áng hôm sau, bọn tôi đã ở trên đò khe Yến Vĩ. Cái phong quang rực rỡ trên mặt khe làm cho tôi khoan khoái bao nhiêu, thì một lúc sau, cái không khí nặng nề ở trước cửa chùa Thiên Trù làm cho tôi khó chịu bấy nhiêu. Tôi đi Hương Tích có vài lần, mà tới nay mỗi khi nhớ lại, tôi lại nghĩ thầm rằng: Nếu tôi có tội phải người ta bắt đi đày, thì đày tôi ra Côn Đảo ba năm, tôi không sợ bằng đày tôi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội! Là vi suốt ba tháng hội, cửa chùa Thiên Trù là một cái nhà xí mà hằng ngày có hàng nghìn người phóng uế! Người ngoại quốc có kẻ mắt trông thấy những công trình kiến trúc ở Đế Thiên Đế Thích mà than tiếc cho văn minh của dân Chân Lạp. Chẳng rõ nếu khi mũi họ phải ngửi những mùi hôi thối ở cửa chùa ngoài Hương Tích, thì họ sinh ra cái cảm tưởng thế nào về văn minh của dân Việt Nam! Riêng tôi, tôi cho đó là cái mùi quốc túy [...] [1]! Vì tôi đã nghiệm ra rằng, bất cứ cửa đền, cửa phủ nào của người mình, hễ có hội, tất có mùi đó xông lên. Cái đó chắc là một cái quốc túy lưu truyền lại từ các cụ ngày xưa, mà bọn con hiếu, cháu hiền ngày nay vẫn bảo tồn được mãi!Bước vào trong chùa, tuy lỗ mũi có dễ thở hơn, nhưng lỗ tai lại đến phiên chịu tội. Tiếng giày, guốc, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng cười, tiếng nói, tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng chào nhau, mời nhau, gọi nhau, cãi nhau, chửi nhau đồng thời cùng ồn ào váng cả óc tôi. Tôi chịu cái nạn ấy ngót nửa ngày trời. Mãi quá trưa, các bà lễ bái xong, đem chúng tôi vào vãn cảnh chùa trong, bấy giờ tôi mới như người hoàn hồn lại!Trời hôm ấy râm râm. Đường đi không mệt người lắm. Tuy vậy, các bà cũng thuê đăng sơn [2] ngồi. Đi bộ có tôi và ba cô đồng bạn thôi. Chúng tôi đi chậm lắm. Chốc chốc lại có một bọn người đi sau vượt lên đi trước chúng tôi. Cái đó là tự ba cô. Các cô đã không quen đi đường núi, mà lại có những đôi giày đóng ra để diện hơn là để đi đường. Nếu cô nào bước mau một chút, là giày lại nằm lăn ra ăn vạ, để cô phải nhặt, phải lau. Cho nên tôi cũng không dám giục các cô đi nhanh, sợ họ đi nhanh còn mất thì giờ hơn là đi chậm. Đã vậy, chỉ mấy trăm bước các cô lại kêu mệt, rủ nhau ngồi nghỉ. Gặp hàng, các cô vào hàng, nếm cái “mùi thiền” của mơ xanh cùng dưa chuột chấm muối. Không gặp hàng, các cô ngồi nghỉ tạm trên những tấm đá dọc đường. Tôi, tôi thích các cô ngồi nghỉ ở bên đường hơn. Vì khi đó thì Hữu thế nào cũng ngồi cạnh tôi. Cũng có khi mệt quá, thì ngồi lả bên mình tôi, vịn tay và tựa má vào vai tôi. Trong lòng tôi lúc ấy đã nhẹ nhàng. Nỗi lo Hữu nghi tôi đã không còn nặng một bên lòng. Tôi tự cười mình là hay “bỗng khống chuốc não mua sầu”: câu nói của Hữu đêm qua, chẳng qua là “gặp đâu nói đấy”, chứ không có ý gì sâu sắc cả.Những tiếng vang trong rừng núi, họa theo những tiếng “Nam mô”... Những màu phấn trắng, son hồng, điểm xuyết thêm vào những sắc lá xanh, đá xám... Bao nhiêu những thứ lọt vào mắt, vào tai tôi lúc ấy, đều là những khúc nhạc du dương, những bức tranh rực rỡ: Những tác phẩm mà tạo hóa và loài người đã góp tài, góp sức để tô điểm thêm cho cuộc đời hạnh phúc của tôi trong một, vài giờ. Hạnh phúc ấy làm say sưa lòng tôi. Tôi quên cả mỏi chân. Tôi quên cả nỗi lo ngại đường xa, trời tối. Nhưng mà Hữu lo ngại. Trong một lúc mà trời u ám như sắp đem màn hoàng hôn phủ kín thế gian, Hữu săn đón hỏi một người hành khách:- Thưa ông! Đã gần đến chùa Hang [3] chưa, ông?Người hành khách cười mà đáp:- Còn xa!Tức thì Hữu đưa cặp mắt kinh ngạc nhìn tôi và hỏi tôi:- Thế thì bao giờ mới đến nơi?- Chúng ta chịu khó đi luôn, đừng nghỉ nữa! Tôi đáp.- Nhưng không nghỉ, mệt, đi làm sao được?- Mệt thì “Nam mô” lên! Phật phù hộ cho đỡ mệt.- Thật thế à? - Hữu ngơ ngẩn hỏi.- Anh ấy nói bịa đấy! Có “Nam mô” nó lại mệt thêm thì có! - Sâm cười nói chêm.- Nhưng tôi thấy ai đi chùa Hương cũng nói như anh Ngọc cả. - Lan nói tiếp.- Ấy là tôi cũng nghe người ta nói thế! Nhưng nghĩ ra cũng có lý chứ! Ta chả thấy những người kéo gỗ hay kéo hồ lô họ vẫn “rô ta” là gì! Hỏi họ, họ bảo: “rô ta” thế, nó ra sức. Thế thì mình đi đường “Nam mô” nó cũng ra sức, biết đâu! Tôi nói chưa dứt thì, Hữu đã đon đả cổ động:- Đã vậy, chúng mình thử “Nam mô” xem sao!Chúng tôi vừa cười, vừa góp tiếng “Nam mô” vào với muôn tiếng “Nam mô” của các bọn hành khách khác.Một lúc sau, đã đến Cửa Võng [4]. Đương đi dốc và sức mình đã mệt, Hữu phải nhờ tôi dắt mới trèo lên được. Chúng tôi lên đến đỉnh, ngảnh lại trông thì Lan và Sâm còn ngồi thở ở giữa chừng. Hữu bảo tôi:- Anh chịu khó xuống dắt chúng nó lên.Tôi ngần ngại, nửa vì mệt, nửa vì tính nhút nhát. Hữu thấy tôi làm thinh, giục giã:- Xuống đi, anh! Không có ngồi đây chờ chúng nó đến đêm à?Rồi Hữu cất to tiếng bảo bạn:- Ngồi đấy! Anh Ngọc xuống, anh ấy dắt lên!Sâm cười:- Phải đấy! Phải đấy! Xuống đây, anh Ngọc!Tôi phải xuống. Vừa xuống, Sâm đã chằm bặp nắm lấy cánh tay tôi, làm tôi sinh ngượng. Lặng lẽ, Lan vịn lấy tay Sâm. Chúng tôi lần từng bước, dắt nhau lên.Khi chúng tôi đến cửa Hang thì trời đã “nhọ mặt người”. Các bà công cử [5] thím tôi ra đứng ngóng chúng tôi. Khi thấy mặt chúng tôi, thím tôi mừng rỡ dồn cho mấy câu “mắng yêu”. Giá phỏng chúng tôi đến chậm một chút nữa, thì trong các bà không khỏi có bà sốt ruột đến phát khóc, khi nghĩ đến những chuyện “Ông ba mươi” đón đường bắt người đi lễ. Theo thím tôi vào trong hang, tôi thấy như đi vào một đám cháy nhà mới dập tắt. Lớp khói hương nặng nề đọng lại ở trong hang làm cho mắt tôi thấy cay và mũi tôi thấy khó thở. Trong bóng sáng yếu ớt của hàng trăm ngọn nến, tôi trông vào trước bệ thờ Phật, thấy người ngồi san sát như họp chợ. Mà ai bảo không phải họp chợ? Họ đến đó để họp với Phật: Họ đem hương hoa, lễ vật đến mà mong đánh đổi lấy con, lấy của lấy bình an. Ngoài những người ngồi, cũng có những người đi, đứng rải rắc khắp nơi. Ấy là những người chiêm ngưỡng các cánh vốn có ở trong hang như cây thóc, cây tiền, hay là các cảnh mới chở ở các thành thị vào: Các cô con gái trẻ măng và lịch sự... Cũng như mọi bọn, các bà trong bọn tôi đóng hành dinh trên mấy tấm chiếu trải làn can [6], trên có đặt linh tinh hai, ba ngọn nến. Các thức ăn đem theo đã bày la liệt. Các bà đợi chúng tôi vào mới cùng ăn. Ăn, uống xong, rủ được một bà bạn mới gặp ở trong hang, các bà liền họp nhau... không phải lễ Phật, mà là “chầu Tổ” [7]! Tôi thì cùng ba cô đồng bạn đi coi các cảnh trong động, khi đến bên lối lên Chợ Trời và xuống Âm phủ, Hữu hí hởn rủ tôi:- Anh có xuống Âm phủ không? Em xuống với! Hay ta lên Chợ Trời đi!Tôi lắc đầu cười:- Anh không muốn lên Chợ Trời, mà cũng không muốn xuống Âm phủ! Chỉ muốn ở lại trong đời này mãi!Cả ba cô bạn đều cười. Chạy quanh ở trong động một lúc, chúng tôi ra ngoài cửa động. Chỉ cách nhau mấy chục bước, mà không khí khác nhau như ở hai thế giới. Ở trong động là cái không khí ngạt những mùi hương, ngốt những hơi người của một cửa chợ buôn Thần, bán Phật. Còn đây mới là cái không khí nhẹ nhàng, trong sạch của cảnh lâm tuyền. Lọc qua làn mây vẩn, ánh trăng chỉ còn sáng mờ như ánh trời khi mới rạng đông. Cảnh vật quanh mình, tôi thấy như những cảnh vật ở trong giấc mộng. Một mùi hương thơm mát của một thứ hoa rừng nào từ xa đưa lại. Bốn bề im vắng, tôi nghe rõ những tiếng sâu réo rắt trong bóng tối, và những tiếng lá cây, lá cỏ đùa nhau với ngọn gió xuân. Chúng tôi ngồi mỗi người trên một mô đá. Trong một lúc, không nhìn nhau mà cũng không nói với nhau câu gì. Không hẹn nhau, song ai nấy đều như muốn để cho phần hồn, phần xác được một lúc nghỉ ngơi thong thả. Sau cùng, Hữu đứng lên phá trước sự im lặng ấy. Đi lại gần tôi, Hữu giòn giã nói:- À anh! Anh làm thơ, đọc cho chúng tôi nghe với chứ!Sâm nói tiếp:- Mà phải đấy! Cả Lan nữa! Phong cảnh này nên thơ lắm còn gì! Giá tôi biết làm thơ thì tôi làm có tá rồi! Chả cần phải ai giục.- Lan cũng biết làm thơ à? - Hữu hỏi - Thế thì hai anh, chị làm thơ đi coi!Tôi không rõ vẻ mặt Lan khi nghe câu nói đùa ấy thế nào. về phần tôi, tôi rất là khó chịu. Tôi chép miệng thở dài mà không đáp. Trong lòng thì bồn chồn, nghi hoặc! Tôi không dám chắc là Hữu yêu tôi nữa. Tôi tự hỏi: Có lý gì là lý Hữu đã yêu tôi mà còn nói đùa như thế hay không? Thấy Lan và tôi không đáp, Sâm rủ Hữu:- Thôi, chúng ta đi vào xem ông sư tụng kinh “Bách danh”. Để vắng vẻ, người ta mới thơ thẩn được chứ!Nói xong, Sâm cùng Hữu quay vào. Lan cũng bước theo. Còn tôi, những ý nghĩ buồn rầu, chán nản đã cướp mất sức mạnh trong người tôi và những vẻ đáng yêu của phong cảnh quanh mình. Tôi ngồi bệt ở cửa động như một người hành khách mỏi mệt ngồi ở một xó rừng quạnh quẽ. Một lúc sau, tôi rút mùi soa lau trán. Chợt chạm tay lên mái tóc, thấy sương đọng ướt đầm và lạnh ngắt, tôi mới nhớ là trời đã khuya. Tôi vừa cất mùi soa vào túi thì thấy hai bàn tay âm ấm bịt chặt lấy mắt tôi. Tôi thở dài:- Hữu chứ còn ai nữa!Hữu buông tôi ra. Vừa khúc khích cười, vừa lần xỏ chân vào đôi giày mà Hữu đã trút ra cầm tay từ trước, rồi ngồi xuống bên tôi mà nói:- Bác bảo gọi anh vào đi ngủ đấy. Ngồi mãi đây, đã được câu thơ, câu thẩn nào chưa?Tôi lạnh lùng đáp:- Tôi buồn thì tôi ngồi đây, chứ thơ với thẩn gì!- Ô hay! Sao anh lại xưng “tôi” với em? Anh giận em rồi! Nhưng em làm gì mà anh giận?Tôi rớm nước mắt đáp:- Sao lại gọi tôi với Lan là hai anh, chị?- Ồ! Có thế mà anh cũng giận! Nó đẹp như thế. Nó lại học lớp anh. Nó lại biết làm thơ nữa. Nó với anh tốt đôi lắm, còn gì!- Thôi Hữu! Đừng nói đùa nữa, tôi xin.- Em có nói đùa đâu! Em nói bằng thật đấy chứ!- Nói thật à? Tôi cũng xin nốt.- Nhưng mà sao em nói thế, anh lại giận em?- Tại sao! Hữu lại không biết hay sao? Tôi còn biết thế nào mà nói nữa!Hữu nắm cánh tay tôi, nũng nịu:- Không! Anh phải nói! Anh phải nói! Anh không nói, từ rầy em không chơi với anh nữa!Người tôi bỗng tê mê, bồi hồi đáp:- Nhưng tôi nói, chỉ sợ Hữu nói với người khác...- Không! Không bao giờ em nói với ai cả.- Nhưng... anh nói chỉ sợ Hữu giận anh...- Không! Không đời nào em lại giận anh.- Thế anh nói, không kỳ Hữu giận anh hay nói với người khác nhé!- Vâng! Anh cứ nói.Tôi cầm tay Hữu đặt lên ngực tôi:- Nhưng em để tay vào đây mà xem đã. Đấy! Tim anh nó đập dồn như thế đấy! Anh sợ em giận anh hay nói với người khác biết chừng nào!- Không, anh không sợ. Nói đi, anh!- Bây giờ anh nói đây! Anh giận Hữu là tại... là tại Hữu nói đùa như thế thì lòng anh khổ sở vô cùng. Anh không muốn Hữu ngờ anh có thể yêu được Lan. Anh không muốn Hữu ngờ anh có thể yêu được ai hết! Anh chỉ vêu có Hữu! Lòng anh chỉ thờ có Hữu!Tôi vừa nói vừa mê man ôm chặt Hữu vào trong lòng. Trong lòng tôi, tôi thấy Hữu run lẩy bẩy như một con chim non. Lẳng lặng, Hữu khẽ giơ tay gỡ mình ra. Nhưng trong khi ấy thì môi tôi đã sát trên rnôi Hữu, và ngực tôi đã nhận rõ được từng tiếng động của trái tim trong ngực Hữu. Mắt tôi không trông thấy gì nữa. Tai tôi không nghe thấy gì nữa. Trí não tôi không nghĩ ngợi gì nữa. Tâm hồn tôi như đã hòa chung với tâm hồn Hữu mà lạc vào trong cõi hư vô, tịch diệt. Sau này tôi nghĩ ra, cái hạnh phúc lên Nát Bàn chắc cũng không thể hơn được cái hạnh phúc của tôi trong lúc ấy. Phật dạy người đời tìm Nát Bàn ở ngoài trần thế. Có biết đâu, trong trần thế, tôi đã tìm thấy nó khi tôi là tình nhân... Sau lưng tôi bỗng động tiếng giày. Tôi vội vàng đỡ Hữu ngồi ra một bên và sửa lại mái tóc cho Hữu. Tiếng thím tôi gọi:- Có phải Ngọc với Hữu đấy không? Ngồi mãi làm gì đấy? Mai mệt, đi sao được?Nhanh trí khôn, Hữu vồn vã đáp:- Thưa mợ, con ra gọi anh Ngọc vào. Nhưng anh ấy còn dở nghĩ một bài thơ để về đăng báo!Thím tôi cười:- Thôi mặc anh ấy ngồi đấy mà thơ mấy thẩn! Mày vào đi ngủ thôi, con!Hữu cất tiếng “Vâng” rồi theo thím tôi trở vào. Tôi còn ngồi lại một lúc nữa. Khi tôi trở vào trong Động thì tôi thấy không còn là cảnh một cửa chợ nữa. Đó là cảnh một đêm đông ở một gian buồng... ngục! Dưới bóng mươi, năm ngọn nến hồ tàn, người ngủ nằm sắp hàng, ai nấy đều giấu kín mình trong chăn, chỉ để hở ra có cái mặt. Dăm, ba người không ngủ được, ngồi bơ phờ ra vẻ mỏi mệt. Tiếng chim gõ mõ lẫn với tiếng mõ gõ ở trước bệ thờ Phật. Tiếng nhà sư ê a tụng niệm át cả tiếng ho, tiếng ngáy của mọi người. Một quang cảnh tôi thấy là thảm đạm, dù lòng tôi đương náo nức vui. Tôi trở về bên chỗ bọn tôi nằm. Tôi chia đôi cái chiếu với người đày tớ quẩy bồ. Ai đã để sẵn cho tôi chiếc mền và tấm gối. Tôi đặt lưng nằm là ngủ ngay được. Tôi bỗng thấy tôi lại cùng Hữu cùng ngồi ở ngoài cửa động bên một dòng khe sâu thẳm. Hữu cúi xuống hái mấy bông hoa lạ nở ở ven khe. Rồi trong lúc tươi cười cầm hoa quay lại đưa tôi, Hữu trượt chân ngã lộn từ trên bờ khe xuống. Tôi bàng hoàng nhảy theo thì lòng khe lại hóa ra một cánh đồng cỏ. Trên lớp cỏ non, Hữu nằm không động đậy, áo quần đầm những máu. Tôi ôm Hữu vào trong lòng, vừa khóc vừa gọi. Tiếng gọi của tôi to quá làm cho tôi giật mình tỉnh lại. Trong cổ tôi còn tiếng nức nở và trên má tôi còn ướt lệ. Tôi mở mắt ra nhìn thì chiếu bên kia, Hữu bỏ một cánh tay ra ngoài lần chăn đắp. Mớ tóc Hữu rối tung, bà xòa [8] trên mặt gối. Dưới bóng nến gió lay lấp lóa, mặt Hữu quay lại phía tôi, trong giấc ngủ say, còn lộ vẻ vui tươi bình tĩnh. Và cặp môi xinh xắn, còn như cùng tôi mỉm một nụ cười có duyên. Tôi yên ủi. Tôi bâng khuâng. Tôi nằm mà nhìn Hữu cho đến khi hai mắt mỏi rồi. Song, nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy còn nhìn thấy Hữu...Chú thích[1] Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ hai dòng.[2] Tức là thuê loại kiệu nhỏ để đi đường núi.[3] Tức động Hương Tích.[4] Cửa Võng có Đền Cửa Võng, hay Đền Vân Song, đền Trấn Song, ở khoảng giữa Đền Giải Oan và động Hương Tích. Từ Cửa Võng đến Hương Tích đường dốc đứng cao khó đi.[5] Ý nói đồng lòng cử bà thím ra đón.[6] Can: nối nhau. Ý nói những chiếc chiếu trải ra chiếc nọ nối liền chiếc kia.[7] Tức là tổ tôm, ý nói các bà rủ nhau đánh tổ tôm.[8] Lòa xòa.