Tập Nhân hỏi Bình Nhi:- Việc gì mà rối rít lên như thế?- Đều là những việc bất ngờ, thật cũng buồn cười. Để mấy hôm nữa tôi sẽ nói với chị, bây giờ chưa có manh mối gì, và tôi cũng không được rỗi.Nói chưa dứt lời, thấy người gái hầu của Lý Hoàn đến hỏi:- Chị Bình ở đây à! Mợ chờ chị đấy, sao không thấy chị đến? Bình Nhi quay ra cười nói:- Tôi đến đây! Tôi đến đây!Tập Nhân cười nói:- Vì mợ chị ta ốm, chị ta khác nào cái bánh thơm, ai cũng muốn giật lấy.Bình Nhi quay đi ra.Bảo Ngọc gọi Xuân Yến:- Chị đi theo mẹ chị, đến đằng cô Bảo, nói lại với Oanh Nhi mấy câu, đừng để chị ấy mếch lòng.Xuân Yến cùng mẹ đi ra. Bảo Ngọc lại dặn với:- Không nên nói trước mặt cô Bảo, sợ Oanh Nhi lại bị quở đấy. Hai mẹ con vâng lời, vừa đi vừa nói chuyện. Xuân Yến nói:- Ngày thường con khuyên mẹ không nghe. Tội gì lại gây ra chuyện lôi thôi thế?Mẹ nó cười nói:- Con ranh này, đi đi thôi! Tục ngữ nói: “Không trải qua việc thì người không khôn được”. Tao đã biết rồi. Mày lại còn vặn tao nữa à?- Nếu mẹ biết thân biết phận, được ở đây lâu, sẽ có nhiều điều hay. Con nói cho mẹ biết, cậu Bảo thường nói: Tất cả người hầu trong phủ như bọn chúng con, không cứ ở trong hay ở ngoài, cậu ấy sẽ trình với bà Hai cho về để cha mẹ được quyền gả bán. Mẹ xem việc ấy có hay hay không? - Chuyện ấy có thực không?- Ai nói dối làm gì?Mẹ nó niệm Phật luôn mồm.Khi đến Hành Vu Uyển, thấy Bảo Thoa, Đại Ngọc và Tiết phu nhân đương ngồi ăn cơm. Oanh Nhi đi pha nước, Xuân Yến cùng mẹ nó lẻn đến trước mặt Oanh Nhi cười nói:- Lúc nãy có câu sỗ sàng, tôi đến xin lỗi, xin chị đừng giận.Oanh Nhi cười mời ngồi, rồi đi pha nước. Mẹ con nó nói bận việc, cáo từ ra về. Chợt thấy Nhụy Quan chạy ra gọi:- Mẹ ơi! Chị ơi! Hãy đứng lại đã.- Rồi nó chạy đến đưa cho hai mẹ con một gói.- Đây là bột tường vi đưa cho Phương Quan xoa mặt.Xuân Yến cười nói:- Chị cẩn thận quá sợ bên ấy không có cái này à? Sao lại còn mất công gửi cho nó.Nhụy Quan nói:- Của chị ấy là của chị ấy, của tôi đưa lại là của tôi. Chị thế nào cũng mang về cho chị ấy!Xuân Yến đành phải cầm lấy. Hai mẹ con trở về, gặp Giả Hoàn, Giả Tôn cũng vừa đến thăm Bảo Ngọc. Xuân Yến nói với mẹ:- Để con vào thôi, mẹ không cần phải vào.Mẹ nó nghe lời, bảo gì nghe thế, không dám cưỡng lại. Xuân Yến đi vào, Bảo Ngọc biết là về trình, liền gật đầu. Xuân Yến biết ý, không nói câu gì, đứng một lát rồi quay ra, đưa mắt cho Phương Quan. Ra đến ngoài, Xuân Yến khẽ nói với Phương Quan về việc Nhụy Quan gửi cho nó gói bột tường vi. Bảo Ngọc không có chuyện gì nói với Giả Hoàn và Giả Tôn, liền cười hỏi Phương Quan:- Tay cầm cái gì đấy?Phương Quan đưa cho Bảo Ngọc xem và nói:- Bột tường vi để thoa rôm đấy.- Chị ấy chu tất quá!Giả Hoàn nghe nói, nghểnh cổ ra nhìn, ngửi thấy thơm thơm, liền cúi xuống lấy mảnh giấy ở trong ống giày ra cười nói:- Anh cho em một nửa!Bảo Ngọc đành phải cho hắn. Phương Quan nghĩ bụng: gói này là của Nhụy Quan tặng mình, không nên cho người khác, liền gạt đi, cười nói:- Đừng động vào đấy, để tôi đi lấy cho thứ khác.Bảo Ngọc hiểu ý, liền bảo gói lại và cười nói:- Đem gói kia lại đây mau.Phương Quan cầm lấy gói này cất đi, rồi tìm thứ bột của mình thường dùng ở trong hộp ra. Khi mở hộp không thấy gì cả, trong bụng ngờ ngợ: “Sáng ngày còn một ít, sao bây giờ lại hết?” Hỏi mọi người, không ai biết cả, Xạ Nguyệt nói:- Bây giờ mà còn hỏi đến cái ấy, người trong nhà, ai thiếu lấy dùng đấy thôi. Cô cứ gói một ít bột gì đó cho họ cũng được. Ai biết đâu đấy? Mau cho họ về để chúng mình còn ăn cơm.Phương Quan nghe nói, liền gói một ít mạt lỵ(1) mang ra. Giả Hoàn trông thấy mừng quá, giơ tay đỡ lấy. Nhưng Phương Quan lại vất lên trên giường. Giả Hoàn đành đến giường cầm lấy giắt vào trong người rồi cáo từ ra về.Từ ngày Giả Chính đi vắng, Vương phu nhân không ở nhà, Giả Hoàn ngày nào cũng cáo ốm trốn học. Bây giờ được gói bột, hớn hở về tìm Thái Vân. Gặp lúc Thái Vân đương nói chuyện với dì Triệu, Giả Hoàn cười hì hì nói:- Tôi có gói phấn này tốt lắm, cho chị để xoa mặt. Chị thường nói bột tường vi xoa rôm tốt hơn phấn ngân tiêu mua ở ngoài nhiều. Chị thử xem có phải bột này không?Thái Vân giở ra xem, “xì” một tiếng, cười nói:- Cậu xin của ai đấy?Giả Hoàn kể lại chuyện vừa rồi. Thái Vân cười nói:- Họ cho cậu là người nhà quê, đánh lừa cậu đấy! Thứ này không phải là bột tường vi đâu, chính là phấn mạt lỵ đấy.Giả Hoàn xem lại, thấy phấn này đỏ hơn, ngửi cũng thơm thơm, cười nói:- Thứ này cũng tốt đây, chả khác gì hột tường vi đâu, chị giữ lấy mà xoa, dù sao cũng cứ tốt hơn thứ phấn mua ở ngoài.Thái Vân đành phải cất đi.Dì Triệu liền nói:- Khi nào nó chịu cho mày thứ tốt. Ai bảo mày đi xin, trách sao được chúng nó chả trêu đùa. Cứ như tao thì mang vất giả vào mặt chúng nó. Nhân dịp này mày đến mắng cho chúng nó, làm toang hoang ra một mẻ, để cho cả nhà nháo lên, thế mới gọi là báo thù chứ. Mấy tháng sau chả lẽ còn ai bới những chuyện bẩn này ra hỏi mày nữa à? Dù có hỏi, mày cũng có mồm chứ. Bảo Ngọc là anh, mày không dám động đến, chứ những hạng chó mèo ở nhà nó, mày cũng không dám sao?Giả Hoàn nghe nói chỉ cúi đầu. Thái Vân liền nói:- Tội gì như vậy! Dù sao cũng nên nhịn đi là phải.Dì Triệu nói:- Mặc tao, không can gì đến mày. Cứ vịn lấy cớ này mắng cho bọn con đĩ ấy một trận mới được.Lại trỏ Giả Hoàn nói:- Hừ! Đồ khốn nạn hèn nhát, đáng để cho bọn ranh con nó trêu tức! Ngày thường tao mắng mày một câu, hoặc vô ý lấy nhầm cái gì của mày, thì mày đã cứng đầu cứng cổ, nổi gân, trợn mắt, hất hủi tao; bây giờ bị bọn ranh con ấy trêu, mày câm không dám nói. Thế mà lại muốn ngày sau để người trong nhà này phải nể sợ. Mày không có cái tài ấy đâu, tao cũng tức thay cho mày!Giả Hoàn nghe đoạn, vừa xấu hổ vừa nổi nóng, nhưng không dám đi, chỉ xua tay nói:- Mẹ biết ăn, biết nói sao lại không dám đi, cứ xui con đi gây chuyện? Nếu họ đến trường mách con phải đòn, mẹ có thương con không? Đã bao lần mẹ xui con đi, khi xảy ra chuyện, con bị đánh đòn mẹ cũng đành phải cúi đầu chịu thôi. Bây giờ lại còn xui con đi cãi nhau với bọn hầu nhỏ! Mẹ không sợ chị Ba, cứ dám đi con mới phục!Nghe nói như đâm vào ruột, Dì Triệu gào lên:- Tao đẻ nó ra mà tao phải sợ nó, thì nhà mày còn có thể thống gì?Vừa nói vừa cầm gói phấn chạy biến vào trong vườn.Thái Vân ngăn mãi không được, đành phải lánh sang buồng khác. Giả Hoàn cũng lánh ra chơi ngoài cửa nghi môn.Dì Triệu đỏ mặt tía tai hằm hằm đi vào vườn, mẹ nuôi Ngẫu Quan là già Hạ trông thấy liền hỏi:- Bà dì đi đâu đấy?Dì Triệu đập tay nói:- Bà xem đấy! Bọn hát ranh con mới vào nhà này được ít ngày đã lá mặt lá trái, khinh người nọ, trọng người kia. Người khác tôi không bực, nhưng lại để bọn ranh trêu tức thì còn ra làm sao nữa?Già Hạ nghe câu nói trúng với ý mình, liền hỏi:- Việc gì thế?Dì Triệu kể lại việc chúng khinh rẻ Giả Hoàn, đem cho phấn giả.Già Hạ nói:- Bây giờ dì mới biết à? Thế đã thấm vào đâu. Hôm nọ chúng đốt giấy tiền ở đây, cậu Bảo cũng còn bênh đấy. Có những cái người ta chưa mang đến mà nó đã nói ngay là không dùng được, không sạch sẽ, thế thì đốt giấy tiền không kiêng à? Dì thử nghĩ xem, nhà này ngoài bà Hai ra, còn ai bằng dì? Dì không ra tay đấy thôi, chứ dì ra tay, ai lại không sợ? Cứ ý tôi, nhân dịp mấy con ranh này không phải là hạng người trong nhà, dù có gây chuyện với chúng cũng không sao đâu. Hãy cứ lấy hai việc này, làm cho ra nhẽ, tôi sẽ làm chứng cho. Dì có ra oai chuyến này, sau mới trị nổi họ được. Các cô các mợ cũng không nỡ vì bọn đĩ ranh con ấy mà bắt bẻ dì đâu?Dì Triệu nghe đoạn, càng cho là có lý, liền nói:- Việc đốt giấy tiền tôi không biết, bà kể rõ cho tôi nghe.Già Hạ kể ra hết và nói: - Dì cứ việc nói ra, nếu xảy chuyện gì đã có tôi giúp sức. Dì Triệu nghe càng đắc ý, đánh bạo vào thẳng viện Di Hồng.Lúc đó Bảo Ngọc đã sang thăm Đại Ngọc, Phương Quan cùng Tập Nhân đương ăn cơm, thấy dì Triệu đến đều đứng dậy:- Mời dì xơi cơm. Có việc gì mà vội thế?Dì Triệu không trả lời, chạy ngay đến vất gói phấn vào mặt Phương Quan, trỏ mắng:- Con đĩ này! Mày chẳng qua là hạng con đĩ rạc rài, tao bỏ tiền mua mày về để cho học hát. Đứa đầy tớ hạng bét nhà tao cũng còn sang hơn. Thế mà mày lại dám “Nhìn người đặt cỗ” à? Anh Bảo Ngọc đã cho nó rồi, mày còn giữ lại. Người ta xin của mày đấy à? Mày đưa cái này đánh lừa thằng Hoàn, tưởng nó không biết đấy! Hay dở gì thì chúng nó cũng là anh em ruột vớinhau, cũng là chủ cả, mày lại dám khinh nó à?Phương Quan không chịu nổi, vừa nói vừa khóc:- Hết bột tường vi rồi, sợ cậu ấy không tin, tôi phải đưa thứ phấn này. Ai bảo phấn này là không tốt? Tôi có học hát, nhưng không phải đi hát ở bên ngoài. Tôi là con gái bé, biết thế nào là đĩ với thõa! Dì không thể mắng được tôi, tôi không phải là người dì mua về. “Con hầu lạy thằng ở”, cũng đều là bọn đầy tớ cả thôi!Tập Nhân vội kéo nó lại.- Không được nói bậy.Dì Triệu tức run người lên, chạy lại tát Phương Quan hai cái. Tập Nhân đứng dậy ngăn:- Dì không nên trẻ con như nó, để chúng tôi bảo nó cho.Phương Quan bị đánh hai cái, khi nào chịu thôi. Nó lăn lóc giẫy giụa, khóc ầm lên:- Dì đánh được tôi à? Lấy gương soi mặt đã rồi hãy đánh người! Dì cứ đánh đi, tôi không thiết sống nữa.Rồi nó lao vào trong lòng dì Triệu. Mọi người vừa ngăn vừa kéo nó lại.Tình Văn khẽ kéo Tập Nhân nói:- Mặc kệ họ, cứ để cho họ đánh nhau xem rồi ra sao. “Xểnh chúa nhà, gà mọc đuôi tôm”, người này đến đánh, người kia đến đánh, cứ mãi thế này thì còn làm ăn sao được!Những người đi theo dì Triệu đứng bên ngoài, nghe thấy thế trong bụng lấy làm hể hả, đều niệm Phật: “Ai ngờ lại có ngày hôm nay!” Bọn bà già xưa nay tức sẵn Phương Quan, thấy vậy cũng đều lấy làm thích thú.Ngẫu Quan, Nhụy Quan đương chơi với nhau. Quỳ Quan ở với Tương Vân, Đậu Quan ở với Bảo Cầm, được tin, liền đến bảo hai đứa kia:- Phương Quan bị người ta bắt nạt, chúng ta cũng bẽ mặt, phải đến làm toang hoang một trận mới hả giận được. Bốn đứa còn tính trẻ con, chỉ muốn làm thế nào trả thù cho chị em, chứ đã biết nghĩ xa nghĩ gần gì, liền chạy cả vào viện Di Hồng. Đậu Quan chạy ngay đến lao người vào dì Triệu suýt nữa bị ngã. Ba đứa kia kéo cả đến, kêu khóc ầm lên, chúng tay túm đầu húc, vây chặt lấy dì Triệu. Bọn Tình Văn vừa cười, vừa giả vờ đến gỡ ra. Tập Nhân giằng lấy đứa này thì đứa kia lại chạy mất, liền nói:- Chúng bay muốn chết cả à! Có điều gì oan ức, cứ nói ra, chứ làm điều trái ngược thế này thì coi sao được!Dì Triệu không biết làm thế nào, cứ chửi mắng ầm lên.Ngẫu Quan, Nhụy Quan mỗi đứa nắm lấy một tay; Đậu Quan, Quỳ Quan đứng chặn đằng trước đằng sau nói:- Có giỏi thì đánh chết cả bốn đứa chúng tôi đi!Phương Quan nằm thẳng đẵng dưới đất, khóc lặng người đi. Đương lúc giằng co thì Tình Văn đã sai Xuân Yến đi trình Thám Xuân. Vưu thị, Lý Hoàn, Thám Xuân dẫn Bình Nhi và mấy người đàn bà đến, mắng át bốn đứa, hỏi nguyên cớ ra sao. Dì Triệu tức quá, phùng má trợn mắt, hút hơi kể lể đầu đuôi. Vưu thị, Lý Hoàn không trả lời, chỉ cản bốn đứa kia.Thám Xuân thở dài:- Có việc gì quan hệ đâu! Dì nóng nảy quá. Tôi đương muốn mời dì đến nói một câu chuyện, thảo nào bọn a hoàn về nói, không biết dì ở đâu, té ra lại đến đây sinh chuyện! Thôi mời dì về nhà với tôi.Vưu thị và Lý Hoàn cũng cười nói:- Mời dì lên nhà khách, chúng ta bàn bạc.Dì Triệu không biết làm thế nào, đành theo ba người này về, nhưng miệng vẫn kể lể lôi thôi. Thám Xuân liền nói:- Bọn trẻ con này vốn hay chơi đùa. Khi thích, dì cười đùa với chúng mấy câu, không thích thì thôi mặc kệ chúng. Chúng có điều gì không đúng, dì chỉ nên xem như con mèo, con chó cắn càn, đáng tha thì tha, không đáng tha thì bảo bọn đàn bà giữ việc quở phạt chúng, tội gì không biết tự trọng mà lại gào thét ầm lên, làm mất cả thể thống. Dì thử xem dì Chu, có ai dám khinh nhờn đâu, mà dì ấy cũng chẳng gây chuyện với ai. Xin dì hãy về nhà dẹp cơn giận lại, đừng nghe kẻ nói bậy xúc xiểm, để cho người ta cười mình là ngu ngốc, chỉ tốn công lo việc vu vơ hão huyền cho người ta thôi. Trong bụng có tức chết đi nữa, dì cũng nên nín nhịn mấy ngày, chờ bà Hai về sẽ liệu.Dì Triệu nghe vậy lặng thinh không nói lại được, đành phải về nhà.Thám Xuân bực quá, nói với Lý Hoàn và Vưu Thị:- Nhiều tuổi như thế mà còn làm những việc không để cho người ta nể! Câu chuyện có ra gì đâu, cũng cãi nhau ồn lên, không biết giữ gìn thể thống! Tai hay nghe nhảm, bụng lại nông nổi, hơi một tý là làm tung lên cho to chuyện. Chắc có đứa đầy tớ đê hèn nào thấy dì ấy ngu ngốc, mới xúi giục để nhờ đó cho hả giận chứ gì?Thám Xuân càng nghĩ càng tức, sai người dò xem ai xui giục. Bọn đàn bà vâng lời đi ra, nhìn nhau cười nói:- Mò thế nào được kim ở dưới đáy biển?Rồi gọi người hầu dì Triệu và những người trong vườn đến hỏi, ai cũng nói là không biết. Họ không làm thế nào được, đành về trình Thám Xuân:- Tra ngay thì khó, phải thong thả xem đứa nào hay bép xép sẽ về trình để cô quở phạt.Thám Xuân dần dần nguôi giận. Vừa hay Ngải Quan khẽ đến trình: - Già Hạ ngày thường không ưa Phương Quan, nên hay bịa chuyện. Hôm nọ đổ cho Ngẫu Quan đốt giấy tiền, may có cậu Bảo nhận cho, già ấy mới không dám nói. Hôm nay tôi đi đưa cái khăn cho cô, gặp già ấy đương thầm thào to nhỏ với dì Triệu một lúc lâu, thấy tôi đến, già ấy mới bỏ đi. Thám Xuân nghe nói, biết rõ ẩn tình, đoán bọn này cùng về một hùa, tức tối lẫn nhau, nhưng chỉ ậm ừ, cũng chưa cho thế là đúng.Ngờ đâu cháu ngoại già Hạ là Tiểu Thiền được cắt vào hầu Thám Xuân, thường đi mua hộ các thứ cho bọn a hoàn ở đấy, nên lũ hầu gái đều đối với nó từ tế. Hôm ấy ăn cơm xong, Thám Xuân ngồi ở nhà trên làm việc, Thúy Mặc ở lại trông nhà, bèn sai Tiểu Thiền gọi đứa bé con đi mua bánh.Tiểu Thiền cười nói:- Tôi vừa mới quét xong cả cái sân, mỏi chân lắm, chị sai người khác đi vậy.Thúy Mặc cười nói:- Tao còn bảo ai nữa? Mày chịu khó đi ngay, tao sẽ nói cho nghe một chuyện rất hay. Mày đi cửa sau, nhân tiện về nói cho bà mày biết, phải cẩn thận đấy.Liền đem việc Ngải Quan mách bà nó cho nó nghe.Tiểu Thiền nhận ngay tiền nói:- Con ranh con này cũng định bới móc người ta. Để tôi đi mách cho.Nó đứng dậy đi ra, đến cửa sau, thấy những người ở trong bếp rỗi việc, đều ngồi nói chuyện trên thềm. Già Hạ cũng ở đấy. Tiểu Thiền bảo một bà già đi mua bánh, còn mình thì vừa làu nhàu vừa đem chuyện mới rồi kể cho già Hạ nghe. Già Hạ vừa tức vừa sợ, muốn đi tìm ngay Ngải Quan để hỏi; lại muốn đến kêu oan với Thám Xuân. Tiểu Thiền ngăn lại, nói:- Bà đến đó định nói thế nào? Tại sao bà biết được chuyện này? Như thế chỉ thêm lúng túng không được đâu. Cháu nói thế để bà liệu chừng, chứ việc gì phải vội thế?Bỗng thấy Phương Quan đi đến, gõ vào cánh cửa, cười nói với vợ họ Liễu ở trong bếp:- Thím Liễu ơi, cậu Bảo nói: món ăn bữa chiều hôm nay, làm thứ gì mát mát chua chua, đừng cho dầu thơm vào, ăn thêm ngán thôi.Thím Liễu cười nói:- Biết rồi. Hôm nay có cần gì mà lại sai chị đến bảo tôi. Nếu chị không sợ bẩn thì hãy vào đây chơi đã.Phương Quan đi vào, bỗng thấy một bà già tay cầm một đĩa bánh đến. Phương Quan hỏi đùa:- Bánh nóng này ai mua thế? Tôi nếm trước một miếng nào.Tiểu Thiền cầm lấy đĩa bánh nói:- Của người ta mua đấy. Các chị thì thèm gì thứ này.Thím Liễu trông thấy cười nói:- Cô Phương, cô muốn ăn thứ bánh này? Tôi vừa mới mua cho chị cô ăn đấy. Nó chưa ăn, còn cất nguyên ở kia, chưa ai động đến.Nói xong cầm đĩa bánh đưa cho Phương Quan, lại nói:- Cô chờ đấy, tôi đi pha cho cô ấm trà.Rồi đi đun nước.Phương Quan cầm cái bánh giơ lên mặt Tiểu Thiền nói:- Ai thèm ăn bánh của chị! Cái này không phải là bánh à? Tôi nói đùa đấy thôi, chứ chị có lạy, tôi cũng chả thèm ăn!Nói xong bẻ chiếc bánh vất cho con chim sẻ để đùa chơi và nói:- Thím Liễu đừng tiếc của nhé, tôi về sẽ mua hai cân biếu thím.Tiểu Thiền tức quá lườm nó nói:- Ông thiên lôi có mắt làm sao không đánh chết con quái này đi. Nó lại còn trêu tức tôi? Tôi thì bì với chúng nó sao được. Có người biếu xén, có người xin làm tôi tớ, luồn lụy tâng bốc chúng nó để nhờ nói giúp.Mọi người đều nói:- Các cô thôi đi! Ngày nào gặp nhau cũng càu nhàu như thế.Có mấy người sáng ý, thấy chúng cãi nhau, sợ sinh chuyện, đều chạy đi cả. Tiểu Thiền cũng không dám nói câu gì, chỉ lảu bảu chạy về.Thím Liễu thấy mọi người đi rồi, liền chạy ra hỏi Phương Quan:- Cô đã nói câu chuyện hôm nọ chưa?- Nói rồi. Chờ một vài hôm nữa sẽ nhắc lại. Chỉ bực cái mụ Triệu chết hụt ấy lại cãi nhau với tôi một trận. Rượu mai quế lộ hôm nọ chị ấy đã uống chưa? Chị ấy có đỡ không?- Uống hết rồi. Nó thích thứ ấy lắm, nhưng không tiện xin cô lần nữa.- Có đáng gì, để tôi xin thêm một ít cho chị ấy.Thím Liễu có đứa con gái năm nay mười sáu tuổi, là con thứ năm, nên đặt tên là Năm. Cô Năm tuy là con gái người nấu bếp, nhưng dáng người cũng khá, xấp xỉ sánh với Bình Nhi, Tập Nhân, Uyên Ương, Tử Quyên. Chỉ vì người yếu, nên chưa có việc làm. Gần đây thím Liễu thấy nhiều a hoàn trong phòng Bảo Ngọc làm những công việc nhẹ, lại nghe nói sau này Bảo Ngọc sẽ cho họ về cả, nên muốn xin cho con mình ghi tên vào hầu. Đương lúc chưa có người đưa vào thì may sao thím Liễu trước kia lại là người hầu ở viện Lê Hương, chăm nom nâng giấc bọn Phương Quan rất cẩn thận, hơn các bà mẹ nuôi khác. Bọn Phương Quan đối với thím cũng rất tử tế. Nhân đó thím Liễu nhờ Phương Quan nói với Bảo Ngọc cho con vào hầu, Bảo Ngọc đã bằng lòng, nhưng gần đây lại ốm và bận việc, nên chưa tiện nhắc lại.Phương Quan về viện Di Hồng, vào trình Bảo Ngọc. Bấy giờ vì dì Triệu làm ầm ỹ, Bảo Ngọc trong bụng khó chịu, nhưng há miệng mắc quai, đành chờ cho cãi nhau xong, Thám Xuân bảo dì Triệu về rồi mới từ Hành Vu Uyển quay về, khuyên nhủ Phương Quan, một lúc, dàn xếp xong xuôi. Thấy Phương Quan muốn xin rượu mai quế lộ cho con Năm. Bảo Ngọc nói:- Hãy còn đấy, tôi không uống mấy, cô đưa cho nó.Nói xong, bảo Tập Nhân lấy ra. Thấy trong chai không còn mấy, Bảo Ngọc đưa cả cho Phương Quan.Phương Quan mang chai rượu đi. Gặp lúc thím Liễu dẫn con Năm đi dạo chơi ở góc nhà bên cạnh, vừa về đến bếp, ngồi nghỉ uống nước. Thấy Phương Quan cầm cái chai bằng pha lê nhỏ cao độ năm tấc, trông lấp lánh, trong đựng độ nửa chai nước màu đỏ như son, thím Liễu cho là rượu nho của Bảo Ngọc vẫn uống. Hai mẹ con liền nói: - Cô hãy ngồi đây, để tôi đi đun nước.Phương Quan cười nói:- Chỉ còn có ngần ấy thôi, cho thím cả cái chai đó.Con Năm nghe xong, mới biết là rượu mai quế lộ, cầm lấy ngay, rồi cám ơn Phương Quan, lại nói:- Hôm nay mát giời, tôi đi chơi cho khuây, nhưng ở phía sau chẳng có gì thú, chỉ rặt những hòn đá lớn, những cây cao và bức tường sau nhà thôi, không có cảnh gì đẹp cả.Phương Quan hỏi:- Sao chị không đi nữa?Thím Liễu nói:- Tôi không cho nó đi, sợ các cô ở đây không biết nó, bất chợt mà gặp những người không vừa mắt thì lại thêm chuyện. Ngày mai cô đưa nó vào hầu rồi lo gì không có người dẫn nó đi chơi! Chỉ sợ chơi lắm đâm chán thôi.- Sợ gì? Đã có tôi!- Úi chà! Cô ơi, chúng tôi thấp cổ bé họng, bì thế nào được với các cô.Nói xong đi pha trà đem lại. Nhưng Phương Quan khi nào thèm uống. Chỉ súc miệng rồi về. Thím Liễu nói: - Ta đương giở tay, con Năm tiễn cô ấy một tý. Con Năm đi tiễn, thấy không có người lạ, liền kéo Phương Quan hỏi:- Chị đã nhắc việc ấy cho tôi chưa?- Tôi nói dối chị hay sao? Tôi thấy trong phòng đương thiếu hai người hầu, chưa có ai thay: một là chị Hồng Ngọc, mợ Hai lấy đi, hai là chị Trụy Nhi. Nay lấy thêm chị vào cũng chẳng phải là thừa. Nhưng chị Bình thường nói với chị Tập Nhân: “Việc gì phải động đến người, đến tiền, có thể chậm được thì cứ để chậm. Hiện giờ cô Ba đương muốn tìm cớ đưa người ra. Ngay bên nhà chị ấy cũng phải bác đi mấy việc. Lại định bới cả nhà chúng tôi, nhưng không bới ra được việc gì, như thế thì chị tội gì đã vội đâm đầu vào lưới? Nói mà bị bác thì sau này muốn lấy cũng không được, quá muộn mất rồi. Hãy cứ yên đi một dạo, chờ cụ và bà Hai rỗi, sẽ nói với người, dù việc to như trời cũng phải xong.”- Chị nói thế nhưng tính tôi nóng không chờ được. Nếu tôi vào làm, một là mẹ tôi được mở mày mở mặt, cũng bõ công đẻ ra tôi; hai là tôi có lương tháng, nhà cũng được rộng rãi; ba là tôi được hởi dạ, bệnh sẽ chóng khỏi. Có phải mời thày uống thuốc cũng đỡ tốn tiền.- Những lời chị nói, tôi biết cả rồi. Chị cứ yên tâm.Nói xong Phương Quan đi về.Con Năm trở về, hai mẹ con đều cám ơn Phương Quan. Mẹ nó nói:- Không ngờ lại được những thứ này. Tuy là của quý thực, nhưng uống nhiều sinh nóng, chi bằng rót một ít mang đi biếu người khác, mình lại được ơn.- Biếu ai?- Biếu anh con cậu mày một ít. Nó bị bệnh nóng cũng muốn uống rượu này. Ta rót nửa chén đưa cho nó.Nghe vậy con Năm ngồi lặng một lúc, mặc cho mẹ rót nửa chén và đem chai rượu cất vào trong chạn. Sau đó nó cười nhạt:- Cứ ý con thì không nên cho anh ấy. Lỡ có người biết lại xảy ra lôi thôi.- Cần gì mà phải sợ. Sợ gì cái ấy. Chúng ta vất vả hầu hạ, kiếm được chút ít thứ này thứ nọ là lẽ tất nhiên, chứ có phải đi ăn trộm đâu? Thím Liễu không nghe lời con, đi thẳng một mạch đến là anh. Đứa cháu đương nằm. Trông thấy cả nhà vui mừng, liền đem pha với nước lạnh cho cháu uống một bát, trong bụng nó khoan khoái, mắt sáng lên, đầu mát dần. Còn thừa nửa chén, nó lấy giấy bịt lại để trên bàn. Ngay lúc ấy có mấy đứa hầu nhỏ là bạn chơi thân với cháu thím Liễu, đến hỏi thăm, trong đó có Tiền Hòe là cháu họ dì Triệu. Bố mẹ Tiền Hòe hiện giữ sổ trong kho, còn nó thì được cắt đến hầu Giả Hoàn đi học. Nhà nó cũng khá, nhưng chưa lấy vợ. Ngày thường thấy con Năm xinh đẹp, nó cố xin với bố mẹ hỏi làm vợ, và đã nhờ bà mối đến nói ba bốn lần. Vợ chồng họ Liễu thì bằng lòng, riêng con Năm nhất định không thuận, nhưng chưa nói ra, vì thế vợ chồng họ Liễu cũng chưa dám nhận lời. Gần đây con Năm lại muốn vào hầu trong vườn, nên không nhắc đến việc ấy nữa. Chờ dăm ba năm sau khi trở về, sẽ lấy chồng ở bên ngoài. Nhà Tiền Hòe thấy thế, cũng thôi không đến hỏi. Tiền Hòe không lấy được con Năm, trong bụng vừa tức vừa xấu hổ, nhất định tìm cách lấy cho bằng được mới thỏa lòng. Hôm nay nó cùng bạn đến chơi nhà cháu thím Liễu, không ngờ thím Liễu lại ở đây. Thấy một lũ người đến, trong đó có Tiền Hòe, thím Liễu nói lảng là bận việc, đứng dậy ra về. Anh và chị dâu vội nói:- Sao cô không uống nước đã về ngay? Cám ơn cô đã nhớ đến cháu.Thím Liễu cười nói:- Sợ ở nhà gọi cơm, khi nào rỗi, tôi sẽ lại sang thăm cháu.Người chị dâu liền lấy một gói giấy ở trong ngăn kéo ra, cầm ở trong tay, tiễn thím Liễu ra đến cạnh tường, dúi đưa cho thím, cười nói: - Anh có trực nhật ở ngoài cửa suốt năm ngày chẳng vớ được món bổng nào. Hôm qua có một ông quan ở Việt Động đến thăm, đem biếu trên nhà hai giỏ bột phục linh, còn lại một giỏ để làm quà cho người canh cửa, anh cô cũng được chia một ít. Ở đó có nhiều cây tùng bách sống hàng nghìn năm, chỉ nguyên lấy nhựa phục linh hòa với thuốc là được, không biết làm thế nào mà bột trắng ngần như vậy? Tối hôm qua, tôi giở ra xem, đẹp quá, trắng như tuyết. Họ bảo: thứ nhất là, hòa với sữa người, sáng dậy uống một bát, bổ lắm. Thứ hai là dùng sữa bò; không dùng được sữa thì dùng nước lã đun sôi cũng được. Tôi nghĩ cháu đằng ấy ăn cũng tốt. Sáng hôm nay cho hầu nhỏ đưa đến, nhưng nó nói là khóa cửa, và cháu bên ấy cũng đi đâu vắng. Tôi vẫn muốn sang thăm và mang cho cháu gói này, nhưng các vị chủ đi vắng cả, chỗ nào cũng canh gác cẩn thận, tôi lại không có việc gì, đến thế nào được. Vả chăng hai ngày hôm nay nghe nói có người trong nhà làm bậy, sang đó mà bị vạ lây lại thêm khổ. Cô đến thật là đúng lúc, nhờ mang về hộ cho cháu.Thím Liễu cám ơn rồi về. Vừa đi đến trước cửa bên cạnh, có một đứa bé con cười nói:- Thím đi đâu thế? Trên nhà sai người gọi ba, bốn lượt đấy, bắt ba, bốn đứa chúng tôi đi tìm các ngả. Thím ở đâu về? Đường này lại không phải là đường đi về nhà thím, tôi lấy làm ngờ lắm.Thím Liễu cười nói:- Con khỉ con này!------------------------(1). Cây hoa nhài.