Glép tỉnh dậy, như thể có ai dần lên người. Hắn còn chưa hiểu vì sao khi tỉnh dậy, mồ hôi lại ra lạnh toát, với cái cảm giác nhớp nháp khủng khiếp thế! Hắn nhắm mắt lại, thiếu gì chuyện linh tinh xảy đến trong cái nóng hầm hập này, nhưng vào giây phút hắn nhắm mắt lại, những con số màu đen lúng liếng hiện ra: “sáu”. “không”, “bảy”. Hắn thấy chúng chính xác và gần đến nỗi hắn phải tự dưng lấy tay giụi mắt. Mở mắt ra và nhìn đồng hồ: Sáu giờ kém mười. Hắn ném cái thân xác đã được rèn luyện nhiều xuống giường, gõ gõ gót chân ướt mồ hôi xuống sàn gạch men, nhắc ống, quay số điện thoại, cảm thấy ngón tay còn run lẩy bẩy. Hắn đợi cho đầu kia có người đã cầm ống nói, mới thì thầm rất khẽ: - Rô-bớt, ông hãy đến bể bơi ngay được không? Tôi đi bơi ngay bây giờ, đừng chậm trễ. Ông hiểu tôi không? Không chậm trễ nhé! Hắn đặt ống nói xuống, nhìn đống hồ. Đã sáu giờ bảy phút – Glép mặc quần áo, vuốt qua mặt mũi rồi bổ ra xe. Mười phút sau hắn đã ở “Hin-tơn”, khu bể bơi. Rô-bớt Lô-ren-xơ, phụ trách khu vực của CIA, ngồi trên ghế tựa dài, vẻ ngái ngủ, mặt mũi bơ phờ, mí mắt sùm sụp, thâm quầng, như tất cả những kẻ mắc bệnh gan kinh niên. - Có chuyện gì xảy ra? – Lô-ren-xơ hỏi vẻ mệt mỏi – Tôi vừa làm việc suốt đêm đến sáng. Có gì khuấy động vậy? - Tôi không rõ, có thể giờ cũng chưa có gì khuấy động đâu. Hôm qua, tôi với Pôn có cuộc gặp gỡ với tên Nga mà Xtau đã báo. Cuộc gặp diễn ra tự nhiên. Nhưng bây giờ, thốt nhiên tôi bỗng nghĩ: Tại sao hắn lại trú ngụ ở đúng cái phòng 607? - Vì không còn phòng nào khác, chẳng hạn… Đã tới mùa người ta kéo đến tắm biển rồi. - Nhưng sao hắn thuê đúng cái phòng mà ta đã gặp và tuyển mộ được gã “Tỉnh Táo” ấy nhỉ? – Glép xích lại gần hỏi khẽ. - Bởi vì đó là căn phòng có các trang thiết bị riêng, phù hợp với thị hiếu người Nga. Chỉ có thế mà ông đánh thức tôi dậy à? - Không chỉ vì thế mà thôi đâu, ông trùm ạ. Đứa nào đã đến phục vụ chúng ta hôm ấy? Đứa nào mang đồ ăn đến? Hồi đó, lũ con tườu đang bãi công kia mà! Phục vụ ta là một thằng da trắng không ai biết đến. Hắn lại cụt ngón tay nữa. Mà bọn Nga đang săn tìm thằng Thiếu Ngón ấy, kẻ đang làm việc ở “Hin-tơn” này đấy. - Ông loạn trí à? - Tôi không hề loạn trí. Tôi rất sợ đấy, ông đại diện à. Xla-vin là một thằng cha khác thường, mắt hắn ranh như ma ấy. Hắn lại thông minh quỉ quái khôn lường. - Thế ông tưởng tất cả bọn Nga là lũ ngốc cả đấy! Cứ cho là hắn ở trong bọn phản gián đi. Cứ cho là thế. Thì sao? Nếu gã “Tỉnh Táo” bị bọn chúng phát giác rồi thì Trung Tâm đã cảm thấy ngay có trò giả hiệu rồi. Người của ta vẫn gặp hắn ở Mát-xcơ-va thường xuyên. Hắn dính vào với KGB chăng? Không, vì hắn vẫn chuyển cho ta tin tức gốc kia mà, các tin ấy đều đúng, nên ta vẫn giữ liên lạc với hắn. - Ông trùm, ông có muốn tôi làm sáng tỏ việc đứa nào đã phục vụ ta ở phòng 607 trước đây không? Ông nhiếc tôi là kém về các loại hình nghệ thuật thẩm mỹ và không biết tiếng Pháp, nhưng tôi lại nhạy cảm như một con mụ đàn bà ấy. Tôi linh cảm, ông ạ, tôi linh cảm thấy… - Ông sẽ hỏi ai, để biết đứa nào đã dọn bàn ăn hôm đó? Danh sách các thủ lĩnh bãi công, ông nhớ chứ? - Cái này thì tôi không nhớ lắm. - Tôi vẫn nhớ mà! Glép chạy đến chỗ người gác cổng, hỏi số điện thoại của ông chủ tiệm ăn, người này lại chỉ cho hắn số điện người trông coi kho nhà hầm, sau mười phút, Glép quay lại bể bơi. Lô-ren-xơ đang bơi trong làn nước xanh, động tác của hắn cẩn trọng, đều đặn và uyển chuyển như phụ nữ. - Lên đây đã, ông trùm! – Glép đứng bên mép bể bơi gọi, - Nhanh lên nhé! Dọn bàn ăn là Ai-ven Bê-liu, dân di cư từ Lvốp, mất 2 ngón tay bên trái. Xla-vin đang tìm hắn. Lô-ren-xơ, - thật bất ngờ với thể tạng hắn, - đã phốc lên khỏi bể bơi rất nhanh nhẹn, khoác áo choàng vào và nói bằng giọng thực sự quan tâm: - Tư liệu về bọn di cư này đang nằm trong tay ai? Sao lại có một người Pháp mang giấy chứng minh kẻ di cư? Cái này rối rắm đây, ông có thấy thế không? - Tôi lấy làm thích về chuyện này, ông trùm ạ! Bọn chúng leo lên tầng 15, vào khu phòng khép kín số 1.500, mà CIA đã thuê hẳn từ hai năm nay, đánh thức Un-xơ, tên phụ trách cơ sở tra cứu dậy. Gã này không kịp rửa mặt đã phải đến lật bộ ô phiếu của mình lên. Ai-ven Be-liu, cũng tức là I-van Bê-lưi, sinh năm 1925, người U-krai-na ở vùng Gi-tô-mia ra đi theo người Đức, sau chiến tranh ở lại Bỉ, trong thời kỳ lạm phát, lại chuyển sang Tuy-ni-di làm công nhân khuân vác ở cảng, rồi từ đó sang Luy-xbua. Có họ hàng thân thích ở Gi-tô-mia, nhưng không thư từ gì, vì sợ gây rắc rối cho họ. Thường ăn nói gay gắt, thường kêu ca là cuộc đời vứt đi rồi, cái gì cũng quy tội cho người Mỹ, vì đã không khuyên hắn trở về nước Nga. Không thấy có liên lạc gì với sứ quán Nga. Hay uống rượu. - Thế nào? – Lô-ren-xơ hỏi – ta làm gì bây giờ? Điện hỏi Len-gli chứ? (1) Glép không trả lời quay số “607”. Hắn nghe tiếng “tút tút” rất lâu và chuông điện thoại reo không mãi. Hắn liếc một cái nhìn đầy ý tứ sang Lô-ren-xơ – “Không có Xla-vin trong khách sạn!”, - rồi quay sang số khác. - Chào ông Xtau - hắn nói, hạ giọng một cách máy móc như thể đang gọi từ một trạm điện thoại tự động nào – ông có giúp được tôi việc này không: ông hỏi giúp xem tên Xla-vin, hói đầu, người cao to, mắt đen, cử động nhanh nhẹn, có đến sứ quán bọn Nga không, vào lúc nào? Tôi phỏng đoán là hắn đã đến đó vào khoảng bốn giờ sáng. - Ông đợi nhé, khoảng ít phút nữa tôi sẽ gọi lại. Rồi không nhìn sang Lô-ren-xơ nữa, Glép quay số hỏi Pi-la: - Cô bạn thân mến, xin lỗi, vì tôi đã gọi cô sớm thế này. Cô chia tay với anh bạn của chúng ta khi nào vậy? - Ông ta đưa em về tới nhà, anh Giôn ạ. Tán dóc độ dăm phút trong ô-tô thôi. Ông ta không chịu lên nhà chơi, chỉ nài em dành ít thời gian cho ông ta ngày hôm nay. Hẹn vào 8 giờ sáng đấy. - Ông ta chia tay với em khi nào, là điều tôi muốn hỏi. - Quãng 3 giờ sáng đấy, mà cũng có thể là… Glép không đợi Pi-la nói hết, hắn cắt máy, rồi lại gọi cho tướng Xtau và nghe trả lời: - Ông Giôn ạ, - Xtau nói, - Có một người có đặc điểm giống tên Xla-vin ông hỏi, đã đến sứ quán Nga… - Hắn rời khỏi đó khi nào? – Glép ngắt lời. - Ông có hỏi tôi điều đó đâu. - Vậy nhờ ông xác định hộ ngay nhé. Và hỏi giùm bọn đã canh gác ở sứ quán Nga đặc điểm của tên đã từng lảng vảng đến bên hàng rào hôm trước… Tôi quan tâm hơn hết đến vấn đề này, tên đó có bị cụt ngón tay không? Lô-ren-xơ đặt ấm cà phê lên bếp điện trong phòng ăn, lau mặt rồi hỏi Glép? - Ta làm gì bây giờ? - Ốc-ta-vi-ô đã đi gặp Ô-ga-nô, còn Pê-rây-ra thì đang chuyển vũ khí sang Na-gô-ni-a, trong tay tôi giờ không còn ai trong đội khủng bố nữa, ông trùm ạ! - Sao ông lại cho rằng phải dùng đến đội khủng bố…? - Thế theo ông, ta phải đi giải thích với gã Bê-liu này về sự ưu việt của xã hội ta so với xã hội độc tài mất nhân quyền kia của chúng sao? Vấn đề bây giờ còn là: Xla-vin đang ở đâu? - Gượm đã, ông Giôn! Tôi không hiểu sao ông lại sốt vó lên thế, làm tôi cũng như bị cuốn theo mất. Thế cái ngữ gã Bê-liu ấy thì có thể nói được cái gì? - Hắn chẳng cần nói gì cả, chỉ cần hắn biết trỏ tay nhận diện đúng tấm ảnh của điệp viên “Tỉnh Táo” là tôi với ông đi đời nhà ma!Mà thế cũng đáng đời thôi: chúng ta đã không biết bảo vệ cho tay nội gián quý giá bậc nhất mà lại! Điện thoại lại reo và Glép nhận thấy Lô-ren-xơ cũng thốt rùng mình như bị rét. - Tôi nghe đây, - Glép đáp. Hắn chắc rằng Xtau gọi, và quả đã không nhầm. - Ông Giôn ạ, tên Xla-vin ấy vừa ra khỏi sứ quán xong. - Ông có cho theo dõi hắn không? - Ông có phát hiệu lệnh gì thêm đâu, ông chỉ bảo tôi đợi trong ngày nay. Tôi có cảm giác là hắn gặp may. - Cảm ơn ông Xtau nhé, ông giúp tôi vậy là được nhiều việc lắm. Ông có thể cho xin cả địa chỉ của tên Ai-ven Bê-liu được không? Tôi cho rằng Xla-vin hiện đang đến đó. - Năm sinh, nơi sinh của hắn? - Hắn từ phương Bắc tới, đã hơn 10 năm. Hiện làm việc ở “Hin-tơn”. Hắn là người của bọn chúng đấy, ông ạ! Xla-vin chắc đến gặp hắn, ta phải xác định được sự việc đó. - Cử người đến địa chỉ ấy chăng? Tất nhiên, sau khi đã xác định đúng sự việc? - Nhưng chỉ khi nào có hiệu lệnh của tôi. Hiểu không? Bây giờ thì hoàn toàn không được, ông động vào, sợ lộ việc. Chỉ sau khi có hiệu lệnh đã nhé, ông Xtau ạ! Tôi chưa gác máy đâu, ông cho tôi địa chỉ ấy ngay đã, ông Xtau. - Ông Giôn, ông đang nói việc gì thế? – Lô-ren-xơ hỏi. - Một việc thú vị, ông trùm ạ. Tôi muốn làm sao để Xla-vin bị bắt như một tên gián điệp Nga và một tên khủng bố. Điều ấy sẽ đem lại cho chúng ta nhiều cái lợi lắm. Khó mà hình dung được nhiều đến thế nào, nhất là đúng trước lúc bắt đầu chiến dịch “Ngọn đuốc”. (1) Len-gli: Nơi đặt trụ sở của cục tình báo Trung ương Mỹ. (ND)