Những bước chân cuối cùng. Hắn biết thế nên cố gắng bước thật chậm. Kể từ lúc chúi đầu lao xuống gốc cây bạch đàn, rồi lẫm chẫm biết đi, đến bây giờ hắn đã đi được bao nhiêu bước? Hành trình của một đời người là những bước chân. Thường thì khi kết thúc hành trình của mình người ta bước xuống và nhắm mắt trong sự tiếc thương, dù ít dù nhiều, của đồng loại. Còn hắn kết thúc hành trình ngắn ngủi, với vô vàn những bước chân trốn chạy, bằng cách bước lên. Cây cột sừng sững trước hắn như bậc tam cấp bước vào sự huỷ hoại mãi mãi. Phải, thân xác hắn phải bị huỷ hoại, phải được rắc vôi bột và muối, để cái ác không còn bật mồ mà đứng dậy được nữa. Vách núi bỗng mềm nhũn, tan loãng, dập đềnh hư ảo như những tảng mây trôi dưới sắc màu hoàng hôn. Hắn nhìn thấy Dịu. Dịu mặc áo dài trắng, neo mình bên vách đá và hát. Hắn lắc đầu để dứt khỏi những ảo ảnh mơ hồ. Nhưng đúng là Dịu. Vách núi nào cũng có Dịu, như sự tương phản màu nhiệm. Đuôi áo dài tung bay, bồng bềnh, vuốt lên mặt đá. Tóc Dịu bạt đi trước gió. Dịu không nhìn hắn mà nhìn về một chân trời nào đó, xa xăm lắm. Và Dịu hát. Vách núi hát. Quanh hắn là cả một dàn đồng ca. Những câu hát bủa lưới vào vùng ký ức hắn. Hắn phải dừng bước để nhận biết mình trong thực tại. Những câu hát tiếp tục rơi xuống người hắn như mắt lưới. Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ Con sông là quán trọ và trăng - tên lãng du Em đi qua chuyến đò ối a con trăng còn trẻ Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già. Con trăng, dòng sông, chuyến đò? Đúng rồi, đấy là lần đầu tiên hắn được bay lên, trôi đi trong cảm giác thần tiên. Trạm Đá vào buổi tối thường vắng người. Hắn tranh thủ về nhà ăn cơm với mẹ, rồi ra giếng nước sau vườn dội ào ào. Cái cơ thể hừng hực sức trai của hắn thèm thứ nước giếng trong, mát lạnh, thèm sự khoả nước ào ạt sau mỗi ngày làm việc. Và khi những ngôi sao nhấp nháy trên đỉnh núi Ngựa thì hắn trở lại Trạm Đá châm đèn ngồi học. Hắn thường học rất khuya, đến khi buồn ngủ là nằm vật ra giường, thẳng đơ như những tảng đá xếp đầy sau trạm. Chú Hùng vẫn nhắc hắn khi ngủ phải bỏ màn, đừng để muỗi đốt dễ lây bệnh sốt rét. Nhưng Trạm nằm ở giữa khe núi, bao nhiêu gió trời hút cả vào đấy, mát mẻ và thoáng đãng, chả có con muỗi nào cả. Thỉnh thoảng Dịu đến thăm hắn. Dịu thường kéo theo một cô bạn nữa đi cùng. Nhưng hôm ấy Dịu lại đi một mình. Dịu mang theo một chiếc áo kẻ ca rô, cổ cứng, dài tay, lượn đôi tôm. Có lẽ đó là chiếc áo đẹp nhất mà hắn được mặc trong quãng đời niên thiếu của mình. "Em nhờ may ở trên huyện đấy. Tuyệt không? Em ưng nhất cái cổ, con trai mặc áo sơ mi phải cổ cứng". Hắn bảo: ừ, đẹp, đi đâu anh mới mặc. Dịu hỏi: Anh không nhớ hôm nay là ngày gì à? Hắn bảo: Nhớ, nhưng đang muốn quên. Dịu nhăn mày: Đừng, ngày sinh nhật thì phải nhớ chứ! Hắn gãi đầu ngượng nghịu. Đang cảm động đến mụ cả người đi thì Dịu rủ: Chúng mình ra sông chơi đi?. Hắn bảo: Thì đi! Và hắn mang theo cả cây ghi ta theo nữa. Trăng lấp ló sau dãy núi Voi, vương hạt vàng xuống vệt cỏ lau. Gió thỉnh thoảng lại thốc vào người hai đứa làm Dịu cứ phải đưa tay khép lại vạt áo. - Đò ông Thảnh kìa, bọn mình xuống đó nhé? - Dịu bảo. - Sao lần này ông ấy đi lâu thế nhỉ, cứ bỏ mặc đò thế kia à? - Anh không biết gì sao? - Biết gì? - Ông Thảnh có hai người con trai, một người theo đằng mình, hy sinh năm sáu tám, còn người kia theo ngụy, cấp cũng to lắm, bây giờ đang cải tạo. Hai cô con dâu đều khó khăn, bà vợ thì đau yếu. Ông Thảnh phải vào trong đó giúp họ. - Thế còn con đò? - Ông Thảnh gửi đò cho chị Tình trông hộ. Thỉnh thoảng chị Tình lại dùng đò của ông ấy đi thả lưới kiếm mấy con cá sông. Con đò cũng nát lắm rồi, không chở nặng được nên người làng cũng ít đi. Vừa đi vừa nói chuyện, tới nhà chị Tình, hai đứa vào hỏi mượn đò. Dịu đưa tay cho hắn dắt xuống bến. Hắn níu dây đò rồi cùng Dịu chui vào trong khoang. Hắn tháo dây thả cho con đò tự trôi theo hướng gió. Trăng đã vượt khỏi dãy núi Voi, soi sáng cảnh vật, rọi sắc vàng lấp lánh vào ánh nhìn của Dịu. Hắn cố tỏ ra tự tin nhưng tim hắn đập như đá vỡ, cử chỉ cứ lúng ta lúng túng. Hắn yêu và được yêu. Hắn biết thế, hưởng thứ hạnh phúc ngọt ngào êm ái ấy đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên hắn được ở gần Dịu như thế này, giữa gió trăng, sông nước và chỉ có hai người. Hắn ôm lấy cây đàn, gẩy lên vài nốt nhạc bập bẹ để khỏi ngượng ngập, để xua đi không khí im ắng, nhưng nhức giữa hai đứa. Dịu bảo: - Anh Đàn ơi, hôm nọ em chép được một bài thơ hay lắm, để hôm nào sẽ đọc cho ông Thảnh nghe, nó rất hợp với ông ấy. Hắn bảo: - Thử đọc cho Đàn nghe xem nào? Dịu đọc luôn: Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu Trăng thì đầy, rơi vàng trên mặt sách Ông lái buồn để gió lén mơn râu Hắn bảo: - Hình như nghe ở đâu đó rồi. Đọc tiếp đi xem nào? Dịu lại đọc: Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi Hắn bảo: - Nhớ rồi, nhớ rồi. Đây là bài Bến My Lăng của Yến Lan. Một bài thơ bị cấm vì thuộc văn học lãng mạn. Ông Thảnh rất thuộc bài thơ này, thuộc từ thời trước cách mạng cơ. Ông bảo ông rất thích hai câu cuối: Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng. Dịu bảo: - Văn học lãng mạn bây giờ được xem xét lại rồi, nghe bảo sắp tới sẽ được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh. Các thầy cô ở trường em đọc lại thơ lãng mạn từ lâu rồi, toàn chép tay thôi, ở đâu ra mà nhiều thế! Hắn nhìn Dịu nói một cách say sưa thấy trong người rào rạt một thứ sóng rất lạ. Hắn dạo đàn rồi bảo: - Đàn hát cho Dịu nghe một bài nhạc vàng nhé. Bài này ở trong băng cát xét của thằng Bằng. Chẳng hiểu sao Đàn lại thuộc bài này. Có lẽ vì nó cũng nói đến dòng sông, con đò như ở quê mình. Dịu bảo: - Anh hát đi, thử xem em có biết không?Hắn so dây, dạo lướt một lượt rồi cất tiếng hát: Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ... Dịu vội "a" lên: - Em biết bài này. Không phải nhạc vàng hải ngoại đâu. Nhạc của một ông nhạc sĩ họ Trịnh từng xuống đường với sinh viên miền Nam trước giải phóng đấy. Trường em cũng nhiều đứa thích hát những bài của ông ấy. Bài anh vừa hát là bài Biết đâu nguồn cội. Hắn vừa nghe Dịu giảng giải, vừa gật gù đệm đàn và hát: Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra. Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể. Trăng ơi trăng rất tệ mày đi nhớ chóng về... Hắn hát đi hát lại mà vẫn thấy thèm được hát nữa. Đôi mắt Dịu lúng liếng nhìn hắn. Cái miệng Dịu bập bẹ theo hắn. Môi Dịu cong lên, mềm mại, khơi gợi quá. Hắn hát đến câu: Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài, thì buông đàn ôm lấy Dịu. Bóng trăng phủ lên người Dịu. Bóng trăng mơn man vành môi thiếu nữ ngọt mềm mê đắm của Dịu rồi khẽ lần tìm xuống vùng cổ trắng ngần. Bóng trăng quờ tay vuốt ve bả vai và eo lưng Dịu. Dịu nhắm mắt, run rẩy dưới bóng trăng rừng rực hơi thở nồng nàn ấm nóng. Những chiếc cúc cuối cùng bật ra, cả một vùng ngực lồ lộ hai bầu vú mềm, thiêu đốt những ham muốn đang trào lên từng đợt từng đợt trong bóng trăng. Bóng trăng rửa sinh khí trai tráng trong Dịu để trở thành đàn ông từ hôm ấy. Bóng trăng yêu Dịu cuồng nhiệt, phủ lên người Dịu những cái hôn lửa đốt, những dập dềnh sóng lũ, những lắng dịu êm ái, những rì rầm yêu đương, cả chút bạo liệt, băm bổ. Sau những giây phút thẹn thùng ban đầu, Dịu dần trở nên chủ động hoà quyện vào với bóng trăng. Da thịt Dịu mát lịm, hút chặt lấy thân nhiệt hừng hực của bóng trăng. Cơ thể bóng trăng bỏng rẫy. Những vùng da thịt cọ xát phát nhiệt đê mê. Bóng trăng mở hết tất cả các giác quan để thoả mãn sự khám phá Dịu. Dịu thả lỏng toàn thân cho những khoái cảm tràn đến từng thớ thịt. Cặp vú Dịu lúc này căng mẩy như hai trái lê con, eo hông dập dềnh, lượn sóng, dồn dập, hối hả dưới bóng trăng. Những tiếng rên khe khẽ thả xuống làn nước, tạo dư ba trên mặt sông, chạy vào vùng nhạy cảm thần tiên. Bóng trăng đưa lưỡi lùa vào miệng Dịu, ngấu nghiến bờ môi Dịu, chồm lên cơ thể êm ấm, giãn nở, tạo những cơn giật rùng mình trước khi hoà vào Dịu, trong Dịu và tan ra cùng Dịu giữa mặt sông lấp lánh ánh vàng. Sau những nghiến ngấu, cuồng nhiệt, bóng trăng lại trở về bên Dịu, vuốt ve, ôm ấp. Bóng trăng có dáng dấp của một bức tượng thần Hy Lạp lim dim mắt tận hưởng những khoái cảm từ Dịu. Bóng trăng ấy mãi mãi là người đàn ông thánh thiện trong Dịu. Nhưng con sông đâu có ngờ rằng ngày kia trăng sẽ già. Xa Dịu bóng trăng đã hiện nguyên hình là một con quỷ dữ. Và hắn mang con quỷ dữ ấy trong mình bước tới chân cột để nhận sự kết liễu. Dịu đừng hiện lên bên những vách đá kia để con quỷ trong hắn lặng lẽ đến với sự trừng phạt. Dịu là miền cổ tích được chôn giấu rất sâu trong ký ức hắn. Dịu hãy đưa miền ký ức ấy đi xa đi, hãy mang tới một nơi nào đó và hoả thiêu để tránh cho hắn một sự đau đớn. Cuộc sống xác thịt của hắn sau này không nhuốm màu trăng như thế. Đó là những cuộc giải toả sinh lý triền miên trong nỗi khốn cùng của kẻ trốn chạy. Người đàn bà ấy có lẽ cũng yêu hắn, cũng tôn thờ bức tượng thần Hy lạp nằm bên mình mỗi đêm mà không biết rằng khát vọng chồng vợ chẳng bao giờ có thể đạt được. Hắn gặp người đàn bà ấy trong chốn ngổn ngang, cắn xé, tranh giành nhau nơi từng hạt cám vàng đốt cháy lên những cuồng vọng. Bọn thằng Xế về bảo với hắn rằng bãi vàng vừa xuất hiện một con bớp không có tuổi. Tại sao lại không có tuổi? Thằng Xế nhếch mép đểu giả: Vì cái của nợ ấy vô mao. Nó là một đứa con gái chưa kịp lớn đã phải làm đàn bà, bây giờ mọi thứ trong nó đã lớn thì cái vệt mực tàu đánh dấu sự hoàn thiện của cơ thể một người phụ nữ chẳng mọc ra được nữa! Hắn thờ ơ khi nghe thông tin này, thậm chí, một thoáng kinh tởm len lén đi qua óc hắn. Nhưng mấy ngày hôm sau lũ đàn em lại cứ xì xào bàn tán về cái con bớp vô mao ấy, như thể ngàn năm tạo hoá mới sinh ra được một người đàn bà đặc biệt như vậy, không nếm thử coi như phí đi cơ hội trời cho, hàng thiên niên kỷ mới có một lần. - Thế cái con ấy nó tên là gì? - Hắn tuột miệng hỏi. - Nhung. Hồng Nhung. Tên cha mẹ đặt cho đấy, không phải tên giang hồ đâu. - Nó ở trại nào? - Trại Hùng quăn. - Hùng quăn bao nó à? - Thời gian đầu thôi. Bây giờ tháo khoán. Hùng quăn dùng cách này để bóc lột cửu vạn cũng được đấy. Bọn Thành dê, Tùng chột thỉnh thoảng cũng ký tắt với Hùng quăn "mượn" em Nhung về cải thiện. Trại Thành dê cũng có ba bốn em nhưng từ ngày Hùng quăn có Hồng Nhung bọn ấy vắng khách hẳn. Tối hôm ấy hắn cũng ký tắt với Hùng quăn một hợp đồng miệng để mượn Hồng Nhung về trại của mình. ở bãi vàng Lũng Sơn này người ta có thể bắt gặp tất cả những gì được coi là quái đản nhất trên thế gian. Hồng Nhung về phục vụ bên trại hắn một tuần, đổi lại Hùng quăn sẽ được quyền khai thác hai hầm có nhiều cám vàng nhất của bọn áng Sơn. Đất có trộn lẫn cám vàng là vật quy đổi, là thứ bảo đảm cho mọi giao dịch cả hợp pháp lẫn phi pháp áp dụng rộng rãi trong cái xứ nửa người nửa ngợm này. Đêm đó hắn được sở hữu người con gái ngàn năm tạo hoá mới sinh ra một lần. Khuôn mắt tròn trĩnh, u buồn, mệt mỏi. Nước da nâu mịn, rắn rỏi, trường sức nhưng không căng tràn, nhuộm sắc. Bộ ngực vẫn còn căng, eo vẫn gọn, đùi thon dài, quả vẫn đáng đồng tiền bát gạo, vẫn có thể mang về cho Hùng quăn hết lọ penicilin cám vàng này đến lọ penicilin cám vàng khác. Nhung cười có làm cho khuôn mặt sáng lên nhưng không lấp hết được những oằn oải ẩn sâu trong hố mắt. Tuổi Nhung mười tám hay hai mươi? Chịu. Hắn không thể đoán được. Nhung vừa có nét của con bé mười sáu, lại vừa có dáng dấp của một mụ ba mươi, vừa có vẻ lần đầu lên giường với người khác giới, lại vừa có những biểu hiện đầy kinh nghiệm chăn gối của một gái giang hồ. Tất nhiên trước Nhung, mọi ý nghĩ của hắn rồi cũng lại quay về với cái đặc điểm không giống ai trú ẩn trên cái cơ thể đang kêu gọi dục tính kia. Nhưng hắn chưa vội. Hắn ngồi đốt thuốc và thả những tia mắt quét lên người Nhung, dò xét, thật khó phân biệt được đó là những tia khoái cảm hay thương xót, hững hờ hay thèm thuồng, chờ đợi hay chán ngán. Nhung không thích ánh mắt ấy. Cô không muốn bị đẩy mãi vào thế bị động. Sau một khoảng thời gian co mình lại để khỏi để khỏi bị những tia mắt của hắn quét đi, quét lại, Nhung bắt đầu làm những công việc mà cô thường phải làm. Nhung tiến đến bên hắn bằng nụ cười không sinh khí, đưa tay lần mò những khuy cúc và chủ động tạo những cọ xát gây hứng thú. Hắn không nói không rằng chỉ khẽ xoay người để cô ta tháo bỏ những vướng mắc khoái cảm. Khi cơ thể hắn hiện ra nguyên vẹn trước Nhung thì hắn giữ tay cô lại. Nhung cho đó là sự nhắc nhở ngược, liền lẳng lặng cởi bỏ những thứ trên người mình ra trước cặp mắt hơi nheo nheo của hắn. Nhung làm mọi việc một cách căng thẳng. Cô thấy ức chế trước thái độ của hắn. Những người đàn ông mà cô phải tiếp hoặc là quá tỉnh táo hoặc là quá mê muội, đằng này hắn lạnh lùng một cách rất khó hiểu. Hắn không đẹp trai nếu xét về khía cạnh tao nhã. Cao một mét bẩy hai, đùi to, ngực nở, cơ bắp cuồn cuộn, trán gồ, cằm bạnh, tiềm ẩn những cơn cuồng khát mà trong đời lưu lạc của mình, Nhung biết những người như hắn sẽ rất đáng sợ khi vào cuộc mây mưa. Vòm hang lạnh lẽo, không khí trở nên ẩm ướt khi đêm xuống. Nhung không chịu nổi sự im lặng cứ bao trùm lên mối giao cảm có vẻ như lạc lõng, xộch xệch này. Cô kéo hắn xuống tấm giát có lót chăn, thực sự muốn cái cơ thể kia của hắn tan nhão ra. Nhung biết, những người đàn ông dù ghê gớm đến đâu đi nữa, thì rồi cũng sẽ mệt mỏi và gục ngã trước cơn hứng tình của người đàn bà. Hắn là một tên cướp, một bưởng vàng có thâm niên, có án tích, có máu lạnh, có đầu óc. Cô nghĩ về hắn thế. Các bưởng khác cũng nghĩ về hắn thế và ngầm nể sợ hắn. Nhung cố gắng đẩy bật nỗi sợ hãi ra khỏi trí óc đang trở nên hoảng loạn của mình trước thái độ đến là khó hiểu của hắn. Nhưng Nhung chỉ có thứ vũ khí duy nhất, ấy là bản năng giới tính. Cô sẽ dùng nó để chế ngự dục tính trong hắn, thôi miên, hoá giải mọi sức mạnh của hắn để lấy lại sự tự tin cho mình. Khi ở thế thượng phong trên giường chiếu cũng là lúc có thể làm chủ được lý trí của bạn tình. Nhưng Nhung sốt ruột và khó chịu vì thứ vũ khí của cô có vẻ như không vào cuộc được để phát huy tác dụng. Đúng lúc Nhung giơ tay tắt đèn thì hắn giữ tay cô lại như đã từng giữ tay cô không cho khám phá hết cơ thể đẹp như bức tượng thần Hy lạp của hắn. à thì ra thế. Nhung chợt hiểu. Hắn muốn kiểm nghiệm xem có hay không cái vệt mực tầu nơi đàn bà nhất của cô. Khốn nạn cả! Hắn cũng như bao thằng đàn ông khác mà thôi, muốn tìm khoái cảm ngay cả trong sự giả tưởng. Nhìn cái bộ phận trời cho ấy thanh sạch, trắng muốt, mấp mô, mũm mĩm như núi đồi ngái ngủ ngậm sương, bọn con trai sẽ có cái cảm nghĩ là mình được ngủ với một nữ đồng trinh. Thì ra hắn cần điều ấy ở Nhung mà cô không biết. Điện vẫn sáng và vòm hang vẫn lạnh lẽo, ẩm ướt đến khó chịu. Hắn lại ngả lưng ra ghế, rút một điếu thuốc và nhúng vào chén nước đặt bên cạnh. "Cô có nhìn thấy những nốt mẩn đỏ chạy dọc hai bên háng và đã bắt đầu ăn lên rốn rồi không?". Nhung hoảng hốt trước giọng nói ráo hoảnh của hắn. Không có gì kinh khiếp hơn đối với một người đàn bà, ấy là khi bị người ta phát hiện ra những khiếm khuyết trên cơ thể. Nhung sống và tồn tại được là nhờ cái cơ thể đặc trưng giới tính của mình. Vậy mà giờ đây cái cơ thể ấy đã bị hắn phát hiện ra những điểm xấu xí, độc hại và ủ đầy mầm bệnh. "Hãy mặc quần áo vào đi và về bảo với Hùng quăn rằng chớ có động vào một hạt cát ở hai cái hầm dưới chân núi". - Anh Đàn! Em cũng không ngờ bị lây bệnh nhanh như thế này. Bây giờ anh có trả em về đâu thì cũng hết đường sống rồi. Bọn Hùng quăn sẽ lại bán em đi xứ khác thôi. Mà cũng có thể chúng sẽ cho em một nhát cuốc vào đầu rồi đút xuống một cái hầm bỏ không nào đấy, lấp đất lại rồi rắc vôi bột lên trên. Anh cứu em với! Hắn lại trầm ngâm ngồi hút thuốc và nhìn Nhung khóc. Cô khóc trông thật hơn là cô cười. Tiếng khóc của cô có vị mặn của muối, có vị chát đắng của số phận và những giọt nước mắt đang lăn tròn trên má kia là thứ duy nhất đẹp đẽ, long lanh trên khuôn mặt Nhung lúc này. Nhưng mà cô khóc cũng chẳng giải quyết được việc gì. Chính hắn cũng không cứu nổi hắn ra khỏi vách hang lúc nào cũng ẩm ướt, tăm tối này, hắn có thể giúp được gì cho cô? Bọn Hùng quăn, Thành dê, Tùng chột dẫu sao cũng rộng cẳng hơn hắn, bầu trời tự do còn mở ra với chúng, và chúng có điều kiện để cứu cô hơn. Cứu cô rồi chúng còn có thể tiếp tục thu lãi từ cô nữa kia mà? Làm sao cô phải khiếp đảm, hãi hùng đến thế? - Em van anh, anh Đàn ơi! Em biết hết ruột gan chúng nó rồi. Đứa nào cũng tỏ ra yêng hùng hơn anh, phỉ nhổ vào cái mác học thức của anh nhưng lại chẳng làm được một việc gì nhân nghĩa bằng anh. Cả bãi vàng này đều biết anh là người tử tế hơn cả. Bọn cửu vạn gọi anh là Tống Giang của vùng Lũng Sơn. Em chẳng biết Tống Giang là ai nhưng chắc phải là một người tốt. Nếu không cứu được em thì anh cho em một phát đạn cũng được. Rồi xin anh cho em một cỗ ván. Chúng nó chẳng đứa nào coi em là người. Sống đã chẳng được coi là người thì chết chúng nó coi em ra thứ gì? Em van anh. Anh cứu em với. Em xin anh đấy. Không thể nói là hắn đã vô cảm trước những giọt nước mắt của phụ nữ dù hắn là một tên cướp. Hắn thương Nhung thật. Bản tính hắn ưa nhẹ nhàng, dễ mềm lòng, đặc biệt rất ưu ái với phụ nữ. Con đường tội lỗi của hắn có hình tên phóng nhưng mũi tên ấy bao giờ cũng lánh xa đàn bà, con gái. Phóng lao phải theo lao. Hắn sẵn sàng đi đến tận cùng của cái ác, nhưng vùng tội lỗi quanh hắn không có bóng dáng của phụ nữ. Phụ nữ có thể sợ hắn như đám cửu vạn dưới kia sợ hắn. Vì sợ hắn lên ai cũng cúi xuống hoặc tránh xa hắn chứ chẳng ai ngẩng mặt nhìn hắn, chuyện trò tâm sự, coi hắn như một người tâm giao cả. Người đầu tiên dám nhìn thẳng vào mắt hắn với tiếng khóc nguyên thuỷ ở bãi vàng này là Nhung. Và hắn đáp lại bằng những gì mà hắn có trong tay, thuần tuý hào hiệp, không một chút vụ lợi. Ngay sáng hôm sau hắn đến gặp Hùng quăn để thoả thuận lại hợp đồng miệng vừa ký tắt tối hôm trước. Hai cửa hầm mới mở dưới chân núi sẽ thuộc về đám cửu của Hùng quăn, đổi lại, Hồng Nhung, con bớp vô mao, sẽ thuộc về hội áng Sơn của hắn. Hắn giao cho thằng Xế đưa Nhung về thành phố chữa bệnh. Hơn một tháng sau Nhung trở lại bãi Lũng Sơn, quản lý một quán ăn cho hắn. Gọi là quán ăn nhưng đó là nơi mua đi bán lại cả trăm thứ trên đời. Quần áo, chăn màn, cuốc xẻng, bao bố, máng tôn, máng gỗ, kèo cột, lưới sắt, thúng tre, xảo sắt, nồi gang, dây điện, giầy dép, mì tôm, ắc qui, thuốc tây, trứng, thịt, rau, quả... đủ cả. Lúc đầu quán của Nhung thực chất là bộ phận hậu cần của cả hội áng Sơn. Sau một thời gian, quán phình to, trở thành nơi cung cấp hàng hoá cho cả vùng vàng Lũng Sơn. Hắn đã từng bước bóp nghẹt các quán khác để độc chiếm những mối hời từ việc mua bán đổi chác. Trong quán của Nhung lúc nào cũng có hai thợ kim hoàn được thuê từ thành phố lên để nấu, lọc, cô, đúc số vàng khai thác được. Đây cũng là nơi trao đổi cám vàng của đám cửu làm thuê đồng thời thực hiện các dịch vụ như ký gửi, vay lãi, sơ chế vàng cám, cân đong, đo đếm, tính tuổi vàng cho bất cứ ai có nhu cầu. So với mười năm trước, khi hắn lần đầu tiên đặt chân đến nơi này, bây giờ bãi vàng Lũng Sơn đã biến dạng tới mức thảm hại. Những dải đồi uốn lượn yên ngủ hàng ngàn năm nay bị đánh thức, bịt mồm, chẹn họng, moi ruột, moi gan, chặt đầu, chặt đuôi. Con suối chảy theo triền dốc như một viền bạc điểm trang cho núi đồi thủa sơ khai giờ lở loét, ngầu đục, quằn quại, sủi đục bởi sỏi và cát, đất và đá, rác rưởi và xác chết. Những nhóm người bị hút về đây từ tự phát, phân tán, cơ bản là tử tế nay được tổ chức, phân chia theo hội, nhóm, đối xử với nhau theo kiểu luật rừng, ai cũng mang trên mình khuôn mặt của kẻ cướp. Thay đổi hết cả, biến dạng hết cả. Các bưởng vàng xuất hiện như thể đã có bầy đàn thì phải có thủ lĩnh. Bưởng mạnh thì hội mạnh. Hội mạnh thì số hầm nhiều, đất đai rộng, có đoạn suối dài, cửu vạn lắm, vàng thu về lớn. Cửu vạn lên đây chỉ có làm thuê, cần mẫn đào đãi, số vàng đãi được sẽ theo tỉ lệ định sẵn mà phân chia. Khá ra thì có vài cây vàng đem về cho vợ, cho con, lỡ phải vận đen thì cứ ăn chịu, ở chịu, bán sức cho các bưởng sống lay lắt qua ngày. Chính quyền vào dẹp, công an, quân đội hết tới lại lui, đám dân đào vàng như đám bèo tấm, hết tan lại tụ. Bãi Lũng Sơn xa dân cư, xa thành thị nên cũng xa cả chính quyền. Vì thế đất cứ lở lói, người cứ ùn ùn tới, chính quyền không sao dẹp được. Khi hắn theo bọn thằng Xế, thằng Học tới đây hắn cũng chỉ mong kiếm được vài ba chỉ vàng như bất kỳ một anh cửu vạn nào trong lúc bí bách phải tìm vận may mà thôi. Vì thế hắn không dám nói lời chia tay với Dịu. Hắn biết là Dịu sẽ chẳng bao giờ đồng ý để hắn đi. Nhưng một năm rất dài. Hắn không thể trần mình mãi nơi trạm đá hun hút gió lùa ấy để nhặt nhạnh những lời ong tiếng ve của người làng, người xã. Hắn phải khuất mặt đi một thời gian, vừa là kiếm tiền, vừa là trốn chạy thực tế khốn khổ, khốn nạn của một thằng sinh viên lĩnh án kỷ luật, đằng đẵng hai năm sau mới được thi lại. Dẫu sao thì một năm cũng đã trôi qua rồi. Hãy quên đi một năm nữa bằng cách đến bãi đào vàng này, tới gần ngày thi thì về. Rồi hắn sẽ đỗ thôi. Hắn sẽ học lại từ đầu. Sẽ yêu Dịu một cách lãng mạn như tất cả những tình yêu sinh viên khác, sẽ ra trường, đi làm và cưới Dịu. Hắn nghĩ thế và việc ra đi của hắn ngày hôm nay cũng là vì Dịu. Nhưng sự đời lại chẳng thuận theo những suy nghĩ của hắn. Hắn lên bãi vàng giữa lúc hội Yên Mĩ đang bành chướng thế lực, từng bước lấn ép uy thế của hội áng Sơn. Đêm đầu tiên hắn được ngủ với bọn thằng Xế ở ngay chiếc lán dựng phất phơ dưới chân núi. Đi đường mệt nhọc khiến hắn ngửa ra là lịm vào giấc ngủ say sưa không còn biết trời đất gì nữa. Song giấc ngủ đến với hắn chưa được bao lâu thì những tiếng gào thét dựng đứng hắn dậy. "úp nồi lên đầu, bọn Yên Mĩ đánh lén đấy". Hắn chẳng hiểu gì cả, quờ tay vớ được chiếc mũ cối, vội chụp lên đầu rồi nép mình vào những tấm lưng khác, nửa nằm, nửa ngồi, co quắp tránh đá từ bên ngoài ném vào. Sau những phút hoảng loạn, thằng Xế, thằng Học bò ra ngoài lán nhặt đá ném lại, lũ thanh niên áng Sơn ở các lán khác cũng ào ra tiếp viện, ném trả vào bóng tối hiểm nguy bủa vây xung quanh. Cuối cùng thì bọn Yên Mĩ phải rút đi, bóng đêm lại im lặng, phủ lên bọn hắn những lo âu, căng thẳng. Hầu như không ai ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau cảm giác yên bình theo những tia nắng sớm rọi xuống khắp mái lán. Hắn hít thở khoan khoái, thấy bóng đêm vốn nát con người ta chứ quả thực sự sợ hãi không đến nỗi tệ như hắn nghĩ. ánh ngày mang lại sự tự tin cho cả hội áng Sơn. Bọn hắn tổ chức ăn uống xong rồi người nào người nấy mang theo đồ nghề kéo nhau ra bãi. Thằng Xế đưa cho hắn cái máng gỗ có hình một chiếc thuyền rồi ra hiệu cho hắn đi theo sau. Bọn hắn hành quân đến chỗ mấy cái cửa hầm nằm sát nhau, cách bờ suối không xa thì dừng lại. Từng người chui xuống. Cuốc chim vung lên, đất rơi rào rào, xẻng lùa xàn xạt, một bao đất đầy được đưa lên. Hắn còn chưa biết mình sẽ phải làm gì thì ở cửa hầm bên kia thằng Xế ơi ới gọi hắn tới đỡ một bao đất khác. "Tí nữa mày cùng mấy thằng kia mang đất ra suối đãi. Nhìn theo chúng nó mà làm, không cẩn thận vứt hết mẹ nó cám vàng đi đấy". Hắn gật đầu hiểu ý. Thì ra cũng không có gì là khó nhọc lắm. Đào đất rồi đãi đất tìm vàng hoá ra còn sướng hơn cái việc ngồi ghè đá ở nhà. Chút phấn chấn ấy vừa thoáng đến đã vội tắt ngay trong hắn khi đá từ đâu bay tới, vèo vèo, sượt qua tai hắn. Một thằng cùng hội đứng cách hắn không xa bỗng lăn đùng ra đất, hai tay ôm đầu lăn lộn. Từ những kẽ tay của nó, máu rỉ ra nhoe nhoét, nhờn nhợt màu đỏ tươi. Hắn hoảng hồn quay lại, mặt tái đi khi thấy hơn chục thằng mặt mũi hầm hè, lăm lăm tay dao, tay gậy ào tới. "Biến khỏi đây ngay, tao tuyên bố năm cửa hầm này thuộc về hội Yên Mĩ, thằng nào muốn hôn đất, nuốt vàng thì ở lại". Một thằng có vẻ mặt hung dữ nhất, tóc quăn tít, đuôi mắt trái bị kéo ngược lên thái dương bởi một vết sẹo to như con sâu róm, đứng chống nạnh tuyên bố. Thằng Xế lóp ngóp chui từ dưới hầm lên, tay cầm cán cuốc, bảo: "Hầm này tự bọn tao mở cửa, không chiếm lại của hội nào, bọn mày là cái thá gì mà dám đòi?". Cạch! Chát! Lập tức hai hòn gạch bay vèo về phía Xế, may cả hai đều trúng vào cán cuốc. "Làm việc!". Thằng tóc quăn phất tay. Cả bọn Yên Mĩ liền ào đến vung gậy đập tứ tung, có thằng cầm côn ba khúc cứ nhằm cẳng chân hắn mà lia tới. Xế bị mấy gậy vào người, vứt cuốc bỏ chạy, mấy thằng còn lại của hội áng Sơn cũng nháo nhào chạy theo. Hắn cũng quay lưng định chạy nhưng thằng cầm côn ba khúc lại bất ngờ vung ngược côn lên, quật chéo một khúc vào người hắn. Như bị một vệt cháy sém lưng, sức nhiệt trong hắn được thổi bùng lên, hắn quay lại và nhìn thấy tấm máng đãi vàng nằm cạnh đó. Hắn nhào tới hai tay bê tấm máng gỗ lên, lăn xả vào bọn Yên Mĩ quay tròn. Chát! Bụp! Xạt! Tiếng va chạm của gậy, của dao làm hắn sởn tóc gáy nhưng máu đã bốc lên tới đầu, hắn cứ lia chiếc máng vào mặt bọn Yên Mĩ, chẳng cần biết sự thể ra sao. Bọn Yên Mĩ đang ở thế hùng hổ tấn công bỗng hoảng loạn trước hành động liều lĩnh của hắn. Có thằng rơi dao, rơi gậy, cuống cuồng bỏ chạy, tránh cú lia bạt mạng từ tấm máng ở tay hắn. Hành động liều lĩnh của hắn bỗng chốc thay đổi tình thế. Thằng Xế, thằng Học từ xa cầm đá ném tới tấp vào bọn Yên Mĩ rồi hô hào hội áng Sơn quay trở lại phản công. Cuốc chim, mai, xẻng, cột, kèo vung lên, quay ngang, tạt dọc khiến bọn Yên Mĩ kêu oai oái, mất thế thượng phong vội quay đầu bỏ chạy. Hắn quẳng chiếc máng sang một bên, vớ lấy đoạn tam tiết côn của một thằng trong hội Yên Mĩ rớt lại đuổi theo vụt rát rạt. Cả hội áng Sơn thừa thắng xông lên kéo thẳng một mạch đến lán trại của bọn Yên Mĩ. Thằng Xế tuyên bố toàn bộ cửa hầm của bọn Yên Mĩ từ nay thuộc về hội áng Sơn. Thằng Học chỉ đạo việc dỡ lều bạt, khuân tất cả của cải, đồ đạc của bọn Yên Mĩ mang về lán trại hội áng Sơn. Mấy ngày sau đó hắn cùng bọn thằng Học, thằng Xế trở thành những kẻ có máu mặt nhất bãi vàng Lũng Sơn. Bên hội Yên Mĩ bốn thằng phải đưa đi cấp cứu, toàn bộ tài sản bị mất sạch. Niềm vui chiến thắng đến với bọn hắn chưa được bao lâu thì vào một buổi chiều mùa hè nóng nực, cả bọn đang trần trùng trục đào, đãi bỗng hoảng hồn nhận ra xung quanh đã bị vây kín bởi những bóng áo vàng. Hắn ngoan ngoãn theo họ lên xe thùng về công an thành phố. Tại đây hắn được người ta hướng dẫn cho cách khai báo thành thật về những việc làm xảy ra ở bãi vàng giữa hội áng Sơn của hắn và hội Yên Mĩ của Hùng quăn. Hắn thật thà khai nhận tất cả. Có đánh người không? Có. Đánh như thế nào? Cầm máng lia bạt mạng, cầm côn đập thẳng cánh. Có gây thương tích không? Có. Mấy người? Không nhớ rõ, cứ ngã ra, lăn lộn, kêu xin thì thôi. Có người nào chết không? Không biết! Nhằm vào chỗ nào để đánh? Chẳng nhằm vào đâu cả, tiện đâu phang đấy. Có dỡ lều bạt không? Có. Lấy làm gì? Mang về cho cả hội dùng. Đó là tài sản của ai? Của hội Yên Mĩ. Sao lại lấy tài sản của người khác mang về dùng? Vì bọn nó thua chạy, bỏ lại.Hắn khai hết tờ giấy này đến tờ giấy khác, người ta chỉ vào đâu thì ký vào đấy. Cứ tưởng như thế là thật thà, là hoàn toàn tự vệ, là nó đánh tôi thì tôi đánh lại, là nó cướp của tôi thì tôi cướp lại. Đơn giản, chắc người ta cũng sẽ giải quyết một cách đơn giản. Ai ngờ người ta ấn vào tay hắn một lô một lốc những quyết định khởi tố, quyết định tạm giữ, tạm giam, kết luận điều tra, cáo trạng, biên bản giao nhận. Hắn kinh hoàng khi phải tiếp xúc với hàng loạt những thuật ngữ pháp lý mà cả đời hắn chưa bao giờ biết đến dù đã có hơn hai năm học triết. Thì ra hắn đã trở thành tội phạm. Hắn cứ tưởng có lẽ chỉ phạt hành chính về xô xát vớ vẩn, ngờ đâu người ta đang tiến hành các thủ tục tố tụng để đưa hắn ra toà, lĩnh án. Biết thế này thì hắn cứ chối phắt đi là xong. Nhưng cuộc đời mà cứ vài lần biết thế như hắn thì chẳng còn là cuộc đời nữa. Hắn choáng váng khi nghe toà tuyên bố năm năm tù. Thằng Xế, thằng Học cũng bị tuyên án hai năm nhưng cho hưởng án treo. Chú Hùng cho xe ô tô đưa mẹ hắn và Dịu đến thăm. Hắn nhất quyết không ra gặp mặt. Tưởng xa Dịu vài tháng rồi sẽ được về với Dịu, bây giờ coi như hắn đã mất Dịu, còn gặp lại làm gì. Hắn không muốn gặp Dịu nhưng không thể không gặp mẹ. Mẹ hắn đi một mình đến trại thăm hắn. Một lần, hai lần, đến lần thứ ba thì hắn chịu ra gặp. Vừa nhìn thấy hắn, mẹ hắn đã tru tréo lên: - Đàn ơi là Đàn, sao mày lại không ra gặp mẹ, mày ăn phải thứ gì mà lú lẫn đi cướp của người ta thế hả con. Tao có cần vàng của mày đâu, sao mày đâm đầu lên cái xó ấy để hư hỏng ra thế này. Tao muốn đâm đầu vào đá chết cho xong, nhưng thương cái thân mày khốn khổ nơi tù ngục lại không chết được, phải cố mà sống để thăm nuôi mày. Sao mày lại gàn dở, ương bướng không chịu ra nhìn mặt mẹ mày hả Đàn? - Mẹ gặp con thế này thì con vào cho xong. Coi như mẹ không có con nữa, anh Dương sẽ nuôi mẹ, mẹ khóc lóc, chửi rủa con làm gì. Con cũng đang muốn chết đây. - Đừng, đừng chết con ơi! - Mẹ hắn bỗng nín bặt, đưa tay chùi nước mắt rồi chuyển giọng khẩn thiết, van nài hắn - Con đừng nghĩ dở mà mẹ không sống được đâu. Anh cán bộ quản giáo bảo với mẹ rồi, nếu con cải tạo tốt thì chỉ ba năm là về. Mẹ còn khoẻ, còn sống để chờ con về. Con làm gì thì cũng phải nghĩ đến mẹ. Mẹ cố sống là vì con, mẹ sẽ thăm lo, tiếp tế cho con, con đừng nghĩ dại, Đàn nhé! - Thôi mẹ đừng nói chuyện đó nữa. Thế bây giờ ở nhà mẹ sống thế nào? - Dễ chịu lắm rồi con ạ. Mẹ được chia ruộng khoán, thỉnh thoảng cái Dịu cũng có sang làm giúp mẹ. Cái ăn bây giờ chả hết. Mẹ nuôi lợn chờ mày về rồi bán. Nhưng mà mày thế này thì mẹ để dành tiền cho mày. Anh Dương ra công tác ở Quảng Ninh rồi. Nó đang định cuối năm nay lấy vợ nhưng mày lại vào đây thì làm sao lo giúp mẹ một tay hả con? - Anh ấy không lấy cái chị gì ở Vĩnh Phú nữa à? - Không, nó theo người ta ra Quảng Ninh, ở đấy nó cũng yêu một cô mỏng mày hay hạt lắm, làm cái gì về tiền lương ấy, đưa về cho mẹ xem mặt rồi. Nó trách mày nhưng mẹ bảo em nó còn dại, đừng chửi mắng nó, tội nghiệp. - Anh Dương biết con vào đây chưa? - Biết chứ. Nhưng... Mà thôi. Mẹ giận nó lắm. Nó bảo vì con mà nó mất mặt với gia đình bên nhà gái. Nó bảo con là ngu, là đần, là chẳng chịu giữ gìn cho anh, để nó công tác có tiến bộ bao nhiêu cũng chẳng được tổ chức đoái hoài đến vì có một thằng em trai làm cướp. Mẹ mắng nó, nó bảo mẹ bênh mày. Mẹ không muốn nói với nó nữa. Từ xưa đến nay nó vẫn khái tính. Nó giống bố mày. Đã vì công việc thì quên hết mọi người trong nhà. Con cũng chẳng trách anh làm gì. Nó thế nhưng nó cũng thương con lắm đấy. Nó gửi tiền mẹ cầm lên cho con đây. Rồi nó sẽ lên với con sau. Hắn nghe mẹ nói, chỉ thấy bản thân mình đáng trách chứ không hề giận anh Dương. Hắn quá hiểu anh Dương, và trong sâu thẳm ký ức, anh Dương vẫn là con người đáng kính trọng nhất của hắn. Hắn sai lầm, tội lỗi, ngu dại bị anh mắng, anh chửi là đúng thôi. Anh Dương mang lại niềm vui cho mẹ, đáng hãnh diện với cả làng, còn hắn, hắn toàn mang lại những điều đàm tiếu, chê cười của thiên hạ mà thôi. Hắn là một đứa con hư, một đứa em ngỗ ngược, phá gia chi tử, vô dụng, mạt kiếp, rước oan nghiệp vào thân, làm ô danh cả làng, cả xã. Nếu gặp hắn, nóng lên có khi anh Dương lại cho hắn mấy cái bạt tai cũng nên. Hắn lẳng lặng ôm túi đồ tiếp tế vào ngực, đứng lên bảo: - Thôi mẹ về đi, mẹ cũng đừng lên đây thăm con nữa, đường xa lắm, mà mẹ yếu nhiều rồi. Mẹ bảo với Dịu hộ con là lấy chồng đi, đừng chờ con. Cho con gửi lời cảm ơn đến chú Hùng và cô giáo Hường. - ừ, nhưng mà này, nhớ lời mẹ bảo đấy nhá. Cố gắng mà cải tạo, chỉ ba năm thôi. Mẹ chờ, cái Dịu nó cũng sẽ chờ. Chú Hùng về ở với cô Hường rồi. Chú ấy cũng mới lên nhận công tác ở huyện. Chú ấy bảo khi nào con về chú ấy còn công tác thì còn lo được việc cho con. Đừng lo nghĩ nhiều rồi phát phiền lại nghĩ dở con nhá. Những lời mẹ nói đã đốt lên trong hắn ngọn lửa khát thèm tự do. Hắn lao vào làm việc, cố gắng quên đi tất cả, chỉ chăm chăm một điều: Được xét giảm án. Nhưng thời gian vẫn cứ là thời gian. Dù anh có vặn kim đồng hồ quay hết một vòng thì vẫn không thấy tốc độ ánh sáng đi nhanh hơn được. Một ngày đêm vẫn cứ là hai mươi bốn tiếng. Một tháng vẫn cứ phải ba mươi ngày. Lửa nhiệt tình trong mỗi con người không phải lúc nào cũng rực cháy. Hắn muốn hét thật to để thời gian trôi nhanh. Rồi hắn lại phải đối mặt với sự ù lì, chậm chạp của ánh ngày và bóng tối. Đúng lúc hắn nản lòng đến mức muốn ngủ một giấc và không bao giờ thức dậy nữa thì Lân sáu ngón vào làm bạn tù với hắn. Lân sáu ngón thổi vào trong hắn một luồng kích thích mới, ngày đêm nhắc nhở hắn nhớ tới hai chữ tự do. Nhưng không phải là thứ tự do ở phía bên kia của thời hạn cải tạo. Muốn tự do thì phải tự tìm đến, tự vượt qua bức tường bao quanh mình, tự vượt núi băng rừng mà về với nó. Tự do ấy nằm ở bên ngoài song sắt. Nếu muốn, hãy bẻ gẫy song sắt mà chui ra. Tự do sẽ ở ngay trước mặt.