Chương 4
Thư Viện

    
rung tâm thành phố là một quảng trường hình bán nguyệt phía bắc Cầu Cũ. Nửa kia hình bán nguyệt, nghĩa là phần còn lại của hình tròn, nằm về phía Nam, bên kia sông. Hai hình bán nguyệt nọ có tên là Quảng trường Bắc và Quảng trường Nam, là hai phần của một tổng thể, song người ngoài nhìn vào lại có ấn tượng là chúng khác nhau đến mức đối nghịch. Đứng trên Quảng trường Bắc ta cảm nhận được sức nặng của một bầu không khí huyền bí, tựu như đây là nơi tụ họp sự tĩnh lặng của muôn nẻo thành phố đổ về từ bốn phương trời. Ngược lại thì ở Quảng trường Nam chẳng có gì để cảm nhận. Có chăng chỉ là một cảm giác mơ màng về sự khiếm khuyết tuyệt đối lơ lửng trên quảng trường.  
Một tháp đồng hồ mọc giữa Quảng trường Bắc, trông như khoan thẳng vào nền trời. Nói cho đúng thì không thể gọi nó là tháp đồng hồ, mà chỉ là một vật thể có dạng tháp đồng hồ. Và kim đồng hồ đứng im, và riêng như thế đã không hoàn tất được công năng nguyên thủy của mình rồi.  
Ngọn tháp xây bằng đá, đáy vuông và nhỏ dần lên cao. Bốn cạnh tháp quay về bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Trên đỉnh tháp là bốn mặt đồng hồ, các cây kim chỉ khoảng mười giờ ba lăm và không chuyển động lấy một li. Nhìn những ô cửa sổ nho nhỏ ngay phía dưới mặt đồng hồ thì đoán ra là ngọn tháp rỗng ruột, và người ta mong đợi nhìn thấy một cái thang hay thứ gì tương tự để leo lên, song không sao tìm thấy một lối vào. Ngọn tháp cao sừng sững, người ta phải đi qua Cầu Cũ về phía nam nếu muốn đọc được số trên mặt đồng hồ.  
Những ngôi nhà xây bằng đá hay gạch tạo thành nhiều vòng cung bán nguyệt bao quanh Quảng trường Bắc theo hình rẻ quạt. Không ngôi nhà nào có một đặc điểm gọi là đáng nhớ - không một nét trang trí, thậm chí chẳng treo một tấm biển, các cánh cửa chớp đóng im ỉm, và không một bóng người đi ra đi vào. Từa tựa như nhà bưu điện thiếu thư từ hay mỏ than thiếu thợ mỏ hay nhà quàn thiếu xác chết. Cứ mỗi lần đi ngang qua là tôi lại có cảm giác sau những bức tường vây quanh tôi có những người không hề quen biết đang nín thở làm tiếp những công việc mà tôi còn biết ít hơn nữa.  
Thư viện nằm trong một góc phố như thế. Một ngôi nhà rất đỗi bình thường xây bằng đá, không khác các ngôi nhà khác về bất cứ phương diện nào. Tuyệt đối không có một dấu hiệu nào, một chi tiết bên ngoài nào chứng tỏ đây là thư viện. Trông bức tường đá rêu phong cũ kỹ, rẻo ô văng hẹp, cửa sổ song sắt và những cánh cửa gỗ nặng nề có thể cho nó là một kho ngũ cốc. Nếu ông gác cổng không phác họa khá chi tiết đường đi thì có lẽ tôi chẳng đời nào tin đó là thư viện.  
“Chừng nào ổn định chỗ ăn ở rồi thì cậu nên đến thư viện”, ông gác cổng dặn từ hôm đầu tôi mới đến đây. “Cậu nói với cô quản lý là cậu được thành phố trao nhiệm vụ đọc những giấc mơ xưa. Cô ấy sẽ chỉ cho cậu phần còn lại.”  
“Giấc mơ xưa?”, tôi bất giác nhắc lại. “Ông nói giấc mơ xưa nghĩa là gì?”  
Ông gác cổng ngừng tay gọt thanh gỗ tròn tròn bằng con dao nhỏ - một cái chêm, cọc gỗ hay thứ gì tương tự, rồi thu gọn mớ mùn gỗ vương trên bàn ném vào thùng rác.  
“Giấc mơ xưa là giấc mơ xa xưa chứ sao nữa. Thư viện đầy mấy thứ đó. Cậu cứ xem kỹ những gì cậu thích là đủ.”  
Ông gác cổng kiểm tra kỹ thanh gỗ tròn đã làm xong, tỏ vẻ hài lòng và đặt nó vào giá sau lưng, cùng với chừng hai chục đồ vật tương tự.  
“Cậu có quyền hỏi, nếu muốn, nhưng tôi có trả lời không là quyền tôi”, ông gác cổng nói, hai tay chắp sau gáy. “Và cũng còn một số chuyện mà tôi không thể trả lời cậu được. Tóm lại là từ giờ trở đi cậu sẽ hằng ngày đi thư viện và đọc những giấc mơ xưa. Vì đó là công việc của cậu. Sáu giờ tối cậu đến đó, đọc đến mười, mười một giờ. Cô quản lý lo đồ ăn tối cho cậu. Trong thời gian còn lại cậu muốn làm gì thì tùy. Không có ràng buộc nào cả. Hiểu rồi chứ?”  
“Hiểu ạ”, tôi đáp. “Tôi sẽ làm công việc này bao lâu?”  
“Bao lâu ư? Tôi không biết. Tôi nghĩ là đến một thời điểm thích hợp”, ông gác cổng nói. Rồi ông rút trong đống gỗ ra một khúc vừa ý và bắt đầu vót.  
“Thành phố này nghèo lắm, không có chỗ cho người ăn không ngồi rồi. Mỗi người có vị trí của mình, ai làm việc nấy. Việc của cậu là đọc các giấc mơ xưa ở thư viện. Chắc cậu không nghĩ là đến đây để rong chơi chứ?”  
“Tôi đâu ngại công việc. Dù sao cũng hơn là chẳng có việc gì làm”, tôi đáp.  
“Thấy chưa”, ông gác cổng nói, mắt vẫn nhìn mũi dao. “Kể từ giờ cậu là ‘Người đọc mơ’. Cậu sẽ không có tên nữa. ‘Người đọc mơ’, đó là tên cậu. Như tên tôi là ‘Người gác cổng’ ấy mà. Hiểu chưa?”  
“Hiểu”, tôi đáp.  
“Cũng như thành phố này chỉ có một người gác cổng, sẽ chỉ có một người đọc các giấc mơ. Người đọc mơ phải có chức vị. Tôi sẽ ban cho cậu chức vị đó.” Nói đoạn ông lấy một cái đĩa trắng nhỏ và nông từ chạn bát đĩa, đặt lên bàn và đổ dầu vào. Sau đó ông bật diêm châm lửa. Rồi ông lấy trong chạn ra một con dao hình thù cổ quái, rộng bản như dao quệt bơ, hơ mũi dao mười phút trên ngọn lửa. Sau đó ông thổi tắt lửa và đợi lưỡi dao nguội đi.  
“Chỉ để đánh dấu cho cậu thôi”, ông gác cổng nói. “Không đau chút nào đâu, cậu không việc gì phải sợ. Thoắt một cái là xong ngay thôi.”  
Ông lấy ngón tay vạch mí mắt trên của tôi lên và chọc mũi dao vào đồng tử của tôi. Nhưng, đúng như ông nói, không đau chút nào hết, và cũng lạ lùng là tôi chẳng thấy sợ gì cả. Mũi dao nhẹ nhàng và im lìm lách vào đồng tử của tôi như đâm vào một miếng thạch. Ông lặp lại động tác đó bên mắt trái.  
“Khi nào cậu xong việc đọc mơ của mình thì các vết sẹo cũng tự biến mất”, ông gác cổng vừa nói vừa dọn đĩa và dao cất đi. “Có nghĩa là, có thể coi chúng là dấu hiệu nhận dạng của người đọc mơ. Nhưng chừng nào còn mang dấu hiệu này thì cậu hãy tránh xa ánh sáng ban ngày! Mắt cậu bây giờ không được nhìn vào mặt trời, hiểu chưa? Nếu cậu cứ làm thì hình phạt sẽ hiện ra nhãn tiền. Từ giờ cậu chỉ được ra ngoài vào buổi tối hay lúc nào trời nhiều mây. Những hôm có nắng thì cậu phải ở nhà và che phòng cho tối vào.”  
Nói xong ông đưa tôi một cặp kính đen và bảo tôi lúc nào cũng phải đeo, trừ khi ngủ.  
Tôi mất ánh sáng mặt trời như vậy đấy.  
Một buổi tối sau đó mấy hôm, rồi tôi cũng đến đứng trước cổng thư viện. Cánh cổng nghiến kèn kẹt khi tôi đẩy ra. Sau cửa là một hành lang dài thẳng tắp. Mọi thứ đầy bụi bặm, không khí tù hãm chắc đã hàng năm trời rồi. Gỗ lát nền lún mòn vẹt ở những chỗ nhiều người đi lại, lớp vữa trát tường có màu vàng xỉn bởi ánh sáng từ bóng đèn điện hắt vào.  
Hai bên hành lang là dãy cửa chẳng xích có khóa, trên nắm đấm cửa tích tụ một lớp bụi trắng. Chỉ có tấm cửa mỏng mảnh bằng kính mờ ở cuối hành lang là không khóa. Phía sau cửa có ánh đèn. Tôi gõ mấy lần nhưng không có ai đáp. Tôi bèn xoay nắm cửa kiểu cổ bằng đồng thau; cửa mở nhẹ nhàng vào trong. Không thấy một bóng người. Căn phòng trống tuềnh toàng gợi nhớ đến một phòng đợi tàu quá lớn ở ga – không cửa sổ, không có gì đáng gọi là đồ trang trí. Một cái bàn thô sơ, ba ghế đẩu, bếp lò bằng gang đúc – chấm hết. Ngoài ra còn có một chiếc đồng hồ đứng và quầy sách. Một cái ấm đen sì có lớp tráng men sứt sẹo đặt trên bếp lò phì hơi trắng. Sau quầy sách là một tấm cửa kính mờ như cửa ra vào, và phía sau nó cũng thấy ánh sáng. Tôi lưỡng lự, không rõ có nên gõ cửa ấy không. Rốt cuộc tôi quyết định đợi đến khi có người đi ra.  
Trên mặt quầy vương vãi vài cái ghim giấy màu bạc. Tôi cầm một cái lên nghịch chơi, lát sau tôi ra bàn ngồi.  
Mười hay mười lăm phút trôi qua. Một cô gái bước ra từ cửa sau quầy, trong tay cầm kéo cắt giấy hay vật gì đó tương tự. Có vẻ như cô ta hơi giật mình khi thấy tôi, vì gò má cô chợt đỏ ửng. “Xin lỗi anh”, cô nói với tôi, “em không biết là có người đến. Lẽ ra anh cứ gõ cửa đi chứ. Suốt buổi em dọn dẹp ở phòng trong. Lắm thứ lộn xộn quá.”  
Tôi im lặng nhìn cô một lúc lâu. Tôi linh cảm khuôn mặt cô đánh thức trong tôi một ký ức nào đó. Có gì đó ở người đàn bà này khuấy tung lớp cặn đọng dưới đáy tiềm thức của tôi. Tôi không rõ điều đó có nghĩa gì. Mọi thứ nằm vùi dưới bóng tối xa xăm. “Anh biết đấy, chẳng có ai đến đây nữa. Ở đây chỉ còn những ‘giấc mơ xưa’ thôi, không còn gì khác.”  
Tôi khẽ gật đầu, mắt vẫn không rời khuôn mặt cô. Tôi cố đọc ra điều gì – trong mắt cô, trên môi, trên vầng trán cao và trong mái tóc búi ngược ra sau gáy, song tôi càng chìm sâu vào chi tiết thì cảm tưởng bao quát càng vuột khỏi tay tôi và càng nhạt nhòa đi. Tôi đành chịu, nhắm mắt lại.  
“Xin lỗi, anh có nhầm nhà không? Ở khu này nhà nào trông cũng giống nhà nào”, cô nói và đặt kéo xuống mặt quầy cạnh các ghim giấy. “Chỉ có người đọc mơ mới được sử dụng thư viện và đọc các giấc mơ xưa. Ngoài người ấy ra không ai được vào nhà này.”  
“Tôi đến đây để đọc mơ”, tôi nói. “Đó là nhiệm vụ thành phố trao cho tôi.”  
“Xin lỗi, nhưng anh có thể bỏ kính xuống được không?”  
Tôi bỏ cặp kính đen xuống và quay mặt qua phía cô. Cô nhìn sâu vào mắt tôi, vào đồng tử nhuốm màu xám bạc – dấu hiệu của người đọc mơ. Có cảm giác như ánh mắt của cô xuyên vào tận tâm can tôi.  
“Được rồi. Anh đeo kính lại đi”, cô nói. “Anh uống cà phê nhé?”  
“Vâng, cảm ơn”, tôi nói.  
Cô đi lấy hai cái tách từ phòng trong, rót cà phê từ ấm ra và ngồi đối diện tôi.  
“Em không chuẩn bị gì cho hôm nay cả. Anh cho phép chúng ta ngày mai bắt đầu đọc mơ”, cô nói. “Phòng này có hợp ý anh không? Em có thể mở khóa cho anh dùng một trong những phòng đọc.”  
“Anh không muốn phiền em”, tôi đáp. “Em sẽ hỗ trợ anh chứ?”  
“Vâng. Nhiệm vụ của em là bảo quản những giấc mơ xưa và giúp người đọc mơ.”  
“Anh và em đã gặp nhau ở đâu lần nào chưa?”  
Cô ngẩng đầu nhìn tôi. Có vẻ như đang lục lọi trong trí nhớ, tìm một gợi ý, nhưng rồi cô bỏ cuộc và lắc đầu. “Anh biết đấy, ký ức ở thành phố này vốn mỏng mảnh và không ổn định. Người ta nhớ được vài chuyện, các chuyện khác thì quên. Anh tha lỗi, nhưng có lẽ em không nhớ ra anh.”  
“Không sao”, tôi nói. “Không quan trọng.”  
“Nhưng biết đâu em đã gặp anh một lần ở đâu đó rồi cũng nên. Vì em chỉ toàn sống ở đây, và thành phố này cũng nhỏ.”  
“Anh mới đến đây được vài hôm.”  
“Mới được vài hôm?” Cô ngạc nhiên. “À, thế thì nhất định anh nhầm em với ai đó. Từ khi sinh ra em chưa rời thành phố này lần nào. Có lẽ anh thấy ai đó giống em chăng?”  
“Ừ, hình như thế”, tôi nói và chiêu cà phê. “Cũng là chuyện bình thường xảy ra với anh. Đôi khi anh nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta ngày xưa đã từng sống ở một nơi khác, từng có một cuộc đời khác. Vì một lý do nào đó, chúng ta đã lú hết và hôm nay sống tiếp mà không hề biết gì về ngày xưa nữa. Đã bao giờ em có ấn tượng như thế chưa?”  
“Không”, cô nói. “Anh chỉ tưởng tượng ra thế thôi, vì anh là người đọc mơ mà. Người đọc mơ sống trong một thế giới tư duy và cảm xúc khác hẳn người thường.”  
“Có lẽ thế”, tôi nói.  
“Thế anh có biết ngày xưa anh ở đâu và làm gì không?”  
“Anh không nhớ nổi”, tôi đáp. Rồi tôi ra quầy lấy một cái ghim giấy, ngắm nó một lát. “Nhưng anh có cảm giác rõ ràng có một cái gì đó từng tồn tại. Và cả chuyện anh từng gặp em ở đó nữa.”  
Trần phòng thư viện rất cao. Ở đây im lìm như dưới đáy biển. Tôi đưa mắt nhìn vơ vẩn khắp phòng, đầu óc trống rỗng và tay cầm ghim giấy. Cô gái lặng lẽ ngồi uống cà phê ở bàn.  
“Anh cũng không rõ tại sao mình lại ở đây”, tôi nói.  
Tôi nhìn đăm đăm lên trần. Những giọt sáng vàng từ bóng đèn tỏa xuống bắt đầu phình lên và rúm lại. Chắc chắn vì con ngươi tôi bị thương tổn. Ông gác cổng đã biến đổi công năng của mắt tôi để chúng nhìn được những điều đặc biệt.  
“Nhất định phải có lý do thì anh mới tới đây, nhưng bây giờ anh không nhớ ra nữa”, tôi nói.  
“Thành phố này rất yên tĩnh”, cô nói. “Nếu thứ anh định tìm là sự tĩnh lặng thì chắc chắn anh sẽ thấy hài lòng ở đây.”  
“Ừ, có lẽ vậy”, tôi trả lời. “Hôm nay anh làm việc gì ở đây?”  
Cô lắc đầu, chậm rãi nhỏm dậy và dọn hai cái tách không đi. “Hôm nay không có gì cho anh làm ở đây cả. Mai ta sẽ bắt đầu công việc. Anh cứ về nhà nghỉ cho khỏe.”  
Tôi nhìn lần nữa lên trần, rồi nhìn mặt cô. Không nhầm được, tôi linh cảm khuôn mặt cô gắn chặt với gì đó trong tâm hồn tôi. Và chính cái gì đó đang khẽ lay động tâm hồn tôi. Tôi nhắm mắt và cố sục sạo trong tâm hồn tối tăm mù mịt của mình. Cũng là lúc sự tĩnh lặng trùm xuống người tôi như một lớp bụi mỏng tang.  
“Sáu giờ ngày mai anh quay lại”, tôi nói.  
“Tạm biệt”, cô đáp.  
Rời khỏi thư viện, tôi đứng tựa vào thành Cầu Cũ, lắng nghe tiếng sông chảy rì rào và ngắm nhìn thành phố. Bầy thú đã biến mất. Tất cả chìm trong bóng tối xanh nhợt của chiều tà – tháp đồng hồ, tường thành bao quanh thành phố, dãy nhà ven sông, dãy núi phía bắc nhấp nhô hình lưỡi cưa. Ngoài tiếng nước reo, không một tiếng động nào khác lọt tới tai tôi. Cả những con chim cũng được lệnh bay tới đâu đó rồi thì phải.  
Cô ta nói, có lẽ tôi tới đây tìm sự yên tĩnh. Nhưng tôi không thể nào chứng thực được điểm này.  
Quanh tôi đã tối mịt, và khi đèn đường ven sông bật lên thì tôi lên đường về phía Đồi Tây, qua những con phố vắng ngắt bóng người.