Chương IV
Cơ cấu thời gian với sự vật

1. Quan niệm tĩnh chỉ về sự vật
Với thời gian hàng ngang thì quan niệm sự vật phải là im lìm, vì nếu có biến dịch là do thời gian tạo ra. Vậy nếu thời gian được quan niệm như thực thể độc lập đứng bên ngoài sự vật, thì sự vật tất nhiên phải bất động (inerte), và đó là quan niệm của triết lý yếu tính Platon, hay bản thể Aristote, hoặc quan niệm về sự vật như một đối tượng của phái duy tâm Descartes đến Hegel. Bachelard viết: Descartes a beau s'en défendre, si la matièra est uniquement étendue, elle est faite de solides. (N.E.S) 59).
Descartes có mà chối cãi đàng trời, nếu vật chất chỉ có một chiều trải ra (như quan niệm thời gian phân trương của bình cát) thì tất nhiên nó phải tạo thành do những cái cứng đặc, những sự vật im lìm (inerte).
Ngay đến quan niệm của nhóm Leucippe, Lucrèce, Démocrite, tuy có tên là nguyên tử, nhưng tựu trung cũng vẫn còn là bất khả diệt, không thể thấu qua được (particules solides, unes, indestructibles, imperméables). Theo Lucrèce trong quyển De natura Rerum thì nguyên tử đó rơi theo chiều trọng lực, tình cờ đi trật đường (clinamen: inclinaison de la verticale) mới hợp với nguyên tử khác để cấu thành sự vật dị biệt. Như vậy tuy mang tên là nguyên tử, kỳ thực vẫn là vật đông đặc, tuy rất nhỏ bé và di chuyển động đậy, nhưng tự thân hạt nguyên tử vẫn còn tính chất cứng chắc. Chính nó đã ảnh hưởng vào quan niệm nguyên tử lúc đầu. Ông Rousseau viết: "Khi mới khám phá ra ở giữa thế kỷ 19, nguyên tử xuất hiện như một hạt nhỏ, tuy không thể cầm bắt được, nhưng nó vẫn là cái chi có mặc dầu đó chỉ là cái có giả thuyết, nhưng bản tính vẫn là vật chất (insaisissable et même hypothétique, mais essentiellement matériel). Những người chủ trương thuyết nguyên tử lúc bấy giờ quả quyết nếu ta có cách cưa gỗ, rồi bào những mạt cưa, rồi lại bào những mạt cưa của mạt cưa thành ra những phần đủ nhỏ, thì chúng ta sẽ đạt tới nguyên tử.
"Nhưng sang đầu thế kỷ 20, quang cảnh đổi hẳn: nguyên tử không còn là hạt cứng nữa, nó đã trở nên một sự phối hiệp giữa hạt điện âm với hạt điện dương. Nói khác đi nguyên tử chỉ còn là một tổ hợp những điện năng. Vật chất đã biến đâu mất rồi và nhà vật lý chỉ còn trong tay một chút dòng điện. Thế là từ biệt vật chất: vật chất đi đời rồi, cái khối từ ngàn xưa người ta vẫn cho là cứng chắc, nay chỉ còn là cơn lốc của hai hạt điện dương và âm. Quả là một sự trở mặt, một sự đảo lộn tư tưởng từ gốc rễ. Một cuộc cách mạng lớn lao bất ngờ xảy ra giữa lòng đất của vật chất" (De l'atome à la lumière. P, Roussau. trang 40). Như thế là khoa vi thể chôn táng xong quan niệm sự vật im lìm vốn gắn liền với cơ cấu thời gian duy vĩ (linéaire) và nhờ đó các triết gia mới đưa ra ý niệm thời gian như một "triển hạn" có tính chất mãi mãi dang dở như cuộc sống. Heidegger nói đại để: "sẽ còn và mãi mãi còn trong tính thể con người một cái gì còn triển hạn (en sursis) tức là cái gì riêng của con người nhưng chưa được hiện thực. Nên trong cái cấu tạo nền tảng của con người vẫn còn là một tính chất triền miên dang dở. Sự vắng bóng của tính thể viên dung có nghĩa như một triển hạn lại cái khả thể! (Was Metaphysik. 116 Galiimard).
2. Quan niệm động đích của Dịch
Tây gặp Đông trong câu nói một tính cách triền miên dang dở này. Câu nói gợi ngay cho ta quẻ cuối cùng trong Kinh Dịch là "Vị Tế", nghĩa là một giai đoạn vừa xong liền biến thành xuất phát điểm cho một vòng tiến hóa xoáy ốc mới hơn, khác hơn. Do lẽ đó quẻ Ký tế (đã xong) được tiếp sau bằng quẻ Vị tế (chưa xong) để đặt dấu "chấm hết" cho cái không bao giờ hết trong vận kỳ chung nhi phục thủy.
Đó là hậu quả tất nhiên của quan niệm sự vật gắn liền với thời gian Mã Đồ. Theo đó thì sự vật được quan niệm như sự giằng co, đắp đổi, thẩm thấu giữa hai làn khí âm dương: hiển là dương, tàng là âm.
Hiển dương là hiện tượng, là hàng ngang, là vũ.
Tàng âm là tiềm thể, hàng dọc tâm linh, là Trụ.
Nhưng sự đắp đổi thẩm thấu này phải hiểu cách động đích trong quá trình dịch hóa linh động như hai luồng khí trao đổi, đong đưa, trồi sụt để cấu thành các vật thể.
Ở đây tưởng nên nhắc đến cuộc tranh luận về danh từ: có thể dịch âm dương là năng lượng (énergie)? Thiết tưởng không những nên mà còn phải dịch như thế vì nó là khí âm dương, cũng như chữ nguyên khí trong đầu sách liệt tử (chương thiên đoan) mà ông Bodde dịch là Primal fluid. Cần tỉ mỉ như thế vì có học giả như Maspéro chẳng hạn bắt phải dịch âm dương bằng danh từ bản thể (substance), mà bản thể theo sách cổ điển thì im lìm. Ông vịn cớ rằng dùng chữ khí năng để dịch âm dương là đem tư tưởng khoa học đời mới gán bừa bãi cho người xưa. Nhưng có thật người xưa quan niệm sự vật đông đặc như bản thể của Tây Âu chăng? Đây là một điểm cần phải khảo cứu lại và chúng ta sẽ thấy một trong những bằng chứng về sự việc lơ mơ đến độ nào của các học giả lớp trước.
Vì thoạt mở lại chồng sách cổ, chúng ta đã thấy quan niệm Khí bao trùm khắp cả cõi học Viễn đông. Có thể nói là tất cả xây trên quan niệm âm dương nhị khí1. Cho nên ngay đời hậu Hán đã có cả một triết thuyết vế Khí Luận của Hà Hưu chẳng hạn (xem Đại cương 191). Hay những người không chủ trương khí luận thì cũng vẫn chấp nhận. Khi đọc Đổng Trọng Thư chúng ta gặp chữ Khí có cả trăm lần.
Trang Tử nói: người ta sinh ra là do Khí tụ. Khí tụ thì sống khí tán thì chết. Cho nên nói rằng: "khắp cả gầm trời đều là khí mà thôi". Nhân chi sinh dã khí chi dụ dã, tụ đắc vi sinh, tán tắc vi tử… Cố viết: thông thiên hạ nhất khí nhĩ.

*

(đọc chương Khí luận trong Đại cương trang 190).
Các tác giả lớn nhất như Chu Hi vẫn nói Lý khí (Nho giáo, Trần trọng Kim II trang 157) và lục tượng sơn: "Thiên địa diệc thị khí" trời đất cũng là Khí (Nho giáo, Trần trọng Kim II, trang 148). Hệ từ IV viết: Tinh khí vi vật" = °° khí tinh huyền làm nên vạn vật.
Các sách cổ điển đều dùng chữ khí. Lão Tử thí dụ "Sung khí vi hòa" (Đ Đ K 42) Vương Sung cũng luôn luôn nói đến khí, và Zenker so với khí của Epicure có nhận xét như sau: "Nguyên tử của Epicure có tính cách cơ khí, chết cứng còn tinh khí của Vương Sung có tính cách cơ thể, sống động".
(Zenker, Histoire de la Philo. Chinoise p. 363). Zenker còn nhắc đến ngũ khí của Chu Tử và phản đối việc dùng chữ éther để dịch chữ Khí vì chữ Ether còn có tính cách cơ khí (Zenker, 459. Đọc thêm trang 438). Chỉ kể sơ sơ thế đủ biết chính Maspéro chứ không phải các học giả dịch là énergétique hoặc là Créative Energy như ông G.Mears (tác giả Kinh Dịch mang tên như trên. Dutton and Co 1932). Thực ra đây chỉ là sự gặp gỡ giữa Đông Tây trên cấp tối cao khi đi gần tới chỗ chí cực: Dầu là nội cứ như Đông hay là ngoại cứ như Tây cũng sẽ gặp nhau trên đỉnh kim tự tháp của vạn vật. Sở dĩ trước đây có sự đối kháng là tại khoa học chưa đi đến đợt vi thể hoặc đạo đức vấn vương với tư kiến chưa đủ tinh lọc, cả hai còn ở trên sườn kim tự tháp nên mới xa nhau, rồi đâm ra kình chống. Nhưng khi chịu đi tới cùng thì khoa vi thể cũng thấy sự vật qui về một mối là năng lượng làm nền tảng cho vạn vật y như khí thái cực của Chu Hi là xác cho lý thái cực để làm nên Thái Nhất, tức là Thiên địa vạn vật nhất thể vậy". Bám vào cái dụng thì là đa tạp, là phức thể, trở lại căn cơ thì là nhất thể.
3. Quan niệm sự vật một chiều
Tức là chiều tĩnh mà thiếu chiều động. Do đó cũng gọi là quan niệm nhất khối (monolithe) với nguyên lý đồng nhất A là A, một cái A thuần tính không còn để chỗ nào cho B đó là lệ chung của mọi nền triết học thuần lý. Sự vật được quan niệm như đối tượng và chiếm một không gian nhất định, thiếu thời gian nên thiếu luôn mối liên hệ nội tại và hỗ tương, mà chỉ là quan niệm kiểu cơ khí, trong đó máy phát sinh lực truyền vào các bánh xe, theo một chiều, chiều xuôi chứ bánh xe không có gây lại một ảnh hưởng nào ngược chiều cả.
Quan niệm cơ khí là một khía cạnh của quan niệm một chiều, nó đi ngược hẳn lại quan niệm cơ thể hai chiều, hay nói theo Trương Tái là "nhất lưỡng tính": unité bipolaire tức cả âm lẫn dương gắn bó đến độ làm nên một; trong âm có căn của dương và trong dương có căn của âm. Như thế mối liên hệ không phải ở ngoại diện, nhưng là nội tại làm nên một cơ thể với lối tương ứng, tương cầu, tương sinh, tương nhập. Nếu căn cứ vào vòng ngoài chỉ thấy có đối kháng, phải thấu đến vòng trong mới nhận ra mối hỗ giao, bổ túc tương nhập tương hòa. Đó không còn là câu kết luận thuần tuý nữa nhưng là những sự kiện được khoa học chứng minh xuyên qua điện lực với giây nóng giây lạnh, qua từ điện với cực tích, cực tiêu và nay với nguyên tử: âm điện tử và dương địên tử để cuối cùng kết tinh lại trong Tương đối Thuyết với các loại trường (champ) tức là các mối liên hệ. Tất cả chứng minh cách huy hoàng câu Kinh Dịch: "Nhất âm nhất dương chi vị đạo". Sở dĩ phải nhấn mạnh điểm này, vì thường người ta chỉ biết thâu nhận khám phá khoa học một cách khách quan, mà không rút tỉa được những kết luận liên hệ tới lãnh vực triết lý, nên nhân loại chưa có được một triết lý cân xứng với đà tiến của khoa học.
4. Bàn về nguyên lý của hai loại triết tĩnh triết động
Từ quan niệm sự vật im lìm độc khối tất nhiên nảy sinh ra một triết lý tĩnh chỉ. Điều quan trọng của một nền triết lý là nguyên lý chỉ huy toàn thể cơ cấu nó. Có hai loại nguyên lý: một là đồng nhất của triết cổ điển, (principe d'identité) hai là nguyên lý đồng thời (principe synchronique) của triết Việt Nho.
Theo nguyên lý đồng nhất vì là thuộc vũ, nên cái trước phải mất đi, cái sau mới có chỗ đứng, không thể có hai gian thời cùng một lúc. Tính cách "bất khả phục hồi" được biểu tượng bằng thần Kronos nuốt hết các con của mình khi chúng vừa sinh ra. Chúng ta nhận ngay ra tính chất thời gian bị không gian hóa trong câu chuyện đó: không thể hai vật cùng ở một chỗ một lúc như nhau.
Ngược lại Triết nho theo nguyên lý Đồng thời thuộc cả Vũ lẫn Trụ nên có thể gồm cả ba quãng quá khứ, hiện tại, tương lai nối liền và siêu lên để không có trước có sau, chính nguyên lý này được biểu lộ cách huy hoàng trong Tam Tài, nơi Trời Đất chống đối mà vẫn cùng nhau tác động.
Vì chỗ dị biệt giữa hai nguyên lý này thuộc đợt căn để nên cần phân tách hai hệ thống đó:
Hệ thống đồng nhất gồm 4 nguyên lý:
- Trước hết là nguyên lý Đồng nhất: A là A. Động là động. Tĩnh là tĩnh. Mỗi cái riêng biệt khỏi cái kia.
- Thứ hai là nguyên lý cấm mâu thuẫn: A không thể một trật là không A. Động không thể một trật là không động.
- Thứ ba là nguyên lý triệt tam (tiers exclu): một là A, hai là không A, không thể có cái thứ ba vừa là A và không Thời (tertium non datur). Không có thứ ba tức không thể vừa động vừa tĩnh.
- Bốn là nguyên lý căn do: B sinh bởi A (bao hàm sự có trước có sau). Không thể có truyện "cùng sinh" kiểu "thiên địa dữ ngã tịnh sinh" được.
Ngược lại triết Nho dựa trên nguyên lý: Âm chi Trung hữu dương căn. Dương chi trung hữu âm căn, nên vạn vật phải luôn luôn có hai cực mới tiến hóa. Như câu nói của Trương Tái: mọi sự vật đều mang tính chất lưỡng nhất. Có nhất mới linh động thần diệu, có lưỡng mới năng biến hóa = "Nhất vật lưỡng thể khi dã: nhất cố thần, lưỡng cố hóa" ĐC: 194.

*

Chữ lưỡng ở đây không nên hiểu là hai thực thể độc lập, mà là hai cực, (đối cực) hai mặt của cùng một thực thể. Do lẽ đó thay vì triệt tam thì lại nhấn mạnh trên giải pháp thứ ba, hay nói chẩn xác hơn là Trung Dung, miễn phải hiểu Dung, là toàn thể Viên Dung, bao trùm cả âm lẫn dương như hai cực của toàn thể, trong thế bổ túc, hòa hợp, khỏi chọn một bỏ một. Còn mâu thuẫn chỉ được chú ý vòng ngoài, tạm dùng nên gọi là Dụng mà không được đưa vào đợt Thể. Cũng từ đó âm không sinh dương kiểu nguyên lý căn do có tính cách máy móc một chiều, nghĩa là dương hoàn toàn thụ động nhưng dương gây ảnh hưởng trở lại trên âm gọi là nguyên lý "Tương duyên", "tương tức" và cũng do đó cái xấu chưa hoàn toàn xấu… nhưng là lưng cho cái đẹp. Cái đẹp không mãi mãi đẹp, vì có nguyên lý biến thiên, đồng thời chở căn "xấu" đi theo. A đang chuyển hóa sang B. Đẹp nay xấu mai, biến hóa thay cho cô đọng. Vì thế nên các "chân lý" mặc tính chất co giãn như cao su. Động mà tĩnh, Tĩnh mà lại động bởi vì sự vật có là do động, nhưng hễ có động thì lại phải có tĩnh. Thiếu tĩnh thì động trở thành cô đọng, cho nên phải có tĩnh tiếp liền theo động, động mà tĩnh động tĩnh dính liền, nên Chu Đôn Di có câu sau:
"Động nhi vô tĩnh,
Tĩnh nhi vô động = vật dã.
Động nhi vô động, tĩnh nhi vô tĩnh = Thần dã
Động nhi vô động, tĩnh nhi vô tĩnh, phi bất động, bất tĩnh dã,
Vật tắc bất thông, thần tắc diệu dụng".
(Thông thư Đệ thập lục)
dịch: "Động mà không tĩnh, tĩnh mà không động là vật thể.
Động mà không động,
Tĩnh mà không tĩnh là thần linh.
Động mà không động, tĩnh mà không tĩnh chẳng phải không động tĩnh
Vật thể bị giới hạn vào hình thể nhất định nên không lưu thông.
Còn thần không mặc hình thể nào nên linh động hết mọi loài".
Đó là đại để những nguyên lý đã hướng dẫn hai nền triết lý tĩnh và động. Nó khác nhau vì một đàng tĩnh là tại quan niệm sự vật nhất khối một vòng nên đã tĩnh là tĩnh, đã động là động hai đàng không liên hệ chi nhau. Đó là những nguyên lý đặt nền tảng cho các loại cá nhân chủ nghĩa, kỳ thị chủng tộc, tiêu diệt các sắc dân thiểu số… Phía Viễn đông theo nguyên lý lưỡng nhất tính cũng gọi là hai vòng, vòng ngoài động nhưng vòng trong tĩnh: tĩnh động tương liên, nên cũng có quan niệm về thời tương tự: động mà tĩnh, hiện mà ẩn. Bởi ta không thấy thời gian mà chỉ thấy những hiện tượng, những vật thể là những cái di động, nhưng để được động hay biến động đều cần thời gian. Do lẽ đó triết Đông đi từ nguyên lý bổ túc đến thẩm thấu để rồi hợp hòa. Ngược lại với nguyên lý cấm mâu thuẫn chỉ có đồng nhất.
5. Đổi quan niệm thời gian để lo cho sức khỏe
Đó là điểm mà các nhà triết học và khoa học hiện đại đang gắng đưa vào lãnh vực triết lý đó là lý do giải nghĩa những cố gắng đưa luật đồng thời vào triết thay cho quan niệm thời gian cổ điển với ba quãng thời cắt khúc; còn đây là thời tính với chú ý sống động hóa nên gọi là ba "xuất thể" hay siêu việt (estases) làm cho dĩ vãng hiện tại tương lại nối kết. Bachelard có viết mấy dòng như sau:
"Chúng tôi thấy cần phải đưa vào triết học những nguyên lý thật mới mẻ. Thí dụ đức tính bổ túc phải được nhập thể bản chất sự vật để tuyệt giao hẳn với niềm tin tưởng là sự vật có tính cách đồng tính (nhất khối).
"Cần phải thiết lập một khoa siêu hình trên tính chất bổ túc hỗ tương bớt đối kháng cách khốc liệt theo lối siêu hình cổ điển đã xây trên nguyên lý mâu thuẫn.
"Des principes épistémoligiques vraiment nouveaux nous semblent devoir s'introduire dans la philosophie scientifique contemporaine. Telle serait par exemple l'idée que les caractères complémentaires doivent être inscrits dans l'être en rupture avec cette tacite croyance que l'être est le signe de l'unité.
"II conviendrait donc de fonder une ontologie du complémentaire moins âprement dialectique que la métaphysique du contradictoire" (N.E.S. 15).
Và do đó, thay vì A là Thời (A = A) thì các nền luận lý tân thời khởi đầu dùng công thức A hàm ngụ A (A A) và nhiều luận lý đa giá khác (polyvalent), tất cả đều là những cố gắng để vượt nguyên lý mâu thuẫn hay tránh độc tôn hóa một khía cạnh duy nhất.
Trong quyển Science and Sanity (N.Y.1933) tác giả là bá tước Alfred KORZYBSKY có đề nghị sửa lại một số khoa học cho nó đi ngược lại tính cách nhị giá của luận lý Aristote bắt chọn một bỏ một. Tác giả coi việc đó như một chương trình bảo vệ sức khỏe, một sự giáo dục lại sinh lực con người, một sự sáp nhập tư tưởng linh hoạt vào bước tiến của đời sống. Trong bài tực, tác giả đã chứng minh rằng sự học tập để khỏi thấy tính chất đồng nhất trong sự vật là điều rất bổ ích cho sức khỏe của cả những thanh niên bất hợp lệ (anormaux). Và ông cho những kẻ ngu đần, độn trí chính là những người đã đánh mất khả năng phân tách sự vật, nên chỉ thấy có một mà không thấy hai: nói như ta chỉ thấy có dương là dương mà không đồng thời thấy âm ở trong (they have lost their shifting character). Shifting character: là năng khiếu chẻ đôi. Nói theo quan niệm vũ trụ, trong vĩ còn có kinh tức là siêu lên vậy.
Quan niệm thiếu tính chất lưỡng phân như thế rất tai hại cho sức khỏe cá nhân cũng như cho xã hội. Người có tâm trạng đồng nhất chỉ biết có lối thoát duy nhất là một mất một còn, hễ gáo vỡ thì chỉ còn có vất đi, chứ không có cái chuyện làm muôi. Hễ không đi đôi là chống đối, không hữu lý là vô lý, chứ không biết đến ngoại lý, như là giải pháp thứ ba. Âu Cơ đẻ ra trăm trứng là vô lý, vậy hoang đường, phải bỏ. Không còn biết nhìn sâu vào để tìm ra một ý nghĩa nào khác hết. Đó là thái độ thoát thai từ những nguyên lý cứng đơ một chiều, vì chỉ loay hoay giữa hai gọng kìm tout ou rien, duy tâm hay duy vật, phải hay trái, nóng hay lạnh, mà không thấy được chiều hướng "thứ ba", là chính cái sẽ đem ra lối thoát. Lối thoát đó lại không ở đâu xa, nhưng tiềm ẩn ngay trong cả âm lẫn dương: trong duy tâm cũng như duy vật, nhưng với hệ thống nguyên lý đồng nhất và cấm mâu thuẫn thì không tài nào nhìn ra.
Trên đây là hai chứng nhân thuộc khoa vi thể (microphysique) xin thêm một chứng nhân trong khoa uyên tâm (psychologie de profondeurs) để chúng ta ước lượng thấu đáo hơn tầm quan trọng gây ra do sự biến chuyển của quan niệm mới về chữ Thời.
6. Thay thế hệ thống giây chuyền
Khoa học hiện đại vừa phát minh ra được hai khía cạnh của sự vật có tầm rất quan trọng trên cả phương diện vật lý lẫn tâm lý, tức là nguyên-tử-năng và khoa tâm lý các miền sâu mà tôi dịch là Uyên tâm. Nhờ những phát giác đó mà vòng chân trời mở ra rộng mênh mông, khiến cho những nguyên lý cũ bị lay động và vượt qua. Hiện con người đang phải tìm những nguyên lý mới làm như giây chuyển cho dòng điện mới. Trong việc này, triết Nho có thể đóng góp một nguyên lý mà bác sĩ Jung gọi là nguyên lý đồng thời (synchronicity). Nó ngược hẳn với nguyên lý đồng nhất (principe d'identité) và mấy nguyên lý cùng một hệ thống là cấm mâu thuẫn, triệt tam và căn do (causalité) là những nguyên lý đã chi phối triết học Tây Âu và Bachelard hô hào phải thay đi. Y như khi mới đặt máy điện 220 W phải thay các loại bóng cũ chỉ có 110 W vậy. Không thay sẽ nổ vỡ trước những thực tại mới lạ khác chiều đang được khám phá ra.
Quả vậy nguyên lý đồng thời của cơ cấu thời gian Mã Đồ đưa ta vào một "trời khác, đất khác" có biến có hóa: bởi vì tĩnh động nối liền. Nguyên lý này đã được trình bày trong quyển Kinh Dịch. Những người không quen với đời sống lưỡng thê (amphibie) mà đọc quyển này sẽ bị choáng váng bởi một bầu khí huyền ảo, và sẽ biểu lộ thái độ hoặc bằng "kính nhi viễn chi" hoặc bằng khinh miệt, nhưng nói chung là không hiểu nổi, kể cả những người Đông Phương thời mới.
Kinh Dịch đi theo một nguyên lý mà Jung gọi là Đồng thời tức là quan điểm ngược với nguyên lý căn do (nên có chỗ ông gọi là nguyên lý phi căn do nhưng nối kết tất cả lại với nhau: an acausal connecting principle). "căn do là chân lý tĩnh chỉ và không tuyệt đối: thực ra nó chỉ là một giả thuyết để làm việc cho rằng cái nọ nảy sinh cái kia. Còn nguyên lý đồng thời chú ý một trật đến mọi hiện tượng cùng xảy ra trong không gian, tức là một liên hệ đặc thù giữa hiện tượng khách quan với nhau, đồng thời với những tâm trạng chủ quan của người quan sát, do đó có thuyết Bất định của Heisenberg, nên nhà khoa học không thể chối rằng cơ cấu vũ trụ của mình chính cũng là cơ cấu tâm trạng của mình. Hiện tượng vi thể lôi người quan sát vào cuộc, y như thực tại ăn ngầm trong Kinh dịch bao trùm lấy tâm trạng chủ quan vào trong hoàn cảnh lúc quan sát."
Trên đây là vài trang sách quan trọng, trích dịch từ bài tựa tác giả dành cho quyển Kinh Dịch của ông WILHELM (the I Ching. Routledge et Kegan Paul 1954, vol, I/p, II-IV) trong đó tác giả nhấn mạnh đến việc phải từ bỏ nguyên lý căn do khi đi vào địa hạt tâm linh vì nguyên lý đó chỉ áp dụng được trong cõi hiện tượng mà thường là trừu tượng chết khô. Đến khi bước vào thực tại thì ngay đến sự vật cũng không bao quát hết, vì không bao giờ có hai hạt muối y hệt như nhau, mặc dầu hạt muối nào cũng kết tinh theo khung vuông hết, vì nó là sự sống, sự biến chuyển của mỗi mỗi khác nhau.
Phương chi khi bước chân vào cõi người ta thì càng không đủ, vì nơi đây có thêm một yếu tố lớn hơn nhiều mà tác giả gọi là chance: thời cơ, vận số, mà người ta hay gọi là tình cờ, ngẫu hợp; kỳ thực thì không có chi tình cờ cả, chỉ tại mình không biết, nhưng không biết kệ, nó vẫn chi phối cả vũ trụ lưỡng nghi thượng hạ, đang khi nguyên lý căn do chỉ điều lý được có bình diện hiện tượng, khoa học cơ khí, những chuyện ăn làm bán buôn thôi. Triết học cổ điển đã không nhận ra chỗ đó mới xây đại trên những điều tất định của hiện tượng, nên bị lung lay khi phải tiếp xúc với thời khoa học vi Thể.
Tóm lại với triết học cổ điển ta mới có xê dịch tức là sự động trong không gian (mouvement local) còn sự vật vẫn được quan niệm cách tĩnh chỉ cố định (fixisme). Sang đời điện lực và nguyên tử năng bắt đầu có thêm quan niệm biến dịch (évolutionisme) và tương đối. Tuy đã có sự uyển chuyển biến động cả về phía vật thể (évolutionisme) rồi cả đến cơ cấu lý trí (tương đối thuyết). Nhưng vẫn chưa vượt bình diện hiện tượng hàng ngang, nên cơ cấu của chúng sẽ còn biến đổi theo đà thức tỉnh của tâm trạng. Tới đợt tâm linh ta mới có y niệm biến hóa, mới thực có ngoại nội hòa hợp, mới có "tri chí" nghĩa là đạt đến cái Tri chân thực.