Dĩ nhiên là nhân vật của chúng ta được một bữa sợ ra dáng. Chiếc xe chạy hết tốc lực, ấp của Nôzđriôp đã lẩn vào những đồng ruộng, đồi gò từ lâu mà Tsitsikôp vẫn cứ nơm nớp ngoái nhìn trở lại. Y cứ tưởng có người đuổi theo, y thở khó khăn và khi đặt tay lên ngực thì thấy quả tim nhảy thon thót như chim cun cút trong lồng. “A! Quân súc sinh, nó làm mình phải một lúc khó chịu quá”. Rồi thì nghìn lời chửi rủa, nghìn tiếng thô tục đổ xuống đầu Nôzđriôp. Làm thế nào được? Tsitsikôp là người Nga và hơn nữa đang cơn tức giận. Vả lại chuyện này không phải chuyện đùa. “Không có lão quận trưởng cảnh sát, - y tự nhủ, - thì dễ mình phải vĩnh biệt cõi trần rồi! Mình đã phải biến đi không để lại dấu vết gì hơn một cái bong bóng xà phòng trên mặt nước, không lưu lại mai sau cho con cái mai sau chút tài sản, chút tiếng tăm nào”. Nhân vật của chúng ta thường hay lo về con cháu. Về phía hắn, Xêlifan cũng nghĩ: “- Ông chủ đâu mà bần tiện đến thế! Mình chưa hề thấy ai như thế bao giờ. Mình chỉ muốn nhổ vào mặt lão ta. Không cho người ăn còn hơn là cất phần của ngựa. Ngựa nó thích ăn kiều mạch; đó là khẩu phần của nó!...” Về phần chúng, ba con ngựa cũng hình như coi Nôzđriôp không ra gì. Con Hồng bờm đen, con Trợ tá và cả con Vằn nữa đều đang cáu. Con Vằn bao giờ cũng được phần kiều mạch dở nhất và bao giờ Xêlifan trút phần của nó vào máng cho nó ăn, cũng chửi nó trước là đồ vô hại, nhưng mà bao giờ thì cũng là kiều mạch, chứ không phải là cỏ khô; nó nhai rất thích và thường lại xục cái mõm dài vào máng của hai bạn nó để thưởng thức phần của chúng, nhất là những lúc vắng Xêlifan. Nhưng mà hôm qua trong máng chỉ toàn là cỏ khô, kinh khủng! Mọi người ai cũng bất mãn cả! Nhưng tức thì, những kẻ bất mãn bỗng bị kéo ra khỏi những ý nghĩ miên man của họ. Toàn thể, kể cả xà ích, chỉ chợt tỉnh khi thấy bị đâm thẳng vào một cái xe sáu ngựa và nghe gần như từ trên đầu họ vọng xuống, tiếng kêu của mấy người đàn bà ngồi trong xe và tiếng chửi của gã xà ích xe kia. - À! Đồ đểu! Tao chả kêu tướng bảo mày đi đúng bên phải là gì? Chắc là mày say hẳn! Xêlifan biết mình lỗi; nhưng đúng là một người Nga, hắn không muốn tự thú mà bẻ lại một cách đường hoàng. - Thế tại sao mày lại phi nước đại? Chắc cặp mắt mày đã đem cầm cho tiệm rượu rồi hẳn! Bấy giờ hắn mới bắt đầu lùi chiếc britska lại, nhưng không tài nào mà lùi được vì hai cỗ ngựa đã vướng vào nhau chằng chịt. Con Vằn tò mò đánh hơi các bạn mới đang ép vào sườn nó. Trong lúc ấy hai người đàn bà ngồi trong xe, nhìn cái cảnh ấy với vẻ kinh hãi. Một người đã già, người kia còn trẻ, chỉ độ mười sáu tuổi; tóc vàng óng, rất đẹp trên cái đầu nhỏ nhắn. Khuôn mặt trái xoan đều đặn có hình dáng và màu trắng trong của một quả trứng mới đẻ; nếu một cô gái có bàn tay đen đưa lên soi thì nó sẽ để truyền qua những tia sáng mặt trời. Đôi tai nàng, thanh tú, trắng đục, ửng hồng dưới ánh sáng nóng nực; sự khiếp sợ làm đôi môi nàng hé mở; mấy giọt lệ long lanh trên mắt nàng. Tất cả những cái ấy làm thành một quang cảnh yêu kiều đến nỗi nhân vật của chúng ta phải ngắm một hồi, không chút để ý đến vụ tranh chấp giữa mấy con ngựa và hai gã xà ích. - Lùi đi chứ, con quạ khốn khiếp kia! Gã xà ích xe kia nói. Xêlifan kéo cương về phía mình; gã kia cũng làm như thế; mấy con ngựa lùi một tí, rồi lại tiến lên túm tụm vào nhau sát hơn trước nữa và vướng vít lủng củng vào các dây thắng. Hoan hỷ với người bạn mới, gặp gỡ nhau trong hoàn cảnh như thế, con Vằn dù có thế nào, cũng không muốn rời bạn. Ghếch mõm lên cổ bạn, nó thủ thỉ những lời, chắc là tế toái lắm, vì con kia cứ vẩy vẩy tai không ngớt. Sau cùng, cảnh huyên náo làm cho nông dân một làng ở gần chạy đến xem. Những cảnh như thế đối với người mujik của chúng ta, thật là một ân huệ trời cho; họ chạy đến như người ngoại quốc xô đến {Trong những bản in đầu. Gôgôn viết: Như chúng ta xô nhau đến} câu lạc bộ hay báo chí. Vì vậy mà chẳng mấy chốc họ đã xúm xít vòng trong, vòng ngoài, ở làng chỉ còn có bà già và trẻ con. Người ta thả những dây kéo ra; mấy quả đấm vào mõm con Vằn làm cho nó lùi lại, cuối cùng người ta gỡ được hai cỗ ngựa ra. Nhưng hoặc là hờn dỗi vì phải rời những bạn mới và hoặc vì chỉ một cái thích bất thường mà mấy con ngựa của những người khách đàn bà vẫn dửng dưng với cái roi của xà ích vút đen đét, cứ ỳ ra không chịu nhúc nhích. Sự sốt sắng của dân làng đã đến mức cao nhất. Người nào cũng muốn khuyên một lời. - Này, Andriuska, cầm lấy hàm thiếc con bên phải! Lão Mitiai cưỡi lên con cầm càng! Đi, leo lên, lão Mitiai. Mitiai, người cao và ưỡn ẹo, râu cằm màu hoe, nhảy lên cưỡi con cầm càng: nom lão như một cái gác chuông nhà thờ làng, hay cái cần vọt để lấy nước ở nông thôn thì đúng hơn. Gã xà ích vụt lấy vụt để vào mấy con ngựa cũng chẳng ăn thua, lão Mitiai cũng mất công vô ích. - Khoan! Khoan! những người mujik lại kêu lên. Lão Mitiai nhường chỗ cho lão Miniai và trèo sang con bên cạnh đi. Không để người ta phải yêu cầu, lão Miniai, một ông hộ pháp râu đen như mun, bụng phệ như một cái xamôva khổng lồ hâm rượu xbiten cho cả một cái chợ đang rét cóng; lão leo lên lưng con ngựa cầm càng làm cho nó khuỵu xuống dưới sức nặng của lão. - Ấy, bây giờ thì sắp chạy được rồi đấy! - Đập mạnh, đập mạnh vào, nào! Vụt cho cái con hồng đốm trắng đang lồng lộn tại chỗ như con chôm chôm {Con vật giống con nhện mà chân rất dài} kia. Thấy chẳng ăn thua gì, lão Miniai cho lão Mitiai trở về cưỡi con ngựa cầm càng và ngồi sau lưng lão, còn Andriuska thì cưỡi con bên cạnh. Cuối cùng người xà ích sốt ruột, khôn khéo mời hai lão mujik xuống. Mấy con ngựa tháo mồ hôi, như là chúng vừa chạy một mạch một cung đường dài. Hắn để cho ngựa thở một phút và sau đấy thì tự chúng vụt chạy, chẳng ai bảo gì cả. Suốt lúc diễn ra cái trò tập ngựa ấy, Tsitsikôp chăm chú ngắm người lạ mặt trẻ tuổi. Y nhiều lần muốn nói chuyện với cô ta, nhưng không tìm được dịp gợi chuyện thì hai người khách đã đi rồi; cái đầu đẹp đẽ có những nét thanh tú đã tan đi như một ảo ảnh; chỉ còn lại có con đường cái, chiếc britska, ba con ngựa mà bạn đọc rất quen, Xêlifan, Tsitsikôp với cánh đồng không trơ trụi bao la. Khắp nơi trong thiên hạ này, từ các tầng lớp hạ lưu sống tối tăm nơi cáu ghét, đến cái giới thượng lưu khô cóng lại trong một nỗi buồn chán u uất và hợp cách, mỗi một người ít nhất bình sinh cũng có một lần gặp gỡ đánh thức dậy trong lòng họ những tình cảm, từ trước không hề biết đến. Giữa những nỗi sầu muộn dệt thành cuộc đời của chúng ta, một lúc nào đấy, thế nào cũng lóe lên một ánh chớp vui thú. Cũng như có lúc, một cỗ xe, choáng lộn, dây thắng mạ vàng, ngựa kéo hăng hái, cửa kính sáng rực, phi nước đại qua một thôn xóm nghèo khổ ở nơi heo hút và dân làng, xưa nay chỉ biết có chiếc xe bò tồi tàn của họ, rất lâu vẫn ngả mũ, há hốc mồm đứng nhìn mà không thấy rằng cỗ xe đã biến mất rồi. Cô gái tóc vàng cũng vậy, nàng hiện ra trong cuốn truyện của chúng ta bất ngờ và chỉ một khoảnh khắc. Nhưng giá ở địa vị Tsitsikôp là một thanh niên, kỵ binh, sinh viên hay là kẻ mới vào đời bình thường, - thì lạy Chúa tôi - tâm hồn họ đã phải bừng tỉnh, phải xao xuyến biết nhường nào! Họ sẽ tần ngần đứng lặng giờ lâu, đôi mắt đắm nhìn cõi xa xăm, không nghĩ gì đến đoạn đường còn phải đi vì đã quên hết cả mọi thứ ở đời, bắt đầu từ chính bản thân họ. Nhân vật của chúng ta, chẳng trẻ trung gì nữa, nên không phấn khích dễ dàng như vậy. Điềm đạm và thận trọng là thói thường của y; tuy vậy y cũng phải suy nghĩ; nhưng ý nghĩ của y theo một cái dòng có giới hạn rõ rệt hơn, thiết thực hơn: “Người đâu mà đẹp đến thế!”. Y vừa nghĩ, vừa lấy một dúm thuốc lá trong hộp ra hít. “Nhưng mà nói thật ra, tại sao cô em lại làm cho người ta ưa thích đến như vậy? Tại vì, mới ra khỏi ký túc xá từ hôm qua thôi, nàng chưa có một cái nào trong những thói xấu của người đàn bà; chẳng điệu bộ tí nào, chẳng kiểu cách tí nào. Giản dị như một đứa trẻ, nàng nghĩ gì nói nấy, thích lúc nào thì cười lúc ấy. Người ta có thể biến nàng thành cái gì cũng được. Nàng sẽ thành một người tuyệt diệu hay một kẻ thô lỗ, một kẻ thô lỗ thì đúng hơn! Cứ để cho các bà cô, bà dì và bà mẹ làm việc! Chỉ một năm là họ làm cho người bố tội nghiệp không còn nhận ra con gái nữa. Thói kiêu căng làm bộ, làm tịch sẽ đến với nàng, chẳng biết từ đâu. Nô lệ những bài học thuộc lòng, nàng sẽ nghĩ nát óc để hiểu là nàng có thể nói chuyện với những ai, với cái giọng như thế nào, trong bao nhiêu lâu và nàng phải có ý kiến như thế nào về người khác. Nàng sẽ luôn luôn lo sợ là nói nhiều không thích đáng với phép lịch sự, nàng sẽ lúng túng rồi rốt cục chỉ nói dối suốt đời và sẽ thành ra cái gì, họa có Chúa biết được!”. Nghỉ một lát, y lại tiếp tục mạch tư tưởng. “Đáng lẽ mình phải hỏi xem cô ta là con cái nhà ai. Một trang chủ giàu, tính tình điềm đạm, một công chức về hưu trung hậu và giàu có? Cô bé với hai chục vạn rúp hồi môn, miếng ngon ấy, - như người ta thường nói - có thể đem hạnh phúc đến cho một người quân tử”. Hai chục vạn rúp hồi môn đó là cái cảnh quyến rũ biết bao trong trí tưởng tượng của Tsitsikôp đến nỗi làm cho y phải tự trách là trong lúc ồn ào lại quên không hỏi gã phu trạm hay gã xà ích tên hai người khách đàn bà. Nhưng một lát sau đã trông thấy ấp của Xôbakiêvits, Tsitsikôp tức khắc trở lại với cái mạch tư tưởng thường ngày. Cái ấp hình như cũng khá lớn; hai khu rừng, một khu là rừng bạch dương, một khu là rừng thông, nằm hai bên như hai cái cánh, một cánh nhạt, một cánh sẫm; ở giữa là cái nhà gỗ có gác, mái đỏ, tường quét màu ghi bẩn: đúng là một cái nhà gạch cho bọn khai hoang người Đức hay bọn lính đồn điền ở. Người ta có thể đoán biết rằng, khi xây nhà, người kiến trúc sư, một nghệ sĩ rởm, say mê sự cân đối, đã xung đột với sở thích của chủ nhà. Người chủ vốn thích lối tiện nghi riêng của mình, đã bắt bịt hết các cửa sổ ở một phía và thay bằng một cái cửa hẹp trổ trên mái, chắc là thông vào một kho lương thực tối mò mò. Cái mi nhà {Mi nhà là bộ phận trang trí ở trên mặt chính của các lâu đài dưới có một hàng cột chống đỡ} thì không nằm ngay ở giữa mặt nhà; những cố gắng của kiến trúc sư đã vấp phải thói cứng đầu của chủ nhà và một cái cột bị bỏ đi, chỉ còn lại có ba cái. Một hàng rào gỗ gồm những thanh gỗ to tướng vây quanh sân. Hình như chủ nhà rất chuộng sự chắc chắn. Tàu ngựa, nhà xe, chuồng xí đều cột kèo to lớn, chấp thời gian hàng thế kỷ. Nhà của nông dân nom cũng khác thường, những izba đẹp toàn bằng gỗ, không trang trí những bức chạm thủng, các thứ hoa hòe khác, nhưng cột kèo đều hết sức chắc chắn. Cái bờ giếng bằng lõi gỗ sồi đẽo như một cái cối xay hay một chiếc tàu. Tóm lại là tất cả mọi thứ mà Tsitsikôp trông thấy đều vững vàng, nặng nề, dày dặn, đồ sộ. Đến gần tam cấp, y thoáng thấy gần cùng một lúc hai cái đầu cúi ra cửa sổ: một khuôn mặt đàn bà hẹp và dài như quả dưa chuột, đầu đội mũ vải, khuôn mặt kia thì như quả bí xứ Môdavia, một thứ quả mà ở Nga người ta dùng làm đàn balalaika, nhạc cụ nhẹ có hai dây, nguồn vui thích và niềm kiêu hãnh của bọn đĩ trai hai mươi tuổi, để họ gảy nhè nhẹ, vừa gảy vừa liếc mắt lia lịa, vừa huýt sáo tống tình với những cô gái đẹp, cổ trắng nõn, vội vàng nghe họ. Cùng một lúc, hai khuôn mặt lùi lại phía sau. Một người đày tớ mặc áo vét màu ghi; cổ xanh da trời, đưa Tsitsikôp vào tiền sảnh; ở đấy nghe trúc trắc: “- Mời bác”, rồi dẫn khách vào nhà trong. Tsitsikôp liếc Xôbakiêvits và lần này hắn nhắc cho y nhớ lại hoàn toàn hình thù một con gấu hạng vừa. Để cho thật giống con gấu, hắn mặc cái quần dài và cái áo đuôi én màu lông gấu, rộng tay, hắn đi lối chữ chi, bước nặng nề và thường giẫm lên chân người khác. Mặt hắn đỏ, sắc mặt như sắc đồng năm kôpek đúc bằng đồng. Ta biết là có nhiều bộ mặt mà tạo hóa không buồn gọt đẽo gì cả. Bỏ hết dũa, khoan và mọi công cụ chính xác khác, tạo hóa tạc những bộ mặt ấy chỉ bằng dao quắm; một nhát là thành cái mũi, một nhát nữa thành đôi môi; hai nhát đục kếch xù là khoét xong hai bộng mắt, rồi không thèm trau chuốt gì nữa, tạo hóa ném chúng ra giữa thiên hạ và nói: “Thế này là được lắm rồi!” Hình thù thô kệch của Xôbakiêvits đã được tạc ra cẩu thả như vậy. Hắn lại thường cúi khom xuống, và không mấy khi hắn nhìn thẳng người nói chuyện với hắn, mà lúc nào cũng nhìn chằm chặp vào lò sưởi hay vào khung cửa. Đi qua phòng ăn, Tsitsikôp lại liếc nhìn hắn một lần nữa: rõ ràng là một con gấu, một con gấu hoàn toàn! Và còn một sự trùng hợp lạ lùng nữa: tên hắn cũng là Mikkhai Xêmiônôvits {Trong ngôn ngữ dân gian Nga, người ta thường đặt cho gấu tên Mikhain Xêmiônôvits, gọi tắt là Misa}. Đã quen cách đi đứng của chủ nhà, và cái thói quen của hắn hay giẫm lên chân người khác, khách cẩn thận để cho chủ đi trước. Bỗng Xôbakiêvits, biết sự vụng về của mình, quay lại hỏi khách: - Tôi không làm phiền bác chứ? Tsitsikôp cảm ơn và nói là không có gì phiền cả. Vào phòng khách rồi, Xôbakiêvits chỉ một cái ghế bành và lại nói: “- Mời bác!”. Tsitsikôp ngồi xuống đấy và nhìn quanh một lượt các bức tranh in mộc bản treo trên tường. Những bức ấy vẽ toàn thân các anh hùng Hi Lạp: Miaulix, Kanarix, Mavrôcordatô {Miaulix (1768-1835) và Kanarix (1790-1877) là đô đốc hải quân. Mavrôcordatô (1791-1865) là chính khách, đều nổi tiếng trong cuộc Chiến tranh giành độc lập của dân tộc Hi Lạp đầu thế kỷ XIX} đeo kính, mặc áo dài, quần đỏ. Tất cả đều có bắp đùi to tướng, và râu mép dài đến nỗi nhìn họ người ta phải rùng mình. Giữa các ông hộ pháp ấy, không hiểu tại sao lại có Bagrachiôn {Bagrachiôn (1765-1812) danh tướng Nga, nổi tiếng dũng cảm tử trận ở Bôrôđinô} lồng trong một cái khung nhỏ xíu, người mảnh khảnh, gày đét, dưới chân có những lá cờ và khẩu đại bác bé tí ti. Xong lại đến một nữ anh hùng Hi Lạp, Bôbêlina mà chỉ một cái chân cũng đồ sộ hơn toàn thể thân hình của những chàng công tử bột nhan nhản ở các phòng khách ngày này. Chắc khổ người hắn như hộ pháp, nên chủ nhà thích có chung quanh mình những trai tráng lực lưỡng như mình. Sau Bôbêlina thì đến một cái lồng treo sát vào cửa sổ; ở trong một con sáo lông lấm tấm trắng và con sáo ấy, càng giống hệt Xôbakiêvits. Chủ và khách ngồi yên lặng vừa được hai phút thì cánh cửa phòng khách mở ra; bà chủ nhà bước vào, một người đàn bà cao lớn, đội một cái mũ buộc những dải cũ nhuộm lại bằng một phương pháp gia dụng. Bà chủ bước vào, dáng đi trịnh trọng, đầu thẳng đuỗn như một ngọn lá gồi. - Đây, nhà tôi, Fêôđulia Ivanôpna, Xôbakiêvits nói. Tsitsikôp đến gần để hôn tay. Fêôđulia Ivanôpna thọc ngay vào sát mũi y một bàn tay vừa rửa bằng nước muối dưa chuột. - Mình ạ, Ivanôpna nói tiếp, tôi giới thiệu với mình bác Paven Ivannôvits Tsitsikôp. Tôi được hân hạnh quen bác ở dinh tỉnh trưởng và nhà giám đốc bưu vụ. Fêôđulia Ivanôpna mời Tsitsikôp ngồi, cũng bằng một câu buông thõng: “Mời bác!” - với một cái gật đầu quen thuộc của các nữ diễn viên đóng vai hoàng hậu. Rồi nàng ngồi xuống ghế dài, cuộn mình trong chiếc khăn san bằng lông cừu mêrinôx {Một nòi cừu ở Tây Ban Nha, lông đẹp} và tất cả ở nàng, đến tận chân tơ, kẽ tóc, đều bất động. Tsitsikôp lại đảo mắt nhìn lên các bức tường lại thấy Kanarix với hai cái đùi phốp pháp, bộ ria mép dài, Bôbêlina và con sáo trong lồng. Gần năm phút trôi qua trong yên lặng; chỉ nghe tiếng con sáo mổ xuống sàn cái lồng. Lần thứ ba Tsitsikôp lại nhìn kỹ gian phòng. Mọi thứ trong phòng đều chắc chắn, nặng nề, phục phịch và giống chủ nhà một cách lạ thường. Ở một góc là một cái bàn giấy bằng gỗ hồ đào, chân chạm hai góc, chẳng khác gì một con gấu bằng xương bằng thịt; cái bàn, cái ghế bành, ghế tựa, tất cả đều nặng và hết sức bất tiện. Tóm lại, mỗi vật đều như kêu lên: “- Tôi rất giống Xôbakiêvits!”. Hay là “tôi cũng là Xôbakiêvits theo kiểu của tôi đây”. - Thứ năm vừa rồi, ở nhà quan chánh án Ivan Grigôgiêvits, chúng tôi có nhắc đến bác. Chúng tôi chơi ở đấy khá thích; sau cùng thì Tsitsikôp phải nói như vậy, vì thấy chủ nhà rất ít muốn gợi chuyện. - Vâng, hôm ấy tôi không đến chánh án được, Xôbakiêvits đáp. - Con người tốt quá, phải không bác? - Ai à? Xôbakiêvits nói, mắt nhìn cái lò sưởi. - Quan chánh án ấy mà. - Bác thích thì bác nói thế! Dù có là hội viên Thợ nề tự do {“Thợ nề tự do” là một hội kín bề ngoài có màu sắc tôn giáo nhưng bên trong có tính chất chính trị; trong thế kỷ XVIII, ở tây Âu, nói chung, hội phản ánh quyền lợi của giai cấp tư sản mới ra đời, chống triều đình phong kiến và nhà thờ. Giữa thế kỷ XVIII hội du nhập vào nước Nga và được giới quý tộc tiến bộ hưởng ứng. Hoạt động của hội chuyên phổ biến văn hóa, lập trường học, mở nhà xuất bản, in tác phẩm của các nhà Bách khoa toàn thư để truyền bá tư tưởng dân chủ} hắn cũng là thằng ngốc thượng hạng ở trên đời từ xưa tới nay. Lời đánh giá võ đoán ấy làm Tsitsikôp hơi chưng hửng; nhưng y lại bình tĩnh ngay và nói tiếp: - Tất nhiên, ai chẳng có chỗ yếu. Trái lại, quan tỉnh trưởng thì thật là người tốt. - Lão tỉnh trưởng mà là người tốt à? - Vâng, có phải thế không ạ? - Tên tướng cướp số một ở trên đời này đấy! - Quan tỉnh trưởng mà là một tên tướng cướp! Tsitsikôp kêu lên; y hoàn toàn bất lực, không thể hiểu vị trọng thần kia bỗng dưng biến thành đầu xỏ đảng cướp như thế nào. Y nói tiếp: - Tôi chẳng bao giờ dám tin như thế. Cách cư xử của ngài dịu dàng đấy chứ. Xin phép bác cho tôi được thưa với bác như vậy. Để dẫn chứng, Tsitsikôp kể cái sở thích thêu thùa của tỉnh trưởng và ca tụng cái vẻ quá hiền lành của bộ mặt ngài. - Một bộ mặt kẻ cướp! Xôbakiêvits nói dứt khoát. Cho hắn một con dao, thả hắn lên đường cái hắn sẽ chọc tiết người ta vì một đồng kôpek. Lão phó tỉnh trưởng với hắn là Gôc và Magôc {Theo Kinh Thánh của đạo Cơ đốc, Gôc và Magôc là hai bộ tộc man dân sẽ đánh giết nhau kịch liệt trước ngày Tận thế và Tài phán cuối cùng} đấy… “- Rõ ràng là hắn không ưa họ! Tsitsikôp nghĩ thầm. Mình nói với hắn về lão cảnh sát trưởng vậy, có lẽ lão này là bạn hắn”. Y nói tiếp: - Về phần tôi, tôi rất thích cảnh sát trưởng. Thật là một người thẳng thắn, cởi mở, trông vẻ mặt cũng đủ biết là chất phác. - Một thằng bịp bợm! Xôbakiêvits lạnh lùng nói. Hắn lừa người ta, phản người ta, rồi ăn uống với người ta như không. Tôi biết rõ tất cả chúng nó, toàn là bọn kẻ cắp, ngoài tỉnh là như thế: kẻ cắp cưỡi cổ kẻ cắp và xúi nhau ăn cắp. Quân phản Chúa cả. Trong bọn chúng chỉ có một người lương thiện là lão chưởng lý; nhưng mà nói thật, lão ấy đặc biệt ngu như một con lợn. Sau khi đã được nghe mấy bản tiểu sử tuy ngắn mà êm tai ấy, Tsitsikôp nghĩ là nên để yên cho các quan chức khác, y chợt nhớ ra rằng Xôbakiêvits không bao giờ đánh giá ai tốt cả. - Nào, mình ạ, chúng ta đi ăn chứ? Bà Xôbakiêvits bảo chồng. - Mời bác! Xôbakiêvits nói. Đến cạnh một chiếc bàn con để các thức nhắm, chủ và khách, theo đúng lễ nghi, nốc một cốc rượu trắng kèm theo những thức ăn muối khác nhau, và uống vài thứ rượu khai vị nữa, cũng theo đúng tục lệ ở khắp nước Nga mênh mông của chúng ta, ở thành thị cũng như ở nông thôn. Sau đấy họ vào buồng ăn; bà chủ nhà đi trước ngoe nguẩy như một con ngỗng. Trên một bàn ăn khí nhỏ, đã đặt bốn bộ đồ ăn. Ngồi vào ghế thứ tư là một người khó xác định được là bà hay cô, là bà con hay kẻ ăn bám, trạc ba mươi tuổi, không đội mũ, nhưng diện một bộ áo sặc sỡ. Có những kẻ chỉ tồn tại như những cái vết hay những chấm lốm đốm trên các đồ vật. Họ lúc nào cũng chỉ ở có một chỗ cố định, không bao giờ cử động cái đầu; người ta gần lầm lẫn họ với đồ đạc; người ta thề rằng họ chẳng bao giờ nói ra một tiếng chết tiệt nào, nhưng mà bất chợp bắt gặp họ ở nhà bếp hay kho áo, thì ô, ô, ô!... - Hôm nay, món thịt hầm ngon lắm, mình ạ, Xôbakiêvits vừa nói vừa gắp một miếng niania to tướng, món ăn của Nga thường kèm theo thịt hầm và một khúc ruột cừu nhồi lúa mạch đen, óc và chân bê. - Ở tỉnh, bác không kiếm đâu được một miếng như thế này, hắn lại nói với Tsitsikôp. Ngoài ấy họa có Chúa biết được là người ta cho bác ăn những gì! - Ở dinh tỉnh trưởng, ăn cũng khá đấy chứ, Tsitsikôp nói. - Giá lúc bác biết ở đấy họ nấu nướng thức ăn như thế nào, bác sẽ chẳng động đến đâu. - Tôi không biết đánh giá thế nào cách nấu nướng; nhưng tôi thấy món cá nấu và món sườn lợn ngon đấy chứ. - Nhất định là bác lầm rồi. Tôi biết chúng nó mua những gì ở chợ cho nhà tỉnh trưởng. Thằng bếp kẻ cướp nhà ấy không phải đã toi công đi học nghề với một lão người Pháp; nó lột da một con mèo rồi dọn lên, nói là con thỏ. - Eo! Khiếp quá! Bà Xôbakiêvits kêu lên. - Làm thế nào được, lối làm ăn của chúng như thế đấy! Tôi chẳng liên quan gì đến việc ấy cả. Tất cả những thứ mà thằng Akunka nhà ta - xin lỗi, - ném vào hòm rác, thì ở nhà họ đều vào nồi xúp; đúng, đúng hoàn toàn vào nồi xúp. - Bao giờ đang ăn, mình cũng nói những lời lẽ khiếm nhã, bà Xôbakiêvits lại càu nhàu. - Nhưng mà mình ạ, có phải tại tôi đâu? Tôi nói thật với mình là người ta không thể nào cho tôi ăn đồ rác bẩn được. Đem rắc đường lên một con ếch, tôi cũng chẳng đụng đến đâu, cả sò huyết cũng thế; tôi biết những của ấy giống cái gì rồi. Hắn lại quay về phía Tsitsikôp nói: bác nếm thử súc thịt cừu với lúa mạch đen này. Khác hẳn những món thịt trộn sốt mà người ta làm ở nhà các vương công với những thứ vứt đi ngoài chợ. Bọn thầy thuốc Đức và Pháp lại còn giỏi bày đặt lắm thứ lắm; nếu chỉ quyền ở tôi thôi thì tôi đã treo cổ chúng lên hết rồi. Chúng bày đặt ra cách nhịn ăn, chữa bệnh bằng cái đói! Quân vô lại ấy tưởng có thể coi rẻ những dạ dày Nga; nhưng chẳng được đâu tôi cam đoan với bác như vậy! Không, tất cả những trò ấy đều chỉ là lừa bịp cả, mà… Xôbakiêvits lắc đầu một cách tức giận. - Người ta thường nói đến văn hóa, nhưng tôi, bác biết không, tôi cóc cần cái văn hóa! Tôi dùng một chữ khác kia, nhưng đang ăn nói ra không tiện. Phong tục của tôi khác. Ở nhà tôi, khi dọn con ngỗng, con cừu, con lợn là dọn cả con! Chẳng thà tôi ăn hai món thôi, nhưng mà ăn thỏa thuê. Xôbakiêvits xác nhận những lời nói của mình bằng cách gắp vào đĩa một nửa súc thịt cừu, rồi hốc, gặm, mút cho đến mẩu xương cuối cùng. Tsitsikôp nghĩ thầm: - Ừ, thằng cha ăn khỏe thật! Xôbakiêvits vừa chùi tay vào khăn ăn vừa nói. - Phải, tôi hiểu cuộc đời hơn hẳn cái tên Pliuskin chẳng hạn, lão ta có những tám trăm nông phu, mà ăn uống thì khổ hơn cái thằng bé con chăn cừu nhà tôi. - Pliuskin ấy là ai vậy? Tsitsikôp hỏi. - Một đứa đê tiện! Xôbakiêvits đáp. Một thằng cha keo kiệt có một không hai. Bọn tù khổ sai sống còn sướng hơn hắn; nông dân của hắn, hắn để chết đói cả. - Không lẽ, Tsitsikôp thấy có lợi nên cố gạn hỏi. Bác bảo là nông dân của lão ta chết nhiều lắm à? - Chết như ruồi ấy! - Thật à, như ruồi ấy à! Xin phép bác cho hỏi là lão ta ở cách đây có xa không ạ? - Cách năm verxta. - Cách năm verxta! Tsitsikôp nhắc lại và tim y bắt đầu đập mạnh hơn. Từ đây đi ra thì rẽ bên trái hay bên phải? - Bác đừng biết con đường đi đến nhà một con chó như thế thì tốt hơn. Đi đến nơi gái điếm còn có thể tha thứ hơn là đến nhà hắn. - Tôi chỉ hỏi thế thôi… chỉ vì tôi thích địa hình địa thế, Tsitsikôp trả lời. Tiếp theo súc thịt cừu là những bánh hấp nhân pho mát, mà mỗi chiếc to hơn cái đĩa, rồi đến một con gà tây to tày con bê, nhồi trứng, gạo, gan và những thức ngon lành khác làm nặng trĩu cả dạ dày. Đó là món cuối cùng; nhưng mà ăn xong đứng dậy Tsitsikôp cảm thấy mình nặng thêm lên một pút. Người ta lại trở về phòng khách; ở đấy, đã có sẵn một cốc mứt lê, mận hay quả ít khác, đố ai mà biết được; nhưng mà khách và chủ đều quá no nê, chẳng ai đụng đến cả. Bà chủ nhà vội đi kiếm những món ngon hơn. Lợi dụng lúc vắng người, Tsitsikôp quay lại phía Xôbakiêvits thì thấy hắn đã nằm dài trong ghế bành, chỉ còn có thể rên được nữa mà thôi, sau một bữa ăn thịnh soạn như thế, và phát ra những tiếng ú ớ, không có âm tiết, vừa làm dấu thánh, vừa luôn luôn đưa tay lên mồm. Tsitsikôp mở đầu câu chuyện: “Tôi muốn nói chuyện với bác về chút việc.” - Mứt khác đây, bà chủ vừa nói vừa bưng vào một cái đĩa. Su hào rim mật ong. - Được, được, Xôbakiêvits nói. Mình về buồng đi, Paven Ivannôvits và tôi sắp bỏ áo ra ngủ một giấc đây. Bà ta muốn sai người đi lấy đệm, gối, nhưng Xôbakiêvits bảo rằng các ghế bành cũng đủ êm; nàng liền đi ra. Xôbakiêvits, đầu hơi nghiêng, lắng tai nghe. Tsitsikôp nói xa xôi về đế quốc Nga nói chung, ca tụng lãnh thổ rộng lớn mênh mông của nó, vượt xa lãnh thổ của nước quân chủ La Mã cổ đại, làm cho người nước ngoài phải ngạc nhiên một cách chính đáng… Xôbakiêvits cúi đầu vẫn lắng tai nghe. … Y nói tiếp là theo luật lệ hiện hành trong cái đế quốc mà đại danh không nước nào sánh kịp này thì những nông phu có đăng ký mà đã mãn cuộc đời dương thế rồi, vẫn còn tên trong sổ đinh để đóng thuế cho đến kỳ kiểm tra sắp đến, như cốt để tránh cho Chính quyền phải gánh thêm việc và lập thêm một cơ quan mới nữa trong bộ máy Nhà nước vốn đã khá phức tạp rồi… Xôbakiêvits cúi đầu, vẫn lắng tai nghe. … Tuy vậy, biện pháp ấy, dù là đúng, vẫn rất tốn kém đối với nhiều trang chủ, vì bắt buộc họ phải đóng thuế thân cho người đã chết như cho người còn sống. Bởi vậy, để tỏ lòng kính mến đối với gia chủ, y sẵn sàng đảm lấy một phần cái gánh nặng ấy. Còn về đối tượng chủ yếu thì Tsitsikôp chỉ phát biểu rất thận trọng; y không nói đến nông phu chết mà chỉ nói nông phu không tồn tại nữa. Xôbakiêvits, cúi đầu, vẫn lắng tai nghe. Trên mặt hắn, không thấy thoáng qua một vẻ gì cả, cái thân hình trơ trơ, bất động, tựa hồ không có cả linh hồn nữa, hay ít ra nếu có chăng thì linh hồn ấy không ở cái chỗ nó phải ở, mà lại ở đâu đâu bên kia núi như linh hồn của Bộ xương Bất tử {Bộ xương Bất tử là một con quỉ trong truyện dân gian Nga, gày đét như bộ xương, khư khư giữ những kho tàng không dám ăn tiêu, nhưng cuối cùng kho tàng cũng bị cướp mất. Trong ngôn ngữ Nga, Bộ xương Bất tử thường dùng để chỉ người hà tiện}; một cái mai phủ lên nó, cứng đến nỗi tất cả những gì cựa quậy ở dưới đều chẳng gây ra chút chấn động nào trên mặt cả. - Vậy bác nghĩ thế nào? Tsitsikôp nói và không khỏi khắc khoải chờ một tiếng trả lời. - Bác cần nông phu chết? Xôbakiêvits hỏi lại, bình thản, không chút ngạc nhiên, như là nói đến lúa mì vậy thôi. - Vâng, hay đúng ra là nông phu không tồn tại nữa, Tsitsikôp trả lời và nghĩ là nên làm dịu một lần nữa mấy cái tiếng ấy đi. - Có đấy, chắc chắn có, Xôbakiêvits nói. - Và trong trường hợp ấy, chắc bác sẽ vui lòng để lại cho chứ? - Vâng, tôi sẵn lòng bán lại, Xôbakiêvits nói và lần này thì khẽ ngẩng đầu lên như tuồng đoán biết người mua phải được lợi lộc gì về cái món này. “- Quỷ sứ! Đây là một thằng mà mình chưa kịp hở lời, đã nói đến bán”, Tsitsikôp nghĩ thầm như vậy. Rồi y lại nói to: - Nhưng giá cả như thế nào? Dù rằng, xin nói thật đấy là một thứ mà nói đến giá cả thì kể ra cũng là… - Tôi xin nói ngay không thèm bớt gì nữa: một trăm rúp mỗi đứa. - Một trăm rúp à! Tsitsikôp thốt lên và há hốc mồm nhìn chằm chằm kẻ đang nói chuyện với mình; và tự hỏi là mình đã nghe lầm chăng hay là cái lưỡi tê cóng của Xôbakiêvits nói điều nọ chọ sang điều kia? - Đối với bác có đắt giá chăng? Xôbakiêvits hỏi và sau một phút lại nói thêm: - Vậy bác trả bao nhiêu? - Tôi trả bao nhiêu? Giữa chúng ta có sự hiểu lầm rồi. Chúng ta không nhớ rằng đây là vật phẩm gì. Nói có lương tâm, tôi nghĩ là không thể trả hơn tám mươi kôpek {Một rúp là một trăm kôpek} một đứa được. - Bác nói gì vậy! Tám mươi kôpek à? - Tôi nghĩ là nó không đáng giá hơn thế được. - Có phải là tôi bán ép cho bác đâu. - Nhưng cũng không phải là bán người, phải nói thật như thế. - Vậy bác nghĩ là có đứa ngốc nào nó để lại cho bác tám mươi kôpek một nông phu đã đăng ký sổ đinh đấy hẳn? - Xin phép bác, sao lại gọi là đăng ký được? Chúng nó đã chết từ đời nào rồi; bây giờ chỉ còn có một cái tiếng suông ấy mà thôi. Vả lại, để cho chóng xong, tôi cũng xin gửi bác một rúp rưỡi. Không thể hơn được nữa. - Mà cả như thế mà bác không ngượng à? Nào, trả một giá phải chăng đi? - Tôi không thể, Mikhain Xêmiônôvits ạ, nói có lương tâm, tôi không thể bác ạ; cái gì không có thể là không có thể. Tsitsikôp nói thế nhưng lại thêm năm mươi kôpek nữa. - Bác bớt xén làm gì, Xôbakiêvits nói, tôi có lấy đắt của bác đâu. Một thằng bịp nó còn lừa bác, đem của vứt đi để đánh tráo lấy nông phu. Còn tôi thì bán cho bác những hàng lựa chọn kỹ càng, chỉ toàn là trai tráng và trong số đó có những tay thợ kén lạ lùng! Này chẳng hạn, thằng thợ đóng xe Mikhêiep. Nó chỉ đóng toàn xe có ổ díp và bác tin cho rằng nó không làm ăn theo cái lối Mạc-tư-khoa, cái lối có bảo mới làm đâu nhé. Không, cái gì nó làm ra cũng đều chắc chắn… Mà xe đóng xong, lại chỉnh lót bên trong, sơn bên ngoài. Tsitsikôp mở mồm để cãi là Mikhêiep không còn trên dương thế này nữa; nhưng Xôbakiêvits đã bị nhiệt tình của câu chuyện lôi cuốn, như người ta thường nói; hình như hắn bỗng nhiên có khẩu tài và không ngừng nói nữa. - Còn Xtêpan Nút chai {Tên Nga là Prôkpa, nghĩa là cái nút chai}, thằng thợ mộc! Cam đoan là cứ chặt đầu tôi đi, nếu bác gặp được đứa nào như nó. Một dũng sĩ thực sự! Giá nó vào quân cận vệ thì sự nghiệp chẳng biết đến đâu, sáu piê tám put {Piê là đơn vị đo chiều dài cổ của Pháp bằng 0m 3248 và chia làm mười hai put và vậy là Xtêpan cao hơn 216 centimet} đấy, ông ạ. Tsitsikôp lại muốn nhắc rằng Nút chai không còn nữa; nhưng rõ ràng là Xôbakiêvits đang bốc và trước ngọn triều hùng biện ấy, chỉ còn cách là làm thinh. - Miluskin, thợ nung gạch! Nó có thể xây lò sưởi trong bất cứ nhà kiểu nào! Maxcim Têliatnikôp, thợ giày: chỉ một mũi dùi là nó đóng xong cho bác một đôi ủng và ủng đẹp làm sao! Mà không bao giờ nó rượu chè gì đâu nhé. Lại còn Ierêmêi Xôrôkôplikhin! Cái thằng láu lỉnh, tháo vát ấy, một mình nó bằng tất cả các thằng khác hợp lại; nó đi buôn ở Mạc-tư-khoa và năm ít, năm nhiều, vẫn gửi cho tôi năm mươi rúp tiền tô {Thời nông nô, nhiều trang chủ trong các tỉnh mà sản xuất nông nghiệp kém thường cho nông nô đến các thành phố lớn làm nghề thủ công hay buôn bán, và nộp tô cho họ bằng tiền kiếm được, thường là rất nặng. Có khi nông nô phát tài và giàu hơn cả chủ, nhưng chủ vẫn có quyền bắt nông nô về phục dịch mình theo đúng địa vị của họ}, Pliuskin thì đào đâu ra được mà bán cho bác những trai tráng có cái chất như thế. Kinh ngạc vì những lời thao thao bất tuyệt ấy, cuối cùng Tsitsikôp mới nói được: - Xin phép bác, xin phép bác, bác kể ra tất cả khả năng của chúng thì có ích gì? Vì chúng đã chết cả rồi, ta còn khai thác được gì chúng nữa đâu. Xin bác nhớ câu tục ngữ: Người chết thì đến một cái giậu cũng không chống được nữa. - Đúng thế, chúng chết rồi, Xôbakiêvits như tuồng sực nhớ lại điều đó và nói thế, nhưng lại thêm ngay: - Vả lại những đứa được ghi trong sổ là còn sống thì gọi chúng là gì cho đúng nhỉ. Là người à? Không, đúng ra chỉ là ruồi thôi. - Nhưng dù sao chúng cũng đang sống, còn bọn này thì chỉ là trò ảo đăng thôi. - Trò ảo đăng à, không phải! Những đứa như Mikhêiep, bác chẳng còn có thể tìm đâu ra được, xin phép đối với bác như vậy. Nó là một tên khổng lồ, không vào lọt cái buồng này, hai vai khỏe hơn con ngựa! Tôi muốn biết bác còn kiếm ở đâu ra được một trò ảo đăng như thế! Hắn nói mấy lời sau này với hai bức chân dung của Bagrachiôn và của Kôtôkôtrônix {Kôtôkôtrônix (1770-1883) danh tướng trong Chiến tranh Độc lập của Hi Lạp}. Cũng như giữa một câu chuyện, thường một người nói cứ vô cớ quay sang nói với một người mới đến, mà thậm chí họ không quen biết, và mặc dù họ hiểu rằng không thể mong người ấy tán thành hay phản đối. Họ cứ nhìn chằm chằm vào người ta như định bắt người ta làm chứng; và kẻ mới đến, cũng không biết có nên dự vào một việc mà họ không biết tí gì cả, hay là rút lui sau khi đã làm xong các tục lệ xã giao. - Không, thật đấy, tôi không thể trả hơn hai rúp được đâu, Tsitsikôp nói. - Thôi được, để làm ơn cho bác và để bác không thể trách là tôi lấy của bác đắt quá, tôi để bác bảy lăm rúp một đứa, bằng tiền giấy đấy. Gọi là để làm quen nhau. Tsitsikôp nghĩ thầm: “À, thế ra nó cho mình là đồ ngốc!” rồi lại nói to: - Thật tình, tôi chẳng hiểu ra sao cả. Chúng ta đóng kịch sao đây… Theo tôi, bác cũng là người thông minh và khá học thức. Việc này rất đơn giản, có gì đâu, vật phẩm này lại không có giá trị mua bán. - Xin lỗi bác, bác mua, tức là bác cần nó chứ gì? Tsitsikôp cắn môi và không biết trả lời ra sao. Y muốn viện dẫn hoàn cảnh gia đình này nọ, nhưng Xôbakiêvits đã bác đi một cách khá đơn giản: - Không cần! Tôi chẳng can dự gì đến việc gia đình. Bác cần nông phu, tôi bán cho bác, bác không mua, sau bác sẽ hối. - Hai rúp vậy, Tsitsikôp nói. - Ê, bác thật chẳng khác nào con chim chìa vôi trong tục ngữ: nó chỉ có một tiếng và bất cứ lúc nào cũng lắp đi, lắp lại. Bác vấp phải hai rúp và không muốn nhả ra nữa. Nào, đặt một giá kha khá có thể nhận được đi. Tsitsikôp nghĩ thầm “- Cái đồ chó! Thôi thì ném cho nó cục xương nó gặm vậy” và y nói to: - Được rồi, tôi thêm năm mươi kôpek nữa. - Còn tôi, tôi nói giá hạ nhất, không thể thêm bớt gì nữa: năm mươi rúp! Lấy danh dự mà thề, như thế là tôi thiệt rồi đấy. Bác không mua được ở đâu những quân trai tráng như thế và rẻ hơn thế đâu. “- Đồ rán sành ra mỡ!” Tsitsikôp nghĩ thầm. Rồi nói to, giọng tức giận: - Gớm, việc quan trọng lắm đấy! Bác tưởng tôi có ý định đi mua nơi khác à? Tất cả mọi người, ai chẳng cho không tôi mà lại còn mừng vì tống được những của nợ ấy đi. Có đứa ngốc nào lại muốn giữ lấy để mà phải đóng thêm thuế? - Bác có biết là những lối mua bán thế này – tôi chỉ nói giữa chúng ta với nhau và vì chỗ bạn thân, - là không hợp pháp lắm, và nếu tôi hay một người nào khác mà tiết lộ ra thì cái kẻ đi mua như vậy sẽ không còn ai tín nhiệm được nữa, dù là hợp đồng hay kinh doanh gì cũng vậy. “- Đấy, mục đích của thằng xỏ lá là như thế đấy”. Tsitsikôp nghĩ thầm. Nhưng, tức khắc y nói rất bình tĩnh: - Bác có quyền thích gì làm nấy. Tôi mà mua thì không phải như bác tưởng là tôi cần, mà chỉ là để thỏa một cái ý ngông vậy thôi. Hai rúp rưỡi bán hay không, một tiếng nữa mà thôi. “- Ê, ê, hắn chẳng chịu chiều theo mình thật!” Xôbakiêvits nghĩ thầm rồi nói: - Thôi, trả tôi ba mươi rúp một và cân đi. - Không, tôi thấy là bác không muốn bán. Thôi chào bác. - Xin phép bác, xin phép bác, Xôbakiêvits vừa nói, vừa dang tay ngăn Tsitsikôp lại, vừa xéo lên chân y. Nhân vật của chúng ta, quên cả giữ ý, rên một tiếng và nhảy lên. - Tôi xin lỗi bác, hình như tôi làm phiền bác? Mời bác ngồi xuống đây. Xin mời bác. Hắn dìu Tsitsikôp ngồi xuống ghế bành, với cái dáng điệu của một con gấu đã được tập luyện, biết đi núng na, núng nính, và làm nhiều trò khác khi người ta bảo nó: “- Làm xem nào, Misa, các bà xông hơi như thế nào nào?” hay: “còn trẻ con ăn cắp đậu thì làm như thế nào nào, Misa?” - Nói thật, tôi mất nhiều thì giờ rồi, tôi bận lắm. - Bác chờ cho một tí, tôi xin nói hai tiếng thôi có thể làm bác vui lòng. Hắn ngồi xuống sát bên cạnh Tsitsikôp và thì thầm vào tai y như nói một chuyện bí mật vậy: - Hăm lăm rúp, bác bằng lòng chứ? - Không, một phần tư như thế cũng không? Tôi không thêm một kôpek. Xôbakiêvits lặng thinh. Tsitsikôp cũng vậy. Yên lặng kéo dài đến hai phút. Bagrachiôn với cái mũi quặm chăm chú nhìn cái cảnh cò kè thêm bớt ấy. Cuối cùng Xôbakiêvits mới nói được: “Thế giá cao nhất của bác là bao nhiêu?” - Hai rúp rưỡi. - Một con người đối với bác thật không đắt hơn một củ cải. Bác trả cho ít ra là ba rúp vậy. - Không thể được. - Thôi được! Dù thế nào cũng phải chiều ý bác vậy. Tôi thiệt đấy, nhưng với cái tính nhu nhược, tôi không thể không làm vừa lòng người khác được. Để cho mọi việc hợp lệ, chúng ta phải lập văn tự chứ. - Dĩ nhiên. - Tôi đã nghĩ thế; phải ra tỉnh chứ. Công việc đã ổn, họ quyết định ngày hôm sau sẽ có mặt ở tỉnh để lập văn tự. Tsitsikôp đòi một danh sách nông phu; Xôbakiêvits đồng ý, ngồi vào bàn giấy, tự tay lập một danh sách có đủ tên tuổi lại kèm theo khả năng và đức tính của từng người. Tsitsikôp không có việc gì làm nữa, ngồi ngắm cái vóc to tướng của Xôbakiêvits. Vừa ngắm nghía cái lưng rộng như cái mông của những con ngựa ở Viatka, bộ giò tương tự với những cái cột gang người ta đặt dọc một số lề đường, y phải thốt ngầm lên rằng: “Nói thật, Chúa đã dành cho mày một số phận khá là may! Như thế gọi là vụng cắt mà khéo may đấy! Vì chắc mày cha sinh mẹ đẻ vốn là loài gấu, nếu không thì cũng là đời sống trong cái hang này, công việc ruộng đồng, những sự đôi co với bọn nhà quê của mày, đã làm cho mày hóa gấu, cho mày thành ra một thằng keo kiệt, siết chặt nắm tay” {Ý nói không thả cho ai một xu, trong nguyên văn là “con người - Kulak” nghĩa là con người - nắm tay; cái từ Kulak còn có nghĩa là phú nông mà bản chất là bóc lột và keo kiệt} như người ta thường nói. Không, tao cho rằng giá mày mà có được giáo dục theo thời thượng, giá mày mà có cố vươn lên và hiện nay ở Pêterbua đi nữa, thì mày cũng sẽ hệt như thế thôi. Chỉ khác chăng là đáng lẽ vồ lấy mà hốc một nửa đùi cừu nấu lúa mạch đen kèm theo một cái bánh hấp nhân pho mát to bằng cái đĩa, thì mày nhấm nháp những sườn lợn nấu nấm mà thôi! Đó là điều khác nhau độc nhất. À, còn một điều này nữa: ở đây mày không kiếm chuyện với nông dân và gây thiệt hại gì cho chúng, vì làm thiệt cho chúng tức là tự làm thiệt cho mày, còn ở Pêterbua thì mày sẽ bóc lột bọn thuộc lại và cướp bóc của Nhà nước. Đã siết chặt nắm tay thì không thể mở ra được nữa. Mà giá nó có bằng lòng nới một hay hai ngón tay thì lại càng tệ hại hơn nữa. Cái quân này mà được ít nhiều ánh sáng của một thứ khoa học nào đấy, mà cho nó một địa vị kha khá, thì sẽ thấy nó đối xử như thế nào với những kẻ thực sự làm chủ khoa học ấy. Và hơn nữa, nó sẽ cố nổi tiếng, làm cho thiên hạ “phải biết tay ta” bằng cách ra một pháp lệnh khôn khéo làm lắm kẻ chết {Kiểm duyệt bỏ câu: “Và hơn nữa… lắm kẻ chết”}… À! Giá tất cả những quân bóc lột này… - Danh sách đây rồi, Xôbakiêvits vừa nói vừa quay lại. - Xem nào! Tsitsikôp đưa mắt đọc, khen danh sách rõ ràng, chính xác. Tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của mỗi một con người đều kê khai đầy đủ; ngoài lề còn ghi những nhận xét về hạnh kiểm, điều độ; nom thật thích mắt. - Thế, bây giờ bác đặt cọc cho tôi chứ? Xôbakiêvits hỏi. - Tại sao? Bác lĩnh một lúc cả số tiền ở ngoài tỉnh luôn. - Lẽ phải thế, Xôbakiêvits cãi. - Tôi không mang tiền theo. Bác cầm lấy mười rúp, nếu bác cần. - Mười rúp! Đưa tôi ít nhất là năm chục. Tsitsikôp cố chối là không có tiền, nhưng vô hiệu; Xôbakiêvits quả quyết là y có tiền một cách chắc chắn đến nỗi cuối cùng phải thò ra một tờ bạc nữa. - Đây, mười lăm rúp nữa, vị chi hăm lăm rúp. Nhưng biên nhận cho tôi. - Biên nhận để làm gì - Như thế tốt hơn. Biết đâu chẳng có việc gì xẩy ra. - Được, đưa tiền đây đã. - Tôi cầm tiền đây rồi. Bác ký xong giấy biên nhận thì có thể lấy tiền. - Nhưng muốn làm giấy biên nhận tôi phải trông thấy số tiền đã. Tsitsikôp đưa mấy tờ bạc. Xôbakiêvits để trên bàn, lấy tay trái chặn lên, còn tay phải thì viết lên một mảnh giấy là có nhận một số tiền trả trước là hăm lăm rúp giấy về việc bán nông phu. Rồi hắn xem xét tỉ mỉ từng tờ bạc một. - Tờ này cũ quá, rách quá, hắn vừa nói vừa soi một tờ bạc lên ánh sáng; nhưng thôi cũng được, chỗ bạn bè người ta không soi xét quá kỹ. - Đồ Kulak, đồ Kulak. Và lại xỏ lá thượng hạng nữa là đằng khác. Tsitsikôp tự nhủ như vậy. - À này, bác có thích phái nữ không? - Không, cám ơn. - Tôi không lấy đắt của bác đâu. Một rúp một đứa chỗ bạn bè. - Nhưng, tôi chẳng biết dùng làm gì {Nông nô đàn bà không đăng ký sổ đinh, có mua cũng không ích gì, nên Tsitsikôp không mua}. - Vậy thì không nói chuyện ấy nữa. Mỗi người một sở thích! Không bắt ép được! Kẻ thích ông pốp {Cha đạo chính thống Nga} người thích vợ ông pốp, tục ngữ đã nói như vậy. - Một câu này nữa: tôi mong rằng việc mua bán này chỉ chúng ta biết với nhau thôi, Tsitsikôp nói rõ và cáo từ ra về. - Tất nhiên. Không cần thiết cho một kẻ thứ ba dự vào việc này; đã là bạn tốt thì phải bí mật cho nhau. Thôi chào bác. Cám ơn bác đã đến chơi. Sau này chớ có quên tôi; có phút nào rỗi rãi thì bác đến ăn cơm, chúng ta tiêu thì giờ một cách dễ chịu. Có thể là chúng ta còn giúp nhau được nhiều việc nữa. “- Ngồi đấy mà chờ!”. Tsitsikôp vừa lên xe vừa lẩm bẩm một mình. Nó chém mình hai rúp rưỡi một thằng nông phu chết, đồ quỷ Kulak. Cách cư xử của Xôbakiêvits làm y tức giận. Dù sao thì cũng là nơi quen biết; đã từng gặp nhau ở dinh tỉnh trưởng, ở nhà cảnh sát trưởng, thế mà với cái của chẳng ra gì, nó cũng đi lấy tiền của y như đối với người lạ. Khi chiếc britska đã ra khỏi sân, y quay lại còn thấy Xôbakiêvits đứng trên ngưỡng cửa, như khát khao muốn biết y đi đường nào. “Nó không chịu vào cho, cái đồ súc sinh!” Tsitsikôp cầu nhầu trong mồm. Rồi liền ra lệnh cho Xêlifan đánh xe vòng ra sau dãy nhà gỗ, để cho từ nhà chủ ấp không thể trông thấy y được. Y định tâm đến nhà Pliuskin, mà nếu tin lời Xôbakiêvits, thì nông phu chết như ruồi ấy, nhưng y không muốn cho tên kia có thể ngờ đến việc đó. Khi xe đã ra đến cuối làng, y gọi một người nông dân đầu tiên y gặp, vai mang một tấm ván nặng mới nhặt được trên đường cái như một con kiến không biết mệt. - Này lão già, đến ấp Pliuskin thì đi lối nào, nếu không muốn đi qua trước mặt nhà chủ của lão? Câu hỏi hình như làm người mujik lúng túng. - Không biết à? - Thật tình là không, thưa ngài ạ. - Vô lý! Đã hai thứ tóc thế kia mà chưa biết Pliuskin, cái lão keo kiệt, cho nông phu ăn đói ấy à? - À! Cái lão vá đụp, lão vá đụp! Người nhà quê kêu lên và thêm vào chữ vá đụp một thực danh từ rất ý vị, nhưng không ai dùng trong giới thượng lưu, mà vì thế cho nên chúng tôi không nhắc lại đây. Cái tiếng ấy chắc là rất tài tình, vì sau khi người mujik đã mất hút từ lâu rồi, Tsitsikôp vẫn còn cười ở trong xe. Dân Nga có những tiếng gọi thật là ốc sạo. Họ mà đặt cho ai một cái biệt hiệu, thì người ấy lưu truyền nó lại cho con cháu, mang nó theo suốt cả đời, đến Pêterbua, đến tận cùng thế giới. Dù có đánh lộn sòng, có làm bộ ra người quí phái, có thuê những gia hệ học giả {Người chuyên làm gia hệ, ghi các thế hệ ông bà, tổ tiên của một gia đình với chức tước, danh vị để nêu lên nguồn gốc quí tộc} gán cho mình một dòng dõi vương công, thì cũng đến toi công, toi của mà thôi: cái biệt hiệu, như một con quạ gan lì, cứ rán hết gân, hết sức mà quạ quạ và tố cáo lai lịch của mình là quạ. Như một cách ngôn viết trên giấy trắng mực đen, một câu nghĩ sâu, nói rõ không thể nào dùng rìu mà đẵn xuống được. Và tế nhị biết bao, mãnh liệt biết bao tất cả những gì, từ những chốn sâu thẳm của nước Nga mà ra, từ nơi mà giống nòi còn thuần khiết không pha lẫn Đức, Phần Lan hay những gì khác, nơi ngự trị của trí tuệ Nga linh hoạt, táo bạo, tươi như mới ra đời; cái trí tuệ không có sẵn lời nói trong túi, không ấp ủ từng tiếng nói như gà mái ấp con; mà đem gán cho anh một chữ, chỉ một lần thôi, nhưng mà anh phải mang như một tấm hộ chiếu suốt cả đời; không cần phải thêm vào hình dạng của mũi hay của môi anh, vì chỉ một nét là đã vẽ xong chân dung của anh toàn vẹn từ đầu đến chân rồi! Vô số là giáo đường và tu viện, nóc vòm, và nóc hình củ hành, có chữ thập, rải rác khắp nước Nga thần thánh, nước Nga sùng đạo, vô số là chủng tộc, dân tộc, chen chúc, giãy giụa trên mặt đất này. Mỗi dân tộc mang trong mình một sức mạnh làm bảo chứng, có riêng của mình trong năng lực sáng tạo, những đặc điểm nổi bật và những thiên tư khác nữa; nhưng mỗi dân tộc chỉ khác người vì ngôn từ của mình, bởi chưng bất cứ trường hợp nào, lời nói cũng phản ánh một nét đặc sắc của tính chất dân tộc. Tiếng nói của người Anh chứng tỏ một sự am hiểu sâu sắc lòng người và cuộc đời; tiếng nói của người Pháp rực rỡ một ánh sáng nhẹ nhàng, duyên dáng, phù phiếm, người Đức thì nhai đi, nhai lại mãi một câu nói cầu kỳ mà không mấy ai hiểu được; nhưng không có một lời nói nào mà bộc phát từ quả tim, mà sôi sục, mà rung động một sinh lực mãnh liệt như một câu tiếng Nga có ý nghĩa.