Đài cao trăm thước huy hoàng dưới ánh mặt trời. Trên thềm đài lót đá trắng, Ngũ Tử Tư đang bước từng bước một đi xuống. Bước chân dường rất nặng nề, đôi hia da cồm cộp trên bệ đá khiến đám binh sĩ giữ đài cũng nhận ra sức chấn động của bước chân. Xuống ba bậc thềm, Ngũ Tử Tư dừng lại, dường như lòng sầu dâng lên, gương mặt dài của lão không có chút cười nào. Bấy giờ, có một cỗ xe trờ tới, người đánh xe kềm cương thưa: - Tướng gia, kính thỉnh lên xe! Tử Tư trầm ngâm, không trả lời, rồi bỗng nhiên lại bước lên đài. Lão đi rất nhanh, vượt bậc thềm thứ nhất lên thềm thứ ba, bảo ngay cung môn hộ thị vệ: - Ngươi mau gióng chuông, hôm nay ta cần gặp Quân vương. Không dám trái lệnh, tên thị vệ khom mình vâng dạ. Nhưng lại sợ Quân vương nổi giận, tên thị vệ không gióng chuông liền. Tử Tư nói giọng ra lệnh thêm lần nữa: - Đi, gióng chuông lên! Tiếng chuông Cô Tô vang rền! Ba ngày qua, đây là tiếng chuông thứ nhất. Nội thị thông tin chuyền vào nội điện. - Ngũ tướng quốc thỉnh Đại vương lâm triều! Hai tên thị vệ mở cửa bẩm báo. Hai tên vệ sĩ cầm trường mâu từ trong bước ra chia đứng hai bên. Chẳng bao lâu có một nội thị khác xuất hiện, cung kính thưa với Ngũ Tướng quốc: - Quân vương cho vời, hiện Ngài ở nội điện. Ngũ Tử Tư vượt qua ngoại điện, vào nội cung. Một thị vệ cúi bẩm: - Quân vương đang ở bên trên, kính mời Tướng quốc. Bên trên là tầng cao nhất của Cô Tô đài, là một bình đài rộng rãi, Ngô vương đang ở đó. Theo phép của nội cung thì nhà vua không tiếp kiến đại thần trên đó. Tử Tư hơi lấy làm lạ, song không vì đó mà ngừng bước. Ngài từ nội cung bước lên thang cây. Ngô vương Phù Sai đang mặc áo ngủ rộng ngồi chờ. Thấy Ngũ Tử Tư vừa vào, nhà vua cười cởi mở, rùn vai nói: - Tướng phụ đến rồi mà trẫm không biết. Trẫm bị cảm lạnh, ba hôm không lâm triều, cũng không xuống giáo trường. Có việc gì không, Tướng phụ? - Tâu có. Tử Tư nghiêm giọng nói thêm: - Việc nước Việt, nước Sở... - A, lại Việt quốc và Sở quốc! Về nước Việt, trẫm đã giao cho Thái tể lo liệu. Còn nước Sở thế nào, Tướng phụ cứ giải quyết lấy cũng như trẫm vậy thôi! - Muôn tâu, tin thám mã từ Sở về không có gì quan trọng. Chỉ có vấn đề nước Việt, hạ thần xin Đại vương giữ Văn Chủng lại, không cho về Việt. Phù Sai ngạc nhiên: - Giữ Văn Chủng? Hắn thay mặt Việt vương đến triều cống mà! - Văn Chủng là một nhân tài của nước Việt. Thần lo, Văn Chủng ở lâu trên đất Việt sẽ là cái họa tâm phúc của chúng ta. - Nhưng chúng ta không có lý do giữ người! (Phù Sai thở phào) Làm thế tỏ ra chúng ta quá nhỏ mọn. Hơn nữa, trẫm không nhận thấy Văn Chủng có làm sao cả. - Đại vương! Văn Chủng là một nhân vật nguy hiểm. - Văn Chủng cũng đã về rồi! Dường như nhớ ra điều gì, nhà vua cười: - Hôm trước, phải rồi, hôm trước, Văn Chủng có lên đài đưa tặng sách... - Văn Chủng về rồi... Ôi, thiệt là thả cọp về rừng! - Tướng phụ! Phù Sai nhìn vị Tướng quốc với ánh mắt khó hiểu, nói thêm: - Chúng ta có Tướng phụ trấn quốc thì sợ gì một tên Văn Chủng? - Đại vương! (Tử Tư suy nghĩ một lúc lâu thư thả nói) Hãy còn một việc, tốt nhất là Đại vương nên trả số gái đẹp do Văn Chủng cống hiến về Hội Kê. - Cái đó thì... không! (Phù Sai khoát tay lia lịa) Họ là hạng con gái yếu đuối, lại không liên quan gì đến chính trị, không việc gì ta không nhận họ. Ngũ Tử Tư đã nhận ra Quân vương đam mê gái Việt. Kể từ có gái Việt nhập cung, nhà vua đã ba hôm liền bỏ các buổi lâm triều. Tử Tư rất lấy làm lo nhưng không tiện nói thẳng. Ngô vương bật cười: - Số gái Việt ấy được lắm! Ha ha... Tướng phụ, để trẫm đưa hai cô đến tướng phủ cho Tướng phụ sai khiến. Tử Tư cảm thấy lỡ khóc lỡ cười, lắc đầu. Ngô vương đắc ý nói thêm: - Trẫm thích nhất Tây Thi, cô nàng tuyệt diệu! - Đại vương! Tử Tư nặng lòng lo, Quân vưng chưa bao giờ đam mê tửu sắc nhưng nay lại mê luyến gái nước Việt rồi. Nam nhân cần nữ nhân là chuyện bình thường, chính Tử Tư cũng từng thích nhìn gái đẹp. Nhưng với riêng gái nước Việt, vị Tướng quốc nhà Ngô vẫn cảm thấy lo. Năm xưa, tại Hội Kê, Tử Tư chủ trương nên giết quách Câu Tiễn đi rồi thâu hết đất đai nước Việt coi như một quận hay một tỉnh của Ngô quốc. Nhưng Ngô vương có lý do riêng để buông tha Câu Tiễn, Ngô vương hy vọng lấy đức thâu phục lòng người. Lúc ấy, Tướng quốc đã từng tranh luận gay gắt với nhà vua. Xem tình hình trước mắt đây thì thù hận ngày một thâm sâu, thi ân bố đức cũng bằng vô ích. Vì vậy mà tướng quốc nhà Ngô luôn băn khoăn nhìn về nước Việt. Tướng quốc Tử Tư có mức cảnh giác cao độ, tâu tiếp: - Nước địch dâng hiến mỹ nữ có âm mưu! - Tướng phụ lo xa quá rồi! Số gái đẹp này do Câu Tiễn tuyển lựa để hưởng thụ đấy! Câu Tiễn đã nói với quần thần: “Ba năm nhục nhằn ở Ngô quốc, ta cần phải hưởng thụ bù lại...” Vì vậy, Văn Chủng mới tổ chức thi tuyển mỹ nhân cung phụng cho nhà vua. Họ không ngờ quốc sứ của ta hiểu biết chuyện này. Giám quốc sứ đến chất vấn Việt vương. Câu Tiễn sợ quá, tiến cống mỹ nữ cho trẫm để khỏi bị hành tội. Nội chuyện là như thế đó. Thần sắc Tử Tư có phần dịu lại song không thay đổi ý niệm. Tướng quốc vẫn cưng quyết: - Thần ngại họ dùng mỹ nhân kế! - Ha ha... Tướng phụ! Các nàng xướng ca múa may ấy thì làm nên chuyện gì? Đến cả con gái, tướng phụ cũng sợ rồi... Ha ha... Cười ròn một thôi dài, Ngô vương nói thêm: - Tướng phụ có cần trẫm đưa cho hai nàng? - Thần... (Tử Tư cười khổ) Thần không còn được như trước nữa. - Thật thì Tướng phụ hãy còn khỏe lắm! Tướng phụ, chúng ta có họa đồng chia, có phúc đồng hưởng. Trẫm lên ngôi vua toàn nhờ công của tướng phụ. Chúng ta chia nhau bốn nàng đi! - Đại vương! Thật sự thần không cần. Bằng nếu cần thì thần thà tuyển gái Cô Tô chứ với gái Việt thì thần đâm sợ... Ngô vương cả cười, vỗ đùi: - Cô nàng Tây Thi tuyệt đẹp! Mắt nàng như bong bóng nước, da thật nõn nà, mịn mượt... - Đại vương! Tử Tư bứt rứt kêu lên, ngăn nhà vua nói về gái Việt. Nhưng Ngô vương đang cao hứng, khoát tay ngăn rồi nói tiếp: - Tướng phụ đừng ngắt lời... Thân nàng mềm mại như không xương, nàng khéo nói, biết múa, biết khắc chữ... Hơn nữa, trọn thân nàng không có một tỳ vết... (Ngô vương nhếch môi thèm thuồng, đắc ý tiếp) Tướng phụ có cần thấy mặt nàng không? Gặp mặt nàng rồi, trăm mối buồn lo đều tan biến, trăm bệnh cũng lành! Văn Chủng đã chuồn thì gái đẹp có gì đáng xem? Tử Tư lắc đầu, u uất: - Tâu Đại vương, thần xin cáo thối. - Không có chuyện gì à? Thôi được... - Nhà vua đứng lên, tiễn đưa. Rời bình đài, Tử Tư đi cửa chính xuống thềm đá. Ngô vương đứng nhìn theo vị lão thần từng bước một, cười hỉ hả nói với nội thị: - Trong lòng Tướng phụ cũng thích gái đẹp lắm, nhưng người không dám buông lung để giữ sự tôn nghiêm, ha ha... Bấy giờ, Di Quang từ trong bước ra khom mình tâu: - Đại vương! Tây Thi kính mời Đại vương! - Ờ, một khắc nàng cũng không rời ta được, ha ha... Tây Thi đã dậy chưa? - Bẩm, rồi. Nhưng không có Đại vương, Tây Thi nằm lại. - Lười chưa! Nói thêm hai tiếng mắng yêu, Phù Sai đi lần vào nội cung. Nhưng vừa bước được mấy bước thì có thị vệ truyền báo Thái tể Bá Hi đến. Bá Hi hối hả bước lên đài, còn cách Ngô vương khá xa, đã khom mình hành lễ. Ngô vương chau mày: - Khanh biết mấy hôm nay trẫm không rảnh, khanh tới làm gì? - Bẩm Đại vương! Vừa rồi, Ngũ tướng phụ có đến nên hạ thần mới dám lớn gan xin vào yết kiến. - Bây giờ không có chiến trận, có gì đáng mừng? - Mừng là mừng Đại vương đã được một giai nhân. - A... (Ngô vương mỉm cười) Đúng là một giai nhân, một giai nhân cổ kim chưa được mấy người. Bá Hi bước vào nhà trong, liếc qua Di Quang: - Nghe nói người Đại vương thích nhất là... - Tây Thi (Ngô vương cũng liếc nhìn Di Quang) Khanh vào mời Tây Thi ra đây, bảo rằng Thái tể Bá Hi muốn gặp. Chẳng bao lâu, Tây Thi từ phòng trong bước ra. nàng mặc quần dài vàng, thắt lưng bằng dây tơ mịn, kết vọng thành hình một con bướm vàng. Lúc nàng bước ra, hai người đỡ dìu lui lại trong cung. Nàng bước thướt tha yểu điệu, đôi mắt long lanh như ngập cả trời tình nhìn rót vào Ngô vương, một tư thế tuyệt vời của mỹ nhân. Một trượng phía sau nàng có hai cung nữ mặc áo bó sát theo sau. Cả hai dường như bị cuốn theo bước chân phiêu dật của nàng. Nhìn nàng với ánh mắt thèm thuồng. Ngô vương lên tiếng gọi: - Tây Thi! Mày hơi nhướng lên, miệng hé ý cười, nụ cười trong thoáng chốc như không để mắt trần nhìn thấy rõ, Tây Thi lại thôi cười, trở sắc nghiêm nghiêm. Đại vương gọi tiếng lớn hơn: - Tây Thi! - Đại vương! Tây Thi đến trước mặt nhà vua, cúc cung hành lễ: - Sáng sớm đã đi, Đại vương không nói cho thiếp biết... Thiếp đưa tay choàng, không bắt gặp Đại vương... - Thì trẫm nói rồi, kề sát tai khanh mà nói nhỏ... Trẫm bảo, Ngũ Tử Tư đã đến, trẫm không thể không ra hội kiến. Tây Thi nhếch môi, tỏ nét giận phụng phịu như trẻ thơ: - Bộ cứ bắt thiếp phải nghe sao? Ngô vương nở nụ cười, đỡ khuỷu tay nàng: - Có thể không, tự nhiên là có thể không nghe. Nhưng lúc bấy giờ khanh có nghe và còn trả lời trẫm nữa. - Không. (Tây Thi nghiêng đầu) Thiếp có hiểu Đại vương nói gì đâu! Thiếp cho rằng Đại vương muốn nói... Thần tình đam mê của Tây Thi làm cho Ngô vương mê mẩn. Ngài muốn ôm choàng nàng nhưng sực nhớ ra Bá Hi. - Tây Thi, Thái tể Bá Hi đây! Tây Thi liên tiếp cáo lui, tỏ vẻ thẹn thùng. Thật ra từ ở trong phòng, nàng biết có mặt Bá Hi rồi. Và ngay sau khi vừa bước ra, nàng đã liếc thấy đại thần của Ngô quốc. Song nàng cố ý làm như không biết, nhân thể bày tỏ sự thân thiết giữa nàng với Ngô vương. Bởi trong sứ mạng của nàng, Bá Hi là người có thể liên lạc và lợi dụng được. Vì sự thân mật gắn bó giữa nhà vua với Tây Thi, Bá Hi vội vã chào nàng, dùng tiếng tôn xưng bất ngờ: - Tây Thi phu nhân! Tây Thi uốn mình đáp lễ, đồng thời liếc qua Ngô vương. Ngô vương đắc ý xua tay ngăn Bá Hi trịnh trọng quá đáng, hỏi giọng thân mật: - Bá Hi, khanh trông nàng thế nào? - Cung hỉ Đại vương... phu nhân quả là một trang quốc sắc thiên hương có một không hai. Tây Thi lắc đầu che nụ cười thầm. - Khanh quả có mắt! Ngô vương đứng lên, mạnh dạn bước đến choàng ngang lưng Tây Thi, kéo nàng quay lại đoạn bảo: - Cho khanh nhìn nàng rõ hơn một chút. - Vạn tạ Đại vương! Hạ thần đã bảo chuyến đi hôm nay không uổng. Tây Thi dán sát vào Ngô vương, nói nhỏ: - Thái tể quá khen thiếp rồi! Ngô vương tỏ ý tiễn khách: - Khanh còn điều gì muốn bẩm báo nữa không? - Tâu không. Giờ này không phải giờ trình tấu. Bá Hi cười hỉ hả, hành lễ thối lui. Trước khi lui hẳn, Bá Hi còn nói thêm: - Đại phu nước Việt là Văn Chủng đã trở về Hội Kê, người không dám làm phiền Đại vương nên chỉ đứng ở dưới đài xá dài từ biệt. Đồng thời còn thay mặt cho Câu Tiễn cảm tạ hồng ân. - Văn Chủng về rồi... Được! - Ngô vưng bâng quơ, đoạn quay sang Tây Thi - Việc công của trẫm cũng xong rồi! - Đại vương, mong rằng thần thiếp không làm trở ngại công vụ của Đại vương! Với giọng hiền hòa và gần như chí thành, Tây Thi nói thêm: - Nhưng từ nhỏ, thiếp đã quen tính tự do. Thỉnh thoảng xin nhờ đại vương chỉ bảo, sửa chữa. - Ta thích sự tự do của nàng (Ngô vương nâng cằm Tây Thi) Chưa bao giờ có ai làm cản trở công việc của trẫm. Tây Thi nghĩ thầm: - Điều này lúc còn ở Việt, tôi đã biết. Vua nước tôi nằm gai nếm mật chính là học từ ngài đây. Song kể từ khi tôi đến, ngài đã bỏ liên tiếp ba buổi lâm triều. Đương nhiên Phù Sai không sao nghe được những lời nói thầm. Nhà vua vuốt ve má nàng, đắc ý nói tiếp: - Sau khi trẫm nối ngôi, nước Ngô đạt đến mức cường thịnh chưa bao giờ có. Trẫm đã trả được mối thù vạn đại, bắt Việt Vương thần phục. Công phá Việt quốc, trẫm đã làm cho chư hầu Trung Nguyên kinh sợ, coi như Ngô quốc thống lĩnh thiên hạ. Phù Sai nói giọng khí khái, hùng hồn, vừa nói vừa choàng tay đưa Tây Thi bước ra khỏi phòng. Đứng trên đài cao, nhà vua đưa mắt nhìn chung giang sơn Ngô quốc. Thành Cô Tô vào thời đại Phù Sai lên ngôi, phồn thịnh hơn tất cả các đời vua trước. Trong thành xây thêm nhiều nhà mới, nguy nga hơn. Ngoài thành cũng không thiếu chi nhà cửa liên dãy với các trại lính. Ngoài ra, hãy còn biết bao nhiêu biệt thự cao ngất của các trọng thần. Tây Thi đưa mắt nhìn xuống đại giáo trường dưới Cô Tô đài. Ở đó, một đội chiến xa và một đội bộ binh đang thao dượt. Từ trên nhìn xuống, bắt gặp chiến xa di chuyển rất nhanh, cử động nhất tề. Lúc được huấn luyện ở Hội Kê, Tây Thi đã biết qua lực lượng quân sự mạnh yếu của các nước. Ngô và Việt nổi danh về thủy quân. Còn thần tình vận dụng chiến xa lại thuộc sở trường của Sở và các quốc gia miền Sơn Đông. Nhưng trông đây thì lực lượng bộ binh của nước Ngô rất mạnh so với lực lượng của nước Việt do người tình đầu tiên của nàng sáng lập. Nhận ra như thế, Tây Thi cảm thấy lạnh lòng, quay sang nhìn Ngô vương cương nghị và cường tráng, hùng hồn nói: - Ngô quốc hùng mạnh thế này thì bọn họ bao giờ mới có thể đến chứ? Bấy giờ, Ngô vương đang nhìn vào Thái Hồ mênh mông đáp: - Ở Trường Châu bên Thái Hồ, trẫm hãy còn một cơ sở cung vi và một xạ quán! Ôi, Ngũ Tử Tư đúng là một thiên tài, bắn rất giỏi. Nghe đến tên Ngũ Tử Tư, Tây Thi lại lạnh lòng. Nàng chỉ tay xuống đại giáo trường hỏi: - Tâu bệ hạ, số binh sĩ và chiến xa này cũng do Ngũ Tử Tư huấn luyện cả sao? - Phải (Ngô vương hãnh diện nói thêm) Tổ chức quân đội của nước Ngô toàn do một tay Ngũ Tử Tư đặt ra. Ngô quốc được như ngày nay đều nhờ vào Tướng phụ. - Dạ... Tây Thi cố kìm lòng bớt sợ, nói khéo: - Thế thì phải nói có đại vương mới có Người... Nếu không có một đấng quân vương tốt thì người có tài cũng chẳng làm nên việc gì. Lúc ở nước Sở, nào Ngũ Tử Tư có làm nên tích sự gì đâu. Câu nói ấy làm nở lòng Ngô vương. Nhà vua từng nghĩ như thế song chưa nghe ai nói ra. Bây giờ Tây Thi là người đầu tiên hiểu được điều đó. Nhà vua hôn nhẹ tóc nàng, tỏ ra cám ơn thành thật lời xưng tụng. Lại tỏ vẻ kiều mỵ của con gái, Tây Thi khéo léo nép mình. - Đại vương thức sớm quá, ôi, vừa rồi thiếp rất sợ. Mở mắt mà không thấy đại vương đâu, thiếp sợ quá, sợ quá. - Sợ gì? Tây Thi dùng tay che miệng, nói nhỏ vào tai Ngô vương: - Sợ đại vương không cần thiếp nữa. - Nàng đừng nói vậy. Kể từ nay, nàng là người Ngô, biết không? Tây Thi nhếch cười: - Thưa biết, nhưng thần thiếp không dám với cao đâu. Ngô vương ôm chặt Tây Thi: - Nàng đã với cao rồi, với đến nóc đài Cô Tô. Tây Thi nheo mắt hỏi: - Đại vương vĩnh viễn thâu nhận thiếp? - Vĩnh viễn. - Vĩnh viễn? Có thật vĩnh viễn? (Nàng tỏ vẻ mừng không trọn tin) Đại vương thử nói lại lần nữa. - Vĩnh viễn... Tây Thi! Do đó, toàn thân nàng dán chặt hơn như hòa làm một. Ngô vương thì thầm bên tai nàng thêm mấy câu mà dường như nàng không nghe biết. Sáng nay, vào lúc nhân dân nước Ngô đang phấn khởi làm việc thì vua nước Ngô lại ôm choàng người đẹp đưa vào nội cung. Vào trưa, chuông đài Cô Tô vang lên song tiếng chuông không gọi thức Ngô vương, Tây Thi nói nhỏ vào tai người mấy tiếng, ngài cũng không đáp lại. Tây Thi uể oải bước xuống giường, đi chân không vào phòng thay y phục. Nàng ngồi lặng trước tấm gương lớn cao ba thước, ngang bốn thước, một công trình tuyệt tác. ở nước Việt, thợ đồng không có cách nào đúc được một tấm gương đồng lớn như thế. Nàng nghĩ thầm: - Về việc đúc đồng, sắt, nước Ngô đã đi trước khá xa. Loại kỹ nghệ này có liên quan đến việc chế tạo võ khí! Nghĩ thế, Tây Thi có phần thương tâm, lo lắng. Từ phòng ngủ đến phòng thay quần áo chỉ cách nhau có một tấm màn. Tây Thi cố ý sắp đặt như thế để nàng có thể nhìn qua gương đồng thấy được Ngô vương. Ngô vương đang ngủ rất say. Tây Thi buông tiếng thở phào. Cuộc sống mới trong cung Ngô mỹ mãn và thành công hơn nàng dự tưởng lúc ở Hội Kê. Nhưng, người nàng mệt mỏi, lòng nàng thấp thỏm trong một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều cố gắng. Một công tác buồn! Nước Ngô quá mạnh, hùng mạnh về mọi phưng diện hơn hẳn quốc gia nàng. Di Quang mở cửa bên phải, gấp rút bước vào gọi: - Tây Thi! Tây Thi nhìn bạn qua gương đồng, ảo não cúi gầm. Di Quang nhẹ khép cửa, liếc qua Ngô vương đang say giấc rồi bước đến bên Tây Thi nói nhỏ: - Tây Thi, chị thành công rồi, đại thành công! - Phải! Tây Thi đáp bâng quơ đoạn nói thêm: - Thành công như thế cũng chẳng ích lợi gì. Chỉ có thể nói là mình quyến rũ được một người chứ nói thành công thì... - Tây Thi lắc đầu, bỏ lửng. - Bước đầu được thế và chỉ cần được thế, chúng ta không phải lo gì nữa. - Mình cho là hoàn toàn vô ích. Tây Thi liếc qua Ngô vương, nói thêm: - Nước Ngô quá mạnh. Hơn nữa, thành thật mà nói, mê hoặc được Ngô vương không ích lợi chi nếu Ngũ Tử Tư còn đó. Còn Ngũ Tử Tư, nước Ngô không suy yếu được, Ngô vương lại hoàn toàn tin cậy Ngũ Tử Tư. - Không, chị lầm rồi. (Di Quang cố nén niềm vui) Em nói chị đại thành công là ở chỗ đó. (Di Quang chỉ hình Ngô vương trong gương đồng, nhấn mạnh) Bởi vì Ngô vương không đồng ý kiến với Ngũ Tử Tư. Tây Thi giật mình: - Sao? - Chúng tôi được tin, hôm nay Ngũ Tử Tư cầu kiến Ngô vương là để xin bắt nhốt hay giết Văn đại phu. Hơn nữa, Người còn yêu cầu Ngô vương trả gái Việt về nước Việt (Di Quang vui ra mặt) Nhưng Ngô vương đều không nhận lời. Tây Thi chấn động bàng hoàng lúc lâu. Phải kể là nàng hiệp đầu thắng được Ngũ Tử Tư. Quả đáng mừng thật! Nhưng Tây Thi khác hẳn Di Quang, không vui lộ ra mặt. Sau lúc nghĩ ngợi, nàng nhận thấy hiệp đầu thắng lợi chưa đáng để phô trương. Ngô vương thâu nhận gái Việt là vì vấn đề tư tình, chưa phải vì vấn đề quốc chính. Huống chi, đứng về phương diện quyết định chính sách, Ngô vương có sự cương quyết giữ ý kiến. Năm xưa thả Việt vương về nước Việt, chính Ngô vương đã quyết định lấy, mặc dầu có sự phản đối của Ngũ Tử Tư. Nghĩ ra, Tây Thi nhếch mép cười khổ, bảo nhỏ: - Tất cả còn phải chờ xem. Việc trong vài ngày chưa đủ để luận định. (Tây Thi thở phào nói luôn) Văn đại phu từng bảo với chúng ta, đàn ông con trai thích của lạ, Ngô vương yêu thích mình bây giờ chỉ vì mình hãy còn mới lạ mà thôi! - Tôi cho không phải vậy đâu. Trong đám chị em chúng ta, Ngô vương chỉ thích có mỗi mình chị. - Có thể, vài hôm nữa, Ngô vương sẽ đổi sang người thứ hai. Mà thôi, Di Quang, chúng ta đừng bàn đến chuyện ấy nữa. Lòng mình không thấy dễ chịu. Tây Thi đưa hai tay bưng mặt, không muốn nhìn Ngô vương trong gương đồng. Bởi nàng nhớ đến Phạm Lãi rồi. Vài hôm sau, nửa tháng sau, một tháng sau... Ngô vương vẫn như con phi nga, cứ thấy lửa thì bay vào. Ngài không rời xa Tây Thi được, Ngài vẫn yêu nàng cuồng nhiệt như lần đầu. Ngô vương quanh quẩn bên Tây Thi, không xa cách được một giờ. Lúc lâm triều, Ngô vưng bảo Tây Thi xuất hiện chờ sẵn ở bậc thềm. Lúc Ngô vương tiếp kiến trọng thần trên Cô Tô đài, thường có Tây Thi ở phía sau bình phong chờ đợi. Chính Ngô vương đòi hỏi nàng có mặt như vậy. Trong số gái Việt, chỉ có một mình Tây Thi được Ngô vương chiếu cố. Trịnh Đán, lúc ở Hội Kê được đem so sánh với Tây Thi như một bên tám lượng, một bên nửa cân thì ở Cô Tô đài, Tây Thi đã vượt hẳn lên, làm nghiêng lệch cán cân. Theo sự thúc đẩy của Tây Thi, Ngô vương miễn cưỡng gần gũi với Trịnh Đán. Song chỉ là gần lúc ca, xem múa, chứ một cái ôm choàng cũng chẳng có cho. Xem gì thì xem, cứ không đến một giờ là Ngô vương trở lại với Tây Thi, bình phẩm: - Trịnh Đán rất đẹp, nàng nói điều gì cũng đúng cả. - Thế sao đại vương trở về sớm vậy? - Trịnh Đán đẹp tuyệt, song chỉ là nét đẹp của nhục thể. Nét đẹp không linh hồn! Tây Thi thoắt chấn động tận đáy lòng. Câu ấy, người yêu Phạm Lãi của nàng đã nói rồi. Về phương diện thưởng thức nhan sắc, Ngô vương cũng thâm thúy như Phạm Lãi. Ngô vương bỗng cười: - Trẫm cho rằng... Trịnh Đán có thể thích hợp với Ngũ Tử Tư! Gương mặt Trịnh Đán có phần trang trọng như tướng phụ! Tây Thi không sao ngăn được kêu lên: - Đại vương! - Thật mà, để trẫm đưa Trịnh Đán cho Ngũ Tử Tư. Chuyện ấy xảy ra vào ngày thứ hăm lăm sau khi Tây Thi sang Ngô quốc. Sau đó, quả Ngô vương đưa Trịnh Đán và hai cô gái Việt khác cho Ngũ Tử Tư. Nhưng Ngũ Tử Tư lễ độ, trả hết các cô về lại Cô Tô đài trong khi người còn chưa thấy mặt Trịnh Đán! Với lý do “Không dám chung hưởng với quân vương” Ngũ Tử Tư đã từ chối việc ân hưởng gái đẹp. Đối với việc ấy, Ngô vương không một chút ái ngại, dường như đã đoán biết trước. Nhưng đối với Tây Thi thì việc ấy làm cho nàng khổ sở mấy ngày. Riêng đối với các cô không được tiếp nhận lại càng khổ sở nhiều hơn. Dầu vậy, Tây Thi vẫn không bày tỏ trước mặt Ngô vương. Việc gì rồi cũng qua, tất cả các cô gái Việt lần hồi quên mình, vui theo sự huy hoàng của Tây Thi ngày một gia tăng. Chiều nay, lúc ánh sáng tàn chiều còn lo lói trên Cô Tô đài, Tây Thi đứng tựa lan can nhìn buổi tịch dương loang loáng trên Thái Hồ, Ngô vương mặc binh phục bước lên đài, không cho người báo trước với Tây Thi. Riêng nàng đang chìm trong vòng suy tư, không sao phát hiện có người đang nhìn nàng. Nhanh nhẹn và êm đềm, Ngô vương bước tới đặt nhẹ hai tay lên vai Tây Thi, gọi tên nàng. Tây Thi phập phồng quay lại. Dưới ánh tàn chiều trông nàng xanh xao thấy rõ. Nhận thấy nét xanh xao ấy, Ngô vương vồn vã hỏi: - Tây Thi, nàng đang nghĩ gì? - Thiếp... - Tây Thi thở phào, yếu đuối - Đại vương làm thiếp giật mình. - Tiếng hia bước đi của trẫm, nàng không nghe được sao? Ngô vương đỡ lấy tay nàng, nhận ra tay nàng run run, càng lấy làm lạ: - Nàng thấy trong người thế nào? Nhận biết mình vừa hoang mang, run rẩy, Tây Thi cố gượng cười đáp: - Thiếp bị đại vương làm cho hết hồn đang khi xuất thần ngắm cảnh Thái Hồ. (Nàng chỉ tay) Đại vương trông, ánh tà dương trên mặt Thái Hồ... Cho là Tây Thi nói thật, Ngô vương không một chút nghi ngờ, cười hỉ hả: - Nàng thích Thái Hồ thì ta sẽ đưa nàng sang đó ở vài ngày - Nhà vua choàng ngang lưng nàng, giọng áy náy - Vừa rồi, ta làm nàng giật mình, thiệt bậy! Tây Thi không muốn nghe nhắc lại chuyện vừa rồi, bởi vừa rồi, nàng nhớ Phạm Lãi, người yêu nơi cố quốc. Thế nên, nàng tránh chuyện giật mình ra, chuyển sang việc ở Thái Hồ. - Đại vương đã nói với thiếp lần thứ ba rồi. Đại vương nói Trường Châu... - Phải. Nhưng trẫm luôn có việc bận, thôi mai mình đi. Đến Trường Châu, nhất định nàng sẽ thích. Tây Thi đưa mắt nhìn nhà cửa san sát phía dưới đài, nhẹ lắc đầu. Ngô vương lấy làm lạ, nâng cằm nàng hỏi: - Sao? Nàng giận à? - Thưa không! - Nàng tế nhị cười ròn. - Thế thì tại sao? - Đại vương bận rộn - Tây Thi tỏ ra ái ngại - Đến Trường Châu xem Thái Hồ có làm trở ngại công việc của đại vương? - Ô, có sao! Trẫm sẽ giao phó công việc cho Ngũ Tử Tư. Trẫm sẽ triệu kiến tướng phụ bây giờ để mai sớm chúng ta đi Thái Hồ. Lại Ngũ Tử Tư... Tây Thi không sao tránh khỏi phập phồng. Kể từ sang Ngô, ngày nào nàng cũng nghe nhắc đến tên vị tướng quốc ấy nhưng chưa bao giờ nàng được công khai tương kiến. Có hai lần, nàng núp sau bình phong nhìn vị trọng thần của Ngô quốc. Nhưng khoảng cách khá xa, phần vì nàng nhìn lén, vốn có nỗi phập phồng lo nên không sao nhìn được rõ mặt. Bây giờ có thể gặp trực tiếp rồi. Nghĩ đến nhiệm vụ, nàng có phần khiếp đảm, đưa mắt sang Ngô vương đang chú mục nhìn nàng. Ngô vương hỏi: - Nàng đang nghĩ gì? - Thiếp nghĩ... - một thoáng do dự, Tây Thi nói thẳng - Thiếp muốn được gặp tướng phụ. Nghe nói, tướng phụ rất ghét thiếp. - Không có đâu. Ngũ Tử Tư sao lại ghét nàng chứ? Cả hai chẳng một liên quan nào mà! - Thiếp không biết rõ nhưng cảm thấy dường như tướng phụ không ưa chị em thiếp. Ví dụ, tướng phụ không nhận Trịnh Đán. - Ô, cái đó là do tướng phụ có thù với nước Việt. Mà không, cũng không thể nói cừu thù. Tướng phụ chỉ băn khoăn thôi, lần hồi sẽ thông qua. - Nước Việt của thiếp... - Tây Thi kéo dài âm điệu - Bây giờ đã thuộc về người Ngô cả. - Nhưng khanh từ nước Việt sang. - Thì tướng phụ cũng từ Sở đến. - Đúng vậy, thế nên lần hồi sẽ có sự thay đổi thái độ. Lúc tướng phụ và nàng “Ngô hóa”, tướng phụ sẽ không còn e dè đối với nàng. Tây Thi giật mình thầm, song bên ngoài vẫn tỏ ra như không: - Bây giờ, thiếp vẫn không như người Ngô sao? Ngô vương thẳng thắn đáp: - Phải, nàng vẫn là người Việt. Tây Thi thầm lo sợ. Một người đã bị nàng mê hoặc mà vẫn còn đủ ý thức nhận ra vấn đề quốc gia, dân tộc. Chỉ một điểm này đủ thấy nàng thất bại chăng? Nàng phải cố gắng, nói giọng trang nghiêm: - Thiếp cho thiếp đã mười phần đầy đủ là người Ngô. Đại vương, Ngài chỉ cho thiếp chỗ nào không phải đi. - Chuyện ấy rất tế nhị, vài câu không nói hết được. Nhưng không sao, trẫm yêu nàng, không phân biệt nàng là người Ngô hay Việt. - Nhưng đại vương là vua nước Ngô. - Dĩ nhiên! Ngô vương bỗng nhếch mép cười: - Nàng cho trẫm hẹp hòi chắc. Tây Thi tự cho nàng thất bại song không có cách nào tìm ra nguyên nhân. Ý thức về quốc gia đã in khắc tận tâm linh nàng mà sự giáo dục vẫn không sao bôi xóa. Vì vậy, thỉnh thoảng Ngô vương vẫn nhận rõ nàng là gái Việt. May là Ngô vương không xem trọng điểm ấy. Theo quan niệm của nhà vua thì nước Việt đã thần phục Ngô rồi, Việt là Ngô. Bằng không vậy thì tình yêu giữa trai gái sẽ bị nền tảng chính trị hay biên giới quốc gia ngăn trở. Tây Thi trầm ngâm nghĩ ngợi. - Kìa, nàng lại nghĩ gì rồi? - Thiếp đang nghĩ cách làm thế nào cho thiếp hoàn toàn là người Ngô. Tây Thi cố ý nói thêm: - Có phải ghét nước Việt như tướng quốc mới đúng là người Ngô chăng? Ngô vương xoa lưng nàng, an ủi: - Nàng trẻ con quá! Trẫm là vua nước Ngô mà nào trẫm có ghét nước Việt. - Thế thì thiếp phải làm sao đây? (Tây Thi choàng hai tay bá vai Ngô vương) Đại vương, xin nói cho thiếp biết, bằng không, thiếp sợ. Sợ một ngày nào đó... đại vương không còn yêu thiếp nữa. - Không đâu, trẫm đã nói rồi, tình yêu giữa chúng ta là vĩnh viễn. Tây Thi trầm ngâm, chậm rãi rời Ngô vương tựa mình vào lan can. Ngô vương bước theo nàng. Tây Thi nhìn thẳng Ngô vương nói: - Đại vương! Thiếp nghe đại vương nói Ngũ Tử Tư nhận định Việt vương có thể làm phản. Nếu chuyện ấy xảy ra, thiếp là gái Việt... - Trẻ con, nàng nghĩ ngợi quá nhiều, coi chừng bị ốm! So với lúc mới đến, nàng đã ốm hơn một chút! Tây Thi chợt cười, kéo tai Ngô vương nói giọng thì thầm: - Thiếp giận cha mẹ sao không sinh thiếp ở Cô Tô. Giá thiếp là người Ngô thì hay biết bao nhiêu? Thiếp sẽ không phải băn khoăn, nghĩ ngợi. - Bây giờ cũng vậy, nàng băn khoăn quá thừa. Ngô vương vừa nói vừa dìu Tây Thi: - Chúng ta vào thôi, có lẽ Ngũ Tử Tư sắp đến. Ngô vương đoán không sai. Lúc cả hai vào nhà trong thì có tiếng thị vệ bẩm báo: - Tướng phụ đến! Cố che giấu bối rối, Tây Thi nhoẻn cười: - Để thiếp tránh mặt. - Không cần. Nàng cũng nên ra mắt tướng phụ. Ngũ Tử Tư hùng dũng bước vào. Không đội mũ, tóc người bạc trắng như bông, so với tuổi tác thật không tương xứng. Song mái tóc bạc ấy là bằng chứng của nhiều ngày gian lao, lo nghĩ. Nghe đâu, chỉ một đêm rời Sở sang Ngô, tóc Ngũ Tử Tư từ đen trở trắng. Tây Thi cúi mình thi lễ tao nhã, trang trọng. Bấy giờ, nàng tự xem nàng là Trịnh Đán vậy thôi. Ngũ Tử Tư đáp lễ cách thường, song vẫn không nhìn Tây Thi. Thậm chí đến lúc nói, ông cũng không nhìn mặt Tây Thi nữa. Ngược lại, Tây Thi quan sát rất rõ đối thủ số một của nàng: Mày rậm, đôi mắt uy nghiêm, lưỡng quyền cao, mũi thẳng, miệng rộng, môi dầy, từ tướng mạo cho thấy Ngũ Tử Tư là nhân vật cương nghị, bất khuất. Kể như lần này mới nhìn rõ mặt Ngũ Tử Tư. Tây Thi thầm nghĩ: - Quả là một đối thủ không tầm thường, một đối thủ đáng kính, đáng sợ! Hôm ấy, Ngũ Tử Tư có vẻ sung sướng, có lẽ do ông nhìn thấy Ngô vương mặc binh phục. Khá lâu rồi, Ngũ Tử Tư thường phản đối Ngô vương mặc hoàng bào rộng thùng thình. Ông cho rằng, chỉ có mặc binh phục, Ngô vương mới không quên chuyện binh bị. Ngô vương phán giọng trang nghiêm: - Trẫm muốn đến Trường Châu ở vài ngày. Khanh hạ lệnh cấp vài hoàng thuyền đi dọc theo Trường Châu. Khá lâu rồi, trẫm không có xem thủy quân. Ngũ Tử Tư cung kính tâu vâng. Tây Thi đứng kề bên cười thầm. Kể như thêm một lần vua nước Ngô nói dối trước mặt đại thần. Điều đó chứng minh cảm tình giữa Ngô vương và nàng. Nàng nghĩ: - Ở Cô Tô đài, ta hãy còn hy vọng!