5
Nhớ tuổi hồng, tuổi xanh

Fock-lock-chảy, lúc ấu thơ rất được cha mẹ nuông chiều. Muốn gì được nấy vì nó là đứa con sống sót trong một lứa con chết sẩy từ lúc bé không nuôi được đứa nào. Ba tôi cho đến hai mươi tám tuổi mới sanh ra tôi, vào thời đó như vậy đã gọi là cảnh cha già con mọn.
Những tuổi êm đềm thơ mộng khó quên là những tuổi hồng tuổi xanh: tuổi hồng kể từ lên bốn lên năm vừa hiểu biết chút ít cho đến tuổi cắp sách vào trường tầm sư học đạo, lên bảy lên tám; tuổi xanh là từ lớp nhứt trường tỉnh lên trường trung học ngày trước, mười sáu đến đôi mươi. Đó là những buổi “toàn hường”, vô tư lự sống nhờ cơm cha áo mẹ; nung đúc bởi nhà trường.
Khi đến tuổi biết muốn vợ - có người xấu máu tóc điểm vài sợi chỉ bạc lúc ấy, tôi đổi lại gọi là tuổi thanh xuân hay là thanh niên Pháp có câu: “il a vingt ans, et c'est le printemps”, phải nói chữ nguyên câu Pháp văn chớ không nôm nữa, và câu nầy tôi dịch thoát: “Nó tuổi đôi mươi, ngoài kia hơ hớ mùa xuân”.
Tôi có tên Fock-lock-chảy trong buổi tuổi hồng tuổi xanh; đến khi nạp khai sanh thi tiểu học bước vô đời với mớ tuổi thanh xuân, lúc ấy tôi mới có tên thiệt thọ “đi không đổi, ngồi không đổi” là Vương Hồng Sển.
Cũng không ai gọi tôi là Phước Lộc Nhi theo Việt, tôi đích thị là Fock-lock-chảy, vì thuở ấy con xấu háy là “thằng Chó” (à Cảo kìa) hay thằng Heo (à Tư kia), chớ không gọi khác được.
Fock-lock, con trai mà chưng diện như gái. Áo lãnh đen may túi lá liễu thồn đầy vụ ó và hòn bi; quần lãnh đen lưng vận chớ không có dây rút; khi nào lễ tết mẹ may cho đồ mới, quần lãnh đi đôi với áo bành tô củn-xá màu khói nhang, túi trên lủng lẳng có sợi dây chuyền vàng và cái đồng hồ nho nhỏ. Nhưng nói như vậy chưa đủ, phải để tôi kể lể dài dòng. Fock-lock-chảy được cha mẹ cưng không chỗ nói. Từ lọt lòng cho đến bốn tuổi. Fock- lock ưa nhạy cười và rất yêu đời, mỗi lần thấy các thím, thím đồng hồ, thím bán á phiện, hoặc các cô ký, cô phủ lối xóm, liền nhoẻn miệng cười, choàng tay xin ẵm xin bồng. Nhờ vậy cũng đỡ tay cho mẹ tôi, còn phải vo gạo thổi lửa, làm cà đung tối ngày mới đủ nuôi sống một gia đình, vốn con nhà thợ bạc, tay làm hàm nhai, chật vật. Ngày nay tôi còn nhớ thuở ấy nơi dãy phố ngang nhà có cô Mười Út, sau tôi có gặp lại ở Gia Định thì cô đã trên bảy chục tuổi đầu lúc tôi còn nhỏ bé, cô đã từng bồng ẵm đút cơm dỗ ngủ, nay cô đã mất từ lâu, hỏi tôi có làm chi để báo đền cô chưa nghĩ tới thật là ái ngại.
Lớp xưa cỡ tôi và chúng bạn đồng tuế, không văn minh như các trẻ ngày nay. Đã là con nhà thợ bạc, chữ “công” đứng sau chữ “sĩ” cha mẹ tôi cưng con thật nhưng làm gì dám xa xỉ vì con. Mẹ tôi may cho tôi một quần yếm khoét đáy với lãnh dư của bộ y phục dưỡng già của bà nội thêm che thân trên bằng một áo vải bông có kèm cái xây trước ngực để phòng phễu nhão. Ngày tết, ngày lễ, mẹ tôi mặc cho tôi một cái áo cẩm xá (củn xá) màu khói nhang, đơm năm nút bằng vàng thật, và một cái quần lục soạn mới tinh khôi, mỗi khi đi khi chạy nghe sột sạt quần báo tin trước ba làng cũng biết. Cũng vì lẽ ấy, về sau khi lớn khôn làm ông nầy thầy kia, tôi vẫn thích mặc đồ cũ lam lũ hơn là mặc y phục mới, đã bực bội thêm mất vẻ tự nhiên. Bận đồ mới đồ tốt, với cái tuổi còn chừa chóp ham chà lết chỉ có nước làm áo quần mau dơ mau rách rước roi đòn không nữa cũng bị rầy rà, nên tôi ghét quá. Cái áo khói nhang ấy lại có may hai cái túi thật lớn, miệng khoét đứng theo hai bên hông, nay không còn thấy nữa. Tôi chịu thứ túi “lá liễu” nầy lắm vì thồn khăn mũi và bao nhiêu đồ chơi, túi cũng, đựng nổi: bông vụ ó, đạn bắn đánh nẻ, ba hột lúc lắc, đồng xu lá bài để chọi, đồng xu ăng lê thật đày, túi đều dư sức chứa, thật là, vừa tiện vừa gọn, chỉ phải túi phì ra khó coi, và mỗi khi chạy cho, kịp lượm hột điệp hay trái xoài chín vừa bị gió thổi rớt, khi ấy cái túi lá liễu mới thấy nặng nề làm sao.
Một tháng một kỳ, đúng ngày rằm tốt ngày, mẹ tôi sai đi tiệm hớt tóc cho thầy hù chực cạo đầu một lần, và môi lần cạo đầu là mỗi lần nước mất tuôn rơi. Muốn đỡ tốn kém, hà tiện được hai đồng xu, mẹ tôi không cho vào tiệm lớn mắc tiền, và ép tôi phải cạo nơi tiệm chú Hỉa mập, tiền công chú lấy có ba xu, thay vì tiệm lớn năm xu, hoặc một cắc (mười xu) khi cạo cho người lớn và có váy tai. Với ba xu, tôi phải tốn bao nhiêu nước mắt, vì chú Hia, với giá ấy, cạo với dao cũ, không bén lấm, tôi phải chịu vừa đau, vừa rát, hít hà lên hít hà xuống không biết mấy lần, tuy vậy cũng phải rán chịu, vì còn hơn cạo ở nhà với con dao lụt nhầy, mỗi lần, mẹ cạo, phạm dao thì có thuốc trị là dầu dừa và khi nào vết phạm khá lớn thì lại cũng vẫn dầu dừa có pha thêm chút lọ nghe chảo để cầm máu như các nhà sư.
Tôi đến tám tuổi mới ôm cặp vào trường, cũng vì Ba tôi sợ nhỏ tuổi đi học bị bạn lớn húng hiếp, té ra vì học trễ cho nên sau nầy phải sửa khai sanh sụt buổi để được thâu vào trường Chasseloup- Laubat, nhưng đó là việc khác sau nầy sẽ thuật. Từ năm tám tuổi đến năm lên học lớp nhì, được mười bốn tuổi, đã nhổ giò cao chồng ngồng cái đầu, mà mẹ tôi vẫn bất đi cho thầy hù cạo đầu.
Nhờ năn nỉ lắm, năn nỉ tháng nầy qua tháng kia mẹ tôi mới cho phép tẩy sạch ba cái vá, trả lại nhà chùa, và được thầy hù cạo sạch. Thầy hù là danh từ xưa, gọi các thợ hớt tóc cạo râu dạo. Có lẽ vì thuở đó, chung quanh những năm lối một ngàn chín trăm mười mấy, mỗi lần cạo đầu hay hớt tóc cho trẻ con, chúng trẻ thường khóc la không ưng cho cạo hớt, khiến cho thợ phải hù phải doạ, lâu ngày thành tục, hễ nhớ đến thợ hớt tóc thì nhớ lão hay hù hay doạ dẫm, rồi thành danh luôn: “thầy hù”. Nhưng cho đến bao giờ, trẻ nít vẫn còn khóc la và, thợ hớt tóc cũng ba hoa chích chòe, nói luôn miệng trong khi làm việc, và nói thét cạn đề phải xoay qua đặt điều nói dối, thành thử ngày nay còn sót lại thành ngữ “nói dóc như thầy hù”. Thêm nữa, có nhiều thợ dở quá, mỗi lần váy tai móc cực ráy, người bị móc đau thấu trời xanh, và muốn phi tang nỗi bất tài của mình, thợ vừa rút móc ra, vừa thổi “hù” một cái vào lỗ lai, “hù! hù”, thổi hai lần khi nào trời xanh chưa thấu, và như vậy họ mang tên thầy hù cũng đáng. Như đã nói vì ít tiền vì tuổi nhỏ, cho nên thầy hù đời đó vẫn xem thường xem rẻ bọn chúng tôi, hạng cạo đầu ba xu, nhưng nay tôi đã lớn, đã được mười bốn mười lăm tuổi, đã đứng bằng chú Hỉa, vì chú mập ú lùn xủn, thế mà chú vẫn xem tôi không mắc thêm chút nào.