Tuổi trẻ dễ quen với mọi môi trường, kể cả không khí và sinh hoạt nhà giam. Cu Linh thích nghi nhanh chóng với những kẻ phạm tội. Nó là thằng ít nói, có khi lầm lì suốt ngày, nhưng lại có đầu óc quan và có nhận xét khá sắc sảo. Sau cái trận đánh nhau với Bảy Thẹo, cu Linh không hề ton hót, mách bảo gì với ban giám đóc trại, cái điều mà thằng Bảy Thẹo rất lo. Biết được cuộc ẩu đã này thằng Bảy Thẹo thế nào cũng bị ít nhất là ba đến năm ngày phạt giam, chân xỏ vào cùm, ngồi ê đít và không được thấy ánh nắng mặt trời. Và điều lo sợ nhất là ăn cơm chay, nghĩa là không có một hạt muối nào. Ngày hai bữa cơm suông và mỗi bữa đúng một bác. Riêng điều này nó nể thằng cu Linh. Đây là một thằng không đến mỗi trẻ con, biết luật chơi. Từ đấy nó đối xử với thằng Linh có khác: ít bắt nạt, không khiêu khích…Mỗi lần có ai đó mách với nó thăng Linh thế này thế nọ, nó đều mắng bọn đàn em. Tuổi trẻ cũng là tuổi dễ lước qua mọi bệnh tật. Những vết thương mà Bảy Thẹo để lại trên người nó, ai cũng tưởng nó không dậy được. Nhưng ngay sáng hôm sau nó đã dậy và đi làm như mọi đứa trẻ khác. Cu Hoà trở thành bạn thân của nó. Nó sống rất thảo, chứ không ki bo như mấy thằng khác. Bạn bè cần cái gì nó không bao giờ tiếc nếu nó có. Trong trại nó là thằng học cao nhất, lớp tám dở dang. Nhà trường chỉ dạy cho trẻ phạm đến lớp bốn là hết. Nó phải nhờ mấy chú quen thân mua cho nó bộ sách lớp tám. Ngoài giờ lao động cưỡng bức, nó nuôi thêm gà đẻ và tự học. Là một đứa trẻ thông minh, nó tiếp thu chương trình lớp tám không có gì khó khăn lắm. Ở trại có một chú học hết lớp mười. Trường hợp bí lắm nó mới nhờ chú giảng giúp. Chỉ trong vòng sau tháng nó đã giải quyết xong chương trình lớp tám và bắt đầu chương trình lớp chín. Cả trại đều khâm phục nó. Cái việc ham học và chăm làm của nó đã gây được cảm tình với ban giám đốc trại. Cũng từ đấy, nó chuyển qua làm giáo viên cho bạn bè cùng lứa, không phải lao động cưỡng bức nữa. Bọn trẻ khâm phục nó, bởi nó giảng giải dễ hiểu hơn nhiều chú giáo viên khác. Mặt khác, dù sao nó vẫn là đứa trẻ con phạm tội như chúng nó và vì vậy, mỗi lần hỏi điều gì, chúng không ngần ngại, e dè như phải hỏi các thầy người lớn. Được cái thằng Linh ân cần, ít cáu giận. Ở mặt này nó là thầy giáo mát tính. Có người trong ban giám đốc trại bàn đến trường hợp thằng Linh, đã thắt mắt, một đứa trẻ ngoan và chăm học, chăm làm, tính tình điềm đạm, xử sự rất người lớn như thế tại sao lại can tội trộm cướp, gây gổ, đánh nhau, gây thương tích cho nhiều người. Nhưng đấy lại là nhận xét của chính quyền địa phương. Hơn nữa, ở đấy bố nó là thường vụ tỉnh uỷ, bí thư huyện. Ông không hề có phản ứng gì. Điều ấy đã làm lung lay mọi ý nghĩ, mọi thắt mắt của những ai muốn đặt lại vấn đề tư cách thằng Linh. - Trẻ con bây giờ hư lắm. Phải rèn cặp, phải nghiêm khắc đừng để chúng nó nhờn. Phương pháp cải tạo tốt nhất là rèn luyện, thử thách trong lao động, lao động và lao động thực lực vào. Các đồng chí nhớ, đừng bao giờ quên cái phương châm lấy lao động mà cải tạo con người của ta. Ông nói, tay vung ra phía trước, lúc đưa lên đưa xuống, khi đưa qua đưa lại. Im lặng một lúc, ông tiếp: Ở bên Trung Quốc, bao nhiêu tiến sĩ, kỹ sư, bao nhiêu giáo sư và nhà bác học, đều phải trở về nhà máy và nông thôn để lao động cải tạo. Đấy là loại người chuyên ăn bám, chỉ biết nói lý thuyết mà không biết làm. Phải cho họ thấy, vì đâu mà có bác cơm họ ăn, vì đâu họ có manh quần, manh áo họ mặc, vì đâu có cái mũ họ đội, đôi dép họ đi. Phải tập cho họ biết đập búa và đe, biết cầm cày xuống ruộng, biết bón phân, đi chân đất và nằm nhà tranh… Còn bọn văn nghệ sĩ thì ở nước nào cũng thế cả. Lơi lỏng một tí là bọn chúng bôi đen chế độ, nói xấu lãnh đạo, luôn tìm cơ hội để chửi đổng…Bao nhiêu văn nghệ sĩ ở ta, các đồng chí thấy đấy. Ta mà không nghiêm, không cương quyết cho chúng đi cải tạo, chúng ta đã mất chính quyền từ cái năm “nhân văn” ấy rồi. Các đồng chí nhớ, chuyên chính vô sản là vũ khí sắc bén của chúng ta. Tôi đã từng làm tuyên truyền, tôi biết, phải thường xuyên giáo dục,rèn luyện và cải tạo. Không một phút nào dược quên điều ấy. Tư tưởng con người, đặt biệt là bọn trẻ con thiếu giáo dục là phức tạp lắm. Và phương pháp giáo dục tốt nhất là lao động chân tay. Tôi mà làm bộ trưởng bộ giáo dục, một năm tôi cho cái đám học trò, cả thầy cô giáo nữa đi lao động ít nhất là sáu tháng. Tôi rất hoan nghênh cái mô hình vừa học vừa làm. Các đồng chí nhớ, đừng bao giờ để chúng có thì giờ rỗi. Các anh rỗi rãi là hay lắm chuyện, không nghĩ đến chuyện ăn cắp cũng lập kế đánh nhau. Cả chánh phó giám đốc đều im lặng, cúi đầu chăm chú lắng nghe những lời chỉ giáo của ông. Nhưng thật ra, tất cả đối với họ đều nhàm chán, dều đã quá cũ. Họ đã nghe những thứ này không biết bao nhiêu lần rồi. Và vì vậy khi ông vừa dứt, họ vội vàng chuyển đề tài. -Trường hợp em Linh, chúng tôi thấy… Giám đốc trại Lê Văn Định trình bài một trường hợp đặt biệt. Thuật cắt lời ngay: - Dù nó là con tôi hay con bất kỳ ai, chúng ta vẫn phải nghiêm khắc. Tôi không cho phép các đồng chí châm chước. Tôi muốn con tôi trở nên người tốt, mai sau lớn lên nó trở thành người lao động giỏi, giúp ích cho chủ nghĩa xã hội. Quyết định ba năm là cứ để cháu nó cải tạo đúng ba năm. - Nhưng ở đây cũng có nhiều em học tập, rèn luyện lao động tốt đều được xét ân giảm. - Nên nhớ phải xét nó trong hoàn cảnh chung. Tôi không thích kiểu châm chước riêng. Tôi mong các đồng chí hiểu cho rằng, dù tôi có là bí thư huyện hay bí thư tỉnh, các đồng chí đừng bao giờ vì tôi mà nể nang. Làm thế người ta đánh giá tôi không ra gì. Người càng có cương vị cao là người càng biết tự nghiêm khắc với chính mình. Chưa bao giờ các đồng chí ban giám đốc trại ở đây gặp một lãnh đạo có tư tưởng cứng rắng như thế. Ở mặt này họ coi Thuật là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực. Nếu ai cũng như Thuật thì các đồng chí trong Bam giám đốc trại đở vất vã biết bao nhiêu. Cái cán cân công lý ở đây được giữ nghiêm minh, không ai suy bì, tị nạnh ai. Nhưng rất lạ, chưa đầy sáu tháng sau, chính Thuật, trong lần đến trại thăm thằng con riêng của người đồng chí cũ của mình ấy đã kéo riêng giám đốc Lê Văn ra một chỗ vắng trình bài dài dòng về một trường hợp đặt biệt. Đấy là trường hợp thằng Đức, con của dồng chí bí thư tỉnh uỷ. - Các đồng chí phải hết sức thông cảm cho đồng chí ấy. Thuật nói gần như huấn thị. Trách nhiệm đồng chí ấy lớn quá và vì thế chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ danh dự cho đồng chí ấy… -Theo đồng chí trường hợp này, chúng ta nên giải quyết như thế nào cho phải. Hồ sơ của nó ghi rất rõ: 15 tuổi: Ăn cắp, hiếp dâm,… Vào trại, nó là một thằng bứng bỉnh nhất, ngay cả chúng tôi nó cũng không coi ra gì. Ai cũng có cảm nghĩ, bố nó làm bí thư thì nó có quyền coi chúng tôi là rác. - Chẳng phải thế đâu, đồng chí ạ. Tính cháu nó ngang bướng từ khi lên năm lên bảy kia. Thôi, đồng chí với nhau, ta thông cảm, chín bỏ làm mười đồng chí à. - Bây giờ lấy lý do gì để thả nó ra, chúng tôi khó nghĩ quá. - Khó gì cái thứ vớ vẫn ấy, đồng chí. Thay đổi hồ sơ đi… Lập hồ sơ mới, huỷ hồ sơ cũ. Lập hồ sơ, huỷ hồ sơ là quyền của chúng ta… Lê Văn cúi đầu xuống, đôi mắt không chớp, lặng lẽ đăm chiêu. Lần đầu tiên anh nghe một đồng chí thường vụ tỉnh uỷ nói như thế này. Hoá ra quyền lực có thể làm được tất cả, kể cả tội lỗi. Tính luật pháp không còn nũa. Mọi trật tự xã hội, mọi công bằng, dân chủ, mọi phải trái, trắng đen, đối với những người như bí thư huyện Vũ Thuật này đều có thể thay đổi theo ý muốn của chính ông ấy. Giám đốc Lê Văn cứ day đi đay lại trong ý nghĩ mình cái câu: Thay đổi một hồ sơ, biến kẻ phạm tội thành lương thiện ư? Và ông tự hỏi mình: Chúng ta chiến đấu vì cái gì đây? Chẳng phải là sự công bằng xã hội ư? Đối với trẻ con mà chúng ta nở nào lại đối xử thiếu công bằng! Chúng nó sẽ nghĩ về chúng ta, những người cộng sản, lúc nào cung oang oang rằng chúng ta đang xây dựng một xã hội tôt đẹp hơn gấp vạn lần cái xã hội phong kiến và tư bản thối nát như thế nào? Lâu nay Lê Văn chỉ sợ một điều mình sống không khéo, trẻ con chúng sẽ khinh. Ông hiểu rằng trại giam mà ông là người đứng đầu này còn nhiều điều đáng nói: chỗ ăn, chỗ ngủ quá chật chội. Mùa đông rét buốt chúng nó vẫn không có lấy được tấm chiếu để trải trên nền xi măng. Ban đêm, đại tiểu tiện vẫn giải quyết tại chổ ngủ. Cơm, thậm chí ngay cả sắn cũng không đủ ăn. Thức ăn vẫn là cá khô và rau muống luộc chấm nước muối… Tuy nhiên, lương tâm ông đừng bao giờ làm cho các cháu mất niềm tin, mất phương hướng. Không có niềm tin, không có phương hướng các cháu sẽ trở nên bơ vơ và tất nhiên khó mà giáo dục cho các cháu được điều gì. “Cho đến hôm nay tôi còn dám nhìn cái thằng Đảng viên của tôi mà không thấy xấu hổ là vì, ít nhất tôi còn giữ cho những đứa trẻ phạm này cái đối xử công bằng – dù là tương đối”. Lương tâm ông đã nói như thế. Bây giờ thì ông Lê Văn đang đứng trước thử thách mới. Một bên là lương tâm, một bên là đồng chí, là cấp trên. Anh hiểu và thông cảm cho nhiều đồng chí lãnh đạo, do bận nhiều công việc, nên ít để tâm đến việc giáo dục con cái. Nhưng cũng không ít đồng chí quá nuông chiều con cái, tạo cho chúng thói quen dựa thế, không coi ai ra gì. Trường hợp đối với thằng Đức, anh nghĩ, nếu không giáo dục đến nơi đến chốn, chắc chắn nó sẽ rơi vào tội lỗi nặng hơn nữa. Và khi đã dứt khoát với lương tâm, ông ôn tôn nói với Thuật. - Theo tôi, ta không nên làm thế. Nếu các đồng chí tin, chúng tôi xin đảm bảo giáo dục nó đến nơi, đến chốn. Chắc chắn nó sẽ nên người tử tế. - Tôi đã nói với đồng chí bằng tất cả của mình. Nhưng nhất định đồng chí không thông cảm. Thôi, tuỳ đồng chí… Thuật lạnh nhạt bắt tay giám đốc Lê Văn và lên ô tô quay về, quên cả việc hỏi thăm thằng con riêng của vợ. Trong trí óc của Thuật bây giờ chỉ còn duy nhất gương mặt đồng chí bí thư tỉnh uỷ. Gương mặt ấy lúc vui vẻ viên mãn trông thật dễ chịu, nụ cười loé lên như giọt nắng trong những ngày mưa dầm. Những lúc buồn phiền, gương mặt ông sắt lại, trông rất dữ. Trông thấy ông những lúc ấy ai cũng thấy sợ, cũng e ngại về một điều gì sẽ xãy ra với chính mình. Là một chiến sĩ cách mạng trong những năm bốn mươi, ông quả đã chiến đấu hết mình cho cách mạng, cho lí tưởng mà ông mơ ước, cho sự công bằng xã hội mà ông đã học ở trường Đảng ở ta cũng như ở nước bạn. Ông nôn nóng làm cho tỉnh ông giàu có, mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành… Ông thuyết phục tỉnh đảng bộ ra nghị quyết vận động nông dân vào hợp tác hoá trăm phần trăm không còn thành phần kinh tế tư nhân. Ông cố hết sức sống trung thực, giản dị. Phải công nhận, về mặt đạo đức ông là một người liêm khiết. Nhưng khổ nỗi, ông có bà vợ quá trẻ so với tuổi của ông. Cô lấy ông vào lúc cô 24 tuổi trong lúc ông đã ngoài 50. Người phụ nữ trẻ trung và sắc sảo này (vốn là một thư kí đánh máy cho văn phòng tỉnh uỷ) đã rút kiệt sức lực của ông và không biết từ bao giờ, lái ông vào những tội lội mà ông hoàn toàn không ngờ tới. Cô tổ chức những đường dây mua bán thuốc phiện, buôn trầm trên chiếc xe Volga của ông. Từ lái xe đến bảo vệ đều là những anh lính trung thành của cô. Phải công nhận, cô là người sùng phẳng. Cô không chi li hay thiệt thòi như: nhiều bà vợ bí thư khác. Cô biết tuỳ cơ ứng biế, tuỳ tính tình từng người mà chọn cách cư xử thích hợp. Đối với cậu lái xe ham tiền, sau mỗi chuyến hàng, cô chia cho một phần trăm số lãi thu được, còn cậu bảo vệ khái tính hơn, cô mồi chày bằng cái sắc đẹp sắc sảo, bằng chính cái thân thể nõn nà đầy quyến rũ của cô. Đối với cô, không có gì khó khăn mà không vượt qua được. Ngay ông chồng già đáng tuổi của bố cô kia, có vợ con hẳn hoi, thế mà vài ba lần tiếp xúc, cô đã chinh phục được ông một cách dễ dàng. Cô còn nhớ lần đầu tiên cô nhìn ông với đôi mắt nồng nàn, diết da… và ông đã bắt gặp đôi mắt của ông lặng lẽ, thâm trầm bỗng cháy lên ngọn lữa khác thường. Và sau đấy, trong những lần tiếp xúc với ông – hoặc báo cho ông biết có đoàn này hay đoàn kia đến gặp (không phải là nhiệm vụ của cô) hoặc đưa công văn, giấy tờ cho ông ký… cô đã vô tình chạm vào đôi vú trẻ trung của cô vào cánh tay ông. Những lúc ấy, cô đo được nhiệt độ của ông qua đôi mắt tràn đấy những khát khao. Công việc thâm dò được lập lại nhiều lần, cho đến một hôm, ông ngẫng đầu lên và bắt gặp đôi môi thắm đỏ của cô đón đợi…Trái tim băng giá của ông bắt đầu cháy lên. Bây giờ, lần đầu tiên, ông cảm nhận thấy mình được yêu. Trái tim ông luôn rạo rực, trí óc ông luôn chờn vờn đôi môi quyến rũ của cô thư kí đánh máy. Những thèm muốn bình thường sau gần mười năm bắt đầu trỗi dậy… Và vợ già ở quê bắt đầu trở thành một tảng đá nặng nề trong cuộc đời ông. Tất nhiên bằng mọi cách ông phải hất tảng đá ấy đi. Điều này đối với ông là vô cùng khó khăn, nhưng đối với những “quân sư” của ông thì lại quá dễ. Họ đã lo cho ông vào đấy. Và đám cưới với cô thư ký đánh máy sau ba tháng. Một trong những quân sư tận tình giúp ông trong việc này là Vũ Thuật. Hồi ấy, Thuật mới là thường vụ huyện uỷ, phụ trách khối tuyên truyền thi đua. Và ông đã trả lương cho Thuật bằng cách đưa Thuật vào tỉnh uỷ, rồi thường vụ tỉnh uỷ. Với cương vị của mình, tiếng nói của ông luôn được cấp dưới vị nể, chấp hành Khi phân tích về việc đề bạt Thuật, bao giờ ông cũng lấy quan điểm, lập trường giai cấp ra để khẳng định. Thật sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo,bố đánh dậm, ở với bà cô. Tuy học hành chưa đến đầu đến đũa, nhưng so với nhiều đồng chí trong thường vụ, dù sao anh vẫn là người có học, lập trường giai cấp rõ ràng. Thời anh ta làm đội trưởng đội cải cách ruộng đất, ông là đoàn trưởng. Ông rất quý Thuật. Ít có người trung kiên và tuyệt đối phục tùng cấp trên như anh ta. Về mặt tình cảm riêng tư, phải nói Thuật đối với ông như một người nhà, như một người em hiếu thảo. Chính Thuật đã dàn xếp mọi việc về bà vợ già quê mùa đã một thời che dấu ông và tổ chức chu đáo đám cưới cô Minh Nguyệt êm đẹp, không có lới ra tiếng vào nào. Bây giờ đến lượt con trai ông – tức con đầu của Minh Nguyệt. Thái độ của ông rất bình tĩnh. Mọi việc rối rắm phải từ từ mà gỡ. Quyền lực ở trong tay ông, nói sao anh em cấp dưới lại không nghe. Nhưng Minh Nguyệt lại cứ sồn sồn như đỉa phải vôi. Cô ấy là người mẹ, ông hiểu. Vào trại cải tạo, thực chất là vào nhà tù. Đã ở tù làm sao sướng được. Phải làm quần quật, ăn uống lại kham khổ. Chưa từng, những thằng bướng bỉnh như nó bị mấy chú trại giam dần cho ê xương. Cứ nghe xe ông chạy về là Nguyệt lại chạy ra, to nhỏ, ngọt nhạt, khi khóc lóc ầm ĩ, khi đòi mang gói ra đi. Thậm chí có lúc cô còn mắng ông là loại người cha sắt đá, không có trái tim. Đêm ấy cô dứt khoát không cho ông đụng vào người cô, mặc cho ông nài nỉ van xin, mặc cho ông bực mình nổi giận. Cô cứ gạt ông đi cho đến khi ông hứa sáng mai nhờ Thuật đến trại giam đưa thằng Đức nhà cô về cô mới chịu để ông ôm ấp. Nhưng Thuật đã gặp một đối tượng khá cứng rắn. Anh hận lắm. Và lo nữa. Cái chức phó bí thư thường trực sắp cầm chắc trong tay, bây giờ anh lại cảm thấy mong manh. Tất nhiên với cương vị của mình, với quyền lực của mình, anh sẽ không bao giờ khuất phục cái loại như cái tay Lê Văn, giám đốc trại cải tạo ấy. Trên Lê Văn còn có giám đốc sở. Nhưng thuật biết, giám đốc sở là một tay khá ngang ngạnh. Những chuyện lắt léo này, tay ấy không thông cảm đâu. Phải tìm cách gặp tay phó. Thuật biết tay này từ thời cải cách ruộng đất, nó cũng là một tay dễ thuyết phục, hay vì nể cấp trên. Và điều may mắn là ngay buổi chiều hôm ấy, Thuật đã cầm được tờ quyết định tạm tha thằng Đức. Khi về nhà bí thư, Minh Nguyệt không thấy thằng con, cô đã làm ầm lên, tuyên bố Thuật là một tay ăn hại, chẳng được việc gì hết. Nhưng khi nhìn thấy tờ quyết định tạm tha, cô vui vẻ hẳn lên. Cô giữ Thuật ở lại ăn bữa cơm thâm mật với chồng… Khuya hôm ấy chiếc com măng ca mới đưa Thuật về đến nhà. Tội nghiệp chú lái xe, đi quần quật từ sáng tinh mơ đến đêm khuya. Anh an ủi chú: - Thông cảm cháu nhé. Mọi việc cũng vì cách mạng cả thôi. Sáng mai hai chú cháu mình lại đi một lần nữa… Trang đón chồng với hy vọng được biết tin tức về thằng Linh. - Con sao anh? - Nó khoẻ lắm. Thằng bé chịu học. Cả trại ai cũng khen nó. Chắc nó được về sớm… - Chắc là anh có xin cho nó. - Tất nhiên. Không có anh, sức mấy nó được ra trước thời hạn. Trang hoàn toàn tin rằng cả ngày hôm nay Thuật đi thăm thằng con riêng của chị. Chị xúc động và ân hận những ý nghĩ không hay về Thuật đôi khi chợt loé lên. “Anh ấy tốt quá. Chị nghĩ với niềm vui sướng. Thế mà có kẻ ác mồm nói anh ấy chẳng ra gì. Nay mai anh lên phó bí thư, chắc họ còn dèm pha ghê gớm nữa. Đúng là miệng thế gian, không biết đâu mà lường”. Chị chúa ghét cái thói ganh ăn ghét ở... - Anh ăn thêm một tí gì nhé. Chị âu yếm nhìn chồng và nói. - Anh ăn cơm ở nhà anh Ninh rồi. Cô Minh Nguyệt tốt quá, cứ giữ anh ở lại cho bằng được. Nhà có cả một chuồng rắn em ạ. Cô ấy chặt đầu hai con rắn, cho tiết chảy vào hai cốc rượu. Phải công nhận cái món bổ thật. Uống đến đâu thấy rạo rực đến đấy. Cô ấy nói, từ ngày có cái món này nhà tôi hồng hào hẳn lên. - Ghê chết, ai lại ăn uống thế! - Việc gì mà ghê. Em lạc hậu thật. Cô ấy còn nuôi cả khỉ để bồi dưỡng cho chồng gì của cô ấy nữa cơ. Uống cả tiết khỉ nữa đấy em à… Tất nhiên, giọng Thuật nhỏ lại, như tâm tình, cái gì bồi bổ được cho cơ thể là ăn, uống, có gì mà sợ. Không khoẻ mạnh làm phục vụ cách mạng. Em tưởng làm thằng đầy tớ của dân sướng lắm à. Họp hành liên miên. Nhiều cuộc họp đấu với nhau chí chết. Anh nghiệm ra một điều, chẳng có chân lí gì mẹ cả em à. Thằng nào nắm quyền lực, thằng ấy là chân lí. Chúng nó đấu anh Ninh cũng ghê. Chủ yếu là việc hai bà vợ. Nhưng làm gì được anh ấy. Tất cả các “đối tượng” đều bị loại, thằng vào nằm nhà giam, thằng chuyển lên huyện miền ngược, tay cho về hưu,… - Anh không có liên can gì à? - Dại gì dây vào những chuyện như thế. Thằng khôn là thằng biết đứng ở thế trung lập, ai cũng thấy mình quan trọng, ai cũng muốn kéo mình về phía bên họ. Kinh nghiệm cho thấy, khi đã “vào trận”, tất cả có bên sức đầu, bên mẻ trán. Cuối cùng trên phải giải quyết về tổ chức. Và những lúc ấy, anh “trung lập” bao giờ cũng có lợi. Đấy là nói tình hình căng thẳng đến quyết liệt. - Anh thấy cái thế của anh Ninh còn mạnh lắm. Giá anh ấy không gặp cô Minh Nguyệt. - Anh đàn ông nào lại không hám gái đẹp, gái trẻ. Điều quan trọng là người vợ ấy phải biết gây thanh thế cho chồng, đừng đẩy chồng vào thế khó xử. - Em nghe cô ấy buôn bán giỏi lắm. - Tất nhiên. Đâu phải ai cũng như em. - Không phải em không biết buôn bán. Sau khi nghỉ học, em đã đi vào con đường buôn bán. Nhưng em không muốn anh bị điều này tai tiếng… - Phải. Mỗi người có cách riêng… Cần gì phải buôn bán cho mang tiếng. Em thật đấy, mọi đường dây đều không quên mình. Tế nhị lắm. Nhưng kết quả mĩ mãn. Giữa anh và Minh Nguyệt, chưa chắc ai hơn ai. Nhưng em thấy đấy, đồng chí bí thư lại chịu tiếng. - Nghe người ta kháo nhau, mọi sắp xếp ly dị bà vợ lớn để lấy cô thư kí trẻ đẹp của ông bí thư là anh? - Tất nhiên. Nhưng anh đâu đến nỗi ngốc nghếch. Anh chỉ vạch đường chỉ lối… Còn tay chân anh nó thực hiện chứ. Phải biết dấu mình em à. Còn người khôn là như thế. Thời nào cũng thế. Huống chi đây không phải là việc của anh. Ông ấy là bí thư, việc lấy vợ bỏ vợ là việc của ông ấy, chứ sao lại đổ cho anh. Sống với nhau, không hợp, bỏ nhau, có gì mà phải dư luận. - Vợ chứ có phải chăn gối đâu mà dễ thay đổi như thế. Trước đây trong những năm khó khăn, chỉ có độc cái quần cụt, anh yêu người ta và mong được người ta yêu lại. Họ cùng với anh chịu đựng bao nhiêu thử thách, giờ có chức có quyền lại quên cái thời rách rưới, khổ cực ấy… Con người sống không có nghĩa, ai chẳng khinh. Thuật có hơi quá chén. Trong niềm vui của vợ về đứa con sẽ được ra sớm anh đã bộc bạch những điều mà bình thường chị không thể nào hiểu được. Nhưng đến bây giờ thì anh đã thấy mình quá lời… và anh vội vàn giản hoà với vợ. -Thôi, ai có thân người ấy lo, em ạ. Ta đi ngủ đi em. Mai anh còn phải đi công tác sớm. Đêm ấy Trang lại nghĩ ngợi về chồng mình. Có điều gì gợn lên trong tâm hồn vốn trung thực của chị. Chị cứ loay hoay mãi mà không sao tìm được câu giải đáp: Thuật là người như thế nào? Quả thật trong tình cảm, chị phải công nhận Thuật đối xử với mẹ con chị cũng không đến nỗi nào. Anh chăm chút cho Trang như một người ở trung thành. Anh nhờ người mua ở nước ngoài cho chị từ chiếc quần lót đến hộp kem thoa mặt, ống son, lọ nước hoa… Vải vóc trong nhà không thiếu thứ gì. Hầu hết là hàng các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Thỉnh thoảng anh lại giục chị đi may. Có lần anh mua về cho chị chiếc váy ngủ. Anh bắt chị mặc cho thoáng mát, vệ sinh. Chị ngúng ngẳng xấu hổ… Nhưng rồi, tất cả những vật chất cùng tấm lòng ấy của Thuật lại không đọng lâu trong chị. Chị vẫn thấy chị sống với anh là nghĩa vụ, chứ khôgn phải bằng tình yêu như sống với Công. Công không có gì cho chị cả. Ngược lại, mọi việc trong gia đình chị đều gánh vác, lo toan. Nhưng tình cảm giữa hai người sao cứ gắn làm một. Mỗi khi Công vắng nhà, chị cứ nhớ và luôn phấp phỏng monh anh quay về. Khi anh trở về, chị mừng rỡ, tíu tít bên anh cứ như trẻ con quấn chân mẹ - Chị hiểu bằng linh cảm riêng mình, anh cũng có những tình cảm đối với chị như thế. Chị chưa giải thích được đấy có phải là tình yêu hay không, chị không rõ, nhưng những ngày ấy chị luôn cảm thấy trong lòng mình luôn tràn đầy niềm vui, tràn đầy hạnh phúc. Và những đêm sống với nhau hết mình, cả hai như buộc làm một và vào lúc ấy chị cảm giác mọi tình cảm đang trào dâng, đang cháy bỏng. Chị ôm ghì lấy anh, cắn vào môi anh như không bao giờ muốn thả anh ra. …Còn bây giờ, chị đón nhận tình yêu mãnh liệt của Thuật một cách dửng dưng, như đón nhận một trách nhiệm. Chị hiểu chị không thể làm khác hơn, không thể làm theo ý muốn, theo ham thích riêng của chị được. Vì thằng cu Linh của Công, chị phải sống với Thuật. Và chị đã dấu tất cả tình cảm chân thật của mình để làm cho Thuật vừa lòng. Chưa bao giờ chị từ chối với Thuật điều gì, ngay cả chuyện ân ái. Và bây giờ sau đấy, chị cũng nhìn ann với đôi mắt khinh bỉ. Trước mắt, cuộc đời thằng cu Linh còn khổ. Không biết số phận còn đày đoạ nó đến khi nào nữa. Ông nội đòi đưa nó về nuôi, chị nhất định không chịu. Con đâu mẹ đó. Nhưng rồi ông cụ mất không kịp trối trăng. Cả họ chị còn mỗi bà cô, thương cháu, nhưng rất dát… Vả lại, chị chưa thấy Thuật có thái độ nào ghét bỏ thằng con riêng của chị. Anh vẫn đi xin ân giảm cho nó đấy thôi. Tất nhiên, như anh nói, ân giảm tối đa là một năm với điều kiện là thằng cu Linh cải tạo tốt. - Em vẫn không tin nó hư đến thế. - Anh đã cho em xem hồ sơ về nó rồi kia mà. - Em kông tin cái hồ sơ ấy… - Thế thì em tin cái gì? - Em tin vào cảm quan của người mẹ. - Không có cơ sở nào cho phép em tin như thế cả. Tại em thương nó và và em nghĩ, em tưởng tượng ra thế thôi. Anh đã xin ân giảm cho nó. Các đồng chí lãnh đạo ở trại hứa sẽ nghiên cứu. Phải biết chờ đợi em à. Đừng bắt anh làm những gì quá khá năng của anh. Thật lòng anh đã cố gắng. - Tại anh không muốn đấy thôi, chứ có gì mà không làm được. - Em đừng nói thế… Nhưng dù sao anh cũng không muốn vì con mà anh mất đi cái uy tín liêm khiết của mình, cái nhân cách của mình. Hôm ấy, lần đầu tiên giận quá chị đã không giữ được: - Uy tín, nhân cách! Chị nói trong nước mắt. Các người làm gì có những thứ ấy. Tầm thường! Tầm thường cả thôi. Và sau đó, chị lại vùi đầu trong chiếc gối, khóc: khóc vì thương nhớ thằng con riêng, khóc vì ân hận về sự nổi giận vô lý cũa mình vừa rồi.