Dịch giả: Lâm Hoàng Mạnh
Chương 6
Burma: Quý bà Aung San Suu Kyi và các Tướng lĩnh

     à là người phụ nữ gày gò, thậm chí rất mảnh khảnh nhưng đầy nghị lực. Với bản chất trầm lặng, nhưng sức mạnh nội tâm thật vô bờ trong một thân thể gày yếu vì bị giam cầm lâu ngày. Phẩm chất của bà giống như hình ảnh những nhà hoạt động chính trị khác, kể cả ông Nelson Mandela, Václav Havel. Bà và họ giống nhau, vì niềm tin tương lai của tổ quốc nên đã ghé vai gánh trọng trách.
Lần đầu tiên tôi gặp bà Aung San Suu Kyi vào ngày 01-12-2011, cả hai chúng tôi đều mặc bộ đồ màu trắng. Sự trùng hợp đến bất ngờ. Sau bao nhiêu năm đọc báo và trăn trở về nhà bất đồng chính kiến Burma, giờ đây chúng tôi gặp gỡ tay cầm tay, mặt đối mặt. Bà vừa được ân xá sau lệnh quản thúc tại gia, tôi đã phải vượt qua hàng ngàn dặm đến gặp, thảo luận về triển vọng cải cách dân chủ ở quốc gia độc tài trên quê hương bà. Chúng tôi ngồi bên nhau trong bữa dạ tiệc tại nhà riêng của vị phụ trách đối ngoại Hoa Kỳ ở Rangoon, một biệt thự kiểu thuộc địa cũ bên hồ Inya. Cảm giác thật lạ kỳ, cả hai chúng tôi cảm thấy thân thiết như đã từng quen biết từ lâu, hôm nay mới là buổi ban đầu gặp gỡ. 
Tôi đặt ra nhiều câu hỏi và bà cũng đưa ra nhiều không kém. Sau nhiều năm, bà là biểu tượng của phong trào cải cách dân chủ. Nhưng vì sao từ một người ủng hộ phong trào bà lại chuyển sang hoạt động chính trị? Bà muốn tham gia giữ một chức nào đó hay muốn đặt mình trong sự hoạt động mới? Cuộc trò chuyện thân mật, cởi mở, sau đó chuyển sang bàn bạc về chiến lược, chúng tôi cười vui như hai người bạn cũ lâu ngày mới gặp lại.
Cả hai chúng tôi đều hiểu hiện nay phong trào còn rất yếu. Tổ quốc của bà dưới quyền cai trị của các tướng lĩnh với cái tên gọi mới là Myanmar, còn với dân chúng vẫn gọi với cái tên thân thương Burma, giờ đây nhà cầm quyền đã thực hiện những buớc chuyển đổi đầu tiên. (Trong nhiều năm qua, chính phủ Hoa Kỳ duy trì cách gọi duy nhất với cái tên Burma, nhưng giờ đây cũng bắt đầu sử dụng cách gọi cả hai tên, nhưng trong cuốn sách này, tôi chỉ dùng tên Burma). Quốc gia này có thể quay trở lại thể chế lạc hậu cũ, những cuộc đàn áp đẫm máu có thể sẽ xảy ra như đã từng xảy ra trước đây. Chính vì điều đó, chúng tôi phải vạch ra đường lối sách lược chính xác, đúng đắn trong thời điểm này hơn là chờ đợi thế hệ tiếp theo.
Đối với Hoa Kỳ, đây là cơ hội giúp Burma chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ, tái gia nhập gia đình các quốc gia mà họ đã từng từ bỏ. Chính ngay bản thân đất nước Burma cũng có những nỗ lực thật quý giá, hàng triệu người dân xứng đáng được hưởng phước lành của tự do và thịnh vượng. Không những thế, đất nước này còn nằm trong tầm cỡ chiến lược khu vực. Burma nằm ở trung tâm Đông Nam Á, một khu vực mà cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều ra sức hoạt động để gia tăng ảnh hưởng. Một quá trình cải cách đầy ý nghĩa có thể trở thành cột mốc quan trọng trong chiến lược xoay trục của chúng ta, tăng cường sức mạnh cho các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ khắp Á châu, xa hơn nữa là lời cảnh báo tới các chính phủ độc tài khác. Tất nhiên, nếu chúng ta thất bại, nó có thể có tác động ngược lại. Nguy cơ ở đây có thể tướng lĩnh Burma đang chơi canh bạc lớn. Họ hy vọng chỉ cần có một số động thái cởi mở, tiến bộ sẽ đủ để phá vỡ sự cô lập của cộng đồng quốc tế mà không cần phải thay đổi nhiều về nền tảng thể chế xã hội. Tại Hoa Kỳ, rất nhiều nhà quan sát tài ba cho rằng tôi đã lựa chọn chưa đúng thời điểm khi tiếp cận ở tình thế chưa rõ ràng. Với tầm nhìn xa trông rộng về sự rủi ro, nhưng khi đưa tất cả các yếu tố lên bàn cân tính toán, tôi thấy đây là cơ hội không được bỏ qua.
Trong hai giờ đồng hồ Suu Kyi và tôi ngồi trò chuyện. Bà muốn biết phía Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu thể chế được cải cách. Tôi nói với bà, Hoa Kỳ sẽ có những phản ứng thích hợp trong hành động. Chúng ta sẽ cho họ cả thúng cà-rốt, từ việc khôi phục quan hệ ngoại giao toàn diện đến xoá bỏ biện pháp trừng phạt và thúc đẩy đầu tư. Nhưng chúng tôi cần được thấy các tù nhân chính trị phải được thả nhiều hơn như trong thông báo, phải có cuộc tổng bầu cử đáng tin cậy, các sắc tộc người thiểu số và nhân quyền phải được đảm bảo, chấm dứt mối quan hệ quân sự với Bắc Triều, có đường lối mới đưa đến sự chấm dứt xung đột sắc tộc lâu nay ở các vùng nông thôn. Từng bước sẽ được thực hiện, tôi đảm bảo với Suu Kyi rằng chúng ta sẽ duy trì mối quan hệ nhằm mục đích thúc đẩy sự tiến bộ hơn nữa trong tương lai.
Bà Suu Kyi đã thấy rõ những thách thức phía trước với những tướng lĩnh đang kiểm soát đất nước. Phụ thân bà, ngài Aung San, vị tướng đã dẫn dắt nhân dân Burma đứng lên dành độc lập từ tay người Anh và Nhật Bản, nhưng ông bị ám sát năm 1947 bởi các đối thủ chính trị trong nước. Suu Kyi bị tống tù lần đầu tiên vào tháng Bẩy năm 1989, chưa đầy một năm khi bà tham gia hoạt động chính trị trong cuộc nổi dậy dân chủ chống lại độc tài quân sự bị thất bại vào năm trước. Từ đó, bà hết ra lại vào tù hay bị quản thúc tại gia. Năm 1990, chính phủ quân sự mở cuộc bầu cử tự do, đảng phái chính trị của bà giành chiến thắng vang dội. Các tướng lĩnh vội vàng vô hiệu hoá cuộc bỏ phiếu. Năm sau, bà được giải Nobel về Hoà bình, chồng bà, Tiến sĩ Michael Aris, giáo sư trường Đại học Oxford, học giả hàng đầu về Phật giáo Tây Tạng, đã thay mặt bà đến nhận giải thưởng. Trong những năm bị quản thúc tại gia, bà Suu Kyi chỉ được xum họp gia đình vài lần, khi chồng bà Michael Aris mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, chính phủ Burma đã từ chối cấp visa để ông được sống những ngày cuối cùng bên người vợ. Thay vào đó họ cho phép bà xuất cảnh, có nghĩa bà sẽ trở thành người lưu vọng vĩnh viễn. Bà từ chối và hết cơ hội nói lời vĩnh biệt với chồng. Ông Michael Aris qua đời năm 1999.
Những bài học mà Suu Kyi nhận được đã khiến bà thêm hoài nghi một cách chính xác về chủ nghĩa thực dụng đi ngược hình ảnh lý tưởng của bà. Theo bà, khả năng mở rộng dân chủ là có thật, nhưng cần được kiểm chứng rõ ràng, cẩn trọng. Hai chúng tôi hẹn gặp lại nhau vào hôm sau để bàn thêm các chi tiết cụ thể, ở tại nhà bà.
Khi chúng tôi chia tay, tôi thật trăn trở. Khi trở thành Ngoại trưởng năm 2009, không ai có thể tin có cuộc viếng thăm này. Chỉ hai năm trước, năm 2007, cả thế giới đã theo dõi trong nỗi kinh hoàng khi những người lính Burma được lệnh bắn giết các sư sãi trong chiếc áo cà-sa biểu tình ôn hoà chống chế độ. Giờ đây, quốc gia này đang sắp sang một kỷ nguyên đổi mới. Nó nhắc cho mọi người biết, thế giới giờ đây có thể thay đổi một cách nhanh chóng như thế nào và tầm quan trọng của Hoa Kỳ phải biết thời điểm sẵn sàng đáp ứng, giúp đỡ sự đổi thay khi điều kiện chin mùi.

Burma là một quốc gia với dân số xấp xỉ 60 triệu người, nằm ở vị trí chiến lược giữa tiểu lục địa Ấn-Độ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Đông Nam Á. Nó đã từng được mệnh danh “vựa thóc của Á châu”, với những ngôi chùa kiến trúc cổ xưa lộng lẫy, chiếm được mối thiện cảm của các du khách và các văn hào như Rudyard Kipling, George Orwell. Trong Thế chiến II, đây là chiến trường giữa lực lượng Đồng Minh và quân đội Nhật Bản. Một viên tướng Hoa Kỳ bạo mồm bạo miệng, biệt danh “Vinegar Joe” Stilwell, đã có công tái thông thương con đường huyết mạch vận chuyển hàng hoá nổi tiếng từ Burma sang Trung Quốc, cùng với phụ thân của bà Suu Kyi lãnh đạo trong thời kỳ chiến tranh đã dành được nền độc lập cho Burma sau khi Thế chiến thứ II kết thúc.
Trong nhiều thập niên dưới chế độ độc tài quân sự và sự phát triển kinh tế sai lầm đã biến đất nước Burma thành một nước nghèo khổ bậc nhất. Bấy giờ Burma xếp hạng trong số những quốc gia tồi tệ nhất của thế giới về nhân quyền. Đây chính là nguồn gốc trung tâm của sự bất ổn, thù địch của Đông Nam Á và cũng là nơi sản xuất buôn bán ma tuý gia tăng hàng năm, đồng thời có mối quan hệ quân sự với Bắc Triều, một quốc gia đe dọa an ninh toàn cầu.
Đối với tôi, con đường dẫn đến Rangoon khởi đầu bằng cuộc họp bất thường ở Capitol Hill vào tháng Giêng năm 2009. Tôi quen Mitch McConnell khá thân sau tám năm cùng trong Thượng viện, chúng tôi thường ít khi bất đồng quan điểm về bất cứ điều gì. Lãnh tụ Thiểu số phe bảo thủ Cộng Hoà từ Kentucky không giấu giếm ý định phản đối chính quyền Obama về toàn bộ chương trình nghị sự của chúng tôi. (Điểm chính ông nêu ra: “Chuyện quan trọng nhất mà chúng ta muốn đạt được là dành cho Tổng thống Obama chỉ một nhiệm kỳ”). Nhưng trong chính sách đối ngoại lại có một khu vực mà cả hai chúng tôi có thể cùng nhau hành động. Thượng nghị sĩ McConnwell từng là người đứng đầu ủng hộ phong trào dân chủ tại Burma kể từ khi có cuộc đàn áp đẫm máu 1988. Trong nhiều năm qua, ông lãnh đạo cuộc đấu tranh về biện pháp trừng phạt chống chế độ độc tài quân sự Burma, đồng thời ủng hộ giúp đỡ những nhà bất đồng chính kiến, kể cả với bà Suu Kyi.
Khi nhậm chức, tôi tin chúng ta cần phải suy tính lại đối sách với Burma và hy vọng Thượng nghị sĩ McConnwell sẽ ủng hộ. Năm 2008, chính quyền Burma công bố tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu vào năm 2010. Sau sự thất bại bầu cử 1990, một số nhà quan sát cho rằng triển vọng cuộc bầu cử mới rất nghiêm túc. Suu Kyi vẫn bị cấm ra làm ứng cử viên, các tướng lĩnh ban hành quy chế số lượng tướng lĩnh quân đội phải chiếm ít nhất ¼ số ghế trong Quốc hội hoặc chiếm đa số. Bất kể sự cải cách còn rất hạn chế, nhưng sự chuyển đổi từ chế độ độc tài sang nền dân chủ như thế cũng rất đáng khích lệ. 
Trước đây cũng đã có những khoảng khắc hy vọng nhưng bị đổ vỡ. Năm 1995, chế độ này bất ngờ đã ra lệnh quản thúc tại gia bà Suu Kyi, bà Madeleine Albright –sau này là Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc-, đã bay sang Rangoon yêu cầu huỷ bỏ lệnh quản thúc. Albright có đem theo bức chân dung Suu Kyi có nhiều chữ ký ủng hộ trong đó có tôi từ Hội nghị Phụ nữ Quốc tế tại Bắc Kinh. Nhưng sự cởi mở không hề có. Năm 1996, đến thăm Thai Lan, nước láng giềng của Burma, trong bài phát biểu tại trường Đại học Chaing Mai tôi kêu gọi “cuộc đối thoại chính trị chính thức giữa bà Suu Kyi và chế độ độc tài quân sự”. Nhưng thay vào chuyện đối thoại, chính quyền độc tài quân sự từ năm 1997, các tướng lĩnh tăng cường hạn chế sự hoạt động chính trị cũng như sự đi lại của bà Suu Kyi, đến năm 2000 bà lại bị quản thúc tại gia. Bill Clinton đã ca ngợi hành động anh hùng của bà, trao giải thưởng cao quý của Hoa Kỳ, Huân chương Tự Do của Tổng thống mà bà không thể tự mình đến nhận được. Thời điểm ấy chẳng có chút hy vọng nào. Nhưng đến năm 2009, khó có thể tranh luận về chính sách trừng phạt và cô lập của chúng ta đã có tác dụng tốt hơn. Chúng ta cần phải làm gì thêm nữa?
Tôi trao đổi với Thượng nghị sĩ McConnell nên tìm cách đánh giá mới và toàn diện về chính sách của chúng ta đối với Burma, đồng thời mong muốn ông ấy đóng góp ý kiến. McConnwell tuy còn nghi ngờ nhưng cuối cùng ủng hộ. Rà soát lại toàn bộ chính sách đối ngoại đã có được sự ủng hộ của cả hai đảng, Thượng nghị sĩ McConnell vui vẻ và tự tin chỉ vào bức chân dung Suu Kyi treo trên tường văn phòng ông. Đây rõ ràng tín hiệu cá nhân của ông thông báo cho tôi vấn đề cần giải quyết. Tôi hứa sẽ tham khảo ý kiến ông thường xuyên khi tiến hành công việc.
Một Thượng nghị sĩ nữa tôi cần tham khảo ý kiến. Đó là Jim Webb, một cựu chiến binh được thưởng huân chương trong chiến tranh Việt Nam, Bộ Trưởng Hải Quân dưới thời Tổng thống Reagan, giờ đây là Thương nghị sĩ đảng Dân chủ bang Virginia đồng thời làm Chủ tịch Thượng viện Quan hệ Đối ngoại tiểu Ban Đông Á – Thái Bình Dương. Ông tính nóng như lửa, trái tính trái nết, nhưng có quan điểm cứng rắn chính sách của Hoa Kỳ về Đông Nam Á. Jim nói với tôi, lệnh trừng phạt của phương Tây đã thành công trong việc bần cùng hoá Burma, nhưng chế độ độc tài vẫn tồn tại trong hoang tưởng. Ông lo ngại chúng ta vô tình sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị vào Burma. Các tập đoàn kinh tế Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng đập thủy điện, khai thác hầm mỏ, các dự án năng lượng qua Burma kể các hệ thống đường ống dẫn lớn. Theo Jim, xem xét lại toàn bộ chính sách đối ngoại với Burma là ý tưởng tốt, nhưng không muốn tiến hành chậm chạp, từ từ. Ông thúc dục tôi phải sáng tạo, quyết đoán và ông hứa cũng sẽ làm như thế trong tiểu ban của ông.
Tôi cũng lắng nghe ý kiến bên ngoài Capitol, trong đó có Dân biểu Joe Crowley của New York, bạn thân của tôi, người từ lâu ủng hộ hàng đầu các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ độc tài. Joe xuất thân ở quận Queen, ông rất trực tính theo lối giáo dục cũ. Khi còn ở Thượng viện, hai chúng tôi thường tham gia các sự kiện ở New York, ông đã từng hát những bản tình ca gợi cảm theo giai điệu đồng quê xứ Ireland cho tôi nghe. Ông rất xúc động mỗi khi nhớ đến người thày thông thái trong Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, Tom Lantos tài năng, sau này là nhà đấu tranh cho nhân quyền Burma nổi danh. Sự hỗ trợ và tư vấn của ông rất quan trọng khi chúng tôi tiến hành công việc.
Trong chuyến công du đầu tiên đến Á châu tháng 2-2009, tôi tham khảo ý kiến với những nhà lãnh đạo quốc gia trong khu vực về những suy nghĩ của họ đối với tình hình Burma.
Người ủng hộ và động viên tôi nhiều nhất, Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono. Ông bảo, ông từng trao đổi, thuyết phục các tướng lĩnh Burma, vì thế khả năng chuyển bíến tiến bộ có thể xảy ra. Điều này cũng chính là sự suy tính của tôi, vì chính bản thân ông cũng xuất thân từ tướng lãnh, trút bỏ quân phục trở thành vị Tổng thống dân sự. Hơn nữa, ông cho biết chế độ quân sự sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ. Trong nhiều năm chúng ta không có sứ quán ở Burma, nhưng vẫn còn những kênh mà qua đó chúng ta vẫn thu thập được tin tức. Triển vọng cuộc đối thoại rất cao và hấp dẫn. 
Tháng Ba, tôi đã cử Stephen Blake, nhà ngoại giao cao cấp, Giám đốc Văn phòng Bộ Ngoại giao khu vực Đông Nam Á đi Burma. Thể hiện sự hướng thiện, chính quyền Burma mời Blake tiếp kiến hiếm có với Bộ trưởng Ngoại giao. Blake đã đồng ý, đây là quan chức đầu tiên của Hoa Kỳ đi từ Rangoon đến Nay Pyi Taw, thủ đô mới do quân đội xây dựng ở một vùng rừng núi hẻo lánh năm 2005. Theo tin đồn trong quảng đại dân chúng, địa điểm này do nhà chiêm tinh cố vấn cho chính quyền lựa chọn. Tuy vậy, vị tướng có tuổi đầy quyền lực, Than Shwe, không cho phép Blake tiếp xúc Suu Kyi. Trở về, Blake tin chính quyền Burma thực sự quan tâm đến cuộc đối thoại, giới lãnh đạo có nhiều phản ứng vì sự cô lập sâu sắc của quốc gia. Tuy nhiên, ông cảnh báo sự chuyển đổi không thể trong một sớm một chiều.
Tháng Năm, một chuyện kỳ lại không đoán được trong lịch sử của mối quan hệ quốc tế. Một cựu chiến binh trong chiến tranh Việt nam 53 tuổi ở Missouri, John Yettaw quan tâm sâu sắc đến Suu Kyi. Tháng 10-2008, John Yettaw đến Rangoon, bơi qua hồ Inya đến căn nhà Suu Kyi bị quản thúc. Để tránh xuồng cảnh sát và nhân viên canh gác. Yettaw đã tìm cách vuợt qua hàng rào, lọt vào nhà mà không bị phát hiện. Người quản gia của Suu Kyi kinh ngạc khi phát hiện John. Không có bất cứ người khách nào đến thăm mà không được phép của chính quyền, sự hiện diện của Yettaw đặt tất cả mọi người trong tình huống rất nguy hiểm. Bất đắc dĩ, John Yettaw đành phải ra đi không thể gặp Suu Kyi.
Nhưng mùa xuân năm sau Yettaw trở lại. Lúc này ông đã giảm hơn 30 cân (# 14 kg-ND), người vợ cũ báo cáo cảnh sát lo sợ ông mắc chứng hậu chấn thương sau chiến tranh (post-traumatic stress-disoder) nên làm những chuyện liều lĩnh. Đầu tháng 5-2009, ông lại bơi qua hồ Inya lần nữa. Nhưng lần này ông từ chối ra đi, lấy lý do quá mệt và sức khỏe kém không đủ sức bơi trở về. Bà Suu Kyi đành cho ông ngủ trên sàn nhà và liên lạc với nhà chức trách. Yettaw bị bắt vào lúc 5.30 sáng ngày 6-5-2009 khi ông đang cố bơi qua hồ. Một tuần sau, Suu Kyi và người quản gia bị bắt vì đã vi phạm điều khoản về quản thúc tại gia. Yettaw bị kết tội với án tù 7 năm lao động khổ sai, còn Suu Kyi và người quản gia án tù 3 năm, nhưng được Than Shwe giảm xuống 18 tháng quản thúc tại gia. Với mức án này, chắc chắn Suu Kyi vẫn còn bị quản thúc qua cuộc bầu cử đầy hứa hẹn vào năm 2010. “Hầu hết mọi người đều tức giận vì việc làm hồ đồ, tồi tệ này của người Mỹ. Đúng là một anh chàng xuẩn ngốc,” một trong những luật sư của Suu Kyi phát biểu với báo chí.
Khi nghe được tin này, tôi cũng rất giận. Suu Kyi và chúng tôi đang hy vọng những thay đổi lớn lao ở Burma, đột nhiên phải trả giá với việc làm thiếu suy nghĩ của một công dân Mỹ thiển cận như vậy. Nhưng ông ta là công dân Hoa Kỳ, nên tôi phải có trách nhiệm giúp đỡ. Tôi gọi điện cho Thượng nghị sĩ Webb và Thượng nghị sĩ McConnell bàn cách giải quyết. Tôi đồng ý Jim tình nguyện đi Burma đám phán việc thả Yettaw. Đây là cơ hội mà chúng ta cần gắng thử.
Giữa tháng Sáu, lại xảy ra một sự kiện mới. Hải quân Hoa Kỳ và Hàn Quốc theo dõi chiếc tầu trọng tải 2000 tấn chở hàng của Bắc Triều khả nghi vận chuyển thiết bị quân sự, bao gồm bệ phóng và bộ phận tên lửa trên đường đến Burma. Nếu đúng, đây một hành vi vi phạm trắng trợn lệnh cấm buôn bán vũ khí Bắc Triều của Liên Hiệp Quốc trừng phạt về vụ thử vũ khí hạt nhân vào tháng Năm. Bản báo cáo xoay chung quanh việc quân đội Burma liên quan đến một công ty Bắc Triều xuất khẩu kỹ thuật hạt nhân và những chuyến viếng thăm bí mật của các kỹ sư và các nhà khoa học.
Lầu Năm Góc phái một khu trục hạm tới vùng biển theo dõi các tầu chở hàng của Bắc Triều khi qua lãnh hải quốc tế. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trao quyền cho chúng tôi kiểm soát con tầu, nhưng phiá Bắc Triều tuyên bố, đây là hành động chiến tranh. Chúng tôi tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước trong khu vực bao gồm cả Trung Quốc. Điều này mang tính quyết định, các tầu chở hàng đến các hải càng có thể bị dừng lại để kiểm tra, khám xét theo sắc lệnh của Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đồng ý giải pháp này, nói: “Phải được thực thi một cách nghiêm ngặt, một thông điệp thể hiện sự đoàn kết gửi đến chính quyền Bắc Triều.” Nhưng đến phút chót, tầu hàng của Bắc Triều biến mất; con tầu chở hàng quay đầu trở về cảng Bắc Triều.
Tháng Tám, Thượng nghị sĩ Webb đi Nay Pyi Taw. Lần này Than Shwe đồng ý tiếp kiến. Jim đã đưa ra ba vấn đề trong chương trình nghị sự. Vấn đề thứ nhất, yêu cầu thả Yettaw với lý do nhân đạo, vì Yettaw đã tuyệt thực và đang mắc trọng bệnh. Vấn đề thứ hai, yêu cầu được tiếp xúc với bà Suu Kyi mà trước đó Blake không được đồng ý. Vấn đề thứ ba, yêu cầu Than Shwe bỏ lệnh quản thúc tại gia, cho phép bà Suu Kyi tham gia hoạt động chính trị. Đó là điều kiện duy nhất để cuộc bầu cử sắp tới được thực hiện nghiêm túc. Than Shwe chăm chú lắng nghe, cam đoan sẽ thực hiện. Trước khi kết thúc chuyến công du, Jim đã thực hiện được 2 trong 3 yêu cầu, ông đến Rangoon gặp bà Suu Kyi. Sau đó bay sang Thái Lan cùng Yettaw trong chiếc Không Lực Hoa Kỳ. Khi Jim phôn cho tôi, tôi cảm thấy sự phấn khởi của ông qua giọng nói. Nhưng lúc ấy bà Suu Kyi vẫn còn bị giam.
Tháng sau, tôi công bố kết quả sau sự rà soát các chính sách Burma tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Mục tiêu vẫn chưa thay đổi: chúng tôi phải được thấy cuộc cải cách dân chủ thật sự tin cậy; Ngay lập tức phải thả tất cả các tù nhân chính trị trong đó có bà Aung San Suu Kyi; Có cuộc đối thoại nghiêm túc với các nhóm đối lập và dân tộc thiểu số. Tôi kết luận “chỉ lựa chọn một biện pháp trừng phạt là lựa chọn sai lầm.” Vì vậy, trong tương lai chúng ta sẽ sử dụng cả hai cách lựa chọn để theo đuổi mục tiêu, đồng thời tiếp cận với quan chức cao cấp của Burma.

Hơn một năm sau, quá trình cải cách hầu như không tiến bộ. Suu Kyi vẫn bị quản thúc, mặc dù bà được phép gặp Kurt Campbell hai lần. Bà kể cho Kurt hiểu cuộc sống nhàm chán, cô đơn hàng ngày, công việc duy nhất là nghe bản tin World Service của đài BBC và đài Tiếng nói Hoa Kỳ để biết tin tức thế giới trong 4 bức tường trại giam. Các báo chí quốc gia thường cắt bỏ hình bà chụp với Kurt mỗi khi đăng tải những chuyến thăm của ông.
Khác hẳn năm 1990, phe ủng hộ dân chủ không chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2010. Thay vào đó, một đảng được quân đội hậu thuẫn tuyên bố chiến thắng áp đảo như người ta dự đoán. Các tổ chức đối lập, tổ chức nhân quyền cùng chính phủ Hoa Kỳ lên án kết quả bầu cử phần lớn là gian lận. Chính quyền từ chối cho phép các nhà báo, quan sát viên nước ngoài theo dõi quá trình bầu cử. Điều đó quá quen thuộc và dễ dự đoán. Các tướng lĩnh lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội quá trình chuyển đổi đi đến dân chủ và hoà giải dân tộc. Trong khi đời sống nhân dân Burma càng chìm trong cảnh nghèo đói và cô lập.
Mặc dù kết quả bầu cử quá thất vọng, sau một tuần bầu cử vào tháng 11-2010, tướng lĩnh bất ngờ ra lệnh huỷ bỏ lệnh quản thúc tại gia bà Suu Kyi. Tiếp theo, Than Shwe tuyên bố về hưu, một tướng lãnh cao cấp, Thein Sein, người đã từng giữ chức Thủ tướng lên thay thế. Ông trút bỏ bộ quân phục, lãnh đạo chính phủ dân sự theo danh nghĩa. Không giống các thành viên khác của chính quyền, Thein Sein từng công du các nước trong khu vực, nổi tiếng là nhà ngoại giao Á châu, ông tận mắt chứng kiến những nước láng giềng được hưởng lợi trong thương mại, khoa học kỹ thuật trong khi đất nước ông trì trệ. Rangoon từng là một trong những thành phố quốc tế ở Đông Nam Á; Thein Sein hiểu sự tụt hậu, chậm phát triển như thế nào so với Bangkok, Jakarta, Singapore và Kuala Lumpur. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2010 chỉ có 0,2% dân số được sử dụng internet. Điện thoại thông minh (Smartphone) hầu như không có vì không có dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Sự tương phản với các nước láng giềng không còn gì để nói nữa.
Tháng 1-2011, tôi phôn cho Suu Kyi ngay sau khi lệnh quản thúc tại gia huỷ bỏ, tìm hiểu tình hình tiến triển đến đâu. Thật vui khi được nghe giọng nói và cảm thấy bà tự tin khi được tự do. Suu Kyi cảm ơn sự ủng hộ của Hoa Kỳ và Chủ tịch của cả hai đảng (Cộng hoà và Dân chủ - ND) trong những năm qua, hỏi thăm về đám cưới của con gái tôi. Đảng chính trị của bà đã bắt đầu vực dậy, tái tổ chức, theo dõi những động thái của chính phủ mới. Tôi trao đổi với bà, chúng tôi muốn giúp đỡ, chia sẻ những bài học về quá trình hoạt động của phong trào ủng hộ dân chủ khác trên toàn thế giới. Tôi bảo: “Hy vọng một ngày không xa tôi sẽ đến thăm. Nhưng tốt nhất, mời bà đến thăm tôi.”
Mùa xuân năm ấy, Thein Sein chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Burma. Thật đáng ngạc nhiên, ông mời Suu Kyi tới dự tiệc chiêu đãi tại tư dinh. Đây là hành động đáng lưu ý, một người quyền lực nhất trong nước lại mời một nữ khách mà trước kia chế độ độc tài quân sự coi là kẻ thù nguy hiểm nhất. Phu nhân Thein Sein tự tay chuẩn bị bữa tiệc, bàn ăn đặt dưới bức chân dung thân phụ quá cố của bà Suu Kyi. Cả hai sẽ tái kiến vào mùa hè năm ấy tại Nay Pyi Taw. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên theo dự kiến. Vị tướng và nhà bất đồng chính kiến đã hiểu đường lối của nhau. Chắc chắn những vấn đề gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra trong tương lai. 
Tôi muốn Hoa Kỳ đóng góp xây dựng trong việc khuyến khích chuyển đổi tốt hơn của chính phủ Burma mới, nhưng không quá vội vàng cũng như huỷ bỏ lệnh trừng phạt quá sớm của chúng ta. Tái lập toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Burma là điều quá vội vàng, nhưng chúng ta cần có kênh ngoại giao để kiểm tra những ý đồ của Thein Sein. Trong chiến lược phát triển ngoại giao, tôi hỏi Kurt và nhóm của ông, làm thế nào để phát triển và tăng cường từng bước trong tiến trình của chúng ta. Chúng tôi bổ nhiệm một chuyên viên kỳ cựu Á châu, ông Derek Mitchell, làm Đặc phái viên đầu tiên của Hoa Kỳ tại Burma. Chức vụ này Quốc hội thông qua do Thượng nghị sĩ Tom Lantos đưa ra năm 2007, được Tổng thống Bush ký thành luật năm 2008, nhưng chưa bao giờ được bổ nhiệm. Lựa chọn Đặc phái viên ở Burma không có nghĩa đây là một Đại sứ thường trực, nhưng nó sẽ mở đường cho sự quan hệ thông tin hiểu biết lẫn nhau tốt hơn. 

Sông Irrawaddy chảy dọc từ Bắc xuống Nam Burma, từ xa xưa hai bờ của dòng sông chính là cái nôi của nền văn hoá và thương mại của quốc gia. George Orwell mô tả: “Khi ánh chiều tà rọi xuống dòng sông, những tia nắng vàng phản chiếu lấp lánh như ánh kim cương”, bao quanh là những cánh đồng lúa bát ngát đến tận chân trời. Những khối gỗ tếch (một trong 4 loại gỗ “tứ thiết” quý hiếm, chuyên dùng làm báng súng- ND)”, nguồn hàng xuất khẩu chủ chốt của Burma, từ các nguồn suối, sông dọc theo các khu rừng nguyên sinh trong đất liền đổ ra cửa biển. Sông băng từ phiá đông dãy núi Hi-mã-lạp-sơn đổ xuống do các ngọn suối tạo thành thành sông Irrawaddy, chảy qua vô số các kênh rạch và hệ thống tưới tiêu cung cấp nước cho các trang trại, làng mạc tạo thành một vùng châu thổ phì nhiêu. Như sông Hằng Hà của Ấn Độ và sông Mê-Kông ở Việt Nam, sông Irrawaddy chiếm vị trí quan trọng trong xã hội Burma. Theo như lời mô tả của bà Suu Kyi, “Dòng sông chính là con đường giao thông vận tải huyết mạch, một vựa thực phẩm dồi dào, một kho tài nguyên địa thực vật phong phú và thơ mộng, nơi gìn giữ phong tục truyền thống, cũng là cái nôi của văn xuôi và thơ ca của nền văn hoá Burma.”
Không một ai trong quan chức chính phủ dám đứng ra phản đối công ty điện lực Trung Quốc lợi dụng mối quan hệ lâu dài giữa Bắc Kinh với tướng lĩnh cầm quyền để giành chiến thắng trong đấu thầu xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Irrawaddy. Dự án lớn này đe dọa gây rất nhiều thiệt hại kinh tế địa phương và hệ sinh thái, nhưng lại mang lợi ích đáng kể cho Trung Quốc. Cùng với 6 đập thuỷ điện lớn nhỏ xây dựng phía bắc Burma, đập thuỷ điện Myitsone nổi tiếng, bởi đập thuỷ điện này sẽ cung cấp điện cho các thành phố đang rất cần năng lượng ở phiá nam Trung Quốc. Năm 2011 công nhân xây dựng Trung Quốc đổ đá chặn dòng nước từ thượng nguồn sông Irrawaddy xuất phát từ trên các ngọn đồi hẻo lánh thuộc vùng sâu vùng xa phiá bắc cô lập của các bản làng người dân tộc Kachin. Trung Quốc đã bắt đầu nổ mìn phá đá, đào đường hầm và xây dựng đập thuỷ điện. Hàng ngàn làng bản gần khu xây dựng phải tái định cư. 
Một đất nước dưới sự cai trị kéo dài của những nhà độc tài, một dự án mang tính đột phá như vậy chẳng có gì bất ngờ. Điều đáng ngạc nhiên là sự phản ứng từ dân chúng. Ngay từ đầu, người dân địa phương Kachin đã lên tiếng phản đối xây đập, sự phản đối lan truyền rất nhanh sang khác khu vực khác, thậm chí xuất hiện sự chỉ trích nặng nề trên báo chí. Các nhà hoạt động có bản báo cáo dày 900 trang cảnh báo tác động về môi trường của các nhà khoa học Trung Quốc, việc xây dựng thuỷ điện có thể tác hại đến môi trường thuỷ sản vùng hạ lưu, động vật hoang dã cũng như có thể tác động lớn lao đến đường đứt gãy của địa chấn, đưa ra câu hỏi về sự cần thiết và sự khôn ngoan trong vấn đề dự án. Sự nổi giận về sự thiệt hại hệ sinh thái của Irrawaddy, người dân đổ lỗi cho chính phủ Trung Quốc, người nước ngoài bảo trợ cho chính quyền độc tài quân sự. Như chúng ta thường thấy trong các quốc gia độc tài khác, chủ nghĩa dân tộc thường đối xử hà khắc với những nhà bất đồng chính kiến.
Một làn sóng phẫn nộ của dân chúng chưa từng có đã bùng nổ khắp Burma. Tháng 8-2011, từ khi được xóa bỏ lệnh quản thúc tại gia nhưng mối quan hệ của bà Suu Kyi với công chúng vẫn còn hạn chế, bà công bố bức thư ngỏ chỉ trích việc xây đập. Chính quyền dân sự mới thành lập còn chia rẽ và mất cảnh giác. Bộ trưởng Bộ Thông tin, vị tướng về hưu, tổ chức cuộc họp báo, ông phát biểu trong nước mắt cam kết bảo vệ sông Irrawaddy. Nhưng các quan chức cao cấp khác trong chính phủ phớt lờ mối quan tâm của cộng đồng, tuyên bố việc xây dựng đập vẫn tiếp tục. Cuối cùng Thein Sein đưa vấn đề này ra quốc hội. Ông phát biểu, chính phủ được nhân dân bầu ra, vậy phải có trách nhiệm trả lời mối quan tâm của dân chúng. Việc xây dựng con đập còn đang trong tình tranh cãi phải tạm dừng.
Đây là bằng chứng rất thuyết phục nhất từ trước đến nay, thể hiện chính phủ mới đang có những bước cải cách quan trọng. Đây cũng là sự phản đối Trung Quốc chính thức mà các tin tức đưa ra thật sửng sốt.
Tôi thật sự ngạc nhiên trước sự thành công của xã hội dân sự vừa mới thành hình của Burma, khi mà nơi ấy bị đàn áp, ngăn cấm các tổ chức hoạt động và tự do phát biểu. Từ sự kiện đập thuỷ điện Irrawaddy, nhắc tôi nhớ lại cách nhìn sâu sắc tuyệt vời của Eleanor Roosevelt, câu hỏi bà đặt ra tại Liên Hiệp Quốc năm 1958: “Bất cứ nơi đâu, phía sau mọi vấn đề, phải chăng nhân quyền phổ quát đã được hình thành?” Sau đó bà tự trả lời: “Nơi gần nhất, chính là trong ngôi nhà của mình, trong thế giới xung quanh của từng cá nhân chính là hàng xóm, trường phổ thông hay đại học, nhá máy, trang trại, hay văn phòng mà các bạn học tập hay làm việc… Nếu hành động không nghĩ đến người xung quanh mình, chúng ta sẽ thấy đó là việc làm vô ích trong thế giới rộng lớn bao la.” Nhân dân Burma bị tước bỏ quyền tự do cơ bản đã quá lâu. Tuy nhiên, việc bị lạm dụng môi trường sinh thái, kinh tế đã nảy sinh bởi vì đụng chạm đến quyền lợi thực tế của người dân. Chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường ở ngay đất Trung Quốc. Sự việc bắt đầu từ những đơn khiếu nại bình thường thế rồi phát triển nhanh chóng. Một khi một người dân thành công trong khiếu kiện chính phủ về mối quan tâm thường nhật, điều đó có thể tăng kỳ vọng về sự thay đổi cơ bản lớn lao hơn. Đó chính là một phần trong cái mà tôi gọi: “Quyền con người trong thực thể con người.”
Ngừng xây dựng đập thủy điện mở ra một loạt những hoạt động mới. Ngày 12-10, chính phủ đã ra lệnh phóng thích vài trăm trong số hơn hai ngàn chính trị phạm, Ngày 14, một tổ chức công đoàn lao động đầu tiên được hợp pháp hóa kể từ năm 1960. Động thái này tiếp buớc những đổi thay từ đầu năm, hạn chế sự kiểm duyệt, xoa dịu sự mâu thuẫn giữa các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang ở trong vùng nông thôn. Chính phủ đã có bước xúc tiến đầu tiên với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế về cải cách kinh tế. Bà Suu Kyi cảnh báo sự lạc quan với những người ủng hộ ở Rangoon, kêu gọi thả hết các chính trị phạm và phải bổ xung thêm những vấn đề trong cải cách.
Tại Washington, chúng tôi theo dõi sự kiện chặt chẽ, tự hỏi cần phải tăng thêm áp lực như thế nào để trợ giúp. Chúng ta cần có đánh giá khách quan và chính xác những chuyển biến cơ bản đã xảy ra. Tôi yêu cầu ủy viên nhân quyền hàng đầu trong Bộ Ngoại giao, Mike Posner, cùng với Derek Mitchell đến Burma xem xét thực tế ý định của chính phủ mới. Đầu tháng 11, Mike và Derek đã gặp các thành viên Quốc hội, thảo luận, khuyến khích họ tiếp tục trên con đường cải cách, bao gồm tự do hội họp, cho phép các đảng phái chính trị được hoạt động công khai. Đảng của  bà Suu Kyi vẫn bị cấm hoạt động, cấm tham gia ứng cử và đề cử trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2012 chì trừ trường hợp ban hành điều luật mới. Đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu còn nghi ngờ của các nhà đối lập mà Mike và Derek đã gặp. Họ trích dẫn số lượng lớn các tù nhân chính trị vẫn còn bị giam giữ và những vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng dân tộc thiểu số. Suu Kyi và nhiều người đã yêu cầu chúng tôi đừng quá vội vàng xóa bỏ lệnh trừng phạt, cũng như đừng ban thưởng những đặc ân cho đến khi chúng ta có đầy đủ bằng chứng cụ thể hơn về tiến trình cải cách dân chủ. Điều này hoàn toàn hợp lý, nhưng chúng ta vẫn phải giữ những cam kết với giới lãnh đạo, tiếp tục khuyến khích ủng hộ những tiến bộ đạt được.

Đầu tháng 11, trong khi Mike và Derek gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến và các nhà lập pháp ở Burma, Tổng thống Obama và tôi bận rộn lên kế hoạch làm thế nào để đưa trục xoay lên một tầm cao mới. Chúng ta đều biết chuyến công du sắp tới của Tổng thống đến Á châu sẽ là cơ hội tốt nhất để chứng minh ý nghĩa của sự xoay trục. Chúng ta bắt đầu từ Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) họp ở Hawaii, sau đó Tổng thống sẽ viếng thăm Úc-Đại-Lợi. Tôi dừng chân tại Philippines dự lễ kỷ niệm lần thứ 60 Hiệp ước Phòng thủ chung của chúng ta trên boong tầu Khu trục hạm USS Fitzgerald tại Manila, sau đó sẽ gặp Tổng thống ở Thái Lan, một đồng minh quan trọng.
Ngày 17-11, Tổng thống và tôi đặt chân đến Bali, Indonesia, trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cùng nhà lãnh đạo khối ASEAN và Hoa Kỳ, cuộc họp quan trọng quy tụ các nguyên thủ quốc gia trên khắp Á châu theo thường niên. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, một minh chứng cho sự cam kết của Tổng thống Obama mở rộng sự hoạt động chúng ta trong khu vực và là kết quả trực tiếp đặt nền móng từ đầu năm 2009 bằng ký kết Hiệp ước ASEAN Thân thiện và Hợp tác, tiến đến quan hệ ngoại giao đa phương ở Á châu. Mấy năm trước, sự tranh chấp lãnh hải ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) lại một lần nữa trở lại tâm trí mọi người. Cũng như Hội nghị ASEAN tại Hà Nội, Trung Quốc khước từ đưa vấn đế này ra thảo luận công khai, đàm phán đa phương, đặc biệt có Hoa Kỳ tham gia. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu: “Các lực lượng bên ngoài không nên tham gia với bất kỳ lý do nào về vấn đề này.” Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn nói thẳng trong khi trả lời phóng viên: “Chúng tôi hy vọng vấn đề vùng biển Hoa Nam (Biển Đông) sẽ không được đem ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.” Tuy vậy, một số quốc gia nhỏ hơn bao gồm Việt Nam, Philippines, yêu cầu được đưa ra để thảo luận. Tại Hà Nội, chúng tôi đã cố gắng thúc đẩy cách tiếp cận hợp tác hướng tới giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng hoà bình, nhưng từ đó trở đi, Bắc Kinh càng ngày gây sự bất đồng sâu sắc hơn.
Chiều ngày 18-11, tôi tháp tùng Tổng thống Obama đến dự cuộc mật đàm với 17 nguyên thủ và Ngoại trưởng các quốc gia trong khu vực. Không có nhân viên hay phóng viên báo chí nào được phép vào. Tổng thống Obama và Chủ tịch Ôn Gia Bảo im lặng lắng nghe các nguyên thủ quốc gia các nước thảo luận. Singapore, Philippines, Việt Nam và Malaysia nằm trong số phát biểu đầu tiên, tất cả đều quan tâm đến vấn đề Biển  Đông. Phát biểu lần lượt trong 2 giờ đồng hồ, hầu hết các nhà lãnh đạo lặp đi lặp lại các nguyên tắc mà chúng tôi đã thảo luận tại Hà Nội: đảm bảo thông thương, tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, hợp tác hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, tránh ép buộc và đe dọa, hỗ trợ một quy tắc hành xử. Ngay sau đó, mọi đại biểu đều thể hiện sự đồng thuận mạnh mẽ trong phòng họp. Ngay đến người Nga cũng đồng ý đây là vấn đề hợp lý và quan trọng đối với nhóm thảo luận.
Sau khi 16 nhà lãnh đạo phát biểu, cuối cùng Tổng thống Obama cầm microphone. Đến giờ phút ấy, sự tranh luận đã được bày tỏ, vì thế Tổng thống hoan nghênh sự đồng thuận, tái khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ các phương pháp tiếp cận trong khu vực, ông nêu rõ: “Chúng tôi không phải nguyên đơn trong vấn đề tranh chấp biển Hoa Nam (Biển Đông), vì thế không đứng về phía bên nào, nhưng chúng tôi có mối quan tâm sâu sắc trong an ninh hàng hải nói chung, đặc biệt trong vấn đề giải quyết biển Hoa Nam (Biển Đông) như một thành viên có trọng lượng của Thái Bình Dương, quốc gia có quyền lợi lãnh hải, thương mại và người giữ gìn an ninh tại khu vự châu Á -Thái Bình Dương”. Phát biểu xong, ông nhìn quanh phòng kể cả Thủ tướng Ôn Gia Bảo, vị Thủ tướng này thể hiện không hài lòng ra mặt. Điều này thậm chí còn tồi tệ hơn so với cuộc họp ở Hà Nội. Ông ta không muốn thảo luận vấn đề biển Hoa Nam (Biển Đông) một chút nào, giờ đây phải đối mặt với một mặt trận thống nhất. Khác với Ngọai trưởng Dương Khiết Trì khi họp ở Hà Nội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo không đề nghị nghỉ giải lao, ông đứng lên phản ứng một cách rất lịch sự nhưng rất cương quyết, bảo vệ hành động của Trung Quốc, một lần nữa ông nhấn mạnh, đây không phải là diễn đàn thích hợp cho vấn đề này.
Trong khi diễn đàn ngoại giao đang diễn ra công khai, tôi lại đang tập trung các sự kiện đang diễn ra ở Burma. Trong những tuần đầu tiên của chuyến công du, Kurt đưa ra những buớc đi mới táo bạo với chính quyền Burma, khuyến khích cải cách hơn nữa. Tôi đã trao đổi vấn đề Burma với Tổng thống Obama và các cố vấn an ninh, tất cả đều muốn mọi việc phải rõ ràng, chắc chắn, không được mất cảnh giác, nới lỏng áp lực với chính quyền còn non trẻ. Trong Nhà Trắng, tôi có một “đồng minh” ủng hộ tích cực, Ben Rhodes, trợ lý lâu năm của Tổng thống, từng là Phó Chánh Văn phòng Cố vấn An ninh Quốc gia. Ben đồng ý với tôi, chúng ta đã đặt được nền móng mối quan hệ, giờ đây cần phải thúc đẩy tiến nhanh về phía trước. Tôi yên tâm vì được người trợ lý thân cận của tổng thống đánh giá đây là thời điểm chin muồi, tôi trao đổi với Kurt và Jake nói chuyện với bà Suu Kyi, thiết lập cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Suu Kyi. Trong chuyến bay từ Úc đến Indonesia trên chiếc Air Force One, Tổng thống lần đầu tiên điện đàm với bà Suu Kyi. Suu Kyi nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ đất nước bà tiến đến nền dân chủ. Cả hai người đoạt giải Nobel về Hoà binh giờ đây lại kể chuyện về hai chú cún cưng của mình. Sau cuộc điện đàm, Tổng thống đồng ý những buớc tiến mới. Hôm sau, tôi đi bên cạnh Tổng thống khi ông buớc lên gần chiếc microphone ở Bali, công bố rằng chính ông đã đề cử tôi công du Burma với danh nghĩa cá nhân để tìm hiểu quá trình cải cách dân chủ và mối bang giao giữa hai nước. Ông nói: “Sau nhiều năm sống trong bóng đêm dầy đặc, chúng tôi đã nhìn thấy những tia sáng của sự tiến bộ.” Và tôi là Ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ công du đất nước này.
Trên chuyến bay từ Indonesia về Hoa Kỳ, tâm trí tôi lại bận rộn với những chuyến công du sắp tới. Đây sẽ là cơ hội nâng tầm cao cho cuộc gặp gỡ giữa tôi và Thein Sein, đi đến thoả thuận cuối cùng gặp bà Suu Kyi. Chúng tôi phải làm sao thổi bùng ngọn lửa tiến bộ mà Tổng thống đã khơi dậy trong việc cải cách dân chủ một cách sâu rộng.
Máy bay chúng tôi dừng ở Nhật Bản tiếp nhiên liệu trong cơn mưa tầm tã. Hai cán bộ trong đoàn ngoại giao dày dạn kinh nghiệm về Burma đang trong sứ quán Hoa Ky ở Tokyo chờ chúng tôi. Sau khi Tổng thống công bố, họ đã chuẩn bị các tập tài liệu về đất nước Burma và những cuốn phim tài liệu về bà Suu Kyi với tiêu đề The Lady (Quý bà). Đây là những tài liệu tôi đang cần. Cả đoàn chúng tôi, kể cả nhóm phóng viên báo chí, truyền hình cùng nhau ngồi xem phim trên chuyến bay trở về Washington, nơi mà cần phải có kế hoạch cụ thể cho chuyến công du mới đến Burma. 

Tôi đến Nay Pyi Taw vào xẩm tối ngày 30-11-2011. Sân bay nhỏ ở một vùng hẻo lánh thuộc thủ đô mới không có hệ thống ánh sáng trên đường băng khi máy bay hạ cánh vào buổi chiều mặt trời đã lặn.
Trước khi rời Washington, các chuyên viên châu Á của Bộ Ngoại giao đã chuyển bản ghi nhớ tư vấn, khi đến Burma không nên mặc quần áo trắng hay đen hoặc đỏ vì theo tục lệ văn hoá địa phương. Đúng là bản ghi nhớ tư vấn thật bất thường trước các chuyến công du. Vì thế tôi phải lựa chọn trong tủ quần áo tìm trang phục màu sắc cho thích hợp khi đến Burma. Tôi mới sắm chiếc áo khoác màu trắng vừa khít hợp thời tiết nóng bức. Chiếc áo khoác này không biết có động chạm đến phong tục văn hoá Burma hay không. Tôi cứ đóng gói, hy vọng sự phỏng đoán của các chuyên viên không chính xác. Thật bất ngờ, khi bước chân xuống máy bay, đoàn người Burma chào đón chúng tôi với các trang phục đủ các màu sắc kể cả những màu các chuyên viên khuyên nên tránh. Tôi hy vọng nhưng lời cảnh báo trong danh sách không mắc những sai lầm nghiêm trọng hơn nữa, nhưng dù sao ít nhất tôi có thể khoác chiếc áo màu trắng mà không hề gây phiền hà phong tục ngoại giao. 
Đoàn xe chúng tôi rời sân bay qua những cánh đồng mênh mông. Trên con đường cao tốc có tới 20 làn xe rộng rãi nhưng vắng tanh. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy người đi xe đạp, nhưng tuyệt nhiên không có chiếc xe ô tô nào, người đi lại thưa thớt. Xe vượt qua một người nông dân đội mũ rơm truyền thống, ngồi trên chiếc xe bò chở đầy rơm. Quang cảnh như chúng ta nhìn lại quá khứ của một thời xa xưa.
Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy toà tháp ở Nay Pyi Taw, tòa nhà của chính phủ rộng lớn có rất nhiều phòng. Thành phố này do quân đội xây dựng bí mật năm 2005, được bảo vệ nghiêm ngặt với những tường cao và hào sâu, nhằm bảo vệ chống lại cuộc xâm lược của Hoa Kỳ trong tình huống giả định. Bên trong rất ít người ở, nhiều khu xây dựng chưa xong hoặc bỏ hoang. Cả khu này người ta cảm giác như một ngôi làng Potemkin hoang vắng.
Sáng hôm sau tôi đến thăm Tổng thống Thein Sein trong nhà khách. Chúng tôi ngồi trên ngai vàng dưới chùm đèn pha lê khổng lồ trong căn phòng rất lớn. Mặc dù đã được chuẩn bị, nhưng Thein Sein vẫn tỏ ra ngạc nhiên, thái độ rất khiêm nhường của  một nguyên thủ quốc gia. Dáng người ông nhỏ, hơi gù, đầu hói và đeo kính. Dáng dấp ông trông giống như viên kế toán hơn là vị tướng lĩnh. Khi giữ chức vụ Thủ tướng trong chính quyền quân sự, ông thường xuất hiện trong bộ đồ quân phục màu xanh lá cây nếp là thẳng cứng, nhưng hôm ấy ông mặc bộ đồ sarong màu xanh da trời theo truyền thống Burma, chân đi săng-đan và khoác chiếc áo dài trắng.
Nhiều người dân Burma thật không thể suy đoán một nhà độc tài Than Shwe lại chọn một người hoà nhã như Thein Sein làm người kế nhiệm, phải chăng ông là người không gây đe dọa thế giới bên ngoài cũng như khá mềm dẻo đứng ra đại diện cho một chế độ hà khắc. Cho đến nay, Thein Sein đã khiến mọi người ngạc nhiên bằng cách thể hiện rất tự tin một cách bất ngờ trong việc thúc đẩy chương trình cải cách mới.
Trong cuộc hội đàm, tôi khích lệ, giải thích các bước đi có thể dẫn đến sự công nhận của cộng đồng quốc tế và các biện pháp giảm bớt sự trừng phạt. Tôi nói: “Tổng thống đã đi đúng hướng, nhưng ngài đã rõ, đây là những lựa chọn khó khăn và nhiều trở ngại rất khó vượt qua. Nhưng đây cũng chính là cơ hội ngài để lại di sản lịch sử cho đất nước”. Đồng thời tôi chuyển lá thư của Tổng thống Obama cho ông, trong thư cũng nhấn mạnh những điểm tôi đã thảo luận.
Thein Sein trả lời rất cẩn trọng, vui vẻ, với tham vọng và tầm nhìn sâu rộng qua những câu trả lời. Ông khẳng định, cải cách vẫn tiếp tục. Vì thế sự căng thẳng giữa ông và bà Suu Kyi sẽ giảm thiểu, đồng thời ông cũng nhận thức sâu sắc về cảnh quan chiến lược sâu rộng hơn nữa. “Đất nước chúng tôi kẹt giữa hai người khổng lồ.” Ý ông ám chỉ Trung Quốc và Ấn Độ, nên cần phải rất thận trọng không để nguy cơ phá vỡ mối quan hệ với Bắc Kinh. Cũng chính nơi đây, nhiều người đã hiểu một cách rõ ràng dưới sự dẫn dắt của ông sẽ đạt được thành công mặc dù con đường còn gian khổ và lâu dài hướng đến tương lai của đất nước.
Trong những chuyến công du tôi đã gặp ít nhất ba hạng người lãnh đạo quốc gia: có những người chia sẻ giá trị, thế giới quan và là đối tác tất yếu của chúng ta; Một số người tuy muốn làm những việc đúng nhưng thiếu khả năng và năng lực chính trị để thực hiện giải quyết; Một số khác có quan điểm về quyền lợi, các giá trị cơ bản mâu thuẫn với chúng ta, họ sẵn sàng phản đối ở bất cứ nơi đâu nếu có thể được. Tôi tự hỏi bản chất của Thein Sein thực sự có thiếu năng lực hay không. Ngay cả khi ông chân thành mong muốn tiến đến nền dân chủ và kỹ năng lèo lái chính trị của ông có vừa đủ mạnh để vượt qua sự phản đối cố hữu của các cộng sự trong hàng ngũ quân đội, có đủ năng lực thúc đẩy sự chuyển đổi thể chế quốc gia như vậy không?
Khuynh hướng của tôi là nắm lấy Thein Sein với hy vọng sự công nhận của quốc tế giúp sức mạnh cho ông đối với nội bộ trong nước. Nhưng có nhiều lý do cần phải cẩn trọng. Trước khi nhận xét quá nhiều, tôi cần phải gặp Suu Kyi để hiểu rõ thêm những vấn đề đã nêu trong nghị trình. Chúng ta đang tham gia trong vũ điệu ngoại giao tế nhị, điều quan trọng đừng có lạc bước trong vũ điệu. 
Sau cuộc hội đàm, chúng tôi đi sang sảnh lớn, nơi dự tiệc chiêu đãi, tôi ngồi giữa Thein Sein và phu nhân. Bà nắm chặt tay tôi, kể những câu chuyện thân mật về gia đình, hy vọng những cải cách sẽ cải thiện cuộc sống cho trẻ em Burma.
Tiếp theo chúng tôi đến nhà Quốc Hội, gặp gỡ toàn thể các nhà lập pháp được phái quân sự lựa chọn cẩn mật. Họ mặc những bộ đồ dân tộc truyền thống màu sắc sặc sỡ, bao gồm cả những chiếc mũ có sừng và lông thú thêu. Một số người nhiệt tình hồ hởi với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, hy vọng sự cải cách sẽ được tiếp tục tiến hành. Một số khác tỏ vẻ hoài nghi về tất cả những thay đổi xảy ra chung quanh và mong mọi chuyện sẽ quay trở lại con đường cũ.
Chủ tịch Hạ viện của Quốc hội, Shwe Mann, cùng một cựu tướng lĩnh đã hội kiến với tôi trong một căn phòng khổng lồ, dưới một bức tranh phong cảnh thật tươi đẹp của Burma dường như kéo dài hàng dặm. Ông nhanh nhẹn, hoạt bát, vui tính, nói với tôi: “Chúng tôi đã và đang tìm tòi để hiểu về đất nước của các vị, cố gắng điều hành Quốc hội.” Tôi hỏi ông đọc qua sách báo hay qua tham vấn của các chuyên viên. Ông trả lời: “Ôi không phải, chúng tôi đã quan sát kỹ khu West Wing của toà Bạch ốc.” Tôi cười và hứa sẽ cung cấp nhiều thông tin để ông rõ.
Trở về khách sạn đêm hôm đó, ngồi bên ngoài hành lang bên chiếc bàn lớn với giới truyền thông Hoa Kỳ, tôi cố gắng tóm tắt những gì đã thu hoạch được trong ngày. Các bước tiến của chính phủ dân sự thực tế đã có những chuyển biến tốt đầy ý nghĩa, trong đó hầu như đã giảm thiểu sự hạn chế quyền tự do báo chí, thông tin và xã hôi dân sự, huỷ bỏ lệnh quản thúc tại gia bà Suu Kyi và phóng thích hai trăm chính trị phạm, đưa ra luật lao động và luật bầu cử mới. Thein Sein hứa, sẽ xây dựng chính thể trên sự tiến bộ này, thậm chí sẽ thúc đẩy cải cách sâu rộng hơn nữa, thực lòng tôi cũng tin vào những gì ông hứa. Nhưng tôi hiểu, những sự tiến bộ mới đang thấp thoáng có thể dễ dàng bị dập tắt. Một thành ngữ cổ của Burma: “Khi trời mưa hãy tích trữ nước.” Đây là thời điểm củng cố và nắm giữ cải cách để không cho các thế lực cổ hủ cố hữu đảo ngược lại tình thế. Tôi trao đổi với ông Thein Sein vào sáng nay, Hoa Kỳ sẵn sàng cùng hành trang trên con đường cải cách với nhân dân Burma nếu họ lựa chọn theo hướng đó.
Chuyến bay đến Rangoon chỉ vẻn vẹn có 40 phút, nhưng tôi cảm giác như đến một thế giới hoàn toàn khác lạ sau khi rời thành phố kỳ quái hoang vắng của chính phủ giống như thành phố ma Nay Pyi Taw. Rangoon, thành phố với dân cư hơn 4 triệu người, đường phố nhộn nhịp, thấp thoáng vẻ quyến rũ từ thời thuộc địa. Sau nhiều thập niên bị cô lập và dưới sự quản lý yếu kém, nhiều khu nhà đã có dấu hiệu đổ nát, tường vữa bong tróc, người ta không thể tưởng tượng được nơi đây trước kia được coi “hòn ngọc Á châu”. Trung tâm của Rangoon là chùa Shwedagon đồ sộ, ngôi chùa thờ đức Phật đã trên 2500 năm, với tháp lấp lánh của vàng ròng và rất nhiều tượng phật đúc bằng vàng đặt bên trong. Theo phong tục lễ nghi địa phương, tôi bỏ giầy ngoài cửa, đi chân không qua các trai phòng tuyệt đẹp. Nhân viên bảo vệ họ không ưa những người cứ đi cả giầy dép vào chùa, họ không có dáng dấp là người chuẩn bị đối phó trường hợp khẩn cấp xảy ra. Nhưng các ký giả Hoa Kỳ được bữa thú vị nhìn tận mắt bàn chân trần của tôi mà các móng chân đều được quét sơn màu đỏ, có một phóng viên đã mô tả “gót sen đỏ gợi cảm.”
Theo sau tôi là các vị sư sãi và đoàn người, tôi thắp nén nhang cắm vào bát hương trước tượng phật lớn. Sau đó họ đưa tôi đến một trong những chiếc chuông khổng lồ nặng chừng hơn 40 tấn. Các nhà sư đưa tôi chiếc dùi mạ vàng, bảo tôi đánh ba tiếng chuông. Tiếp đến, hướng dẫn viên bảo tôi cầm 11 chiếc ly có nước lần lượt đổ vào bệ hoa sen dưới tượng Phật theo truyền thống thể hiện sự kính trọng. Tôi hỏi nhỏ: “Tôi thể cầu xin 11 điều ước nguyện được không?” Đây là lời cầu nguyện thật hấp dẫn của nền văn hoá Burma. Có đến tận nơi tai nghe mắt thấy tại chùa này mới hiểu được các vị sư sãi. Đến thăm nơi đây, tôi muốn gửi thông điệp tới nhân dân Burma, Hoa Kỳ rất quan tâm đến nền văn hoá, tín ngưỡng cũng như chính phủ Burma của họ.
Tối hôm ấy, tôi đã gặp được bà Suu Kyi tại biệt thự ven hồ của Đại sứ Hoa Kỳ. Tôi mặc quần đen, khoác chiếc áo trắng, thứ màu sắc trong bản ghi nhớ cần tránh, giờ đây bị lãng quên. Mọi người thật ngạc nhiên khi Suu Kyi trang phục rất giống tôi, quần đen áo khoác trắng. Sau khi nhấm nháp tuần rượu cùng với Derek Mitchell và Kurt Campbell, tôi và Suu Kyi dùng bữa tối chỉ có hai người. Đảng của bà đã được phép hoạt động trở lại từ tháng 10-2011, sau nhiều lần hội họp với các nhà lãnh đạo của đảng, họ đã sẵn sàng tham gia đề cử người của đảng trong cuộc bầu cử năm 2012. Suu Kyi nói, bà cũng ra ứng cử vào Quốc Hội. Sau nhiều năm bị giam cầm, đây là một viễn cảnh thật khó tin mà lại là sự thật.
Trong khi dùng bữa, tôi đã đưa ra những nhận xét ấn tượng về Thein Sein và nhiều quan chức chính phủ tôi gặp ở Nay Pyi Taw, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong cuộc vận động tranh cử lần đầu vào Thượng viện. Bà hỏi cặn kẽ cách chuẩn bị và quá trình vận động trở thành ứng cử viên ra sao. Đây là những kinh nghiệm quý báu giúp bà. Tên tuổi của người cha quá cố bị ám hại, người anh hùng của nền độc lập Burma sẽ tăng thêm sức mạnh và thúc dục bà phải cố gắng tham gia. Bà được thừa kế sự ngưỡng mộ của cả dân tộc, không những thế mà còn vì mối quan hệ với các tướng lãnh đã từng giam cầm bà lâu ngày. Bà là con gái của một vị tướng, người con của quân đội, bà vẫn tôn trọng thể chế và biểu tượng quân đội. Tự tin, bà nói có thể hợp tác làm việc với họ. Tôi chợt nhớ, huyền thoại Nelson Mandela đã ôm viên cai ngục ngày xưa khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nam Phi. Điều ấy đã được ca ngợi về chủ nghĩa lý tưởng cao cả và chủ nghĩa thực dụng khó quên. Bà cũng có đầy đủ phẩm giá ấy và sự quyết tâm sau nhiều thập niên mong đợi, sẵn sàng thoả hiệp, mua chuộc họ theo nguyên tắc chung đối với cựu thù.
Trước khi chia tay, chúng tặng nhau những món quà kỷ niệm. Tôi tặng một chồng sách của Hoa Kỳ hy vọng bà thích và đồ chơi cho con chó của bà. Còn bà tặng tôi chiếc vòng bạc do bà làm, vân hoa vòng bạc dựa theo hình vỏ hạt giống cổ điển của Burma.
Sáng hôm sau, Suu Kyi và tôi gặp nhau tại căn nhà xây dựng từ thời thuộc địa bên hồ mà bà ở đây từ thời thơ ấu, sàn nhà lát từng phiến gỗ dầy, trần nhà không có gì đặc biệt. Căn nhà này dễ dàng quên đi cảm giác nơi đây chính là nơi quản thúc bà trong nhiều năm. Bà giới thiệu tôi với các vị lão thành của đảng, tuổi đời của họ đã ngoại 80, sống trong quãng thời gian quá dài dưới chế độ hà khắc, giờ đây các cụ không thể tin những thay đổi đang xảy ra. Chúng tôi ngồi chung quanh chiếc bàn gỗ, lắng nghe họ kể chuyện. Suu Kyi hòa đồng cùng mọi người. Tuy bà là người nổi tiếng toàn cầu, một biểu tượng của đất nước nhưng vẫn thể hiện sự kính trọng các bậc cao niên, quan tâm một cách chân thành, chính vì thế các cụ đều yêu mến bà.  
Sau cùng chúng tôi đi dạo trong vườn, các bông hoa màu hồng và đỏ nở rộ. Hàng rào dây thép gai vây xung quanh khu nhà làm ta nhớ lại những ngày bà bị cô lập của lệnh quản thúc tại gia. Chúng tôi đứng bên hiên nhà, tay trong tay, nói chuyện với đông đảo phóng viên vây xunh quanh.
Tôi bảo: “Bà có cảm thấy vui sướng không? Bà là người đại diện cho toàn thể nhân dân Burma, những người cũng rất xứng đáng được hưởng quyền tự do trên mọi nẻo đường của đất nước.” Tôi hứa, Hoa Kỳ sẽ người bạn của nhân dân Burma trên bước đường tiến bộ của lịch sử hướng đến một tương lai huy hoàng, tươi sáng hơn. Bà cảm ơh tôi về sự hỗ trợ và những lời tư vấn từ nhiều năm tháng qua. Bà nói: “Đây là bước khởi đầu của tương lai tươi đẹp cho nhân dân chúng tôi, chúng tôi quyết bảo vệ, duy trì nó đến cùng.” Đây là nhận thức của người vừa lạc quan nhưng không kém phần cảnh giác mà tôi cảm nhận được.
Rời ngôi nhà Suu Kyi, xe ô tô đưa tôi đến phòng triển lãm nghệ thuật gần đấy của các nghệ sĩ dân tộc thiểu số chiếm gần 40% dân số. Các bức họa quanh tường thể hiện sự đa dạng hình ảnh đất nước và con người Burma với con mắt đầy tự hào nhưng cũng đầy nỗi buồn sâu lắng. Kể từ khi đất nước Burma giành được độc lập từ năm 1948, nhưng quân đội Burma đã phát động cuộc chiến chống lại các nhóm ly khai có vũ trang trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Cả hai bên đều gây ra tội ác, người dân là nạn nhân của cả hai chiến tuyến mà thủ phạm lại chính là quân đội quốc gia. Những cuộc xung đột đẫm máu rất có thể xảy ra trong thời kỳ đổi mới này. Hy vọng sẽ không còn sự kiện này xảy ra, tôi nhấn mạnh với Thein Sein và các bộ trưởng của chính phủ ông, tầm quan trọng bậc nhất là giải quyết sự mâu thuẫn bằng hòa giải, hòa hợp dân tộc theo con đường hòa bình. Những người đại diện cho một số sắc tộc thiểu số nhưng đông dân nói với tôi, người dân của họ đã phải chịu đựng trong các cuộc xung đột kéo dài và hy vọng sẽ có những thỏa thuận ngưng bắn. Một số vẫn còn băn khoăn lo lắng, mặc dù nhiều chính sách mới và quyền tự do được mở rộng ban hành, nhưng câu hỏi về tương lai còn ám ảnh và theo sát trong quá trình cải cách.
Những tia hy vọng của quá trình biến đổi tiến bộ là sự thật. Nếu Thein Sein phóng thích thêm nhiều tù nhân chính trị, thông qua đạo luật mới bảo vệ nhân quyền, thỏa thuận chấm dứt các cuộc xung đột sắc tộc, cắt đứt quan hệ quân sự với Bắc Triều, đảm bảo bầu cử tự do và công bằng vào năm 2012, chúng ta sẽ lập lại quan hệ ngoại giao toàn diện, công bố danh sách sứ quán, nới lỏng biện pháp trừng phạt, đẩy mạnh đầu tư và hỗ trợ phát triển. Tôi nói với bà Suu Kyi, đó là hành động của Hoa Kỳ đáp ứng lại những gì mà họ tiến hành. Tôi hy vọng chuyến công du là sự thông báo về hỗ trợ của quốc tế, rằng các nhà cải cách cần củng cố uy tín và thúc đẩy tiến trình cải cách. Trên đường phố Rangoon, áp phích dán ảnh tôi và Suu Kyi dạo bước trong khu vườn ở khắp nơi. Bức chân dung của bà giờ đây nhanh chóng trở thành thân thuộc, phổ biến như thân phụ của bà xưa kia.
Bản thân tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm về bức tranh tổng thể của đất nước Burma, ngược dòng sông Irrawaddy, thăm quan cố đô thanh bình và thơ mộng Mandalay. Tôi tự nhủ, sẽ đưa cả gia đình thăm đất nước này trong một ngày không xa.
Những tháng tiếp theo Suu Kyi và tôi vẫn giữ quan hệ liên lạc thường xuyên để kiểm tra quá trình tiến hành cải cách và điện đàm năm lần. Tôi rất vui, tháng 4-2012 bà đã trúng cử đại biểu Quốc Hội cùng với hơn 40 thành viên của đảng bà trong Quốc Hội, tuy chiến thắng nhưng còn chờ đợi. Kết quả bầu cử lần này không bị hủy bỏ, bà được phép hoạt động. Giờ đây, bà phải sử dụng kỹ năng chính trị vốn có để hoạt động.
*
* *
Tháng 9-2012, bà Suu Kyi viếng thăm Hoa Kỳ 17 ngày. Đây chính là điều mong ước của tôi trong lần đầu tiên điện đàm với Suu Kyi. Xưa tôi đến thăm bà, giờ bà đến thăm tôi. Hai chúng tôi ngồi bên nhau, phiá bên ngoài phòng ăn ấm cúng tại tư dinh của tôi ở Washington.
Sau những tháng kể từ khi tôi viếng thăm, đất nước Burma đã hoàn toàn đổi thay thú vị. Thein Sein đã thúc đẩy quá trình cải cách của chính phủ tuy chậm nhưng từng bước chắc chắn theo phương hướng mà chúng tôi đã thảo luận ở Nay Pyi Taw. Ông và tôi gặp lại nhau vào mùa hè tại hội nghị ở Campuchia, một lần nữa ông cam kết quyết tâm cải cách xã hội. Hàng trăm chính trị phạm được thả, bao gồm các sinh viên biểu tình đòi dân chủ năm 1988 và các vị sư sãi đã tham gia biểu tình năm 2007. Một thoả thuận ngưng bắn tạm thời giữa các nhóm phiên quân đại diện sắc tộc thiểu số được ký kết. Các đảng phái chính trị được phép hoạt động, các báo tư nhân được phép xuất bản lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ cấm đoán.
Để đáp lại, Hoa Kỳ bắt đầu dỡ bỏ dần lệnh cấm vận, cử Derek Michell làm Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên sau nhiều năm vắng mặt. Burma tái gia nhập cộng đồng quốc tế, được bầu làm chủ tịch khối ASEAN năm 2014, sau một thời gian dài mong đợi. Trong khi ấy cách mạng Mùa xuân Ả-rập đã mất dần vẻ rực rỡ huy hoàng ở Trung Đông. Burma giờ đây đem lại cho thế giới niềm hy vọng mới, nó có thể thực sự chuyển đổi một cách hoà bình từ một chế độ quân sự độc tài sang dân chủ. Tiến trình cải cách củng cố lý luận, kết hợp giữa biện pháp trừng phạt và ngoại giao có thể là công cụ hữu hiệu để chuyển đổi hướng đi ngay trong một xã hội khép kín nhất. Nếu các tướng lĩnh của Burma không hiểu được sự hấp dẫn, thông thoáng, quyến rũ của thương mại quốc tế, có thể chế độ này không có sự thay đổi. 
Tái thẩm định về Burma năm 2009, cùng nhưng kinh nghiệm tham gia trực tiếp chống lại những lời khuyên của bạn bè tại quốc nội, chính là những lựa chọn mạo hiểm, nhưng nó đã được đền đáp một cách xứng đáng cho Hoa Kỳ. Sự tiến bộ của Burma, trong bối cảnh chuyến công du Á châu của Tổng thống tháng11-2011 được đón tiếp nồng nhiệt, hầu như xoá bỏ được những dấu vết cũ kéo dài từ năm 2009 tại Bắc Kinh, chính sách xoay trục của chính quyền Mỹ đã thành công. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra, bước tiếp theo sẽ là gì đối với cả Burma lẫn khu vực, nhưng tháng 2-2012, ký giả James Fallows, một nhà báo kỳ cựu rất nhiều kinh nghiệm tại Á châu đã viết bài bình luận sinh động về xoay trục và chuyến công du của Tổng thống ở Đại Tây Dương: “Cũng giống như cách tiếp cận của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc, tôi nghĩ đây là điều rất đáng suy nghĩ, nghiên cứu để kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa quyền lực cứng và mềm, khuyến khích hay đe dọa, tính cấp bách và sự kiên nhẫn và biết thận trọng, có hiệu quả và tránh sai lầm.” Giáo sư Walter Rusell Mead, người thường chỉ trích chính quyền, đánh giá những nỗ lực của chúng tôi là “một chiến thắng trong ngoại giao mà bất cứ ai cũng có thể nhận thấy.” 
Tuy nhiên bất chấp những tiến bộ ở Burma chúng tôi cảm nhận, bà Suu Kyi vẫn chưa yên tâm khi chúng tôi gặp nhau ở Washington. Bà đến thăm và yêu cầu được gặp riêng. Những vấn đề ấy là, bà nói, rất nhiều tù nhân chính trị còn bị giam cầm, sự xung đột các sắc tộc vẫn rất tồi tệ, cơn sốt tìm kiếm các mỏ vàng của các công ty nước ngoài đã tạo điều kiện cho quan chức tham nhũng.
Bà Suu Kyi bây giờ là nghị sĩ Quốc Hội đang tạo mối quan hệ mới với cựu thù, cố gắng tạo thế cân bằng với tất cả khả năng có thể. Shwe Mann, Chủ tịch Hạ viện, giờ đây giữa ông và Suu Kyi đang có mối quan hệ tích cực. Suu Kyi đáng giá cao việc ông sẵn sàng tham khảo ý kiến của bà về những vấn đề then chốt. Nhưng tình hình chính trị trở lên phức tạp khi Thein Sein, Shwe Mann và Suu Kyi đều muốn đứng ra ứng cử Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2015. Phía sau hậu trường đang có cuộc vận động, thay đổi liên minh cho phù hợp chiến dịch, cạnh tranh đường lối chính trị mỗi ngày một khốc liệt. Xin nhiệt liệt chào mừng sự chuyển đối tiến đến nền dân chủ tự do của Burma!
Thein Sein đã có những động thái chuyển đổi, nhưng liệu ông có hoàn thành nhiệm vụ? Nếu bà Suu Kyi rút bỏ sự hợp tác, khó mà biết điều gì có thể xảy ra. Niềm tin của cộng đồng quốc tế sẽ sụp đổ? Thein Sein sẽ bị phe cứng rắn công kích, những người vẫn đang hy vọng quay lại thể chế cũ cản trở mọi cải cách mà họ bất đồng. Tôi và Suu Kyi thảo luận về áp lực tranh cử mà bà phải đối mặt. Tôi rất cảm thông bởi tôi cũng đã trải qua sự lôi kéo và thúc đẩy trong đời sống chính trị. Tôi hiểu, sự đau đớn như thế nào trong nhiều năm qua một cách thật sự, trở thành cộng sự với những người đã từng là đối thủ chính trị của mình. Tôi nghĩ, sự lực chọn tốt nhất của bà Suu Kyi lúc này, hãy cố nghiến răng chịu đựng, tiếp tục thúc đẩy Thein Sein thực hiện những cam kết của ông ta và hãy cố giữ quan hệ hợp tác ít nhất cho đến cuộc bầu cử kỳ sau.
Tôi nói, điều này chẳng phải dễ dàng thực hiện. Nhưng giờ đây bà đang ở thế kẹt, không dễ gì có thể thực hiện được. Bà Suu Kyi phải tìm cách tiếp tục hợp tác làm việc cho đến khi hoặc ít ra phải có cách để thay thế. Đây là tất cả các vấn đề của chính trị. Giờ đây bà Suu Kyi đang trên sân khấu chính trị, không còn cảnh bị quản thúc tại gia và có rất nhiệu dự định khác nhau, đóng góp nhiều vai trò khác nhau, bởi vì bà là người ủng hộ nhân quyền, nghị sĩ của Quốc Hội và có thể là ứng cử viên Tổng thống trong tương lai. Bà Suu Kyi rất hiểu mọi vấn đề, nhưng áp lực đặt lên vai quá lớn. Bà đã được tôn lên như vị thánh, nhưng bà Suu Kyi chưa từng biết điều khiển chiếc xe xã hội như những nhà lãnh đạo đã từng trải. Đó là sự khập khiễng giữa thực tế và mong ước.
Chúng tôi đến phòng ăn cùng dự bữa với Kurt, Derek cà Cheryl Mills. Trong khi ăn, Suu Kyi mô tả quận của bà giờ đây như thể đại diện cho Quốc Hội. Bà tập trung chủ yếu các sự kiện chính về chính trị trong nước, đồng thời quan sát tỉ mỉ kỹ càng công việc chuẩn bị bầu cử và những sự kiện cần xử lý. Tôi cảm thấy câu chuyện giống hệt những gì khi các cử tri ở New York bầu tôi làm Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Nếu bạn không chiếm được lòng tin, đừng nghĩ đến chuyện chiến thắng.
Tôi đóng góp vài ý kiến. Ngày mai bà sẽ được tặng thưởng Huân chương Vàng Quốc Hội tại buổi lễ hoành tráng trong Rotunda của toà nhà Capitol Hoa Kỳ. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho bà về đức hạnh của nhà lãnh đạo. Tôi bảo bà: “Sau khi nhận Huân chương Vàng Quốc Hội, bà nên nói vài lời ca ngợi Tổng thống Thein Sein.”
Chiều hôm sau, tôi cùng các nhà lãnh đạo Thượng viện và gần 500 người ở Capitol chúc mừng bà Suu Kyi. Khi đến lượt phát biểu, tôi nhắc lại những trải nghiệm khi gặp gỡ Suu Kyi tại ngôi nhà nơi mà bà bị quản thúc nhiều năm, rồi so sánh với chuyến thăm đảo Robben cùng Tổng thống Nelson Mandela mấy năm trước. Tôi nó: “Hai tù nhân chính trị cách nhau một khoảng trời bao la. Nhưng cả hai đều thể hiện tinh thần quả cảm tuyệt vời, với niềm tin sắt đá. Cả hai đều có chung niềm tin mà chúng ta đều hiểu, một ngày nào đó họ sẽ bước ra khỏi cánh cổng nhà tù và lệnh quản thúc tại gia phải huỷ bỏ. Nhưng cuộc đấu tranh vẫn chưa chấm dứt, nó chuyển sang bước ngoặt khác, khởi đầu của một giai đoạn mới. Vượt qua quá khứ, làm dịu nỗi đau đất nước, xây dựng nền dân chủ đó là con đường của nhà hoạt động chính trị kiên trinh thực hiện.” Nhìn thẳng vào Suu Kyi, hy vọng bà sẽ nhớ những điều góp ý của tôi đêm qua. Nét mặt Suu Kyi đầy xúc động, sau đó bà lên phát biểu. 
“Giờ đây tôi đứng trước quý vị trong niềm tin mãnh liệt, với những người bạn, những người đã chia sẻ với chúng tôi công việc xây dựng một quốc gia hoà bình, phồn vinh, nhân quyền được đảm bảo bởi luật pháp của các nhà lãnh đạo quốc gia.” Suu Kyi phát biểu, bà tiếp tục: “Công việc khó khăn này đã được thực hiện thông qua những vấn đề cải cách chính trị của Tổng thống Thein Sein.” Tôi bắt gặp ánh mắt của bà nhìn tôi và mỉm cười: “Từ sâu thẳm trong trái tim, tôi chân thành cảm ơn bà Hillary, nhân dân Mỹ, tất cả quý vị có mặt tại đây và tôi sẽ giữ mãi trong tim kể từ những năm tháng trong ngục tù đen tối đến ngày được tự do, công bằng, tưởng như đã vượt quá tầm tay của tôi. Con đường phiá trước còn nhiều khó khăn, chông gai, nhưng chúng tôi tin chắc chắn sẽ vượt qua một khi được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các vị và bạn bè trên khắp thế giới.”
Sau đó Suu Kyi, nháy mắt với tôi, rồi hỏi: “Như thế có phải không?”
Tôi đáp: "Ồ, đó là điều tuyệt vời, thực sự tuyệt vời."
“Vâng, chúng tôi sẽ cố gắng, cố gắng hết sức mình.”
Tuần sau, tôi gặp Tổng thống Thein Sein tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, chúng tôi trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến Suu Kyi mà bà đã nêu ra với tôi. Ông dường như có quyền lực lớn hơn lần đầu tiên tôi gặp ở Nay Pyi Taw, ông chăm chú lắng nghe. Trước kia ông chưa phải là một chính trị gia đầy uy lực, nhưng giờ đây ông thể hiện một nhà lãnh đạo có nhiều triển vọng. Trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, ông ca ngợi bà Suu Kyi là đối tác trong công cuộc cải cách, đây là lần đầu tiên trước diễn đàn cộng đồng quốc tế ông đã công khai phát biểu về vấn đề này và cam kết tiếp tục hợp tác và làm việc với bà Suu Kyi để tiến đến nền dân chủ cho đất nước.

Tháng 11-2012, muốn được trực tiếp chứng kiến sự đổi thay từ “ánh sáng tiến bộ” của Burma. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống kể từ chiến thắng tái tranh cử và cũng là chuyến đi cuối cùng với nhóm chúng tôi. Sau khi viếng thăm nhà Vua Thái Lan trong bệnh viện ở Bangkok, chúng tôi bay sang Burma, nghỉ lại sáu tiếng đồng hồ rồi bay sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Nam Á ở Campuchia. Tổng thống dự kiến sẽ tiếp kiến cả ông Thein Sien lẫn bà Suu Kyi và đọc tham luận với sinh viên Đại học Yangong. Đám đông dân chúng chen chúc trên đường phố vẫy chào khi xe chúng tôi đi qua. Thanh thiếu niên cầm cờ Mỹ vẫy chào. Nhiều người dân cố tình trèo lên những chỗ nào cao nhất để tận mắt nhìn, cảnh tượng không thể tưởng tượng được sẽ xảy ra cách đây không lâu.
Rangoon cảm nhận như một thành phố đã thay đổi hoàn toàn, mặc dù thời gian mới chưa đầy một năm sau chuyến viếng thăm của tôi. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô đến, nơi mà họ cho rằng đây là biên giới cuối cùng của Á châu. Các toà nhà mới đang xây dựng, giá bất động sản tăng chóng mặt. Chính phủ đã bỏ lệnh hạn chế sử dụng internet, từng bước cho phép truy cập thông tin toàn cầu. Các chuyên gia công nghiệp dự kiến, sản phẩm điện thoại như Smartphone sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường lên đến 7 triệu chiếc vào năm 2017 trong khi năm 2011 chưa có ở Burma. Giờ đây thân chinh Tổng thống Hoa Kỳ đã công du Burma. “Chúng tôi đã phải chờ hơn 50 năm mới được nhìn thấy chuyến công du này.” Một người đàn ông trong đám người chào đón nói với phóng viên. “Hoa Kỳ là đất nước có công lý, hành pháp rõ ràng và đầy đủ. Tôi cầu mong đất nước chúng tôi được như vậy.”
Từ sân bay Kurt và tôi cùng Tổng thống ngồi trên chiếc xe đặc chủng chống đạn limousine (theo cách gọi thân thiết “the Beast”- Quái thú) và vị trợ lý thân cận của ông, Valerie Jarrett. Xe chúng tôi vào thành phố, Tổng thống Obama nhìn qua cửa sổ xe khi thấy một ngôi chùa vàng Shwedagon, hỏi nó là gì. Kurt nói, đây là trung tâm văn hóa của nhân dân Burma, nơi mà tôi đã từng đến để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính con người và lịch sử Burma. Tổng thống hỏi sao ông không được đến thăm ngôi chùa này. Trong nghị trình chuyến công du, cơ quan mật vụ bác bỏ ý tưởng đưa Tổng thống đến thăm ngôi chùa, nơi rất đông khách vãng lai đến vãn cảnh. Họ lo ngại rủi ro về an ninh có thể xảy ra bởi đám đông những người hành hương (cũng có thể họ không muốn Tổng thống phải tháo giày đi chân đất) và cũng không muốn cửa chùa tạm đóng cửa gây bất tiện cho du khách. Nhiều năm làm việc, nên hiểu cách làm việc của cơ quan mật vụ, tôi nghĩ họ có thể thay đổi đột ngột nghị trình “trong dự kiến” mà họ dùng tiếng lóng “OTR” (off the road). Không một ai biết Tổng thống đến, vì thế không có sự bố trí nhân viên an ninh. Hơn nữa, khi Tổng thống yêu cầu thăm viếng nơi đâu, không ai dám phản đối. Ngay sau khi gặp Tổng thống Thein Sein, đoàn chúng tôi đến ngôi chùa cổ kính, các sư sãi vây quanh và họ vô cùng ngạc nhiên, ngoài ra còn có rất nhiều du khách vô tình chứng kiến Tổng thống và Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong dịp thật hiếm hoi này.
Sau cuộc hội thảo với Thein Sein và vãn cảnh chùa đột xuất, chúng tôi đến thăm Suu Kyi tại tư dinh, bà hân hoan đón chào, mời Tổng thống vào nhà, nơi ngày xưa từng là nhà tù và bây giờ lại là trung tâm hoạt động chính trị. Bà ôm hôn tôi như người bạn thân lâu ngày gặp lại. Bà cảm ơn Tổng thống về sự ủng hộ, hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với nền dân chủ Burma, nhưng đưa ra lời cảnh báo: “Thời kỳ chuyển đổi thể chế là thời gian khó khăn, phức tạp nhất ngay cả khi chúng ta đang nhìn thấy những biến chuyển. Vì thế, chúng ta cần rất thận trọng không bị lóa mắt bởi ảo ảnh thắng lợi.”
Sự chuyển đổi của Burma chưa đến hồi kết, phiá trước còn rất nhiều thách thức. Xung đột sắc tộc vẫn chưa chấm dứt, nhân quyền vẫn còn vi phạm. Đặc biệt, một số cuộc bạo động chống lại người Rohingya, cộng đồng dân tộc Hồi Giáo, đã gây rúng động Burma cuối năm 2013 đến đầu năm 2014. Quyết định trục xuất Đoàn Bác Sĩ Không Biên Giới trong khu vực và việc không điều tra dân số dân tộc Rohingya sắp tới đang bị chỉ trích và lên án mạnh mẽ. Tất cả những sự kiện này có thể gây ảnh hưởng, đe dọa tiến trình cải cách và làm suy yếu hỗ trợ quốc tế. Cuộc tổng tuyển cử 2015 sẽ là sự thử thách lớn đối với nền dân chủ non trẻ của Burma, sự cần thiết phải hành động nhiều hơn để đảm bảo tự do và công bằng. Tóm lại, Burma có thể tiếp tục tiến lên trong quá trình cải cách và cũng có thể tụt lại phiá sau. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế rất quan trọng cho tiến trình này.
Điều này đôi khi rất khó chống lại những sự kiện gây nghẹt thở tại Burma. Nhưng chúng ta phải giữ vững quan điểm cách nhìn, tỉnh táo trước những thử thách và khó khăn ở phía trước. Một số người Burma còn yếu về kiến thức trong quá trình hoàn thành con đường dân chủ. Một số khác có ý chí nhưng thiếu phương pháp giải quyết. Con đường tiến lên nền dân chủ còn dài. Tuy thế, Tổng thống Obama đã phát biểu với sinh viên Đại học Yangon tháng 11-2012, những gì người dân Buram đã đạt được, chứng tỏ đây là bằng chứng hùng hồn về sức mạnh tinh thần khao khát tự do là lẽ thông thuờng. Đối với tôi, kỷ niệm về những ngày đầu của những tia sáng tiến bộ nảy sinh, niềm hy vọng chưa thật chắc chắn sẽ đạt tới đỉnh điểm trong thời gian tôi giữ chức Ngoại trưởng, nhưng đã khẳng định vai độc đáo của Mỹ bảo vệ nhân quyền và dân chủ. Đó là những gì tốt đẹp nhất của nền dân chủ của Hoa Kỳ.