Chương 41

    
rời chưa sáng nhưng Cang đã thức dậy. Tiếng súng từ thành phố Phan Rang dường như đã im rồi. Nó nghĩ đến việc vượt qua thành phố rực lửa ấy mà thao thức đến sáng. Người mẹ Chăm cũng đã thức dậy từ lúc nào và nấu một nồi khoai. Cang xin mấy củ bỏ túi rồi chào mọi người ra đi. Cám ơn người mẹ, cám ơn người cha, cám ơn tất cả. Nó đi rảo trong làng hỏi mua xăng từng nhà nhưng không ai có, cuối cùng một thanh niên làm nghề chài cá đã để lại cho nó nửa lít. Nó mua thêm nửa lít dầu lửa trộn chung lại và đổ vô bình.
Trời sáng rõ. Lửa đã tắt trên thành phố trước mặt nhưng súng nhỏ vẫn còn nổ không dứt. Mười lăm phút sau Cang vào thành phố Phan Rang.
Đó là một thành phố của tiểu bang Texas Hoa Kỳ cách đây hơn một trăm năm. Thành phố đóng cửa kín mít và trên đường lính rằn ri mũ xanh mũ đỏ mũ nâu, lính để đầu trần, banh ngực, xâm mình chằng chịt, súng M16 kẹp nách, xách lủng lẳng, chĩa lên trời, đi nghênh ngang, cười toe toét, bắn phá vung vít.
Súng nổ như bắp rang, nổ lụp bụp, nổ giòn, nổ loạn xạ. Càng đi sâu vào thành phố súng càng nổ dữ. Lính tráng, thanh niên du đãng xì ke, trẻ em bụi đời… kéo nhau đi tàn phá thành phố.
-Một, hai, ba!!…
-Một, hai, ba!!…
-Chát chát!
Tiếng cây xà nhà dộng vào cửa sắt và tiếng cửa sắt rung rổn rảng, tiếng cười nói, văng tục, la hét trộn lẫn tiếng súng M16 bắn loạn xạ khắp nơi.
Thành phố bốc khói.
Mấy dãy nhà lầu ở đường Thống Nhất bị đốt cháy rụi từ chiều hôm qua chỉ còn trơ mấy bức tường đổ nát cháy đen và tro than còn nghi ngút khói. Những trạm xăng bị tàn phá cướp bóc và thiêu hủy chỉ còn lại một nền xi-măng đen kịt và mấy tấm bảng quảng cáo tiêu điều.
-Một, hai, ba…!…
Cánh cửa sắt bị phá tan và toán người ùa vô, cướp bóc, chen lấn, giành giựt.
-Một, hai, ba…!
Mấy loạt đạn bắn soạt soạt làm bể mấy khung cửa kính của dãy lầu bên trái. Một toán lính rằn ri xách súng chạy lom khom trên vỉa hè, mặt ngó dáo dác trên mấy từng lầu.
-Đ.m. Nó vô trong nhà đóng cửa.
-Soạt! Soạt! Soạt!
Mấy loạt “ra-phan” M16 quét lên các lan can. Soạt! Soạt! Con đường xuyên qua thành phố Phan Rang quá dài, quá hiểm trở. Cang vừa lái xe vừa tránh né, cúi khom, lách bên trái, lách bên phải mà chạy. Súng đạn ném đầy đường. Vật dụng, bàn ghế, xe cộ, vung vãi đầy đất.
-Soạt! Soạt! Soạt!
Tiếng nổ trở thành tầm thường. Tai nghe đã quen. Những loạt đạn bắn sát bên mình nghe như tiếng cát sạn vãi trên mái nhà.
-Một, hai, ba. Hụi nè! … è… è…
Điệp khúc man rợ ấy dấy lên khắp nơi. Và những đôi mắt lấp ló, lấp ló sau những cánh cửa.
Mấy chiếc quan tài gỗ thô sơ ai xếp bên đường phố gần ngã ba đi Đà Lạt?
Cang thoát ra khỏi thành phố Phan Rang. Tại sao mình vẫn còn sống? Nó tự hỏi. Tại sao chiếc xe Hon-đa vẫn có thể chạy bằng dầu lửa?
Ra khỏi Phan Rang chừng mười lăm cây số thì trời đổ mưa. Trận mưa rào nhỏ nhưng kéo dài. Trời bỗng mát dịu. Nó thoát nạn. Đường số Một vắng tanh và bóng loáng nước mưa. Đường vắng, Cang thấy buốt lạnh. Nó móc khúc bánh mì để dành từ sáng ra ăn ngấu nghiến, tuy vậy nó vẫn run lên. Tấm thân ốm yếu nghiện ngập của nó đã bị thử thách quá nhiều. Nó cảm thấy hết chịu nổi những cơn gió lạnh sũng đầy hơi nước. Nó bớt ga cho xe chậm lại.
Một chiếc xe Jeep từ hướng Cam Ranh đi vào?
Đi chậm.
Và dừng lại chặn đường Cang.
Một quái xế nhảy xuống xe, lên cò súng. Mấy thằng khác ngồi vắt vẻo trên xe cười hăng hắc.
-Cho mượn cái xe.
Một loạt súng chỉ thiên tiếp theo câu nói. Một họng súng chỉa thẳng vô ngực. Giọng cười xỏ lá nhứt trần gian. Và cái nhìn đục ngầu. Tên cướp nhảy lên xe Cang. Bỏ số cái cụp.
Vĩnh biệt chiếc Hon-đa 67 sơn màu đỏ tía.
Cái gì của “người ta” hãy trả lại cho “người ta”.
Bọn cướp cạn kéo đi. Tiếng cười còn vang trong cơn mưa. Cang cúi xuống cầm lấy cái xách tay.
Như vậy là lính còn ở Cam Ranh. Hôm nay là ngày 3 tháng 4 năm 1975 hơn tám giờ sáng.
Cang bước từng bước khó nhọc giữa cơn mưa bụi.
°
Ra tới cầu, Cang gần như kiết sức.
Cầu. Cầu gì? Cây cầu kế bên một rừng dừa cách Cam Ranh chừng hai mươi lăm cây số về phía Nam. Chiếc cầu đã bị máy bay phản lực thả sập cách đây ba hôm với ý định cản trở mũi tiến quân của xe tăng quân giải phóng từ Nha Trang vào.
Một rừng người và xe cộ đủ loại đang mắc kẹt dưới chân cầu từ mấy hôm nay khi họ tìm cách lội xuống nước để vượt qua. Đoàn người chen chúc nhau cố vượt qua con suối càng lúc càng đông. Xe cộ ứ nghẹn, ngã nghiêng bên triền dốc, chúi mũi xuống lòng sông, chổng bánh lên trời cạnh những bụi rậm hay đang rú hết ga hai bánh xoay tít bắn bùn tung tóe mà không vượt qua được chỗ mắc lầy.
Và giữa đám cơ giới ồn ào hỗn loạn ấy, con người nhỏ bé len lỏi đi, lội qua nước, bước qua rào, lao qua hố, ống quần xắn cao bê bết bùn, áo rách toát mồ hôi thấm ướt lưng, kẻ bồng con người dắt cháu, kẻ gánh gồng người đội va-li… người ra sức đẩy xe Hon-đa vượt lên dốc cầu lở lói gồ ghề.
Bây giờ Cang mới thấy mất xe Hon-đa vậy mà tiện việc, nếu không chắc nó cũng chẳng biết làm sao đem nổi chiếc xe vượt qua rừng người và xe cộ hỗn loạn như thế!
Nó lội bộ. Nó nhập vô rừng người hỗn loạn ấy.
-Ầm! Ầm! Ầm! Ầm!
Bốn tiếng nổ nhịp hai, long trời lở đất.
-Cái gì vậy?
-Máy bay.
-Máy bay phản lực.
Hai chiếc A37 đang quần đảo trên sườn núi phía Bắc.
-Máy bay đang tấn công chiến xa Việt cộng.
-Trời ơi sao gần quá vậy?
Rừng người im lặng một cách lạ thường. Sau bốn tiếng nổ liên tiếp ấy bốn tiếng nổ khác lại vang lên. Chiếc máy bay này vừa ngóc đầu lên thì chiếc kia đã cắm xuống. Hai chiếc A37 thi nhau trút bom xuống mục tiêu tới tấp. Không một tiếng súng bắn trả. Thả hết bom mang theo bọn phản lực cơ lượn một vòng quan sát trận địa rồi bay thẳng về phía Nam.
Rừng người và xe cộ hoạt động trở lại.
Cang len lỏi đi. Lê lết. Lồm cồm. Lom khom. Nó phấn đấu từng giây phút. Vậy mà cứ đi không nghỉ. Chính nó cũng không thể ngờ mình có thể chịu đựng được những gian khổ vừa qua trong tình trạng thiếu thuốc phiện.
Hơn nửa giờ sau nó qua khỏi đám đông và rảo bước đi về hướng Cam Ranh.
Ra tới rừng dừa, người di tản đã thưa dần. Xe GMC, xe Jeep và cả xe tăng đại pháo của quân di tản nằm rải rác trong rừng dừa. Nó vẫn đi. Có lúc nó thấy chỉ có mình nó đi giữa con đường xuyên Việt thênh thang vắng vẻ. Cang đi mãi như thế cho đến khi nghe có tiếng máy bay phản lực rít trên bầu trời. Nó ngước nhìn. Chúng đã đến và đang lượn một vòng. À, lúc nãy chúng bắn phá vùng này đây. Nhưng bắn phá cái gì? Xe tăng của Việt cộng đâu? Cang chạy. Chẳng có vết tích gì chứng tỏ Việt cộng đã đến vùng này. Vậy thì chúng bắn phá cái gì?
Hai chiếc A37 thu hẹp vòng lượn, xuống thấp hơn. Cang vẫn chạy. Nó chạy đến hai cây cầu, song song nhau. Đúng rồi, lúc nãy chúng đã bắn phá hai cây cầu này suốt gần cả tiếng đồng hồ nhưng cầu vẫn còn nguyên vẹn. Những trái bom vụng về rơi ngoài mục tiêu ấy đã làm gãy nát hàng chục cây dừa xanh tốt quanh đấy. Và chính vì chưa phá sập được cây cầu nên giờ này chúng trở lại đánh tiếp.
Chúng đã xuống thật thấp và lượn một vòng.
Cang chạy vắt giò lên cổ.
Bằng mọi cách nó phải thoát ra khỏi cái khu vực “tập bắn” của hai chàng “thiên thần mũ đỏ” này.
Và những tiếng nổ chát chúa đã ập đến từ phía sau lưng nó. Nhưng nó đã thoát ra ngoài sức ép của những trái bom ồn ào ấy.
°
Cũng trong buổi sáng ngày 3 tháng 4 năm 1975 này, tại Cam Ranh, bọn cướp và bọn cao bồi du đãng đang nỗ lực vơ vét lần cuối cùng tài sản của nhân dân.
Hai dãy phố ở Cây Số Chín nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Dù vậy ngoài đường đồng bào vẫn gánh gồng bồng bế nhau đi nhưng không phải đi về phía Nam nữa mà đi tìm nhau hỏi thăm tin tức nhau sau những ngày chạy lạc. Họ không còn gì đáng giá để sợ cướp bóc. Họ đi uể oải. Chán chường.
Bọn cướp cạn đứng đầy đường, bắn súng giòn giã. Mặc kệ, người cứ ngược xuôi.
-Việt cộng sắp đến rồi!
Tin đó truyền đi rất nhanh. Không ai còn nghĩ tới chuyện di tản. Những người đang trên đường hướng vô Nam nghe tin ấy trở lại rất nhiều. Dòng người đi trở lại càng lúc càng đông.
Họ bình tĩnh. Bọn cướp cạn đứng đầy đường vậy mà họ vẫn bình tĩnh. Bọn cướp ráo riết cướp bóc trước khi ném súng đạn trà trộn vào dân. Chúng chặn xe nhân dân. Mũi súng chỉa vô ngực. Không cần bóp cò khổ chủ đã xanh mặt bỏ xe mà chạy. Một người đàn ông khác chở trên xe một bao gạo ý chừng mới cướp được trong kho gạo mang ra thì bị ngay một mũi súng đón đầu.
-Xuống xe!
Nạn nhân hồn vía lên mây, tay chân luống cuống. Chiếc Hon-đa ngã xuống đường. Tên cướp cạn đỡ chiếc xe dậy. Máy xe vẫn còn nổ. Hắn chỉ việc ngồi lên và rú ga là chiếc xe mất dạng. Một người khác tuổi còn thanh niên cưỡi chiếc Hon-đa đàn bà, một tay cầm lái, một tay cầm khẩu súng Mỹ. Anh ta vừa chạy xe vừa bắn vung vít, bắn thị uy, bắn dằn mặt bọn cướp cạn. Không đầy hai phút sau đó một chiếc Vespa do tên du đãng lái phía sau chở một thằng nữa, vừa đuổi kịp và chạy kèm một bên. Hai tên này đi tay không. Tên du đãng cho xe ép sát người thanh niên vào lề đường. Tên ngồi phía sau nhe hàm răng vàng khè ra cười rồi vỗ nhẹ vào lưng chàng thanh niên nọ.
-Ê, ông bạn! Cho mượn khẩu súng.
Bị cái vỗ lưng bất ngờ, chàng thanh niên quay lại, chạm phải một nụ cười nham nhở và một đôi mắt trắng xác. Anh ta chưa kịp phản ứng như thế nào thì tên nọ đã xòe bàn tay ra trước mặt. Chàng thanh niên ríu ríu đặt khẩu M16 vào giữa năm ngón tay chai lì, lạnh lùng ấy.
-Thôi, bây giờ xuống xe đi, ông nội.
Tên du đãng phía trước ra lệnh cùng lúc với một cú đấm như trời giáng vào giữa mặt chàng thanh niên. Nạn nhân té xuống đường nhưng anh ta còn tỉnh. Anh ta lồm cồm ngồi dậy, buồn bã nhìn theo chiếc Hon-đa của mình chạy boong boong trên đường nhựa.
Súng vẫn nổ lốp bốp ngoài đường. Nhiều toán cướp đuổi nhau giành giựt tài sản cướp được. Chúng bắn súng như vãi cát. Đồng bào sợ hãi nằm rạp xuống đường cái.
Năm tên cướp ăn mặc không giống ai, đứa ở trần đứa mặc quần xà loõng, đứa bận đồ lính đứa bận đồ dân, tay chân thằng nào cũng xâm đầy hình thù kỳ quái, đầu tóc bù xù, xách súng, xách lựu đạn đi rà rà trên hè phố. Bọn chúng dừng lại, trước mặt căn nhà gạch, cửa sắt sơn xanh.
Đó là căn nhà mẹ con Tú đang ở.
Chiếc cửa sắt rung chuyển vì bị đập phá dữ dội. Hai ba thằng cướp cạn la lên một lúc:
-Mở cửa! Mở ra xét nhà!
Những người trong nhà đều sợ hãi cuống cuồng. Những chiếc va-li những hộc tủ được mở ra vội vàng. Tiền bạc vòng vàng, nhẫn, dây chuyền, vàng thẻ có bao nhiêu lấy ra cầm tay.
-Giấu nhanh lên!
-Giấu ở đâu bây giờ?
Người cha hét lên:
-Bỏ! Bỏ hết đi! Người sống hơn đống vàng.
Những người đàn bà lại càng cuống cuồng. Người chạy ra cầu tiêu kẻ chui vô nhà bếp người chạy lại chuồng heo đào bới cát lên chôn vội mấy tấm vàng thẻ.
Tú sợ quá, không biết phản ứng thế nào. Đứa con khóc thét, ôm cứng lấy má. Tú không có vàng, gia tài nàng chỉ còn hơn một trăm ngàn bạc và hộp đựng bạch phiến của thằng Cang nhưng biết giấu ở đâu bây giờ?
Sau cùng Tú nhét bậy vô túi áo túi quần của thằng con và mấy đứa cháu.
-Mở cửa! Mở cửa xét nhà!
Một phát súng chát chúa đã phá vỡ ổ khóa. Năm thằng ăn cướp tràn vô nhà. Chúng chạy thẳng ra phía sau vừa lùng sục vừa la hét.
-Nhà này có chứa đồ ăn trộm.
-Lục xét đi!
Chúng chui vô cầu thang. Mấy bà già khóc lóc lạy lục, trẻ con thét lên vì khiếp đảm. Tú ôm chặt lấy con và cúi mặt xuống.
Bọn cướp lục túi từng người.
-Giấu hết rồi! Đ.m tụi bay giấu ở đâu?
Loạt đạn thị uy phá tung trần nhà, trổ trên nóc một lỗ lớn. Thêm một loạt nữa làm bể nát chiếc tủ kính.
-Trăm lạy các ông, ngàn lạy các ông.
-Khỏi lạy (Tên cướp mặc quần rằn ri lôi người già ra giữa nhà dí súng nơi màng tang lên cò). Đem nộp hết vàng và tiền đây lẹ lên ta còn đi chỗ khác.
Bà ngoại mấy nhỏ lạy như tế sao.
-Dạ, dạ, tui nộp tức thời.
Bà chạy ra sau chuồng heo moi hai lượng vàng lên. Khi bà trở vào tới cái giếng nước thì nghe ngoài đường có tiếng huyên náo.
Lẫn trong tiếng xe tăng rầm rập từ phía chợ đi tới là tiếng la của nhiều người.
-Xe tăng bộ đội tới!
Trời ơi, chẳng lẽ bộ đội tới nhanh như vậy sao? Nhưng rõ ràng tiếng xe tăng mỗi lúc một gần.
-Má ơi! Lên đây má.
Quên cả mấy tên cướp lúc nãy, bà chạy lên nhà trên.
-Mấy thằng ăn cướp đâu? Bà hỏi.
-Nghe bộ đội tới tụi nó chạy mất tiêu rồi. Đó, súng ống bỏ lại đó.
Bà lão già nhìn xuống đất. Quả thực, ba khẩu súng và mấy trái lựu đạn còn nằm lăn bên cửa.
Thường ngày khi thấy mấy thứ dữ này là hồn vía bà lên mây, nhưng giờ đây tự nhiên bà thấy chúng tầm thường, tầm thường như que củi, như mấy củ khoai ngoài bếp.
Tú bế con chạy ra cửa và nàng gặp Cang cũng vừa thất thỉu đi về. Nàng mừng rỡ ôm lấy đứa em mà trước đây nàng vẫn thường ghét bỏ!
-Cách mạng tới!
Câu nói giản dị ấy làm rung chuyển mọi người. Chiếc xe tăng to lớn tiến vào thành phố Cam Ranh. Lá cờ mặt trận bay phấp phới trên những nhánh lá ngụy trang.
Mọi người tràn ra đường khiến cho các chiến xa phải ngừng lại. Câu hỏi được thét lên giữa những tiếng tiếng reo hò:
-Chừng nào giải phóng Sài Gòn?
-Chúng cháu cứ thẳng đường đi luôn vào thôi.
-Bây giờ bọn tôi trở về Qui Nhơn, Đà Nẵng được chưa?
Anh bộ đội đứng lên trên xe tăng nói thật to:
-Thưa các bác các chú và anh chị em. Xin nói tóm tắt thế này cho rõ. Kể từ giờ phút này từ đây trở ra tới Bến Hải đều hoàn toàn giải phóng, mọi người được tự do trở về quê cũ.
Những chiếc T54 lại tiếp tục lên đường giữa tiếng hoan hô của đồng bào đứng hai bên quốc lộ.
Chợt từ đám đông, một thanh niên cao lớn chạy vụt ra. Anh ta cầm khẩu súng M16. Anh ta ở trần để lộ những bắp thịt chắc, đen sạm và xâm nhiều hình kỳ quái. Phần dưới anh ta còn mặc một chiếc quần rằn ri của lính thủy đánh bộ nhưng lại đi chân đất.
Anh ta chạy theo chiếc xe tăng của bộ đội. Chạy thật nhanh. Chạy nữa. Chạy nước rút. Khẩu súng Mỹ anh ta cầm bên tay phải. Cố gắng lướt tới. Lướt tới gần kề sau chiếc xe tăng của bộ đội. Khẩu súng trên tay anh ta chợt đổi chiều. Bàn tay to lớn của anh ta cầm chắc lấy nòng súng, cố đưa báng súng lên cao.
Bây giờ anh ta mới cười. Vừa chạy vừa cười. Bàn tay còn lại đưa lên vẫy vẫy. Anh ta nói thật to:
-Cầm lấy đi! Cầm giùm tui.
Các anh bộ đội ngồi trên xe đều cười. Chưa có ai trên xe nhận khẩu súng ấy. Người lính thủy đánh bộ vẫn chạy, vẫn cố đưa cây súng lên. Vẫn đưa tay vẫy. Và vẫn nói:
-Cầm giùm đi! Cầm đi!
Một anh bộ đội nào đó đã đưa tay nhận khẩu súng, ném vào trong xe cho người lính nọ vui lòng.