Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Chương 7

Sung sướng thay những kẻ lữ hành sau những đoạn đường dài đi một mạch trong mưa gió, bùn, luôn luôn bị ám ảnh vì tiếng nhạc ngựa, vì xe hỏng phải sửa chữa, vì phải đấu khẩu thường xuyên với bọn hạ lưu trên đường cái: phu trạm, thợ đóng móng ngựa, trưởng trạm ngủ lì gọi không thưa, và tất cả những bọn khác nữa; sung sướng thay khi trông thấy lại cái mái nhà của mình và được hưởng sự an ủi của cuộc đón tiếp nhiệt tình: người nhà chạy ra, mồm reo vui vẻ, tay soi đèn đuốc; những con trẻ lăng xăng nghịch ngợm; những lời nói dịu dàng xen lẫn những cái ôm hôn nồng nàn có thể tẩy hết mọi thứ phiền muộn khỏi trí nhớ! Sướng thay cho người chủ gia đình, nhưng mà lại khổ thay cho kẻ không vợ, không chồng!
Sung sướng thay nhà văn trốn không tả những tính cách phẳng lặng mà sự tầm thường vô vị đè nén nặng nề, và làm cho người ta chán ngán, để chuyên tả những tâm hồn cao thượng làm vinh dự cho loài người; trong những hình tượng luôn luôn đổi thay như một con lốc, họ được chọn chỉ vài nét đặc sắc hiếm có, họ không bao giờ phải phản bội âm điệu cao cả của thiên tài mình, không hề hạ cố đến những kẻ phù sinh hèn mọn, mà chỉ cao bay, xa cuộc đời phàm tục, không niềm cao cả tuyệt vời. Số phận cao cả của họ lại càng đáng thèm muốn vì họ được ở giữa những nhân vật thượng lưu của họ như ở trong gia đình, và danh vọng của họ vang lừng khắp vũ trụ. Họ phỉnh nịnh người đời và làm cho người ta say sưa, bằng cách che khuất hiện thực, giấu giếm những khuyết điểm mà chỉ phô trương vẻ lớn lao đẹp đẽ của loài người. Thiên hạ đều vỗ tay hoan hô và lũ lượt kéo nhau theo sau xe khải hoàn của họ {Trong lịch sử La Mã, những tướng thắng trận lớn được tổ chức lễ khải hoàn long trọng; người chiến thắng đứng trên xe trận kéo vào đô thị, ở sau là quân lính, tù binh, chiến lợi phẩm kéo theo đám rước}. Người ta suy tôn họ là đại thi hào, khẳng định rằng họ vượt xa các tao nhân, mặc khách khác về thiên tài, như chim đại bàng ăn đứt tất cả các loài chim bay cao, nghe tin họ, những quả tim thanh xuân phải rung động, những giọt lệ cảm thông long lanh trong tất cả mọi khóe mắt. Chẳng một ai có thể sánh với họ về uy lực!...
Một số phận khác chờ đợi nhà văn dám khuấy lớp bùn ghê tởm của những sự hèn hạ mà cuộc đời của chúng ta sa lầy vào, dám lặn ngụp xuống vực thẳm của những bản tính lạnh ngắt, ti tiện tầm thường, mà trong cuộc hành hương của chúng ta ở dương thế, nhiều khi gian khổ biết bao, mỗi bước chúng ta lại gặp, - nhà văn, với một nét dao trổ tàn nhẫn dám phơi bày ra ở chỗ thanh thiên bạch nhật, cái mà đôi mắt hờ hững của chúng ta không chịu nhìn thấy! Nhà văn ấy sẽ không được những tiếng vỗ tay của quần chúng, những giọt lệ biết ơn, những mối nhiệt tình bồng bột và đồng thanh; nhà văn sẽ không gây được một chút khát vọng hào hùng nào trong những quả tim mười sáu tuổi, sẽ không để cho những âm điệu của chính mình lại mê hoặc mình và cuối cùng sẽ không tránh được sự phê phán của những kẻ đương thời, lòng lim dạ sắt và giả nhân giả nghĩa; họ sẽ cho những công trình sáng tác thân yêu của nhà văn là những bài viết điên cuồng và báng bỉ; họ đem những thói hư tật xấu của nhân vật mà gán cho tác giả; họ cho rằng tác giả không thể có một quả tim, một linh hồn và ngọn lửa thiêng tài ba được. Vì những người đương thời từ chối không muốn công nhận rằng tấm kính dùng để soi xét những cử động của những côn trùng không nhìn thấy {Ý tác giả muốn nói những vi trùng} cũng quí như tấm kính cho phép ta quan sát mặt trời; họ phủ nhận rằng cần có một sức thấu triệt mãnh liệt, lớn lao mới làm sáng được bức tranh mượn cuộc đời bỉ ổi để tạo thành một công trình tuyệt tác; họ phủ nhận rằng một tiếng cười mạnh mẽ cũng chẳng thua kém gì một mối xúc cảm trữ tình đẹp đẽ, mà đối với cái méo mặt, méo mày của những anh hề hát tuồng, thì cách nhau một trời một vực. Phủ nhận tất cả các điều ấy, những kẻ phỉ báng đem giá trị của nhà văn chưa ai biết tiếng ra chế giễu chua cay; anh ta chẳng hề được ai hưởng ứng một lời và đành phải cô lập giữa đường đời. Khắc khổ thay sự nghiệp của anh ta, cay đắng thay nỗi cô đơn của anh ta!
Còn tôi, tôi biết một uy lực ở trên chúng ta bắt tôi còn phải lâu nữa đi sát cánh với những nhân vật dị kì của tôi, phải ngắm qua cái cười ngoài mặt và những giọt lệ bất ngờ, cái diễn biến vô tận của trò đời. Còn lâu nữa, nguồn cảm hứng mới trào ra từng đợt dữ dội hơn, từ óc tôi đang lúc phấn kích thiêng liêng; và thiên hạ run sợ sẽ tiên cảm là những lời lẽ uy nghiêm sắp từ đấy vang lên như sấm dậy {Đoạn này Gôgôn thay vào đoạn đã viết trong bản thảo thứ hai nguyên như sau: - Ai biết được? Những trang tầm thường có lẽ sau này sẽ rực rỡ lên một ánh sáng mà bây giờ không ai ngờ đến. Có lẽ một thi hào (ôi phần thưởng thiêng liêng biết bao!) sẽ xúc động một cách tôn nghiêm trước những trang ấy, văn khí mãnh liệt của cảm hứng làm xao xuyến đầu óc thi hào và những khúc ca mới sẽ tái tạo thế giới. Đem thay hình tượng “một thi hào” bằng hình tượng của chính bản thân, sau những đắn đo và sửa đi sửa lại rất nhiều, Gôgôn đã bắt đầu quan niệm vai trò cải tạo xã hội của mình với tác phẩm Những linh hồn chết này; nhất là trong những phần sau, điều ấy càng rõ}…
Lên đường, lên đường thôi! Vui lên; đi sâu vào cuộc đời, vào giữa những tiếng om sòm, tiếng nhạc vui của cuộc đời và xem Tsitsikôp đang làm gì.
Tsitsikôp tỉnh dậy, vươn vai và thấy mình rất khoan khoái. Y nằm ngửa thêm hai phút nữa, nhưng sực nhớ ra rằng mình đã là chủ nhân của bốn trăm nông phu, y liền bật ngón tay kêu tanh tách, vẻ mặt hớn hở. Nhảy xuống khỏi giường, y không nghĩ đến việc soi gương ngắm nghía bộ mặt mà y khá mê, đặc biệt là cái cằm mà y thích khoe vẻ duyên dáng với bạn bè, nhất là trong khi cạo râu.
“- Này xem, cằm tôi tròn trĩnh đấy chứ nhỉ!” y thường bảo các bạn vừa nói vừa xoa, vuốt nó. Nhưng hôm nay, quên cả cằm lẫn mặt, y xỏ chân ngay vào ủng, một đôi ủng da dê sặc sỡ mà nhờ giai cấp quí tộc của chúng ta, thành phố Torjok {Một huyện lỵ trong tỉnh Tve, nổi tiếng về nghề thuộc da} buôn bán rất nhiều với cách ăn mặc theo kiểu Tô-cách-lan ấy, y cởi bỏ vẻ trang nghiêm thích hợp với tuổi tác và tính tình của y để biểu diễn hai điệu nhảy antrasat khá thành công. Rồi chẳng chần chừ gì nữa, y bắt tay vào việc. Y ngồi vào bàn viết, vui sướng chẳng khác gì một quan tòa thanh liêm sau một cuộc điều tra ngồi vào một cái bàn đầy đủ hồ sơ và rút ra những giấy tờ cần thiết. Không muốn công việc kéo dài ra, y quyết định tự tay thảo những văn khế rồi chép lại, để khỏi mất tiền thuê bọn thư ký lục sự. Rất thạo thể thức lập văn tự, y nhanh nhẹn viết, trước hết bằng chữ to: năm một nghìn tám trăm…, rồi bằng chữ rất nhỏ: tôi là mỗ, trang chủ…, rồi cứ thế viết tiếp. Sau hai giờ, thì mọi giấy tờ đã làm xong.
Đến khi y ngắm nghía tất cả những mảnh giấy nho nhỏ ấy, những nông dân, trước đây chưa bao lâu, còn là những con người bằng xương, bằng thịt, làm lụng, cày bừa, chở xe, say rượu, lừa chủ - hay có thể là những kẻ lương thiện, thật thà, - thì một tình cảm là lạ, mà chính y cũng không thể hiểu rõ là tình cảm gì, bỗng chiếm lấy tâm hồn y. Mỗi danh sách hình như có một đặc tính và truyền cái đặc tính ấy lại cho những người mujik có tên trong danh sách. Nông nô của bà Kôrôbôtska thì phần lớn đều có tên tục kèm theo. Tờ ghi của Pliuskin nổi bật vì gọn và rõ: những chữ hoa có chấm đằng sau thường để chỉ tên thánh và tên bố của từng người. Tờ liệt kê của Xôbakiêvits làm cho người ta chú ý vì nhiều chi tiết phong phú; tất cả mọi tính tốt của nông phu đều được ghi lại. Tên người này có chú rõ: thợ mộc khéo; tên người kia: thông minh và không bao giờ say rượu. Xôbakiêvits cẩn thận, chẳng quên cả tên họ và hạnh kiểm của bố mẹ từng người; chỉ có tên Fêđôtôp nào đó là mang theo đặc điểm này: không biết bố là ai, mẹ là con hầu buồng Kapitôlin, nhưng thật thà và hạnh kiểm tốt. Tất cả những chi tiết ấy làm cho tập giấy tờ có một vẻ tươi mát đặc biệt; những người lương thiện này hình như chỉ mới chết hôm qua thôi. Tsitsikôp mủi lòng, thở dài và nói: - Các bạn ạ, các bạn đã tề tựu đông đúc! Các bạn thân mến, trước kia các bạn sống bằng cách nào? Các bạn phải giật gấu vá vai như thế nào?
Đôi mắt y vô tình dừng lại ở một cái tên, tên của anh chàng trứ danh Piôtr Xavêliep Chẳng kiêng nể gì ai, nông nô cũ của bà Kôrôbôtska. Lần này nữa, y cũng không thể không nói: - Tên sao mà dài thế, chiếm hết cả một dòng! Chú là ai? Con người trung hậu của ta, là thợ thủ công hay chỉ là nông phu thường? Chắc là chú chết ở quán rượu, trừ phi một đoàn xe tải chẹt chết chú trong khi chú nằm ngủ sóng soài ngay chính giữa đường cái.
Xtêpan Nút chai, thợ mộc, gương mẫu về tính điều độ. - A! A! Xtêpan Nút chai đây rồi, tay khổng lồ có thể lập kỳ công trong quân cận vệ đây rồi! Con ạ, chắc chắn là con đã chu du khắp các tỉnh, đôi ủng đeo trên vai, cái rìu giắt thắt lưng, chỉ ăn một đồng tiền bánh mì với hai đồng cá khô, để mỗi bận đi làm đem về một trăm rúp bạc trong hầu bao, không kể tiền giấy mà con đút vào trong ủng hay có thể là con đem lót vào trong quần, dưới lần vải thô! Quỉ sứ, không biết con đã qua đời ở chốn nào? Chắc là con muốn kiếm thêm tiền nên nhận chữa một cái gác chuông và lỡ chân ngã xuống, để cho một lão Mikhêi nào đấy được dịp gãi đầu, lẩm bẩm: “- Thôi, thôi! Cậu ơi; cậu làm sao thế!...” rồi tức tốc buộc dây vào sườn, leo lên thay con?...
Macxim Têliatnikôp, thợ giày. Ồ! Quái, thợ giày à? Tục ngữ Nga có câu: Say khướt như thợ giày. Ta biết chú, chú ạ, có muốn thì để ta kể cho nghe cái tiểu sử của chú vắn tắt mấy lời. Chú học việc ở nhà một lão người Đức, - ăn cùng bàn, ngủ cùng giường với nó, nó nhắc chú không được biếng nhác với một sợi dây da quật vào lưng chú và cấm chú lêu lổng ngoài phố, - chú khéo tay tuyệt trần và lão Đức không ngớt lời ca tụng chú với vợ hắn hay pạn {Trong nguyên văn là tiếng Đức Kamerad nghĩa là bạn và đọc rất nặng} hắn. Học việc xong, chú tự nhủ: “- Bây giờ thì mình đi mở hiệu, nhưng đáng lẽ làm ăn chật vật như lão Đức hà tiện mình sẽ bốc rất chóng”. Tô nộp cho chủ xong, chú liền bắt tay vào việc và người đến đặt hàng tới tấp. Chú mua da xấu không mất bao lắm, và mỗi đôi ủng chú ăn lãi gấp đôi; nhưng, chỉ đi mười lăm ngày là ủng há mõm và khách hàng đả cho chú những trận nên thân. Cửa hàng của chú vắng vẻ, chú tiêu sầu bằng cốc rượu; nằm lăn ra ngoài phố, chú nói dại: “- Đời chẳng ra gì. Người Nga không thể kiếm ăn được nữa, chỉ còn phần cho bọn Đức mà thôi!”
Ờ, còn tên này là tên nào? Elizavêta chim sẻ! Đàn bà? Con mẹ này đến đây làm gì? Thằng đểu Xôbakiêvits thế mà cũng kiếm cách lừa được mình!
Tsitsikôp nói không sai: đúng là một mụ đàn bà, ghi xen vào danh sách một cách xảo trá vô cùng. Phải xóa nó đi chứ.
- Grigôri, Đi mà không đến! Quỉ sứ, chẳng biết mày là thằng thế nào? Chắc mày là một thằng chở thuê; tậu được ba con ngựa với chiếc xe tồi tàn thì vĩnh biệt cái hang của mày để đi chở bọn lái, chợ phiên này đến chợ phiên nọ. Mày đã về chầu Chúa ở trên đường cái lớn rồi à? Có phải bạn bè mày đã khử mày đi vì tình yêu của một con mụ nào đấy, to béo và mặt đỏ như gấc? Hay là đôi bao tay bằng da của mày, mấy con ngựa béo lùn của mày đã cám dỗ thằng cướp đường nào rồi? Hay lại là, đang mơ màng trong cái gác xép của mày, mày không cưỡng lại nổi ý muốn xộc vào một tiệm rượu, rồi từ đấy xăm xăm lao ra sông, chẳng ai hay, ai biết. Kỳ quặc thay người Nga chúng ta; họ không muốn chết cái chết cho vẻ vang!
Y lại liếc mắt sang tờ giấy ghi tên những nông nô bỏ trốn của Pliuskin; và tiếp tục: - Còn các cậu, của quí của ta, các cậu còn sống, đúng thế, nhưng cũng chẳng hơn gì bọn kia! Các cậu xa chạy, cao bay và bây giờ đã đến tận những đâu rồi? Có thật ở ấp Pliuskin, các cậu sống khổ sở đến thế không? Hay là các cậu để cho cuộc đời phiêu bạt nó quyến rũ và lấy việc quấy nước chọc trời làm thú vị? Các cậu đang sống lay lắt trong tù hay đã bán mình cho chủ khác và cày cuốc cho họ? Iêrêmêi Cứng đầu, Nikita Chạy rông và con trai là Antôn Chạy rông… Cứ theo biệt danh của họ cũng có thể đoán được là hai cha con nhà này đã thông đồng nhau để đào tẩu… Pôpôp, đày tớ… Cái thằng này chắc là biết đọc, biết viết. Nó không múa dao dọa người và nó ăn trộm một cách lương thiện nhất trên đời. Nhưng mà cậu bị tóm vì không có giấy thông hành và cậu cam đảm bị chịu đựng cuộc thẩm vấn của viên đại úy quận trưởng cảnh sát: “- Mày là nông nô của ai? Viên đại úy hỏi, vừa hỏi vừa tặng thêm cậu một tiếng rủa khá thích đáng. Cậu mạnh dạn đáp: là của trang chủ nào, nào đấy. Viên quận trưởng lại hỏi: - Mày đến đây làm gì? Cậu vẫn điềm nhiên nói chắc chắn: - Tôi được nghỉ vì nộp đủ tô cho chủ rồi. Thế thông hành của mày đâu? - Tôi gửi ông thợ Pimênôp, chủ thuê tôi. - Bảo lão Pimênôp vào đây. Lão Pimênôp à? - Chính tôi. - Thằng này bảo là có gửi giấy thông hành cho lão. Thật thế không? - Không bao giờ! - Thế ra mày nói dối à? Viên quận trưởng vừa nói vừa rủa một tiếng nữa. - Đúng đấy; cậu thú nhận một cách sống sượng; tôi về khuya và gửi cho Antip Prôkhôrôp, lão đánh chuông - Gọi lão đánh chuông vào đây… Nó có gửi giấy thông hành cho lão không? - Chẳng gửi gì cả! - Vậy ra mày lại nói dối lần nữa? Viên đại úy quận trưởng nổi nóng chửi mắng túi bụi… Nào, giấy thông hành của mày đâu? Cậu vẫn gan lì: - Tôi có một tờ, nhưng chung qui, hình như tôi đánh mất khi đi đường. Viên đại úy quận trưởng lại tặng cậu một hình dung từ êm tai nữa rồi hỏi: - Thế còn cái áo ngoài nhà binh và cái tráp đựng tiền của cha xứ, tại sao mày lại lấy trộm? - Cậu vẫn thản nhiên nói: - Lấy trộm à? Tôi chưa bao giờ làm cái nghề ấy cả! - Nhưng mà người ta tìm được cái áo ngoài ở nhà mày, nó ở đâu ra? - Tôi biết đâu, ai mang đến đấy chứ. Viên đại úy quận trưởng hất đầu lên, nắm hai tay chống vào sườn, quát: - À! Đồ du côn! Cùm nó lại, nhốt vào lao! - Được, tùy ý quan!”. Cậu đồng ý, và rút hộp thuốc lá, cậu lấy hai dúm, thết hai người phế binh đến cùm chân cậu và lời lẽ dễ thương, cậu hỏi họ là giải ngũ từ bao giờ và đã dự những chiến dịch nào. Bây giờ thì cậu nằm trong ngục rồi; vụ án đang tiến hành theo thủ tục; từ Txarêvô Koksaixk người ta đưa cậu đến một thành phố khác, rồi từ đấy đến Veđxiêgônxk {Hai thành phố này khá xa nhau, vì ở hai tỉnh khác nhau: Kazan và Tve} hay nơi nào khác; như vậy cậu chuyển mãi từ nhà tù này sang nhà tù khác và đến một nơi nào là cậu lại ngắm nghía nhà mới và nói: “- Không, nhất định là ở Vetxiêgônxk thoải mái hơn và đủ hạng người hơn!”
Abakum Fưrôp! Chú em đã dông dài mãi đến tận những đâu? Có lẽ tình cờ chú đã đến sông Vonga chăng? Chú đã để cho cuộc đời phóng khoáng của những kẻ kéo thuyền trên sông cám dỗ rồi chăng?...
Tsitsikôp ngừng nói một mình và bắt đầu suy nghĩ mông lung. Y nghĩ đến số phận của Abakum Fưrôp chăng, hay chỉ gợi ra cuộc đời tự do, phóng khoáng, giấc mơ thân yêu của người Nga ở mọi lứa tuổi, mọi cấp bậc, mọi địa vị? Và thật ra, Fưrôp có thể đang ở đâu bây giờ? Có thể hắn đi làm thuê cho bọn con buôn và đang đi đi, lại lại trên bến lúa mì trong cảnh ồn ào vui vẻ. Đội mũ buộc dải và kết hoa, bọn bạn đồng thuyền đang náo nhiệt tạm biệt vợ hay tình nhân, những cô gái khỏe mạnh, xinh đẹp, quấn đầy dải màu và cổ đeo kiềng. Hát và nhảy xen lẫn nhau, trong lúc bọn phu dỡ hàng, vừa hò hét vừa nguyền rủa, dùng móc kích lên lưng tới những chín pút {Chín pút là gần trăm rưỡi ki lô} đậu hay tiểu mạch rồi ầm ỹ đem đổ xuống lòng những chiếc sà lan sâu; những kiện kiều mạch và bột sấy ngổn ngang trên bến; bao và bì chồng chất lên thành đống như những đống đạn đại bác, xếp thành hàng dài đến tít mù tắp: cái công binh xưởng khổng lồ ấy sắp phải biến vào lòng sâu của những thuyền buồm, và chờ khi băng tan là thuyền nối đuôi nhau xuôi theo dòng nước. Lúc mà đoàn thuyền vô tận ấy bắt đầu ra đi là giờ của các chú đã đến, các chú kéo thuyền ạ! Cũng thực tâm như trong cuộc vui vừa qua, các chú sẽ cố sức, kéo, kéo cái dây, theo nhịp của một bài hát trầm trầm, đơn điệu và không dứt, cũng như người đấy, nước Nga ơi!... {Trong những bản thảo đầu không có đoạn này, sau Gôgôn mới dựa trên những điều ghi chép trong sổ tay về các cuộc du hành của mình mà thêm vào}
- À, đứng bóng rồi cơ đấy! Tsitsikôp nhìn đồng hồ và thốt lên. Thế mà mình còn lêu lổng ở đây! Ngốc quá!
Nói xong, y thay bộ cánh Tô-Cách-Lan bằng một bộ quần áo kiểu Âu châu. Y thắt lưng ong cho đến mức cuối cùng không thể thắt được nữa, bơm hơi Ô đơ Côlôn vào người, cầm cái cặp giấy và cái mũ lưỡi trai lót lông rồi tức tốc đến tòa án dân sự đăng ký giấy tờ. Không phải y sợ đến muộn quá; quan chánh án, bạn y, có thể tùy ý rút ngắn hay kéo dài các phiên tòa, tựa hồ chúa thần Zêux thời cổ của Hômerôx thường kéo dài hay rút ngắn thời gian ban ngày để cho những anh hùng mà ông ta ưa thích thắng một trận, hay để chấm dứt những cuộc tranh chấp của họ; không phải Tsitsikôp sợ đến muộn quá mà y chỉ muốn cho chóng xong việc, càng sớm càng tốt. Mấy cái văn khế mà chưa đính kết xong xuôi, thì cái việc kia đối với y vẫn còn là chưa chắc chắn gì: đám nông phu mới thực sự là của y có một nửa và như vậy thì phải nhanh chân, không nên chậm trễ là hơn. Y vừa đi ra vừa nghĩ đến những điều ấy, nhưng không quên khoác lên vai một tấm da gấu bọc dạ màu vỏ quế. Vừa ló mũi ra ngoài thì ở góc đường đầu tiên y chạm phải một ông, cũng đội chiếc mũ lưỡi trai bịt tai và khoác một tấm da gấu bọc dạ màu vỏ quế. Người ấy kêu lên một tiếng rồi đâm bổ vào đôi cánh tay của Tsitsikôp: đó là Manilôp. Họ quấn lấy nhau lâu đến năm phút; họ ôm chầm lấy nhau mạnh đến nỗi cả hai đều đau lợi ê ẩm suốt cả ngày. Nỗi vui mừng làm cho Manilôp nhắm tịt cả hai mắt lại; mặt chàng chỉ còn là môi với mũi mà thôi. Chàng nắm đến gãy tay Tsitsikôp trong mười lăm phút đồng hồ. Với những lời lẽ ngọt ngào nhất, chàng kể lại là chính chàng đang bay tới gặp Paven Ivannôvits để ôm lấy cổ y và kết thúc câu chuyện với một lời chúc tụng xứng đáng ở miệng một công tử mời một tiểu thư thanh xuân khiêu vũ. Tsitsikôp mở mồm ra, nhưng không biết cám ơn với cái giọng như thế nào thì Manilôp đã rút từ dưới áo cầu ra một cuộn giấy thắt một dải lụa hồng.
- Thưa bác, cái gì đấy ạ?
- Danh sách nông phu.
- À! À!
Tsitsikôp mở cuộn giấy và sau khi liếc mắt nhìn, ngỏ lời ca tụng nét chữ tuyệt đẹp.
- Đẹp quá, y nói. Không cần phải chép lại nữa. Lại có cả khung đóng chung quanh; ai vẽ thế bác?
- Xin bác đừng hỏi, Manilôp nói.
- Bác vẽ đấy à?
- Không, nhà tôi đấy ạ.
- Ồ! Lạy Chúa! Tôi thật lấy làm hổ thẹn là đã làm phiền hai bác đến thế.
- Vì Paven Ivannôvits thì cố gắng bao nhiêu cũng không có gì là phiền cả.
Tsitsikôp nghiêng mình cảm tạ. Biết Vecjilux đến tòa án để đăng ký các văn khế, Manilôp xin được cùng đi. Đôi bạn tay khoác tay, ra đi. Cứ mỗi một bước, cứ mỗi một chỗ nhấp nhô của mặt đất, Manilôp lại đỡ Tsitsikôp, gần như nhấc hẳn y lên, vừa đỡ vừa nói với một nụ cười hết sức sung sướng, rằng chàng không thể nào chịu để cho đôi chân bé nhỏ của Tsitsikôp phải vấp váp sây sát được. Tsitsikôp khá ngượng vì biết mình cũng hơi nặng nề, nên cảm ơn rối rít. Mời mọc, nhường nhịn nhau không thể nào tả cho hết được; sau cùng họ mới đến quảng trường có tòa án, một tòa nhà ba tầng to tướng, bằng đá mà cái màu trắng tinh như phấn, chắc là tiêu biểu cho lòng liêm khiết của những người trong nhà. Kích thước tòa nhà ấy tương phản với những vật trang hoàng khác của quảng trường: một chòi canh với người lính gác, hai hay ba cái trạm cho xe đỗ và cuối cùng là những hàng rào bằng ván dài, tô điểm bằng những bức vẽ bậy thường lệ, bằng than hay bằng phấn. Cái khoảng đất hoang phế, mà ở nước ta thường gọi là một quảng trường đẹp đẽ, là như thế đấy.
Ló ra một lát ở các cửa sổ tầng hai, tầng ba, các pháp quan chính trực, không thể mua chuộc được, đã vội lẩn vào ngay; chắc là vì vị thủ trưởng đang đi xem xét các phòng. Đôi bạn đi lên thang gác, hay đúng hơn là trèo lên. Tsitsikôp cố nhanh chân để tránh những sự săn sóc của Manilôp, còn Manilôp thì xô lên trước để nâng cho Paven Ivannôvits đỡ mệt. Vì vậy mà lên đến cái phòng chờ tối om om thì cả hai đều thở hồng hộc. Trong các hành lang, cũng như trong các phòng, không nơi nào sự sạch sẽ làm cho họ phải chú ý cả; người ta chưa cần quan tâm đến sạch sẽ; cái gì bẩn thì cứ việc mà bẩn và chẳng cần có chút dễ coi gì hết. Thêmix {Nữ thần công lý, tượng trưng cho quyền tư pháp} cứ xuềnh xoàng mà tiếp khách, chẳng khách sáo gì cả.
Ở đây đáng lẽ phải tả các phòng mà đôi bạn đi qua; nhưng đối với các công sở, tác giả vốn rụt rè, không thể nào bạo dạn lên được. Khi có việc phải đến, dù là những nơi sạch sẽ, tươm tất hơn hết, - sàn đánh xi, bàn bóng lộn, - tác giả cũng chẳng hề ở lâu và luôn khiêm tốn nhìn xuống đất; cho nên không biết gì về vẻ lộng lẫy của chốn quan nha cả. Đôi bạn trông thấy rất nhiều giấy, giấy trắng và giấy đã viết đen cả rồi, những cái đầu cúi xuống, những cái gáy vạm vỡ, những áo đuôi én, những áo lễ theo thời trang tỉnh nhỏ, và giữa những áo ấy, nổi bật lên một cái áo vét tông thường, màu ghi nhạt. Người mặc áo vét tông, đầu ngoẹo xuống, cúi gầm như dán vào giấy, chép lia lịa một cái biên bản tịch ký đất đai do một anh quí tộc nhà quê nào chiếm đoạt của người khác; cái anh quí tộc ấy, lúc nào cũng bị kiện cáo, nhưng vẫn sống bình yên cho hết số, - được gọi là cha, là ông, khá tôn kính, - dưới sự bảo hộ của nữ thần Công lý. Chốc chốc một giọng ồ ồ thốt ra những câu gọi ngắn: “- Fêđôxêi Fêđôxêiêvits, đưa cho tôi tập hồ sơ số 368. Lúc nào anh cũng đánh lạc cái nút lọ mực!”. Thỉnh thoảng, một giọng có vẻ sai khiến, tất nhiên là của một kẻ bề trên, ra lệnh: “- Chép cái này lại cho tôi! Không thì người ta lột đôi ủng ra là cứ đấy mà ngồi sáu ngày ròng rã, không được ăn uống gì!”. Tiếng bút lướt trên giấy nghe như tiếng những chiếc têlêga chở đầy cành khô héo qua một con đường rừng phủ một lớp lá khô dày tới một phần tư arsin {Đơn vị đo chiều dài bằng 71 cen ti mét}.
Tsitsikôp và Manilôp hỏi hai viên thư ký ngồi ở bàn đầu.
- Thưa ngài cần gì thế? Hai người thư ký đang sao chép, cùng quay lại, đồng thanh hỏi như vậy.
- Nộp cái đơn thỉnh nguyện.
- Nhưng các ngài đã mua gì vậy?
- Nhờ ngài chỉ cho phòng văn khế đã.
- Nhưng muốn chỉ thì trước hết chúng tôi phải biết các ngài mua gì và giá cả thế nào đã.
Tsitsikôp biết ngay là, cũng như tất cả mọi kẻ thuộc lại trẻ tuổi, hai cậu nhãi ranh này tò mò và muốn làm ra mình quan trọng.
- Này, các anh ạ, y nói, tôi biết rõ là tất cả mọi thứ văn khế, dù số tiền lớn hay nhỏ, đều thuộc một phòng cả; nhờ các anh làm ơn chỉ giúp cho; nếu các anh không biết thì để chúng tôi hỏi người khác.
Lời đối đáp ấy làm cho hai anh chàng cạo giấy chẳng biết nói năng gì nữa; một chàng chỉ vào một góc phòng có một ông già đang sắp xếp hồ sơ. Tsitsikôp và Manilôp lượn giữa những bàn giấy, đi thẳng đến chỗ ông lão, hình như đang mải mê với công việc.
Tsitsikôp nghiêng mình nói: - Xin phép hỏi cụ có phải ở đây làm văn khế không ạ?
- Không có một văn khế nào làm ở đây cả, ông lão ngước mắt lên, nói dằn từng tiếng.
- Vậy thì ở đâu ạ?
- Ở phòng văn khế.
- Thế phòng ấy ở đâu?
- Hỏi ông Ivan Anôtôvits.
- Nhưng ông Ivan Anôtôvits ở đâu?
Lão già chỉ góc phòng đối diện. Tsitsikôp và Manilôp đi về phía Ivan Anôtôvits; trông thấy họ đến, hắn liếc trộm một cái rồi vội vàng tiếp tục viết.
Tsitsikôp nghiêng mình hỏi: - Xin lỗi; có phải đây là phòng văn khế?
Ivan Anôtôvits làm bộ không nghe thấy và biến mất trong đống giấy tờ. Bọn thanh niên lếu láo chỉ mất thì giờ tán nhảm, có ra cái quái gì! Ivan Anôtôvits, con người chín chắn, đã quá tứ tuần; bộ tóc ông đen rậm, phần giữa mặt ông nhô ra làm thành một cái miệng hũ, như người ta thường nói một cách thông tục.
- Xin lỗi đã làm phiền ngài, Tsitsikôp lại nói; đây có phải là phòng văn khế không ạ?
- Phải, Ivan Anôtôvits trả lời, vừa nói vừa giơ cái miệng hũ lên rồi lại cúi gầm ngay xuống đống giấy tờ.
- Chúng tôi đến đây vì việc này: tôi có mua một số nông dân của mấy trang chủ trong quận để đưa đi lập ấp; văn tự đã làm xong, chỉ còn nhận thực.
- Người bán có cả đây không?
- Mấy người thôi; những người khác có làm giấy ủy quyền.
- Có mang theo đơn thỉnh nguyện không?
- Có. Tôi có việc gấp… tôi mong… nói tóm lại là nội hôm nay có thể xong việc được không ạ?
- Hôm nay cơ à!... Không thể được, Ivan Anôtôvits nói. Trước hết phải điều tra xem có trường hợp cấm chế không đã.
- Tôi quen thân với Ivan Grigôiêvits, quan chánh án, chắc có thể làm gấp lên được.
- Ở đây không phải chỉ một mình Ivan Grigôiêvits, còn những người khác nữa, Ivan Anôtôvits càu nhàu cãi lại như vậy.
Hiểu câu nói bóng, Tsitsikôp tuyên bố:
- Những người khác không bị bỏ quên đâu. Chính tôi cũng đã từng ở địa vị các ông, tôi biết rõ tục lệ…
- Ông vào gặp Ivan Grigôiêvits đi, Ivan Anôtôvits nói, giọng đã bớt xấc láo. Để ông ta ra lệnh; chúng tôi chẳng giữ ông lại lâu đâu.
Rút trong túi ra một tờ giấy bạc, Paven Ivannôvits để lên bàn giấy của Ivan Anôtôvits; lão này chẳng hề để ý đến, đặt một cuốn sổ lên trên. Tsitsikôp sắp nhắc lão thì, bằng một cái gật đầu, Ivan Anôtôvits đã cho y hiểu rằng không cần phải nhắc.
- Đưa các ông đây vào phòng xử án, Ivan Anôtôvits ra lệnh cho một trong những kẻ thuộc hạ của hắn. Anh chàng này đã sốt sắng hy sinh cho Thêmix đến nỗi hai ống tay áo đều thủng ở khuỷu, để lòi cả lông lót bên trong và nhờ vậy mà đã được cái hàm ký lục bộ {Ký lục bộ là hàm quan văn bậc cuối cùng, tương đương với chuẩn úy bên quan võ}. Cũng như ngày xưa, Vecjilux hướng dẫn Đantê {Gôgôn lấy điển tích trong tập sử thi nổi tiếng Thần khúc – Divina Commedia; trong tập ấy, tác giả là đại thi hào Ý Đantê (1265-1321); kể chuyện mình được đại thi hào La tinh Vecjilux (70 Tr.CN – 19 s.CN) hướng dẫn đi thăm Địa ngục và Tĩnh giới}, anh chàng làm hướng đạo đưa đôi bạn của chúng ta vào phòng xử án. Sau một cái bàn bày hai cuốn sách to tướng với cái gương công lý {Ở mọi tòa án Nga, trên bàn quan tòa xử kiện, đều có để một cái gương công lý là một thứ lăng kính mà ba mặt có dán ba đạo sắc lệnh của Đại đế Piotr về thủ tục tố tụng và quyền của công dân; trên đầu lăng kính là một con đại bàng} là một dãy ghế bành rộng. Quan chánh án ngự ở đấy một mình như chiếc mặt trời. Trông thấy cảnh pháp đình, ông Vecjilux tân thời khiếp đảm như trông thấy thánh thần, vội vàng tẩu thoát, để phơi ra một cái lưng áo vét tông mòn đến lòi cả chỉ và điểm mấy sợi lông gà.
Vào trong phòng rồi, đôi bạn mới thấy rằng quan chánh án không phải chỉ ở một mình; Xôbakiêvits, hoàn toàn khuất sau cái gương, đang ngồi với ông ta.
Một tiếng reo đón tiếp họ; mấy chiếc ghế bành chốn quan nha được đẩy lùi rộn rã. Chánh án dang rộng hai cánh tay đón Tsitsikôp; những tiếng hôn nhau vang lên. Họ hỏi thăm sức khỏe nhau: cả hai đều mắc chứng đau lưng mà họ cho là do cuộc đời tĩnh tại sinh ra. Chánh án, chắc đã được Xôbakiêvits cho biết tin, chúc mừng nhân vật của chúng ta về những thứ y tậu được. Tsitsikôp hơi bối rối vì thấy hai người bán mà y đã dặn là giữ bí mật, lại gặp nhau ở đây; tuy vậy y cũng cảm tạ quan chánh án rồi quay sang phía Xôbakiêvits, hỏi:
- Bác khỏe đấy chứ?
- Ơn Chúa, tôi chẳng có gì phải phàn nàn cả, Xôbakiêvits đáp; quả thật hắn chả có chút gì để phàn nàn cả: đến sắt cũng còn dễ bị cảm hàn hơn là cái thằng cha đúc bằng vôi với cát này.
- Thật đấy, sức khỏe của bác nổi tiếng, chánh án nói, và cụ cố nhà cũng là người gan góc lắm.
- Ông cụ tôi một mình đánh lại gấu đấy, Xôbakiêvits trả lời.
- Tôi tưởng là bác mà muốn thì bác cũng quật được một con gấu chứ.
- Không, Xôbakiêvits cãi, ông cụ tôi chắc chắn hơn tôi nhiều. Bây giờ, chúng mình không có cái chất ấy được nữa. Bác xem, tôi sống vật vờ đến như thế nào, Xôbakiêvits nói thêm sau một tiếng thở dài.
- Sống vật vờ cơ à? Nhưng mà về mặt nào, bác cho biết, quan chánh án hỏi.
- Vâng, sống vật vờ lắm, Xôbakiêvits vừa nói thêm vừa lắc đầu. Bác nghĩ xem, Ivan Grigôiêvits ạ: tôi đã ngoài bốn mươi mà chưa bao giờ đau nhẹ, chưa bao giờ mụn, nhọt, đầu đanh gì, chưa bao giờ khản cổ… Bác muốn nói gì thì nói, đó là triệu chứng xấu! Một ngày kia thế nào cũng phải trả nợ.
Rồi Xôbakiêvits đâm ra ưu sầu.
“- Người đâu mà lạ! Tsitsikôp và ông chánh án đồng thời đều nghĩ như vậy; chẳng biết nó phàn nàn về cái gì cơ chứ?”
- Tôi có một cái thư gửi quan bác, Tsitsikôp vừa nói vừa đưa cho chánh án phong thư của Pliuskin.
- Của ai đấy ạ? Sau khi bóc thư ra, chánh án thốt lên: - À! của Pliuskin! Thế nào, ông ta vẫn còn sống à! Thật là cái số kiếp lạ lùng: một con người mới đây thôi, giàu có như vậy, thông minh như vậy; thế bây giờ ông ta ra thế nào rồi?
- Một con chó, Xôbakiêvits nói, một thằng cha đê tiện đã để cho tất cả người ở nhà nó chết đói.
- Tốt, tốt! Ông chánh án nói, sau khi đọc xong thư. Tôi xin nhận lời đại diện cho ông ta. Bao giờ thì bác muốn lập văn tự nào?
- Ngay hôm nay, nếu có thể được, vì tôi muốn đi ngày mai; tôi có mang các văn khế và đơn thỉnh nguyện đây.
- Tốt, tốt! Dù bác có nói thế nào, chúng tôi cũng không để cho bác đi đâu! Các văn tự sẽ được nhận thực hôm nay, đồng ý; nhưng bác còn phải ở với chúng tôi vài hôm nữa. Bác chờ cho một tí, tôi sẽ ra lệnh cho họ làm; ông ta vừa nói vừa mở cửa phòng sự vụ, cái phòng đầy những viên chức thuộc lại tựa hồ những con ong siêng năng đứng trên những tầng mật; nếu ta được phép ví hồ sơ với những tầng mật. - Ivan Anôtôvits có đấy không?
- Có ạ, một người trả lời.
- Mời ông ấy vào đây.
Ivan Anôtôvits, tức là Miệng hũ, mà bạn đọc đã biết, bước vào phòng xử án và chào rất lễ phép.
- Ivan Anôtôvits, ông làm ơn cầm lấy mấy tờ văn khế của các vị đây…
- Chớ quên, Ivan Grigôiêvits ạ, Xôbakiêvits ngắt lời, chớ quên là phải có ít ra hai người làm chứng cho mỗi bên. Cho người tìm ông chưởng lý đi: ông ta chẳng bận gì đâu, công việc đã trút cả cho ông thự lý {Pháp quan có nhiệm vụ thay cho chưởng lý ở viện công tố} Zôlôtukha, cái lão keo kiệt nhất thế gian này. Triệu tập cả lão thanh tra vệ sinh: cái lão ăn không ngồi rồi ấy chắc là đang ở nhà, trừ phi đang cầm quân bài ở một nơi nào đấy. Rồi bác lại cho kiếm thêm những người làm chứng khác ở quanh đây: Trukhatsepxki Biêguskin {Trukhatsepxki có từ căn trukha nghĩa là bụi bặm, Biêguskin có từ biêgun nghĩa là người chạy rông} chẳng hạn, hai thằng cha ăn hại, bắt quả đất phải mang một khối nặng vô ích.
- Rất đúng, ông chánh án nói và liền tức khắc cử một đặc phái viên đến triệu tất cả các nhân vật ấy.
- Tôi lại xin bác việc này nữa, Tsitsikôp nói. Bác làm ơn triệu tập người đại diện cho một bà mà tôi cũng có thương lượng, một thuộc lại của bác đây thôi: con trai Cha Kyrin, tổng tư tế.
- Vâng, vâng, tôi cho triệu tập đây. Bác cứ yên tâm, mọi thứ cần thiết đều được làm ngay. Chỉ xin bác điều này: một xu cũng đừng cho bọn thuộc lại; chỗ bạn bè, chúng tôi không bắt trả tiền đâu.
Nói xong, ông ta ra cho Ivan Anôtôvits một cái lệnh mà hình như lão này không bằng lòng. Các văn tự làm cho ông chánh án có ấn tượng rất tốt, nhất là khi thấy tổng số tiền mua lên gần tới mười vạn rúp. Ông ta nhìn Tsitsikôp một hồi với vẻ mãn nguyện hết sức, rồi sau cùng nói rằng: - Paven Ivannôvits, thế ra bác đã mua tất cả những thứ này đấy à?
- Vâng ạ.
- Ý kiến rất hay! Thật tình là ý kiến rất hay!
- Vâng, tôi cũng biết là không thể có ý kiến nào hay hơn nữa. Dù nói gì thì nói, người ta chỉ thật tìm ra được đường đi, khi bỏ hết những ảo tưởng của tuổi trẻ để bước vững vàng lên một miếng đất chắc chắn.
Rồi Tsitsikôp hùng hổ thóa mạ chủ nghĩa tự do của đám thanh niên với nhiều lời lẽ rất thức thời. Tuy nhiên, trong bài công kích của y, vẫn lộ ra một tí ngập ngừng. “- Cậu lại nói lẩn thẩn rồi, cậu ơi, và lẩn thẩn quá lắm đấy!” hình như y tự nhủ như vậy. Y cũng không dám nhìn Manilôp và Xôbakiêvits nữa, vì sợ bắt gặp trong mắt họ một vẻ mỉa mai tinh quái. Nhưng lo ngại chỉ là vô ích: vẻ mặt Xôbakiêvits vẫn kín như bưng, còn Manilôp thì say mê vì những câu nói văn hoa, lắc lư cái đầu với vẻ mãn nguyện, tự tại của một kẻ mê nhạc được nghe một nữ danh ca, vượt cả đàn vĩ cầm, hát lên một điệu cao đến nỗi cuống họng của một con chim cũng phải thất vọng.
Sau cùng Xôbakiêvits nói: - Nhưng tại sao bác không kể lại cho Ivan Grigôiêvits biết bác đã mua được những thứ tốt đến thế nào? Còn bác, Ivan Grigôiêvits, tại sao bác không hỏi bác ấy mua được những gì? Những trai tráng lực lưỡng cả, chứ có phải thường đâu, vàng thoi cả đấy! Bác nghĩ xem, tôi để lại cho bác ấy cả thằng thợ đóng xe Mikhêiep à.
- Không có lẽ, ông chánh án kêu lên. Anh thợ đóng xe Mikhêiep, một người thợ giỏi biết mấy! Tôi biết anh ta: anh ta có chữa cho tôi một cái xe. Nhưng xin lỗi bác… chẳng phải bác có nói chuyện với tôi là anh ta chết rồi à?
- Không bao giờ! Xôbakiêvits cãi lại, không hề bối rối chút nào. Anh nó mới chết, còn nó thì khỏe hơn lúc nào hết. Nó lại vừa đóng cho tôi thêm một chiếc britska mà bọn thợ xe ở Mạc-tư-khoa cũng phải ghen tài. Nói thật, nó chỉ đáng làm việc cho hoàng đế mà thôi.
- Vâng, Mikhêiep là một tay cừ trong nghề của anh ta; vì vậy tôi lấy làm lạ là bác lại bán anh ta đi.
- Nào chỉ bán có nó mà thôi! Con Xtêpan Nút chai thợ mộc, Milutkin thợ nung gạch, Macxim Têliatnikôp thợ giày, tôi cũng bán cả. Tôi bán tất!
Ngạc nhiên thấy Xôbakiêvits bán mất những của báu như thế, ông chánh án hỏi; Xôbakiêvits trả lời với một cử chỉ nửa vời: - Làm thế nào được? Tự nhiên tôi có một cái ý ngông, không cưỡng lại được! Rồi, cúi đầu tựa hồ hối tiếc vì đã trót ngông, y nói thêm: - Tóc hoa râm vẫn không làm cho đầu óc tôi bớt dại dột.
- Xin lỗi bác, Paven Ivannôvits ạ, ông chánh án hỏi, bác mua nông dân mà không mua đất; chắc bác định dùng họ vào việc đinh điền?
- Đúng thế.
- À, ra thế, ra thế, tốt! Và ở đâu thế, thưa bác?
- Đâu à!... Ở… ở tỉnh Kherxôn.
- Ồ, vùng ấy phì nhiêu lắm! Đồng cỏ cứ mượt ấy! Đất của bác có rộng không?
- Vừa đủ cho số nông dân mà tôi mua.
- Sông à hay hồ?
- Sông và hồ.
Nói xong mấy tiếng ấy, Tsitsikôp vô ý nhìn sang Xôbakiêvits và tưởng như đọc được trên vẻ mặt lúc nào cũng trơ trơ của hắn: “- Cậu nói dối, cậu chẳng có đất cũng chẳng có hồ, có sông nào cả, cậu ơi!”
Trong lúc ấy thì các người làm chứng bắt đầu đến: ông chưởng lý mắt hấp háy, viên thanh tra sở vệ sinh, Zôlôlukha, Biêgutskin và những tên khác, mà cứ theo lời Xôbakiêvits, thì đều bắt quả đất phải mang thêm một gánh nặng vô ích; đa số những người ấy, Tsitsikôp đều chưa hề quen biết; thêm vào vài tay thư lại nữa là đã quá số người cần thiết. Không những chỉ con trai Cha Kyrin đến, mà cả đích thân ông tổng tư tế nữa cũng đến. Mỗi người chứng ghi tên, họ, chức hàm, phẩm tước mình bằng chữ nghiêng, chữ nằm, hay cả chữ ngả nữa; và có nhiều chữ hình như không phải là chữ ngả nữa; và có nhiều chữ hình như không phải là chữ cái của tiếng Nga, Ivan Anôtôvits làm mọi việc hăng hái, mẫn tiệp: các văn tự được vào sổ, ký nhận, phê chuẩn ngay, thuế nửa phần trăm và lệ phí đăng ký được tính riêng từng khoản rất chóng. Tsitsikôp chỉ phải trả có một món tiền không bao lăm: một nửa số tiền phải nộp đã được kê vào các khoản án phí của một người thỉnh nguyện khác, bằng một bí thuật thần thông.
Khi mọi việc đã xong xuôi, Ivan Grigôiêvits nói:
- Vậy là chỉ còn có việc khao nữa thôi.
- Lúc nào các bác muốn, Tsitsikôp nhận lời. Đối với chỗ bạn bè tốt như thế này, một người lịch sự phải thết vài ba chai vang bọt.
- Không, không, bác không hiểu tôi, ông chánh án nói, chính chúng tôi thết tiệc mừng bác. Bác là khách của chúng tôi, bổn phận chúng tôi là phải trọng đãi bác. Các ngài có hiểu thế nào không? Chúng ta hãy kéo nhau đến ông cảnh sát trưởng. Con người tuyệt diệu ấy {Gôgôn viết: Con người làm ra những việc thần diệu ấy, kiểm duyệt bỏ} chỉ gật đầu một cái khi đi qua khu hàng cá hay khu bán rượu là xin cam đoan với các ngài, có ngay một bữa tiệc linh đình… Rồi nhân dịp chúng ta làm một canh bài uyxt cẩn thận.
Không một ai phản đối cả. Chỉ nghe tiếng hàng cá, là các nhân chứng đã thấy muốn ăn rồi, mỗi người vớ ngay lấy mũ lưỡi trai hay mũ lông của mình và phiên họp tức khắc bế mạc. Đi qua phòng sự vụ, Tsitsikôp bị Ivan Anôtôvits đón lại, để chào từ biệt và thì thầm: - Ông mua mười vạn rúp nông dân mà chỉ nhả ra có một tờ bạc trắng {Hai mươi rúp} khốn nạn ấy thôi à?
Cũng một giọng như thế, Tsitsikôp bẻ lại:
- Ê! Đồ hạ lưu như vậy thì một nửa ngần ấy cũng còn là chưa đáng.
Ivan Anôtôvits biết là gặp phải đối thủ lợi hại và không mong bòn thêm được gì hơn nữa.
- Này, trả cho Pliuskin bao nhiêu một đứa thế? Xôbakiêvits hỏi thầm vào tai bên kia của Tsitsikôp.
- Thế con mẹ Chim sẻ đến trong danh sách của cậu làm gì vậy? Tsitsikôp trả miếng lại ngay.
- Con chim sẻ nào?
- Con mẹ Elizavêta Chim sẻ, chứ còn con nào nữa?
- Đâu, đâu, chẳng có con chim sẻ nào trong danh sách của tôi cả, Xôbakiêvits lầm bầm rồi vội bước theo các khách khác.
Cả bọn đến nhà cảnh sát trưởng, không có gì trắc trở. Khi mà con người thực sự là tuyệt diệu ấy, được biết người ta chờ mong gì ở mình, thì tức khắc cử một đặc phái viên ra chợ, một gã trai lanh lợi đi ủng kỵ mã; ông ta rỉ tai hắn mấy lời, kèm theo một tiếng: “Hiểu chưa?” nói to. Và trong lúc khách khứa đánh uyxt thì cá mòi, cá chiên, cá hồi, trứng cá hạt, trứng cá ép, lưng cá chiên phơi khô, lưỡi hun khói, các thứ pho mát xuất hiện trong gian phòng bên cạnh. Tất cả những thức ngon lành ấy đều từ hàng cá tới; còn nhà bếp thì nộp lên một cái bánh bao to tướng, lấy má và sụn một con cá chiên nặng chín pút {Nặng gần một trăm năm mươi kilô} làm nhân, một súc patê nấm, những thứ bánh rán, bánh kem, mứt quả.
Ông cảnh sát trưởng có thể xem là cha và ân nhân của thành phố. Giữa những người thuộc quyền ông cai trị, ông cảm thấy như ở trong gia đình; ông ăn uống ngoài chợ, lấy đồ dùng trong các cửa hiệu tự nhiên như là ở nhà vậy. Ông làm tròn chức trách tuyệt diệu đến nỗi người ta không hiểu là ông sinh ra để giữ cái chức ấy hay cái chức ấy sinh ra để cho ông giữ. Con người khôn khéo ấy, kiếm chác với các địa vị mình gấp đôi những người trước mình mà vẫn biết cách làm cho cả thành phố ái mộ. Bọn con buôn mến ông ta vì tính giản dị; ông làm cha đỡ đầu cho con cái họ, gọi họ là lão và khi bắt họ nộp tiền cho mình thì dùng cách nhã nhặn, vỗ vai họ, nói đùa với họ, hứa đến đánh cờ đam, hỏi thăm những việc lặt vặt của họ. Nghe một đứa trẻ ốm, ông sẵn sàng mách các thứ thuốc. Tóm lại là một người phúc hậu! Khi đi kiểm soát thành phố bằng xe, vừa trông nom cho trật tự được tốt, ông vừa có những lời nói dễ thương đối với mỗi người: “- Này! Mikhêits {Mikhêits nghĩa là con trai Mikhêi; cách gọi người mà không gọi tên thánh của họ, chỉ gọi tên bố như thế là cách gọi thân mật trong dân gian và giữa những lái buôn với nhau} thế nào cũng phải kết thúc ván gorka {Một lối đánh bài thời ấy thịnh hành trong dân gian và giới con buôn} đi chứ? - Vâng ạ, phải kết thúc chứ, Alêxêi Ivannôvits ạ, lão kia liền ngả mũ đáp lại như thế. - Iliia Paramônôvits, đến xem con ngựa hay phóng của mình đi: nhưng nhớ thắng con của lão; ta xem con nào được con nào!”. Lão lái buôn vốn mê ngựa, mỉm cười với vẻ thích thú rõ rệt và vuốt râu đáp: “ – Vâng, chúng ta sẽ xem, Alêxêi Ivannôvits ạ”. Cả những kẻ thư lại cũng ngả mũ một cách cung kính, liếc mắt vui vẻ, như muốn bảo nhau: “Ông Alêxêi Ivannôvits của chúng ta, con người phúc hậu làm sao!” - Tóm lại là ông ta đã chinh phục được lòng dân một cách rộng rãi và bọn lái buôn nghĩ về ông ta rằng: “- Alêxêi Ivannôvits vặt con gà, đúng thế, nhưng không làm cho nó phải kêu”.
Thấy bàn tiệc đã dọn xong, ông cảnh sát trưởng đề nghị hoãn canh bạc đến sau khi ăn xong, thế là tất cả khách khứa đều sang phòng ăn. Những mùi thơm dễ chịu bốc lên cứ như cù vào khứu giác người ta đã từ lâu và Xôbakiêvits liếc trộm nhiều lần qua cánh cửa hé mở, đã quyết định chọn một con cá chiên rất ngon, dọn hơi xa các món khác trên một cái đĩa lớn tướng. Khách dự tiệc khai vị bằng một cốc rượu mạnh màu ô liu sẫm như những ngọc thạch trong suốt xứ Xibia mà ở nước ta dùng để làm ấn; rồi, tay cầm dĩa, họ đến bàn ăn; ở đấy mỗi người bộc lộ khí chất của mình bằng cách tấn công, kẻ thì trứng cá, người thì cá hồi, người thì pho mát. Không thèm những thứ vô giá trị ấy, Xôbakiêvits đến thẳng con cá chiên và trong lúc mọi người ăn, uống và tán chuyện thì chưa đầy mười lăm phút, hắn đã hốc sạch con cá. Cuối cùng, khi ông cảnh sát trưởng kéo khách về phía con cá khổng lồ ấy, và kêu lên: “- Các ngài nghĩ thế nào về cái tuyệt tác này của thiên nhiên?” - Thì chỉ còn thấy có cái đuôi, Xôbakiêvits ngượng quá liền làm bộ ngây thơ, đi đến đầu bàn đằng kia, khẽ xọc vào dĩa một miếng cá khô bé tí tẹo. Vả lại, liền sau đấy, hắn ngả mình xuống một chiếc ghế bành và cứ thế mà mơ mơ, màng màng, nửa thức, nửa tỉnh.
Ông cảnh sát trưởng tỏ ra không bủn xỉn về cái khoản rượu vang. Người ta nâng cốc chúc mừng không biết bao nhiêu lượt: trước tiên, chắc bạn đọc cũng đoán biết, là người ta cạn cốc chúc vị trang chủ mới ở tỉnh Kherxôn được mạnh khỏe, rồi chúc nông dân của y làm ăn phát đạt và di chuyển được may mắn, sau cùng chúc sức khỏe người vợ tương lai đẹp đẽ của y; điều ấy làm nở một nụ cười khoái chí trên môi Tsitsikôp. Mọi người vây quanh y, van nài y ở lại nửa tháng nữa.
- Không được, Paven Ivannôvits, chẳng ai lại ăn ở như thế! Có phải người ta mở cửa một cái izba là chỉ để đem khí lạnh vào đâu! Vừa mới qua khỏi ngưỡng, bác đã quay ra rồi! Không được, không được, chúng tôi chẳng thả bác ra đâu! Hãy gượm, chúng tôi cưới vợ cho bác; có phải không, Ivan Grigôiêvits nhỉ.
- Đúng thế, đúng thế! Ông chánh án tán thành. Cứ tha hồ mà chống cự đi, vùng vẫy cả tay cả chân đi, chúng tôi cũng vẫn cưới vợ được cho bác! Nhập gia phải tùy tục chứ, mà chúng tôi thì không thích nói đùa đâu.
- Muốn chống cự thì trước tiên phải có một vị hôn thê đã chứ, Tsitsikôp vừa nói vừa mỉm cười.
- Chúng tôi sẽ tìm cho bác một đám! Chúng tôi sẽ tìm cho bác tất cả những gì bác muốn!...
- Như thế thì…
- Hoan hô, hoan hô, bác ấy ở lại! Paven Ivannôvits vạn tuế, người ta reo lên khắp tứ phía.
Tất cả mọi người muốn chạm cốc với y; y đều vui lòng. Những người hăng hái nhất hô lên: - Nữa đi, nữa đi! Một lần thứ hai, rồi một lần thứ ba, cốc lại chạm nhau. Ai ai cũng vui vẻ. Ông chánh án có thói rượu say là tán tỉnh đàn bà; ông ôm lấy Tsitsikôp nhiều lần vào lòng, thổ lộ can tràng với y, gọi nựng y là: “- Quả tim thân yêu của anh!” và “- Em xinh xắn của anh!”. Ông ta lại còn vỗ tay nhảy nhót quanh y, vừa nhảy vừa tỉ tê hát cái điệp khúc trứ danh:
A! A! Thằng này và thằng này, mujik ở Kamarinxkoê {Một điệu nhảy dân gian, mà nhà soạn nhạc Glinka đã dựa vào để soạn một Bản nhạc mộng ảo nổi tiếng. Lời của bản này khá tục; câu đầu nguyên là: “A! A! Đồ chó đẻ, mujik…” Gôgôn đổi đi cho đỡ tục}.
Sau sâm banh, rượu vang Hungari lại làm cho khách càng phấn chấn hơn. Chẳng ai nhớ đến canh bài uyxt nữa: người ta tranh luận, hò hét, nói đủ mọi chuyện, cả chính trị và thuật quân sự; có người phát biểu những ý kiến khá tự do; giá lúc khác mà con cái họ có những ý kiến như thế thì họ đã cho ăn đòn. Người ta quyết đoán dứt khoát, không thể nào cãi lại được, những vấn đề phức tạp nhất. Tsitsikôp chưa bao giờ cảm thấy mình vui tính như hôm nay: y tưởng mình đã thực sự là chủ nhân của những đất đai ở tỉnh Kherxôn, y nói đến việc cải thiện đất đai, đến luân canh ba năm một, đến hạnh phúc tuyệt diệu của đôi tấm lòng keo sơn như một. Y muốn ngâm cho Xôbakiêvits nghe cả một lá thư bằng văn vần của Vecthơ gửi cho Saclôt {Vecthơ và Saclôt là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết tình lãng mạn và bi đát của văn hào và thi hào Đức Gơtê – Goethe (1749-1832) xuất bản năm 1774 nhan đề là Werther; cuốn tiểu thuyết mở đầu cho văn học lãng mạn Âu châu}; nhưng mà cái thằng cha ấy, ăn vào khó tiêu, chỉ nhấp nháy đôi mắt và thu mình vào sâu trong chiếc ghế bành.
Sau cùng Tsitsikôp thấy mình bừa bãi quá, liền hỏi mượn chiếc xe. Ông chưởng lý nhường cho y chiếc của ông ta; anh xà ích tỏ ra rất dày kinh nghiệm; một tay đánh xe, một tay anh ta đỡ lấy nhà quí tộc. Cứ thế, Paven Ivannôvits về đến khách sạn và còn nói huyên thuyên hồi lâu nữa; đang nói về tư bản thì nhảy sang đất đai ở Kherxôn, rồi nhảy sang đứa con gái bé, tóc bạch kim, da dẻ hồng hào và má bên phải lúm đồng tiền. Xêlifan nhận được cả lệnh tập hợp toàn thể nông phu mới mua để điểm danh. Xêlifan lẳng lặng nghe Tsitsikôp nói hồi lâu rồi đi ra bảo Pêtruska:
- Cậu vào cởi quần áo cho ông đi.
Pêtruska hì hục tháo ủng cho chủ hồi lâu và gần như phải vật chủ xuống sàn mới tháo ra được. Paven Ivannôvits cởi quần áo, đi nằm và sau khi trằn trọc một hồi làm cho chiếc giường kêu răng rắc, y mới ngủ yên, với ý nghĩ rằng mình đã thực sự là trang chủ ở tỉnh Kherxôn.
Trong lúc ấy, Pêtruska mang cái quần và cái áo đuôi én màu tía lốm đốm căng lên mắc áo để chải và đập; hắn đập dữ đến nỗi chỉ chốc lát là cái hành lang mù những bụi. Hắn sắp lấy bộ quần áo xuống thì thấy Xêlifan ở dưới nhà cầu, đang từ chuồng ngựa đi vào. Hai gã liếc mắt với nhau một cái và bằng bản năng, họ hiểu nhau ngay: ông chủ ngủ say như chết, chính là lúc thoát đi chơi đây. Áo quần để vào chỗ cũ xong là Pêtruska xuống; và cả hai gã cùng đi, nói chuyện thường, nói chuyện nhảm, nhưng không hề đả động gì đến việc đi đâu. Đây chỉ là đi chơi một tí thôi: họ chỉ có việc đi sang bên kia hè phố và đến trước cái nhà đối diện với khách sạn, qua một cái cửa lồng kính thấp và ám khói, vào một thứ nhà hầm; ở đấy đã ngồi vào bàn đủ các hạng người: râu dài, râu cạo nhẵn, mặc tulup, mặc sơ mi dài, mặc cả măng tô bằng vải lông hải ly nữa. Có Chúa biết được Xêlifan và Pêtruska làm gì ở chốn ấy. Một giờ sau họ từ đấy ra, tay khoác tay, săn sóc nhau đủ cách và lặng lẽ giúp nhau giữ thăng bằng. Tay nắm tay, và người vẫn quàng chặt lấy nhau, họ mất đúng mười lăm phút mới trèo lên hết thang gác. Pêtruska đứng tần ngần hồi lâu trước giường, chắc là suy nghĩ nên nằm thế nào cho phải cách nhất; cuối cùng hắn nằm ngang giường, hai chân thõng xuống sàn. Quên rằng chỗ của mình là ở phòng công cộng, nếu không thì ở chuồng ngựa, Xêlifan lăn kềnh xuống chiếc giường ấy, gối đầu lên bụng Pêtruska. Cả hai ngủ ngay tức khắc, làm cái góc phòng xép vang tiếng ngáy ầm ầm hòa theo tiếng huýt nhè nhẹ qua lỗ mũi của Tsitsikôp ở phòng bên.
Chung quanh, mọi tiếng động trong chốc lát đã im bặt; toàn thể khách sạn chìm vào một giấc ngủ say. Chỉ một buồng là đèn còn sáng, buồng viên trung úy từ Riazan đến; vì rất mộ giày ủng, chàng thửa những bốn đôi mà vẫn thử mãi đôi thứ năm không biết chán. Đã mấy lần rồi, chàng đến gần giường để tháo ủng ra, nhưng vô hiệu: vẻ thanh lịch tuyệt vời của đôi ủng làm chàng say mê; chân giơ lên, chàng đắm đuối ngắm mãi cái gót của mình.