Dân sài Gòn - Chợ Lớn có cái thú sáng sớm ngồi uống cà phê trên vỉa hè. Nắng ban mai vừa ấm vừa mát. Ngồi quán cà phê vỉa hè lại còn được nghe đủ tin tức thế giới và trong nước.Maurice Thiên là một trong những người ghiền ngồi cà phê vỉa hè và quán quen thuộc của sệp Tàu lai này nằm ngay ngã tư, trước cổng Ðại Thế Giới. Chủ quán ưu tiên cho "ông Tư" bàn số 1.Sáng sớm là ông Tư tới, tay ôm vài tờ báo. ông Tư chỉ lướt qua hàng tít lớn chứ không đọc nội dung chi tiết. Với bạn thân, ông Tư cười nói:- Mình ít thì giờ nên đọc báo chỉ đọc tít chớ không đọc tét (texte)".Một sáng sớm, Tư Thiên đang ngồi tại tiệm cà phê nói trên thì một chiếc Traction màu đen chạy ngang qua, ôm sát cua. Tư Thiên tay bưng tách cà phê nhìn lên. Chiếc xe chạy tới tốc độ khá nhanh - vượt tốc độ quy định trong thành phố là 40km/giờ. Ðúng lúc đó xe quẹo mặt, chỉ cách bàn Tư Thiên ngồi ba bốn mét. Một người ngồi băng sau chĩa tiểu liên xả đạn vào ngực Tư Thiên. Chiếc Traction tăng tốc độ vọt mạnh. Tư Thiên chết ngay tại chỗ. Mọi người la hoảng lên. Cảnh sát chạy tới làm biên bản. Xe cứu cấp đưa Tư Thiên vào bệnh viện. Cái chết của Tư Thiên khiến dân Sài Gòn -Chợ Lớn bàn tán sôi nổi. Ai giết Maurice Thiên? Nhiều người suy đoán nhưng nhà chức trách chưa nắm đủ nhân chứng và vật chứng để kết luận ai là thủ phạm.Tin Maurice Thiên bị ám sát tới tai Ðại tá Bảy Viễn. Lập tức Bảy Viễn đến ngay gia đình Tư Thiên. Thi thể nạn nhân đã được đưa từ bệnh viện về. Các bác sĩ không làm gì được vì Tư Thiên chết ngay sau loạt tiểu liên của hung thủ. Cái khó là Sài Gòn lúc đó có cả ngàn chiếc Traction do hãng xe Citroen sản xuất. Chính Tư Thiên cũng có một chiếc Traction màu xanh.Bảy Viễn chia buồn với gia đình Tư Thiên:- Anh Tư là bạn lâu đời của tôi từ hai ba chục năm. Anh Tư còn là ân nhân của tôi và cả quân đội Bình Xuyên nữa. Ngày nay chúng tôi ăn nên làm ra cũng nhờ anh Tư. Tôi định đề nghị với người Pháp phong anh Tư làm Giám đốc Nha Cảnh sát đô thành, nhưng chưa kịp thì anh Tư đã ra đi. Thật tôi vô cùng ân hận!.Có dư luận cho rằng thủ phạm giết Tư Thiên là Tư Sang. Ðúng hay sai chưa biết, nhưng trong dịp này, người ta đưa ra lai lịch của hai anh em họ Lai: Lai Văn Sang quê Cao Lãnh, đi lính cho Pháp, đánh giặc bên Xiêm tháng 2.1941, chức trung đội trưởng, học nghề sửa radio, rồi học Trường Thể dục Thể thao Phan Thiết, sau đó làm huấn luyện viên. Tham gia Thanh niên Tiền phong. Lúc xảy ra án mạng, Tư Sang là phụ tá quân sự của Ðại tá Bảy Viễn, có tiểu liên Ten. Lai Hữu Tài quê Cao Lãnh, có tú tài. Học Trường TDTT Phan Thiết. Nhân viên Nhà Hình chuyên sưu tra tội phạm. Nhân viên mật thám Pháp.Vì sao Lai Văn Sang bị nghi đã giết Tư Thiên? Tư Thiên và em là Năm Tài theo phò Bảy Viễn sau khi Nguyễn Hòa Hiệp rút Ðệ Tam sư đoàn bỏ chạy khỏi Cao Lãnh. Hầu hết các đơn vị Ðệ Tam sư đoàn bị Chi đội 15 của anh Huỳnh Văn Một tước súng tại Ðức Hòa, bộ tham mưu của Nguyễn Hòa Hiệp chạy về thành đầu Tây. Trong số này có hai anh em họ Lai. Sang, Tài được Tư Thiên giới thiệu vô Chi đội 9 của Bảy Viễn. Khi Bảy Viễn về thành, cả hai anh em họ Lai cũng theo về, tiếp tục phò tá Bảy Viễn. Từ ngày về thành, Tư Sang ngắm nghé chức Giám đốc Nha Cảnh sát đô thành. Khi thấy Bảy Viễn tính ban chức này cho Tư Thiên thì Tư Sang sợ mất chức nên ra tay khử đối thủ nặng ký.Phòng Nhì quả quyết thủ phạm giết Tư Thiên là Bảy Viễn. Phòng Nhì đưa ra chi tiết sau về cái chết của Tư Thiên: Khi Bảy Viễn được Tướng De la Tour, tư lệnh quân đội Pháp kiêm chức ủy viên Cộng hòa Nam phần Việt Nam giao quyền kiểm soát khu Chợ Lớn. Bảy Viễn trở thành nhân vật quan trọng trong giới Hoa thương triệu phú ở Chợ Lớn. Nhiều người ủng hộ Bình Xuyên hàng triệu, hàng tỉ bạc để dễ làm ăn. Số tiền này được giao cho Tư Thiên chuyển về Bảy Viễn. Tư Thiên tối mắt đã biển thủ ba triệu. Không may mưu gian bị lộ. Cả năm bang trưởng người Hoa ở Chợ Lớn đều tố Tư Thiên. Bảy Viễn lập ban điều tra giao cho Năm Tài và con ruột mình là thiếu tá Lê Paul thẩm tra. Kết luận của ban thẩm tra là Tư Thiên có biển thủ ba triệu đồng. Vậy là Bảy Viễn ra lệnh thủ tiêu Tư Thiên. Phòng Nhì còn dẫn lời của Bảy Viễn khi ra lệnh khai tử một người mà ông ta nhiều lần gọi là ân nhân. Câunói đó như sau: "Ngày xưa, khi kết bạn, ta có lời thề ai phản thì phải chết. Nay mày phản tao, tao phải giết mày rồi mang hoa tới viếng mộ mày".Do các nguồn tin trái ngược nhau nên cái chết Maurice Thiên đến nay vẫn còn là một nghi vấn. Sau cái chết của Tư Thiên, Tướng De la Tour lại giao cho Bình Xuyên một trọng trách khác: giải tỏa đường 15 nối liền Sài Gòn với Vũng Tàu.