Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Chương thứ ba

…. “Nếu quả đại tá Kôskariôp điên thật, thì cũng chẳng sao!”, Tsitsikôp tự nhủ khi xe đã đưa hắn trở lại chốn đồng không mông quạnh. Xung quanh chỉ thấy những không gian vô tận, đất lẫn trời. Trên cao lơ lửng hai đám mây.
- Xêlifan, mày đã hỏi kỹ đường đến ấp đại tá Kôskariôp chưa?
- Con chưa kịp hỏi, Paven Ivannôvits ạ, con còn phải lo chữa xe; nhưng Pêtruska nó đã hỏi anh xà ích rồi.
- Mày điên rồi sao? Tao đã bảo mày bao nhiêu lần là đừng có tin vào cái thằng Pêtruska ấy! Nó là đồ súc sinh, đồ bị thịt, và giờ đây biết chắc là hắn đang say bí tỉ.
- Có gì khó đâu; Pêtruska nói, người hơi quay lại, đôi mắt lấm lét. Xuống khỏi dốc là rẽ ra đồng cỏ, chỉ có thế thôi, chẳng có gì khác.
- Còn mày thì chỉ nốc rượu mạnh vào thôi, chẳng có gì khác phải không? Đồ bợm! - Nói đoạn Tsitsikôp vừa xoa cằm vừa nghĩ bụng: “Nghĩ cho cùng, một người quý tộc với một thằng hầu thô kệch thật khác nhau một trời một vực!”. Trong khi đó, con đường bắt đầu xuống dốc. Một lần nữa lại hiện ra những cánh đồng cỏ và những khóm phong dương.
Khẽ đưa qua đưa lại trên những bộ díp mềm mại, cỗ xe êm ái, thận trọng lăn xuống con đường dốc thoai thoải để cuối cùng đổ ra đồng cỏ, dọc theo các nhà xay lúa; bánh xe lăn ầm ầm mỗi khi qua cầu, hòm xe đung đưa khe khẽ mỗi khi đi qua những khoảng đất ruộng mềm và lồi lõm. Nhưng Tsitsikôp không hề cảm thấy xe xóc chút nào, y cứ tưởng như đang ngồi ghế bành vậy.
Bây giờ xe đang đi giữa hai dãy thùy dương xen lẫn những cây trăn gầy guộc, những cây phong bạc có vẻ như đang chạy trốn trước mặt họ, cành cây quất vào Xêlifan và Pêtruska đang ngồi trên ghế xà ích. Cái mũ lưỡi trai của Pêtruska cứ chốc chốc lại rơi. Tên đầy tớ cục mịch vừa nhảy xuống đất nhặt mũ, vừa nguyền rủa cái cây chết tiệt kia cũng như kẻ đã trồng nó lên. Nhưng mỗi lần như thế lại hy vọng rằng cái nạn rơi mũ sẽ không xảy ra nữa, hắn nhất định không chịu buộc quai mũ, mà cũng chẳng thèm giữ lấy mũ.
Chẳng bao lâu đã thấy những cây phong dương, cây bạch dương, cây tùng nhập bọn với những cây kia. Khu rừng tối sẫm lại, dường như sẵn sàng chìm vào đêm tối. Nhưng đột nhiên giữa các cành cây và thân cây lóe ra những đường sáng; tựa hồ những mảnh gương chói lòa. Cây cối mỗi lúc một thưa dần, những vệt ánh sáng to dần lên… và khách lữ hành thấy mình đứng trước một cái hồ, cả một bình nguyên nước bề rộng đến bốn verta. Bên bờ đối diện, một cái làng vươn cao lên phía trên mặt hồ, với những nếp nhà gỗ xám rải rác. Những tiếng reo hò vang lên. Một tốp chừng hai mươi người, lội nước đến ngang thắt lưng, có người đến vai, đang kéo về phía bờ một cái lưới rộng mênh mông; trong đó, không biết vì một sự tình cờ kỳ quái nào, không phải chỉ có cá, mà còn có một lão tròn huyn, béo thu lu, chiều ngang vừa bằng chiều cao, trông y như quả dưa hấu, giống hệt cái thùng tô nô! Hắn đang có vẻ hoảng hốt lắm, gân cổ lên thét.
- Thằng Đênix Bị thịt, đưa đầu dây cho thằng Kuzma đi! Kuzma, cầm lấy đầu dây cho thằng Đênix. Cái thằng Fôma Lớn kia, đừng kéo khỏe quá thế. Mày đỡ thằng Fôma Con một tay thì hơn! Kìa, nhẹ tay với chứ, nhẹ tay chứ; rách mất lưới bây giờ!
Có thể thấy rõ rằng cái thùng tô nô kia không hề sợ cho mình; với cái hình dáng tròn thu lu ấy thì chết đuối sao được! Hắn có muốn lặn chăng nữa thì dù có cố gắng đến đâu nước cũng sẽ đẩy hắn nổi lên; cho dù có hai người khác cưỡi lên lưng hắn nữa, thì hắn vẫn sẽ nổi lên mặt nước như một quả bong bóng lì lợm; chẳng qua chỉ hơi rên rỉ một chút vì sức nặng của họ, và thở một ít bong bóng ra đằng mũi. Hắn sợ là sợ lưới rách và cá chuồn mất; cho nên hắn cứ bảo mấy người đứng trên bờ kéo hắn nữa, bằng những sợi thừng mà người ta vừa ném xuống cho hắn.
- Chắc đúng là đại tá Kôskariôp, Xêlifan nói.
- Sao biết?
- Vì ông này trắng hơn tất cả bọn, ông trông, người lại phát phì ra thế kia; biết ngay là một ông chủ.
Trong khi đó người ta đã lôi con người mắc lưới vào gần bờ. Khi thấy chân đã chạm đáy, hắn đứng dậy thì vừa trông thấy cỗ xe đang men bờ đê đi xuống, và Tsitsikôp đứng trên xe.
Thân hình quấn chặt trong cái lưới như bàn tay của một phu nhân đi găng rua mùa hạ; ông chủ kia, vừa lóp ngóp lên bờ cùng với chỗ cá bắt được, vừa quát:
- Ăn chiều chưa đấy?
Hắn ta giơ một tay lên che mắt cho khỏi chói nắng, còn tay kia thì bụm lấy phía dưới như kiểu thần Vệ nữ Mêđisix tắm xong, vừa ra khỏi nước {Một công trình nghệ thuật có tiếng của thời thượng cổ: tượng này hiện ở viện bảo tàng thành phố Firenze (tiếng Pháp gọi là Florence) nước Ý. Có tên gọi là Vệ nữ Mêđisix vì nguyên là sở hữu của họ Mêđisix (Médicis), chúa công quốc Firenze thời Phục hưng (thế kỷ XV-XVI). Cách ví của tác giả ở đây chỉ có tính chất trào lộng, chứ không hiện thực; vì pho tượng Vệ nữ Mêđisix là một tuyệt tác thể hiện vẻ ngại ngùng, e thẹn có vẻ hoảng sợ, nhưng rất thanh tú, chứ không thô trọc như lão địa chủ này}.
- Chưa, Tsitsikôp vừa nói vừa cất mũ lưỡi trai và tiếp tục đứng trên xe chào.
- Thế thì hãy cảm ơn Thượng đế đi!
- Có những gì thế? Tsitsikôp tò mò hỏi.
- Này! Fôma Con, buông lưới ra, đưa con cá chiên đây xem nào. Thằng Kuzma Bị thịt, đến giúp nó một tay!
Hai người đánh cá nâng từ đáy thùng lên cái đầu của một con cá to tướng.
- To lạ lùng phải không nào? Từ ngoài sông bơi thẳng vào cho chúng ta chén đấy; người tròn thu lu quát. Kìa, vào đi chứ! Này, anh xà ích, đi theo con đường dưới, qua khu vườn rau ấy. Fôma Lớn chạy mở rào! Đi đi, đi đi, nó chỉ đường cho. Tôi về ngay đây.
Chân đi đất, mình mặc mỗi chiếc sơ mi, Fôma Lớn chạy trước cỗ xe qua suốt cả làng. Ở đây, trước mỗi ngôi nhà gỗ đều có phơi những tấm lưới, những cái lờ, những cái rớ, vì dân ấp đều làm nghề chài lưới. Rồi nó mở cái rào chắn ra, cỗ xe đi qua các vườn rau đến một khoảng đất trống cạnh một ngôi nhà thờ bằng gỗ, phía sau thấp thoáng những mái nhà của trang chủ.
- Cái lão Kôskariôp này khác đời thật! Tsitsikôp nghĩ thầm.
- Tôi về đây rồi; có tiếng ai nói bên cạnh.
Tsitsikôp ngoảnh lại. Người to bé kia đang đi về phía y, mình mặc một chiếc áo dài bằng hàng Nam-Kinh màu lá cây, một cái quần rộng ống màu vàng, cổ thắt ca vát theo kiểu Cupiđôn. Hắn ta ngồi nghiêng người trên một chiếc xe đrôjki, người choán chật cả xe. Tsitsikôp định nói với hắn điều gì, nhưng hắn ta đã biến đâu mất. Chiếc đrôjki lại hiện ra ở chỗ bắt được con cá. Những tiếng quát tháo lại vang lên… Fôma Con, Fôma Lớn! Kuzma! Đênix!
Khi Tsitsikôp vào đến thềm nhà, y rất đỗi ngạc nhiên lại thấy ông béo ra đón và ôm y vào lòng. Không sao hiểu được ông béo làm thế nào về chóng đến thế. Họ ôm quàng lấy nhau ba lần theo hình chữ thập, đúng phong tục cổ truyền của dân Nga. Chủ nhân là một người phái cũ.
- Tôi xin chuyển lại ngài những lời chào của tướng công, Tsitsikôp nói.
- Tướng công nào?
- Người bà con của ngài ấy mà, tướng quân Alexanđr Đmêtriêvits.
- Nhân vật nào thế nhỉ?
- Tướng quân Bêtrisep ấy mà; Tsitsikôp đáp, hơi ngạc nhiên.
- Không biết!
Tsitsikôp lại càng lấy làm lạ.
- Sao lại thế nhỉ!... Thế mà tôi hy vọng là đang được hân hạnh tiếp chuyện đại tá Kôskariôp…
- Không, ông đừng hy vọng. Đội ơn Chúa, nơi ông đến đây không phải là nhà hắn đâu, mà chính là nhà của tôi, Piôtr Pêtrôvits Pêtukh, Pêtukh Piôtr Pêtrôvits!
Tsitsikôp đớ người ra.
- Thế nghĩa là thế nào? y ngoảnh về phía Xêlifan và Pêtruska đang đứng đực ra đấy, mồm há hốc, mắt tròn xoe, kẻ trên ghế xà ích, kẻ trên bậc cửa xe. Bọn chúng mày làm ăn thế à, đồ ngu? Người ta dặn chúng mày là đến nhà đại tá Kôskariôp, thế mà bây giờ lại hóa ra nhà ông Piôtr Pêtrôvits Pêtukh!... {Họ Kôskariôp có từ căn Kôska có nghĩa là “con mèo”. Còn Pêtukh có nghĩa là “con gà trống}
- Họ làm thế là rất phải! Hai chú ra nhà sau đi, anh sẽ rót mời hai chú một cốc vôtka ra trò; Piôtr Pêtrôvits Pêtukh nói. Tháo ngựa nhanh lên mà ra nhà sau!
- Tôi thật ân hận. Một sự nhầm lẫn bất ngờ như vậy… Tsitsikôp nói.
- Nhầm gì? Ông cứ hãy nếm thử bữa ăn chiều đã, rồi sau hẵng tự hỏi xem đây có phải là một sự nhầm lẫn hay không. Xin mời ông vào nhà cho, Pêtukh vừa nói vừa khoác tay Tsitsikôp.
Hai người trẻ tuổi mặc vét tông mùa hè ra đón họ, hai chàng đều mảnh dẻ và cao dong dỏng như hai cây cói, hơn hẳn bố một đầu.
- Xin giới thiệu hai con tôi, đang đi học, nay về nghỉ hè… Nikôlasa, ngồi đây nói chuyện với ông. Còn Alexasa đi theo bố.
Nói đoạn, chủ nhân biến mất. Tsitsikôp nói chuyện với Nikôlasa. Hắn tỏ ra là một anh chàng vô tích sự. Ngay từ mấy câu đầu, hắn đã kể cho Tsitsikôp nghe là trường học ở tỉnh lỵ chẳng ra gì, rằng hai anh em đang muốn lên Pêterbua, vì ở tỉnh nhỏ cuộc đời thật chẳng đáng sống.
“- Rõ rồi; Tsitsikôp nghĩ bụng; chúng mơ ước những tiệm cà phê với những đại lộ đây…” Này, y hỏi to, điền trang của ông nhà ra sao đây?
- Cầm đi rồi, chính ông bố trả lời: ông ta vừa trở ra phòng khách, cầm đi rồi!
- Phiền thật, Tsitsikôp tự nhủ, chẳng bao lâu nữa sẽ không còn lấy một điền trang nào. Ta phải làm gấp mới được… - Ông vội đem cầm điền trang đi như vậy thật không nên, y thốt lên, giọng có ý phàn nàn.
- Không đâu, Pêtukh đáp, người ta bảo làm thế rất lợi. Mọi người đều làm thế, chả nhẽ mình lại chậm chạp cũng muốn nếm thử đời sống ở Mạc-tư-khoa. Hai con tôi nó tán thành lắm; chúng muốn được hưởng ánh sáng thủ đô.
“Thằng cha ngu thật! Tsitsikôp nghĩ thầm; hắn sẽ phung phí hết cả tài sản và biến hai thằng con thành hai thằng phá gia chi tử. Thế mà cái điền trang xinh ra phết, chứ có phải không đâu! Cứ trông bề ngoài thì cả trang chủ lẫn nông dân đều sống khá giả. Rồi đây hễ hai ông tướng quen mùi tiệm ăn và nhà hát rồi là đi đời nhà ma hết! Ngốc thật, ở nông thôn có phải sướng không!”.
- Tôi biết ông đang nghĩ gì rồi, Pêtukh nói.
- Nghĩ gì nào? Tsitsikôp hỏi hơi ngượng.
- Ông nghĩ thế này: “Cái thằng cha Pêtukh này ngu thật! Hắn mời mình ăn chiều, thế mà bữa ăn chưa thấy dọn ra”. Sắp xong rồi đấy, ông bạn ạ, còn chóng hơn là một đứa con gái trọc đầu mà tết bím nữa kia.
- Bố ạ, Platôn Mikhailưts kia rồi! Alexasa đang nhìn ra cửa sổ bỗng nói.
- Cưỡi con ngựa hồng… Nikôlasa đệm thêm.
- Đâu, đâu nào? Pêtukh vừa chạy ra cửa sổ vừa hỏi.
- Platôn Mikhailưts là ai thế? Tsitsikôp hỏi Alexasa.
- Một ông bạn láng giềng của chúng tôi, Platôn Mikhailôvits Platônôp, một người rất dễ ưa; Alexasa đáp.
Nói đến đấy thì thấy đích thân Platônôp bước vào, một thanh niên rất đẹp, vóc người thanh tú, tóc quăn màu vàng nhạt. Một con chó to tướng tên là Yarb vào theo, cái vòng cổ bằng đồng kêu lanh canh.
- Ông dùng bữa chiều chưa? Chủ nhân hỏi.
- Rồi.
- Ông nhạo tôi chắc?
Người khách mỉm cười nói: - Ông yên tâm; tôi chưa ăn gì đâu, tôi không muốn ăn.
- Giá ông trông thấy mẻ cá của chúng tôi vừa bắt được! Cá chiên, cá quả đâu mà to thế!
- Nghe ông nói mà bực cả mình. Sao lúc nào ông cũng vui thế?
- Xin lỗi, tại sao tôi lại phải buồn kia chứ?
- Thì tại vì cuộc đời có gì thú vị đâu.
- Ông ăn ít quá, chỉ có thế thôi. Ông thử ăn cho ra trò một bữa xem. Buồn chán là một phát minh mới gần đây thôi. Trước kia có ai buồn chán gì đâu.
- Thôi đừng khoác lác nữa! Làm như thể ông không bao giờ buồn ấy!
- Ồ, không, không bao giờ! Tôi không biết buồn là gì, tôi không có thì giờ để buồn. Buổi sáng bảnh mắt dậy đã thấy thằng đầu bếp vào: phải sai bảo hắn nấu bữa ăn; đang uống trà thì thằng quản lý dẫn xác đến; xong đi đánh cá, loay hoay một lát là đã đến giờ ăn chiều. Mới đánh được một giấc đã phải dậy sai bảo nó nấu bữa ăn tối… Ông bảo tôi biết buồn chán vào lúc nào kia chứ?
Trong khi hai người trò chuyện, Tsitsikôp quan sát người mới đến, thán phục vẻ đẹp thanh tú của khách, vẻ tươi tắn của một tuổi thanh xuân còn nguyên vẹn, vẻ thuần khiết như trinh nữ của một khuôn mặt không có lấy một tí mụn nào; dục vọng, u buồn, và cho đến cả cái vẻ bối rối hay lo âu nữa, cũng đều chưa hề dám xâm phạm tới khuôn mặt trinh bạch ấy. Nhưng cả sự sống cũng không thấy có; khuôn mặt im lìm, uể oải, mặc dầu thỉnh thoảng cũng nở một nụ cười mỉa mai.
- Tôi cũng thế, Tsitsikôp xen vào, xin ông cho phép tôi được nói rằng tôi cũng không hiểu tại sao có được một dung mạo như ông mà lại có thể buồn chán được. Thà là khi người ta thiếu tiền hoặc khi có những kẻ thù uy hiếp đến tính mạng, thì đã đành…
- Tôi xin cam đoan với các ngài, người khách ngắt lời Tsitsikôp, rằng đôi khi tôi cũng muốn có điều gì lo lắng, cho nó thay đổi một chút… Giá có ai trêu tức tôi thì hay quá! Nhưng không có. Tôi buồn chán, chỉ có thế thôi.
- Chắc ông không được nhiều đất đai lắm?
- Ồ không phải đâu. Hai anh em chúng tôi có một vạn héc ta và hơn một nghìn nông dân.
- Thế thì lạ thật, tôi không hiểu nổi! Có lẽ ông vừa bị mất mùa, có lẽ một đại dịch vừa làm cho ông mất nhiều nông dân chăng?
- Ồ không, tình hình điền trang chúng tôi rất tốt; anh tôi là một trang chủ gương mẫu.
- Thế mà ông lại chán! Quả thật tôi không tài nào hiểu nổi! Tsitsikôp so vai nói.
- Để đấy, rồi chúng ta sẽ đuổi cái buồn chán của anh ta đi! Pêtukh nói. Alexasa, chạy xuống bảo thằng bếp mang ngay món nấm nhồi thịt ra đây. Cái thằng Êmêliên Ngáp ruồi với cái thằng Antôska Ăn cắp làm gì ở đâu thế? Quỷ sứ, sao mãi không bưng đồ khai vị ra hả?
Nhưng cánh cửa mở ra ngay, Êmêliên Ngáp ruồi và Antôska Ăn cắp, khăn mặt vắt tay, bước vào dọn bàn ăn, đặt lên bàn một cái mâm và sáu bình thủy tinh đựng rượu mùi ngũ sắc. Chỉ một lát sau, quanh mấy chiếc bình đã có một loạt đĩa đầy thức ăn ngon lành. Các gia nhân ra tay thi tài nhanh nhẹn, bưng ra thêm, không ngớt những đĩa thức ăn đậy kín; trong đĩa có thể nghe thấy tiếng bơ sôi xèo xèo. Êmêliên Ngáp ruồi và Antôska Ăn cắp làm tròn bổn phận một cách vẻ vang. Những biệt hiệu này tặng cho chúng là để khuyến khích. Ông chủ phúc hậu của chúng không ưa quở mắng tí nào; nhưng người Nga vốn không thể thiếu những từ ngữ thú vị được, họ cần đến chúng như cần uống vốtka cho tiêu cơm vậy. Biết làm thế nào được? Bản tính người Nga vốn dĩ như thế, họ không thích những cái gì nhạt nhẽo.
Sau các món khai vị là bữa ăn chính thức. Vị chủ nhân nhã nhặn liền biến thành một tên bạo chúa tàn ác. Nếu khách chỉ có một miếng trên đĩa. Pêtukh lập tức tiếp thêm miếng nữa, tay tiếp miệng nói: - Không có bạn thì dù người hay chim chóc cũng không thể nào sống trên thế gian được.
Khách có hai rồi thì Pêtukh bồi thêm miếng thứ ba, vừa bồi, vừa phân trần: - Con số hai bất tường lắm! Hai bao giờ cũng thành ba!
Nếu khách ngốn hết ba suất rồi, thì ông ta la ó lên: - Đời thủa nào lại có xe bò ba bánh? Có ai lại đi xây nhà ba góc?
Đối với con số bốn, cũng có một câu ngạn ngữ; con số năm cũng thế. Có một món Tsitsikôp phải ăn đi ăn lại đến mười hai lần “Phào! Hắn tự nhủ, bây giờ chắc hắn để cho mình yên thân rồi đấy”. Tsitsikôp lầm; Pêtukh lẳng lặng đặt lên đĩa y một súc thịt mông bê quay xiên, có dính cả bộ bầu dục, mà bê mới thật ra bê chứ!
- Tôi đã nuôi nó hai năm bằng sữa đấy, chủ tiệc nói; tôi đã chăm sóc nó như chăm con đẻ.
- Chịu thôi, Tsitsikôp nói.
- Cứ thử đi; rồi sau hẵng nói: chịu thôi.
- Tôi đã bảo là chịu mà; không còn chỗ nào mà nhét nữa!
- Ở nhà thờ cũng không còn chỗ; nhưng khi ông gôrôđnitsi {Chức cảnh sát coi việc an ninh ở huyện lỵ} vào thì vẫn tìm ra chỗ. Ấy thế mà người đông đến nỗi một quả táo tung lên, không thể nào rơi xuống đất được. Cứ thử đi: miếng này cũng sẽ như ông gôrôđnitsi.
Tsitsikôp bèn thử; quả nhiên miếng thịt bê giống ông gôrôđnitsi thật. Nó vẫn tìm được chỗ chứa, mặc dầu đã tưởng là không còn có thể nhét gì vào nữa hết.
“- Ấy thế mà cái lão vô phúc này lại muốn đi Pêterbua hay Mạc-tư-khoa à? Cứ cái lốt thết khách thế này thì chỉ ba năm là chén sạch gia sản thôi!” Tsitsikôp nghĩ thế; y không biết rằng bây giờ người ta đã cải tiến nhiều lắm, không cần gì phải thết khách, người ta cũng cứ phá sản; mà chẳng cần phải đến ba năm, chỉ ba tháng thôi.
Rượu đem thết khách cũng không dè dặt hơn chút nào. Được ngân hàng Lomba {Tên một địa ốc ngân hàng} cho vay tiền ê hề, Piôtr Pêtrôvits đã mua cất sẵn một hầm rượu uống mười năm cũng không hết. Ông ta luôn tay rót cho khách; chỗ khách không uống hết, ông ta chuyển cho Alexasa và Nikôlasa; hai anh chàng cứ nốc hết cốc này đến cốc khác; ngay từ bây giờ cũng có thể thấy rõ là một khi đến chốn kinh đô rồi, họ sẽ chú ý đến mục nào trong vốn hiểu biết của loài người.
Khách không tài nào đương nổi nữa; họ khó nhọc lê ra bao lơn và gieo mình xuống những ghế bành. Vừa ngồi xuống chiếc ghế bành to tướng đủ chỗ cho bốn người thường ngồi, chủ nhân đã ngủ ngay. Cái thân hình phì nộn của ông ta biến thành một cái bễ lò rèn, bắt đầu phát qua cái mồm há hốc và qua khoang mũi những âm thanh kỳ dị mà một nhà soạn nhạc, dù là hiện đại, cũng ít khi tưởng tượng ra được. Nghe vừa như tiếng sáo, vừa như tiếng trống, vừa như tiếng chó sủa.
- Thật là một cây đại phong cầm! {Đàn lớn dùng trong nhà thờ, có tiếng kêu rất to} Platônôp nói.
Tsitsikôp phì cười.
- Dĩ nhiên, Platônôp nói tiếp, khi người ta ăn như vậy thì giấc ngủ xua tan sự buồn chán, phải không nào?
- Đúng thế. Nhưng, xin ông bỏ quá cho, tôi vẫn không hiểu tại sao người ta lại có thể buồn chán được. Có bao nhiêu là phương thuốc trị chứng buồn chán.
- Những phương thuốc nào thế?
- Thanh niên thì thiếu gì? Khiêu vũ, âm nhạc… cả hôn nhân nữa.
- Hôn nhân ư? Lấy ai bây giờ?
- Ông làm như quanh vùng hiếm những cô gái chưa chồng, giàu có và dễ yêu lắm!
- Làm gì có!
- Thế thì phải tìm nơi khác, phải đi du lịch… - Một ý rất hay vụt hiện lên trong trí Tsitsikôp. Đấy, cách ấy hay tuyệt đấy! Vừa nói y vừa nhìn thẳng vào mặt Platônôp.
- Cách nào?
- Đi du lịch ấy mà.
- Đi đâu?
- Nếu ông rỗi, mời ông đi với tôi, Tsitsikôp nói. Nhìn Platônôp y nghĩ bụng: “Hay lắm. Ta sẽ chia đôi các khoản chi phí, còn tiền chữa xe thì để hắn chịu”.
- Ông đi đâu?
- Hiện nay tôi đi việc người khác nhiều hơn là việc của tôi. Tướng quân Bêtrisep, bạn thân và có thể nói là ân nhân của tôi, nhờ tôi đi thăm họ hàng… Họ hàng cố nhiên cũng có phần quan trọng; nhưng đi như thế cũng được việc cho tôi, vì được xem cảnh thế gian và trông thấy thế sự thăng trầm cũng dường như có được một pho sách sống, một vốn học thức thứ hai.
Nói đến đây, Tsitsikôp nghĩ thầm: “Phải đấy, thật tuyệt! Có thể bắt hắn chịu hết khoản chi phí nữa là khác; lại có thể lợi dụng ngựa của hắn, trong khi đó thì ngựa của mình sẽ để nghỉ ở nhà hắn!”.
Về phía chàng, Platônôp, cũng tự nhủ: “Thật tình, mình cũng chẳng có việc gì làm ở nhà cả; ông anh, ông ấy quán xuyến hết; mình đi vắng cũng chẳng hại gì. Tại sao không thử một chuyến?” Rồi Platônôp nói to: - Ông có thuận lại nhà anh tôi hai hôm không? Phải thế, nếu không ông ta chẳng để tôi đi đâu.
- Rất sẵn lòng; ba ngày nữa ấy chứ, nếu ông muốn.
- Thế thì ổn rồi! Ta đi thôi! Platônôp cao hứng lên nói.
- Phải đấy, ta đi đi!
- Đi đâu, đi đâu thế? chủ nhân choàng dậy, giương to mắt, kêu lên. Không được đâu các ngài ạ. Tôi đã sai tháo bánh xe ngựa ra rồi, còn con ngựa giống của ông thì tôi đã cho dắt đi cách đây mươi lăm verxta, Platôn Mikhailôvits ạ. Không được, các ông sẽ nghỉ đêm ở đây, đến mai ăn sáng xong hẵng đi.
Làm sao mà có thể cưỡng lại một con người như Pêtukh được? Họ đành phải ở lại. Để bù lại, họ được hưởng một đêm xuân huyền diệu. Chủ nhân tổ chức một cuộc đi chơi thuyền. Mười hai tráng đinh vừa hát vừa chèo thuyền cho họ đi trên hồ, nước phẳng như gương. Rồi họ đi vào con sông kéo dài vô tận giữa đôi bờ thoai thoải; chốc chốc thuyền lại luồn qua những sợi chão căng ngang sông để đánh cá. Mặt nước không một thoáng gợn; cảnh vật im lặng diễu qua; những khóm cây muôn hình, muôn vẻ luôn thay nhau mua vui cho mắt khách. Những người chèo thuyền, cả mười hai người như một, cầm hai mươi bốn chiếc mái chèo nhấc bổng lên; chiếc thuyền được buông xuôi lao đi tựa một bóng chim trên dải nước trong vắt như pha lê. Một gã trai người vạm vỡ, người thứ ba kể từ phía lái, cất giọng trong và vang hát một bài; những câu đầu của bài ca tưởng như từ cổ một con chim họa mi đưa ra. Bốn người khác đệm theo, và một lát sau, sáu người còn lại cũng hòa giọng hát theo; và tiếng hát cứ thế to dần lên, rộng lớn, mãnh liệt, vô cùng, vô tận như nước Nga. Pêtukh cất giọng sang sảng trợ lực cho dàn hợp xướng mỗi khi giọng hát yếu đi, và ngay cả Tsitsikôp cũng cảm thấy mình là một người Nga. Chỉ có một mình Platônôp nghĩ thầm: “Hát làm gì các bài thê thảm ấy? Nó chỉ làm tăng nỗi khắc khoải trong lòng ta mà thôi.”
Mãi đến sẩm tối, họ mới trở về. Trong bóng tối, các mái chèo nhịp nhàng vỗ trên mặt nước bấy giờ không còn in bóng trời chiều nữa. Trên bờ, nơi họ cập bến, mấy đống lửa đã được đốt lên; trên những chiếc kiềng ba chân, mấy người dân chài đang nấu những nồi canh cá măng rõ tươi rói. Bò, cừu và gà vịt đã về chuồng từ lâu; những người mục phu đã lùa chúng về, bây giờ đang đứng trước cổng đợi một liễn sữa hay một đĩa xúp. Trong bóng tối có những tiếng nói rì rầm; những tiếng chó sủa xa xa từ những làng mạc ở xung quanh vẳng lại. Trăng lên, cảnh vật đang chìm trong bóng tối, bây giờ bắt đầu hửng sáng. Cái cảnh thần tiên! Nhưng nào có ai để ý đến. Lẽ ra phải cưỡi hai con ngựa giống, dũng mãnh thi nhau phi nước đại, thì Nikôlasa và Alexasa lại mơ tưởng đến Mạc-tư-khoa, đến những tiệm cà phê, những nhà hát mà một học sinh sĩ quan bạn họ đã nói với họ; cha họ thì đang tự hỏi xem nên thết đãi tân khách như thế nào; Platônôp thì ngáp dài. Tsitsikôp là người phấn chấn hơn cả. “- Thật đấy, một ngày kia ta sẽ tậu một dinh cơ nho nhỏ”, y nghĩ thầm, và chưa chi y đã tưởng tượng thấy mình làm chủ một gia đình, làm một ông bố diễm phúc.
Đến bữa ăn khuya, họ lại ních một chầu no nê nữa. Khi đã về phòng ngủ, nằm dài trên giường, Paven Ivannôvits nắn nắn cái bụng: “Thật là một cái trống! Không một ông gôrôđnitsi nào len vào đâu được nữa.” Y tự nhủ. Tình cờ, phòng ngủ của y lại sát ngay cạnh phòng làm việc của Pêtukh. Tấm ván ngăn rất mỏng, phòng bên nói gì, bên này cũng nghe rõ. Để khách có cái lót dạ sáng mai, chủ nhân sai đầu bếp làm một bữa tiệc thực sự, và nghe những lời dặn dò của lão thì đến một xác chết cũng phải phát thèm. Chốc chốc lại nghe:
- Nhỏ lửa nhé; nghe chưa, và rưới mỡ cho đều, rán thật vàng.
Và cái giọng vịt đực của anh đầu bếp họa theo:
- Thưa ông, rõ ạ, rán thật vàng ạ!
- Thế còn món kulêbiaka {Một thứ bánh bao nhân cá và trứng, thức ăn người Nga rất thích} thì mày phải nắm cho vuông; Pêtukh vừa nói tiếp vừa chép miệng giòn tan… một góc này nhớ bỏ mấy miếng cằm cá chiên với mấy miếng sụn cá đuối, góc kia mày phải đổ một ít chả lúa mạch đen thật quánh trộn hành, nấm; rồi nhớ bỏ tinh cá đực, óc bò; rồi thì… rồi thì… ấy, mày cũng biết tao định dặn gì rồi…
- Biết chứ ạ, thưa ông, con biết chứ.
- Phải trông cho một đầu thật vàng, còn đầu kia thì tai tái một chút. Phải làm sao cho bột với chả mạch thật nhuyễn vào với nhau, sao cho nó đừng rã ra, khi cắn nó đừng vụn ra mà phải tan đi trong miệng như tuyết mùa xuân ấy.
Vừa nói, Pêtukh vừa tắc lưỡi và liếm mép.
“Quỷ bắt hắn đi cho rảnh! Hắn chẳng cho mình ngủ nữa!” Tsitsikôp lẩm bẩm một mình, tay kéo chăn trùm kín đầu để đừng nghe thấy nữa. Không ăn thua: tiếng nói của Pêtukh xuyên qua cả lần chăn.
- Xung quanh con cá chiên mày nhớ sắp những lát củ cải đường tỉa ngôi sao, mấy con cá đối con, mấy cái nấm hương, rồi thì… mày biết rồi đấy… củ cải hoa, cà rốt, một ít đậu… nghĩa là phải bày gia vị cho cẩn thận; nghe chưa. Xong mày làm cho chúng tao một món cổ hũ lợn tẩm bột rán, nhớ bỏ vào đấy một cục nước đá nho nhỏ cho da nó thật căng.
Pêtukh còn dặn làm nhiều món nữa, nhắc đi nhắc lại luôn mồm:
- Nhỏ lửa nhé, nghe chưa? Rưới mỡ cho đều, rán thật vàng.
Cuối cùng, Tsitsikôp ngủ thiếp đi trên một con gà tây quay!
Sáng hôm sau, khách khứa ních một bụng no căng, đến nỗi Platônôp không lên ngựa được nữa; một mã phu của Pêtukh phải dắt con ngựa giống của chàng về. Hai người lên xe kiệu. Con chó mõm dài uể oải bước theo; nó cũng đã được một chầu no đến cổ.
- Thật là quá chừng! Tsitsikôp nói, khi xe đã ra khỏi sân.
- Ông lại không buồn mới chết chứ!
“Giá tao có được bảy vạn rúp để ăn hàng năm như mày, tao sẽ không biết buồn chán là gì! Tsitsikôp nghĩ thầm. Thế mà cái lão thầu thuế rượu Murazôp kia có đến những mười triệu, có ghê không!...”
- Tôi ghé bà chị và ông anh rể tôi một chút có được không? Tôi muốn từ biệt họ tí.
- Rất sẵn lòng, Tsitsikôp nói.
- Vị trang chủ giỏi nhất vùng đấy. Ông à, anh ta thu hàng năm hai mươi vạn rúp trên một điền trang mà tám năm trước đấy không thu nổi hai vạn.
- À! Tất nhiên là một người rất đáng trọng. Tôi rất mong được làm quen với ông ta… Tên ông ta là gì?
- Kôxtanjôglô.
- Tên thánh và phụ danh?
- Kôxtantin Fiôđôrôvits.
- Được làm quen với ông ta tôi sẽ sung sướng vô cùng. Tìm hiểu một con người như thế chỉ có thể có ích mà thôi.
Platônôp lĩnh lấy trách nhiệm hướng dẫn Xêlifan: điều đó cũng không phải là thừa, vì Xêlifan ngồi không vững nữa. Pêtruska thì hai lần lăn từ trên xe xuống; đành phải trói gô hắn lại. - Đồ súc sinh! Tsitsikôp nhắc đi nhắc lại.
- Ông nhìn kìa, Platônôp nói; đã đến địa phận của ông anh rể tôi rồi đấy; trông khác hẳn.
Quả nhiên, bên kia cánh đồng hiện ra một vườn ươm cây non, thân cây thẳng tắp như những mũi tên; tiếp theo là những cây cao hơn một chút, rồi đến một rặng cây cao hơn hẳn. Sau đó họ đi qua những cánh đồng lúa mì đã bắt đầu hứa hẹn một mùa rất tốt; rồi lại đến những khoảng đất trồng cây theo thứ tự như lúc nãy; cây non rồi mới đến cây già. Xe đi qua ba khu vực phân bố như vậy, như đi qua ba dãy rào.
- Ông thấy không, trong tám chín năm anh rể tôi đạt được một kết quả mà giá người khác thì hai mươi năm cũng chưa ăn thua gì.
- Ông ta làm cách nào thế?
- Ông cứ hỏi anh ta thì biết. Đó là một nhà nông học kiệt xuất. Không những anh ta biết rõ chất đất, mà còn biết nên trồng cái gì cạnh nhau, loại cây nào có lợi cho loại cây nào. Cái gì của anh ta cũng một công đôi ba việc. Ngoài mối lợi trực tiếp ra, các khu rừng còn đem lại một ít khí ẩm cho đồng lúa, trông lại mát mắt, lá lại có thể dùng làm phân bón. Dù quanh vùng có đại hạn, đói kém, anh ta cũng không bao giờ mất mùa. Thật tiếc là tôi không thạo những việc này và cũng không biết kể lại; anh ta có những cái nó… Người ta cho anh ta là phù thủy!... Nhưng những cái chuyện ấy chán lắm…
“Quả là một người phi thường! Tsitsikôp tự nhủ. Tiếc rằng anh chàng này hời hợt quá và không biết kể lại…”
Cuối cùng làng mạc hiện ra với những xóm nhà gỗ đông đúc rải rộng trên ba ngọn đồi; trên đỉnh có ba ngôi nhà thờ; đâu đâu cũng thấy những đống rạ to tướng. Tsitsikôp nghĩ thầm: “Người ta thấy rõ ngay đây là dinh cơ của một tay cự phách trong nghề nông”. Nhà gỗ của nông dân đều vững vàng, đường sá rộng rãi; xe tải mới mẻ, chắc chắn; những người nông dân gặp giữa đường đều có vẻ thông minh; gia súc có sừng đều là những giống ưu tú; ngay cả lợn cũng phảng phất một vẻ quý tộc. Đây chắc hẳn là nơi mà nông dân xúc bạc bằng xẻng, như trong dân gian người ta vẫn thường hát. Không có vườn tược kiểu Anh, không có những bãi cỏ tô điểm đủ thứ hoa hòe, hoa sói; chỉ có một con đường đi kiểu cổ, hai bên toàn nhà kho và vựa thóc kéo dài vào tận tòa gia trạch, để cho trang chủ có thể trông thấy tất cả những việc diễn ra quanh mình; trên mái nhà cao có một khoảng sân thượng không phải để trang hoàng hay để ngắm cảnh, mà để giám sát những nông dân làm việc trên những cánh đồng ở xa.
Ra tiếp những người mới đến là những gia nhân nhanh nhẹn khác hẳn anh chàng say rượu Pêtruska, mặc dầu họ mặc thay cho lễ phục những chiếc áo chẽn bằng dạ xanh dệt lấy. Nữ chủ nhân chạy ra thềm. Đẹp lộng lẫy, nước da chẳng khác màu hoa huệ và hoa hồng, bà ta giống Platônôp như hai giọt nước; chỉ khác một điều là không có vẻ uể oải như em trai, mà lại vui vẻ và cởi mở.
- Chào chú, chú đến chơi chị mừng quá. Anh Kônxtantin đi vắng, nhưng sắp về ngay đây.
- Anh ấy đi đâu?
- Đi có việc ở ngoài xóm, bà ta vừa nói vừa đưa khách vào nhà.
Tsitsikôp tò mò muốn xem xét chỗ ở của con người phi thường thu được những hai mươi vạn rúp lợi nhuận trong việc khai thác điền trang. Y định căn cứ vào nhà ở mà suy ra các đức tính của chủ nhân; như người ta căn cứ vào vỏ sò để phục hồi con sò hay con ốc, trước kia đã ở trong vỏ và để lại dấu vết ở đấy. Nhưng tòa nhà không cho phép người ta phỏng đoán được điều gì cả. Các phòng đều giản dị hết sức, trống trải nữa là khác; không có bích họa, không treo tranh, không có tượng đồng, không có hoa, không có tủ ngăn đựng đầy đồ sứ; thậm chí sách cũng không có nốt. Nói tóm lại, tất cả đều cho thấy rằng đời sống của con người trú ngụ nơi đây trôi qua trên đồng áng nhiều hơn là giữa bốn bức tường; rằng người ấy không suy nghĩ xếp đặt từ trước các kế hoạch của mình trong khi ngồi thoải mái bên lò sưởi, trong một chiếc ghế bành êm ấm; mà những kế hoạch đó nảy ra trong trí y ngay trên địa bàn hành động. Trong các phòng, Tsitsikôp chỉ có thể nhận thấy những dấu vết của một bàn tay phụ nữ; trên các bàn, các ghế có những tấm ván gỗ bồ đề dùng để phơi các loại cánh hoa.
- Phơi đồ gì mà bẩn thế này, hở chị? Platônôp hỏi.
- Sao, đồ bẩn à! Nữ chủ nhân đáp. Này nhá, đây là phương thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa sốt; năm ngoái bao nhiêu nông dân ốm chữa thuốc này đều khỏi cả đấy. Những cỏ này sẽ thành một chất rượu mùi rất ngon, còn những cây kia dùng làm hương liệu cho các món thịt ướp. Các ngài lúc nào cũng nhạo báng các thứ mứt với thịt ướp; nhưng sau đó nếm xong lại khen lấy khen để.
Platônôp đến cạnh chiếc dương cầm, xem các bản nhạc.
- Trời ơi! Toàn những của cũ rích! Chị không biết ngượng hay sao?
- Chú bỏ qua cho chị, chị làm gì có thì giờ. Chị có đứa con gái lên tám, và ý chú thế nào không biết, chứ chị thì không đời nào đi giao nó cho một bà gia sư ngoại quốc với mục đích duy nhất là dành thì giờ rỗi mà chơi nhạc.
- Chị dạo này đâm ra cau có tợn, thật đấy! Platônôp vừa nói vừa ra cửa sổ. Anh ta đây rồi, anh ta đây rồi! chàng bỗng kêu lên.
Tsitsikôp vội vàng ra cửa sổ và trông thấy một người trạc tứ tuần, nhanh nhẹn, da rám nắng, đội mũ lưỡi trai bằng nhung, mặc áo vét bằng lông lạc đà. Có thể thấy rõ là ông ta không chú ý đến cách ăn mặc. Đi cạnh ông ta là hai người dân, cũng mũ lưỡi trai cầm tay, vừa đi theo vừa nói chuyện; một người là nông dân; người kia là một tay đầu cơ, buôn nước bọt, ở đâu ghé qua vùng này, mặc caftan xanh. Cả ba người dừng lại bên thềm; trong nhà có thể nghe rõ câu chuyện họ đang nói.
… Các anh cứ xin chủ các anh cho chuộc mình lại thì hơn. Ta sẽ cho vay tiền, các anh sẽ trả bằng lực dịch.
- Không Kôxtantin Fiôđôrôvits ạ, chuộc mình làm gì? Ông cứ lấy chúng tôi vào làm đi. Làm với ông thì học khôn được nhiều. Tiếc thay thời buổi này không sao giữ mình được. Bọn chủ quán chúng nó dọn những thứ rượu quỷ quái, uống một cốc là muốn nốc thêm cả một vại. Chưa kịp định thần thì trong túi đã không còn lấy một xu. Vô khối những cám dỗ. Chắc quỷ Xa tăng đang cai quản thiên hạ, thật đấy! Người ta dùng đủ thứ để lung lạc dân cùng: nào thuốc lá, nào đủ các thứ khác. Biết làm thế nào được, hở Kônxtantin Fiôđôrôvits? Con người ta vốn dĩ yếu đuối, không có sức cưỡng lại.
- Hãy nghe kỹ những điều ta nói đây. Ở nhà ta không phải muốn làm gì thì làm đâu. Quả tình, vào làm một cái là được lĩnh ngay một lúc cả bò lẫn ngựa, đủ thứ; nhưng ngược lại, không chủ nào khó tính như ta đâu. Trước hết phải làm việc, làm cho bản thân hay làm cho ta cũng thế, nhưng ta không cho phép ai được chây lười hết. Chính ta cũng làm khỏe như bò mộng, và nông dân của ta cũng thế; vì ta đã có kinh nghiệm, anh bạn ạ, chỉ khi nào ngồi không, người ta mới nảy ra những ý nghĩ dại dột. Bàn với nhau cho kỹ đi đã rồi hẵng quyết định.
- Chúng tôi đã bàn cả rồi, Kônxtantin Fiôđôrôvits ạ. Các cụ già đã bảo là nông dân của ông người nào cũng giàu, không phải vô cớ mà được như thế. Với lại các linh mục của ông biết thương người lắm. Linh mục bên chúng tôi bị người ta đem đi cả, không còn ai để mà chôn cất người chết nữa.
- Thế nhưng cứ hãy về nói chuyện với bà con đi đã.
- Vâng ạ.
- Kìa ông Kônxtantin Fiôđôrôvits, ông làm ơn… ông bớt cho một ít; tên buôn nước bọt mặc caftan xanh nói.
- Ta không thích mặc cả, ta đã bảo mà. Ta không phải là hạng trang chủ mà anh đến gặp đúng vào lúc sắp phải trả nợ đâu. Ta biết rõ bọn các anh lắm; các anh có đủ danh sách các trang chủ mắc nợ, có cả ngày hẹn trả nợ nữa. Đơn giản lắm. Bị nợ thúc sau đít, thì các anh muốn mua gì mà người ta chẳng bán rẻ gấp đôi. Nhưng ta thì ta có cần gì tiền của anh? Nông sản của ta, ta cứ để đấy ba năm cũng được; ta có nợ gì ngân hàng Lomba đâu.
- Ông nói rất đúng đấy, ông Kônxtantin Fiôđôrôvits ạ. Tôi nói thế chỉ để kết giao với ông mà thôi. Đây, ông nhận cho một nghìn rúp tiền đặt cọc.
Tên buôn nước bọt rút trong ngực ra một tập giấy bạc cáu ghét. Kôxtanjôglô điềm nhiên cầm lấy và đút luôn vào túi sau áo dài, không đếm.
“Hừm! - Tsitsikôp nghĩ thầm - cứ như một chiếc khăn mùi soa vậy!”
Kôxtanjôglô hiện ra ở ngưỡng cửa phòng khách. Nước da rám nắng, mớ tóc rễ tre đen nhánh, bạc từng đám, mặc dầu chủ nhân chưa đến tuổi bạc đầu; cái nhìn tinh anh và cái phong thái hơi hách dịch - dấu hiệu của một khí huyết bồng bột và của một dòng máu phương Nam - lại càng làm cho Tsitsikôp ngạc nhiên. Kôxtanjôglô không hẳn là người Nga, nhưng cũng không biết rõ gốc gác tổ tiên của mình vì không hề quan tâm đến gia phả, cho đó là một việc thừa, không có giá trị thực tiễn. Ông ta vẫn yên trí rằng mình là người Nga, và không biết thứ tiếng nào ngoài tiếng Nga.
Platônôp giới thiệu Tsitsikôp. Hai người ôm quàng lấy nhau.
- Anh Kônxtantin ạ, để chữa cái chứng ưu uất của tôi, tôi định đi du lịch đây; Platônôp nói; ông Paven Ivannôvits đây rủ tôi cùng đi với ông ta.
- Hay lắm! Kôxtanjôglô nói. Các ông định đi những đâu? hắn quay sang phía Tsitsikôp nói tiếp, vẻ hòa nhã.
- Xin thú thật - Tsitsikôp nói, duyên dáng nghiêng đầu về một bên, vừa nói vừa vuốt vuốt lên tay ghế bành - hiện tôi đi việc người khác nhiều hơn là việc tôi; tướng quân Betrisep, bạn thân và có thể nói là ân nhân của tôi, có nhờ tôi đi thăm họ hàng… Họ hàng dĩ nhiên cũng có phần quan trọng; nhưng đi như thế cũng được việc cho tôi, vì chưa kể đến cái lợi về phương diện vệ sinh, được đi xem cảnh thế gian và trông thấy những cảnh thế sự thăng trầm cũng dường như có được một pho sách sống, một vốn khoa học thực nghiệm.
- Phải, có nhiều nơi đáng xem lắm.
- Ông nói rất phải. Người ta được thấy những cái mà giá không đi thì không thấy được, được gặp những người mà giá không đi thì không gặp được. Có những buổi nói chuyện đáng giá nghìn vàng, như dịp này đây, chẳng hạn… Tôi muốn nhờ đến ông, ông Kônxtantin Fiôđôrôvits đáng kính ạ; ông hãy chỉ cho tôi, hãy dạy cho tôi, hãy thỏa mãn lòng khát khao hiểu biết của tôi. Tôi mong chờ những lời chỉ bảo của ông như mong chờ một thứ nước cam lộ.
- Nhưng tôi biết gì mà mách bảo ông? Kôxtanjôglô nói, vẻ lúng túng. Tôi có học thức gì đâu.
- Sự khôn ngoan, thưa ông, sự khôn ngoan; cái nghệ thuật nắm tay lái trong một công việc khó khăn như việc khai thác nông nghiệp, nghệ thuật thu những món lợi nhuận đích đáng, kiếm được những của cải thực sự chứ không phải ảo tưởng, đồng thời làm tròn nhiệm vụ của người công dân, xứng đáng để đồng bào kính trọng.
- Ông ạ, Kôxtanjôglô vừa nói vừa nhìn Tsitsikôp trong khi y suy nghĩ, ông cứ ở lại nhà tôi một hôm. Tôi sẽ chỉ ông thấy rõ mọi việc tiến hành ra sao. Ông sẽ thấy chẳng có bí quyết gì ghê gớm cả.
- Phải đấy, mời ông ở lại đây, nữ chủ nhân nói đoạn quay sang em trai bảo thêm: Chú ở lại đây với anh chị; có việc gì vội đâu.
- Tôi thì thế nào cũng được. Ông Paven Ivannôvits nghĩ sao?
- Tôi cũng thế, tôi rất sẵn lòng ở lại… Duy chỉ có một điều này; một người bà con của tướng quân Bêtrisep, một ông đại tá Kôskariôp nào đấy…
- Nhưng ông ta dở hơi lắm.
- Rất có thể. Tôi cũng chẳng thiết gì đến thăm ông ta; nhưng tướng quân Bêtrisep, bạn thân và có thể nói là ân nhân của tôi…
- Nếu thế thì dễ lắm, Kôxtanjôglô nói. Ông cứ đến nhà ông ta đi, chỉ non mười vexta thôi. Xe của tôi đã thắng sẵn; ông đi ngay đi, rồi về đây dùng trà là vừa.
- Thế thì hay quá! Tsitsikôp vừa nói vừa cầm lấy mũ.
Y lên xe và nửa giờ sau đã đến nhà ông đại tá. Cả làng đang rối beng lên: những ngôi nhà đang xây dở, những đống vôi, gạch và xà gồ bừa bãi khắp các lối đi. Một dãy nhà trông giống như những công sở; trên một ngôi nhà có đề chữ vàng: Kho cơ khí nông nghiệp; một nhà khác đề: Kế toán trung ương; rồi lại: Ủy ban nông vụ; Trường trung học nông dân, và có trời biết là còn những gì nữa {Kôskariôp là chân dung biếm họa của hạng người thuộc phái Tây phương chỉ canh tân có cái vỏ bên ngoài}.
Tsitsikôp tìm thấy đại tá trong văn phòng của trang ấp, đứng trước một bàn viết, răng cắn cây bút lông ngỗng. Kôskariôp trông có vẻ rất phúc hậu, thuộc hạng người hòa nhã nhất đời. Ông ta tiếp Tsitsikôp khá ân cần và trình bày cho y nghe tất cả những khổ công của mình để làm cho điền trang hưng thịnh như ngày nay. Giọng ai oán, ông ta than phiền là đã gặp rất nhiều khó khăn để cố làm cho kẻ quê mùa biết được những lạc thú cao quý mà nếp sống văn minh tao nhã, nghệ thuật, hội họa có thể đem đến cho con người; ông ta đã tốn bao nhiêu công sức mà đàn bà trong làng còn vẫn chưa chịu mặc coócxê; trong khi ở Đức, nơi ông đã cùng trung đoàn đóng quân năm 1814, con gái một người giữ cối xay cũng biết đánh dương cầm.
Nhưng mặc dầu sự dốt nát cứ một mực cưỡng lại, một ngày kia nông dân làng ông cũng sẽ vừa cày ruộng, vừa đọc tập Nông ca {Tác phẩm của thi hào La mã Vecjiliux (71-19 trước CN) ca tụng nghề nông, nổi tiếng nhất trong văn học thế giới về loại thơ lấy chủ đề ấy} hay một cuốn sách nói về ống thu lôi của Franklin hay về phân tích hóa học chất đất.
“Cứ tin vào! Tsitsikôp nghĩ thầm. Mình đây cũng chưa có thì giờ đọc hết cuốn Công tước phu nhân đơ la Valie {Tiểu thuyết của nữ sĩ Pháp đơ Jănglix, hồi đầu thế kỷ XIX là nhà văn ngoại quốc mà tác phẩm được dịch ra tiếng Nga nhiều nhất} nữa là!”.
Ông đại tá còn thuyết lý tràng giang, đại hải một hồi về cách đưa nhân dân vào đời sống phồn vinh. Theo ý ông ta, cách ăn mặc có một tầm quan trọng lớn lao: ông ta đem tính mạng ra thề rằng chỉ cần làm sao cho mujik Nga mặc quần kiểu Âu châu, là khoa học sẽ tiến bộ, thương nghiệp sẽ phồn thịnh và một thời đại hoàng kim sẽ bắt đầu ở Nga.
Tsitsikôp vừa kiên nhẫn nghe Kôskariôp nói, vừa nhìn vào tận mắt ông ta. Cuối cùng y tự nhủ: “Với thằng cha này thì không cần dè dặt làm gì!”. Y liền nói thẳng ra là hiện y đang cần một số nông dân, và có lập văn khế đúng thể thức quy định.
- Cứ theo như những lời ông, ông đại tá thản nhiên hỏi, thì hình như đây là một cuộc điều tra, phải không?
- Đúng thế.
- Nếu thế ông viết giấy trình bày cuộc điều tra đi. Giấy sẽ đưa Phòng báo cáo và thỉnh nguyện, phòng này ghi ý kiến vào rồi chuyển cho tôi; sau đó sẽ gửi đến Ủy ban nông vụ; chữa xong sẽ giao cho viên quản lý. Viên này, sẽ cùng với viên thư ký…
- Xin lỗi! Tsitsikôp kêu lên, thế thì dây dưa biết đến bao giờ mới xong! Với lại viết giấy thế nào được? Đây là một việc khá đặc biệt… Những nông phu đây, về một phương diện nào đó, là những nông nô đã… hết sống rồi.
- Không thể được. Tuy đã chết, chúng vẫn phải có vẻ như là còn sống.
- Được, vậy thì viết: Cần phải, người ta đòi hỏi, người ta muốn rằng chúng có vẻ như còn sống. Thủ tục này không thể thiếu được. Cứ xem nước Anh và bản thân Napôlêông thì rõ. Tôi sẽ cho một sai nhân đưa ông đi thăm khắp các nơi.
Ông ta rung chuông. Một người bước vào. Đó là viên thư ký.
- Thư ký, gọi sai nhân vào đây cho ta!
Sai nhân vào, người dở nông dân, dở sai nha.
- Hắn sẽ đưa ông đến những nơi cần thiết nhất.
Tò mò, Tsitsikôp đi ngay theo sai nhân để xem những nơi cần thiết ấy. Phòng báo cáo và thỉnh nguyện chỉ có cái biển; cửa đóng, trưởng phòng là Khruliôp đã được thuyên chuyển sang Ủy ban xây dựng, một ủy ban mới thành lập. Người hầu buồng Bêrêđôpxki ngồi ghế trưởng phòng, nhưng cũng đang công cán do Ủy ban xây dựng sai phái. Họ đến hỏi ở Ủy ban nông vụ; bộ phận này đang trong quá trình cải tổ; một gã say rượu bị họ đánh thức dậy không cung cấp được tài liệu gì.
- Ở đây đang rối tinh lên như nhà vô chủ, cuối cùng sai nhân nói với Tsitsikôp. Ông chủ bị người ta xỏ mũi kéo đi. Ủy ban xây dựng bạ cái gì cũng xen vào; nó làm cho người ta phải bỏ công bỏ việc, nó muốn sai ai đi đâu thì sai. Chỉ có lợi cho những người trong ủy ban mà thôi.
Rõ ràng là kẻ sai nhân thù Ủy ban xây dựng lắm. Tsitsikôp không muốn xem gì thêm nữa. Trở về, y nói với ông đại tá là không tài nào hiểu được tí gì trong cái mớ hỗn độn ấy cả; phòng báo cáo không làm gì có, còn Ủy ban xây dựng thì là sào huyệt của một bọn cướp.
Ông đại tá, nổi lên một cơn phẫn nộ cao quý, siết chặt tay Tsitsikôp để tỏ lòng biết ơn. Vớ ngay lấy bút ông ta viết tám câu chất vấn nghiêm khắc. Ủy ban xây dựng có quyền gì mà tự tiện sử dụng những viên chức không thuộc ban của mình? Làm sao viên tổng giám đốc lại có thể để cho một viên trưởng phòng đi vắng mà không bàn giao công việc lại cho ai cả? Làm sao Ủy ban nông vụ lại có thể dửng dưng trước sự không tồn tại của Phòng báo cáo?
“Tha hồ mà nát bét!”, Tsitsikôp tự nhủ, và muốn ra về ngay.
- Không, tôi không thể để ông ra đi như thế được. Đây là vấn đề danh dự của tôi. Tôi sẽ cho ông thấy rõ thế nào là một tổ chức kinh tế nông nghiệp hợp lý. Việc của ông sẽ được giao cho một người mà năng lực bằng tất cả mọi người khác, lo liệu: nó tốt nghiệp Đại học. Tôi có những nông nô như thế đấy! Để khỏi mất thì giờ vàng ngọc, xin mời ông chờ cho một lát ở thư viện - ông đại tá vừa nói vừa mở một cánh cửa bên, ở đấy có giấy, bút mực, bút chì. Ông cứ việc dùng: ông là chủ nhân ở đây. Ánh sáng văn hóa phải thấu đến mọi người.
Thư viện là một gian phòng rộng thênh thang; quanh tường, sách bày suốt từ sàn nhà lên đến trần. Lại còn có cả những động vật nhồi rơm. Sách thuộc đủ các ngành; lâm nghiệp, chăn nuôi, làm vườn; có những tạp chí chuyên môn về đủ các vấn đề, loại tạp chí mà người ta chỉ đặt mua, chứ chẳng ai đọc cả. Thấy những sách, báo này chẳng có gì hấp dẫn, Tsitsikôp tìm sang một tủ khác. Lại thất vọng: đó là sách triết học. Sáu pho sách to tướng hiện ra trước mắt y, nhan đề là: Dẫn luận khai tâm vào lĩnh vực tư tưởng. Lý luận về tính khái quát, về tổng thể và về bản chất; ứng dụng vào việc lý giải những nguyên lý hữu cơ của sự giải thể tương hỗ của sức sản xuất xã hội. Giở trang nào cũng thấy nói toàn những hiện tượng, tiến hóa, trừu tượng, trực giác, đặc chất và những gì gì nữa, có trời biết. “- Của này không phải dành cho hạng mình”. Tsitsikôp nghĩ thầm và quay sang một tủ thứ ba. Tủ này đựng sách về mỹ thuật. Paven Ivannôvits lấy ra một pho lớn, những bức tranh khỏa thân vẽ theo đề tài thần thoại khiến y chú ý. Loại tranh này rất hợp khẩu vị của những kẻ độc thân đã có tuổi ít nhiều, và đôi khi cũng vừa ý những ông già thường hứng tình khi xem vũ kịch ba lê hay những trò kích thích khác. Xem kỹ hết pho sách này, Tsitsikôp toan lấy một cuốn khác cũng về loại ấy; thì bỗng thấy đại tá Kôskariôp bước vào, vẻ hoan hỉ, tay cầm tờ giấy.
- Xong xuôi cả rồi, mà xong xuôi một cách hoàn hảo! Con người mà tôi đã nói chuyện với ông quả là một thiên tài. Cho nên tôi đánh giá hắn ta cao hơn hết thảy mọi người và sẽ lập riêng cho một mình hắn cả một nội các. Ông xem, trí tuệ minh mẫn biết bao, và chỉ có mấy phút là đã giải quyết được mọi việc!
“Đội ơn Chúa!”, Tsitsikôp nghĩ thầm và chuẩn bị nghe. Ông đại tá bắt đầu đọc.
“Sau khi suy nghĩ về cái công vụ mà Tướng công đã giao phó cho tôi, v.v… v.v… tôi lấy làm hân hạnh được trình rằng:
“Một là đơn thỉnh cầu của quan tư vấn bộ Paven Ivannôvits Tsitsikôp có một điều làm người ta hiểu lầm, vì do một sự sơ xuất, những nông phu đăng ký sổ đinh trong đơn lại gọi là linh hồn chết. Có lẽ ý quan tư vấn muốn nói rằng đó là những linh hồn đã gần cõi chết, chứ không phải đã chết rồi. Chỉ cách gọi đó đủ chứng tỏ một vốn học thức kinh nghiệm chủ nghĩa, có lẽ chỉ đóng khung trong khuôn khổ một trường xã; vì linh hồn vốn dĩ bất diệt…”
- Thằng xỏ lá! Kôskariôp ngừng đọc, và nói vẻ khoan dung. Hắn châm chọc ông một chút đấy. Nhưng chắc ông cũng phải nhận là lời văn lưu loát thật!
“- Hai là trong trang ấp không nông phu nào có tên trong sổ đinh, dù là gần chết hay không, mà chưa bị cầm cố vì tất cả, không trừ một tên nào, đều không những đã bị cầm, mà còn bị cầm lại một lần thứ hai nữa, với một giá tiền tăng lên một trăm năm mươi rúp mỗi đầu người; trừ một thôn nhỏ là Gurmailôpka, đang ở trong tình trạng tranh chấp sau một vụ kiện với trang chủ Prêđisep, cho nên hiện đang ở dưới sự kiểm soát của tòa án, theo thông tư đăng trong Nhật báo Mạc-tư-khoa số 42”.
- Sao ông không nói ngay? Sao ông lại giữ tôi lại vì những chuyện nhảm như thế? Tsitsikôp bực tức kêu lên.
- Nhưng phải để ông thấy rõ tất cả những việc đó trong những thể thức thỏa đáng chứ. Nếu không thì chẳng có nghĩa lý gì. Bất cứ thằng ngốc nào cũng có thể nhìn nhận sự việc một cách vô ý thức: nhưng điều quan trọng là phải nhận thức cho rõ.
Paven Ivannôvits tức giận vồ lấy mũ và bất chấp phép xã giao, đi thẳng ra cửa. Người xà ích ngồi đợi trên chiếc xe ngựa, sẵn sàng lên đường; y biết là không cần tháo ngựa làm gì, vì muốn có thóc cho ngựa ăn phải viết đơn xin, và đến hôm sau mới có quyết nghị cấp thóc. Tuy vậy, ông đại tá cũng chạy ra, giằng lấy tay Tsitsikôp siết lên ngực mình, cảm ơn y đã giúp ông ta có dịp thấy rõ thủ tục được tiến hành ra sao; cần phải lay tỉnh các nhân viên, quở mắng họ, vì mọi việc có thể bị bỏ bê ra đấy, và bộ máy quản trị có thể han gỉ và yếu đi; việc vừa xảy ra đã gợi cho ông ta một ý rất hay, là lập thêm một ủy ban mới gọi là Ủy ban giám sát ủy ban xây dựng; làm như vậy thì không còn ai dám ăn cắp nữa.
Tsitsikôp ra về, lòng rất bực tức về chuyến đi; trời đã tối mịt, trong nhà nến đã thắp từ lâu.
- Sao ông về muộn thế? - Kôxtanjôglô hỏi khi y bước qua ngưỡng cửa.
- Ông làm gì với lão ấy mà lâu thế? Platônôp hỏi thêm.
- Từ bé đến giờ tôi chưa hề gặp người nào ngốc như vậy! Tsitsikôp đáp.
- Chưa thấm vào đâu, Kôxtanjôglô nhận xét. Kôskariôp là một hiện tượng lý thú. Hắn cần thiết để phản ánh, dưới một hình thức biếm họa, những thói dở hơi của các trí tuệ khôn khéo ở nước ta; việc mình thì không biết, chỉ lo đua đòi những thói rởm nhập từ đâu đâu về. Thời buổi bây giờ các trang chủ họ thế đấy; họ lập phòng này, sở nọ, lập nhà máy, trường học và những gì gì nữa có quỷ biết được. Sau năm 1812 {Năm 1812 là năm quân của Napôlêông, hoàng đế Pháp xâm lược và tàn phá nước Nga}, nước ta đã phục hồi ít nhiều; còn bây giờ thì cứ thi nhau mạnh ai người ấy đảo lộn cả lên và đảo lộn còn tệ hơn bọn Pháp nữa, vì bây giờ một lão Piôtr Pêtrôvits Pêtukh cũng được tiếng là trang chủ giỏi.
- Nhưng ông ta cũng cầm hết tài sản rồi. Tsitsikôp nói.
- Phải, bao nhiêu của cải vào tay ngân hàng Lomba hết. - Nói đến đấy, Kôxtanjôglô bắt đầu cáu tiết lên. - Họ mở xưởng làm mũ, làm nến; họ thuê thợ tận Luân Đôn về; họ thành ra những nhà doanh nghiệp. Một người quý tộc mà lại đi làm nến và còn khối thứ nữa,… mua máy dệt về dệt sa, dệt lụa bán cho bọn gái tơ ở thành phố!...
- Nhưng anh cũng có xưởng máy đấy thôi, Platônôp bẻ.
- Lỗi tại ai? Nó tự mọc lên đấy chứ; lông cừu cứ ứ lại, không sao tiêu thụ được. Tôi mới bắt đầu dệt nỉ, loại nỉ thô, dày cho nông dân của tôi dùng; họ mua tại chỗ, giá hạ. Từ sáu năm nay, dân chài vứt vảy cá lên bờ nhà tôi, tôi biết làm gì? Tôi mới bắt tay sản xuất keo dán, thu được bốn vạn rúp. Việc gì cũng đều như thế cả.
“Thằng cha cừ thật! Tsitsikôp vừa nghĩ thầm vừa nhìn chằm chằm vào tận mắt Kôxtanjôglô. Quả hắn biết cách làm giàu!”
- Và sở dĩ tôi quyết định làm những việc đó, là vì không làm thì sẽ có nhiều dân lao động chết đói, do mất mùa, nhờ ơn các ngài trang chủ sính công nghệ đã quên mất thời vụ gieo hạt. Những xưởng chế tạo như thế thì ở ấp tôi chẳng thiếu đâu chú ạ. Mỗi năm lại mọc thêm một cái, tùy theo cái khối những rác, bã ùn lại. Ai mà chăm chú theo dõi việc làm ăn của mình thì có thể thu lợi từ mỗi cái rác, bã mà thường người ta vứt đi, cho là vô ích! Vì tôi có xây dựng những lâu đài có hàng cột với mặt hiên tam giác để dùng những cặn bã ấy đâu.
- Thật là phi thường!... Lạ nhất là mỗi thứ cặn bã đều có thể sinh lợi, Tsitsikôp nói.
- Phải, nhưng với điều kiện là phải nhìn nhận sự việc một cách đơn giản, có thế nào cứ biết như thế. Khốn thay, ai nấy đều muốn làm người thợ cơ khí kia; ai nấy đều muốn mở tráp với một thứ khí cụ gì đó trong khi cứ thế tráp cũng đã mở ra rồi. Pêtukh lại đi cả sang Anh về việc ấy nữa! Rõ đồ ngốc… Làm như là đi ngoại quốc về một chuyến không ngu hơn trước gấp trăm lần đi à?
Nói đoạn, Kôxtanjôglô tức giận khạc nhổ.
- Kìa, anh Kôstantin, anh lại nổi giận rồi; bà vợ lo lắng trách chồng. Anh cũng biết là như thế rất có hại cho anh kia mà!
- Thấy những chuyện như thế thì dễ có tấm lòng người Nga nào mà không sôi lên vì căm phẫn? Ngày nay cái phẩm chất Nga đang hỏng đi, thật đáng phàn nàn; bây giờ nó đã nhuốm chủ nghĩa Đông Kysôt, điều trước kia chưa bao giờ thấy! Say mê học vấn chăng? Người ta liền trở thành một Đông Kysôt của học vấn; người ta mở những trường học mà đến một thằng ngu cũng không tưởng tượng nổi. Trường sẽ đào tạo ra những kẻ vô tích sự, dù ở thành thị hay ở thôn quê cũng chẳng được việc gì; những đứa say rượu mồm diễn thuyết về ý thức tự trọng. Làm việc từ thiện chăng? Người ta liền thành ra một Đông Kysôt của lòng vị tha; người ta tiêu bạc triệu để dựng lên những bệnh viện kỳ quái, những tòa nhà đầy những cột, tự mình làm mình khánh kiệt và không đầy một tuần lễ, tất cả những người giúp việc đều ra đứng đường, túi không có được một kôpek. Thật là một thứ từ thiện đẹp đẽ.
Tsitsikôp không hề quan tâm đến học vấn; y chỉ muốn biết tường tận cách làm cho mỗi chút cặn, bã đều sinh lợi. Nhưng Kôxtanjôglô không để cho y thêm một câu nào; ông ta không sao giữ lại nổi những lời lẽ bực dọc đang tuôn ra.
- Người ta cứ tự hỏi không biết làm thế nào cho nông dân được hưởng ánh sáng học vấn… hẵng làm cho họ giàu lên đã; làm cho họ thành người thợ cày giỏi, rồi sau đó họ sẽ tự học lấy. Ông không thể tưởng tượng được thiên hạ đã ngu muội đến thế nào! Bọn văn sĩ nhảm của chúng ta ngày nay đang viết những gì? Vì hễ có quyển sách nào ra là mọi người đều vồ lấy… Người ta vẫn thường nói thế này: “Nông dân sống một cuộc đời quá ư đơn giản; phải làm cho họ biết những vật xa xỉ, gợi cho họ những nhu cầu cao hơn thân phận họ”. Chính những kẻ đó, đã vì lối sống xa xỉ kia mà thành ra những đồ giẻ rách, làm mồi cho đủ các thứ bệnh; và không còn lấy một thằng nhãi ranh mười tám tuổi nào, mà lại chưa nếm đủ mùi đời! Gớm chửa! Mồm các anh đã rụng hết cả răng; đầu các anh đã hói trụi như cái bong bóng; vì thế bây giờ các anh muốn đổ bệnh cho nông dân ta phỏng! Ơn Chúa, ít nhất ta cũng còn được một giai cấp lành mạnh, không biết đến những thứ tế nhị, văn minh ấy! Người dân cày là kẻ đáng kính nhất ở nước ta. Tại sao lại động đến họ? Cầu Chúa cho mọi người đều giống họ!
- Thế ông cho rằng làm canh nông lợi hơn sao? Tsitsikôp hỏi.
- Không lợi hơn thì cũng chính đáng hơn. Đã có câu “- Người sẽ đổ mồ hôi trán ra mà cày cuốc đất đai” {Lời trích trong Kinh thánh Sáng thế}. Không việc gì phải lý sự cùn. Kinh nghiệm của hàng bao thế kỷ đã chứng minh rằng làm nghề nông con người mới đạo đức hơn, trong sạch hơn, cao quý hơn. Tôi không muốn nói rằng không nên làm gì khác nữa, tôi chỉ cho rằng nông nghiệp phải là cái gốc của tất cả mọi sự. Công nghiệp sẽ tự nó phát triển, ít nhất là loại công nghiệp có lý do tồn tại vì đáp ứng những nhu cầu trước mắt của con người, chứ không phải loại công nghiệp phụng sự những lối sống văn minh đang làm cho con người thời này thành mềm yếu. Không cần đến những thứ nhà máy, mà muốn đứng vững và bán chạy sản phẩm phải dùng đến những thủ đoạn ghê tởm, làm cho dân lành hư hỏng và trụy lạc. Không đời nào tôi đưa vào địa phận tôi những ngành sản xuất phát triển các nhu cầu tinh vi; dù người ta có ca tụng thế nào, và dù tôi có mất lãi đi một triệu cũng vậy. Không, không; không cần đường, không cần thuốc lá! Nếu sự trụy lạc tràn ngập thế gian này, thì quyết không có bàn tay tôi góp phần vào! Tôi chỉ cầu Thượng đế chứng giám cho lẽ phải của tôi… Tôi sống với người mujik đã hai mươi năm nay; tôi biết rõ hậu quả của những mối họa ấy lắm…
- Điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất; Tsitsikôp gợi ý; là nếu biết cách, người ta có thể sử dụng những thứ cặn bã, và mỗi vật thải ra đều có thể sinh lợi.
- À phải! Các nhà kinh tế học! Kôxtanjôglô nói, giọng châm chọc chua cay, không nghe lời Tsitsikôp hỏi… chỉ là những thằng ngốc hạng nặng làm đầu têu cho những thằng ngu khác và tầm mắt không xa hơn cái mũi của chúng! Những con lừa đeo kính vào leo lên bục diễn giảng… Một lũ ngu dại!
Giận quá, ông ta lại khạc nhổ một lần nữa.
- Anh nói đúng cả, nhưng anh đừng nổi giận, em van anh; bà vợ nói. Như là cứ nói đến những chuyện ấy, là không thể không nổi khùng lên được!
- Nghe ông, có thể nói là người ta thấu hiểu được ý nghĩa của cuộc đời, Kônxtantin Fiôđôrôvits đáng kính ạ; người ta đi sâu vào thực chất của sự vật. Nhưng hãy xin gác sang một bên các vấn đề khái quát, và xin phép lưu ý ông đến một trường hợp cá biệt. Giả sử sau khi trở thành trang chủ, tôi muốn làm giàu trong một thời gian ngắn, để vì thế mà làm trọn bổn phận công dân của mình, thì tôi phải làm thế nào?
- Làm thế nào để giàu lên ấy à? Kôxtanjôglô hỏi. Thế này nhé…
- Ta đi ăn đi, nữ chủ nhân nói; đoạn đứng dậy, vừa bước ra giữa phòng vừa quấn lên vai một chiếc khăn san, có vẻ sợ lạnh.
Tsitsikôp đứng dậy nhanh nhẹn gần như một quân nhân, đến cạnh nữ chủ nhân với vẻ lịch thiệp của một người thượng lưu, giơ tay cho bà ta khoác và trịnh trọng đưa bà ta sang phòng ăn; nơi liễn xúp mở nắp và đợi sẵn, tỏa ra hương vị ngon lành của các thứ rau tươi đầu mùa. Mọi người ngồi vào bàn. Bọn gia nhân nhanh nhẹn dọn tất cả các món ra cùng một lúc, trong những đồ đựng có đậy nắp, cùng với các thứ phụ tùng; rồi lui ra: Kôxtanjôglô vốn không thích để họ nghe chủ nói chuyện và càng không thích có người nhìn mình ăn.
Sau món xúp, Tsitsikôp nốc một cốc nhỏ rượu gì rất ngon, như rượu tôkay, đựng trong chiếc cốc nhỏ, và nói với chủ nhân:
- Xin phép ông cho tôi được nối lại câu chuyện bỏ dở. Lúc nãy tôi có hỏi ông là phải làm thế nào, cách nào là tốt nhất để… {Chỗ này trong bản thảo thiếu mất một tờ. Trong tập thứ hai của Những linh hồn chết in lần thứ nhất năm 1855, có chú: “Ở đây thiếu mất một đoạn đối thoại giữa Kôxtanjôglô và Tsitsikôp. Có thể đoán rằng Kôxtanjôglô bàn với Tsitsikôp nên mua ấp của một trang chủ ở gần đấy tên là Khlôbuiep”}
- Một điền trang mà tôi trả ngay bốn vạn rúp, không do dự, nếu họ đòi ngần ấy!
- Hừm! Tsitsikôp đâm ra ngẫm nghĩ rồi nói - Thế tại sao ông không mua lấy? Hắn hỏi, vẻ hơi rụt rè.
- Phải biết tự hạn chế mình chứ. Cứ thế này tôi cũng đã bận lắm rồi. Thế mà các trang chủ nhà ta cũng đã nói xấu tôi, bảo là tôi lợi dụng lúc họ túng quẫn và sạt nghiệp để mua đất với giá rẻ mạt. Tôi ngấy lắm rồi.
- Sao con người ta hay nói xấu thế nhỉ! Tsitsikôp nói.
- Mà trong tỉnh này, thói ấy lại hơn những nơi khác… Người ta độc gọi tôi là đồ hà tiện, đồ keo kiệt, đồ bủn xỉn. Về việc gì các ngài ấy cũng có cách tự biện bạch. Một người nói: “Tôi đã tự làm mình phá sản, đúng thế; nhưng đó là vì tôi muốn thỏa mãn những nhu cầu cao cấp của đời sống, vì tôi đã khuyến khích các nhà công nghệ (nghĩa là bọn bịp bợm ấy mà). Dĩ nhiên người ta có thể sống như con lợn, theo kiểu Kôxtanjôglô”.
- Tôi chỉ mong được làm một con lợn như thế! Tsitsikôp nói.
- Những chuyện ấy thật là vô lý. Những nhu cầu cao cấp nào? Họ định đánh lừa ai đây? Họ có sách, nhưng họ không đọc. Mọi việc đều kết thúc bằng những ván bài và những cốc sâm banh. Ông ạ, sở dĩ họ nói thế là chỉ vì tôi không thết tiệc và không cho họ vay tiền. Tôi không thết tiệc, vì tiệc tùng làm tôi bực mình; tôi không quen dự tiệc. Nhưng ai mà đến ăn thường với tôi thì đều là khách quý cả. Còn như chuyện tôi không chịu cho vay tiền thì chỉ là chuyện bịa. Người nào túng quẫn thực sự đều có thể nhờ tôi, cho tôi biết cặn kẽ định dùng tiền làm gì; nếu qua lời lẽ của họ, tôi thấy là họ sẽ dùng tiền vào việc tốt, sẽ thu được lợi ích thực sự, thì tôi không bao giờ từ chối và thậm chí cũng không lấy lãi nữa.
“Chà, chà! Điều này đáng biết lắm đấy!”. Tsitsikôp nghĩ thầm.
- Không, không bao giờ tôi từ chối, Kôxtanjôglô nói tiếp. Nhưng phung phí tiền bạc thì tôi không thể làm được. Mẹ kiếp! Một lão nọ thết đãi tình nhân, mua đủ các thứ bàn ghế kỳ quặc bày trong nhà, hay lê la khắp các hội khiêu vũ trá hình với một con đĩ, tổ chức ăn mừng để kỷ niệm một cuộc đời vô ích; thế mà tôi lại phải giúp vốn cho hắn sao?
Nói đến đây Kôxtanjôglô lại khạc nhổ và suýt văng tục ra trước mặt vợ. Một nỗi u uất làm cho gương mặt ông ta tối sầm lại. Trán ông ta hằn lên những nếp nhăn biểu lộ rõ sự tức giận và nỗi bực dọc trong lòng ông ta.
- Thưa ông, xin phép ông được nối lại câu chuyện đang nói dở, Tsitsikôp vừa nói vừa uống thêm một cốc rượu phúc bồn tử thật là ngon. Giả sử tôi trở thành chủ nhân của cái điền trang ông vừa nói chuyện, thì liệu trong bao nhiêu lâu tôi có thể giàu đến mức…
- Nếu ông muốn làm giàu thật chóng; Kôxtanjôglô ngắt lời khách, giọng xẵng và ngắc ngứ; thì không bao giờ giàu được đâu; nhưng nếu ông không quan tâm đến thời gian, thì chẳng mấy chốc ông đã giàu.
- À ra thế! Tsitsikôp nói.
- Phải. – Kôxtanjôglô nói, giọng cục cằn như tức tối với chính Tsitsikôp vậy. - Phải thích làm việc, nếu không sẽ chẳng được cái gì hết. Phải yêu đời sống thôn dã, đúng thế đấy! Và xin ông tin cho rằng đời sống đó không buồn đâu. Người ta bảo sống ở nông thôn không thể nào chịu được…; nhưng tôi thì tôi sẽ chết buồn nếu tôi sống ở thành phố, dù chỉ một ngày thôi, như kiểu các ngài kia, trong những tiệm rượu, những nhà hát, những câu lạc bộ ngu xuẩn của họ. Toàn một lũ ngốc, một giống lừa! Người ta làm nghề nông không có thì giờ để buồn chán. Cuộc đời của họ lúc nào cũng bận rộn, không lúc nào ngớt. Chỉ nói đến công việc cũng đã là bao nhiêu thứ khác nhau rồi. Mà có phải là những việc tầm thường đâu! Toàn những việc làm cho tâm hồn cao quý lên! Ở đây, con người sống theo thiên nhiên, theo bốn mùa; nó cộng tác với tất cả những gì đang thực hiện trong tạo hóa. Ông thử điểm qua cả một năm làm lụng mà xem: thời gian đón xuân, trong khi mọi vật đều khẩn trương chờ đợi, công việc chuẩn bị gieo hạt, chọn giống, kiểm tra thóc trong kho, phân phố lực dịch. Tất cả đều được xem xét kỹ từ trước và trù tính ngay từ đầu. Và hễ sông ngòi tan băng, đất lộ ra là cái cuốc hoạt động trong các vườn rau, vườn cây ăn quả; cái cuốc bàn, cái bừa làm việc ngoài đồng; người ta trồng, người ta gieo. Gieo những gì, ông có biết không? Gieo cho mùa gặt sắp tới! Gieo hạnh phúc của toàn thể trái đất! Gieo thức ăn nuôi sống hàng triệu người! Mùa hè đến… tiết cắt cỏ rộn rịp… Rồi thì mùa gặt; tiếp theo lúa mạch là lúa mì; rồi đến đại mạch, kiều mạch. Tất cả đều sôi nổi lên; không thể bỏ lỡ một phút; dù có hai chục con mắt trông cũng không xuể. Hội mùa xong, phải đưa lúa vào kho; lại còn công việc cày vụ thu, việc phân phối các kho, vựa, chuồng bọ, cùng một lúc với những công việc của đàn bà; người ta nhìn lại, người ta thấy công việc đã hoàn thành… Rồi đến mùa đông! Đập lúa trên khắp mọi sân; rồi chuyển thóc, từ bục đập lúa vào kho, rồi đẵn và cưa cây, rồi chở gạch và gỗ súc cho những việc xây dựng vào mùa xuân. Người ta đi thăm nhà xay thóc, thăm các xưởng thợ. Thấy một người thợ mộc khéo tay rìu, tôi có thể đứng nhìn hai giờ liền, vì công việc làm cho tôi vui thích. Và nếu ngoài ra, người ta lại thấy rằng tất cả những công việc kia đều lớn lên và nhiều ra, đưa lại thành quả và lợi ích, thì niềm vui thật không tài nào tả xiết! Như vậy không phải vì của cải mình tăng thêm đâu - tiền bạc là chuyện khác - mà vì tất cả những cái đó đều do mình làm ra; vì mình thấy mình là kẻ sáng tạo nắm quyền chi phối mọi việc, là người pháp sư đang gieo rắc quanh mình cảnh dồi dào no ấm. Liệu có thể tìm đâu được một niềm vui như thế? Kôxtanjôglô kết luận; trên khuôn mặt ngẩng cao lên, bao nhiêu nếp nhăn đều đã biến hết. Tựa hồ một ông vua trong ngày lễ đăng quang, Kôxtanjôglô sáng bừng lên; gương mặt ông ta như tỏa hào quang. - Phải, trong khắp thiên hạ, không tìm đâu ra một niềm khoái lạc như thế! Chính ở đây con người bắt chước Thượng đế: Thượng đế đã dành riêng cho mình sự sáng tạo để làm niềm khoái lạc tối cao và đòi hỏi con người cũng phải sáng tạo ra cảnh phồn vinh quanh mình… Đấy, cái mà người ta gọi là một việc buồn chán, đấy!...
Tsitsikôp lắng nghe những lời êm tai này như nghe tiếng hát của một con chim trên thiên đường. Mồm y ứa nước bọt. Cả đôi mắt y cũng ướt và lộ rõ vẻ hoan lạc; y cứ muốn nghe mãi.
- Anh Kônxtantin ạ, hay ta sang phòng khách? Bà Kôxtanjôglô vừa nói vừa đứng dậy. Mọi người đứng dậy theo. Tsitsikôp đưa tay cho bà ta khoác, nhưng dáng điệu y không còn nhanh nhẹn như trước nữa, vì tư tưởng của y đã theo một hướng nghiêm trang hơn.
- Anh nói thế chứ đời sống ở nông thôn vẫn vô vị, Platônôp đang đi phía sau nói.
Kôxtanjôglô nghĩ thầm: “Ông khách này không phải là người ngốc, nghe chuyện chăm chú, ăn nói đứng đắn và không khoác lác.” Nghĩ đến đấy mặt ông ta tươi rói lên, tựa hồ những lời của chính mình đã sưởi ấm lòng mình và ông lấy làm mừng là đã gặp được một người có thể nghe hiểu những lời khuyên răn khôn ngoan của mình.
Mọi người đến ngồi trong một gian phòng nhỏ ấm cúng, thắp nến sáng, đối diện với bao lơn và với cửa kính rộng dẫn ra vườn. Trong khi các vì sao ngắm họ từ trên những ngọn cây của khu vườn đang ngủ yên, Tsitsikôp có một cảm giác kỳ thú đã lâu không biết đến. Y ngỡ như đang trở về nhà sau bao nhiêu năm giang hồ phiêu bạt và sau khi đã đạt được đầy đủ mọi nguyện ước, đặt chiếc gậy lữ hành xuống mà rằng: “Thôi, thế là đủ rồi!”. Sở dĩ y có được cái tâm trạng phấn chấn ấy là nhờ câu chuyện khôn ngoan của chủ nhà.
Phàm ai cũng có những đề tài liên quan đến mình nhiều hơn, mà mình tha thiết hơn những đề tài khác. Và nhiều khi, đột nhiên ở một nơi hẻo lánh, một chốn ẩn dật thực sự; ta bỗng gặp một người mà câu chuyện khiến ta ấm lòng, quên những đoạn đường khó đi, những quán trọ tồi tàn, quên tình trạng hỗn loạn vô ích của thời đại, những ảo mộng dối trá của người đời. Một tối chuyện trò như thế sẽ vĩnh viễn khắc sâu vào ký ức. Trí nhớ sẽ trung thành giữ lại tất cả mọi sự tình: những người nghe chuyện, chỗ ngồi của mỗi người, những vật họ cầm trong tay, những bức tường, những góc nhà, những chi tiết vụn vặt nhất.
Tsitsikôp tối hôm ấy cũng thế; y chú ý đến mọi vật: gian phòng xinh xắn bày biện giản dị, vẻ hồn hậu phản ảnh trên gương mặt chủ nhân, cho đến cả màu sắc của những bức thảm treo tường nữa…; cái tẩu; đầu ngậm bằng hổ phách trao cho Platônôp, những đám khói mà chàng ta thở vào mũi con Yarb, những cái rùng mình của con chó; tiếng cười của nữ chủ nhân khả ái với câu nói: “- Thôi, đừng làm khổ nó nữa”; ánh sáng tươi vui của mấy ngọn nến; tiếng con dế rả rích trong một góc phòng; cánh cửa kính; đêm xuân đang ngắm họ từ trên các ngọn cây lốm đốm những vì sao, trong khi tiếng hót du dương của mấy con họa mi thánh thót trong các lùm cây xanh tốt.
- Tôi thích nghe ông nói quá, ông Kônxtantin Fiôđôrôvits đáng kính ạ! Tsitsikôp nói. Tôi dám nói là trên đất nước Nga, chưa có nơi nào tôi gặp được một người có trí thông minh như ông.
Kôxtanjôglô mỉm cười, tự cảm thấy những lời ấy cũng chẳng có gì quá đáng.
- Không đâu, ông Paven Ivannôvits ạ, nếu ông muốn biết một con người thông minh thì ở ta có một con người quả là xứng đáng với danh hiệu đó, tôi chưa thể bén gót chân ông ta được.
- Ai thế à? Tsitsikôp ngạc nhiên hỏi.
- Murazôp, ông chủ thầu thuế rượu mạnh ở tỉnh này.
- Đây là lần thứ hai tôi được nghe nói đến ông ta! Tsitsikôp kêu lên.
- Người ấy cai quản không phải chỉ một điền trang, mà cả một quốc gia đấy. Tôi mà làm vua thì tôi lập tức phong ông ta làm bộ trưởng bộ tài chính.
- Nghe nói đó là một người vượt ra khỏi khuôn khổ bình thường; đâu như ông ta đã có trong tay tới mười triệu.
- Ông ước như thế thì còn xa sự thật. Ông ta có những hơn bốn mươi triệu. Chẳng bao lâu, một nửa nước Nga sẽ thuộc về ông ta.
- Ông nói gì vậy! Tsitsikôp trợn tròn xoe mắt, kêu lên.
- Sự thật mười mươi đấy. Cũng dễ hiểu thôi. Người nào chỉ có vài chục vạn rúp thì lâu giàu lên lắm; nhưng đối với người có bạc triệu thì địa bàn hoạt động thật là vô biên, dù hắn có vơ cái gì thì bao giờ cũng thu được bằng hai, bằng ba số tiền hắn có. Hắn không còn địch thủ nữa, chẳng ai có thể đọ sức với hắn được. Giá cả do hắn định ra thì không gì có thể thay đổi được nữa; không ai có thể đấu giá với hắn nổi.
- Lạy Chúa tôi! Tsitsikôp vừa nói vừa làm dấu thánh giá. Y nhìn chằm chằm vào mặt Kôxtanjôglô, thở không ra hơi nữa. - Thật không thể tưởng tượng được! Nghĩ mà khiếp đi được! Ngắm một con bọ dừa, người ta thán phục cái tài tình của tạo hóa; còn tôi thì tôi lại càng lấy làm lạ rằng một người phàm trần lại có thể nắm trong tay những số tiền khổng lồ như thế. Ông cho phép tôi hỏi một điều: dĩ nhiên là lúc đầu, cái tài sản này mà có được không phải phạm tội lỗi gì chứ?
- Có được bằng cách không thể chê trách vào đâu được, bằng những phương tiện quang minh, chính đại nhất!
- Tôi không tin! Không thể được! Hàng nghìn rúp thì còn được chứ hàng triệu!...
- Trái lại; kiếm được hàng nghìn rúp bằng cách lương thiện thì khó, chứ hàng triệu thì lại rất dễ. Một nhà triệu phú không cần đến những đường lối quanh co; hắn chỉ cứ việc đi thẳng trước mặt và gặp gì nhặt nấy: người khác không đủ sức làm như vậy; cho nên hắn không có kẻ cạnh tranh! Địa bàn hoạt động thật là vô biên, tôi xin nói như vậy; hắn vớ cái gì cũng là bằng hai, bằng ba tài sản hắn có… Còn với cái vốn nghìn rúp thì lãi được bao nhiêu? Mười phân, hai mươi phân.
- Khó hiểu nhất là ông ta bắt đầu với hai bàn tay trắng!
- Sự thể bao giờ cũng diễn ra như thế, Kôxtanjôglô nói. Kẻ nào sinh ra đã giàu thì sẽ chẳng giàu thêm được, hắn có quá nhiều thói phù phiếm bẩm sinh. Phải bắt đầu từ đầu, chứ không phải từ giữa; bằng những đồng kôpêk, chứ không phải những đồng rúp; từ phía dưới, chứ không phải từ phía trên; chỉ có thế người ta mới học được cách hiểu rõ người đời và cái môi trường mà người ta sẽ phải tiếp xúc. Sau khi chính bản thân đã nếm đủ vị đắng cay, khi đã biết rằng mỗi đồng kôpêk đều phải làm cật lực mới kiếm được, sau khi đã trải qua đủ các cảnh gian nan; người ta sẽ được huấn luyện và đào tạo thành một người không thể thất bại trong bất cứ việc gì và không thể toi mạng được. Ông hãy tin tôi, sự thật là thế đấy. Phải bắt đầu từ đầu, chứ không phải từ giữa. Kẻ nào nói với tôi: “Cho tôi mười vạn rúp, tôi sẽ làm giàu”, kẻ ấy không làm cho tôi tin cậy được; hắn làm cái lối hú họa, không chắc chắn gì cả. Phải bắt đầu bằng những đồng kôpêk.
- Thế thì tôi cũng sẽ giàu, Tsitsikôp nói, bất giác nghĩ đến các linh hồn chết; vì quả tình tôi cũng bắt đầu với hai bàn tay trắng.
- Anh Kônxtantin, đã đến lúc phải để Paven Ivannôvits đi nghỉ; nữ chủ nhân nói; thế mà anh cứ nói chuyện phiếm mãi.
Không nghe lời vợ, Kôxtanjôglô nói: - Chắc chắn là ông sẽ giàu, vàng sẽ ùn đến tay ông. Ông sẽ không biết làm gì cho hết tiền lời.
Như bị thôi miên, Paven Ivannôvits phiêu diêu trong vương quốc thần kỳ của những giấc mộng đẹp. Ý nghĩ cứ quay cuồng trong óc y. Trên tấm vóc vàng rực của những thu hoạch tương lai, trí tưởng tượng của y thêu dệt nên những hồi văn và mấy tiếng: vàng sẽ ùn đến… cứ vang mãi trong tai y.
- Thế đấy, anh Kônxtantin ạ, Paven Ivannôvits cần đi nghỉ.
- Thế thì mình đi ngủ đi!
Kôxtanjôglô ngừng nói vì tiếng gáy rất to của Platônôp vang dội cả gian phòng, và con Yarb cũng ra sức họa theo. Thấy rằng quả nhiên đã đến giờ đi ngủ, chủ nhân lay Platônôp dậy, mồm nói: “Thôi ngáy vừa chứ!” và chúc Tsitsikôp ngon giấc. Mọi người chia tay nhau và chỉ lát sau đã đều ngủ yên cả.
Chỉ mình Tsitsikôp là không ngủ. Óc y tỉnh như sáo. Y nghĩ đến cách trở thành chủ nhân của một điền trang thực sự, chứ không phải tưởng tượng. Sau buổi nói chuyện này, khả năng làm giàu đối với y đã thành quá hiển nhiên. Vấn đề kinh doanh khó khăn đã thành dễ dàng và có thể hiểu được, và thật là thích hợp với tính tình của y. Chỉ có việc gán quách lũ nông dân chết cho ngân hàng Lomba rồi tậu lấy một cái ấp. Chưa chi y đã thấy mình đang áp dụng những bài học của Kôxtanjôglô hành động nhanh chóng và thận trọng, không chủ trương gì mới mà không am hiểu tường tận tình hình cũ; cái gì cũng xem xét tận mắt, biết rõ từng nông dân một, gạt bỏ mọi việc thừa để chỉ chuyên tâm vào canh tác. Y thưởng thức trước cái thú thấy mọi việc có quy củ, và tất cả những lò xo của bộ máy kinh tế hoạt động tích cực, cái này đẩy cái kia. Công việc sẽ tiến hành trôi chảy, và cũng như trong một cái cối xay quay đều, không biết mệt, hạt thóc biến thành bột, những cặn bã và những mảnh vụn đủ các loại sẽ biến thành tiền lời… Kôxtanjôglô, nhà kinh doanh thần tình, chốc chốc lại hiện lên trước mắt y. Đó là người đầu tiên ở nước Nga mà y kính trọng thực sự; vì xưa nay, y chỉ trọng người vì cấp bậc hay của cải, chứ chưa bao giờ trọng ai vì trí thông minh. Y hiểu rằng với một người như thế thì những mánh khóe thường dùng của y sẽ không ăn thua gì. Một dự định khác khiến y bận tâm: mua lấy trang ấp của Khlôbuiep. Y có một vạn rúp, y định thử vay thêm Kôxtanjôglô một vạn rưỡi nữa, vì Kôxtanjôglô đã tuyên bố là sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai muốn làm giàu; còn thiếu thì y sẽ liệu cách thu xếp, hoặc vay của ngân hàng Lomba, hoặc cứ bắt kẻ bán ấp phải chờ vậy. Có thể như thế được lắm: người bán cứ việc mà đi kiện, nếu hắn muốn!
Tsitsikôp suy nghĩ hồi lâu. Cuối cùng, giấc ngủ, từ bốn giờ rồi, đã ôm ấp cả nhà trong đôi cánh tay - như người Nga thường nói - cũng đến với y, và Paven Ivannôvits ngủ thiếp đi.