Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Chương 10

Họp nhau ở nhà ông cảnh sát trưởng rất quen biết với bạn đọc, cha và ân nhân của thành phố; các ông công chức mới nhận thấy rằng cuộc báo động ấy đã làm cho họ gày đi: họ trao đổi những nhận xét về việc ấy. Quả thật, việc bổ nhiệm một tổng trấn mới, hai cái công văn đáng ngại, những lời đồn đại vô lý, đã làm cho họ lo lắng đến nỗi áo frac của họ rộng thênh và mặt họ cứ nhợt ra. Mọi người đều gày: ông chánh án gày, ông thanh tra sở vệ sinh gày, ông chưởng lý gày; cũng như một lão Xêmiôn Ivannôvits nào đấy, mà chẳng ai biết họ là gì, lúc nào cũng đeo nhẫn ở ngón tay trỏ và thích chìa ra cho các bà xem; cả cái lão ấy cũng gày đi. Tất nhiên, cũng có những người bạo dạn, không lúc nào mất bình tĩnh; nhưng thật là hiếm: ông giám đốc bưu vụ là một trong những người ấy. Ông ta vẫn điềm nhiên và đi đâu cũng nói: “- Chúng tôi biết các ngài lắm, các ngài tổng trấn ạ! Các ngài đổi thay ba, bốn trấn, chứ tôi thì tôi ở đây đã ba chục năm rồi”.
Các công chức khác trả lời ông ta rằng: “- Tốt lắm! Sprêkhen di Đêits Ivan Ađrêits {Xem chương thứ tám} ạ: cái bưu vụ của anh chỉ có việc nhận thư, phát thư! Có phạm tội nữa thì cũng chỉ là tội lặt vặt; nhận một bưu kiện không hợp lệ với chút vi thiềng, hay đóng cửa ghi sê sớm hơn giờ quy định một tiếng để bắt bọn lái phải tạ ơn anh đã chiếu cố nhận cho họ những thư từ đưa đến gửi quá chậm. Cứ cái nghề ấy thì khó gì mà chẳng thành thánh được. Nhưng giá lúc nào quỷ sứ cũng ở cạnh anh, liệu anh có cưỡng lại nổi sức cám dỗ của nó không? Chỉ mỗi một đứa con trai, anh dễ đủ ăn đủ tiêu lắm, ông anh ạ; chứ ơn Chúa mà bà Praxkôvia Fiôđôrôpna nhà anh cứ mỗi năm mỗi lần chửa: năm thì con Praxkuska, năm thì thằng Pêtruska; thì bấy giờ, ông anh ạ, chắc ông không nói cái điệu ấy đâu!”
Ít ra, đó cũng là những điều khẳng định của các công chức; còn cái việc người ta có thể cưỡng lại quỷ sứ hay không, thì chẳng đến phần tác giả phải quyết định.
Hội nghị của các công chức thiếu một đức tính thiết yếu nhất: cái lương tri làm cho người ta trông thấy lẽ phải thông thường. Nói chung, những thứ hội họp này hình như không thích hợp với khí chất chúng ta. Tất cả những thứ hội họp của ta, từ hội nghị nông dân cho chí hội nghị bác học và gì gì nữa, đều chẳng có ai đứng đầu, điều khiển cả và kết quả là hoàn toàn vô trật tự. Vì những lý do khó mà biết được, có lẽ đây là vấn đề khí chất, thì chỉ những thứ hội họp có mục đích chè chén và chơi bời, như ở câu lạc bộ và các vôkxan {Phiên âm theo kiểu Nga từ vauxhall của tiếng Anh, chỉ vũ hội hay hòa nhạc có ăn uống ngoài trời ở một công viên, nguyên cách ăn chơi ấy bắt đầu từ một công viên ở Luân Đôn tên là Vauxhall} khác theo kiểu Đức, là hợp với chúng ta mà thôi. Dù vậy, chúng ta vẫn chẳng hoài nghi gì hết: bất cứ lúc nào hễ nghe ai nói đông, nói tây gì, là ta cũng sẵn sàng lập hội phúc thiện, hội khuyến khích, và có trời biết là những hội gì gì nữa! Sự nghiệp có thể là tốt đẹp nhất thế giới; nhưng chúng ta vẫn không bao giờ hoàn thành được. Có lẽ là tại vì mới có được cái sáng kiến về việc gì, là ta đã cho, rằng phận sự của ta đã làm tròn rồi. Chẳng hạn, ta góp tiền để tổ chức một hội tế bần; tức thì ta tự hào về thành tích ấy, mở ngay một bữa tiệc chiêu đãi tất cả các nhà chức trách, nó ngốn hết một nửa số tiền quyên được; nửa còn lại thì dùng để thuê một tòa nhà lộng lẫy có hệ thống lò sưởi và người canh gác, để làm trụ sở cho ủy ban. Thế là ủy ban này chỉ còn có năm rúp rưỡi để chia cho người nghèo; nhưng lại không thể thống nhất ý kiến về việc chia, vì mỗi ủy viên đều đòi phần cho người mà mình bảo trợ.
Thật ra, cuộc họp mà ta đang nói đây có một tính chất khác: vì cần thiết mà người ta phải nghĩ ra việc họp; không phải là vì lòng bác ái; việc đem ra bàn bạc quan hệ thiết thân tới mỗi một công chức, vì mỗi người đều bị một nguy cơ ngang nhau đe dọa và vì thế mà nhất thiết phải có một lòng đoàn kết chặt chẽ. Ấy vậy mà việc xảy ra lại ngược hẳn.
Không nói đến những sự bất đồng ý kiến cố hữu mà không hội nghị nào là không có, các người dự bàn lại còn tỏ ra hoàn toàn chẳng chút vững vàng, chắc chắn nào trong ý kiến của mình cả. Một người cho rằng Tsitsikôp chắc là một tay làm bạc giả, nhưng lại nói thêm ngay: “Và cũng có lẽ là không phải!”. Một người khác cho rằng y là một phái viên của tổng trấn, nhưng chữa lại tức thì: “Vả lại, quỷ bắt hắn đi! Dù sao cũng không phải là đã ghi rõ ràng như thế trên trán hắn!”. Tuy vậy, người ta cũng đồng ý với nhau rằng y không thể là một tên cướp trá hình: từ hình dung tới lời ăn tiếng nói của y, chẳng có gì để lộ ra chân tướng của quân trộm cướp cả.
Trong lúc ấy thì ông giám đốc bưu vụ triền miên trong trầm tư, mặc tưởng. Bỗng nhiên, ông ta kêu lên, có lẽ do một cảm hứng bất ngờ nào đấy:
- Các ngài ạ, các ngài có biết hắn là ai không?
Cái giọng ông ta nói làm cử tọa rùng mình và mọi người đều đồng thanh thốt lên hỏi: - Là ai thế?
- Ai ấy à, thưa tiên sinh, chẳng ai khác đại úy Kôpêikin cả.
Nghe thế, mọi người lại đồng thanh hỏi: - Nhưng mà đại úy Kôpêikin là ai?
Ông giám đốc bưu vụ nói: - Sao, các ngài không biết đại úy Kôpêikin là ai à?
Mọi người thú thật là hoàn toàn không biết đại úy Kôpêikin.
- Đại úy Kôpêikin ấy à? Ông giám đốc bưu vụ nói, tay mở hộp thuốc lá; hay đúng hơn là hé ra, vì ông ta bao giờ cũng sợ một người ngồi gần thọc vào những ngón tay, không chắc là sạch sẽ; và thường hay nói: “Bố ơi, lạy Chúa, không biết tay bố quen đút vào những đâu thế; thuốc lá ấy mà, bố biết chứ, cần phải giữ thật sạch!” - Đại úy Kôpêikin ấy à, ông ta vừa nói, vừa hít thuốc lá… thật là một chuyện lý thú, có thể làm đề tài cho một nhà văn sáng tác ra một bản trường ca lớn.
Toàn thể cử tọa đều muốn biết cái chuyện lý thú, có thể làm đề tài cho một nhà văn sáng tác ra một bản trường ca ấy. Ông giám đốc bưu vụ bắt đầu kể
TRUYỆN ĐẠI ÚY KÔPÊIKIN {Truyện này dịch theo nguyên bản của Gôgôn, chưa bị kiểm duyệt bắt chữa lại}
Sau chiến dịch 1812 {Chiến tranh của quân và dân Nga chống xâm lược của hoàng đế Pháp Napôlêông I, là cuộc xâm lược nguy nhất trong lịch sử dân tộc Nga}, tiên sinh ạ - ông giám đốc bưu vụ mở đầu như thế, dù trong phòng không phải chỉ một người nghe, mà những sáu người, - sau chiến dịch 1812, trong đám binh sĩ bị thương được cho về quê có đại úy Kôpêikin. Hắn là người nóng nảy, khó tính; và từ phạt giam trong trại cho đến nhà tù, đều đã trải qua đủ mọi thứ của nghề võ. Ở Kraxnôiê hay ở Laipxic {Kraxnôiê là trận đánh giữa quân Nga và quân Napôlêông ngày 5 tháng mười một năm 1812, khi quân xâm lược đã vào sâu lãnh thổ Nga. Laipxic là trận đánh trên đất Đức năm 1813, mà quân Nga cùng với Đồng minh thắng quân Napôlêông} gì đấy, các ngài thử tưởng tượng, hắn bị mất một tay và một chân. Bấy giờ chưa có một quy chế đặc biệt gì về binh sĩ bị thương cả; có thể nói là quỹ phế binh mãi về sau mới thiết lập. Đại úy Kôpêikin tự nhủ: - Phải làm mà sống chứ. Nhưng khốn thay, hắn chỉ còn có tay trái. Hắn thử làm cho ông bố hắn mủi lòng; nhưng mà ông lão nói dứt khoát: “tôi chẳng có gì mà nuôi anh; tôi ấy à, thử tưởng tượng xem, chỉ kiếm được tạm đủ cho mình tôi là may rồi!”.
Bấy giờ, tiên sinh ạ, đại úy Kôpêikin quyết đi lên Pêterbua xin trợ cấp của Hoàng đế; vì thật ra, trong một chừng mực nào đó, hắn đã đổ máu, hy sinh đời mình… Hắn kiếm cách đi nhờ xe chở lương thực của cục quân nhu; và thế là hắn đến được Pêterbua. Các ngài hãy tưởng tượng đại úy Kôpêikin đặt chân đến một kinh thành mà, có thể nói là, không kinh thành nào trên thế giới sánh kịp! Đời sống, có thể nói là, đã hiện ra trước mắt hắn dưới một ánh sáng mới mẻ;
Hắn tưởng như là lạc vào một chuyện thần tiên của Xêhêrazat {Sêhêrazad là nhân vật chính trong tập truyện Một nghìn lẻ một đêm, cứ mỗi đêm lại kể một chuyện thần tiên kỳ ảo}! Các ngài thử tưởng tượng vẻ ngơ ngác của hắn trên đại lộ Nepxki, hay hơn nữa, ma bắt tôi đi, trên phố Gôrôkhôvaia hay phố Litêinaia! Chỗ này, một mũi tên của tháp vút lên trời cao; chỗ kia, những chiếc cầu treo, các ngài thử tưởng tượng, là không hề dựa lên đâu cả nhé; Tóm lại, tiên sinh ạ, thật là một thành phố của Xêmiramit {Tức là Babylôn ở miền Lưỡng Hà; vì theo truyền thuyết thì Xêmiramit là vương hậu đã lập ra thành phố Babylôn, nổi tiếng tráng lệ nhất thế giới thời Thượng cổ. Trong các ngôn ngữ Âu châu, từ Babylôn dùng để chỉ một thành phố hết sức xa hoa}! Đúng thế! Trước tiên hắn nghĩ đến việc đi tìm chỗ trọ; nhưng ở trên ấy, màn, trướng, thảm Ba Tư và tất cả những đồ quỷ quái khác đều đắt hơn vàng; mó vào là bỏng cả tay. Ở đấy, có thể nói là người ta giẫm lên, xéo lên tiền bạc. Trong không khí, như có phảng phất cái mùi giấy bạc nghìn rúp. Mà đại úy Kôpêikin của chúng ta thì tất cả vốn liếng chỉ vẻn vẹn mươi tờ bạc xanh {Giấy bạc năm rúp} và một ít xu, hào. Có phải là chẳng thể nào mua được một cái ấp với ngần ấy tiền không, trừ phi thêm vào đấy bốn vạn rúp vay của quốc vương Pháp! {Ý nói một việc không thể làm được vì quốc vương Pháp thường bị khủng hoảng tài chính trầm trọng: và đó là một cớ để cách mạng nổ ra, đánh đổ ngôi vua, xử tử nhà vua}… Vậy là hắn phải đến trọ ở một khách sạn Rêven, trả mỗi ngày một rúp, và ăn chiều với xúp bắp cải, thịt bò băm viên… Hôm sau, tiên sinh ạ, hắn quyết đến yết kiến ông bộ trưởng {Kiểm duyệt bắt chữa các chữ hoàng đế thành bộ trưởng} không có mặt ở kinh đô: quân đội từ PariS chưa về {Sau trận thắng Laipxic, quân Nga cùng với đồng minh, đánh vào đất Pháp và tiến vào kinh đô PariS (1814)}.
Hôm sau, dậy sớm, tiên sinh ạ, hắn tự cạo râu lấy bằng tay trái, để khỏi mất tiền thuê thợ; rồi diện quân phục vào; và các ngài thử tưởng tượng, hắn lon ton trên cái chân gỗ, tức khắc đến gặp ông bộ trưởng. Hắn nhờ một viên lính tuần cảnh cho biết địa chỉ. “- Đấy”, người lính vừa nói vừa chỉ một ngôi nhà trên bến Hoàng cung. Một cái izba khổ của mujik, các ngài hiểu chứ: cửa là những tấm kính cao năm mét, đứng ngoài nhìn rõ lọ hoa và tất cả đồ đạc, tưởng chừng chỉ dang tay ra là vớ được; và khắp nơi là đồ bằng đá hoa quý giá, đồ sơn… tóm lại, thưa tiên sinh, là tiện nghi và hợp thời trang hết sức; nhìn thấy là cứ như phát cuồng lên vậy. Những cái nút bấm chuông ở cửa, sạch đến nỗi, bóng đến nỗi nhìn thấy là người ta những muốn chạy ngay đi mua hai kôpek xà phòng về rửa tay hai giờ liền, rồi mới dám mó vào. Người gác cửa nom như một vị đại nguyên soái: tay cầm trượng có nuốm vàng, trang phục sang như bậc vương công, cổ áo lá sen bằng vải mịn; đúng là một con chó gộc được nuôi béo…
Anh chàng Kôpêikin của chúng ta cứ thế. Bước thấp, bước cao, leo lên đến phòng khách và nép mình vào một góc, cẩn thận để khỏi xô đổ, các ngài thử tưởng tượng, một cái lọ hình châu Mỹ, hay bình nước Ấn Độ nào đấy, bằng sứ mạ vàng, nhất định rồi. Tất nhiên là hắn ta phải chờ đấy rất lâu, vì ngài bộ trưởng lúc ấy mới ngủ dậy, và, hãy tưởng tượng, các ngài ạ, người hầu buồng đang đem đến một cái chậu thau bằng bạc để ngài rửa mặt. Kôpêikin của chúng ta chờ như thế đúng bốn giờ; cuối cùng, một phó quan hay viên chức trực nhật nào đấy vào báo bộ trưởng đến. Bấy giờ, các ngài hiểu chứ, mọi người chen nhau trong phòng như những hạt đậu trên một cái đĩa. Và xin các ngài tin rằng không phải là những người cà mèng như chúng mình chút nào đâu nhé, mà toàn là những triều thần tứ phẩm trở lên cả; những đại tá, tiên sinh ạ, và lác đác có cả những vị tướng nữa; cứ nhìn kim tuyến thêu trên các ngù vai thì biết. Bỗng mọi người xôn xao; những tiếng suỵt, suỵt, truyền đi trong phòng rồi cuối cùng thì im phăng phắc như mọi người đã chết cả rồi.
Bộ trưởng vào… Một vị điều khiển Quốc gia, phải không nào? Nét mặt cũng xứng với chức vụ… Mọi người, dĩ nhiên, đều sửa đổi thế đứng cho ngay ngắn. Mỗi người chờ đợi, có thể nói là, quyết định số phận họ. Ngài đến gần người này, người nọ: “- Ông muốn gì? Ông có việc gì?”. Sau cùng, ngài đến trước mặt Kôpêikin, hắn ta nói: “- Ngài cũng thấy đấy, tôi đã đổ máu, có thể nói là mất cả tay, lẫn chân và không thể làm được việc nữa; tôi xin trợ cấp của Hoàng thượng”.
Thấy anh chàng chân gỗ, một ống tay áo trống không cài móc vào bộ quân phục, bộ trưởng nói: “- Được, mấy hôm nữa trở lại đây” {Trong bản thảo thứ hai, ở đây có thêm một đoạn như sau: Kôpêikin của chúng ta sung sướng quá. “- Ăn chắc rồi”, hắn nghĩ vậy. Không nén được nỗi mừng, hắn bèn nhảy nhót trên hè phố; nốc một cốc rượu con ở hiệu cà phê Pankin; ăn chiều ở khách sạn Luân Đôn, một món sườn rán với nụ hoa phong điêu dầm dấm, một con gà mái tơ quay với rất nhiều rau, kèm theo một chai rượu ngon; tối lại đi xem hát; và sau cùng, xin vô phép quý vị, là ăn chơi một trận không kể gì nữa. Ra về, hắn thấy một người đàn bà Anh nhỏ nhắn, đi lướt trên hè phố, yểu điệu như một con thiên nga. Đầu anh chàng nóng bừng lên; hắn sẵn sàng lóc cóc nhảy nhót với cái chân gỗ, như cái đầm đập đất; theo bóng người đẹp; nhưng không, hắn dừng lại kịp thời. “Vứt mẹ cái chuyện gái đi! Lĩnh trợ cấp hãy hay. Tiêu như thế đã khá nhiều rồi”. Và xin quý vị biết cho là chỉ một ngày, hắn đã nướng hết nửa số tiền hắn có}. Ba hay bốn hôm sau, tiên sinh ạ, hắn trở lại gặp bộ trưởng. Hắn nói: “- Tôi đến chờ tin tức. Thương tật của tôi như thế, có thể nói là tôi đổ máu…”. Và vân vân, cứ thế hắn nói tiếp theo đúng quy thức thông dụng. Bộ trưởng nhận ra hắn ngay. Ngài nói: “- À! Tôi chưa hề trả lời với ông thế nào cả. Chờ Hoàng thượng hồi loan hãy hay. Thế nào cũng ban hành những quy chế đối với binh sĩ bị thương. Về phần tôi, không thể làm gì được; nếu không có lệnh của Hoàng thượng”.
Ngài gật đầu và bỏ qua câu chuyện. Kôpêikin của chúng ta, các ngài hiểu chứ, lâm vào một cái thế kỳ quặc: vì rút cục, người ta trả lời cho hắn dứt khoát là không hay là có gì đâu. Nhưng, các ngài cũng biết rõ, đời sống ở kinh đô ngày càng đắt đỏ; và anh chàng bèn nghĩ: “Vậy thì trở lại gặp bộ trưởng! Mình sẽ hỏi: - Các hạ đã quyết định như thế nào chưa? Tôi ăn hết những đồng kôpek cuối cùng rồi. Nếu ngài không cứu giúp thì, xin ngài bỏ lỗi, tôi đành phải chịu chết đói vậy”.
Nghĩ là làm: hắn lại đến bộ. “- Hôm nay bộ trưởng không tiếp khách, mai hãy đến”. Người ta cho biết như vậy. Hôm sau người gác cổng chẳng thèm nhìn hắn một cái nữa. Thằng cha khốn khổ chỉ còn mỗi một tờ bạc xanh trong túi. Xúp và thịt bò cũng xin thôi; bấy giờ mỗi bữa chỉ ăn có một con cá mòi, một quả dưa chuột muối và hai đồng tiền bánh mỳ. Mà, tội nghiệp thằng cha, cứ háu đói như là chó sói vậy.
Các ngài thử tưởng tượng Kôpêikin của chúng ta đi qua một tiệm ăn: lão chủ người Pháp, vẻ mặt cởi mở, quần áo bằng vải Hà Lan, cái tạp dề có thể nói là trắng như tuyết, đang làm món trứng đúc rau thơm, món sườn xào nấm và các mỹ vị khác; mà ai chứ thằng cha thạo đời của chúng ta thì sẵn lòng chén ngon lành. Hắn đến trước chợ Miliutin; trong các tủ kính nào là cá hồi, là quả anh đào năm rúp một, lại một quả dưa hấu khổng lồ to tày chiếc xe ngựa, như đang đợi kẻ ngu nào đến trả trăm rúp; tóm lại là cứ mỗi bước lại có một cái gì đấy giữ người ta lại, thu hút lấy người ta, có thể nói là làm người ta thèm nhỏ rãi; ấy thế mà hắn cứ phải tự nhủ rằng: “- Ngày mai”. Các ngài thử tưởng tượng rằng một đằng người ta đưa ra mời hắn, có thể nói, nào là cá hồi, nào là dưa hấu; còn đằng kia thì lại biếu hắn một món ăn đầy vị đắng cay gọi là ngày mai. Sau cùng thì anh chàng khốn khổ không nhịn được nữa: hắn quyết gặp tận mặt bộ trưởng dù đến thế nào thì đến. Hắn đứng ngoài cửa, chờ có kẻ đến thỉnh cầu là lẻn vào theo; và các ngài hiểu chứ, theo một viên tướng, hắn lẻn vào được phòng khách. Như thường lệ, bộ trưởng bước vào.
- Ông muốn gì? Còn ông?... Ô hay! Lại cái anh này! Thoạt thấy Kôpêikin, bộ trưởng kêu lên. Chẳng phải tôi đã cắt nghĩa cho anh rõ là chịu khó chờ ít lâu à?
- Các hạ bỏ lỗi, có thể nói là tôi chẳng còn gì mà ăn nữa.
- Tôi biết làm thế nào được; trong khi chờ đợi, anh hẵng cố kiếm lấy cái gì mà sống đã.
- Thưa các hạ, kiếm thế nào được; vì có thể nói là tôi không còn cả tay, lẫn chân?
Hắn muốn nói thêm: “Còn cái mũi, thì chỉ có thể dùng mà xì mũi; nhưng mà để làm việc ấy thì cũng phải mua một cái mùi soa chứ”. Nhưng, tiên sinh ạ, hoặc là nghe đã chán rồi, hoặc là đang thực sự lo nghĩ đến những việc lớn của Nhà nước; bộ trưởng bèn nổi giận.
- Lui ra, ngài quát. Không phải chỉ mình anh ở trong trường hợp ấy. Chịu khó chờ với chứ!
Vậy là Kôpêikin của chúng ta, các ngài hiểu chứ, bị cái đói nó kích thích, liền đáp lại: - Tùy ý các ngài!
Tức thì các ngài thử tưởng tượng, bộ trưởng nổi cơn lôi đình! Thật ra, từ khai thiên tịch địa, có bao giờ ai thấy được cái hạng Kôpêikin mà dám nói giọng như thế với một vị bộ trưởng. Các ngài thử tưởng tượng một tí xem cơn thịnh nộ của một vị bộ trưởng, có thể nói là của một vị điều khiển Quốc gia, nó như thế nào.
- Quân láo xược, ngài quát lên. Ta sẽ kiếm cho ngươi một chỗ ở. Liên lạc đâu, dẫn tên vô lại này đi!
Người liên lạc, các ngài hiểu chứ, đã chờ sẵn sau cánh cửa: một anh chàng mujik cao ba arsin {Cao hơn hai mét mốt}; các ngài thử tưởng tượng hai cánh tay lêu nghêu trời cho để làm một gã xà ích nhà nòi, lưng rộng xứng với một tay thợ nhổ răng!... Thế là, tiên sinh ạ, hắn được chở lên một chiếc xe tải, có liên lạc ngồi cạnh. Kôpêikin tự nhủ: “Ít ra cũng không phải mất tiền xe; cảm ơn vậy!”. Và dọc đường, tiên sinh ạ, ngồi cạnh tên liên lạc, vâng, ngồi cạnh tên liên lạc; hắn ngẫm nghĩ, có thể nói là hắn lập luận một mình rằng: “- Muốn tớ phải tự giúp mình, tốt lắm, tớ sẽ kiếm được cách giúp lấy mình.” Vậy là, các ngài thử tưởng tượng, chẳng một ai biết đích Kôpêikin đã được chở đến đâu; anh chàng chìm mất tăm trong con sông quên, sông Lêthê, như các nhà thơ thường nói. Và, thưa các ngài, có thể nói là cuốn tiểu thuyết của tôi đến đây mới là chỗ thắt nút.
Thế là, người ta mất hút dấu vết của Kôpêikin; nhưng, các ngài thử tưởng tượng, hai tháng trời trôi qua, trong các rừng vùng Riazan đã nổi lên một đảng cướp; ataman {Thủ lĩnh quân sự của người Kôzak ngày trước; đây dùng để chỉ đầu mục đảng cướp} chẳng phải ai khác {Đoạn từ đây xuống cho hết truyện đại úy Kôpêikin là Gôgôn viết trong bản thảo đầu tiên và không đưa cho kiểm duyệt; nhiều bản in và bản dịch Những linh hồn chết không có đoạn này}… đại úy Kôpêikin của chúng ta cả. Hắn thu thập được một đám lính đào ngũ. Các ngài hiểu chứ, bây giờ chiến tranh mới chấm dứt. Mọi người đều quen thói tự do, chẳng cần gò bó gì cả; người ta xem đời như một cuộc đỏ đen. Tóm lại, tiên sinh ạ, hắn dấy lên cả một đạo quân. Chẳng tài nào đi lại trên đường cái được nữa, ít nhất là đối với quan chức của triều đình. Tư nhân thì chúng chỉ hỏi đi đâu rồi thả ngay thôi. Nhưng một cuộc chiến tranh không thương xót được tiến hành đối với các đoàn xe của Nhà nước: cỏ khô, tiền bạc, lương thực, mọi thứ đều bị cướp sạch. Sở thuế chẳng được chút lợi lộc nào trong vụ này cả. Nghe tin làng nào sắp nộp thuế là Kôpêikin của chúng ta sục hẳn đến. Hắn bảo lão trưởng thôn: - Này, anh bạn, nộp cho ta thuế và tô đây, ngay tức khắc.
Thấy hiện ra con quỷ què, mặc áo cổ đỏ ấy là anh chàng nhà quê, các ngài hiểu chứ, đã thấy sợ… Hắn nghĩ thầm: “- Quỷ sứ, chắc là đại úy quận trưởng cảnh binh đây, hay là còn tồi tệ hơn nữa cơ đấy”. Thế là hắn nộp ngay tức khắc số tiền để được yên thân. Và, thưa tiên sinh, thằng cha kia liền xuất giấy tờ hết sức hợp thức, xác nhận là khoản thuế đã nộp đầy đủ, tận tay đại úy Kôpêikin; và đóng luôn cả dấu ấn của hắn vào giấy hẳn hoi nữa… Tóm lại, là hắn tha hồ cướp, đến thích. Nhiều toán quân được phái đến bắt sống cả bọn; nhưng những kẻ nóng đầu ấy sợ cóc gì.
Đến cuối, cuối cùng, chắc là Kôpêikin của chúng ta hiểu rằng công việc của hắn phảng phất cái mùi khét của thuốc súng; vả lại cũng đã được một cái vốn khá to; hắn liền tìm cách vượt biên giới, chuồn sang Mỹ. Từ bên ấy, tiên sinh ạ, hắn gửi về cho hoàng thượng một lá thư; có thể xem là, các ngài thử tưởng tượng, mẫu mực của văn chương hùng biện. So với Kôpêikin thì những Platông, những Đêmôxtenex {Platông (429-347 tr.C.N) triết gia Hy Lạp, mà các tác phẩm nổi tiếng đều viết theo hình thức đối ngoại, rất hùng biện. Đêmôxtenex (384-322 tr.C.N) nhà chính trị Hy Lạp, hùng biện nhất thời thượng cổ, được đời sau xem như mẫu mực trong thuật hùng biện}, và vĩ nhân khác của thời thượng cổ sẽ ra làm sao? Chẳng ra quái gì hết, tiên sinh ạ!
Trong bức thư ấy, hắn viết: “Bệ hạ chớ có nghĩ rằng tôi là thế này… là thế nọ… (dĩ nhiên, tất cả những điều này đều viết thành những đoạn văn rất khéo). Sau khi đã đổ máu, có thể nói là không tiếc, tôi ở vào tình thế không có lấy một miếng bánh ăn. Xin đừng trừng trị đồ đảng của tôi, những người vô tội đã bị tôi lôi kéo. Mà xin trông nom phế binh, để từ nay về sau, - xin thứ lỗi, - họ khỏi phải bị bỏ mặc với số phận đáng buồn của họ nữa…”.
Thế là, các ngài thử tưởng tượng, cái tài hùng biện tuyệt luân ấy làm cho Hoàng thượng mủi lòng… Dĩ nhiên, hắn ta là một tên tội phạm, về phương diện nào đấy, đáng tội tử hình. Nhưng mặt khác, cái khiếm khuyết trầm trọng trong việc cứu trợ binh sĩ bị thương ấy… Vả chăng, khiếm khuyết cũng dễ hiểu thôi; trong cái thời buổi loạn lạc như thế, trừ Chúa nhân từ ra, thì còn ai mà có thể nghĩ tới tất cả mọi việc được… Tóm lại, tiên sinh ạ, Hoàng đế hạ cố, tỏ lòng đại độ phi thường, ra lệnh đình chỉ những cuộc truy nã và thành lập một ủy ban đặc trách việc cải thiện số phận binh sĩ bị thương. Và do sáng kiến của ủy ban ấy, tiên sinh ạ, đã được lập ra quỹ phế binh; cái thiết chế đảm bảo hoàn toàn đời sống của những kẻ khốn khổ ấy, và có thể nói là không đâu có; cả ở nước Anh, cả ở các nước văn minh khác cũng vậy.
Bây giờ thì quý vị đã biết, tiên sinh ạ, đại úy Kôpêikin là ai rồi. Về phần tôi thì tôi cho là như thế này. Có lẽ là ở bên Mỹ hắn đã hoang phí hết tiền rồi và bây giờ lại trở về để, có thể nói là, thử vận may trong cuộc làm ăn mới…
Bỗng ông cảnh sát trưởng ngắt lời ông ta:
- Xin lỗi, Ivan Anđrêiêvits; đại úy Kôpêikin, như bác nói, đã mất cả tay lẫn chân; còn như Tsitsikôp…
Ông giám đốc bưu vụ kêu lên một tiếng, dang rộng tay ra, đập vào trán mình đánh bốp một cái, và công khai tự nhiếc là đồ ngu như lừa. Không hiểu được tại làm sao mà cái chi tiết ấy lại không làm cho ông lưu ý đến ngay từ đầu truyện; ông liền công nhận rằng câu tục ngữ: Người Nga chỉ sáng trí sau khi việc đã xong rồi, quả thật là đúng. Tuy vậy, ông ta cũng lấy ngay lại được vẻ tự tin, và cố chữa sự lầm lẫn của mình, bằng cách viện dẫn rằng người Anh đã đưa việc chế tạo máy móc đến một trình độ tinh xảo phi thường. Theo các báo thì có kẻ đã chế được những cái chân gỗ hết sức thần tình, chỉ bấm nhẹ một cái lò xo không ai trông thấy, là nó đưa anh đi ngay đến nơi mà chẳng còn ai có thể tìm ra anh được nữa.
Nhưng chẳng một ai muốn tin rằng Tsitsikôp là đại úy Kôpêikin cả; ông giám đốc bưu vụ đã đi quá xa. Tuy vậy, sự phỏng đoán tài tình của ông ta đã làm cho các quan chức cao hứng lên; họ chẳng muốn thua kém ông chút nào, nên lại đến lượt họ nêu ra những ức đoán, ít nhất cũng vô lý đến như thế. Và dù có kỳ quái đến mấy, họ cũng đi đến chỗ đặt ra câu hỏi: Tsitsikôp là Napôlêông trá hình chăng? Từ lâu, người Anh vẫn ghen ghét nước Nga rộng lớn và hùng cường. Họ in ra cả những bức biếm họa vẽ một người Nga nói chuyện với một người Anh; người Anh dắt một con chó và con chó ấy là Napôlêông; hắn nói: “- Coi chừng, không nghe lời ta, ta thả con chó nó xé xác ra!”. Biết đâu, họ đã chẳng để Napôlêông thoát khỏi Xên Hêlêna {Đảo ở giữa Nam Đại tây dương, nơi người Anh giam Napôlêông} và ông ta đang dong ruổi ngang dọc trên đất Nga, như Tsitsikôp vậy; nhưng cũng có thể không phải là Tsitsikôp.
Dĩ nhiên, cách giải thích ấy cũng chẳng thỏa mãn nổi các quan chức của chúng ta. Tuy vậy, sau khi nghĩ kỹ, họ cũng phải nhận rằng mặt Tsitsikôp mà nhìn một bên, nom cũng giông giống chân dung của Napôlêông. Ông cảnh sát trưởng, đã từng tham gia chiến dịch 1812 và có thấy Napôlêông rõ ràng, không thể công nhận rằng Napôlêông cũng không cao hơn Tsitsikôp, và dáng người của Napôlêông cũng có thể nói là không béo, không gày. Chắc có những bạn đọc cho rằng những câu chuyện ấy là vô lý, khó tin; để vừa lòng các bạn ấy, tác giả cũng đồng ý với họ. Nhưng, khốn thay, mọi việc diễn ra đúng như vừa kể thật. Và như thế lại càng lạ lùng, vì thành phố đang nói đây ở vào khoảng giữa hai kinh đô {Kiểm duyệt bỏ câu này}, chứ có phải nằm heo hút trên một thảo nguyên xa xôi nào đâu. Không nên quên rằng chuyện này xảy ra sau khi chúng ta đánh đuổi được quân Pháp một cách vinh quang. Thời ấy, tất cả các trang chủ, quan lại, thương nhân của chúng ta, những người làm công ở các cửa hiệu, và những kẻ khác, biết chữ hay không biết, hết thảy đều say sưa chính trị; ít nhất là trong tám năm trời liền. Các báo Tin tức Mạc tư khoa và Con trai Tổ quốc được truyền tay nhau cho đến khi rách tả tơi. Đáng lẽ hỏi nhau những câu thường lệ:
“- Này bác, bán kiều mạch bao nhiêu một đấu thế?” hay là: “- Hôm qua, có lợi dụng lúc sương muối không thế?” {Nói vắn tắt: lợi dụng lúc sương muối để đi săn thỏ, vì lốt chân của thỏ in trên sương rất rõ} thì người ta hỏi: “- Các báo đăng tin gì thế? Napôlêông lại thoát khỏi đảo một lần nữa rồi à?” {Trước kia, năm 1814, Napôlêông bị giam lỏng ở đảo Enb, trong Địa trung hải, đã thoát khỏi đảo trở về, đuổi quốc vương Pháp để lại lên ngôi hoàng đế}. Sợ việc ấy xảy ra nhất là đám thương nhân, vì họ tin những lời sấm truyền của một nhà tiên tri đã bị giam tù ba năm rồi. Con người thần cảm ấy, không biết từ đâu đến; chân đi dép vỏ cây; mặc cái tulup da cừu, không vải bọc ngoài, xông lên một mùi cá thối đến tởm; hắn thuyết rằng Napôlêông là Quỷ sứ - Phản Cơ đốc, rằng người ta xích hắn lại trong ngục, giữa sáu lớp thành quách, ở tận bên kia bảy biển rộng; nhưng rồi hắn sẽ đập tan xiềng xích và chinh phục cả vũ trụ. Bị bắt giam vì lời sấm truyền hay ho ấy, nhưng nhà tiên tri cũng đã kịp gieo rắc hoang mang vào đầu óc tầng lớp thương nhân chán chê rồi. Trong một thời gian dài, cứ vào tiệm uống trà, khao nhau nhân một món làm ăn phát tài nào đó là những kẻ ấy chỉ nói đến Quỷ sứ - Phản Cơ đốc. Nhiều công chức, cả nhiều nhà quý tộc nữa, cũng đâm ra suy nghĩ vẩn vơ đến điều ấy và bị thu hút vào chủ nghĩa thần bí, mà ai cũng biết lúc bấy giờ đang đúng thời thượng; họ gán cho mỗi chữ họp thành cái tên NAPÔLÊÔNG một ý nghĩa đặc biệt; nhiều người lại còn phát hiện ra cả những mật mã của Thiên khải luận {Thiên khải luận là cuốn sách cuối cùng trong bộ Tân ước của Kinh thánh đạo Cơ đốc gồm những ảo ảnh báo trước thắng lợi cuối cùng của đạo Cơ đốc, sau thời thống trị của Phản Cơ đốc; một quyển sách sấm, dùng toàn những biểu tượng và hết sức khó hiểu. Đoạn văn này của Gôgôn rất hiện thực chủ nghĩa, vì vào những năm 20 của thế kỷ XIX ở Nga, chủ nghĩa thần bí cực kỳ thịnh hành: người ta tin tưởng sâu sắc và ngoan cố vào việc xuất hiện của Quỷ sứ - Phản Cơ đốc. Như đã nói trong Thiên khải luận: nhiều người cho rằng Napôlêông là con quỷ Phản Cơ đốc ấy; cũng có người trái lại cho rằng Napôlêông là vị cứu tinh sẽ tiêu diệt quỷ sứ - Phản Cơ đốc là Nhà nước Nga hoàng, lập ra vương quốc của Chúa trên thế giới này. Ở đây Gôgôn trộn cả hai thuyết ngược nhau làm một, và như thế là có dụng ý}, trong cái tên ấy nữa. Vậy thì các công chức của chúng ta mà đã để thì giờ đoán rằng Tsitsikôp là Napôlêông, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả; nhưng sau đó thì họ liền thấy rằng óc họ đã tưởng tượng ra lắm cái bậy bạ.
Suy đi, nghĩ lại, bàn ra tán vào chán, rồi họ thấy tốt hơn hết là đem Nôzđriôp ra mà truy vấn một lần nữa cho thật cặn kẽ. Chính hắn là người đầu tiên truyền ra cái chuyện linh hồn chết; giao du mật thiết với Tsitsikôp, ắt hắn biết nhiều về cuộc đời của thằng cha ấy; cho nên cần phải cố khai thác lấy cái gì ở Nôzđriôp vậy.
Những công chức này thật là lạ lùng; mà số đông người đời cũng vậy! Họ cho rằng Nôzđriôp là đồ nói dối; họ biết là không thể nào tin được thằng cha nói khoác ấy, dù chỉ một lời; ấy vậy mà chính hắn lại là người mà họ xô nhau đến để nhờ giúp. Thật ra, chẳng biết làm thế nào mà hiểu nổi con người! Kẻ này không tin là có Chúa; nhưng nếu thấy buồn buồn trong mũi, thì lại tin ngay rằng ngày tận số của mình đã đến. Kẻ kia chê không thèm đọc một tác phẩm đầy thi vị và ánh sáng, có sự cân đối hòa hợp với vẻ giản dị thần tiên; nhưng lại lao vào đọc một cuốn sách viết vội vàng mà trong ấy, thiên nhiên đã bị một kẻ khéo mồm biến dạng, phản bội, cưỡng hiếp; và lấy làm khoái trá, đi đâu cũng hô lên: “- Đấy, thế mới thật là am hiểu lòng người!” Kẻ nọ suốt đời ghê sợ các ông thầy thuốc, rút cục lại đi hỏi thuốc một mụ già chuyên chữa bệnh bằng những lời thần chú và những bãi đờm có phép thần thông, hay tệ hơn là tự pha chế lấy một thứ thuốc ghê tởm nào đấy, và chẳng hiểu tại sao lại xem nó là phương thuốc duy nhất, thực sự thần hiệu đối với chứng bệnh của mình. Các công  chức của chúng ta có thể viện dẫn phần nào lý do là tình thế mà họ đang lâm vào quả thật gay go. Một người sắp chết đuối cố bám lấy bất cứ cái cọng rơm nào, mà dù là con ruồi cũng chưa chắc dám đậu, tuy con người khốn khổ ấy nặng tới bốn năm put; nhưng trong lúc nguy ngập như thế, anh ta đâu kịp nghĩ tới điều đó. Các công chức của chúng ta bám lấy Nôzđriôp, cũng như thế đấy.
Ông cảnh sát trưởng liền viết một cái giấy mời hắn đến nhà ông ta tối hôm ấy; một phái viên đi ủng ống cao, sắc mặt tươi như hoa, dễ gây được thiện cảm, vội tức tốc cầm giấy đi; thanh kiếm cắp bên sườn để phóng cho thật nhanh. Đã từ bốn hôm rồi, một công việc quan trọng giữ liền Nôzđriôp trong buồng riêng; hắn không tiếp ai cả; bữa ăn cũng đưa qua cửa sổ và người hắn gày, xanh hẳn đi; công việc rắc rối kia bắt buộc phải chú ý cao độ. Việc ấy như thế này: cố phối hợp hàng trăm quân bài để bày ra một lối đánh, mà nhờ những dấu hiệu nhỏ li ti ở lưng bài, hắn có thể tin chắc mười mươi là bao giờ cũng phải thắng. Công việc còn thu hút tâm trí của hắn ít ra là mười lăm ngày ròng rã nữa; và trong thời gian ấy thì Porfiri được lệnh phải dùng một cái bàn chải đặc biệt mà cọ vào rốn và xát xà phòng cho con cún, một ngày ba lần.
Nôzđriôp rất tức giận vì có người dám quấy rầy; hắn chửi rủa thậm tệ kẻ cầm giấy đến; nhưng sau khi xem thư thấy nói rằng người ta chờ một con chim non rất dễ vặt lông vào tối hôm ấy, thì hắn liền dịu lại, mặc vội quần áo vào, khóa cửa buồng hai lần, rồi đến ngay nhà ông cảnh sát trưởng.
Những khẳng định, những ức đoán của Nôzđriôp làm cho các công chức lạc lối hoàn toàn. Con người ấy không biết nghi ngờ là gì cả; thật là trái ngược hẳn nhau, những ức đoán của các công chức mơ hồ và dè dặt bao nhiêu thì của hắn lại chắc chắn và dứt khoát bấy nhiêu. Giọng quả quyết, chẳng chút do dự, hắn trả lời tất cả mọi câu hỏi, Tsitsikôp có mua linh hồn chết, trả tiền hàng nghìn rúp; chính hắn cũng có bán cho, vì hắn chẳng thấy lý do gì để không bán cả.
Đáp lại câu hỏi: - Tsitsikôp phải chăng là một tay mật thám, đang tiến hành một cuộc điều tra bí mật? - Nôzđriôp trả lời là: đúng như vậy. Ngày còn đi học với nhau, anh em đã gọi nó là thằng chỉ điểm và cũng vì cái thói ấy, mà một hôm chúng bạn, có cả Nôzđriôp nữa, đã quật cho nó một trận nên thân; đến nỗi để trích huyết cho nó, chỉ ở hai thái dương mà thôi, đã phải dùng tới hai trăm bốn mươi con đỉa. Nôzđriôp muốn nói bốn mươi, nhưng con số hai trăm kia cứ tự nhiên thêm vào.
Đáp lại câu hỏi: - Tsitsikôp có làm bạc giả không? - hắn khẳng định là có; rồi kể ngay một giai thoại về cái tinh quái phi thường của Tsitsikôp. Nghe tin y cất trong nhà hai triệu rúp bạc giả, cảnh sát liền đến niêm phong và canh gác nhà, y đặt hai tên lính canh ở mỗi cửa ra vào; nhưng đêm đến là anh chàng đánh tráo hết chỗ bạc giả; sáng hôm sau, bỏ niêm ra, thì bao nhiêu bạc đều là thật, chẳng một tờ nào giả cả. Đáp lại câu hỏi: - Tsitsikôp có ý định bắt cóc con gái ông tỉnh trưởng, và có thật hắn, Nôzđriôp, đã hứa giúp Tsitsikôp không? - hắn quả quyết rằng đúng thật như vậy; vì hắn mà không giúp, thì việc ấy ắt hẳn phải thất bại. Hắn liền nhận thấy những lời nói dối ấy có thể gây cho hắn nhiều việc phiền hà; nhưng hối thì đã muộn rồi. Ngoài ra, trí tưởng tượng của hắn đã làm cho hắn hình dung ra vụ ấy với nhiều chi tiết ly kỳ, đến nỗi hắn không tài nào cưỡng lại nổi cái thú đem kể hết ra được. Hắn nói rõ tên nhà thờ xứ đã được chọn để cử hành hôn lễ bí mật: xứ ấy là làng Trukhmatsepka; ông pôp là Cha Xiđô, nhận làm lễ với món tiền bảy mươi lăm rúp; nhưng chính hắn phải dọa là nếu không nhận thì sẽ tố ông ta vừa làm lễ thành hôn cho lão lái bột Mikhain với người đàn bà đã cùng với lão làm cha và mẹ đỡ đầu cho một đứa bé {Nhà thờ Chính thống giáo cấm hôn nhân như thế}. Hắn lại bảo là hắn để chiếc xe ngựa của hắn cho hai người sử dụng và đã chuẩn bị ngựa thay ở các trạm cho họ cẩn thận; hắn kể ra cả tên của những phu trạm nữa.
Các công chức mới hơi nói bóng tới con người Napôlêông thì đã phải bực mình; vì tức thì Nôzđriôp tuôn ra một tràng những lời lếu láo đến nỗi mọi người phải bỏ đi. Chỉ còn ông cảnh sát trưởng ngồi rốn lại nghe, mong được thấy hiện lên một điểm ánh sáng nào tương tự với sự thật chăng; nhưng rồi ông ta cũng phải bỏ cuộc và kêu lên: “Có quỷ biết được là hắn phun ra những chuyện gì”. Và mọi người đều đồng ý rằng câu tục ngữ: Cứ tha hồ mà vắt một con bò đực, chẳng được giọt sữa nào đâu, là rất đúng. Thế là các công chức phải chia tay nhau trong một tình thế còn khó chịu hơn nữa; vì bây giờ thì đã rõ là không thể nào biết được Tsitsikôp là ai cả.
Nhân dịp ấy, người ta có thể nhận thấy con người là cái hạng tạo vật như thế nào. Con người lúc nào cũng khôn ngoan, tinh ý, thấy rõ lẽ phải trong công việc của người khác; nhưng trong công việc của chính mình thì lại không thế; trong những lúc nguy biến của cuộc đời, hắn biết khuyên bạn những lời chí lý, khiến cho quần chúng phải kêu lên: “- Bộ óc kiên cường biết bao! Tính khí bất khuất biết bao!”. Nhưng khi mỗi một bất hạnh giáng xuống bộ óc kiên cường ấy; khi bộ óc ấy phải vật lộn với những khó khăn của cuộc đời, thì bạn sẽ thấy cái tính khí bất khuất ấy sẽ ra thế nào. Con người không gì lay chuyển nổi ấy liền sớm lột xác và thành một đứa trẻ con bạc nhược, một kẻ hèn nhát đáng bỉ, một thứ đồ tồi {Nguyên văn là fêtiuk, một tiếng lóng mà Gôgôn đã đưa vào ngôn ngữ văn học Nga} như Nôzđriôp vẫn nói.
Tất cả những lời đồn đại, bàn tán, những dư luận ấy, không biết làm sao mà lại ảnh hưởng đặc biệt hung ác tới ông chưởng lý tội nghiệp. Về đến nhà, ông ta đâm ra suy nghĩ và nghĩ dữ đến nỗi chết vì nghĩ. Bị trúng phong chăng? Hay vì một chứng bệnh bất ngờ nào khác? Dù sao thì cũng chẳng có nghĩa lý gì cả; tự nhiên đang ngồi trên ghế, ông ta đổ xuống. Người nhà chạy đến, vừa kịp giơ tay kêu lên: “- Ôi, lạy Chúa!” và cho người đi gọi thày thuốc đến trích huyết cho ông; thì thấy rằng ông chưởng lý chỉ còn là một cái xác không hồn. Bấy giờ, người ta mới thấy lần đầu tiên rằng ông chưởng lý, sinh thời cũng có một cái hồn; chắc là vì khiêm tốn, ông không bao giờ phô ra đó thôi. Cái chết vẫn khủng khiếp khi nó giáng xuống một người nhỏ mọn cũng như giáng xuống một bậc vĩ nhân. Con người tội nghiệp ấy, mới đây, còn đi lại, đánh uyxt, ký giấy tờ, và khác người vì con mắt hấp háy và đôi mày rậm; con người ấy giờ đây đang nằm dài trên một cái bàn; con mắt trái thế là vĩnh viễn không hấp háy nữa, nhưng đôi lông mày thì vẫn nhướn cao lên, tựa hồ muốn hỏi điều gì. Ông ta muốn hỏi điều gì vậy: tại sao ông ta sống ở đời, hay tại sao ông ta lại chết như thế? Chỉ có Chúa mới biết được thôi.
Nhưng thật là phi lý, thật là huyền hoặc, không thể nào mà có được! Làm sao mà những công chức lại có thể hoảng sợ đến nỗi mất cả khái niệm về thực tại và đặt ra điều để làm rối beng một việc hết sức rõ ràng, mà đến một đứa trẻ cũng biết ngay mọi sự tình? Chắc có những bạn đọc lập luận như thế và buộc tội tác giả là đã viết ra những điều không thể nào tin được, hay cho rằng những nhân vật của nó toàn là “đồ ngốc” cả. Cái hình dung từ ấy là cái mà con người ta rất hào phóng và sẵn sàng đem gán cho kẻ đồng loại mỗi ngày hai chục lần. Bạn cứ có lấy một thói xấu và được mười tính tốt bù lại, thì cái thói xấu duy nhất ấy đã đủ để liệt bạn vào hàng những thằng ngốc rồi. Từ nơi ẩn dật thanh tĩnh, trên cao nhìn xuống, bạn đọc thu tóm hết vào tầm mắt toàn thể sự việc diễn ra dưới thấp; mà ở đấy thì cái nhìn của người ta chỉ tới được một chân trời hữu hạn; như vậy là bạn có thể phán đoán rất thuận lợi. Trong lịch sử nhân loại, có nhiều thế kỷ mà người ta muốn xóa đi, làm biến đi, vì cho là vô ích. Thời ấy đã phạm biết bao nhiêu sai lầm mà ngày nay có lẽ một đứa trẻ cũng không mắc phải. Nhân loại đi tìm chân lý vĩnh viễn, đã chọn những con đường chật hẹp, khúc khuỷu, vòng vèo, khó đi biết bao nhiêu; trong lúc trước mắt họ là một thông lộ vương giả, thênh thang, thẳng tắp như những đại lộ đưa tới cung vua, phủ chúa. Ban ngày rực rỡ mặt trời, ban đêm ánh trăng chiếu sáng; con đường ấy vượt xa tất cả mọi con đường khác về vẻ lộng lẫy, huy hoàng; nhưng loài người xưa nay vẫn lần mò trong đêm đen, mà không hề trông thấy nó. Cũng có khi, nghe theo một mối thần cảm từ trên truyền xuống, họ bước lên con đường ấy, nhưng lại lạc lối tức thì; giữa ban ngày mà cứ đâm thẳng vào những rừng rậm không lối ra, lại còn làm mù mắt lẫn nhau và lấy thế làm thú; rồi bước theo những ngọn lửa ma trơi, họ đến bên miệng vực thẳm và hãi hùng hỏi nhau: “Lối ra ở đâu? Con đường đúng ở đâu?”. Thế hệ hiện tại biết tất cả những điều ấy; nó ngạc nhiên và chế giễu những sự lầm lạc của cha, ông; nhưng không thấy rằng lịch sử đã được viết ra với lửa của trời; rằng mỗi chữ đều sáng sủa rõ ràng; rằng từ đâu đâu cũng có một ngón tay oai nghiêm chỉ vào nó, vào chính nó, vào cái thế hệ hiện tại này; mà nó thì cứ thích thú trong việc chế nhạo người xưa và ung dung phạm những sai lầm mới; để rồi sẽ đến lượt hậu thế chế nhạo lại nó.
Tsitsikôp hoàn toàn không hay biết gì về mọi việc xảy ra cả; lại vừa vặn lúc ấy thì y bị cảm lạnh, kèm theo sưng và viêm cuống họng; đó là những thứ quà mà khí hậu của nhiều tỉnh lỵ của chúng ta thường đãi khách không hề tiếc. Sợ phải chấm dứt cuộc phù sinh, không kịp để lại những người nối dõi; y quyết định nằm liền ba bốn ngày, không ra khỏi buồng; suốt thời gian ấy y không rời khỏi miếng thuốc cao bằng lá cúc và long não; y luôn luôn súc miệng bằng sữa đun với quả vả; xong rồi ăn các quả ấy. Để tiêu những thì giờ nhàn rỗi bắt buộc đó, y lại lập danh sách mới, rất chi tiết, ghi tất cả những nông phu mua được; y đọc rảo qua cuốn Công tước phu nhân Đơ la Valie {Tiểu thuyết dịch của nữ sĩ Pháp đơ Jănglix là nhà văn nước ngoài được giới thượng lưu Nga ham thích nhất trong đầu thế kỷ XIX} tìm được một tập không trọn bộ trong hòm áo; y sắp xếp lại cho ngăn nắp cái tráp đựng bút mực và đọc lại vài cái giấy tờ cất ở đấy. Nhưng chẳng mấy chốc, y đã chán. Y không làm thế nào mà hiểu được tại sao chẳng có một công chức nào đến hỏi thăm sức khỏe y cả; vì trước đấy, bao giờ cổng khách sạn mà chẳng có xe đỗ: xe ông giám đốc bưu vụ, xe ông chưởng lý, xe ông chánh án. Y đi đi lại lại như đo căn buồng; chốc chốc lại nhún vai.
Sau cùng, y thấy đỡ hẳn và sung sướng biết mình đã có thể đi ra ngoài, thở khí trời, không hại gì cả. Chẳng đủng đỉnh gì nữa, y sửa sang cái bộ mặt; mở tráp, y lấy xà phòng và cái chổi quệt xà phòng, rót nước nóng vào một cái cốc và bắt đầu cạo râu; việc ấy kể cũng hợp thời, vì đưa tay lên cằm và ngắm mình trong gương, y vội kêu lên: “Chao ôi, thật là một cánh rừng!”. Có lẽ nói thế cũng hơi quá; nói là cái truông thì đúng hơn. - Cạo râu xong, y mặc quần áo vội vội vàng vàng; đến nỗi đút chân vào ống quần, y bị vướng, suýt ngã kềnh ra. Sau cùng, trang phục đã ấm ấp, ngưòi thơm phức ô đơ Côlôn, đôi má che kín dưới chiếc khăn quàng; y nhanh nhẹn bước ra phố. Cũng như đối với mọi người mới ốm dậy, cuộc dạo chơi ấy đối với y thích thú chẳng kém gì một ngày hội; cái gì đối với đôi mắt của y cũng có vẻ tươi cười; từ nhà cửa cho đến những người mujik nom dữ tợn, mà nhiều tay chắc đã có dịp trổ tài đấm đá rồi.
Nơi viếng thăm đầu tiên, tất nhiên, phải là ông tỉnh trưởng. Dọc đường, tâm trí y bận rộn nhiều ý nghĩ; nhưng hình ảnh cô thiếu nữ tóc vàng cứ phất phới trước mắt, làm cho trí tưởng tượng của y tha hồ mà phóng túng, và cuối cùng y cũng đến phải tự trêu mình một chút. Tâm hồn phấn chấn như thế, y bước vào phòng áo dinh tỉnh trưởng; vừa cởi áo khoác ra thì người gác cổng liền bảo, giọng dứt khoát, không chút do dự; làm cho y rất đỗi ngạc nhiên: - Có lệnh không tiếp.
- Hả? Thế nào? Anh không nhận ra ta à? Hãy nhìn lại cho kỹ đi; Tsitsikôp bảo thế.
- Làm sao tôi không nhận ra ông được; tôi thấy ông lần này chẳng phải là lần thứ nhất. Nhưng chính ông, và chỉ có mình ông, là tôi được lệnh không cho vào.
- Nói gì thế? Tại sao thế? Làm sao, hả?
- Có lệnh như thế; và chắc là có lý do; người gác cổng trả lời và nói thêm; “- đúng thế đấy”.
Nói xong, hắn lấy một tư thế ngang nhiên, như chẳng cần gì ai cả, khác hẳn cái vẻ khúm núm của hắn trước đây không lâu, những khi hắn nhanh nhảu cởi áo ngoài cho Tsitsikôp. Hắn nhìn y mà như nghĩ thầm: “- Này, quan lớn, bà lớn mà cấm cửa đằng ấy, thì đúng đằng ấy là một kẻ chẳng ra gì!”.
“- Chẳng hiểu ra làm sao cả!”, Tsitsikôp nghĩ thế, rồi đến ngay nhà ông chánh án; nhưng trông thấy y là ông ta luống cuống đến nỗi chẳng nói được một câu ra trò; ông ta lúng búng mấy tiếng chẳng ra đầu đuôi gì cả, làm cho cả đôi bên đều thấy xấu hổ. Ở nhà ông chánh án ra, Tsitsikôp cố đoán xem ông ta muốn nói gì, muốn ám chỉ cái gì; nhưng đành chịu. Y bèn đến nhà ông cảnh sát trưởng, rồi nhà ông phó tỉnh trưởng, nhà ông giám đốc bưu vụ, và nhà nhiều người khác; nhưng kẻ thì không tiếp, kẻ thì tiếp một cách lạnh lùng và nói với y những lời lúng túng, vô nghĩa lý, đến nỗi y thấy ngờ rằng họ bị loạn óc. Y đến gõ cửa nhiều nơi nữa, mong được biết rõ, ít nhất là duyên cớ của cách cư xử kỳ quặc ấy; nhưng hoài công, vô ích. Thế là, như ngây, như dại, y lang thang mãi trong thành phố, không thể biết đích xác được rằng ai - chính mình hay là các công chức - đã bị loạn óc, và cái chuyện phi lý hết sức này là giấc mê hay là sự thật.
Đêm xuống đã lâu rồi, y mới trở về khách sạn; sáng ra đi thì vui vẻ, phấn chấn thế; giờ thì để giải phiền, y bảo dọn trà lên, rót ra một chén, rồi ngẫm nghĩ đến cái tình thế kỳ quái của mình; bỗng cửa buồng mở ra, và Nôzđriôp bước vào, thật chẳng ai ngờ.
- Tục ngữ có câu: Vì bạn thì bảy versta nào có phải là đi đường vòng, hắn vừa nói, vừa bỏ mũ ra; tớ đi qua đây, thấy buồng cậu còn đèn, tớ nghĩ: được, nó chưa ngủ, mình vào đây. À, trà đấy à, tuyệt! Tớ vui lòng uống một tách; chẳng biết lúc nãy ăn chiều, tớ ngốn những thứ gì ghê tởm mà cái dạ dày lại đâm ra cọc cạch thế này. Cậu nhồi cho tớ một tẩu thuốc lá đi. Đâu, tẩu của cậu đâu rồi?
- Tôi không hút tẩu, Tsitsikôp trả lời lạnh lùng, cụt ngủn.
- Thôi đi, làm như người ta không biết cậu ấy! Ê, thằng người hầu của cậu tên gì nhỉ? À, Vakhramêi, bảo đây!
- Không phải Vakhramêi, Pêtruska đấy.
- Thế nào?... Trước cậu nuôi thằng Vakhramêi cơ mà.
- Tôi có nuôi Vakhramêi nào bao giờ.
- Ừ, phải rồi, thằng người hầu của Điêriêbin mới là Vakhramêi. Cái thằng Điêriêbin ấy, quả thật là may! Cậu hãy tưởng tượng, cô nó giận thằng con trai, vì thằng này lấy một nông nô; rồi đem tất cả gia tài để lại cho Điêriêbin. Tớ thật mong được một bà cô như thế… Nhưng cậu này, tại sao cậu tránh mọi người thế, chẳng thấy cậu đi đâu nữa cả. Tất nhiên, tớ biết, cậu bận vì những vấn đề khoa học, cậu lại ham đọc sách (Tại sao mà Nôzđriôp nghĩ rằng Tsitsikôp ham đọc sách và nghiên cứu khoa học, chúng ta chẳng thể biết được; mà Tsitsikôp lại càng không biết nữa)… A, cậu Tsitsikôp này, giá cậu được thấy… thật là cái mồi ngon cho óc châm biếm của cậu! (Tại sao Tsitsikôp lại có óc châm biếm, chúng ta cũng chịu thôi). - Cậu hãy tưởng tượng, cậu ạ, là chúng tớ đến đánh gorka ở nhà lão lái Likhatsôp; thật là tha hồ chơi! Pêrêpenđiep đi theo tớ, cứ nói đi, cứ lại: “- Hoài của, không có Tsitsikôp ở đây! Hôm nay thật là hợp với nó!” (Suốt đời, Tsitsikôp chưa từng biết một Pêrêpenđiep nào cả)… Nhân thể, cậu ạ, phải thú thực rằng hôm nọ đánh cờ đam, cậu đối với tớ bỉ ổi thật. Tớ đã được đứt đuôi đi rồi… thế mà cậu ăn cắp gọn của tớ. Nhưng mà tớ, quỷ bắt tớ đi, tớ không biết thù đâu nhé! Này, lúc nãy, khi lão chánh án… À, này! Nhân tiện tớ quên bảo cậu biết là trong thành phố, tất cả đều chống lại cậu đấy.. Chúng nó bảo cậu làm bạc giả. Chúng nó truy tớ; tớ hết sức bảo vệ cậu. Tớ kể cho chúng nó nghe rằng tớ là bạn học của cậu ngày xưa, rằng tớ biết cả ông cụ nhà cậu; cậu biết chứ, tớ đã cho chúng một trận nên thân…
- Tôi làm bạc giả? Tsitsikôp hét và nhảy vọt lên.
- Quỷ sứ, tại sao cậu lại làm cho chúng khiếp sợ đến thế? Vì cái chuyện ấy, chúng đã loạn óc lên cả rồi; chúng cho cậu là một tên tướng cướp, một tên mật thám… Lão chưởng lý sợ quá, chết mất rồi! Mai đưa ma đấy, cậu có đi đưa không? Nói thật, chúng nó hốt lão tổng trấn mới lắm. Nhưng, tớ cho là lão ta mà làm bộ ông lớn, thì chẳng được đếch gì của quý tộc đâu. Quý tộc vẫn thích hiền lành, phúc hậu thôi, phải không nào? Dĩ nhiên, lão ta có thể cấm cung trong văn phòng và không mở vũ hội nữa; nhưng như thế thì lão sẽ được gì? {Đoạn từ Nhưng, tớ cho là… cho đến đây, bị kiểm duyệt bỏ}… Này, cậu có biết không, Tsitsikôp ạ, cậu tự dấn thân vào một vụ nguy hiểm lắm đấy…
Tsitsikôp lo ngại hỏi: - Vụ nào?
- Bắt cóc con gái lão tỉnh trưởng chứ vụ nào nữa. Thú thực, tớ cũng tin là cậu sẽ làm thế. Xin thề là lần đầu tiên tớ thấy hai người ở vũ hội, tớ đã nghĩ bụng: này, này, thằng cha có ý kiến rồi đấy nhé… Thật ra, cậu có biết không, tớ chẳng tán thành cái việc chọn lựa của cậu tí nào đâu. Con bé ấy, đối với tớ, chả ra quái gì… Có một đám, họ hàng với Bikuxôp, cháu gái gọi lão ta bằng cậu; con bé ấy mới thật tuyệt! Có thể nói rằng: đáng giá đấy…
- Anh nói gì thế? Tôi định bắt cóc con gái ông tỉnh trưởng à! Tsitsikôp kêu lên, đôi mắt trợn ngược.
- Thôi, cậu ơi, thật là khéo giấu giếm! Tớ thú thực là tớ đến giúp cậu đây. Tớ làm chứng cho cậu; tớ kiếm cho cậu đủ xe kiệu, ngựa trạm; chỉ với một điều kiện là cậu cho tớ vay ba nghìn rúp. Đối với tớ, đó là một vấn đề sinh tử.
Trong khi Nôzđriôp nói nhảm như thế, Tsitsikôp dụi mắt nhiều lần để chắc rằng mình còn tỉnh, chứ không phải đang nằm mê. Y làm giấy bạc giả, dự định bắt cóc con gái ông tỉnh trưởng, làm cho ông chưởng lý chết toi; một tổng trấn mới bổ, sắp đến! Tất cả những tin ấy cùng làm cho y hoảng hốt. Y tự nhủ: - Thôi, sự thể đã như vậy, thì chỉ còn cách nhổ trại đi cho chóng nữa mà thôi!
Sau cùng, y đẩy được Nôzđriôp đi, vội vàng gọi Xêlifan vào ra lệnh ngày mai phải dậy từ mờ sáng và chuẩn bị đầy đủ, để lên đường đúng vào lúc sáu giờ: chiếc britska phải xem lại cẩn thận, chùi rửa sạch sẽ và dầu mỡ đầy đủ, vân vân… Tsitsikôp đặc biệt nhấn mạnh vào điểm này.
“- Xin vâng, Paven Ivannôvits ạ”, Xêlifan nói, rồi đứng tần ngần trên ngưỡng cửa.
Tsitsikôp lại bảo Pêtruska lấy hòm áo; hắn kéo chiếc hòm từ gầm giường ra; một lớp bụi dày đã có đủ thì giờ phủ kín mặt hòm. Hai thầy trò nhét bừa vào nào là bít tất, sơ mi, quần áo bẩn, quần áo sạch, cốt ủng, sách lịch… tất cả những gì mà họ vớ được. Nhân vật của chúng ta muốn được sẵn sàng ngay từ đêm nay, để ngày mai chẳng còn gì có thể làm chậm lúc lên đường được nữa.
Sau hai phút liền đứng nhìn Pêtruska và ông chủ, Xêlifan mới quyết định đi xuống; hắn đi chậm, chậm đến nỗi chẳng còn ai trên đời có thể đi chậm hơn được nữa; để lại trên những bậc thang bị mọt đục, những dấu ủng còn ướt của hắn; và vừa đi, vừa gãi gáy, mãi không thôi. Gãi như thế có ý nghĩa gì? Bực mình vì bắt buộc phải thôi, ngày mai không được gặp ở tiệm rượu, một thằng bạn mặc tulup khổ, buộc cái thắt lưng sặc sỡ? Hay là, đã có ước hẹn trong một việc tâm sự, Xêlifan mãi tiếc những câu chuyện phong tình, thủ thỉ buổi tối, trên các bậc cửa, nắm chặt đôi bàn tay trắng trẻo trong hai bàn tay mình; vào cái giờ phút mà bóng tối phủ khắp phố phường, và một chàng trai mặc áo sơ mi rộng, màu đỏ, phừng phưng gảy chiếc đàn balalaika, mua vui cho bọn đầy tớ, thợ thủ công và những hạng người hèn mọn khác, đang giả cái mệt của một ngày lao lực với những câu chuyện hàn huyên vui vẻ? Hay là chỉ buồn vì phải bỏ lại một chỗ ngồi ấm cúng đã thu xếp được cạnh lò sưởi; phải thôi không ăn món xúp bắp cải béo ngậy và món Pirôjki ngon lành, để lại giong ruổi dặm trường, trên mưa, dưới bùn, dầm sương, dãi nắng? Họa có Chúa biết được. Một người thường dân Nga đưa tay lên gãi gáy, cử chỉ ấy có nhiều ý nghĩa lắm!