Phần 12
CÔN-XTAN-TI-NỐP

Việc hẹn gặp vụ trưởng Ê-rê-min ở Bộ Ngoại giao vào buổi trưa, ở tiệm ăn đường Ác-bat Mới, đã thu xếp xong, Côn-xtan-ti-nốp đã có thời làm phản biện cho I-van I-a-cốp-lê-vích Ê-rê-min khi ông này bảo vệ luận án phó tiến sĩ về đề tài “Phong trào giải phóng dân tộc ở lục địa Phi châu và hành động của các nước khối NATO”. Là luật gia về luật quốc tế, Côn-xtan-ti-nốp đã đặt ra cho Ê-rê-min 47 câu hỏi với sự tỉ mỉ thuộc về bản chất của ông: Ông quen đòi hỏi sự chính xác ở cả mình, ở cả những người xung quanh về mọi vấn đề, đối với ông không có chuyện gì là vặt vãnh. Vì thế mà hai người thành ra quen nhau. Ê-rê-min hoãn việc bảo vệ luận án lại một tháng, nhưng đã thành công mỹ mãn, không còn lại một lỗ hổng nào.
.. Côn-xtan-ti-nốp đến tiệm ăn sớm hơn 10 phút so với giờ hẹn, cho gọi hai đĩa xúp ô-crô-sca, hỏi xem món thịt côt-lét nấu kiểu Ki-ép hôm nay có ngon không, đề nghị cho ít đá rồi bảo pha đúp cho mỗi người hai cốc cà phê.
- Còn rượu? – Anh phục vụ bàn hỏi – Các vị uống cô-nhắc? Hay vốt-ca? Có vốt-ca “Pô-xôn-xkai-a” đấy.
- Chúng tôi sẽ uống loại nước khoáng rất nhẹ “Boóc-giô-mi” – Côn-xtan-ti-nốp trả lời.
Anh phục vụ tự ái nhún vai sửa lại cái khăn bàn cho ngay ngắn, nhưng giật mạnh đến nỗi Côn-xtan-ti-nốp phải vội giữ tay vào cái cốc, không thì chắc đã vỡ tan.
Ê-rê-min đến chậm mất 5 phút.
- Xin lỗi, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích, tôi đã không tính toán thời gian, do định dung hoà cái dễ chịu với cái bổ ích, thế là đã đi bộ đến.
- Theo nghi lễ ngoại giao thì chậm 5 phút có thể cho qua, - Côn-xtan-ti-nốp mỉm cười – và tôi nghĩ ta có thể gói gọn câu chuyện và bữa ăn trong vòng 40 phút. Tôi đã đặt món xúp ô-crô-sca.
- Anh thật tài ba đấy – Ê-rê-min nói - một thiên tài tốt bụng! Nào, anh kể xem có gì đang động não?
- Chẳng có quái gì cả. Chẳng qua tôi muốn đến ngồi với anh một tý, vì nói chuyện qua điện thoại thì chẳng thấy mặt mũi gì của nhau ráo, mà tôi thì lại cứ muốn nhìn vào mặt anh cơ, bởi lẽ anh cũng như Xla-vin đều là loại tinh khôn vô chừng, khi các anh im lặng là lúc tôi sẽ hiểu rõ các anh hơn.
- Đấy là một lời khen chăng?
- Khỏi phải bàn. Sự tinh khôn là yếu tố cần thiết của trí tuệ để chống lại thói xảo quyệt và gian giảo. Anh biết không, tôi đã chuyên chú bỏ công ra đọc kỹ chương “Về nghệ thuật láu cá trong quân sự” ở một quyển sách hay từ thế kỷ trước cơ đấy!
Ê-rê-min mỉm cười:
- Có một cuốn sách hay tương tự, xuất bản ở Pa-ri vào năm 1839, nhan đề là “Vẻ mỹ lệ của sự láu cá ngoại giao”!
- Có thể coi đấy cũng là một lời khen chứ?
- Đích là thế. Nào, thôi bây giờ anh vào việc đi, anh cần tôi có việc gì thế?
- Anh I-van I-a-cốp-lê-vích này, số là theo những tài liệu gần đây nhất của chúng tôi, thì ở Na-gô-ni-a sắp sửa có đổ máu.
- Cũng theo các tài liệu ấy của anh, việc chúng gây sức ép sẽ không đơn thuần là trò diễu võ dương oai, hoặc mới chỉ để thử sức thôi chứ?
- Theo các tài liệu của tôi thí chúng đang chuẩn bị hẳn hoi một cuộc bạo loạn. Thế còn theo ý anh?
- Chúng tôi có cảm giác là chúng chưa dám xâm lược công khai. Đồng ý rằng bọn cầm quyền Mỹ đã chọn châu Phi làm đấu trường mới, có tính đối đầu, nhưng chúng chưa sẵn sàng để đánh nhau thực sự, hồi ức về Việt Nam hãy còn quá nóng hổi. Có lẽ, sự việc chỉ giới hạn ở một chiến dịch làm rùm beng để tuyên truyền, chúng cào xới ở bề nổi, muốn mặc cả trong cuộc đàm phán về giải trừ quân bị, vì thế cố tình lôi kéo chúng ta đến bờ vực của cuộc khủng hoảng, nhưng chỉ đến đúng bên mép bờ vực đó thôi.
- Tôi cho rằng anh nghĩ lầm.
- Đó là ý kiến riêng của anh?
- Phải, nhưng dựa trên các sự kiện.
Ê-rê-min bỏ một viên đá vào món ô-crô-sca, mắt lim dim:
- Không thấy có vị cơ-vat trong xúp nhỉ. Giá thêm tí ti muối nữa.
- Tất cả những ai ăn mặn đều mắc bệnh huyết áp cao.
- Đúng, tôi mắc bệnh ấy đấy – Ê-rê-min đáp - huyết áp cứ nhảy vọt lên thường xuyên… Xúp ô-crô-sca ngon thật, khá lắm, đầu bếp rất cừ… Nói chung cũng lạ, là tại sao anh lại cố giữ cái giả thuyết có xâm lược. Hãy cân nhắc đã nào. Luy-xbua mà Ô-ga-nô vẫn khoe mẽ về quan hệ hữu hảo, thực ra, không phải một khối thống nhất như người ta tưởng. Tuy các xu hướng thân Mỹ ở đó mạnh, nhưng trong chính phủ không thật sự nhất trí. Do vậy, không phải tất cả các thành viên nội các đồng tình với ý tưởng ủng hộ Ô-ga-nô vô điều kiện. Tên này đáng phỉ báng quá. Sau nữa, do ý thức dân tộc đang thức tỉnh, người ta không muốn bị biến thành những con tốt đen trong tay các chính khách – đám này đã gây nhiều tác hại, làm lắm trò xuẩn ngốc, bày đặt lắm chuyện buôn bán rùm beng, tai tiếng. Trong khi đó, thế giới đã bước vào một thời kỳ có thái độ đặc biệt khác hẳn đối với khái niệm phẩm giá.
- Bộ trưởng quốc phòng Luy-xbua vẫn tuyên bố có cảm tình với Ô-ga-nô…
- Vâng, nhưng đồng thời cũng lại từ chối không chuyển giao cho Ô-ga-nô lô hàng toàn súng tự động mua ở I-xra-en.
- Ô-ga-nô cần gì lô hàng ấy. Hắn nhận thẳng từ Mỹ và Bắc Kinh chứ.
- Thế còn sự ràng buộc? Hắn yêu cầu Luy-xbua vũ khí là để ràng buộc các vị láng giềng vào với hắn hơn thôi. Vậy mà hắn bị từ chối. Đó là một dấu hiệu. Theo tôi, hình như tổng thống Luy-xbua hiểu được tính phức tạp của tình hình, nên ông ta đã đề nghị với cả Gri-xô và Ô-ga-nô một biện pháp làm vai trò hoà giải trung gian.
- Và rồi sao nữa?
- Hiện giờ, Ô-ga-nô từ chối, nhưng tôi cho là đến phút cuối cùng, hắn sẽ phải đồng ý đối thoại.
- Với cương lĩnh nào? Hắn lấy đâu ra một cương lĩnh có tính xây dựng? Hắn đang khát máu kia…
- Rồi sẽ co vòi chứ, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ, phải co vòi thôi.
- Do lệnh các ông chủ chứ?
- Bắc Kinh thì đương nhiên là khăng khăng chống lại thương lượng với Gri-xô rồi, vì sự đụng độ công khai có lợi cho Bắc Kinh. Còn Oa-sinh-tơn, tôi cho rằng, đang lúng túng. Bọn tư bản độc quyền thì ép đẩy, chúng bị mất thị trường mà, điều ấy đã rõ, nhưng ngày hôm nay, lao vào một cuộc ẩu đả như thế cũng rất phức tạp. Hơn nữa, lập trường chúng ta lại hoàn toàn rõ ràng: chúng ta sẽ giúp Na-gô-ni-a với tư cách là một nước đã lý hiệp ước liên kết với chúng ta.
- Sáng nay, tôi đã xem phát biểu của đại sứ đặc nhiệm Mỹ.
- Anh có thể đòi hỏi gì ở hắn, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích? Hắn là người của Nen-xơn Grin, hắn buộc phải nói điều gì mà lão kia nghĩ. Nhưng ở trên hắn, còn cả hệ thống quản lý và chính quyền, mà ở đấy, thì đâu phải tất cả đều nhất trí như người ta tưởng.
- Trong trường hợp ấy, tôi có thể áp dụng những trường hợp tương tự theo kiểu pháp luật Anh vậy… Trước khi chiến tranh Việt Nam bắt đầu, các phát biểu của ngành ngoại giao Mỹ cũng như vậy. Kịch bản gây sức ép được soạn thảo chính xác, có thể nói là một kịch bản rất lịch lãm. Và nên lưu ý điều này nữa, I-van I-a-cốp-lê-vích ạ, trong vấn đề châu Phi này, bọn diều hâu đang thúc ép châu Âu, chúng rất hy vọng lôi kéo cả các đồng minh khối NATO vào đó.
- Bọn chúng làm căng quá lộ liễu, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ. Châu Âu đã khôn lên hơn nhiều, các chính khách ở đây hiểu rõ là không nên gây ẩu đả, ngay trong căn nhà mình, mà ngọn lửa chiến tranh đã bùng lên, thì không thể lấy nước sông Dương Tử mà tưới vào đó được. Sông Mi-xi-xi-pi thì lại hơi xa!
- Các bạn cùng cơ quan anh coi ai trong số các nhà kinh doanh cỡ bự là những người làm ăn nghiêm chỉnh ở Luy-xbua? Tôi ngụ ý nói các thương gia phương Tây.
- Bọn Đức làm ăn khôn khéo, cừ lắm. Han-đen rất chắc tay, đó là về đường sắt, Kiếc-hốp và Bôn-xơ về dệt, ô-tô, xi-măng. Trong số bọn Mỹ, có lẽ, am tường hơn cả là Chic-kơ, Len-đơm và Xao-xơ - bọn này đại diện cho Rốc-pheo-lơ, thực tế là bao trùm tất cả.
- Còn Lô-ren-xơ?
- Cái tên này sao tôi lại không nhớ đến?
- Công ty “Điện thoại quốc tế” – Côn-xtan-ti-nốp nhắc.
- À, có nghe đến rồi. Nhưng ít nghe ai nói về hắn, đằng sau hắn hình như còn một thế lực nào đó. Một cái vạt áo khá dài lôi theo.
- Thế còn Glép? Anh có nhớ cái tên nào như thế không?
- Hắn bị nghi là có dính dáng đến CIA… Buôn bán chỉ là vỏ ngoài che đậy.
- Cũng có thể ngược lại thì sao? – Côn-xtan-ti-nốp cười.
- Đúng. Cũng có thể như thế lắm chứ.
- I-van I-a-cốp-lê-vích này, anh thử nghĩ xem, việc rò rỉ tin tức, nói riêng trong khâu Na-gô-ni-a, có thể sẽ gây nhiều phiền hà cho bên các anh phải không?
- Tôi chưa muốn nghĩ đến điều này!
- Tiếc rằng tôi lại đang phải nghĩ đến đấy.
- Có dấu hiệu à?
- Có.
- Những dấu hiệu chắc chắn?
- Đang nghiên cứu.
- Tệ thật!
- Thì hẳn rồi, lành ít, dữ nhiều.
- Có thể nói là rất tệ hại. Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ.
- Ta để kẻ thù có khả năng tính được những nước đối phó, đúng không?
- Chính thế.
- Và anh vẫn cho rằng bọn chúng sẽ không đánh?
- Tôi cho rằng không. Tôi không nghĩ rằng bọn “diều hâu” sẽ thắng thế.
- Còn tôi thì nghĩ rằng bọn CIA muốn có đánh nhau lắm. Và chúng đã ra tay. Chúng sẽ làm tất cả để kéo chính quyền Mỹ vào, nếu như chúng ta không ngăn chặn được chúng. Này anh hãy cho tôi biết các Viện nghiên cứu khoa học có nhận được nhiều tư liệu của các anh cung cấp lắm không?
- Nhiều. Rất nhiều đấy. Mà làm sao khác được. Nếu chỉ dành cho khoa học một khẩu phần thông tin chết đói, thì đừng hòng đòi hỏi điều gì hay ho ở nó cả… Có thể đây là một trò khiêu khích chăng? Tin tức của anh có thể có sai lầm không?
- Không loại trừ. Vì thế mà chúng tôi vẫn đang nghiên cứu.
°

*

… Côn-xtan-ti-nốp đưa Ê-rê-min đến Bộ Ngoại giao rồi quay về xem những bức điện mới nhất, sau đó lên đường ra bãi quần vợt – Tơ-ru-khin đã thu xếp để ông có thể đánh với Vin-te một ván.
- Tôi chỉ đang học chơi ten-nít thôi đấy – Côn-xtan-ti-nốp nói - chị nới tay thôi nhé! Nhất là đừng giễu cợt tôi khi chơi. Chị có thuộc loại chơi cay cú, hiếu thắng không?
- Tôi hoàn toàn không có máu ăn thua, trò chơi này chỉ là một thứ thể dục tuyệt diệu cho cả tuần, để làm việc bốc như gió hút.
- Bốc như gió hút? – Côn-xtan-ti-nốp nhắc lại.
- Thế bác có nhớ không, có câu thơ “Bản xô-nát dài như vĩnh cửu, mà học thuộc lòng bốc như gió hút…”
- À, thơ của Man-đen-stam.
- Bác làm nghề gì vậy?
- Tôi là luật gia.
- Thế thì tôi phục sát đất. Bây giờ chỉ có các nhà vật lý là thuộc thơ ca, chứ các vị khoa học xã hội ngày càng đi sang lĩnh vực đối thoại thông thường. Nào ta bắt đầu chứ?
- Thì tôi cũng nhờ trời một ván cầu may nào!
… Khi khuyên Côn-xtan-ti-nốp đích thân phải quan sát Vin-te – do sự việc ngày càng có tầm quan trọng khác thường – Phê-đô-rốp còn theo đuổi một mục đích nữa, mà chỉ những ai nghĩ một cách có trách nhiệm về sự kế tục mới hiểu được. Phê-đô-rốp dĩ nhiên thừa biết là trong cơ quan vẫn thường tồn tại những quan điểm khác nhau về vai trò của người chỉ huy cao cấp trong các cuộc tác chiến. Một số người nghĩ rằng cấp tướng chẳng cần nghiên cứu chi tiết làm gì, đã có những nhân viên có chuyên môn cao, có những chiến sĩ công an trẻ xuất sắc, chính họ mới phải làm cái việc mà Côn-xtan-ti-nốp giờ đây đang làm trên sân quần vợt. Nhưng Phê-đô-rốp cho rằng trong mỗi trường hợp cụ thể, nên vạch rõ ranh giới giữa các khái niệm: sự chỉ huy và sự tham gia trực tiếp vào công việc. Nhận thức chính xác cái ranh giới ấy chính là chiến lược trong thái độ với tập thể.
“Pi-ốt (1) đã đi đóng tàu – Phê-đô-rốp nói - vậy thì vì lẽ gì các vị tướng lại không tham gia vào các biện pháp tác chiến, điều mà có trời mới biết được, theo thể lệ nào về cấp bậc, họ lại bị loại ra khỏi hoạt động? Và cánh trẻ sẽ nhìn vào công việc của họ. “Làm kèm” à, đó là một từ hay, từ của nhà văn Tuốc-ghê-nhép, nhưng chúng ta có nên bỏ nó đi không”.
Ôn-ga Vin-te chơi ten-nít quả rất nghề! Thường thì ai mạnh về mặt nào, vẫy vùng trong khoảng trời của mình – như người ta thường nói – thì luôn tìm dịp tỏ cho những người xung quanh khả năng kiệt xuất của mình. Điều ấy gây tổn thương cho những người cùng cuộc; hạ thấp họ; rồi từ đó có sự ghen tị; tức tối, tóm lại là lầm lỗi. Hiếm có những người thuộc phong thái khác: sự hiểu biết làm họ trở nên đặc biệt cởi mở, biết giao du với mọi người, họ dễ dàng trao lại kiến thức mình có cho mọi người và cảm thấy sung sướng rõ rệt, nhất là khi những kết quả của sự trao tặng ấy hiện rõ. Giao tiếp với những người như thế thật dễ chịu, nó bồi bổ thêm mình, thật vậy, mọi sự trao tặng kiểu ấy rồi sẽ quay trở lại như cái bu-mê-răng (2). Sau khi đánh thức tài năng ở một người khác, bạn sẽ thu được thêm gấp trăm lần trên những bình diện khác, mà từ đó, nhờ sự so sánh ở các bình diện khác biệt, tài năng sẽ trở nên phong phú hơn, lấp lánh nhiều sắc thái. Biểu hiện của tài năng, nếu nó là xác thực, thì phải luôn mang nhiều sắc thái, chỉ có sự tầm thường mới nhất quyết chỉ có đơn sắc mà thôi.
Ôn-ga Vin-te dành cho Côn-xtan-ti-nốp nhiều cơ hội thuận lợi, chị chơi cẩn thận, không có vẻ lấn át đôi khi đến nực cười trên sân chơi nghiệp dư, điều mà không hiểu sao người ta vẫn thường cho là cần thiết, thậm chí tất yếu.
- Tôi không dồn bác quá đấy chứ? Chị hỏi sau lần giao bóng đầu tiên – có gì bác nháy mắt làm hiệu cho tôi nhé!
- Không. Theo tôi chị còn quá khoan dung là khác.
- Tôi không chơi kiểu khoan dung đâu - Chị trả lời - điều đó rất bực mình cho cả hai bên, ở mọi lĩnh vực, trong tình yêu, trong thể thao, trong khoa học.
- Tôi đã chú ý đến ý nghĩ này trong luận án của chị.
- Luận án là việc của ngày hôm qua – Ôn-ga nói và mặt chị trở nên hoàn toàn khác – Không, quả thực tôi không hề huênh hoang, chẳng qua việc đã làm xong, người ta mới có dịp trông rõ những chỗ hổng, chỗ rỗng.
- Tôi không nhận thấy chỗ rỗng nào, chị viết rất chặt.
- Bác thừa biết, quệt mực cho kín đặc trang giấy không phải là khó, khi đã sống ở nước ấy hai năm. Chỉ bực là cái Viện nghiên cứu của ta không tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ được sống, được lăn lộn mướt mồ hôi ra ở đó, chứ không phải chỉ đi công tác hai tuần. Chỉ có như thế mới có kết quả…
- Nhưng làm thế thì tốn kém cho Nhà nước lắm, tôi muốn nói khoản ngoại tệ…
- Đâu phải thế. Có thể đưa đến làm ở các thư viện, kho hồ sơ của thuế quan, tất nhiên không phải nhờ thế để anh mua nổi ô-tô, máy ghi âm, nhưng chỉ cần có đủ cái giường đơn với cà phê và pho-mát. Làm như vậy,anh càng hiểu cái “mỹ lệ” của thế giới phương Tây không phải ở bên lề, mà từ trong cuộc. Các thứ đài tuyên truyền phương Tây, chúng làm ăn khéo lắm chứ, trước chúng còn khuếch khoác, giờ khôn ngoan ra nhiều, cũng biết tự phê bình, tự dè bỉu. Thôi này, tôi đang nóng tiết lên rồi, tôi sẽ đánh thẳng cánh đây. Vào lưới này!...
Khi hai người đã ngồi vào chiếc xe “Gi-gu-li”, Côn-xtan-ti-nốp hỏi:
- Sao chị dành nhiều công sức vào nghiên cứu về các công ty liên quốc gia ở Luy-xbua nhỉ? Ở đó theo tôi, bọn Mỹ đang mò vào độc diễn kia mà.
- Tôi có trình bày điều đó ở ngay những dòng đầu – Ôn-ga trả lời - Bọn Mỹ lập một bàn đạp, tụ ở đó, rồi phát triển về bề sâu. Chúng ta thì mở rộng, ta hào phóng, luôn sợ làm phật ý họ, ta không đòi phải có điều kiện đảm bảo, ta tin người, còn chú Sam là kẻ cẩn thận, không có đủ giấy tờ, văn tự thì chú ta không chịu nhả ra một xu, chú ta rất biết tính toán. Trước tiên, chú yên vị đã, rồi theo sau sẽ có đủ bọn găng-xtơ nhiều nước.
Ôn-ga im lặng, đột nhiên cắt đứt câu chuyện.
- Chị cứ tiếp tục đi! Chị nói rất hay!
- Tiếp tục gì được nữa? – Ôn-ga nói chìm giọng xuống – Tôi nói hết rồi, chẳng còn gì thêm nữa.
- Có thể tôi sẽ đi Luy-xbua, chị đồng ý kể cho tôi nghe nữa: xem cái gì, làm quen với ai chứ?
- Sẵn sàng thôi. Bác đi theo cơ quan nào vậy?
- Ta đang dỡ một phần hàng cho Na-gô-ni-a ở các cảng của họ. Họ vi phạm thời hạn khiếp quá, nên phải kiện cáo bồi thường.
- Thế thì chẳng ăn nhằm gì đâu. Các cảng ấy đã bị bọn Mỹ mua ráo cả rồi – Ôn-ga lại sôi nổi lên – Tôi thấy hình như bọn họ làm việc ở đó thông qua thế lực “Ma-phi-a”. Có vẻ thế lắm, các quán ba, công ty Mắc Đô-nan chẳng hạn, phục vụ thẳng bọn Mỹ, mà bọn này thì nhung nhúc quanh cảng, nhà ga, sân bay. Dô-tốp có kể là ở Xi-xin, bọn “Ma-phi-a” cũng ngự trị, vì bọn chúng nắm giữ các cảng và sân bay…
- Dô-tốp là ai thế?
- Một người mà trước đây tôi đã yêu… Anh ấy đã là… Vâng, anh ấy là chồng tôi. Đại khái, đó là một người rất thông minh và tốt. Bác nên nói chuyện với anh ấy, anh ấy có đầu óc rất sáng suốt, thật hào hiệp, thật tốt bụng.
- Chị đã ở Luy-xbua với tư cách cộng tác viên khoa học, chị đi công tác à?
- Không, tôi theo chồng… theo Dô-tốp. Bác cho tôi vào đến trung tâm thì xuống nhé, nếu bác không bận lắm.
- Rất vui lòng, chị sẽ trở thành một tiến sĩ trẻ nhất đấy nhỉ?
- Thì có sao? Người ta đâu chỉ sống độc nhất bằng bánh mì!
- Chị phải báng bổ Chúa thế mà làm gì?
- Bác nói phải. Cũng không nên báng bổ quá thật!
- Trước khi đi, chị bảo nên gặp ai nữa, ngoài chị ra nhỉ? – Côn-xtan-ti-nốp hỏi – Có ai tương tự như Dô-tốp ở Mát-xcơ-va?
- Làm gì có những người như Dô-tốp nữa! Ôn-ga trả lời. Bây giờ không có, và sau này cũng không có.
- Dô-tốp đã bảo vệ luận án chưa?
- Chưa. Anh ấy là người ưa thực hành. Anh chỉ làm việc suốt cả đời. Mà đâu có phải không có bằng sắc thì là sâu bọ, mà có bằng sắc mới là người? Anh ấy vượt quá bất kỳ một tiến sĩ khoa học nào đến một trăm cái đầu ấy! Không ai cảm thụ và hiểu biết được châu Phi hơn anh ấy, tôi nói thật đấy. Nhưng anh ấy bốp chát, thẳng tính, nên không phải ai cũng ưa.
- Còn phải xem, bốp chát như thế nào…
- Giải thích thì dài dòng, vì bác chưa ở Luy-xbua mà…
- Chị Ôn-ga này, thế trong số những người dân sở tại thì nên chuyện trò với ai?
- Bộ Ngoại giao của họ thì toàn những người tẻ ngắt… May chăng là có Bộ Giáo dục… Nhiều cán bộ trẻ, suy nghĩ rộng.
- Thế trong số những nhà hoạt động kinh doanh? Ở đấy có cả các thương gia Đức và Mỹ, vào nghề đã lâu và biết nhiều chứ. Tôi muốn nói cỡ các nhà doanh nghiệp lớn, những người ký những hợp đồng nghiêm túc, và vì thế họ biết liên hệ với các luật gia nghiêm túc.
- Người Đức à – Vin-te hỏi lại – Tôi không biết tiếng Đức.
- Ở đây có Kiếc-hốp, Bôn-xơ, Han-đen.
- Đúng, tôi có nghe nói, nhưng không quan tâm lắm.
- Thế còn những người Mỹ? Xao-xơ, Lô-ren-xơ, Chic-kơ, Glép, Len-đơm!
Vin-te nhìn sang Côn-xtan-ti-nốp, với vẻ chú ý khá phân vân:
- Thế mà bác còn phải chờ tôi ư? Quả là bác đã chuẩn bị chuyến đi đâu vào đấy cả rồi. Bác thuộc tên hết đám người Mỹ quan trọng ở đấy, tôi biết họ. Chic-kơ và Glép có lẽ là những người có đầu óc nhất, có điều bên ta vẫn coi họ là người của CIA, nhưng tôi thì cho rằng đó là bệnh “nhìn đâu cũng thấy gián điệp” của chúng ta tái phát. Thôi mặc xác họ, cái đám Glép, Gliếc ấy!... Bác ghi số điện thoại nhé… Tôi sẽ nói với bạn tôi, có thể anh ấy sẽ đồng ý kể cho bác nghe đôi ba chuyện gì hay chăng?
°

*

Chiều tối, sau khi về tới nhà, Côn-xtan-ti-nốp cầm ngay lấy cái cặp giấy đựng các thông báo mới. Bức điện của Xla-vin được đánh dấu khẩn: “Có tư liệu gì về Bê-liu, theo giả định là gốc Nga, làm thợ khuân vác ở mạng lưới điện khách sạn “Hin-tơn”, khoảng 60 tuổi? Có tư liệu gì về Giôn Gri-gô-ri Glép, sinh ở Xin-xin-na-ti (3) đã tham chiến ở Việt Nam, trước đó đã làm việc ở Hồng Kông, dường như bị triệu hồi khỏi đó sau khi xảy ra tai tiếng về vụ chuyên chở ma tuý”.
Côn-xtan-ti-nốp hỏi đồng chí thư ký:
- Điện trả lời đã đánh đi Luy-xbua chưa?
- Phần thứ nhất bức điện thì không có tư liệu gì, thưa đồng chí Côn-xtan-tin I-va-nô-vích.
- Chẳng nhẽ không tìm được tý gì à?
- Hoàn toàn không.
- Bê-liu, Bê-liu… Phải xem vần Bê-lâu, Bê-lô-phơ nếu giả định là một người Đức gốc Nga; Bê-li-a nếu giả sử là nguồn gốc U-krai-na; cuối cùng đúng tên Nga là Bê-lốp. Đồng chí đã tìm khắp lượt rồi chứ?
- Nếu như vậy thì chưa.
- Hãy xem lại ngay. Còn về phần thứ hai?
- Trong danh mục có bốn Glép dính dáng đến CIA. Ri-sớt Pôn Glép, sinh năm 1937, nhưng chưa làm việc ở Hồng Kông.
- Xla-vin chỉ lưu ý đến những tên Glép đã có ở Hồng Kông.
- Vậy chỉ còn hai gã: Giôn Glép và Pi-tơ Glép. Nhưng Pi-tơ lại chưa tham chiến ở Việt Nam. Vậy còn lại có Giôn Glép. Còn về vụ tai tiếng mà hắn có dính đến thì chỉ dựa vào các tờ báo “Chai-na-Ana-li-xix” và “Fa-i-xtơ I-cô-nô-mic Rê-viu” (4). Theo các báo đó, có một gã Glép nào đó đã bị cảnh sát giữ ở sân bay vào cuối năm 1966, khi cảnh sát Anh đã bắt những người cảu lão Lưu với cái va-ly đựng hê-rô-in, được đánh giá 1 triệu đô-la.
- Cái va-ly ấy, tối thiểu cũng phải ba triệu đô-la… Còn tiếp?
- Đó là tin báo đầu tiên. Sau đó trong báo không thấy lần nào nhắc đến tên Glép lại nữa.
(1) Pi-ốt đệ nhất (1672 – 1725): Hoàng đế Nga, có đầu óc cách tân táo bạo.
(2) Vũ khí của thổ dân Ô-xtơ-rây-li-a, ném đi rồi lại bay vòng lại chỗ người ném nó. (ND)
(3) Cincinnati: Thành phố ở bang Ô-hai-ô, miền Bắc nước Mỹ.
(4) “Phân tích Trung Quốc” và “Tạp chí kinh tế Viễn đông”: Hai tờ báo tiếng Anh xuất bản ở Hồng Kông. (ND)