Phần 1 Đất nước và và Con người
Một dân tộc tinh anh?

Trong cuốn sách Việt nam Sử Lược quen thuộc với mọi người, Trần Trọng Kim viết về người Việt nam như sau: Về đằng trí tục và tính tình thì người Việt nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỉ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.
Tâm địa nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma tin quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.
Trần Trọng Kim, xuất thân là một giáo viên, được gởi đi học và tốt nghiệp Trường Thuộc Địa (Ecole Coloniale) tại Pháp. Trường Thuộc Địa Pháp vào đầu thế kỷ này là một trường có trình độ trung học, có mục đích khai mở nền văn minh Pháp nói riêng và phương Tây nói chung cho những trí thức Việt nam dầu tiên để họ về nước phục vụ cho chính quyền thuộc địa. Năm 1911, ông Hồ Chí Minh, lúc đó làm bồi tàu và mới tới Pháp, cũng có làm đơn với lời lẽ thống thiết viện cớ có cha đậu tiến sĩ Hán học để xin vào trường này, nhưng bị từ chối.
Tuy vốn liếng khoa bảng không có bao nhiêu (nhưng vào thời đó trình độ của Trường Thuộc Địa cũng đã là cao lắm rồi), nhưng ông Trần Trọng Kim đã dày công học hỏi và nhờ trí tuệ xuất sắc ông trở thành một học giả lớn. Ngoài kiến thức uyên bác, Trân Trọng Kim còn là một người liêm khiết, lương thiện. Ông có uy tín rất lớn trong thời đại của ông. Năm 1945, khi nhật đảo chánh pháp, trả độc lập trên nguyên tắc cho Việt nam, ông Trần Trọng Kim, lúc đó đã về hưu, được vua Bảo Đại mời ra làm thủ tướng theo ý của người Nhật. Sự kiện ông được chỉ định làm thủ tướng là một ngạc nhiên cho rất nhiều người. Phần đông giới theo dõi thời cuộc lúc đó chờ đợi ông Ngô Đình Diệm, một cựu thượng thư, có uy tín, có tham vọng chính trị và nhất là đã giao dịch với Nhật từ lâu. Ông Diệm đã tham gia từ 1941 tổ chức Việt nam Phục Quốc Hội của hoàng thân Cường Để do Nhật đỡ đầu. Người ngạc nhiên nhất chính là ông Ngô Đình Diệm. Thực ra ngay từ khi đỗ bộ vào Việt nam, Nhật cũng đã có ý định dùng Trần Trọng Kim như một lá bài thay thế cho Ngô Đình Diệm, có lẽ vì họ nghĩ Ngô Đình Diệm là một chính khách sắc bén hơn và có thể đòi hỏi họ nhiều hơn là Trần Trọng Kim. Tuy vậy ông Trần Trọng Kim cũng đã dần dần đòi hỏi được nơi người Nhật tất cả những nhượng bộ cần thiết. Nếu người Nhật coi Trần Trọng Kim là người không đáng lo ngại thì người Pháp sau này lại lo ngại Trần Trọng Kim và làm áp lực để Bảo Đại chọn Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng năm 1948 thay vì Trần Trọng Kim. Sau đó Trần Trọng Kim qua Phnom Penh sống với người con gái, ông mất vài năm sau đó, khi vừa trở về Việt nam.
Trần Trọng Kim tóm lược cuộc đời chính trị của ông trong thiên hồi ký ngắn Một cơn gió bụi. Có lẽ những ai có ý định viết hồi ký đều nên đọc cuốn sách nhỏ này trước đã. Đó thực sự là một cuốn hồi ký. Nó được viết một cách thực thà, lương thiện, rành mạch, điều ít thấy trong các cuốn hồi ký khác. Hồi ký là một loại sách đặc biệt. Nó có tác dụng chính, và có thể nói là duy nhất, là ghi chép các sự kiện đễ làm chứng cho một giai đoạn. Đòi hỏi duy nhất của nó là phải trung thực, phải có giá trị của một tài liệu. Người Việt nam, nhất là các tướng tá quân đội miền Nam cũ, hay dùng hồi ký đề bóp méo sự thật, tán dương hay chạy tội cho mình, bôi nhọ người khác. Những hồi ký như vậy không thể dùng làm tài liệu. Trần Trọng Kim được mọi người kính trọng, người ta kính trọng kiến thức của ông và người ta còn kính trọng hơn nơi ông nhân cách của một trí thức chân chính. Nếu không phải Trần Trọng Kim mà một người khác viết ra những dòng trên, thì chắc chắn sẽ bị cả một loạt bài đả kích và mạt sát thậm tệ vì đã dám coi thường người Việt Nhưng vì là do Trần Trọng Kim viết ra nên không ai cãi lại, và hầu hết nhìn nhận là đúng. Tôi cũng có đọc trong nhiều cuốn sách cũ của các học giả Pháp một nhận định tương tự như vậy về người Việt, không biết có một sự tham khảo nào không. Điều chắc chắn là Trần Trọng Kim chỉ viết những điều ông tin là đúng.
Nói chung, Trần Trọng Kim nhận định người Việt nam có cấu tạo cơ thể tốt có trí óc tương đối tốt, siêng năng, hiếu học, biết trọng đạo đức, nhưng tâm lý thì rất dở. Ông không nói người Việt Nam nói chung có yêu nước hay không, đó cũng là một điều lạ trong cuốn sách sử.
Tôi đã đề cập phần trước tới nước Hòa Lan như là một kỳ quan của thế giới. Quan sát kỹ người Hòa Lan, thành thực tôi không thấy họ thông minh hơn người Việt, hay có hơn cũng không hơn bao nhiêu. Họ cũng không chăm chỉ hơn người Việt nam, hay có hơn cũng không hơn bao nhiêu. Vậy mà họ đã tạo nên được quốc gia đáng phục nhất thế giới. Tôi làm việc với người Pháp và cũng đi tới một nhận định tương tự. Riêng người Anh thì phải nói tuy họ có nét độc đáo riêng, nhưng trí tuệ của họ cũng chỉ xấp xỉ như người Hòa Lan và người Pháp, ngoài ra họ lười biếng hơn hẳn người Việt nam.
Vậy mà tại sao các quốc gia đó giàu mạnh đến thế, trong khi nước ta nghèo nàn lạc hậu và tang tóc đến thế.
Khi một máy vi tính hoạt động dở thì chỉ có hai giải thích: một là cái hardware (phần vật liệu hay phần cứng) của nó dở, hai là cái software (phần trí liệu hay phần mềm) của nó dở. Chất liệu, nghĩa là cấu tạo cơ thẻ và trí óc của người Việt nam tốt. Vậy thì phải chăng cái software, nghĩa là cái văn hóa và tâm lý, của người Việt nam tồi dở? Tôi tin như thế. Một người bạn tôi sau hơn một thập niên làm cố vấn cho các chính phủ châu Phi đã chỉ rút ra được một kết luận rõ nét: các nước đó không vươn lên được vì trở ngại văn hóa và tâm lý.
Đọc những bài đóng góp gần đây của các tác giả Việt nam về vấn đề phát triển đất nước, phần đông có giá trị, nhiều bài rất xuất sắc tôi ít thấy đề cập đến yếu tố tâm lý (hay văn hóa cũng thế vì tâm lý và văn hóa rất gần nhau), trong khi đó tất cả các nhà bác học có thẩm quyền ở tam vóc thế giới về vấn đề phát triển đều coi yếu tố tâm lý là ye~u tố cốt lõi. Nhiều tác giả còn gọi phát triển là một cấu trúc tâm lý (structure mentale).
Tâm lý của một dân tộc, nhiều người thích dùng cụm từ hồn tính dân tộc, một phần do điều kiện thiên nhiên tạo thành, nhưng một phần lớn là do các giá trị đã được nhìn nhận từ lâu đời và đã tạo ra một nếp sống. Các giá trị ấy hình thành có khi do sự khám phá trong cuộc sống của dân tộc, có khi được du nhập và hấp thụ, được kiểm chứng và xét lại theo kinh nghiệm lịch sử. Lịch sử vì thế đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành tâm lý dân tộc. Lịch sử là trí nhớ tập thể của dân tộc, một nguồn tài liệu và gợi ý. Lịch sử cũng là tấm gương đề một dân tộc nhận diện được mình, hiểu mình, biết mình nên làm gì và có thể làm gì. Muốn như thế, lịch sử phải chính xác và cũng phải được phân tích và khai thác một cách sáng suốt và khách quan.
Nhưng một mặt lịch sử của ta không chính xác, và, mặt khác, chúng ta rút ra từ lịch sử những kết luận và những bài học sai lầm.

Truyện Tổ quốc ăn năn Lời đầu Cảm tạ Ghi chú về tài liệu tham khảo và bố cục Sơn hà gấm vóc Rất đượm hương và rộn tiếng chim Sơn xuyên chi cương vực ký thù Nước non nghìn dặm Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình Nước non nghìn dặm (II) Mưu sự tại nhân... Một dân tộc tinh anh? Một dân tộc hiếu học? Một dân tộc sáng dạ? Chuồng lợn và cái cày Hai bằng tiến sĩ Người Việt, người Nhật Một dân tộc bất khuất và tự hào? Yêu nước Ils ne s aiment pas Đôi bạn Phương pháp và gắn bó Phá vỡ định luật 8 Hợp tan Anh hùng nước Nam Thằng nào đây? Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi Máu chảy ruột mềm Mấy ngàn năm lịch sử con cháu tiên rồng Mở mắt và nhỏ lệ ảo ảnh Lý Trần Hồ Quí Ly và Mạc Đăng Dung Người trong một nước? Đem tâm tình viết lịch sử? Trở lại trường hợp Nguyễn Huệ Rước voi về dày mả tổ Cõng rắn cắn gà nhà Cho những người đã nằm xuống Chấp nhất kỷ chi kiến Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau Cướp đất của ai? Dừng chân nghĩ lại Tám mươi năm Pháp thuộc Một bài học lịch sử Soi lại chân dung, ba nét đậm của đất nước Một chuyển tiếp tự nhiên Bốn ngàn năm văn hiến Một phép mầu, một may mắn và một bài học Kinh nghiệm Cao Ly Đoạn Trường Tân Thanh Thua kém và nguyên nhân Khổng Giáo và Khổng Tử Sự nghiệp và nhân cách của Khổng Tử Di sản Xuân Thu Chiến Quốc Đạo lý thánh hiền Việt Nho Mặt thật của ai? Giết hại công thần Anh không biết gì về cộng sản Ưu đạo bất ưu bần? Tổ quốc của kẻ sĩ Một chân dung tráng lệ của kẻ sĩ Chuyện cổ tích Mười triệu năm đánh đu Mười triệu năm đánh đu Cái tuổi dại khờ và ánh sáng bừng lên Hòa Lan: cái gì đã xảy ra? Anh: một dân tộc bán tiệm Hoa Kỳ: Nhật Bản: tự do trá hình và dân chủ giấu mặt Những xã hội phồn vinh khác Cùng một hiện tượng Những thí dụ phản bác? Singapore: một thị trưởng xuất sắc Mã Lai: dân chủ ngay từ khi thành lập Đại Hàn Dân Quốc: Thái Lan: mãi đến 1992 Philíppin: sự bịp bợm của Marcos Inđonesia: sự ra đời vội vã của một nước lớn Đài Loan: từ một chiến khu tới một quốc gia Châu Mỹ La Tinh: một thế kỷ rưỡi trong bóng đêm Những lập luận phản bác? Những định luật cho một xã hội phát triển? Kinh bang tế thế Huyền thoại kế hoạch Laissez-faire? Quốc gia, dân tộc Quốc gia Nhà nước Nhà nước- quốc gia Dân tộc Chủ quyền Quốc gia, nhà nước và dân chủ Đất nước ta Vài vấn đề về dân chủ Đi xa hơn dân chủ Các giá trị châu á? Thập nhị sứ quân Phản xạ tổng thống chuyện của các luật sư Một thoáng suy tư về châu Phi Tổ quốc ăn năn Gởi vào giấc mộng, nhắn ra cuộc đời Một số nhận định về Tỏ QUốC ĂN NĂN và tác giả Bình luận