Ông Mađơlen sai người vực Phăngtin về bệnh xá thợ thuyền đặt ngay ở nhà riêng của ông. Ông giao chị cho hai bà xơ trông nom. Đặt chị vào giường nằm thì chị lên cơn sốt nặng. Một phần đêm chị mê sảng, nói huyên thuyên. Nhưng sau tồi chị cũng ngủ yên. Mãi đến trưa hôm sau, Phăngtin mới tỉnh dậy. Nghe có tiếng người thở ở đầu giường, chị vạch màn trông ra thì thấy ông Mađơlen đang đứng yên nhìn vật gì ở trên đầu giường. Con mắt của ông đầy vẻ trắc ẩn, lo âu và hình như cầu khẩn. Chị trông theo thì thấy ông đương chăm chắm nhìn cây thánh giá đóng ở trên tường. Trong tâm trí Phăngtin, hình ảnh ông Mađơlen đã khác trước. Trông ông như có ánh hào quang tỏa ra. Ông mê mải như đang cầu nguyện. Chị nhìn ông một lúc lâu không dám lên tiếng, mãi sau chị mới khẽ hỏi: - Thưa ông, ông làm gì đấy? Ông Mađơlen đứng ở đó đã một tiếng đồng hồ. Ông chờ Phăngtin tỉnh dậy. Ông nắm lấy tay chị, nghe mạch rồi hỏi: - Cô thấy trong mình thế nào? - Thưa khá. Tôi ngủ được. Hình như khỏe hơn nhiều. Chắc không việc gì. Bây giờ ông mới trả lời câu hỏi đầu tiên của chị, làm như vừa mới nghe ra: - Tôi cầu nguyện Chúa khổ nạn ở trên kia. Trong thâm tâm ông muốn nói thêm: vì người đàn bà khổ nạn dưới này. Cả đêm hôm qua và sáng hôm nay ông Mađơlen đi dò hỏi về việc Phăngtin. Bây giờ ông biết rõ tất cả những tình tiết thương tâm trong đời chị. Ông nói tiếp: - Cô là một người mẹ đau khổ. Thôi, không nên thở than nữa, cũng nhờ thế mà ngày nay cô mới hưởng quả phúc. Loài người làm nên thiên thần như thế đó. Không phải lỗi ở họ: họ có biết cách gì khác hơn đâu. Cô xem đấy, cảnh địa ngục cô vừa thoát khỏi chính là tầng thứ nhất của thiên đường. Phải qua đó trước. Ông thở dài não nuột. Còn Phăngtin thì nhìn vào ông mỉm cười một nụ cười huyền diệu, tuy có khuyết hai chiếc răng. Cũng trong đêm ấy, Giave viết một bức thư. Sáng sớm hôm sau hắn thân hành đến tận nhà bưu điện Môngtơrơi để gửi. Thư gửi đi Paris, đề: “Kính đệ ông Sabuiê, bí thư của ông giám đốc sở cảnh sát”. Cũng vì câu chuyện ở bót cảnh vệ đồn đại ra ngoài nên bà phụ trách bưu chính và một vài người thóc mách trông thấy phong thư và nhận ra chữ Giave thì đoán là hắn đệ đơn xin từ chức. Về phần ông Mađơlen, ông viết thư ngay cho vợ chồng Tênácđiê, Phăngtin nợ chúng một trăm hai mươi phơrăng, ông gửi cho chúng ba trăm. Ông bảo chúng trừ đi các khoản còn lại thì dùng làm chi phí để đưa con Côdét đến Môngtơrơi, mẹ nó đang ốm cần được gặp nó. Bức thư làm cho Tênácđiê lóa mắt. Hắn bảo vợ: - Mẹ kiếp, chớ buông con bé ra! Ai ngờ con chim sâu lại sắp hóa ra con bò sữa. Tao đoán ra rồi. Chắc lại có thằng ngốc dại gái nào ăn phải bùa con mẹ nó đây chứ gì! Nó phúc đáp bằng một tờ kê nợ năm trăm linh mấy phơrăng, làm rất khéo. Tờ kê có đính hóa đơn không ai có thể ngờ vực, một cái của thầy thuốc, một cái của hiệu bào chế. Cộng trên ba trăm phơrăng. Đó là những đơn thật trong dịp hai đứa con nó bị ốm một trận lớn chứ con Côdét có đau ốm gì. Vấn đề là ở chỗ khéo chữa tên đi. Dưới tờ khai, Tênácđiê ghi chú: tạm nhận ba trăm phơrăng. Ông Mađơlen lập tức gửi thêm ba trăm phơrăng với mấy chữ: “Đưa con Côdét sang ngay”. Thấy thế, Tênácđiê lại bảo: - Trời! Thế này thì lại càng phải giữ chịt lấy con bé. Bệnh tình của Phăngtin vẫn không đỡ. Chị vẫn nằm ở nhà thương. Khi nhận săn sóc cho “thứ gái đĩ ấy” các bà xơ có ý ghê tởm. Ai đã xem những bức khắc chìm ở Remxơ chắc còn nhớ hình các trinh nữ đoan chính bĩu môi trước những chị em lẳng lơ. Còn các việc thời cổ thì những đạo cô thanh tâm khinh bỉ những hạng người lang chạ từ xưa chẳng qua là những phản ứng tự nhiên của lòng tự trọng sâu xa của phụ nữ. Các bà xơ cũng phản ứng như vậy nhưng mãnh liệt hơn vì các bà là những kẻ đi đạo Chúa. Nhưng chỉ vài ngày sau, Phăngtin đã lấy được cảm tình của các bà. Chị ăn nói dịu ngọt và khiêm tốn, nhất là tấm lòng mẹ của chị đã làm cho các bà cảm động. Một hôm các bà nghe thấy chị nói giữa cơn sốt nặng: “Tôi là một người tội lỗi, song lúc nào con tôi được đến với tôi thì tức là Chúa đã tha thứ cho tôi. Khi trước tôi còn là con người hư hỏng, tôi không dám đem con Côdét về nhà, tôi không nỡ để con tôi phải nhìn tôi ngơ ngác và buồn rầu. Thế nhưng lại chính vì chút máu rơi ấy mà thân tôi nên nông nỗi này. Chính vì thế mà Chúa tha thứ cho tôi. Bao giờ con Côdét ở đây, lúc ấy là lúc tôi chịu phúc Chúa ban cho. Tôi sẽ nhìn nó, nhìn cái mặt ngây thơ vô tội ấy thì lòng tôi cũng hồ hởi ra. Nó không biết gì hết. Nó đương còn là thiên thần, phải không các bà xơ? Ở vào tuổi ấy, cánh thiên thần đã rụng đâu!” Ông Mađơlen mỗi ngày đến thăm Phăngtin hai lần, lần nào chị cũng hỏi: - Con Côdét sắp về chưa? Ông trả lời: - Có lẽ sáng mai. Tôi nhờ đón nó đây, không sớm thì chiều thôi. Nét mặt xanh xao của người mẹ rạng rỡ lên: - Ôi chao ôi! Tôi sẽ sung sướng biết là chừng nào! Như trên đã nói, bệnh tình của Phăngtin không thuyên giảm, trái lại mỗi ngày một thêm trầm trọng. Nắm tuyết giá lạnh áp vào giữa hai xương bả vai làm cho mồ hôi không thoát ra được, do đó chứng bệnh âm ỉ xưa nay bùng phát ra dữ dội. Người ta bắt đầu chữa bệnh phổi cho chị theo một phương pháp đang còn thí nghiệm. Thầy thuốc nghe ngực Phăngtin rồi lắc đầu. Ông Mađơlen hỏi: - Thế nào? - Hình như người này có đứa con, chị muốn được thấy mặt? - Vâng. - Nếu vậy ông nên mau cho tìm con chị về. Ông Mađơlen giật mình: Phăngtin hỏi: - Thầy thuốc bảo thế nào, thưa ông? Ông Mađơlen gượng cười: - Ông ấy bảo phải tìm ngay cháu bé về đây. Có nó cô sẽ khỏe ngay. - Ồ, thật thế đấy! Nhưng không hiểu vì lẽ gì mà vợ chồng Tênácđiê cứ giữ mãi con Côdét thế nhỉ? Trời ơi! Nó sắp về rồi. Thôi, lần này thì hạnh phúc chẳng còn xa xôi gì nữa! Nhưng tên Tênácđiê nhất định “không chịu buông con bé”. Nó viện đủ mọi lý do, chẳng đâu vào đâu cả! Nào là con Côdét ươn mình, như thế thì trời mùa đông thế này không thể lên đường được, nào là còn mấy món nợ vặt kêu réo quá, nó đang lục tìm các hóa đơn... Ông Mađơlen bảo: - Tôi phải cho người đi mang con Côdét về mới được. Nếu cần tôi sẽ đi lấy. Phăngtin bèn đọc cho ông viết một bức thư rồi chị ký xuống dưới: Ông Tênácđiê, Ông giao con Côdét cho người này. Người ta sẽ trả đủ những khoản vặt vãnh còn thiếu. Trân trọng kính chào ông. Giữa lúc ấy lại xảy ra một biến cố nghiêm trọng. Cuộc đời của chúng ta như gọt trong một khối đá huyền bí, dù chúng ta có dày công mài giũa thế nào đi nữa, dạng vân đen của số mệnh cũng vẫn mãi mãi hiện lên.