệ của Người. Tôi có một cửa hiệu – ông lão thầm thì. Ông buột ra một tiếng thở dài sâu hơn và đột nhiên nức nở. Sự liều lĩnh tuyệt vọng biểu hiện trên mặt ông lúc ông lại lao vào cầm cái xẻng để bên cạnh ông, với tất cả sự cố gắng khôn cùng. Sau hai ngày, tôi thôi không đi đào hào nữa. Tôi nghe tin đài phát thanh có giám đốc mới là Edmund Rudnicki là người đã từng lãnh đạo ban âm nhạc. Ông không bỏ chạy như những người khác, mà tập hợp các đồng sự đang phân tán và khai trương lại đài phát thanh. Tôi quyết định rằng tôi làm việc ở đó có ích hơn là đào đất, mà đúng như vậy, tôi chơi nhiều loại, cả độc tấu lẫn đệm đàn. Trong khi đó, có thể nói tình hình của thành phố bắt đầu xấu đi, tỷ lệ nghịch với lòng can đảm và sự quyết tâm của dân chúng. Pháo binh Đức lại bắt đầu nã đạn vào Warsaw, lúc đầu là vùng ngoại ô, sau đó pháo kích vào trung tâm thành phố. Ngày càng có nhiều tòa nhà mất bay cửa sổ, nhiều lỗ hổng trên tường nơi bị trúng đạn, và các góc nhà bị sạt đi. Ban đêm bầu trời đỏ lừ vì những đám cháy và không khí sặc mùi khét lẹt. Các thứ dự trữ hoạt động rất kém. Đây là điểm mà viên thị trưởng thành phố anh hùng Starzynski đã lầm, lẽ ra ông không nên khuyên dân chúng chống lại việc tích trữ lương thực, thực phẩm. Hiện giờ thành phố không chỉ nuôi dân mà còn nuôi cả binh lính mắc kẹt trong thành, và quân đội Postnan từ phía Tây trên đường đi qua Warsaw để củng cố phòng tuyến. Khoảng 20 tháng Chín, cả gia đình tôi dọn ra khỏi căn hộ ở phố Sliska, đến nhà bạn ở tầng một của ngôi nhà trên phố Panska. Chúng tôi chẳng thích thú gì các hầm trú ẩn tránh bom. Khó mà thở được trong bầu khí ngột ngạt ở dưới hầm, và trần hầm thấp có thể sập xuống bất cứ lúc nào, chôn vùi mọi thứ bên dưới cùng với toà nhà nhiều tầng đổ nát ở trên. Nhưng cũng khó mà chịu đựng được dai dẳng trong căn hộ trên tầng ba của chúng tôi. Chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng những quả đạn pháo rít qua cửa sổ, làm vỡ tan hết các cửa kính, và một trong những quả đạn ấy có thể dễ dàng trúng nhà trên đường xuyên qua không khí. Chúng tôi nghĩ ở tầng một vẫn tốt hơn, đạn pháo câu vào các tầng ở trên cao và nổ tung ở đó, còn chúng tôi sẽ không phải xuống hầm. Trong nhà bạn chúng tôi đã có rất đông người, cho nên chúng tôi phải ngủ trên sàn. Trong thời gian Warsaw bị bao vây, chương đầu trong câu chuyện thê thảm của thành phố sắp đến hồi kết. Tôi càng ngày càng khó đi được đến trung tâm phát thanh. Xác dân chúng và ngựa bị pháo kích nằm la liệt trên đường phố, cả thành phố chìm trong lửa, hệ thống cung cấp nước của thành phố bị pháo kích và bom phá huỷ, không tài nào dập tắt được các đám cháy. Chơi đàn ở studio cũng rất nguy hiểm. Bọn Đức nã đạn vào các vị trí quan trọng nhất trong thành phố và sau khi phát thanh viên tuyên bố chương trình, bọn Đức pháo kích vào đài phát thanh. Trong giai đoạn áp chót của cuộc vây hãm, nỗi lo sợ bị phá hoại của dân chúng lên tới cao điểm, đến mức hoảng loạn. Ai cũng có thể bị buộc tội là do thám và bị bắn bất cứ lúc nào, trước khi kịp thanh minh. Trong ngôi nhà chúng tôi lưu lại cùng bè bạn, có một bà cô già, một giáo viên dạy nhạc sống ở tầng bốn. Thật rủi cho bà lại mang họ Hoffer và bà là người can đảm. Lòng can đảm của bà được miêu tả như một kiểu lập dị. Không một trận oanh tạc hay pháo kích nào làm bà xuống hầm, thay vào đó trước giờ ăn trưa, bà chơi đàn đến hai tiếng đồng hồ liền. Bà vẫn giữ mấy con chim trong lồng trên ban công nhà bà và cho chúng ăn ba lần một ngày, đều đặn, ngoan cường. Cái kiểu sống ấy nhìn thật lạ lùng, khác biệt trong thành phố Warsaw bị vây hãm. Hình như có nhiều nghị vấn từ các cô hầu gái sống trong toà nhà. Họ gặp nhau trong các buổi trò chuyện chính trị ở nhà người quản gia. Sau một hồi chuyện tới chuyện lui, họ đi tới kết luận khẳng định rằng cô giáo có cái tên Đức không thể nhầm được kia ắt phải là người Đức, và cái kiểu chơi đàn dương cầm của cô là một loại mật mã để cô gơỉ tín hiệu cho các phi công lái Luftwaffe, bảo họ ném bom xuống chỗ nào. Ngay tức khắc những người đàn bà nôn nóng này đến chỗ cô gái già lập dị, trói bà ta lại, lôi bà ta xuống cầu thang và nhốt bà vào một gian hầm cùng với lũ chim là chứng cứ phá hoại của bà. Không ngờ là họ đã cứu sống bà, vài giờ sau một quả đạn rơi trúng vào căn hộ của bà và phá huỷ toàn bộ. Tôi chơi đàn trước micro lần cuối cùng vào ngày 23 tháng Chín. Tôi không hề biết làm sao ngày hôm ấy tôi lại đến trung tâm phát thanh được. Tôi chạy trên lối đi từ toà nhà này sang toà nhà khác, tôi nấp, rồi chạy ra đường phố lúc tưởng không còn nghe thấy tiếng rít của đạn pháo vèo qua. Tôi gặp thị trưởng Starzynski ở cửa trung tâm phát thanh. Tóc tai ông rối bù, không cạo râu, gương mặt ông đượm vẻ mệt mỏi đến chết. Đã nhiều ngày nay ông không được ngủ. Ông là trái tim, là linh hồn của phòng tuyến, ông là người anh hùng thật sự của thành phố. Toàn bộ trách nhiệm về số phận của Warsaw đổ lên vai ông. Ông có mặt ở khắp nơi: ông đến các chiến hào, trông nom việc làm các chướng ngại vật, thành lập các bệnh viện, phân phối số lương thực thực phẩm ít ỏi sao cho hợp lý, phòng chống oanh kích, phục vụ các hoả lực, và vẫn tìm được thời gian để hàng ngày trò chuyện với dân chúng. Mọi người háo hức đợi các bài diễn thuyết của ông và nhờ đó lấy lại được can đảm, chẳng có lý gì mọi người lại mất nhiệt huyết trong khi rõ ràng là thị trưởng vẫn có. Đàng nào thì tình hình cũng không đến nỗi quá xấu. Pháp đã chọc thủng phòng tuyến Siegfried, Hamburg đã bị không quân Anh ném bom dữ dội, và hiện giờ quân đội Anh có thể đổ quân lên nước Đức bất cứ lúc nào. Hoặc chúng tôi tưởng như thế. Trong ngày cuối cùng ở đài phát thanh, tôi đã độc tấu một bản nhạc của Chopin. Đây là buổi phát thanh nhạc sống cuối cùng của Warsaw. Nhiều quả đạn pháo nổ gần trung tâm phát thanh đúng lúc tôi đang chơi đàn, các toà nhà bốc cháy rất gần chỗ chúng tôi. Tôi gần như không thể nghe thấy tiếng đàn của mình qua những âm thanh ồn ào. Sau bản độc tấu, tôi phải đợi hai giờ liền để cho cuộc oanh kích dịu đi tôi mới trở về nhà được. Cha mẹ, các anh chị tôi tưởng tôi đã chết, và mừng tôi như đón một người mới chui dưới mộ lên. Cô hầu gái của chúng tôi là người duy nhất nghĩ rằng mọi sự lo lắng đều không cần thiết. Đàng nào thì cậu nhà cũng có giấy tờ trong túi áo – cô nói rõ – nếu cậu ấy bị chết, họ sẽ đưa cậu ấy về tận nhà. Vào lúc ba giờ mười lăm chiều hôm ấy, đài phát thanh Warsaw tắt ngóm giữa không trung. Đài đang phát bản concerto cho dương cầm điệu đô thứ của Rachmaninov, phần thứ hai tuyệt đẹp, thanh thản, sắp đến đoạn kết thì bị bom Đức đánh sập trạm phát điện. Các loa phóng thanh trên toàn thành phố câm bặt. Cho đến tối, bất chấp những cuộc pháo kích bùng nổ dữ dội, tôi cố sáng tác bản concerto cho dương cầm và dàn nhạc. Tôi vẫn làm việc suốt tháng Chín, dù mỗi ngày một khó khăn hơn. Tối hôm ấy, lúc hoàng hôn đã buông, tôi thò đầu ra cửa sổ. Đường phố vắng ngắt, đỏ hồng vì ánh lửa của các đám cháy, không một tiếng động ngoài tiếng vọng của các đạn pháo đang nổ. Phía bên trái phố Marszalkowska đang bốc cháy, cả phố Krolewska và quảng trường Grzybowski đàng sau nhà tôi và phố Sienna ở ngay đàng trước cũng đang cháy. Hàng đụn khói nặng nề, đỏ như máu hiện ra lờ mờ phía trên các toà nhà. Đường phố và các vỉa hè nào cũng rắc đầy truyền đơn Đức trắng xoá, không ai nhặt lên vì người ta đồn chúng được tẩm thuốc độc. Hai cái xác nằm ở ngã tư dưới cột đèn, một người dang rộng cánh tay, người kia nằm cuộn tròn như đang ngủ. Bên ngoài nhà chúng tôi có xác một phụ nữ bị bay mất đầu và một cánh tay. Một cái xô nằm lật ngược bên cạnh, chắc hẳn chị ta đang trên đường đi lấy nước ở giếng. Máu của chị chảy vào rãnh nước thành một dòng dài, đen sẫm, rồi vào cái cống thoát đậy nắp lưới sắt. Một xe ngựa kéo đang đi ngúc ngắc từ phố Wielka xuống phố Zelazna. Khó mà biết làm sao nó đến được đây, và làm sao cả con ngựa lẫn người đánh xe đều bình tĩnh như không có gì xảy ra quanh họ. Người đánh xe ghìm ngựa lại ở góc phố Sosnowa, như phân vân xem nên rẽ hay đi thẳng. Sau giây lát ngẫm nghĩ, anh ta chọn đi thẳng, anh chắc lưỡi và con ngựa tiếp tục đi nước kiệu. Cả hai vừa đi được mươi bước thì có tiếng đạn pháo rít, một tiếng vang ầm, rồi đường phố sáng trắng lên trong giây lát như đèn chớp lúc chụp hình, tôi loá cả mắt. Lúc mắt tôi lại quen với ánh sáng lờ mờ, chẳng còn chiếc xe đâu nữa. Nhiều mảnh gỗ vụn tan tành, vết tích của các bánh xe và càng xe, những mẩu ghế, xác của người đánh xe và con ngựa tan nát, nằm sát cạnh bức tường của toà nhà. Nếu như anh ta rẽ sang phố Sosnowa thì… Những ngày 25 và 26 tháng Chín khủng khiếp đã đến. Tiếng pháo kích dồn dập hoà với tiếng súng máy gầm không ngừng, tiếng máy bay bổ nhào như tiếng máy khoan điện đang khoan nhiều lỗ trên thép. Không khí nặng những khói, bụi của gạch ngói vữa vỡ nát. Nó ở khắp mọi nơi, làm dân chúng ngạt thở, phải chúi trong hầm hoặc trong nhà, ở càng xa đường phố càng tốt. Tôi không hiểu làm sao mình lại sống sót qua được những ngày này. Một mảnh bom đã giết chết người ngồi cạnh tôi trong phòng ngủ của bạn tôi. Tôi trải qua hai đêm và một ngày cùng mười người đứng trong một phòng vệ sinh nhỏ xíu. Vài tuần sau, lúc chúng tôi không biết sao lại có thể làm được như thế, chúng tôi thử len lại vào đó một lần nữa và thấy chỉ có thể vừa cho tám người, trừ phi người ta kinh hoàng vì cuộc sống của họ. Warsaw bị bao vây vào ngày thứ Tư, 27 tháng Chín. Đã hơn hai ngày nay, tôi mới dám ra ngoài và đi vào thành phố. Tôi trở về nhà trong nỗi thất vọng sâu sắc: thành phố không còn tồn tại nữa, hoặc lúc đó tôi còn non nớt nên nghĩ như thế. Nowy Swiat là một đường phố hẹp, lượn qua nhiều đống gạch vụn. Đến góc phố nào tôi cũng phải đi vòng tránh các chướng ngại vật dựng bằng các toa xe điện lật nhào và những tấm đá lát đường đã mòn. Nhiều xác chết đã bắt đầu thối rữa chồng chất trên các đường phố. Dân chúng đói khát vì bị phong toả, bắt đầu xâu xé xác những con ngựa nằm rải rác. Nhiều ngôi nhà đổ nát vẫn đang cháy âm ỉ. Tôi đang ở phố Aleje Jelozolimskie thì một chiếc xe mô tô từ hướng sông Vistula áp sát. Hai tên lính mặc quân phục màu xanh lá cây lạ lẫm, đội mũ sắt ngồi trên. Chúng có bộ mặt to, dửng dưng và mắt màu da trời nhạt. Chúng dừng xe cạnh một vỉa hè và gọi một cậu bé đang hoảng hốt. Chúng tiến đến cậu bé: Marschallstrass! Marschallstrass! Chúng nhắc đi nhắc lại từ ấy, gọi phố Marszalkowska theo kiểu Đức. Cậu bé chỉ đứng đó, lúng túng, miệng há hốc, không thốt nên lời. Bọn lính đã mất hết kiên nhẫn: Ô! Quỷ tha ma bắt mày đi! – Tên lái xe quát và làm một cử chỉ giận dữ. Hắn dận ga và chiếc mô tô rồ máy phóng thẳng. Đó là những tên Đức đầu tiên tôi thấy. Vài ngày sau, những bản thông báo bằng hai thứ tiếng xuất hiện trên các bức tường của Warsaw do tên chỉ huy Đức phát hành và hứa hẹn những điều kiện làm việc ổn định cho dân chúng và bảo vệ nước Đức. Có một phần đặc biệt dành riêng cho người Do Thái: họ được bảo đảm mọi quyền lợi, không bị xâm phạm tài sản và tính mạng của họ được an toàn tuyệt đối. Chú thích:[1] Caftan: Áo khoác ngoài kỉêu Thổ Nhĩ Kỳ, có dây thắt lưng. [2] Yarmulka: Mũ của đàn ông Do Thái đội khi cầu nguyện.