CHƯƠNG 7.

Từ sáng sớm, cái loa ở nhà hát lớn đã kêu thất thanh. Rồi tiếng nói trong loa, rồi nhạc, chiêng trống, ba bốn thứ âm thanh trộn lẫn thành món tạp pín lù, ồm ồm lợn cợn nghe rất rùng rợn. Thằng Lai Phá đang ngủ ngon giấc trên cái bục hành lang khách sạn Continental xây cất dở dang, kinh hoàng ngồi bật dậy...
Chỉ một lát thôi, nó nhận ra cái âm thanh trong mấy ngày đại lễ, như sinh nhật bác Hồ, mừng lễ lập đảng, lễ độc lập gì đó....
Nhà hát lớn trung tâm thành phố mà. Hai đầu đường đã chặn lại bằng hàng rào công an và hàng rào dây kẽm gai. Mấy anh hùng lạng xe đạp, đang ngon trớn xuống dốc, có trông thấy trời trăng gì đâu, bỗng nghe thổi cái roét, hồn vía lên mây muốn té. Có anh nhảy xuống kịp, có anh phải lộn một vòng, không thôi đâm đầu vào hàng rào kẽm gai, hay đụng mấy chú công an, đều “lãnh nợ tù” như nhau. Có vậy thôi mà con nít bu lại coi, có màn nào xe đạp thắng không kịp, người lái xe phải lượn vòng, hay nhảy đại để khỏi đâm sầm thì vỗ tay la hét, như một trò chơi hay thấy đua xe gì vui lắm. Xe gì cũng vậy, trờ tới là mấy anh công an thổi, rồi vẫy tay biểu quẹo qua đường Lê Thánh Tôn. Vài người dẫn xe, trình giấy. Công an coi lâu lắm mới vẫy tay cho đi, nhưng phải dắt xe đi bộ. Mấy ông mấy bà này như đi diễn hành giữa phố trước mắt nhìn mọi người, nên một vài mặt cũng lấy làm quan trọng.
Những ngày hai đầu đường bị chặn, bà con có cửa hàng trên đường Đồng Khởi rầu thúi ruột. Mở cửa cho có, rồi bắt ghế ngồi coi mấy cái màn không giống ai, lát nữa sẽ biểu diễn trên đường phố. Nhưng không ngồi coi thì biết làm gì? Sẽ có một cuộc chạy bộ coi rất thê thảm hay một cuộc đua xe đạp. Lần này nghe đâu có màn biểu diễn mô tô nữa, nên con nít bu đông như kiến. Hỏi ra mới biết không phải ngày lễ lạc gì hết, mà chỉ là buổi lễ của quận tổ chức đưa tiển nghĩa vụ quân sự, mà trên giấy tờ thì nhà nước không cưỡng ép ai hết, toàn là tình nguyện không.
“Ê Lai, lát nữa có đua xe, rồi có màn “thể dục dụng cụ” mấy con nhóc múa hôm nọ múa nữa mày ơi.”
Con Quynh tay cầm cái bánh chuối, tay giựt áo thằng Lai...Nó đang bực mình vì bị phá giấc ngủ, bèn há miệng hù hơi phà vào mặt con bé một cái. Chưa súc miệng rữa mặt gì hết nghe. Con Quynh nhảy đỏng lên:
“Đ M mày, hôi còn hơn cức...đ..m...”
Thằng Lai kéo áo lên chùi ke nước miếng, giọng đàn anh:
“Đưa cái bánh chuối đây...”
“Còn lâu...đ m...mày...phách chó...”
Chửi vậy thôi chớ tay con Quynh vẫn đưa cái bánh cho thằng Lai. Nó ăn ngay. Ngấu nghiến mấy giây, cái bánh hết.
“Mày ăn như đồ chết đói...”
“Tao chỉ mới súc miệng thôi. Nè..bớt hôi chưa....?”
Thằng Lai Phá lại phà hơi vào mặt con Quynh...Vậy là chúng đuổi nhau chạy loạn xạ...
“Mấy đứa quỉ sứ này, làm nghẽn lưu thông bây...”
Một công an áo vàng khè cầm cái dùi cui dứ dứ thằng Lai. Thằng Lai giương mắt nhìn rồi thình lình chửi tục một câu. Câu chửi chưa dứt, cả hai đứa bụi đời đã chạy mất dạng.
Nhạc, trống chiêng tự nhiên im rơ. Cái loa độc diễn một màn ca ngợi tinh thần phục vụ đất nước của các thanh niên đăng ký nghĩa vụ, có vẻ dài lê thê, không biết giờ nào chấm dứt. Dì ốm ngồi gác một chân trên ghế, miệng ngáp tay gải háng. Thấy công an đi qua, dì thả chân xuống, lấy cái quạt xua xua mấy con ruồi ngửi mùi thịt phá lấu cứ lăn xả vào tủ kiếng...
“Quân đê tiện, có c..cho bây ăn. Xéo. Xéo...”
Kéo tấm cửa kính cái rột, ném cây quạt xuống cái thùng giấy, dì ốm lại gác chân lên ghế. Rầu làm sao! Ba cái ngày mắc dịch gì đâu, buôn với bán chó gì nữa, tính đốt ngón tay, tiền thuế sắp phải đóng. Đâu còn bụng dạ nào mà nghe mấy ông ca cẩm, chiêng trống om sòm.
Bắt đầu bu đông hơn như vầy là đoàn đua xe đạp sắp tới. Công an phường dàn ra ghê quá. Bọn thằng Lai Phá, bọn con Chiến, con Quê, từng nhóm, chạy lui chạy tới, phá phách. Dưới đường, công an chạy tới chạy lui, thổi roét, roét. Đưa tay, đưa gậy ngăn, đẩy bớt những người chồm lấn ra lề đường. Lợi dụng dịp này, bọn thằng Lai Phá đứng đằng sau, đẩy một cái. Ba bốn người mất đà nhảy xuống đường. Công an làm việc,quất cây lên người ta. Đám người bị xô, có cả bộ đội, vậy là mấy anh chị nổi sùng, chửi toáng lên. Bọn thằng Lai Phá chạy, cười thích chí. Hết đám này, chúng nó tìm đám khác phá. Cho tới lúc đoàn xe chạy qua thì bọn phá cũng phải tìm chỗ để coi. Chẳng thấy ai vỗ tay hết. Đoàn xe đạp chạy qua, loe que thôi, mấy anh đạp nước rút, đám còn lại, biết không nhằm nhò gì, đạp thong dong lấy sức. Bọn thằng Lai Phá lại được dịp trêu đùa. Chúng la lên:
“Thằng cha này hết hơi rồi...”
“Đạp tới đây là sút bo bo ra hết trơn...”
“Coi cái mặt thằng cha, còn cười cười, quê...ê quê một cục...,”
May quá, cuộc thi xe đạp chỉ có mười vòng, mà vòng vo có mấy con đường ngắn nên cũng dứt điểm nhanh lắm. Lúc này, đám đông bu lại phía nhà hát lớn để coi cử hành lễ tiễn đưa. Đám nghĩa vụ được xếp hàng sáu dồn vào phía tả. Cái loa kêu nhìu đại diện chính quyền lên phát biểu. Cũng có một đại diện nghĩa vụ quân sự lên. Anh ta cầm tờ giấy đọc làu làu, mặt mày xanh xao, buồn xo. Khi hô:“Tổ quốc muôn năm!” Tay anh đưa lên lưng chừng rồi rớt cái bịch. Bọn con nít lại cười rầm lên.
Dì Ốm bán bánh mì thở dài liên hồi. Coi mấy bà mẹ đi đưa tiển con, bà nào mặt mày cũng như hết tiền. Nhìn mặt một bà mẹ được sắp đặt lên phát biểu mới thảm sầu làm sao. Khóc khôn dám khóc, phải cười thì cười không nổi, chỉ kéo được một cái mếu méo xẹo. Ôi, ba cái trò nghĩa vụ quân sự, thanh niên xung phong, dân nghe sợ đái ra quần. Thằng con dì Ốm cũng đi thanh niên xung phong, xuống vùng Lê Minh Xuân, có mấy tháng, về ốm lòi xương, còn mang thêm chứng bệnh sốt rét vàng da...Hàng xóm nói thằng này mang cái bệnh đó, lại sức yếu như vậy, tuổi thọ không còn bao lâu...
Coi như hết một buổi sáng. Đâu chỉ chừng đó ông bà, cô cậu phát biểu là xong đâu. Còn có đoàn thiếu nhi của câu lạc bộ quận 1 xuống múa “thể dục dụng cụ” mừng các anh đi nghĩa vụ nữa. Thôi thì vòng trong vòng ngoài, bu coi con nít nhào lộn. Thằng Hôi kiếm đâu được một cái ghế dài đem tới. Vậy là tụi nó đứng lên, khỏi phải xô đẩy, chen chúc, hay đứng sau lưng người ta. Con Quê ở đâu cũng te te đi tới:
“Tao đứng với...”
“Không được. Không cho mày đứng chung...”
“Sao vậy, tụi bây kỳ thị há...?”
“Ừa...mày hôi lắm!”
“Ha, Hôi, mày mà dám chê tao hôi. Mày mới gớm ghiếc. Tao cũng không đứng gần mày đâu...tởm.”
“Tao còn đỡ ghê hơn con chó ghẻ bò theo mày đêm đêm. ”
Con Quê giận. Bọn nó nói thằng Bò. Ờ, sao không thấy thằng Bò đâu hết trơn. Hình như cả đêm qua, con Quê cũng không thấy nó. Con Quê bỏ mục coi đoàn thiếu nhi múa, đi tìm thằng Bò.
Hàng rào kẽm gai chặn phía góc Đồng Khởi- Lê Thánh Tôn đã tháo gỡ, cho lưu thông lại. Tiệm thuốc tây quốc doanh đã có người ra vào. Dì Phành nãy giờ ôm thùng thuốc ngủ gà ngủ gật, đã tỉnh táo hẳn. Hai cánh cửa sắt ở quán cà phê Bạch Ngọc chỉ hé mở, bên trong bàn ghế còn chồng ngổn ngang, chưa bày hàng. Mấy cô phụ bán cà phê đã tới, nhưng họ đi qua ngồi tán gẩu với chủ hàng thêu cách mấy căn...
Tiếng loa ở nhà hát lớn kêu to quá nên không ai để ý tiếng chửi nhau ầm ĩ trong quán Bạch Ngọc. Bà Ngọc Hoa mặt mày hầm hầm, giọng oang oang:
“Mày là thứ “đểu giả”. Mày chỉ lợi dụng tao thôi...”
Bảnh, áo sơ mi trạc banh ngực, hai hàng khuya bị giựt bứt, mặt mày méo xẹo:
“Em nóng quá, chuyện gì cũng từ từ nghe anh nói...”
“Nghe một trăm lần rồi... Tôi hỏi anh, anh chẳng thèm hỏi tôi lấy một tiếng, tự động lo cho mẹ anh vô đây. Anh tính đón bà già về đây nữa...”
“Em nghe anh nói...giờ anh với em đã là vợ chồng, anh là con trai lớn, anh phải đón mẹ anh chớ...”
“Kệ mẹ anh...việc gì tới tôi? Tôi không có bổn phận nuôi mẹ anh, biểu bà về Bắc đi...”
“Em cũng biết ở ngoài Bắc mẹ anh đói...”
“Mặc kệ mẹ anh đói. Tôi nói rồi, không được là không được...”
Từ sáng sớm, nội việc bà già ngoài Bắc báo tin sẽ vô tới bằng tàu lửa vào tối ngày mai, Bảnh đã bị bà Ngọc Hoa nhồi lên nhồi xuống. Gây lộn bằng điều qua tiếng lại có, nổi điên nhào vào xé áo có. Con này có máu điên mà. Bảnh đã cố gắng nhịn nhục. Mà hình như càng nhịn, con mẹ này càng làm tới. Hắn đang cố cắn răng lại. Phải cắn răng thôi, con đường đi tới còn chông chênh lắm, nếu cái bước may mắn làm ông chủ này một ngày nào đó bị văng đi...
Đây không phải là lần đầu gây lộn. Lần nào cũng vậy, cơn điên nổi lên là “bà chủ” của hắn la hét, khóc lóc, chủi rủa, nhào vô cấu xé...Rồi sau đó cũng yên, miễn là hắn biết cách dỗ dành và làm nhiệm vụ tốt. Hắn van vỉ:
“Thôi mà, đường đã giải tỏa, thay áo, tụi mình đi ăn sáng...”
“Ăn...ăn con mẹ anh. Chỉ biết ăn!”
“Em không đi, tôi đi...”
“Cút cha mày đi.”
Hắn không chịu nổi nữa:
“Ông đi, sợ đéo con nào....”
Hắn cổi phăng cái áo sơ mi không còn một hột nút cài, vất vào một cái ghế. Vớ cái áo thun, tròng vội vào. Bà Ngọc Hoa nhào tới, muốn vồ xé áo. Hai người xô đẩy nhau, mặt Bảnh bị một vết cào sước. Đau quá hắn nổi hung, dùng hết sức hắn xô bà Ngọc Hoa lăn kềnh dưới đất... “Quân khốn nạn, đồ mặt dầy. Tiên sư cha mày, Bảnh. Con mẹ mày ăn mày đầu đường xó chợ...”
“Hỗn. Này hỗn, này...”
Hắn điên tiết lên, hai cái tát in lên má bà Ngọc Hoa. Đang như con hổ dữ, bà Ngọc Hoa sửng người lại, òa khóc.
“Quân dã man...”
“Ừ, tôi dã man...”
“Quân khốn nạn.”
“Ừa, đúng, tôi khốn nạn...”
“Vũ phu...!”
“Còn gì nữa, chửi tiếp đi.”
“Sở khanh...”
“Tôi chưa là sở khanh. Bà nhớ tôi là trai tân, chưa lấy vợ nên đâu có bỏ vợ lần nào...”
Bà Ngọc Hoa tái người, giận đến run lẩy bẩy. Bảnh không kêu đích danh nhưng cả chục cái tát bôm bốp vào mặt bà đến nổ đôm đốm con mắt. Bà gào lên:
“Tiên sư cha mày, con đĩ mẹ mày...mày nói cạnh nói khoé. Mày hèn lắm, muốn chửi thì chửi cha nó ra, làm gì mà mượn cá chém thớt...”
“Không cần mượn, nói huỵch toẹt ra thì nói, tôi không có thứ vợ chửi cha chửi mẹ mình. Đ M, còn mở miệng đụng tới cha mẹ tôi, tôi uýnh vù mồm. Thằng này chỉ tử tế với người tử tế...”
“Mày mà tử tế. Mày làm gia đình tao tan nát, chồng bỏ con hư...tao thù hận mày...”
“Phải, bà là bà chủ, để cho thằng đầy tớ nó hiếp à? Không biết xấu còn nói bung ra...”
“Quân mặt dày...trời đất ơi, cái đồ phản chủ...Tao nuôi mày béo trắng ra để mày trả ơn...”
Bảnh thấy phải làm tới nữa. Con mụ này, mẹ, dượng ghẻ dữ dằn vậy cũng chào thua. Hắn không thua. Không nhường. Nhường một lần là nhường mãi. Mẹ hắn sắp đặt chân vô đất miền Nam này, không thể để mẹ bị bẽ bàng. Hắn đã viết thư, nói khoác nói lác, hắn không muốn mẹ hắn thất vọng.
“Hừm. Bây giờ tao mới là ông chủ...Mày muốn người ta nói mày lấy chồng mới hay chỉ thích ngủ với đầy tớ...”
Bà Ngọc Hoa chồm lên như quyết ăn thua đủ:
“Tao sẽ nói với dượng tao bắt bỏ tù mày...đồ vô ơn.”
“Ha ha, ông dượng của mày à? Tao coi ông như cái đách tao...ông mà bắt tao, tao khai ra hết coi ông xấu hay tao xấu...ha ha...Dọa thằng này!”
Bà Ngọc Hoa nhào tới vừa đúng tầm tay để cho Bảnh một cái tát...Bảnh chụp được tay bà vặn ngược lại. Bà hét lên:
“Bớ hàng xóm, nó giết tôi. Nó giết tôi....”
Bảnh dằn ngửa bà xuống, hai tay bóp cổ bà Ngọc Hoa, mắt đỏ ngầu lên như tên giết người.
“Câm họng. Mày tưởng tao không giết mày sao?”
Bà Ngọc Hoa mắt trợn ngược kinh hoàng, miệng bà kêu òng ọc như con heo bị cắt tiết. Bảnh nới tay ra.
“Tôi đã chịu đựng lắm rồi...nếu em còn như vậy, tôi giết em, tôi đi tù cũng không ân hận.”
Bảnh thả bà Ngọc Hoa ra. Cơn điên dại đã lấy hết sức lực của người đàn bà. Bà Ngọc Hoa rủ ra như một con bệnh sắp chết.
“Mày ác lắm. Tao không ngờ mày độc địa như thế. Mày không phải là người mà...”
Bà Ngọc Hoa khóc nấc lên. Bảnh biết, con đàn bà này đang dần thua. Hắn ôm đầu ngồi bệt xuống đất.
“Phải, tôi khốn nạn lắm. Em giết chết tôi đi...”
“Mày tưởng tao không dám giết mày sao...tao...”
Lời thì dữ dằn nhưng giọng bà Ngọc Hoa yếu xìu. Rõ ràng bà đã hiểu, Bảnh không phải tay vừa, và bà không thể lấn lướt được.
“Khi nào muốn giết thì giết. Tôi không sợ chết đâu. Còn bây giờ em đi tắm rữa thay quần áo. Đi...”
“Anh còn dỗ, tôi không tin anh đâu...”
“Tôi đã xuống nước, đừng làm quá, tôi không có nhiều sức chịu đựng đâu. Em biết, tính tôi còn nóng hơn em...”
“Anh tàn nhẫn lắm...”
“Anh biết. Nhưng em hiểu cho, anh không chịu được dưới mắt em, anh chỉ là hạng đày tớ...”
Bà Ngọc Hoa im. Bảnh biết người đàn bà này đã dịu lại. Cho biết là thằng này chỉ tử tế khi được đối xử tử tế, còn lại thì lúc nào cũng sẵn sàng có qua có về...
“Nếu em hiểu được thì mình mới sống với nhau thuận hòa, còn không...anh sẵn sàng trả em lại.”
“Bây giờ thì gạo đã nấu thành cơm, anh nói sao chẳng được.”
Câu gạo nấu thành cơm là bà Ngọc Hoa thuộc trong mấy phim tuồng kiếm hiệp. Bảnh nghiêm mặt lại, không lộ nụ cười.
“Ừ, thì gạo đã thành cơm tôi mới chịu một con vợ dữ như bà chằng. Thôi, dậy rửa ráy, thay áo...Hay anh đi mua quà sáng cho em ăn. Nghe...”
Bà Ngọc Hoa đã cạn queo nước mắt. Cơn nóng giận của bà chỉ là ngọn lửa rơm, không có than tro nên rất mau nguội.. Một lúc sau Bảnh đã dỗ dành được bà ngọc Hoa lên lầu nằm nghỉ. Mấy cô phụ việc đã trở lại mở cửa hàng. Còn Bảnh xách gà mên đi mua phở cho vợ. Đồng hồ chỉ 12 giờ trưa.
Lúc Bảnh và bà ngọc Hoa cải vả, uýnh lộn với nhau, con Lựu chứng kiến từ đầu tới cuối. Sáng hôm nay, lúc xe xích lô tới đón hai chị em tới trường thì con Lựu lấy cớ đau bụng, ở nhà. Nó có hẹn với mấy đứa bụi đời đi lượm trái me, vì đúng ngày mấy tay anh chị hái me bán cho mối. Tối hôm qua nó đã len lén chôm được ít tiền trong két bán hàng. Tụi bụi đời hôm nay sẽ không còn gọi nó là “con nhà cán bộ” keo kiệt nữa. Nó đâu có gì không giống mọi đứa trẻ khác, vậy mà không cứ gì bọn bụi đời gọi nó “con nhà cán bộ”, mà những trẻ con các nhà xung quanh cũng không ai muốn chơi với nó. Nó nịnh nọt, làm thân cách gì rồi nó cũng bị loại ra vòng ngoài. Trong đầu óc non nớt của nó, nó ghét cay đắng hai chữ “cán bộ”.
Nó đã đứng im trong một góc tối khóc thút thít một mình nhìn cảnh cãi vả của mẹ và chú Bảnh. Nó chứng kiến chú Bảnh đánh mẹ nó. Đã có một lúc nó nổi hung lên, định nhào ra bênh mẹ, nhưng không hiểu sao, nó như bị trồng chân dưới đất. Rồi mẹ nó lên lầu và chú Bảnh cầm gà mên bỏ đi.
Không phải đây là lần đầu nó chứng kiến cảnh cải nhau giữa chú và mẹ. Nhưng cảnh chú Bảnh đánh mẹ nó chứng kiến lần đầu. Nó cảm thấy oán hận tên đầy tớ của bố nó. Tuần rồi, khi bố nó tới thăm gặp, hỏi chú Bảnh có đối tốt với nó không, nó đã cắn môi, mắt long lên, muốn hét:“Con ghét nó. Con ghét nó lắm”. Nhưng bên cạnh bố nó đã có một người đàn bà khác. Người đàn bà này trẻ hơn mẹ nó và cũng đẹp hơn mẹ nó nữa. Nó làm thinh, lắc đầu. Bố nó nói: “Mẹ bỏ bố, bố cần có người săn sóc. Đây là vợ mới của bố, con gọi bằng cô đi.” Hôm đó, nó khóc suốt đêm. Nó tự biết rằng, từ nay trở đi, nó còn tệ hơn một đứa trẻ mồ côi, không còn cha còn mẹ. Con em nó sao còn ngây thơ quá, ôm lấy người đàn bà đã dành bố nó, và gọi bằng cô. Được nhiều bánh kẹo con nhỏ còn suýt xoa với nó: “Cô đẹp quá, cô thương em lắm, em thương cô.” Nó muốn tát cho con em nó một cái, nhưng nó biết là không nên. Nếu em nó cái gì cũng hiểu biết như nó thì tội cho em nó lắm.
Nó lén bỏ ra khỏi nhà. Đúng buổi trưa, trời nắng gắt. Nó gặp thằng Hiếng đi học về, nó gọi, rủ, nhưng thằng Hiếng lắc đầu:
“Má tao cấm không cho tao chơi với mày nữa.”
“Sao vậy? Bộ mày...”
“Ừa, tao có mét với má tao, bà bắt tao thề không được qua nhà mày nữa...”
Sao nó ngoan với má nó thế. Con Lựu cũng muốn ngoan với mẹ nó như vậy lắm. Nhưng mẹ nó, cả ngày cứ quấn lấy chú Bảnh, có chú ý gì tới nó đâu? Mẹ nó, không như mẹ thằng Hiếng, âu yếm, chăm sóc và dạy bảo từng điều. Mẹ nó, hễ mở miệng ra là chỉ để quát tháo mắng mỏ, đánh đập nó. Cơn giận của bà nổi lên thì kinh khủng lắm, nó đã từng bị mẹ nó ném cả cái chai vào đầu. Hôm đó, nếu không tránh được và không nhờ chị Mùi lấy thân che, không biết nó còn sống không? Nó không muốn hư mà. Không muốn. Nhiều đêm nó đã gào lên như tiếng mèo kêu trên mái nhà. Nhưng rồi nó vẫn cứ hư. Mỗi lần thấy mẹ nó với chú nó trong phòng chiếu phim, nó cảm thấy nó phải làm chuyện đó, nếu không, nó cũng sẽ điên. Có lần, cầm cái muỗng, nước mắt chảy ròng ròng. Nó không muốn hư. Không muốn hư mà. Nếu lúc đó có ai ở bên nó, dỗ dành, ôm ấp thương yêu nó, bảo gì nó cũng nghe lời, bắt nó làm gì nó cũng làm đến nơi đến chốn. Nó đã sắp qua tuổi mười ba. Cơ thể nó có gì lạ lắm, vú nó phồng lên và đau nhức...Chị Mùi nói không sợ, nó sắp “nẩy ngực”. Còn vụ chảy máu ở chỗ kia, những lần sau nó thấy không có gì nữa hết nên nó an tâm. Nó không muốn hư nữa, nó muốn được như con gái ở những nhà xung quanh, có đứa không có cha ở nhà, cha bị đi cải tạo, má nó thường bảo thế: “Không được chơi với con cái nhà đó, bố nó đi cải tạo”. Ngược lại, khi tới trường, đám bạn nó thì thầm với nhau: “Đừng chơi với nó, con nhà cán bộ.” Cán bộ hay Ngụy thì ăn nhằm gì tới nó chứ?
Ra tới công viên Chi Lăng, bọn tiểu yêu đã có mặt đầy đủ. Thằng Tí Đen liệu đã lên mười chưa, mà đã cầm đầu một lũ cả chục đứa. Gặp mặt, con Lựu biết phải làm gì. Nó chìa tiền ra:
“Tí Đen, tao có tiền..”
“Đưa đây.”
Thằng Tí Đen giật phắt mớ tiền trong tay con Lựu. Liếc qua, mặt thằng tiểu yêu đang lừ đừ, đã cười toe toét, còn choàng vai con Lựu:
“Rồi, mình đi.”
“Lựu!”
Một tiếng quát lớn. Con Lựu giật bắn người. Nhìn lui, chú Bảnh đang đứng nhìn nó, tay còn cầm gà mên.
“Con đi đâu vậy, hả?”
“Con đi chơi, ở nhà buồn quá.”
Nó nói mà hai hàm răng cứ va vào nhau. Nó đã thấy chú Bảnh đánh mẹ nó sáng nay, chú Bảnh cũng có thể đánh nó.
“Đi về”.
Nhìn quanh, bọn tiểu yêu đã biến đâu hết. Con Lựu lấm la lấm lét đi theo chú Bảnh trở vô nhà.
“Chị Mùi đem gà mên xuống, bỏ ra tô đem lên cho bà.”
Chị Mùi tính bĩu môi nhưng thấy mặt Bảnh như đang muốn ăn sống ai, vội cầm gà mên đi một mạch xuống bếp. Bảnh lôi con Lựu lên lầu.
“Con chỉ đi chơi thôi mà...”
“Đứng đó. Em ra đây coi con này...”
Bà Ngọc Hoa đi ra.
“Nó dám đi chơi với đám bụi đời đầu đường xó chợ. Em không dạy nó nó sẽ hư...”
Giọng bà Ngọc Hoa chán ngán:
“Thì nó đã hư rồi...”
Bà đi lại, túm con nhỏ lên như xách một con nhái. Bảnh hầm hầm bỏ đi xuống nhà. Trên lầu vọng xuống tiếng la tiếng khóc của cả bà Ngọc Hoa và con gái.
“Tao đã khổ rồi, mày còn làm khổ tao....”
“Má ơi, con lạy má, con chừa rồi. Con không đi chơi với bụi đời nữa. Con lạy má, má ơi, con đau quá. Đau quá má ơi...”
Đợi một lúc Bảnh mới lên lầu, kéo con Lựu bảo đi xuống nhà, còn hắn dỗ dành Ngọc Hoa:
“Thôi để từ từ dạy con, em. Em ăn tí gì đi...”
Bà Ngọc Hoa gục xuống khóc nức nở. Bảnh ôm lấy bà vuốt ve:
“Tin anh đi, anh sẽ không để con hư...Nó còn nhỏ, mình từ từ dạy nó...Đi em. Ăn tí gì nhé. Ăn rồi mình nghỉ trưa.”
Hắn gọi lớn:
“Chị Mùi, đem phở lên cho bà.”
“Có ngay, thưa ông chủ.”
Tiếng trả lời của chị Mùi như một lời hạ nhục. Bảnh nuốt xuống. Không sao mà. Đâu lại vào đó. Miễn sao, tối ngày mai, mẹ hắn sẽ ung dung bước vô cái nhà này mà ai cũng vui vẻ hết.
Buổi chiều, Bảnh đã làm hòa được với chị Mùi. Thì cũng chỉ là tiền thôi. Chị Mùi cũng như hắn, giống nhau y hệt ở chỗ tham tiền, nhưng mỗi người có một cách. Từ nay phần của hắn sẽ hao hụt, nhưng hắn biết không thể làm gì hơn.
Đêm hôm đó, bà Ngọc Minh êm rơ trong vòng tay của Bảnh.
“Nhé, em nhé, em đừng làm mẹ buồn!”
“Thì do ở anh ăn ở với em....”
“Anh ăn ở với em như nào em đã biết mà. Mẹ anh khổ lắm, chồng chết từ khi còn trẻ, ở vậy nuôi con cho tới ngày nay. Mẹ anh cực khổ lắm chứ không như mẹ em đâu...bà ngoại mấy đứa số sướng...”
Bà Ngọc Hoa dấu tiếng thở dài...Bà nhớ tới ông dượng ghẻ, nhớ gốc gác ba cha bảy mẹ của mình. Bảnh hôn hít bà cho qua đi:
“Nhé, anh biết em thương anh mà. Anh cũng thương...thương đây này, thương đây này...”
Bà Ngọc Hoa run lên. Khi giận bà cũng run, mà khi khoái cảm bà còn run nhiều hơn. Bảnh khác xa ông chồng cũ...Lúc này thì ông trời có sập bà cũng chẳng cần biết nữa. Trên mái nhà, mấy con mèo vờn nhau kêu thảm thiết như muốn gào thi cùng tiếng kêu ú ớ của bà Ngọc Hoa.
Trong đôi mắt nhắm nghiền của Bảnh, bóng một con tầu đang xầm xập đâm tới, hắn mơ hồ tiếng bà mẹ kêu, vẫy hắn.
...
Chuyến tàu suốt sẽ ghé ga Bình Triệu vào khoảng 9 giờ. Nhưng cái đồng hồ xã hội chủ nghĩa, dây thiều làm bằng dây thun, nên nó cứ chạy ngược kim đồng hồ, trễ dăm ba tiếng là chuyện thường.
Bảnh đến sớm từ lúc 8 giờ để gặp thằng em trước. Hai anh em ngồi ở một quầy cà phê lộ thiên, bên cạnh những hàng quán mọc lộn xộn, hủ tíu, bánh canh, cơm sườn, cơm tấm, bánh canh giò heo, bún bò, cùng với hàng tiểu đội bán hàng rong, thi nhau rao inh ỏi. “Bánh cam đây, bánh cam đây”. “Bánh ít nhân dừa nhân đậu đây.” “Mía ghim. Mía ghim. Mua đi cô, mua đi dì. Mua đi chú. Mía ghim. Mía ghim”. “Dây thun, kim băng, dầu gió, mua dô, mua dô”. Cứ thế, chừng đó âm thanh tranh dành nhau nổi lên không có phiên chợ nào địch nổi. Bảnh đẩy gói thuốc ba số qua cho thằng em:
“Tao nhức đầu ù tai với chị dâu mày còn hơn thủa bom dội ngoài Bắc nữa. Bà chị dâu mày khó kinh hồn luôn...”
“Cái gì? Anh nói bom ở đâu?”
“Tao nói chị dâu mày đó. Nội việc điều đình với chị dâu mày, tao mất mấy kí lô, khi thì dữ, khi hiền...đâu phải dễ ăn đâu.”
“Vậy anh xong rồi chứ?”
“Không xong cũng phải xong...”
Người em cầm điếu thuốc chưa buồn đốt khói:
“Còn em thì sao đây? Vô lẽ cứ chui nhủi ở bến xe bến tàu hoài. Em cực hết chịu nổi rồi.”
“Thôi mày. Vô tới đây, sống chui sống nhủi vậy cũng còn cha người ta rồi. Để chuyện mẹ xong tao mới tính tới được. Đâu có một lúc bắt người ta chịu một lần mấy gánh...Mày chịu khó đi.”
“Gì? Anh bảo gánh gì đây. Thôi nghe, ở ngoài tôi đã gánh phân từ năm lên bảy, anh biết mà...”
Bảnh nói như hét:
“Mày điếc quá. Tao nói là để từ từ, bắt chị dâu mày gánh một lúc không nổi đâu.”
“Vậy tới bao giờ mới được?”
“Bao giờ thì tao chưa dám nói, nhưng tao sẽ có cách. Để mẹ sống yên đã, cốt là lo cho mẹ trước.”
“Vâng.”
Thằng em giọng yếu xìu. Lúc này nó mới đốt thuốc lá.
“Nhiều đêm ngủ không được vì lạnh, em muốn đeo tàu về ngoài cho xong...”
“Mày đừng có nói hờn nói dỗi. Mày đeo tàu ra ngoài là tao có phước. Tiền lo cho mày đâu giết ai ra mà lấy, tao phải làm thêm. Chị dâu mày tuy con ông lớn nhà cửa bề thế nhưng tiền bạc chưa có bao nhiêu, tao ở trong ruột rồi tao mới biết. Việc lỡ là tại mầy không nghe lời tao...”
“Anh biết cuộc sống ngoài đó khổ ra sao rồi mà. Nếu không tranh thủ vào đây thì không biết đứa nào sẽ chết trước đứa nào chết sau. Con Chiêm lao phổi ho ra máu mà không có thuốc.”
“Mày câm mồm đi. Mấy chuyện đó tao biết rõ rồi. Nói hoài.”
Thằng em đẩy ly cà phê ra xa:
“Uống cà phê vào chỉ thêm xót ruột. Anh biết...”
“Hà...Tao biết. Muốn ăn chứ gì? Ở cái đất Sài gòn này muốn cất đầu lên là phải biết nhịn trước, nhịn cái bụng, nhịn cái giận, chứ như mày thì còn lâu mới ngóc đầu lên...Để tao kêu cho, mày ăn hủ tíu hay bánh canh.”
“Cơm sườn đi. Ăn cơm cho chắc bụng. Đợi biết giờ nào tàu tới.”
“Chín giờ tàu tới, sắp rồi. Mày ăn nhanh lên.”
“Cứ thong thả, con mười cái sắp nữa. Em là thổ công ở đây, em biết rành...”
Đúng như lời thằng em nói, hai anh em chờ qua chín giờ, con tàu vẫn còn ở đâu. Thằng em ăn xong tay cứ rút thuốc lia lịa, bao thuốc mới nguyên, coi mòi đã xẹp lép.
“Mày coi chừng, hút vừa phải. Chưa làm ra tiền, bày đặt làm gì thế?”
“Lâu lâu gặp anh mới hút được điếu thuốc ngoại, còn lúc khác nhịn thèm không. Anh cất thuốc đi...”
Bảnh lấy gói thuốc nhét ngay vào túi.
“Tao ghét mấy cái mặt đàn ông con trai hở một tí là dỗi. Mày tính đàn bà, khó cất đầu lên. Tao thất vọng mày quá.”
Thằng em cúi gầm mặt xuống bàn, bất mãn ra mặt. Hai anh em không còn chuyện gì để nói với nhau, mà Bảnh lâu lâu rút một điếu thuốc ra mồi rồi cất bao thuốc trở lại túi. Thằng em đứng dậy đi tới thùng thuốc mua, mồi một điếu, còn lại, vất mấy điếu thuốc đen lên cái ghế con dùng làm bàn.
“Mày rồi cũng lủng phổi như con Chiêm.”
“Tại em không có số đỏ như anh.”
Hai anh em chờ tới mười một giờ, tàu mới xình xịch tới. Đâu phải thấy tàu là thấy người đâu. Bọn con buôn đông như kiến, kẻ trên người dưới, kêu gọi, ném hàng xuống như mưa, không giỏi tránh dám bể đầu dẹp mặt. Hai anh em lớ ngớ chờ mãi cho đến lúc đám con buôn làm xong “công tác” mới đến gần. Tới ba bốn toa tầu mới thấy bà già khệ nệ xách cái hòm sắt cũ dòm lui dòm tới.
“Mẹ ở đây, anh Hai”.
Thằng em kêu toáng lên. Giọng bà mẹ lớn không kém:
“Ối giời ơi, tưởng “nạc nuôn” ở ga chứ “nị”. Người đâu mà “nắm” thế”. Thằng Hai đâu?”
“Anh Hai. Mẹ ở toa này này. Lẹ lên.”
“Mẹ”
Anh con trai lớn ôm chầm lấy mẹ, cứ như Tây, còn hôn đánh chụt một cái làm bà mẹ ngạc nhiên cứ như trời trồng, há hốc mồn, mặt mày nghệch ra. Ở ngoài quê làm gì có mấy chuyện kỳ cục như vậy? Con trai lớn, mẹ phải gọi là anh Cả. Bây giờ thằng em gọi nó là anh Hai, nó đổi tên từ bao giờ mà bà không biết? Coi thằng con trắng bóc, quần áo diện còn hơn mấy ông lãnh đạo trung ương nhiều. Chà, chắc nó phải khấm khá lắm mới trắng da dài tóc, người cứ béo gói trông ưa nhìn quá. Một lát bà đưa tay quẹt mặt:
“Con “nàm ” kí gì mà kỳ thế. Người ta cười cho.”
Lạ không, thằng Cả còn kéo tay bà, cặp tay như Tây với Đầm:
“Trong Nam này khác ngoài mình mẹ, không ai ngó ai...”
“Không nhìn, bộ người trong Nam mắt thong manh hết hả chúng mày?”
Thằng em lay lay tay mẹ:
“Mẹ nói nhỏ tiếng một chút...”
“Ồn ào thế “này”, hét lớn tướng còn chưa nghe nữa “nà”...”
Bảnh bảo em:
“Thôi để tao đưa mẹ về, vài bữa gặp...”
Bà mẹ trố mặt nhìn:
“”Nà nàm” sao? “Nàm ” sao không về “nuôn” thể?”
“Mẹ về nhà rồi nói chuyện. Còn nhiều rắc rối lắm.”
“Thế mày ở đâu, anh thứ?”
“Con không có nhà, con ở đây?”
Mắt người đàn bà ở Bắc mới vô như muốn lọt ra ngoài tròng. Bà gạt tay ông con Cả đang kéo bà đi.
“Để thủng thẳng bu hỏi...”nàm” sao mà anh em không ở với nhau. Ở ngoài bu nghe nói anh Cả lấy vợ giàu, “nàm” sao đối xử với em vậy, anh Cả.”
Bảnh đỡ cái rương, còn một tay dìu mẹ. Thằng em cầm tay mẹ giật giật:
“Bu về với anh Cả đi, nhiều chuyện chưa nói được...rồi bu sẽ hiểu mà...”
Bảnh nhăn mặt:
“Mày bỏ lối kêu “bu” đi có được không? Từ nay, bu xưng mẹ chứ không xưng bu nữa, mẹ nhớ dùm cho...”
“Nạ thiệt. Bu là bu, từ xưa tới giờ có phải gọi gì khác đâu nào. “Nắm” chuyện.”
Thằng em lủi mất tăm. Bà mẹ gọi với mấy tiếng, rồi bị thằng anh kéo đi. Đến chỗ gửi xe, lấy cái Honda ra, bà nhìn chiếc xe như nhìn con quái vật:
“Đi xe “lày” à? Chịu thôi. “Nại” ngồi đằng sau! Không được, bu chóng mặt té bể đầu “nà” chết.”
“Mẹ ngồi thử coi. Mẹ kỳ quá, đã nói đừng xưng bu nữa...”
“Không được “nà” không được.”
“Thôi để con gọi xe xích lô cho mẹ rồi con đi kèm vậy.”
Bảnh gọi xe xích lô. Bà mẹ leo lên ngồi, hai chân kẹp lấy cái hòm sắt, tay còn đè chặt.
“Sao mẹ không ngồi cho thong thả một chút. Mẹ bỏ tay ra cho thẳng người...”
“Nghe nói ở ga Sài gòn cướp nhiều như đĩa, hãi quá. Ở trên tàu bu có dám rời cái hòm một phút nào đâu...”
“Ối giời, ăn cướp nó cũng nhìn mặt. Cái hòm của mẹ vất vào mặt chúng, chúng cũng quay đi. Mẹ lo cái gì...”
“Có một mớ áo quần con ơi...Còn quà mua cho chị ấy nữa...ngoài đó chẳng có gì, chỉ có kẹo gì đó gửi mua từ ngoài Hải Phòng kia, cái gì nu nu...”
“Kẹo nu-ga hả mẹ? Thứ đó trong này không ai dám ăn, đau bụng tiêu chảy mà chết.”
“Thằng...người ta không có mà ăn, nói gì sang thế.”
Bà có vẻ giận ngầm thằng con. Nhưng rõ ràng từ thằng Bảnh chăn trâu, rồi thằng Bảnh đi bộ đội, hình ảnh ốm đói, sầu thảm ngày nào, như không còn dính dấp gì với thằng Bảnh lúc này nữa. Coi cái dáng nó ngồi xe ngang tàng làm sao. Nó mà về được ngoài quê, bà nở mày nở mặt với làng nước phải biết. Một lát sau, làm thinh không được, bà phải hỏi con:
“Sài gòn có vậy thôi sao? Bu nghe nói...”
“Má đừng hỏi, má có hét con cũng không nghe...”
Đúng vậy. Xe xích lô chạy nhanh hơn xe kéo ở ngoài Bắc nhiều. Xe qua toàn bãi đất trống, mãi lâu mới vào đoạn đường có nhà cửa. Sài gòn đó. Bà nhong mắt lên mà nhìn. Rồi xe vô thành phố, nhà cửa hàng quán san sát, ngang qua nhiều cửa hàng còn mở cửa, đèn đuốc sáng trưng, bà ngửi thấy cả mùi thơm của thức ăn. Sao mà thơm nức cả mũi.
Đến mấy con đường xe cộ nườm nượp, ngã tư đèn xanh đèn đỏ, bà già bắc kỳ lần đầu tới thành phố hoa cả mắt. Vừa lúc xe đổ lại.
“Tới rồi, mẹ”
“Nhà nào đâu? Căn phố thôi à. Sao nghe nói vi-la nhớn lắm.”
Bà già có vẻ thất vọng. Bảnh nghe mẹ chê mặt mày không vui. Đã dặn ở nhà thức chờ sao hai cánh cửa sắt kéo kín thế kia. Bảnh lay mạnh.
“Chị Mùi. Chị Mùi. Mở cửa.”
Hắn quay lại nói với mẹ:
“Có một căn phố ở đường Tự Do này, ông tướng cũng còn ham. Mẹ chẳng biết gì hết.”
“Thế à. Anh Cả đừng chấp bu quê mùa...”
“Khổ quá, đừng có xưng bu được không?”
“Ừ, thì bu...à, mẹ đã biết gì đâu. Anh Cả đừng trách.”
Cánh cửa sắt kéo ra. Chỉ có chị Mùi mặt mày còn ngái ngủ.
“Bà đã về, chị Mùi.”
“Thưa Bà.”
“Dạ, chào cô.”
Bảnh gắt:
“Đây là chị Mùi, giúp việc cho vợ chồng con...”
“Giúp việc, bu cứ tưởng chị ấy....”
Bảnh thở ra, lắc đầu. Chị Mùi cố gắng giữ để khỏi bật cười:
“Mời bà. Bà đưa cái hòm cho con.”
“Ừ. Chị hộ tôi một tay. Chị tử tế quá.”
“Bà đâu?”. Bảnh hỏi.
“Dạ bà chờ không được nên đi ngủ lâu rồi. Có dọn cái phòng trong cho bà ở. Mời bà theo con.”
Bà cứ ngỡ là mình ngủ mơ. Anh Cả giỏi thật. Trong Nam giàu có quá. Hồi chưa thống nhất, nghe tuyên truyền mặc dù đã nhiều kinh nghiệm, nhưng vẫn hãi hùng. Toàn nhà tranh vách đất, đâu đâu cũng đồng khô cỏ cháy, trẻ con thiếu ăn chết như nạn đói năm Ất Dậu. Bây giờ bà chính mắt nhìn thấy, ít học, ngu dốt như bà cũng nghĩ ra, à, quân cướp có bao giờ thèm đi viếng nhà kẻ nghèo khó. Ở ngoài Bắc, dân phải đổi câu “nói dối như cuội” thành “nói dối như Vẹm”.
Bà nhìn quanh, cả một căn phòng lớn bày kín bàn ghế. Chúng nó mua bán kiểu gì đây? Bà không kịp hỏi, vì Bảnh đã đẩy bà vào trong:
“Khuya lắm rồi, mẹ. Mẹ cất hành lý, rửa mặt rồi đi ngủ...”
“Thế chị ấy...”
“Vợ con nó ngủ sớm lắm, mẹ. Sáng mai con đưa vợ con chào mẹ. Đây này, mẹ vô phòng này...”
“Giường nệm cơ à...?”
Bà trố mắt.
“Con mới cho đi mua giường nệm mới cho mẹ đó...”
Bà ngồi xuống, hơi hốt hoảng vì cái nệm lún xuống, đưa cả hai chân lên. Bà cười rúc rích:
“Êm ghê cơ. Bu nằm bộ ván từ dạo đó, hãi lắm, rệp nó làm tổ chi chít, dội nước sôi cũng chẳng hết được.”
Chị Mùi đứng đằng su lưng Bảnh, nhưng hắn biết chị ấy đang muốn cười thối cả ruột.
“Mẹ có đói không? Chị Mùi, làm thức ăn cho bà..”
“Khỏi. Bu ăn quà trên tàu hỏa no nức bụng...sao mà “nắm” quà thế.”
“Dạ bà chủ có bảo cháu nấu cháo gà sẳn. Cháu lấy bà ăn.”
“Để dành ngày mai, sao phí thế. Nấu cả một nồi cháo gà...”
Bảnh nhăn mặt. Tưởng giải phóng xong, Bắc Nam thông thương, bà già văn minh ra được một chút, thế nhưng bà vẫn bùn hóa bùn thêm. Chiến tranh hay hòa bình gì thì nông thôn vẫn khổ như nhau.
“Mẹ nghỉ đi. Khuya lắm rồi...”
Bảnh đi ra. Bà nghe tiếng bước chân xa dần. Bà thất vọng quá, tưởng bao năm tháng xa cách, thằng con trai sẽ ngồi nán lại, hỏi thăm đàn em, chuyện nhà chuyện cửa, hàng xóm láng giềng ai còn ai mất. Vậy mà lúc bà đi, cả xóm trong xóm ngoài đều gửi lời hỏi thăm “anh Cả nhà chị.” Chỉ còn chị Mùi, hướng dẫn cho bà biết nơi nào rửa mặt đi cầu, rồi cũng rút lẹ.
Bà vào nhà tắm, loay hoay mãi không biết gài chốt cửa cách nào. Máy nước, bồn tắm, thật là những thứ xa lạ với bà. Ở quê, cả nhà bà chỉ cần một lu nước và một cái gáo dừa là đủ. Chị người làm có vặn thử nước cho bà biết, còn nói một bên nước lạnh một bên nước nóng. Bà tần ngần trước hai vòi nước không biết mở bên nào, cuối cùng bà chọn nhằm vòi nước nóng. Nhấc tay lên, bà thầm mừng là không bị bỏng tay.
Ở trên lầu đèn đuốc tắt hết, trừ một ngọn đèn chụp xanh nhỏ ở góc tỏa một thứ ánh sáng mờ nhạt. Con Lựu ngủ ở phòng trước một mình. Trong ánh đèn mờ ảo, con bé nằm ngủ say như chết, hai chân dạng ra và vạt áo kéo lên hở một khoảng bụng. Bảnh đắp lại tấm mền mỏng cho con nhỏ, rồi ra phòng sau.
Bảnh nhẹ nhàng thay quần áo trong ánh đèn ngủ, sợ phá giấc ngủ của bà Ngọc Hoa. Nhưng khi hắn nằm xuống, lăn tới bên bà, vòng một tay qua ôm thì bà Ngọc Hoa cất giọng:
“Về muộn vậy?”
“Thì ra em chưa ngủ?”
“Chưa”.
Giọng bà nhát gừng, lạnh lẽo. Tại sao vậy? Bảnh dò:
“Em mệt.”
“Không.”
“Đã đón mẹ về rồi.”
Im lặng. Bảnh phải lên tiếng:
“Tàu trể cả hai tiếng đồng hồ.”
“Vậy à?”
“Em có vẻ không vui?”
Bà đáp tỉnh queo:
“Vâng...”
Bảnh sát tới ôm chặt vợ vào lòng, nhưng bà gỡ ra:
“Ngủ đi.”
Bảnh không buông.
“Vợ chồng đã thỏa thuận với nhau xong xuôi, em làm sao thế? Nếu em không bằng lòng anh đã không đưa mẹ anh về đây.”
Bảnh nghe tiếng bà Ngọc Hoa cười gằn giọng:
“Không về đây thì anh định đưa bà về đâu? Bộ anh có chỗ riêng...”
Bảnh cứng họng. Bảnh chưa thua ai về đối đáp, nhưng con đàn bà này khi tàn nhẫn thì không cách gì can nổi...Giờ đâ anh chỉ muốn cho xong chuyện, anh đổi giọng:
“Anh thấy hai đứa con của mình cũng cần có người chăm nuôi săn sóc. Anh nghĩ là mẹ anh sẽ coi hai đứa như cháu ruột. Ba hiền và thích con nít lắm...”
“Chuyện đó tính sau, bây giờ ngủ đi...”
“Anh không ngủ”
“Vậy em ngủ.”
Bà Ngọc Hoa quay mặt, muốn làm bộ lạnh lùng. Bảnh biết cách mà. Chỉ có làm cho bà vui mới xóa tan mọi bực dọc trong lòng. Hắn vuốt ve vợ.
“Anh cám ơn em nhiều lắm, em đã tốt với anh...”
Hắn vói tay vặn ngọn đèn ngủ sáng lên thêm một chút. Bà Ngọc Hoa không thích yêu nhau trong cảnh tối tăm, bà sẽ không nhìn thấy bà và Bảnh trong tấm kiếng lớn ở bức tường đối diện chiếc giường lớn. Giọng người đàn bà đã nhừa nhựa:
“Đừng, người ta buồn ngủ lắm...”
Bảnh không chịu thua. Vùng vằng một lúc, bà Ngọc Hoa chịu lâm trận. Vì bà là một nữ tướng nên khi ra trận là phải phải hò hét tưng bừng. Sau cùng, giọng bà hiền dịu như một gái con nhà:
“Vâng, mai tính. Ngủ đi cưng.”
Bảnh không chờ tới tiếng thứ hai. Mắt anh cụp xuống lúc nào không biết, tiếng ngáy của hắn đều đều làm át cả tiếng quạt máy chạy vù vù.
Dưới nhà, bà già ở Bắc mới vô cũng thao thức không ngủ được. Trăn qua trở lại, tấm nệm dưới lưng êm ái làm sao! Đến chết bà cũng không mơ tưởng có lúc đặt lưng lên một tấm nệm êm ái như thế này. Bà nói thành tiếng:
“Thằng Cả giỏi thật...”
Bây giờ bà hiểu tại sao, hồi còn trẻ, lúc đấu tố địa chủ, bà là người hăng hái nhất, chửi bới, ném đá, lòng hừng hực hận thù...Chỉ vì trong cả thời trẻ trung của bà, chỉ mơ có một cái áo lành lặn, nhưng chưa bao giờ bà thay được chiếc áo vá chằng vá chịt, mà bà địa chủ, lúc nào cũng quần lĩnh láng bóng.
Cũng có thể vì sáng quá bà không ngủ được. Loay hoay mãi, bà không biết cách nào tắt ngọn đèn sáng trưng ở giữa phòng. Cuối cùng bà úp mặt xuống gối, đầu bà lắc hoài. Bảnh thật. Đúng là con người ta có số, trong chừng đó anh chị em chúng nó, tại sao ông chồng bà đặt tên nó là thằng Bảnh, nó phải bảnh chọe. Bà mỉm cười hoài cho tới lúc quá mệt, bà ngủ thiếp đi.
.
Cái loa cuối xóm bắt đầu kêu đánh thức thiếu nhi thôn quê dậy tập họp, tập thể dục trước khi ra đồng hét tướng tới muốn rách màn nhĩ con người ta. Bà Muội bừng tỉnh. Sáng chói như đang trưa mùa hè ở sân nhà. Dụi mắt. Không phải, cái thứ ánh sáng đèn điện trắng sữa bệnh hoạn ghê ghê, và bà như đang bồng bềnh trên mặt nước.
Nhớ ra rồi, lưng bà êm ái trên nệm, bà đang ở trung tâm thành phố nổi tiếng đẹp và văn minh nhất nước, mang tên bác. Đêm qua thao thức làm bà dậy muộn. Thường bà dậy sớm lắm, khối việc ra mà làm...làm đến tối mịt vẫn chưa hết việc. Còn hôm nay, tay chân rảnh rang cũng làm bà khó chịu... Bà vào phòng tắm rửa mặt súc miệng. Súc miệng thôi, chớ cái bàn chải đánh răng chị Mùi hướng dẫn để sẳn, bà dùng không quen. Gớm, trong Nam này rắc rối thật, mỗi người có bàn chải đánh răng, khăn mặt riêng. Ở quê, bà chỉ súc miệng, vỗ nước lên mặt, xoa xoa mấy cái bằng bàn tay rồi kéo vạt áo lên quệt sạch nước là xong. Hôm nay bà mới có thì giờ nhìn kỹ cái phòng tắm. Lạ quá, tắm phải đứng trong cái bồn bằng sứ. Còn cái hầm cầu như vầy làm sao ngồi. Bỏ hai chân lên mà ngồi cao quá, mà trắng bóc, láng trơn, ngã bưu đầu ra chứ lỵ...
“Mẹ dậy rồi hả mẹ...”
Lúc bà vừa ló đầu ra đã đụng mặt Bảnh.
“Sao mẹ dậy sớm thế.”
“Thế “lày” mà còn sớm ở “lỗi lào”...Ngoài bu dậy từ lúc mờ sương kia.”
“Mẹ đừng so sánh vậy. Trong này người ta sống sung sướng lắm. Ngủ phải tới chín mười giờ sáng...”
“Giờ mấy giờ rồi?”
“Có tám giờ sáng, mẹ.”
“Chết chửa, ngủ tới tám giờ cơ à...”
“Hay mẹ đói bụng rồi. Con kêu con Mùi hâm cháo nóng cho mẹ nhé.”
“Gượm, đợi chị ấy dậy rồi cùng ăn luôn thể.”
“Mẹ đói cứ ăn trước, nhà con mười giờ mới dậy.”
(bắt đầu ra bài phần dưới đây)° hàng 219. Bà mẹ ngớ cả người, trố mắt nhìn con. Chưa đời thủa nào bà thấy con dâu ngủ tới mười giờ sáng.Từ lúc tỉnh dậy tới giờ, bà thấy nhà cửa lặng thinh lặng ngắt. Một lát bà thấy chị Mùi mở cửa sau đi vào, hỏi, chị bảo đưa hai cô đi đến trường. Chị Mùi cho biết hai cô là con của bà chủ. Trời đất, con bà là trai tân, sao lại lấy đàn bà có hai con? Mấy chuyện này anh Cả dâu biệt, bà chẳng hay biết gì. Chị ở dọn cháo, đang đói, bà ăn lấy no, chớ thật tình, trong lòng bà trăm mối ngổn ngang, bà chẳng biết ngon hay dở nữa.
Thằng con trai xuống hỏi thăm bà mấy câu cho có lệ, rồi loay hoay nấu nước, pha cà phê.
“Anh Cả làm gì thế?” Bà hỏi.
“Con nấu nước pha cà phê. Mẹ uống thử nhé.”
“Trên tàu bu có uống thử, đắng đắng là...”
“Mấy thứ cà phê bắp rang cháy đâu có ngon gì mà mẹ uống. Để con pha mẹ uống thử, bảo đảm ghiền luôn.”
Bà để ý giọng nói của đứa con trai, tiếng Bắc lai Nam nghe không có vẻ lịch sự cho lắm. Nhưng coi tướng tá thằng con càng nhìn càng ưa. Những nét giống ông ấy đâu hết rồi? Thằng Cả vẫn giống cha, nhưng ông ấy cục mịch quê mùa, không so bì được. Bảnh thấy mẹ nhìn mình rồi cười cười, hơi ngượng, mặt hây đỏ.
“Bu nghĩ không ra, hẳn là anh Cả giống thày như tạc, nhưng bu thấy anh Cả giống mà vẫn khang khác...?”
“Lại bu nữa, phải xưng mẹ cho quen. Con giống thày mà lại khác thày, mẹ nói con không hiểu...”
“Ờ, lạ nhỉ? Có giống mà có khác, anh Cả trông bảnh hơn...”
“Thì con là Bảnh mà, dỹ nhiên...”
Bà ngoác miệng ra cười. Nhưng lưng chừng, nụ cười khựng lại. Thằng Bảnh thì như vậy, coi đã Bảnh lắm, còn thằng Bao, sao lại lủi vô bóng đêm và sống ở bến xe?
“Này anh Cả...”
“Gì, mẹ?”
Đang băn khoăn trong lòng, nghe thằng Cả gọi tiếng “mẹ”, bà cảm thấy như được rửa bớt một lớp bùn quê mùa.
“Mẹ muốn biết chuyện chú Bao, hai anh em sao không đùm bọc nhau? Mẹ muốn biết hiện giờ em con ra “nàm” sao, sống như thế “lào”?”
Bà đã sửa được tiếng “bu” cứ chực ở miệng.
“Chuyện không nói xong một lúc, rồi mẹ sẽ hiểu thôi. Em Bao tuy chưa có nhà cửa nhưng dầu sao đã vô tới miền nam cũng không chết đói...”
“Mẹ biết, anh Cả thương em, thương gia đình. Bu...à mẹ, một đời cực khổ nuôi các anh chị...”
Bảnh đã pha xong cà phê. Anh khui hộp sữa đặc.
“Mẹ uống cà phê với sữa không đắng đâu.”
“Ừ, anh để đó. Bu...à mẹ muốn nói tới con Hợp. Lấy chồng có hai năm nách hai đứa con, thằng chồng bị tai nạn lao động, gãy cột xương sống nằm một chỗ...Gì cơ? Anh nói trợ cấp? Trợ cấp là cái gì? Tiền nhà nước bồi thường...bu chưa nghe qua bao giờ. Em gái con phải vất vả lắm, năm ngoái không nhờ số tiền anh gửi về, bu..à mẹ chia cho thì đã chết đói cả “nũ”.
Bảnh không muốn nghe, muốn nhắc tới một vấn đề mà lâu nay đối với hắn là một sự nhục nhã. Để có số tiền năm ngoái gửi về cứu nguy gia đình, hắn đã “đi khách” nát nước với bọn bê-đê khu Tự Do này. Nhớ lại là hắn nổi gai ốc, muốn nổi điên loạn la hét. Dầu sao bây giờ hoàn cảnh cũng khá hơn, hắn cất mặt lên được với mẹ.
“Chị ấy ra sao, con nhà thế “lào”?”
Bà không dừng được, lại hỏi.
“Mẹ à, sao mẹ lắm thắc mắc thế. Nhà con hiền lắm, chỉ có cái thẳng tính, nói trước để mẹ đừng có chấp.”
“Bu thích người thiệt thà thẳng tính chứ...nhưng con cái nhà ai?”
Bảnh nhăn mặt:
“Mẹ à, người ta là cành vàng lá ngọc. Con của một nhà đại cách mạng, rồi con ghẻ của một ông tướng, rồi con nuôi của chủ tịch nước...không phải thứ lơ mơ đâu...”
“Lạ chưa kìa. Con nhà đàng hoàng sao cha này cha nọ nhiều thế? Có một mẹ sao lắm cha...”
“Mẹ không hiểu. Thôi, mẹ nhỏ giọng một tí chứ.”
Bảnh lơ láo dòm chừng phía cầu thang, mặc dù hắn biết giờ này người vợ yêu quí của hắn còn trong giấc mơ màng, tỉnh giấc mơ đôi khi qua giờ cơm trưa là chuyện rất thường.
Đúng như Bảnh đoán, lúc bà Ngọc Hoa trở dậy, đồng hồ đã qua khỏi con số mười hai. Bảnh phải lên lầu xuống lầu tới ba bốn lần mà không dám thúc dục. Uống xong một ly cà phê sữa to tổ chảng do Bảnh đem hầu tận giường, bà còn tắm táp, gội đầu, quấn, xấy tóc. Tất cả những việc này đều phải có sự phụ giúp của Bảnh, như kì lưng, gội đầu, thoa dầu lên người, nắn bóp. Bà chủ Ngọc Hoa như ghiền lối thoa nắn của Bảnh lúc nằm dài trong bồn tắm. Ở đây, sự tấn công tình cờ dễ xẩy ra, và lúc nào Bảnh cũng làm xong nhiệm vụ một cách đàng hoàng, tường tận...Thêm một chiếc hôn dài lúc dìu bà chủ ra cầu thang, nét mặt của bà Ngọc Hoa đã tươi dịu như một hiền phụ.
“Mẹ đang chờ em...”
Bà bước xuống. Trong lòng dững dưng không hề có một cảm xúc nào dành cho người đàn bà mà Bảnh gọi là mẹ. Tuy vậy, khi gặp người đàn bà dáng dấp rất quê mùa đang lớ ngớ chờ mình, bà Ngọc Hoa cũng đon đã:
“Thưa mẹ.”
“Dạ, không dám. Chị đây là...”
“Dạ thưa mẹ, vợ con.”
“Mẹ đi đường chắc mệt. Đêm qua tàu tới muộn, con mệt quá chờ không được...”
“Không sao...Gặp chị là bu....”
Bà ngưng ngang. Cái tiếng bu bà đã nuốt vô trong bụng, chờ cho nó tiêu hóa rồi, sao nó lại nhảy phóc ra miệng..
“Mẹ đang mệt, đêm qua lạ nhà không ngủ được...”
Bảnh châm chế cho mẹ.
“Ừ, lạ nhà khó ngủ thật cơ.....Ừm ừm ừm...m..e...mẹ thấy vui “nà” không thấy mệt...”
Nói vui mà lòng bà bỗng dưng hiu hắt. Bà đã sửng sờ khi gặp con dâu. Chị ta to cao, da thịt nây núc, lồ lồ trong bộ quần áo xoa thêu mỏng dính. Áo quần gì mà để cả hai cái vú ra ngoài cho người ta thấy hết. Mà chị con dâu bà còn trẻ trung gì đâu, ngữ này cũng trên ba mươi. Coi người ngợm thế này, ăn mặc thế này, mắt đĩ dại vậy, thằng con bà khổ là cái cầm chắc rồi. So ra, chị con dâu hơn con trai bà ít nhất cũng 10 tuổi, nói chuyện thì anh anh em em, vừa khó nghe vừa như đôi đũa lệch.
Bà lấy cái gói gói ngoài bằng giấy báo đen ngòm, đo dáy, trịnh trọng đưa cho cô con dâu:
“Mẹ đặt mua ngoài Hải Phòng cơ, kẹo nu...nu gì đó, người ta “lói” ngon lắm.”
“Dạ, cám ơn mẹ.”
Bà Ngọc Hoa nhận cái gói rồi ơ hờ đạt vào cái kệ bên tường. Bà Muội chột dạ. Sao không thấy chị ấy có vẻ thích gì hết? Còn bà Ngọc Hoa, không thấy động tĩnh gì bên ngoài thì cau mày:
“Sao giờ này mà chưa mở cửa hàng?”
“À, anh bảo mấy đứa sáng nay nghỉ, chiều mới mở. Đón mẹ, mình nghỉ một buổi cũng không sao, em...”
Bà Ngọc Hoa im lặng. Bảnh hiểu là bà đang cố nhịn. Bà nhịn được là giỏi rồi, không nên chọc cho con cọp đang ngủ vùng thức dậy đánh hơi người. Bảnh nhanh nhẩu:
“Hay thôi, anh ra mở cửa nhé...”
“Được mà, hôm nay đón mẹ, nghỉ một buổi được. Mẹ đã ăn uống gì chưa? Chị Mùi...”
“Bu...à mẹ chưa đói mà, ta chuyện một lúc....”
“Con đói bụng rồi. Ăn thôi.”
Chị Mùi đã biết thân, chợ búa, lo xong bữa cơm, bày sẳn. Ba người tấp vô bàn ăn. Bà Muội hỏi:
“Còn các cháu đâu?”
“Chúng nó ở trường. Hôm nay bà ngoại cho lính đón về bên đó.”
Bà Muội ngớ người ra. Không hiểu bà ngoại bên đó làm tới chức gì mà mọi việc có thể sai lính làm, kể cả việc đi đón con nít. Biết mẹ thắc mắc, Bảnh giải thích:
“Ông ngoại “ghẻ” làm lớn lắm, vì vậy mỗi khi bà ngoại tụi nó muốn đón cháu về thì sai lính lái xe hơi tới trường đón về...”
“Xe hơi?”
Bà Muội thốt lên thành lời. May bà giữ được cái lưỡi không cho le ra.
“Vâng xe hơi. Mai mốt tụi con đủ tiền cũng mua xe hơi đưa mẹ đi chơi. Phải không em?”
Bảnh vừa cười vừa choàng tay qua vai vợ. Bà Ngọc Hoa bận nuốt cơm không trả lời, chỉ gục gặt đầu.
“Ở ngoài Bắc, mấy ông ở trung ương mới được đi xe hơi...”
“Mẹ à, mấy ông ở ngoài Bắc còn lâu mới sánh mấy ông ở trong Nam, bên tối bên sáng là đã rõ...”
“Anh Cả nói khẽ chứ. Bụi tre có lỗ tai nghe, nhỡ ra đi cải tạo khổ lắm...mà còn bị đì ba đời....”
Bảnh cười lớn:
“Mẹ đừng lo quá, con biết cách mà.”
“Ối giời, đừng nói biết. Không ai biết cái “dách” gì cả, tù thì cứ tù. Thằng Giàu em anh đó, chỉ vì con mẹ cán bộ huyện không ưa mà cũng đi tù ba năm...”
“Mẹ đừng so chuyện ở quê chứ. Đây là nơi gần ánh mặt trời mà mẹ, phải có khác.”
Chỉ có hai mẹ con nói chuyện với nhau. Chị con dâu cứ cắm cúi ngồi ăn. Nhìn cái mặt chị ta, có cái gì lành lạnh, tàn nhẫn làm bà Muội thấy gờm. Cái mặt đã thế mà tính tình con lẳng lơ đĩ thỏa nữa. Ngồi khít rịt bên con trai bà, còn gác cái đùi to như đui voi lên đùi con bà, dưới gầm bàn nữa.
Ăn xong, lay quay một lúc, mấy cô phụ việc đến, cửa hàng mở. Còn bà chủ thì kêu mệt, phải lên lầu ngủ trưa thêm một giấc. Vậy là Bảnh cũng lên theo. Dưới nhà, chỉ còn một mình bà Muội với chị Mùi, nhưng chị Mùi thì bận túi bụi với nhà cửa, mớ chén bát, còn phải nấu nước sôi cho ngoài cửa hàng cà phê. Bà Muội phụ chị Mùi làm sạch đống chén bát, xong chẳng còn gì để làm nên chị Mùi đi ra châm nước sôi, bà đi ra theo. Chị Mùi đi vào, bà cũng đi vào. Ra vô mấy lần, bà mới chú ý tấm hình lớn treo ở phía trên cửa nhà ngoài thông vô nhà trong. Hình chụp một cặp đàn ông đàn bà đứng bên nhau. Chú ý một lúc, bà nhận ra và giật nẩy cả mình. Hình ông này treo ở các huyện, phường ở quê bà. Các buổi họp học tập cũng đều phải treo ảnh ông ta, đồng chí chủ tịch nước Lê Duẫn. Còn người đàn bà đứng bên cạnh là ai? Chắc vợ ông ta? Bà tò mò hỏi thì chị Mùi cho biết:
“Người đứng bên là bà ngoại của xấp nhỏ. Lớn lắm nghe, bà.”
Nghe mà muốn xỉu lăn đùng luôn. Bay tiêu cả hồn vía. Bây giờ thì bà không còn thấy chị con dâu không trẻ trung, xấu xí và đĩ thỏa nữa, mà đã có một cái uy làm bà càng lúc càng e dè, khiếp sợ. Nếu không có chị Mùi thì bà đã quì xuống, van vái ông chồng: “Ông ơi, ông không sống mà xem con giai ông, một bước mà lên ông lớn. Thày nó, nhớ phù hộ cho con...”
Bà chảy nước mắt.
.
Cô Liên hôm này diện bảnh. Quần jean, áo sát nách cổ rộng, bên ngoài khoác một chiếc áo jean cùng màu. Bộ đồ vía do một thủy thủ Đông Đức tặng, cô quí lắm. Ở xóm cô, ăn mặc như vầy là đã khiến cho người ta nói lắm rồi. Lạ, ai thì cũng có hai cái chân để đi, vậy mà khi cô đi thì mấy bà mấy cô trong xóm dè bỉu: “Cái tướng đi xà lượn”, nây nây cái đít, đúng là thứ làm gái.” Bà mẹ Liên kêu khổ: “Con ăn mặc vầy coi không đặng, con ơi, chín phương thì cũng để dành một phương...để có tấm chồng.” Chồng chẳng là cái gì để cô lấy làm quan trọng. Quan trọng là cái mạng sống của cô đây nè. Vi trùng lao ăn rách hai lá phổi rồi, mỗi lần khạc đờm là có giây máu sợi hồng sợi đỏ làm mặt cô Liên xanh rờn, muốn xỉu luôn.
Cô có hẹn với Lan Ngầu Pín. Ai biết tại sao bọn con trai trong xóm đặt cho Lan cái tên dị hợm này. Dù vậy, để phân biệt Lan Thủ Thiêm, một con ba trợn chuyên môn đi đò trên sông Sài gòn ban đêm, vừa làm gái, vừa “mai mối”, với Lan cùng xóm, Liên cũng đã quen gọi Lan này là Lan Ngầu Pín. Tên với tuổi, cũng chỉ là phân biệt người này với người kia. Nói thì vậy, chớ như Liên, trong giấy khai sinh có cái tên khó nghe quá, Lé. Bà mẹ đổ tại hồi nhỏ cô lé chằng lé chịt, ai ngờ đâu, lớn lên, con mắt hơi lé mại lại là một cái duyên kinh khủng.
“Bữa nay cô Liên đi Sài gòn?”
Chú Mười chạy xích lô trong xóm đang ế độ, ngồi vắt vẻo trên xe, ngay đầu hẽm.
“Ừa, chú chạy được không?”
“Chạy thì chạy, nhưng con Lé đừng có nợ nữa, mấy chuyến rồi, chú Mười mấy hôm nay ăn cháo, đạp hết nổi rồi đây...”
“Được chú Mười. Tối nay cháu đón chuyến tàu Đông Đức, chắc có thằng bồ của cháu. Gọp lại cháu trả hết cho chú. Nhưng từ nay chú đừng gọi cháu là con Lé nữa, tên đó nghe không đẹp.”
“Chớ gọi là gì, bây nói nghe coi?”
“Cháu đổi tên Liên lâu rồi...”
“Ha ha, từ nhỏ tao gọi bây là con Lé, bày đặt đổi là Liên. Cũng được, con Liên. Leo lên tao chạy.”
“Bác bỏ mui được không? Nắng còn gắt quá.”
“Bỏ mui khó đạp lắm, sức tao yếu rồi, mày còn trẻ, có chút gió chớ mặt mày tái bầm, mày thấy hôn? Mày thoa son trét phấn mà tao vẫn thấy da mày bạc nhách à, mày thức khuya quá...”
Sợ chú Mười khơi tới việc làm ăn của mình ra, Liên né tránh:
“Hôm qua hai bác uýnh lộn phải không? Cháu nghe nói công an khu vực phải tới xử”.
“Mẹ nó, công ăn khu tật thì có, khu vực dách gì? Con Lé, à con Liên coi...thời buổi củi châu gạo quế này mà bả mê mấy ông tướng, xáp sòng suốt ngày. Thằng công an khu vực còn binh, vì mấy cái sòng bài trong xóm phải đóng xâu cho nó. Tao thì còng lưng suốt ngày không có ăn, mà bả...”
“Sao bác không kiếm cách lọt vô đường Tự Do, toàn mối khách ngoại không hà, sộp sida luôn.”
Bác Mười thở ra. Lại sida. Cái giống gì cũng sida hết. Từ ngày nước Thụy Điển có công ty Sida viện trợ quần áo cũ cho Việt Nam thì đi đâu cũng nghe tiếng sida. Quần áo si da người ta cho, nhà nước đấu thầu, con buôn đem bán, rồi chữ sida trở thành xấu hoắc, thằng đó là đồ sida, con đó sida quá...mà giàu,sộp, bảnh cũng sida luôn, muốn hiểu sao thì hiểu.
“Lọt vô được tới đó cũng sida lắm, con Lé. Tao già rồi, sức hơi bao lăm nữa, tiền đâu mà đóng hụi chỗ. Mày làm ăn trên đó có cách gì giúp tao hôn?”
“Ở đâu có ông thần “cách mạng” ở đó rồi, chú. Cháu thì sức mấy..., cũng sida luôn.”
Chú Mười cười hố hố. Sức mấy thiệt. Coi cái con Lé này, ốm nhom mà xanh mướt như tàu lá chuối. Ngồi trên xe, trời nắng chang chang, nóng hết biết mà ho cứ khúc khắc hoài. Nghề làm gái nó “tổn âm” lắm.
“Con Lé nghe tao khuyên, đi khám hai lá phổi coi.”
Liên chột dạ, cô không muốn ai biết bịnh hoạn của mình. Sổ khám bịnh Hồng Bàng phải đi hàng tháng luôn luôn cất giữ bên mình như bản án tử. Thuốc lao ngoại đắt như vàng, không dùng cái thân đổi lấy thuốc thì thần chết đã “chém” lâu rồi. Bán cái thân khô mà nuôi lá phổi rách để sống. Phải, cô còn thèm khát sống lắm. Cô còn trẻ. Bầu trời còn xanh, mặt trời sớm mai đẹp, hoàng hôn cô biết buồn. Nhìn bông hoa, cuống lá, yêu dấu quá. Làm thế nào mà nhắm mắt bỏ tất cả mà đi sớm được!
“Mày chết đi, tao còn đỡ khổ, đỡ nhục”. Cả bà mẹ nữa, thương con một kiểu cách gì kỳ cục quá. Tiền cô đem về vẫn mua gạo thổi cơm, ăn ngon lành, nhưng cái thân cô dày vò thì bị chửi lên chửi xuống. Lấy đâu đem đồng tiền sạch sẽ về? Đồng tiền còn nhơ nhớp hơn, qua tay hàng trăm hàng vạn người...Còn cô, cô chỉ qua tay mấy người ngoại quốc, để kiếm tiền mua thuốc, dỗ dành đám vi trùng lao, ăn ít đi, để lá phổi rách từ từ...cho cô thoi thóp sống...thoi thóp cũng được.
Chú Mười không đạp vô con đường Tự Do, dừng lại tuốt từ nhà thờ Đức Bà. Cảm phiền đi bộ vậy, giang sơn nào anh hùng nấy, chú không thích nhìn mấy cái mặt đồng nghiệp nghinh nhau. Cũng là xích lô cả mà còn phân chia giai cấp ranh giới.
“Nhớ tối về, qua đưa tí tiền để tao cúng bà...bà nào nữa, con bà chằng tinh ở nhà đó.”
Liên mỉm cười, vòng vô lề đường đi dưới những tàng me cho tóc bay bớt mùi khét nắng. Đến đây thì cô không còn sợ ai, bỏ áo khoác ngoài cầm tay. Cái ví da đeo lủng lẳng kéo trễ thêm cổ áo xuống càng lộ rõ bộ ngực thê thảm của cô. Mọi lần cô mặc sú- chiêng độn mút, nhưng mấy thằng cô hồn Đông Đức đã lột mấy miếng mút độn ra mà đùa nghịch làm cô khổ sở, nên cô bỏ luôn. Nhớ thời con gái mới lớn mà tiếc, cô Liên nổi tiếng là con Lé bưởi Biên Hòa, nói cho ngay, ngực của cô không to được bằng trái bưởi, nhưng nó nây nẩy làm mấy thanh niên trong xóm gặp cô là hai mắt dán sát...và tai nạn xẩy ra làm cô hư thân luôn cũng vì đôi trái bưởi kia. Một tối, cô theo bạn đi coi hát về, vô xóm bị bọn con trai e lại, chúng lôi cô vào khu rạch sau xóm để “ăn bưởi”. Chỉ bị một lần đó thôi, sự sợ hãi và đau đớn tột độ làm cô chai sạn dần. Những lần sau đụng độ với mấy thằng Đông Đức to như con kênh công, cô cũng không còn một cảm giác nào nữa. Nhiều lúc, cô với con Lan nằm gát chân tâm sự cả đêm, nói tới chuyện đó, con Lan kể cảm giác đầu tiên được gần gũi thằng bồ mà nó yêu thương, Liên thương thân mình quá. Con Lan nói: “Bởi, hễ đụng trận với thằng nào, tao nhắm mắt lại, cứ coi như thằng bồ ruột của tao là tao cảm thấy khoái chí tử.” Nó làm “gái” cả hai năm, mà thằng bồ nó đi nghĩa vụ về vẫn tìm gặp nó, cho tới mới đây, nghe tin thằng bồ ruột chết ở Campuchia, nó khóc mấy ngày rồi cũng quên tuốt: “Cũng không sao, thằng bồ tao có sống tụi tao cũng đâu có lấy nhau được. Rồi nó nghe gia đình lấy vợ, còn tao vẫn làm nghề của tao, chỉ thêm tức. Vậy là con Lan cứ tươi như hoa, “làm nghề” với ai, cứ nhắm mắt lại là coi như thằng bồ nó. Còn Liên, càng nhắm mắt, càng tủi thân. Hai trái bưởi càng ngày càng teo tóp, khô queo, như trái cây bị ong chích, càng ngày càng đẹt.
Lan đã chờ Liên trước nhà hàng Hương Lan. Nó chụp tay Liên liếng thoắng:
“Tàu tới từ hồi trưa, tao gặp thằng Hen rồi. Nó hẹn tối nay nó với thằng An-dy sẽ lên, gặp nhau ở quán Bạch Ngọc.”
“Mày đặt chỗ với thằng Bảnh chưa?”
“Xong. Uống cà phê, coi phim. Phòng. Tính chẳn một đêm.”
“Đồ ăn bẩn, nó chém mạnh quá.”
“Biết tính sao, chỉ có chỗ đó là an toàn. Ủy Ban, công an phường ăn lương tháng làm việc, mày. Mà ê, mày biết không, bọn con Quê, con Chiến lóng này lên nước lắm nghen mày. Nó cũng tới đòi bao đủ mục nhưng thằng Bảnh không cho. Mấy con nhóc đó, lâu lâu mới chài được một thằng ngốc, không đủ cho ông Bảnh chùi miệng, đời nào ổng chịu.”
Liên thở ra:
“Thì cũng cho tụi nó làm ăn với. Tụi nó cũng khổ như mình. Mẹ, làm bao nhiêu cũng chỉ cúng cho nhà ông Bảnh.”
“Có chỗ mà cúng còn hơn không, tao ớn cứ đứng với ngồi trong mấy bụi cây ở công viên. Có bữa mày biết không, kiến nó bu nó cắn tao muốn chết luôn.”
“Cắn đâu?”
“Đâu nữa. Có cái “muôi” để làm nghề thì bị kiến nó đốt sưng vù, đau muốn chết.”
Vậy là quên hết, hai cô cười ré, xô đẩy nhau. Trước khi phải làm việc vất vả, hai cô cũng cần bồi dưỡng. Kéo nhau vào nhà hàng Hương Lan, hai ly nước cam vắt, một dĩa thịt bò lúc lắc để ngồi nhâm nhi. Anh chàng nhạc sĩ cũng vừa mới tới, có vẻ trể giờ nên anh ta hấp tấp đến tội nghiệp. Ngồi vào cây đàn là đánh liên hồi. Không phải đánh đàn đâu, mà dộng, mà đấm. Vẫn là “Trường Sơn Đông, Trường sơn tây”, vẫn là”Tiếng chày trên Sóc Băm Bô” thì anh nhạc sĩ làm sao mà đánh đàng hoàng được.
Anh đến trể vì phải đưa vợ vô xưởng đẻ. Giờ này anh không biết vợ sinh nở ra sao, trai hay gái? Bỏ một buổi đàn không xin phép trước một tuần lễ là có thể bị đuổi việc ngay ngày hôm sau. Vợ đẻ, anh cần tiền biết mấy, đâu có thể ngồi phòng ngoài mà chờ nghe tiếng khóc con chào đời...Anh có nhìn xuống, thấy Nhung xì ke, tay chống lên cằm, ly bia còn đầy ở bàn, nhưng anh không nhếch môi cười chào được. Coi cô “nữ chúa sì ke” này hôm nay có điều gì bất bình mà thuốc gắn môi không rời, hai ba cái vỏ chai không trên bàn. Bộ quần áo, mấy tháng rồi chưa thay, cô ta còn ghếch cái chân ở ghế bên cạnh. Cái miệng chù vù, lâu lâu văng tiếng “đ m” làm anh phục vụ cứ liếc liếc nhìn cô, thắc mắc không biết có phải cô ta văng tục với mình không.
Ngồi ở nhà hàng Hương Lan cho tới lúc phố lên đèn thì hai cô đổi địa điểm xuống hầm Thái Sơn. Mấy cái nhà hàng mang nhãn hiệu nhà nước vẫn là nơi an toàn nhất, mặc dù công an chìm nổi dày như lưới. Người ta rình mò bọn phản động kia, còn loại “gái” này thì cũng là một công cụ “câu khách ngoại” cho nhà nước. Với lại ở đâu có thuế “nọc” ở đó rồi, có mà chạy lên đàng trời. Nhìn quanh, không chỉ có Liên và Lan, mà còn nhiều nhóm khác nữa, cũng đang trong tình trạng chờ “khứa” như hai cô. Cũng phải gọi hai ly nước để giữ bàn. Không sao, nhà hàng mang tiếng “chém ngọt” này, cũng ít khi chém được bọn “gái”, vì hồi sau, lúc nào cũng có kẻ “đỡ” trả tiền...Một lúc quen dần với ánh đèn mờ ảo, Liên khều Lan:
“Coi con Lê, nó đi với kép nào vậy?”
“Coi bộ vó đeo đồng hồ vàng, quần với áo kia đúng là “cán”, không chạy vào đâu nữa”.”Thứ đó còn leo lên đâu được nữa. Không biết thằng cha còn bộ răng vàng không? Nếu có đúng là dân “cán” có chốt.”
Rổi rảnh, hai cô tha hồ mà nhìn ngắm, phê bình. Tuyết Chà cũng vừa mới vô bàn. Cô đi với anh chàng nhạc sĩ đánh đàn ở nhà hàng. Trông anh chị sắc diện không được vui, Tuyết Chà bì bì cái mặt trông rõ. Họ nói chuyện nhỏ thôi, nhưng coi có mòi gay cấn, vì lâu lâu, Tuyết chà quắc mắt, nghiến răng. Anh nhạc sĩ có cầm tay cô, nhưng cô rựt tay ra, ngây nguẩy.
“Cãi nhau mày. Ai dè đâu, già đời, lõi gốc như bà Tuyết mà mê đắm thằng “cán nhạc”. Bởi không ai nói mình khôn tới tuổi nào...”
Lan lắc đầu. Vừa lúc đó quán nhốn nháo hẳn lên. Đám thủy thủ tàu Đông Đức vừa đưộc lên bờ, đi tìm gái, tràn vào điểm hẹn. Các cô ngoắt, gọi nheo nhéo. Lan và Liên cũng tìm được hai anh kép ngoại nên rối rít đóng kịch mừng vui. Cả hai bên đều dùng thứ tiếng Anh “bát nháo”, cử chỉ, tay chân nhiều hơn bằng mồm. Tên bồ của Lan ngồi chưa yên chỗ đã nựng cằm, thọc tay rờ rẫm. Lan lo lắng nhìn quanh, rồi cố gắng nói, đập tay, buộc anh ta ngồi ngay ngắn lại. Anh bồ của Liên nghiêm trang hơn, họ cầm tay, nhìn nhau đằm thắm. Liên đang hy vọng vào anh thủy thủ này. Anh đã hứa bao nhiêu lần sẽ tìm cách bảo lãnh cho Liên ra ngoài chữa bệnh... Trong đám thủy thủ tàu này, Liên thấy hắn hiền lành và thật thà và dễ moi tiền nhất.
Đến giờ hẹn chính, Lan và Liên đến quán Bạch Ngọc trước ngồi chờ. Quán này không đông khách lắm, đó là chủ ý của chủ nhà để khỏi gây sự chú ý của láng giềng và phường khóm...
Ngồi một lúc hai cô được được đưa lên lầu một cách kín đáo, khách trong quán tưởng như hai cô đã ra về lúc nào không ai hay. Hai tên thủy thủ Đức cũng được bố trí như vậy. Ở trên lầu, họ được đưa vô một căn phòng kín đáo, có nước giải khát, rượu ngoại, trái cây và coi phim “con heo”. Không ai để ý tới con Lựu, kín đáo bắt ghế coi lén từ một kẻ hở cửa sổ, không biết bên trong ra sao mà con bé há hốc mồm, đôi mắt lờ đờ và hai chân đứng trên ghế cứ dạng ra, khép vô như đang đánh nhịp theo điệu nhạc.
Dưới nhà, bà Muội bắt một cái ghế ở phòng trong lén nhìn ra phòng ngoài. Bà đâu biết làm gì cho hết thì giờ. Thằng con trai có sắm cho bà mấy bộ đồ mới, theo kiểu trong Nam, áo bà ba vải xoa ngoại, quần xoa đen. Bà cũng đã bỏ cái khăn quấn tóc, mà chải gọn ra sau. Cô con dâu có biếu một cái trâm bằng đồi mồi, bà gài tóc coi gọn ghẽ, văn minh hẳn. Nhưng sự đón tiếp, vui mừng của thằng con buổi đầu cũng nhạt dần rồi. Chỉ hai ba hôm sau, không ai còn biết sự có mặt của bà trong nhà nữa. Thằng con trai của bà, suốt ngày bận bịu công việc cửa hàng, có giấc trưa thì ở miết trên lầu. Tối, sau 12 giờ đêm, đám khách lẻ tẻ trên lầu đôi lúc còn nán trể, hai ba giờ sáng, vợ chồng mới đi ngủ là thường. Còn bà, vẫn còn quen thói ở quê, cứ tám giờ tối là mắt ríu lại, mà 5 giờ sáng, không ai gọi cũng tất bật trở dậy. Bà không hiểu trên lầu có cái gì ở trển mà hết cặp này lên, cặp kia xuống. Lắng tai nghe, bà chỉ nghe những âm thanh ầm ồ như tiếng phát ra trong cái tivi để ở ngoài cửa hàng cho khách xem. Bà cũng thích lắm, nhưng ra ngoài cửa hàng cũng bị cản mà lên lầu cũng bị cản. Anh Cả giải thích:
“Mẹ đừng ra ngoài, cái tivi để chiếu phụ khi máy hát nóng, cần phải nghỉ vài chục phút. Còn ở trên lầu, họ cần yên tỉnh để coi phim.”
“Phim gì thế?”
“Phim chưởng. Phim tàu đó, mẹ, đánh nhau, múa võ, mấy cái phim này mẹ coi không tốt. Để bữa nào con thuê mấy cái phim tình cảm cho mẹ xem.”
Nói vậy rồi thằng con bà quên đi ngay. Bà biết. Như việc hứa với bà đi tìm thằng em, lo cho nó, bà đã nghe hứa đi hứa lại cả chục lần. Lúc nào anh Cả cũng bận. “Mẹ không thấy con bận bù đầu bù tai sao?” Bà biết. Đối ngoại đối nội gì cũng con bà. Chị ấy chỉ có cái uy để đó, cái thế cho con bà làm ăn. Mới đầu thấy con giai chìu vợ đến như sợ hãi, phục tòng bà cũng rầu lắm, nhưng rồi cũng phải hiểu ra thôi. Mặc dủ con bà nói từng cặp lên lầu để coi phim chưởng, bà cũng hiểu ra là họ lên làm gì trên đó. Con Lựu, coi như đứa cháu nội ghẻ của bà đã có lần nói gần lộ ra:
“Nội đừng có lên coi, mẹ không bằng lòng đâu.”
“Nhưng coi cái gì cơ, bà không biết.”
“Coi phim.”
“Phim chưởng ra sao?”
“Không phải phim chưởng, phim...như nào há? À, như bố Bảnh với mẹ của con, như là...con không được nói, mẹ đánh chết.”
Nhìn cái mặt thất thần và đôi mắt láo liêng của đứa cháu, bà hiểu. Bà còn hiểu rõ hơn là đêm hôm kia, công an xồng xộc đi vô quán, đòi lên kiểm tra trên lầu thì bà con dâu của bà giọng the thé như chuông đồng:
“Các anh đừng làm bậy nghe. Quán bán hàng, các anh kiểm tra quán chứ không được kiểm tra nhà. Lối làm ăn ở đâu vậy?”
“Chúng tôi công an quận kiểm tra đột xuất, yêu cầu chị để chúng tôi làm phận sự.”
“Anh thấy ai đây không? Tôi con nhà cách mạng đàng hoàng, các anh đừng có làm quá chứ!”
Nhìn lên, tấm hình người đàn bà chụp với ông chủ tịch nước. Công an quận tròn mắt:
“Nhưng là ai đứng bên cạnh chủ tịch...”
“Là má tôi. Bây giờ các anh biết rồi chứ?”
Nhìn nhau, ngầm thỏa thuận, ba anh công an ỉu xìu đi ra. Lát sau, hai cặp trên lầu xuống chuồn ra bằng con ngõ sau. Bảnh cười cười:
“Bà thấy chưa, ở đây an toàn còn hơn sở công an thành phố, lần sau tới nghe.”
Bà Muội nhìn tấm hình người đàn bà mà phục quá. Bà ta cũng đã qua tuổi xuân nhưng coi còn sắc sảo lắm. Bà ta cười, coi thiên hạ như pha. Còn ông chủ tịch nước kia, lạ quá, treo ở các công sở, các phường khóm, mà treo ở đây còn công dụng hơn. Để ông ta đứng gác chiếc cổng “gái” là an toàn, ăn chắc quá. Thảo nào, thằng con trai của bà, có hôm thắp hương cúng ông địa, van vái, cũng quơ quơ mấy cây nhang qua tấm ảnh, tít mắt cười. Đứa cháu nội ghẻ đứng bên, dọa:
“Bố nghe, con mách bà ngoại cho coi...”
“Tầm bậy, bố làm gì đâu nào....”
Quán đã trống khách. Chỉ còn cô con dâu ngồi trên quầy, mở ngăn kéo đếm tiền. Bảnh đứng một bên, choàng tay qua vai vợ âu yếm. Sao bà ngắm hoài mà vẫn thấy con giai và con dâu như đôi đũa lệch, so le. Không biết thằng con bà có thấy bà đang ngấp nghé nhìn không, mà nó cúi xuống chòng ghẹo con vợ. Thằng sổ sàng quá. Còn chị con dâu, sao mà đĩ thỏa lẳng lơ, cái tướng này chỉ hút hết sức lực của con giai bà.
Quá mười hai giờ đêm, Bảnh mới tùy từng dịp, mở cửa sau cho hai người khách và hai cô gái đi ra, người cửa trước người cửa sau. Bà Muội lắc đầu hoài. Con cái nhà ai mà khổ quá. hai thằng kia người gì vậy? Chắc là Liên Xô. Hai thằng to cốt đột, hai đứa kia như hai con cá mòi, mấy hồi mà chết sớm. Bà thở ra, bước vô phòng, con bé Lệ trở mình, quờ tay tìm bà nội. Từ ngày bà vô nhà này, con bé đeo riết bà, ăn ngủ gì cũng là bà. Chị Mùi rảnh tay lo phụ ở cửa hàng đắc lực hơn nên vợ chồng Bảnh vui lắm. Còn bà Muội, đêm nằm ôm đứa cháu nội của ai vào lòng, bà ngậm ngùi cay đắng làm sao. Lòng bà không thương đậm đà, đằm thắm như mấy đứa cháu ngoại con con gái bà. Con con Lựu, con bé kỳ quặc quá, nó không muốn gần ai, đi học thì thôi, về nhà, chỉ trốn vào trong góc, hay lẩn chơi một mình, kể cả đứa em, nó cũng ít khi gần gụi. Con bé chị không mụ mẫm như con em, cứ xanh rớt ra.
Bà ngủ thiếp đi, đến khoảng hai giờ sáng, bà tỉnh dậy. Lúc ra buồng tắm sau nhà bếp để đi tiểu, bà thấy bóng con Lựu đi lên cầu thang. Giờ này con bé xuống bếp làm gì? Ra khỏi buồng tắm, bà đứng tần ngần một lúc, cầm không được tò mò, bà bước lên cầu thang.
Phòng trước lầu rộng, trống không, chỉ có một cái giường kê cho con Lựu ngủ, nhưng giường bỏ trống. Bà đi qua một phòng trống nhỏ nữa, qua thêm khoảng sân lộ thiên, đến phòng sau. Đèn trong phòng anh chị cả đã tắt nhưng có tiếng gì kêu rên ở bên trong. Bà ghé tai nghe, qua khe cửa, thấy những lằn ánh sáng chớp tắt chớp tắt, tiếng ì èo rêm rim, bà không thể thấy được gì. Quành qua lối hông để nhìn vô cửa sổ, bà bắt gặp con Lựu đang đứng dạng chân trên chiếc ghế mà mắt dán vào kẻ hở khe cửa.
Bà Muội đi rón rén tới sau lưng con bé, đưa tay đụng vào người nó. Một tiếng coong khô khan của một vật sắt thép rơi xoảng xuống đất. Bà cúi nhặt, lượm cầm trong tay một cái muỗng cà phê. Con nhỏ bịt chặt miệng, chắc đang tính kêu rú lên.
“Nội hả? Làm con hết hồn.”
“Mày nàm gì ở đây thế...”
“Suỵt, nội...”
Bà nhón người, dòm vào khe hở cửa sổ. Choáng mắt một lúc, bà mới nhận ra những hình chớp liên tục trên màn ảnh. Đồ quỷ yêu gì đâu không? Trời đất, thì ra từng cặp lên lầu coi phim là coi mấy thứ này? Già như bà mà thấy mấy hình ảnh kia cũng còn đỏ mặt, vậy mà lúc nãy bà thấy con bé mặt mũi đờ ra, mà tay nó cầm cái thìa để làm gì chứ? Ngó lại, bà thấy con bé đang kéo cái quần tụt dưới mông lên.
Tiếng rên xiết trên màn ảnh, tiếng bà Ngọc Hoa ú ớ, mà thằng con bà thì luôn mồm kêu những lời tục tằn. Chịu không được nữa, bà kéo tuột con bé xuống, không may, con bé kéo luôn cả chiếc ghế đổ đánh rầm. Bên trong máy tắt, giọng con trai bà:
“Ai ở ngoài?”
Bảnh vùng dậy, khoác vội chiếc áo ngủ kiểu kimono, thắt vội giây lưng.
“Đưa súng cho anh.”
Bà Muội thấy mũi súng đen ngòm chỉa về phía cửa sổ, bà hét toáng lên:
“Đừng bắn, anh Cả. Bu đây...”
Lạ lùng chưa, kể cả Bảnh và cô con dâu bà mặt mày lạnh tanh không chút ngượng nghịu nào mà bà thì xấu hổ quá. Bảnh mở cửa đánh rầm, bà Ngọc Hoa đứng đằng sau, chỉ quấn một tấm khăn lông cỡ lớn che bớt thân thể.
“Mẹ làm gì ở đây?”
Ngượng quá, bà nổi giận:
“Làm gì hả? Thế anh chị làm gì thế?”
“Ơ hay, chuyện vợ chồng tụi con, má làm sao vậy?”
“Làm sao? Anh chị coi đây, chuyện vậy mà để trẻ con nó nhìn...hừ, vợ chồng chứ có phải giăng gió gì mà làm kỳ quá...”
Con Lựu mặt mày tái mét, đứng núp sau lưng bà nội ghẻ. Bà Muội kéo nó ra đằng trước, bà đưa cái thìa lên.
“Đó, con chị nó bắt chước. Anh chị hỏi coi nó dùng cái thìa này làm gì...”
Giọng bà run lên, muốn khóc. Xấu hổ quá đi chớ. Bà không tưởng được thằng con bà, sức trai trẻ như vậy mà chỉ dùng để phục vụ cho một đứa bỏ chồng mê giai. Mê đến nổi con cái chẳng ngó ngàng đến. Trai khoẻ và tiền! Bà thấm thía nổi nhục nhã của mẹ con bà, muốn vươn lên trong cái xã hội bùn nhơ này...
“Bu tưởng vợ chồng anh chị...”
“Mẹ à, thì chuyện vợ chồng nào chẳng vậy. Chỉ tại tụi con không dè...con nhỏ nó tò mò....”
Bà nguây nguẩy đi xuống. Một lúc bà nghe tiếng con Lựu khóc la trên lầu. Nó bị đòn đã hẳn là tội, nhưng hỏi mẹ nó như thế, làm sao nó không hư. Bà thở ra, xuống bếp lấy ly nước uống cho dằn cơn tức, chị Mùi, chừng như cũng biết chuyện, hỏi:
“Bà chưa ngủ hả bà...”
“Ừ, giời nực là nực....”
Lắng tai nghe tiếng con Lựu khóc tru tréo, chị Mùi lắc đầu:
“Tội nghiệp nó lắm, bà. Có lần cháu còn bắt gặp nó với thằng Hiếng, hai đứa cùng coi, trong làm gì tụi nó bắt chước nhau làm như vậy...”
“Chuyện này lâu chưa?”
“Dạ từ ngày cậu Bảnh đem mấy cái phim đó về chiếu, con Lựu rình coi riết rồi hư...”
Bà hỏi lần chị Mùi ra được nhiều chuyện, chồng chị ấy bị tù như thế nào, chị ấy bỏ chồng ra sao. Chuyện con Lựu đi chơi với bọn bụi đời, coi phim lén và ảnh hưởng đủ chuyện, chuyện thằng Hiếng lâu lâu bị con Lựu dụ, nhưng chuyện của chị và Bảnh thì chị dấu biệt. Chị Mùi còn tiết lộ thêm trước đây Bảnh kiếm được nhiều tiền nhờ “đi khách” với bọn “bê đê”. Bê đê là cái gì, chị Mùi phải giải thích mãi bà mới hiểu.
“Cậu Bảnh hay hẹn khách ở sau con hẽm này, bà. Trước đây hẽm này do bọn xì ke chiếm đóng. Sau phường dẹp nhưng thỉnh thoảng họ vẫn lén lút “chích choác” ở đây.
Cái hẽm sau, bà biết, gần như bỏ không. Mấy căn phố ở đây không ai dám dùng hẽm sau để đi vào nhà, bất cứ giờ nào cũng có thể xẩy ra chuyện bất trắc.
Đêm, bà Muội trằn trọc mãi. Anh Cả sống thế mà thằng em thì chui rúc ngoài bến xe, nay no mai đói. Không được, bà đã biết cách ép anh chị ấy phải lo cho thằng em.
Không biết canh mấy nữa, ở thành phố không có tiếng gà gáy cho bà đóan. Nhưng lúc bà thiếp ngủ thì ngoài đường tiếng xe cộ bắt đầu nhộn nhịp.
Mấy ngày sau, Bảnh mời công an khu vực tới nhà “nhậu”, nhưng không phải “nhậu suông, mà có công tác:
“Cái hẽm đằng sau “nhộn” lắm. Tụi xì ke, ma tuý thường họp ở đây, tui muốn giúp cậu về mặt an ninh này.”
“Tui rất nhiều việc, ông biết đó. Nếu ông phụ tui lo an ninh con hẽm sau này thì tốt quá.”
“Không những đã an ninh mà còn...có tiền uống cà phê lai rai...”
“Nói coi?”
“Tôi tính cho thằng em nó đặt cái bàn may nhận mối may và canh giữ hẽm luôn. Làm cửa trước, bắt cây dựng một căn gác, nhưng phía sau để thông cho mọi người đi ra đi vào chứ không bít hẽm, thằng em tui ở trên gác...”
Bảnh dúi vào túi cảnh sát khu vực một cái phong thư. Công an khu vực ơ thờ...
“Được, làm sao thì làm đừng để tổ dân phố phản ảnh là được.”
“Tui biết cách mà, cậu yên trí đi.”
Bảnh có gặp sự phản đối của bà Ngọc Hoa, nhưng cũng điều đình dễ dàng thôi.
“Mẹ đã ngõ lời, vợ chồng mình không tính thì mẹ buồn, bà đòi ra Bắc lại...”
Trong thâm tâm bà Ngọc Hoa, không mong gì hơn là người đàn bà nhà quê đó đi đâu cho khuất mắt. Nhưng rồi cũng gượng lời.
“Tùy anh, nhưng đừng làm quá tui không nhịn nổi đừng trách...”
“Biết, anh biết mà...”
Bảnh đã quen nịnh vợ. Còn biết cách làm hạ cơn hỏa trong lòng bà Ngọc Hoa nguội rất mau. Và mỗi lần như vậy, câu chịu phép của bà là:
“Đồ nham nhỡ...Con khỉ.”
Mắng vậy rồi bà tự cười thầm. Bảnh giống con khỉ thật, người da thịt trắng bóc mà lông lá mọc vô trật tự lắm. Hỏi, Bảnh trả lời tỉnh bơ:
“Có lai là lai tây chứ không phải lai khỉ đâu. Chuyện này phải hỏi bà già, dạo đó tây đi lùng vùng quê, “càn quét” dữ lắm, mà bà già là gái quê xinh xỉnh là xinh...”
Vậy là êm, chỉ chừng một tuần sau, một căn gác lửng dựng chiếm con hẽm, nhưng phía dưới căn gác, chỉ có hai cổng đóng bên ngoài, còn bên trong thì tuồng luông, cho bà con trong xóm ra vào... Trước cửa có một bảnh hiệu “nhận sữa quần áo” nhưng máy may thì để tận trên căn gác. Cậu em trai kế của Bảnh là Bao, nghiểm nhiên ngồi trấn thủ căn nhà chiếm đường hẽm này. Thêm một cái bảng “bán bánh cuốn nhân thịt”, do chính bà Muội sáng sáng ngồi tráng bánh bán. Bàn ghế thấp kê dọc theo con hẽm, rồi từ từ thêm cà phê lề đường sáng sớm, và chè buổi tối.
Không lâu, phía sau con hẽm biến thành một nhà chứa bình dân, tối tối ghế nhỏ được thu dọn để thế vào ghế bố, ghế bố dựa tay, dành cho những kẻ ít tiền không vào được cửa trước. Họ không được coi chiếu phim, nhưng họ coi phim sống, tự diễn, tự đóng và tự cùng xem. Con Lựu, từ ngày bị đòn không béng mãn lên lầu coi lén nữa, những tuồng phim sống sau hẽm cũng hấp dẫn không kém. Con Quê, mới đó mà đã rạc rày quá, có lúc ế, nó cũng đành nhập vào đạo quân bình dân trong sau con hẽm này.
Bà Muội coi như đã vững vàng, đang nghĩ cách đem vào Nam đứa con thứ ba mà không làm phiền chị con dâu vì dạo này, trước nhà và sau hẽm đã có sự canh tranh, chị con dâu khó chịu với mẹ con bà ra mặt, đến nổi Bảnh phải thu xếp:
“Mẹ làm gì cũng từ từ, vợ con nó thấy bị ép nhiều rồi...”
“Giời ơi, những khách có tiền nào thèm cái xó sau hè. Bao nhiêu miếng ngon, anh chị ăn hết, có chút cặn chút xái cho mẹ sống, em sống mà chị ấy cũng ganh sao?”
“Khônbg phải vậy đâu mẹ, nhưng đây là nhà của vợ con, mình đang nhờ...”
“Nói nhờ là mẹ không bằng lòng. Việc làm ăn phát triển phía sau là do thằng Bao chịu khó, do mẹ chịu khó. Anh sợ vợ thì cũng sợ vừa vừa thôi chứ!”
Sự sứt mẻ là hẳn nhiên rồi. Bà Muội, mới từ Bắc vô, quê mùa và thật thà như đếm thế, mà chỉ nháy mắt, đã trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Bà đã biết ăn vận theo thời, áo thêu, quần đen, thỉnh thoảng còn diện đồ bộ hoa hòe hoa sói nữa. Trên đôi môi đã kéo da răn rúm xung quanh, bà tô son đỏ chót. Chiếc khăn vấn tóc đã vứt đi, bà cũng đi phi-dê tóc cao lên, và kẻ lông mày thật đậm trên đôi mắt đã sụp mí. Anh con thứ thì:
“Mai mốt con làm nhiều tiền, con đưa bu đi cắt lại đôi mắt là trẻ ra...”
“Ối giời, mẹ già rồi, còn đẹp với ai nữa...”
Nói vậy nhưng bà cười tít mắt. Anh con thứ tên Bao cũng cười nhưng lắc đầu. Chịu thôi, miền Nam ghê thật, anh Bảnh mình thay đổi đã đành, mình thay đổi đã đành, còn bu...sao có thể thay đổi nhanh như vậy được. Ai dạy bà mà bà đã biết cầm đầu hụi tháng, hụi ngày với mấy cô gái điếm. Nhớ lại mà tiếc, lúc bu tóc vấn khăn, ăn trầu, áo nâu quần thâm, tuy trông quê mà bu anh đẹp theo dáng quê, còn bây giờ, cái tỉnh thành trong cái dáng quê, trông người chẳng ra người ngợm chẳng ra ngợm, bu anh trong mắt anh nhẹ thể đi nhiều quá.
Nhưng thôi. Suy nghĩ chỉ làm nhức đầu. Ăn cái giải gì mà suy với nghĩ. Cứ sống, coi người ta sao mình vậy. Người ta sao mà mình không vậy thì cũng không tồn tại được. Anh còn phải vươn lên nữa, không hơn thì cũng bằng anh Bảnh mới chịu được.
“Mày làm gì thì cũng từ từ, chị mày mà giận lên là “bể” hết. Tao cảnh cáo mày trước.”
Bảnh cũng rõ tham vọng của người em, nói. Không phải dằn mặt đâu. Bao cũng hiểu, cũng đã chứng kiến cơn điên khùng của bà chị dâu. Nhưng thây kệ, tới được bậc thang nào thì cứ bước cái đã, khi nào hụt chân hãy hay.