Phần VI

Ở quán cà phê đặc biệt mà bà Phương đã dẫn Linh tới, vào hồi chín giờ sáng hôm nay chỉ có gã đàn ông đeo chiếc túi thổ cẩm bẩn thỉu ngồi ngất ngưởng. Cô bé phục vụ mũm mĩm tên Lan bưng cho y một đĩa bánh chả và một bao Samít.
- Ông còn lấy gì nữa không ạ?
- Cảm ơn cô, đủ rồi.
Gã đàn ông rút trong túi một cuốn sách bìa da, ngồi đọc. Y đọc được hai trang, chủ quán về. Ông ta đập đôi guốc mộc cốc cốc ngoài cầu thang rũ đất. Người khách bỏ cuốn sách, quay ra:
- Xin chào.
Chủ quán ngẩng đầu, sửng sốt:
- ơ hay, ông còn ở đây cơ à?
- Còn chứ… Tôi nhớ rằng tôi nợ ông một món.
- Không, không phải vì món nợ ấy, nhưng tôi tưởng ông đã đi Canađa? Họ bảo với tôi rằng bà cô ông nhất quyết bảo lãnh cho ông đi cùng.
- Có chuyện ấy thật.
- Nhưng ông từ chối?
- Tất nhiên. Nếu không sao tôi còn ngồi trò chuyện với ông ở cái đất Hà thành cổ lỗ này… A, ông bạn, tôi còn nợ ông bao nhiêu nhỉ? Giở sổ ra xem sao.
- Không cần. Trí nhớ của tôi còn đáng tin hơn sổ sách. Trước khi đi Sàigòn, ông thiếu tôi ba nghìn bảy trăm tám mươi lăm đồng. Gã khách móc trong túi ra một xếp tiền, ném lên bàn:
- Có một người bạn như ông thích thật đấy. Nếu không cánh tôi đến nhịn thèm thuốc lá, cà phê lúc rỗng hầu bao. Chủ quán cầm xếp tiền, tủm tỉm cười:
- Đưa làm gì lắm thế?... Năm ngàn cơ à?... Thôi được, tôi sẽ giữ cho ông bạn uống cà phê dần. Chắc kỳ vừa rồi ông bán được nhiều tranh?
- Có đâu. Gã cười – Tôi chỉ nhậu và lên Đà lạt xem phong cảnh chơi thôi. Chờ tới mùa khô, tôi sẽ trở lại vẽ tranh sơn dầu. Tiền này của bà cô tôi thuê.
- Thuê ông? Để làm gì cơ?
- Thuê tôi ăn chơi nhảy nhót cho thoả để cùng bà đi Canađa. Cô tôi không có con. Bố tôi là trưởng tộc mà chỉ có một mình tôi nên tôi là kẻ đích tôn thừa tự nối dõi tông đường của cả dòng họ.
- He he he… Chủ quán cười, tay vê hàng ria mép. Có một ông đích tôn thừa tự như ông thì cũng khổ.
Gã khách cười theo, thú nhận:
- Khổ thật đấy. Ông có tưởng tưởng được rằng cái thằng đàn ông bốn mươi sáu tuổi tròn, bẩn thỉu như con cóc mà bước chân vào Sài gòn được đón tiếp như thế nào không?... Khi tôi vừa bấm chuông, bà già phục vụ cô tôi ra mở cửa nhìn thấy là đã kêu lên ngày giữa sân: "Nam mô a di đà phật, cậu vào, cậu vào, bà ơi i i..."
Ngay lúc ấy, cô tôi đang tụng kinh trên gác bốn. Cả lũ em gái họ ở các buồng cũng đổ ra. Rồi họ tíu tít pha nước cho tôi rửa mặt rửa tay. Rồi họ hối hả nấu miến, nấu xúp cho tôi ăn tạm với bánh mì. Sau đó, họ lột những tấm giẻ bẩn thỉu trên người tôi ra, đẩy tôi vào phòng tắm. Ở đó có sẵn nước nóng, nước lạnh với xà phòng thơm hảo hạng – cái thứ hàng xa xỉ mà ở miền Bắc này, quanh năm tôi không sờ đến. Tôi buộc lòng phải khoác lên người những thứ quần áo sang trọng. Khi tôi từ phòng tắm bước ra, cả nhà nhìn tôi sung sướng như tôi vừa đem lại cả một kho vàng cho họ hoặc vừa cứu vớt gia đình khỏi một nỗi nguy nan. Bấy giờ mới bắt đầu bữa cơm chính. Bà cô và lũ em nhồi nhét cho tôi thiếu mức biến tôi thành con vịt của mấy mụ lái buôn chợ Đồng Xuân. Họ nhìn tôi xót xa như tôi vừa từ hầm tối của một nhà tù nào đó bước ra, sau những năm ròng rã đói khát. Nào cháu chịu ăn chút nữa. Thứ này mau lại sức lắm… Nào, anh ăn thêm chút xíu lấy sức khoẻ cho mọi người nhờ…
Chủ quán phá lên cười, hàm răng ám khói phô ra. Gã khách nhìn ông ta với đôi mắt lấp lánh vui vẻ như mắt con ngan mới nở và kể tiếp:
- Rồi, họ bắt tôi ăn mặc bảnh bao, tới nhà này nhà khác thăm hỏi. Trong tay họ, tôi trở thành một công tử lịch thiệp hào hoa. Thế mà, vừa mới rời tay họ ra, tôi đã thế này đây…
Y đứng lên, xoay người lại để chủ quán có thể ngắm nghía y đủ mọi phía. Chiếc quần nhung hảo hạng lấm lem vệt dầu và những vết bùn hoặc xôi dính đã khô. Chiếc áo sơmi bằng loại vải mịn kẻ ô nhã nhặn, bẩn tới mức như vừa được xoa lớp nhựa nâu loãng. Rồi y chìa hai bà tay, những ngón tay đẹp nhưng vàng sẹm khói thuốc và mười móng tay đóng ghét đen sì. Chủ quán cười rũ rượi, ho từng tràng dài, nước mắt ứa ra. Gã khách cười theo, nhón một chiếc bánh chả nhai tóp tép. Kể ra, gã cũng xinh trai, nói đúng hơn gã có một gương thiện và thông minh. Nhưng gã để râu tóc xồm xoàm và ăn mặc lôi thôi tới mức trở thành một kẻ lập dị. Khi đã hết cơn cười, chủ quán nhìn đĩa bánh chả, hỏi:
- Sao không lấy bánh kem hay gatô mà lại ăn thứ bánh trẻ con này?
- Tôi thích.
Gã đáp gọn lỏn, nhắm mắt rít thuốc nghiến ngấu. Chủ quán ngồi xuống bên gã:
- Này.
- Sao cơ?
- Tôi vẫn không thể hiểu được.
- Cái gì nhỉ?
- Trước kia ông từ chối vào Sài gòn, tôi đã băn khoăn. Giờ ông lại từ chối đi Canađa, vô lý?... Những kẻ không có giấy bảo lãnh còn liều mạng ôm thuyền vượt biển. Vậy mà ông cười cợt như không. Bữa trước, có một tay bác sĩ tâm thần tới đây với môt nhà văn. Họ trò chuyện khá lâu, và tôi nghe họ nói rằng cái nghề nghiệp của các ông thường dễ mắc chứng bệnh tâm thần...
- Ha ha ha… Nghệ sĩ gần với người điên – gã cười phá lên, vui sướng - Rất có thể tôi sẽ mắc bênh tâm thần như Vangôc... Nhưng mà ông, ông đã thấy tôi điên chưa?...
- Chưa.
Chủ quán đáp thật thà. Ông ta có vẻ bối rối khi gã khách soi cái nhìn tinh quái về phía mình. Vẻ sưọng sùng của chủ quán làm gã càng thích thú. Nghiêng đầu rít thuốc, gã mơ màng nhìn xuống phố. Những vòm lá xà cừ ngoài khuôn cửa soi vào mắt gã thơ trẻ, dịu dàng. Sau một lát im lặng, gã quay lại nói:
- Này ông bạn… tôi quý ông. Ông là người biết cư xử. Những gã chủ quán bình thường, nghe tin tôi đi Canađatrong khi còn mắc vài ngàn bạc nợ chắc chắn sẽ lồng lên, tới cơ quan kiện tụng. Nhưng ông… Gã vỗ vai chủ quán: Ông khác đấy. Ông biết trọng những thứ ở phía trên đồng tiền. Chắc hẳn, ông tin rằng cái thằng tôi không phải thứ người hèn hạ đi quỵt nợ bất cứ ai, đúng không?
- Đúng - Chủ quán xác nhận - Vợ tôi đã làm ầm lên, đòi tôi viết thư vào Sài gòn, nhưng tôi gạt đi. Tôi cũng nghĩ rằng ông đã đi rồi, và vì với một chuyến đi như vậy, người ta phải lo toan trăm ngàn thứ viẹc nen dễ quên đi một món nợ còm.
- Chính vì ông biết nghĩ đúng về tôi, nên tôi sẽ nói chuyện với ông. Với kẻ khác, tôi sẽ không bao giờ phí nước bọt. Ông biết tính tôi rồi, đám chúng sinh có đáng tôi phải quan tâm đâu? Họ ca ngợi tôi là thiên tài hay chửi tôi là thằng khốn nạn cũng đến vậy thôi. Tôi vẫn sống, vẫn đến quán này uống cà phê và vẫn vẽ tranh. Giống như mỗi sáng, mặt trời vẫn mọc…
Y ngừng lại để ném mẩu thuốc vào bình, và tiếp:
- Ông có biết mười tám năm nay tôi sống thế nào không? Tôi ở trong một gian gác rộng chín mét vuông rưỡi, dưới lát gạch đã long, trên mọc từng chùm nấm xanh nấm trắng. Ở đấy, tôi vừa ăn cơm, vừa mời bè bạn tới uống rượu, nơi tiếp đãi những người làm mẫu, nơi tôi vẽ và viết bài giảng. Thậm chí cũng là nơi tôi tắm và làm vệ sinh những lúc đau ốm… Thủ trưởng của tôi là kẻ dốt nát. Thời xưa, ông ta thi ba năm liền mà không giật nổi một mảnh bằng tiểu học. Về nghề nghiệp, nói chung ông ta chỉ ngang hàng với những tay vẽ truyền thần hoặc quảng cáo ở tỉnh lỵ. Nhưng vì trong lóp hoạ sĩ cùng thời, ông ta được vào Đảng trước nên được tin vậy và giao trách nhiệm. Mặc cảm về sự ngu dốt thường đi đôi với lòng ham muốn thống trị và đàn áp người khác. Tay thủ trưởng của tôi thừa hiểu những ánh mắt giễu cợt, những khoảnh khắc im lựng lãnh đạm che giấu sự khinh khi của đám cán bộ dưới quyền. Và ông ta đối phó lại bằng mọi thủ đoạn hèn kém. Một nhân viên hành chính có thể được chia ngay nhà ở nhưng những giảng viên quan trọng phải trầy trật xin xỏ, đấu tranh. Với các lý do hợp lý, ông ta hành hạ đám người có năng lực, làm họ mệt mỏi, bạc nhược vì những nỗi lo cơm áo, nhà cửa, khiến họ tan rã yếu hèn. Nhiều người phải đầu hàng. Số khác chạy đi chạy lại các cửa, kiện tụng để giành giật một căn phòng, một chuyến tham quan nước ngoài, một góc trưng bày trong phòng triển lãm. Cần phải cảm thông với họ. Cuộc đời đâu phải miếng bánh ga tô ngon ngọt bày trong tủ kính của ông?... Ông có còn nhớ tay Huỳnh không?
- Nhớ cái ông to béo thường đòi uống sữa đá vì không thích cà phê.
- Tay ấy bị áp huyết cao, khôg được uống các chất nước kích thích.
- Dạo này không thấy ông ấy tới đây.
- Còn đâu nữa mà đến? Anh ấy đã chết vì đứt mạch máu não, sau vụ xung sát với tay thủ trưởng.
- Ông thì xung sát vì lý do gì? Cũng như mấy ông bạn đồng nghiệp hay sao?
- Không, xưa nay tôi phớt ăng lê. Một mình, một thân, nhiều nhặn gì ham muốn để mà đấu tranh. Nhưng tôi không chịu được khi các chiến hữu bị đàn áp. Chính bởi vụ anh Huỳnh, tôi đã nhảy vào. Tay thủ trưởng trù tôi. Nhà không cấp, tôi chẳng cần. Cắt xuất tham quan nước, ngoài, tôi lờ như không. Tới khi đích danh tôi được mời đi nhận giải một cuộc thi quốc tế, hắn cất giấy mời quá hạn năm ngày, tôi mới làm ầm lên. Cóc mở miệng là chuyện không yên. Bao nhiêu người hưởng ứng cuộc đấu của tôi. Hắn đành mời tôi lên mặc cả. Mồi treo là một căn hộ lắp ghép và một chuyến thực tập ở châu Âu. Nhưng mà ông biết không, tôi đã từ chối...
- A tôi nhớ ra rồi… Chủ quán gật đầu xác nhận: Hồi ấy các ông thường đến đây với tay Đào Hùng sứt răng. Hình như anh ta đang si mê một cô bé gầy gầy xanh xao tên là Kim Cúc...
- Đúng rồi... Trong tình thế ấy, Sài Gòn giải phòng – Gã tiếp tục kể với giọng đều đều. Ai cũng chắ tin rằng tôi vào trong đó. Trước hết, để khỏi nhìn thấy bộ mặt đê tiện của gã thủ trưởng. Sau đó, tôi sẽ tha hồ rủng rỉnh tiền tiêu. Cả một biệt thự ba tàng, mười bốn phòng thuộc về mình, đó là điều có ngủ mơ cũng không thấy. Nhưng tôi đã lắc đầu. Mọi người bảo tôi điên. Đúng rồi, tôi có cái lý của thằng điên. Con người cần nhiều thứ lắm, ông bạn ạ: Cơm áo, bún phở, từ các món sơn hào hải vị đến đĩa dưa muối chấm tương rồi cà phê, thuốc lá… Tất thảy những thứ đó cũng chỉ là một phần những yêu cầu của đời sống thật sự, của sự tồn tại thật sự cho mỗi chúng ta. Giờ đây, lại tới lúc người ta hỏi tôi: tại sao không đi Canađa, tại sao bỏ lỡ một cơ hội trời cho như vậy? Tại sao và tại sao?... Đời nhiều lý lẽ thật. Có bao nhiêu con người, sẽ có bấy nhiêu thứ lý lẽ. Tôi, một thằng lãng tử có trong huyết quản chín mươi phần trăm máu phiêu lưu mà lại từ chối sang Tây bán cầu?... Nghịch lý của cuộc đời là thế. Tôi đã từng ngắm tuyết trên đỉnh Hoàng Liên Sơn và đã uống rượu thịt rắn nướng với những ông già Đồng Tháp. Đã ngồi câu cá ở đảo Cô tô với lính hải đảo và ăn mòn răng cơm nếp của dân Lào. Lẽ nào tôi lại không muốn hưởng cái thú du lịch, ngoại trừ việc đương nhiên sẽ có một cuộc sống cực kỳ đầy đủ… Hai mươi năm nay, tôi là người duy nhất trong cơ quan không một lần được gọi đi làm hộ chiếu để đi nước ngoài, dù chỉ đi họp mười ngày hay một tuần lễ… Lòng khao khát hiểu biết là đặc tính tự nhiên của con người, đặc biệt với những ai làm nghệ thậut. Nhưng niềm khao khát đó khác xa một sự đánh tráo hay đổi giá...
Y ngừng lại nhém tia nhìn lơ đãng xuống mặt đường. Chủ quán đứng dậy, bưng ra chiếc giành tích nhỏ, có nắp nhồi bông và hai chiếc chén viền chỉ vàng:
- Ta cùng nhau uống thử ấm chè sen tôi vừa mới ướp.
Gã khách gật đầu. Sau khi uống cạn một chén trà, gã tiếp:
- Giá bây giờ, có người nào đó đày quyền uy gọi tôi lên và bảo rằng: Nhà nước sẽ cho anh đi du lịch nhưng chỉ được lĩnh thực phẩm hàng ngày đủ sống và không có của cải mang về… Tôi sẽ kí hai tay ngay. Tiền đối với tôi không đến nỗi thiêng liêng như với nhiều người khác. Ông có biét mấy tuần lễ ở Đà Lạt tôi đã nướng của bà cô tôi bao nhiêu tiền không?... Bốn mươi lăm ngàn, tính ra vàng là trên hai mươi lạng. Chỉ mấy hôm nữa thôi, rất có thể tôi sẽ lại tới đây uống cà phê ghi nợ ở quán ông, và mỗi sáng tôi sẽ lại tới đây uống cà phê ghi nợ ở quán ông, và mỗi sáng tôi sẽ lại ra hàng xôi ngôi mua một gói năm đồng. Đời như dòng nước, nó sẽ cuốn đi cả sự giàu sang lẫn nỗi khốn cùng, cả những vinh quang lẫn những hèn mọn… Nhưng điều có thật đối với một thằng nghệ sĩ, là mỗi rạng đông, khi mặt trời lên, nó sẽ phải nhìn thấy hình ảnh của chính mình. Dù chân dung của nó được soi vào tấm gương pha lê hảo hạng hay vũng nước tù cũng thế. Điều quan trọng hơn cả là nó sẽ tự hỏi mình khi nhìn vào chân dung ấy: mày là ai?... Nếu tôi sang Canađa, mỗi buổi mai tôi sẽ thấy bộ mặt râu ria này trong gương, và tôi sẽ tự hỏi, tự trả lời tôi như thế nào?... Chắc chắn tôi sẽ phải đáp lại tôi rằng: mày là kẻ làm thuê, kiếm cơm xứ lạ… Đã đi làm thuê thì nên khâu giày hay quét tuyết, cùng lắm làm thư ký hay gia nhân chứ đừng làm nghệ thuật. Có lý gì tôi không vẽ những cây liễu ở Hồ Tây hay những cánh đồng Bắc Ninh mà tôi lại đi vẽ những cây tùng ở Môngréan hay cái tỉnh Quêbếch nào đó?... Tôi làm sao có thể vẽ được một cây thông hay cây tùng khi lúc mở mắt tới lúc thở hắt ra tôi chỉ quen nhìn cây chuối, cây tre?... Không, không thể đổi cái thu phiêu lưu lấy một cuộc đời ở ngoài mình… Vả lại, tại sao tôi lại phải làm như thế?
Gã bỗng dưng nắm tay lại, đám xuống mặt bàn khiến những chiếc tách nẩy lanh canh trên đĩa:
- Tại sao tôi lại phải sang Canađa để tránh mặt một thằng đê tiện? Tổ quốc không phải của những thằng đê tiện ấy. Tổ quốc là của tất cả chúng ta...
Gã ngừng lại, hai má đỏ ửng lên. Mắt gã lonh lanh và nước mắt ứa quanh tròng.
Chủ quán rót tuần trà thứ hai ra chén:
- Uống nữa đi ông.
Đoạn quay vào nhà, ông cất tiếng gọi:
- Lan, đem một đĩa bánh dừa lên nhé.
- Vâng, có ngay đây ạ.
Tiếng đáp vọng ra. Chủ quán nói:
- Tôi mới đặt thử loại bánh dừa thơm ngon lắm. Tôi sẽ đãi ông trước khi bán.
Cô gái mũm mĩm đem ra chiếc đĩa sứ trắng đựng đầy tràn thứ bánh tròn như bánh trứng nhện ngày xưa, lăn tăn những mảy dừa vàng sẹm và những hạt đường lấp lánh. Chủ và khách ăn bánh với nước trà nóng, không ai nói với ai một câu. Lúc đó, Trần Phương đưa Linh vào. Chủ quán quay ra:
- Chào nhạc sĩ.
Trần Phương cười, gật đầu. Ông ta đưa Linh tới chiếc bàn kê sát cửa sổ. Gã khách ngước nhìn cô gái, mắt gã như mờ đi. Gã vơ chiếc túi thổ cẩm và nói:
- Tôi về đây.
°
Linh đã nhiều lần nói với Trần Phương rằng cô không muốn giấu giếm tình yêu của mình:
- Em không muốn mình trở thành một kẻ khuất tất. Nếu anh còn yêu vợ anh, chắc chắn anh sẽ không yêu em. Vậy thì cớ sao chúng ta cứ phải trốn tránh chui lủi như những con chuột ngày?
Nhạc sĩ mỉm cười:
- Em lại thơ ngây rồi. Cái bí mật của bóng đêm có sự huyễn hoặc và lôi cuốn của nó chứ!
Mắt ông khép lại, ẩn giấu ngọn lửa đen. Người đàn bà lờ mờ cảm thấy một vực sâu đồi truỵ phía sau ngọn lửa ấy. Cô to tiếng:
- Em không chịu được cái thú vị của kẻ ăn trộm.
Trần Phương thấy cô nổi nóng, vội vã đấu dịu:
- Cô bé ơi, bình tĩnh lại. Xin em đừng giận dỗi. Anh biết làm gì cho em bây giờ? Anh là một kẻ bị chết kẹt giữa cây búa và chiếc đe. Một bên là tình yêu, một bên là lòng nhân đạo. Nếu em mong một, chắc chắn anh phải mong mười ngày chúng ta được đàng hoàng chung sống với nhau. Em còn tươi trẻ, còn nhan sắc, còn tất cả cuộc đời phía trước. Anh có gì nữa đâu. Người ta đã hất chân anh khỏi mảnh đất anh đang đứng, người ta ném tấm áo anh mặc vào lửa, những gì anh đã xây đắp bằng cả tuổi thanh xuân và bao nhiêu năm nhẫn nhục giờ tan như bọt xà phòng… Anh là kẻ trắng tay…
Những lời cuối cùng, ông hạ giọng thầm thì rồi chìa bàn tay trước mặt Linh. Người đàn bà nhìn thấy một bàn tay trắng như đá, với những ngón tay thuôn dài và những đường chỉ rối ren. Cô bỗng thấy thương ông. Cô úp bàn tay mình vào đó. Nhạc sĩ hất món tóc đen như lông quạ và tiếp:
- Bao nhiêu năm nay, có gì gắn bó anh với mụ ấy? Một người đàn bà xấu xí và tai quái như trẻ ranh… Nhưng nếu anh cương quyết ly hôn, kẻ tuyệt vọng ấy có thể tự vẫn. Lúc ấy chúng ta làm sao sống được khi búa rìu dư luận trút xuống đầu? Một tên tội phạm bình thường mãn hạn tù có thể tìm lại được cuộc sống yên ổn, nhưng chúng ta, một khi đã bị đặt trước vành móng ngựa của công luận, chúng ta sẽ không thể nào trốn thoát.
Ông ngừng lại tì cằm vào lòng bàn tay, vẻ mặt u ám. Linh bỗng thấy chính cô là người có tội. Cô đã gieo thêm đau khổ vào cuộc đời đau khổ của ông và thúc đẩy ông vào ngõ cụt của sự bế tắc tinh thần. Lẽ ra, cô không nên hối thúc ông đi tới một cuộc hôn nhân tầm thường như mọi người đàn bà tầm thường khác.
Nhưng không lẽ, mãi mãi cô phải dấn thân vào một tình yêu vụng trộm và vô vọng?... Những kỷ niệm nhục nhã theo đuổi, ám ảnh cô như chiếc bóng đuổi bước chân người những đêm trăng.
Họ ngồi im lặng giờ lâu, rồi Linh bật hỏi:
- Chẳng lẽ chúng ta cứ sống trong tình trạng mãi sao?...
Nhạc sĩ im lặng quỳ xuống, úp mặt lên gối người yêu. Lúc đó, họ đang ở trong căn phòng ngoại ô thành phố. Qua khuôn cửa sổ mở rộng, người ta có thể nhìn thấy bờ đê xanh ngát, những cánh buồm trôi lừ đừ trên đồng ngô và bờ bên kia sông Hồng kéo một vệt phù sa đỏng đảnh ngang đường chân trời.
- Anh chịu ơn em - Trần Phương nói – Anh hiểu rằng yêu anh, em đã phải chịu những đau khổ thiệt thòi mà không người đàn bà nào muốn hứng chịu. Nhiều lúc, anh đã tự buộc mình phải trả lại cho em quyền tự do, để em tìm được một hạnh phúc tương xứng với tuổi trẻ, nhan sắc và vẻ đẹp của tâm hồn. Nhưng anh đã không đủ can đảm để làm được điều đó… Tha lỗi cho anh…
Đúng ra, chưa bao giờ ông nghĩ tới việc từ bỏ cô. Nhưng khi nói ra điều đó, nỗi tiếc nuối đã ào tới, cồn cào, mắt ông long lên, gương mặt ông tràn đầy vẻ si mê cuồng nhiệt. Rồi những giờ ân ái sau đó, ông hệt như kẻ bị thúc hối bởi một đam mê man dại và cái trạng thái đó khiến cho Linh cảm thấy rằng có một ngọn thác mãnh liệt đang lôi cuốn, một tình yêu ghê gớm và sâu xa đang nhấn chìm ông trong những đắm chìm của nó – Mà ông, một người tài ba, danh tiếng đến như thế và cô, một cô giáo bình thường trong ngàn vạn cô giáo bình thường của thành phố này. – Cô tự hào về tình yêu của ông, tự khinh bỉ mình vì những thúc hối và đau khổ để đi tới một cuộc hôn nhân tầm thường khác, tự thấy mình tồi tệ, thấp hèn… Và vừa ôm người tình cô vừa khóc:
- Em xin lỗi anh. Em cũng chỉ là một người đàn bà trong ngàn vạn những người đàn bà tầm thường khác.
- Không, không… đừng nói vậy…
Trần Phương xiết chặt Linh trong vòng tay, ve vuốt dỗ dành. Một ngọn lửa tinh quái cháy lên trong đáy mắt ông: Em lại thuộc về tôi rồi… Em vẫn còn là của riêng tôi…
Linh là người đàn bà trung thực. Cô không tìm đến ông để chơi trò phiêu lưu tình ái như nhiều người đàn bà khác. Khi yêu, cô muốn đi đến tận cùng con đường tình yêu như loại đàn bà thích đời sống êm ấm và có chừng mực. Cô không chơi trò ú tim trong bóng tối như nhiều người đàn bà đã chơi trò đó cùng ông. Họ đã thể nghiệm nỗi thích thú hồi hợp trong những đợi chờ, dưới bóng cây cổ thụ hay ở một tiệm càphê, trước một quán cơm vắng khách hay nơi ngã ba đường… Những người đàn bà tô son dồi phấn, mắt long lanh thèm khát thú phiêu lưu tình ái, dạn dày và từng trải trong trạng thái sẻ chia những nỗi sợ hãi và lòng ham muốn…
Trần Phương giấu nụ cười trong mái tóc thơm ngát của người yêu:
- Anh cảm ơn em suốt đời.
Rồi với giọng nhẹ nhàng, đượm nỗi buồn thấm thía, ông tiếp:
- Chúng ta cần có thời gian. Anh không phải là một con người độc ác nhưng em thừa biết rằng bà Hoa bệnh hoạn cả thể xác lẫn tâm hồn. Thần chết không ban bố lòng nhân đạo cho bất kỳ ai. Sẽ tới lúc nó đem bà ta đi, theo quy luật tạo hoá… Thời gian là người bạn đồng hành của nhân loại, em đã nghe câu nói đó bao giờ chưa?
Nhiều tháng sau, Linh còn phải ngẫm nghĩ tới câu nói đó của ông:
“Khủng khiếp quá, mình phải chờ đợi bà vợ ông ấy chết đi để làm cuộc hôn nhân. Một hạnh phúc đặt nền móng trên sự tử vong của kẻ khác. Có cái gì tàn nhẫn và gớm ghiếc trong sự sắp đặt ấy…”
“Nhưng làm gì có một biện pháp tốt đẹp hơn, đối với người đàn bà thiếu tự trọng như vậy?...”
Lý lẽ của trái tim cuối cùng đã thắng. Và Linh tin rằng mọi hy sinh của cô cho tình yêu là sự hy sinh của các tín đồ trên đường hành hương tới mảnh đất đã sinh ra chúa Jêsu…
Từ ngày xách valy ra đi, Linh đã thay đỏi chỗ ở ba lần. Đêm đầu tiên, cô đáp tàu điện ra ngoại o, sống với bà dì ruột mà bé Hương Ly thường gọi là bà ngoại. Dì cô thương cháu gái, nhưng bà lại có tới sáu đứa con. Căn nhà ba gian cả thảy ba mươi hai thước vuông. Một mảnh vườn nhỏ trồng hương nhu, tía tô với mùi tàu cũng chỉ trọng hai mươi mét nữa. Sáu đứa con của bà đều đã thành gia thất, nhưng chỉ hai đứa có nhà, còn bốn đứa kia dắt díu vợ chồng con cái về tụ họp trong khoảng không gian ấy. Các tiểu gia đình ngự trị trên những chiếc giường và các vương quốc được kiến tạo bởi những tấm rèm ngăn. Chỉ cần một cơn gió mạnh là cắc cặp vợ chồng trẻ có thể nhìn nhau cười trừ. Mùa đông, họ có thể bước một bước từ vương quốc này sang vương quốc kia để chơi một ván cờ, hay một chầu tam cúc. Nếu bà mẹ rang ngô, tất cả có thể thò tay bốc chung một rá. Cảnh sống ấy, mùa đông còn tạm vui thú, nhưng lúc mùa hè tới, thạt khó khăn. Lũ em Linh cảm thông và yêu quý chị Linh, nhưng dù sao, cô cũng chỉ ở được tới ngày thứ ba là lại phải xách valy đi tiếp. Lần này, Linh tới ở với người bạn gái cùng lớp thời sinh viên. Cô này, không tốt nghiệp nên đã xin vào một lớp đánh máy ngắn hạn. Khi đã có nghề, chú ruột cô xin cho cô vào làm việc tại một viện nghien cứu khoa học. Ở đó một chàng phó tiến sĩ hiền lành tốt bụng đem lòng yêu thương cô và họ đã thành vợ thành chồng thật chóng vánh và dễ dàng. Cưới được hai năm, anh được cử sang nước ngoài công tác. Rồi sau đó, đi đi về về, liên miên xách valy sang các sân bay quốc tế, khi thì dẫn một phái đoàn đi tham quan, khi trợ lý cho một cấn bộ cao cấp đi ký kết các chương trình hợp tác, yên trí để đứa con nhỏ ở nhà với cô vợ trẻ. Linh ở nhà bạn được hai ngày, và lập tức hiểu rằng mình đã sai lầm. Cô bạn hoàn toàn không cô đơn buồn bã chút nào như lời co ta nói. Ngược lại cô có quá nhiều cuộc hẹn hò để lấp đầy cái khoảng trống thời gian mà cô than phiền là heo hút. Linh chợt nhớ rằng cô nghờ nghệch trong mọi mối quan hệ. Cuộc sống hạnh phúc xưa kia như chiếc tổ kén vây bọc cô giữa những êm ấm, ngọt ngào, giờ đây, cô nhìn được những rác rến của đời sống. Linh xách valy vào trường. Bà thủ thư của nhà trường nghỉ dài hạn nằm điều trị chứng ung thư dạ con, trong bệnh viện. Kim Anh bảo Linh tới phòng trực thư viện ở tạm. Đó là một gian buống xép rộng mỗi bề chừng hai mét bảy mươi phân, tối và ẩm, luôn luôn lưu cữu thứ ánh sáng của những ngày đông thiếu mặt trời. Linh đã bỏ ra hai ngày trời để quét dọn, lau chùi, tô điểm. Cô lau chùi các cánh cửa và bậu cửa tới bóng lên. Nên gạch xi măng được phủ bằng những tấm chiếu cói rực rỡ. Cô cũng mua một chiếc lọ cắm hoa thuỷ tinh hồng để cắm vào đó những bông xuxi và những bông đồng tiền tươi rói. Bà thủ thư để lại chiếc bếp điện tự chế, Linh mua thêm bếp dầu cùng ít xoong nồi bát đũa mới… Hết giờ họp ban giám hiệu buổi chiều, Kim Anh tới thăm. Chị thấy căn buồng nhỏ biến đổi như có phép lạ. Ngay cả chiếc giường cá nhân cũng được trải tấm vải thêu lộng lẫy:
- Đẹp quá.
Chị thốt lên tiếng kêu và ngồi xuống giường. Linh vừa tắm gội xong đang chải tóc. Cô quay lại mỉm cười, gương mặt rạng rỡ. Kim Anh chăm chú nhìn Linh:
- Thế nào đây cô?
Chị hỏi.
- Chị bảo gì em cơ ạ?
Linh đáp, cô ngỡ ngàng nhìn hiệu trưởng. Kim Anh đưa mắt nhìn đám xoong nồi bóng loáng đặt trên bếp dầu, những chiếc bát đũa mới, chiếc gương bỏ túi và lọ cắm hoa nhỏ xíu đặt trên bậu cửa… Tất cả những thứ đó gợi lại thời thiếu nữ, gợi lại cuộc sống lưu trú của các nữ sinh. Khi đã là đàn bà, người ta phải dùng những thứ xoong chảo lớn hơn, những bát đĩa đẹp hơn, những thìa dao, nĩa, khăn lau bàn và trăm thứ đồ tỉ mỉ khác cần cho đời sống của một gia đình. Ví như chiếc dạo nạo khoai tây gọt bí gọt mướp, những bàn nạo đu đủ, hoặc máy xay cua, những nồi hầm, chõ đồ xôi hoặc nồi chưng cách thuỷ… Chưa kể tới các loại cốc chén, cối xay sinh tố hoặc lò nướng điện mà các bà nội trợ thường mơ tưởng. Kim Anh biết rằng Linh đã có tất cả những thứ ấy. Gia đình cô là một gia đình người ta khao khát cả về sự êm thấm lẫn những tiện nghi. Bây giờ, co lại bắt đầu trở lại cuộc sống độc thân của nữ sinh, với chiếc bếp rẻ tiền, vói những đồ đạc tầm thường và xoành xĩnh. Kim Anh mủi lòng. Linh hoàn toàn không hiểu những ý nghĩ của chị, cô đang thoả mãn vì tìm được nơi cư trú tươm tất.
- Chị bảo em gì cơ?
Linh nhắc lại. Cô ngồi xuống bên chị hiệu trưởng. Kim Anh không trả lời chị, nhìn những bông hoa tươi còn long lanh nước:
- Hoa đẹp quá. Cô thích đồng tiền kép không?
- Trước kia thì không – Linh đáp – Nhưng bây giờ có.
Cô không thể nói với Kim Anh rằng ở trong quán cà phê quen thuộc của Trần Phương, ơi bất cứ lúc nào cô cũng được nghe bản “Chèo thuyền” của Menđénon có cắm những bông hoa ấy.
Bất giác, Kim Anh cất tiếng thở dài. Rồi sau hồi lâu im lặng, chị hỏi:
- Cô có sung sướng không?
Linh nhìn Kim Anh, im lặng. Làm sao cô có thể trả lời câu hỏi đó. Giờ đây, cô vừa là người sung sướng vừa là kẻ bất hạnh. Trong mọi niềm vui đều có chứa những hờn tủi, buồn phiền. Không bao giờ cô còn tìm được những thời khắc vô tư như trước. Cô nhìn lại thời cô sống hạnh phúc cới Nguyên như người ta nhìn bầu trời qua cơn mưa bóng mây. Ở bên này những hạt nước nóng là cuộc đời trần trụi. Bên kia những hạt nước ấy là hạnh phúc mong manh, sáng chói. Chị hiệu trưởng nói chậm rãi:
- Cô biết rằng về nguyên tắc đang hiện hành trong đời sống của chúng ta, tập thể phải lên án cô từ lâu.
- Vâng, em có biết.
- Mọi người không ai nỡ làm thế, cả tôi cả những người không thân thiết lắm với cô. Nhưng chúng tôi không hiểu được, vì sao lại như thế?
-...
- Cô mê tài của ông nhạc sĩ?
- Em đã ly thân với Nguyên từ trước khi gặp mặt ông ấy.
- Vậy là tại Nguyên?
- Em không biết.
- Tôi không tin Nguyên phản bội cô. Cậu ấy luôn yêu cô và bản tính nghiêm túc.
- Vâng, điều đó hoàn toàn đúng.
- Vậy vì lẽ gì? Hay tính cô cả thèm chóng chán?... Nếu vậy cô đã hư hỏng trước khi gặp ông Trần Phương. Tôi nhớ tất cả những trường hợp cô có thể sa ngã. Tôi nhớ tất cả đám người hào hoa đẹp trai đã từng si me cô. Đối với họ, Trần Phương chỉ là một ông già. Dù tài ba, ông ta vẫn cách biệt cô hai thế hệ.
- Không phải thế.
- Vậy lý do nào, nguyên cớ nào đã đẩy tới tình trạng này? Ít ra, cô cũng phải nói thật với tôi.
- Trước đây, em luôn luôn nghĩ tới Nguyên như một người có lý tưởng sống, trọng tư cách và có tam hồn cao thượng. Dần dần, em phát hiện được những giả trá vô lương. Và em hiểu rằng em đã lầm.
- Thế rồi cô căm ghét cậu ấy?
- Không tới mức căm ghét, nhưng không còn coi trọng. Đối với em không trọng được có nghĩa là không còn yêu được.
- Nguyên biết điều đó?
- Vâng.
- Cậu ấy không nói gì?
- Anh ấy xin em cứ ở lại với bé Hương Ly nhưng em không thể.
- Tôi hiểu chuyện đó... Nhưng còn Trần Phương. Ông ta là người thế nào?
- Ông ấy là một tài năng bị vùi dập. Em sẵn sàng chịu hy sinh để san sẻ những khổ đau thua thiệt mà ông ấy đã phải chịu.
Kim Anh ngồi lặng lẽ hồi lâu, rồi đứng lên,mở nắp chiếc thùng nhôm đặt trong góc phòng:
- Cô chưa mua được gạo à?
- Vâng, chiều nay em ăn bánh mì. Chị ở lại với em nhé?
Kim Anh lắc đầu, chị rút trong túi chiếc phong bì
-Người ta vừa thưởng cho tôi đấy. Chắc cô hết tiền rồi, cầm lấy mà tiêu tạm.
Người đàn bà nhìn lại lần nữa căn phòng vừa được chuẩn bị cho một đời sống độc thân:
- Tôi về nhé.
Chị bước ra khỏi căn phòng. Sân trường đã tối ôm. Xa x, những chùm đèn toả thành từng quầng sáng.
"Nếu bây giờ đột nhiên mình phát hiện ra một khuyết tật nào đó ở chồng mình - Chị nghĩ – Ví như thói nịnh bợ, tham lam hoặc gian dối. Ví như sự hèn hạ hoặc thói trăng hoa… và mình không còn chung sống được với anh ấy nữa…"
Kim Anh bất giác rùng mình, ghê sợ quá. Lúc đó, mọi sự tan vỡ và sẽ lại bắt đầu. Những chiếc ly thuỷ tinh Đức, bồ bạn ghế, bộ tách uống trà vừa sắm được, chiếc bình sứ đựng đường có nắp lá nho, và chiếc máy xay sinh tố… Tất cả những đồ vật ấy mất đi sẽ đem theo một giá trị lớn hơn giá trị thật sự của chúng rất nhiều, bởi lẽ nó gợi cho người ta cuộc sống êm ấm và sung mãn của một gia đình, nó là những viên gạch của thành trì hạnh phúc.
"Nhưng giả như chồng mình là một kẻ bất lương, cứ đặt ra giả thiết ấy. Biết chắc chắn như vậy, mình có còn can đảm và tình yêu để tiếp tục chung sống với anh ấy không?... Không, không… Chắc chắn lúc đó, mọi đồ vật sang trọng đều trở thành vô nghĩa. Mình cũng sẽ phải tìm một xó trú than và mua chiếc bếp dầu rẻ mạt bằng sắt tây. Vì không còn tình yêu, người ta có thể phải từ bỏ một vương quốc, một lâu đài để tìm cuộc đời dân dã. Lịch sử đã đầy rẫy những chuyện như thế… Nhưng đó là thời xửa thời xưa, ngày nay, con người thực dụng quá, và người ta cân đong đo đếm tình yêu bằng những điều kiện sinh tồn…"
Những ý nghĩ miên man xô đẩy, chồng chéo nhau trong óc não người đàn bà. Khi dừng lại trước khuôn cửa quen thuộc, Kim Anh nghe tiếng đứa con trai reo:
- Bố ơi, mẹ về, mẹ về… đi ăn cơm thôi.
Người đàn bà hết cơn nghĩ ngợi, trở nên bàng hoàng. Chị đứng thần ra. Chồng chị ra dắt xe vào cho vợ:
- Có lý do gì mà bắt bố con tôi chờ cơm lâu thế?
Anh hỏi chị, nụ cười trìu mến sáng bừng trên gương mặt.
… "Không, không, anh ấy không bao giờ là một kẻ đê tiện, một tên ăn cắp hoặc một gã đàng điếm lẳng lơ…"
Ý tưởng ấy lướt qua óc não rất nhanh, khiến chị bình tĩnh lại giống như kẻ vừa ngồi trên con thuyền chòng chành được đặt chân xuống bến. Niềm vui trào đến ngay tức khắc, sau cơn thảng thốt, chị bất giác ôm choàng lấy anh.
- Có chuyện gì thế em?
Người chồng lo lắng hỏi.
- Suýt nữa em chết kẹp ô tô.
Chị buột miệng đáp hết sức trôi chảy, tự nhiên và mừng rỡ như vừa trải qua con hiểm nguy đó thật. Chồng chị nắm chặt tay vợ. Họ vào mắt nhau rưng rưng cảm động, dường như họ vừa thoát được một tương lai bất hạnh. Hai còn người ấy mới chỉ nghĩ tới sự thiếu vắng nhau trong cõi đời là đã lạnh xương lưng…
Nhưng thôi ta hãy chúc cho cặp vợ chồng hạnh phúc đó những điều may mắn. Giờ, trở lại căn phòng chật hẹp của Phương Linh. Sau khi Kim Anh đi, cô lấy bánh mì ra ăn với nước muối, uống một cốc nước đường rồi đi ngủ. Nhưng nằm mãi không nhắm mắt được. Thoạt đầu, Linh cứ tưởng cô lạ nhà. Chưa bao giờ cô ở một mình trong gian buồng, dù chật hẹp tới đâu nó vẫn là khoảng không gian trống vắng và nơi đó, người ta thấy hiểu cặn kẽ nỗi cô đơn. Không cần quan tâm tới một ai và không một ai quan tâm tới mình. Chỉ có đồ vật. Ngay những bông hoa rực rỡ kia cũng lạnh lẽo, vô tri vô giác. Vài con gián từ kho sách bò sang, chậm chạp dạo quanh mép tường. Một con thạch sùng bé xíu, đen thui kiếm mỗi quanh bóng điện. Tiếng tặc lưỡi của nó nghe rõ mồn một. Linh với quyển: "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà" của Huygô đọc, nhưng những dòng chữ cứ bập bềnh như đám rác giữa nước xoáy. Cánh tay cô vòng sang một bên theo thói quen đã rơi xuống chiếu. Không có bé Hương Ly ở đấy. Người đàn bà ném quyển sách lên bàn. Cô kéo cuộn chăn lên ôm cho bớt cảm giác lạnh lẽo. Nhưng ngay cách lừa dối ấy cũng không giúp cô dằn được nỗi nhớ đang cuộn lên như lũ, mỗi lúc mỗi bạo liệt. hai cánh tay Linh tì trên chiếu lạnh, cảm giác tiếp cận với những sợi cói trơn láng, với lớp vải lanh vở chăn, với mền gối bông xốp cùng lúc gợi cho cô mùi thơm và hơi ấm của da thịt đứa con. Mùi hương ấy, hơi ấm ấy như một niềm vui sướng ngất ngây lan toả trong tâm hồn cô ngày ngày, thân thiết và bền vững. Con bé thường gác cả hai đùi lên bụng mẹ, đầu nó rúc vào nách mẹ và đám tóc tơ mềm mại khiến Linh thấy vừa nhột nhột vừa êm ái. Giờ đây thiếu vắng tất cả. Cả tiếng bi bô và những câu hỏi ngớ ngẩn, cả những câu nói khôn ngoan lọc lõi, những câu chửi bậy bạ, những trò đùa ranh ma mà con bé học được ban ngày… Vợ chồng Linh thường răn dạy con vào lúc ấy, trước khi giấc ngủ kéo đôi mi dài cong vút của nó sập xuống. Trong khoảng thời gian long đong tim nơi cứ trú, mối lo toan thường trực, những toan tính và đối phó với hoàn cảnh đã khiến Linh quá mệt nhọc và nguôi nỗi nhớ. Nhưng chính vào lúc cô đã tạm thu xếp được một khoảng không gian nhỏ bé cho riêng mình, nỗi nhớ ấy quay trở lại, dội thêm lên vì khoảng thời gian xa cách, quặn thắt trái tim người mẹ khiến cô đau. Linh nằm im, nước mắt bò từ từ qua thái dương vào đám tóc. Không chịu nổi, cô ngồi dậy vòng tay qua gối. Ánh đèn nhảy rỡn trong vòng sáng của nước mắt đọng trong mi. Người đàn bà như bị chìm lút giữa quầng sáng của chất muối cay xót… "Giờ này con bé làm gì?..."
Cô hình dung ra căn phòng xưa cũ, nơi hạnh phúc đã ngưng đọng giữa bốn bức tường và đã tan như đám khói mùa thu. Lúc này, con cô đang ở nơi đó với Nguyên. Cõ lẽ anh ấy đã tắm rửa thay quần áo xong cho nó và hai bố con cùng ngồi ăn cơm. Có lẽ, anh đưa nó ra hiệu ăn phở và lúc này họ cùng nằm khểnh trên giường. Có lẽ Nguyên bận dịch tài liệu và bắt con bé ngồi xếp đi xếp lại hộp trò chơi khai trí… Tất cả những tình thế ấy đều hiện ra trong óc não Linh, với cảnh côi cút thảm sầu. Nguyên cô đơn và con gái cô càng cô đơn hơn. Nó vẫn gắn bó với cô là chính. Đành rằng, bé Hương Ly yêu bố và Nguyên là người đàn ông tận tình tận nghĩa với con, nhưng dẫu sao anh cũng vẫn là đàn ông, anh không thể iu ấp dịu dàng, không thể chiều nựng tỉ mỉ và cặn kẽ như người đàn bà thực thụ. Rốt cuộc, chỉ có đứa bé thiệt thòi nhất. Trong lúc nhớ mẹ, nói không thể đốt một điếu thuốc lá hay nhâm nhi môt ly rượu cho khuây. Nó chỉ có thể âm thầm nhìn những đứa trẻ khác mà thèm khát. Nó chỉ có thể lặng lẽ khóc trong giờ, để nước mắt đọng hoen gối. Hoặc nó chỉ có thể gọi tên mẹ trong giấc mơ… Những ý tưởng đó khiến Linh nấc rung lên từng đợt. Nước mắt tràn trên má, ngấm vào môi vừa ấm vừa mặn. Người đàn bà đứng dậy, lau mặt, tìm chiếc áo khoác rồi đạp xe ra phố, không kịp nghĩ ngợi, đắn đo. Dường như một thúc hối từ cỗi âm u của vô thức xua đẩy cô chạy khỏi căn buồng quạnh quẽ.
Lúc ấy, dường như phố đã vắng. Thỉnh thoảng, mới có một cặp tình nhan nép dưới bóng cây. Linh thấy trán nóng bỏng còn hai má lạnh toát như đồng. Một cảm giác chênh vênh mơ hồ trấn ngự trong cô dường như cô đang vượt qua một cây gỗ bắc qua vực, bên dưới là bóng đêm và gió lạnh, bên kia cầu là cái quầng sáng nhỏ xíu ẩm ướt và mịn màng của gương mặt đứa con. Lúc Linh leo lên cầu thang, chuông đồng hồ báo thức nhà chị Hồng gõ mười tiếng. Linh dừng lại trước khuôn cửa sổ đang toả ra ánh sáng xanh mờ, ánh đèn chụp lụa xanh Nguyên dùng đọc sách ban đêm. Chắc chắn con bé đã ngủ rồi, và người đàn bà chợt nhận thấy tình trạng trớ trêu của mình.
"Chỉ cần ôm con một chút thôi, hoặc nhìn mặt nó cũng được. Cho tới lúc, mình có thể đón bé Hương Ly theo…"
Đấy là một hy vọng, nhưng cô không dám bày tỏ vì dẫu sao, Nguyên đơn chiếc và đau xót hơn. Anh lầm lũi nuôi con, lầm lũi chờ đợi một kết thúc quá mỏng manh, và nghiến răng chịu những nỗi đau cay độc. Trong thâm tâm, Linh vẫn hiểu anh thiệt thòi hiểu anh nhẫn nhịn và vị tha…
Giữa lúc phân vân, người đàn bà va phải cánh cửa sổ. Cánh cửa đạp cạch một tiếng vào tường. Cô giật mình, tim đập thon thót. Nhưng cô đứng im. Trong nhà, Nguyên đã rời quyển sách, thong thả ra mở cửa:
- Ai đấy?
Anh hỏi khẽ, có phần hơi ngạc nhiên vì tiếng gõ lúc khuya khoắt.
Tiếng nói tắt ngấm khi anh nhìn thấy gương mặt trắng như đá của Linh.
- Hương Ly…
Người đàn bà lắp bắp. Mắt cô nhìn anh như lạc đi trong bóng tối. Nguyên mở rộng cánh cửa, khẽ dùng vai ẩy vợ vào, anh khép chặt cửa lại, đứng đó, tựa lưng lên như muốn mãi mãi khoá chặt người đàn bà yêu dấu của anh trong căn phòng. Linh đã lao tới giường, không còn cẩn trọng ghìm giữ được tình cảm:
- Hương Ly, con gái của mẹ, con gái mẹ…
Cô hôn như điên dại, hôn chi chít lên mặt đứa bé, ghì chặt đến nỗi nó tỉnh giấc. Không mê ngủ, không kinh ngạc, con bé ngồi nhỏm dậy và nhoẻn nụ cười tuyệt đẹp:
- Mẹ đấy à, sao mẹ lâu về thế?... Nào, chià má ra, tới lượt con thơm mẹ phải không?...
- Mặt mẹ ướt quá, mẹ vừa tắm xong hả mẹ? Bà ngoại vẫn dặn mẹ không được tắm đêm cơ mà?... Mẹ vào ngủ với con nhanh lên kẻo mai con còn phải tới lớp...
Linh không nói được. Cô chìm đắm trong trạng thái của cơn sốt yêu thương và tủi hờn. Rồi ôm chặt đứa bé kêu:
- Mẹ phải mang con đi theo, nhất định mẹ phải mang con đi...
Tiếng kêu ấy nghe như tiếng hét trong giấc mộng. Nguyên rời cánh cửa, tới sau Linh và lặng lẽ đặt tay lên vai cô:
- Khẽ chứ em, khuya rồi.
Linh sực tỉnh. Cô nhìn anh, nước mắt đầm đìa:
- Em không thể xa Hương Ly được. Em phải mang con theo.
Lúc ấy, bé Hương Ly đã nằm xuống lại ngồi nhỏm dậy. Đôi mắt đen tinh khôn của nó hết nhìn người này tới người kia. Nó thỏ thẻ nói:
- Bố cho con đi chơi với mẹ, bố nhé?... Rồi đến chủ nhật con lại rủ mẹ về nhà mình...
Nguyên đặt con bé nằm xuống giường...
- Con ngủ đi.
Rồi anh ngồi xuống mép giường, lặng lẽ. Trong khoảng thời gian ấy, tiếng tắc kè từ vòm cây phía trước vọng vào, rõ mồn một. Chưa bao giờ, tiếng tắc kè vang động và buồn đến thế. Người đàn ông đăm đăm nhìn vợ, đáp:
- Được, Linh ạ.