Lại hơn tháng sau, một hôm Thủ-Độ đang tiếp sứ giả của năm Khả-hãn quanh Thăng-long thì được tin báo: - Có một chiến thuyền từ Thiên-trường tới. Họ xưng là người thân của Khả-hãn, xin yết kiến. Thủ-Độ truyền lệnh cho vào. Lát sau, một con thuyền lớn, trên kéo lá cờ, có vẽ hình chim ưng tung cánh. Biết đây là kỳ hiệu của phái Đông-A. Thủ-Độ lên mặt sàn thuyền chờ đợi. Hai thuyền kè mạn vào nhau, cầu ván được bắc giữa hai thuyền. Một phụ nữ cực kỳ xinh đẹp xuất hiện, đó là bà Trần Lý. Cạnh bà là một nhà nho, tiên phong đạo cốt, đó là Phạm Kính-Ân. Lễ nghi tất. Vào trong khoang thuyền, Thủ-Độ hành đại lễ: - Con kính chào thầy. Cháu kính chào bác. Được tin bác trai tuẫn quốc, cháu buồn vô hạn. Không biết thầy với bác lên đây có gì dạy dỗ cháu chăng? Nhìn cử chỉ cùng cung cách của Thủ-Độ, bà Phương-Lan biết rằng sau khi trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, người cháu ngang tàng, đởm lược, đã thành một người tài trí bậc nhất đất nước, chứ không phải đứa trẻ giả ăn mày ở Thăng-long khi xưa nữa. Bà hỏi: - Hồi đó cháu đi sứ, rồi bặt tin. Ở nhà chúng ta đoán ngay rằng bố cháu giữ cháu lại. Không biết bây giờ phép lạ nào khiến bố cháu cho cháu về đây? Thủ-Độ tường thuật tỉ mỉ những gì đã xẩy ra từ khi Hầu rời Đại-Việt một lượt. Bà Phương-Lan tuy là người bác học đa năng, mưu trí trùm hoàn vũ mà cũng không thể ngờ rằng tài trí Thủ-Huy, Thủ-Độ lại có thể đến như vậy. Thủ-Độ lấy ra một cái hộp bằng bạc, hai tay trịnh trọng trao cho bà Trần Lý: - Thưa bác, đây là hôp sâm Cao-ly. Bác dùng cho tăng tuổi thọ, trí tuệ minh mẫn. - Cháu thực là đứa cháu hiếu thảo. À, cháu có biết tại sao bác lên đây không? Khi thấy bà Lý lên gặp mình, Thủ-Độ biết ngay rằng vụ này do tờ Đại-cáo của mình. Hầu đoán: Chắc cả nhà không đồng ý với mình, nên mới để bà đi gặp mình, bắt mình về Thăng-long. Về Thăng-long để rồi phải quỳ gối trước kẻ thù Long-Sảm ư? Để nhìn kẻ đã chiếm Kim-Dung ư? Mình phải chặn trước mới được. Nghĩ vậy hầu mỉm cười: - Thưa bác, cháu chắc nhà ta không đồng ý với tờ Đại-cáo của cháu, nên bác phải quá bộ lên đây để giúp cháu sửa đổi. - Đúng vậy! Thủ-Độ làm bộ ôn tồn: - Thưa bác, nhà ta không đồng ý với cháu vì những gì cháu nêu ra trong tờ Đại-cáo, không nói hết được tội trạng của triều đình, của hậu cung, của quan lại triều Lý. Bác cũng thông cảm, sở dĩ cháu nhẹ tay, vì dầu sao mẹ cháu cũng là công chúa. Thôi thì bác đã lên đây, cháu xin sửa bản Đại-cáo, hài tội triều Lý thực nặng nề, kêu gọi quốc dân cùng đứng lên, rồi cất quân như Võ-vương phạt Trụ. Nghe Thủ-Độ nói, bà Trần Lý nghĩ thầm: - Cái thằng cháu này vừa có trí thông minh của mẹ, vừa có cái coi trời bằng vung của bố. Nó biết mình lên đây thuyết phục nó, bắt nó về Thăng-long; nó chặn trước. Dùng lý không được rồi. Thôi thì mình dùng tình vậy. Nghĩ vậy, bà nắm lấy tay Thủ-Độ: - Cháu ạ! Dữ như hổ báo, cũng không ăn thịt con. Độc như rắn rết cũng bảo vệ con. Từ trước đến giờ, nhà mình đối với cháu thế nào, hẳn cháu biết. - Vâng! Cháu không bao giờ quên tấm lòng của bác, của anh Thừa đối với cháu bao la như trời, rộng như biển. - Vì vậy, nhà ta cử bác lên đây gặp cháu, trước là bác cháu gặp nhau. Sau là vì quốc sự... Vấn đề quốc sự như thế này... Bà ôn tồn thuật lại. Nguyên hôm trước, sứ giả của Thủ-Độ đem bản Đại- cáo về cho Trần Thừa, Trần Tự-Khánh. Hai anh em kinh hoàng, vội chuyển thư đó cho bà Phương-Lan. Đọc xong, tâm thần hoảng hốt, lập tức bà tổ chức buổi họp phái Đông-A để giải quyết. Mở đầu Phùng Tá-Chu lên tiếng: - Từ khi Long-Sảm chạy về Hải-ấp, nương nhờ nhà ta, rồi anh hùng thiên hạ đại hội đã quyết định: Dù triều Lý đã hết phúc, dù Long-Sảm ngu muội. Nhưng để cứu dân tránh khỏi tai họa ly loạn. Tất cả đều phải bỏ tỵ hiềm cùng nhau đứng dậy tái lập trật tự. Cũng từ đấy, quyền lực thu vào nhà ta. Tuy rằng chúng ta không muốn làm vua. Song thiên hạ đều bàn ra nói vào. Cho nên trong triều thì bọn họ Đàm với Đàm Thái-hậu cùng một số quan lại kết hợp chống nhà ta. Bên ngoài thì bọn Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng cầm trọng binh, cát cứ, không chịu quy phục. Thế mà nay Thủ-Độ trở về công khai muốn phế bỏ triều Lý, vô tình tạo cho anh hùng khắp nơi cùng chống nhà ta. Nhà ta không đủ sức đối chọi. Trần Thừa than: - Huống hồ Thủ-Độ gửi Đại-cáo đi khắp nơi nói rằng bang Lĩnh-Nam quyết thi hành ba cương yếu là lời nguyền Chân-giáo, Tây-hồ, Hy-cương. Lời nguyền Hy-cương, chứa những ý tưởng cao đẹp của chủ đạo tộc Việt, không ai có thể dị nghị. Lời nguyền Tây-hồ tuy có hơi hẹp hòi, song vẫn tàng chứa lòng trung nghĩa với Xã-tắc. Tuy nhiên lời nguyền Chân-giáo mang hận thù thâm sâu, quyết giết Long-Sảm, phế bỏ triều Lý... quá rõ ràng. Nguy thay! - Thủ-Độ đã làm đúng. Tự-Khánh phát biểu: - Chúng ta còn lý gì để duy trì cái triều Lý đã tàn tạ như một cái dẻ rách? Kể từ khi vua Thần-tông băng đến giờ. Trong triều vua luôn là những đứa trẻ nhu nhược. Các quan toàn một bọn ù lỳ, lười biếng, mũ ni che tai. Hậu cung thì những bà Thái-hậu, Hoàng-hậu ngu xuẩn, dâm đãng, luôn giết hại tôn thất để làm vui lòng người tình. Bên ngoài, giặc cướp nổi lên, dân chúng lầm than. Tại sao ta không phế bỏ cái gã ngu đần, bệnh hoạn Long-Sảm đi, giết sạch bọn quan ăn hại, bọn hậu cung dâm dật, lập một triều đại mới? Tô Trung-Từ hỏi Tự-Khánh: - Cháu nghĩ, ai có thể lên làm vua bây giờ? - Thưa cậu bất cứ ai trong chúng ta, lên làm vua, tài trí cũng bỏ xa Long-Sảm. Nhưng theo cháu, anh Thừa có đủ tài đức lên làm vua nhất. Trần Thừa dẫy nẩy lên: - Không! Không! Anh không muốn làm vua. Em không nên bỏ anh ngồi trên đống gai như vậy. Bà Phương-Lan tiếp lời Trần Thừa: - Thừa nói phải. Bây giờ trong cung đã có Kim-Dung. Bên ngoài thì cậu Trung-Từ, Hồng-sơn ngũ đại phu Vỵ-xuyên ngũ tiên, nắm các phủ, các trấn ; Tự-Khánh cầm đại quân. Trong triều thì Thừa giữ quyền Tể-tướng. Ta chỉ việc tìm cách loại hết bọn quan lại ăn hại. Bấy giờ tuy ta không làm vua, thì cũng như làm vua. Ta tổ chức, chỉnh đốn lại mọi cơ cấu, thực thi luật pháp, đem quân đi dẹp bọn sứ quân. Đất nước có cơ trở lại thịnh thời như xưa. Mọi người đều cho là lời bà Phương-Lan hợp lý. Trần Thừa đề nghị: - Trong nước đang bị nạn sứ quân. Muốn dẹp nạn sứ quân này, thì một là ta phải đem quân đi đánh dẹp. Hai là phải có một lực lượng nào đó, tiềm ẩn tại các địa phương nổi dậy chống lại sứ quân. Đánh dẹp thì hao binh, tổn tướng, hận thù chồng chất, dân chúng bị tai bay vạ gió không ít. Vậy chỉ có cách dùng lực lượng dân chúng. Lực lượng dân chúng, thì phi Thủ-Độ với bang Lĩnh-Nam ra, không bang hội nào bằng. Bây giờ ta phải cử người ra Tiên-yên thuyết phục Thủ-Độ, đem Thủ-Độ về triều, thì với hệ thống Khả-hãn của y có thể dẹp được cái nạn sứ quân. Trung-Từ chỉ Phương-Lan: - Tôi sợ rằng không chừng Thủ-Huy cũng về với Thủ-Độ, nhưng y không ra mặt. Tôi đã đọc kỹ bản Đại-cáo, những lý nêu ra để phế Lý triều, thì dù theo tinh thần chủ đạo tộc Việt, hay theo nho cũng đều hợp lý. Đối với Thủ-Huy, Thủ-Độ thì phải dùng tình, dùng lý trong trường hợp này vô ích với họ. Dùng tình, thì trên thế gian này, chỉ ba người khiến Thủ-Huy, Thủ-Độ nể vì. Một là chị Lý. Hai là Thái-phó Phạm Kính-Ân. Ba là cháu Thừa. Cháu Thừa cầm quân, không thể đi được. Vậy chị phải thỉnh Thái-phó Phạm Kính-Ân cùng đi Tiên-yên một chuyến. Sau cuộc thảo luận với bà Trần Lý, Thủ-Độ họp An-dân Quốc-vụ viện lại, trình bầy tình hình: - Vương-phi Ninh-quốc đại vương là bác tôi. Thái-phó Phạm Kính-Ân là thầy dạy văn của tôi, vừa từ Thăng-long lên. Người đem đề nghị của Nguyên-sư Trần Thừa cùng Tả hộ pháp, Lục-thiện-nhân... Hầu thuật lại chi tiết buổi họp, rồi hỏi: - Chúng ta có nên về quy phục tên Long-Sảm như đề nghị của gia đình ta không? Tạ Quốc-Vinh lắc đầu: - Không thể và không nên. Bởi chúng ta mới ban hành tờ Đại-cáo đi khắp nơi. Nhà nhà đều vui, người người đều hớn hở. Có nơi còn phát biểu: Cỏ cây, chim muông cũng vui mừng. Thế mà nay Đại-hãn lại thay đổi, thì thực là tiền hậu bất nhất, phụ lòng mong mỏi của quốc dân, làm nản lòng các Khả-hãn, chư bang chúng. Chu Mạnh-Nhu đề nghị: - Thuộc hạ có một đề nghị hơi bá đạo. Đề nghị này khiến Đại-hãn không bị gia đình phiền trách, mà trăm họ cũng như bang chúng đều hỷ hả. - Tiên sinh quên rằng chúng ta thực thi ba lời nguyền sao? Lời nguyền Tây-hồ chẳng có đoạn: Dù xấu mấy cũng làm, dù bẩn thỉu mấy cũng cam tâm, miễn sao mưu đồ hạnh phúc cho dân, bảo vệ được đất của Quốc-tổ, Quốc-mẫu đó sao? Thế kế hoạch của Tiên-sinh thế nào? - Ngay bây giờ Đại-hãn vui vẻ tuân lệnh của Vương-phi Ninh-quốc về Thăng-long để dẹp loạn. Thế là gia đình hỷ hả, trên dưới hòa thuận. Trong khi đó Đại-hãn nhân danh Khâm-sứ, nhân danh là cháu ngoại của vua Anh-tông, mật gửi biểu tâu rằng, trên đường đi sứ trở về, nghe họ Đàm áp chế Thiên-tử, nên Đại-hãn phải điều quân dẹp loạn. Ngay sau khi gửi tấu chương đi, Đại-hãn truyền hạm đội Âu-cơ, chở hiệu binh Tiên-yên theo. Về tới Thăng-long, Đai-hãn cho hạm đội Âu-cơ đậu ở bến Tiềm-long, hiệu binh Tiên-yên đóng ở ngoài thành, Hợp với các Vệ hương binh của ta. Ta có một lực lượng mạnh, rồi nói là để bảo vệ kinh thành. Thủ-Độ vỗ tay suýt xoa: - Khi nhận được biểu thì mụ Thái-hậu họ Đàm, bọn Đàm Dĩ-Mông sợ đến té đái vãi phân ra. Chúng sẽ suất lĩnh quân chống lại ta, chống lại cả anh Thừa, anh Khánh. Thế là chúng ta toàn quyền tấn công vào Thăng-long. Vào Thăng-long rồi, chúng ta sẽ thi hành ba lời nguyền. Tạ Quốc-Ninh sợ rằng Thủ-Độ sẽ ngả theo gia đình, mà bỏ ba lời nguyền. Ông nghĩ thầm: - Ta phải đổ dầu vào căn nhà họ Lý đang cháy mới được. Ông hỏi nhỏ Thủ-Độ: - Thuộc hạ biết rằng trước đây Đại-hãn yêu thương Kim-Dung đến điên đảo thần hồn. Bây giờ Kim-Dung là Hoàng-hậu rồi. Không biết Đại-hãn đối xử với bà ấy ra sao? Mặt Thủ-Độ nóng bừng lên: - Tôi sẽ cướp lại. Người tôi yêu không thể để cho thằng mặt mo ấy dày vò. Quốc-Vinh là nhà nho. Đối với nhà nho, một người con gái để cho đàn ông cầm lấy tay, là bất trinh, là hư thân mất nết... Thì việc Kim-Dung làm vợ Long-Sảm rồi, Thủ-Độ sẽ không bao giờ nhìn mặt nữa. Quốc-Vinh hiểu rằng Thủ-Độ ở Mông-cổ từ nhỏ, thâm nhiễm phong tục Thảo-nguyên. Ở Thảo-nguyên, người ta quá rộng rãi với phụ nữ. Khi người yêu, vợ, bị kẻ thù bắt làm vợ, thì cướp về cho bằng được. Chính bà Bật Tê, chánh phi của Thành-cát Tư-hãn bị quân thù bắt, khi ông đoạt lại được, thì bà đã có con với kẻ thù. Bởi vậy ông đặt tên đứa con đó là Truật Xích nghĩa là không mong đợi... Vì vậy Quốc-Vinh nêu ra, nếu như Thủ-Độ cướp một Hoàng-hậu về làm vợ, thì cái hố chia rẽ giữa Thủ-Độ với triều Lý càng sâu hơn. Trên sàn con soái thuyền, Thủ-Độ ngồi cạnh Thái-phó Phạm Kính-Ân, bà Trần Lý cùng nhóm An-dân Quốc-vụ viện đàm luận về tình hình Đại-Việt. Trưa hôm ấy đoàn chiến thuyền đi vào địa phận sông Hồng. Thủ-Độ dặn dò Đặng Vũ: - Khi tới Thăng-long, hạm đội sẽ đổ quân lên vùng Hồ Tây. Khả-hãn Nhất-Anh với Đạo Tây-hồ sẽ hường dẫn hiệu Tiên-yên tìm chỗ đóng quân, cung cấp lương thảo. Đô-đốc dàn hạm đội ra, phong tỏa sông ngòi, không cho thuyền bè của bọn họ Đàm đi lại. Hơn giờ sau, thành Thăng-long đã hiện ra ở chân trời. Đặng Vũ leo lên đài chỉ huy quan sát một lát, rồi y nói lớn: - Xin mời Đại-hãn lên đây mau. Thủ-Độ tung mình đáp cạnh Đặng Vũ. Y chỉ về phía trước: - Hình như Thăng-long có biến. Khói đang bốc lên cao. Thủ-Độ phóng mắt nhìn: - Quả nhiên có hai ba cụm khói bốc lên cao. Hầu trì nghi: - Không biết kinh thành có sự gì không? Bỗng có ba tiếng pháo lệnh nổ, rồi từ các bụi cây, từ các sông lạch nhỏ ven sông, năm đoàn dân thuyền, trên chở đầy tráng đinh, gươm đao sáng loáng, trống thúc vang trời, dàn hàng ngang tiến ra. - Thủy quân nào đây? Thủ-Độ hỏi: - Trong vùng này vốn thuộc quyền kiểm soát của Đại Đô-đốc Phùng Tá-Chu. Chắc Thủy-quân của người. Đặng Vũ kinh hoảng xua tay: - Thưa Đại-hãn, những con thuyền kia không phải của Thủy-quân. Ta cần chuẩn bị giao chiến. Y cầm tù và rúc lên. Lập tức các chiến hạm dàn thành trận thế, theo hàng hai giữa sông. Đám dân thuyền cũng dàn trận thực nhanh. Đặng Vũ khen: - Không biết bọn dân thuyền này do ai chỉ huy? Thuyền nhỏ mà dàn trận thế kia, thì các chiến hạm lớn không thể chống nổi. Ba chiếc dân thuyền, dàn song song rời hàng tiến tới gần soái hạm. Một thiếu nữ đứng đầu mũi dân thuyền ở giữa cầm loa hỏi: - Là binh đội nào? Đặng Vũ trả lời: - Hạm đội Âu-cơ hộ tống Khâm-sứ hồi triều. - Cho ta gặp Khâm-sứ. Thủ-Độ đứng đối diện với đoàn dân thuyền: - Ta là Khâm-sứ Trần Thủ-Độ đây. Thiếu nữ reo lên: - Đại-hãn! Em là Khả-hãn Nhất-Anh, thuộc vùng Tây-hồ. Thủ-Độ đã nhận ra Nhất-Anh. Hầu vẫy tay: - Ép thuyền vào mạn chiến thuyền, rồi lên đây mau. Nhất-Anh tung mình lên cao, nàng đá gió một cái, thân tà tà đáp xuống giữa soái hạm. Đứng trên soái hạm, nàng cầm cờ xanh phất ba cái. Năm đoàn dân thuyền cùng ép mạn vào đoàn chiến thuyền. Nhất-Anh nói với Đặng Vũ: - Xin Đô-đốc tạm cho hạm đội ngừng lại. Thăng-long đang rối loạn to. Nàng nói với Thủ-Độ: - Bọn em đã nhận được Đại-cáo của Đai-hãn. Năm chúng em cùng lệnh cho bang chúng cùng ẩn vào trong dân, để nắm vững dân tình, phải nắm chắc vùng lãnh thổ của mình, không để bất cứ phe phái nào lấn chiếm. Tất cả kéo vào khoang thuyền hội họp. Lễ nghi tất. Thủ-Độ hỏi: - Năm em trấn ngự Thăng-long. Thế lực lượng của các em ra sao? Các em có hệ thống sưu tầm tin tức không? - Năm Khả-hãn vùng Thăng-long chúng em không đủ người lập một hiệu binh, mà mỗi đứa chỉ có thể lập một Đạo. Để có tin tức cho bản bang, chúng em lập một Vệ Tế-tác, bao trùm vùng Thăng-long. Vì vậy không biến cố gì mà bọn em không biết. Thăng-long rối loạn từ ba ngày qua rồi. - Rối loạn do đâu mà có? Thủ-Độ hỏi: Thế quân nào đánh với quân nào? - Rối loạn do Đại-hãn gây ra! - Do ta? Em nói sao nghe lạ tai quá. - Đai-hãn bình tĩnh lại. Từ khi Ninh-quốc đại-vương Trần Lý suất lĩnh hào kiệt, khôi phục Thăng-long, thì trong triều hình thành hai phe. Một phe của Thái-sư Đàm Dĩ-Mông cùng một số quan lại cũ. Phe này nắm được các bộ Hộ, Lại, Công, Lễ, Tổng-lĩnh thị-vệ. Trong nội cung thì Đàm Thái-hậu áp chế nhà vua. Còn phía Ninh-quốc đại vương thì nắm được bộ Binh, bộ Hình, Khu-mật viện, Tổng-trấn Thăng-long, Thủy-quân, trong nội cung có Nguyên-phi Kim-Dung. Các phủ, các trấn, mỗi nơi theo một phe. Thủ-Độ than: - Nguy thực! Nếu như họ Đàm mưu sự bất chính, thì y cứ việc áp chế nhà vua, rồi ban chỉ cho thiên hạ, y trở thành có chính nghĩa. - Đúng như vậy. Khi biểu của Đại-hãn gửi về Thăng-long. Đúng ra phải do tòa Trung-thư lệnh tiếp nhận, rồi chuyển lên Đồng-bình chương sự (Tể-tướng) Trần Thừa. Trần Thiếu-bảo sẽ đích thân đệ lên Hoàng-đế. Nhưng viên chức tiếp biểu nghĩ rằng: Đại-hãn là Khâm-sứ thì thuộc bộ Lễ. Nên y chuyển sang cho Lễ-bộ thượng thư. Lễ-bộ thượng thư là người theo phe họ Đàm. Đọc biểu, y bở vía. Đang đêm y đem biểu đó trao cho Đàm Dĩ-Mông. Mông nhập cấm thành cáo với Đàm Thái-hậu. Thái-hậu truyền cô lập nhà vua, bắt giam Nguyên-phi Kim-Dung, ban chỉ cho Thị-vệ đóng cổng thành, ép nhà vua sai Thị-vệ đi bắt cả nhà Thiếu-bảo Trần Thừa, Phụ-quốc Thái-úy Trần Tự-Khánh...xử tử. Giữa lúc đó, thì Nguyên-phi Kim-Dung thoát ra khỏi nơi giam cầm, tìm đến chỗ nhà vua, đem tờ biểu tâu lên. Nhà vua biết họ Đàm làm loạn, nhưng bị Đàm Thái-hậu khống chế, không có cách nào chống lại. Bà Trần Lý kinh hãi: - Chà! Như vậy thì tính mệnh Kim-Dung e khó toàn. Vì dù sao Đàm Thái-hậu cũng là chúa Hoàng-thành. Bà có thể ban chỉ xử tử Kim-Dung, làm sao Kim-Dung có thể chống lại? - Vương phi đừng lo! Nhất-Anh an ủi: - Trong đám cung nữ hầu cận Nguyên-phi, có hai người là bang chúng Lĩnh-Nam. Ngay từ khi Nguyên-phi tiến cung, họ đã biết Nguyên-phi là Vụ-trưởng Vụ-lễ của bản bang. Họ âm thầm thông báo thân phận cho Nguyên-phi. Bây giờ Nguyên-phi sai họ tìm cách báo tin tức với Thiếu-bảo Trần Thừa, Thái-úy Trần Tự-Khánh. Nhờ hệ thống Tế-tác của thuộc hạ, tin này tới Nguyên-sư, Tả-hộ pháp trước khi Thị-vệ của Thái-hậu tới dinh bắt hai vị. Lập tức hai vị báo động chư đệ tử, gia tướng, nắm vững quân lữ. Đám Thị-vệ bắt hai vị bị giết chết ngay trên đường đi. Bà Trần Lý đưa mắt nhìn Thủ-Độ như ngụ ý trách móc: Tự cháu tất cả. Thủ-Độ đưa mắt nhìn Tạ Quốc-Vinh như muốn nói lời cảm ơn: Nhờ mưu của tiên sinh, ta đã kéo được hai anh Thừa, Khánh, cũng như cả nhà ta cùng thực hiện ba lời nguyền. Nhất-Anh tiếp: - Hôm sau, Thái-úy Tự-Khánh truyền hịch, kể tội họ Đàm, cùng loan báo vơí quốc dân rằng Kiến-gia hoàng đế bị giam cầm trong cung. Vì vậy Thái-úy phải mang quân cứu giá. Đại quân tiến về Thăng-long. Đàm Thái-hậu nguyền rủa Thái-úy là phường phản phúc, ban chỉ xử giảo Nguyên-phi. Nhưng không Thái-giám, Cung-nga nào dám bắt Nguyên-phi, vì họ biết võ công Nguyên-phi rất cao thâm. Kiến-gia hoàng đế thấy giữa mẹ vơí vợ quá căng thẳng, phải giáng Nguyên-phi xuống làm Ngự-nữ. Đêm đó, bọn họ Đàm mở cửa thành, đem Thái-hậu, nhà vua, Ngự-nữ cùng một số các quan trốn khỏi Thăng-long đến bến Triều-Đông. Thái-úy đem quân vào Hoàng-thành mới biết nhà vua bị áp chế đem ra ngoài. Người cho canh giữ, niêm phong kho tàng, các cung điện, các phủ bộ. Bà Trần Lý than: - Tự-Khánh hành động nóng nảy quá. Bọn họ Đàm ắt sẽ bắt nhà vua truyền hịch cần vương gọi quân các nơi về đánh Tự-Khánh. Tự-Khánh sẽ trở thành bọn Quách Bốc mất! - Thưa Vương-phi đúng vậy! Nhất-Anh tiếp: Tế-tác bản bang biết chỗ trú Kiến-gia hoàng đế. Bọn thuộc hạ báo cho Thái-úy biết. Người đem quân đến Triều-Đông đón xa giá. Đàm Dĩ-Mông đã được bọn Bùi Đô, Đinh-Khả hưởng ứng hịch cần vương, kéo quân về, dàn ra tại châu Đại-hoàng rồi vào Thăng-long đón đánh Thái-úy. Hiện hai bên đang đại chiến. Thủ-Độ ra lệnh: - Chúng ta cùng tiến về Thăng-long, để trợ chiến với Tả-hộ pháp Trần Tự-Khánh. Đặng Vũ ban lệnh cho hạm đội Âu-Cơ, dàn hàng song song với các đội dân thuyền của Nhất-Anh ; tiến về Thăng-lọng. Hơn giờ sau thì tới bến Tiềm-long. Sau khi đổ hiệu binh Tiên-yên lên bờ, hạm đội Âu-Cơ cùng các Thủy-đội của Nhất-Anh dàn ra, phong tỏa các sông ngòi quanh Thăng-long. Vừa lên bờ, Thủ-Độ đã bắt liên lạc được với các Khả-hãn Nhị, Tam, Tứ, Ngũ Anh. Hầu hỏi: - Tình hình thế nào? Nhị-Anh chỉ về phía trước: - Quân của Thái-úy Tự-Khánh đang giao chiến với quân của Bùi Đô, Đinh Khả. Bất phân thắng bại. Còn các Đạo binh của ta thì đứng ngoài cuộc. Xin Đại-hãn định liệu. Thủ-Độ nhìn về phía trước: - Hai đạo quân đang giao chiến. Trong khi đó có bốn đạo quân mang cờ bang Lĩnh-Nam, rất hùng tráng, dàn ra hai bên. Mỗi bên hai đạo. Nhất-Anh chỉ về phía trước: - Thưa Đại-hãn, đạo binh ở phía trái ta là của Bùi Đô, Đinh-Khả. Còn đạo quân ở phía phải ta là của Thái-úy Tự-Khánh. Hai bên đang giao chiến, thình lình thấy hiệu binh Tiên-yên từ mé sông tiến tới, thì cùng ngưng chiến. Một võ tướng từ đạo quân phía trái hỏi: - Ta là Phiêu-kỵ thượng tướng quân Bùi Đô. Ta muốn biết các người thuộc binh đội nào? Cửu-Anh gò ngựa tiến ra: - Ta là chúa tướng hiệu binh Tiên-yên của bang Lĩnh-Nam. Chúng ta vâng lệnh bang chủ, đem quân về kinh cứu giá. Phạm Kính-Ân nói nhỏ với Thủ-Độ: - Gã Bùi Đô này tên thực là Mao Thiên. Còn tên Đinh Khả kia là Mao Địa. Chúng là con của đại ma đầu Mao Khiêm. Võ công y rất cao thâm. Bản lĩnh như Thái-úy Tự-Khánh mà cũng không thắng được chúng. Bùi Đô nói lớn: - Ta muốn gặp bang chủ các ngươi. Thủ-Độ dặn nhỏ Cửu-Anh: - Ta xuất kỳ bất ý kiềm chế tên Bùi Đô này. Khi y bị bắt rồi, thì em ra lệnh cho bốn đạo binh Thăng-long với hiệu Tiên-yên bao vây quân của chúng. Thủ-Độ phi ngựa ra: - Ta là bang chủ đây? Bùi Đô hỏi: - Vậy người hãy cùng ta bắt tên phản thần Trần Tự-Khánh. - Được! Thủ-Độ vọt ngựa tới như tên bắn. Bùi Đô tưởng Thủ-Độ tiến lên trợ chiến. Y không đề phòng. Khi ngựa Thủ-Độ với ngựa y giao nhau, Hầu tung người lên cao, tay phóng một chỉ trúng huyệt Bách-hội của y. Toàn thân y bị tê liệt. Y đã bị bắt sống. Đinh Khả, cũng như chư tướng của Bùi Đô không phản ứng kịp. Trong khi đó các đạo binh Lĩnh-Nam cùng xông vào bao vây phía sau, bên phải, bên trái. Phía trước, đạo quân Tự-Khánh tỏa ra chặn đường. Phạm Kính-Ân gò ngựa ra trước hàng quân. Ông chỉ vào Thủ-Độ nói lớn: - Chư quân tướng nghe cho rõ! Ta là Thái-phó Phạm Kính-Ân. Vị này là Tổng-lĩnh thị vệ Trần Thủ-Độ. Người là con của công chúa Đoan-Nghi với phò mã Thái-úy Trần Thủ-Huy. Được tin bọn họ Đàm mưu thí chúa, người đã xuất lĩnh dân binh của bang Lĩnh-Nam về cứu giá. Tên Bùi Đô này là con của ma đầu Mao Khiêm, tên Mao Thiên. Còn tên Đinh Khả kia là Mao Địa, con thứ nhì của Mao Khiêm. Chư quân tướng bị chúng đánh lừa, đem tính mạng ra cứu giá, kỳ thực là phạm giá. Bây giờ chư quân bị vây rồi. Nếu chư quân buông vũ khí đầu hàng, thì sẽ được ân xá. Còn như chư quân chống lại thì thân bị chết, mà cả nhà sẽ bị giết oan. Quân sĩ của Bùi Đô, Đinh Khả buông vũ khí đầu hàng. Đinh Khả kinh hoảng bỏ chạy. Ngựa của y vừa sải được mươi bước, thì Thủ-Độ hý lên một tiếng. Con ngựa cất cao vó trước ngừng lại. Y kinh hoàng thúc chân vào bụng ngựa, thúc nó chạy, thì một mũi tên xé gió bay đến, cắt đứt giây cương. Thủ-Độ lại hý lên một tiếng nữa, con ngựa nằm ẹp xuống đất. Đinh Khả kinh hãi: - Con ngựa này làm sao rồi? Thấp thoáng phía trước, một bóng xanh tung người lên nhanh không thể tưởng tượng nổi, bóng ấy xuất chiêu Cầm-long công chụp y. Y đẩy ra một chưởng đánh vào bóng xanh. Bóng xanh biến trảo thành chưởng đỡ. Binh một tiếng, Đinh cảm thấy như trời long đất lở, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng. Bấy giờ y mới nhận ra người tấn công mình là bà Trần Lý. Đinh Khả cười nhạt: - Tưởng ai, hóa ra Phương-Lan. Người chẳng là vợ chủa Trần Lý ư? Dù sao ta với người cũng cùng môn hộ. Tại sao người lại đẩy ta vào đường cùng thế này? Không nói, không rằng, bà Trần Lý vòng tay ra sau lưng, tay bà đã cầm cái chài. Chài tung lên, tỏa ra như cái nơm chụp Đinh Khả. Đinh Khả từng nghe nói về môn võ công trấn môn của phái Đông-A tên Thiên-la thập bát thức. y tung mình nhảy lùi ba bước liền để tránh thế chài. Vô tình y đáp ngay trước mặt Tự-Khánh. Tự-Khánh đưa một kiếm, cắt y làm hai khúc. Từ hai ngày qua, Tự-Khánh đánh nhau với Bùi, Đinh bất phân thắng bại ; công nhiều lần nhân danh Tả-hộ pháp của bang Lĩnh-Nam yêu cầu bọn Khả-hãn Thăng-long trợ chiến, để cứu giá. Nhưng bọn chúng vin vào việc bang chủ ban tờ Đại-cáo, thực thi ba lời nguyền, tức là diệt triều Lý, họ không thể cứu cái ông vua Kiến-gia, kẻ thù của bang được. Bây giờ thình lình Thủ-Độ xuất hiện, rồi chỉ một chiêu bắt sống Bùi Đô, rồi Phạm Kính-Ân nói mấy câu, mà hai đạo quân của Bùi, Đinh buông vũ khí đầu hàng. Tự-Khánh tiến lên: - Thủ-Độ! Em đã về đó sao? - Vâng! Trần Thừa từ trung quân phi ngựa tới. Công cầm tay Thủ-Độ: - Em! Em thực tài quá. Quân của Bùi, Đinh đã giải quyết xong. Ta phải tìm xem xa giá Kiến-gia hoàng đế ở đâu? Đối vơí Thủ-Độ thì gã Long-Sảm tức Kiến-gia hoàng đế chết hay sống, chui rúc ở đâu, Hầu cũng không cần biết tới. Điều mà hầu quan tâm là không biết Kim-Dung ra sao? Tuy vậy Hầu cũng phải tìm cho ra Long-Sảm. Vì Long-Sảm ở đâu, thì Kim-Dung ở đó. Hầu nói với Trần Thừa: - Anh yên tâm! Em sẽ tìm ra tung tích nhà vua ngay. Bây giờ anh em mình cần chỉnh đốn lại hệ thống cai trị, an dân. Lại nói với Tự-Khánh: - Binh của em là dân binh, mang kỳ hiệu bang Lĩnh-Nam, chưa quen lưu động. Còn binh của anh là binh triều, lưu động đã quen. Xin anh chuẩn bị sẵn sàng, để khi biết tin xa giá ở đâu, còn kịp thời tới cứu. Việc giữ yên Thăng-long, và các vùng xung quanh em sẽ trao cho 5 Khả-hãn. Phạm Kính-Ân, Trần Thừa, Tự-Khánh Thủ-Độ cùng vào thành Thăng-long, hội chư tướng tại điện Uy-viễn. Thủ-Độ giới thiệu người của mình với Trần Thừa, Tự-Khánh. Hầu hỏi Trần Thừa: - Thưa anh, cậu Trung-Từ với cô chú Tá-Chu đâu? - Hạm đội của chú Tá-Chu chở binh đoàn của cậu Trung-Từ vào bình định trấn Thanh-hóa, Nghệ-an. Vì vậy anh Khánh chỉ còn có một hiệu binh ở Thăng-long, nên bọn Bùi Đô, Đinh Khả mới làm lộng như vậy. Chiều hôm đó, An-dân Quốc-vụ viện báo với Thủ-Độ: «... Xa giá Kiến-gia hoàng đế bị họ Đàm uy hiếp, đưa lên Trĩ-sơn thuộc châu Lạng. Đàm Thái-hậu làm khổ Ngự-nữ Kim-Dung, thường chỉ mặt mà chửi. Hai hôm trước Thái-hậu ban cho Ngự-nữ một bát thuốc độc bắt phải uống. Kiến-gia hoàng đế, giật bát thuốc vứt đi. Hiện giờ mỗi bữa ăn, nhà vua phải san sẻ thức ăn cho Ngự-nữ, vì sợ họ Đàm đánh thuốc độc. Hiện Ngự-nữ đã mang thai được ba tháng ». Thủ-Độ nhảy phắt lên. Hầu bàn với Trần Thừa: - Nguy quá! Anh với anh Khánh giữ Thăng-long, để em đem quân giết hết bọn họ Đàm, cứu Kim-Dung. Trần Thừa là người nhân từ thâm trầm, lại có tài xét đoán. Công biết rằng nếu để Thủ-Độ đem quân đi, ắt y giết hết phe đảng họ Đàm đã đành, mà y còn giết luôn Kiến-gia hoàng đế nữa, thì tai vạ không ít. Công vội cản: - Hiện các An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ đều biên thùy một cõi. Muốn bình định, ta phải dùng các hiệu binh Lĩnh-Nam. Mà binh Lĩnh-Nam lại chỉ nghe lệnh của em thôi. Vì vậy anh nghĩ, em phải ở Thăng-long. Để Tự-Khánh đi đón xa giá, cứu Kim-Dung được rồi. Tự-Khánh cùng các tướng kéo quân lên Lạng-châu rồi, Phạm Kính-Ân, Trần Thừa, Thủ-Độ hội các quan của triều đình còn lại, cắt cử họ vào những chức vụ mới. Thành ra, tuy nhà vua vắng mặt, nhưng công việc cai trị vẫn bình thường, không có gì xáo trộn. Mỗi lệnh ban ra, các phủ trấn thuộc triều đình tuân hành đã đành. Mà các phủ, trấn thuộc bang Lĩnh-Nam cũng răm rắp tuân theo. Trước kia, đường sá, sông ngòi, giữa những vùng thuộc triều đình với vùng thuộc bang Lĩnh-Nam, bị gián đoạn. Bây giờ nhờ Thủ-Độ trở về, đường sá sông ngòi lại thông thương như xưa. Nhờ thông thương, dân chúng mới biết rằng, vùng thuộc bang Lĩnh-Nam không bị tai ách trong các cuộc binh biến, đổi chủ. Họ lại biết rõ rằng thuế trong vùng Lĩnh-Nam quá nhẹ, làng xã không có nạn cường hào, trộm cướp, vì vậy dân sống an cư, giầu có. Còn vùng thuộc triều đình thì trải qua nhiều cuộc binh biến, nhà cháy, người chết, dân chúng phiêu bạt, đói rách, mùa màng bị mất, ruộng vườn bỏ hoang. Họ than: Triều đình không vua, do Thiếu-bảo Trần Thừa nắm quyền cai trị, mà dân chúng ấm no, hạnh phúc, thì tại sao không tôn Thiếu-bảo lên làm vua? Phạm Kính-Ân hiến kế cho Thủ-Độ: - Bây giờ Đại-hãn lệnh cho các Khả-hãn đem thực phẩm từ vùng Lĩnh-Nam sang cứu trợ các vùng lân cận. Nhân đó sai các Hãn đem Hương-binh sang huấn luyện tráng đinh, tổ chức thành đội ngũ. Những An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ thuộc triều đình, vốn là bọn ù lỳ, vô tài, nên tuy biết rằng để cho bang Lĩnh-Nam gửi người sang giúp, thì coi như đất của mình dần dần bị chiếm. Nhưng chúng vốn dĩ không tài, không đức, nên chỉ biết ngậm miệng. Thế là Đại-hãn chiếm được đất bằng ân nghĩa, không phải chém giết. Xưa nay chỉ các bậc thánh mới làm được. Thủ-Độ lập tức hành động theo lời khuyên của Kính-Ân. Hầu ban lệnh cho các Khả-hãn tiến chiếm những phủ lân cận không quy phục triều đình. Cuộc bình định không khó khăn. Riêng ba An-phủ sứ Khoái-châu, Đăng-châu, Hồng-châu là những người có tài, lại nắm được trọng binh của đám Đàm Dĩ-Mông. Họ nhất định không chịu quy phục. Các Khã-hãn Lĩnh-Nam biết rằng không thể dùng biện pháp đem quân bình định. Họ báo với Thủ-Độ. Thủ-Độ chuẩn bị đem đại binh tiến đánh, thì An-dân Quốc-vụ viện báo một biến cố xẩy ra: Con quỷ ba đầu, hồn oan Thái-tử Long-Xưởng tái xuất hiện. Lần thứ nhất, đang đêm quỷ ba đầu hiện lên nhát vợ con An-phủ sứ Khoái-châu Tôn Quang-An. Con quỷ ban chỉ rằng, nếu Tôn không quy phục triều đình thì sẽ bắt hồn vợ con trong vòng một tháng. Quang-An bở vía, y vội hạ cờ, rồi về Thăng-long xin quy phục. Thiếu-sư Trần Thừa ân cần tiếp đón, ủy lạo, rồi xin triều đình, bổ Tôn làm An-phủ sứ Trường-yên, là phủ giầu có, đông dân hơn ; cử viên quan trẻ thay thế Tôn lĩnh An-phủ sứ Khoái-châu. Nửa tháng sau, đến lượt An-phủ sứ Đăng-châu Vương Khắc-Minh. Con quỷ ba đầu cũng hiện lên vào nửa đêm trong dinh của Vương, rồi cũng xưng là Vô-thượng chí-tôn đại thánh hoàng đế. Con quỷ ban chỉ: Vương phải quy phục triều đình, bằng không sẽ bắt hồn vợ con. Hôm sau, thay vì Vương về Thăng-long, quy phục Trần Thừa, thì y lại cử sứ quy phục bọn Đàm Dĩ-Mông. Thế rồi chỉ mười ngày, con quỷ ba đầu lại hiện lên. Sau khi kể tội bất tuân chỉ của Vương, con quỷ nhát chết ba đứa con trai, hai đứa con gái của Vương rồi ban chỉ: Phải quy phục triều đình hiện ở Thăng-long, chứ không phải triều đình ngụy của Đàm Dĩ-Mông. Vừa đau khổ, vừa kinh hoảng, Vương vội về Thăng-long xin Thiếu-sư Trần Thừa cho quy phục. Trần Thừa an ủi, xin triều đình đổi Vương đi làm Tuyên-vũ sứ trấn Thiên-trường, là một trấn bờ xôi, giếng mật, đất rộng dân đông nhất Đại-Việt. Triều đình cử một viên quan trẻ thay thế Vương coi Đăng-châu. Lại nửa tháng sau quỷ ba đầu hiện lên trong dinh An-phủ sứ Hồng-châu Đàm Thì-Chí. Y vốn là đệ tử của Lĩnh-Nam tiên tử Vương Thụy-Hương, sau được tôn là Thái-hậu. Võ công y cao, văn học quảng bác. Từ khi xẩy ra biến cố Quách Bốc, Đàm nắm vững binh tình, tổ chức cai trị chặt chẽ, rồi kéo cao ngọn cờ cần vương. Khi con quỷ ba đầu hiện lên trong dinh Đàm, thì Đàm đang mang quân đi đánh nhau với quân của bọn ăn mày bang Lĩnh-Nam. Con quỷ vẫn xưng là hồn oan của Vô-thượng chí tôn đại thánh hoàng đế, ban chỉ cho vợ Đàm rằng: Đàm phải về Thăng-long quy phục triều đình. Bằng trong vòng một tháng, mà Đàm không thi hành, thì con quỷ sẽ bắt hồn hai đứa con trai của y. Hôm sau vợ Đàm vội sai thân binh ra mặt trận báo hung tin cho Đàm. Đàm cười nhạt: Quỷ với ma gì đâu? Chẳng qua đây là người của bọn Trần Thừa, Trần Tự-Khánh để dọa ngườiø ngu mà thôi. Đối với ta thì vô ích. Ta sẽ trở về dinh chờ chúng tới, băét chúng đem ra chợ chém đầu để dân chúng không còn sợ bóng sợ gió con quỷ ba đaaù nữa. Các quan văn võ Hồng-châu đều hồi hộp theo dõi. Họ không phải chờ lâu, ba ngày sau, con quỷ ba đầu hiện lên vào giờ Sửu trong dinh An-phủ sứ. Sau khi kể tội Đàm Thì-Chí không tuân chỉ. Con quỷ nhát chết y cùng ba bà vợ, sáu đứa con. Còn tôi tớ thì được tha tội. Sáng hôm sau, các quan văn võ được báo hung tin, họ cùng tới đinh An-phủ sứ điều tra. Sau khi xem xét, bọn Bộ-khoái xác nhận rằng tất cả các xác chết đều không có vết thương. Xác nào cũng lạnh như băng, rõ ràng là bị quỷ nhát. Các quan nghe báo đều bở vía. Họ bàn với nhau, rồi hạ cờ, kéo về Thăng-long quy phục triều đình. Thiếu-sư Trần Thừa sai người khâm liệm thi thể gia đình Đàm, rồi đưa về nguyên quán chôn cất. Triều đình cử một viên quan trẻ trấn nhậm Hồng-châu thay thế Đàm Thì-Chí. Thế là gần như các trấn, các phủ đều quy phục triều đình. Dưới sự phủ dụ, cai trị của Trần Thừa, Phạm Kính-Ân, đất nước điêu tàn vì chiến tranh, vì những cuộc binh biến mà chỉ trong vòng một nămthôi, kinh thành, cũng như những vùng xa xôi lại phồn thịnh như cũ. Chợ búa tấp nập đông đảo. Trên sông, thuyền bè ; trên đường xe cộ, giao thông như thời bình. Đất nước gần như thống nhất. Người đương thời có câu đồng dao rằng: Nước có vua, thua nước vua trốn, Chợ không vua, không thưa người họp. Sông có vua, cua cá không còn, Đường không vua, xe đua như nước. Thấy tình hình đã tương đối sáng sủa, Thủ-Độ truyền An-dân Quốc-vụ viện ban lệnh triệu tập tất cả các Khả-hãn, các Hãn về họp mật. Nơi họp là Văn-miếu. Kể từ ngày Thủ-Độ lên đường đi sứ, trải đã mấy năm, bây giờ Hầu mới gặp lại các Khả-hãn, các Hãn. Sau mấy năm xa cách, điều Hầu cảm thấy vui mừng không bút nào tả xiết là: Các Khả-hãn từ những thiếu niên quê mùa, bây giờ trở thành những đại tướng khí phách hiên ngang, đầy nhiệt huyết. Sau khi các Khả-hãn trình bầy tình hình địa phương, Thủ-Độ tuyên bố chính sách về nô bộc, về ruộng đất, đến phần thảo luận về những bước phải làm để thực hành ba lời nguyền đã nhắc lại trong bản Đại-cáo. Thủ-Độ khẩn khoản nói với Phạm Kính-Ân: - Xin thầy ban cho những lời dạy dỗ. Phạm Kính-Ân đứng lên phát biểu: - Ba lời nguyền, mà chúng ta đã tuyên cáo với Quốc-dân, nhất định chúng ta phải thực hiện. Nhưng bao giờ thỉ thực hiện? Thực hiện như thế nào để thành công mỹ mãn, để không phải đổ máu nhiều, để có chính nghĩa? Cử tọa im phăng phắc. - Tôi nghĩ, ngay bây giờ chúng ta chưa thể thực hiện được. Vì sao? Ông ngừng lại một lát, rồi tiếp: - Chúng ta tạm lùi một bước, để tiến mười bước. Hiện còn tới 2 trấn, 5 phủ, ta chưa làm chủ được. Tuy vậy, trong mấy tháng qua, ta đã lấn bằng cách gửi người sang huấn luyện Hương-binh, tổ chức đội ngũ. Kể ra là lúc chín mùi rồi, ta chỉ việc cất tay một cái, thì triều Lý không còn nữa. Ta giết gã Long-Sảm thì quá dễ dàng. Ngặt vì bọn sứ quân, bọn An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ sẽ lấy cớ đó, kéo cao cờ nghĩa phù Lý diệt bang Lĩnh-Nam, vô tình ta hứng chịu tất cả các mũi dùi. Vậy các Khả-hãn, các Hãn trở về vùng trấn nhậm thi hành bằng này điều. Một là, quản hạt đã có An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ do ta đưa lên, thì giữ nguyên. Còn như, các An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ của triều Lý, nếu họ có tài, có đức, mà họ chịu theo ta, thì ta để cho họ tồn tại. Còn lại, ta hạ chúng xuống, tìm người tài đức trong vùng đưa lên thay thế. Hai là, thi hành chính sách nô bộc, ruộng đất, thuế khóa mà ta đã nêu trong Đại-cáo. Ba là, phải theo dõi phủ, trấn cạnh ta, chưa thuộc về ta. Nếu như thấy bọn An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ đó tàn ác, thì tiến quân sang đánh dẹp, ta sẽ cử người về trấn nhậm. Sau khi diệt hết bọn sứ quân, đất nước thống nhất. Bấy giờ, trong triều ta muốn vo tròn, bóp méo gã Long-Sảm thế nào mà chẳng được! Mọi luật lệ do ta ban hành, mọi nhân sự do ta bổ nhiệm. Ta không làm vua, cũng như làm vua. Ta tha hồ cải cách, làm cho dân giầu nước mạnh. Cử tọa vỗ tay hoan hô. Giữa lúc đang hội họp thì An-dân Quốc-vụ viện báo: " Trong khi đại binh của Thái-úy Trần Tự-Khánh tiến lên châu Lạng, giải cứu, thì xa giá Kiến-gia hoàng đế bị bọn Đàm Dĩ Mông, Đàm hậu dùng một đội võ sĩ Tống uy hiếp, chạy về Bình-hợp. Thị-vệ, cung nga, thái giám theo hầu bỏ trốn gần hết. An-phủ sứ đón vua về dinh, cung phụng". Cử tọa trấn động! Thủ-Độ hỏi: - Bình-hợp ở đâu? An-phủ sứ là người thế nào? Tam-Hào đứng dậy: - Bình-hợp thuộc Bắc-giang, là địa phận của thuộc hạ. An-phủ sứ chính là quản nhiệm Vụ-binh bản bang Lê Mịch. Đáng lẽ hôm nay Lê sư huynh cùng về họp. Nhưng thuộc hạ cản, vì trong phủ một văn, một võ, thì một người phải giữ nhà. Thủ-Độ tuyên bố giải tán cuộc họp, Hầu ban lệnh cho đội Lưu-tinh: - Cấp báo tin tức cho Thái-úy Trần Tự-Khánh biết tin tức này ngay. Xin người tiến binh về Bình-hợp bảo vệ Kiến-gia hoàng đế. Hầu nói với Chu Mạnh-Nhu, Tạ Quốc-Vinh: - Hai vị ở lại Thăng-long, điều hành An-dân Quốc-vụ viện, trợ giúp Thiếu-bảo Trần Thừa. Tôi phải đi cứu quản nhiệm Vụ-lễ Kim-Dung ngay. Lại nói với Phạm Kính-Ân, Tam-Hào: - Xin thầy đi với con. Tam-Hào! Chúng ta về Bắc-giang ngay chiều nay. Thủ-Độ lấy hơn trăm kỵ mã thuộc đạo Gia-lâm hộ vệ, rồi cùng Phạm Kính-Ân, Tam-Hào lên đường. Vì nóng lòng gặp lại Kim-Dung, Hầu phi ngựa như gió cuốn, như mây bay. Khoảng hơn giờ sau thì tới địa phận Bắc-giang. Trên đường đi, Hầu phóng mắt nhìn những làng mạc ven đường: Dân chúng thản nhiên làm ăn, đồng ruộng xanh tươi, trẻ con, người lớn đứng nhìn đoàn kỵ mã như xem một đoàn hát đi qua. Hầu khen Tam-Hào: - Lê Mịch với em quả thực là tài. Trên toàn quốc, đều lâm vào tình trạng chiến tranh, dân chúng phiêu bạt, mà em với Lê Mịch giữ được vùng này an ninh, thịnh vượng thế này, thực tể tướng Phương-Dung thời vua Trưng sống lại cũng phải khen. Lại phi khoảng hơn hai khắc nữa, thì thành Bình-hợp đã hiện ra xa xa. Thình lình có tiếng vó ngựa kêu lốp cốp, rồi ba kỵ mã xuất hiện, phi ngược chiều. Tam-Hào chỉ ba kỵ mã nói: - Kia là ba kỵ mã Lưu-tinh. Chắc chúng báo tin khẩn cấp. Ba kỵ mã chưa từng thấy mặt Thủ-Độ, chúng hành lễ với Tam-Hào, rồi báo cáo tình hình: " Cách đây năm ngày, có sứ giả báo rằng: Xa giá của Kiến-gia hoàng đế, Thái-hậu, cung quyến, triều đình sắp tới Bắc-giang. Truyền chỉ cho An-phủ sứ phải đem binh dàn ra hộ giá, cung đốn lương thực, chỗ ở. Nếu sơ xuất, sẽ bị giết cả nhà. An-phủ sứ họp các quan lại, cùng bang chúng bang Lĩnh-Nam nghị sự. Cuối cùng đều quyết định: Cứ đón tiếp theo lễ nghi, rồi báo cho Khả-hãn biết để định liệu. Sáng nay Hoàng-đế cùng triều đình tới. An-phủ sứ dàn giáp sĩ, mở cửa thành đón tiếp. Từ Hoàng-đế, Thái-hậu cho đến Thái-sư Đàm Dĩ-Mông, các đại thần tòng vong, cung quyến đều mệt mỏi bơ phờ, y phục tả tơi. Tuy nhiên theo phò Hoàng-đế còn có bốn vị tướng quân người Tống, chỉ huy ba trăm võ sĩ. Người nào trông cũng hùng tráng. Dường như Hoàng-đế bị bọn này khống chế. Nên nhất nhất, đều phải nghe lệnh bốn viên tướng này". Tam-Hào bàn với Thủ-Độ: - Không biết bốn gã tướng quân Tống kia sang đây có mục đích gì? Tại sao chúng lại mang hơn ba trăm võ sĩ theo? Ta phải cẩn thận lắm mới được. Phạm Kính-Ân bàn. - Đại-hãn! Trong vụ nhà vua đến Bắc-giang, dường như có một ngụ ý cực kỳ quan trọng. Khi còn là Thái-tử, nhà vua cũng biết phái Đông-A không ưa triều Lý, mà vẫn chạy về Hải-ấp nương nhờ, rồi được Ninh-quốc đại vương phất cao cờ nghĩa, mà tái lập được ngôi vua. Bây giờ, nhà vua cũng như triều đình đều biết rằng Bắc-giang do bang Lĩnh-Nam của ta chiếm cứ. Mà bang Lĩnh-Nam với ba lơì nguyền, rất nguy hiểm cho nhà vua. Thế mà nhà vua lại di giá đến là tại sao? Theo tôi nghĩ, có thể nhà vua bị bọn họ Đàm, bọn Tống khống chế, không thoát được. Nhà vua mơí nghĩ đến nhập vào lãnh địa của ta, để nhờ ta giải thoát. Nghe Kính-Ân luận, Thủ-Độ như người mơ, tỉnh giấc. Hầu hỏi: - Thưa thầy, bây giờ con phải có thái độ nào? - Đại-hãn! Đây là dịp may ngàn năm một thủa cho ta. Trong lúc hào kiệt còn hoài tưởng triều Lý. Hơn nữa, nhiều vùng vẫn theo nhà vua. Vậy bây giờ, ta kéo cao cờ nghĩa tôn phù nhà vua, dùng nhà vua làm cái bung xung để sai khiến thiên hạ. Vậy, Tam-Hào hãy về trước, và làm như vậy...như vậy...Còn Đại-hãn với tôi sẽ âm thầm tới sau. Tam-Hào theo ba kỵ mã trở về lỵ sở Bắc-giang. An-phủ sứ Lê Mịch ra đón ở đầu thị trấn. Tam-Hào nóng lòng hỏi ngay: - Sư huynh đã gặp sư tỷ Kim-Dung chưa? - Gặp rồi! Sắc diện sư tỷ tiều tụy lắm. Sư tỷ cho biết, từ hôm xa giá lưu vong, Đàm Thái-hậu tìm đủ cách giết sư tỷ. Nào bắt thắt cổ chết, nào bắt uống thuốc độc, nào sai võ sĩ đem chém. Nhưng tất cả đều không thành công.Tam-Hào chửi thề: - Đ.M nó chứ! Thế là cái đéo gì? Nếu không có song thân sư tỷ suất lĩnh hào kiệt, diệt bọn Quách Bốc, thì giờ này làm đéo gì cái triều Lý còn tồn tại? Ăn cháo đá bát! Qua sông phụ sóng! Trước đây gã Thái-tử Long-Xưởng đã phụ ơn giòng họ Đông-A, rồi mua lấy cái chết. Triều Lý đối xử tàn tệ với Phò-mã Thủ-Huy, chưa từng thấy trong lịch sử Đại-Việt. Bây giờ tới con mụ họ Đàm. Mẹ cha nó chứ. Tam-Hào hạ thấp giọng: - Sao sư huynh không dùng hương binh bắt con mụ Đàm thái hậu, cùng cái triều đình thối tha kia giết con mẹ chúng đi cho rồi! - Ta cũng định làm vậy. Ngặt vì đi theo Long-Sảm còn có bốn võ quan của Tống, với hơn ba trăm võ sĩ. Ném chuột sợ vỡ đồ. Ta mà ra tay, thì e chúng hại nhà vua. - Chúng là ai vậy? - Tên phó sứ Lâm Hoài-Đức, ba bồi sứ Đinh Huyền, Đinh Thanh, Đinh Hồng và con mụ Trịnh Nam-Phương. Võ công chúng cao thâm không biết đâu mà lường. Song việc dùng binh thì chúng ngu như lợn. Vì vậy ta phải đợi đệ về rồi tính. Chính bọn này với bọn họ Đàm kiềm chế nhà vua. Nhà vua muốn thoát ra mà không có cách nào. Tam Hào nóng nảy: - Đệ muốn gặp sư tỷ. Lê Mịch chỉ vào cái nhà chòi, hơi giống ngôi chùa Một-cột ở Thăng-long: - Thái-hậu cô lập sư tỷ! Cấm không ai được tiếp xúc với người! Người hiện ở trong căn lầu gỗ phía sau dinh vơí nhà vua. - Xin lỗi, đây là đất của đệ, chứ không phải đất của họ Đàm. Đệ cứ gặp sư tỷ xem thị làm gì được đệ. Hồi còn niên thiếu, bọn Tây-hồ Thập-bát Anh-hào được Kim-Dung dậy võ, luyện văn, nàng lại hay hóa phép thành những món ăn khoái khẩu, nên mười tám đứa em kết nghĩa cực kỳ sủng ái nàng. Vì vậy Tam-Hào mới nổi cáu, phát ra những lời nặng nề! Lê Mịch hỏi: - Thế nào? Sư đệ gặp Đại-hãn rồi hả. Đại-hãn quyết định ra sao về số phận tên Long-Xưởng? Tam-Hào nói nhỏ vào tai Lê Mịch mấy câu. Lê Mịch gật đầu khen: - Phải hành động như vậy. À, thôi sư đệ vào bái yết gã Long-Sảm đi. Kiến-gia hoàng đế cư trú trong dinh An-phủ sứ. Quanh dinh có khoảng hơn trăm võ sĩ Tống canh gác. Một viên tướng cầm kiếm kiểm soát. Tam-Hào nhận ra y là Đinh Hồng, viên bồi sứ mấy năm trước. Còn Đinh Hồng, y đã thấy Tam-Hào trong kỳ thi võ Tiến-sĩ. Nhưng sau mấy năm, Tam-Hào lớn lên, cơ thể thay đổi nhiều, nên y không nhận ra chàng. Y hỏi: - Phải chăng huynh đệ là Đoàn-luyện sứ của phủ Bắc-giang? - Vâng! Không biết đại nhân đây xưng hô thế nào? - Ta là bồi sứ, Gia-định hoàng đế Thiên-triều gửi chúng ta sang đây giúp An-Nam quốc vương, để dẹp giặc Đông-A. Đoàn-luyện sứ muốn gì? - Tôi muốn vào yết kiến nhà vua. - Được! Sau khi xong việc, ta muốn bàn với Đoàn-luyện sứ một chuyện. - Vâng. Tam-Hào bước vào dinh. Chàng liếc mắt nhìn: Long-Sảm ngồi trên chiếc ghế, cạnh đó còn một trung niên thiếu phụ béo tròn béo trục, có lẽ là Đàm thái hậu. Xung quanh Long-Sảm, còn khoảng mười vị đại thần, mặt mũi hốc hác, y phục tả tơi. Không thấy một cung nga, thái giám nào. Ngồi ngang với Hoàng-đế là phó sứ Lâm Hoài-Đức mà chàng đã gặp hôm thi võ. Nhà vua tỏ ra bơ phờ mệt mỏi lắm rồi. Tuy thấy Tam-Hào vào tung hô vạn tuế, mà ngài vẫn lơ đãng nhìn lên xà nhà. Một lúc sau, ngài mới phán: - Đoàn-luyện sứ. Hiện khanh có bao nhiêu Hương-binh? - Tâu, thần có một Hiệu. - Hiệu tên gì? - Hiệu mang tên Bắc-giang. Hiệu có Tiền-đạo, Hậu-đạo, Tả-đạo, Hữu-đạo, và một đạo Ngưu-binh. Mỗi đạo có ba nghìn người. - Trẫm thăng khanh lên hàng Đô-thống, phong cho khanh tước Yên-duyên bá, đặt khanh dưới quyền chỉ huy của Trấn-viễn đại tướng quân Thiên-triều Lâm Hoài-Đức, để diệt bọn giặc Trần Tự-Khánh, khôi phục nghiệp rồng. Nếu khanh có công, trẫm sẽ thăng lên tước Hầu, chức tướng quân. Thôi khanh lui. Lâm Hoài-Đức hỏi Tam-Hào: - Hiện năm Đạo binh của Đô-thống đóng tại đâu? - Thưa Thiên-sứ, tại lỵ sở này chỉ có Tiền-đạo ứng trực thôi. Còn Tả, Hữu, Trung-đạo và đạo Ngư-binh thì tản vào dân chúng giữ an ninh. - Nếu như muốn tập trung các đạo lại thì mất trong bao nhiêu ngày? - Thưa chỉ cần hơn một giờ. - Vậy đô thống ra lệnh tập trung các đạo binh tại đây vào giờ Thìn ngày mai, để bản sứ điều động, hộ tống xa giá tiến về Thăng-long. Tam-Hào nghĩ thầm: - Tên này chỉ là một võ phu. Còn việc điều quân thì ngu hơn lợn. Ta có thể lừa y dễ dàng. Chàng xua tay: - Thưa Thiên-sứ, từ đây về Thăng-long phải qua vùng Quốc-oai. Mà Quốc-oai do An-phủ sứ Vương Lê với Nhị-Anh trấn đóng. Hiện họ ly khai với triều đình. Nếu ta tiến quân về Thăng-long, sẽ phải giao chiến với họ. Tiểu nhân e việc này không dễ dàng đâu. - Không khó. Ngày mai, chúng ta sẽ dẫn đầu đoàn quân. Hễ gặp bọn tướng Quốc-oai, chúng ta ra tay kiềm chế chúng. Quân sĩ còn lại như rắn mất đầu, Đô-thống chỉ việc xua quân đuổi như đuổi chuột. Dễ mà. - Tuân lệnh Thiên-sứ. Tam-Hào ra phía sau dinh An-phủ sứ, nơi có căn lầu bằng gỗ, dành cho nhà vua ở. Dưới cầu thang, có bốn nữ Hương binh đứng gác. Chúng thấy chủ tướng thì hành lễ. Tam Hào hỏi: - Những ai ở trên đó? - Thưa Khả-hãn, chỉ có một mình quản Vụ-lễ Kim-Dung mà thôi. - Người báo với quản Vụ-lễ rằng có ta cầu kiến. Kim-Dung đã ló đầu ra cửa sổ, nàng vẫy tay: - Tam-Hào đấy hả? Chị mong em muốn mờ mắt đi được. Nói rồi Kim-Dung tung mình đáp xuống nhẹ như con chim. Nàng ghé miệng vào tai Tam-Hào: - Đại-hãn đâu? Tại sao người... người không đến đây gặp ta? Tam-Hào nói nhỏ: - Đại-hãn cũng mong gặp sư tỷ đến mờ mắt ra. Người chờ sư tỷ ở ngọn suối Tiên, cách đây chừng hai dặm. Chúng ta tới đó gặp người. Tình yêu che lấp trí minh mẫn của Kim-Dung. Nàng quên mất mình đang là vợ vua, phải cấm cung trong lầu vắng. Thấy Tam-Hào chạy trước, nàng dùng khinh công phóng theo. Qua hai khu rừng, thì Tam-Hào dừng lại. Kim-Dung nóng nảy, nàng hỏi: - Đại-hãn đâu? Một bóng người từ trên cây đáp xuống như chiếc lá rụng trước mặt Kim-Dung, chính là Thủ-Độ. Hai người cùng nhìn nhau, ngây ngất, tưởng đâu trong giấc mơ? Cả hai cùng không nói lên lời. Rồi, không ai kiềm chế được mình, cả hai ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào: - Thủ-Độ! - Kim-Dung! Hai người ngã xuống bụi cỏ. Họ quên mất Tam-Hào đang ở cạnh. Rừng núi Bắc-giang, dưới nắng hè chói chang, vang lên tiếng ve rên rỉ. Trên bãi cỏ xanh tươi, đôi tình nhân trẻ, sau biết bao nhiêu ngày xa cách, nhớ thương chồng chất. Họ như tan biến vào nhau. Họ từng thề ở hồ Tây: Dù dơ bẩn, dù xấu xa mấy họ cũng làm. Miễn là giữ được Xã-tắc, bảo vệ được đất tổ. Ghi chú của thuật giả: Viết đến đây, tôi xin ngừng lại, không dám thuật tiếp. Vì, tôi đã tra trong chính sử, dã sử, cũng như gia phả các chi họ Trần. Kể cả gia phả của con cháu Chiêu-quốc vương Trần Ích-Tắc ở Trường-sa Trung-quốc, cũng không biết chắc rằng Trung-vũ đại vương Trần Thủ-Độ với Hoàng-hậu của vua Lý Huệ-Tông đã làm những gì với nhau hôm ấy ở bãi cỏ thơm? Vì lễ giáo, hai vị sẽ buông nhau ra, nhìn nhau qua mắt lệ than ôi, hay là..., hay là... Độc giả Anh-hùng Đông-A vốn thông minh, xin tự đoán lấy. Nếu có sai cũng không sao. Mặt trời đã ngả về Tây. Không gian rừng núi Bắc-giang đã biến sang mầu tím. Thủ-Độ nắm lấy tay Kim-Dung: - Bây giờ chúng ta hãy bỏ nơi này về Thăng-long. Bang Lĩnh-Nam của chúng ta kéo cao cờ nghĩa, tôn anh Thừa lên ngôi hoàng đế, rồi kiến tạo đất nước thành một đại quốc anh hùng; giúp cho dân giầu, no ấm như thời vua Hùng vua Trưng. - Không được đâu! Muôn ngàn lần không được. Thủ-Độ run run: - Sao? Tại sao lại không được? - Nếu chúng ta làm thế, thì vô tình chúng ta trở thành một thứ Kiều Công-Tiễn, một thứ Đỗ Thích, cả nước sẽ coi chúng ta như con chó điên ai cũng muốn giết! - Ý Dung muốn nói? - Hiện lòng người vẫn chưa hoàn toàn muốn diệt họ Lý. Nhiều người còn hoài tưởng, nhớ công nghiệp của các vua Thái-tổ, Thái-tông, Thánh-tông, Nhân-tông. Bằng cớ, Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng là hai kẻ vô tài, bất đức. Thế mà chúng kéo cao cờ cần vương, khôi phục Lý triều, anh hùng thiên hạ theo về dưới trướng đông đảo, nên anh Tự-Khánh bao phen giao chiến với chúng đều thất bại. Bọn Khả-hãn của chúng ta, sống lẫn với dân, gần dân như thế, mà cũng bó tay trong vùng của Nộn, Thượng. Đấy là nói về tình dân, thế nước. Thủ-Độ công nhận Kim-Dung có lý. Nàng tiếp: - Còn nói về phong hóa, đạo lý, kể từ khi triều Lý lập lên, Nho-giáo dần dần thay thế Phật-giáo, ảnh hưởng vào triều đình. Đến đời vua Thánh-tông, Nhân-tông cho xây Văn-miếu, tạc tượng Khộng-tử, Tứ-phối, Thất-thập nhị hiền, thì Nho-giáo đã chiếm một địa vị gần như độc tôn. Cho nên khắp thôn cùng, ngõ hẻm, người người đều lấy Tam-cương, Ngũ-thường làm giáo hóa con cái. Bây giờ anh giết Kiến-gia, thì bị kết tội đại nghịch. Dù nói cách nào chăng nữa, em cũng là vợ Long-Sảm, lại có mang, mà em bỏ chồng theo anh, thì khắp thiên hạ đều nguyền rủa bọn mình là gian phu, dâm phụ, làm chuyện chó lợn. Họ sẽ săn đuổi tru diệt chúng mình như tru diệt hai con chó điên. Nói đâu xa, trong gia đình mình, mẹ em, anh Thừa, anh Khánh cũng không thể chấp nhận cái việc em bỏ Long-Sảm theo anh, cái việc chị em con chú con bác loạn luân. - Vậy chúng mình phải làm gì? - Những việc mà chúng ta phải làm, thì thầy Kính-Ân đã giảng cho anh rồi. Ngay lập tức, chúng ta đưa xa giá Kiến-gia về Thăng-long. Từ nay, quyền hành ở trong tay nhà ta. Anh tha hồ thi hành cái mộng làm cho dân giầu nước mạnh. - Chuyện này cũng dễ thôi! - Không dễ đâu. Kim-Dung khẳng định: - Ngay khi bọn Quách Bốc làm loạn, Long-Sảm, Long-Thẩm tranh dành quyền, Đàm Dĩ-Mông sai sai sứ sang Tống cầu phong cho y làm An-Nam quốc vương. Đàm cũng xin Tống gửi viện binh sang dẹp giặc. Thay vì gửi quân, Tống gửi bọn Lâm Hoài-Đức dẫn Tương-giang tam hổ sang, với ý định đâm bị thóc, chọc bị gạo cho ta có nội chiến, tinh lực yếu đi, để không còn là mối lo cho họ nữa. Khi mới tới, bọn này dùng ba trăm võ sĩ khống chế Kiến-gia, cùng triều đình, mượn danh Kiến-gia để sai khiến anh hùng Đại-Việt. Sau những ngày phiêu bạt, bữa có, bữa không, bọn thị vệ, cung nga, thái giám bỏ trốn hết. Trong khi đó bọn Tống lại áp chế quá đáng. Kiến-gia bàn với em bằng mọi giá phải thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chúng. Nhân đó em đưa ý kiến ban chỉ triệu anh Tự-Khánh. Vì chỉ có anh Tự-Khánh mới có thể đương nổi với Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn, diệt bọn Tống. Kiến-gia đồng ý. Em lại bàn: Trong khi chờ đợi, hãy ẩn vào vùng Bình-hợp, là nơi trấn nhậm của quản nhiệm Binh-vụ Lê Mịch, với Khả-hãn Tam-Hào. Cả hai người đều là sư đệ của em. Kiến-gia nghe theo... Vậy bây giờ ta diệt bọn Tống bằng cách nào? Bàn về hành quân, xung phong, hãm trận, thì hiện khắp Đại-Việt không ai hơn được Thủ-Độ. Nhưng trong việc cần đến mưu trí như vụ này, thì Thủ-Độ hoàn toàn mù tịt. Hầu đề nghị: - Muốn diệt bọn Tống, thì phải giết tên Lâm Hoài-Đức, Tương-giang tam hổ và Trịnh Nam-Phương. Ở đây, anh chỉ có thể đấu ngang tay với Trịnh Nam-Phương. Kim-Dung, Lê Mịch, Tam Hào không phải là đối thủ của Tương-giang tam hổ. Vậy ta phải khẩn sai người về cáo với anh Thừa, xin anh gửi cho ta mấy cao thủ. - Em cũng nghĩ như vậy. Với bản lĩnh của Lâm Hoài-Đức thì e phải có cô chú Phùng Tá-Chu, cậu mợ Tô Trung-Từ mới trị nổi chúng. Nhưng việc trước mắt phải làm ngay hôm nay, mà ta gửi sứ đi cầu viện, thì biết đến bao giờ? Em đề nghị: Đợi đêm xuống, một mặt chúng ta âm thầm đem Kiến-gia trốn đi. Một mặt chúng ta lệnh cho Tam-Hào đem binh vây bọn chúng, bắt giết đi là êm. - Vậy thì đêm nay Dung thử bàn với Kiến-gia xem sao. - Khổ một điều là nhà vua vẫn không tin anh Thừa, anh Khánh. Cho đến lúc này, nhà vua vẫn chưa quyết định xem có nên về Thăng-long hay không? Chợt Kim-Dung bẹo tai Thủ-Độ: - Này Thủ-Độ! Em nghe nói con quỷ ba đầu lại xuất hiện ở Hồng-châu, Đăng-châu, Khoái-châu. Có phải do anh không? - Không! Anh cũng đang điên lên về vụ này đây! Không biết ai đã giả danh anh. Có điều con quỷ ba đầu làm lợi cho nhà ta nhiều quá. - Em nghe nói, những người bị quỷ nhát chết, xác lạnh như băng. Rõ ràng họ bị trúng Huyền-âm nội lực. Thủ-Độ nghĩ ra một chuyện, Hầu ghé tai Kim-Dung nói nhỏ mấy câu. Kim-Dung bật cười rồi gật đầu liên tiếp. Nàng gỡ tay Thủ-Độ ra rồi nói - Thôi, em phải về. Đôi lứa thiếu niên bịn rịn, không muốn rời nhau. Tay cầm tay. Họ ôm chặt lấy nhau, rồi thình lình buông nhau ra. Kim-Dung dùng khinh công vọt về phía dinh An-phủ sứ. Thủ-Độ ngẩn ngơ đứng nhìn theo. Rừng Bắc-giang chìm vào trong bóng tối, tiếng dế kêu nỉ non, hòa lẫn vơí tiếng cú rừng, tạo thành một thứ âm nhạc buồn rười rượi. - Đại-hãn. Thủ-Độ giật mình quay lại, Tam-Hào đang đứng đối diện với Hầu. Hầu hỏi: - Em nghe hết những gì ta bàn với Kim-Dung rồi phải không? - Vâng. - Theo quan Thái-phó Phạm Kính-Ân cũng như Kim-Dung, thì ta không thể giết tên Long-Sảm, mà ngược lại phải bảo vệ y, dùng y sai khiến những người còn tưởng nhớ đến triều Lý. Dần dần, khi quyền vào tay ta trọn vẹn, bấy giờ giết y cũng không muộn. Em nghĩ ta phải làm gì bây giờ? - Muốn xử dụng tên Long-Sảm làm bù nhìn, thì ta phải tách y khỏi bọn Tống, bọn họ Đàm. Trước đây Đại-hãn cho rằng đầu mối mọi hỗn loạn đều do bọn đại thần ăn hai, bọn gà mái gáy hậu cung. Đại-hãn muốn giết hết bọn chúng, thì bây giờ là dịp bằng vàng cho Đại-hãn xuống tay. - Có cách nào mượn tay người khác giết chúng dùm thì hay hơn. - Không khó. Thuộc hạ nghĩ, nếu bây giờ ta đem quân vây đánh bọn Tống, bọn Đàm Dĩ-Mông thì dễ quá. Nhưng e diệt được chúng, ta cũng tổn thất không ít. Ấy là không kể trong lúc hỗn loạn, Long-Sảm bị giết chết thì ta mang tiếng thí chúa. Vậy ngay bây giờ Đại-hãn mang nhà vua rời khỏi đây trước đã. Thuộc hạ chuẩn bị cho Đại-hãn với sư tỷ Kim-Dung, đem theo mươi kỵ mã hộ tống Long-Sảm chạy về Quốc-oai là nơi trọng binh của Nhị-Hào trấn đóng. Khi Long-Sảm rời khỏi nơi này, thuộc hạ sẽ có cách đối phó với bọn Tống, bọn Đàm Dĩ-Mông. Ngặt vì trên đường đi phải qua bến Cửu-liên, trong đêm thuyền bè không có. Liệu Long-Sảm có bơi qua sông được không? - Điều này không khó, vì Kim-Dung bơi rất giỏi. Sư tỷ có thể dìu hắn qua sông được. Em hãy âm thầm chuẩn bị đi.- Thưa Đại-hãn! - Có gì không? - Sư tỷ Kim-Dung bị Thái-hậu giam lỏng ở trong căn lầu gỗ. Thế mà người bỏ đi từ chiều đến giờ... Thủ-Độ kinh hoảng: - Ái chà! Không chừng Kim-Dung trở về sẽ gặp rắc rối. Nhưng không sao. Ta đã có cách đối phó. Kim-Dung trở về căn gác gỗ thì không thấy nhà vua. Nàng hỏi tên thái giám: - Hoàng thượng đâu? - Hoàng thượng đang thiết triều tại dinh An-phủ sứ. Kim-Dung hướng dinh An-phủ sứ, dùng khinh công vọt mình đi trong đêm. Đi nửa đường thì gặp nhà vua đang trở về. Có mười võ sĩ Tống hộ vệ. Kim-Dung hỏi thăm nhà vua mấy câu rồi ban chỉ cho đám võ sĩ Tống: - Đa tạ các vị huynh đệ. Xin các vị trở về an nghỉ. Tôi bảo vệ Hoàng-thượng đủ rồi. Trở lại căn gác, Kim-Dung tâu với nhà vua: - Xin Bệ-hạ lên gác an nghỉ trước. Thiếp cần luyện lại bộ chưởng Lôi-giáng Hoa-nhạc. Thiếp sẽ trở về sau một giờ. Nhà vua uể oải leo lên căn gác. Sau khi cài cửa lại, ngài trút bỏ mũ, áo, định ngồi xuống chiếc ghế, thì có tiếng rên hừ...hừ... ngay bên cạnh. Nhìn lại, bất giác da gà ngài nổi lên, chân tay run lật bật, hai hàm răng đánh nhịp lộp cộp: Con quỷ ba đầu, mà ngài đã bị nhát hồi ở Đông-cung đang gật gật cái đầu. Quá kinh hoảng, nhà vua ngã ngồi xuống sàn nhà, rồi khấn: - Trăm lạy Vô-thượng chí tôn đại thánh hoàng đế. Xin Đại-thánh hoàng đế đừng bắt hồn thần nhi - Nhà ngươi có biết tội chưa? - Quả tình thần nhi không có tội gì. - Không tội? Phàm ngồi trên ngôi Cửu-ngũ, thì phải biết phân biệt kẻ trung, người nịnh. Nay mi làm vua, mà lại không biết họ Trần xả thân vì triều đình, bọn họ Đàm là bọn mưu với Tống cướp ngôi hay sao - Tâu, việc đó do Đàm Thì-Phụng chủ trương, thì cả nhà y đã bị Đại-thánh hoàng đế xử tử rồi. - Ta đã giết chúng nó thì ta nhớ chứ. Gian thần họ Đàm mà ta muốn nói đây là tên Đàm Dĩ-Mông với Đàm Ngọc-Anh kia. Chúng muốn đem người rời Thăng-long, để dễ dàng khống chế. Chúng đã sai sứ sang Tống cầu phong cho Đàm Dĩ-Mông làm An-Nam quốc vương. Chúng cũng xin Tống ra binh giúp chúng khôi phục Thăng-long. Nhưng Tống sợ thế lực họ Trần, nên chỉ gửi Lâm Hoài-Đức với ba trăm võ sĩ sang mà thôi. Chúng định mấy hôm nữa sẽ giết người, rồi đổ tội cho giặc cướp. Bấy giờ Đàm Dĩ-Mông mới lên làm vua. Người hiểu chưa? - Bây giờ thần nhi mới biết. - Ta vì sự nghiệp mấy trăm năm của quả núi Tiêu-sơn báo cho mi biết, liệu mà trừ bọn chúng ngay. Nếu trừ không nổi thì trốn đi. - Hiện khắp nơi đều có giặc cướp. Thần nhi thực không còn chỗ ẩn thân. - Mi ngu quá! Kìa Trần Thừa, Trần Tự-Khánh, Phùng Tá-Chu, Phạm Kính-Ân đều là những trung thần, tài trí dọc ngang trời đất. Họ là những cây cột chống trời còn được, huống hồ chống Xã-tắc? Người liệu mà về Thăng-long ngay đi. Ta sẽ tàng hình theo dõi bên cạnh phù hộ cho mi. Thôi ta đi đây Con quỷ vuốt tay lên mặt Kiến-gia hoàng đế một cái, khiến Hoàng-đế mê man, nhập vào giấc ngủ rất sâu. Khi Hoàng đế tỉnh dậy thì thấy bên cạnh là Đàm thái hậu, đạo cô Vân-Đài Trịnh Nam-Phương đang ngồi trên ghế. Cạnh đấy, Ngự-nữ Kim-Dung đang quỳ gối. Đàm thái hậu vung cái roi mây quất vào lưng Kim-Dung, véo, véo, véo ba cái liền, rồi hạch: - Con hồ ly kia! Ta đã ban chỉ rằng mi phải ở trong căn gác này, không được đi đâu. Thế mà mi vi chỉ, bỏ đi từ chiều đến giờ? - Thần nhi ra phía sau dinh luyện võ - Mi bỏ đi, mà không gọi thị vệ người canh gác để cho con quỷ ba đầu hiện về nhát Hoàng-thượng. Tội mi đáng xử giảo. Nhà vua ngồi nhỏm dậy. Ngài tâu với Đàm hậu: - Xin mẫu hậu không nên kết tội Dung! Bởi Vô-thượng chí tôn đại thánh hoàng đế phép tắc vô cùng. Người hiện hồn về giúp hài nhi. Người còn hứa luôn ở cạnh phù hộ cho hài nhi, chứ người không nhát hài nhi. - Được! Ta tha cho con hồ ly cái tội không hộ vệ Hoàng-nhi. Nhưng ta muốn nó trả lời, suốt buổi chiều nay, nó đi đâu Kim-Dung im lặng không trả lời. Đàm thái hậụ lại vung roi mây quất liền năm sáu roi. Kim-Dung vẫn quỳ, Thủy chung nàng không tỏ vẻ đau đớn, cũng không trả lời. Thủ-Độ nấp bên ngoài, Hầu nghĩ thầm: - Với nội công của Kim-Dung, thì cái roi kia không thể làm nàng đau đớn. Ta chẳng cần can thiệp. Trịnh Nam-Phương cười nhạt: - Này Trần Ngự-nữ. Người qua mắt được Thái-hậu, chứ không qua mắt được ta đâu. Người tưởng người là con gái đại tôn sư võ học Trần Lý, người vận công thì chiếc roi mây này không phạm vào da thịt người được hẳn? Kim-Dung cũng không vừa: - Vân-Đài tiên tử. Người chẳng là chính thê của Tể-tướng Đỗ An-Di đó sao? Người chẳng từng chịu sắc của Tiên-đế đó sao? Người là thần tử của bản triều, thì phải biết rằng ta là người được Hoàng-thượng sủng ái chứ? Biết thế mà người dám vô lễ với ta ư? Nam-Phương cười nhạt: - Ta cứ vô lễ xem người làm gì ta! Nói dứt mụ xẹt tới điểm vào huyệt Đại-trùy của Kim-Dung. Kim-Dung né mình tránh khỏi. Nam-Phương biến chỉ thành quyền đánh vào thái dương Kim-Dung. Kim-Dung nhỏm dậy phát một chiêu trong bộ Lôi-giáng Hoa-nhạc trả đòn. Đây là pho võ công, mà phái Đông-A đã nghiên cứu để phá võ công Hoa-sơn, trong Vô-Trung kinh. Nam-Phương nào có biết trời cao đất dầy là gì. Mụ chuyển tay gạt chưởng của Kim-Dung. Khi hai tay chạm vào nhau, mụ cảm thấy sát thủ của đối phương cực kỳ trầm trọng. Kình lực đẩy bật tung tay mụ ra. Mụ phải lùi lại hai bước mới đứng vững. Mụ bật lên tiếng ủa đầy kinh ngạc: - Giỏi! Ta sơ tâm, mới phát có ba thành công lực. Nói rồi mụ phát một Hoa-sơn chưởng với tất cả bình sinh công lực. Thấy căn gác quá nhỏ, khó xoay sở, Kim-Dung tung mình qua cửa sổ, rồi đáp xuống dưới đất. Vân-Đài cũng phóng mình theo. Còn ở trên không, hai người cùng phát chưởng tấn công lẫn nhau. Binh một tiếng, cả hai cùng bật tung ra xa, rồi tà tà đáp xuống đất. Đàm thái hậu chạy ra cầu thang, xuống đất quan sát cuộc đấu. Kim-Dung kêu lớn - Có thích khách! Mau cứu giá. Tuy miệng kêu, nhưng tay nàng vẫn phát chiêu tấn công Vân-Đài. Bàn cho thực phải, dù là con một đại tôn sư võ học, dù được luyện tập căn bản, nhưng tuổi Kim-Dung còn quá trẻ, công lực không làm bao. Trong khi đó Vân-Đài tuổi đã lớn, công lực cao thâm không biết đâu mà lường. Nhưng một là vì Vân-Đài xử dụng võ công Hoa-sơn, trong khi đó thì Kim-Dung xử dụng pho Lôi-giáng Hoa-nhạc, một pho võ công khắc chế võ công Hoa-sơn. Vì vậy, mỗi chiêu Vân-Đài đánh ra mạnh như bài sơn đảo hải, nhưng khi chạm vào chưởng lực của Kim-Dung thì bị mất tăm mất tích. Có tiếng thanh la báo động, rồi đuốc đốt sáng rực, võ sĩ của phủ Bắc-giang dàn ra, gươm dáo sáng ngời. Lê Mịch, Tam-Hào đã nai nịt, tay cầm kiếm chỉ huy đội võ sĩ, cung tên chĩa ra tua tủa. Lê Mịch chỉ vào Vân-Đài, ra lệnh cho tiễn thủ - Hãy nhắm bắn vào thích khách, cứu giá Nhưng hai người quấn lấy nhau thành ra cung thủ chỉ hò hét mà không trợ giúp Kim-Dung được gì. Thủ-Độ đứng dưới chân căn gác gỗ, Hầu nghĩ thầm: - Ta phải giúp Kim-Dung một tay Nghĩ là làm, Hầu rút tên, dương cung bắn. Mũi mũi tên xé gió bay tới hướng huyệt Ấn-đường của Vân-Đài. Thấy kình lực mũi tên quá mạnh, mụ không dám bắt tên, né đầu tránh. Mũi tên trúng vào một thân cây, ngập đến tận chuôi. Lợi dụng Vân-Đài tránh tên, Kim-Dung nhảy ra khỏi vòng đấu. Lê Mịch chỉ vào mụ: - Chư quân nghe đây! Người này tên Trịnh Nam-Phương, là đạo cô Vân-Đài của phái Hoa-sơn, sang Đại-Việt làm gian tế, là vợ của Tể-tướng Đỗ An-Di, thời vua Anh-tông. Bị lộ chân tướng, được ân xá về nước. Thế rồi mụ lại lộn qua, tiềm ẩn vào phái Mê-linh. Cách đây hơn mười năm, mụ cùng đám cung thủ phục kích sát hại công chúa Đoan-Nghi. Bây giờ mụ phạm giá! Hãy bắt sống mụ. Lâm Hoài-Đức cùng Tương-giang tam hổ đã xuất hiện. Y nhảy vào vòng chiến, y xua tay: - Khoan! Khoan! Vụ này có sự hiểu lầm. Xin ngừng tay. Y hỏi Vân-Đài: - Cái gì đã xẩy ra? Đàm thái hậu rẽ võ sĩ, tiến vào trong vòng vây: - Ngự-nữ vô phép với ta. Ta nhờ Tiên-tử đây chế phục thị. Thị ỷ võ công cao, chống lại Tiên-tử. Vậy chư quân hãy bắt y thị đem xử tử ngay. Lâm Hoài-Đức đã hiểu rõ năm phần nội vụ. Y cung tay: - Xin Thái-hậu hãy di giá về an nghỉ. Ngự nữ phạm tội để ngày mai Hoàng-thượng sẽ xét tội, xử sau. Vòng vây dãn ra, Đàm thái hậu, Vân-Đài, Lâm Hoài-Đức cùng nhau trở về dinh An-phủ sứ. Lê Mịch cho võ sĩ giải tán. Kim-Dung tung mình lên căn gác. Nàng nói nhỏ với nhà vua: - Bệ hạ. Thiếp đã chuẩn bị sẵn, chúng ta hãy lên đường về Thăng-long ngay. Từ đây bến Cửu-liên không xa. Bên kia sông là thành Quốc-oai, có trọng binh của anh Tự-Khánh. Anh ấy sẽ đưa bệ hạ về Thăng-long, chỉnh đốn lại kỷ cương. Trong khi nhà vua còn đang ngỡ ngàng, thì Kim-Dung đã thu vén y phục, châu báu, hai quả ấn, rồi dục: - Nào! Chúng ta đi. Dưới ánh trăng rằm vằng vặc, hai người xuống khỏi căn lầu lần mò về phía suối Tiên. Vừa ra khỏi khu vực dinh An-phủ sứ, đã thấy Tam-Hào cùng đội kỵ mã đứng chờ. Thoáng nhìn viên đội trưởng kỵ binh, Kim-Dung đã biết ngay y chính là Thủ-Độ giả trang. Nhà vua, Kim-Dung lên ngựa. Tam-Hào cung tay: - Sư tỷ thượng lộ bình an. Đệ phải về nắm lấy quân lữ để đối phó với bọn Tống. Đoàn người âm thầm hướng về phía Thăng-long. Nhà vua hỏi Kim-Dung: - Trẫm đã ban chỉ triệu Trần Tự-Khánh. Vậy bây giờ y ở đâu? - Bệ hạ an tâm. Chúng ta đang ở trong vùng kiểm soát của quan quân triều đình. Việc chúng ta trốn thoát khỏi bọn Tống, đều do anh Khánh xếp đặt cả. Đoàn người ngựa tiếp tục đi trong đêm. Đến sáng thì xa xa hiện ra một con sông. Viên kỵ mã dẫn đường báo với Thủ-Độ: - Trình Đại-hãn chúng ta tới bến Cửu-liên rồi, nhưng tại bến không có thuyền bè gì cả. Thủ-Độ vẫy tay cho đoàn người dừng lại. Thình lình có tiếng ngựa hý, tiếng quân reo. Từ phía sau một đoàn kỵ mã ước hơn trăm người đang đuổi theo như bay. Nhanh nhẹn Thủ-Độ ra lệnh cho năm kỵ mã đưa nhà vua xuống bãi Cửu-liên. Còn hầu với Kim-Dung, dàn bẩy vệ sĩ ra chờ đợi. Khoảng gần một khắc, thì đoàn kỵ mã đến gần. Thủ-Độ nhận ra, đây là bọn võ sĩ Tống. Người chỉ huy chính là Đinh Hồng. Hầu lên tiếng: - Các người là ai, đang đêm đi đâu? Đinh Hồng hỏi ngược lại - Người là ai? Kỵ binh của người thuộc quyền An-phủ sứ nào? - Chúng ta là những Thị-vệ thuộc quyền Thái-úy Trần Tự-Khánh, được lệnh đi đón xa giá Kiến-gia hoàng đế - Tự-Khánh là tên phản tặc. Còn ta là tướng của Thiên-triều sang bảo vệ An-Nam quốc vương. Ta đang tìm bắt y. Kim-Dung bước ra chỉ mặt Đinh Hồng:- Người nói láo với ai thì nói, chứ nói láo với ta thì không được. Chính ta phò Hoàng-thượng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các người. Đinh Hồng thấy quanh Kim-Dung chỉ có năm kỵ mã, thì y coi thường. Y tung mình lên, dùng một hổ trảo định bắt sống nàng. Kim-Dung cười nhạt, nàng với tay ra sau lưng, rồi giật mạnh, một cái chài mở rộng, chụp Đinh Hồng. Đinh Hồng đang lơ lửng trên không, mà cái chài thì úp vào người y. Y hét lên be be. Năm võ sĩ theo y cùng hô lên một tiếng, múa đao xông vào tấn công Kim-Dung cứu y. Thủ-Độ đứng lược trận, thấy vậy Hầu dương cung lên, ba mũi tên cùng bay ra, ba võ sĩ Tống ngã vật xuống ngựa. Kim-Dung chuyển tay hai vòng, cái chài bỏ Đinh Hồng, chụp hai võ sĩ đang tấn công nàng. Cả hai bị điểm huyệt ngã lộn xuống ngựa. Thủ-Độ bảo Kim-Dung: - Xin sư tỷ bảo giá Hoàng-thượng. Kim-Dung rút kiếm đứng cạnh nhà vua. Sau một chiêu hút mất mạng. Tuy thoát hiểm, nhưng Đinh Hồng cũng hoảng vía. Y rút kiếm tấn công Thủ-Độ. Thủ-Độ cười nhạt. Hầu vận đủ mười thành công lực, phát một chiêu trong Đông-A chưởng hướng vào người y. Đinh Hồng vẫn chưa nhận ra Thủ-Độ. Y đẩy kiếm vào giữ vòng chưởng lực của Hầu. Thủ-Độ biến chưởng thành chỉ, choang một tiếng, kiếm của Đinh Hồng bị gẫy làm ba bốn mảnh. Không hổ là một trong ba cao thủ danh tiếng vùng Tương-giang, hồ Động-đình, qua một chiêu Đinh Hồng biết võ công đối thủ cao hơn mình nhiều. Y quẳng chuôi kiếm, tung mình lại sau liền bốn bước, đứng giữa đám võ sĩ Tống. Y hất hàm bảo Thủ-Độ: - Người là ai? Thủ-Độ trả lời bằng tiếng Trung-quốc, giọng Hàng-châu: - Ta là trưởng toán vệ sĩ của An-phủ sứ Bắc-giang. Đinh Hồng tỏ ra khách khí: - Nghe giọng nói của các hạ, thì dường như các hạ còn ít tuổi. Các hạ mới bằng này tuổi, mà công lực đã đến dường này, ta e trên toàn đất An-nam đếm không hết một bàn tay. Tại sao các hạ không chịu xưng đại danh cho ta biết? - Ta không có đại danh, tiểu danh gì cả. - Các hạ nên nhớ, các hạ chỉ có 13 người, cộng với An-Nam quốc vương, với Ngự-nữ, là 15. Trong khi bên ta tới 120 người. Nếu ta dùng số đông áp đảo các hạ, thì có thắng cũng không anh hùng. Vì vậy ta muốn các hạ trao An-Nam quốc vương vơí Ngự-nữ cho ta; ta sẽ để các hạ và chân tay rời khỏi nơi này. - Ta cũng muốn làm theo ý người. Ngặt vì Kiến-gia hoàng đế và Ngự-nữ muốn về Thăng-long. - Vậy thì ta đành vô phép. Nói dứt Đinh Hồng ra lệnh cho thủ hạ:- Vây bắt bọn này. Thấp thoáng một cái, đám võ sĩ Tống chia làm hai. Một nhóm bao vây nhóm của nhà vua với Kim-Dung. Một nhóm bao vây đám của Thủ-Độ. Thủ-Độ quát lên một tiếng, Hầu phát chiêu Đông-hải lưu phong, ba võ sĩ Tống bay bổng ra xa, nằm đứ đừ không bò dậy được nữa. Đám võ sĩ Tống kinh hoàng, chúng cùng tránh dạt ra xa, đứng reo hò. Thủ-Độ cười nhạt, Hầu nói bằng tiếng Hàng-châu: - Các võ sĩ Trung-quốc nghe đây. Giữa chúng tôi với anh em vốn không thù không oán. Vậy tại sao chúng ta phải giết nhau? Nếu anh em nghe lệnh tên Đinh Hồng, lăn vào chém giết, dĩ nhiên tôi phải chết. Nhưng tôi đâu có để anh em giết chết vô lý? Con chó cùng đường nó còn cắn lại, huống hồ là tôi? Anh em có giết được tôi, thì ít ra tôi cũng giết được vài chục anh em. Anh em đều có cha, mẹ, vợ, con. Tại sao lại phải hy sinh vô lý như vậy? Đinh Hồng hét lên, hô võ sĩ tấn công. Nhưng họ chỉ reo hò, đứng xa xa, mà không dám xông vào. Thủ-Độ xẹt mình một cái, hầu đã tới cạnh Đinh Hồng, tay phát chiêu Phong-ba hợp bích tấn công y. Hầu vận âm kình, nên chưởng phong không có gió. Đinh Hồng kinh hãi, y lùi một bước rồi trả đòn. Hai chưởng gặp nhau, vù một tiếng, Đinh Hồng bay bổng lên cao. Thủ-Độ vọt lên điểm huyệt y, rồi cặp y vào nách. Đám võ sĩ Tống cùng múa đao xông vào cứu chúa tướng. Thủ-Độ đưa Đinh Hồng ra làm vũ khí đỡ. Bọn võ sĩ Tống kinh hãi, nhưng chỉ đứng xa xa hò hét mà thôi. Thủ-Độ để tay lên đầu Đinh Hồng: - Đinh tứ gia! Kẻ thức thời mới là người tuấn kiệt. Xin Tứ-gia ra lệnh cho thủ hạ lui lại, bằng không tôi nhả nội lực. Đinh Hồng kinh hãi, y la lên: - Các người mau lùi ra xa, chớ có dụng võ. Thủ-Độ đặt Đinh Hồng trước mặt Kim-Dung - Xin sư tỷ canh giữ y. Kim-Dung rút kiếm dí vào ngực Đinh Hồng. Thủ-Độ nhìn dọc theo mé sông, có ý tìm xem có con đò nào không? Nhưng bờ sông vắng lặng. Thình lình có tiếng quân reo, ngựa hý, rồi một đoàn kỵ mã hùng tráng phi đến như bay. Người dẫn đầu là Lâm Hoài-Đức với Trịnh Nam-Phương. Phía sau còn Đinh Huyền, Đinh Thanh với gần hai trăm võ sĩ. Thủ-Độ ớn da gà, Hầu hỏi nhà vua: - Bệ hạ! Bệ hạ có biết bơi không? - Biết. - Bên kia là địa phận Quốc-oai. Có trọng binh của ta. Xin Bệ-hạ với sư tỷ bơi qua sông, để chúng thần ở lại chống giặc.Hầu lại ra lệnh cho 12 võ sĩ hộ vệ: - Các người bơi theo bảo giá Hoàng-thượng.Nhà vua còn đang ngập ngừng, thì Kim-Dung đã túm áo ngài ném ra giữa giòng sông, rồi nàng phóng mình theo. Mười hai võ sĩ hộ vệ cũng nhảy ùm xuống nước. Trên bờ sông chỉ còn lại mình Thủ-Độ. Hầu khoanh tay đứng nhìn đoàn người ngựa, như không coi chúng vào đâu. Lâm Hoài Đức đã được đám võ sĩ báo cáo tình hình. Thấy một mình Thủ-Độ dám ngang nhiên đứng cản đường một đội võ sĩ trên ba trăm người của mình. Lâm sinh khâm phục. Y hỏi: - Thiếu niên kia, người tên gì? Người tưởng một mình người có thể chống lại mấy trăm người của chúng ta hẳn? - Ta biết, mình ta khó mà chống nổi mình người, thì sao có thể chống với cả Vân-Đài Trịnh Nam-Phương với Đinh Huyền, Đinh Thanh, thêm ba trăm tay đao? Nhưng, dù tan xương nát thịt, ta cũng phải cản đường để chu toàn cho người.. Người mà Thủ-Độ muốn nói đây là Kim-Dung, trong khi Lâm Hoài-Đức lại tưởng rằng là Kiến-gia hoàng đế. Y chỉ Đinh Hồng - Ta khâm phục tấm lòng trung thành với đấng quân phụ của người. Nhưng này tráng sĩ. Chúng ta cũng muốn bảo vệ An-Nam quốc vương như người. Tại sao người lại đem Quốc-vương đi trốn? Người hãy thả Đinh tứ gia ra ngay, rồi chúng ta cùng qua sông tìm Quốc-vương.