ũng ở trường về không thấy Phi Nga đâu, lòng không khỏi lo lắng. Bỗng chàng thấy trên bàn ăn có một miếng giấy nhỏ ghi mấy dòng chữ:- Em đau bụng nhiều, phải vào nhà bảo sanh. Anh đi báo tin cho cha mẹ biết. Anh yên lòng, em tin chắc mọi việc sẽ tốt đẹp...Tự nhiên Dũng nghe tay chân bủn rủn, như không còn đứng vững. Suốt thời kỳ thai nghén, Dũng không bao giờ nghe Phi Nga than thở gì. Mấy tháng đầu, Phi Nga ăn uống không được, nhưng lần lần Phi Nga khỏe mạnh, ăn ngủ đều đặn, chừng mực, da dẻ hồng hào trông xinh đẹp khác thường. Bà Minh và các em của Phi Nga đều khen:- Phi Nga có thai trông đẹp hơn trước nhiều...Phi Nga làm lụng may vá suốt ngày, nàng đã sắm đầy đủ cho đứa bé nào áo quần, giường nôi, xe đẩy. Mấy tháng sau này Phi Nga tuy có vẻ nặng nề, nhưng vẫn làm việc không ngừng và lúc nào cũng vui vẻ. Dũng thường nói với vợ:- Mẹ anh mỗi lần có thai là kêu yếu, kêu mệt, cha anh phải khổ tâm hết sức.Từ khi vẽ bức tranh cho bà Quỳnh rồi, Phi Nga không vẽ gì nữa. Nhiều lần, Dũng làm bộ nhắc nhở để Phi Nga vui lòng:- Em chưa vẽ hình của anh.Phi Nga hẹn:- Sanh xong sẽ vẽ, không gấp gì.Mới hôm kia đây, Dũng còn nhắc chuyện vẽ bức hình hai người thì Phi Nga cười, chỉ cái bụng:- Đợi sanh xong, nuôi con được một tuổi rồi em sẽ vẽ một tấm hình anh, em và con. Chắc chắn là một đứa con trai, em biết trước như vậy...Dũng có bàn với Phi Nga tìm một người vú để nuôi đứa bé, nhưng Phi Nga bảo:- Không cần. Em lo được rồi. Chúng ta cần phải để dành tiền cất nhà hay mua nhà, đâu ở mãi đây được.Đứng một lúc lâu cho lòng bình tĩnh lại, Dũng mới ra bến xe, đi báo tin cho cha mẹ vợ biết. Ngồi trên xe đò, lòng Dũng đầy lo lắng. Không biết Phi Nga có đau bụng nhiều không? Có sinh được chưa? Chàng ăn năn đã không đưa Phi Nga lên Sài Gòn, vào một nhà bảo sanh lớn hay một dưỡng đường tư của một bác sĩ chuyên môn:- Rủi Phi Nga có chuyện gì thì sao?Dũng thường nghe các bà già nói:- Ai gánh một gánh nặng, mình thương hại họ thì còn gánh giùm cho họ một đoạn đường, chớ còn chuyện sanh đẻ, mẹ ruột, anh chị, họ hàng có thương cũng đành chịu, không làm sao chia bớt sự đau đớn được...“Người ta đi biển có đôiĐàn bà đi biển đơn côi một mình”Người ta ví người đàn bà lúc sanh đẻ không khác nào chuyện đi ghe, đi biển, gặp cơn sóng to gió lớn...Dũng bỗng thấy thương Phi Nga nhiều hơn và lo âu nghĩ rủi Phi Nga có bề gì thì cuộc đời của Dũng sẽ mất ánh sáng... Dũng nghe toát mồ hôi, và khi xe ngừng trước con đường đi vào nhà ông Minh, vẻ mặt của Dũng bơ phờ, mệt nhọc.Vừa thấy Dũng, bà Minh đã hốt hoảng:- Có việc gì vậy?Dũng nói:- Phi Nga vào nhà bảo sanh rồi, lúc con đi dạy...- Con chưa vào nhà bảo sanh à?Dũng lắc đầu, bà Minh trách:- Con dở quá! Trước khi đến đây cũng phải ghé qua nhà bảo sanh để coi nó thế nào rồi chứ.Dũng đứng tần ngần trông thảm não vô cùng, thấy thế Phi Anh liền nói:- Anh ấy có đến nhà bảo sanh cũng không làm gì được đâu. Thôi, mẹ sửa soạn đi kẻo chị con đợi. Tụi con chờ ba về báo tin cho ba biết, rồi đi sau.Bà Minh vội vàng đi thay áo rồi hớt hải đi theo Dũng. Phi Anh nhìn theo hai người rồi nói với Phi Yến:- Trông anh ấy thiểu não làm sao! Chồng gì mà ngốc như thế.Phi Yến nói:- Biết lo như vậy là đáng thương, sao chị lại cười anh Dũng? Anh ấy như vậy không hơn những ông chồng vợ đẻ mặc vợ, cứ đi với gái hay lo gầy sòng đỏ đen, sát phạt nhau hay sao?- Với chị Phi Nga, chuyện sanh đẻ đâu có nghĩa lý gì. Chị ấy can đảm và bình tĩnh lắm.Bà Minh và Dũng ra đón xe đến nhà bảo sanh. Dọc đường, bà Minh hỏi:- Mấy hôm nay nó có khỏe không?- Không có gì khác hết. Sáng nay lúc con đi dạy, Phi Nga vẫn khỏe.Bà Minh lại hỏi:- Nó lo đủ mọi thứ chưa?- Dạ đủ.Dũng trả lời chấm câu vì chàng đang lo lắng, không yên. Chàng chỉ trông sao cho mau đến nơi. Bà Minh thì hỏi luôn miệng, hết việc này đến việc khác. Sự thật bà cũng không yên lòng. Bà lại có tánh hễ có việc gì rối là không để ai ngồi yên. Bà muốn ai cũng phải rối như bà.- Cha con đi đâu không hiểu nữa!Và khi không nghe Dũng nói gì, bà nói:- Hồi nãy sao mẹ không cho Phi Anh hay Phi Yến đi theo? Có việc gì sai tụi nó.- Biết đâu khi mẹ và con đến nơi thì Phi Nga đã sanh xong rồi.Bà Minh kêu lên khiến Dũng càng lo lắng thêm:- Làm gì mà tài vậy? Con so cầu chuyển bụng ba ngày!Dũng hốt hoảng:- Sao mẹ không nói trước để con đưa nhà con lên Sài Gòn. Rủi có bề gì thì sao?Bà Minh sần sộ:- Đừng nói dại! Chuyển bụng ba ngày nhưng rồi cũng không có gì đâu.Dũng chặc lưỡi:- Con không hiểu gì hết.Bà Minh cười đầy vẻ thương hại:- Con hiểu thế nào được! Kinh nghiệm như cha con mà còn không biết gì. Ông về đến mà nghe nói con Phi Nga chuyển bụng thì sẽ quýnh như gà mắc đẻ cho xem.Khi hai người đến nhà bảo sanh thì được một cô nữ điều dưỡng ra đón:- Ông giáo Dũng?Dũng tái mặt:- Tôi đây. Có việc gì hả cô?Cô nọ liền nói:- Bà Dũng sanh con trai. Mới sanh xong, bà bảo tôi ra đón thử ông đến chưa. Bà khỏe như thường, đứa bé gần bốn ký. Tôi chưa thấy ai sanh con mà mau và can đảm như thế. Khi lên bàn bà cười và nói: Tôi sanh con trai. Rồi bà ấy sanh con trai thật.Bà Minh mừng rỡ:- Nó về phòng chưa cô?- Dạ mới về. Mời bà và ông Dũng theo tôi.Bà Minh nói với Dũng:- Mau quá, thật là có phúc.Dũng thấy người nhẹ nhõm, tưởng chừng có thể bay lên tận chín tầng mây.Thấy hai người bước vào, Phi Nga hỏi Dũng:- Anh đi rước mẹ phải không? Con kia kìa, lớn bằng con người ta một tháng.Rồi Phi Nga chào mẹ:- Con chỉ lo nếu mẹ đến mà con chưa sanh thì gây lo lắng cho mẹ.Bà Minh nói:- Hãy nằm yên, đừng nói nhiều.Phi Nga cười sung sướng:- Con không thấy mệt.Dũng đi lại bên chiếc nôi nhỏ, đứng nhìn đứa con đầu lòng của mình một cách chăm chú. Thằng bé nhắm nghiền đôi mắt, nhưng miệng lại chép lia lịa ra chiều đói lắm. Tóc nó dài và đen, da đỏ hồng, nhưng Dũng chưa phân biệt được nó giống ai.Dũng xây lại nói với vợ:- Trông hay hay làm sao ấy.Bà Minh cũng đến bên chiếc nôi, đưa hai tay bồng thằng bé lên, nhìn nó một cách sung sướng:- Ồ, nó giống cha như đúc.Quay lại Dũng, bà hỏi:- Con có thấy vậy không?Dũng lắc đầu:- Trông đỏ loi lói, không biết nó giống ai.Phi Nga nói:- Mẹ đặt nó nằm bên con đi.Bà Minh không bằng lòng:- Để nó nằm riêng cho con nghỉ. Mấy ngày đầu thế nào nó cũng quấy. Con chưa mướn ai nuôi sao?- Con thấy không cần.- Sao lại không cần? Con không thể ngồi dậy được. Để mẹ mượn thím Ba đến nuôi con đỡ một tuần.Phi Nga phản đối thì Dũng liền nói:- Em nên để mẹ nhờ thím Ba đến đây với em. Mẹ anh lần nào sanh cũng có người nuôi suốt một tháng. Phải kiêng cữ mà.Phi Nga cười:- Anh nói nghe thạo dữ...- Đi dạy về thấy mảnh giấy em để trên bàn anh sợ cuống lên. Đến đây mà em chưa sanh chắc anh xỉu quá.Bà Minh cười:- Mặt mày nó buồn xo, thấy tội nghiệp lắm!Rồi thấy Dũng cứ lẩn quẩn bên Phi Nga, bà liền nói:- Hay là để mẹ về cho hai em con đi thăm con? Con khỏe, mẹ ở đây cũng chẳng làm gì. Để mẹ đi về kiếm thím Ba bảo thím lại đây với con.Khi bà Minh đi rồi, Dũng lại ngồi bên Phi Nga:- Bây giờ anh mới hoàn hồn. Nghe em đến nhà bảo sanh, anh lo quá. Anh cứ nghĩ dại...Phi Nga sung sướng thấy Dũng tỏ lòng yêu mình trong sự lo lắng ấy, nên nói:- Nhưng anh thấy đó, có gì đâu. Suốt mấy tháng có thai, lúc nào em cũng nuôi hy vọng sẽ sanh một đứa con trai thật khỏe mạnh và khi sanh không đau. Phương pháp đẻ không đau là thế đó, sản phụ phải luyện cho mình bằng những cử động, những ý chí, chứ không phải uống thuốc dễ sanh như người mình thường quan niệm. Nhiều bà lúc có thai uống thật nhiều thuốc cứu, lá tía tô để cho cái thai nhỏ lại, dễ sanh. Phương pháp này tuy cũng có hiệu nghiệm, nhưng có thể làm cho đứa bé mất sức.Nghe vợ nói, Dũng chỉ gật đầu khen phải. Dũng cầm lấy bàn tay Phi Nga đưa lên miệng hôn mấy cái hỏi đùa:- Bây giờ em còn muốn có con nữa không?Phi Nga cười:- Muốn có thêm đứa con gái nữa.Dũng vội vã nói:- Chờ ba năm nữa. À, ta phải đặt tên con. Em có ý định đặt tên gì chưa?- Thế còn anh?- Anh muốn con chúng ta tên Huy Hoàng...- Anh đã lựa tên rồi thì thôi. Huy Hoàng, kể cũng đẹp đấy chứ. Ngày mai, anh đi khai sanh nhé.Nhớ ra là Dũng chưa ăn cơm, Phi Nga giục Dũng về nhà:- Anh ăn cơm tiệm đỡ một tuần nhé. Bao giờ em về sẽ hay. Anh có muốn em nhờ chị Loan nấu cho anh ăn không?- Thôi, để anh ăn tiệm được rồi. Một tuần đâu có lâu gì.Dũng về được một lát thì Phi Anh, Phi Yến và thím Ba đến. Phi Yến vui vẻ nói với chị:- Có cháu trai, em mừng quá. Chị Phi Anh muốn cháu gái.Phi Nga cười:- Lần sau sẽ có cháu gái cho em Phi Anh.Thím Ba nghe thế cười ầm lên:- Mới đẻ đầu hôm, đến tối đã muốn có con gái. Sao mà ham hố đến thế... Không sợ người ta cười à?Mọi người bu quanh cái nôi của thằng bé. Phi Yến đưa hai tay ra muốn ẵm thằng bé thì thím Ba nói:- Cô chưa quen ẵm em nhỏ, không ẵm được đâu.Phi Anh nói:- Nó là con út, làm sao biết ẵm em? Tôi cũng không dám ẵm, nó nhỏ như thế kia, ẵm lên rủi làm té thì sao.Phi Anh và Phi Yến nói cười luôn miệng và Phi Nga mừng thầm thấy bé Hoàng ra đời đem lại sự vui vẻ, hân hoan cho tất cả người thân yêu của mình. Phi Nga hỏi:- Ba về chưa?Phi Yến nói:- Lúc tụi em đi ba vẫn chưa về. Có lẽ ngày mai ba mới đến thăm chị được. Lên chức ông ngoại, chắc ba mừng lắm.Thím Ba nói:- Đứa cháu ngoại đầu bao giờ cũng được cưng.Rồi xây qua Phi Anh, Phi Yến, thím Ba nói:- Đến lúc các cô có con thì hết sốt dẻo rồi.Phi Anh nói:- Tôi thích có cháu chứ không thích có con. Nuôi con cực lắm.Thím Ba hỏi:- Thế còn cô Phi Yến?Phi Yến trả lời:- Tôi chưa biết sao. Nhưng một khi lập gia đình thì phải có con mới vui nhà.Phi Anh lại ngồi bên chị, nhìn đứa bé đỏ loi lói, ngủ ngon lành trong chiếc nôi thì mỉm cười:- Anh Dũng chắc sung sướng lắm chị nhỉ?- Anh ấy mừng lắm, không do vì có con và được làm cha, mà mừng vì thấy chị sanh xong, bình yên vô sự.Phi Anh nhún vai:- Coi bộ anh ấy nhát gan quá. Đi dạy về, được biết chị đi lại nhà bảo sanh, anh ấy xanh mặt, chạy kiếm mẹ hớt hải. Có ông chồng hiền lành như thế cũng đỡ khổ.Thím Ba xen vào:- Cậu giáo trông hiền lành thật. Cô Hai vậy mà có phước.Phi Nga hỏi:- Thím thấy anh Dũng của tôi hiền à? Những người ít nói mới là khó chịu đó.Thím Ba cười:- Với cô, hiền hay dữ gì cô ở cũng được. Cô giỏi lắm, tôi biết cô từ lúc nhỏ.Phi Yến hỏi chị:- Chị đã mua nôi cho cháu rồi phải không?- Rồi, nôi đẹp lắm, chị lại bao lưới màu xung quanh, có may bèo bằng hàng mỏng xung quanh thành nôi, mùng tuyn màu xanh nhạt. Chị cũng đã mua chiếc xe đẩy.Phi Yến nói:- Thế là chị sắm tất cả, không để cho tụi này sắm cho cháu cái gì hết sao?Phi Anh nói:- Chị Phi Nga lo đủ tất cả rồi, hôm nào mình lại nhà chị sẽ thấy rõ tài làm mẹ của chị. Hai em cho cháu cái gì bây giờ?Phi Yến nói:- Muốn cho cái gì thì cứ mua, hỏi chị ấy mà làm gì? Đừng nói cho chị ấy biết, lát nữa về nhà rồi mình tính.Phi Anh và Phi Yến nói chuyện một lúc rồi đứng dậy ra về.- Ngày mai chắc cha mẹ đến thăm chị. Tụi em về kẻo mẹ trông. Nếu chị có cần gì thì nhờ thím Ba về cho mẹ biết.Phi Nga nói:- Chắc chị không cần gì đâu. Các em thưa cho mẹ biết để mẹ yên lòng.Ngày hôm sau ông Minh đến thăm Phi Nga, trao cho Phi Nga một cái bao thư:- Cha có một tin mừng nói cho con biết, có một nhà xuất bản muốn in tập thơ của cha. Cha đang do dự không muốn bán thì được tin con sanh con trai. Thế là cha nhận lời bán ngay. Người ta trả trước cho cha mấy nghìn đây. Cho con đó. Gọi là mừng con và cảm ơn con đã cho cha niềm vui được làm ông ngoại.Phi Nga cảm động quá, cầm phong bì trở qua, trở lại thì ông Minh nói tiếp:- Với số tiền này con có thể trang trải mọi chi phí về việc sanh đứa con đầu lòng.Phi Nga cười một cách sung sướng:- Thằng bé này vậy mà có phúc. Con bán hai tấm tranh để có tiền lo cho nó, giờ đây cha lại cho con số tiền bán bản quyền tập thi đầu tay của cha. Cuộc đời của nó bắt đầu ở nguồn lợi của nghệ thuật.- Và cuộc đời của nó sẽ huy hoàng như cái tên của nó. Có phải hai con đặt tên cho nó là Huy Hoàng không?- Dạ, anh Dũng lựa tên đó. Con cũng bằng lòng như thế. Cha mẹ thấy có được không?- Được lắm chớ.Nói chuyện với Phi Nga một lúc, ông Minh mới sực nhớ là chưa nhìn mặt cháu, nên đi lại bên nôi. Thím Ba vội vàng ẵm bé Hoàng lại bên ông Minh:- Nó ngủ cả ngày, ngoan quá. Khi thức dậy là đun cả hai tay vào miệng, láo ăn hết sức.Ông Minh nói:- Từng này mà nuôi cho lớn cũng khổ lắm đấy.Phi Nga nói:- Ở đây ai cũng bảo nó lớn hơn những đứa trẻ khác.- Nhỏ téo chớ lớn nỗi gì? Nuôi ngán lắm. Con định cho nó bú à...- Con nuôi lấy nó.Khi ông Minh về rồi thì Dũng đến với Loan. Phòng của Phi Nga lúc nào cũng có người vào thăm viếng, tiếng cười nói vang lên không ngớt, trái với các phòng bên cạnh, lúc nào cũng vắng teo. Thím Ba nói:- Lúc còn ở nhà bảo sanh, người ta kiêng cữ, ít đi thăm lắm.- Tại sao lại cữ?- Ừ, thì người mình cữ vậy đó. Nhưng sanh như cô coi bộ sung sướng thật. Cô ăn uống như thường, khỏe mạnh, trông như người nằm dưỡng bịnh. Thằng bé lại ngủ cả ngày, không nghe một tiếng khóc.Đúng bảy ngày, Phi Nga về nhà. Nàng đi lại như thường và muốn cho thím Ba nghỉ, nhưng bà Minh bảo cứ để thím Ba giúp luôn một tháng.Bé Hoàng chịu sữa và mau lớn vô cùng. Nó lớn thấy rõ, hai má phúng phính, tay chân ú thịt, có khúc có ngấn.Dũng về đến nhà là đến bên nôi con, đứng ngắm cả giờ không chán. Dũng vui nhất là thấy Phi Nga để hết tâm trí vào việc nuôi con. Nhưng Phi Nga đã khỏe như trước thì nàng cũng bắt đầu lo việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, không thuê người giúp việc.Phi Nga không thấy bận rộn nhiều, nàng vẫn còn dư thì giờ để may thêu hay ngồi bên nôi ngắm thằng bé ngủ.Khi bé Hoàng được ba tháng thì Phi Nga bắt đầu nghĩ:- Ta chưa dùng hết thì giờ, vậy mà mẹ cứ lo ta không làm sao mà quay cho kịp.Có lần, Loan đến thăm Phi Nga giữa lúc Phi Nga đang ngồi nhìn ra vườn không có việc gì để làm. Loan nhìn khắp nhà rồi hỏi:- Một mình chị mà đâu đó ngăn nắp như thế à? Lại còn rảnh để nhìn trời, nhìn mây nữa sao? Tôi thì ngày nào cũng như ngày nấy, đầu bù tóc rối mà nhà cửa vẫn bừa bãi, con cái vẫn dơ bẩn, thấy mà chán.Phi Nga nói:- Vậy mà chị cũng chịu khó đến thăm tôi, tội nghiệp thật đấy.- Thì cũng phải đi để đổi không khí. Chị làm sao mà rảnh được hả chị Nga? Anh Dũng có giúp chị được việc gì không?- Anh ấy cũng muốn giúp em lắm chớ, nhưng biết gì mà giúp. Lại nữa có gì đâu, anh ở trường về là mọi việc đã đâu vào đó rồi.Loan ẵm bé Hoàng lên:- Thằng bé chóng lớn thật. Dễ chịu lắm phải không? Tôi nghe thím Ba bảo nó ngủ cả ngày, mà đêm cũng không khuấy.- Dễ chịu lắm. Tôi cho nó bú xong là bỏ vào nôi. Nhờ vậy tôi mới làm việc được.Loan như nhớ ra điều gì:- Anh Phẩm bảo chị vẽ tranh và bán được tiền lắm phải không?- Vẽ cho vui chớ bán cho ai? Ai nói cho anh Phẩm biết chuyện ấy?- Không biết anh ấy nghe ai nói. Nhưng mà lúc chị đi học, chị cũng đã thích vẽ rồi kia mà. Làm có tiền kể cũng khỏe, chị ạ. Chị muốn may sắm gì cho chị hay cho con cũng được. Chớ còn tôi, muốn mua một cái gì mà anh Phẩm không đồng ý cũng thôi.Phi Nga cứ để cho Loan nói, Loan làm sao hiểu được mình, đó là ý nghĩ của Phi Nga lúc ấy.Loan nói tiếp:- Ở nhà với con, đôi khi bực mình ghê. Thấy các chị bạn, người đi dạy, kẻ làm thư ký, tôi thèm làm sao ấy.- Tại sao chị không đi dạy?Loan thở dài:- Anh Phẩm không muốn cho tôi đi dạy. Anh bảo tiền tôi đi dạy không đủ để nuôi vú em và người giúp việc. Nếu tôi có kêu túng thiếu thì anh về quê xin cha mẹ lúa, bán lấy tiền đem lên cho tôi xài. Nhưng mà chị thử nghĩ, tôi tiêu xài cái gì? Lo cho mấy đứa nhỏ và anh Phẩm là không còn đồng nào nữa.- Anh Phẩm không muốn rồi chị phải chịu yên phận như thế à?- Nếu tôi làm theo ý muốn của tôi thì gia đình lại không yên vui. Mà anh ấy nói cũng có lý. Nếu tôi đi dạy thì tôi phải thuê một chị vú và một chị bếp. Thuê hai người ấy tốn ít lắm cũng một nghìn đồng, đó là chưa kể tiền họ ăn uống. Còn tôi đi dạy thì tốn tiền áo quần, son phấn, xe cộ, lời qua lỗ lại rồi nó cũng vậy thôi không dư bao nhiêu. Một người đàn bà khi nào làm chừng trên mười nghìn thì nên đi làm, còn không được vậy thì nên ở nhà giữ con, lo việc bếp núc, anh Phẩm bảo như thế. Phải chi tôi có tài như chị, tôi lên Sài Gòn mở tiệm vẽ quảng cáo liền, tội gì mà ở nhà bồng con, làm bếp cho khổ thân. Vẽ quảng cáo đâu có gì khó, chị dư sức làm việc ấy.Phi Nga mỉm cười:- Anh Phẩm không cho chị đi dạy thì anh Dũng cũng không cho tôi vẽ. Làm sao bây giờ. Mình lỡ sanh ra làm đàn bà, biết sao.Nói xong Phi Nga cười có vẻ hóm hỉnh, khiến Loan nghi ngờ hỏi:- Chị nói đùa à? Chị nể anh Dũng đến nước ấy sao. Anh Dũng dễ chịu lắm mà.- Đàn ông người nào cũng khó chịu hết. Họ dễ chịu là khi họ chưa cưới được mình thôi. Chị nghĩ sao mà bảo tôi không nể anh Dũng?Ngừng một lát, Phi Nga nói:- Sự thật không ai ngăn cản tôi, nếu tôi thích vẽ. Hiện giờ tôi chỉ muốn sống cho con tôi, cho cái gia đình bé nhỏ này. Lại nữa như chị thấy đó, tôi đâu còn thì giờ?- Chị vẫn còn thì giờ ngồi thêu may, mà ngồi mơ mộng chớ còn tôi, tôi không rảnh để mà đọc một tờ báo hay một quyển sách. Riết rồi mình chịu dốt, thua sút bạn bè, không còn biết gì ngoài việc nuôi con cái và làm bếp.Mỗi lần đến thăm Phi Nga, Loan thường than thở về việc gia đình, khiến Phi Nga không khỏi bực mình. Vì thế khi Loan đứng lên ra về, Phi Nga mừng lắm, nghe người nhẹ nhõm và vội vàng tiễn Loan ra cửa.Phi Nga không nghĩ như Loan, nàng lấy làm sung sướng được săn sóc con cái, chăm lo cho chồng. Phi Nga làm những việc ấy với tất cả tình yêu và lòng tận tụy, không bao giờ kêu than mệt nhọc hay vất vả.Từ khi có con, Phi Nga ít khi về thăm cha mẹ, thỉnh thỏang bà Minh hay hai em phải đến thăm để biết qua sức khỏe của nàng và đứa bé. Mỗi lần mẹ đến, Phi Nga nói để tạ lỗi:- Con bận cháu không về thăm cha mẹ thường được. Đi một mình thì không biết gởi cháu cho ai mà còn ẵm cháu đi thì sợ nắng nôi, cháu bị cảm.Bà Minh liền nói:- Thôi để mẹ và các em đi thăm được rồi.Dũng thấy Phi Nga chỉ biết có chồng con, chuyện nổi tiếng đối với nàng thật là vô nghĩa. Đôi khi sợ Phi Nga ở nhà mãi thế nào cũng chán, nên Dũng nhắc nhở vợ:- Sao em không đi chơi? Đi thăm bạn bè cũ, chớ ở nhà mãi sao được.Phi Nga hỏi:- Sao lại không được, ở nhà đùa với con không thích hơn sao?Dũng nhắc nhở:- Bạn bè đến thăm mình luôn, mà mình không đi thăm ai hết, lần lần không còn bạn nữa.- Đã có anh đi thăm được rồi. Em bận con nhỏ, ai không biết vậy?Phi Nga nói xong bồng bé Hoàng lên, hôn chùn chụt lên mặt nó:- Bạn bè chỉ mất thì giờ, không ích gì. Như chị Loan đó, mỗi lần chị ấy đến em thấy bực mình hết sức. Còn em mà đến nhà chị thì em cũng không chịu nổi. Nhà cửa gì mà không có thứ tự, ngăn nắp. Các con của chị thì mặt mày dơ bẩn, đứa khóc, đứa la. Em dỗ chúng nó thì chị không bằng lòng, chị tưởng đâu em chê chị không biết dỗ con.Có lần nể lời Dũng, Phi Nga tổ chức tiệc trà thết đãi các bạn của Dũng. Hôm ấy mấy người đàn ông người nào cũng khen Dũng có phúc, khen Nga giỏi giắn, đảm đang, khen bé Hoàng khéo nuôi. Những lời khen của các bạn trai khiến các bà khách không bằng lòng, khó chịu ra mặt.Sau khi khách về, Phi Nga nói với Dũng:- Anh thấy chưa, mời bạn bè đến chỉ thêm phiền. Vui vẻ gì đâu.- Thật anh không ngờ các bà nhiều chuyện như vậy.- Tiệc với tùng, mất cả ngày giờ, để mình giỡn với con có phải thích hơn không?Dũng hỏi:- Tại sao các bà ấy lại không thích em?- Họ có phải là bạn của em đâu. Ngay các cô bạn của em mà họ còn không thích em nữa là những người xa lạ ấy.- Thành ra em ở đây không có ai làm bạn cả.- Có anh và có con đủ rồi. Họ không thích vì thấy nhà của em đàng hoàng hơn họ. Họ càng không thích khi nghe các bạn của anh khen em. Em trang hoàng nhà cửa là vì anh, vì chúng ta, đâu phải khoe khoang với ai. Em thêu áo quần cho con là vì muốn đẹp mắt chúng ta, đâu phải để lên mặt sang trọng với ai đâu. Em không hiểu tại sao họ lại làm mặt giận hờn em. Từ nay anh đừng mời vợ các bạn anh đến đây nữa.- Anh tưởng mời họ cho em vui, đâu ngờ giới đàn bà của em phiền phức như thế.- Em còn không hiểu nổi họ. Anh đừng mong hiểu họ qua vợ anh mà lầm đấy.Dũng mỉm cười không trả lời. Chàng nghĩ:- Với vợ anh, anh còn không hiểu nổi thì mong gì hiểu các bà ấy? Mà hiểu các bà ấy để làm gì?Ngày nghỉ hè đã đến. Nhà trường đang chuẩn bi tổ chức buổi lễ phát phần thưởng. Một hôm ở trường về, Dũng vui vẻ nói với vợ:- Ông Châu, hiệu trưởng, định nhờ em một việc.Phi Nga hỏi:- Việc gì thế?- Ông Châu định nhờ em vẽ dùm vài tấm panô. Và nếu em rảnh thì lãnh dùm phần trang hoàng sân khấu cho buổi trình diễn văn nghệ, ông Châu lại còn nhã ý mời em dự buổi lễ phát phần thưởng và dành cho em một chỗ ngồi ở hàng ghế danh dự.- Và anh trả lời như thế nào?- Anh nói để hỏi ý kiến em, lúc này em bận con mà nhà không có người giúp việc. Nhưng anh thấy chúng ta cũng cần gây cảm tình với ông Châu, để ông ấy bỏ cái ý định lấy lại ngôi nhà này. Em mà giúp ông ấy thì buổi lễ phát phần thưởng này sẽ được tổ chức long trọng hơn mọi năm, tiếng tăm lan rộng ra đến tỉnh, ông Trưởng ty sẽ ban khen ông ấy về cách điều khiển ngôi trường, ông ấy mang ơn em không ít. Như vậy dù ta có ở đây ba bốn năm thì ông cũng không lấy lại nhà làm gì. Huống chi quê vợ của ông ở đây, ông được tiếng thì cha mẹ ông ấy sẽ hãnh diện với xóm làng.Phi Nga do dự nói:- Ông Châu không sao, nhưng bà vợ ông ấy làm phách lắm, em không chịu được.Thấy nét mặt Phi Nga không được vui, Dũng liền nói:- Mình chỉ biết ông Châu là được. Huống chi nếu em mà giúp ông ấy thì từ rày về sau, anh sẽ được cảm tình và sự giúp đỡ của ông ta.Phi Nga hỏi gay gắt:- Sao anh không nói là sự che chở? Nhưng được, anh cứ trả lời là em sẽ giúp ông ấy về phần trang trí. Bao giờ ông ấy khởi sự thì cho em hay, em sẽ nhờ Phi Anh hay Phi Yến đến đây coi chừng nhà cửa và bé Hoàng. Em cũng đang cần hoạt động, em muốn cho các bà ấy thấy rằng họ có muốn ganh tị với em thì cũng không được nào.Dũng mừng rỡ:- Ngày mai anh sẽ trả lời ông Châu, chắc ông ấy vui lắm. Ông Châu có ý định mời hiệu trưởng các trường khác đến dự, mời cả các cấp quận, dân chính trong quận, trong tỉnh. Lễ phát phần thưởng năm nay lớn lắm. Nếu buổi lễ có kết quả mỹ mãn thì một phần lớn nhờ em.- Còn phải tùy ở những màn văn nghệ do các em nữ sinh trình diễn. Em tài gì? Sao tự nhiên anh lại có cái hứng đề cao em lên như vậy?- Chớ mấy lúc nay, anh có chôn em bao giờ đâu?Phi Nga nói sau mấy phút nghĩ ngợi:- Bà Châu không phải có ý ganh tị gì với em. Thật ra em không muốn tiếp bà, thành ra bà và em không có dịp gặp để tìm hiểu nhau. Bà ấy có đến đây mấy lần, đi qua đi lại trước nhà, nhưng em làm ngơ không ra mời vào. Họ muốn vào thì cứ vào, việc gì lại làm bộ làm tịch như vậy. Họ làm ra vẻ ta đây là vợ ông hiệu trưởng, và em, vợ một giáo viên, có bổn phận ra mời bà ấy vào nhà, như vợ mấy tá điền hễ thấy vợ ông điền chủ thì phải chạy ra chào hỏi, tiếp đón. Em ít khi lưu ý đến những chuyện nhỏ nhặt ấy.Dũng khuyên:- Thôi, hãy bỏ qua những chuyện ấy đi.Hôm sau Dũng đi dạy về, nét mặt vui vẻ, nói với vợ:- Lát nữa, ông Châu sẽ đến thăm chúng ta, nhờ em về việc mà anh đã nói với em ngày hôm qua. Biết em nhận lời, ông ấy mới dám đến. Ông Châu bảo, nếu bà Châu không bận việc gì thì sẽ cùng đến với ông.Phi Nga đề nghị:- Vậy thì mình ăn cơm sớm để còn tiếp họ, em dọn cơm vậy. Anh coi chừng bé Hoàng nhé.Dũng nhìn bé Hoàng nằm ngửa trên chiếc xe đẩy, hai tay bắt chân lên bú, đôi mắt trong suốt, hai gò má ửng hồng thì vui vẻ nói:- Thằng bé bú xong mà vẫn bắt chân lên mút, dễ thương quá. Để nó đó cho anh.Dũng đã bắt đầu yêu thằng bé một cách không sao tả được. Dũng thường nói với Phi Nga:- Trong đời anh, anh chưa thấy đứa bé nào dễ thương và đẹp như bé Hoàng. Em nói phải đó, mình cho nó mặc chiếc áo sang trọng là để đẹp mắt mình, chớ sự thật nó không biết gì cả.- Em đã bảo có những chuyện tiêu xài mới ngó có vẻ phung phí, vô ích, nhưng sự thật rất quan trọng đến hạnh phúc của con người, nó làm cho cuộc sống của ta trở nên dễ chịu, nhờ vậy mà ta mới có thể yêu đời.- Em nói đúng đó. Mỗi khi ở trường về, nhìn thấy bé Hoàng, là anh quên hết nhọc nhằn. Một đứa con như thế này lại thêm một người vợ lúc nào cũng lo cho anh, đời anh đầy đủ quá rồi.Dũng lại vơ vẩn nghĩ:- Mà cái gì đầy quá không tốt, người ta thường bảo thế. Liệu ta có được hưởng hạnh phúc này suốt đời ta không?Phi Nga không bao giờ phân vân về hạnh phúc hiện tại của mình và cũng không bao giờ nghĩ rằng Dũng lại phân vân vì được sống những ngày yên vui bên vợ con.Dũng hứa với vợ sẽ học thêm để thi tú tài nhưng từ khi Phi Nga sanh rồi và bây giờ bé Hoàng đã được sáu tháng, nàng không hề nghe Dũng nhắc nhở gì đến chuyện học hành, nên nàng cũng làm ngơ không đá động đến. Phi Nga cũng không hề nghĩ đến chuyện vẽ tranh, và nàng thấy Dũng vui vẻ, sung sướng thật sự khi thấy nàng chỉ biết lo cho chồng con.Nhưng hôm nay, Phi Nga không hiểu tại sao Dũng lại nhận lời với ông Châu và bàn với mình về chuyện giúp ông Châu tổ chức một buổi lễ phát phần thưởng thật long trọng hơn năm ngoái, cái năm đầu ông Châu làm hiệu trưởng. Dũng không sợ Phi Nga trở lại với nỗi ham thích trước đây sao?Vừa dọn cơm, Phi Nga vừa nghĩ như thế, nhưng bữa cơm hôm ấy cả Dũng và Phi Nga đều vui vẻ, họ chỉ nói về bé Hoàng.- Bé Hoàng biết nhìn theo em rồi.- Bé Hoàng xổm lên rồi. Nó sắp ngồi được. Nó mà biết đi thì mệt lắm anh ạ. Đâu dám bỏ nó một mình, nó té thì khổ.Mấy lúc sau này, bé Hoàng là đầu đề cho những câu chuyện của họ trao đổi trong bữa cơm...Họ vừa ăn xong, Phi Nga chưa kịp dọn dẹp thì ông Châu đến. Dũng thúc hối vợ lên tiếp. Phi Nga vào phòng trong thay áo, nghe ông Châu nói với Dũng:- Nhà tôi hôm nay có khách, không đến được. Hôm khác tôi sẽ đưa nhà tôi đến.Phi Nga nghĩ:- Như thế càng tốt.Phi Nga ra phòng khách thì Dũng đứng lên đi pha trà thay vợ. Ông Châu nói cho Phi Nga biết mục đích viếng thăm của ông, rồi kết luận:- Được biết cô đã nhận lời giúp nhà trường, tôi đến đây cảm ơn cô và cũng để bàn với cô về cách tổ chức buổi lễ. Tôi mong cô giúp tôi những ý kiến hay ho của cô.Phi Nga nói chuyện một cách tự nhiên, góp ý kiến về sự trang hoàng sân khấu, cách tổ chức tiệc trà thế nào cho chu đáo, cách luyện tập các em hát, vũ và đóng kịch. Dũng chỉ ngồi nghe, không nói gì hết. Sự thật Dũng không thạo những chuyện ấy. Ông Châu luôn miệng khen Phi Nga có ý hay, rồi ông nói:- Hôm nọ tôi gặp ông hội đồng Tích, nghe nói về chuyện cô bán tranh cho ông Malê, tôi không khỏi phục cô. Mấy lúc nay cô có vẽ thêm được bức tranh nào chưa?- Mấy lúc nay tôi bận cháu nhỏ.- Cô nên dành một ngày vài giờ để vẽ, cô ạ. Ông hội đồng Tích có nói là ông Malê đến tận đây hai lần khuyên cô mà dường như cô không thích vẽ tranh nữa.Phi Nga lặp lại:- Tôi bận cháu.Nhưng ông Châu không cần nghe câu trả lời của Phi Nga, cứ nói tiếp:- Ông Malê bảo cô là một thiên tài và khuyên cô nên tìm một họa sĩ học thêm. Có phải như thế không?- Ông Malê có khuyên tôi như vậy, nhưng tôi thấy lúc này chưa cần lắm, tôi muốn sống cho chồng, cho con tôi.- Dù cô có vẽ thì cô cũng sẽ sống cho chồng, cho con chớ cô có bỏ chồng, bỏ con đâu mà sợ.Dũng liền chen vào góp một câu:- Tôi cũng có khuyên nhà tôi, nhưng nhà tôi bảo thủng thỉnh đã.Ông Châu liền nói:- Có một người vợ có tài như vậy, thầy phải khuyến khích cô vẽ để một ngày gần đây trở thành một họa sĩ tên tuổi. Không nên vì mình mà để vợ phải sống như kẻ vô tài.Dũng cau mày. Phi Nga đỡ lời cho Dũng:- Nhà tôi khuyên tôi học thêm, nhưng ông thấy đó, tôi đâu có thì giờ. Vài năm nữa, khi cháu Hoàng hơi lớn, tôi sẽ tính đến chuyện đó.Ông Châu cười:- Bé Hoàng lớn thì lại có bé khác ra đời.Khi đứng lên ra về, ông Châu nói:- Bắt đầu ngày mốt, cứ bốn giờ chiều thì cô qua trường để giúp ý kiến cho chúng tôi. Còn về chuyện trang hoàng thì tùy cô... Tôi không dám có ý kiến gì cả, để trọn quyền cho cô...Phi Nga nhận lời, Dũng đưa ông Châu ra tận ngoài đường. Hai người đứng nói chuyện với nhau rất lâu. Phi Nga quay vào bồng con, dỗ cho nó ngủ, nên không biết họ đã nói gì.Ông Châu khoác tay Dũng và hai người đi bên nhau, có vẻ thân mật. Ông Châu đã ngoài bốn mươi tuổi, người cao lớn, tánh tình vui vẻ, nói năng hoạt bát. Đưa ông ta đến cổng, Dũng toan quay vào, thì ông Châu liền nói:- Trời mát như thế này, chúng ta đi dạo một lúc cho khỏe.Ông kéo tay Dũng lôi đi, bất đắc dĩ, Dũng phải theo ông, để nghe ông tâm sự:- Có một người vợ như thầy thật là một điều may mắn. Thấy vợ chồng thầy, tôi không khỏi buồn cho cảnh ngộ của tôi. Nhà tôi làm gì mà bằng cô ở nhà. Tôi cũng đã lớn rồi, xem thầy cô như em út của tôi, nên thành thật lắm. Tôi cưới nhà tôi đến nay gần hai mươi năm, nhưng tôi có cảm giác là suốt đời tôi rồi cũng không khác gì hai mươi năm qua, nghĩa là cũng buồn tẻ. Cha mẹ vợ tôi giàu, hồi đó ông bà bỏ tiền ra “cưới chồng” cho con gái lớn. Nhà tôi nghèo, cha tôi mất sớm, mẹ tôi đi lấy chồng khác, tôi ở với bà nội, bà tôi cũng chết, lúc này tôi mới học xong bậc trung học, chưa thi trung học đệ nhị cấp, vì thế phải bỏ học về chịu tang bà. Thấy tôi bơ vơ, cha vợ tôi bấy giờ để tôi làm sổ sách cho ông và sau đó bằng lòng gả con gái. Rồi ông chịu cho tôi đi học thêm, thi vào trường Sư phạm để ra đi dạy. Vợ tôi cũng hiền lành, nhưng phải cái tánh ỷ tiền, xài phí quen thân. Đồng lương của tôi không đủ cho vợ tôi xài, nên lúc nào bà ấy cũng muốn tôi về sống với cha mẹ vợ, mà sống bên nhà vợ thì lắm khi bực mình làm sao chịu nổi. Lúc tôi còn dạy ở các tỉnh, tuần nào cũng phải lặn lội về nhà, tôi phải xin đổi về đây. Và từ ngày tôi về dạy ở quê vợ thì cha mẹ vợ bỏ tiền cất cho tôi ngôi nhà mà tôi ở hiện giờ. Từ ngày thầy về đây dạy, thầy không chịu làm hiệu trưởng, nhờ vậy mà tôi được cái tiếng hiệu trưởng, cha mẹ vợ tôi nể nang tôi thêm đôi phần. Vợ tôi nghe thiên hạ gọi tâng bốc “bà Hiệu trưởng” thì thích lắm. Nhưng không hiểu ai xúi sử nhà tôi không biết mà bà ấy cứ đòi lấy lại ngôi nhà của thầy cô. Bà ấy mà đòi thì phiền lắm. Lại thêm các bà ghét vợ tôi nên lại thường xúi sử luôn, tôi khổ tâm hết sức, không biết phải nói thế nào với thầy để thầy hiểu mà không phiền tôi, cho tôi là người xấu, thấy cô trang hoàng lại nhà cửa đẹp đẽ nên thay đổi ý kiến.Nói đến đây ông Châu ngừng lại, Dũng lo lắng chờ đợi. Nhưng ông Châu nói tiếp khi đã thở một hơi mạnh như để trút hết sự bực mình:- May sao cô Loan, vợ của thầy Phẩm đến chơi, liền nói với cha mẹ vợ tôi là nếu tôi mà đòi cái nhà lại thì thầy sẽ xin lãnh lại chức hiệu trưởng mà hai năm nay thầy đã nhường cho tôi. Cha mẹ vợ tôi nghe thế liền khuyên vợ tôi đừng có đòi nhà lại, ông bà sẽ bỏ thêm tiền để sửa sang lại cái biệt thự của tôi cho thật sáng sủa, mới mẻ, đầy đủ tiện nghi. Nhưng rồi vợ tôi vẫn còn hậm hực, chưa vừa ý. Lúc nãy tôi có rủ nhà tôi lại thăm thầy cô nhưng nhà tôi không chịu đi. Thì cũng là chuyện đàn bà tranh hơn, tranh thua với nhau chứ có gì lạ đâu, nhà tôi nghe ông Hội đồng khen cô vẽ giỏi, có tài, bán một bức tranh năm nghìn đồng, bỗng đòi đi học vẽ. Có phải là lạ đời không. Bà ấy thì vẽ cái quỷ gì, vẽ bài tứ sắc biết được chưa. Nhưng mà tôi cản không nổi, bà nói để bà lên Sài Gòn học vẽ với ông thầy Tàu nào đó trong Chợ Lớn.Ông Châu nói đến đây cười lớn, khiến Dũng cũng phải cười theo... Dũng hỏi:- Ông hiệu trưởng để cho bà đi học à?Ông Châu thở dài:- Làm sao cản? Bà nhà tôi chỉ có hai đứa con trên mười tuổi cả rồi, về sức học thì trước kia bà đã đậu tiểu học, cũng có đi học nữ công gia chánh, rồi đánh máy, kế toán... Thôi thì bà học đủ thứ và hễ nghe ai khen bà nào tài giỏi về một môn nào đó là bà hăng tiết lên, đòi đi học môn ấy để hơn người ta mới nghe. Năm ngoái có bà phán Hùng ở quận giỏi làm bánh, ở đây ai cũng khen. Nhà tôi tức lắm, lên Sài Gòn học sáu tháng làm bánh đó chứ. Nhưng học rồi tôi có thấy bà ấy trổ tài bao giờ đâu. Chỉ được cái là từ đó, mỗi lần ăn vào miệng một thứ bánh gì, bà nói có vẻ thông thạo lắm, bánh này làm bằng bột gì và làm như thế nào...Dũng mỉm cười thấy câu chuyện kéo dài một cách thích thú. Ông Châu nói tiếp:- Bà ấy đòi đi học vẽ. Biết có cản cũng không được, nên tôi khuyến khích: Mình mà học vẽ thì thế nào cũng trở thành một họa sĩ danh tiếng! Nghe thế nhà tôi thích lắm. Cha mẹ vợ bảo riêng tôi: Để nó đi học vẽ không hơn là để nó ở nhà đánh tứ sắc hay mạt chược sao? Cha mẹ vợ tôi bao giờ cũng có lý. Hôm nay tôi rủ nhà tôi đến thăm thầy cô, nhà tôi không chịu đi, nhưng tôi tin chắc mai mốt thế nào bà ấy cũng đến đây...- Bao giờ thì bà đi Sài Gòn học?- Đầu tháng, sau ngày lễ phát phần thưởng. Bà ấy đâu có chịu vắng mặt trong dịp lễ này.Hai người ngừng lại ở một góc đường, ông Châu bắt tay Dũng:- Thầy làm ơn dặn cô nếu có nhà tôi đến nói về chuyện vẽ thì cô nên nhẹ lời một chút, đừng làm bà ấy thất vọng.Thấy mình dặn như thế có hơi chướng, ông Châu vội vàng nói tiếp:- Tôi thấy cô Phi Nga khiêm tốn lắm, không hề khoe khoang mình có tài, cứ bảo thích sống cho con, cho chồng. Cô Phi Nga không làm phách, tôi hiểu rõ lắm, nhưng cũng dặn phòng hờ. Đàn bà với đàn bà khó lắm.Rồi ông Châu vừa cười vừa nói:- Tôi còn nhớ câu này: Hai nhà bác học hoặc hai luật sư cũng có thể sống chung với nhau được, nhưng hai người đàn bà thì không bao giờ. Không biết tôi đọc câu này ở đâu, nhưng ngẫm nghĩ kỹ tôi thấy đúng hết sức.Dũng rảo bước về nhà. Phi Nga hỏi chồng:- Đưa ông ấy sao lâu quá vậy anh?Dũng cười:- Ông ấy tâm sự nhiều chuyện cũng vui vui.Dũng kể vợ nghe những lời ông Châu vừa nói với mình. Phi Nga nói:- Bà Châu tự ái và háo thắng quá. Nhưng cũng hay, từng ấy tuổi rồi mà còn chịu khó đi học vẽ thì đáng khen thật, ông Châu lo như thế là dư sự, bà ta đến đây em sẽ khen vùi bà ấy, khuyến khích bà học vẽ để trong giới em có thêm một nhân tài. Bà sẽ mở đường cho chị em bước theo để tiến vào ngành hội họa.Ngừng một chút, Phi Nga tiếp:- Bà ấy đâu hiểu là em đang cần tiền mua sắm đồ đạc cho con nên mới bán liền mấy bức tranh.- Ừ, đâu có ai chịu hiểu như vậy. Bà Châu tưởng em phách lối lắm, nhứt là khi nghe ông hội đồng Tích khen em với mọi người.Như ông Châu đã nói, hôm sau bà Châu đến thăm Phi Nga lúc Dũng đi dạy. Lần này, bà đi thẳng vào nhà. Phi Nga đón tiếp một cách tử tế, niềm nở. Và làm như không hay biết gì về ý định đi học vẽ của bà, Phi Nga hỏi thăm bà về sức khỏe, rồi nói:- Ông hiệu trưởng có nhờ tôi giúp một phần nhỏ vào việc tổ chức buổi lễ phát phần thưởng. Tôi lo quá vì tôi đâu có biết gì...- Người ta bảo cô vẽ tranh giỏi lắm kia mà.- Tôi chỉ được học vẽ lúc đi học ở trường. Mỗi tuần một giờ. Vẽ nguệch ngoạc vậy thôi, đâu có gì là giỏi. Bà nghe ai nói mà khen tôi như vậy. Dù sao thì tôi cũng xin cám ơn bà về những lời khen ấy.Hai người đàn bà vừa nói chuyện vừa nhận xét nhau để tìm hiểu đối thủ. Phi Nga thấy bà Châu đã lớn tuổi, người đẫy đà, tướng mạo nghiêm nghị. Tuy vậy, bà không gây cho Phi Nga chút ác cảm nào như trước đây. Còn bà Châu thì thấy Phi Nga hiền lành, vui vẻ như một nữ sinh.Bà Châu nói:- Tôi nghe ông hội đồng Tích bảo cô có tài lắm, cô vừa bán cho ông Malê mấy bức tranh. Mà ông Malê là một tay rất sành về tranh.Phi Nga vừa pha trà vừa nói:- Trong lúc rảnh tôi có vẽ để giải trí. Mấy bức tranh ấy tôi treo ở ngoài cái chái kia. Ông Malê thấy, tỏ ý muốn mua. Trước đó thì bà Quỳnh, vợ ông, cũng có mua của tôi hai tấm. Tôi cần tiền nên mới bán. Lần đầu tôi bán hai tấm để có tiền lo đám cưới, lần sau tôi bán một tấm để lấy tiền sắm xe và giường cho thằng bé con tôi.Phi Nga đặt chén trà trước mặt bà Châu và quay lại chỉ chiếc xe đẩy, cái giường nhỏ mà bé Hoàng đang ngủ, rồi nói tiếp:- Nếu tôi có tiền thì tôi không bán tranh, vì thưa bà đã vẽ ra gì mà bán?Bà Châu ngạc nhiên nhìn Phi Nga. Bà cứ tưởng Phi Nga phách lối và ỷ tài, giờ chỉ thấy một Phi Nga dịu dàng, lễ phép và lại rất thành thật, bà đâm ra lúng túng.Uống trà xong, bà Châu muốn đi xem xưởng vẽ. Phi Nga vui vẻ đưa bà đi:- Chỉ còn có mấy bức tranh. Mấy lúc nay tôi không vẽ gì cả vì bận cháu.Bà Châu xem từng tấm tranh:- Chắc cô có học với ai mới vẽ được thế này.- Tôi chỉ học ở trường, lúc còn đi học.Bà Châu tỏ vẻ không tin. Phi Nga cũng không cần phân trần để bà tin:- Tôi tưởng vẽ để khỏi ở không, không ngờ có người lại chịu mua.- Nghe nói cô có vẽ cho cậu Paul, cháu ông hội đồng Tích, một bức chân dung?- Dạ có, vẽ lúc mới có thai cháu bé.Bà Châu xem xong mấy tấm vẽ, theo Phi Nga trở vào nhà. Lần này bà đến đứng bên giường của bé Hoàng, ngắm thằng bé và khen:- Cháu đẹp quá.Rồi bà nhìn khắp nơi:- Cô nhất định sống cho chồng con thôi à?Phi Nga ngạc nhiên nhìn bà. Nàng chưa hề nói với bà điều này. Bà Châu hiểu ý liền nói:- Tôi nghe nhà tôi bảo cô nói với nhà tôi như thế.- Tôi có nói với ông là lúc này tôi sống hoàn toàn cho con cho chồng.- Tại sao vậy cô Phi Nga?- Tôi bận suốt ngày.- Đây không phải là một trở ngại mà chỉ là một cái cớ cô viện ra để khỏi phải vẽ.- Đành là không phải trở ngại, nhưng người đàn bà một khi có gia đình...Bà Châu không để Phi Nga nói tiếp:- Cô có thể thuê một vú em, một chị bếp... Tiền cô làm ra dư để trả công cho họ.- Nhưng tôi không muốn thế.- Có phải tại thầy Dũng ngăn cản không cho cô vẽ không?Phi Nga lắc đầu. Bà Châu nói:- Vậy mà tôi lại định tìm thầy học vẽ đây. Cô có thể chỉ cho tôi không?- Tôi không dám. Thật ra tôi chỉ vẽ theo ý tôi, tôi không biết cách dạy lại.- Đã đến tuổi này mà còn đi học vẽ, có kỳ không hả cô?Phi Nga thành thật nói:- Sao lại kỳ? Ở tuổi nào học không được, miễn là mình có chí.Nghe Phi Nga nói thế, bà Châu thích lắm. Nhưng lạ thay, từ khi gặp Phi Nga, cái hứng thú đi học vẽ của bà dường như giảm mất hết phân nửa. Bà háo thắng muốn hơn Phi Nga. Nhưng Phi Nga đâu có tranh đua với ai, như thế việc gì bà phải đi học vẽ?Bà Châu nói:- Tôi định đi học vẽ. Tôi có nhờ một người bạn hỏi dùm việc này rồi. Bao giờ nghỉ hè, tôi lên Sài Gòn để học với một họa sĩ người Tàu.- Tại sao bà phải đợi đến nghỉ hè?- Để nhà tôi có thể lên Sài Gòn với tôi. Học chừng bao lâu thì vẽ được hả cô?- Cái đó tôi không biết. Chắc bà đã biết vẽ chút ít rồi?- Tôi chỉ học vẽ lúc đi học như cô vậy. Lúc trước tôi cũng thích vẽ lắm. Các con tôi lớn cả rồi, lại nữa từ lúc lọt lòng, các con tôi được mẹ tôi nuôi dạy, tôi không bao giờ bận bịu chúng nó, tôi muốn đi đâu cũng được, cô ạ.- Nếu vậy bà học cái gì không được?- Cô khuyến khích tôi như vậy, tôi mừng lắm, tôi chỉ sợ cô cười tôi.- Tôi đâu dám vô lễ như vậy. Bao giờ bà đi học xong, tôi sẽ lại nhờ bà dạy cho tôi cũng không biết chừng, vì bà học có thầy, còn tôi chỉ học lỏm, vẽ theo ý thích.Bà Châu cười:- Cô khiêm tốn hoài. Tôi định bụng bao giờ cô vẽ cho cuộc lễ phát phần thưởng thì tôi đến giúp cô, được phần nào hay phần nấy. Cô bằng lòng chớ?Bà Châu nói có vẻ thành thật, cái ý nghĩ này mới đến với bà từ khi được biết Phi Nga không có phách lối hay kiêu căng như bà tưởng.Phi Nga sốt sắng:- Mời bà đến chơi, góp ý cho tôi. Dù sao thì sống nhiều, bà cũng có nhiều kinh nghiệm hơn tôi.Sự tiếp xúc giữa bà Châu và Phi Nga hôm đó rất có lợi cho nàng vì sau đó, bà Châu gặp ai cũng khen nàng khiêm tốn, có tài mà không tự phụ, nói năng nhỏ nhẹ, tánh tình vui vẻ. Bà nói với ông Châu:- Tôi sẽ đến giúp cô Phi Nga trang hoàng cho buổi lễ phát phần thưởng...Thấy ông Châu có vẻ hoài nghi, bà nói:- Cô ấy mời tôi đến vẽ với cô. Cô còn khuyên tôi nên đi học vẽ.Chẳng những với ông Châu, mà với bất cứ ai bà cũng khoe rùm lên như vậy. Và từ hôm ấy người ta nghe bà khen Phi Nga có tài, nào vẽ giỏi, thêu may khéo, đảm đương biết lo cho chồng. Bà Châu nghĩ rằng bà càng khen Phi Nga thì thiên hạ càng thấy bà cũng có tài không thua gì nàng vì chính bà được Phi Nga mời đến vẽ, bà cũng có góp công vào việc trang hoàng sân khấu cho học sinh trình diễn văn nghệ trong buổi lễ phát phần thưởng.Khi sân khấu trang hoàng xong, trong khi các giáo viên tập dượt cho các học sinh đóng kịch, ca hát, Phi Nga nghe bà Châu hỏi vợ các ông giáo:- Mấy bà thấy sân khấu có đẹp không? Những tấm pa nô kia mỹ thuật không? Tôi và cô Phi Nga cặm cụi mất cả tuần đó.Phi Nga nghe thế chỉ mỉm cười. Bà Châu chạy lại nói với Phi Nga:- Cô Phi Nga ơi, ngó vậy mà nổi hết sức. Mình mất cả tuần chớ ít sao. Công lao như vậy mà ngày mai đây, trình diễn xong lại phải mang đi hết.Phi Nga vui vẻ:- Năm nay có bà giúp tay vào, buổi lễ phát phần thưởng sẽ vô cùng long trọng.Bà Châu nghe thế cười khanh khách:- Có vậy mấy ông mới không khinh mình bất tài. Tôi phải đi học vẽ mới được, cô đã cho tôi sự ham thích trở thành một họa sĩ. Cô còn nhỏ mà có tài, tôi phải bắt chước cô mới được.Với Phi Nga bà nói như vậy, nhưng ông Châu mừng thầm thấy vợ không còn đá động gì đến chuyện đi học vẽ nữa, nhất là sau ngày bà đi dự buổi lễ phát phần thưởng.Hôm ấy bà Châu chưng diện thật đẹp, thật nổi, và đứng bên ông Châu tiếp đón quan khách. Rồi bà lại có mặt bên những cái bàn để phần thưởng, người ta thấy bà chạy qua chạy lại, chỗ nào cũng có bà để chân đến, đặt tay vào và ra lệnh không ngừng. Trên sân khấu khi các em trình diễn những màn văn nghệ, người ta cũng thấy bà vạch tấm màn nhìn xuống những hàng ghế. Bà Châu hoạt động không ngừng, trái lại Phi Nga chỉ ngồi im trên hàng ghế quan khách, bên các bà giáo.Nhiều người nói với nhau:- Bà hiệu trưởng hoạt động còn hơn chồng nữa.Có người cãi lại:- Bà ấy có làm hiệu trưởng đâu. Bà ấy chạy hiệu mà chạy hiệu thì không hoạt động sao được?Nhưng cũng có người khen:- Bà ấy chịu khó giúp chồng trong việc trường trại, giỏi lắm đó. Có lẽ nhờ bà mà buổi lễ năm nay long trọng hơn mọi năm, phần thưởng cho học sinh cũng nhiều nữa.Không ai nói đến Phi Nga, nhưng Phi Nga không lấy thế làm bực mình. Sau buổi lễ, ông Châu đến thăm Dũng để cám ơn Phi Nga:- Ông Tỉnh trưởng và ông Trưởng ty Giáo dục khen trường mình năm nay biết tổ chức. Tôi có nói với các vị quan khách, năm nay sở dĩ được như thế là nhờ cô Phi Nga. Tôi còn nhờ cô Phi Nga việc này nữa.Phi Nga nhìn ông Châu, trong khi Dũng nói:- Thưa ông, còn việc gi nữa?- Nhà tôi coi bộ không còn đòi đi học nữa.Phi Nga nói:- Bà nói với tôi là nghỉ hè bà sẽ đi học vẽ.Ông Châu cười:- Bây giờ bà ấy mãn nguyện rồi. Hôm lễ phát thưởng ai cũng khen bà và như thế là đủ rồi, bà đâu còn mặc cảm thua ai nữa mà học? Cô quá khiêm tốn và bà ấy phục cô lắm. Nếu có học vẽ chắc bà ấy đến học với cô.Dũng vội nói:- Nhà tôi đâu biết gì mà dạy.Ông Châu không bằng lòng:- Thầy nói đùa sao? Vẽ được như vậy mà không biết gì à? Nhưng rồi thầy xem, nhà tôi không đi học vẽ nữa đâu. Bà ấy tưởng đâu mình giỏi lắm rồi. Bà đâu có nghĩ mọi sự trang hoàng sân khấu là do công cô Phi Nga.Phi Nga khiêm tốn:- Nhưng bà cùng đã chịu khó giúp tôi cả tuần, dù không làm gì đi nữa thì bà cũng đã mất bảy ngày ròng rã.Ông Châu công nhận:- Kể ra cũng đáng khen. Bảy ngày không gầy sòng. Đàn bà đến khi tự ái và giữ thể diện thì không ai còn biết họ đi đến đâu. Dù sao thì cô Phi Nga cũng đã giúp tôi hai việc rất lớn. Nhà tôi đi Sài Gòn rồi, đi sắm đồ đạc và bà ấy hứa khi về thế nào cũng có quà cho cô.Dũng và Phi Nga đều nói:- Chúng tôi giúp ông hiệu trưởng có chút việc mà ông đến cảm ơn hai lần, chúng tôi ái ngại quá.- Mấy ông giáo trong trường đều phục cô Phi Nga. Nếu cô có thể xếp đặt thì giờ để học vẽ như ông Malê đã khuyên thì thế nào cô cũng nổi tiếng.Phi Nga nói:- Tôi đợi cháu lớn đã. Còn nhiều thì giờ, ông ạ.Hai hôm sau, bà Châu đến thăm Phi Nga, tặng Phi Nga một xấp hàng may áo dài và tâm sự với nàng:- Tôi có đi hỏi để học vẽ. Ông họa sĩ người Hoa mà tôi nói với cô đó đã lớn tuổi rồi, ông ta vẽ nhiều bức tranh lụa và sơn dầu đẹp lắm. Nhưng ông ấy đòi mắc tiền quá. Học sáu tháng cũng phải đóng tiền cả năm, ông ấy bảo không ai học sáu tháng mà thành tài được. Ông ta có nhiều môn đệ, nhưng người nào cũng còn trẻ, không ai bằng tuổi tôi, nên tôi còn ái ngại. Một năm phải trả tới mười hai nghìn đồng.Ngừng một lát bà Châu nói tiếp:- Mười hai nghìn tôi lo cũng nổi, nhưng cha mẹ tôi cứ theo ngăn cản, bảo lớn rồi mà còn đi học làm gì. Nhà tôi thì không ngăn cản, nhưng coi bộ ông ấy không thích lắm. Đàn ông nào cũng như thế hết, cô ạ. Họ không muốn cho mình nổi tiếng đâu. Họ chỉ muốn mình cho họ những bữa cơm ngon. Ai chớ tôi thì đừng hòng chuyện đó. Cần ăn thì có bếp, giữ con đã có vú em. Tôi rảnh thì đi học này nọ cho biết với thiên hạ. Người ta biết mà mình không biết tức là thua họ rồi, mà tôi thì không muốn thua ai hết.- Làm sao hơn thiên hạ được mọi mặt, thưa bà? Có cái hơn thì cũng phải có cái thua. Ai có phần nấy, nếu mình muốn theo kịp mọi người thì học suốt đời cũng không có đủ thì giờ. Hơn nữa, việc gì cũng thế, quí ở chỗ dùng. Học cho biết để rồi không bao giờ dùng đến thì có biết nhiều cũng như không.Phi Nga nói một hồi, bỗng nhớ bà Châu vốn hiếu thắng, mình lý luận với bà ấy không lợi, nên nói:- Tôi nghĩ như vậy, nhưng bà là người đã sống nhiều, bề gì cũng có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Bà muốn học một môn nào chắc bà đã cân nhắc kỹ.- Tôi nghĩ kỹ lắm chớ. Nhưng lần này về việc học vẽ, không hiểu tại sao tôi do dự quá. Có lẽ tại ông Trần Phong, ông ta gặp tôi hỏi nhiều điều khiến tôi bắt ngượng.- Ông ấy hỏi bà những gì, chắc cũng trong vấn đề vẽ thôi chớ?- Ông ấy hỏi tôi vẽ được bao nhiêu bức tranh rồi? Vẽ trên lụa, vẽ dầu hay vẽ trang trí. Ông hỏi nhiều lắm nhưng tôi biết gì mà trả lời. Và khi nghe tôi nói là chưa vẽ được bức tranh nào thì ông ấy cười một cách mỉa mai khiến tôi xấu hổ với các học sinh của ông ấy. Ông nói: Cô chưa biết vẽ thì đừng đến vô ích, tôi là thầy của các họa sĩ.Bà Châu nói tiếp:- Hay là cô cùng đi học với tôi, cô Phi Nga?- Lúc này tôi chưa đi học được.- Ông Trần Phong có nhiều môn đệ, nhưng người nào cũng còn trẻ, không có ai bằng tuổi tôi hết. Cô bận con nhỏ, tiếc quá. Lại nữa, chắc gì thầy Dũng đã cho cô lên Sài Gòn học xa thầy, vợ chồng mới cưới mà.- Tôi chưa đi học lúc này, vì tôi có một người quen rất thạo về hội họa, nếu cần học thêm thì sẽ đến học với người ấy.Phi Nga định nói vậy để bà Châu đừng rủ mình đi học với ông Trần Phong, nhưng bà Châu cứ hỏi lần tới khiến Phi Nga phải nghĩ đến Giang, bạn của Đình.Từ ngày có chồng đến giờ, Phi Nga không hề gặp lại Đình, vì thế nàng không biết hiện giờ Giang ở đâu. Mấy năm trước, Phi Nga có nghe Đình nói là Giang sắp đi Rome, kinh đô của nghệ thuật, để tìm thầy học thêm về điêu khắc, không biết nay đã về chưa. Bị bà Châu hỏi tới về người quen rất rành về hội họa ấy, Phi Nga đành nói:- Người quen tôi đi học ở Rome chưa về.- Thế à? Thảo nào mà bây giờ cô chịu ngồi yên một chỗ để ẵm con. Có vậy chớ, lẽ nào một người tài như cô mà không hề nuôi mộng trở thành họa sĩ.Phi Nga chỉ mỉm cười. Bà Châu ham muốn một việc gì là vì tự ái, sự ham muốn ấy bộc phát nhưng rồi cũng bộc tàn, chớ còn Phi Nga thì khác.Trước khi ra về, bà Châu còn hỏi Phi Nga:- Theo ý cô, tôi có nên lên học với ông Trần Phong không? Tôi cứ nói đại với ông là tôi vẽ được nhiều tranh rồi, chắc ông không bắt tôi mang lên cho ông xem đâu.- Ông Trần Phong không nhận thì bà tìm họa sĩ khác mà học. Có tiền thì học với ai không được, đợi gì phải học với ông ấy?Bà Châu khen:- Cô nói phải. Ông ấy làm như ngoài ông ấy ra không còn ai biết dạy vẽ. Cô Phi Nga nè, tôi thấy mấy bức tranh của ông ấy không có gì đặc sắc, còn thua những bức tranh của cô là khác.Phi Nga cười:- Tranh của tôi thì ăn thua gì!- Không ăn thua sao ông Malê lại chịu mua? Mà mua bạc vạn chớ ít sao? Nhà tôi bảo có những bức bán với giá cả triệu nữa, cô ạ. Tranh của ông Trần Phong để giá năm trăm nghìn, bức nào rẻ lắm là năm chục nghìn. Ai dư tiền mà mua những bức tranh ấy cô nhỉ?Ra đến cổng bà Châu còn nói:- Bao giờ đi học tôi sẽ nói cho cô biết.Phi Nga không ngờ vì câu chuyện với bà Châu hôm ấy mà giữa nàng và Dũng có sự cãi cọ nhau suốt mấy ngày.