Nói tới Khổng Giáo thì phải nói ngay tới kẻ sĩ. Mục đích duy nhất của Khổng Giáo là đào tạo ra kẻ sĩ. Kẻ sĩ được coi là một lý tưởng mà mọi người phải hướng tới.Bức chân dung kẻ sĩ, như một mẫu người vong thân và vị kỷ, được mô tả trong những trang trước phải chăng là quá đáng? Nhiều người, trong đó có cả những thân hữu quí mến của tôi, đã hơn một lần phát biểu rằng nhận định của tôi về kẻ sĩ qua các bài báo đã được đăng là sai lệch. Vậy thì tôi xin nhường lời cho một kẻ sĩ chân chính viết về chính kẻ sĩ. Đó là Nguyễn Công Trứ qua bài Kẻ Sĩ của ông. Kẻ sĩ không thể có một đại diện nào hoàn hảo hơn Nguyễn Công Trứ. Ông trải qua tất cả tiến trình học tập, sống và hành động của một kẻ sĩ lý tưởng. Ông cũng là một mẫu mực thành công của kẻ sĩ. Cả văn nghiệp lẫn võ nghiệp của ông ít ai bì kịp, ông cũng rất dũng cảm và thanh liêm. Điều làm người ta quí mến ông hơn nữa là ông lại phóng khoáng và đầy nghệ sĩ tính. Ông là một trong những kẻ sĩ lỗi lạc nhất và đáng kính phục nhất trong lịch sử Việt nam.Nguyễn Công Trứ trải qua một thời thanh niên lận đận, ông đậu Giải Nguyễn (thủ khoa kỳ thi hương) năm đã 43 tuổi. Sự muộn màng này không phải do ông không thành công trong các bài thi mà vì quan trường thấy giỏi quá sợ ông thành kiêu căng nên đánh rớt ông để tập cho ông tính khiêm nhường. Nguyễn Công Trứ mất hơn hai mươi năm cường tráng nhất của đời minh vì chữ khiêm của kẻ sĩ ông theo đúng phương châm vững lòng tin, chăm học, kiên trì, cải thiện trình độ nho học (độc tín, háo học, thủ tử, thiện đạo) trong lúc chưa gặp thời. Sau đó ông thi đậu rồi làm quan và làm tướng một cách thật xuất sắc, thăng lên những chức vụ rất cao, đánh Nam dẹp Bắc lập những chiến công thật lẫy lừng. Ông cũng đã đem dân đi dinh điền lập ra nhiều huyện trù phú tại tỉnh Thái Bình. Nguyễn Công Trứ rất hài lòng về sự nghiệp của mình, ông tự thuật như sau: Khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc ĐôngGồm thao lược đã nên tay ngất ngưởngLúc bình Tây cờ đại tướng...Hoạn lộ của ông khá nhiều gian truân. Có lúc ông bị gièm là có ý làm phản, có lúc ông bị cách chức tuột xuống làm lính, nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn kiên trì bày tỏ tài năng và lòng trung nghĩa và rồi lại vươn lên. Ông về hưu sau ba mươi năm hoạt động mãnh liệt. Nhưng mặc dầu công việc dồn dập ông vẫn để lại một văn nghiệp to lớn về cả phẩm lẫn lượng.Tác giả đã đặc sắc như vậy, bài Kẻ Sĩ cũng đặc sắc không kém. Nó tóm gọn một cách đẹp đẽ tất cả nhân sinh quan của kẻ sĩ. Nó lại được viết bằng một thể văn đặc biệt, thể hát nói. Đó là loại thơ được sáng tác trong lúc hát cô đầu, lúc kẻ sĩ phóng khoáng nhất. Cái gì quá đẹp thì khó đúng, có thể bức chân dung kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ không trung thực vì đã được lộng lẫy hóa quá đáng. Kẻ sĩ mà Nguyễn Công Trứ mô tả là kẻ sĩ tráng lệ nhất. Tôi có hỏi một số học giả và được biết là Trung Quốc không có bài thơ hay bài văn nào mô tả kẻ sĩ đẹp đẽ và hùng tráng hơn bài Kẻ Sĩ sau đây của Nguyễn Công Trứ, mà tôi chép lại nguyên văn và đánh số từng câu để chú giải.1. Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt2. Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên3. Có giang sơn thì sĩ đã có tên4. Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quí5. Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị6. Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường7. Khí hạo nhiên chí đại, chí cương8. So chính khí đã đầy trong trời đất9. Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất10. Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn11. Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang Văn12. Phù thế giáo một vài câu thanh nghị13. Cầm chính đạo để tịch tà, cự bí14. Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên15. Rồng mây khi gặp hội ưa duyên16. Đem quách cả sở tồn làm sở dụng17. Trong lăng miếu ra tài lương đống18. Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương19. Làm sao cho bách thế lưu phương20. Trước là sĩ sau là khanh tướng2 1. Kinh luân khởi tâm thượng binh giáp tàng hung trung22. Vũ trụ chi gian giai phận sự23. Nam nhi đáo thử thị hào hùng2 4. Nhà nưóc yên mà sĩ được thung dung25. Bấy giờ sĩ sẽ tìm ông Hoàng Thạch26. Dăm ba chú tiểu đồng lếch thếch27. Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn28. Nào xe, nào ngựa, nào địch, nào đờn29. Đồ thích chí chất đầy trong một túi30. Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi tới31. Nhắm cuộc đời mà ngẫm kẻ trọc thanh32. Này này, sĩ mới hoàn danh.Bài thơ này dùng khá nhiều chữ Hán nên có lẽ một số độc giả cần vài giải thích.Hai câu (1) và (2) nói rằng trong năm tước quan (công, hầu, bá, tử, nam), kẻ sĩ đều có mặt và trong bốn giai cấp xã hội (sĩ, nông, công, thương), kẻ sĩ đứng đầu. Thật là hãnh diện được làm kẻ sĩ. Trong câu (4), Chu và Hán là hai triều đại lớn của Trung Quốc gần sát nhau, từ thế kỷ 12 trước Tây lịch tới thế kỷ 3 sau Tây lịch. Hai câu (5) và (6): ở xóm làng (lưỡng đảng), kẻ sĩ đã được tôn kính là người có lý luận (hiếu nghị) nên phải sống đúng tam cương (quân, sư, phụ hay bổn phận đối với vua, với cha mẹ và với thầy dạy học) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Hai câu (7) và (8): Bản chất của kẻ sĩ (khí hạo nhiên) rất lớn và rất vững (chí đại, chí cương), tinh thần (chính khí) của kẻ sĩ đầy trời đất. Hai câu (9) và (10): Khi chưa gặp (lúc vị ngộ) được minh chúa thì ở yên (hối tàng) trong lều cỏ (bồng tất) nghèo nàn, cứ thanh thản mà vui chơi bằng cách câu cá trên sông Vị (điếu Vị) hay trồng trọt trên đất Sằn (canh Sẵn). Đầu đời nhà Chu, Khương Tử Nha ngồi câu cá trên sông Vị đợi minh chúa tới năm đã ngoài 80 tuổi mới được Chu Văn Vương đem xe đến đón về làm quan. Trước đó một nhân vật huyền bí khác của Trung Quốc, làm ruộng ở đất Sằn cho đến khi được minh chúa tới đón. Tất cả những hoạt động câu cá, trồng trọt này không có mục đích sản xuất (Chương Tử Nha câu cá bằng lưỡi câu thẳng) mà chỉ có mục đích chờ thời mà thôi.Hai câu (11) và (12): Dù chưa gặp được các minh chúa như vua Thang, vua Văn đem xe có quấn cỏ vào bánh (bờ luân) cho êm tới đón về, vẫn giữ đạo nho bằng cách nói lên những lời đúng (thanh nghị).Ba câu (13), (14) và (15): Giữ vững chính đạo, tức Khổng Giáo, để tiêu diệt những tà thuyết (tịch tà), chống lại những khó khăn của cuộc sống (cự bi). Quyết tâm quay ngược lại sóng dữ (hồi cuồng lan) ngăn nước của cả trăm con sông.Năm câu từ (16) đến (20): Khi đã được ra làm quan (kẻ sĩ được làm quan cũng sung sướng như rồng gặp mây) thì đem lết cả tài mình có (sở tồn) ra sử dụng. Trong triều đình (lăng miếu là mộ các vua, thường chôn ở ngay triều đình, kẻ sĩ coi là một diễm phúc được nhìn mộ các vua trước) thì trổ tài làm quan (tài lương đống), ngoài trận mạc biên thùy thì vung gươm báu (Can và Tương là một cặp vợ chồng thời xưa ở Trung Quốc làm nghề luỵện kiếm và đã hy sinh vì kiếm báu). Làm thế nào để cả trăm thế hệ về sau biết đến tiếng thơm (bách thế lưu phương) mới hay. Trước là làm đẹp hình ảnh kẻ sĩ, sau là làm quan lớn (khanh tướng).Ba câu (21), (22) và (23) tóm lược thế nào là một người trai anh hùng: phải có kiến thức trị nước (kinh luân) ở sẵn trong đầu (tâm trương) và phải chứa sẵn tài cầm binh ở trong bụng (binh giáp tàng hung trung). Khắp nơi đều là phạm vi hoạt động (vũ trụ chi gian giai phận sự). Làm trai như thế mới đúng là anh hùng hào kiệt. Những câu cuối nói rằng khi đã làm tròn phận sự thì kẻ sĩ lại rút về ở ẩn ngao du danh lam thắng cảnh, hưởng thể đàn hát và không màng đến xã hội nữa. Như thế là kẻ sĩ hoàn tất một cuộc đời đẹp (hoàn danh).Chúng ta thấy gì qua cái chân dung lẫm liệt của kẻ sĩ này? Trước hết nó bộc lộ một thái độ thuần phục văn hóa tuyệt đối với Trung Quốc. Mọi điển tích, mọi địa danh, triều đại đều là của Trung Quốc cả. ý niệm quốc gia dân tộc hoàn toàn vắng mặt, tổ quốc của kẻ sĩ là Trung Quốc, đúng ra là Khổng Giáo Trung Quốc.Sau đó là tâm lý tôi tớ. Kẻ sĩ chỉ chờ để được làm tôi tớ cho một ông chủ, chứ hoàn toàn không có ý chí xây dựng một sự nghiệp của riêng mình trong mọi hoàn cảnh. Không được một minh chúa dùng làm tôi tớ kẻ sĩ sẵn sàng để phí uổng đời mình. Cả đời kẻ sĩ chỉ sống với giác mộng được làm tôi tớ. Đúng là một thái độ vong thân tuyệt đối.Suốt cuộc đời hoặc không may thì ở ẩn cam chịu cuộc sống nghèo nàn trong lều cỏ, hoặc may thì làm bầy tôi cho một ông vua, sau đó vui chơi. Hoàn toàn không thấy có một trách nhiệm nào đối với cộng đồng cả. Cuộc sống hoàn toàn vị kỷ.Và dĩ nhiên chỉ có người con trai mới đáng kể, phụ nữ không thể là kẻ sĩ vì thế không đáng đếm xỉa tới.Tôi đã đề cập đến Nguyễn Trãi và lần này lại đề cập tới Nguyễn Công Trứ. Tôi hoàn toàn không dám mai mỉa hai vị tiền bối này. Tôi rất kính trọng họ, bởi vì họ là tinh hoa của lịch sử Việt nam, là những người đã có công lớn với đất nước và cũng là những người mà chúng ta có thể tự hào. Điều cần lên án là cái văn hóa Khổng Giáo tồi tệ đã tha hóa cả những con người lỗi lạc như thế. Riêng đối với Nguyễn Trãi, ông đã có công lớn giành lại độc lập cho Việt nam từ tay quân Minh, ông cũng là tác giả Bình Ngô Đại Cáo, áng văn nghị luận chính trị đầu tiên của Việt nam đồng thời cũng là một bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng, nhưng ông đã chết tức tưởi và cả họ bị giết hại. Thủ phạm là ai nếu không phải là chế độ quân quyền dựa trên Khổng Giáo, là cái giá trị tam cương độc hại của Khổng Giáo?Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ và vô số kẻ sĩ lỗi lạc khác nếu thi thố được hết tài năng và sáng kiến của mình thì còn vĩ đại gấp trăm lần và còn cống hiến cho đất nước những thành quả to lớn gấp trăm lần. Nhưng họ là kẻ sĩ và đã phải chấp nhận cuộc sống vong thân của kẻ sĩ.Tâm lý kẻ sĩ vẫn còn hiện diện mạnh lắm trong chúng ta. Không thiếu những người rất đáng quí trọng hiện nay ao ước được sống như kẻ sĩ hay hãnh diện đã sống như kẻ sĩ. Nguyễn Xuân Tụ, người bạn quí mến của tôi, lấy tên là Hà Sĩ Phu, có thể có nghĩa là sĩ phu Bắc Hà, cũng có nghĩa của một câu hỏi còn ai là kẻ sĩ ngày nay hay thế nào là sĩ phu do sự thiếu chính xác của tiếng Trung Quốc và tiếng Việt. Ông Tụ trân trọng kẻ sĩ lắm, cũng như nhà văn Hoàng Tiến, người đã viết kháng thư trách chính quyền cộng sản đối xử tệ bạc với trí thức mà ông coi là những kẻ sĩ của thời nay. Tôi thì chỉ thấy kẻ sĩ là một bóng ma tiều tụy và vong thân cần phải tống cổ một cách tức khắc và không nề nang ra khỏi trí tuệ và tâm hồn của chúng ta, nếu chúng ta muốn một tầm vóc khác cho đời mình và một tương lai khác cho đất nước.