Lão Phôsơlơvăng ngã bị sai mất một bên bánh chè. Ông Mađơlen sai người vực lão về bện xá dành riêng cho thợ. Bệnh xá nằm ngay trong nhà máy, có hai bà phước phụ trách. Hôm sau, khi thức dậy, lão thấy trên đầu giường có một tờ bạc một nghìn phơrăng và mấy chữ của ông Mađơlen: “Tôi mua lại ông cỗ xe và con ngựa”. Cỗ xe thì gẫy nát và con ngựa đã chết. Phôsơlơvăng khỏi bệnh nhưng đầu gối thành tật. Ông Mađơlen nhờ các bà sơ và cha xứ giới thiệu và thu xếp cho lão vào làm vườn ở một tu viện nữ ở khu Xanh Antoan tại Paris. Sau đó ít lâu, ông Mađơlen được cử làm thị trưởng. Lần đầu tiên Giave thấy ông mang phù hiệu của người đứng đầu chính quyền địa phương, hắn như một con chó dữ đánh thấy hơi sói trong người ông chủ mình. Từ đấy hắn cố tránh mặt ông. Khi nào công việc quá cần thiết đòi hỏi hắn gặp ông, hắn tỏ ra rất tôn kính. Đất Môngtơrơi được phồn thịnh là nhờ có ông Mađơlen. Ngoài những dấu hiệu phồn thịnh bên ngoài ai cũng trông thấy, còn có một điểm khó thấy nhưng không kém ý nghĩa. Đó là một dấu hiệu rất chắc chắn. Lúc nhân dân chật vật, công ăn việc làm thiếu thốn, sự buôn bán đình trệ, thì thuế má thu khó khăn, vì người ta không có tiền đóng nên dây dưa và chi phí của nhà nước về việc thu thuế rất lớn. Khi có công ăn việc làm, mọi người no đủ, thì thuế má thu được dễ dàng và phí tổn ít. Có thể nói phí tổn thu thuế là cái nhiệt biểu để lấy độ thịnh suy của nền kinh tế ở một vùng. Trong bảy năm, các khoản kinh phí thu thuế ở Môngtơrơi giảm đi được ba phần tư. Vì thế Vilen, Bộ trưởng Bộ tài chính, thường nêu Môngtơrơi làm gương cho các tỉnh khác. Đó là tình hình trong xứ khi Phăngtin trở về quê cũ. Không ai còn nhớ đến chị. May thay, cánh cổng xưởng ông Mađơlen lại như một tấm lòng bạn. Khi chị đến xin việc thì được nhận ngay vào làm ở khu phụ nữ. Công việc chưa quen, chị làm tất nhiên không khéo, vì thế đồng lưong công nhật cũng không là bao nhiêu. Tuy vậy cũng tạm đủ sống, thế là được rồi.