Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Chương 8

Quanh việc mua người của Tsitsikôp, thiên hạ tha hồ bàn tán. Người ta bàn đủ mọi cách về cái lợi mua nông phu đưa đi lập ấp; có những ý kiến tỏ ra am hiểu vấn đề sâu sắc.
Người thì nói: - Miền Nam chắc chắn là rất phì nhiêu, điều ấy không chối cãi được; nhưng mà không có nước thì nông dân của Tsitsikôp làm ăn ra sao? Vì trong xứ, một con sông cũng chẳng có.
- Thiếu nước vẫn còn là khá, Xtêpan Đmitriêvits ạ, chứ khai khẩn một vùng đất hoang, nhà đã không mà sân cũng chẳng có, thì đó là việc mà bọn mujik lạ nước lạ non chẳng bao giờ chịu làm! Chúng nó cao chạy xa bay ngay đi chứ, gậy trượt tuyết cứ vung lên, chẳng còn thấy tăm hơi nào nữa; thật rõ như hai lần hai là bốn.
- Không, Alexêi Ivannôvits ạ; xin phép, tôi không đồng ý với bác. Người Nga chúng ta thì cái gì mà chẳng quen, khí hậu nào mà chẳng thích nghi. Đưa họ đi Kamtsatka, nếu bác muốn, nhưng nhớ cho họ những bao tay lót lông ấm và họ đập vào tay nhau vui vẻ và múa rìu dựng lên ngay một cái izba.
- Xin lỗi bác, Ivan Grigôiêvits; bác quên một điều quan trọng, Tsitsikôp đã mua được những nông phu như thế nào? Chắc là những quân chẳng ra gì. Nói sai xin chặt đầu tôi đi; chúng đều là quân trộm cắp, say rượu, ăn hại, chó má. Trang chủ khôn chẳng bao giờ ai bán người tốt đi cả.
- Đồng ý, bao giờ thì người ta cũng chỉ bán những con chiên ghẻ. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện bắt đầu từ chỗ này: được dời đi nơi khác, bọn vô lại ấy có thể trở thành những người rất tốt; người ta thấy có những trường hợp như thế, trong sử cũng có kể lại.
- Không bao giờ, không bao giờ, viên quản đốc các phân xưởng Nhà nước cãi, không thể được, thật đấy mà. Bọn nông dân của Tsitsikôp sẽ có hai kẻ thù khó chống lại lắm. Trước hết là ở ngay cạnh các tỉnh Tiểu Nga {Tiểu Nga là Ukraina, ta thường phiên âm theo tiếng Pháp là Uycờren}, mà các vị đều biết là nơi mà rượu mạnh bán tự do, thì chỉ mười lăm ngày, tôi xin nói chắc như vậy, là tất cả bọn chúng thành ra những đứa say sưa không chừa rượu được nữa. Sau nữa là cái thói sống lang thang mà mỗi đứa đều đã quen trong khi di chuyển. Thật đấy, việc này chỉ có thể thành được, nếu Tsitsikôp, theo dõi bọn chúng thường xuyên; phải thẳng tay không được nới cho chúng; hở một tí là trị ngay, tự tay thụi lên mõm hay lên gáy chúng.
- Tại sao Tsitsikôp phải tự tay thụi chúng? Việc ấy có thể giao cho quản lý thôi chứ.
- Bọn quản lý! Toàn là đồ ăn cắp cả!
- Bọn quản lý đúng là đồ ăn cắp cả, nhưng chỉ bởi vì các ông chủ không trông nom đến công việc mình.
- Đúng đấy! Có người tán thành. Một trang chủ mà hiểu người và chỉ biết một chút về nông nghiệp là thế nào cũng kiếm được một quản lý tốt.
Ông quản đốc nói rằng một quản lý tốt phải đòi tới năm nghìn rúp tiền lương; ông chánh án cho rằng chỉ ba nghìn thôi.
Ông quản đốc cãi: - Trời, ông đào đâu ra được một đứa với cái giá ấy? ở trong mũi ông chắc.
- Không, chẳng phải trong mũi tôi; chỉ trong quận ta thôi, ông chánh án nói. Tôi đang theo dõi Piôtr Pêtrôvits Xamôilôp; đấy, con người cần cho Tsitsikôp đấy.
Khá nhiều người quan tâm đến tình cảm của Tsitsikôp; việc di chuyển nhiều dân khai hoang như vậy làm cho họ khiếp; người ta tỏ ý lo ngại đến cả một cuộc nổi loạn có thể xảy ra trong đám người nóng đầu ấy. Ông cảnh sát trưởng thì cho những mối lo sợ là hão huyền: cảnh binh nông thôn có phận sự ngăn ngừa cái nạn ấy; và chỉ một viên đại úy quận trưởng cảnh binh cử đến tại chỗ, là đủ làm bọn nông phu chẳng dám ho he gì, cho tới khi đến nơi ở mới. Để nhổ tận gốc óc phiến loạn trong đám ngu dân ấy, người ta bèn đề nghị biện pháp này nọ; có cái khá ôn hòa, có cái lại quá nghiêm khắc và gay gắt như biện pháp quân sự. Ông giám đốc bưu vụ nói rằng Tsitsikôp có bổn phận thiêng liêng: đối đãi với nông dân như cha đối với con, phải cho họ được hưởng cả lợi ích của học vấn; nhân tiện, ông ta ca tụng phương pháp hỗ tương giáo dục do Lencaxtơ {Hỗ tương giáo dục là phương pháp học lẫn nhau, dạy cho nhau ở các hội, do nhà giáo dục Anh Lencaxtơ (1771-1838) đề xướng} đề xướng.
Những câu chuyện kiểu ấy làm cho cả thành phố say sưa. Nhiều người ân cần đến mức trình bày lại với Tsitsikôp những lời căn dặn trên; họ khuyên y xin cả một toán quân hộ vệ. Tsitsikôp nói là những lời khuyên làm cho y rất đẹp lòng và đến lúc cần thì y sẽ xin nghe theo; nhưng từ chối dứt khoát việc xin quân hộ vệ; nông dân của y bản chất hòa bình, viễn ảnh của cuộc lữ hành làm họ say mê và sẽ không có một cuộc nổi loạn nào nổ ra được.
Tất cả những việc bàn tán xôn xao ấy đối với Tsitsikôp lại có những hậu quả hết sức may mắn: tiếng đồn vang rằng y là một nhà triệu phú, không hơn, không kém. Sự tình ấy càng làm tăng lòng ái mộ của dân thành phố đối với y. Cứ thực tình mà nói thì họ là những người tốt, hiểu nhau, và sống xuề xòa, chẳng khách sáo gì. Câu chuyện của họ thành tâm, chất phác: “- Bạn đáng yêu, Ililia Iliits ơi! – Này, ông anh Antipato Zakhariêvits ạ! – Ivan Grigôiêvits, bố già ạ, bố đánh lừa con”. Tên ông giám đốc bưu vụ là Ivan Anđêits, người ta bao giờ cũng gọi thêm là: “Sprêkhen di đêits {Tiếng Đức Sprechen Sie Deutsch nghĩa là “Có nói tiếng Đức không?”; trong nguyên văn, chữ Deutsch đáng lẽ đọc là Đoits, thì lại đọc theo kiểu Nga là Đêits để cho vần với Anđrêits} Ivan Anđrêits?”. Tóm lại là họ thân mật với nhau như trong gia đình. Họ không phải là những người không có văn hóa. Ông chánh án thuộc lòng tập thơ Lutmila của Jukôpxki {Jukôpxki (1783-1852) là nhà thơ Nga, nổi tiếng về các bản dịch thơ lãng mạn Anh và Đức. Tập thơ Lutmila xuất bản năm 1808 là mô phỏng tập thơ Lêno của thi sĩ Đức Buyghe (1747-1794).}, bấy giờ vừa mới ra đời còn sốt dẻo; ông ta ngâm nhiều đoạn rất cừ, nhất là đoạn: Cánh rừng ngủ say, thung lũng yên giấc.
Ông ta đọc chữ tsu {Tsu! Tiếng Nga chỉ là một thán từ có nghĩa là Này! Hãy nghe đây!} nghe như thung lũng đang ngủ say thực sự; và để cho thật giống, ông lại còn nhăm nhắm đôi mắt nữa. Ông giám đốc bưu vụ lại chuyên về triết học, say mê tập thơ Đêm của Yăng {Yăng (1683-1765): thi sĩ Anh, người lập ra phái thơ hâm mộ. Tập Đêm là tác phẩm chính của thi sĩ, rất nổi tiếng ở châu Âu trong thế kỷ XVIII} và cuốn sách Chìa khóa các bí mật của Thiên nhiên của Eckactshaoden {Phôn Eckactshaoden (1792-1803): một nhà thần bí học Đức, chuyên về ảo thuật. Cuốn Chìa khóa các bí mật của Thiên nhiên được dịch ra nhiều thứ tiếng và thu hút nhiều đồ đệ cho tác giả ở châu Âu trong đầu thế kỷ XIX}; ông ta đọc những sách của Eckactshaoden ban đêm rất khuya và chép lại từng đoạn dài mà không cho ai thấy cả. Vả lại ông ta là một nhân tài, mặc khách có ngôn ngữ văn hoa; ông thường bộc lộ rằng: “- Tôi thích trang sức cho ngôn từ của tôi được văn nhã”. Quả thật, ông trang sức nó bằng vô số những câu đệm như là: Tiên sinh ạ, các ngài rõ chứ, các ngài hiểu chứ, các ngài thử tưởng tượng rằng, có thể nói là, nói thất lễ chứ. Ông ta lại còn làm cho ngôn từ văn hoa bằng cách nhấn mạnh những câu nói bóng sâu cay với một cái nháy mắt châm biếm.
Các công chức khác đều ít nhiều có văn hóa: một người đã đọc Karamzin {Karamzin (1766-1826): sử gia và văn sĩ Nga, tác giả của mấy truyện vừa được xem như kiểu mẫu của văn học tình cảm chủ nghĩa, thịnh hành ở Nga, đầu thế kỷ XIX}, một người khác đọc Báo Mạc-tư-khoa {Báo Mạc-tư-khoa – Môxkôpxkie Viêđômôxti – do Trường Đại học Mạc-tư-khoa xuất bản từ 1756, bấy giờ đang nặng khuynh hướng tình cảm chủ nghĩa}, có cả những người chẳng đọc cái quái gì hết. Người này là một kẻ ù lì chỉ có lấy cẳng mà đá mới chịu nhúc nhích, kẻ kia là một con baibak {Ta thường gọi là macmôt một vật gậm nhấm ở xứ lạnh, mùa đông ngủ như chết sáu tháng liền} như người ta thường nói là suốt đời nằm nghiêng, thậm chí có dựng dậy cũng vô hiệu, vì dù thế nào nó cũng không bao giờ đứng lên cả. Nào họ có thiếu cái thư thái oai phong, đường bệ; trong hàng ngũ họ, chẳng ai là có thể mắc bệnh lao cả. Những lúc thổ lộ tâm tình thân mật, vợ họ đều gọi họ là: anh béo của em, quả bí của em, anh phệ của em, anh béo phúng phính của em, của quí của em.
Những người trung hậu ấy rất trọng khách; bất cứ ai mà đã nếm bữa ăn nhà họ hay đánh một canh bài uyxt với họ là thành ngay chỗ thân tình của họ, huống chi Tsitsikôp, phong thái đã ưu nhã, lại am hiểu nghệ thuật làm đẹp lòng người. Y còn chưa biết cách nào đi thoát là người ta còn mê y; bất cứ đâu y cũng nghe nói: “- Ở lại một tuần nữa, Paven Ivannôvits, chỉ một tuần nữa thôi mà!”. Tóm lại y thật là danh tiếng, vẻ vang.
Đó là đối với đàn ông; còn đối với đàn bà thì, thật thà mà nói, cái ấn tượng mà y gây nên làm cho người ta phải sửng sốt. Muốn cắt nghĩa được chút đỉnh nào cái hiện tượng ấy, cần phải nói dài về các vị phu nhân ấy, về cái giới xã giao của họ, cần miêu tả bằng những nét đậm màu những đặc điểm tinh thần của họ; nhưng mà tác giả xin rút lui trước cái công việc gay go ấy. Một mặt thì tự thấy mình bị lòng kính trọng phải có đối với vợ của các quan chức cao cấp, ngăn lại; mặt khác… mặt khác, lạy Chúa!... cứ đơn giản mà nói, việc ấy rất khó… Các phu nhân ở N… là… Không, không thể được: tính rụt rè giữ tôi lại… Cái đáng chú ý nhất ở các phu nhân tỉnh N… Lạ quá, ngòi bút của tôi cứ không chịu làm phận sự, nó đâm ra nặng như chì. Thôi, hãy để cho ai có một ngọn bút phong phú màu sắc, cái việc miêu tả tính cách của họ; ta chỉ phác họa bằng bút chì cái bề ngoài của họ mà thôi.
Về cái khoản đủ phẩm chất của người lịch sự, thì các phu nhân ở N… có thể là gương mẫu. Họ biết cách đứng ngồi, theo đúng từng li, từng tí, phong thể của giới xã giao, theo đúng các nghi thức, lễ mạo; nhất là họ theo thời trang đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất, và về việc ấy thì ăn đứt cả chị em họ ở Pêterbua hay Mạc-tư-khoa nữa. Họ ăn mặc rất đặc sắc, đi dạo trong những xe ngựa lịch sự, người hầu mặc áo dấu nẹp vàng, tòng bộc {Người hầu đi theo chủ những khi ra ngoài, thường ngồi ở sau xe} ở sau xe, theo đúng thời thượng. Tấm danh thiếp, dù chỉ viết tay trên một con hai chuồn hay con một rô, đối với họ là vật thiêng liêng. Hai bà bạn thân và bà con với nhau nữa, đã đâm ra thù nhau chỉ vì một cuộc thăm viếng mà không trả lễ. Chồng con, họ hàng đều bất lực, không tài nào hòa giải nổi đôi bên: ở đời này việc gì cũng có thể làm được, chỉ trừ việc hòa giải hai phu nhân giận nhau vì một vấn đề lễ tiết; suốt đời họ sẽ ác cảm với nhau, theo một thành ngữ thông dụng trong giới thượng lưu các tỉnh. Những vấn đề ngôi thứ cũng gây ra những cơn giận dữ ghê gớm mà các ông chồng phải can thiệp vào bằng cách nghĩa hiệp nhất. Không một cuộc quyết đấu {Đấu súng hay đấu gươm tay đôi để giải quyết những vụ động chạm đến danh dự} nào xảy ra sau các trận cãi nhau ấy cả, các ông đều thuộc hàng văn quan; nhưng họ gỡ lại bằng cách thi nhau lăng mạ nhau với những lời lẽ thô bỉ; cái cách ấy nhiều khi còn khó chịu hơn là một trận quyết đấu.
Giữ gìn thuần phong mỹ tục một cách nghiêm khắc, nên đối với mọi tật xấu, mọi việc ô nhục, các phu nhân ở N… đều phản đối với một lòng phẫn nộ đức hạnh; họ không thể tha thứ bất cứ một sự yếu đuối nào. Nếu một người trong bọn họ mà tự cho phép mình có một chuyện tình nào, thì mọi việc đều diễn kín đáo, với một sự quan tâm giữ đúng lễ tiết đến nỗi chính ông chồng, được biết đầu đuôi câu chuyện, cũng chỉ sẽ trả lời một cách khôn khéo bằng câu ngạn ngữ: “- Ông, mụ hợp nhau; việc gì đến ai?
Cũng như các phu nhân ở Pêterbua, các phu nhân ở N… rất thận trọng trong lời ăn, tiếng nói; họ dùng một ngôn ngữ rất trau chuốt. Họ không nói: “- Tôi xỉ mũi, tôi tháo mồ hôi, tôi khạc đờm”, mà nói đúng là: “- Tôi làm cho cái mũi nhẹ bớt; tôi đã nhờ đến cái khăn quàng cổ”. Họ không nói thật là một cái cốc hay một cái đĩa có mùi hôi; họ cố tránh cả đến một câu nói bóng mà trực tiếp quá, họ phải cầu viện đến những cách nói quanh co, như là: “- Cái cốc này ăn ở không tốt”. Để quí tộc hóa tiếng Nga hơn nữa, họ phế trừ một nửa các từ Nga, và thay vào bằng những thành ngữ Pháp… nhiều khi lại thô tục hơn.
Đó là tất cả những điều người ta có thể nói về các phu nhân ở N… mà không muốn nhiều lời. Nghiên cứu sâu sắc hơn sẽ bóc trần ra được lắm thứ nữa; nhưng dò sâu vào quả tim phụ nữ là liều lĩnh khác gì đánh bạc mà đặt to. Thôi, không nên dài lời nữa mà trở lại câu chuyện của chúng ta.
Cho đến lúc ấy, các phu nhân ở N…, tuy có thừa nhận nền giáo dục hoàn mỹ của Tsitsikôp, vẫn ít chú ý đến y; nhưng từ khi thiên hạ phong y làm triệu phú thì họ tìm ra ngay cho y khá nhiều đức tính khác. Tuy họ chẳng vì lợi lộc gì đâu; nhưng mà dù có bỏ ra ngoài cái vấn đề túi tiền, không nói đến, thì cái sức mê hoặc kín đáo của mấy chữ triệu phú cũng vẫn tác động đến người đứng đắn cho chí đám tiện dân. Nhà triệu phú được đặc quyền biết đến sự đê tiện không vị lợi, được ngắm nó trần truồng; khối người biết là không mong chờ gì ở nhà triệu phú, nhưng thấy hắn ta là vẫn chạy như bay đến, cúi chào, mỉm cười, và cứ thế, hễ chưa được mời ăn bữa chiều với hắn là chưa chịu thôi.
Các vị phu nhân ở N… có bị cái duyên dịu dàng của sự đê tiện cám dỗ chăng? Tôi chẳng dám khẳng định như vậy; dù sao họ cũng để ý đến Tsitsikôp nhiều hơn. Các bà nói rằng: “- Dĩ nhiên, ông ta không đẹp lắm; nhưng mà người ông ta phương phi đúng với mức vừa phải; giá béo tí nữa thì khó coi đấy”. Thế rồi thì những người gầy phải làm đề tài cho một hồi đàm tiếu chẳng dễ chịu chút nào: họ giống như những cái tăm xỉa răng hơn là những con người; người ta quả quyết như vậy. Các phu nhân ấy lại rất quan tâm đến việc trang điểm. Người ta chen chúc nhau, gần như đè bẹp nhau ở các cửa hiệu; xe đỗ ở đấy đông nghịt; và việc đi đến các cửa hiệu thành ra những cuộc đi chơi hợp thời thượng. Bọn lái buôn hết sức ngạc nhiên thấy những vải vóc mang từ chợ phiên về, bấy lâu vẫn làm các bà khách lánh xa vì giá quá cao, thì nay bỗng được tranh nhau mua hết, chỉ trong nháy mắt. Một bà đi lễ mà những dải vải trang sức thêm cho quần áo đầy ắp cả nhà thờ; viên cẩm khu phố tình cờ có mặt ở đấy, phải dồn đám người đi lễ đến tận cổng nhà thờ, để bảo vệ cho một bộ trang phục hoa lệ đến như thế.
Sau cùng thì Tsitsikôp cũng phải biết rằng người ta rất chú ý đến mình. Một hôm, ở ngoài về, y thấy trên bàn một phong thư mà y không tài nào tìm ra được người gửi; gã người hầu nói rằng người ta đã bắt hắn hứa phải giữ bí mật. Bức thư bắt đầu bằng một giọng rất quả quyết: “- Thiếp không thể đứng được nữa, phải biên thư này cho chàng!” Rồi người ta khẳng định rằng có một ái lực bí ẩn giữa các linh hồn; một chuỗi những cái chấm, chiếm hết gần nửa dòng, như đóng ấn vào dưới cái chân lý ấy. Tiếp theo là mấy câu châm ngôn xác đáng một cách hiển nhiên, đến nỗi chúng tôi thấy có bổn phận phải chép lại: “- Cuộc đời là gì? Một thung lũng đắng cay. - Thế gian? Một đám người vô tri vô giác”. Tác giả bức thư lại cho rằng mình đã nhỏ lệ tắm ướt những dòng chữ của một bà mẹ hiền chết những từ hai mươi lăm năm về trước; nàng mời Tsitsikôp theo mình tránh vào sa mạc, vĩnh viễn trốn khỏi những chốn đô hội và những hàng rào chật hẹp làm người ta ngột ngạt vì thiếu khí trời và không gian; nàng đắm mình vào một nỗi thất vọng bi đát nhất và kết thúc bằng bài tứ tuyệt như thế này:
Đôi chim cu sẽ chỉ cho chàng
Thi hài thiếp như băng giá lạnh.
Tiếng chim gù sẽ kể chàng hay
Rằng thiếp chết trong dòng lệ thảm.
Có lẽ các câu thơ cũng khập khiễng đấy; nhưng mà bức thư thì viết đúng theo thị hiếu của thời đại. Nó không có địa chỉ người viết, chữ ký, ngày tháng. Một lời tái bút thêm rằng tấm lòng người nhận phải đoán ra ai viết cho mình và ngày mai mọi người sẽ đến dự buổi vũ hội của quan tỉnh trưởng.
Câu chuyện làm cho Tsitsikôp băn khoăn suy nghĩ; việc người biên thư giấu tên kích thích tính tò mò của y; y đọc lại bức thư hai lần và sau cùng kêu lên: “- Ta muốn biết ai đã viết lá thư này!” Quả nhiên y đã cho đó là một việc đúng đắn; sau khi suy nghĩ đến nó hơn một giờ, y dang hai tay ra, nghiêng cái đầu, kết luận rằng: “- Lá thư khéo viết thật!”. Dĩ nhiên, lá thư được gấp lại cẩn thận, cất vào cái tráp, cùng nằm với một tờ chương trình rạp hát và một thiếp báo hỉ đã ở đấy từ bảy năm mà không hề đổi chỗ. Một lát sau, quả nhiên có người đem đến cho Tsitsikôp cái thiếp mời dự vũ hội ở dinh tỉnh trưởng; đó là một việc rất thường ở các tỉnh lỵ; cứ nói đến tỉnh trưởng là nói đến vũ hội; nếu không có vũ hội thì tỉnh trưởng chẳng thể mong quí tộc ái mộ và tôn kính được.
Nghỉ hết mọi việc, nhân vật của chúng ta chỉ lo chuẩn bị đi vũ hội, điều ấy là dĩ nhiên thôi. Có lẽ, từ ngày khai thiên tịch địa tới nay, chưa bao giờ có ai trang điểm lâu đến như thế. Y để hơn một giờ tự ngắm trong gương, thay đổi đủ tất cả mọi vẻ mặt: nghiêm trang, cung kính, vui vẻ; y thử cúi chào và nói mấy tiếng nghe không rõ, nhưng giông giống tiếng Pháp, dù y hoàn toàn không biết thứ tiếng ấy. Y vui thích đến nỗi tự mình gây cho mình những sự ngạc nhiên dễ chịu, y cau mày, mấp máy đôi môi, thè cái lưỡi. Khi mà người ta tự biết là đẹp trai, lại đang một mình, không bị ai tọc mạch dòm qua khe cửa, thì có cái trò gì là người ta không làm! Sau cùng, y vỗ vỗ cái cằm và nói nựng: “- Ê, ê, cái mõm xinh xinh!”. Rồi thì y bắt đầu mặc áo, và không lúc nào là không vui vẻ hết sức… Đeo đôi quai treo quần, thắt cái cà vạt, y đều cúi chào, rất duyên dáng và dù y không bao giờ nhảy, y cũng thử đi một bước vũ mà hậu quả cũng vô hại thôi; cái tủ ngăn rung rinh làm rơi cái bàn chải xuống sàn.
Y bước vào vũ hội là xôn xao cả lên. Mọi người đều xô ra đón y: người thì tay còn cầm bài, kẻ thì cắt ngang một câu chuyện đang đến điểm tối cao: - …tòa án sơ thẩm trả lời về việc này…
Bỏ mặc cái tòa án đấy, người ta xô ra đón nhân vật của chúng ta.
- Paven Ivannôvits! A, lạy Chúa, Paven Ivannôvits! Paven Ivannôvits rất thân mến! Paven Ivannôvits kính mến! Paven Ivannôvits đây rồi! Paven Ivannôvits của chúng ta đây rồi! Paven Ivannôvits, ôm lấy tôi nào! Để cho tôi ôm chặt vào lòng, Paven Ivannôvits rất thân yêu ấy!
Tsitsikôp phải để cho không biết bao nhiêu người ôm hôn nữa, vừa thoát khỏi tay ông chánh án là đã rơi vào tay ông giám đốc bưu vụ; ông này chuyển giao y cho ông thanh tra sở vệ sinh, ông thanh tra chuyển ông trưng thuế rượu và ông trưng thuế rượu cho ông kiến trúc sư… Tỉnh trưởng, đang đứng trước một đám phụ nữ, một tay ôm con chó bông con, một tay cầm tờ nhãn hiệu kẹo, thoạt trông thấy y liền đánh rơi cả hai thứ làm cho con cún sủa lên gâu gâu.
Tóm lại, Tsitsikôp đến làm cho mọi người hoan hỉ: trên các khuôn mặt đều một vẻ vui mừng thực sự hay ít ra cũng là tia hồi quang của sự vui thích chung. Người ta tưởng như đây là những công chức, khi một ông trưởng quan thật lớn đến kinh lý và sau cái phút xúc động ban đầu, họ được thấy trưởng quan bằng lòng và được nghe ngài đùa, nghĩa là mỉm cười nói mấy lời tử tế. Thế là tất cả mọi người bật ra cười, rất hỉ hả, không những kẻ đứng gần mà những kẻ đứng xa, không nghe rõ quan nói gì, cũng cười; cho đến cả viên cảnh binh gác ngoài cửa, cái gã suốt đời chẳng bao giờ cười và vừa mới đưa nắm đấm dọa bọn vô công rồi nghề xúm lại xem, cũng không cưỡng nổi các qui luật bắt chước bất di bất dịch, - và để cho khuôn mặt phảng phất một thứ mỉm cười nom tựa cái nhăn nhó của một kẻ hít thuốc lá sắp phải hắt hơi.
Nhân vật của chúng ta, đang cao hứng, trả lời tất cả mọi người và riêng từng người, chào bên phải, chào bên trái; cái đầu như lúc nào cũng hơi nghiêng nghiêng, nhưng mà thoải mái đến nỗi mọi người đều say mê. Các phu nhân vây quanh y như một vòng hoa rực rỡ, tỏa nhiều mùi hương thanh nhã; người thì tỏa mùi hoa hồng, người ngát hương mùa xuân và hoa tím, người thứ ba như hoàn toàn tẩm hương mộc tê thảo; hai lỗ mũi nở nang, Tsitsikôp hít lấy tất cả các hương thơm ấy. Các bộ trang phục chứng tỏ một thị hiếu tao nhã: các thứ soa và xa tanh, toàn những màu nhạt đúng thời thượng, khó mà gọi được bằng một cái tên nào, vì thị hiếu đã trở nên tế nhị hết sức; hoa và ruy băng trang sức cho các bộ áo với một vẻ xuềnh xoàng nên họa, nhưng đã được kết hợp rất xảo diệu, công phu; những vật trang điểm nhẹ nhàng đậu lên những mái tóc, như nhờ một phép màu nhiệm, tựa hồ muốn nói rằng: “- Tôi bay đi đây! Tiếc làm sao không thể tha được cả người đẹp bay cùng!”. Những lưng ong thắt chặt, trông chắc như đúc khuôn (các phu nhân ở N…, - nhân tiện cũng nên nói - là đều phải phì nộn cả; nhưng mà họ cũng thắt lưng ong khéo léo và cử động duyên dáng đến nỗi không trông thấy được vẻ tròn trĩnh của họ). Họ đã dự trù đủ mọi thứ, tính toán đủ mọi thứ. Cổ áo họ hở không quá cái mức phải chăng, chỉ vừa để lộ những vẻ quyến rũ xét ra có thể làm chết một người đàn ông và họ lại che giấu những vưu vật ấy với một nghệ thuật toàn thiện, toàn mỹ: một dải ruy băng quấn cổ, nhẹ nhàng như không khí, được gọi là cái hôn; hay là những miếng vải chéo bằng hàng mịn, khoét rộng, buộc dưới áo dài từ đôi vai tỏa xuống, được đặt tên là cái thùy mị. Dù che khuất những vẻ quyến rũ xét ra không có thể làm chết một người đàn ông, những cái thùy mị ấy cũng để cho người ta đoán được rằng cái giết chết đàn ông, thật ra chỉ ở quanh quất đâu đây thôi. Những chiếc găng tay láng bóng không dài lên tới các tay áo, chỉ hơi quá khuỷu tay một tý thôi, để trần cái bộ phận khêu gợi nhất của cánh tay mà ở nhiều bà thật là tròn trĩnh đáng thèm; lại có nhiều bà, vì muốn kéo lên cao quá mà làm rách cả găng. Tóm lại một chữ là mọi thứ đều như có vẻ nói rằng: “- Chúng tôi không phải ở tỉnh; mà ở kinh đô đây; Pari đây!”. Nhưng thỉnh thoảng, đó đây, cũng lác đác có một cái mũ không thể tưởng tượng được, một cái lông công biểu lộ một thị hiếu riêng tư chống lại tất cả mọi định luật của thời thượng: ở tỉnh nhỏ bao giờ mà chẳng có một âm điệu sai cung, lỗi lạc; đó là công lệ.
Tsitsikôp tự hỏi người nào trong các phu nhân ấy có thể là người đã biên thư cho y; y nhô cả đầu ra để quan sát họ cho gần thì bỗng y cảm thấy một cơn lốc những khuỷu tay, ống tay áo, đồ trang sức, ruy băng, áo dài, sơ mi ngắn, sực nức hương thơm, chạm lướt vào người y. Vợ ông giám đốc bưu vụ, vợ ông quận trưởng cảnh binh, một bà đeo cái lông xanh, một bà đeo cái lông trắng, công tước người Gruzin Tsinkhaikhilizep một công chức ở Pêterbua, một công chức ở Mạc-tư-khoa, người Pháp Cucu, rồi Perkhunôpxki, Bê-rêbonđôpxki {Gôgôn vốn thích những thứ tên lạ lùng, xem đó là một cách hài hước}, và cả bọn, xồ ra như ngựa xổ cương.
“- Này, này, làm gì mà cả tỉnh xôn xao lên thế!” Tsitsikôp vừa xê ra vừa lẩm bẩm như vậy; nhưng khi các bà đã trở lại chỗ cũ, y lại nhìn chòng chọc vào họ, với hy vọng dối trá là đoán ra được người biên thư cho y qua vẻ nhìn hay nét mặt của họ. Nhưng mà toi công, y vấp phải toàn những bộ mặt khó có thể lần ra được chút gì. “- Chịu, quả thật đàn bà là những sinh linh phức tạp quá chừng, y tự nhủ với một cử chỉ hờn dỗi. Thử mà tả hàng nghìn vẻ khác nhau trên diện mạo luôn luôn thay đổi của họ! Chỉ đôi mắt của họ đã là một đế quốc mênh mông làm người ta lạc lối không thể tìm lại được đường về. Anh kiếm ra được những chữ gì để miêu tả cái ánh của những đôi mắt? Cái nhìn nóng ấm, dịu dàng, mượt như nhung, sắc đanh, vuốt ve, uể oải, khêu gợi, làm rung động quả tim như cái cung làm rung động những sợi dây của cây vĩ cầm… Anh sẽ chết ở đấy… Có gì đâu, đó là cái nửa đàng điếm của giống người!...”.
Xin lỗi! Nhân vật của tôi, hình như vừa buột mồm văng ra một tiếng bình dân, thô tục {Tiếng đàng điếm, nguyên văn galantiorni, là một tiếng rất thô tục}. Làm thế nào được! Một nhà văn Nga không thể tránh cái tật xấu ấy được; vả lại lỗi nhà văn thì ít, mà lỗi người đọc, nhất là những người thuộc xã hội thượng lưu, thì nhiều. Sự thật là không bao giờ những người của giới thượng lưu lại chịu dùng một thành ngữ Nga thật kêu, mà chỉ làm khổ người ta với những tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh mà họ cố hết sức đọc cho thật đúng giọng. Nói tiếng Pháp, họ lấy giọng mũi và giọng họ chả chớt, còn nói tiếng Anh thì họ líu lo như chim, lại làm cho bộ mặt có một cái vẻ chim và chế giễu những ai không biết làm như vậy. Họ không có một chút gì là đặc tính của người Nga cả; trừ phi, vì lòng yêu nước, họ cũng dựng một cái izba theo kiểu Nga trên biệt trang của họ. Đấy, những độc giả trong giới thượng lưu và những kẻ khát khao được vào giới thượng lưu là như thế! Ấy vậy mà họ vẫn đòi hỏi biết bao nhiêu thứ! Họ bắt nhà văn phải có phong cách thuần khiết nhất, cao quí nhất, trau chuốt nhất; họ muốn rằng ngôn ngữ Nga phải được xào nấu theo đúng qui tắc của phong thể giới xã giao và cứ từ trên trời mà rơi luôn vào mỏ họ, để họ chỉ còn có việc là đưa đẩy cái lưỡi nữa thôi. Chính các bà đã là kỳ quái rồi, nhưng phải thú thật là các vị độc giả đáng tôn kính lại còn kỳ quái hơn nhiều {Gôgôn là nhà văn rất ghét cái thói dùng tiếng nước ngoài thay cho tiếng Nga; khi tả nhân vật dùng tiếng nước ngoài dù là tên riêng. Gôgôn cũng phiên âm các tiếng ấy ra tiếng Nga}.
Trong lúc ấy thì Tsitsikôp thất vọng không đoán ra được người biên thư cho y là ai. Y có cố trố mắt ra mà nhìn cũng vô hiệu, chỉ thấy những sự thay đổi nét mặt có thể gây ra vừa niềm hy vọng, vừa mối lo sợ, khắc khoải trong lòng một kẻ phù sinh vô phúc. Cuối cùng, y kết luận: “- Chịu, mình đành thôi vậy!” nhưng không hề vì vậy mà mất khí sắc vui vẻ một tí nào. Khá duyên dáng, y nói những câu rất dễ thương với nhiều vị phu nhân, đi từ bà này đến bà khác, từng bước ngắn như có đo sẵn, theo kiểu các ông già làm dáng, đi giày cao gót, tán gái bằng cách bước lon ton chung quanh các cô nàng. Sau vài vòng, quanh bên phải, bên trái, y chào để rút lui, chân vạch trên sàn một đường vòng như một cái đuôi hay cái phẩy. Cử chỉ ấy làm các bà rất thích, họ liền tìm ra cho y đủ các đức tính, cho đến cả cái vẻ hùng dũng mà họ mê như điếu đổ. Vì y mà họ còn suýt cãi nhau nữa; nhận thấy y hay đứng gần cửa, họ cố tranh nhau chiếm lấy cái ghế gần lối ra nhất; nhưng bị một người trong bọn nhanh chân cướp mất, họ bèn cho rằng xảo trá như thế thì thật là mặt dạn, mày dày.
Tsitsikôp say sưa trong câu chuyện với các phu nhân; họ biết khôn khéo chiếm giữ lấy y bằng cách đề nghị y giải đáp những câu đố rất tế nhị mà y phải vất vả lắm để đoán ra nghĩa, cho nên mồ hôi lấm tấm đầy trán y. Nhưng theo lễ nghi, thì trước tiên y phải đến bày tỏ lòng kính mến với nữ chủ nhân đã; y chỉ chợt nhớ đến bổn phận ấy khi thấy Bà lớn tỉnh trưởng đứng sững trước mặt y một lúc.
Bà tỉnh trưởng nói, giọng mơn trớn, và tinh nghịch, vừa nói vừa khẽ lắc đầu một cách đáng mến: - Á, Paven Ivannôvits! Ra ông như thế đấy!...
Tôi không thể làm thế nào nhắc lại đúng được những lời nói của con người cao quí ấy. Nói năng với cái phong cách tao nhã mà các nhà văn tự phụ là am hiểu giới thượng lưu thường cho các phu nhân quí tộc và các trang phong lưu mã thượng vay mượn, bà ta nói đại khái rằng: “- Quả tim ông bị chinh phục đến nỗi chẳng còn lại một góc lẻ loi nào dành cho những nạn nhân của sự lãng quên của ông chăng” Nhân vật của chúng ta liền quay về phía bà; có lẽ y sắp tặng bà một lời chúc tụng xứng đáng là của những Zvônxki, Linxki, Grêmin và các sĩ quan khéo nói khác, nhân vật chính của các tiểu thuyết hợp thời thượng {Đó là những nhân vật của loại tiểu thuyết phù phiếm lưu hành trong giới xã giao, nhất là các tác phẩm của nhà văn Marlinki (1780-1826), người được xem là đại biểu của chủ nghĩa lãng mạn cực đoan ở Nga, vào khoảng 1830, danh tiếng lấn át cả thi hào Puskin, nhưng sau đấy thì chẳng còn ai nhắc đến nữa}, nhưng vừa vô tình ngước mắt lên, y bỗng ngạc nhiên, sửng sốt.
Bà tỉnh trưởng không phải chỉ có một mình. Bà khoác tay một thiếu nữ tóc bạch kim tươi trẻ, mới mười sáu tuổi đầu, nét mặt mảnh dẻ và đều đặn, cái cằm thon thon, khuôn mặt trái xoan thuần khiết như tranh Đức mẹ; kiểu người như thế rất hiếm có ở Nga là nơi mà tất cả mọi thứ - từ núi, rừng, đồng cỏ cho chí cái mặt, đôi môi, bàn chân - đều thích hiện ra với những qui mô rộng lớn. Đó là người trẻ tuổi mà Tsitsikôp, khi chạy trốn Nôzđriôp, đã gặp giữa đường; lúc mà vì sự ngu xuẩn của bọn xà ích hay của những con ngựa, hai cỗ xe vướng vít vào nhau để cho lão Mitiai và lão Miniai được dịp trổ tài. Lúng túng, Tsitsikôp không thể đặt được một lời chúc tụng hay ho; y lẩm bẩm một câu khó hiểu mà nhất định là các chàng Grêmin, cũng như các chàng Zvônxki, cũng như các chàng Lidin, chẳng bao giờ buột mồm nói ra cả.
- Ông chắc chưa biết con gái tôi! Bà tỉnh trưởng nói; nàng vừa mới ở ký túc xá ra.
Paven Ivannôvits trả lời là một sự tình cờ đã cho y cái diễm phúc ấy, rồi y không thể nói gì hơn nữa. Thấy thế, vị phu nhân nói thêm hai ba câu lấy lệ, rồi kéo con gái đến góc đằng kia của phòng khách. Tsitsikôp đứng sững tại chỗ như một người đi chơi, quyết tâm thưởng thức tất cả các cuộc vui, bỗng nhiên tưởng mình bỏ quên cái gì ở nhà; hắn liền mất hết vẻ vô tư lự, đâm ra đần độn nhất thế giới, cố tìm mà không nhớ ra được là mình đã bỏ quên cái gì. Mùi soa chăng? ví tiền chăng? không, có ở trong túi đây cả rồi; trong lúc ấy, một tiếng nói bí mật nhắc thầm cho hắn là quên cái gì; bấy giờ hắn chỉ còn thấy thấp thoáng qua một màn sương mù, thiên hạ tấp nập, xe cộ đi lại, những tấm biển cửa hiệu, những mũ sakô và những súng của cái trung đoàn đang kéo qua. Cũng hệt như thế, Tsitsikôp bỗng nhiên bàng quan với tất cả mọi sự diễn ra quanh y. Trong lúc ấy, những đôi môi thơm phức của các bà hỏi dồn, hỏi dập y những câu đáng yêu, những lời bóng gió tế nhị.
- Những kẻ phù sinh hèn mọn có thể hỏi rằng ngài đang nghĩ đến điều gì chăng?
- Tư tưởng ngài đã bay đến lạc quốc nào rồi?
- Có thể biết được vị mỹ nhân nào đã làm cho ngài đắm đuối vào giấc mộng dịu dàng ấy chăng?
Những câu hỏi nhã nhặn ấy đều rơi vào tai một thằng điếc. Tsitsikôp chẳng hề để ý đến chút nào; y còn dám vô lễ đến nỗi để mặc các bà đứng đấy, chuồn đi tìm bà chủ nhà và cô con gái. Nhưng đã quyết tâm vận dụng tất cả mọi sức cám dỗ của họ, sử dụng tất cả những vũ khí mà phái yếu sẵn có để làm cho những quả tim của chúng ta phải ngậm ngùi, sầu khổ; những người đẹp hay hồi ấy vẫn chưa chịu thua. Nhiều người đàn bà - tôi không nói là tất cả - có một nhược điểm nhỏ: khi họ đã tìm ra được cái gì đẹp hơn cả ở họ - vầng trán, đôi môi hay bàn tay - là họ cứ tưởng rằng những vẻ mỹ miều ấy ai cũng phải trông thấy và mỗi một người đều sẽ phải kêu lên: “Nhìn xem, vầng trán đều đặn, cái mũi Hy Lạp tuyệt vời!”. Người có đôi vai đẹp thì nghĩ rằng tất cả thanh niên sẽ xếp hàng dọc lối đi của họ để thốt ra những lời khâm phục: “- Đôi vai thần diệu biết bao!” và chỉ nhìn vầng trán, cái mũi, bộ tóc, khuôn mặt của họ một cách lơ đãng mà thôi. Có những người đàn bà lý luận như thế đấy.
Các phu nhân lại quyết chí phô trương tất cả những vẻ quyến rũ của họ trong các điệu nhảy và làm nổi bật giá trị những vẻ mỹ miều riêng của họ. Trong khi nhảy van, vợ ông giám đốc bưu vụ nghiêng cái đầu với vẻ lả lướt trông thật chẳng khác nào một đấng thần tiên. Một bà rất khả ái, nhưng chân phải bị một đám tàn nhang, - một cái bất tiện như bà ta nói, - bắt buộc phải đi giày ống bằng nhung; tuy không có ý muốn nhảy, nhưng cũng đi vài vòng, cốt để hạ thấp cái phong tự của Bà giám đốc.
Nhưng chỉ phí công vô ích thôi! Tsitsikôp không nhìn đến cả những vũ hình do những bạn nhảy biểu diễn: y đứng kiễng chân lên, cố nhìn qua đầu những người khác, xem thiếu nữ tóc vàng ở đâu; y cúi mình xuống để thử tìm ra nàng giữa những đôi vai và những cái lưng. Sau cùng thì y nhận thấy nàng, ngồi cạnh mẹ; trên đầu bà này đang khẽ đung đưa rất uy nghi, một cái lông chim cắm trên chiếc khăn bịt đầu kiểu Đông phương. Dáng điệu của y liền như muốn xung phong lên cướp lấy hai người. Tôi không hiểu là y tuân theo tiếng gọi của mùa xuân hay vì có ai đẩy y phía sau lưng mà y hung hăng rẽ đám tân khách ra lấy lối đi, không đếm xỉa gì đến những chướng ngại. Suýt nữa y xô ngã nhào ông trưng thuế rượu, may mà ông này đứng vững lại được trên một chân, vì nếu ông ta ngã thì sẽ kéo cả một dãy khách xem nhảy cùng ngã theo; ông giám đốc bưu vụ thì tránh ra với một cái nhìn ngạc nhiên xen lẫn mỉa mai. Tsitsikôp không nhận thấy vẻ ngạc nhiên cũng như vẻ mỉa mai; y chỉ thấy cô thiếu nữ tóc vàng đang mải cài khuy ở đôi găng tay và chắc là nóng lòng muốn nhảy. Bốn đôi đã nện gót giày xuống sàn đánh nhịp nhảy điệu mazurka; và một viên sĩ quan bộ binh nhảy hết sức thích thú, vừa nhảy vừa đặt ra những bước tuyệt xảo đến nỗi trong giấc mơ cũng khó lòng tưởng tượng ra được. Lượn giữa đám khách nhảy, cuối cùng Tsitsikôp đến được chỗ bà tỉnh trưởng và con gái; tức khắc lòng tự tin lại bỏ y, những dáng điệu phong nhã biến mất và những cử chỉ của y chỉ là vay mượn, thiếu tự nhiên.
Ta cũng không thể khẳng định rằng nhân vật của chúng ta đã đâm ra si tình; vả lại cũng đáng ngờ là những hạng người như thế lại có thể biết yêu. Nhưng mà y có một cảm giác lạ lùng. Về sau y thú thật là trong mấy phút, y tưởng như cả vũ hội, cùng sự huyên náo và vẻ nhộn nhịp của nó, mờ dần trong cõi xa xăm; kèn và vĩ cầm như văng vẳng tận đâu từ sau một ngọn đồi lại; một màn sương khói, như cái phông mơ hồ của một bức tranh, phủ lên mọi vật; trên cánh đồng nội lờ mờ ấy nổi lên, như khắc, những nét mê hồn của cô gái, khuôn mặt trái soan, tấm thân mảnh dẻ của cô nữ sinh nội trú mới thôi học, chiếc áo trắng hết sức đơn sơ yêu kiều bó lấy những hình dáng cân đối và thuần khiết. Giữa đám người mờ, đục, nàng tựa hồ một sự hiển hiện rực rỡ, một pho tượng ngà nhỏ nhắn.
Ở đời này, cái gì cũng có thể xảy ra được cả: có những lúc mà đến cả những thằng cha Tsitsikôp cũng thành ra thi nhân. Nói là “thi nhân” thì hơi quá; nhưng dù sao, nhân vật của chúng ta cũng thấy mình có một tâm hồn thanh niên, gần như là tâm hồn khinh kỵ binh. Chiếm lấy một cái ghế bỏ không cạnh hai mẹ con, y bắt đầu gợi chuyện; trước còn lúng túng, không tìm ra chữ; rồi dần dần lưỡi được tháo khóa, y dạn lên, nhưng mà…
Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng phải nhận rằng những người điềm đạm, giữ những chức vụ cao, đều chẳng biết chuyện trò với các phu nhân tí nào; nghệ thuật ấy phải dành cho những viên trung úy, cả cho những viên đại úy nữa. Có Chúa biết là họ làm ăn thế nào, lời nói của họ không chọn lọc, cầu kỳ mấy, mà cô thiếu nữ nghe họ nói cứ cười ngất đi trên ghế. Trái lại, một quan tư vấn quốc gia {Tư vấn quốc gia là hàm quan văn bậc thứ năm, trên quan hàm của Tsitsikôp một bậc và tương đương với hàm thiếu tướng bên quan võ; ở các tỉnh người có hàm ấy thường giữ chức phó tỉnh trưởng hay chánh án} thì cứ dông dài nhận định về diện tích vô biên của nước Nga, tung ra những lời chúc tụng sách vở, đại cà sa và pha trò chỉ một mình mình cười được mà thôi. Đấy, cô thiếu nữ tóc vàng xinh xắn mà cứ ngáp ngắn, ngáp dài khi nghe Tsitsikôp nói chuyện là vì thế đấy. Nhân vật của chúng ta lại không thấy thế tí nào và cứ tiếp tục dốc ra một tràng những chuyện vui, mà y đã kể đi, kể lại không biết bao lần, trong những trường hợp tương tự: ở tỉnh Ximbirxk, tại nhà ông Xôfrôn Ivannnôvits Bezpietsni, trước mặt con gái ông ta Ađêlaiđa Xôfrônôpna và ba chị dâu của cô này: Maria Gavrilôpna, Alexanđra Gavrilôpna, Ađêlaiđa Gavrilôpna; ở tỉnh Riazan, tại nhà Frôn Vaxiliêvits, trước mặt em dâu ông ta Katêrina Mikhailôpna và những cháu gái họ của cô này: Roza Fiôđôrôpna và Êmilia Fiôđôrôpna; ở tỉnh Viatka, tại nhà Piôtr Varxônôfiêvits, ở đấy có em gái của con dâu ông ta, Pêlagêia Iêgôrôpna, cháu gái cô này, Xôfia Rôxtixlapna và hai em gái cùng mẹ khác cha của cô ta: Xôfia Alexanđrôpna và Maklatura Alexanđrôpna {Lối kể tên người ta từng trang là lối Gôgôn rất thích: trong các tác phẩm khác của Gôgôn cũng thường thấy}
Cách xử thế của Tsitsikôp chạm lòng tự ái của tất cả các phu nhân. Cố ý trêu tức y, một bà đi qua, sát vào y và khéo tính toán để cho những dải lụa, dải vải chạm vào người cô thiếu nữ tóc vàng và đầu mút chiếc khăn thắt ngang lưng quệt vào mặt cô ta. Đồng thời, những đôi môi thơm mùi hoa tím thốt ra, ở sau lưng y, một nhận xét khá cay độc, mà y không nghe tí nào hay giả vờ không nghe. Như thế là dại, vì không nên coi khinh dư luận của các phu nhân; sau này y sẽ phải hối, nhưng không may là đã chậm mất rồi.
Mọi vẻ bất bình, chính đáng về mọi phương diện, hiện lên trên nhiều bộ mặt. Dĩ nhiên là Tsitsikôp có uy tín rất lớn, người ta cho y là triệu phú, dung mạo của y oai vệ, lại còn hùng dũng nữa là khác… nhưng có những điều mà đàn bà không thể tha thứ cho bất kỳ ai được! Trong nhiều trường hợp, những sinh linh yếu ớt ấy tỏ ra cương quyết hơn đàn ông và hơn tất cả mọi thứ ở thế gian. Cái vẻ khinh thị mơ hồ của Tsitsikôp đã lập lại sự hòa thuận giữa các bà vừa bị tổn thương vì việc tranh cướp cái ghế. Trong mấy lời vô tình mà y buột mồm nói ra, người ta cho là có những điều ám chỉ thâm độc. Rủi ro hết sức là một chàng thanh niên, theo kiểu tỉnh nhỏ, ứng khẩu một bài thơ về các khách nhảy; người ta liền gán luôn cho Tsitsikôp là tác giả những lời chế giễu thô tục ấy. Lòng phẫn nộ mỗi lúc một tăng; ở khắp mọi góc của phòng khách, nhân vật của chúng ta bị chửi rủa thậm tệ; và cô lưu trú học sinh tội nghiệp thế là bị tuyên án chung thẩm không được khống tố nữa.
Một sự ngạc nhiên khá khó chịu nữa đang chờ Paven Ivannôvits. Trong lúc y thao thao bất tuyệt kể cho cô thiếu nữ đã mệt lử, hàng tràng câu chuyện nhỏ xảy ra ở nhiều thời kỳ khác nhau, và y sắp sửa trích dẫn cả Điôgen {Điôgen (413-323): triết gia Cổ Hy Lạp, khinh thường mọi của cải và ước lệ xã hội, chỉ ở trong một cái thùng và giữa lúc đứng bóng, xách một cái đèn đi giữa đô thị để “tìm cho ra một con người”} nhà triết học nữa; thì Nôzđriôp xuất hiện trong phòng nhảy. Hắn từ phòng để thức uống bước ra, hay là từ phòng khách màu lục dành riêng cho những kẻ thích những thứ cờ bạc còn nặng hơn đánh uyxt đi ra? Hắn tự ý xổng ra hay người ta tống cổ hắn ra? Dù sao, hắn cũng đi trở lại, mặt mày nhanh nhảu hết sức; và hình như cố nắm lấy tay kéo cho kỳ được ông chưởng lý, vì kẻ khổ sở này cau đôi lông mày rậm lại và rõ ràng là cố tìm cách tháo thân, tránh việc ôm ấp thân mật nhưng khó chịu ấy. Để cho khỏe khoắn, Nôzđriôp đã nốc hai cốc trà pha rum rất đậm và đang nói huyên thiên, liến thoắng. Vừa thoáng thấy hắn từ xa, Tsitsikôp đã đoán trước là cuộc gặp gỡ sẽ chẳng có gì hay ho; y liền quyết định làm một việc hy sinh, nghĩa là chuồn tức khắc. Không may, y lại chạm phải quan tỉnh trưởng; ngài nói là rất vui mừng vì đã tìm ra được Paven Ivannôvits và nhờ y làm trọng tài trong một cuộc tranh luận giữa ngài với hai phu nhân về lòng chung thủy trong tình yêu của phụ nữ. Nhân cơ hội này, Nôzđriôp xô đến tóm lấy Tsitsikôp.
- A! A! Nó đây rồi, lão đại điền chủ tỉnh Kherxôn! Hắn hét lên trong khi một trận cười dữ dội làm rung cả đôi má tươi như hoa hồng mùa xuân của hắn. Thế nào, cậu mua có được nhiều người chết không? Hắn lại quay về phía quan tỉnh trưởng mà nói vang vang như thổi kèn: - Đại nhân, thử tưởng tượng, là ông đây đi mua nông phu chết! Xin thề danh dự! Này, Tsitsikôp ạ, chỗ bạn bè thân thiết - chúng mình chẳng phải bạn thân là gì? - Và trước mặt Đại nhân đây, tớ nói thật với cậu là cậu chỉ đáng được treo cổ.
Tsitsikôp chẳng còn biết chui vào đâu nữa.
- Đại nhân có tin được không nhá, - hắn lại nói tiếp, - khi nó bảo tôi bán nông phu chết cho nó, tôi suýt ngoẻo vì cười! Thế mà bây giờ, tôi được biết những gì? Rằng ông đã mua được những ba triệu rúp nông phu, nói là dân khai hoang? Nhưng đúng là nó muốn mua của tôi người chết! Này, Tsitsikôp, cậu là đồ súc sinh, thề danh dự, đồ súc sinh thực sự! Tớ nói với cậu trước mặt Đại nhân đây… Có đúng không nào, chưởng lý?
Ông chưởng lý, Tsitsikôp và cả tỉnh trưởng đều hoảng hốt, không còn biết ăn nói làm sao nữa. Nôzđriôp vẫn trơ trơ tiếp tục cái giọng say rượu:
- Không, bạn già ơi, tớ không thả cậu ra đâu, cho đến khi cậu nói thật với tớ là cậu muốn mua nông phu chết để làm gì? Này, Tsitsikôp; về phần cậu như thế chẳng nhã tí nào đâu! Cậu chẳng có thằng bạn nào thân bằng tớ đâu nhá, tớ nói thật với cậu trước mặt Đại nhân đây… có đúng không, chưởng lý? Đại nhân không thể tin được là chúng tôi keo sơn với nhau đến như thế nào. Xin thề là hiện tôi ở trước mặt Đại nhân đây, giá ai hỏi tôi: “- Nôzđriôp, nói có lương tâm, mày thích bố mày hơn hay Tsitsikôp?” - Tôi sẽ trả lời không do dự: “- Tsitsikôp!...” Này, quả tim của tớ ơi, tớ phải hôn cậu một cái. Đại nhân cho phép, tôi hôn nó. Đừng làm cái mặt ác như thế, Tsitsikôp; cho tớ thơm nhẹ lên cái má xinh xinh trắng như tuyết của cậu tí. Nôzđriôp và cái hôn được hoan nghênh đến nỗi anh chàng suýt ngã sóng soài.
Mọi người đều lãng ra; chẳng ai nghe hắn nói nữa. Tuy vậy, câu chuyện nông phu chết của hắn đã được kể to và kèm theo một trận cười lớn đến nỗi làm cho những người ở xa nhất cũng phải chú ý. Nghe cái tin lạ lùng ấy, trên tất cả mọi bộ mặt đều hiện lên một vẻ dò hỏi ngây ngô. Nhiều vị phu nhân trao đổi với nhau những cái nhìn tinh quái, Tsitsikôp bắt gặp mà rất khổ tâm; y lại càng luống cuống thêm vì thấy trên nhiều bộ mặt lại bắt đầu có cái vẻ khả nghi nữa. Dĩ nhiên, mọi người đều xem Nôzđriôp là một tên nói khoác hạng nặng, và người ta đã từng nghe hắn tuôn ra nhiều điều vô lý khác; nhưng những kẻ phù sinh xưa nay vốn rất lạ lùng. Một kẻ vừa nghe được một câu chuyện ngồi lê đôi mách phi lý nào đấy, liền tức khắc kể lại cho một người khác, dù chỉ là nói để mà nói: “- Xem họ phao đồn những điều dối trá đến như thế đấy!”. Người kia, vểnh tai lên, tán thành: “- Vâng, bác nói có lý quả là một chuyện nói dối khủng khiếp!...” và hắn ta chẳng còn có việc nào cần kíp hơn là mang câu chuyện truyền cho một người thứ ba, để có thể cùng với người ấy kêu lên, trong một mối phẫn nộ cao thượng: “- À! À! Lời nói dối ghê tởm!”. Cứ như vậy, câu chuyện nhảm đi vòng quanh thành phố; và tất cả mọi người, sau khi đã no nê, bèn tuyên bố rằng câu chuyện không có gì đáng để ý cả.
Việc xảy ra, bề ngoài tuy nhỏ, cũng làm cho nhân vật của chúng ta đau đớn khó chịu; dù vô lý đến đâu, những lời nói của một thằng ngu, đôi khi cũng có thể làm cho một người tài trí phải bối rối; y thấy khó chịu, tựa hồ đôi giày đánh xi bóng của y bị lấm đầy bùn. Y cố quên đi, cố tự khuây khỏa; y ngồi vào một bàn đánh uyxt, nhưng đi lầm hết nước này đến nước khác. Y đánh theo đối phương hai lần và người phe y đánh ba lần một quân bài, y bèn mạnh dạn cắt ngang chứ không bỏ quân bài xấu đi.
Ông chánh án, vẫn cho y là tay cao bài, không tài nào hiểu được tại sao Paven Ivannôvits lại có thể đem cho người ta chặt đầu một con K pic mà ông ta tin tưởng như tin tưởng vào Chúa Trời nhân từ {Kiểm duyệt sửa lại: như tin tưởng vào một thành quách kiên cố…}. Dĩ nhiên, ông giám đốc bưu vụ, ông chánh án, cả ông cảnh sát trưởng nữa, đều đùa như thường lệ: rằng quả tim Paven Ivannôvits đã bị thương rồi và họ biết ai đã bắn nó rồi. Dù y muốn tươi lên đến mấy đi nữa, câu đùa ấy vẫn không làm cho y bớt nhăn nhó được. Trong lúc ăn khuya, y không nhìn thấy cả đĩa ăn của mình; dù giới xã giao ở đây rất dễ chịu và Nôzđriôp đã bị tống ra cửa từ lâu rồi, vì các phu nhân nhận thấy thái độ của hắn quá nhơ nhuốc. Trong khi khách đang nhảy điệu côtizôn, hắn đã dám ngồi bệt xuống đất để kéo đuôi áo của các khách nhảy đàn ông là gì? “- Thật không thể quan niệm được!” các phu nhân nói thế.
Bữa ăn khuya rất vui. Giữa những giá cắm nến ba cành, những chậu hoa, những dãy chai lọ, những đĩa có chân đựng bánh kẹo; các bộ mặt đều biểu lộ vẻ bằng lòng hết sức. Phu nhân, sĩ quan, văn quan tỏ ra khả ái đến nhạt nhẽo. Các sĩ quan kỵ binh đứng dậy giật lấy các món ăn từ tay người hầu để đem hiến các phu nhân rất khéo léo. Một ông đại tá để lên mũi kiếm một đĩa đầy thức ăn dâng bà khách ngồi cạnh. Vừa nuốt lắm cá và lắm thịt - rưới tương hạt cải đến khủng khiếp những kẻ quá niên, trong số đó có Tsitsikôp, vừa tranh luận những vấn đề mà ngày thường vẫn làm cho y thích thú; nhưng đêm nay, y nom tựa một khách lữ hành kiệt sức, không thể nào tập trung tư tưởng chú ý nghe bất cứ một điều gì. Y cũng chẳng chờ cho xong bữa ăn, và ra về sớm hơn ngày thường nhiều.
Trong cái buồng khá quen biết với bạn đọc, trong cái buồng có cánh cửa do một cái tủ ngăn chặn lại và có lắm gián nhung nhúc ở các góc, Tsitsikôp để rơi mình phịch xuống chiếc ghế bành và tâm trạng của y cũng khá lung lay chẳng kém gì cái ghế. Y khó chịu một cách bông lông và có một cảm giác trống rỗng nặng nề.
Y cầu nhầu: “- Quỷ bắt hết những vũ hội và bọn bày ra cái trò giải trí ngu ngốc ấy đi! Có gì mà vui sướng lắm thế: mất mùa, đời sống đắt đỏ, thế mà bọn họ chỉ nghĩ đến nhảy nhót, phô trương đồ trang sức! Một con mẹ ngốc như thế đeo lên lưng phải tới nghìn rúp; giỏi thật! Lấy gì để trả tất cả những thứ ấy? Tô chứ gì, hay tệ hơn nữa là thằng chồng phải gánh lấy bằng cách bán rẻ lương tâm đi. Vì sao mà ta ăn hối lộ, nếu không phải là để cho vợ ta sắm nào là khăn san, nào là váy thúng {Váy xòe rộng thùng thình, bên trong phải có cốt nan để căng lên cho thật to}, nào là những vật trang sức hão khác mà ta không biết hết tên? Để cho một con mụ cay nghiệt nào đấy không đi kháo được rằng vợ lão giám đốc bưu vụ ăn mặc diện hơn bà vợ thân yêu của ta, thế là ta nhả ngay ra tức khắc một nghìn rúp! Thiên hạ ca tụng vũ hội là vui vẻ; láo toét! Cái sự phát minh vô lý ấy không hợp với tinh thần lẫn khí chất Nga. Sao? Một người đã đứng tuổi, ra chỗ công khai, mặc toàn màu đen, bó sát lấy người như con quỉ, lại nhảy nhót nữa mà lại không biết xấu! Có cả những người trong khi nhảy như đồ dê rừng, lại dám mở mồm nói những chuyện nghiêm trang… Toàn là trò khỉ cả! Ra người Pháp bốn mươi tuổi đầu mà vẫn trẻ con như mới mười lăm, thì ta cũng phải bắt chước họ à! Thật tình thì sau mỗi vũ hội là mình cứ tưởng như lại một lần phạm tội và mình phải vội vàng quên phắt nó đi. Ra khỏi đấy là đầu óc mình trống rỗng như sau một buổi nói chuyện với một người trong giới thượng lưu: con người hoạt bát lướt qua đủ mọi vấn đề, khoe những đoạn sách vụn vặt đã đọc, lòe anh bằng tài bẻm mép; nhưng từ những câu rỗng tuếch của hắn, anh chẳng rút ra được chút lợi lộc nào và anh sẽ thấy ngay là một câu chuyện nhỏ nhặt đến đâu với một người buôn bán, chỉ biết có việc mình, nhưng mà biết đến nơi đến chốn, cũng giá trị gấp trăm lần tất cả những chuyện nhảm nhí ấy… Nói thật, người ta có thể đi tả vũ hội? Nếu một nhà văn mà đi tả vũ hội thì nó cũng chẳng hơn lên được tí nào. Vũ hội hợp với đạo đức hay là vô đạo đức? Chẳng làm thế nào mà biết được, người ta sẽ ném cuốn sách đi với một mối ghê tởm?”
Bằng bài công kích ấy, Tsitsikôp đánh lừa nỗi tức giận của mình. Sự thật thì y tức giận các cuộc vũ hội ít hơn là tức mình, tức cái vai trò không rành mạch mà y đã đóng. Bình tĩnh mà xét mọi việc, y thấy rõ rằng trận chửi rủa của Nôzđriôp không thể đưa đến hậu quả gì; những lời nói ngu xuẩn không thể làm hại y được, nhất là bây giò công việc đã xong xuôi cả rồi. Nhưng mà con người ta vẫn là một con vật kỳ dị. Sự hiềm khích của những người mà y chẳng quí mến gì, mà y nguyền rủa cái tính bông lông, nhẹ dạ, đối với y vẫn là nặng nề; y lại phải tự thú rằng chính y đã phần nào gây ra nó và điều ấy lại càng làm y sôi gan thêm. Tuy vậy, y không tự giận mình và tác giả cũng không thể vì thế mà trách y được! Tất cả chúng ta ai cũng có nhược điểm là mình thì cứ chừa ra mà lại trút hết tức giận lên những người gần mình: vợ con, tùy thuộc, đày tớ hay cả cái ghế của mình nữa; nó bị ném đi cho quỉ sứ và đến đập vào cánh cửa gãy tan! Tsitsikôp cũng vậy, cũng tìm được ngay kẻ để trút cơn thịnh nộ của y: Nôzđriôp bị đả cẩn thận. Có lẽ chưa bao giờ có một tên xỏ là trưởng thôn hay phu trạm nào mà bị chửi rủa dữ dội đến thế, dù là bị một lão cáo già đại úy, - hay tướng quân đi nữa, - chửi không những đủ các câu thô tục cổ điển mà còn kèm thêm những lời lý thú do chính hắn sáng tạo nữa. Tất cả họ hàng của thằng cha quí tộc nhà quê bất hạnh ấy cũng bị đả lây và nhiều bậc ông, bà của hắn cũng bị lôi ra hành hạ.
Trong khi Tsitsikôp ngồi ở chiếc ghế bành cà khổ, trước một cây nến, phủ cái chụp đèn, mà từ lâu bấc đã gần lụi; trong khi y không ngủ được, mãi bị những tư tưởng đen tối ám ảnh và luôn mồm chửi rủa Nôzđriôp và gia đình hắn, không để đâu cho hết; trong khi đêm tối lùi dần trước ánh bình minh sắp đến, còn ngoài nhòm y qua cửa sổ; trong khi xa xa tiếng gà đã cất lên và qua những phố phường còn yên giấc, có lẽ một kẻ khốn cùng nào đấy, mà thân phận cũng khả nghi, đang đi tản bộ, và chỉ biết có độc một con đường mà than ôi! Những kẻ người Nga chè chén rất hay lai vãng; trong khi ấy thì ở đầu kia thành phố đang xảy ra một việc có thể làm cho các tình cảnh bực mình củ Tsitsikôp càng nặng nề thêm. Qua những phố hẹp và hẻo lánh, một chiếc xe vừa đi vừa rên, một thứ xe khó mà gọi bằng cái tên gì cho đúng được: nó không giống một chiếc tarantax {Tarantax là xe đi đường trường, hòm xe đặt trên những cây xà dài và có thể uốn được}, một chiếc koliaxka {Koliaxka là xe bốn bánh có mui có thể căng lên và gấp lại}, một chiếc britska, bằng một quả dưa hấu bụng phễnh đặt trên bốn bánh. Hai sườn của quả dưa hấu, tôi muốn nói các cửa xe, còn mang vết sơn vàng, và không đóng kín được vì khóa và nắm tay vặn đều hỏng cả, phải lấy dây thừng buộc lại. Quả dưa hấu ấy nhét đầy những gối, đệm, gối ngang đầu giường bằng vải bông, và chất lủng củng những bao đựng đủ thứ bánh mì, bánh sữa, bánh đa, bánh khô và trên cùng là một súc patê gà và một súc patê cá. Một người đầy tớ mặc áo vét tông vải tréo go, bộ râu cằm đã hoa râm và rối bù, bám vào sau xe. Tiếng kĩu kịt của những bản lề và trục xe han gỉ làm người canh đêm, ở tận đầu kia thành phố, chợt thức giấc; hắn liền nhấc cây kích lên, rán hết gân cổ hét: “Ai?” Nhưng chẳng thấy ai cả mà chỉ nghe có tiếng ầm ầm từ phía xa xa, người bảo vệ trị an ấy bèn bắt lấy, chẳng hiểu một con bọ gì ở trên cổ cái áo rộng thùng thình; đem soi dưới ánh một ngọn đèn lồng, rồi lấy móng tay giết chết. Công vụ ấy hoàn thành, hắn mới đặt vũ khí xuống và ngủ lại tức khắc theo đúng kỷ luật trong hiệu quân của hắn.
Mấy con ngựa thắng vào chiếc xe cà khổ, mỗi lúc lại bước hụt; đã từ lâu chúng chưa được đóng móng và chắc là chúng cũng chưa được làm quen với đá lát đường êm ru của các thành phố. Sau khi rẽ nhiều lần, chúng đi vào một phố hẹp, tối om, chạy men cái nhà thờ xứ Thánh Nikôlai nho nhỏ và dừng lại trước nhà ở của giáo sĩ. Một người đày tớ gái quấn khăn quàng cổ, mặc áo nịt, nhảy xuống và nắm tay đấm thình thình vào cổng, khỏe chẳng kém một anh đàn ông, (người hầu trai mặc áo vét tréo go thì ngủ như chết, sau đó phải kéo chân hắn mới dựng được hắn đứng dậy khỏi ghế xe). Tiếng chó sủa vang; sau cùng cổng mở và khó nhọc lắm mới nuốt được chiếc xe xấu xí vào. Vào trong sân, ngổn ngang những đống gỗ, chuồng gà và đủ các thứ nhà con con, một người đàn bà bước xuống xe: đó là người quen cũ của chúng ta, bà Kôrôbôtska, trang chủ và vợ một ông thư ký bộ. Sau khi Tsitsikôp đi mấy hôm, bà lão thật thà cứ nghĩ là đã bị y đánh lừa mà sợ khiếp lên. Sau ba đêm mất ngủ liền, bà ta quyết định, dù ngựa chưa đóng móng, cũng cứ lên tỉnh; bà ta muốn biết giá cả hiện thời của nông phu chết đích xác là bao nhiêu để được yên tâm là đã không bán nông phu của mình chỉ bằng một phần ba thời giá.
Việc bà Kôrôbôtska lên tỉnh có những hậu quả mà một câu chuyện giữa hai vị phu nhân trong tỉnh sẽ cho bạn đọc biết. Câu chuyện ấy… nhưng thôi, hãy để dành cho chương sau thì hơn.