Bình luận

Các bạn đang hoặc sắp đi nghỉ hè, để lại nhà tất cả và ra đi với vài bộ quần áo mỏng. Nếu trong dịp này các bạn cũng cất đi những ý kiến đã rõ ràng và chắc chắn thì xin tặng các bạn bài này.
Con gái tôi năm nay thi tú tài tại Pháp. Về môn triết, nó được chọn bình luận một bài của Kant hoặc làm một trong hai bài luận. Nó chào thua ông Kant. Hai đề luận là:
1. Chúng ta chờ đợi gì ở kỹ thuật? (Qu’attendons-nous de la technique?)
và 2. Hành động chính trị có được hướng dẫn bởi sự hiểu biết về lịch sử không? (L’action politique est-elle guidée par la connaissance de l’histoire?). Vốn khôn lanh, con bé chọn đề kỹ thuật, bỏ chạy đề lịch sử.
Nó có lý. Và tôi cũng rất muốn được gặp vị giáo sư đã ra đề thi lịch sử, để hỏi xem ông ta chờ đợi gì ở tụi trẻ.
Đề tài này là một cạm bẫy. Tôi bảo đảm là đối với nhiều người, có thể là đa số, câu hỏi “Hành động chính trị có được hướng dẫn bởi sự hiểu biết về lịch sử không?” đồng nghĩa với câu hỏi: “Kinh nghiệm lịch sử có cho phép rút ra những bài học cho hoạt động chính trị không?”. Và như thế là lạc đề, bởi vì hai câu hỏi này khác nhau. Trả lời cho câu hỏi đầu là CÓ, câu thứ hai là KHÔNG.
Trước hết, cần đồng ý trên một số khái niệm. Lịch sử là gì? Đó là ký ức của những gì mà những con người của một cộng đồng đã làm ra, đã chịu đựng và đã hưởng thụ trong dòng thời gian. Cộng đồng này có thể là một vùng, một nước, hay cả thế giới, nhưng luôn luôn là một cộng đồng của những con người. Loài vật không có lịch sử bởi vì chúng không có quá khứ. Những gì con người đã làm ra, thụ hưởng hay chịu đựng cũng vô cùng đa dạng. Đó có thể là những tranh giành quyền lực, những cuộc chiến tranh, nhưng cũng có thể là những thành tựu về khoa học, kỹ thuật, dụng cụ và phương pháp sản xuất, văn hoá, nghệ thuật, những sợ hãi và hân hoan, những vui buồn và âu lo... Chúng ta thường hiểu lịch sử là những biến cố có liên quan đến quyền lực, nói khác đi những biến cố chính trị đã xảy ra cho một dân tộc; nhưng đó là một định nghĩa rất giới hạn, và sự giới hạn này tự nó cũng đã thu hẹp khả năng rút từ đó ra những kết luận hướng dẫn hành động.
Lịch sử do con người làm ra. Nhưng con người hành động theo những gì mà mình nghĩ là đúng nhất hoặc có lợi nhất cho mình, cho thân nhân mình, hoặc cho cộng đồng của mình, trong hoàn cảnh mà mình đang sống. Chúng ta suy nghĩ và quyết định bằng trí óc và trí óc này làm việc nhờ hai bộ phận: một trung tâm logic bẩm sinh với những qui luật lý luận căn bản và một trung tâm trí nhớ trong đó chúng ta tích luỹ những gì đã thấy và học hỏi, đặc biệt là ngôn ngữ và khái niệm. Nếu trung tâm logic của mọi người đều gần giống nhau thì trí nhớ của mỗi người lại rất khác nhau. Có những điều mà người biết người không, và cũng có những sự kiện mà nhiều người biết, nhưng biết một cách khác nhau. Ngôn ngữ cũng khác nhau ngay cả giữa hai người Việt. Thí dụ như biến cố 30-4-1975 không được ghi nhận như nhau bởi hai người Việt Nam; những từ ngữ “dân chủ”, “tự do” cũng không có cùng một nghĩa giữa một thanh niên Việt Nam tại Paris và một uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Khi chúng ta lý luận để đi đến một quyết định hành động, trung tâm logic của chúng ta vận dụng những gì tích luỹ trong trí nhớ. Một người đã lý luận là phải có ký ức. Và bởi vì chúng ta luôn luôn phải làm những chọn lựa chính trị, chúng ta luôn luôn phải vận dụng những ký ức về chính trị, nghĩa là lịch sử. (Không làm chính trị cũng là một chọn lựa chính trị, bày tỏ một sự uỷ nhiệm lạc quan trong một chế độ tốt và một sự hèn nhát trong một chế độ bạo ngược). Như vậy thì ai cũng biết lịch sử cả, khi người ta không biết lịch sử một cách đúng đắn là người ta biết một cách không đúng đắn, chứ không thể không biết. Lịch sử là một phần không thể tách rời của cách mà chúng ta nhận định thế giới chung quanh. Người ta lý luận và hành động theo những gì mình nhớ. Trong chính trị, ký ức chủ yếu là lịch sử. Như vậy, để trả lời câu hỏi thứ nhất, đúng là hành động chính trị được hướng dẫn bởi sự hiểu biết về lịch sử.
Để giải toả một phản bác có thể được đưa ra, xin trở lại với cấu trúc của lý luận và trí nhớ trong bộ óc của chúng ta. Lý luận có được là do trung tâm logic vận dụng những ký ức được tồn trữ trong bộ nhớ. Ttrong bộ nhớ có những ký ức mà ngôn ngữ diễn tả được, nhưng đại bộ phận là những ký ức mà ngôn ngữ không diễn tả được do đó không lộ diện trong lý luận. Đó là phần chìm của ký ức, phần vô thức của lý luận, tầng hầm của tâm lý. Phần chìm này quan trọng hơn phần nổi rất nhiều. Nếu mạo hiểm mà đưa một tỷ lệ thì có thể nói nó là 90% của ký ức. Chọn lựa chính trị vì vậy là được hướng dẫn bởi sự hiểu biết về lịch sử, cùng với những hiểu biết khác, ngay cả khi, như trong đa số các trường hợp, chúng ta không ý thức được. (Ở đây xin mở một dấu ngoặc là cái khó nhất trong các cuộc thảo luận là không những các từ ngữ thường không có cùng một nghĩa với nhiều người mà còn có những điều không thể nói ra vì thuộc phần chìm của ký ức).
Câu hỏi thứ hai, kinh nghiệm lịch sử có cho phép rút ra những bài học cho hành động chính trị không? thực tiễn và thú vị hơn nhiều.
Trước hết phải hiểu bài học là những gì ta chỉ cần áp dụng mà thôi, như một học trò ngoan. Kinh nghiệm lịch sử thường được hiểu như là sự tiếp nối tự nhiên của những biến cố; hễ có cái này tất nhiên sẽ có cái kia. Thí dụ “bài học 1945” có nghĩa là hễ thoả hiệp với cộng sản là chết, bởi vì sau chính phủ liên hiệp là sự kiện các đảng phái quốc gia bị cộng sản tàn sát; hay “bài học 1975” là những kẻ kêu gọi hoà giải và hoà hợp dân tộc hoặc là ngây thơ ấu trĩ hoặc là tay sai cộng sản, bởi vì cộng sản chỉ dùng hoà giải và hoà hợp dân tộc như một chiêu bài để lường gạt chứ không thành thực muốn như thế (Lập luận này hình như hàm ý rằng một người “quốc gia chân chính” chỉ được phép làm những gì mà Đảng cộng sản thực sự muốn). Cách “rút bài học lịch sử” này sai cả về logic lẫn quan sát.
Về logic, đây là một cách lý luận qui nạp láo lếu. Phép qui nạp cho phép đi từ cá biệt đến tổng quát, nghĩa là từ những quan sát riêng lẻ đến một qui luật chung, nhưng với điều kiện là quan sát nhiều trường hợp mà một, hay một số, nguyên nhân nào đó luôn luôn đưa tới cùng một hậu quả. Đằng này ta chỉ dựa vào một trường hợp, bởi vì có bao giờ có những hoàn cảnh lịch sử giống hệt nhau đâu. Vả lại, riêng về bài học 1945 thì ta có thể nói thẳng thừng rằng đây là một bài học sai. Kể từ khi phong trào cộng sản xuất hiện đã có nhiều trường hợp thoả hiệp giữa các Đảng cộng sản và không cộng sản tại nhiều nước và thường thường là các Đảng cộng sản thua sau đó. Việt Nam là một ngoại lệ chứ không phải một thông lệ.
Về mặt quan sát, cái gọi là “nguyên nhân” trong “bài học lịch sử” cũng không có gì bảo đảm. Trừ khi có trí tuệ rất “đơn sơ”, chúng ta đều hiểu rằng nguyên nhân của một biến cố lịch sử không phải là một mà là nhiều sự kiện đã xảy ra theo một thứ tự nhất định, cách nhau những khoảng và thời gian nhất định, với một cường độ nhất định. Hiểu như thế thì không làm gì có những trường hợp “cùng nguyên nhân” cả. Lịch sử không bao giờ lặp lại. Như vậy, một cách quả quyết, câu trả lời cho câu hỏi này là KHÔNG. Không có bài học lịch sử và cũng không có kinh nghiệm lịch sử theo nghĩa thường được hiểu.
Vậy lịch sử dùng vào việc gì?
Câu trả lời đầu tiên là lịch sử là một bắt buộc, dù có lợi hay không, bởi vì quan tâm đến lịch sử là bằng chứng của một ý thức về quốc gia. Một quốc gia có thể được thai nghén từ lâu nhưng chỉ thực sự bắt đầu từ khi có lịch sử, và một dân tộc thực sự có lịch sử kể từ khi bắt đầu viết sử.
Và lịch sử quả nhiên có công dụng của nó. Nó mô tả một dân tộc trong dòng thời gian, nó cho dân tộc đó biết mình là ai, cần phải làm gì và có thể làm gì. Sự hiểu biết lịch sử vì vậy không những quí báu mà còn cần thiết, nghĩa là không thể thiếu, cho người hoạt động chính trị. Mặt khác, tuy lịch sử không cho ta những bài học để cứ như thế mà bắt chước, nó cho phép ta suy luận trên những sự kiện và đôi khi đạt tới những kết luận quan trọng, với điều kiện là sự hiểu biết về lịch sử phải đầy đủ và đúng đắn, song song với một cố gắng trừu tượng hoá.
Một thí dụ: Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nhiều người háo hức cho rằng chế độ cộng sản Việt Nam cũng sẽ sụp đổ theo. Chính Đảng cộng sản Việt Nam cũng đặt ra câu hỏi “trụ được hay không trụ được?”. Thế rồi chế độ cộng sản Việt Nam không đổ và người ta cố tìm những lý luận để giải thích. Chẳng hạn như các chế độ cộng sản Đông Âu được Liên Xô dựng lên chứ không phấn đấu để tự giành được chính quyền như chế độ cộng sản tại Việt Nam, các nước Đông Âu có mẫu số chung là đạo Công giáo, v.v. Tất cả những “lý do” này chỉ được đưa ra bởi vì người ta cần một giải thích cho một biến cố chờ đợi nhưng không đến.
Nếu thay vì lạc quan vội vã và sau đó giải thích gượng gạo như vậy, chúng ta quan sát tất cả những thay đổi chế độ đã xảy ra tại các nước, các thời đại, chúng ta sẽ có một cái nhìn khác. Chúng ta sẽ thấy rằng luôn luôn có bốn điều kiện vừa cần vừa đủ để một chế độ độc tài sụp đổ, đó là:
1) Đại đa số đồng ý chế độ hiện có là tệ hại cần phải chấm dứt;
2) Đảng hay tập đoàn cầm quyền bị ung thối cho nên không còn đồng thuận và mất khả năng tự vệ của một tổ chức;
3) Người trong nước đồng ý về một chế độ mới phải có và những mục tiêu mới;
và 4) Có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với đồng thuận này làm tụ điểm cho những khát vọng đổi mới.
Nếu nhận định như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên tại sao Đảng cộng sản Việt Nam trụ được trong khi Liên Xô và các chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ. Đó là vì Việt Nam vào lúc đó thiếu điều kiện thứ ba và thứ tư. Thí dụ này cho thấy cố gắng trừu tượng hoá là then chốt vì cả những sự kiện lẫn kết luận đều không còn tuỳ thuộc địa điểm và thời gian, mà thành tố khách quan trong một định luật chính trị.
Nhưng thế nào là hiểu biết lịch sử một cách đầy đủ và đúng đắn?
Trước hết là không thể chỉ đọc lịch sử của nước mình mà phải nghiên cứu lịch sử của cả thế giới. Có thế ta mới có cái nhìn tổng quát hơn, các biến cố lịch sử quốc gia cũng sẽ được sắp xếp lại trong bức tranh toàn cảnh và do đó dễ tiết lộ cái tại sao của chúng. Nếu chỉ đọc lịch sử của nước mình chúng ta dễ rơi vào tâm lý ếch ngồi đáy giếng. Cách đây vài năm tôi có gặp một lãnh tụ đối lập Trung Quốc rất nổi tiếng và ngạc nhiên về sự hiểu biết lịch sử của ông. Vị này nói rằng thế giới đã sai lầm khi lên án Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng vì Tây Tạng từ ngàn xưa vẫn là một tỉnh của Trung Quốc, Việt Nam là một tỉnh của Trung Quốc bị Pháp cướp đoạt, văn hoá và tư tưởng Trung Quốc vượt hẳn phương Tây, v.v.
Cũng cần phải nói lịch sử thế giới là lịch sử của toàn nhân loại được coi như một tập thể chứ không phải là lịch sử của các quốc gia gộp lại. Chúng ta không có thì giờ để đọc lịch sử của mọi quốc gia. Vả lại cũng chẳng ích lợi gì lắm vì không giúp ta nhìn thấy mối liên hệ giữa các sự kiện. Vẫn lấy nước Trung Hoa làm thí dụ: Lưu Bang (tức Hán Cao Tổ) không hề biết có đế quốc La Mã nhưng chính ông ta đã là nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của đế quốc La Mã. Nhà Hán đổi chính sách đối với các sắc dân hiếu chiến phương Bắc. Trước đó các vua Trung Quốc xây Vạn Lý Trường Thành để ngăn chặn, nhưng nhà Hán đã chọn lựa tấn công thay vì phòng thủ và đã tạo ra cả một phong trào di dân từ Đông sang Tây của các sắc dân hiếu chiến. Sắc dân nọ đuổi sắc dân kia, dân Visigoth tiến vào đế quốc La Mã và sau cùng làm đế quốc này sụp đổ.
Kế đến, khó hơn, là cần phê phán, coi lịch sử như một tài liệu để làm việc và do đó cần được không ngừng rà soát và cập nhật dưới ánh sáng của những khám phá mới chứ không phải là một cuốn thánh kinh, các nhân vật lịch sử như những con người có thể sai lầm chứ không phải những vị thần thánh để thờ phụng.
Nhưng dù cố gắng thế nào đi nữa thì hiểu biết lịch sử một cách đầy đủ và đúng đắn cũng vẫn là điều rất khó, bởi vì lịch sử, triết học và chính trị gắn bó chặt chẽ với nhau trong một cấu trúc bí hiểm như khu tam giác Bermudes đối với nhiều người.
Làm chính trị theo đúng nghĩa của nó là cố gắng thay đổi xã hội theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, nói cách khác là làm ra lịch sử. Vậy thì những người không làm chính trị không thể nào hiểu được lịch sử một cách thấu đáo. Họ là những người ngoài cuộc. Ngược lại, cũng chính vì làm chính trị là làm ra lịch sử nên những người hoạt động chính trị phải biết rõ lịch sử, và hơn thế nữa có một giác quan về lịch sử, nghĩa là cảm nhận được cái gì nên tới và sẽ tới. Làm chính trị mà không có sự hiểu biết và quan tâm về lịch sử thì chỉ là tham vọng quyền lực.
Ngoài sự hiểu biết về lịch sử, người làm chính trị cũng phải hiểu ý nghĩa việc mình làm, những giá trị mà mình theo đuổi, những gì có thể thoả hiệp và những gì không thể thoả hiệp, nghĩa là phải có tư tưởng và lý tưởng, phải có triết lý. Không có tư tưởng thì hoạt động chính trị, khi không phải chỉ là một trò chơi vớ vẩn để giành chút hư danh hay để lường gạt, chỉ là đấu đá tranh giành quyền lực.
Các tư tưởng triết học, kể cả những tư tưởng trở thành tín ngưỡng tôn giáo, đều là sản phẩm của một tình trạng xã hội trong một giai đoạn lịch sử. Ngược lại, trong mỗi giai đoạn, trước các thực trạng xã hội con người phản ứng - và làm ra lịch sử - theo những gì mà mình nghĩ là đúng, nghĩa là theo một triết lý nào đó. Như vậy, để hiểu lịch sử của một dân tộc ở một giai đoạn nào đó người ta cũng phải hiểu triết lý của dân tộc đó trong giai đoạn đó, mà muốn như vậy không nhiều thì ít cũng phải là triết gia. Điều quan trọng trong lịch sử không phải là biết những sự kiện đã xảy ra mà là hiểu tại sao chúng đã xảy ra, và xảy ra như thế. Vả lại, nếu không hiểu thì người ta cũng không thể biết, bởi vì cái mà ta gọi là “biết” chỉ là sự ghi nhận các biến cố theo cách mà ta hiểu. Không phải hễ là người trong cuộc là biết đúng. Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Lê Đức Thọ và Lê Duẩn ngay cả nếu thực sự muốn cũng không thể thuật lại đúng cuộc chiến chấm dứt ngày 30-4-1975. Lịch sử gắn bó chặt chẽ với chính trị và triết. Đến đây ta có thể nhận xét lịch sử thường được viết ra bởi những người không có thẩm quyền vì các sử gia thường không phải là triết gia và cũng không hoạt động chính trị, điều này càng tương đối hoá ích lợi của lịch sử.
Cái mà lịch sử thực sự mang lại cho chúng ta, với điều kiện là chúng ta biết phối hợp những kiến thức lịch sử với nhiều hiểu biết khác, là chân dung và hồn tính của một dân tộc. Hãy thử nhìn khái niệm tự hào dân tộc mà người Việt Nam coi rất trọng.
Một anh bạn chất vấn tôi tại sao lại viết trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn những điều có thể làm thương tổn đến tự hào dân tộc? Theo anh ấy thì ngay cả nếu những điều tôi viết về Nguyễn Huệ và Đinh Bộ Lĩnh là đúng cũng không nên viết ra, bởi vì từ trước đến nay họ là một niềm tự hào chung của dân tộc và gắn bó người Việt với đất nước.
Tôi không chia sẻ quan điểm đó. Nhận xét của tôi là trong những gia đình giàu có và danh giá, anh em thường rất xung khắc, nhiều khi không nhìn mặt nhau, ngược lại trong những gia đình nghèo khổ anh em lại rất gắn bó. Hãnh diện không phải là yếu tố quan trọng trong tình tự dân tộc. Người Việt Nam yêu nước Việt Nam bởi vì đó là đất nước của họ, là một phần của đời họ hay của ông cha họ chứ không phải vì họ hãnh diện là Việt Nam đã nhiều lần đánh thắng Trung Quốc và tiêu diệt Chiêm Thành (nhất là nếu họ là người Việt gốc Hoa, hay gốc Chàm). Nhưng tôi hiểu cái nhu cầu được hãnh diện của mỗi người Việt Nam. Đó là cái nhu cầu mà chúng ta thừa hưởng từ di sản lịch sử. Chúng ta có hơn 2000 năm lịch sử thì hơn một ngàn năm đầu bị nô lệ người Trung Quốc. Cái quá khứ nô lệ dài dằng dặc đó đã tạo ra một nền nếp, cho nên các chính quyền độc lập sau đó cũng chỉ là những chế độ nô lệ bản xứ. Thân phận nô lệ bị chà đạp và khinh bỉ đã tạo ra trong mỗi chúng ta sự khao khát được có một lý do nào đó để hãnh diện. Khát vọng đó nhiều khi đưa tới những nhận định tập thể dai dẳng nhưng lệch lạc.
Đầu năm nay, một nhân sĩ gọi điện thoại cho tôi rủ ký tên vào một bản tuyên bố nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương. Theo vị này, một người đấu tranh tích cực cho dân chủ và nhân quyền, thì bản tuyên bố mới đầu được dự định đưa ra ngày 30-4-2005, nhưng vì ngày 30-4 có nhiều cách nhìn mâu thuẫn - người thì gọi là ngày quốc hận, người thì gọi là ngày thống nhất, cũng có người coi là ngày đấu tranh cho tự do dân chủ - nên cuối cùng anh em chọn ngày giỗ tổ Hùng Vương, một ngày mà mọi người Việt Nam đều coi là thiêng liêng.
Mọi người? Các vua Hùng chắc chắn không phải là tổ của đồng bào Thượng miền Cao Nguyên Trung Phần, của người Việt gốc Miên, gốc Chàm, nhưng họ cũng không phải là tổ của đại đa số người Việt được gọi là người Kinh. Họ là những người di dân Trung Quốc. Nền tảng của một ngôn ngữ là các động từ, mà các động từ căn bản của ta, đi, đứng, ăn, nói, hò hét, chạy, nhảy, cười, khóc, cày cấy, nhớ, thương, v.v. đều là thuần tuý tiếng Việt chứ không mượn từ tiếng Hán. Trong vòng hơn một ngàn năm, tiếng Hán được áp đặt như ngôn ngữ chính thức, và trong gần một ngàn năm sau đó các triều đại và sĩ phu Việt Nam không những tiếp tục áp đặt tiếng Hán mà còn nô nức ca tụng tiếng Hán và mạt sát tiếng Việt (nôm na là cha mách qué), nhưng tiếng Việt vẫn tồn tại. Không những tồn tại mà còn tiếp tục phát triển để cuối cùng đẩy lùi tiếng Hán khỏi Việt Nam. Ngay cả các sĩ phu hung hăng học và phổ biến chữ Hán và khinh bỉ tiếng Việt trong cả ngàn năm cũng đã chỉ viết được những tác phẩm có giá trị khi sử dụng tiếng Việt, điều này chứng tỏ họ không phải gốc Hán như chính họ lầm tưởng. Nếu yếu tố Hoa Nam chỉ chiếm 10% cấu trúc nhân chủng của người Việt thôi thì chắc chắn tiếng Việt không còn. Chúng ta không phải là con cháu các vua Hùng. Họ chỉ là những vị vua đầu tiên của Việt Nam mà thôi, đồng thời với những vị vua đầu tiên khác của vùng đất Chiêm Thành nay đã trở thành miền Trung. Sở dĩ các vua Hùng được coi là tổ tiên của cả nước ta là do một truyền thống dã man: kẻ thắng xoá bỏ nền văn hoá và lịch sử của kẻ thua. Truyền thống dã man này đã được nhà cầm quyền cộng sản lặp lại sau ngày 30-4-1975 khi họ tổ chức đốt những sách xuất bản tại miền Nam trước đó.
Về những vị vua đầu tiên, chúng ta cũng đừng quên một sự kiện của lịch sử thế giới: hầu hết, nếu không phải là tất cả, các chính quyền đầu tiên đã được thành lập bởi những nhóm nhỏ du mục và cướp bóc từ xa tới. Đó là những thiểu số còn sót lại của nếp sống săn-hái khi nhân loại đã tiến sang thời kỳ định cư và nuôi trồng. Họ không văn minh bằng những người nông dân định cư, nhưng họ thiện chiến và có tổ chức thành băng đảng, do đó, dù chỉ là những nhóm nhỏ với vài trăm hay vài chục người, thậm chí vài người, họ đã khuất phục được những người nông dân hiền lành, bắt nộp thuế, xây đền đài và làm nô lệ cho họ. Để uy hiếp tinh thần của những người bị thống trị, họ bịa đặt những huyền thoại theo đó họ là con cháu thần tiên, hay áp đặt sự thờ cúng những vị thần của họ. Tình trạng này hầu như không có ngoại lệ. Ngay tại châu Âu cho tới gần đầu thế kỷ 20, con cái các quí tộc đều theo binh nghiệp. Đó là một di sản của lịch sử: những chính quyền đầu tiên đều xuất phát từ bạo lực và cướp bóc. Việt Nam có lẽ là nước duy nhất còn thờ vị vua đầu tiên như là tổ của mình.
Theo tôi, tự hào dân tộc chỉ là bộ mặt giả của một nhu cầu khác, thầm kín nhưng mãnh liệt và chính đáng. Đó là khát vọng không nói ra được của một dân tộc đã chịu đựng một lịch sử quá nặng nề, một lịch sử của chà đạp và cướp bóc. Ngôn ngữ của dân tộc nào cũng đặt nền tảng trên hai động từ CÓ và LÀ. Mỗi người là gì và có những gì. Nhưng ngôn ngữ của chúng ta, như một bài châm biếm của Đáy trong số Thông Luận trước (“Ngôn sử”, Thông Luận số 194, tháng 6-2005), lại đặt nền tảng trên động từ ĂN. Phải hiểu rằng ông cha chúng ta bị cướp bóc ghê rợn và đói lắm. Không những đói mà còn bị chà đạp. Có xáo thì xáo nước trong. Có giết tôi thì cũng xin đừng làm nhục để con cháu tôi đau lòng. Thế mà cái ơn huệ nhỏ nhoi đó nhiều khi cũng không được thoả mãn. Ngay trong lúc này, những kẻ bị hành quyết vì chống “nhà nước xã hội chủ nghĩa” bị mạt sát là phản quốc và bị nhét một trái chanh vào miệng để không nói được những lời sau cùng trước khi bị giết.
Qua cái nhu cầu tự hào dân tộc đó là khát vọng được có công lý và được kính trọng.
Như vậy chúng ta chẳng cần gì phải có những anh hùng dân tộc để tự hào. Vả lại những anh hùng vĩ đại nhất là những cha mẹ làm việc quần quật và nhịn đói nuôi con chứ không phải là Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Huệ. Chúng ta chỉ cần thực hiện dân chủ, công lý, lẽ phải, nhân quyền. Rồi chúng ta sẽ thấy người Việt rất yêu nước.
Có thể tôi đã hơi quá khi nói rằng không có những bài học lịch sử. Nhưng nếu có thì cũng không phải là những bài học vẫn thường được viện dẫn. Một trong những bài học căn bản nhất mà lịch sử đem lại cho chúng ta là phải thay đổi văn hoá nếu muốn thay đổi chế độ chính trị. Một bài học quí báu khác là một dân tộc phải có tư tưởng mới có thể tồn tại một cách xứng đáng và vươn lên. Quốc gia nào xét cho cùng cũng phải được xây dựng trên những cuốn sách. Chính vì không có tư tưởng mà chúng ta đã cuồng nhiệt tàn sát nhau vì những tư tưởng tồi tệ đã bị các dân tộc văn minh vứt bỏ. Ông Hồ Chí Minh mới đọc được một bài báo về chủ nghĩa cộng sản đã ngây ngất nói như mê sảng: “Đây rồi, đây đúng là con đường giải phóng dân tộc rồi!”. Tố Hữu dù chẳng hiểu gì về chủ nghĩa Mác-Lênin đã coi đó là “mặt trời chân lý” cho phép “giết, giết nữa bàn tay không chút nghỉ”. Kết quả: năm triệu người chết, đất nước nghèo khổ và lạc hậu.
Nhưng chắc chắn không có những bài học lịch sử theo nghĩa mà ta vẫn thường hiểu. Bài học lịch sử nổi bật nhất là người ta không biết rút ra những bài học lịch sử.
Một trong những “bài học lịch sử” được nhắc đến khá nhiều là những người đã theo cộng sản, nhất là những người đã “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, phải biết rằng mình có tội với dân tộc, và hối hận. Nhưng hối hận như thế nào và để làm gì?
Cứ cho rằng việc đóng góp cho thắng lợi của Đảng cộng sản và tạo ra chế độ cộng sản hiện nay là một sai lầm đi thì cũng đâu có gì để phải hối hận? Vấn đề hối hận chỉ đặt ra khi chúng ta phạm tội ác một cách có ý thức, khi chúng ta đã gian trá, đánh lừa chính mình và đánh lừa người khác. Chỉ có một số rất nhỏ cần hối hận, nhưng những người này lại không bao giờ biết hối hận. Đại đa số những người đã đóng góp cho thắng lợi của Đảng cộng sản không như thế. Họ đã thực sự tin là Đảng Lao Động Việt Nam là đúng, hay ít nhất đúng hơn các chính quyền quốc gia, và đã ủng hộ nó. Niềm tin này sau cùng chứng tỏ là sai lầm. Nhưng ai không sai lầm? Sai lầm là một hằng sự của con người. Lịch sử của nhân loại là một chuỗi những sai lầm và làm lại.
Điều mà chúng ta mong đợi nơi họ là họ hãy tiếp tục làm đúng như họ đã làm trong quá khứ, nghĩa là thấy điều gì đúng thì hãy dấn thân làm một cách hăng say. Ngày trước họ thấy đảng Lao Động là đúng và họ đã ủng hộ, họ thấy chính quyền Sài Gòn là nhảm nhí và đã chống đối. Ngày nay họ có thấy dân chủ là đúng không, sao họ không chịu tích cực tranh đấu? Họ có thấy Đảng cộng sản là nhảm nhí không, sao họ không đứng lên chống đối? Đó mới thực là điều đáng buồn. Và đáng trách.
 
Nguyễn Gia Kiểng

Xem Tiếp: ----

Truyện Tổ quốc ăn năn Lời đầu Cảm tạ Ghi chú về tài liệu tham khảo và bố cục Sơn hà gấm vóc Rất đượm hương và rộn tiếng chim Sơn xuyên chi cương vực ký thù Nước non nghìn dặm Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình Nước non nghìn dặm (II) Mưu sự tại nhân... Một dân tộc tinh anh? Một dân tộc hiếu học? Một dân tộc sáng dạ? Chuồng lợn và cái cày Hai bằng tiến sĩ Người Việt, người Nhật Một dân tộc bất khuất và tự hào? Yêu nước Ils ne s aiment pas Đôi bạn Phương pháp và gắn bó Phá vỡ định luật 8 Hợp tan Anh hùng nước Nam Thằng nào đây? Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi Máu chảy ruột mềm Mấy ngàn năm lịch sử con cháu tiên rồng Mở mắt và nhỏ lệ ảo ảnh Lý Trần Hồ Quí Ly và Mạc Đăng Dung Người trong một nước? Đem tâm tình viết lịch sử? Trở lại trường hợp Nguyễn Huệ Rước voi về dày mả tổ Cõng rắn cắn gà nhà Cho những người đã nằm xuống Chấp nhất kỷ chi kiến Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau Cướp đất của ai? Dừng chân nghĩ lại Tám mươi năm Pháp thuộc Một bài học lịch sử Soi lại chân dung, ba nét đậm của đất nước Một chuyển tiếp tự nhiên Bốn ngàn năm văn hiến Một phép mầu, một may mắn và một bài học Kinh nghiệm Cao Ly Đoạn Trường Tân Thanh Thua kém và nguyên nhân Khổng Giáo và Khổng Tử Sự nghiệp và nhân cách của Khổng Tử Di sản Xuân Thu Chiến Quốc Đạo lý thánh hiền Việt Nho Mặt thật của ai? Giết hại công thần Anh không biết gì về cộng sản Ưu đạo bất ưu bần? Tổ quốc của kẻ sĩ Một chân dung tráng lệ của kẻ sĩ Chuyện cổ tích Mười triệu năm đánh đu Mười triệu năm đánh đu Cái tuổi dại khờ và ánh sáng bừng lên Hòa Lan: cái gì đã xảy ra? Anh: một dân tộc bán tiệm Hoa Kỳ: Nhật Bản: tự do trá hình và dân chủ giấu mặt Những xã hội phồn vinh khác Cùng một hiện tượng Những thí dụ phản bác? Singapore: một thị trưởng xuất sắc Mã Lai: dân chủ ngay từ khi thành lập Đại Hàn Dân Quốc: Thái Lan: mãi đến 1992 Philíppin: sự bịp bợm của Marcos Inđonesia: sự ra đời vội vã của một nước lớn Đài Loan: từ một chiến khu tới một quốc gia Châu Mỹ La Tinh: một thế kỷ rưỡi trong bóng đêm Những lập luận phản bác? Những định luật cho một xã hội phát triển? Kinh bang tế thế Huyền thoại kế hoạch Laissez-faire? Quốc gia, dân tộc Quốc gia Nhà nước Nhà nước- quốc gia Dân tộc Chủ quyền Quốc gia, nhà nước và dân chủ Đất nước ta Vài vấn đề về dân chủ Đi xa hơn dân chủ Các giá trị châu á? Thập nhị sứ quân Phản xạ tổng thống chuyện của các luật sư Một thoáng suy tư về châu Phi Tổ quốc ăn năn Gởi vào giấc mộng, nhắn ra cuộc đời Một số nhận định về Tỏ QUốC ĂN NĂN và tác giả Bình luận