Chương 10


Chương 6

     ăm Hương, súng trường cầm tay, chậm chạp rẽ cỏ lau tiến tới! Một thằng bé lẽo đẽo theo sau lưng gã. Mải mê cuộc săn bắn buổi sáng, Năm Hương đã đi xa xóm mà vẫn chưa hay biết. Gã định bụng mặt trời lên khá cao mới chịu trở về nhà.
Ra khỏi đám lau cao quá đầu người, Năm Hương dẫm chân lên một con đường mòn nhỏ. Vui chân gã mạnh dạn thẳng tiến mặc dù gã chưa hề đi con đường mòn này lần nào.
Con đường ngoằn ngoèo dẫn tới tận chân một ngọn đồi cỏ xinh xắn trông như một gò đất. Ở lưng chừng đồi, một ngôi nhà lá nằm trơ vơ, mà thoạt nhìn qua người ta sẽ bảo đó là cái quán nhỏ.
Năm Hương vừa định lê chân lên đồi thì một giọng chó sủa quen thuộc nổi lên. Năm Hương vểnh tai nghe ngóng. Từ trong căn nhà rách, một con chó cao lớn chạy ra đứng trước cửa, đuôi ve vẩy.
Năm Hương buột miệng:
- Con Tô Tô...
Gã nhanh nhẹn ra hiệu cho thằng bé đứng khuất vào một lùm cây rậm. Đôi mắt ốc nhồi của Năm Hương nhìn thẳng về phía trước mặt.
Theo thường lệ mỗi buổi sáng, Mỹ Lan đều xuống đồi bẻ củi khô về chụm trong lúc bà lang Bảy đi thăm bệnh ở xóm dưới. Từ lúc sanh nở tới giờ Mỹ Lan trốn tránh tất cả mọi người. Nàng chẳng hề đặt chân xuống xóm hoặc ra chợ. Nàng ở nhà lo săn sóc con trai và đùa giỡn với Tô Tô trung thành. Nhờ trời, thằng bé Trần Đức lớn như thổi và mập cùi cụi. Tối ngày nó cười toe toét, chẳng hề khóc bù lu bù loa như những đứa trẻ trạc tuổi nó. Cuộc sống của hai mẹ con Mỹ Lan cũng đầm ấm và hạnh phúc. Nỗi đau buồn của Mỹ Lan vơi dần dần.
Đôi khi nàng cũng thấy nhớ Triệu Vĩ, nhớ những ngày yêu đương cũ. Những lúc đó là những lúc Mỹ Lan đau khổ vô cùng. Những hình bóng con người phản bội rất chóng bôi xóa, nhờ hình ảnh Trần Đức hiện lên lấn áp. Bao nhiêu tình duyên tan vỡ. Dưới mái nhà tranh nghèo nàn của bà lang Bảy, luôn luôn vẳng tiếng cười nói của hai mẹ con Mỹ Lan.
Mỹ Lan bồng thằng bé ra đứng cạnh con Tô Tô. Nàng cho thằng bé tắm nắng buổi sáng.
Nhận ra Mỹ Lan, Năm Hương sửng sốt:
- Trời! Con Mỹ Lan...
Qua phút ngạc nhiên cực độ, Năm Hương lẩm bẩm:
- Thì ra nó vẫn chưa chết! Nó ẩn tránh trên cái nhà mồ này để sanh đẻ và không chừng nó còn định làm một việc tày trời gì nữa đây. May mà ta khám phá ra tung tích nó sớm! Con này lợi hại thật!
Đợi cho Mỹ Lan và con chó Tô Tô trở vào nhà, Năm Hương nắm tay thằng bé cầm xâu chim lôi trở lộn về con đường cũ. Gã cắm cổ bước nhanh nhưng mắt vẫn không quên nhận rõ đường lối. Vừa đi gã vừa bới óc tìm hiểu hành động của Mỹ Lan và sắp đặt mưu cơ để đối phó lại. Gã xoa hai bàn tay cười khoái trá:
- Chuyến này mầy có chạy đằng trời!... Tao sẽ phá hỏng mưu toan của mầy, hành hạ mầy suốt đời đau khổ. Mầy sẽ thấy thằng Năm Hương trả thù. Hà hà!... Rồi mầy sẽ ân hận vì cái tánh làm cao của mầy!
Đến nhà, cất súng và chim xong xuôi, Năm Hương đi sang phòng bà Triệu Phú. Gã gõ cửa và chờ đợi. Bà Triệu Phú thân hành ra mở cửa.
Thấy Năm Hương, bà vui vẻ:
- À, chú Năm! Hôm nay chủ nhật chú không đi chơi à?
Năm Hương giữ vẻ mặt nghiêm trọng hỏi nhỏ:
- Cậu Hai đâu rồi?
Biết có tin lạ, bà Triệu Phú mời Năm Hương vào phòng và đáp:
- Nó ra chợ Cà Mau chơi với thằng Sinh rồi! Có tin lạ?
Năm Hương thong thả nói:
- Ban sáng tôi đi săn ở xa xóm, tình cờ tôi đã khám phá ra một chuyện lạ lùng.
Gã nói sang chuyện khác:
- Đám cưới của cậu Hai chừng nào cử hành?
Bà Triệu Phú tuy nóng nảy nhưng vẫn phải đáp theo câu hỏi của tên quản lý:
- Hai mươi ngày nữa! Đám hỏi cử hành tuần trước, chú chóng quên quá.
Năm Hương gật gù:
- Cũng còn kịp, chưa đến đỗi trễ.
Quá nóng nảy, bà Triệu Phú gắt:
- Nhưng cái quái gì mới được chứ?
Năm Hương vẫn thong thả:
- Ban nãy, trong lúc đi săn tôi cao hứng lần đến một nơi hoang vắng cách xa xóm làng, một nơi ít có chân người đặt tới. Tình cờ tôi gặp cô Mỹ Lan.
Bà Triệu Phú giật mình:
- Mỹ Lan? Nó vẫn còn sống? Tôi tin rằng nó đã tự vẫn rồi kia mà!
Năm Hương nhếch mép cười:
- Trước kia tôi cũng tin như thế, nhưng giờ thì tôi đã hết tin rồi. Tôi không thấy Mỹ Lan tận mắt, một Mỹ Lan bằng xương bằng thịt.
Bà Triệu Phú nghi ngờ:
- Nếu nó còn sống sao nó bỏ nhà trốn mất làm gì?
Năm Hương nói rõ ràng:
- Đấy mới là chuyện quan hệ!
Không đợi bà Triệu Phú hỏi dồn, Năm Hương nói luôn:
- Mỹ Lan đã khôn ngoan tạo nên vở kịch tự trầm mình để lừa gạt chúng ta...
Bà Triệu Phú ngắt ngang:
- Lừa gạt chúng ta, đâu có lợi lộc gì cho nó?
Năm Hương vẫn điềm đạm:
- Bà đừng nóng nảy, thủng thẳng tôi giải nghĩa hết cho bà rõ. Chuyện gì cũng có cái nguyên do của nó. May mà tôi khám phá ra kịp, nếu không chúng ta nguy mất. Khi được tôi báo tin cho biết Triệu Vĩ sắp lấy con gái của bác sĩ Thạch làm vợ, Mỹ Lan buộc lòng phải bỏ nhà trốn tránh vào chỗ hoang vắng vì cô ấy đã mang thai. Không muốn cho thiên hạ chê cười và nghi ngờ nên Mỹ Lan mới bày chuyện bỏ chiếc khăn bàn trên bờ sông. Vì thế nên cậu Hai và chúng ta đều ngỡ Mỹ Lan đã tự vẫn. Trong lúc đó Mỹ Lan sắp đặt một âm mưu ghê gớm. Nàng chờ đợi sanh đẻ xong mới ra tay thi hành quỷ kế. Bà đã hiểu rõ chứ?
Đã đón hiểu được ý của Năm Hương, bà Triệu Phú gật đầu:
- Tôi hiểu chút chút rồi. Con Mỹ Lan vẫn ngờ Triệu Vĩ phản bội nó thật tình nên định tâm trả thù và phá hoại.
Năm Hương đắc ý tán đồng:
- Chính thế! Hiện thời Mỹ Lan đã sanh đẻ xong xuôi. Tôi thấy cô ấy bồng đứa bé ra đứng hóng nắng buổi sáng. Tôi tin chắc Mỹ Lan sẽ bế con trở về xóm để phá khuấy cuộc hôn nhơn của cậu Hai. Như thế thật là nguy hiểm. Danh dự nhà bà sẽ bị xâm phạm đến và đám cưới của cậu Hai sẽ bị tan vỡ. Có lẽ bà dư biết cậu Hai vẫn còn yêu Mỹ Lan. Nếu hai người gặp nhau thì... mưu cơ của chúng ta bị bại lộ.
Ngồi nghe Năm Hương giãi bày, bà Triệu Phú tỏ vẻ lo âu ra mặt. Đợi cho tên quản lý dứt lời, bà nói:
- Chú nói đúng! Ván bài của chúng ta sẽ hỏng hết. Tôi chẳng đời nào chịu nổi cái nhục nhìn con trai tôi lấy con nhỏ nhà quê làm vợ. Chúng ta phải làm sao bây giờ? Tôi rối trí hết rồi! Hơn nữa đã gần đến ngày đám cưới của chúng nó. Nếu Mỹ Lan còn sống, Triệu Vĩ sẽ từ chối cuộc hôn nhơn. Tôi biết rõ tánh ý nó. Chú ráng giúp tôi thêm phen này, tôi chẳng hề quên ơn chú.
Năm Hương giả vờ khó khăn lắm, nhưng kỳ thật gã đã sắp đặt sẵn đâu đấy xong xuôi cả rồi.
Thấy Năm Hương chần chừ, bà Triệu Phú lo ngại nhiều thêm. Bà khẩn thiết nói:
- Nếu thành công tôi thưởng chú một số tiền to tát.
Năm Hương chỉ chờ đợi có thế. Gã “à” một tiếng to rồi trịnh trọng:
- Tôi đã nghĩ ra rồi! Bây giờ chỉ còn cách ngăn cản không cho Mỹ Lan gặp mặt cậu Hai.
Bà Triệu Phú lắc đầu:
- Có trời mới ngăn cản được nó thôi! Đứa trẻ mới sanh là một lợi khí rất mạnh của nó.
Năm Hương cười tự phụ. Gã lầm thầm với bà Triệu Phú một hồi và nói to với giọng khoái trá:
- Nếu chúng ta làm được như thế Mỹ Lan sẽ chẳng bao giờ tìm gặp mặt cậu Hai, vì nàng đinh ninh cậu Hai đã phản bội, nàng nghĩ luôn rằng mất món bùa đó sẽ chẳng còn ai tin nàng. Âm mưu của chúng ta sẽ chẳng có một người thứ ba biết được. Và họ sẽ xa nhau cho đến trọn đời.
Bà Triệu Phú mừng rỡ vỗ vai tên quản lý trung thành khen:
- Diệu kế!... Thiệt là diệu kế! Chú luôn luôn là kẻ đắc dụng.
Được chủ khen ngợi, Năm Hương khoái trá nhưng vờ nghiêm trọng:
- Bà khen tôi làm tôi thẹn quá! Bổn phận người làm công phải hết lòng với chủ, đó là lẽ tự nhiên.
Bà Triệu Phú ân cần dặn dò:
- Dù sao chú cũng phải hết sức cẩn thận, tránh trước những chuyện không may, tốt hơn. Đây là một việc làm nguy hiểm và trái với pháp luật. Nếu chú để bại lộ, chúng ta nguy mất.
Năm Hương vênh mặt tự phụ:
- Bà khỏi lo, tôi sẽ làm tròn sứ mệnh dễ dàng. Tôi biết xếp đặt mọi việc!
Bà Triệu Phú tiễn Năm Hương ra khỏi cửa phòng:
- Tôi hoàn toàn tin cậy chú. Chúc chú thành công.

*

Đã ba hôm nay, Năm Hương buổi sáng nào cũng đến rình rập căn nhà của bà lang Bảy để thực hành một mưu định tàn ác. Nhưng ba hôm nay, Mỹ Lan không bước chân ra khỏi nhà. Năm Hương nóng ruột vô kể vì bà Triệu Phú luôn luôn thúc hối. Hơn nữa đã sắp đến ngày đám cưới của Triệu Vĩ.
Năm Hương kiên nhẫn chờ đợi, dù sao gã cũng phải đi đến mục đích cuối cùng.
Cái thù của gã phải được trả trọn vẹn và gã không thể làm phụ lòng tin cậy của bà Triệu Phú. Gã căm thù Triệu Vĩ vì Triệu Vĩ đã làm nhục gã trước thầy thợ. Gã oán hờn Mỹ Lan vì Mỹ Lan xô đẩy và khinh bỉ gã. Cái con người Năm Hương chẳng bao giờ biết phục thiện. Gã chỉ muốn đừng ai can thiệp vào hành động của gã.
Những kẻ luồn lỏi, nịnh bợ đều là những kẻ có nhiều tự ái và tánh khiếp nhược. Năm Hương thuộc về loại hạng người này. Những lời phê bình thân mật của người ta Năm Hương cho là những lời nhục mạ thậm tệ.
Nắng đã lên khỏi ngọn tre xanh ở xa xa. Năm Hương đúng mỏi cả chân, mồ hôi ướt đẫm trán. Mắt không rời một phút căn nhà lá trơ vơ, Năm Hương thấp thỏm trông ngóng.
Cánh cửa tre mở rộng, Mỹ Lan lách mình bước ra ngoài, tay nàng xách một chiếc giỏ mây đan. Chiếc khăn trắng quấn quanh cổ, tóc nàng bay phơ phất trong gió sớm.
Năm Hương khoan khoái thở phào:
“Tưởng mầy ở nhà mãi chứ”.
Gã tặc lưỡi tiếc rẻ:
- Con nhỏ càng ngày càng đẹp thêm, bỏ qua cũng uổng thật!
Con chó Tô Tô quấn quít bên chân cô chủ. Mỹ Lan vỗ đầu nó và nói những gì không biết mà con vật quay đầu trở vào nhà. Mỹ Lan bước nhanh ra đường.
Năm Hương vội vàng ngồi thụp xuống để Mỹ Lan không trông thấy. Đợi cho bóng nàng khuất mất trong một ngã rẽ, Năm Hương rời khỏi chỗ núp. Nhớ đến con chó Tô Tô, gã ngần ngại giây phút nhưng lại rùng vai khi liếc nhìn khẩu súng săn.
Chẳng bỏ lỡ một dịp may, Năm Hương cắm cổ chạy một mạch đến nhà. Đến trước cửa, gã bị con Tô Tô xông ra chặn đường. Nhận ra kẻ thù của cô chủ, con chó Tô Tô gừ lên một tiếng và nhào tới cắn vào chân Năm Hương.
Hoảng sợ, Năm Hương đã thốc vào bụng con chó và chạy thẳng vào trong. Đứa con của Mỹ Lan đang nằm trong chiếc nôi cũ kỹ.
Mắt sáng lên, Năm Hương chạy về phía chiếc nôi, nhưng con Tô Tô rượt theo vừa sủa vang vừa cắn túi bụi vào mình Năm Hương.
Trước sự khôn ngoan của con chó trung thành Năm Hương không xáp được đến gần thằng bé đang mê ngủ. Vừa chống cự Năm Hương vừa tìm một giải pháp tiện lợi, không có thể kéo dài thời giờ. Sợ Mỹ Lan trở về bắt gặp, Năm Hương chạy vội ra cửa. Con chó không đuổi theo, đứng canh chừng cạnh chiếc nôi.
Năm Hương cất cao họng súng hai nòng chĩa ngay về phía con vật. Con Tô Tô nhanh nhẹn phóng tới chụp Năm Hương nhưng gã nhanh tay hơn bóp cò. Một tiếng chát chúa làm thằng bé đang ngủ giật mình khóc thét lên. Con Tô Tô trúng đạn giữa óc ngã lăn ra chết quằn quại trên mặt đất.
Năm Hương vất khẩu súng lên giường và chạy vội đến bồng thằng bé. Nó giãy giụa kịch liệt khi thấy người lạ mó vào mình. Cuối cùng Năm Hương bồng gọn thằng bé ra khỏi nhà.
Để đóng trọn vẹn thủ đoạn tàn ác, Năm Hương quẹt một que diêm ném vào vách lá, trước khi ngọn lửa bén cháy, Năm Hương ôm thằng bé cắm đầu chạy một mạch về nhà.
Gặp hồi gió thổi mạnh và lá khô phụ trợ, căn nhà nhỏ của bà lang Bảy bốc cháy dữ dội. Ngôi nhà hẻo ánh ở xa xóm nên chẳng ai đến tiếp cứu kịp. Ngọn lửa mặc sức tung hoành.
Khi người trong xóm, bà lang Bảy và Mỹ Lan hay tin kéo nhau về cứu chữa thì ngôi nhà chỉ còn là một đống tro tàn đen sạm.
Nhìn cảnh điêu tàn, Mỹ Lan hét lên một tiếng thảm thiết:
- Con ơi!
Và nàng ngã gục xuống ngất lịm. Bà lang Bảy cuống cuồng lớp tiếc ngôi nhà, lớp thương cảm Mỹ Lan. Người lối xóm bu quanh nạn nhân bàn tán xôn xao. Bà lang Bảy tận lực cứu chữa nạn nhân. Lát sau Mỹ Lan hồi tỉnh. Nàng từ từ mở mắt. Khi trông thấy gương mặt âu sầu của người bạn già, nàng lại khóc ngất lên.
Hiểu rõ sự đau đớn của một người mẹ mất con, bà lang Bảy lặng im không nói một lời. Bà để yên cho Mỹ Lan khóc vì những giọt nước mắt sẽ làm vơi bớt lòng đau khổ của nàng.
Mỹ Lan ôm mặt khóc vùi. Thế là hết, nguồn an ủi và hạnh phúc duy nhất của đời nàng đã mất vĩnh viễn. Đứa con thân yêu của nàng đã vùi thân dưới lớp tro tàn. Nàng kéo dài cuộc sống cũng chỉ vì con. Giờ đây con nàng đã chết, chết một cách thảm khốc làm mồi cho thần lửa. Định mệnh tàn ác đến thế là cùng. Người ta cướp đi tất cả lẽ sống của đời nàng. Tình mẫu tử thiêng liêng cao cả. Người mẹ nào lại đau đớn khi giọt máu của mình rơi mất.
Như một kẻ điên cuồng, Mỹ Lan vùng đứng phắt dậy. Nàng gạt mọi người sang một bên và chạy bổ đến nhào lăn trên đống tro vụn còn nóng hổi.
Hai người đàn ông nắm tay Mỹ Lan đỡ dậy. Nàng vùng vẫy dữ dội và gào lớn:
- Trời ơi! Buông tôi ra! Buông tôi mau! Tôi muốn chết, chết theo con tôi!... Tôi sống làm gì nữa đây?... Con tôi đâu rồi?... Con tôi đâu rồi?... Con tôi đâu rồi?... Trời ơi!...
Nàng cào, nàng cấu, càng cắn túi bụi vào tay hai người đàn ông làm họ kêu rú lên và buông nàng ra.
Đầu tóc rũ rượi, quần áo lấm lem, mặt nàng ràn rụa nước mắt, Mỹ Lan đâm đầu chạy bổ ra đường. Không một ai dám giữ nàng lại. Bà lang Bảy lo sợ gọi lớn:
- Mỹ Lan! Mỹ Lan!...
Không thấy Mỹ Lan trả lời, bà đấm ngực rít lên:
- Trời phật bất công quá!...
Mọi người đứng quanh đều lắc đầu thương hại.
Mỹ Lan chạy băng đồng bất kể phương hướng, bất kể hầm hố. Vừa chạy nàng vừa réo lồng lộn:
- Con ơi!... Con ơi!... Con của mẹ đâu rồi? Con chờ mẹ với!
Nàng chạy một mạch đến dòng sông Trẹm mới dừng bước. Đưa mắt lờ đờ nhìn dòng nước đỏ ngầu chảy băng băng, Mỹ Lan đứng lặng như kẻ mất hồn. Dòng sông Trẹm đã bao nhiêu lần liên tiếp nhận những lời thề vàng đá, bao lần chứng kiến những giờ khắc hạnh phúc của đời nàng. Hôm nay, cũng dòng sông này, chứng kiến kết cuộc của một kiếp người.
Mỹ Lan đã nhứt quyết, lần này không có cái gì giữ chân nàng. Cái chết đối với nàng sung sướng hơn nhiều. Ở trong cái thế giới xa lạ của những linh hồn, nàng sẽ thảnh thơi. Chỉ một cái nhún mình là dòng nước lạnh sẽ tiếp đón nàng. Lòng sông là thiên đàng của những kẻ mất hết lẽ sống. Khúc sông này vắng người chẳng ai trông thấy làm rộn những sự yên nghỉ của nàng.
Một nụ cười khô héo nở trên môi Mỹ Lan, nàng lãnh đạm nhìn những cụm lục bình trôi bồng bềnh và đau đớn:
- Sông Trẹm ơi! Dòng nước lạnh của mi là mồ của ta đây. Ta đã sanh ra cạnh mi và chết đi cũng cạnh mi. Giờ phút này ta chẳng hề oán trách tạo hóa, nguyền rủa loài người. Ta chỉ mong mỏi, mi nhìn suốt được lòng ta. Một tấm lòng luôn luôn son sắt. Ta định kéo dài những chuỗi ngày vô vị bên cạnh tình bạn bền chặt của mi mãi mãi nhưng tạo hóa không muốn thế, người đã cướp mất của ta lẽ sống còn sót lại. Làm sao sống nổi nữa khi ta đã mất hết mọi hạnh phúc, mọi nguồn an ủi. Trường đời là một bãi chiến trường, con người là chiến sĩ. Suốt đời ta, ta không ngớt phấn đấu nhưng cuối cùng ta vẫn thất bại để kết liễu cuộc đời bằng cái chết. Ta biết tóc ta còn xanh lắm, ta có thể lập lại cuộc đời, một cuộc đời trong sáng hơn. Nhưng ta không muốn làm một kẻ phản bội, mặc dù họ đã phản bội ta. Có lẽ ta ngu dại lắm, ta biết thế. Nhưng Mỹ Lan này nguyện chỉ yêu một lần thôi. Một lần yêu là một lần tan vỡ, yêu thêm một lần nữa và làm lại lời thề mới được ích gì. Một khi tim mình đã rướm máu, dù có hàn vá lại được cũng chẳng còn nguyên lành. Với tuổi thanh xuân, ta mơ ước ái tình rồi ta chán ghét ái tình. Ái tình là mãnh lực làm xáo trộn cuộc sống bình thản của con người. Nếu không có ái tình, ta sẽ sống yên lành giữa luỹ tre xanh, bên rừng U Minh, cạnh dòng sông Trẹm. Rồi có ngày, một anh nông dân hiền lành chân thật đến hỏi ta làm vợ. Tuy không yêu chàng nhưng ta nhận lời. Và ái tình sẽ nhường bước cho tình yêu chồng, tình thương con. Cuộc sống của ta sẽ nhàn hạ biết mấy. Ta sẽ tiếp tay với mọi người để xây dựng một xã hội đồng quê khuôn mẫu đang vươn mình trỗi dậy. Bên tai ta luôn luôn vang dậy những khúc hát dân cày giản dị, nhưng thấm nhuần tình yêu đất nước, yêu quê huơng, yêu nòi giống.
Mỹ Lan thở dài não ruột:
- Bây giờ, giấc mộng vàng mà ta đã xây trước khi hưởng hương vị của ái tình đã tan vỡ mất rồi. Ta không thể xây lại một giấc mộng khác.
Mỹ Lan hướng mặt về phía những dãy nhà trong xóm và lẩm bẩm:
- Thới Bình thôn!... Từ đây ta vĩnh biệt ngươi. Ta đã chịu đựng được qua mấy mùa khói lửa tang thương, nhưng ta không chịu đựng nổi sự giày vò của đau khổ và tuyệt vọng. Ta là một kẻ hèn nhát, ta không còn xứng đáng là một con dân của Thới Bình thôn nữa. Ta mong mỏi dòng nước sông Trẹm rửa sạch mối nhục này để người dân quê khỏi tủi hổ vì một đứa con gái chết vì tình.
Lệ chảy ràn rụa xuống má. Mỹ Lan để tay lên ngực nức nở:
- Vĩnh biệt Triệu Vĩ... em chúc anh hưởng hạnh phúc suốt đời bên cạnh vợ đẹp và con ngoan...
Nàng quệt vội nước mắt, gương mặt trở nên rắn rỏi lạ thường. Nàng nghiến răng cương quyết:
- Ta phải chết! Chỉ có chết mới làm ta hết đau khổ.
Nàng vừa định lao mình xuống dòng nước lạnh, nhưng chẳng hiểu sao nàng vụt dừng bước.
Một hồi chuông công phu nổi lên ngân dài trong không khí. Tiếp theo một hồi chuông nữa chen lộn trong tiếng mõ điểm rời rạc. Dư âm dịu hiền nhưng buồn tê tái. Đôi mắt đang sáng long lanh vụt trở nên đờ đẫn, Mỹ Lan rên rỉ:
- Hồi chuông công phu của Linh Sơn tự.
Tự nhiên nàng chắp hai bàn tay trước ngực:
- Lạy Thượng đế, hãy cứu vớt linh hồn con!
Nàng ngẩng mặt nhìn về phía chùa Linh Sơn hiện lờ mờ sau đám tre xanh ở xa xa. Bỗng dưng nàng nảy ra một ý nghĩ khác. Tiếng chuông trầm buồn như đang kêu gọi những linh hồn sa đọa trở về quỳ dưới chân Phật. Phật luôn luôn sẵn sàng tha thứ những đứa con tội lỗi.
Mỹ Lan chậm chạp rời khỏi dòng sông Trẹm. Nàng cúi mặt nhìn xuống đất khẽ thở dài:
- Ta chưa thể chết được! Tìm cái chết để lãng quên đua khổ là hèn nhát. Mặc dù đã chán đời nhưng ta không có quyền rời bỏ cuộc đời bằng cách gởi xác cho dòng nước. Tại sao ta phải chết để tránh đau khổ? Người biết coi thường sự đau khổ mới là biết sống. Thiếu gì cách khác có thể làm cho ta hết đau đớn tội gì phải tự hủy mình cho thiên hạ chê cười.
Kề cận với cái chết, Mỹ Lan đã tìm ra lẽ sống. Nàng nhứt quyết trốn tránh mọi người bằng cách gởi trọn vẹn cuộc đời vào cửa Phật. Sống bên cạnh đức Từ Bi, nàng hy vọng tiếng chuông, lời kệ sẽ hàn vá được vết thương của lòng nàng.
Mỹ Lan bước nhanh về phía Linh Sơn tự. Nàng đứng lặng trước cửa nhìn ngôi chùa hiền lành nằm dưới bóng điệp. Chung quanh hoàn toàn im vắng, không một bóng người lai vãng. Tự nhiên Mỹ Lan cảm thấy tâm hồn thơ thới như vừa có một bàn tay dịu dàng mơn trớn. Đất Phật đang mở rộng trước mắt nàng. Đất Phật sẵn sàng tiếp đón những kẻ muốn trốn tránh cuộc đời tọa lạc. Vài con chim sẽ hót ríu rít. Vài cánh hoa điệp đỏ ối theo chiều gió rơi là đà cài lên mái tóc Mỹ Lan.
Chấp hai tay trước ngực, Mỹ Lan thong thả tiến vào cửa chùa. Vị sư già đang ngồi tụng niệm trước Phật đài. Tiếng mõ hòa trong tiếng ê a vang đều như một bản đàn trầm buồn dài không bao giờ dứt. Chẳng biết vị sư già có hay biết sự hiện diện của Mỹ Lan chăng mà người vẫn ngồi cầu kinh. Trước mặt đại sư, một pho tượng Phật cao lớn ngồi chễm chệ ngự trị gần hết nhà chùa. Đôi mắt Phật hiền từ làm sao, đôi mắt dịu dàng và bác ái. Một kẻ tàn ác đến đâu đứng trước đôi mắt đạo đức của Phật cũng thấy lòng mình mềm nhũn.
Mỹ Lan quỳ xuống thềm gạch. Nàng lẩm bẩm trong mồm:
- Lạy đức Từ Bi, hãy cứu vớt linh hồn con!
Mỹ Lan quỳ như thế lâu lắm, hồn nàng triền miên trong một thế giới thần tiên xa lạ, ở nơi đó chẳng có một người nào đau khổ.
Vị sư già tụng kinh đã xong mà Mỹ Lan chẳng hay biết. Nhà sư đứng nhìn Mỹ Lan một chập lâu, đoạn người nhẹ đặt tay lên vai nàng:
- Hết hồi kinh rồi, con ạ!
Như sực tỉnh giấc mơ, Mỹ Lan ngẩng mặt lên. Bắt gặp đôi mắt hiền hậu của vị sư, nàng khẽ cúi đầu chào:
- Kính chào hòa thượng!
Nhà sư nắm cánh tay Mỹ Lan đỡ nàng đứng dậy:
- Con đến đây tìm ta có việc chi?
Mỹ Lan run run giọng:
- Bẩm hòa thượng, hòa thượng hãy thí phát cho con.
Vị sư già ngạc nhiền nhìn lom lom vào mặt cô gái đẹp:
- Thí phát cho con à? Ta không hiểu gì hết?
Mỹ Lan nói nhanh:
- Con van lạy hòa thượng, con muốn làm đệ tử của đức Phật từ bi.
Đôi mày nhà sư cau lại, ra dáng ngẫm nghĩ lung lắm. Vầng trán răn reo nhăn nhiều thêm. Gương mặt trầm tư chẳng hề lo nghĩ hiện lên một sự thương hại. Lâu lắm nhà sư mới chậm rãi nói bằng một giọng hiền từ của người cha già:
- Con muốn thí phát, được rồi. Nhưng trước hết ta muốn biết nguyên do nào xui khiến con quyết định như thế?
Mỹ Lan đau xót lắc đầu:
- Hòa thượng hãy thí phát cho con, nhưng đừng tìm hiểu nguyên do làm gì, con không đủ can đảm nhắc lại chuyện đã qua.
Nhà sư khẽ nhếch môi cười:
- Con đã có can đảm gởi thân vào cửa Phật thì ta tin rằng con cũng đủ can đảm nói tất cả sự thật. Đức Phật từ bi đang ngồi nghe con nói kia, con hãy chứng tỏ lòng chân thật với Ngài. Trước mặt đức Phật chẳng có chuyện gì phải giấu diếm. Trước khi khoác lên mình mảnh áo nâu sồng người ta cần phải trút bỏ hết mọi niềm tâm sự, đau khổ, ngang trái để rồi quên hẳn nó. Con đã hiểu ý ta chưa?
Mỹ Lan lặng lẽ gật đầu, lòng nàng tơi bời nổi sóng, cố đè nén một sự xúc động mạnh, Mỹ Lan thuật cho nhà sư nghe từ đầu đến cuối câu chuyện tan vỡ của nàng. Nghe xong câu chuyện, nhà sư thở dài. Ông nghiêng mình trước tượng Phật lâm râm cầu nguyện.
Thấy nhà sư không nói gì đến mình, Mỹ Lan bạo dạn nhắc nhở:
- Hòa thượng nghĩ thế nào?
Vị sư già nhìn ra phía cửa chùa thong thả nói:
- Cửa từ bi mở rộng cho tất cả mọi người thiện chí có lòng tín ngưỡng nơi đức Phật cao cả. Nhưng của từ bi chỉ dành riêng cho những kẻ chán đời muốn tránh xa những nguồn tội lỗi của thế gian.
Sợ vị sư già từ khước, Mỹ Lan ngắt ngang:
- Cũng là một kẻ chán đời, hòa thượng hãy nhận con làm đệ tử.
Hòa thượng thương hại nhìn Mỹ Lan, nói tiếp:
- Con hãy lặng yên nghe ta nói. Con đã chán đời rồi ư? Ta nghi ngờ con lắm, con có lẽ chưa hiểu được lòng con. Là tuổi trẻ ai lại chẳng có lần thất vọng và đau khổ vì tình duyên. Con mới đụng chạm sự thử thách đầu tiên của đời, con đã vội nản chí. Ta tin rằng con còn đi xa hơn nữa. Ta ngại rằng rồi đây con sẽ hối tiếc. Ta đã trải qua thời kỳ niên thiếu, ta hiểu tuổi trẻ nhiều lắm. Con hãy suy nghĩ kỹ, đừng nên hấp tấp mà làm hư hỏng cuộc đời. Ta rất sẵn sàng thâu nhận con làm đệ tử, nhưng ta phải nói trước cho con, hiểu rằng: vùi đầu xanh giữa chốn thiên môn là một hành động điên rồ.
Giọng nói của nhà sư đều đều như giọng đọc kinh:
- Nghe câu chuyện tình bi thảm của con ta biết con đau khổ nhiều lắm. Đối với một người con gái hiền lành chân thật như con, chịu đựng được hoàn cảnh đó đã là khá. Tại sao con lại có ý định xuất gia đầu Phật? Nếu ý định đó nảy sinh ra trong một lúc con đau khổ cực độ, ta e nó sẽ không bền. Tuổi trẻ thường có những hành động bồng bột mù quáng.
Nhà sư cao giọng:
- Con đã bôi xóa cái chết trong đầu óc khi tai con nghe hồi chuông công phu buổi sáng. Điều này chứng tỏ con đủ lương tri và con chưa muốn trốn tránh bổn phận làm người. Chưa muốn trốn tránh bổn phận làm người tại sao lại dấn thân vào đất Phật? Kẻ xuất gia là trốn tránh bổn phận đấy, con ạ! Ta đã già rồi, ta có thể bào chữa cái lỗi của ta được. Nhưng còn con, con ơi! Mái tóc con còn xanh quá. Con lại đẹp nữa. Một người con gái đẹp không thể bỏ mình giữa những luật lệ khe khắt của nhà chùa. Ta thành thật khuyên bảo con vì ta chẳng muốn thấy sau này con phạm nhằm những điều cấm của đức Phật chí tôn đáng kính. Là bực thầy, ta rất yếu lòng khi thấy một đệ tử lầm lỗi. Con hãy can đảm trở lại với đời để tiếp tục cuộc sống mới mẻ của người dân quê tiến bộ. Lăn lộn với trường đời con phải luôn luôn chiến đấu, chiến đấu mãi đến ngày nào sức con đã kiệt, chừng ấy con hãy trở về tìm ta và ta rất lấy làm hãnh diện nhận một người học trò đã trả xong nợ đời... Hãy về đi con! Ta cầu chúc đời con sẽ tươi đẹp hơn.
Mỹ Lan thổn thức:
- Con rất cảm ơn những lời khuyên bảo hợp lẽ của sư cụ, nhưng sư cụ ơi, con không thể nào trở về với cuộc đời vì con đã mất hết lẽ sống ở nơi đó rồi. Bây giờ con chỉ có thể sống bên cạnh đức Phật từ bi bác ái thôi, vì đấy là nguồn an ủi độc nhứt của con. Lẽ sống còn sót lại của con là xa lánh người đời ô trọc để tìm hạnh phúc và yên ổn dưới chân đức Phật. Con van hòa thượng, hòa thượng hãy tiếp nhận con. Nhà chùa luôn mở cửa đón rước người của thế gian, xa lìa nhà chùa, con sẽ xuống địa ngục mất thôi. Hòa thượng đành lòng nào đứng nhìn một kẻ đi lần về cõi chết. Con đã quyết định, đã suy nghĩ cặn kẽ rồi, con chẳng thay đổi ý định. Nếu hòa thượng từ chối, con sẽ đập đầu chết nơi đây. Máu con sẽ làm ô uế đức Phật và hòa thượng sẽ mang tội với trời đất.
Mỹ Lan quỳ xuống chân nhà sư.
Trước ý định sắt đá của cô gái đẹp, Hòa thượng già lắc đầu hồi dài. Người nhẹ nâng Mỹ Lan đứng dậy.
Hướng về Phật đài tôn nghiêm, nhà sư lẩm bẩm:
- Nam mô A di đà Phật! Đức Phật chí cao hãy ra tay cứu rỗi một linh hồn!
Hòa thượng đặt tay lên vai Mỹ Lan:
- Ban nãy ta lấy tư cách một người khuyên bảo con, nhưng ý con đã quyết định, ta không biết nói sao nữa. Bây giờ ta nhân danh là một đệ tử trung thành của Phật tiếp nhận con vào gia đình phật tử. Ta sẽ làm lễ thí phát cho con. Mái tóc đẹp của con sẽ không còn, và bộ áo này sẽ mất để nhường chỗ cho mảnh áo nâu sồng. Con hãy quỳ dưới chân Phật.
Được nhà sư nhận lời, Mỹ Lan nhếch miệng cười, một nụ cười mà chính nàng cũng không hiểu đó là nụ cười đau khổ hay sung sướng.
Gạt phắt mái tóc về phía sau, Mỹ Lan quỳ xuống sàn gạch. Nàng kính cẩn chắp hai tay trước ngực và đăm đăm nhìn gương mặt bác ái dịu hiền của đức từ bi.
Nhà sư đốt một bó nhang mới, hương trầm bay tỏa khắp chùa. Ông đứng nghiêm trang trước Phật đài đọc một bài kinh dài. Xong xuôi, ông bảo Mỹ Lan:
- Con đứng dậy! Từ đây trở đi con là đệ tử của đức Phật, một kẻ trung thành của nhà chùa. Con phải luôn luôn đặt mình dưới những điều cấm của đức Phật và những luật lệ của nhà chùa. Con không được nghĩ những điều ô uế của trần tục. Con nên cầu nguyện cho loài người bớt đau khổ. Con phải giúp đỡ những kẻ sa cơ lỡ bước và tha thứ cho những kẻ lầm đường lạc lối. Ngoài ra, con còn phải lúc nào cũng nghĩ đến đức Phật cao cả vì Ngài đã cứu vớt linh hồn con. Và con sẽ thay thế Ngài để nâng đỡ những linh hồn sa đọa khác. Hãy tỏ xứng đáng là một kẻ tu hành! Con hiểu ý ta chứ?
Mỹ Lan khẽ gật đầu đáp:
- Con hứa sẽ tuân theo những điều cấm của đức Phật và những luật lệ của nhà chùa. Con sẽ luôn luôn xứng đáng là một đệ tử của đức Phật.
Nhà sư tỏ vẻ hài lòng:
- Ta mong con giữ đúng những lời đã hứa trước Phật đài, và ta cũng không quên cầu nguyện cho con vững tinh thần mãi mãi.
Mỹ Lan cảm động:
- Cảm ơn Hòa thượng! Hòa thượng đã cứu vớt con ra khỏi bàn tay tử thần và nanh vuốt của quỷ sứ. Từ đây con bắt đầu sống một cuộc đời mới thật sự. Con sẽ kiên nhẫn đi lần về cõi Phật. Hòa thượng hãy nhận tất cả lòng biết ơn của con.
Nhà sư mỉm cười:
- Con hãy cảm ơn Phật, chứ đừng cảm ơn ta. À, tên con là gì nhỉ?
Mỹ Lan đáp nhỏ:
- Bẩm Hòa thượng, tên con là Mỹ Lan!
Ngẫm nghĩ một hồi lâu, Hòa thượng chậm rãi nói:
- Danh hiệu ta là hòa thượng Minh Đức, bắt đầu từ đây danh hiệu của con sẽ là ni cô Diệu Linh.
Mỹ Lan hoan hỉ nhận cái tên mới của nhà chùa ban cho. Nàng lầm thầm trong mồm:
- Ni cô Diệu Linh! Cô gái quê Mỹ Lan của dòng sông Trẹm đã chết hẳn rồi!
Thấy ni cô Diệu Linh thừ người ra dáng nghĩ ngợi, Hòa thượng Minh Đức ôn tồn hỏi:
- Ni cô nghĩ ngợi gì đấy? Có thể cho ta biết được không?
Ni cô Diệu Linh trầm ngâm đáp:
- Bẩm hòa thượng, con đang chôn cái tên Mỹ Lan dưới mồ quên lãnh của người đời.
Đôi mắt hiền từ của sư cụ Minh Đức như hướng về một dĩ vãng xa xôi, người lẩm bẩm:
- Ngày xưa, ta cũng đã có một lần chôn tên họ như ni cô bây giờ. Nhưng đã lâu và xa lắm rồi.
Ông chuyển vấn đề khác:
- Thôi, ni cô hãy ra nhà sau. Ta sẽ giới thiệu ni cô với các bạn đồng đạo nam nữ.
- Xin tuân lời hòa thượng!